Lm. Nguyễn Hữu Thy
Khi đề cập tới sự sống lại của con người sau khi chết, chúng ta cũng cần phải sẵn sàng nhìn nhận rằng đây không phải là một vấn đề luôn luôn được mọi người hay mọi tôn giáo xác tín. Không chỉ ngày nay, nhưng ngay từ xa xưa cũng đã như thế. Sách Tông Đồ Công Vụ đã tường trình cho thấy rằng khi thánh Phaolô đến rao giảng Tin Mừng cho thành A-then, thủ đô của đế quốc văn minh Hy Lạp lúc bấy giờ, ông đã được chính cả những nhà trí thức, các học giả và các triết gia thích thú lắng nghe. Nhưng khi họ vừa nghe thánh Phaolô đề cập đến việc kẻ chết sống lại, thì ai nấy đều nhạo cười ông và bỏ ra về với lời mỉa mai: «Thôi, để lần khác chúng tôi lại nghe ông luận bàn về điều đó» (Cv 17,18+32). Nhưng không chỉ dân ngoại mới có phản ứng tiêu cực như thế, ngay cả trong Do-thái giáo cũng không phải mọi tín hữu cũng đều tin có sự sống lại. Ví dụ: Phái Xa-đốc trong Do-thái giáo hoàn toàn phủ nhận sự sống lại của con người sau khi chết. Chính họ đã đến tranh biện với Đức Giêsu và vặn hỏi Người về chuyện đó(1).
Sự sống lại của Đức Giêsu
Vì thế, chúng ta có thể nói được rằng niềm tin vào sự sống lại là một đặc điểm rõ ràng nhất của Kitô giáo, vì đã được chính Đức Kitô phê nhận, và chính Người cũng là người đầu tiên đã từ trong các kẻ chết sống lại. Tuy nhiên, niềm tin vào sự sống lại không phải là một khám phá mới của Kitô giáo. Theo Linh mục Martin Hasitschka, giáo sư về Kinh Thánh Tân Ước, thì niềm hy vọng vào sự sống lại thực sự đã được xác định ngay từ trong phần Kinh Thánh Cựu Ước. Vâng, trong sách tiên tri I-sai-a khi đề cập tới Thiên Chúa, đã viết: «Các vong nhân của Người sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên. Nay những kẻ nằm trong bụi đất, hãy chỗi dậy, hãy reo mừng!» (Is 26,19). Còn tác giả các Thánh Vịnh dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần đã viết: «Thiên Chúa sẽ chuộc mạng sống tôi ra khỏi âm phủ, vâng, Người tiếp nhận tôi» (Tv 49,16). Đặc biệt nhất, trong sách Đa-ni-en, chúng ta còn đọc thấy lời khẳng định: «Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ chỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời!» (Đn 12,2).
Qua đó chúng ta thấy rằng có một sự liên hệ rõ ràng giữa sự sống lại của các kẻ chết và việc xét xử phúc tội của họ. Đây là điều đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử thần học và tu đức Kitô giáo.
Nhất là trong công cuộc rao giảng Tin Mừng và các giáo huấn của Đức Giêsu cũng chứa đựng những mặc khải về sự sống lại của những kẻ đã chết. Đặc biệt nhất là trong cuộc đối thoại với phái Xa-đốc như đã nói trên,(2) Đức Giêsu đã làm nổi bật vấn đề sống lại của các kẻ đã qua đời. Và cao điểm của cuộc đối thoại đó, là những lời khẳng định của Người: «Thiên Chúa không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng là Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống»(3).
Còn chính niềm hy vọng sống lại của Đức Giêsu đã được bày tỏ trước hết qua những lời loan báo rằng Người, với tư cách là Con Người, sẽ phải chịu khổ hình, nhưng «ngày thứ ba» Người sẽ được chỗi dậy từ kẻ chết(4). Và chắc chắn rằng Đức Giêsu cũng đã biết mình sẽ sống lại ngay sau khi chết. Một dẫn chứng cụ thể để chứng minh điều đó là lời Người hứa cùng một trong hai tên trộm đã chịu đóng đinh với Người, khi tên này thành khẩn xin cùng Người: «Lạy Đức Giêsu, khi nào Ngài về trong Nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng!» (Lc 23,42) Và Người đã trả lời cho tên trộm: «Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng» (Lc 23,43).
