Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Ban biên tập yêu cầu tôi viết một bài về Đức Mẹ cho tập kỷ yếu của Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, nhưng không chỉ định đề tài. Thiết tưởng chủ đề thích hợp hơn cả là “Sedes Sapientiae”, một tước hiệu mà Thánh Gioan Phaolô II đã muốn đặt làm quan thầy cho tất cả các đại học công giáo[1], và chắc chắn cũng thích hợp với học viện của chúng ta. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của tước hiệu này.
I. NGUỒN GỐC
Trong kinh cầu Đức Bà, “Sedes Sapientiae” được dịch là: “Toà Đấng Khôn ngoan”. Nếu muốn dịch sát thì phải viết là “Ghế” (hoặc: “Ngai”) của sự Khôn ngoan (hoặc: của Cao minh, Thượng trí)[2]. Đối chiếu với các ngôn ngữ khác: Seat of Wisdom (tiếng Anh), Trône de la Sagesse (tiếng Pháp).
Tước hiệu này được tặng cho Đức Maria từ thế kỷ XI-XII (do các tác giả như thánh Phêrô Đamiani, thánh Bênađô), và trở thành chủ đề không những của các khảo luận thần học, mà còn cho rất nhiều nghệ phẩm (hoạ phẩm, điêu khắc) được trưng bày ở các thánh đường hoặc viện bảo tàng.
Tự nó, thuật ngữ sedes sapientiae ám chỉ chiếc ngai của vua Salomon được mô tả trong Sách Các Vua (1V 10,18-20) như sau: “Vua làm một cái ngai lớn bằng ngà và dát vàng ròng rất tinh vi. Ngai có sáu cấp, phần trên của lưng ngai thì tròn; hai bên chỗ ngồi có tay tựa, đứng sát tay tựa là hai con sư tử, và mười hai con sư tử đứng trên sáu cấp ở hai bên”. Vua Salomon được Chúa ban ơn khôn ngoan vượt bực, danh tiếng đồn văn khắp thiên hạ (1V 5,9-14). Vì thế, ngai của Vua Salomon trở thành “ngai của đức khôn ngoan”.
Khi áp dụng cho Đức Maria, thuật ngữ này có thể được giải thích theo ba nghĩa: 1/ Đức Maria được ví như vua Salomon, biểu tượng của Đức Khôn ngoan, ngự trên ngai. 2/ Đức Maria là ngai toà cho Đức Kitô là Đấng Khôn ngoan. 3/ Đức Maria là tiêu biểu cho người Trinh nữ khôn ngoan của Tân ước. Chúng ta hãy điểm qua các ý nghĩa đó.
II. NHỮNG Ý NGHĨA
1. Đức Maria, Đấng ngự trên ngai của Vua Salomon
Vào thời Trung cổ, vài bản văn phụng vụ áp dụng Đức Mẹ những đoạn văn nói về Đấng Khôn ngoan. Điều này không khó hiểu lắm khi chúng ta biết rằng sapientia trong tiếng Latinh là danh từ giống cái, và áp dụng cho phụ nữ thì thích hợp hơn là cho nam giới. Vết tích của việc giải thích còn gặp thấy trong bài hát của linh mục Vinh Hạnh, với những lời trích từ sách Huấn ca 24,13-15:Mẹ triển dương như cây hương nam trên núi Li-ba-nô. Như cây trắc bá trên đồi Si-on. Mẹ đứng cao như cây thiên tuế xứ Ca-des, như vườn hồng Giê-ri-cô. Mẹ triển dương như cây Ô-li-va thơm tho ngoài đồng, như cây tiêu huyền mộc bên suối nước công viên. Mẹ tỏa hương thơm ngát. Như cây quế như trầm hương. Cao quý và dịu êm như mộc dược cung tiến. Ôi Ma-ri-a.
Hiểu theo nghĩa này, Đức Maria không chỉ là toà của Đấng Khôn ngoan, mà còn là Đấng Khôn ngoan[3]. Xưa kia, vua Salomon được Chúa cho ban ơn khôn ngoan vượt bực, ngày nay, Đức Maria cũng đáng được so sánh như thế, bởi vì Người là kẻ được Thiên Chúa sủng ái, được trang hoàng với đủ mọi nhân đức. Nhiều bức tranh vẽ Đức Maria bồng Chúa Giêsu và ngồi trên ngai có bảy bậc cấp, hoặc được vây quanh bởi bảy thiếu nữ (tượng trưng cho bảy nhân đức, hoặc bảy ơn Chúa Thánh Thần?), dựa trên đoạn văn của sách Châm ngôn 9,1: “Đức Khôn ngoan đã xây cất nhà mình, dựng lên bảy cây cột” (Sapientia aedificavit sibi domum, excidit columnas septem). Từ trên toà, Người mời gọi chúng ta đến học đức khôn ngoan: “Hãy đến đây, hỡi con cái loài người, hãy học cho biết điều khôn khéo” (x. Cn 8,1)[4].
