Friday, 24 January 2020 01:48

Những Nẻo Đường Tâm Linh: Linh Đạo Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Featured

Giuse Phạm Công Liêm, OP.

 

I. BỐI CẢNH XÃ HỘI THỜI THÁNH VINH SƠN[1]

Thánh Vinh Sơn sinh ra và lớn lên trong một nước Pháp có diện tích bằng 4/5 so với bản đồ hiện nay. Có rất ít biên giới tự nhiên. Có nhiều mảng bên trong khiến cho nước pháp không thành một khối duy nhất: vùng Venaissin thuộc quyền của Tòa Thánh từ 1274 đến 1791, một phần miền Nivernais và nhiều vùng trong miền Flandres trực thuộc Tây Ban Nha.

Vào thế kỷ 17, muốn làm một cuộc điều tra dân số rất khó khăn. Dân số tại Pháp lúc ấy dao động giữa 17 và 20 triệu người. Giặc giã, đói kém, bệnh tật, làm cho dân số tụt xuống nhanh chóng (đôi khi có thể xuống đến 14 triệu). Cha André Dodin, một sử gia thời ấy cho biết, có 50% tử vong trong giới trẻ em, tuổi trung bình của người dân là từ 20-25 trong giới nghèo, từ 40-45 trong giới trưởng giả. Các trận dịch và nạn đói de dọa 30 hay 40% dân cư trong một số tỉnh thành.

Giặc giã nổi lên khắp đất nước: tại Lorraine (1636-1745), tại Picardie, tại Champagne. Đất nước bị chao đảo vì những cuộc nổi dậy tại địa phương (Lyon 1633 ; Rouen 1647)…

Bên cạnh đó những trò phù thủy, bói toán cũng ngày một lan truyền khắp nước. Đất nước thì nghèo nàn, dân trí thì thấp kém, ước tính có đến ba phần tư nam giới và chín phần mười nữ giới mù chữ.

Chế độ dinh dường cũng nghèo nàn. Thịt được coi là một thứ cao lương mỹ vị, chỉ có giới quý tộc mới được hưởng dùng. Với người dân thức ăn hằng ngày chỉ là rau, xúp, bánh mì mạch (lúa mì và lúa mạch cùng gieo và gặp chung để làm bột). Súc vật thì ít và đất thì thiếu phân, cày xới không kỹ với lưỡi cày bằng gỗ, nên năng suất mùa màng không cao. Hai năm một lần, đất lại bị bỏ hóa. Khi thiên tai xảy ra, người dân đành bó tay, không thể khắc phục được vì thiếu phương tiện chuyên chở.

Phần chính quyền thì cố gắng tạo uy bằng cách không ngừng chống lại những nhóm dị giáo (cuộc tàn sát xảy ra vào ngày lễ thánh Batêlêmy, tháng 8 năm 1572 và cuộc xâm chiếm La Rochelle ngày 1 tháng 11 năm 1628 là những điển hình). Những cuộc nội chiến trong nước thực ra đều là những cuộc chiến tranh tôn giáo.

Về tôn giáo, một số người theo Công giáo, trong khi đó số khác lại theo tin lành. Dân chúng ngả bên này, nghiêng bên nọ tùy theo chế độ quan quyền đã ảnh hưởng trên họ.

Còn hàng giáo sĩ Công giáo, hầu như họ nắm cả quyền bính chính trị, vì tài sản của họ rất lớn. Họ là những địa chủ giàu nhất nước, chuyên khái thác đất đai trồng trọt, cho người khác thuê và thu thuế thập phân. Theo thống kê, thế kỷ này có tới 125-130 giám mục, 15 tòa giám mục, 152.000 nhà thờ hay nhà nguyện, 40.000 tu viện, 266.000 giáo sĩ, 18.000 nam nữ tu sĩ.

Trong số này có thể phân biệt ra hai loại : giáo sĩ cấp cao và cấp thấp.

Giáo sĩ cấp cao : đươc hưởng các bổng lộc, lợi nhuận. Trong số này có những giám mục trẻ con. Ví dụ, Charles de Levis: 4 tuổi… Henri de Verneuil, nhậm chức giám mục Metz vào năm 10 tuổi rưỡi. Năm 1596, trong số 100 tòa giám mục, thì có 30 hay 40 tòa trống ngôi. Họ đi đến đâu, tùy tùng kéo theo đến đó, lực lượng của họ rất hùng hậu. Đức Hồng Y Sourdis chẳng hạn, ông có một lực lượng tham chiến ngang hàng với cả lực lượng của ông hoàng Condé.

Tu sĩ dòng cũng được liệt vào hàng giáo sĩ cấp cao. Ngoài những dòng mới thành lập thời ấy ra, hầu hết những dòng khác đều phải cải cách, vì bị mang tai tiếng và sống không phù hợp với đường hướng của các Đấng sáng lập. Năm 1597, trong 25 giáo phận của nước Pháp, có 120 đan viện không có viện phụ hợp pháp.

Giáo sĩ cấp thấp: thường không học hành đến nơi đến chốn, nhưng lại sống rất phóng túng. Đối với họ, các nhà thờ thôi cũng đã quá đủ : 100 nhà thờ tại Paris cho 10.000 linh mục ; ở nông thôn không có hoặc rất hiếm linh mục. Trong các nhà thờ người ta không thấy tòa giảng cũng như tòa giải tội.

