Friday, 24 January 2020 01:47

Những Nẻo Đường Tâm Linh - Linh Đạo Dòng Anh Em Giảng Thuyết (Đaminh) Featured

Giacôbê Đỗ Huy Nghĩa, OP.

Giuse Đinh Khắc Vịnh, OP.

 

I. DẪN NHẬP

Trong thần học, linh đạo là một đường lối nên thánh, xét về mặt lý thuyết cũng như thực hành. Mà nên thánh về mặt lý thuyết cốt yếu hệ tại đức ái. Yêu mến Chúa như thế nào và yêu con người như thế nào? Mỗi người có một cách thức yêu mến Chúa khác nhau, người thì nhấn mạnh đến sự khiêm nhường, người khác lại đề cao sự thông hiệp với Thánh Thể… Cũng vậy, yêu người cũng có trăm ngàn cách, người thì để ý đến sự nghèo khổ về vật chất, người khác lại lo chăm sóc bệnh tật cho tha nhân. Rồi khi cùng chung về mặt lý thuyết, nhưng có thể mỗi người lại có những cách thi hành khác nhau tuỳ theo hướng dẫn của Thần Khí.

Tuy nhiên, khi nói đến “linh đạo”, người ta thường nói đến một trường phái, một trung tâm rèn luyện nên thánh. Như thế, Dòng Đaminh có một trường phái linh đạo rõ ràng. Lý tưởng nên thánh của Cha Đaminh đã được nhiều người noi theo và hưởng ứng chứ không chỉ dành cho riêng mình thánh nhân. Lý tưởng ấy đã trở thành một đường hướng, không những cho mỗi anh chị em tận hiến trong Dòng Đaminh mà còn nhiều Kitô hữu khác nữa. Và chính nhờ sống theo lý tưởng ấy mà không ít người đã được Hội Thánh tuyên dương lên bậc hiển thánh. Rồi cũng có không ít những nhân vật đã cố gắng suy tư, tổng hợp và trình bày linh đạo Đaminh như là một đường lối nên thánh hữu dụng và có ích cho mọi người.

Như vậy, để tìm hiểu linh đạo Đaminh một cách tường tận phải quay về tìm hiểu những ý hướng của Thánh Đaminh khi muốn lập Dòng qua những chiếu chỉ, án phong thánh, Hiến Pháp nguyên thuỷ; tìm hiểu những chứng nhân nên thánh, những tác phẩm tu đức và nhất là các bản văn viết về linh đạo Đaminh, cụ thể là sách Hiến Pháp, công vụ tổng hội…

Với khả năng hạn hẹp, bài viết này chỉ mong được giới thiệu linh đạo Đaminh và một số nét đặc trưng của linh đạo này được thể hiện qua cuốn Hiến Pháp của Dòng.

II. MỤC ĐÍCH CỦA DÒNG ANH EM GIẢNG THUYẾT

Khi viết cho Thánh Đaminh và các anh em của người, đức Hônôriô đã không ngần ngại nhắc lại nguồn gốc của Giáo Hội và muốn tu sĩ Dòng Giảng thuyết nên giống các tông đồ xưa: “Loan truyền danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trên toàn thế giới”.[1]

Như các Tông đồ xưa đã không những có một đời sống tông đồ mà còn có những hoạt động tông đồ, Thánh Đaminh và các anh em của Người cũng cùng nhau đồng lòng chung sống dưới một mái nhà, và cũng cùng nhau đi khắp chốn đây đó để “lo việc giảng thuyết và ơn cứu độ các linh hồn”.

Chính vì lý do đó mà ngay từ đầu, người ta đã gọi Thánh Đaminh và các anh em của người là những con người của Tin Mừng (vir evagelicus). Đây không phải là một thuật ngữ sáo rỗng vì Hiến Pháp tiên khởi cũng xác định rõ ràng: “Ở đâu anh em cũng phải sống chính trực và đạo đức như những người khao khát ơn cứu độ của mình và của những người khác, như những con người của Tin Mừng (vir evagelicus), theo chân Đấng Cứu độ, chỉ nói với Thiên Chúa hay về Thiên Chúa, với mình hoặc cho tha nhân".[2] Và điều khoản này vẫn còn được gìn giữ đến hôm nay.[3]

Như vậy có thể nói mục đích của người tu sĩ Đaminh là trở nên giống các thánh Tông đồ xưa, vừa sống một đời sống tông đồ vừa có những hoạt động tông đồ. Tại sao mục đích của Dòng là trở nên giống các thánh Tông đồ đi “Loan truyền danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trên toàn thế giới”?

Việc điểm lại một số giai đoạn trong cuộc đời Thánh Đaminh, và bối cảnh xã hội cũng như tôn giáo thời đó, sẽ giúp chúng ta hiểu hơn đường hướng mà thánh nhân đã chọn cho Dòng của mình.

1. Thánh Đaminh, đấng sáng lập Dòng

Thánh Đaminh sinh ngày 24-06-1170 tại ngôi làng nhỏ Caleruega thuộc giáo phận Osma, miền Castille, nước Tây Ban Nha; Thân phụ ngài là bá tước Felix de Guzman, thân mẫu là chân phước Gioanna de Aza. Ngài có hai anh em trai đều thụ phong linh mục, người anh cả Anthony làm tuyên úy bệnh viện và anh thứ Mannes về sau này vào Dòng Thuyết Giáo của em mình.

Dù thuộc tầng lớp quý tộc, nhưng với bầu khí đạo đức thánh thiện của gia đình đã ảnh hưởng sâu xa tới đời sống đạo của thánh nhân. Khi được bảy tuổi, gia đình đã gửi Đaminh tới sống với người cậu ruột là một linh mục; 14 tuổi được theo học tại trường thuộc nhà thờ chính toà Palencia, với chương trình học chủ yếu là Thánh Kinh, vì thế mà sau này Thánh Kinh trở thành niềm đam mê của Đaminh và là nguồn để thánh nhân suy niệm. Tin Mừng Matthew và các thư thánh Phaolô trở thành hành trang cho công cuộc rao giảng của Đaminh.

Sau khi hoàn tất chương trình học, Đaminh gia nhập Hội Kinh Sĩ tại nhà thờ chính toà Osma, tại đây người đã chịu chức linh mục và trở thành phó bề trên Kinh sĩ đoàn. Ít lâu sau, nhân biến cố thuyết phục được người chủ quán theo bè phái Cathares trở về với giáo lý chân chính, Đaminh đã có ý tưởng lập một Dòng với mục đích chuyên về việc giảng thuyết, nhất là giảng chân lý Tin Mừng cho những người lạc giáo. Vì thế, thánh nhân cùng với giám mục Diego đã hành hương Rôma để xin Đức Thánh Cha cho phép đi giảng cho người Cumans và Hồi giáo.

Cuối năm 1215, Đaminh cùng giám mục Foulques đi Rôma, xin Giáo Hoàng châu phê cộng đoàn Dòng với danh xưng “Anh Em Giảng Thuyết”. Tuy không được chấp nhận ngay, vì công đồng Latran IV vừa ra quyết định cấm thành lập các Dòng mới, nhưng ý định của Thánh Đaminh vẫn được Tòa Thánh ủng hộ. Do đó, ngày 22-12-1216, Đức Honorio III ban hai sắc lệnh công nhận Dòng như một Hội Kinh Sĩ triều, và chỉ một tháng sau, vào ngày 21-01-1217, Đức Thánh Cha đã chấp nhận hoàn toàn ý định của Cha Đaminh, thành lập “Dòng Anh Em Giảng Thuyết” (Ordo Praedicatorum) với sứ mạng truyền giảng Lời Chúa.

2. Bối cảnh tôn giáo và xã hội

Thời kỳ Thánh Đaminh, xã hội và tôn giáo có nhiều biến động phức tạp. Về mặt xã hội, người ta gặp thấy ít nhất có hai biến động:

- a) Việc gia tăng dân số được coi như một sự “bùng nổ” đã kéo theo nhiều khó khăn như đời sống kinh tế thiếu hụt, bệnh tật chết chóc, thất nghiệp…;

- b) Việc đô thị hoá cũng không phải là không có những phức tạp theo sau, một mặt đời sống kinh tế được hồi sinh, nhưng mặt khác lại tạo ra những lối sống phù phiếm, phô trương, xa hoa và hưởng thụ của những người nhờ thời vừa phất lên về kinh tế.

