Giuse Trần Vinh Hà, OP.
DẪN NHẬP
Mỗi đời sống Kitô hữu đều là ngọn đèn sáng được thắp lên từ ánh lửa phục sinh, được thắp lên bằng ngọn lửa Tin, Yêu. Ngọn lửa đó, con người có thể cho nó bùng lên giữa dòng đời, giữa cuộc sống thế tục hay nó được dâng hiến, phục vụ cho tha nhân. Đời sống tu trì theo Chúa Kitô là đời sống, như thánh Phaolô đã nói : "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi". Thật thế, muốn vẽ được một bức tranh toàn cảnh về người tận hiến, thì không gì khác hơn là tìm ra con đường hay linh đạo của đời sống của họ. Khi tìm hiểu về dòng tu, người ta khám phá những nét độc đáo, làm nên nét linh đạo của mỗi Dòng mà Thánh Linh đã khơi dậy nơi những vị sáng lập. Dòng Chúa Cứu Thế cũng là một trong những nét riêng tư độc đáo ấy.
Để có thể hiểu được linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế một cách minh xác, chúng ta sẽ khởi đi từ cuộc đời và con người của thánh Anphong, đấng đã đặt nền và khai mở cho linh đạo Dòng.
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ THỜI THÁNH ANPHONG
1. Bối cảnh xã hội[1]
Suốt thời Trung cổ, Châu Âu ổn định với nếp suy nghĩ của triết học kinh viện và nếp đạo đức của Hội thánh Công giáo. Vào cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI, Châu Âu chuyển biến và trở nên hùng mạnh nhất thế giới. Trong bối cảnh này, dần dần những trí năng, cũng như xã hội, bị tục hóa, dẫu rằng, xét trong toàn bộ, những não trạng vẫn còn bị chi phối bởi bầu khí Kitô giáo. Vào thế kỷ XVII, những người xa rời tư tưởng Kitô giáo là những người “có tư tưởng tự do”. Đến thế kỷ XVIII, đó là “những triết gia”. Theo cái nhìn của họ, tôn giáo thuộc lãnh vực riêng tư, và Nhà nước phải thoát khỏi ảnh hưởng của Giáo hội. Trái lại, những tín hữu và những thể chế của họ thuộc quyền tài thẩm của Nhà nước. Không phải là Nhà nước ở trong Giáo hội, nhưng Giáo hội ở trong Nhà nước. Cá nhân phải được giải thoát khỏi mọi quyền lực tín lý và tự hướng dẫn mình theo lý trí. Chính tôn giáo cũng phải hợp lý, góp phần vào việc giáo dục con người, vào việc lành mạnh phong hóa.
Nói chung, các chính quyền chịu ảnh hưởng triết học ánh sáng thường chủ trương chống ủng hộ Rôma, đề cao quyền hành trong quốc gia, chủ trương giảm thiểu tối đa quyền giáo hoàng trong Giáo hội mỗi nước. Tại Áo, vua Joseph II chủ trương can thiệp tỉ mỉ vào nội bộ Giáo hội. Ông cấm các tu sĩ lệ thuộc bề trên nước ngoài. Năm 1783, ông đóng cửa các tu viện chiêm niệm vì ông cho là vô ích, tịch thu tài sản đó để xây dựng các Giáo xứ mới. Ông chỉ huy chủng viện khiến chủng sinh bất mãn phá phách cơ sở. Ông vua làm thánh quản này còn qui định tỉ mỉ về phụng vụ, chôn cất và cả việc sử dụng chuông nhà thờ nữa.
Chỉ một mình nhà vua thi hành quyền tối cao trên tất cả các thần dân mình, dù họ là giáo sĩ hay giáo dân. Giáo hoàng không thể áp đặt cho họ những luật lệ nếu không có sự đồng ý của nhà vua. Giáo hoàng không còn là người lãnh đạo tối cao về mặt thế quyền nữa, mà vai trò các ngài chỉ là việc chăm lo sự hiệp nhất trong lãnh vực thần quyền mà thôi. Theo hậu quả của những nguyên tắc này, Nhà nước tự ban cho mình quyền làm luật trong lãnh vực tôn giáo. Họ chỉnh đốn lại sự giảng dạy thần học và việc đào tạo hàng giáo sĩ; họ hủy bỏ hoặc giảm bớt cái gì không “hữu ích” cho quyền hạn của họ, chẳng hạn như những dòng tu.
2. Bối cảnh Giáo hội
Dựa vào những tiến bộ khoa học, và khoa lịch sử, các triết gia thế kỷ XVIII muốn đặt lại các nấc thang giá trị dựa vào "ánh sáng" của lý trí thay vì sự tối tăm của mạc khải. Phong trào này quen gọi là "triết học ánh sáng" tiếng Đức là Aufklarung, như một tập thể chiến đấu chống lại Kitô giáo. Dầu sao ý tưởng đòi "hợp lý" này đã giúp nhiều bộ môn khoa học có ngôn ngữ riêng, tách khỏi khoa siêu hình. Trước những đả kích, Giáo hội thời này vẫn áp dụng những phương thế cổ truyền như kiểm duyệt sách xấu, yêu cầu chính quyền can thiệp. Một số tác phẩm hộ giáo được phổ biến nhưng không đặc sắc lắm, tuy nhiên cũng có một số hoạt động tích cực thích nghi trong Giáo hội. Ở Pháp, có nhiều sách phản ảnh tinh thần thời đại như "Phương pháp hạnh phúc đời này và đời sau", "Giáo lý theo triết học", "Giáo lý hòa hợp lý trí với tôn giáo"... Ở Đức, phong trào chiếu sáng Công giáo đề nghị trở về nguổn và xích lại với anh em Tin Lành, như soạn giáo lý cho hai bên đều dùng được. Tiêu biểu cho phong trào này là J.M.Sailer (1751-1932) linh mục xứ Bavie, giáo sư mục vụ, đã có nhiều đề xuất về linh đạo và thực hành đại kết qua câu lạc bộ Kinh Thánh với sự tham gia của nhiều phái Tin Lành.
Sang thế kỷ XVII, tuy không thiếu những tác giả tu đức đây đó, cách riêng là tại Italia, nhưng nổi bật hơn cả là trường phái bên Pháp do thánh Phanxicô Salêsio (1567-1622) đứng đầu. Công trạng chính của thánh nhân ở chỗ Ngài đã nhắc nhở rằng tất cả mọi người đều có thể nên thánh. Đang khi thánh Phanxicô Salêsio làm thức tỉnh các giáo dân về sự cần trau dồi đời sống nội tâm, thì học phái của Pháp vào thế kỷ XVII ghi nhận rất nhiều tác giả khác cổ động đời sống thánh thiện của các linh mục hay tu sĩ, tỉ như Phêrô de Bérulle (+1629), Jean Olier (+1657) sáng lập hội Xuân Bích, thánh Gioan Eudes (+1680), và thánh Vinh Sơn Phaolo (+1660).
Cuối thế kỷ, việc thực hành tôn giáo tại nhiều nơi, giảm sút rõ rệt : ít đi lễ, bớt đóng góp, bớt ơn kêu gọi, bàn giao một số công trình bác ái cho chính quyền... Tuy nhiên nhiều người cho rằng đó chỉ là giảm sút thái độ xu thời và thói lệ cũ, trái lại phẩm chất chỉ có phần tăng. Thời này có nhiều vị thánh khá đặc sắc như : Linh mục Louis Monfort (+1716) sáng lập hội linh mục Đức Maria, cổ võ việc tận hiến và mở rộng nước Chúa của Đức Mẹ. Thánh Anphong Liguori Tiến sĩ (1696-1787), Thánh Bênêdictô Labre (+1783) đề ra đường lối chiêm niệm thực hiện trên đường hành hương, sống nghèo và hành khất.
Tuy nhiên ta cũng không nên bỏ qua hai lạc thuyết tu đức tương phản nhau tại Pháp vào thời này : phái Jansénisme[2] và phái Quiétisme.[3] Cả hai lạc thuyết bị Tòa thánh kết án. Có lẽ do việc kết án ấy mà nhiều người không muốn bàn đến những thuyết cao siêu về thần bí gì nữa. Qua thế kỷ XVIII, lại xuất hiện rất nhiều Dòng tu nam nữ, chuyên lo các công cuộc tông đồ bác ái, từ việc săn sóc các người nghèo, người bệnh, cho tới việc dạy học truyền giáo. Họ cố gắng nên thánh qua các công tác tông đồ phục vụ tha nhân, tuy rằng phần dành cho việc đọc kinh cầu nguyện vẫn không thiếu. Nhiều vị lập dòng đã được tôn phong hiển thánh. Thư từ, bút tích, lề luật của các vị viết, trở thành những linh đạo hướng dẫn các thành viên trong đường tu đức cũng như trong hoạt động tông đồ.
II. ĐÔI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ CON NGƯỜI THÁNH ANPHONG
1. Sơ lược tiểu sử thánh Anphong[4]
Thánh Anphong, tên thật là Alfonso Maria Antonio Giovanni Francesco Cosmo Damiano Michel Angelo Gasparo de Liguori (gọi tắt là Alphonsus Liguori hay Anphongsô); chào đời ngày 27.9.1696, tại Marianella, cách thủ đô Napôli 8 km về phía Bắc. Ngài là anh cả trong số 8 người con của ông Don Giuseppe de Liguori và bà Donna Catarina Anna Cavalieri. Gia đình họ Ligôri là những hiệp sĩ Napôli thuộc cung đình Portanova, tức là những nhân vật lãnh đạo chóp bu của chính quốc. Dòng tộc Ligôri tỏ ra một cung cách kiêu hãnh, đường bệ và là những bậc sĩ quan cha truyền con nối.