Vương quyền của Đấng Phục Sinh
Qua nhiều hình thức khác nhau, phần Kinh Thánh Tân Ước đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng sau khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu vẫn luôn luôn hoạt động mưu ích cho nhân loại. Nhưng khác với khi Người còn trong cuộc sống trần thế, vì sau khi sống lại Người nắm trọn trong tay mọi vương quyền và thống trị trực tiếp toàn thể vũ trụ (x. 1Cr 15,25). Đúng vậy, Đức Kitô đã phục sinh từ cõi chết và Thiên Chúa đã «phong cho Người làm Chúa và làm Đấng Messia» bằng một cách thức hoàn toàn mới mẻ (x. Cv 2,36) và «đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng» (x. Rm 1,4). Như vậy, Đấng Phục Sinh đã đóng một vai trò Trung Gian đặc biệt và duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Người «ngự bên hữu Thiên Chúa và chuyển cầu cho chúng ta» (Rm 8,34). Trong Thư gửi các tín hữu Do-thái, thánh Phaolô đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt này của Đức Kitô: Người sống luôn mãi để chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa (x. Dt 7,25) và «Người đã lên chốn trời cao để chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa» (Dt 9,24).
Niềm xác tín rằng, sau khi phục sinh từ trong cõi chết, Đức Giêsu đã trở về cùng Thiên Chúa Cha để hoạt động cho chúng ta và «nắm giữ vương quyền» (1Cr 15,25), được cắt nghĩa trong Tân Ước bằng nhiều cách khác nhau với sự trợ giúp của Thánh vịnh 110. Vâng, Đức Giêsu ngự bên hữu Thiên Chúa (Tv 110,1) và dự phần vào vương quyền của Thiên Chúa.
Cùng thống trị với Đức Giêsu
Đức Giêsu đã được tôn xưng là «Trưởng Tử» trong số những kẻ đã sống lại từ cõi chết(5). Nói cách khác, điều đó muốn nói lên rằng Đức Giêsu là «Anh Cả giữa một đàn em đông đúc» của Người. Theo Phúc Âm thánh Gioan, Đức Giêsu đã hứa với những ai theo Người và phụng sự Người, là họ sẽ được vào ở một chỗ với Người, nơi Người ngự (x. Ga 12,26), nghĩa là bên Thiên Chúa trong cõi sống vĩnh cửu.Trong bữa ăn tối cuối cùng với các Môn đệ, trước giờ chịu khổ nạn, Đức Giêsu đã nói những lời giã từ đầy tâm huyết và đã hứa với các Môn đệ rằng: «Nếu Thầy đi dọn chỗ cho các con, thì Thầy sẽ trở lại và đem các con về ở với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó với Thầy» (Ga 14,3). Lời khẩn cầu cuối cùng của Người cho các Môn đệ - mà người ta có thể gọi là Lời Kinh của Vị Linh Mục Thượng Tế - Đức Giêsu đã tha thiết thưa cùng Chúa Cha: «Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con» (Ga 17,24).
Sách Khải Huyền của thánh Gioan lại khai triển tư tưởng sự «đồng cư với Đức Kitô» này trong một thị kiến đặc biệt về một vương quyền kéo dài hàng thiên thu (x. Kh 20,4-6). Và tất cả những Kitô hữu đã qua đời, nhất là những người đã hy sinh mạng sống cho Đức Kitô như những vị Tử Đạo anh hùng và những người đã can đảm chấp nhận tất cả khi kiên quyết từ chối việc quì gối sấp mình thờ lạy «con thú» đã tự hóa thân trong quyền lực chính trị trần thế, chính là những người được ám chỉ trong thị kiến đó và là những người sẽ được tham dự vào vương quyền của Đức Kitô. Tư tưởng này chắc chắn phát xuất từ sự thâm tín rằng Đức Giêsu sau khi phục sinh từ cõi chết vẫn tiếp tục tìm cách hiện thực Nước Thiên Chúa dưới một hình thức mới, điều mà Người đã khởi đầu khi còn sống trên trần gian này. Nhưng Đức Kitô không thống trị một mình, «cùng đồng trị» với Người còn có cả những kẻ đã từng tin vào Người mà nay đã được sống lại.
Tuy nhiên, theo đúng với tinh thần và cách thức của Nước Thiên Chúa, thì sự cai trị hay sự thực thi vương quyền này – điều mà Phúc Âm đã nói rõ – chỉ được hiện thực trong tinh thần phục vụ và yêu thương mà thôi, như câu thành ngữ La-tinh đã nói: «Regnare est servare» - cai trị có nghĩa là phục vụ. Một đặc điểm khác nữa để nhận diện vương quyền Đức Kitô – như chúng ta đã thấy nơi Người trong vai trò ‘chuyển cầu’ cho chúng ta – là luôn qui hướng về Thiên Chúa trong tinh thần cầu nguyện.