Ngược lại, trong giới Tin lành, các giáo sĩ lại đông đảo và đáng kính hơn. HoÏ có 700 nhà thờ, 4 hàn lâm viện nổi danh : Saumur, Montauban, Sedan, La Rochelle.

Song song với hành giáo sĩ, có hai giai cấp khác, mà sách lịch sử nói rất rõ, đáng được nhắc đến:

Giới quý tộc: giới này có một cảm thức xã hội khá sâu sắc. Họ có học, ý thức mình có trách nhiệm đối với nhân dân. Giới này được chia ra làm hai hạng:

- Giới quý tộc phong kiến: qua sắc chỉ nhà vua.

- Giới quý tộc nhờ chức vụ: có địa vị nhờ trách nhiệm được giao. Giới này được hưởng nhiều đặc ân (đất đai, tước vị, huy hiệu, danh giá, miễn một số thuế, quyền săn bắn). Nhưng vào thời thơ ấu của cậu Vinh Sơn, thu nhập của giới này đã trở nên thiếu hụt, những cuộc đấu gươm tay đôi đã giết chết hàng loạt người trong số họ. Còn lại, một số người đã cam lòng sống trong sự nghèo khó vì danh dự, một số khác làm chính trị.

Giới thứ hai : giới này lại được chia ra làm ba thành phần:

- Giới trưởng giả bao gồm những nhà tư sản như dòng họ Condé, các nhà buôn, lương y, luật gia. Giới trưởng giả này sẽ nổi lên vào thời Louis 13.

- Giới thợ thủ công: (các thợ tự do hay trong nghiệp đoàn) chịu thiệt thòi vì giá cả gia tăng và bị nhà nước săn đuổi.

- Giới nông dân: mức sống không cao, họ vẫn là những người lao động vui tươi, muốn làm chủ mảnh đất của mình. Gia đình của thánh Vinh Sơn thuộc thành phần này.

II. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA THÁNH VINH SƠN[2]

Cậu Vinh Sơn ra đời vào tháng 4/1581 tại Pouy, thuộc vùng Landes Nước Pháp. Cậu là con thứ 3 trong gia đình có 6 người con (4 trai và 2 gái). Cha là Jean Depaul còn mẹ là Bertrande Demoras. Suốt thời thơ ấu, cậu phải đi chăn cừu, chăn heo. Sau đó cậu được gởi đến trường trung học Dax, gần Cordeliers để học chữ. Đến năm 15 tuổi, cậu chịu phép cắt tóc và những chức nhỏ tại Didache (XIII, 1-2). Năm 17 tuổi cậu lãnh chức năm và chức Phó tế. Năm 20 tuổi, lãnh chức linh mục.

Thời gian đầu làm linh mục cha kiêm nhiệm nhiều chức vụ : cha sở, cha linh hướng trong ký túc xá, gia sư, làm tuyên úy cho hoàng hậu Marguerite de Valois… với mục đích tìm kiếm những bổng lộc và “địa vị khả kính”, như ý của gia đình khi gởi cha đi tu[3]. Thân sinh của Cha Vinh Sơn đã ghi lại rằng, đối với những người ở nông thôn, Giáo hội là con đường bình thường để thăng tiến nhanh.

Năm 1610 cha được cử làm viện phụ đan viện Xitô St. Leonard. Trong thời gian này cha phải trải qua một cơn thử thách nặng nề về đức tin và khi tìm lại bình an, cha đã khấn dành trọn cuộc đời để phục vụ những người nghèo khổ. Năm 1613 cha nhận làm tuyên úy cho gia đình Gondi và giảng các tuần đại phúc cho những người sống trên lãnh thổ của họ. Thời gian này đã xuất hiện hai biến cố : biến cố Folleville[4] và Chatillon[5] (1617). Có thể nói đây là hai biến cố đổi đời của cha Vinh Sơn, đồng thời cũng là hai biến cố làm phát sinh những Hội bác ái (1617), sau này là Nữ Tử Bác Ái và Tu hội Truyền giáo (1625).

III. NHỮNG ĐẤNG SÁNG LẬP TU HỘI NỮ TỬ BÁC ÁI

Ngoài thánh Vinh Sơn ra, khi nói đến Tu hội Nữ tử bác ái, người ta không thể không nhắc đến hai người phụ nữ, vừa là những cộng tác viên đắc lực của cha Vinh Sơn, vừa là những người có công rất lớn trong việc lập nên Tu hội, đó là cô Louise de Marillac và chị Marguerite Naseau.

Thánh Vinh Sơn gặp cô Louise de Marillac (hay còn gọi là bà Legras) vào năm 1624, với tư cách là người linh hướng cho cô; một người phụ nữ khắc khoải, ray rứt vì đứa con trai duy nhất yếu đau của mình; một người cô đơn, sầu khổ vì chồng và những người thân yêu mới qua đời… Qua những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ thánh Vinh Sơn, cô đã tìm lại được sự bình an, thư thái. Từ đó trở đi, cuộc đời của cô được biến đổi và trở nên người thay mặt cho cha Vinh Sơn nơi các cơ sở bác ái. Cô thường đích thân đến thăm các cơ sở, khuyến khích các bệnh nhân, động viên những người bệnh tật, đau yếu rồi về báo lại cho cha Vinh Sơn. Cả cô và cha Vinh Sơn, hai người đều chung một mối ưu tư giúp đỡ những người nghèo.

