Louis Lochet
Mục sư Schutz đã nhận xét rằng: Đức Trinh nữ Maria đáng lẽ phải là mối dây liên kết mọi anh em Kitô hữu, lại “đã trở thành một chủ đề gây mâu thuẫn, thậm chí còn tạo nên những chia rẽ giữa những người đã chịu phép thanh tẩy.”
Đây là một đề tài rất tế nhị trong việc đối thoại đại kết. Và đang khi có những lối biểu hiện lòng sùng kính Đức Maria được bày tỏ công khai trong những cuộc hành hương Công giáo, thì chúng ta phải nói rằng đây lại là một trong những điểm mà trên đó việc đối thoại trở nên khó khăn.
Có thể hy vọng những suy tư sau đây sẽ mở ra cho chúng ta một lối thoát không?
Chúng ta sẵn sàng đón nhận lời mời gọi của vị bề trên Tu viện Taizé gởi đến anh em Công giáo về vấn đề lòng sùng kính đối với Đức Nữ Trinh: “Cần có một sự thanh lọc để có sự thông cảm đại kết.” Chúng ta đã hiểu lầm nhau và hầu như hiểu lầm về tất cả. Anh em Công giáo xem anh em Tin Lành như “những người không tin Đức Thánh Nữ Đồng Trinh!” Còn anh em Tin Lành lại cho rằng anh em Công giáo tôn thờ Đức Nữ Trinh, một sự tôn thờ đáng ra chỉ được dành cho Thiên Chúa và Đức Kitô. Anh em Tin Lành xem sự sùng kính ấy như một hình thức thờ ngẫu tượng Maria (Mariolatrie).
Do những đối nghịch và những hiểu lầm nhau như thế, nên cảm tình của các anh em Công giáo và của anh em Tin Lành cũng chống đối nhau bằng những phản kháng có cơ sở lý luận thần học, nhưng thực ra chúng lại bắt rễ sâu trong những phản ứng tự nhiên có nguồn gốc sâu xa từ những đối nghịch quá khích của cả hai Giáo hội. Phải nhận ra điều đó: lòng sùng kính của anh em Công giáo đối với ĐứcTrinh nữ Maria được môn thần học chống cải cách nuôi dưỡng và thậm chí có khi tách rời những nguồn Kinh Thánh của chúng ta để rơi vào trong lãnh vực cảm tính. Lòng sùng kính ấy, qua những biểu hiện làm méo mó niềm tin, đã tạo ra những lý lẽ có thể làm cho sự nghi ngờ của anh em Tin Lành thành chính đáng.
Sự rắc rối này cần giải tỏa để cho cuộc đối thoại đại kết về Đức Trinh Nữ Maria được tươi sáng. Điều này giả thiết một sự giãi bày cởi mở cho nhau trên bình diện niềm tin để mỗi bên có thể tích cực trình bày niềm tin của mình; đồng thời loại bỏ những “thiên kiến” về những tín điều khác. Điều này cũng giả thiết một ý thức sáng suốt về những nguyên cớ quá khích của cảm tính, những vẹo vọ của cái nhìn do tình cảm. Sau cùng, giả thiết việc anh em Công giáo trình bày rõ ràng nội dung có tính cách Tin Mừng của tất cả những biểu lộ lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ Maria và chấp nhận một sự thanh lọc cần thiết trong những lối thể hiện bình dân của niềm tin, hầu trung thành hơn với nội dung tinh tuyền của nó trong Kinh Thánh.
1. Đối thoại về niềm tin và đối thoại trong niềm tin
Việc đối thoại giữa anh em Công giáo và anh em Tin Lành, trước hết nên đi vào chính nội dung của niềm tin, vì đó là điểm liên quan đến vị trí trổi vượt của Đức Nữ Trinh “đầy ân sủng” trong mầu nhiệm Đức Kitô.
Ở đây, chúng tôi không hề có cao vọng góp phần vào cuộc đối thoại nền tảng này, vì nó vượt quá khuôn khổ việc này và thẩm quyền của chúng tôi. Chúng tôi chỉ muốn giúp cuộc đối thoại thoát khỏi những lối diễn tả sai lầm và những ấn tượng không chính xác, làm ngăn trở công việc chuẩn bị cho cuộc đối thoại đó. Cuộc đối thoại về niềm tin đã bắt đầu và vẫn còn khẩn thiết.
Trên bình diện nội dung của lòng đạo đức và của niềm tin, phải tránh mọi chủ trương hiếu hòa (Irénisme) giả tạo, muốn đơn thuần, giản lược những lập trường của anh em Công giáo vào những lập trường của anh em Tin Lành. Nhưng khi chúng ta nhờ những nhà chú giải Kinh Thánh và các thần học gia tìm kiếm một lối trình bày không mang tính cách tranh biện cho niềm tin Công giáo và tư tưởng Tin Lành, thì dường như nhiều thành kiến của hai bên xem ra biến mất.
