Tuesday, 14 January 2020 04:12

Thánh Mẫu Học Từ Vatican II Đến Nay Featured

Salvatore M. Perrella, O.S.M.1

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP. lược dịch

 
LTS: Ngày 21-11-1964, kết thúc phiên khoáng đại kỳ họp thứ III của Công Đồng Vatican II, Đức Phaolô VI và các Nghị Phụ đã chính thức thông qua và công bố "Hiến Chế Về Giáo Hội" (Lumen Gentium). Nhân kỷ niệm 50 ban hành Hiến Chế Lumen Gentium, xin được giới thiệu bài viết "Thánh Mẫu Học Từ Vatican II Đến Nay" của tác giả Salvatore M. Perrella, O.S.M. Trong bài này, tác giả muốn trình bày những đường hướng của Thánh-Mẫu- học[2] (viết tắt: TMH) từ công đồng Vaticanô II đến nay. Trước hết, chúng ta hãy theo dõi những cuộc tranh luận trong giai đoạn chuẩn bị và nhóm họp công đồng (1959-1965). Sau đó, chúng tôi sẽ điểm qua những vấn đề được nêu lên từ sau công đồng cho đến nay.

***

I. CÔNG ĐỒNG VATICANO II

Ngày 25 tháng giêng 1959, đức thánh cha Gioan XXIII tuyên bố triệu tập một công đồng Vaticanô II. Khác với những công đồng trước đây nhắm mục tiêu tín lý và kỷ luật, lần này công đồng muốn tìm hiểu bản tính và sứ mạng của Hội thánh để đối thoại với thời đại.

Công đồng đã diễn ra qua ba giai đoạn: tiền chuẩn bị (25-1-59 đến 5-6-60); chuẩn bị (5-6-60 đến 11-10-62); cử hành (11-10-62 đến 8-12-65).

1.1. Những cuộc tranh luận

Trong giai đoạn tiền chuẩn bị, đã có hơn 600 giám mục yêu cầu công đồng quan tâm đến Đức Maria, bởi vì là một đề tài quan trọng liên quan đến mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô. Tuy nhiên, khi đúc kết các ý kiến, người ta đã thấy hai khuynh hướng khác nhau: một bên thì tiếp nối “TMH của vinh quang Đức Maria” cổ điển, yêu cầu định tín các chân lý về “Đức Mẹ đồng công cứu chuộc”, “Trung gian các ơn”, “Mẹ thiêng liêng của mọi tín hữu”[3]; bên kia thì yêu cầu chú ý đến Kinh thánh cũng như đối thoại đại kết. Khuynh hướng thứ nhất được đặt tên là “quy Kitô” (christotypus), nghĩa là nhìn đức Maria trong tương quan với Đức Kitô; khuynh hướng thứ hai được đặt tên là “quy Hội thánh” (ecclesiotypus)[4] nhìn Đức Maria trong tương quan với Hội thánh.

Thực ra vào những thập niên 50 của thế kỷ XX, người ta đã thấy sự chuyển hướng của TMH trong trào lưu canh tân thần học nhờ các phong trào Kinh thánh, giáo phụ, phụng vụ, đại kết).

- Khuynh hướng cổ điển từ sau công đồng Trentô, dựa theo phương pháp diễn dịch, muốn đề cao những đặc ân của Đức Maria dựa trên chức vị “Mẹ Thiên Chúa”. TMH được nhìn song song với Kitô học: những tước hiệu của Mẹ Maria phản ánh những tước hiệu của Đức Kitô, chẳng hạn như : “Đồng công cứu chuộc” (Corredemptrix) song hành với “Cứu thế” (Redemptor), “Nữ Vương” (Regina) song hành với “Vua” (Rex).

- Khuynh hướng thứ hai chủ trương đi sát với Kinh thánh hơn, tìm cách đưa Đức Maria vào trong Hội thánh, nhìn Người như một “kẻ đã tin” (K. Rahner), “tiêu biểu của Hội thánh” (O. Semmelroth).

Uỷ ban chuẩn bị đã đúc kết các ý kiến của các giám mục thành nhiều lược đồ, sửa đi sửa lại. Vào năm 1962, uỷ ban thần học đã đệ trình các nghị phụ lược đồ mang tựa đề De beata Maria Virgine Matre Dei et Matre hominum (Đức Trinh nữ Maria, Mẹ của Thiên Chúa và Mẹ của loài người), dựa theo lối tiếp cận cổ truyền. Tuy nhiên, tại công đồng, một số nghị phụ đã yêu cầu bàn về Đức Maria trong lược đồ về Hội thánh, thay vì soạn một văn kiện độc lập. Một cuộc tranh luận đã diễn ra giữa hai nhóm ngang nhau. Cuối cùng, đức thánh cha Phaolô VI quyết định cho bỏ phiếu để lấy đa số. Cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 29-10-1963 đã đưa đến kết quả như sau: trên tổng số 2193 phiếu, thì 1114 tán thành bàn về Đức Maria trong lược đồ về Hội thánh, 1074 muốn bàn trong một lược đồ riêng, 7 phiếu vô hiệu. (Như vậy số phiếu chênh lệch giữa đôi bên là 40). Một tiểu ban đã được cử ra để soạn lại văn kiện. Vào đầu khóa thứ ba (cuối tháng 9 năm 1964), các nghị phụ đã nhận được lược đồ mới, trong đó Đức Maria được đặt ở chương cuối của lược đồ về Hội thánh, tựa như chóp đỉnh. Tựa đề của chương 8 là “De BeataMaria Virgine Deipara in mysterio Christi et Ecclesiae” (Đức Trinh nữ Maria Thiên mẫu trong mầu nhiệm Đức Kitô và Hội thánh). Sau những cuộc tranh luận, các nghị phụ đã bỏ phiếu với kết quả như sau: trên tổng số 2091 phiếu thì 1559 thuận, 10 chống, 521 thuận với yêu cầu sửa đổi (iuxta modum), 1 vô hiệu. Bản văn được trả về cho uỷ ban để sửa đổi. Sau cùng, ngày 21-11-1964, các nghị phụ đã bỏ phiếu toàn bộ hiến chế Lumen gentium: trên tổng số 2156 vị hiện diện, 2151 thuận và 5 chống. Cùng ngày hôm đó, đức Phaolô VI ban hành hiến chế và tuyên bố Đức Maria là Mẹ của Hội thánh.

1.2. Bản văn công đồng: những tiêu chuẩn soạn thảo

Bản văn được soạn thảo dựa trên bốn tiêu chuẩn: Kinh thánh, nhân văn, đại kết, mục vụ[5].

- Kinh thánh. Bản văn được soạn thảo dựa theo tư tưởng Kinh thánh, được giải thích trong truyền thống Giáo hội. Khi bàn về mầu nhiệm Đức Maria (số 55-59), bản văn cho thấy mầu nhiệm của Chúa Cứu thế được tỏ lộ dần dần trong lịch sử cứu độ, cũng như những hình ảnh về Đức Maria trong Cựu ước (tựa như: thiếu nữ Sion, nữ tì Thiên Chúa), nhằm nêu bật vai trò của Người trong kế hoạch Thiên Chúa, hơn là dừng lại ở vài bản văn để bênh vực các tín điều.