Năm 16 tuổi, ngài đã kết thúc bậc đại học với hai bằng tiến sĩ cả đạo lẫn đời : Dân luật và Giáo luật. Đó là bậc thang tiến thân đầy danh vọng và béo bở. Vì thế nhằm khuyến khích con trai mình hăng say làm việc, nên nhiều lần thân phụ Ngài cao giọng mơ ước ngay trước mặt ngài về một tương lai giàu sang và thế lực. Bởi lẽ, Ngài quá thành đạt trong xã hội. Là một luật sư trẻ tuổi, Ngài đã thắng biết bao vụ kiện cho dù rất khó khăn. Bao nhiêu thân chủ của ngài đã nhờ tài biện bác của ngài, thắng nhiều vụ kiện. Cuộc đời của ngài tưởng chừng cứ càng ngày càng đi lên, càng ngày càng thành tựu trong cuộc sống và rồi ngài sẽ không bao giờ bị thua bất cứ vụ bào chữa cho thân chủ nào. Tuy nhiên, năm 1723 trong một vụ bào chữa cho một thân chủ tưởng rằng như cầm chắc phần thắng trong tay, nhưng chỉ một sơ xuất rất nhỏ, ngài đã thua… Thiên Chúa đã đưa ngài ra khỏi cái ảo tưởng của trần gian để rồi dùng ngài như khí cụ để làm vinh danh Thiên Chúa. Trước một thất bại không ngờ, ngài đã tỉnh giấc mơ và ngài đã cương quyết rũ bỏ tất cả : tòa án, nghề luật sư, danh vọng, tiền tài… Ngài đã đặt thanh bảo kiếm tượng trưng cho dòng quí tộc dưới chân Đức Mẹ phù hộ và Ngài đã dứt khóat rời bỏ tất cả mọi thân chủ của mình trước sự giận dữ của thân phụ, ngài đã đến ghi tên vào chủng viện thành Napôli. Ngày 21.12.1726, ngài thụ phong linh mục và làm công tác tông đồ, lập những nhà nguyện ban đêm và dạy giáo lý.
Năm 1729, ngài gia nhập đại học truyền giáo Trung Hoa, hầu có thể đem tin mừng đến cho tận các miền xa xăm. Nhưng vào năm 1730, ngài bị bệnh nặng phải đi nghỉ tại Amalfi – Scala. Tại Scala này, ngài đã gặp gỡ với những người dân chăn cừu, từ đây mới làm ngài vỡ lẽ : thì ra những người nghèo chẳng đâu xa, họ có ngay trước cổng nhà mình, họ ít được rao giảng Tin Mừng. Thật vậy, đây là ngọn nguồn cái trực giác tiên khởi của ngài trong việc sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, và ngài xác tín : Thiên Chúa muốn có một Hội dòng thừa sai chuyên lo cho những người bị bỏ rơi.[5] Ngày 25.2.1749, Giáo hoàng Bênêdictô XIV đã ban sắc dụ Toà thánh chấp thuận cho thành lập Dòng Chúa Cứu Thế. Và thời gian đã thúc bách ngài sống cống hiến vào Dòng mọi sức lực, mọi tài năng của mình. Suốt 30 năm, ngài dốc toàn lực vào việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, cùng tuyển mộ, giáo dục và huấn luyện Hội dòng nhỏ bé của mình. Nỗi ưu tư của ngài là làm sao đem công cuộc tông đồ đến tận những làng mạc xa xôi hẻo lánh nhất. Năm 1762, ngài được chỉ định làm giám mục tại địa phận Sant’Agatha. Ở đây ngài đã cho ra đời nhiều tác phẩm về thần học luân lý và tín lý, cùng với cẩm nang cha giải tội cho người dân quê. Cuối cùng ngài đã ra đi về với Chúa ngày 01.8.1787.
Năm 1788, Giáo hoàng Piô VI cho phép lập hồ sơ phong chân phước cho Anphong. Tháng 9 năm 1816, ngài được phong Chân phước, rồi 23 năm sau, ngài được phong Thánh ngày 26.5.1839, và sau Công đồng Vaticanô I, ngày 23.8.1871 Giáo hoàng Piô IX đã đặt cho ngài tước hiệu tiến sĩ Hội thánh, và ngày 26. 4.1950, Đức Piô XII phong ngài làm quan thầy các cha giải tội và các nhà luân lý. Hai thế kỷ sau, các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế lên tới 6.300 người, hoạt động tại 64 nước trên khắp thế giới.
2. Bước ngoặc trong cuộc đời
a. Lòng trắc ẩn của tình yêu đến với người nghèo
Thánh Anphong nhận được một nền giáo dục đặc biệt từ gia đình. Ngài rất có năng khiếu về âm nhạc và hội hoạ. Ngài giữ vai trò luật sư trong 8 năm, không thua một vụ kiện nào. Nhưng, từ đây Ngài đã viết nên trang sử oai hùng cho cuộc đời mình, qua một vụ kiện mà Ngài bào chữa, đáng lẽ là phải thắng, nhưng vì toà án có phần gian lận nên Ngài đã thua trong vụ kiện đó. Từ biến cố này, Ngài đã từ bỏ pháp đình, từ bỏ tất cả, với sự nhất quyết theo chân Chúa, vượt qua sự ngăn cản của thân phụ và quyết định dứt khoát đi vào con đường hẹp. Sau khi Ngài đã lãnh nhận tác vụ linh mục. Ngài đã chuyên cần giảng dậy và khuyên bảo mọi người thay đổi, tiến bước trên con đường nên thánh. Vì chính Ngài, sau một cuộc thua kiện đã thay đổi tất cả, đổi mới tất cả. Ngài đã đặt chiếc gươm, biểu tượng của dòng quí tộc dưới chân Đức Mẹ. Ngài đã biến giây phút đó, giây phút hiện tại mà Ngài đặt thanh bảo kiếm dưới chân Đức trinh nữ Maria làm giây phút hồng phúc và cứu độ. Cái giây phút mà trong cuộc hành trình chịu chết, Chúa đã nhìn Phêrô khiến Phêrô ăn năn và quay trở về với Chúa. Đó là giây phút cứu độ của Phêrô. Còn đối với thánh Anphong, giờ cứu độ của Ngài ở ngay dưới chân Đức Mẹ.
Ngài lập các “nguyện đường về đêm”, đây là trường dạy đức tin và thánh thiện cho những người nghèo bị bỏ rơi trong xã hội. Ngài mơ ước làm tông đồ ở phương xa và đã chuẩn bị sẵn sàng. Từ giai cấp giàu sang của mình, thông qua những bệnh nhân bất khả trị, Anphong đã bắt đầu thực thi bác ái cho người nghèo bằng cách “cúi mình” trên họ, họ vốn là những kẻ ở bên kia rào chắn, thuộc về một thế giới khác. Nhưng khi chiêm ngắm Ngôi Lời Nhập thể làm người, Anphong mới nhanh chóng giác ngộ, đi tới chỗ nhận định rằng : Thiên Chúa đã không cúi mình trên họ, nhưng Người đã bước qua rào chắn để làm người như họ, và cũng thuôïc về giai cấp bần cùng của xã hội. Vâng, tình yêu không chấp nhận khoảng cách, vì thế, Anphong đã đến với người nghèo.
b. Nhà luân lý của lòng nhân ái
Thánh nhân được Giáo hội tôn kính như quan thày của thần học luân lý và của các vị giải tội. Công việc và sự đóng góp của ngài cho nền thần học luân lý được đánh giá cao khi người ta quan tâm đến hoàn cảnh Giáo hội và xã hội thời của ngài, trong đó thánh nhân nỗ lực đem lại cân bằng cho thần học luân lý và đấu tranh chống lại thuyết Jansénisme. Ngài lưu tâm đến những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người nghèo, những người bị bỏ rơi và những người bị áp bức. Sứ điệp chính yếu của thánh nhân đó là : “Công trình cứu độ với Chúa thì dư dật”. Khi bắt đầu viết sách, ngài không chủ ý đưa ra một nền thần học luân lý hệ thống cho mọi thời đại, nhưng chỉ thúc đẩy do lòng nhiệt thành mục vụ mà thôi. Vào thời đấy, cái nhiên thuyết[6] bị ghi ngờ, đang khi đó ngài được một tu sĩ dòng Đaminh theo Cánh trị nhiên thuyết[7] giảng dạy. Nhưng khi ngài hiến cuộc đời mình cho người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội thì ngài thấy Cánh trị nhiên thuyết không phù hợp với mục đích của mình, nên ngài ngả theo Cánh nhiên thuyết nhưng đồng thời lưu tâm đến những hoàn cảnh trong Giáo Hội và ngài gọi lập trường này là Đồng cái nhiên thuyết.[8] Dù được cảnh báo từ nhiều phía, nhưng thánh nhân vẫn cương quyết dạy rằng các vị giải tội không nên gây bối rối cho những lương tâm ngay lành của hối nhân bằng việc quy chiếu về lề luật (tự nhiên, giáo hội, dân sự) khi vị giải tội thấy trước hối nhân không thể tiếp thu được những luật này.