Khi đã đọc một quyển sách như của anh Max Thurian: Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, hình ảnh của Giáo hội, hay một bản dịch bài chú giải kinh Magnificat của Luther, hẳn anh em Công giáo không còn có thể nói: “Anh em Tin Lành không tin Đức Thánh Nữ Trinh”; cũng thế, khi đã đọc một quyển sách như của cha Tu viện trưởng Laurentin: Khảo luận thần học về Đức Maria, hẳn anh em Tin Lành khó có thể khép anh em Công giáo vào tội tôn thờ Đức Maria (Mariolatrie); chỉ cần đối chiếu hai quyển sách này cũng đủ thấy rằng trên quan điểm về vị trí của Đức Maria trong kế hoạch cứu độ, điều làm chúng ta gần nhau thì căn bản hơn điều chia rẽ chúng ta, cho dù vẫn còn những đối nghịch không thể loại trừ. Cần thêm rằng điều phân rẽ chúng ta, tức quan điểm chính xác về lòng sùng kính hay niềm tin vào Đức Trinh Nữ Maria, cuối cùng lại do những đối nghịch rất căn bản về vai trò trung gian của con người trong sự mạc khải và trong kế hoạch cứu độ, trong sự vinh quang và danh dự được dành riêng cho một mình Thiên Chúa. Thế nên, chính trên đó, chúng ta phải tạo lập một cuộc đối thoại với chiều sâu; và quan điểm chính xác về Maria học thuyết chỉ được xem như là nguồn gốc những phân rẽ giữa chúng ta trong những gì rất ngoại diên.
Cuộc đối thoại về niềm tin là một cuộc đối thoại trong niềm tin, vì chúng ta biết rằng chính trong một niềm tin chung vào Đức Kitô Cứu Chúa, chúng ta mới có thể hiểu rõ hơn thánh ý Thiên Chúa nơi Mẹ Người.
Vậy, trên thực tế, tại sao quan điểm này lại như là một trong những điểm dễ thấy nhất của sự phân rẽ và sự xung khắc giữa lòng sùng kính của anh em Tin Lành? Hiển nhiên, đó là do vấn đề cảm tính và cách biểu hiện lòng tin.
2. Cảm tính Tin Lành và cảm tính Công giáo
Xét một mặt nào đó, cảm tính nếu giữ vai trò chủ chốt thì tức khắc sẽ nảy sinh đặc tính mê muội và phi lý trong một số những tranh luận... Cảm tính Công giáo và Tin Lành đã được hình thành trong sự đối lập và được lớn mạnh thêm do sự đối lập kéo dài suốt ba thế kỷ. Suy tư thần học của anh em Công giáo đã trở nên khô cứng trong chủ trương chống cải cách (antireformisme) và cảm tính của lòng đạo đức bình dân để làm tăng thêm sự căng thẳng này. Khi phản kháng, anh em Tin Lành, như theo bản tính tự nhiên, đã cảm thấy mình buộc phải chống lại tất cả những hình thức của lòng đạo đức, một lòng đạo đức liên hệ đến toàn diện những gì họ bài xích. Tu viện trưởng Taizé cũng đã nói lên điều đó: “Trong những điều phân rẽ các tín hữu, cảm tính giữ vai trò tiên quyết.” Giải quyết cái phi lý này không gì khó bằng ngày nay, muốn thoát khỏi những phản kháng phi lý, chúng ta phải hướng nhìn về thân mẫu Đức Kitô... Chúng ta hãy thoát khỏi vòng lẩn quẩn của những đối kháng mà lịch sử đã giam hãm chúng ta trong đó.
Nói khác đi, trên bình diện cảm tính tôn giáo, qua những lối biểu hiện lòng sùng kính Đức Nữ Trinh trong những cuộc hành hương, thì những đối kháng ngay giữa những anh em Công giáo với nhau sẽ không ít hơn giữa anh em Công giáo với anh em Tin Lành. Thật khó tìm thấy ở đây những tiêu chuẩn đo lường chính xác, nhưng sự bất bình của một số anh em Công giáo trước sự thoái hóa của nghệ thuật, sự mại thánh và sự lệch lạc trong một vài biểu hiện của lòng sùng kính, chắc chắn sẽ không ít hơn sự bất bình của các anh em Tin Lành.