Còn Marguerite Naseau, là một “cô gái nông thôn” chăn bò và thất học, nhưng lại có ý hướng giáo dục giới trẻ. Chị mua một cuốn sách học vần, và mỗi lần chị nhờ các cha hay những người có học chỉ cho một vài chữ cái. Dần dần chị đã biết đọc, biết viết. Chị đi hết làng này sang làng khác để dạy những “con chữ” ấy cho các thiếu nữ, đôi khi trong số đó có cả người lớn. Khi nghe biết ở Paris có một Hội đoàn bác ái chuyên phục vụ các bệnh nhân nghèo, chị ước ao đến đó để làm công việc này một cách đắc lực hơn. Cơ hội đã đến, những mệnh phụ trong Hội bác ái, phần vì lo lắng cho gia đình, phần thì công việc phục vụ ngày càng nhiều, dòi hỏi nhiều hy sinh, vất vả, nên có ý tìm kiếm những tì nữ chuyên lo việc này, thế là Marguerite Naseau đã trở thành người Nữ tử bác ái đầu tiên, chuyên phục vụ bệnh nhân nghèo tại thành phố Paris. Qua gương sáng và đời sống khó nghèo, chị còn lôi cuốn được nhiều phụ nữ khác, cộng tác, tham gia vào công việc này. Từ đó trở đi, Tu hội Nữ tử bác ái cứ phát triển một cách âm thầm (Coste IX, 209). Đến năm 1633, Tu hội đã chính thức thành lập và sống thành cộng đoàn huynh đệ do bà Louise phụ trách hướng dẫn. Tinh thần của Tu hội, chính là tinh thần của chị Marguerite Naseau : đơn sơ, khiêm nhường và bác ái.[6]

Công việc ban đầu của các chị là chăm sóc các bệnh nhân nghèo khổ tại nhà họ, ở thành thị cũng như thôn quê, rồi dần dần do nhu cầu phát sinh, các chị đã nhận chăm sóc cả những bệnh nhân tại bệnh viện, dạy dỗ các bé gái nghèo, bị bỏ rơi, giúp đỡ các người tù khổ sai, các binh lính bị thương trong các cuộc chiến, những người tị nạn, những người giả cả leo đơn, những người mất trí nhớ…

Sau này thánh Vinh Sơn nói : “Tu hội các con bắt đầu như thế đó.” (Th. Vinh Sơn 13.2.1646)

IV. LINH ĐẠO CÁC NỮ TỬ BÁC ÁI THÁNH VINH SƠN[7]

Hiến pháp định nghĩa căn tính của Nữ tử bác ái như sau : “Để trung thành với Bí tích Thánh tẩy và để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, các Nữ tử bác ái tận hiến trọn vẹn và với tính cách cộng đoàn, hầu phục vụ Chúa Kitô trong Người Nghèo”[8], anh em của mình, với tinh thần Tin mừng là khiêm nhường, đơn sơ và bác ái (HP.1. 4). Với châm ngôn và khẩu hiệu : “Tình yêu Đức Kitô chịu đóng đinh thúc bách chúng ta”, người Nữ tử bác ái được kêu gọi đến cùng một tình yêu duy nhất ; tình yêu của Đức Kitô, tình yêu ấy làm sinh động và điều khiển sự chiêm niệm và việc phục vụ Người Nghèo của các chị (HP. 4), tình yêu ấy cũng làm sinh động và đốt cháy trái tim người Nữ tử bác ái, thôi thúc các chị chạy tới phục vụ mọi người trong cơn nguy khốn.

Như ơn gọi chung của mọi Kitô hữu, ơn gọi của các Nữ tử bác ái cũng là một tiếng gọi đi theo Chúa Kitô và tiếp tục sứ mạng của Ngài ở trần gian. Ơn gọi ấy bén rễ sâu trong Bí tích Thánh tẩy và được sống cách viên mãn theo đặc sủng của các Đấng sáng lập. Qui luật chung của Nữ tử bác ái nêu rõ : “Thiên Chúa đã kêu gọi và qui tụ các Nữ tử bác ái với mục đích chính là để tôn vinh Chúa Kitô như nguồn mạch và khuôn mẫu của mọi thứ bác ái, bằng cách phục vụ Ngài về cả thể xác lẫn tinh thần nơi bản thân Người Nghèo”.[9]

1. Theo Chúa Kitô

a. Qua Bí tích thánh tẩy

Hiến pháp số 1. 5 nêu rõ : “Luật của các Nữ tử bác ái, chính là Đức Kitô”. Chính vì thế, đời sống của các Nữ tử bác ái là họa lại đời sống của Đức Kitô. Đời sống ấy đặt tâm điểm nơi Bí tích Thánh tẩy và tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa “theo như cách thức mà thánh Vinh Sơn và thánh Louise đã chọn”. Các chị bắt chước Chúa Kitô trong Thánh Kinh và theo hình ảnh các Đấng sáng lập đã khám phá ra. Đó là một Đức Kitô luôn tôn thờ Chúa Cha, vâng phục thánh ý Chúa Cha, đến trần gian rao giảng Tin mừng và yêu thương những Người Nghèo Khó.[10]

Được gọi bước theo Đức Kitô và nên giống Đức Kitô, các Nữ tử bác ái cũng sống gắn bó sâu xa với Thần Khí của Ngài, tức là mặc lấy tinh thần của Đức Kitô,[11] và sống triệt để theo tinh thần ấy.

b. Một cách triệt để

Xác nhận ơn toàn hiến để phục vụ những Người Nghèo, các Nữ tử bác ái cam kết sống những lời khuyên Tin mừng là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Những lời khấn này làm cho các chị trở nên sẵn sàng thực hiện mục đích của Tu hội là phục vụ Đức Kitô nơi Người Nghèo[12] cách triệt để hơn.