Những tác phẩm luân lý của ngài trở thành loại sách kinh điển trong thời của ngài : “Theologia moralis”, đây là tác phẩm chính đề cập đến mọi vấn đề luân lý, xuất bản 1748 và tính đến nay đã được tái bản hơn 70 lần. Còn tác phẩm: “Homo Anphongsôostolicus” nói về các nguyên tắc lý thuyết và thực hành dành cho các vị giải tội, có lẽ đây là tác phẩm hoàn hảo nhất của Ngài và được tái bản hơn 118 lần. Cuốn “Confessor of Country People” chống lại khuynh hướng coi các vị giải tội như một quan tòa xét xử và nhấn mạnh vai trò đầu tiên của các vị giải tội là làm cho tình yêu thương xót của Chúa Cha trên trời trở nên hữu hình như Đức Giêsu đã từng làm. Cuốn “The art of Loving Jesus Christ”, đây là loại thần học luân lý cho dân dã cũng như cho linh mục, trong đó trình bày bộ mặt đích thực của tình yêu và những áp dụng của tình yêu.
3. Ý tưởng lập Dòng
Trong thư thỉnh nguyện đệ trình Giáo hoàng Bênêdictô XIV, thánh Anphong đã giải thích vì lý do nào mà Ngài quyết định lập dòng. Vì nhiều năm lăn lộn trong công việc thừa sai, Anphong với tư cách một thành viên Tu hội Tông đồ Thừa sai Nhà thờ chính tòa Napôli, ngài nhận thấy tình trạng dân nghèo bị bỏ rơi thật đáng báo động, nhất là tại nông thôn, trên nhiều vùng rộng lớn của vương quốc này. Thậm chí nhiều người vì không gặp được thợ thừa sai, lúc chết đã không biết ngay cả các mầu nhiệm sơ đẳng nhất trong đạo, bởi lẽ hiếm có linh mục chịu dành thì giờ để lo chăm sóc về mặt thiêng liêng cho nông dân nghèo: họ ngại phải tốn kém tiền bạc và phải chịu đựng đủ thứ bất tiện này khác trong tác vụ này.
Có lần Ngài bị bệnh nặng phải đi nghỉ tại Amalfi – Scala. Tại Scala khoảng tháng 5 năm 1730, Ngài đã gặp gỡ với những người dân chăn cừu, từ đây mới làm Ngài vỡ lẽ: thì ra những người nghèo chẳng đâu xa, họ có ngay trước cổng nhà mình, họ ít được rao giảng Tin Mừng. Từ đó, Anphong với quyết tâm mới là đặt vấn đề thành lập một Hội dòng cùng cha linh hướng và các vị cố vấn tinh thần. Trong thời gian này Anphong được gặp gỡ một nữ tu thánh thiện đó là chị Maria Cêlesta Crostarôsa là người sáng lập dòng Nữ Chúa Cứu Thế,[9] và chị đã nhận được thị kiến về Dòng Chúa Cứu Thế Nam với cha Anphong là đấng sáng lập. Ngày 9.11.1732, tại Scala, thánh Anphong đã cùng với các bạn dấn thân bước theo Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó và thành lập dòng “Chúa Cứu Chuộc”. Ngày 25.2.1749, Giáo hoàng Bênêdictô XIV đã ban sắc dụ Toà thánh chấp thuận cho thành lập Dòng cùng với Hiến pháp và Quy luật Dòng, lấy danh hiệu là Dòng “Chúa Cứu Thế” chuyên lo rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó và bị bỏ rơi trong xã hội. Thánh Anphong và các đồ đệ đã nỗ lực đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của dân quê nghèo khổ thời đó bằng các kỳ đại phúc theo gương thánh Phaolô.
4. Mục đích và tôn chỉ của Dòng[10]
Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế noi gương Chúa Giêsu Cứu Thế, rao giảng Lời Chúa cho người nghèo khó, như chính lời Ngài nói : Người đã sai tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó. Châm ngôn sống hay khẩu hiệu của Dòng là : Ơn Cứu Chuộc nơi người chan chứa (Copiosa Apud Eum Redemptio). Bản chất của Dòng là Tu Hội dòng Thừa sai, thuộc Công pháp Giáo hoàng. Ký hiệu của Dòng là CSsR: Congregatio Sanctissimi Redemptoris.
Thánh Anphong đã lập một Dòng chuyên lo rao giảng cho những người nghèo, những người bơ vơ, vất vưởng và truyền bá lòng tôn sùng Đức Mẹ, nhất là đức trinh nữ Maria với tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ngài đã làm gương cho các sĩ tử của Ngài trong nhiều nhân đức, đặc biệt ba lời khuyên Tin Mừng : Vâng phục, Khiết tịnh và khó nghèo. Ngài đã sống cùng tận cái cốt lõi của đạo là tình thương và muốn cho mọi người, cho các sĩ tử Dòng cũng noi gương bắt chước Ngài sống cái cốt lõi ấy. Ngài đã làm việc không ngừng, không ngơi nghỉ. Cuộc đời của Ngài gặp trăm bề thử thách. Vào năm 1774, Dòng bị Tòa thánh phân chia làm đôi. Đức Piô VI không cho Ngài cai quản các tu viện thuộc Dòng ở ngoài vương quốc Napôli. Ngài rất đau khổ, nhưng tâm hồn vẫn tuân phục. Cho tới cuối đời, Ngài đã tìm lại bình an và ra đi cách thánh thiện trong tay Chúa vào ngày 1/8/1787. Trước khi nhắm mắt lìa đời, Ngài được sự an ủi cuối cùng khi thấy các con cái bao vây chung quanh và hứa sẽ thống nhất. Cho tới nay, Dòng đã thống nhất và có khoảng hơn 6300 sĩ tử, rải rác trong 38 tỉnh, 32 phụ tỉnh và 8 vùng. Dù bị bách hại, trục xuất, Dòng vẫn rao giảng Tin Mừng tại 64 quốc gia, trong toàn cõi Âu châu. Công việc thừa sai của Dòng vẫn giữa được nét truyền thống của vị sáng lập, nhưng lại mở rộng tầm hoạt động trên địa bàn quốc tế.
III. LINH ĐẠO DÒNG CHÚA CỨU THẾ
1. Lịch sử linh đạo Dòng
a. Bối cảnh hình thành nền linh đạo của Dòng
Trong thời gian khá dài, con cái của tổ phụ Anphong có cuộc bàn thảo về nhu cầu cần có một quyển linh đạo Dòng. Từ đó, có nhiều tài liệu và bản nghiên cứu được xuất bản mang tựa đề chung “Hướng Dẫn Linh Đạo Dòng Chúa Cứu Thế”.[11] Ý tưởng này, con cái thánh Anphong nỗ lực đáp ứng bằng cách dựa vào những tác phẩm của thánh tổ phụ và của các anh em khác trong Dòng. Còn những bản văn Hiến Pháp và Quy Luật chỉ là một tài liệu pháp lý, nói khác hơn, xu hướng trong thời kỳ đầu của Dòng xem linh đạo như điều chi ở “trên” và vượt qua Hiến pháp của Dòng.[12]
Còn nếu chúng ta hỏi các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế về nét chính yếu của linh đạo Dòng, thì có thể họ sẽ không đi đến sự nhất trí và rõ ràng. Đây cũng là một trong những câu hỏi rất thực tế đã được đặt ra trong những năm chuẩn bị tuyên phong thánh Anphong lên hàng Tiến sĩ Hội thánh, là thánh nhân có một hệ thống tu đức riêng không ? Hay linh đạo Anphong có hệ thống rõ rệt không ? Những câu hỏi này, kể cả thời bấy giờ cho đến ngày nay, có thể tóm lại như sau:[13] Một số người cho rằng, các tác phẩm của Anphong không gì khác hơn là một bộ sưu tập tinh hoa những kho tàng của quá khứ, nhưng nét độc đáo duy nhất chính là việc sắp xếp tất cả những tinh hoa đó lại với nhau. Ngược lại với quan điểm trên, họ đã tìm thấy được một hệ thống minh bạch trong linh đạo Anphong, thậm chí là một hệ thống nguyên thuỷ. Vì, với sự phong phú của những tác phẩm tu đức thiêng liêng của tổ phụ Anphong, mà họ đã khám phá ra nhữ ý tưởng nồng cốt được lặp đi lặp lại trong giáo huấn của Anphong. Ý tưởng nồng cốt cũng như những khát khao trọng tâm của ngài đó là : khát khao đưa mọi người đến ơn cứu độ. Một quan điểm khác đã vén mở cho thấy một ý tưởng sáng hơn nhiều về tinh thần của Anphong. Họ dựa vào truyền thống xa xưa, là họ tìm ra sự hữu ích cá nhân và độc đáo của các tài liệu do Anphong sưu tập. Nét độc đáo của Anphong được tìm thấy trong cách ngài chọn lựa những tài liệu nguyên gốc. Nguyên tắc của sự chọn lựa này không tìm thấy trong phạm vi của nền linh đạo ngài, nhưng nó đến từ những tác phẩm của đời ngài. Từ đó, việc phân tích và tổng hợp các tác phẩm của ngài cho thấy: tình yêu là khởi điểm và cùng đích của đời sống thiêng liêng, là sự hội tụ tất cả các nhân đức khác.