Có lẽ những anh em Công giáo này sẽ còn đau khổ hơn vì điều đó xảy ra trong Giáo hội của mình, và làm méo mó bộ mặt thật của Giáo hội. Họ đã chưa tìm được những phương thế diễn tả và hành động. Phải sáng tạo nhiều hơn phá hủy, và chúng ta chỉ có thể loại bỏ bằng thay thế; vượt qua bằng thanh lọc. Đối với họ, dù không hề cảm thấy mình phải đồng ý với số lớn sự kiện và cử chỉ trong những cuộc hành hương, thì dường như đó cũng chưa phải là một lý do đủ để họ tách mình ra khỏi Giáo hội. Nhưng chính từ bên trong Giáo hội, khi coi trọng những khác biệt chính đáng về sở hiếu, và ngôn ngữ, khi chấp nhận những biểu hiện hợp pháp của lòng sùng kính bình dân, Giáo hội cần cố gắng làm cho những vấn đề này tiến bộ thêm. Nếu chỉ là những đối nghịch về cảm tính, hẳn nhiên không còn chỗ cho sự phân ly trong Giáo hội, nhưng chỉ còn căng thẳng do luật, mặc dù chúng vẫn có trong lòng Giáo hội từ lâu.
3. Nội dung của lòng sùng kính Công giáo
Điều chúng tôi muốn trình bày ở đây chính là nội dung sâu xa của lòng sùng tín Công giáo đối với Đức Trinh Nữ Maria là rất gần với Tin Mừng, ngay cả trong những biểu hiện bình dân nhất của nó, cho dù có những vụng về trong cách biểu lộ. Phải nhận là những biểu lộ của lòng sùng kính này rất hỗn độn, nên những cách thức biểu hiện của lòng sùng kính ấy cần được xét lại và cần thanh lọc để chúng thực sự diễn tả nội dung niềm tin của chúng ta. Nhưng dường như theo mức độ sâu xa nhất của điều mà hàng triệu Kitô hữu đã sống, người ta không khám phá thấy gì khác ngoài chính nền tảng (subsstance) đã được công bố trong Kinh Thánh và những chiều kích lớn lao bền vững của đời sống Dân Chúa trong Cựu ước và Tân ước. Nói cho cùng, đó là sức tác động của Tin Mừng trong hiện tại (l’actualité l’Évangile). Điều đã được biểu lộ ở đây, cũng đã bày tỏ cho chúng ta trong tương quan sâu xa với toàn bộ ý định của Thiên Chúa trên dân Người. Dù lúc đầu xuất hiện rất lạ lùng, nhưng những sự bày tỏ của niềm tin bình dân, đối với chúng ta, dường như không gián đoạn, nhưng vẫn có sự liên tục sống động với dữ kiện Kinh Thánh và toàn thể lịch sử thánh của Dân Chúa.
Chúng ta vẫn biết: vai trò đặc biệt của Đức Nữ Trinh Maria và khuynh hướng ưa dành cho vai trò đó một cái nhìn đầy trìu mến và lạ lùng, đối với anh em Tin Lành, đó là những điều không phù hợp, thậm chí còn có vẻ quá đáng.
Khi lắng nghe anh em Tin Lành, chúng ta nhận thấy một số lớn những phê bình của họ xem ra cũng là những lời cảnh tỉnh đúng mức đối với sự biểu hiện lòng sùng kính Đức Trinh Nữ của anh em Công giáo. Chúng ta phải xác nhận rằng trong lời cầu nguyện của chúng ta, cũng như trong Tin Mừng, Đức Trinh Nữ Maria chỉ có thể và chỉ được có chỗ đứng trong sự giãi chiếu vinh quang của Con Người, như là một nữ tỳ của Chúa và trong sự thi hành chức vụ làm Mẹ thiêng liêng của Người đối với Dân Chúa. Cũng phải nhận rằng mặc dù chúng ta diễn tả không được tốt, nhưng chính đó lại là điều mà chúng ta muốn sống, muốn thể hiện ở đây. Sự cầu bầu của Đức Maria phải dừng lại ở vị trí chính xác mà Tin Mừng và toàn thể mạc khải của Kinh Thánh đã thiết định cho Mẹ trong mầu nhiệm Đức Kitô, và trong sự hoàn tất của mầu nhiệm này trong Giáo hội. Tất cả những anh em Công giáo, nếu được phép làm sáng tỏ hơn niềm tin của mình, thì họ, những tín hữu hành hương ở Lộ Đức hay Fatima, sẽ theo phương thức mà Max Thurian, xét như một người Tin Lành, diễn tả về vị trí của Đức Maria trong ý định của Giáo hội.