- Nhân văn. Bản văn chú trọng đến giá trị của nhân vị, của sự tự do trong việc đáp trả chương trình của Thiên Chúa, và cũng không quên cảm nghiệm đêm tối của đức tin. Lối trình bày này cho thấy Đức Maria gần gũi với chúng ta hơn là phương pháp cổ điển (đề cao các đặc ân của Mẹ).

- Đại kết. Trong quá khứ, TMH đã trở thành đề tài tranh cãi giữa Công giáo và Cải cách (mater divisionis). Công đồng cố gắng tìm cách để Đức Maria trở thành một yếu tố liên kết các Kitô hữu (mater unionis), nhờ việc theo sát tư tưởng Kinh thánh về vai trò của Người trong chương trình cứu độ.

- Mục vụ. Công đồng không muốn trình bày một thiên khảo luận về TMM nhưng tìm cách giúp các tín hữu nuôi dưỡng đức tin và lòng đạo đức khi chiêm ngắm một mẫu gương tuyệt vời của đời sống Kitô hữu.

1.3. Bản văn công đồng: nội dung

Tựa đề của chương VIII (“Đức Trinh nữ Maria Thiên mẫu trong mầu nhiệm Đức Kitô và Hội thánh”) đã muốn nói lên sự tổng hợp hai khuynh hướng TMH trong công đồng, bằng cách đặt Đức Maria trong tương quan với Chúa Kitô và với Hội thánh. Có thể nói được là “từ khóa” giải thích toàn bản văn là “mầu nhiệm”, đã được dùng làm tựa đề cho chương đầu của hiến chế. “Mầu nhiệm”, theo thánh Phaolô (x. Cl 1,26; Ep 3,9; Rm 16,25), được hiểu về kế hoạch của Thiên Chúa, trước đây được giấu ẩn và nay được mạc khải nơi Đức Kitô. Đức Maria được nhìn trong viễn tượng của “mầu nhiệm” ấy, nghĩa là trong tương quan với Đức Kitô và với Hội thánh: người được Thiên Chúa tuyển chọn để phục vụ Đức Kitô (chức phận môn đệ, nữ tì, mẹ của Đấng Mêsia) và phục vụ Hội thánh.

Tuy là một chương của hiến chế Lumen gentium, nhưng chương VIII có một bố cục gần như một văn kiện biệt lập. Điều này dễ hiểu, bởi vì chương này được soạn thảo do một tiểu ban riêng biệt, khác với uỷ ban thần học soạn thảo hiến chế. Nội dung gồm 17 số (từ 52 đến 69), được phân làm 5 đoạn.

1) Dẫn nhập (số 52-54)

Đức Maria được đặt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: khi đến thời viên mãn, Ngôi Lời đã nhập thể trong lòng Đức Trinh nữ do quyền năng của Thánh Thần, ngõ hầu loài người được trở nên con cái Thiên Chúa (x. Gl 4,4-5). Sự hạ cố của Thiên Chúa được tiếp nối trong Hội thánh, nơi mà các phần tử, ngoài việc kết hợp với đức Kitô, còn liên kết với tất cả các thánh và tôn kính Thánh mẫu. Như vậy, một đàng Đức Maria được nhìn trong tương quan với Chúa Ba Ngôi, đàng khác cũng nêu bật địa vị của Người trong Hội thánh (nền tảng của việc tôn kính đặc biệt).

2) Đoạn thứ hai (số 55-59) bàn về vai trò của Đức Maria trong lịch sử cứu độ

 
Dựa theo các bản văn Kinh thánh, công đồng trình bày sự góp phần của Người trong việc phục vụ Chúa Cứu thế từ lúc nhập thể đến lúc hiến mình trên thập giá, qua những chặng đường chính của cuộc đời Đức Giêsu: lúc truyền tin (số 56), thời thơ ấu (số 57), đời công khai (số 58), cuộc phục sinh và lên trời (số 59). Đức Maria luôn gắn bó chặt chẽ với Đức Kitô như là người mẹ và tôi tớ, bằng sự đồng thuận của đức tin (số 56). Người hoàn toàn hiến thân phục vụ Đức Kitô, chấp nhận làm mẹ thể lý của Chúa và mẹ tinh thần của các môn đệ (số 58), khi khẩn nài tại Cana và khi đi theo làm môn đệ (số 58), khi âu yếm chịu đau khổ và hiến dâng Con trên thập giá và chấp nhận làm mẹ của người môn đệ yêu dấu (số 58). Ở số 56 và 61, công đồng khẳng định rằng sự liên kết giữa Đức Kitô và Mẹ Maria diễn ra do ý định của Thiên Chúa. Một đàng, chương trình cứu độ của Thiên Chúa mang tính ban không (ân huệ), đàng khác, Thiên Chúa cũng muốn cho con người đáp trả cách tự do, ý thức và yêu mến. Điều này được áp dụng nơi Đức Maria. Tính cách ban không được tỏ lộ nơi đặc ân vô nhiễm nguyên tội (số 53; 59) cũng như ơn được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Phục sinh qua việc đưa hồn xác về trời. Sự hợp tác được diễn ra qua sự đáp trả bằng đức tin (số 58). Tóm lại, ở đoạn này, Đức Maria được nhìn trong tương quan với công trình cứu độ của đức Kitô, dưới những hình ảnh “thiếu nữ Sion”, “nữ tì Thiên Chúa”, “Thân mẫu Đấng Cứu thế”.

3) Đoạn thứ ba - về tương quan giữa đức Maria và Hội thánh (số 60-65)
 

Mở đầu với việc khẳng định đạo lý về Đức Kitô là trung gian duy nhất (x. 1Tm 2,5-6). Trong bối cảnh này, công đồng bàn đến vai trò của Đức Maria đối với nhân loại, đó là cộng tác với Chúa Kitô (số 61) và chuyển cầu cho sự thánh hoá những kẻ đã được cứu chuộc (số 62)[6].

Tuy nhiên, địa vị độc nhất của Đức Maria trong chương trình cứu độ không đặt Người ra khỏi Hội thánh. Người thuộc về Hội thánh như là một phần tử ưu tú (số 53), như là mẫu gương các nhân đức (số 53, 63, 65), người mẹ rất yêu dấu (số 65). Dựa theo tư tưởng của các giáo phụ, công đồng đã coi Đức Maria là “biểu trưng” (typus) của Hội thánh, dù xét theo điều kiện của loài thụ tạo cần được cứu rỗi (số 53), dù xét theo địa vị vinh hiển, bởi vì Người là hình ảnh và hoa trái đầu mùa của Hội thánh sẽ được hoàn tất trong tương lai (số 68). Đối lại, Hội thánh cần trông lên Đức Maria để chu toàn sứ mạng của mình: là mẹ vì sinh ra con cái thiêng liêng nhờ tác động của Thánh Thần, là trinh nữ vì duy trì niềm tin tinh tuyền vào Hôn phu (số 64). Vì thế, càng chiêm ngắm Đức Maria, Hội thánh càng ý thức hơn sứ mạng của mình là phục vụ Chúa Kitô (số 65).

4/ Đoạn thứ bốn được dành cho “việc tôn kính Đức Maria trong Hội thánh” (số 66-67)

Công đồng giải thích: bản chất và nền tảng của việc tôn kính, tinh thần phải tuân giữ trong việc giảng thuyết cũng như trong việc thực hành. Lòng tôn kính Đức Mẹ không phải là cái gì ngoại lai nhưng phát sinh từ chính mạc khải. Việc tôn kính Đức Mẹ, đặc biệt là trong khung cảnh của phụng vụ, gắn liền với biến cố Chúa Cứu chuộc; nó biểu lộ lòng biết ơn đối với Chúa, Vì thế việc tôn kính Đức Mẹ tuỳ thuộc vào việc tôn thờ Chúa, và có sự khác biệt giữa hai bên (số 66).