Vậy ba quan điểm trên sẽ dẫn chúng ta đi đâu? Rồi cuối cùng con cái ngài có minh định và khám phá nền linh đạo của Anphong tổ phụ của mình hay không ? Và có xác định đâu là mục đích căn tính của linh đạo Dòng hay không? Thật vậy, hầu như các tác giả đều cho là, và một số người đã quả quyết, có một số lại có một mối liên hệ lý thuyết giữa các ý tưởng đó. Quả thật, Anphong không có chủ ý xây dựng tư tưởng có hệ thống, mà mối quan tâm của ngài được quy hướng vào những vấn đề thiết thực, chứ không phải chỉ là những sự xem xét duy lý hay những nỗ lực phối hợp cho có khoa học. Trong tất cả những quan điểm đó, người ta bắt gặp một nhóm ý tưởng mà trong đó ý tưởng “tình yêu” là trung tâm của linh đạo Anphong; và Hiến pháp của Dòng đã trở thành nguyên tắc chủ đạo của linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế.
b. Tình yêu là khởi điểm và cùng đích của linh đạo thánh Anphong[14]
Thánh anphong sống trong một thế giới, trong một xã hội mà con người đua đòi, chạy theo con đường ăn chơi, xa xỉ, phung phí tiền của. Sống trong một giai đoạn mà ngay cả giới nhà tu cũng tranh nhau qui tụ về chốn đô thị để hưởng thụ, thỏa hiệp và sống dễ dãi. Đời sống đạo đức ở nhiều nơi bị sa sút trầm trọng, bè rối hoành hành giữa lòng Hội Thánh. Con người tưởng chừng không đâu tìm ra lối thoát giữa một xã hội xem ra bị chìm lỉm, ngụp lặn trong tội lỗi. Anphong xuất hiện với bầu nhiệt huyết sẵn có, với lòng đạo đức, thánh thiện, với thiện chí và lòng tin sắt đá. Sở dĩ Anphong có được tinh thần ấy và cảm nghiệm ấy bởi Anphong đã yêu mến Thiên Chúa. Ngài đã say mê Thiên Chúa với tất cả con người, với tất cả con tim rực cháy của mình.
Từ khi đặt dưới chân Đức Mẹ phù hộ thanh bảo kiếm, Anphong như trút được tất cả gánh nặng trần thế, gánh nặng ước muốn danh vọng, tiền của và phú quí để đi theo Đấng Cứu Thế Giêsu. Sở dĩ thánh Anphong đã làm được việc lớn lao như thế dù rằng danh vọng, địa vị, tiền của, vợ đẹp đang trong tầm tay của Ngài là vì Ngài say mến Thiên Chúa, say mến Đức Giêsu, Con Người đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ. Thánh Anphong đã cảm nghiệm sâu sắc chỉ nơi Chúa Giêsu, ơn cứu độ mới tỏa lan nơi những người khác. Ngài cũng hoàn toàn bước theo con đường của Chúa, con đường khó nghèo, từ bỏ và hy sinh, con đường thập giá: “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13). Thánh Anphong đã chọn sự khó nghèo để lo cho người nghèo. Ngài đã thực hiện sự khó nghèo với tất cả con người của mình, bởi vì ngay khi làm lời khấn nguyền với Chúa không bỏ phí một giây phút nào trong cuộc sống, thánh Anphongsô đã sống ràng buộc mình trong sự khiêm hạ thâm sâu, một sự khiêm tốn như lột trần con người mình để rồi trút bỏ tất cả vinh dự, quyền bính để hoàn toàn hiến thân cho người nghèo. Đọc lại tiểu sử của Ngài chúng ta không khỏi ngạc nhiên và khâm phục vì một con người thông minh, giỏi giang và thuộc gia đình quí phái nhưng lại chấp nhận hoàn toàn tự nguyện sự khó nghèo và ràng buộc đến như thế ? Điều đó nói lên thánh Anphongsô đã yêu mến Chúa đến chừng nào, Ngài đã lắng nghe và thực thi lời Chúa cách trọn hảo. Chỉ cần đọc lại những lời dốc lòng của thánh Anphong, sau ngày lãnh nhận sứ vụ linh mục, chúng ta sẽ hiểu Ngài như thế nào. Quả thực, đối với thánh Anphong, hành động hoàn hảo của lòng mến cốt ở một tình yêu vô điều kiện và sự phó thác vô điều kiện cho Chúa Giêsu Cứu thế.
c. Hiến pháp đã xác định mục đích căn tính của Dòng
Sau Công đồng Vatican II, Hiến pháp của Dòng đã trở thành nguyên tắc chủ đạo của linh đạo và trở nên tập “Hướng Dẫn linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế”.[15] Để đáp lại những yêu cầu của Công đồng, Hiến pháp đã được tu chỉnh : gồm chứa những nguyên tắc thần học và Tin Mừng, có liên quan đến đời tu và sự tháp nhập đời tu vào Hội thánh, cũng như một sự trình bày đúng đắn, phù hợp tinh thần với những mục đích của Đấng sáng lập. Vả lại, mục đích sách Hiến pháp của Dòng là đặt Hiến pháp vào trong sự năng động của bối cảnh lịch sử.[16] Ở đây, hai yếu tố chủ đạo trong sự năng động thừa sai của Dòng được nhấn mạnh: Dòng trung thành với nhãn quan của thánh tổ phụ Anphong ; Dòng mở ra với những dấu chỉ thời đại, đồng thời sẵn lòng thích nghi với những tình huống đang đổi thay trong lịch sử của Dòng.[17] Điều này rất hợp với tinh thần Công đồng Vatican II khi nói về vấn đề đọc ra dấu chỉ thời đại.[18] Dó đó, Hiến pháp được xem như một nguồn chính yếu về linh đạo của Dòng.
Hiến pháp đã xác định mục đích căn tính của Dòng như sau: “Dòng Chúa Cứu Thế, là một Tu Hội dòng giáo sĩ thừa sai, mà mục đích là noi gương Chúa Cứu Thế, bằng cách rao giảng Lời Chúa cho người nghèo khó như chính Ngài đã tuyên bố về Ngài: ‘Người đã sai tôi loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khó’”.[19] Ý nghĩa về việc diễn tả mục đích của Dòng, là đi theo Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần bắt chước, mà còn biến việc rao giảng trở nên trung tâm sứ vụ của Chúa Giêsu, và do đó trở nên trung tâm sứ vụ của các tu sĩ Chúa Cứu Thế. Nói cách khác, Dòng không chỉ bắt chước các nhân đức cơ bản của Chúa Giêsu, mà vì Dòng là một Hội dòng thừa sai, nên mọi cộng đoàn của Dòng đều là cộng đoàn được sai đi, mọi tu sĩ của Dòng đều là người được sai đi. Thật vậy, những yếu tố này nằm trong căn tính của Dòng đến với mỗi cá nhân hay cộng đoàn cũng chỉ là một.
Những gì được nói ở đây là điều khiến cho Dòng là thừa sai noi gương Đức Kitô qua đời sống tông đồ. Mục đích của Hiến pháp là thiết lập một tương quan giữa hai nếp sống: nếp sống thánh hiến và hoạt động thừa sai., là máng chuyển thông thánh ý Thiên Chúa cho tu sĩ Dòng. Qua đó, Hiến pháp cũng trình bày một nhãn quan về Dòng chia sẻ sứ vụ của Chúa Kitô và của Hội thánh; một nhãn quan về Dòng mở ra với thế giới hôm nay; một cộng đoàn không đóng kín nơi chính mình, nhưng mở ra những chân trời rộng lớn.
2. Linh đạo Dòng theo hiến pháp
a. Theo Chúa Kitô bằng cách loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ
Ý tưởng chủ đạo của đời sống thánh Anphong cách riêng thôi thúc ngài lập Dòng, đó là lời mà chính ngài đã ghi lại trong một lá thư : “Đám trẻ nhỏ đòi ăn bánh, nhưng nào có ai cho !”.[20] Đối với Anphong, trẻ thơ là những tầng lớp thấp hèn trong dân chúng, nhất là dân chúng nhà quê ở vương quốc Napôli. Thành phần này không được hoạt động mục vụ quan tâm đến, hoặc quan tâm đến một cách hời hợt, thậm chí chẳng quan tâm chút nào, vì họ là một đoàn chiên không người chăn dắt. Anphong tự hỏi, tại sao người ta không cho chúng ăn ? Hay là có đưa, nhưng không ai bẻ ra cho chúng ? Với những câu hỏi này không chỉ liên quan đến thời Anphong, mà xem ra ở những thời khác nó vẫn còn có tính thời sự tương tự và cũng có những câu trả lời giống nhau. Vì thế, bánh ăn không được bẻ ra cho trẻ thơ. Anphong ôm ấp và mong muốn là loan báo Tin Mừng đích thực. Ngài dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng cho người bình dân một cách hiện sinh, làm cho thính giả hoán cải và tin vào Tin Mừng. Du nhập những hình thức đạo đức và đời sống mà dân chúng có thể thực hành được. Ngài chỉ nhắm đến một hình thức mục vụ mà thôi: đó là giảng đại phúc cho dân chúng. Còn những hoạt động mục vụ khác chỉ được cho phép khi có nối kết với đại phúc. Đối với Ngài, giảng đại phúc cho dân chúng là phương thế tuyệt hảo để thực hiện cuộc cải cách trong lãnh vực rao giảng và để bẻ bánh Lời Chúa cho “trẻ thơ”. Ngài giới hạn Dòng trong công việc mục vụ độc nhất này, để gia tăng hiệu năng của nó và để giúp cho sự làm việc và sinh sống thành cộng đoàn được trở nên dễ dàng hơn.