2. Phục vụ người nghèo

Các Nữ tử bác ái tự bản chất là những người nghèo, là nữ tỳ của Người nghèo. Họ phục vụ Người nghèo theo gương Đức Kitô là Đấng đến trần gian là để phục vụ, với vai trò là người tôi tá.

a. Sống và phục vụ người nghèo theo gương mẫu Đức Giêsu phục vụ

Như Hiến pháp số 1.7 đã nêu : Các Nữ tử bác ái cố gắng phục vụ Chúa Giêsu Kitô trong những chi thể đau khổ của Ngài với cái nhìn đức tin và với lòng cảm thương, dịu dàng, thân tình, tôn trọng và tận tụy. Người Nghèo không ai khác, chính là Đức Kitô, chính vì vậy phải tôn kính và xem họ như là những chủ nhân của mình. Hơn nữa, trong tổ chức cộng đoàn, theo một nghĩa nào đó, những Người Nghèo còn được sánh ngang với các Bề Trên thượng cấp, nếu không muốn nói rằng họ chính là các Bề Trên thượng cấp trong tổ chức của Tu hội. Vì thế, thánh Vinh Sơn mới nói rằng, chúng ta phải phục vụ và tiếp đón Người Nghèo khi họ đến với chúng ta, hoặc chúng ta phải đến với họ khi họ kêu gọi chúng ta, mọi công việc khác phải tạm gác lại, kể cả Thánh lễ và việc nguyện ngắm.[13]

“Các chị em phải săn sóc thật chu đáo mọi nhu cầu của Người Nghèo, cả về phần xác lẫn phần hồn… Hãy chịu đựng những sự bực bội của họ, khuyến khích họ chịu đau khổ vì lòng mến Chúa, đừng bao giờ tức giận họ và đừng nói lời cứng cỏi với họ ; họ đã đau khổ nhiều rồi… Hãy khóc với họ ; Chúa đã dựng nên chị em là để an ủi họ”[14].

b. Sống cộng đoàn huynh đệ

Khi thánh Vinh Sơn tổ chức các nhóm làm việc đầu tiên, ngài đã tạo cho họ ý thức về cộng đoàn tính và việc đồng trách nhiệm. Ngài giao công việc cho mỗi nhóm, mỗi đoàn thể, và các nhóm tự bầu ra vị hữu trách lãnh trách nhiệm trong một thời gian ngắn, để luôn có được sự thay đổi, cũng như mọi người đều có cơ hội phục vụ chị em mình đắc lực hơn. Vị này có bổn phận phải báo cáo cho nhóm hoặc đoàn thể tất cả mọi sự việc liên quan. Quyết định của nhóm được lấy theo đa số phiếu. Đây là lối làm việc có tính cách dân chủ. So với tính cách cứng rắn và nghiêm khắc của thánh Vinh Sơn, đồng thời đối chiếu với bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, đây quả là một bước đột phá. Theo thánh Vinh Sơn, vị hữu trách đóng vai một linh hoạt viên hơn là một bề trên, vị này phải đặc biệt noi gương Đức Giêsu, Đấng đến trần gian không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ.

Như vậy, các Nữ tử bác ái được Thiên Chúa “kêu gọi và qui tụ” thành cộng đoàn là để chia sẻ, giúp đỡ nhau hoàn thành sứ mệnh Đức Giêsu đã ủy thác.[15] Gương mẫu đời sống cộng đoàn của các chị chính là Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi ; một đời sống hiệp thông giữa các cá vị, hiệp nhất với nhau trong sự đa dạng và phong phú. Nơi cộng đoàn ấy, các chị sống chia sẻ và trao đổi với nhau không chỉ thời giờ, vật chất, mà còn cả tư tưởng, kinh nghiệm và những hoạt động của mình nữa.

c. Sống giữa người nghèo để phục vụ người nghèo

Như thánh Vinh Sơn và thánh Louise đã ra đi, len lỏi vào các làng mạc, thôn quê, tìm đến những người nghèo khó, ốm đau, bệnh tật để giúp đỡ, các Nữ tử bác ái cũng được sai đến gặp gỡ những người nghèo, ở và sống với họ. Các Nữ tử bác ái sẽ không coi mình thuộc bậc tu dòng, vì bậc sống này không thích hợp với những công việc phục vụ và ơn gọi của các chị.