5/ Đoạn cuối cùng của chương VIII (Đức Maria, dấu chỉ của niềm hy vọng chắc chắn và của niềm an ủi của dân Chúa trên đường lữ hành) muốn giới thiệu Thân mẫu của Chúa Giêsu như là dấu chỉ và biểu tượng cho niềm hy vọng cánh chung.

Đức Maria là một dấu lạ vĩ đại (signum magnum: Kh 12,1), được Chúa Cha ban cho những kẻ được Đức Kitô cứu chuộc, như là niềm an ủi cho Hội thánh, giữa cuộc đời lữ thứ đầy thử thách. Hội thánh được mời gọi nhìn lên Đức Maria trên trời như hình ảnh của tương lai vĩnh cửu, để tìm thấy sự ánh sáng, an ủi, niềm vui (số 68).

Trong số cuối cùng (số 69), công đồng bày tỏ sự hiệp thông, hân hoan và biết ơn đối với các giáo hội ngoài công giáo cũng bày tỏ lòng tôn kính với Thân mẫu của Chúa Giêsu, đặc biệt là nơi các Giáo hội Đông phương (x. Sắc lệnh về sự hợp nhất Unitatis redintegratio, số 15)[7].

II. SAU CÔNG ĐỒNG VATICANO II

Sau công đồng, TMH đã trải qua nhiều cuộc thăng trầm, không những giống như các môn thần học khác, nhưng còn vì gắn liền với lòng đạo đức bình dân kính Đức Mẹ. Chúng tôi sẽ điểm qua những biến chuyển trong lãnh vực thần học cũng như trong các lãnh vực đạo đức.

2.1. Những nền thần học mới

Vào những thập niên 70 của thế kỷ XX, nhiều nền thần học mới đã ra đời và cũng sớm tan. Người ta tìm một ngôn ngữ mới để truyền đạt đức tin cho thời đại hôm nay, nhưng lý tưởng này không dễ dàng gì đạt được.

Về phía Tin lành, nổi bật nhất là “thần học về sự trần tục hóa” (theology of secularization), “thần học về cái chết của Thiên Chúa” (theology of the death of God), thần học nữ quyền (feminist theology). Về phía công giáo là “thần học chính trị” (political theology), “thần học về các thực tại trần thế” (theology of earthly realities). Nhưng có lẽ luồng tư tưởng ảnh hưởng sâu rộng hơn cả là “thần học giải phóng” (liberation theology) tại châu Mỹ Latinh, với những suy tư về vai trò của Đức Maria, biểu tượng của sự giải phóng người nghèo (điển hình qua kinh Magnificat), một phụ nữ dám dấn thân cho tha nhân (chứ không phải là một phụ nữ thuỳ mị, quanh quẩn với chuyện nội trợ). Vào lúc đầu, thần học giải phóng đã gặp nhiều vấn nạn từ phía Tòa thánh (vì bị tố cáo là nhiễm mùi mác-xít), nhưng dần dần đã được hàng giám mục tại lục địa này nhìn nhận giá trị và đưa vào đường hướng mục vụ của mình.

Dù sao, bầu khí chung của thần học vào lúc ấy là viết lại các sách thần học theo lối tiếp cận mới, vừa muốn trung thành với Kinh thánh hơn, vừa muốn đi sát với những thực tại văn hóa xã hội hơn.

2.2. Xét lại đạo lý cổ truyền

Cách riêng, vào những năm liền sau công đồng, TMM đã trải qua một cuộc khủng hoảng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Một số người cho rằng công đồng Vaticanô II không phải là đích điểm mà chỉ là khởi điểm của một cuộc thay đổi lòng tin và cuộc sống Kitô hữu. Đang khi ngoài xã hội, các cuộc nổi loạn của sinh viên vào những năm 1967-68 đã làm lung lay nhiều định chế chính trị giáo dục, thì trong Giáo hội cũng có những trào lưu thách thức quyền bính giáo hội trong lãnh vực đức tin và kỷ luật. Một trường hợp tiêu biểu là luồng chống đối thông điệp Humanae vitae của đức Phaolô VI (25-7-1968). Trong bối cảnh đó, TMH cũng trải qua một cuộc khủng hoảng kéo dài suốt mười năm từ khi bế mạc công đồng. Ít người để ý đến những đường hướng canh tân của chương VIII, mà chỉ muốn tẩy chay những tập tục “tiền công đồng” trong đó có những việc đạo đức bình dân (chẳng hạn lần chuỗi Mân côi). Điều trầm trọng hơn nữa là các tín điều cổ truyền về Đức Maria cũng bị đánh dấu hỏi.

Những nguyên nhân gây ra khủng hoảng TMH khá phức tạp, gắn liền với khung cảnh xã hội. Những nguyên nhân chấm dứt cuộc khủng hoảng cũng không dễ giải thích. Dù sao, chúng ta nên ghi nhận những văn kiện quan trọng của huấn quyền trong giai đoạn này:

- Đức Phaolô VI: tông huấn Signum magnum, được ban hành nhân dịp kỷ niệm 50 năm Fatima (13-5-1967); Kinh Tin kính của Dân Chúa (30-6-1968, bế mạc Năm đức tin); tông huấn Marialis cultus (2-2-1974).

- Đặc biệt là đức Gioan Phaolô II đã đẩy mạnh những suy tư về vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu độ (thông điệp Redemptoris mater 25-3-1987) cũng như cổ động những thực hành sùng kính Đức Mẹ.

Hai văn kiện Marialis cultusRedemptoris mater không những đào sâu đạo lý của công đồng nhưng còn vạch ra bốn tiêu chuẩn cho cuộc canh tân TMH: a) dựa vào Kinh thánh; b)  hòa hợp với phụng vụ; c) mở rộng đến chiều hướng đại kết; d) lưu tâm đến văn hóa thời đại. Riêng đối với tiêu chuẩn thứ bốn, tông huấn Mulieris dignitatem (Phẩm giá phụ nữ, 15-8-1988)” của đức Gioan Phaolô II đã muốn trả lời cho những yêu sách chính đáng của phong trào phụ nữ hiện đại.

Những lần can thiệp của huấn quyền đã thúc đẩy các nhà thần học chú ý hơn đến Đức Maria, một nhân tố không phải là thứ yếu của đức tin Kitô giáo. TMH dần dần lại được đưa vào giảng dạy ở các phân khoa thần học, và được nhìn dưới nhiều tương quan: với Chúa Ba ngôi, với Đức Kitô, với Hội thánh, với nhân học[8].

Chúng ta hãy theo dõi cuộc canh tân TMH từ những góc độ khác nhau: nghiên cứu Kinh thánh, lịch sử tín điều, đối thoại đại kết, hội nhập văn hóa.

2.3. Đức Maria trong Kinh thánh

Cũng như những ngành thần học khác, TMM cần phải dựa vào Kinh thánh như nguồn mạch nền tảng. Thực ra, trong quá khứ, người ta cũng tìm trong Kinh thánh những đoạn văn minh chứng những đặc ân của Đức Maria; nhưng đó là lấy Kinh thánh để bổ túc cho đạo lý thay vì để cho đạo lý dựa theo Kinh thánh. Điều này hàm ngụ rằng có nhiều phương pháp sử dụng Kinh thánh.