“Chính vì có khoảng cách giữa vinh quang của Chúa và sự nghèo hèn của người Nữ Tỳ, một sự nghèo hèn không thể tạo ra bức bình phong ngăn cản vinh quang Thiên Chúa, nên Đức Maria sẽ mãi được mọi thế hệ cao rao là diễm phúc. Sự ca tụng này không bao giờ đổi hướng được những tấm lòng yêu mến và suy phục của muôn thế hệ đối với Chúa, và trong Giáo hội, Đức Maria vẫn là một Nữ Tỳ khiêm hạ, mà nhiệm vụ rõ ràng của Mẹ là hướng dẫn mọi người, ngang qua sự nghèo hèn của mình mà đến cùng vinh quang của Thiên Chúa. Mẹ có thể nói một cách khiêm nhường rằng: Mọi thế hệ sẽ khen Mẹ rằng Mẹ Diễm Phúc, vì Mẹ biết rằng sự chúc phúc Mẹ nhận được do lòng trân trọng sự nghèo hèn của người Nỹ Tỳ là Mẹ, sẽ chỉ có thể hướng lên Thiên Chúa chứ không bao giờ dừng lại nơi Mẹ. Sự nghèo hèn của người Nữ Tỳ là sự thụ nhận hoàn toàn, sự trong suốt hoàn toàn, sự siêu thoát hoàn toàn, sự quy hướng hoàn toàn: Mẹ chỉ nhận lãnh Thiên Chúa, và để Thiên Chúa hiển lộ ra như xuyên qua Mẹ, mẹ gỡ mọi người ra khỏi mình để hướng họ về một Đấng Cứu Thế duy nhất.
Chúng ta tin chắc rằng lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ Maria được diễn tả trong Giáo hội Công giáo, nếu muốn giữ được tính cách đích thực thì chỉ có thể là một lòng sùng kính như thế.
Chắc chắn Đức Trinh Nữ vẫn không ngừng dâng về cho Thiên Chúa mọi vinh quang, nên Người luôn khép mình vào trong ý định của Thiên Chúa như một người Nữ Tỳ của Người. Nhưng chính Thiên Chúa đã tôn vinh những khiêm nhường, tuyên dương người Nữ Tỳ và thực hiện nơi Người những điều trọng đại.
Ở đàng sau những quá đáng thường thấy nơi lòng sùng kính của anh em Công giáo đối với Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta nhận ra sự hoàn tất lời hứa của Tin Mừng: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại... Này đây muôn thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc...” (Lc 1,50).
Thực vậy, chúng ta là một trong những thế hệ của Dân Chúa và chúng ta có bổn phận và có quyền lợi, cùng với mọi người khác, ca tụng và ngợi khen Mẹ cách công khai: Mẹ thật diễm phúc.
Như thế, chúng ta không bóp méo ý định của Thiên Chúa đối với người Nữ Tỳ khiêm hạ của Người, nhưng đúng hơn, chúng ta thực hiện thánh ý ấy. Hơn nữa, ý định ấy còn liên kết với ý định tình yêu của Chúa trên toàn thể Dân Người, một ý định đã được hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô và được triển nở trong Giáo hội. Khắp nơi và mọi thời, nơi Mẹ và nơi chúng ta, ý định này là sự biểu lộ lòng yêu thương vô biên và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những kẻ bé mọn và những người khiêm tốn, đồng thời cũng biểu lộ ân huệ nhưng không, lòng nhân hậu vô cùng, và sau cùng, là sự biểu lộ chính Người, Đấng đã thi ân cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô để làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử, hầu ca tụng vinh quang Người. Đó là sự trung tín của Thiên Chúa mà chúng ta đang chiêm ngưỡng nơi Đức Maria và cũng đang được thực hiện nơi chúng ta là Giáo hội của Người. Đó là lòng thương xót của Chúa mà khi đã được ban qua Đức Giêsu Kitô, thì mãi mãi tràn lan và từng ngày vẫn đổ tràn trên Dân Người. Đó là ý định tình yêu mà Đức Trinh Nữ đã cao rao bằng tất cả lời nói và tất cả cuộc đời. Trong khi chiêm ngưỡng Mẹ, chúng ta nhớ lại những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện qua bao thế hệ cho Dân Người, và cùng với Mẹ, chúng ta ca hát ngợi khen ân sủng của Thiên Chúa:
“Chúa độ trì Israel là tôi tớ. Bởi vì Người nhớ lại tình thương như hứa cùng cha ông từ bao thuở, cho tổ phụ Abraham và cho con cháu mãi muôn đời” (Lc 1,54–55).
Lời hứa với các tổ phụ đã được thực hiện nơi Đức Maria, nữ tử của Abraham nhờ lòng tin, lời hứa ấy ngày nay cũng được thực hiện nơi chúng ta và chúng ta ngợi khen sự hiện diện đáng tôn thờ của Thiên Chúa qua sức tác động trong hiện tại của tình yêu của Người, trải qua bao thế kỷ và được hoàn tất trong các thế kỷ đó.