2. Đức Maria là ngai của Đức Kitô, Đấng Khôn ngoan hằng hữu
Lối giải thích thứ hai hợp với thần học Tân ước hơn. Trong Cựu ước, sapientia là một ưu phẩm của Thiên Chúa, được biểu lộ qua việc tạo dựng và cai quản vũ trụ. Ngài cũng thông ban sapientia cho loài người, cách riêng cho những vị lãnh đạo tài ba như vua Salomon[5]. Đặc biệt, nơi một bài đoạn văn, Sapientia ra như ám chỉ một nhân vật bên cạnh Thiên Chúa, cùng tham gia vào việc tạo dựng vũ trụ (chẳng hạn: Cn 1,20-28; 8,22-36; cách riêng Hc 24,1-34 và Kn 7,22-8,8).
Tân ước đã áp dụng những đoạn văn ấy cho Đức Kitô (Ga 1,1-18; Cl 1,15; Dt 1,3). Nói cách khác, chính Đức Kitô là “Sapientia của Thiên Chúa” (1Cr 1,24; x. Cl 2,3).[6]
Đức Kitô là Đấng Khôn ngoan. Đức Maria là “ngai toà của Đấng Khôn ngoan” bởi vì Người đã trở nên “cung điện” đón tiếp Đức Giêsu khi thụ thai Ngôi Lời nhập thể. Thiên sứ đã nói với Người rằng người con sinh ra bởi lòng bà sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, và sẽ được ban ngai vàng của Đavít (x. Lc 1,32). Mẹ cũng trở thành “ngai” cho Đấng Khôn ngoan, khi bồng ẵm Ngài trong lòng và trỏ cho nhân loại. Nhiều bức tranh vẽ “Toà Đấng Khôn ngoan” trong tư thế của Kẻ bế Hài đồng Giêsu trên lòng và trỏ cho các hiền sĩ phương Đông (x. Mt 2,11)[7].
Nhiều bài thánh thi đã diễn tả điều đó như sau:
- In gremio matris fulget Sapientia Patris: sự khôn ngoan của Cha chiếu toả trong lòng của mẹ; hoặc:
- In gremio matris sedet Sapientia Patris: sự khôn ngoan của Cha ngồi trên lòng của mẹ.
Trong một bài giảng dành cho các sinh viên ở Rôma vào dịp đầu niên học 2008-2009, Đức Bênêđictô XVI giải thích câu thứ hai theo một nghĩa rộng hơn nữa: Đức Giêsu (Đấng Khôn ngoan) ngự trên lòng của Đức Maria, biểu tượng của Hội thánh. Đức Kitô ban cho ta ánh sáng để thanh lọc khỏi những sự khôn ngoan giả dối. Nếu trung thành với giáo huấn của Đức Giêsu mà Hội thánh truyền lại, chúng ta có thể dấn thân vào việc nghiên cứu học hỏi, vì đã được thanh luyện khỏi cơn cám dỗ kiêu căng, và luôn chỉ biết hãnh diện trong Chúa[8].
3. Đức Maria, người trinh nữ khôn ngoan
Trong hai lối giải thích vừa rồi, ta thấy vai trò của Đức Maria như là “Thầy” (thấm nhuần sự khôn ngoan thần linh) hoặc như là “Nữ hoàng” (ngự bên cạnh Vua). Hai cách trình bày ấy xem ra đặt Người ở vị trí cao sang, và hơi xa cách chúng ta. Lối trình bày thứ ba muốn đưa Người gần gũi với chúng ta hơn: Đức Maria là môn sinh của Đấng Khôn ngoan. Người không còn “ngồi trên ngai của Đấng Khôn ngoan”, nhưng “ngồi dưới chân Đấng Khôn ngoan”. Người là “trinh nữ khôn ngoan” (virgo sapiens) bởi vì đã chọn phần tốt nhất (x. Lc 10,42)[9].