Yếu tố sau chính là nguyên nhân của sự phân biệt giầu-nghèo rõ rệt, một sự đối nghịch về lối sống giữa một bên là cảnh phồn vinh thành thị, và bên kia là cảnh túng nghèo bần cùng cũng ngay tại “cổng thành”; điều này cũng dẫn tới nhiều bất công, sự phân biệt đối xử.

Về mặt tôn giáo cũng không thiếu những phức tạp và thậm chí cả những “tệ nạn” nữa. Đời sống các giáo sĩ xa sút về nhiều mặt, như thiếu trách nhiệm trong việc coi sóc đoàn chiên, không được học hỏi đến nơi đến chốn, không am tường về đạo lý cũng như Kinh thánh, thiếu lòng nhiệt thành với đạo nghĩa; trong khi đó, vì được quyền ưu đãi, một số giáo sĩ còn rơi vào lối sống phong kiến, xa hoa, bè phái, phóng túng và sa đoạ. Với lối sống của những người lãnh đạo như thế, việc sa sút về mặt đạo nghĩa trong dân chúng là điều không thể tránh khỏi.

Chính trong bối cảnh tôn giáo như thế, nhiều phong trào lạc giáo đã xuất hiện, một mặt để chống lại lối sống gần như tục hoá của hàng giáo sĩ, mặt khác muốn “cải tổ” lại Giáo Hội đã bị băng hoại, trở về với lối sống khó nghèo của Tin Mừng, hoặc bảo vệ những giáo lý chính thống của Giáo Hội. Người ta có thể nhận ra hai khuynh hướng, tuy cả hai cùng chống lại Giáo Hội, đối lập nhau:

- 1) những người theo phái Cathares với lối sống khó nghèo và nhiệm nhặt triệt để của Tin Mừng; tuy nhiên họ bị coi là lạc giáo vì gần như đã dựa vào nhị nguyên thuyết để giải thích Tin Mừng cách triệt để, và vì thế họ đã làm “sống lại” tư tưởng của (lạc thuyết) Mani (+ 276) thời cổ xưa trong Giáo Hội.

- 2) những người theo phái Vaudois, cũng với lối sống khổ chế và khó nghèo và muốn trung thành hơn với tinh thần của Tin Mừng; những người theo nhóm này, một mặt vừa chống lại lối sống phù phiếm của hàng giáo sĩ vừa muốn cải tổ lại Giáo Hội [mà theo họ đã bị băng hoại nhưng có thể sửa chữa được], mặt khác là để bảo vệ giáo lý chính thống của Giáo Hội chống lại chủ trương của nhóm Cathares. Nhưng nhóm này bị coi là lạc giáo vì đã không tuân phục thẩm quyền Giáo Hội, và phát triển thành phe nhóm [có khuynh hướng] vô chính phủ.

Tóm lại, với lòng yêu mến Lời Chúa, thiết tha với việc truyền giảng Lời cho mọi người, thiết tha với ơn cứu độ các linh hồn, và nhất là đứng trước một bối cảnh tôn giáo và xã hội hết sức phức tạp và nhiễu nhương như thế, Thánh Đaminh càng khát khao hơn với ý thức trách nhiệm của người tông đồ. Và có thể nói rằng, với khát khao và nhiệt huyết này của thánh nhân, Dòng Đaminh đã được khai sinh với một đường hướng và mục đích rõ rệt: Cứu mình và cứu các linh hồn bằng việc loan truyền lời Chúa.

III. MỘT CHƯƠNG TRÌNH SỐNG

Ý hướng thì như vậy, nhưng làm thế nào để thực thi được đường hướng này. Có lẽ khi lập Dòng, Thánh Đaminh không thể hoạch định một cơ cấu rõ ràng như Dòng có hiện nay. Những định chế có ngày hôm nay một phần do chính thánh nhân đề nghị, một phần do anh em đề xướng lên trong mỗi dịp Tổng hội và một phần do hoàn cảnh của thời cuộc cụ thể. Nhưng nói gì thì nói trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thời gian, đời sống ấy có những yếu tố nền tảng không thể nhạt phai. Những nét đặc trưng này chúng ta sẽ được thấy rõ trong khoản III và IV của Hiến Pháp Nền Tảng.

- § III. - Nhưng để nhờ việc theo Đức Kitô như vậy mà nên hoàn hảo trong lòng mến Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa qua việc tuyên khấn kết nạp chúng ta vào Dòng và được dấn thân một cách mới mẻ cho Hội Thánh toàn cầu, nghĩa là.

- § IV. - Khi tham gia vào sứ vụ tông đồ, chúng ta cũng nhận lấy nếp sống của các Tông Đồ theo thể thức đã được Thánh Đaminh cưu mang, Tất cả những việc đó không những tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa chúng ta, mà còn trực tiếp phục vụ ơn cứu độ con người, bởi những việc ấy chuẩn bị và thúc đẩy một ách hài hoà việc giảng thuyết, làm cho việc giảng thuyết có một hình thể riêng và ngược lại, các việc đó cũng có được thể thức riêng nhờ việc giảng thuyết. Những yếu tố ấy một khi liên kết chặt chẽ với nhau, giữ được quân bình và làm phong phú lẫn nhau, thì làm nên tổng thể đời sống riêng của Dòng: một đời sống tông đồ theo nghĩa trọn vẹn, nghĩa là việc giảng thuyết và dạy đạo lý phải phát sinh từ sự sung mãn của việc chiêm niệm.

Như vậy, lý do để Dòng hiện hữu đó là “lo việc giảng thuyết và ơn cứu độ các linh hồn”. Và những yếu tố tỷ dụ như đời sống cộng đoàn, học hành, cầu nguyện, tuân giữ kỷ luật tu trì đều nhắm cho lý do này.

Hẳn nhiên Thánh Đaminh không sáng tạo ra đường lối tu trì. Đời sống này đã xuất hiện từ thế kỷ thứ IV. Đã có những bản luật nổi tiếng như Basilio, Augustin và Benedict,… được đặt làm kim chỉ nam cho đời sống này.

Thánh Đaminh đã sống và đã chịu ảnh hưởng bởi những nếp sống này. Thế nên, nếp sống mà thánh nhân khởi hứng không thể không bị ảnh hưởng bởi nếp sống tu trì trước đó. Do vậy, tìm hiểu những điểm mới mà Thánh Đaminh du nhập, hay sửa đổi để thiết lập một lối sống đáp ứng được những đòi hỏi của sứ vụ, hay cách thức mà những người thực thi sứ vụ sẽ phải sống đó là điều cần rất can hệ.

Bản Hiến Pháp nguyên thủy của Dòng được chia làm hai phần rõ ràng.

- 1) Phần thứ nhất bàn về kỷ luật trong tu viện và việc cầu nguyện; phần này gần như giống hoàn toàn kỷ luật của đan viện, cũng bàn tới những kỷ luật về kinh nguyện, về ăn chay, phòng ngủ, thing lặng.

- 2) Phần thứ hai bàn về quản trị, phần này thực sự có nhiều điểm mới so với những yếu tố quản trị trong đan viện cổ truyền. Nêu vấn đề này có ý muốn minh chứng rằng, tuy vẫn chịu ảnh hưởng đời sống đan tu nhưng đời sống Đaminh đã có những du nhập và những sửa đổi mới. Những yếu tố mới này dần dà với thời gian làm nên những đặc trưng cho đời sống Đaminh. Quả thực, với sự khám phá và quyết định về lối sống của Dòng, Thánh Đaminh đã nối kết đời sống “tông đồ” khất thực với đời sống kinh sĩ, nối kết đời sống chiêm niệm đan tu với đời sống hoạt động tông đồ. Nhưng hình thái độc đáo của “đời sống tông đồ Đaminh” là như thế nào? Thực khó có thể trả lời một cách trực tiếp và ngắn gọn cho câu hỏi được; một cách đơn giản có thể tạm hiểu rằng “đời sống tông đồ Đaminh” là sự kết hợp giữa đời sống chiêm niệm với công tác tông đồ. Và muốn rõ hơn, làm thế nào có thể kết hợp được hai yếu tố có vẻ đối lập nhau, chúng ta sẽ phân tích một số điểm chính yếu để tìm ra xem đâu là điểm độc đáo và như vậy sẽ biết được linh đạo của Dòng Đaminh.