Nơi lòng trung tín muôn đời của Thiên Chúa, chúng ta nhận ra một vị Thiên Chúa vượt trên thời gian, nhưng vẫn luôn luôn hiện diện và hành động theo chương trình của Người. Trọng tâm lời ca ngợi của chúng ta chính là sức tác động trong hiện tại của ý định tình yêu Thiên Chúa, tức sức tác động trong hiện tại của Tin Mừng. Điều mà ngày nay chúng ta đang sống, chính là bảo chứng điều chúng ta chờ đợi trong sự biểu lộ sau cùng của vinh quang Thiên Chúa vào ngày Người tái lâm. Đó chính là điều anh em Công giáo muốn sống và muốn diễn tả bằng những hình thức bình dân nhất của lòng sùng kính đối với Đức Nữ Trinh và nơi những gì được thực hiện trong dịp hành hương. Đó cũng là điều chúng ta muốn nói đến ở đây. Nhưng không phải do sự trình bày khéo léo mà suy tưởng của chúng ta về lòng sùng sinh Đức Maria của anh em Công giáo, đã từng bước gặp lại những vần thơ trong bài thánh ca Magnificat. Bài ca chúc tụng tác động của ân sủng trên người tớ nữ của Thiên Chúa do lòng thương xót của Người, vẫn còn là bài ca chúc tụng tác động của ân sủng trong toàn thể Giáo hội.
Cần nhận rõ điều đó, chúng ta vẫn tự hỏi, một sự trình bày như thế về niềm tin và lòng sùng tín có thể thuyết phục được anh em Tin Lành của chúng ta không. Trước hết, bởi vì có nhiều nguyên nhân để sự trình bày đó không đến được với họ; thứ đến, bởi vì cho dù đã biết, nhưng có lẽ đối với họ, sự trình bày ấy xem ra quá mâu thuẫn với những gì họ đã nhận thấy nơi lòng sùng kính Đức Maria của anh em Công giáo, trong những lối diễn tả họ vẫn thường gặp, đặc biệt trong những dịp hành hương nên không thể coi là một lối trình bày trung thực.
Chính ở đây, chúng ta thấy rõ sự hiểu lầm to lớn phân rẽ chúng ta trên bình diện cảm tính và hình thái diễn tả.
Dù có hoàn hảo hay sai lạc trong những cách thức diễn tả lòng sùng kính, thì toàn thể anh em Công giáo vẫn chấp nhận nội dung đức tin trong những chủ đề Tin Mừng đích thực nhất. Nhưng bình thường anh em Công giáo không hề nghĩ rằng sự biểu lộ của mình là sai lạc và xấu. Còn anh em Tin Lành lại xét niềm tin dưới những biểu hiện của nó, và họ chỉ khó chịu hoặc lấy làm chướng do một thứ ngôn ngữ không hoàn toàn diễn tả tính cách xác thực điều chúng ta tin.
Chúng ta vẫn cảm thấy sự hiểu lầm này là nguyên nhân gây chia rẽ. Sau thời Công đồng, toàn thể Giáo hội đang tự vấn về những dấu chỉ qua đó Giáo hội cho mọi người nhận ra sự trung tín với Tin Mừng của mình. Ngày nay, Giáo hội biết rằng cần phải sống Tin Mừng để loan báo Tin Mừng, và phải loan báo Tin Mừng bằng một ngôn ngữ khả dĩ chấp nhận được đối với người thời nay.
Vì thế, lòng sùng kính của chúng ta đối với Đức Trinh Nữ Maria, sự biểu lộ lòng sùng kính ấy trong những cuộc hành hương, không thể tránh khỏi những vấn đề lớn này. Những vấn đề đang tác động đến chúng ta thật sâu xa.
Chúng ta có biểu lộ ở đây, trước mựt mọi người bằng việc cầu nguyện, hành vi và đời sống tính cách xác thực của niềm tin, sự tinh tuyền của Tin Mừng không?