Đọc Tin mừng Luca, ta thấy tác giả kể lại chuỵên một cô tên là Maria ngồi dưới chân Chúa. Đó là cô Maria em của bà Marta (đang lăn xăn trong bếp). Hình ảnh này cũng có thể áp dụng cho Đức Maria thân mẫu của Đức Giêsu. Một ngày kia, một phụ nữ từ đám đông đã cất tiếng nói với Chúa Giêsu: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang ông và vú đã cho ông bú!” nhưng Chúa đáp lại: “Phải hơn, phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và noi giữ” (Lc 11,27-28). Câu nói này mang một giá trị phổ quát (ở số nhiều), cũng tựa như câu nói của bà Elizabeth “Phúc cho người tin rằng điều Thiên Chúa loan báo sẽ được thực hiện” (Lc 1,45). Tuy nhiên, các câu ấy được đặt trong một bối cảnh đặc biệt dành cho thân mẫu của Chúa. Quả thực, Người là kẻ lắng nghe Lời Thiên Chúa, khi được truyền tin (Lc 1,38), đã “ghi nhớ lời và suy đi nghĩ lại trong lòng” trước biến cố Giáng sinh (Lc 2,19) và khi gặp lại hài nhi bị thất lạc ba ngày, tiên báo ba ngày tử nạn và an táng (Lc 2,51). Người quả thật là kẻ lắng nghe và tuân hành ý của Chúa Cha hơn ai hết (Lc 9, 21; 11, 27-28), vì thế Người trở nên gần gũi hơn ai hết với Đấng Khôn ngoan của Thiên Chúa. Người đã khám phá sự khôn ngoan đích thực, sự khôn ngoan của thập giá, khác với sự khôn ngoan giả dối của thế gian (x. 1Cr 1,17-25).
KẾT LUẬN
Thật ra, cả ba ý nghĩa trên đây đều có thể kết hợp với nhau, cùng với những kết luận thực hành, như thánh Gioan Phaolô II đã cho thấy trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin ngày chúa nhật 4-9-1963 tại Castel Gandolfo[10], mà chúng tôi trích dịch nguyên văn:
Chúng ta khẩn cầu Đức Thánh Trinh nữ như là “Toà Đấng Khôn ngoan”. Đấng Khôn ngoan là ai?
1. Trong vài đoạn văn Cựu ước, cách riêng những đoạn văn được biên soạn sau cuộc lưu đày ở Babylonia, Sự Khôn ngoan được đồng hóa với Luật Mosê (Đnl 4,6; Hc 24, 1-25; Br 3, 12; 4, 1), hoặc với toàn thể Kinh thánh (Hc1, 1-3. 6-14). Những đoạn sách đáng kính này ghi lại lịch sử của Thiên Chúa đối với dân Ngài, qua đó biểu lộ Sự Khôn ngoan của Thiên Chúa, nghĩa là kế hoạch của Ngài, tư tưởng của Ngài không những dành cho dân Israel, mà còn cho toàn thể nhân loại và toàn thể vũ trụ (Hc42, 15; 50, 24; Kn 8, 8; 9, 9.18; 10, 1-19. 21). Vì thế người khôn ngoan là kẻ đọc, truy tầm Kinh thánh và tuân hành Lề Luật, để rút ra những bài học cho cuộc sống (Tv 107, 1-42. 43; Hc 50, 27-28).
Việc tiếp xúc thân mật với Sách Thánh càng trở nên quan trọng hơn nữa trong những lúc đau khổ (Gđt8, 25-29), nghĩa là khi mà đường lối của Thiên Chúa xem ra nhiệm mầu (Hc4, 17-18). Thực vậy, Kinh thánh nói: “Tư tưởng của ngài thì rộng hơn biển cả, ý kiến của ngài thì sâu hơn vực thẳm” (Hc24, 27). Nhờ được Kinh thánh dạy bảo, người đạo hạnh trở nên khôn ngoan, biết nhìn xem con người và vũ trụ dưới viễn ảnh của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, nhờ sống như vậy, họ sẽ trở nên thân mật với Chúa, trở nên con cái (Hc15, 2a), em (Cn 7, 4), bạn (Sap8, 18), hôn phu (Kn8, 2 b. 9. 16; Hc 15,2b) của Đấng Khôn ngoan.
2. Tân ước dạy cho chúng ta biết rằng Đức Kitô là “Đấng Khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr1, 24). Nơi bản thân, những lời nói và việc làm của Người, Chúa Cha mặc khải kế hoạch cứu chuộc vĩnh viễn của Ngài (x. Lc 7, 29. 30. 35). Đây là một chương trình khó hiểu, bởi vì nó trải qua sự vấp phạm của đau khổ và thập giá (1Cr1, 25).
Đức Maria là “Toà của Đấng Khôn ngoan” bởi vì Người đã đón tiếp Đức Giêsu là Đấng Khôn ngoan nhập thể vào trong trái tim và lòng dạ của mình. Với lời “fiat” lúc Truyền tin, Người đã chấp nhận phục vụ ý muốn của Thiên Chúa, và Đấng Khôn ngoan đã đặt ngai toà ở trong lòng của Người, biến Người trở nên một môn sinh gương mẫu. Đức Trinh nữ Maria trở nên diễm phúc không phải vì đã cho Con Thiên Chúa bú mớm cho bằng vì đã tự nuôi dưỡng bằng sữa cứu độ của Lời Thiên Chúa (x. Lc11, 27-28).