1. Chiêm niệm

Liệu có thể gọi Dòng Đaminh là Dòng chiêm niệm được không? và câu trả lời thật xác quyết rằng: “Bất cứ người Đaminh nào không tha thiết trở nên một người chiêm niệm thì không sống trọn vẹn tinh thần Đaminh của Mình”.[4]

Thánh Đaminh, noi theo gương mẫu của Đức Kitô, Đấng đã chấp nhận chịu chết vì ơn cứu độ của loài người, đã rất khao khát cho ơn cứu độ của tha nhân nên châm ngôn sống của người không gì khác hơn là “chỉ nói với Chúa và nói về Chúa”. Với châm ngôn này, đời sống của thánh nhân là một đời sống chiêm niệm liên nỉ, người đã sống kết hợp sâu xa và mật thiết với Chúa cách trọn vẹn vì tha nhân như lời chứng: “Cha Thánh Đaminh đã dành ban ngày cho tha nhân và ban đêm dành trọn vẹn cho Thiên Chúa”.

Từ chính lòng khao khát và lối sống của thánh Tổ Phụ, đời sống của người tu sĩ Đaminh trước hết phải là đời sống chiêm niệm. Người Đaminh phải thánh hoá chính bản thân mình trước khi có thể ra đi công bố Tin Mừng cho tha nhân. Vì thế đời sống của họ phải là đời sống ẩn náu trong Thiên Chúa cùng với Đức Kitô, đời sống kết hợp liên nỉ với Đức Kitô, và đời sống này sẽ được thực hiện trong sự thanh vắng và thinh lặng của tu viện.

Tuy nhiên, chiêm niệm nơi người Đaminh không giống với việc chiêm niệm của các đan sĩ nơi đan viện. Với người Đaminh, từ một đời sống chiêm niệm phải trở thành nguồn mạch cho sứ vụ tông đồ, từ một đời sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và với Đức Kitô, phải mang lại lợi ích cho ơn cứu độ linh hồn tha nhân. Điều này có nghĩa rằng đời sống chiêm niệm của người Đaminh phải được sinh hoa kết quả trong những hoạt động tông đồ. Thánh Thomas Aquinô đã chẳng đưa ra một công thức thật ý nghĩa cho điều này hay sao: “Contemplata aliis tradere” (chiêm niệm và truyền trao cho người khác hoa trái chiêm niệm của mình).

Một người Đaminh sống đúng với tinh thần của Dòng sẽ không được để mình rơi vào những trạng thái thái quá, như vì nhàm chán, buồn tẻ trong đời sống chiêm niệm mà bị cuốn hút say mê quá đáng vào những hoạt động tông đồ; hoặc cũng không vì quá thích thú, say mê trong việc “chiêm ngắm Chúa” đến độ trở thành [chiêm niệm] ích kỷ, không muốn từ bỏ hay hiến thân cho những công việc phục vụ Thiên Chúa để mưu cầu lợi ích ơn cứu độ của tha nhân. Nhưng với tinh thần của Dòng, người Đaminh phải sẵn sàng ra đi vì nhu cầu khẩn thiết của tha nhân, sẵn sàng chuyển trao cho tha nhân những hoa trái của việc chiêm niệm của mình, và đồng thời, cũng vui vẻ và hân hoan ở lại [hay trở về sau khi hoàn thành sứ vụ tông đồ] trong tu viện, âm thầm và cần mẫn với đời sống nội tâm, đời sống kết hợp với Chúa một khi không có những nhu cầu của sứ vụ đòi hỏi. Điều này có nghĩa rằng, với người Đaminh, giữa đời sống thiêng liêng với việc chiêm niệm và cầu nguyện và đối với những sứ vụ tông đồ, có một mối tương quan mật thiết. Người Đaminh có sống thâm sâu trong đời sống chiêm niệm và cầu nguyện, cũng là vì mong muốn cho sứ vụ tông đồ, vì lợi ích và ơn cứu độ của tha nhân.

Tu sĩ Humbert Romans, khi giải thích Tu Luật, đã trình bày thật chí lý về khía cạnh này:

“Người tu sĩ Đaminh phải là người chiêm niệm. Những điều giảng thuyết là chính những điều chiêm niệm… Trong chiêm niệm, họ kín múc những chân lý, để rồi sau đó, họ sẽ đổ tràn ra trong giảng thuyết. Nhiệm vụ của những nhà giảng thuyết là, một mặt họ chuyên lo chiêm niệm những sự thuộc về Thiên Chúa, và mặt khác tận tâm với những hoạt động vì lợi ích của tha nhân. Người Giảng thuyết phải hiến mình cho cả hai đời sống: chiêm niệm và hoạt động. Nhưng vì mỗi người phải có trách nhiệm trước tiên với chính mình nên người giảng thuyết phải chuyên tâm sống đời chiêm niệm hơn là hoạt động”.[5]

2. Hoạt động tông đồ

Dù không thuộc về đời sống chiêm niệm thuần tuý, nhưng nhờ chiêm niệm người Đaminh cần phải yêu mến Thiên Chúa nhiều đến nỗi buộc họ phải yêu thương tha nhân nữa, đó chính là thực thi lệnh truyền của Đức Giêsu (x. Mt 22,37-39). Và vì thế, có thể hơi quá nhưng cần phải nói như thế về người Đaminh rằng, họ sẽ không thể nghỉ ngơi được một khi vinh quang của Thiên Chúa chưa được loan báo khắp thế giới. Điều này có nghĩa rằng, chính nhờ việc chiêm niệm mà đời sống tông đồ của người Đaminh được hình thành. Đây có lẽ cũng là một điều khác với các đan sĩ, như ai đó đã nói chiêm niệm Đaminh không dừng lại ở việc chỉ thưởng thức cho riêng mình, nhưng có ý muốn thông truyền những hoa trái chiêm niệm của mình cho người khác nữa (contemplata aliis tradere).

Thực vậy, Thánh Đaminh, trước khi trở thành một người tông đồ đã sống và tuân giữ cách nghiêm nhặt Tu luật của Thánh Augustin và Tu luật Kinh sĩ đoàn Osma, nhờ đó mà tinh thần tông đồ của thánh nhân được phát triển và thôi thúc việc ra đi làm công tác tông đồ.

Trong một chiếu chỉ của Đức Thánh Cha gửi Thánh Đaminh đề ngày 21/1/1217 có danh từ Frates praedicatores. Quả vậy, Thánh Đaminh đã muốn lập một Dòng để đi giảng. Cụ thể thánh nhân thấy việc giảng Lời Chúa rất là cần thiết. Giảng về đạo lý chân thật chứa đựng trong Kinh thánh cho những người theo bè phái Cathares là vấn đề cấp thiết. Thánh nhân đã hăng say trong các công tác tông đồ, như việc giảng thuyết cho người tín hữu cũng như những kẻ bỏ đạo, bình giải Thánh Kinh cho mọi người thuộc mọi thành phần, thăm viếng và an ủi bệnh nhân, lắng nghe và và yêu mến những kẻ “lầm lạc trở về”; và nhất là người còn muốn đi thật xa, đến tận cùng trái đất, để loan báo Lời Chúa cho những người chưa được nghe biết. Tiếp nối những khởi hứng cùng các sứ vụ của Đấng Sáng Lập, người Đaminh cũng luôn hăng say trong các công tác tông đồ, và không ngừng mở rộng những hoạt động đó trong mọi lãnh vực và bằng mọi phương tiện có thể.

Như vậy, vì yêu mến Lời, vì thiết tha mong muốn truyền trao lại những điều mình đã chiêm niệm, mà Thánh Đaminh cùng với hậu duệ của người đã hăng say dấn thân vào công tác tông đồ.

Đọc lại trong lịch sử, ta thấy xã hội châu Âu vào cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII đang rất phức tạp, và ngay cả trong đời sống Giáo Hội cũng không thiếu những nhiễu nhương. Trước một tình hình như vậy, trong thế giới Kitô giáo đã xuất hiện nhiều những nhóm lạc giáo, đe doạ đến đời sống đức tin của người tín hữu. Thánh Đaminh sống trong giai đoạn này, ngài đã nhận ra nhu cầu giảng dạy cho dân chúng, nhu cầu cấp thiết của việc loan báo Tin Mừng cho họ, giúp họ trở về với đức tin và chân lý của Tin Mừng, chống lại những lời giảng sai lạc của các nhóm lạc giáo đang lan tràn khắp vùng. Mặt khác, với lòng nhiệt thành, Thánh Đaminh còn mong muốn và khao khát cho hết thảy mọi người được cứu độ, được nhận biết Lời Chúa và ơn cứu độ của Người. Đó chính là ý hướng khởi đầu cho việc thành lập một Dòng chuyên về Giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn. Và vì thế, lời tựa của Hiến Pháp nguyên thủy của Dòng Thuyết Giáo đã xác định sứ vụ của Dòng là: giảng thuyết và cứu độ các linh hồn.