Nếu những cách thức cầu nguyện của chúng ta không hoàn toàn phù hợp với tính cách xác thực của niềm tin, thì phải chăng do không còn dám diễn tả sai, nên chúng ta lại chuyển sang suy nghĩ sai? Một tình cảm sai lạc cũng có nguy cơ gây ra sai lạc (trong hành động). Bởi vì những thái độ này là của tập thể, nên chúng không có nguy cơ bị phê bình. Nhưng những vấn nạn được đặt ra cho chúng ta luôn mời gọi chúng ta soi mình vào Tin Mừng. Công đồng cũng đã khơi dậy vấn đề kiểm điểm. Đối với Công đồng, việc đầu tiên của vấn đề đại kết chính là sự canh tân của Giáo hội: “Giáo hội, trong suốt quãng đường lữ hành của mình, được Đức Giêsu kêu gọi canh tân không ngừng mà với tính cách một tổ chức nhân loại và trần thế Giáo hội luôn cần phải có... Cuộc canh tân này có một giá trị đáng lưu ý về sự hiệp nhất” (SL hiệp nhất, số 6). Cuộc canh tân này liên quan đến mọi lĩnh vực mà đời sống và niềm tin của Giáo hội được thể hiện qua đó: Phụng vụ, truyền giảng, phong trào Kinh Thánh, mục vụ giáo xứ... Không ai có thể cho rằng chỉ có lòng sùng kính đối với Đức Nữ Trinh và những cuộc hành hương mới là điểm chính yếu của việc đặt lại vấn đề và mới cần canh tân.
Chúng ta chỉ có thể làm cho anh em Tin Lành khám phá ra trong những lối diễn tả ở đây, tính cách xác thực của niềm tin và của việc cầu nguyện theo Tin Mừng, nếu những lối diễn tả của tập thể được trình bày phù hợp với chính điều chúng ta muốn sống và muốn xây dựng. Giờ đây, chúng ta không còn có thể thờ ơ trước những hàm hồ của ngôn ngữ, bởi vì sự bất toàn của chúng thường được bù đắp bằng sự cải chính ngấm ngầm của niềm tin toàn vẹn trong mọi cộng đoàn.
Kể từ khi Giáo hội chấp nhận hướng ra bên ngoài, thì bộ mặt và tất cả những đường nét trên khuôn mặt của Giáo hội phải diễn tả được bản chất của mình.
Để được thế, chúng ta phải chấp nhận có những canh tân cần thiết.
4. Sự thanh lọc cần thiết trong những biểu hiện của lòng sùng kính và của niềm tin Công giáo
Có thể bình diện suy tư quan trọng hơn bình diện cảm tính và sở thích, nhưng lại không sâu xa bằng bình diện nội dung của đức tin, đó chính là nội dung của những cách diễn đạt niềm tin trong việc cầu nguyện, trong phụng vụ và cả trong nghệ thuật. Chúng ta có thể tìm được một bức họa đẹp hoặc không đẹp về cuộc thương khó, nhưng nó không can hệ gì với nội dung của lòng tin mà bức họa diễn tả. Chúng ta cũng có thể gặp thấy một bài hát hay hoặc dở, nhưng nó chẳng hàm chứa một thẩm định nào về mặt đạo đức mà nó chuyển thông. Nhưng một bức họa về cuộc thương khó đẹp hoặc xấu về mặt nghệ thuật có thể sẽ gây cảm giác khó chịu khi xét như một sự diễn tả niềm tin, nếu nó có ý định trình bày một Đức Giêsu thất vọng hay một Trinh nữ không còn sinh lực. Cần duyệt lại chính những cách biểu lộ niềm tin, không chỉ trên bình diện sở thích theo những tiêu chuẩn thẩm mỹ, nhưng còn trên bình diện xác thực tính theo những tiêu chuẩn thần học.
Như vậy, chúng ta có thể và phải nói đến sự thanh lọc cần thiết nơi những cuộc hành hương, một sự cải cách trong những cách thức diễn tả lòng sùng kính đối với Đức Maria, giống như khi chúng ta nói về cuộc canh tân và cải cách phụng vụ.
Nhưng theo những tiêu chuẩn nào? Chúng ta không thể đưa ra những tiêu chuẩn nào khác ngoài những gì Giáo hội đã xác định trong công đồng. Tuy đã không phải là không có sự bàn cãi sôi nổi về bản văn đề cập đến Đức Nữ Trinh trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội: Lumen Gentium. Theo dụng ngữ của văn kiện này, Công đồng mời gọi chúng ta “chiêm ngắm Đức Maria diễm phúc, Mẹ Thiên Chúa, trong mầu nhiệm của Đức Kitô và của Giáo hội.” Thế nên, các nghị phụ đã không muốn soạn một văn bản riêng biệt để làm nổi bật giá trị vai trò đầy quan phòng của Đức Nữ Trinh. Ngược lại, để trình bày Đức Maria đúng theo thánh ý Thiên Chúa và ơn gọi riêng của Mẹ, các nghị phụ chỉ muốn chiêm ngưỡng Đức Nữ Trinh trong mầu nhiệm Đức Kitô và trong Giáo hội, Giáo hội là sự hoàn tất mầu nhiệm Đức Kitô trong lịch sử thánh. Công đồng khẳng định rõ ràng: “Chúng ta chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, một người là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã lấy mình làm giá cứu chuộc thay mọi người” (1 Tm 2,5–6). Vai trò từ mẫu của Đức Maria đối với nhân loại cũng chẳng che mờ hoặc giảm bớt sự trung gian duy nhất của Đức Kitô, nhưng lại còn biểu lộ mãnh liệt của sự trung gian ấy. Vì hết mọi ảnh hưởng cứu độ của Đức Nữ Trinh diễm phúc trên nhân loại... không ngăn cản, nhưng lại còn khuyến khích các tín hữu trực tiếp kết hợp với Chúa Kitô.” (LG, số 60).