Chính vì thế mà Hiến pháp Dòng từ số 3 đến 5 đã đưa ra hai tiêu chuẩn quan trọng cho sự chọn lựa làm việc với ai và cho ai của các tu sĩ Chúa Cứu Thế: ưu tiên cho người nghèo và những người bị bỏ rơi hơn cả, và ưu tiên cho những hoàn cảnh mục vụ cấp bách.[21] Hp đã kêu gọi các tu sĩ thi hành quyền lựa chọn theo những tiêu chuẩn này trong sự trung thành với ơn gọi của mình. Lời mời gọi thừa sai đó được đề cập ở đây là lời mời gọi dành cho toàn thể Dòng cũng như cho từng Tỉnh hay Phụ tỉnh của Dòng.[22]
b. Sứ mạng của Chúa Kitô Cứu Thế là lý do của sự thánh hiến
Ý tưởng thánh Anphong rất đơn giản: sự thánh thiện hay sự trọn lành hệ tại ở sự kết hiệp trọn hảo với Thiên Chúa. Bởi đó phải loại bỏ tất cả những gì có thể cấm cản sự kết hiệp này, phải tạo mọi thứ có tính cách thuận lợi. Do đó, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế phải từ bỏ mọi sự, nhất là bốn đối tượng: tiện nghi đời sống, cha mẹ, danh tiếng, ý riêng.[23] Còn sự hãm mình bên ngoài và bên trong, lòng yêu mến thánh giá phải góp phần vào việc giải phóng những cấm cản để người ta sống cho Thiên Chúa. Thánh Anphong đòi hỏi các tu sĩ phải có một con tim trống rỗng, nếu con tim đầy ắp thứ khác thì không có chỗ cho Thiên Chúa. Ngài yêu cầu giữ sự thinh lặng, sự hồi tâm trầm lắng, cầu nguyện, kiểm soát bản thân bằng việc xét mình, xưng tội, tham dự thánh lễ, mọi việc có mục đích hỗ trợ tích cực cho việc kết hiệp với Thiên Chúa. Vì thế, sự thánh hiến và những sự từ bỏ mà chúng bao hàm được xét trước tiên trong tương quan với nhiệm vụ tông đồ, và được coi là những điều kiện giúp tu sĩ sẵn sàng hơn vì Chúa và vì tha nhân, là sự giải phóng để phục vụ, giúp tu sĩ tiếp tục sứ mạng cứu độ của Đức Kitô.[24]
Trong Hiến pháp, các lời khấn của Dòng được đặt để một cách vững chắc trong khung cảnh sứ mạng của Chúa Cứu Thế: mục đích của các lời khấn là nhắm tới để phục vụ sứ mạng đó. Vì thế, “tu sĩ xây đắp mạch đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn của mình trên lời khấn Dòng, để tận hiến bản thân cho nghiệp vụ Tin Mừng và ruổi theo đường trọn lành đức ái tông đồ, đó chính là cứu cánh của Dòng”.[25] Hiến pháp cùng lúc muốn làm nổi bật tầm quan trọng và giá trị duy nhất của đường trọn lành, đó là một sự thánh hiến cho Thiên Chúa và cho sứ mạng của Chúa Kitô, sứ mạng đối với cá nhân. Trong truyền thống Kinh Thánh, từ sứ mạng ám chỉ việc một người được Thiên Chúa sai đi thi hành công việc của Người trong thế gian. Trước hết, các ngôn sứ là những người được sai đi để rao truyền và sống đường lối của Thiên Chúa. Về sau, Đức Giêsu tiếp tục và kiện toàn sứ mạng của các ngôn sứ. Người là Đấng được sai đi cao cả nhất, là “Sứ Giả” của Thiên Chúa (x.Dt 3,1). Sứ mạng của Người được miêu tả trong một đoạn văn rất quen thuộc trong Tin Mừng : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Những từ này gợi lên một cái nhìn ở mọi cấp độ sứ mạng của Dòng. Mục đích của sứ mạng không chỉ là việc công bố ơn cứu độ, nhưng còn là sự khai mở ơn cứu độ. Đó là một ơn huệ giải thoát của Thiên Chúa cả trên bình diện thiêng liêng lẫn trần thế.
Như vậy, Hiến pháp trình bày sứ mạng của Dòng như một nguyên tắc thống nhất trong đời sống tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, bởi vì, nó là nguyên tắc thống nhất trong đời sống của các ngôn sứ và của Đức Giêsu, trong Người họ được chia sẻ sứ mạng đó. Sau khi khấn, mọi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế viết thêm những mẫu tự “CSsR” ngay sau tên của mình như là một hình thức khiêm tốn nhất biểu thị một hướng sống mới, một vận mệnh mới, một hình thức thông hiệp mới vào sứ mạng của Đức Kitô. Và sự hiệp thông ấy được nói như sau : “Đức ái Tông đồ khiến người tu sĩ thông hiệp sứ mạng của Chúa Cứu Thế là chính nguyên nhân thống nhất toàn cuộc sống. Nhờ vậy, mà họ hầu như được đồng hoá với chính Chúa Kitô, để ngang qua họ mà Người vẫn tiếp tục thực thi Ý Cha trong việc Cứu Chuộc nhân loại”.[26] Đức Giêsu được trình bày không như một gương mẫu bên ngoài, nhưng như Đấng mà nơi Người, mọi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đi vào một mối tương giao nhân vị, qua việc thông hiệp vào sứ mạng của Người. Họ gặp gỡ Người không những trước tiên trong kinh nguyện và thờ phượng, mà còn qua việc thông hiệp vào sứ mạng làm cho Nước Thiên Chúa trị đến của Người. Chính nhờ sự hiệp thông vào sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu mà mọi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế trở nên đồng hoá với Người trong chính tư thế của Đấng Cứu Chuộc. Nghĩa là phục vụ con người vì vinh quang Thiên Chúa : “Khi vinh quang Chúa và cứu độ trần gian, lòng mến Chúa và yêu người là một, tu sĩ sống việc kết hiệp với Chúa qua hình thức đức ái tông đồ, và tìm vinh quang Chúa qua đức ái thừa sai”.[27] Vì vậy, mọi bình diện đời sống của Dòng đều bắt nguồn từ sứ mạng và hướng tới sứ mạng ấy. “Đời sống cộng đoàn nhằm phục vụ việc tông đồ, sau nữa, những dây ràng buộc của đời sống tu trì khiến ta thuộc trọn về Chúa nhất thiết bao hàm và phát huy chiều kích tông đồ của các tu sĩ. Vậy việc khấn Dòng là hành động định nghĩa toàn đời sống thừa sai của tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế”.[28]
c. Sống cộng đoàn tông đồ
“Để đáp ứng nhu cầu của mình ở trong Hội thánh, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế theo đuổi công việc thừa sai một cách cộng đồng”.[29] Toàn bộ mục đích của đời sống cộng đoàn không phải là việc thánh hoá các thành viên tu sĩ, nhưng là tạo khả năng cho các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế chu toàn sứ mạng của mình. Mọi thành viên gia nhập cộng đoàn cốt để rao giảng Tin Mừng, và phải rao giảng sao cho mỗi ngày mỗi hiệu quả hơn, vì chính việc rao giảng Tin Mừng là làm tăng trưởng cộng đoàn chứ không phải ngược lại. Như vậy, đời sống cộng đoàn được định hình theo các đòi hỏi của sứ mạng Dòng, chứ không theo bất kỳ hướng nào khác. Cha Thánh Anphong đã từng nói : Điều đặc biệt nơi công cuộc rao giảng Tin Mừng của chúng ta ấy là công cuộc này được thực hiện trong một cộng đoàn. Mọi thành viên sống trong cộng đoàn và thực thi công việc tông đồ của mình ngang qua cộng đoàn như là một luật sống thiết yếu.[30] Vì thế, ta có thể nói: Trung tâm của cộng đoàn là chính Đức Kitô. Bởi lẽ, Đời sống của Dòng được nuôi sống trong mối tương quan với Chúa Giêsu, và nhờ Chúa Giêsu, với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần. Ở đây, chiều kích Ba Ngôi trọn vẹn nơi linh đạo của Dòng Chúa Cứu Thế được phác họa. Tương quan của anh em tu sĩ với Đức Kitô được gắn liền với sứ vụ của Dòng. Chính Người là nguồn mạch của cả sứ vụ lẫn sự hiệp nhất huynh đệ. Mọi mối tương giao của anh em trong cộng đoàn được vững chải nơi Người và từ đó Người được anh em lan toả cho các anh chị em khác.