Khác với các nữ tu có nhà dòng, tu viện, có khu nội cấm, các Nữ tử bác ái thường lấy: nhà bệnh nhân và nhà Mẹ làm đan viện, căn phòng thuê làm tu phòng, nhà thờ giáo xứ làm nguyện đường, đường phố làm nội cấm, đức vâng phục làm hàng rào nội cấm, chỉ tới nhà bệnh nhân hay những nơi cần thiết để phục vụ bệnh nhân, đức kính sợ làm hàng rào, đức nết na làm khăn đội đầu, và không tuyên khấn gì khác để bảo đảm ơn gọi mà chỉ : một lòng luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và dâng hiến cho Ngài tất cả con người cũng như việc phục vụ trong chính con người của Người Nghèo.

Vì những lý do đó, các Nữ tử bác ái phải có nhân đức bằng hay nhiều hơn khi tuyên khấn trong một dòng tu, nên khi hiện diện bất cứ nơi nào, ít là các chị sẽ cố gắng cư xử một cách từ tốn, trầm mặc và nêu gương sáng, như các nữ tu đích thực trong các tu viện.

Bởi vậy thánh Vinh Sơn nói:

“Các nữ tử bác ái không phải là nữ tu, nhưng là những thiếu nữ đi đây đi đó như người đời”. Nhưng dù thế nào đi nữa, các chị cũng phải tuân hành những qui luật đã lãnh nhận như các tu sĩ tuân giữ kỷ luật của họ vậy. Thánh Vinh Sơn cũng như thánh Louis luôn nhấn mạnh với cái chị rằng phải năng kết hợp với Thiên Chúa hầu mới có thể làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa Kitô ngay giữa lòng đời.

Với tinh thần và những đòi hỏi đó, mỗi Nữ tử bác ái luôn đặt mình trong tư thế sằn sàng và di động để đáp ứng những nhu cầu vừa mới mẻ, vừa khẩn cấp và sẵn sàng hội nhập trong mọi môi trường.

d. Phục vụ theo tinh thần Tin mừng

Đây là một trong chín quy luật của các Hội đoàn bác ái được thành lập giữa những năm 1618 và 1622[16]. Trong quy luật này, người ta thấy thánh Vinh Sơn nhấn mạnh đến tương quan sinh tử giữa đức tin và phục vụ, giữa Đức Giêsu và Người Nghèo. Ngài đào sâu đoạn Tin mừng thánh Matthêu 25 câu 31 như có ý nói rằng Đức Giêsu Kitô luôn hiện diện trong người nghèo, với những lời trích dẫn tự do, tùy hứng, nhưng mang nhiều ý nghĩa như : “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dành sẵn cho các ngươi, vì xưa Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom và cho Ta mọi nhu cầu”[17]. Hoặc câu khác : “Hội bác ái được lập ra… là để tôn vinh Chúa Giêsu Kitô nơi người nghèo”[18]. Rõ ràng đối với cha Vinh Sơn, chiếu theo đoạn Tin mừng kể trên, dần dần Người Nghèo trở nên Đức Giêsu Kitô, hoặc có thể Đức Giêsu Kitô ngày càng trở nên là Người Nghèo. Vì vậy mà trong đời sống của các anh chị em con cái cha thánh Vinh Sơn, người ta thường thấy nổi lên câu nói là “rời Chúa vì Chúa”.

Cũng thế, thánh Vinh Sơn từng nhắn nhủ các Nữ tử bác ái rằng, tinh thần của Tu hội các con hệ tại ba điểm : yêu mến Chúa Kitô và phục vụ Người trong tinh thần khiêm nhường và đơn sơ. Bao lâu các con còn giữ được tinh thần bác ái, khiêm nhường và đơn sơ, bấy lâu người ta còn có thể nói : Tu hội Nữ tử bác ái vẫn tồn tại.

Hiến pháp của các chị còn ghi : Các nhân đức Tin mừng : khiêm nhường, đơn sơ và bác ái, là con đường mà theo đó, các Nữ tử bác ái phải để Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Các chị chiêm ngường các nhân đức ấy nơi Chúa Kitô và tìm cách diễn tả ra trong cuộc sống, ngõ hầu nhờ đó có thể trở nên gần gũi với những kẻ xấu số nhất.[19]

Với niềm thao thức muốn luôn luôn thăng tiến toàn diện con người, Tu hội sẽ không tách biệt việc phục vụ thể xác với việc phục vụ tinh thần, cũng không tách biệt việc nâng cao phẩm giá con người với việc rao giảng Tin mừng. Tu hội nối kết lại với nhau hai công việc phục vụ và hiện diện (tức là sống giữa những người mình phục vụ), chính Chúa Giêsu cũng đã dùng phương thức đó để mặc khải tình yêu của Chúa Cha,[20] đó là : làm cho “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin mừng”.[21]

Hiến pháp số 1.9 ngoài việc nói đến tính cách trần thế của Tu hội, cũng còn đề cập đến vấn đề này là khi phục vụ những Người Nghèo, các chị phục vụ với một tinh thần riêng (khó nghèo, đơn sơ, bác ái), với một lối sống phù hợp với sứ mệnh và theo Hiến pháp của các chị. Tính cách trần thế của Tu hội không giảm bớt những đòi hỏi của Tin mừng “nếu có một mức độ hoàn thiện cho những người tu dòng, thì phải có một mức độ gấp hai cho các Nữ tử bác ái”.