Đó là sự diễn đạt tinh tuyền nhất của niềm tin chúng ta, một chỉ dẫn bảo đảm cho việc cầu nguyện của chúng ta. Không người Công giáo nào lại không nhận ra trong bản văn này điều mình tin và điều mình muốn sống. Cách thức biểu lộ lòng tin của chúng ta trong việc cầu nguyện và trong đời sống chung của Giáo hội cũng phải chuyển thông cách trung thành nội dung niềm tin và rồi những dấu chỉ bày tỏ niềm tin cũng phải phù hợp với lời phát biểu niềm tin của chúng ta.
Do đó, có những vấn đề quan yếu được đặt ra cho lòng sùng kính của anh em Công giáo trong những dịp hành hương. Những vấn đề quan yếu vì, nếu niềm tin của chúng ta không được minh giải trong những cử chỉ biểu hiện nội dung đích thực nhất về niềm tin, thì làm thế nào những người ngoài lại có thể nhận ra sự nguyên tuyền của niềm tin Công giáo xuyên qua những dấu chỉ ấy? Vấn đề nghiêm trọng đối với cộng đoàn Kitô hữu trong nếp sống riêng, vì mãi không hề biểu lộ đúng đắn sự nguyên tuyền của niềm tin trong việc cầu nguyện và trong nếp sống, chúng ta tự nhiên có nguy cơ sẽ suy nghĩ theo lối sống ấy. Một cách thức biểu lộ đi ngược lại xác thực tính của niềm tin, ngày kia có nguy cơ làm lu mờ chính niềm tin.
Phải nhận thấy điều đó. Trong những dấu chỉ bày tỏ niềm tin, những gì tách biệt lòng tôn kính Đức Nữ Trinh với mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo hội, thì cũng làm sai lạc đi lòng sùng mộ của anh em Công giáo và làm biến dạng sự biểu lọ đích thực của niềm tin chúng ta.
Mọi hình ảnh về Đức Nữ Trinh phải bắt nguồn từ sợi dây bất khả loại liên kết Mẹ với Con mình và với Giáo hội. Không được để thập giá Chúa dưới bóng Đức Nữ Trinh, nhưng Đức Nữ Trinh phải xuất hiện dưới cây thập tự. Một lời cầu nguyện của cộng đoàn chỉ dựa vào Đức Nữ Trinh như trung tâm, mà không có sự công bố Lời Chúa, khong theo ý hướng chương trình của Thiên Chúa, để đặt Mẹ vào trong mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo hội, thì lời cầu nguyện ấy có nguy cơ bị đổi lốt như sự biểu lộ lòng tin và làm biến dạng chính niềm tin. Một lòng đạo đức bám vào sự vật mà không công bố và cử hành mầu nhiệm Đức Kitô, cách công cộng hay riêng tư, thì lòng đạo đức ấy sẽ biến thành sự mê tín, vì nó không cần được tưới gội bởi những nội dung lớn lao của niềm tin.
Chúng ta không kết án các thương nhân trong những dịp hành hương, họ chỉ hành hương vì họ tìm thấy ở đấy khách hàng. Sự tiến triển trong việc buôn bán của họ tùy thuộc vào sở thích và lòng tin của các khách hành hương. Từ chính nội dung của những tín điều cho đến những dấu bề ngoài để diễn tả niềm tin, chúng ta đều phải tuân phục quyền giáo huấn của Giáo hội.
Nếu lòng sùng kính Đức Maria được biểu lộ trong những dịp hành hương là nguồn gốc những chia rẽ giữa các Kitô hữu, dường như điều đó đặt ra cho chúng ta một vấn đề. Chúng ta không còn có thể sống niềm tin của mình hôm nay mà không lo tìm biết ngôn ngữ nào nhằm diễn tả và chuyển thông niềm tin ấy cách chính xác cho những anh em Tin Lành hay cho những người chưa tin. Như thế, không có nghĩa là lòng sùng kính Đức Maria trong những dịp hành hương cần phải hòa hợp với hết thảy những đòi hỏi của một cảm tính Tin Lành hay của sự phê bình vô tín. Mối bận tâm của anh em Công giáo nhằm diễn tả niềm tin theo cách bình dân không những cần được duy trì, mà còn cần được phát triển thêm.