Các bản văn Tân ước nói về đức Maria cách trực tiếp thì không nhiều lắm: khoảng chừng 150 câu, rải rắc trong bốn cuốn Tin mừng và sách Tông đồ công vụ. Tuy nhiên, nếu các đoạn văn ấy được đọc trong bối cảnh của Cựu ước và những chú giải của Hội thánh tiên khởi, thì ta đã được một bức chân dung về vai trò của Đức Maria trong chương trình của Thiên Chúa.

Áp dụng phương pháp phê bình lịch sử, điều đầu tiên cần lưu ý là Tân ước không viết một tiểu sử về cuộc đời Chúa Giêsu, và lại càng không nhằm kể lại cuộc đời của đức Maria. Vì thế cần phải đọc các bản văn trong viễn cảnh của người viết.

Theo các nhà chú giải, tiến trình thành hình các sách Phúc âm đã trải qua ba giai đoạn sau đây:

- giai đoạn sự kiện (những lời nói và việc làm của Đức Giêsu);

- giai đoạn thông truyền các sự kiện (kèm theo việc giải thích ý nghĩa của chúng dưới ánh sáng đức tin);

- giai đoạn sáng tác, trong đó mỗi tác giả thuật lại các biến cố theo cái nhìn thần học của mình.

Các bản văn của sách Phúc âm thuộc về giai đoạn thứ ba, thuật lại câu chuyện về Đức Giêsu dưới ánh sáng của cuộc Tử nạn và Phục sinh. Sách Phúc âm được viết để công bố một “Tin mừng”, đó là Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ cho nhân loại nhờ Đức Giêsu. Sách Phúc âm không chủ tâm đề cao Đức Giêsu như một siêu nhân giống như các huyền thoại của các tôn giáo khác, vì thế không dừng lại ở các chi tiết ly kỳ của cuộc đời của nhân vật ấy. Mục tiêu của sách Phúc âm là giúp các độc giả tin vào Đấng mang lại ơn cứu độ. Nhiều người muốn đi từ sách Phúc âm (giai đoạn thứ ba) và quay ngược trở về các sự kiện (giai đoạn thứ nhất), nhưng không đạt được kết quả mong muốn. Nếu các sách Phúc âm không cung cấp nhiều dữ liệu để viết một tiểu sử về Đức Giêsu, thì mong gì sẽ tìm được dữ liệu về tiểu sử Mẹ Maria?

Tân ước chỉ để lại vài bức tranh rời rạc về Đức Maria. Những bản văn ấy nói lên điều gì?

Dữ kiện chắc chắn nhất của Tân ước về Đức Maria là: đây là một phụ nữ có thực, tên là Maria (Mc 6,3; Mt 1,16.18; Lc 1,27.30; Cv 1,14); bà là mẹ của Đức Giêsu. Ngoại trừ việc sinh hạ đồng trinh Người Con của Thiên Chúa (Mt 1,18-25; Lc 1,26-38), Tân ước trình bày cho thấy chân dung của Đức Maria như một phụ nữ sống đời bình thường (khác với các thần thoại) giữa lòng dân tộc, với đầy tình người, quan tâm đến tha nhân. Người là một phụ nữ biết suy tư, lắng nghe, hỏi han, lo lắng cho người khác (x. cuộc thăm viếng bà Elizabeth, tiệc cưới Cana), một con người sống lòng tin.

Trong “Tin mừng thơ ấu”, Matthêu và Luca cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin khác. Tuy phát xuất từ những nguồn khác nhau, nhưng cả hai đều có những điểm chung: đức Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavit (Mt 1,16.20; Lc 1,27; 2,25); việc thụ thai trinh khiết (Mt 1,18-25; Lc 1,26-38; 2,6-7); sự can thiệp của Thánh Thần (Mt 1,18.20; Lc 1,35); việc nhấn mạnh đến sự trinh khiết của đức Maria (Mt 1,16; Lc 1,27); cuộc hôn nhân với thánh Giuse (Mt 1,16; Lc 1,27: 2,25); việc đặt tên Giêsu do lệnh trời (Mt 1,21; Lc 2,11); đức Giêsu là đấng cứu vớt muôn dân (Mt 1,21; Lc 2,11); đức Giêsu sinh ra tại Bêlem (Mt 2,5; Lc 2,11); đức Giêsu trải qua thời thơ ấu tại Nazareth cùng với đức Maria và thánh Giuse (Mt 2,23; Lc 2,39).

Tuy được Thiên Chúa tuyển chọn đặc biệt, nhưng Đức Maria cũng không tránh khỏi những giây phút căng thẳng khi sống bên cạnh mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người. Mặc dù Đức Giêsu chấp nhận sống trong gia đình của Đức Maria như một người con thảo hiếu (Lc 2,16-19.48-50), nhưng bà mẹ cảm thấy mình không thể nào chiếm hữu được người con ấy bởi người con này đã hiến dâng trót đời mình cho Thiên Chúa (Lc 2,49). Truyền thống Tin mừng không giấu diếm mối tương quan khó khăn giữa Chúa Giêsu với thân mẫu trong thời kỳ hoạt động công khai (Mc 3,20-21.31-35 ss; Lc 11,27-28; x. Ga 7,1-13).

Mặt khác, các bản văn Kinh thánh đều cho thấy Đức Maria luôn có mặt ở những biến cố trọng đại của công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu: - Lúc Nhập thể, khi thời gian tới hồi viên mãn, do tác động huyền nhiệm của Thánh Thần, Đức Maria đã sinh hạ Con của Đấng Tối cao làm người. - Trong mầu nhiệm Vượt qua, khi Đức Giêsu hoàn tất công cuộc cứu chuộc bằng sự tự huỷ, thì Đức Maria hiện diện như người Nữ của “giờ” của Chúa (Ga 19,25-27). - Vào lúc khai nguyên của Hội thánh, Đức Maria, “thân mẫu của Chúa” (Cv 1,14) đã hiện diện với các tông đồ tại nhà Tiệc ly, như là ký ức và bà mẹ của “biến cố Đức Kitô”, khởi điểm của Hội thánh. Người ở “trong” và “với” Hội thánh.

Người là mẫu gương của “kẻ đã tin” (Lc 1,45), luôn nghiền ngẫm Lời Chúa (Lc 2,19.51), sẵn sàng luôn để cho Thánh Thần hướng dẫn.

Việc trở về Kinh thánh không chỉ giúp cho công tác suy tư thần học có nền tảng vững chắc, nhưng còn góp phần cho việc đối thoại với các giáo hội Cải Cách.

2.4. Các tín điều

Như vừa nói, các bản văn Tân ước không chủ ý kể lại tiểu sử của Chúa Giêsu (và của Đức Maria). Đúng hơn, đó là chứng tích của niềm tin của Hội thánh nguyên thuỷ. Hiểu như vậy, phải nhìn nhận rằng những đạo lý cốt lõi của Kitô giáo liên quan đến Đức Maria đã được hàm chứa trong Kinh thánh rồi.