3. Noi gương Đức Maria, trái tim của mỗi tín hữu trở thành cung điện của Đấng Khôn ngoan là Đức Kitô. Cũng như đã diễn ra nơi người Israel chân chính với Đấng Khôn ngoan thế nào, một tình gia đình thiêng liêng giữa chúng ta với Chúa cũng nảy sinh như vậy. Chính Chúa Giêsu đã dạy: “Phàm ai thi hành ý muốn của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, thì người ấy là em và mẹ của tôi” (Mt12, 50; x. Mc3, 35; Lc8, 21).
Nguyện xin Đức Maria hướng dẫn và giúp đỡ chúng ta sống mối tương quan ấy với Chúa Kitô.
[1] Nhân dịp kỷ niệm lễ mừng Năm Thánh dành cho các giáo sư và sinh viên đại học tại Rôma ngày 10-9-2000. Nên biết là điều này đã được thực hiện tại nhiều học hiệu từ mấy thế kỷ rồi, nổi tiếng nhất là đại học Louvain bên Bỉ (ngay từ lúc được thành lập vào năm 1425, với lễ kính hằng năm vào ngày 2 tháng 2).
[2] Trong các tiếng Âu châu có hai từ khác biệt nhưng đều được dịch sang tiếng Việt là “khôn ngoan”, đó là sapientia (Latinh, wisdom tiếng Anh, sagesse tiếng Pháp), và prudentia (Latinh, prudence tiếng Pháp và tiếng Anh). “Khôn ngoan” có lẽ chỉ thích hợp với prudentia (một nhân đức trụ), còn sapientia phải dịch là: “thông tuệ, cao minh” thì mới đúng. Nó tương đương với sophia tiếng Hy-lạp, từ đó có thuật ngữ philosophia: quý chuộng minh triết. Trong bài này, chúng tôi miễn cưỡng dùng từ “khôn ngoan” vì thiên hạ đã quen sử dụng như vậy rồi, mặc dù không chính xác lắm! Xem Đời sống tâm linh tập XII, NXB Tôn giáo Hà Nội 2014, trang 77-78.
[3] Liên quan đến đức khôn ngoan, Đức Maria còn được tặng nhiều biệt hiệu khác: “Nguồn mạch đức khôn ngoan”, “Cung điện đức khôn ngoan”, “Thân mẫn đức khôn ngoan”.
[4] Trước đây, trong các lễ kính Đức Mẹ, người ta cũng dùng bài đọc trích từ sách Huấn ca chương 24 (đã gợi hứng cho bài ca của cha Vinh Hạnh nói trên đây), kết thúc với những lời: “Hỡi những kẻ khát khao Ta, nào hãy đến, hãy ăn cho no thoả hoa trái của Ta. Vì nhớ đến thì ngọt ngào hơn mật và được Ta làm gia sản thì ngọt hơn mật ong. Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống Ta sẽ còn khát. Ai nghe lời Ta sẽ không phải thẹn thùng, ai hoạt động trong Ta sẽ không hề phạm tội”.
[5] Trong Kinh thánh Cựu ước, các “sách Khôn ngoan” (G, Tv, Cn, Gv, Dc, Kn, Hc) họp thành một khối, bên cạnh khối lịch sử và khối ngôn sứ.
[6] Nên lưu ý: mỗi lần nghe nói đến “Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa” chúng ta thường nghĩ đến Chúa Thánh Thần, Đấng mà chúng ta cầu xin ơn khôn ngoan. Tuy nhiên, trong Tân ước, danh xưng này được dành cho Đức Kitô. Trong lịch sử linh đạo Kitô giáo, hai vị thánh nổi tiếng cổ võ lòng sùng kính “Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa” là chân phước Henricô Suso và thánh Louis Marie Grignion de Monfort. X. Đời sống tâm linh, tập II, trang 238 và 303.
[7] Có người gợi ý hãy đọc cảnh này như một cuộc trao đổi tặng phẩm: các nhà hiền sĩ mang lễ vật (vàng, nhũ hương, mộc dược); để đáp lễ, Đức Maria “tặng” họ Đấng Khôn ngoan.
[8] Xem bài giảng ngày 30-10-2008: www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2008/october/documents/hf_ben-xvi_spe_20081030_pont-atenei_it.html
[9] Như đã nói trên đây, trong tiếng Latinh, sapiens khác với prudens. Dụ ngôn 5 cô trinh nữ khờ dại và 5 cô khôn ngoan được hiểu về virgo prudens (Mt 25,1-13); còn ở đây, chúng ta đang nói về virgo sapiens.
[10]www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/angelus/1983/documents/hf_jp-ii_ang_19830904_it.html