Từ trung tâm của cộng đoàn này, đã hình thành những hình thức khác nhau của đời sống cộng đoàn dưới những tiêu đề: cộng đoàn cầu nguyện, cộng đoàn nhân vị, cộng đoàn lao tác, cộng đoàn hoán cải, cộng đoàn cởi mở, và cộng đoàn tổ chức. Qua những cộng đoàn này tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế “sẽ thông chia niềm vui Tin Mừng mà mình sống cho mọi anh em Kitô hữu, để mình thành men trong thế giới và chứng tá sống động của niềm hy vọng”.[31] Những gì muốn nói ở đây, là niềm vui hình thành nơi đời sống tu sĩ Chúa Cứu Thế nhờ những kinh nghiệm sống trong cộng đoàn nơi mà Tin Mừng được đón nhận một cách nghiêm túc, và cũng là nơi mà mọi thành viên cố gắng hết mình làm cho Tin Mừng sinh hoa kết trái trong đời mình cũng như trong những mối tương giao với người khác. Một kinh nghiệm như thế chính là sự gặp gỡ với Tin Mừng cứu độ. Và cũng trong chính những cộng đoàn này, họ trở nên chứng tá sống động của niềm hy vọng.
d. Đời sống thiêng liêng
Thánh Anphong đã đưa ra nền tảng của đời sống trong Dòng : tinh thần cầu nguyện, sự vâng phục và sự khó nghèo. Chính trên nền tảng này Ngài coi là chủ đạo để xây dựng tinh thần Dòng, còn tinh thần tông đồ và sự dấn thân vào những hoạt động cụ thể chỉ được Ngài quan tâm đến ít hơn, vì điều này xem ra sẽ đương nhiên có, một khi đã có những nền tảng kia. Khi nhìn lại Hiến pháp thời thánh Anphong, các đoạn văn về ba lời khấn, về những việc khiêm nhường, về việc cầu nguyện thì dài gấp bốn lần các đoạn văn về hoạt động. Còn những quy định về kinh nguyện cũng rất nhiều, chẳng hạn như : việc hằng ngày cử hành thánh lễ, tiếp theo là một nửa giờ cám ơn, rồi đọc kinh nhật tụng theo hình thức dài, “các tu sĩ Dòng sẽ nguyện gẫm mỗi ngày ba lần : buổi sáng và buổi tối chung, nửa buổi chiều nguyện riêng trong phòng và đọc sách thiêng liêng nửa giờ, thêm vào đó là việc viếng Thánh Thể và Đức Mẹ”.[32] Ngoài các việc trên, mỗi ngày còn có lần chuỗi, hai lần xét mình và kinh tối. Rồi mỗi tháng một ngày tĩnh tâm, mỗi năm 10 ngày linh thao. Trong điều kiện có thể, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế cũng thực thi các việc ấy cả khi đang đi giảng đại phúc. Luật còn đưa ra 12 nhân đức tháng : tin, trông cậy, kính mến Chúa, hoà thuận yêu thương, khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục, hiền lành khiêm nhường, hãm mình, thinh lặng hồi tâm, cầu nguyện, bỏ mình và yêu mến thập giá.[33] Những nhân đức này góp phần vào việc có được sự tự do và hỗ trợ việc kết hiệp với Thiên Chúa trong những nhân đức hàng đầu này.
Đối với Anphong, Đức Giêsu Kitô trước tiên là chính Thiên Chúa, và là một vì Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã hoàn toàn bỏ mình trong cuộc nhập thể, cuộc khổ nạn và trong thánh thể, để cứu độ loài người.[34] Ngài đòi hỏi người ta suy niệm về những mầu nhiệm này, để hiểu tình thương của Thiên Chúa đối với loài người. Ngài đặc biệt xác tín rằng sự suy niệm này dẫn đến tình bác ái: “chắc chắn, khi một tâm hồn nhận thức Thiên Chúa đã chết vì yêu thương nó, thì nó không thể sống mà không yêu mến được”.[35] Còn mục đích đầu tiên của lòng sùng kính Đức Mẹ là khơi lên lòng tin tưởng đối với Mẹ Thiên Chúa. Sự kiện về sau này, ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được ban cho Dòng hoàn toàn phù hợp với ý hướng căn bản của lòng sùng kính Đức Mẹ trong nhà Dòng.
Chắn chắn những nền móng trên là căn bản của đời sống của mỗi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Thế nhưng, Hiến pháp ngày nay lại đưa ra một hình ảnh mới về tu sĩ chân chính Dòng Chúa Cứu Thế : “Bởi đó, mạnh mẽ trong đức tin, vui mừng nhờ đức cậy, sốt sắng bởi lòng mến, nóng lửa nhiệt thành, ý thức mình hèn yếu và chuyên chăm cầu nguyện trong cung cách là những người làm tông đồ và làm đồ đệ trung thực của thánh Anphong, các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế, vui mừng bước theo Đức Kitô Cứu Thế, tham dự và loan báo mầu nhiệm Ngài bằng một đời sống và lối nói đơn sơ theo tin Mừng, cùng với một thái độ luôn biết từ bỏ chính mình, sẵn sàng đón nhận những công tác nặng nhọc hầu mang lại ơn cứu độ chứa chan cho mọi người”.[36] Ở đây trình bày một danh mục mới về các nhân đức, với một đặc nét ta không gặp trong 12 nhân đức tháng, mà nền tảng đầu tiên là dành cho mọi hoạt động tông đồ : một lòng nhiệt thành nung nấu, một sự giản dị theo Tin Mừng trong lối sống và lời nói, một sự sẵn sàng dấn thân hoàn toàn vào công cuộc rao giảng tin Mừng.
Quả thật, con đường thiêng liêng được Hiến pháp Dòng ngày nay diễn tả trong một ngôn ngữ khác, chắc chắn dễ hiểu hơn.[37] Hình ảnh Đức Kitô mà Dòng phải nên giống nay được thay đổi. Thay đổi ở đây là thay đổi cách hiểu, nếp suy nghĩ, nghĩa là Đức Kitô phải là trung tâm của đời sống Dòng ; Đức Kitô ở đây trước hết không phải là vị Thiên Chúa bỏ mình hay tự huỷ mình, nhưng là vị Thiên Chúa, là Đức Kitô Giêsu, Đấng sống vì con người, dấn thân cho con người, chết và sống lại vì con người. Việc thay đổi hình ảnh Đức Kitô cũng kéo theo việc thay đổi hình ảnh người tu sĩ chân chính Dòng Chúa Cứu Thế. Ngược lại với truyền thống, Hiến pháp ngày nay không qui định quá gắt gao những hình thức đạo đức, mà Hiến pháp trao quyền cho các Tỉnh Dòng và các cộng đoàn tự tìm lấy những hình thức thích hợp : “Mỗi cộng đoàn tìm lấy những hình thức cầu nguyện chung nào đó mà thể hiện được sự hiệp nhất anh em cũng như hun đúc được khí thế thừa sai”.[38] Thiết nghĩ về đời sống thiêng liêng của Dòng ngày nay, được nhấn mạnh đến những việc được diễn tả trong đời sống cộng đoàn. Với những nỗ lực này, Dòng đáp ứng những nhu cầu của con người ngày nay, không phải bằng một sự thích nghi thuần tuý bề ngoài, nhưng bằng việc tạo ra một mẫu đời sống cộng đoàn mới : cộng đoàn các môn đệ của Đức Kitô.[39] Cộng đoàn mà nơi các tu sĩ Chúa Cứu Thế sống, được thúc đẩy khám phá Đức Kitô trong các bí tích của ơn cứu độ : đó là Lời Thiên Chúa, phụng vụ, đặc biệt là bí tích Thánh thể ; các tu sĩ tận tuỵ tham dự phụng vụ và cầu nguyện chung, cũng như suy gẫm : việc suy gẫm phải được hướng dẫn để chiêm ngắm các mầu nhiệm cứu độ ; còn Đức Maria được Dòng nhận làm mẫu gương, làm Đấng bảo trợ và làm Mẹ, là Đấng đang hằng cứu giúp Dân Chúa trong Đức Kitô.[40]
Như vậy, xét trong tổng thể con đường thiêng liêng của Dòng Chúa Cứu Thế ngày nay, số lượng những hình thức cầu nguyện bắt buộc được giảm thiểu rất nhiều, mà ngược lại, đời sống thiêng liêng trong các cộng đoàn được coi là nơi “sẽ thông chia niềm vui Tin Mừng mà mình sống cho mọi anh em Kitô hữu, để mình thành men trong thế giới và chứng tá sống động của niềm hy vọng”.[41] Vâng, những gì muốn nói ở đây là niềm vui hình thành nơi đời sống tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, nhờ những kinh nghiệm sống trong cộng đoàn nơi mà Tin Mừng được đón nhận một cách nghiêm túc, và cũng là nơi mà mọi thành viên cố gắng hết mình làm cho Tin Mừng sinh hoa kết trái trong đời sống cũng như trong những mối tương giao với người khác. Một kinh nghiệm như thế là sự gặp gỡ với Tin Mừng cứu độ, dẫn đến con đường thiêng liêng của mỗi tu sĩ.
3. Nét đặc trưng của tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam[42]
Ngày 30-11-1925, ba vị thừa sai đầu tiên của Dòng Chúa Cứu Thế đến Việt nam, với mong ước tìm kiếm và vận động thành lập Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam. Sau những năm làm việc cùng với một nhóm tu sĩ mới gia nhập, các ngài không ngừng kiên trì rao giảng Tin Mừng cho đồng bào Việt Nam trên mọi nẻo đường đất nước. Chúa Cứu Thế chúc lành cho công cuộc truyền giáo của Dòng bằng cách gởi đến thêm nhiều thợ gặt nhiệt thành. Năm 1964, Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam trở thành một Tỉnh Dòng độc lập, với Cha F.X. Trần Tử Nhãn, Giám Tỉnh tiên khởi.