Điều đó có nghĩa rằng những đòi hỏi của một niềm tin đích thực, đặt Đức Nữ Trinh vào trong mầu nhiệm Đức Kitô, phải thấm nhiễm và đổi mới những cách biểu hiện của lời cầu nguyện của chúng ta cho đến tận những hình thức bình dân nhất. Có lẽ sẽ bất thường và nguy hiểm khi tất cả những thể chế của Giáo hội và mọi nghi thức phụng vụ Thánh Thể và bí tích đã dám trình bày một sự biểu lộ tốt hơn của niềm tin chúng ta trong thế giới ngày nay, mà những hình thức quy tụ và cầu nguyện này, là những việc dễ thấy nhất, đồng thời cũng gây những ảnh hưởng lớn nhất do ấn tượng và hình ảnh, lại không được canh tân sâu xa hầu có thể hoàn toàn biểu lộ sự nguyên tuyền với Tin Mừng.
Đó là cách thức duy nhất giúp tránh được tình trạng không lối thoát trong vấn đề đối thoại đại kết. Anh em Công giáo không thể và cũng không muốn loại bỏ những hình thức cầu nguyện và quy tụ rất quý đối với họ, cho dù những hình thức ấy không có trong cơ cấu Giáo hội; Còn anh em Tin Lành cũng không thể chấp nhận những lối diễn tả niềm tin mà đối với họ, chúng không ngừng củng cố cho những sai lạc họ đã cáo trách. Chỉ có thể có một con đường duy nhất trong vấn đề đối thoại trên bình diện này, đó là thanh lọc can đảm tất cả những cách thức diễn tả lòng sùng kính của anh em Công giáo, ngõ hầu cách thức diễn tả ấy phù hợp hơn với một niềm tin tinh tuyền.
Đây là công việc uốn nắn lại những truyền thống đã có và những gì có thể có do sự tiến triển của mỗi cá nhân. Nhưng vì là công việc lâu dài và khó khăn, nên lại có lý do mạnh hơn để khởi sự công việc này sớm nhất có thể, và khi tiến hành, những canh tân theo Công đồng sẽ đem đến cho Giáo hội một khả năng duy nhất để đặt lại vấn đề những thói quen đã có từ lâu đời.
Nhất thiết không nên đặt những cuộc hành hương ở ngoài tất cả những biến chuyển hiện tại của Giáo hội. Nếu không thế, những cuộc hành hương này có nguy cơ, một lúc nào đó, trở thành những chứng nhân của một thời gian quy hồi và trở thành những người bảo thủ cho một lòng sùng kính không phục tùng canh tân. Nói cách khác, đây có phải là cách tốt nhất đẻ tôn kính Đức Nữ Trinh Maria, như Mẹ đã luôn luôn muốn vâng theo thánh ý kỳ diệu của Chúa đối với Mẹ, như là một Nữ Tỳ, đồng thời lại là Mẹ Chúa, trong ánh sáng mầu nhiệm của Con Mẹ không?
Ước mong người Mẹ đã một thời miễn cưỡng trở thành đối tượng gây chống đối và dịp gây tranh cãi giữa những người con Tin Lành của Mẹ, giờ đây, trong lịch sử của chúng ta, lại trở thành người Mẹ liên kết các con cái mình trong Đức Kitô.
Mẹ là Đức Nữ Trinh của việc hòa giải. Với niềm hy vọng đó, chúng ta sẽ có thể hiệp thông với lời cầu nguyện của anh em Tin Lành trên cơ sở của một suy tư như thế. Đó cũng là điều Bề trên Tu viện Taizé đưa ra cho chúng ta trong phần nhập đề sách chú giải thánh thi Magnificat của Luther:
“Lạy Chúa, Người đã muốn làm cho Đức Nữ Trinh Maria trở thành hình ảnh của Giáo hội. Mẹ đã cưu mang Đức Kitô và đã ban Người cho thế giới. Xin Chúa hãy ban Thánh Thần Chúa xuống trên chúng con, để chúng con được hiệp nhất trong một thân thể duy nhất và để chúng con chiếu tỏa Đức Kitô cho mọi người không tin. Xin quy tụ chúng con trong một cộng đoàn duy nhất, để cùng với Đức Trinh Nữ Maria và hết thảy các chứng nhân thánh thiện của Đức Kitô, chúng con vui mừng trong Người, Đấng cứu độ của chúng con bây giờ và đời đời chẳng cùng. Amen.”