Còn khi bàn về tác vụ Lời Chúa, với những đòi hỏi căn bản của tác vụ đó, Hiến Pháp viết:

“Noi gương Thánh Đaminh, đấng rất khao khát ơn cứu độ mọi người và mọi dân tộc, anh em phải ý thức mình đã được sai đến với mọi người, mọi tầng lớp và mọi dân tộc, kẻ tin cũng như người không tin, và nhất là những người nghèo khó, để chuyên tâm truyền bá Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh giữa muôn dân, làm rạng rỡ và củng cố đức tin trong dân Chúa”.[6]

Chắc chắn khi xác định như thế về sứ vụ Lời của các Anh Em Giảng Thuyết, thì không hẳn rằng việc loan báo Tin mừng là “độc quyền” của họ; ở đây Hiến Pháp chỉ muốn xác quyết rằng, Anh Em Giảng Thuyết là những người dâng hiến trọn đời sống mình cho sứ vụ Lời, họ chú trọng toàn tâm toàn lực cho công việc loan báo Tin Mừng. Và vì thế, Lời hoàn toàn thấm nhập vào mọi lời ăn tiếng nói, vào lối sống và nếp nghĩ của người Thuyết Giáo. Điều này có nghĩa rằng, trước khi có thể giảng Lời cho người khác, người Thuyết Giáo cần phải chấp nhận và cưu mang Lời đó trong mình; tất cả cuộc sống của họ được chìm đắm trong Lời và trở nên Lời, và vì thế Hiến Pháp đã nhắc nhở rằng:

“Khi tham gia vào sứ vụ tông đồ, chúng ta cũng nhận lấy nếp sống của các Tông Đồ theo thể thức đã được Thánh Đaminh cưu mang, là, trung thành Tin Mừng, sốt sắng đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể và kinh thần vụ cũng như việc cầu nguyện,, kiên tâm tuân giữ nếp sống tu trì”.[7]

Như vậy, Đời sống Đaminh có thể được xem như một chiếc bàn: một cái bàn bốn chân! Mặt bàn là sứ vụ loan giảng Tin Mừng, còn bốn chân là: đời sống cộng đoàn, kỷ luật tu trì, cầu nguyện và học hỏi. Đây những yếu tố cấu thành nên đời sống Đaminh, là những bận tâm chính của Anh Em Giảng Thuyết, là phương tiện để anh em sống sung mãn đời sống Đaminh của mình.

Giảng thuyết là phục vụ Lời Chúa ở mức độ cao nhất. Đời sống cộng đoàn đồng tâm nhất trí được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, và cũng là nơi Lời Chúa được thực thi. Trong đời sống cộng đoàn, Lời Chúa mặc lấy xác thân, Lời Chúa được nhập thể nơi anh em. Kỷ luật và lời khấn thánh hoá người anh em dấn thân phục vụ Lời Chúa. Nó cũng bao hàm sứ mạng được Giáo Hội trao phó. Và Giáo Hội cũng yêu cầu những tu sĩ, linh mục hãy công bố Tin Mừng nhân danh Giáo Hội, như Giáo Hội công bố nhân danh Thiên Chúa.

Cử hành giờ Kinh Thần Vụ mang lại cho người Giảng Thuyết niềm vui tôn vinh những gì họ loan báo. Họ hát Lời Chúa và lắng nghe Lời đã công bố, họ thánh hoá Lời trong Hy Tế tạ ơn và được Lời nuôi dưỡng. Họ cầu nguyện và xin ơn cho những ai họ được sai đến, hầu cho những người này đón nhận Lời Chúa một cách thánh thiện.

Chuyên chăm học hành Lời Chúa sẽ nối kết người Giảng Thuyết với những gì là chính yếu, đưa người Giảng Thuyết đến với Lời Chúa, đến với nguồn sống. Để tìm hiểu kỹ hơn, chúng ta bước vào từng yếu tố cấu thành nên đời sống người Đaminh.

IV. YẾU TỐ CẤU THÀNH ĐỜI SỐNG ĐAMINH

1. Đời sống cộng đoàn

Không phải là một sự ngẫu nhiên hay vì muốn “được chấp nhận” [việc thành lập Dòng], mà Thánh Đaminh và những anh em tiên khởi đã chọn tu luật thánh Âu-tinh làm bản luật sống cho cộng đoàn của mình,[8] nhưng việc lựa chọn này cho thấy một sự xác quyết và đầy sáng suốt.

Trong điều khoản đầu tiên của bản tu luật, ta đọc thấy: “Trước hết, sở dĩ anh em đoàn tụ làm một là để sống hoà hợp trong một nhà và để đồng tâm nhất trí (Cv 4,32) trong Chúa”. Và tiếp đến ngay sau Hiến Pháp nền tảng, khi bàn về Đời Sống Anh Em thì mục đầu tiên được đề cập đến là đời sống chung. Như vậy, đời sống cộng đoàn là nét chính yếu trong nếp sống Đaminh. Nó chi phối mọi khía cạnh trong nếp sống này, từ những sinh hoạt thường nhật đến những cử hành phụng vụ, từ lối nghĩ đến hình thức quản trị,…

a. Về pháp lý

Nếp sống cộng đoàn đó, một khi được đặt nền trên sự đồng tâm nhất trí trong Chúa, thì không chỉ đạt tới sự viên mãn trong một cộng đoàn sống chung dưới cùng một mái nhà nữa, nhưng sẽ còn vượt qua giới hạn tu viện, tiến tới sự hiệp thông với tỉnh Dòng và toàn Dòng.[9] Tiếp đến, nhờ sự hiệp thông trong Chúa [nhờ cùng đón nhận một đức tin, cùng chung một lời ca tụng], đời sống cộng đoàn sẽ biến những người sống trong đó trở nên một thân thể vì chung phần cùng một Bánh. Mặt khác, vì cùng chung sống với nhau, tạo thành một gia đình cộng đoàn, nên mọi sự [trước đây thuộc sở hữu riêng] sẽ được đặt làm tài sản chung của cộng đoàn, và anh em sẽ cùng phải lãnh trách nhiệm chung của cộng đoàn là việc loan báo Tin Mừng.[10]

Mối giây ràng buộc anh em lại với nhau trong đời sống cộng đoàn, dù cho [có thể] không cùng một mái nhà, đó là cùng chung một lời khấn tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm. Và vì thế, khi cùng chung sống dưới một mái nhà, cùng tham gia vào một sứ vụ chung của cộng đoàn, nên điều đòi hỏi trước hết, là chính mỗi người sẽ phải ý thức để xây dựng Hội Thánh Chúa trong chính tu viện mình, trước khi nỗ lực mở rộng Hội Thánh đó giữa trần gian.[11] Tuy nhiên, vì cộng đoàn gia đình tu viện là một cộng đoàn đặc biệt với những con người khác nhau về nhiều mặt (tính tình, văn hoá, xuất thân, học vấn, tài năng,…), do đó cũng cần có những nguyên tắc và sự thống nhất chung với nhau, cần có sự ý thức trách nhiệm là thành viên của cộng đoàn và lưu tâm tới những lợi ích chung.[12]

Ngoài ra, để nâng đỡ đời sống cộng đoàn trong đời sống huynh đệ và đời sống tông đồ, Hiến Pháp cũng khuyến khích một số hình thức và giải pháp như: tham gia những giờ giải trí chung;[13] tổ chức những cuộc hội thảo.[14] Việc cùng nhau cử hành phụng vụ thánh cũng là điều bắt buộc: “Theo ý Thánh Đaminh, một trong những nhiệm vụ chính của ơn gọi đòi buộc chúng ta là cử hành phụng vụ cách long trọng và cộng đoàn”.[15]

Một vài điểm quy định pháp lý như vậy để cho thấy rằng trong nếp sống Đaminh, đời sống chung cộng đoàn được coi trọng tới mức nào. Nhưng tại sao Dòng Đaminh lại coi trọng và đề cao kiểu sống này, chúng ta sẽ điểm lại tinh thần của Đấng Sáng Lập và của truyền thống anh em:

b. Khía cạnh thần học

Tu luật Thánh Augustin và ý hướng của Thánh Đaminh, rõ ràng đặt lý tưởng hay mục đích nhắm tới cho đời sống chung, đó là mẫu gương sống của cộng đoàn tiên khởi của Giáo Hội tại Giêrusalem (x. Cv 4,32); đọc lại trong tu luật ta thấy rất rõ điều này:

- “Đừng ai lấy của gì làm của riêng, nhưng tất cả đều là của chung cho mọi anh em. Bề trên sẽ phân phát của ăn, áo mặc cho mỗi người, nhưng không đều nhau, vì mọi người không cần thiếu như nhau. Ai cần bao nhiêu sẽ cho bấy nhiêu”.[16]

- “… Anh em đừng làm việc vì tư lợi, nhưng hãy làm mọi việc vì công ích, và làm cẩn thận, vui vẻ và mau lẹ hơn khi làm cho riêng mình. Vì đức ái, như Kinh thánh nói “không tìm tư lợi”, phải hiểu là nhân đức ấy trọng công ích hơn tư lợi, chứ không đặt tư lợi trên công ích. Vì thế, anh em càng lo cho công ích hơn tư lợi bao nhiêu, anh em sẽ thấy mình tiến bộ trên đường nhân đức bấy nhiêu. Do đó, đối với những nhu cầu tạm thời, điều thuộc đức ái luôn tồn tại phải chiếm ưu thế hơn”.[17]

Chỉ với hai điều trên của tu luật, chúng ta cũng có thể nhận ra được giá trị của đời sống chung thế nào; có thể nói rằng đời sống chung sẽ, không những mang lại cho anh em ích lợi về mặt vật chất mà còn cả về mặt thiêng liêng nữa:

- Vật chất: anh em cùng được hưởng những nhu cầu cần thiết như tri thức, của ăn, áo mặc, đồ dùng…, nói chung là một sự ổn định về kinh tế.

- Thiêng liêng: thăng tiến về đời sống nhân đức, về tình yêu hoà hợp và hỗ tương huynh đệ; nhất là để thăng tiến về đời sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ [theo như mục đích của Dòng].

Đời sống cộng đoàn không hẳn chỉ là việc để mọi sự làm của chung, mà điều quan trọng hơn đó là việc chia sẻ của cải thiêng liêng: như chia sẻ về lời khấn, về các tài năng và các nhân đức. Chẳng hạn về lời khấn, Hiến Pháp viết như sau:

“Anh em đã lấy đức tuân phục để thoả thuận, lấy sự kiềm chế của đức khiết tịnh để liên kết trong cùng một tình yêu cao thượng hơn, và lấy đức thanh bần để khăng khít lệ thuộc vào nhau hơn, thì hãy xây dựng Hội Thánh Chúa trong chính tu viện mình, trước khi nỗ lực mở rộng Hội Thánh đó giữa trần gian”.[18]

Rõ ràng, vì cùng chia sẻ lời khấn, người tu sĩ nói chung và Anh Em Giảng Thuyết nói riêng, khi làm việc thì không chỉ vì sự thăng tiến cho riêng mình nhưng còn cho cộng đoàn, không mưu tìm lợi ích bản thân cho bằng lợi ích của tha nhân; tắt một lời rằng người tu sĩ đã không còn sống cho riêng mình nhưng là vì tình yêu Thiên Chúa, vì cộng đoàn và vì phần rỗi của tha nhân.

Một điểm cụ thể hơn nữa, về giá trị của đời sống chung trong việc chia sẻ của cải thiêng liêng, là sự đồng tâm nhất trí trong Chúa; sự đồng tâm nhất trí này được thực hiện nhờ lòng mến Chúa cư ngụ trong mỗi người. Điều này có nghĩa rằng, khi anh em nhất trí với nhau thì không chỉ là sự đồng tâm [duy nhất] về ý kiến mà nhất là về đức ái, bởi vì bao lâu đức ái còn tồn tại trong đời sống anh em, thì sự đồng tâm nhất trí sẽ không bị tổn thương cho dù có những dị biệt hay [thậm chí] cả bất đồng nữa.

Và như vậy, ở đây ta nhận thấy rằng, nếu nói đời sống cộng đoàn chỉ là việc sống chung dưới một mái nhà thì chưa đủ, mà còn phải sống hoà hợp và tận tâm cho đức ái nữa. Đời sống chung cộng đoàn mà anh em Đaminh hết sức coi trọng, không những nhằm để phục vụ cho sứ vụ của Dòng: là “Loan báo Lời”, mà còn phải coi đó chính là một lời Thuyết giáo nữa; nghĩa là họ mong muốn thể hiện lời nói bằng cuộc sống (Verbo et exemplo).

Với sứ vụ chính yếu là Phục Vụ Lời và mưu cầu phần rỗi của tha nhân, nhiệt tâm tông đồ của người tu sĩ Đaminh phải được đặt nền trên đời sống cộng đoàn; trước hết, nhờ đời sống chung cộng đoàn, sống hoà hợp đồng tâm nhất trí trong Chúa, người tu sĩ được triển nở trong đời sống đức tin, thăng tiến đời sống đạo đức thánh thiện, để rồi từ đó, họ ra đi chia sẻ niềm vui và hạnh phúc cho người khác, chia sẻ Lời mà họ đã hấp thụ được cho tha nhân.

2. Kỷ luật tu trì

a. Vâng lời

Trong các cấp độ của lời khấn, Dòng Đaminh xếp lời khấn Vâng lời lên trên hết, và đây cũng là lời khấn duy nhất mà người tu sĩ Đaminh tuyên đọc rõ ràng trong công thức khấn Dòng.

Về cơ bản, cũng giống như bao Dòng tu khác, lời khấn tuân phục sẽ giúp người tu sĩ đặc biệt theo gương Chúa Kitô, Đấng hằng tuân phục thánh ý Chúa Cha để cứu thế gian, và liên kết chặt chẽ hơn với Hội Thánh để xây dựng Hội Thánh.[19] Và nhờ lời khấn tuân phục: người tu sĩ hiến toàn thân cho Chúa và những hành vi của nó tiến gần hơn tới mục đích của lời khấn là sự trọn lành của đức mến;[20] liên kết với hiến tế thập giá của Đức Kitô,[21] và cũng còn giúp cho việc “tự lướt thắng trong tâm hồn” để đạt đến sự tự do nội tâm.[22]

Tuy nhiên, việc tuân phục trong Dòng Đaminh vẫn có một nét riêng biệt vì nó được phát sinh từ một đời sống cộng đoàn, nhất là trong việc cùng nhau hiến thân phục vụ công ích của Hội Thánh,[23] được thể hiện qua những ước nguyện trong lãnh vực tu trì và tông đồ của cộng đoàn;[24] và cũng nhờ lời khấn này mà người Đaminh sẵn sàng lãnh nhận tất cả những việc khác liên quan đến đời sống tông đồ.[25]

Việc tuân phục của người Đaminh không làm mất đi sự tự do cá nhân, hay nhân cách bản thân, nhưng rất tôn trọng nhân cách và sự tự do cá nhân; và thực thế, người thuyết giáo sẽ chỉ tự do thực sự khi tận tâm với trách nhiệm, khi hết lòng vì lợi ích chung của cộng đoàn, và sẵn lòng gánh vác trách nhiệm hằng ngày. Hiến Pháp Dòng đã rất nhấn mạnh tới sự tôn trọng này: “Vì yêu cầu của công ích buộc anh em tuân phục, thì các bề trên cũng phải sẵn lòng lắng nghe anh em, và nhất là trong những việc thật quan trọng hãy bàn thảo với anh em cách thích hợp […]”;[26] hay như việc muốn anh em thi hành một công việc, một sứ vụ nào đó của cộng đoàn [nhất là trong những sứ vụ có nguy hiểm tới tính mạng], dù vẫn cho bề trên có quyền quyết định, nhưng bề trên cũng cần phải bàn hỏi với anh em, và với chính đương sự trước khi có quyết định.[27] Và nhất là Hiến Pháp còn dám dự trù cho việc anh em [có thể] khiếu nại, không phải vâng lời một quyết định của bề trên trong những trường hợp đặc biệt.[28]

Tuân phục của người Đaminh dựa trên lý luận và lương tâm, một điều có thể nói rất tuyệt vời nhưng lại cũng rất nguy hiểm: tuyệt vời vì nó tôn trọng nhân cách và tự do của người tu sĩ, vì đó là một hành động cao thượng của tâm hồn, là đỉnh cao của [cung cách sống] sự trưởng thành về nhân cách. Còn nguy hiểm là vì người tu sĩ tuân phục trong tự do; không phụ thuộc vào một mệnh lệnh nào, không có ai theo dõi hay nhắc nhở [về những điều cần tuân phục], và bởi vì “ở đâu có con người, ở đấy vẫn còn những điều vớ vẩn”.