Và những người cùng được tham dự vào vương quyền của Đức Kitô, thì họ cũng thực thụ là «những tư tế của Thiên Chúa và của Đức Kitô» (Kh 20,6). Vâng, Sách Khải Huyền của thánh Gioan còn cho hay rằng tất cả những Kitô hữu dù đang sống trên trần gian (Kh 1,6; 5,10), dù đã chết và đã được sống lại (Kh 20,4-6) đều là những «Tư tế» và cùng «hiển trị» với Đức Kitô. Nhưng thái độ hành xử của dân tộc tư tế trên trần gian là phản ảnh thái độ hành xử của những người đã hoàn toàn đạt tới sự viên mãn nơi Đức Kitô. Những dẫn chứng này cũng như bao dẫn chứng khác(6) đã củng cố sự xác tín của chúng ta là luôn luôn có một sự tương quan và một sự liên đới huyền nhiệm giữa những Kitô hữu còn sống và những Kitô hữu đã qua đời, giữa Dân Chúa đang trên đường lữ hành trần thế và Dân Chúa đã đạt tới sự vinh quang khải hoàn trên Nước Trời.
Các Thánh thông công
«Communio Sanctorum»: Sự hiệp thông của các Thánh hay các Thánh thông công – mà các Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành ở Đức đã chọn để đặt tên cho một tập tài liệu về Đại Kết giữa hai Giáo Hội - là dấu chỉ nền tảng của Giáo Hội Đức Kitô, đúng theo những gì đã được nêu lên trong Sách Khải Huyền của thánh Gioan. Đúng vậy, trong tập tài liệu Đại Kết đó người ta đọc thấy những dòng sau đây: «Theo tinh thần của Tân Ước thì Giáo Hội không chỉ là Cộng Đoàn các tín hữu đang sống trên trần gian này, nhưng còn bao gồm cả một Cộng Đoàn rộng lớn hơn của các Thiên Thần và của các Chư Thánh đã được vinh hiển. Giáo Hội luôn ý thức được rằng mình được kêu mời cùng với đoàn người vô cùng đông đảo được tập họp từ mọi quốc gia và mọi chủng tộc, từ mọi dân nước và mọi ngôn ngữ, và cùng với muôn cơ binh Thiên Thần, để ca tụng sự cứu rỗi của Thiên Chúa ban và để sấp mình thờ lạy một mình Người (x. Kh 7,9-12).
Việc nhận thức được sự thông hiệp phổ quát này của các Thánh (x. Dt 12,22-24) càng củng cố và soi dẫn cho Cộng Đoàn các tín hữu đang còn trên dương thế trong công cuộc dấn thân của mình cho những thách đố đầy thúc bách của xã hội trong thời đại hôm nay. Và trên bước đường lữ hành chốn dương thế, Giáo Hội cử hành chính sự cứu rỗi mà Giáo Hội đang mong chờ nơi Chúa, và Giáo Hội trong tư cách là sự hiệp thông toàn diện của các Thánh, Giáo Hội cần phải đạt tới sự cứu rỗi đó trong ngày thế mạt»(7).
Đức tin dạy cho chúng ta rằng Đức Giêsu Phục Sinh luôn hoạt động dưới một cách thức mới và Người hiển trị trên toàn thể mọi tạo vật, nhưng Người không hoạt động và hiển trị một mình. Vâng, những ai đã được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước Trời đều cùng đồng được hiển trị với Đức Kitô (x. Mt 19,28).
Như vậy, qua đức tin, chúng ta cũng biết được rằng - bằng một cách thức đặc biệt - chúng ta luôn liên kết gắn bó với những người anh chị em đang được vui hưởng hạnh phúc Thiên đàng, như chúng ta hằng liên kết gắn bó với Đức Giêsu vậy.