V. SỐNG VÀ HOẠT ĐỘNG TRONG GIÁO HỘI

1. Như một Tu đoàn tông đồ

Tu hội các Nữ tử bác ái Vinh Sơn đã được Giáo hội công nhận như một Tu hội sống đời sống tông đồ, trực thuộc giáo hoàng và được đặc ân miễn trừ. Giáo luật điều 731 ghi rõ : “Bên cạnh những dòng tu sống đời sống thánh hiến, còn có chỗ cho những Tu hội sống tông đồ mà những thành viên không qua lời khấn dòng, vẫn theo đuổi mục đích tông đồ riêng của Tu hội, và trong khi sống đời sống chung huynh đệ, họ hướng tới sự hoàn hảo trong đức ái bởi sự tuân giữ hiến pháp… Trong số đó có những Tu đoàn mà các thành viên đảm nhận những lời khuyên Tin mừng bằng một dây ràng buộc nào đó, được minh định bởi Hiến pháp”.

Thật vậy, Hiến pháp của các chị đã xác định : Tu hội Nữ tử bác ái là một Tu đoàn tông đồ và sống thành cộng đoàn, cam kết sống các lời Tin mừng qua một sự ràng buộc do Hiến pháp quy định.[22]

a. Về lời khấn

Lời khấn không làm cho các chị trở thành Nữ tử bác ái, vì các chị đã là Nữ tử bác ái ngay khi nhập tập viện. Thành ngữ “những lời khấn hằng năm, luôn có thể lặp lại”,[23] không đồng nghĩa với những lời khấn tạm ; khấn một thời gian, mà có nghĩa là một sự đào sâu có tính sinh động và luôn luôn hiện tại của một sự tận hiến cho Thiên Chúa trong Tu hội.

b. Nhắm mục đích tông đồ riêng

Với mục đích tông đồ riêng, được tuân giữ một cách trung thành và năng động đã thúc đẩy Tu hội luôn duyệt xét lại những công việc mình làm, để các công việc ấy luôn phục vụ cho mục đích của mình vốn đã được Giáo hội nhìn nhận.

c. Sống Cộng đoàn huynh đệ

Đời sống huynh đệ cộng đoàn là một yếu tố rõ nét khác của các Tu hội có đời sống tông đồ. Cộng đoàn Nữ tử bác ái của thánh Vinh Sơn là một cộng đoàn có tính tập thể, một cộng đoàn để phục vụ người nghèo, một cộng đoàn để chia sẻ, một cộng đoàn đức tin, giúp nhau kiểm điểm đời sống. Do đó cộng đoàn này vừa là sự nâng đỡ, vừa là nguồn sức mạnh giúp các thành viên đạt được mục đích tông đồ.

d. Hướng tới đức ái hoàn thiện bằng việc tuân giữ Hiến pháp

Ước muốn sự hoàn thiện của đức ái là đặc tính của mọi Kitô hữu.[24] Người Nữ tử bác ái tuân giữ Hiến pháp để trở nên những Kitô hữu hoàn thiện, bởi Hiến pháp diễn tả cách thức mà các Nữ tử bác ái có thể sống như những Kitô hữu tốt. Với các chị, Hiến pháp là Tin mừng được thích nghi vào mục đích và tinh thần của các Nữ tử bác ái. Hiến pháp giúp các chị đạt tới những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi các chị. Hiến pháp là con đường mà Thiên Chúa đã vạch ra cho các chị. Và đặc biệt là Hiến pháp chứa đựng những phương thế dẫn tới sự hoàn hảo.

2. Tính cách phổ quát

Không có việc truyền giáo nào mà không mang tính phổ quát, nghĩa là việc truyền giáo của mỗi Hội dòng, mỗi tu hội, luôn gắn liền Giáo hội, với căn tính của Giáo hội là truyền giáo. Đáp lời Đức Giêsu kêu gọi các tông đồ hãy đi loan báo cho muôn dân nước, Tin mừng cứu độ trần gian, năm 1648, thánh Vinh Sơn đã gởi các anh em của mình tới tận Ghênes và Madagascar, những vùng truyền giáo xa xôi, hẻo lánh và đầy nguy hiểm, tưởng chừng không ai dám đến. Trong lần truyền giáo ấy, một số anh em của ngài đã bỏ mạng. Sau này, trong các bài thuyết giảng cho anh chị em, ngài thường nhắc lại biến cố ấy như để khơi gợi ngọn lửa nhiệt tình dấn thân của con cái mình. Theo ngài, kể từ đây (1648), công cuộc truyền giáo của Giáo hội đã tìm lại được chiều kích và sức mạnh tông truyền ra đi “đến tận cùng cõi đất”.