Theo gương Đức Maria đã nghiền ngẫm Lời Chúa để hiểu biết kế hoạch của Thiên Chúa, Hội thánh trải qua dòng thời gian cũng đào sâu kho tàng mạc khải để hiểu rõ hơn mạc khải của Thiên Chúa, cách riêng để đáp ứng những thách đố đức tin của mỗi thời đại. Đó là ý nghĩa của những “tín điều” mà Hội thánh tuyên xưng, như công đồng Vaticanô II giải thích trong hiến chế Dei verbum (về mạc khải) số 8. Khi giải thích các tín điều, cần phân biệt hai khía cạnh: a) nội dung của tín điều thì không thể thay đổi bởi vì gắn liền với mạc khải của Thiên Chúa; b) hình thức phát biểu thì lệ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử. Vì thế tuy vẫn nắm chắc nội dung tín điều, nhưng thần học cố gắng tìm những cách thức diễn đạt đáp ứng với những đòi hỏi của mỗi thời đại. Đó cũng là điều xảy ra vào những năm sau công đồng.

2.4.1. Các tín điều về Đức Maria

Trải qua hai mươi thế kỷ, Giáo hội đã công bố bốn tín điều về Đức Maria: Mẹ Thiên Chúa, trinh khiết, vô nhiễm nguyên tội, hồn xác lên trời.

- Bốn tín điều này có thể phân ra làm hai nhóm: a) hai tín điều “Mẹ Thiên Chúa” và “Trinh khiết” gắn liền với mầu nhiệm Đức Kitô, và đã có lịch sử lâu đời; b) hai tín điều “Vô nhiễm nguyên tội” và “Hồn xác lên trời” liên quan đến bản thân của Đức Maria, và mới được tuyên bố gần đây (thế kỷ XIX và XX).

- Nhìn lại lịch sử thành hình bốn tín điều, chúng ta có thể thêm một nhận xét khác. Hai tín điều đầu tiên đã được tuyên xưng bởi Hội thánh bất phân ly, nghĩa là trước khi có những chia rẽ giữa Đông và Tây, giữa Công giáo và Tin Lành. Ngoài ra, hai tín điều đầu tiên đặt trọng tâm nơi công trình cứu chuộc. Hai tín điều cận đại được công bố bởi các Giáo hoàng, thủ lãnh của Giáo hội công giáo, mà thẩm quyền không được Giáo hội Chính thống và các Giáo hội Cải cách nhìn nhận.

- Dựa trên sự liên hệ với Lời Chúa, cha René Laurentin còn đưa ra một lối phân chia khác, thành ba cấp[9]: a) những tín điều “Kinh thánh”, nghĩa là dựa trên bản văn Kinh thánh (hai tín điều đầu tiên); b) những tín điều “gần đây” được đức giáo hoàng công bố sau nhiều cuộc tranh luận thần học lâu dài (hai tín điều “vô nhiễm nguyên tội” và “hồn xác lên trời”); c) những đạo lý chưa được định tín chính thức, nhưng đã được huấn quyền thông thường và phổ quát đề nghị (sự môi giới thiêng liêng của người mẹ; sự hợp lệ của việc tôn kính Đức Mẹ trong phụng vụ và kinh nguyện).

2.4.2. Đọc lại các tín điều dưới viễn ảnh mới

Các tín điều đã ra đời vào những hoàn cảnh xã hội và lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, các đức giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II đã đọc lại các tín điều ấy một cách xuyên suốt nhờ lối tiếp cận thần học của hiến chế Lumen gentium: đặt trong viễn ảnh của mầu nhiệm đức Kitô và Hội thánh, vừa nêu bật tính cách ân điển của Thiên Chúa, vừa đề cao vai trò đáp trả về phía con người.

a) Chức Thiên mẫu là một đặc ân của Thiên Chúa, nhưng đã đòi hỏi người hiền mẫu và tôi tớ dấn thân vào công trình cứu độ của Đức Kitô để hình thành cộng đồng những kẻ được Chúa cứu chuộc. Đức Maria đã sống thiên chức làm mẹ Đấng Cứu thế với lòng tin-cậy-mến, cùng với tinh thần phục vụ. Đức Maria trở thành mẫu gương của Hội thánh trong công tác tông đồ, nghĩa là sứ vụ làm mẹ sinh ra những con cái mới cho Nước Thiên Chúa.

Công đồng Êphêsô gắn liền tín điều Thiên mẫu gắn liền với việc tuyên xưng mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể; nhưng ngày nay, chúng ta cũng có thêm rằng tín điều này cũng tuyên dương phẩm giá của con người được tái sinh nhờ tình yêu của Chúa Cứu thế.

b) Sự trinh khiết trọn đời của Đức Maria không chỉ nói lên sự kiện Người tận hiến toàn thân để phục vụ Đấng Emmanuel, nhưng cũng là sự tuyên xưng thiên tính của Đức Giêsu. Thật vậy, những trào lưu cận đại phủ nhận đức trinh khiết của Đức Maria thường cũng chỉ nhìn đức Giêsu như một con người bình thường. Hiến chế Lumen gentium muốn cho tín điều này trở nên khuôn mẫu cho Hội thánh biết giữ vững đức tin nguyên tuyền, giống mối tình chung thuỷ của hiền thê đối với Hôn phu độc nhất là Đức Giêsu. Đức Gioan Phaolô II còn muốn mở rộng những suy tư đến toàn thể lịch sử cứu độ[10]: sự “trinh khiết phong nhiêu” của Đức Maria đã được tiên báo ngay từ những trang đầu của Kinh thánh (“đất còn trinh”, St 2,4b-7); được chuẩn bị nơi những phụ nữ son sẻ trở thành mẹ; được diễn tả nơi thập giá (“Đức Kitô trinh khiết đã ký thác môn đệ trinh khiết cho người mẹ trinh khiết”, theo kiểu diễn tả của các giáo phụ); và mang theo nhiều giá trị Tin mừng cho thời đại hôm nay (tự do nội tâm, tôn trọng tha nhân, quan tâm đến các giá trị thiêng liêng, chiều kích cánh chung, tình yêu và tôn trọng thiên nhiên).

c) Tín điều vô nhiễm nguyên tội được Giáo hội tuyên xưng sau nhiều thế kỷ tranh luận, muốn nói lên rằng: ơn cứu chuộc phổ quát của Đức Kitô vượt lên biên cương của thời gian; đức Maria cũng cần được cứu chuộc, đồng thời Người đã được Thiên Chúa trang điểm với vẻ đẹp thánh thiện độc nhất vô nhị. Tín điều này nói lên khả năng lựa chọn tự do của con người. Cần phân biệt hai điều: khả năng phạm tội và thực sự phạm tội. Đức Maria chia sẻ thân phận chung của loài người, nghĩa là có thể phạm tội; nhưng Người đã không phạm tội, bởi vì ý muốn của Người hoàn toàn hòa đồng theo ý Chúa. Đức Maria chứng tỏ tình trạng “có thể không phạm tội” (khác với điều kiện “không có thể phạm tội”). Trên thực tế, đây là một ân huệ của Thiên Chúa, nhờ quyền năng của Đức Kitô Đấng đã chiến thắng tội lỗi: Thánh Thần đã ban cho Người được thông dự vào sự chiến thắng ấy. Hội thánh ca ngợi công trình Chúa Ba ngôi nơi ân huệ này: tình yêu của Chúa Cha, ơn cứu chuộc của Đức Kitô, ân huệ bao phủ của Thánh Thần. Tín điều này trở thành nguồn tin tưởng và hy vọng cho Dân Chúa. Đức Maria “không mắc tội tổ tông truyền” có nghĩa là Người không chịu ảnh hưởng tiêu cực của dòng dõi nhân loại; ngược lại, Người khai mở một tình liên đới mới, với một dòng dõi mới của những kẻ được tái sinh làm con Thiên Chúa. Người trở nên khuôn mẫu cho Hội thánh, hiền thê không tì ố của Đức Kitô, sống giữa thế gian tội lỗi nhưng không vướng mắc tội lỗi, nhờ ân sủng của Chúa.

d) Tín điều “Đức Maria được đưa lên trời” muốn nói rằng Người đã chia sẻ cái chết “trong Đức Kitô” cho nên cũng được thông dự vào sự phục sinh của Chúa. Người trở nên dấu chỉ hy vọng cho các phần tử Hội thánh cũng sẽ được chia sẻ ơn cứu độ toàn diện do Chúa ban.