Người Thuyết giáo khấn giữ tuân phục trong tay một con người theo Hiến Pháp và Tu luật của Dòng; việc tuân phục này nói lên sự nhất quán và tính thống nhất của Dòng trên toàn thế giới, và đó cũng là điều kiện quan trọng trong việc sử dụng các tài năng của từng thành viên tuỳ theo nhu cầu của công tác tông đồ. Một con người (bề trên), dù là đại diện Chúa, thì cũng không thể không có những sai lầm trong suy nghĩ và hành động, nhưng khi người tu sĩ làm việc vì vâng lời thì không lo mình bị sai lỗi; bởi vì vai trò của bề trên là lo lắng áp dụng những quyết định của công nghị [những gì mà mọi người sống thì phải để mọi người quyết định]. Chính điều này nói lên rằng, khi người tu sĩ khấn tuân phục trong tay bề trên theo Hiến Pháp, thì cũng chính họ, theo một số quy định nào đó, sẽ cùng nhau thay đổi Hiến Pháp.[29]

b. Khiết tịnh

Về bản chất, ý nghĩa và mục đích của lời khấn, Hiếp pháp Dòng Giảng thuyết cũng không khai triển gì khác hơn hay đặc biệt hơn mọi Dòng tu khác. Khởi đầu là việc nhắc nhở người tu sĩ noi theo gương thánh Tổ phụ, do khấn khiết tịnh “vì Nước Trời”, đến nỗi “đã mở rộng lòng tiếp nhận mọi người bằng tấm lòng bác ái […], tận lực săn sóc tha nhân và cảm thương những người khốn khổ”.[30] Và nhất là noi gương Đức Kitô tự hiến thân, mà “hoàn toàn hiến thân cho Hội Thánh để yêu mến nhân loại cách hoàn hảo hơn […], để quảng đại đón nhận ơn làm những người cha trong Đức Kitô”;[31] và cho dù khi khấn khiết tịnh, người tu sĩ vẫn phải nhìn nhận cách đúng đắn những nhiệm vụ và giá trị của đời sống hôn nhân, vì đó là biểu hiệu của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh.[32]

Còn với những trợ lực cần thiết để người tu sĩ tuân giữ đức khiết tịnh, Hiến Pháp nhấn mạnh tới việc trung thành trong đời sống cầu nguyện, nhất là yêu mến Bí tích Thánh thể, gương mẫu đức Trinh Nữ Maria, ơn Chúa Thánh Thần; cũng hãy cậy nhờ vào đời sống huynh đệ và nghĩa bằng hữu trong cộng đoàn, nhất là, vì bản chất yếu đuối của con người, đừng cậy dựa sức riêng mà hãy lưu ý tới những việc khổ chế, hãm mình và giữ gìn các giác quan.[33] Còn với những người vấn vương về đức khiết tịnh, thì vì tình liên đới huynh đệ cộng đoàn, mọi người cần nâng đỡ và cầu nguyện cho họ.[34]

c. Khó nghèo

Với lời khấn khó nghèo, một mặt người tu sĩ đã để mọi sự làm của chung, nhưng mặt khác là vì, ngay từ khởi đầu theo ý thánh Tổ phụ, cộng đoàn nói chung và từng tu sĩ nói riêng có thể thảnh thơi lo cho sứ vụ. Bởi vì con người ta chỉ có thể tự do ăn nói khi không bị lệ thuộc vào bất cứ thứ gì hay một ai đó. Chính vì thế mà ngay từ khởi nguyên của Dòng, “Thánh Đaminh và các anh em của người, theo những đòi hỏi của việc tông đồ thời ấy, đã quyết định không có những sở hữu, bổng lộc, tiền bạc, và đang khi giảng thuyết lời Tin Mừng, hàng ngày vẫn hành khất xin bánh nuôi cộng đoàn”.[35]

Tuy nhiên, người tu sĩ Giảng thuyết không sống khó nghèo vì chính nó, coi sự khó nghèo như là một lý tưởng phải thực thi trong suốt cuộc đời tu trì; nhưng, cũng cùng thái độ tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, giải thoát khỏi nô lệ và những lo lắng về của cải trần thế, việc thực hành đức thanh bần của người Thuyết giáo: “[đối với bản thân], là sự cần kiệm giúp chúng ta liên kết mật thiết hơn với những người nghèo cần được loan báo Tin Mừng; [còn đối với anh em và tha nhân], lại là sự quảng đại khi, vì Nước Thiên Chúa, chúng ta sẵn sàng chi tiêu của cải, nhất là đối với những nhu cầu học hành và tác vụ cứu độ”.[36] Điều này có nghĩa rằng, người Thuyết giáo không mong muốn mình trở nên những người bần cùng nhất, và họ cũng không khuyên bảo ai như thế; nhưng tiên vàn, lời giảng và lý tưởng của người Thuyết giáo là chỉ ra cho mọi người biết con đường mà họ đã chọn lựa và đang bước theo, con đường của sự chia sẻ,[37] của sự từ bỏ những gì là vật chất, của việc tránh tìm kiếm những cái mới lạ và những tiện nghi của đời sống.[38]

Với người Thuyết giáo, khó nghèo gắn kết chặt chẽ với lời giảng. Trước hết, vì đó là một yếu tố quan trọng để linh hồn của họ, cũng như của tha nhân được cứu rỗi: “Thầy nói cho anh em hay, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa” (Mt 19,24); thứ đến, vì đó là khởi đầu cho các mối phúc (x. Mt 5,1), và nhất là vì nó phù hợp với thánh ý và cuộc sống của Chúa Cứu Thế, Đấng đã muốn sống khó nghèo, Đấng đã đến với những người nghèo khó; và sau cùng, phải nói rằng, chỉ những ai không bị gắn bó hay lệ thuộc vào bất kỳ cái gì, không sở hữu bất cứ điều gì mới là người luôn trong tinh thần sẵn sàng.

3. Phụng vụ và cầu nguyện

Như trên đã nói, Thánh Đaminh đã tạo ra được một hình thái mới trong “đời sống tông đồ” của người tu sĩ thuộc Dòng của người. Hình thái mới đó chính là sự kết hợp giữa đời sống tông đồ và đời sống cầu nguyện (chiêm niệm); hai yếu tố gần như đối lập nhau nhưng lại được thực hành cách hài hoà trong đời sống của người tu sĩ Đaminh. Do đó, với hình thái sống đời tông đồ cách mới mẻ này, trong việc huấn luyện và đào tạo, Dòng đã đòi hỏi con cái mình một đời sống cầu nguyện như một điều kiện bắt buộc. Tất cả đời sống thường ngày của người tu sĩ đều được lồng vào đời sống cầu nguyện, qua việc cử hành phụng vụ và thực thi những bổn phận thiêng liêng khác. Và như vậy, phụng vụ thánh và việc cầu nguyện là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng nên đời sống Đaminh. Vì rằng, chỉ khi nào chu toàn được bổn phận chính yếu của mình là phụng thờ Thiên Chúa và thánh hoá bản thân, thì người Đaminh mới có thể ra đi hoạt động cho ơn cứu độ của tha nhân được.

Do xác định được tầm quan trọng và cần thiết của yếu tố này, nên ngay từ đầu, thánh Tổ phụ đã đòi buộc anh em phải siêng năng cử hành phụng vụ, và nhất là phải cử hành cách long trọng và cộng đoàn;[39] bởi vì, với chính anh em trong Dòng, “việc cử hành phụng vụ là trung tâm và là trái tim của toàn thể đời sống chúng ta. Sự thống nhất của đời sống này đặc biệt bén rễ trong chính việc cử hành ấy”.[40]

Mặt khác, khi sốt sắng cử hành phụng vụ thánh, người tu sĩ nói chung và tu sĩ Đaminh nói riêng, không phải chỉ vì lợi ích của mình nhưng còn vì lợi ích, vì ơn cứu độ của tha nhân nữa. Hiến Pháp Dòng viết: “Trong phụng vụ và nhất là trong bí tích Thánh thể, mầu nhiệm cứu độ tác động hiện thực, mầu nhiệm mà khi cử hành, anh em tham dự và chiêm ngưỡng, và khi giảng thuyết, anh em công bố cho nhân loại để họ nhờ những bí tích đức tin mà được sáp nhập vào Chúa Kitô”.[41]

Và rõ ràng khi xác định về địa vị và tầm quan trọng của phụng vụ thánh trong đời sống, Dòng đã rất chú trọng tới sứ vụ chính yếu của mình là: truyền giảng Lời và ơn cứu độ tha nhân. Làm sao có thể giới thiệu về một Chúa Giêsu đang hiện diện mà chính mình không cảm thấy được điều đó? Làm sao có thể thuyết phục được người khác về sự kiện Chúa Giêsu đã trở thành của ăn, của uống [thực sự cho mỗi người] khi mà chính mình còn chưa cảm nghiệm được điều này và không thiết tha với bí tích Thánh thể? Làm sao có thể giảng về mầu nhiệm cứu độ khi chính mình đã không sống trong tình yêu, trong sự tương quan mật thiết với Thiên Chúa?