Sau 80 năm Dòng Chúa Cứu Thế hoạt động ở Việt Nam đã mang lại một bản sắc Mục vụ rõ nét, làm nên tính chất linh đạo của tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Mọi hoạt động tông đồ, mục vụ và các hoạt động văn hóa và xã hội đều được thực hiện. Hiện nay, có trung tâm mục vụ sinh động vào bậc nhất có lẽ không chỉ của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, mà còn là của toàn thể Giáo hội Việt Nam: Trụ sở Tỉnh Dòng; Tu Viện thừa sai; Trung tâm hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp; Giáo xứ; Trung tâm mục vụ hôn nhân - gia đình; Trung tâm giáo lý: giáo lý dự tòng, giáo lý thiếu nhi, giáo lý giới trẻ, giáo lý Kinh Thánh; Các hoạt động xã hội. Không những ở thành phố, mà còn ở những vùng cao nguyên, các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế cũng đã đưa đồng bào J'rai đón nhận Tin Mừng. Số người xin theo Chúa mỗi ngày một gia tăng. Tại trung tâm Pleikly, từ năm 1987 đến 1990, có 528 người rửa tội; từ năm 1991 đến 1993 có 752 người, từ năm 1994 mỗi năm có khoảng hơn 500 người. Tại các trung tâm Cheoreo và Pleichoet, số người lãnh bí tích Rửa Tội cũng gia tăng. Tại các buôn làng, các thừa sai xây dựng những cộng đoàn cơ bản, đăït nền tảng trên Kinh Thánh và việc cầu nguyện theo Kinh Thánh, có khả năng tự quản, có năng động thừa sai, có ý thức phát triển toàn diện. Theo chiều hướng đó, các vị đã luôn quan tâm đào tạo các cộng tác viên người J'rai. Nhờ có đường hướng đúng đắn và được tổ chức tốt, công cuộc truyền giáo càng ngày càng phát triển. Hiện thời, 3 trung tâm phụ trách khoảng 150 buôn làng, với con số dự tòng lên đến vài nghìn người. Mỗi năm các trung tâm rửa tội cho khoảng hơn 1000 người. Một điều đáng mừng là khi đã đón nhận Tin Mừng, hầu hết các tín hữu người J'rai có một đức tin mạnh mẽ, phong phú, vừa biết loại bỏ những gì nguy hại cho đời sống đức tin, vừa biết bảo vệ và thăng tiến những giá trị văn hóa của mình.
Song song với việc rao giảng lời Chúa và tổ chức các cộng đoàn cơ bản, các thừa sai đang tiếp tục dịch Kinh Thánh Cựu ước và Sách Phụng Vụ Thánh Lễ ra tiếng J'rai, với sự cộng tác của một số anh chị em giáo dân người J'rai. Các thừa sai cũng tiếp tục công cuộc hội nhập văn hóa, sưu tầm nghiên cứu kho tàng các câu chuyện dân gian, các phong tục tập quán, các lễ tết, hội hè, đình đám. Các vị đã làm được một tập nghi thức an táng Công giáo có thích nghi và hội nhập với những phong tục cổ truyền. Hơn nữa, ý thức rằng người J'rai là thành phần của Giáo hội Việt Nam, các thừa sai còn thường xuyên tổ chức cho cộng đoàn giáo dân J'rai giao lưu với giáo dân người Việt cũng như các dân tộc khác. Nhờ vậy, người J'rai vừa được thêm phong phú về văn hóa, vừa được thêm mạnh mẽ về đức tin và tìm thấy chỗ đứng của mình giữa lòng Dân tộc và Hội thánh Việt Nam.
Bên cạnh việc rao giảng Tin Mừng, các trung tâm cũng chú trọng tới việc phát triển kinh tế, xã hội. Các trung tâm thường giúp đỡ các bệnh nhân phong cùi, hỗ trợ vốn cho người nghèo mua đất đai, vật tư nông nghiệp, làm các ngành nghề phụ. Các trung tâm cũng tổ chức các đợt khám chữa bệnh cho bà con tại các buôn làng, thực hiện các chương trình chống sốt rét, chống suy dinh dưỡng với sự cộng tác của các bác sĩ, y tá. Các trung tâm còn mở các lớp xóa nạn mù chữ, tìm nguồn học bổng giúp học sinh, sinh viên. Tóm lại, trải qua biết bao khó khăn, thử thách, mất mát, hy sinh, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã và đang làm nên nhiều điều kỳ diệu, dưới tác động của Chúa Thánh Thần.
IV. MỘT CÁI NHÌN MỚI VỀ LINH ĐẠO CỦA DÒNG
1. Tính hiện đại của linh đạo
a. Luôn mở ra với những dấu chỉ của thời đại[43]
Khi một ai đó nhìn vào các Tu Hội dòng ngày nay, điều làm họ ngỡ ngàng nhất có lẽ là tính đa dạng đáng phải lưu tâm đang diễn ra trong đời sống cũng như trong các công việc của các cộng đoàn tu. Cũng như đa số các truyền thống đã mang tính cách là “đổi mới”, thì Thiên Chúa cũng đang nói với con người qua những cảnh huống của thời đại. Do đó, trong mỗi cộng đoàn tu trì, những dấu chỉ thời đại là một nguồn nuôi dưỡng nền thần học và lối sống thực tiễn của cộng đoàn đó, nghĩa là phải mở ra cho những đòi hỏi của hiện tại và tương lai.
Thật vậy, Dòng Chúa Cứu Thế đã đáp ứng được những dấu chỉ ấy. “Trẻ thơ” ngày nay được mở rộng hơn, nghĩa là “trẻ thơ” được hiểu cách khác nhau vào những lúc và những nơi khác nhau, không phải lúc nào và bất cứ đâu ta cũng rao giảng Tin Mừng cho cùng một thính giả, hay sứ mạng cũng không phải luôn luôn lúc nào cũng dành chỗ nhất cho kẻ nghèo khó. Nhưng, nền tảng lúc đầu bị thu hẹp bây giờ lại được nới rộng. Chẳng hạn xuất hiện nhiều phương pháp mục vụ mới cho những nhóm tín hữu dân quê ở nhiều miền, hoặc những di dân, hoặc dân ở các thành phố lớn, ở biên giới, hoặc các nạn nhân của chủ nghĩa chủng tộc… Như thế, Dòng phát triển nhiều dạng thức mục vụ khác nhau, và trong cùng một hình thức mục vụ, chúng ta cũng thấy những lối tiếp cận khác nhau. Do đó, có một sự giằng co nhất định nào đó trong khi vừa cố gắng trung thành với các đặc sủng và truyền thống của Dòng, lại vừa đáp trả những đòi hỏi mục vụ. Tuy nhiên, nguyên tắc này đòi hỏi rằng việc giải thích sự giằng co này không đơn giản bằng cách loại bỏ một trong các điều trên, mà trong thực tế, chính khi trung thành với truyền thống thì phần nào đó đáp trả những đòi hỏi mục vụ.
b. Sự thích nghi trong lòng Giáo hội
Ngày nay ý tưởng của con người về Thiên Chúa, về vũ trụ cách nào đó đã thay đổi. Thánh Anphong nói phải loại trừ khỏi cõi lòng mọi mong muốn và mọi khuynh hướng không có Thiên Chúa làm nguyên lý và cứu cánh. Còn ngày nay, khuynh hướng đó được diễn tả bằng một cách khác, có thể nói con người chiếm chỗ trung tâm. Thật sự, qua việc lựa chọn mô hình Dân Thiên Chúa, Công đồng Vatican II đã thực hiện một cuộc bức phá cơ bản đối với điều đã được thiết lập trong Hội thánh từ nhiều thế kỷ qua. Nó đánh dấu điểm kết của một kỷ nguyên trong Giáo hội, ít nhất là về mặt nguyên tắc. Theo mô hình Dân Thiên Chúa, quyền của Thiên Chúa cư ngụ nơi những người, theo ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần, nhận biết rõ ai trong số họ đã được trao cho đặc sủng làm người đứng đầu, rồi sau đó chọn những người ấy đứng ra hành động như là những người làm đầu của mình, đồng thời chọn người ấy đứng ra đại diện quyền hành giữa cộng đoàn. Sau cùng nhấn mạnh trên sự bình đẳng giữa các thành viên làm lên Dân Thiên Chúa, và trong lý tưởng này, Chúa Thánh Thần sẽ nói nơi mọi thành viên. Chính vì thế, người ta rất khó tránh khỏi ấn tượng rằng tiến trình theo hướng đi ấy, dù ít dù nhiều, đã phải vất vả lội ngược dòng trong những năm gần đây.
Hơn nữa, có thể nói rất nhiều những khó khăn mà các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế ở mọi vùng đất trên thế giới đã kinh qua trong khi tìm kiếm vai trò của mình, thậm chí ngay trong lòng Giáo hội địa phương, cũng có thể dấy lên từ những vấn đề tương tự. Vào thời điểm khi có một sự đồng thuận toàn cầu về bản chất, mục đích và cấu trúc của Giáo hội, thì sẽ thuận lợi hơn cho các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tìm kiếm vai trò của mình. Bởi vì hiện tại chưa có một sự chấp thuận rộng rãi nào về một mô hình, thì sẽ kéo theo những khó khăn hơn.