Trong việc diễn tả niềm tin này, Giáo hội sử dụng những ngôn ngữ lấy từ những khuôn mẫu mà Kinh thánh dành cho sự kết liễu cuộc đời của người công chính:

- “âm ti” (sheol), cõi thinh lặng dưới lòng đất dành cho những người chết (x. Tv 6,5; 88,10; Lc 16,19-21).

- “cất về trời” hoặc “đưa lên trời” mà không phải trải qua cái chết, giống như ông Enoch và ông Êlia (x. St 5,24; 2V 2,1-11), và những người được Chúa cứu độ (1Tx 4,17).

- “nâng lên, nhấc lên”: các tôi tớ trung tín được Thiên Chúa đưa vào cõi sống bất tử (x. Đn 7,27; Pl 2,9).

Dù sao, Đức Maria được đưa lên trời để trở thành kẻ chuyển cầu cho các phần tử của nhân loại, cũng giống như Chúa Kitô vào thánh điện trên trời như Thượng tế để chuyển cầu cho chúng ta (x. Dt 7,25).  Tín điều này cũng ảnh hưởng đến niềm tin của Hội thánh về điều kiện tương lai của nhân loại. Thật vật, thân xác của Đức Maria hiện nay là một “thân thể sinh khí” (soma pneumatikon: x. 1Cr 15,44; Pl 3,21), được ở kề bên Thiên Chúa, trong tình trạng hiển vinh, là hình ảnh của điều kiện cánh chung của nhân loại.

2.4.3 Cuộc đối thoại đại kết

Các tín điều phát biểu niềm tin của Hội thánh vào chân lý mạc khải. Hội thánh không “sáng tác” các tín điều, nhưng đón nhận từ Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là các tín điều ràng buộc tất cả mọi Kitô hữu chứ không chỉ riêng gì các phần tử thuộc Giáo hội công giáo.

Tiếc rằng thực tế không xảy ra như vậy. Có thể nói được là hai tín điều cổ điển (Thiên mẫu, trinh khiết trọn đời) được tất cả các Giáo hội tuyên xưng, nhưng hai tín điều “mới” thì gặp nhiều ngăn trở vì những lý do khác nhau.

a) Các Giáo hội Chính thống không chấp nhận hai tín điều này bởi vì họ không chấp nhận tín điều bất khả ngộ của giáo hoàng. Theo truyền thống các giáo hội Đông phương, duy chỉ công đồng phổ quát mới có thẩm quyền tuyên bố tín điều. Thực ra, xét về nội dung, các giáo hội Chính thống vẫn tin rằng Đức Maria là Đấng Toàn thánh, và lễ Đức Mẹ an giấc (15 tháng 8) được cử hành long trọng từ thế kỷ V[11].

b) Chúng tôi đã nói sơ qua những vấn nạn của phái Cải Cách liên quan đến đức Maria. Họ muốn nhấn mạnh đến sáng khởi của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ: ân sủng mang tính ban không, loại trừ sự hợp tác của con người. Ngoài ra, vào thế kỷ XVI, phong trào tôn kính Đức Mẹ có những lệch lạc, gây cảm tưởng Người là một nữ thần.

Những cuộc đối thoại đại kết trong thế kỷ XX đã giải toả được nhiều hiểu lầm giữa đôi bên. Từ sau công đồng, nhiều văn kiện đối thoại đại kết giữa Giáo hội Công giáo và phái Cải Cách (ở cấp địa phương) đã được phát hành: Groupe des Dombes, Marie dans le dessein de Dieu et la communion des saints. Controverse et conversion, Paris 1998. U.S. Lutheran - Roman Catholic dialogue VIII, The One Mediator, the Saints, and Mary (1992). Anglican - Roman Catholic International Commission (ARCIC), Mary: Grace and Hope in Christ (Seattle, May 16, 2005)[12]. Thiết tưởng không nên bỏ qua sự đóng góp quan trọng của nhà thần học Max Thurian (Marie, mère du Seigneur, figure de l’Eglise,1961), một thành viên tu viện Taizé  được mời làm quan sát viên tại công đồng, và sau đó trở thành linh mục công giáo.

2.5. Những đường hướng tiếp cận hiện đại

Khi nói đến TMH, chúng ta giới hạn vào việc nghiên cứu thần học, dùng lý trí để tìm hiểu đức tin. Đó là lối tiếp cận của “lý trí” để tìm kiếm “chân lý”. Tuy nhiên, đó không phải là lối tiếp cận duy nhất. Thời Trung cổ, thánh Tôma sử dụng “ngũ đạo” để minh chứng sự hịên hữu của Thiên Chúa. Thời nay, cha Stefano de Fiores cũng kể ra “năm con đường” tìm hiểu đức Maria[13]:

a) Đường Kinh thánh (via biblica, hoặc: lịch sử cứu độ): trình bày thân mẫu Đức Giêsu theo mạc khải của Thiên Chúa qua các tác phẩm Tân ước;

b) Đường tỏ hiện (via epifanica): qua những lần Đức Mẹ hiện ra cho những người được uỷ thác một sứ mạng đặc biệt (chẳng hạn như: Lourdes, Fatima) hoặc những người đã có một cảm nghiệm riêng tư (chẳng hạn như thánh Louis Marie Grignion de Montfort, thánh Maximiliano Kolbe).

c) Đường tâm linh (via della spiritualità): qua những kinh nguyện bộc phát từ lòng yêu mến, như ta đọc thấy nơi nhiều tác giả thời Trung cổ (chẳng hạn thánh Bênađô), hoặc nơi lòng đạo đức bình dân.

d) Đường chân lý (via della verità): qua đạo lý của Huấn quyền và suy tư thần học; đây là lối tiếp cận cổ truyền của thần học.

e) Đường thẩm mỹ (via pulchritudinis): qua việc chiêm ngắm những tác phẩm nghệ thuật (thi ca, âm nhạc, tranh họa) diễn tả Đấng Tuyệt Mỹ[14].

Và cũng như thần học nói chung, bên cạnh khuynh hướng “khẳng định” còn có khuynh hướng “phủ định”, đặc tính của các nhà thần bí. Sự thinh lặng cũng là một cách làm thần học (theologia = nói về Chúa, nói với Chúa).