Vai trò «trung gian» của Đức Maria
Từ niềm xác tín trên, chúng ta có thể dễ dàng khám phá ra được hai chủ đề trọng yếu liên quan tới sự sùng kính Đức Maria, đó là:
1. Thứ nhất : «Koimèsis», tức sự an nghĩ hay sự qua đời của Đức Maria. Trong Giáo Hội ở Đông Phương cũng như ở Tây Phương, các tín hữu đều xác tín rằng Đức Maria ngay sau khi chết đã được sống lại và đã được Đức Giêsu rước về Trời. Bởi vì trong các con cái loài người, Đức Maria là người duy nhất đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Con Một của Người, nên Thiên Chúa cũng đã giữ gìn Mẹ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, dù là tội nguyên tổ hay tội riêng. Nhưng nếu Đức Maria là Đấng tinh tuyền thánh thiện vẹn toàn, thì sự chết cũng không thể có ảnh hưởng gì trên ngài được, vì sự chết là hậu quả của tội lỗi. Và tư tưởng cho rằng Đức Maria và những tín hữu đã đạt tới được hạnh phúc Nước Trời, đang cùng sống và đồng hiển trị với Đức Kitô, dẫn chúng ta bước sang chủ đề trọng yếu thứ hai:
2. Thứ hai : «Deèsis», tức sự chuyển cầu, hay sự cầu thay nguyện giúp của Đức Maria cho chúng ta. Chủ đề này rất được ham chuộng và được đánh giá rất cao trong khoa ảnh tượng học ở Giáo Hội Đông Phương. Thật vậy, vô số các bức ảnh vẽ, các tấm khảm hay các bức họa trên tường về các Thánh, đã đặc biệt trình bày cho chúng ta thấy được rằng Đức Maria và thánh Gioan Tông đồ là hai vị đại ân nhận, hằng cầu bầu đắc lực cho chúng ta bên tòa Đức Kitô. Và đương nhiên đó là sự thật! Vâng, chủ đề thứ hai này phải là hệ quả tất yếu của chủ đề thứ nhất, bởi vì Thiên Chúa không bao giờ từ chối lời khẩn cầu của người công chính (x. Tv 34,16-17), nhưng thử hỏi ai trong con cái loài người còn công chính và thánh thiện hơn Đức Maria, Đấng từng cưu mang Đức Giêsu Kitô, nguồn cội mọi sự công chính và thánh thiện, trong chính cung lòng thanh khiết vẹn tuyền của mình?
Vâng, bây giờ trong nơi hạnh phúc viên mãn, Đức Maria giữ chức vụ «cầu thay nguyện giúp» hay làm «người bầu cử» cho nhân loại. Vì thế, sự «đồng hiển trị» của Mẹ với Đức Giêsu có nghĩa là Mẹ càng dấn thân hơn trong việc bênh vực chở che cho con cái loài người chúng ta trước tòa Đức Kitô, như xưa kia khi còn sống Mẹ đã làm ở tiệc cưới Cana (x. Ga 2,1-12) và ngày nay ở trên Trời, như chúng ta từng nhận ra được qua các lần Mẹ đã hiện ra trên mặt đất này, đặc biệt nhất là trong lần Mẹ hiện ra với ba trẻ chăn chiên ở Fatima vào năm 1917. Và tất cả những gì Đức Maria làm là chỉ nhắm tới mục đích:
• Để Thiên Chúa được tôn vinh và được thờ kính trong các tâm hồn.
• Để làm nổi bật hình ảnh Đức Kitô như là «Người Anh Cả giữa đàm em của Người» (Rm 8,29).
• Để con cái loài người được hưởng ơn cứu rỗi và sự hạnh phúc viên mãn.
Sau cùng, khi ngắm nhìn gương mẫu từ bi nhân hậu đối với nhân loại của Đức Maria, chắc hẳn tất cả các Kitô hữu chúng ta đang sống trên đời này cũng được động viên và được củng cố rất nhiều, trước hết :
• Để luôn sống và hành động trong tinh thần đức ái và phụng sự Nước Thiên Chúa;
• Để luôn biết dấn thân cầu nguyện không mỏi mệt cho các anh chị em đồng loại và ra tay quảng đại giúp đỡ họ, nhất là những anh chị em đang cần đến tấm lòng và bàn tay trợ giúp của chúng ta.
Nói tóm lại, qua những luận cứ tổng quát trên, chúng ta đã nhận thức được rằng Kinh Thánh là một minh chứng hùng hồn và xác đáng nhất về sự sống lại của loài người sau khi vĩnh biệt cõi đời này, và là một bảo đảm chắc chắn nhất cho niềm tin của chúng ta vào sự sống lại và vào cuộc sống mai hậu trên quê Trời.
___________________
1. xem Mt 22, 23-32; Cv 23,8.
2. Mt 22,23-33; Mc 12,18-27; Lc 20,27-40.
3. Lc 20,38; xem Mt 22,32; Mc 12,27.
4. xem Mc 8,31; 9,31; 10,33-34.
5. Roma 8,29; Cl 1,18; Khải Huyền 1,5.
6. Khải Huyền 7,1-17; 19,1-8.
7. Communio Sanctorum. Die Kirche als Gemeinschaft der Heiligen. Bilaterale Arbeitsgruppe der Deutschen Bischofskonferenz und der Kirchenleitung der Vereinigten Evangelisch-Lutherischen Kirche Deutschland, Paderborn – Frankfurt a.M. 2000, Nr. 22-23.