Thánh Đaminh đã rất coi trọng đời sống phụng vụ và cầu nguyện. Người yêu mến cách đặc biệt với việc cử hành thánh lễ mỗi ngày, và vì thế, theo một tu sĩ ghi nhận, “Cha Thánh luôn cầu nguyện, ngay trong lúc đi đường người cũng sốt sắng và không ngừng cầu nguyện. Và nếu có thể tìm được một nhà thờ thích hợp, người liền đến đó để dâng lễ hát mỗi ngày”.[42] Thánh nhân cũng chú trọng tới việc nguyện các Giờ Kinh Phụng Vụ, vì thế, không khi nào người ta thấy vắng bóng người nơi cung nguyện vào những giờ đã quy định: “vì lòng yêu mến các Giờ Kinh PhụngVụ, Cha Thánh luôn hiện diện nơi cung nguyện với cộng đoàn”. Không những thế, ngay từ thời khai nguyên của Dòng, người đã truyền dạy các anh em tiên khởi hãy siêng năng hát các Giờ Kinh Phụng Vụ vào đúng những giờ quy định, ngay cả khi đi đường, như lời chứng của một người anh em:

“Khi ở ngoài tu viện, mỗi khi Cha Thánh nghe tiếng chuông báo hiệu giờ nguyện kinh từ các đan viện, cha thường thức dậy và đánh thức anh em. Cha sốt sắng cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ, ngày cũng như đêm vào những giờ quy định để không bỏ qua một giờ nào. Sau kinh tối, khi đi đường, cha cùng các anh em đồng hành giữ thinh lặng như thể đang ở tu viện”.[43]

Lòng mộ mến và siêng năng cử hành phụng vụ thánh và đời sống cầu nguyện của thánh Tổ phụ đã trở thành một gia sản quý báu đối với anh em Đaminh. Ngày nay, Dòng vẫn kế thừa và không ngừng phát huy truyền thống đạo đức này. Với người Đaminh, việc cử hành thánh lễ và các Giờ Kinh Phụng Vụ nơi cung nguyện phải được coi là trung tâm, là trái tim của đời sống tông đồ, là hơi thở, là nguồn mạch phát sinh nhiệt huyết của người tu sĩ.[44] Nhờ thánh lễ và các Giờ Kinh Phụng Vụ, người Đaminh thấm nhuần những chân lý đức tin, nuôi dưỡng tâm hồn và chuẩn bị rao giảng những chân lý ấy. Một khi cử hành phụng vụ cách sốt sắng, người Đaminh sẽ có được sự nhiệt thành trong việc loan truyền Tin Mừng, vì trong chính những bản văn dùng để ca tụng vinh quang Chúa, họ sẽ học biết được rằng các tội nhân đã lạc xa Chúa và xúc phạm đến Chúa thế nào. Và do đó, không lạ gì khi Dòng đã từng có một câu khẩu hiệu rằng: Ngợi Khen - Chúc Tụng - Giảng Thuyết (Laudre - Benedicere - Praedicare).

Còn với đời sống cầu nguyện theo những hình thức khác, Dòng cũng đặc biệt khuyến khích và cổ võ tinh thần của cộng đoàn cũng như từng cá nhân. Dòng xác định rằng không phải chỉ trong khi cử hành Phụng vụ thánh mà thôi, nhưng ngay cả trong những lúc âm thầm cầu nguyện riêng, người tu sĩ cũng có thể học biết được những chân lý đức tin, có thể ca ngợi và chúc tụng vinh quang Chúa, có thể hun đúc được nhiệt huyết tông đồ…[45]

Tóm lại rằng, đối với anh em Đaminh, việc cử hành phụng vụ thánh và đời sống cầu nguyện sốt sắng và trang nghiêm nơi cộng đoàn, chính là một lời giảng hùng hồn và hiệu quả.

4- Đời sống học hành

Trước hết, có lẽ phải xác định rõ rằng việc học hành trong Dòng tự nó không phải là mục đích, song chỉ là một yếu tố cấu thành nên đời sống này. Như vậy, Dòng Đaminh không phải được lập ra để học, bởi vì đây không phải là một viện hàn lâm. Và chính tên gọi của Dòng (Dòng Anh Em Giảng Thuyết) đã nói rõ mục đích của Dòng là: loan giảng Lời Chúa nhằm cứu độ các linh hồn.

Như vậy, việc học không chỉ là phương thế để làm tông đồ mà còn là một phương tiện để nên thánh nữa. Có thể nói học hành là một yếu tố mới Thánh Đaminh đã du nhập vào dòng của mình.

Và chúng ta cũng thấy rằng ngay trong ý hướng thành lập Dòng, Thánh Đaminh cũng đã chú ý tới mục đích này, mà người thấy là điều đó đặc biệt liên quan tới vấn đề học hành. Hơn nữa, Dòng coi việc học được dựa trên một nguồn mạch hết sức quan trọng đó chính là Thiên Chúa, “Đấng thuở xưa đã phán dạy nhiều lần nhiều cách, và sau hết đã phán dạy trong Đức Kitô, nhờ Người, mầu nhiệm của thánh ý Chúa Cha, khi Thánh Thần được cử đến, được mặc khải trọn vẹn trong Hội Thánh và tâm trí con người được soi sáng”.[46] Còn Tổng hội Caleruega (1995) nói rằng: “Việc học hỏi trong Dòng tự nó không phải là mục đích, nhưng nguồn mạch là lòng trắc ẩn và hướng tới ơn cứu độ các linh hồn. Đó là công việc của lý trí, bắt nguồn từ việc lắng nghe Lời Chúa, và giúp chúng ta sống lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu”.[47]

Đối với người tu sĩ Đaminh, học chỉ để học, học để hiểu biết điều này hay điều kia, thì chưa đúng với mục đích mà Thánh Đaminh đề ra. Bởi đó, trong Công vụ Tổng hội Providence (2002) viết: “Trong Dòng, việc học hành không được nhìn theo hướng thực dụng, như thể đó chỉ là một thời gian thực tập kinh doanh”.[48] Và để nhắm tới mục đích cụ thể của việc học hỏi, Tổng hội xác định: “Việc học hành thuộc về chiều kích chiêm niệm của đời sống Đaminh…[49] Do đó, việc học hành được nối kết với lòng cảm thương thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian, và loan báo phẩm giá con người xuất phát từ một tình yêu như thế. Việc học hành giúp chúng ta am hiểu những cuộc khủng hoảng, nhu cầu, niềm khao khát và khổ đau của nhân loại như là của chính mình”.[50]

Việc học Đaminh, ngoài mục đích đào sâu thêm về kiến thức bản thân, đặc biệt là trong lĩnh vực đạo lý, còn nhắm tới mục đích sâu xa [và cũng là động lực thúc đẩy] chính là việc phục vụ cho phần rỗi các linh hồn. Vì thế, Hiến Pháp của Dòng viết: “Việc học của chúng ta phải nhằm hết sức chính yếu và mạnh mẽ vào điểm này là để chúng ta trở nên hữu ích cho linh hồn tha nhân”.[51]

Như vậy, việc học đối với người tu sĩ Đaminh, trước hết và trên hết là nhắm tới ơn cứu độ các linh hồn. Chính vì một mục đích rất sâu xa và thúc bách như thế, mà khi nói về nhiệm vụ cổ võ việc học hành, Hiến Pháp của Dòng nhấn mạnh việc hãy chuyên chăm các khoa học, nhất là các thánh khoa. Và nếu lật lại bản văn đầu tiên mà Thánh Đaminh viết ra cho anh em, người cũng đã nêu lên đâu là lý tưởng của người về vấn đề này: “Anh em không được coi việc nghiên cứu sách vở của các người ngoại giáo và các triết gia là căn bản, dù đôi khi phải tham khảo các sách ấy”.