2.6. Đức Maria trong Hội thánh ngày nay

Trong bài này, chúng tôi giới hạn vào việc tìm hiểu những đường hướng suy tư thần học về Đức Maria. Để kết luận, cần phải mở rộng đến sự hiện diện của Đức Thánh mẫu trong đời sống Hội thánh. Thật vậy, Người không chỉ là một “đối tượng nghiên cứu” nằm trong sách vở, nhưng Người hiện diện trong đời sống Hội thánh bằng nhiều cách. Đối lại, Hội thánh không chỉ nhìn Người như chân lý phải tin nhưng còn duy trì mối tình hiếu thảo qua nhiều phương thế.

Chúng ta có thể lấy một thí dụ từ sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, được ban hành ba mươi năm sau công đồng (1992). Sách Giáo lý không dành cho Đức Maria một chương biệt lập, nhưng nhắc đến Người trong tất cả bốn phần. Điều này muốn cho thấy rằng Đức Maria hiện diện trong toàn thể mầu nhiệm đức tin Kitô giáo: trong việc tuyên xưng đức tin (phần thứ nhất), cử hành mầu nhiệm (phần thứ hai), sống trong Đức Kitô (phần thứ ba), cầu nguyện (phần thư bốn). Nói khác đi, mầu nhiệm Kitô giáo mang một chiều kích Maria. Số 487 cung cấp cho ta một chìa khóa để đọc các đoạn văn viết về Mẹ Maria: “Điều mà đức tin công giáo tin về Đức Maria dựa trên điều mà Hội thánh tin về Chúa Kitô, đức tin công giáo tin về Đức Maria dựa trên điều mà Hội thánh tin về Chúa Kitô, điều mà Hội thánh dạy về đức Maria thì soi sáng đức tin vào Chúa Kitô”.  Dĩ nhiên, tuy nhìn nhận sự liên hệ mật thiết giữa các tín điều về Chúa Giêsu và các tín điều về Đức Maria, nhưng chúng ta đừng nên bỏ qua nguyên tắc “hệ cấp các chân lý” (hierarchia veritatum) được công đồng Vaticanô II nói đến trong sắc lệnh về đại kết (số 11) và được sách Giáo lý trích lại ở số 90.

Đức Maria được nhắc đến nhiều hơn cả trong phần thứ nhất: Người đồng hành với Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời từ khi Truyền tin cho tới thập giá, và đồng hành với Giáo hội (đặc biệt ở các số 963-972); mối tương quan giữa Đức Maria với Chúa Thánh Thần cũng được nhắc tới nhiều lần (số 484-486; 721-726). Phần thứ hai nhắc đến Đức Maria như là thành phần của Hội thánh ca ngợi Thiên Chúa (số 1138; 1187); đồng thời sách Giáo lý giải thích lý do vì sao Người được tôn kính cách đặc biệt (số 1161; 1172; 1192; 1195). Phần thứ ba trình bày Đức Maria như kẻ đã sống các chân phúc, cũng như là mẫu gương các nhân đức, đặc biệt là đức tin. Trong phần thứ bốn, ta thấy Đức Maria như là mẫu gương của một tín hữu cầu nguyện vì thế có thể dạy ta cầu nguyện; đặc biệt, sách Giáo lý giải thích ý nghĩa của các lời cầu hướng về Đức Maria ở số 2673-2678[15].

Cùng với sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, thiết tưởng chúng ta không nên bỏ qua những văn kiện của Tòa thánh liên quan đến việc tôn kính Đức Maria[16], chẳng hạn như:

- Đức Phaolô VI, tông huấn Marialis cultus (2-2-1974), về sự chăm lo và phát triển việc tôn kính Đức Trinh nữ Maria cách đúng đắn.

- Bộ Phụng tự, Tuyển tập những bài lễ kính Đức Maria (Collectio missarum de Beata Maria Virgine: 15-8-1986);

- Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Rosarium virginis Mariae (16-10-2002) về kinh Mân côi.
 
KẾT LUẬN
 
Trong bài này, chúng tôi chỉ muốn giới thiệu vài nét tiến triển của TMH trong những năm sau công đồng Vaticanô II. Chắc hẳn là còn rất nhiều thiếu sót, cách riêng bởi vì không nhắc đến đời sống đạo của Dân Chúa, một nhân tố ảnh hưởng rất nhiều đến việc tôn kính và suy tư. Chúng ta có thể lấy một tỉ dụ từ triều đại của thánh Gioan Phaolô II, vị “giáo hoàng của Đức Mẹ”. Việc nghiên cứu TMH của ngài không thể nào chỉ giới hạn vào các văn kiện (thông điệp, tông huấn, tông thư)[17], nhưng còn phải kèm theo các cuộc hành hương đến các thánh điện của Thánh mẫu, các hành vi “ký thác” Giáo hội cho Đức Mẹ, đặt trong bối cảnh của những phong trào giáo dân cổ động lòng sùng kính Người (đặc biệt gắn liền với những nơi Đức Mẹ hiện ra)[18].

Mặt khác, Đức Maria không phải là “độc hữu” của Kitô giáo. Người cũng được  nhắc đến trong đạo Do thái và đặc biệt là trong sách Coran của Islam (70 lần). Không thiếu những tác phẩm đã được dành để nghiên cứu lãnh vực này. Ngoài ra, nếu TMMH không thể bỏ qua chiều kích nhân văn, thì cũng cần theo dõi những tiếng nói của các môn nhân văn học về Đức Maria. Thật vậy, từ trước công đồng, Karl Jung đã bàn đến Đức Maria như một biểu tượng trong tâm lý chiều sâu. Gần đây, bên cạnh những tranh luận của phong trào giải phóng phụ nữ chung quanh  hình ảnh của Đức Maria, cần phải nhắc đến sự so sánh giữa việc tôn kính Đức Thánh Mẫu với những vị Nữ thần (Mẫu thần, đạo thờ Mẫu) trong văn hóa các dân tộc. TMH là một lãnh vực nghiên cứu còn rộng mở.
 

Thư tịch
 
1. Lịch sử việc soạn bản văn chương VIII Hiến chế Lumen gentium

G. M. Besutti, Lo schema mariano al Concilio Vaticano II. Documentazione e note di cronaca. Marianum, Roma 1966.

R. Laurentin, La Vierge au Concile. Présentation, texte du chapitre VIII de la constitution dogmatique “Lumen gentium”. Lethielleux, Paris 1965.

S. M. Meo, Maria nel capitolo VIII della “Lumen gentium”. Elementi per un’analisi dottrinale. Marianum, Roma 1975.

E. M. Toniolo, Il capitolo VIII della “Lumen Gentiun”. Cronistoria e sinossi, in Marianum 66 (2004) pp. 9-425.
 
2. Thánh mẫu học sau công đồng Vaticanô II

AA. VV., Prospettive attuali di mariologia. Monfortane, Roma 2001.

A. Amato, Maria nell’insegnamento del magistero dal Concilio Vaticano II a oggi, in AA. VV., Fons Lucis. Miscellanea di studi in onore di Ermanno M. Toniolo. Marianum, Roma 2004, pp. 437-472.

S. De Fiores, Maria nella teologia contemporanea. Centro Cultura Mariana, Roma 1991 (3 ed).

S. M. Perrella, La Madre di Gesù nella coscienza ecclesiale contemporanea. Saggi di teologia. PAMI, Città del Vaticano 2005.

ID., Insegnamento della Mariologia e Magistero. L’indicazione dell’Esortazione post sinodale “Verbum Domini” di Benedetto XVI, in «Marianum» 73 (2011), pp. 201-256.