Ngày nay, Tu hội của các chị em đã diễn tả tính cách phổ quát của mình qua đời sống, qua sứ vụ, qua cách tổ chức và tính cách đại diện, cũng như qua sự liên đới và sự hiệp thông giữa các tỉnh dòng khác nhau trên toàn thế giới. Tổng cộng trên 90 quốc gia, các chị có tới 78 tỉnh dòng.[25]

VI. NHỮNG ĐẶC TÍNH KHÁC CỦA TU HỘI NỮ TỬ BÁC ÁI

1. Đặc tính Thánh Mẫu

Ngay từ văn bản thành lập Hội đoàn bác ái đầu tiên, người ta đã thấy thánh Vinh Sơn diễn tả một đoạn văn tuyệt vời nói về Đức Trinh Nữ Maria, Đấng được tôn làm bổn mạng của nhóm[26]. Đức Maria, người Kitô hữu đầu tiên, người được thánh hiến cách tuyệt hảo nhất, đã hiện diện trong tu hội từ ban đầu.[27] Như vậy, ngay từ đầu, Tu hội đã nhận được đặc tính Thánh Mẫu từ các Đấng sáng lập, rồi dần dần được xác nhận và phong phú hóa qua những lần Đức Mẹ hiện ra và gửi sứ điệp cho chị Rosalie Rendu năm 1830.[28]

2. Đặc tính truyền giáo

Tự bản chất Tu hội là truyền giáo. Hiến pháp số 2.10 ghi rõ : “Tinh thần truyền giáo phải linh hoạt tất cả các Nữ tử bác ái”. Mỗi thành viên trong Tu hội phải thực hiện điều mà các Đấng sáng lập đã làm, là tìm kiếm những Người Nghèo ở nơi họ đang sống, đến gặp gỡ những người bị bỏ rơi nhất, và dấn bước trên khắp mọi nẻo đường dương thế. Đây chính là mục đích của Tu hội mà cha Vinh Sơn đã trình bày : “… Do mục đích này mà Thiên Chúa đã nối kết chị em lại với nhau, do mục đích này mà Chúa đã lập Tu hội chị em”.[29]

TẠM KẾT

“Phục vụ Người Nghèo là phục vụ Đức Kitô”[30], đó là châm ngôn sống và cũng là sứ mạng của các Nữ tử bác ái trải qua ba thế kỷ. Hơn bao giờ hết, thế giới ngày nay càng tiến triển, càng văn minh, thì sự cách biệt giữa giàu và nghèo càng hiển lộ rõ nét. Trong khi những người đã giàu, ngày lại càng giàu hơn, thì những người nghèo càng ngày càng chơi vơi, đói khổ, lạc lõng. Không chỉ có thế, đôi khi những người giàu của cải, tiền bạc, lại là những người nghèo hơn cả : nghèo về tình thương, sự chăm sóc, nghèo về tâm linh, đời sống đạo đức, sống thiếu lý tưởng, chờn vờn, chấp chới, sống mà như không sống, không thấy được ý nghĩa cuộc đời.

Linh đạo của các Nữ tử bác ái, một lần nữa lại chứng tỏ được chỗ đứng của mình trong thế giới hôm nay. Tấm lòng rộng mở đón tiếp những gia cảnh khốn quẫn, những cảnh đời bi thương của các chị chừng như những chiếc phao cứu hộ, cứu con người cả về phần hồn lẫn phần xác. Thế giới còn Người Nghèo thì còn cần đến các chị. Nhưng chúng ta đều biết chắc rằng, thế giới sẽ chẳng bao giờ hết những Người Nghèo.

 

SÁCH THAM KHẢO

- Lm. Jean Morin, Thánh Vinh Sơn Phaolô hôm qua và hôm nay, Animation Vincentienne, 16 Grande rue Saint Michel – 31400 Toulouse, 1991, Tập I, II, III, dịch giả Nguyễn Trọng Đa.

- Bernard Pujo, Vinh Sơn Phaolô, người tiên phong, Albin Michel, Paris 1998, Tập I và II.

- Hiến pháp các chị em Nữ tử bác ái thánh Vinh Sơn.

- Kinh nghiệm tâm linh của thánh Vinh Sơn, (không rõ tác giả).

- Công đồng Vatican II, bản dịch Giáo hoàng học viện, tủ sách Đại kết 1993.

- Đoàn Thiệu, Lược sử linh đạo Kitô giáo, 1996.

- Nguyễn Thái Hợp, Nhập môn lịch sử linh đạo.

- Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo, Nxb. Chân lý, 1975.

- Đào Trung Hiệu, Cuộc lữ hành đức tin, 1997.

- Chị Léonis Hiến, Căn tính của Nữ tử bác ái thánh Vinh Sơn, (Thuyết trình tại Học viện Đaminh ngày 13.11.2003).

 

 


[1] Xc. Kinh nghiệm tâm linh của thánh Vinh Sơn

[2] Phần này sử dụng nhiều tư liệu trong tác phẩm Saint Vincent de Paul : Correspondance, Entretiens, Documents (Paris, 1920-1925 gồm 14 quyển) của cha Pierre Coste, một Lm. thuộc Tu hội truyền giáo (1873-1935), người viết hiện không có bản gốc. Những trích dẫn trên được trích lại trong tác giả Bernard Pujo và Jean Morin.