2. Tính năng động trong cách thức thực hiện công việc rao giảng
Công việc tông đồ, Hiến pháp của Dòng ngày nay không qui định một hình thức ưu việt nào so với lịch sử của Dòng trong bối cảnh thời đầu của Dòng, chẳng hạn như Đại phúc, Cấm phòng, Tĩnh tâm.. Vả lại, không thấy bất kỳ một phương thức rao giảng Tin Mừng nào được coi là có hiệu quả hơn hoặc mang bản sắc Chúa Cứu Thế hơn những phương thức rao giảng khác trong Giáo hội. Ngay cả những sứ vụ loan báo Tin Mừng đã mang lại sắc thái cho hoạt động của tu sĩ Chúa Cứu Thế ở nhiều nơi trên thế giới từ thuở Dòng mới khai sinh vẫn không được coi là có đặc quyền. Bởi lẽ, ở đây việc nhấn mạnh nằm ở tính năng động, tinh thần và động lực trong cách Dòng tiếp cận với sứ vụ của Dòng. Dưới đây, xin liệt kê một vài cụm từ thể hiện tính năng động của đời sống tinh thần của tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế: sáng kiến mạnh dạn, tận tâm tận lực ; năng động thừa sai ; tu sĩ thong dong không vướng mắc đối với những nhóm người mà ta đến rao giảng, cũng như đối với những phương tiện sử dụng vào sứ mạng cứu độ… đề ra các sáng kiến tông đồ…, tinh anh khám phá ra những đường hướng mới; nhiệt thành thừa sai, đảm nhận bất cứ sáng kiến nào.[44]
Thật vậy, Hiến pháp đã cổ võ tính năng động trong tinh thần tin tưởng. Sự tin tưởng này đặt cơ sở trên niềm tin của con người vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới ngoài Hội thánh, và trên niềm tin Thiên Chúa vẫn tiếp tục mạc khải chính Người trong thế giới ấy nữa. Giống như các ngôn sứ, mọi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế phải trở thành người biết lắng nghe trước khi trở nên người đi rao giảng.
KẾT LUẬN
Đứng trước một thế giới đang rơi vào khủng hoảng với các tật xấu do đánh mất ý thức về các gía trị thiêng liêng và tình yêu, thì linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế chính là một phương dược hữu hiệu nhất có thể chữa lành căn bệnh thời đại ngày hôm nay. Vì thế, trong tinh thần của vị thừa sai : từ tu sĩ đến từng tín hữu, từ người lớn đến người nhỏ ai cũng phải được huấn luyện về tinh thần yêu thương và phục vụ, biết hy sinh những ích kỷ cá nhân vì Tin Mừng, để chính bằng đời sống gương mẫu của mình qua đó Tin Mừng Đức Kitô đến được với những người chung quanh. Và để sống đời sống tu sĩ một cách hữu hiệu, điều quan trọng là huấn luyện người tu sĩ thành những chứng tá gương mẫu, sống trung thực với Tin Mừng của Chúa Kitô qua việc yêu thương và phục vụ người nghèo.
“Phục vụ người nghèo như Đức Kitô đã làm”, đó là châm ngôn sống và cũng là sứ mạng của các sĩ tử Chúa Cứu thế. Thế giới ngày nay càng tiến triển, càng văn minh, thì sự cách biệt giữa giàu và nghèo càng hiển lộ rõ nét. Điều này Đức Gioan Phaolô II nhắc lại trong Tông huấn Giáo hội tại Á Châu rằng mối quan tâm của Giáo hội là ưu tiên phục vụ người nghèo, giúp thăng tiến phẩm giá của họ như là một trong những phương thế để chu toàn mệnh lệnh Tin Mừng.[45] Vì những người nghèo tại Á Châu cũng như những người nghèo trên thế giới: họ không những nghèo về của cải vật chất, mà còn nghèo về tình thương, sự chăm sóc, nghèo về tâm linh, sống thiếu lý tưởng, sống thiếu đạo đức, sống mà như không sống, không thấy được ý nghĩa cuộc đời. Quả thật, linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế, đã chứng tỏ được vị thế của mình trong thế giới hôm nay. Vì chứng tá Tin Mừng mà thế giới hôm nay dễ cảm nhận nhất, đó là thái độ lưu tâm đến con người và lòng bác ái đối với những người nghèo, những người nhỏ bé và những người đau khổ.[46]
Sách tham khảo
1/. Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Piô X – Đà lạt 1972.
2/. Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo, Veritas Edition Calgary-Canada, 1999.
3/. Hiến pháp và quy luật Dòng Chúa Cứu Thế.
4/. Tìm hiểu linh đạo và hiến pháp Dòng Chúa Cứu Thế, tháng 11.2004.
5/. Sác các thánh Dòng Chúa Cứu Thế.
6/. Fr. Henk Mander, Tình yêu trong linh đạo thánh Anphong.
7/. Yêu Mến Chúa Giêsu, người dịch: Thiên Phước, Tôn giáo Hà Nội, 2004.
8/. Lm. Joseph oppitz, CSsR, Hồi Ký Mùa Thu, 1997.
9/. Readings in Redemptorist Spirituality, Volume 1-4. Rôma, 1989.
[1] Xc. Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo, tập I, Veritas edition, Calgary Canada, 1999, trang 192 – 198.
[2] Phái Jansénisme là một học thuyết do thần học gia người Hòa Lan tên là Corrneille Jansen khởi xướng (1585-1638). Jansen tự nhận là dựa vào truyền thống của thánh Augustin. Khá giống với Calvin, Jansen tỏ ra bi quan về bản tính con người đã hư hỏng do tội nguyên tổ ; chỉ những ai được tiền định mới được cứu ; sống nghiêm ngặt về luân lý là dấu hiệu được tiền định.
[3] Phái Quiétisme bắt nguồn từ Miguel Molinos (+1696) bên Tây Ban Nha và bành trướng bên Pháp nhờ Madame Guyon (+1717) và đức cha Fénelon (+1715) : họ đề cao vai trò của ơn thánh và sự phó thác nơi Chúa đến nỗi coi thường các việc đạo đức hay khổ chế.
[4] Xc. Các Thánh trong Dòng Chúa Cứu Thế, trang 10.
[5] Xc. Bùi Đức Sinh, sđd trang 185 – 187.
[6] Cái nhiên thuyết (probabilisme), học thuyết này do thần học gia người Tây Ban Nha là Bartholomé de Medina OP. (+1530) khởi xướng. Học thuyết này chủ trương, khi theo một ý kiến thực sự kém cái nhiên hơn những ý kiến cái nhiên khác thì hành động của ta vẫn được coi là hợp luật.
[7] Cánh trị nhiên thuyết (Probaliorisme), học thuyết này do các tu sĩ dòng Đaminh đề xướng, gương mặt tiêu biểu cho đường hướng này là Contenson (+1684). Thuyết này chủ trương, giữa hai ý kiến phải luôn loại bỏ ý kiến kém cái nhiên hơn và trong trường hợp nghi ngờ, thì nên đi đến lập trường chắc ăn hơn, có nghĩa là làm theo luật.
[8] Đồng cái nhiên thuyết (Aequiprobabilisme), học thuyết này chủ trương, khi một lương tâm ngay thẳng có những lý do chính đáng ngang bằng hay hầu như ngang bằng để sử dụng tự do cách sáng tạo vì những nhu cầu hiện tại, họ sẽ không bị ràng buộc bởi lề luật, nếu tự nó hay trong những áp dụng cụ thể lề luật này bị nghi ngờ. Lề luật sẽ không đúng nếu nó bóp nghẹt tự do, trừ khi rõ ràng lề luật có những lý do chắc chắn để làm điều đó. Nói cách khác, một luật bị nghi ngờ được công bố một cách không đầy đủ thì không buộc phải giữ.
[9] Dòng Chúa Cứu Thế có ngành nữ sống chiêm niệm, do nữ tu Maria Cêlesta Crostarôsa sáng lập tại Napoli năm 1731, được Toà thánh châu phê ngày 8.6.1750.
[10] Xc. Tìm hiểu Linh đạo và Hiến pháp Dòng Chúa Cứu Thế, DCCT tháng 11.2004, trang 15 – 16.
[11] Xc. sđd trang 122.
[12] Xc. sđd trang 117 – 120.
[13] Xc. sđd trang 10 -14.
[14] Xc. Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Thư Cha Giám Tỉnh, số tháng 12-2003, trang 8 – 15.
[15] Xc. Tìm hiểu linh đạo, sđd trang 123.
[16] Xc. sđd trang 10.
[17] Xc. sđd trang 135.
[18] Vaticanô II, GS 4.
[19] Hiến Pháp Dòng số 1.
[20] Ac 4,4. Trích lại trong tài liệu : Tìm hiểu linh đạo, sđd trang 19.
[21] Hiến Pháp Dòng số 3 – 5.
[22] Xc. Tìm hiểu linh đạo, sđd trang 150.
[23] Tu sĩ chân chính Dòng Chúa cứu Thế, trang 9.
[24] Xc. Hiến Pháp Dòng số 44,45,50.
[25] Hiến Pháp Dòng số 46.
[26] Hiến Pháp Dòng số 52.
[27] Hiến Pháp Dòng số 53.
[28] Hiến Pháp Dòng số 54.
[29] Hiến Pháp Dòng số 21.
[30] Xc. Hiến pháp Dòng số 21.
[31] Hiến Pháp Dòng số 43.
[32] Luật cũ, chương II, đoạn 2,2.
[33] Xc. Tìm hiểu linh đạo, sđd trang 59.
[34] Sđd, trang 61.
[35] Bậc tu trì, trang 106.
[36] Hiến pháp Dòng số 20.
[37] Xc. Tìm hiểu linh đạo, sđd trang 65.
[38] Hiến pháp Dòng số 30.
[39] Xc. Tìm hiểu linh đạo, sđd trang 52.
[40] Xc. Hiến pháp Dòng các số 26 – 32.
[41] Hiến pháp Dòng số 43.
[42] Xc. Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Thư Cha Giám Tỉnh, số tháng 12-2003, trang 117 – 142.
[43] Xc. Tìm hiểu linh đạo, sđd trang 226 – 243.
[44] Hiến pháp Dòng số 13 – 16.
[45] EA. 34.
[46] Xc. Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu độ, phát triển các dân tộc, số 21, 42.