ID., L’insegnamento della mariologia ieri e oggi  Edizioni Messaggero, Padova 2012.
 
 
*  Chú thích của người dịch. Những tài liệu trên đây được viết bằng tiếng Ý. Các độc giả tại Việt Nam có thể tìm thấy một nguồn quan trọng về THM ở trang web của Đại Học Dayton: “The Mary Page”: http://campus.udayton.edu/mary/index.html
 

 

1 Tác giả là giám đốc Học viện “Marianum” (Rôma) chuyên về Thánh mẫu học. Nguồn: “Percorsi teologici postconciliari. Dalla Lumen gentium ad oggi”, in: Maria nel Concilio, Centro di Cultura Mariana, Roma 2006, p.175-312.  Tuy được viết cách đây 10 năm, nhưng bài này không mất tính thời sự. Trong khuôn khổ của một bài báo, chúng tôi chỉ tóm lược những ý chính chứ không dịch sát nguyên văn, cũng như cắt bỏ các chú dẫn thư mục.

[2] Nên lưu ý là trong các ngôn ngữ châu Âu, “Thánh-mẫu-học” là mariologia (hoặc marialogia), dịch sát là “Maria-luận” (khảo luận về Maria). Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1602 do cha Placido Nigido S.J. trong tựa đề tác phẩm Summae sacrae mariologicae pars prima. Có người thích dùng thuật ngữ theologia marialis.

[3] Chúng ta đừng quên rằng trong hai thế kỷ XIX và XX, Hội thánh đã tuyên bố hai tín điều về Đức Maria: Vô nhiễm nguyên tội (8-12-1854) và Hồn xác lên trời (1-11-1950), thêm vào hai tín điều đã có từ thời các giáo phụ (Mẹ Thiên Chúa - Trinh khiết trọn đời). Việc “đề cao” Đức Maria cũng nhằm chống lại phong trào Cải cách loại trừ mọi môi giới của con người trong chương trình cứu chuộc, dựa theo nguyên tắc của Lutêrô: a) solus Christus (duy Đức Kitô là Đấng cứu độ, trung gian duy nhất), b) sola gratia (duy chỉ nhờ ân sủng mà chúng ta được cứu độ), c) sola fides (duy chỉ nhờ đức tin mà chúng ta nhận được ơn nên công chính), d) sola Scriptura (duy chỉ Kinh thánh là nền tảng đức tin).

[4] Thuật ngữ này xuất hiện tại Hội nghị TMH quốc tế tại Lourdes năm 1958.

[5] S. MEO, “Concilio Vaticano II”, in: Nuovo Dizionario di Mariologia, Paoline, Cinisello Balsamo 1986, p. 346.

[6] Như đã nói trên, khi họp công đồng, một số nghị phụ đã đề nghị tuyên bố tín điều “Đức Mẹ trung gian các ân sủng” (Mediatrix omnium gratiarum); nhưng một khuynh hướng đối lại yêu cầu đừng đả động đến điểm này vì không có chứng cớ Kinh thánh và gây khó khăn cho cuộc đối thoại đại kết. Đứng trước hai khuynh hướng đối lập, Công đồng (số 62) đã chọn lựa một giải pháp thỏa hiệp, đó là đặt tước hiệu “trung gian” trong số những tước hiệu mà các tín hữu quen kêu cầu Đức Maria (Trạng sư, Phù hộ, Trợ giúp, Trung gian), nhưng không đi sâu vào nội dung tín lý.

[7] Ngoài Hiến chế LG, công đồng còn nhắc đến Đức Maria trong nhiều văn kiện khác: Hiến chế về Phụng vụ số 110; Sắc lệnh về các Giáo hội Đông phương số 30; Sắc lệnh về Đại kết số 14, 15, 20; Sắc lệnh về Đời tu số 25; Sắc lệnh về việc Đào tạo linh mục số 8; Tuyên ngôn về Các tôn giáo số 3, 4; Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân số 4; Sắc lệnh về Truyền giáo số 4; Sắc lệnh về Linh mục số 18; Hiến chế GS số 22.

[8] Xem thêm: Huấn thị của Bộ Giáo dục Công giáo về việc dạy TMH trong các chủng viện: The Virgin Mary in Intellectual and Spiritual Formation (March 25,1988).

[9] R. Laurentin, Un armo di grazia con Maria. La sua storia, il dogma, la sua presenza, Queriniana, Brescia 1987, pp. 83-131.

[10] ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn văn đọc tại Capua (ngày 24-5-1992) nhân dịp hội nghị kỷ niệm 1600 năm công đồng Capua tuyên xưng tín điều Đức Maria trọn đời đồng trinh năm 392, dưới triều giáo hoàng Siriacô: AAS 85 (1993) 663-670.

[11] A. Kniazeff, La Madre di Dio nella Chiesa ortodossa. San Paolo, Cinisello Balsamo 1993.

[12] G. Bruni, Mariologia Ecumenica? Indicazioni dal dialogo ecumenico ufficiale internazionale tra la Chiesa cattolica romana e le Chiese nate dalla Riforma, in Marianum 59 (1997) pp. 601-650.

[13] S. De Fiores, “Le «vie» della conoscenza di Maria: panoramica generale”, in AA. VV., Come conoscere Maria. Centro di Cultura Mariana , Roma 1984, pp. 7-27.

[14]  Về phía thần học, Hans Urs von Balthasar là người đã mở hướng mới cho môn “thẫm mỹ thần học” (esthetica theologica). Vài tác phẩm tiêu biểu của lối tiếp cận theo con đường “đẹp”: C. Militello,  Mariologia e “via pulchritudinis”, in:  Marianum 61 (1999) pp. 459-487; AA.VV, Via pulchritudinis e mariologia. AMI, Roma 2003; S. M. Perrella, “Tota Pulchra es Maria”. L’Immacolata: frutto segno e riverbero della bellezza e dello splendore di Cristo Redentore dell’uomo, in AA. VV., Il dogma dell’Immacolata Concezione di Maria. Problemi attuali e tentativi di ricomprensione. Marianum, Roma 2004, pp. 463-623; F. Manzi, La bellezza di Maria. Riflessioni bibliche. Ancora, Milano 2005.

[15] AA. VV., Maria nel Catechismo della Chiesa Cattolica. Centro di Cultura Mariana, Roma 1993.

[16]  J. Castellano Cervera, La presenza di Maria nel mistero del culto. Natura e significato, in Marianum 58 (1996) pp. 387-427; S. De Fiores, Maria madre di Gesùø. Sintesi storico-salvifica. EDB, Bologna 1992, pp. 230-287; C. Valenziano, Culto popolare a Maria con celebrazione liturgica e con spritualità spontanee, in AA. VV. Maria nella Chiesa in cammino verso il Duemila. Marianum-Dehoniane, Roma-Bologna 1989, pp. 315-357.

[17]  Đừng kể những văn kiện mang tính Huấn quyền, Thánh Gioan Phaolô II còn trình bày một loạt bài huấn giáo về Đức Maria, gồm 70 bài (được dịch sang tiếng Việt “Những bài huấn giáo về Đức Maria”).

[18] Thông điệp Redemptoris Mater được viết trong bối cảnh Năm Thánh Mẫu (1987-88), chuẩn bị đón mừng năm 2000. Một vài phong trào đã yêu cầu Đức Thánh Cha tuyên bố một Năm thánh kỷ niệm 2000 năm sinh nhật Đức Mẹ.