[3] Thư đề ngày 17.2.1610 gởi cho thân mẫu, Coste I,18-20 và Coste XII, 219

[4] Biến cố Gannes – Folleville : Khi tiến hành công việc giảng tuần đại phúc trên lãnh địa của gia đình Gondi, cha Vinh Sơn đã gặp một cụ già, vốn được xem là “người rất đàng hoàng”, đến xưng với ngài ‘những tội mà ông không dám nói ra trong tòa cáo giải’. Khi được bình an, cụ già ấy nói với bà Gondi, bà này kêu lên : “Ôi cha ơi, chúng tôi đã nghe nói gì nào ? Có lẽ đối với đa số các người đáng thương này đều thế cả … Ôi cha Vinh Sơn, biết bao linh hồn đang hư mất ! Phải tìm phương thuốc nào cho họ ?… Và bà yêu cầu cha Vinh Sơn giảng về vấn đề này ngay ngày hôm sau. Quả thực hôm sau, khi cha giảng xong, như được Thiên Chúa đánh động, cả nhà thờ đã đến với cha để xưng những tội cả đời mình đã phạm. Số người xưng rất đông, mình cha giải không xuể, nên phải mời những cha Dòng Tên tại Amiens đến trợ giúp. Từ ấy trở đi, cha Vinh Sơn đã đi hết làng này đến làng khác để rao giảng và ban bí tích hòa giải.

[5] Kinh nghiệm tại Gannes – Folleville là một kinh nghiệm để lại dấu ấn sâu sắc, nhưng dường như đó chỉ là một bước ngoặc trong cuộc đời của cha Vinh Sơn... bởi vì trước tiên ngài là một gia sư và cha linh hướng, nên hoạt động thừa sai của ngài tùy thuộc vào những lần đi lại đó đây của bà Gondi trên lãnh địa của mình, hơn là vào nhu cầu của người nghèo. Do đó, cha Vinh Sơn có ý muốn rời chức vụ gia sư để luôn được ở gần những người nghèo nông thôn. Thế là ngài đã đến Châtillon. Tại đây ngài tổ chức một nếp sống cộng đoàn với sáu giáo sĩ, vừa học tiếng địa phương, vừa làm việc mục vụ thăm viếng giáo xứ. Biến cố xảy ra, một ngày nọ, đang khi mặc áo dâng thánh lễ, người ta đến cho cha hay rằng, tại một căn nhà hẻo lánh, cách đó chừng một phần tư dặm, mọi người trong nhà đều lâm bệnh, không còn ai có thể chăm sóc, giúp đỡ… Tin ấy đã đánh động tim cha. Và trong bài giảng, cha đã nhắc lại điều ấy. Như được Chúa đánh động, sau bài giảng của cha, người ta đổ xô đi, không phải đến tòa giải tội như ở biến cố tại Gannes - Folleville, nhưng là đến căn nhà hẻo lánh với những người đau yếu kia, để thăm hỏi, giúp đỡ... Số người đến đó đông đến nỗi, tưởng chừng như một cuộc rước kiệu. Thế là cha Vinh Sơn đã triệu tập một buổi họp để tổ chức việc trợ giúp đó. Trong buổi họp, cha đề nghị với những người có lòng mà đức bác ái đã thôi thúc họ đến đó, là họ hãy phân công, mỗi người một ngày, đến lo ăn cho gia đình, không chỉ cho những người ấy mà thôi, nhưng còn cho những người bệnh sau này nữa... Khởi từ biến cố này, tổ chức hội bác ái, sau này là Nữ tử bác ái đã được thành lập.

[6] Lm. Jean Morin, tập II, tr. 78

[7] Phần này trở đi, người viết dựa theo dàn bài và một số tư liệu trong bài của chị Léonis Hiến, thuyết trình tại Học việc Đaminh ngày 13.11.2003

[8] Người Nghèo viết hoa, có ý chỉ Đức Kitô hiện thân nơi người nghèo : “Phục vụ Đức Kitô nơi những người nghèo khổ”.

[9] Qui luật chung của Nữ tử bác ái, tập I, số 1

[10] Hiến pháp số 1.5

[11] Coste XII, 107-109

[12] Hiến pháp số 1.5

[13] Jean Morin, tập II, tr. 101-102

[14] Nt. tr. 107-110

[15] Hiến pháp số 1.7

[16] Coste XIII,439-521

[17] Coste XIII,471

[18] Coste XIII,475

[19] Hiến pháp số 1.10

[20] Hiến pháp số 1.11

[21] Mt 11,5

[22] Hiến pháp số 1.13

[23] Hiến pháp số 2.5

[24] LG. 39-40

[25] Hiến pháp số 1.18

[26] Coste XIV,125-126

[27] Hiến pháp số 1.12

[28] Rosalie Rendu hay Jeanne Rendu sau này được gọi là Nữ tu Rosalie, sinh tại làng Confort (Ain) bên Pháp, ngày 9 tháng 9 năm 1786. Chị mới được 16 tuổi khi chi dâng mình cho Chúa và người nghèo trong dòng Nữ tử bác ái. Trong suốt cuộc đời thật dài, người ta có thể thấy phản chiếu nơi chị những nhân đức của thánh Vinh Sơn Phaolô. Đức ái đã thúc đẩy chị không những phục vụ không biết mệt mỏi mọi nỗi khốn khổ, nhưng còn thực hiện cử chỉ thật là anh hùng. Người ta nhận thấy tên tuổi và việc làm của chị đứng đầu các công cuộc từ thiện được chớm nở trong đầu bán thế kỷ 19. Chị qua đời, hoàn toàn tiêu hao vì 54 năm phục vụ những người nghèo khổ, ngày 7 tháng 2 năm 1856. Chị được phong chân phước ngày 9 tháng 11 năm 2003 tại Rôma.

[29] Coste IX, 119

[30] Coste IX, 252