KẾT LUẬN

Những tìm hiểu trên đây về một đường lối nên thánh, dù còn rất sơ lược nhưng cũng giúp độc giả phần nào có được những khái niệm về đường hướng linh đạo của Thánh Đaminh và trường phái Đaminh. Với việc điểm qua một vài nét căn bản trong cuộc đời thánh Tổ Phụ của Dòng, những khát khao và ý hướng tâm linh của thánh nhân, đứng trước một bối cảnh xã hội đầy những nhiễu nhương về mọi mặt, tôn giáo cũng như xã hội, đã giúp cho chúng ta hiểu được mục đích, bối cảnh ra đời cũng như những đường hướng khởi đầu của việc thành lập một dòng tu: Dòng Anh Em Giảng Thuyết.

Chiêm niệm thuộc lãnh vực của đời sống đan tu là chính yếu, còn hoạt động tông đồ thuộc lãnh vực của những Hội dòng chuyên về công tác tông đồ, nhưng hai yếu tố này người ta lại tìm thấy trong cùng một lối sống: Lối sống của người tu sĩ Giảng Thuyết. Vì thế, qua việc tìm hiểu một chương trình sống, với hai chiều kích có vẻ đối lập nhau nhưng lại hoà quyện trong cùng một lối sống, đã cho chúng ta có được những hiểu biết về cung cách sống và đường hướng sống theo linh đạo của Dòng. Đặc biệt, với công thức của Thánh Thomas Aquinas và đã trở thành câu khẩu hiệu của Dòng, contemplata aliis tradere (chiêm niệm và chuyển trao cho người khác điều mình chiêm niệm), càng giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về cung cách sống, về sự trung dung giữa chiêm niệm và hoạt động trong đời sống của những anh em Giảng Thuyết.

Ngoài ra, trong một lối sống nào cũng cần có những yếu tố nền tảng để duy trì và làm tăng triển thêm đường hướng linh đạo của lối sống đó; do vậy, việc nêu lên những yếu tố cấu thành đời sống Đaminh, đã cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về đời sống với những đòi hòi của một người tu sĩ Giảng Thuyết. Đời sống cộng đoàn được coi là yếu tố then chốt và cốt lõi giúp cho việc sống linh đạo Đaminh được hoàn trọn; trong đó việc cùng chung sống dưới một mái nhà không thôi thì chưa đủ, mà còn phải có thêm khía cạnh là đồng tâm nhất trí trong Chúa, và điều này còn phải được thể hiện trong mọi lãnh vực khác nữa, thì mới đạt được yêu cầu của đời sống công đoàn Đaminh. Yếu tố kỷ luật tu trì với việc tuyên hứa khấn giữ ba lời khuyên phúc Âm, nhất là lời khấn tuân phục, phần nào giúp cho độc giả thấy được những nét chung cùng với những người sống đời sống thánh hiến trong việc tuyên khấn ba lời khuyên của Tin Mừng, và những nét riêng của người tu sĩ Giảng Thuyết khi tuân giữ những lời khuyên đó. Yếu tố phụng vụ và cầu nguyện cũng thế, đã giúp cho độc giả hiểu được về đời sống cầu nguyện của những anh em Giảng Thuyết như thế nào; đồng thời, ngay trong yếu tố này, độc giả còn thấy rõ thêm về tính cách đời sống cộng đoàn được thể hiện trong đời sống phụng vụ của Dòng. Yếu tố học hành là một điểm mới và đầy táo bạo mà thánh Tổ Phụ đã nhất quyết áp dụng và đòi hỏi các anh em phải thực thi ngay từ khi mới thành lập Dòng. Việc học với người tu sĩ Giảng Thuyết là điều rất cần thiết, và được đặt ra như là một trong những khổ chế trong đời sống tu trì, nhưng tiên vàn, việc học trong dòng Đaminh được chú trọng là vì đòi hỏi của phần rỗi các linh hồn. Việc tìm hiểu về yếu tố này đã giúp cho chúng ta có được cái nhìn đúng hơn về những yêu sách của việc học trong Dòng Đaminh. Như vậy, ở đây xin nhắc lại điều đã nói ở trên rằng, đời sống trong đường hướng linh đạo Đaminh có thể được ví như một chiếc bàn với bốn chân, trong đó việc loan giảng Tin Mừng là mặt bàn còn bốn chân chính là bốn yếu tố cấu thành nên đời sống Đaminh. Có lẽ bài viết về linh đạo Đaminh nên tạm dừng ở đây. Hẳn nhiên một vài trang như vậy có chăng chỉ là một tổng hợp rất sơ sài về mục đích và các yếu tố cơ bản chứ chưa thể nói hết cái tinh thần của một đường lối nên thánh đã có một bề dày hơn tám trăm năm. Những yếu tố ấy như là những sợi chỉ đỏ hướng dẫn những hậu duệ Đaminh bước theo đường lối của các bậc tiền bối của mình. Còn các hậu duệ thì cứ căn cứ vào những sợi chỉ đó mà dệt bức tranh Đaminh thêm rạng rỡ và nhiều màu sắc hơn.

 

 

 

 

 


[1] Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Hiến Pháp Nền Tảng, I.

[2] Ibid., II.

[3] Ibidem.

[4] William A. Hinnebusch, OP., Dominican Spirituality, bản dịch Việt ngữ Linh Đạo Đaminh, 1994, tr. 37.

[5] Trích lại trong William A. Hinnebusch, sđd, tr. 45.

[6] Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Hiến Pháp, số 98.

[7] Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Hiến Pháp Nền Tảng, § IV.

[8] x. William A. Hinnebusch OP., The Dominicans, a short history, Newyork, 1975, bản dịch Việt ngữ của lớp tập 92-93, Hành trình chân lý, lược sử dòng Đaminh, tr. 28.

[9] “Như tu luật dạy, sở dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết là để anh em sống đồng tâm nhất trí trong một nhà và để anh em chỉ có một lòng một ý trong Thiên Chúa. Sự thống nhất này vượt qua các ranh giới tu viện, đạt tới sự viên mãn khi hiệp thông với tỉnh dòng và toàn dòng” (HP 2 § I).

[10] “Như trong Hội Thánh của các Tông đồ, sự hiệp thông giữa chúng ta cũng phải đặt nền, xây dựng và củng cố trong cùng một Thánh Thần… chúng ta trở nên một thân thể vì thông phần cùng một Bánh; sau hết, trong Người, chúng ta để mọi sự làm của chung và được cắt cử vào cùng một công việc loan báo Tin mừng” (HP 3 § I).

[11] “…anh em hãy xây dựng Hội Thánh của Thiên Chúa trong chính tu viện mình, trước khi dùng các công việc của mình mà mở rộng giữa thế gian” (HP 3 § II).

[12] HP 4 § I.- […] mặc dầu có khác biệt về tài năng và phận vụ, nhưng bình đẳng trong mối dây liên kết của đức ái và lời khấn; § II.- Ý thức trách nhiệm của mình đối với công ích, anh em hãy vui lòng lãnh nhận các phận vụ trong tu viện […].

[13] “Anh em hãy vui lòng tham gia giải trí chung, để nhờ đó thêm hiểu biết lẫn nhau và hiệp thông huynh đệ” (HP 5).

[14] HP 6: Để sự cộng tác tông đồ và hiệp thông huynh đệ đem lại kết quả phong phú hơn […]. Vì thế, trong mọi tu viện, phải tổ chức những cuộc hội họp để cổ võ đời sống tông đồ và tu trì. HP 7 § I.- Để bồi bổ nếp sống tu trì, mỗi ít là một lần phải có một cuộc hội họp […]; § II.- Nhiều lần trong năm cũng phải có công hội kỷ luật […]. Nhân dịp này, bề trên có thể đưa ra lời khuyên nhủ liên quan đến đời sống thiêng liêng và tu trì […].

[15] Hiến Pháp, số 57.

[16] Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Hiến Pháp và Chỉ Thị, Tu luật số 2.

[17] Ibid., Tu luật số 10.

[18] Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Hiến Pháp Nền Tảng, 3 § II.

[19] x. Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Hiến Pháp Nền Tảng, 18 § I.

[20] Ibid., 19 § I.

[21] x. Ibid., 19 § II.

[22] x. HP 19 § III: Đức tuân phục, nhờ đó “chúng ta chế ngự bản thân ở chính trong tâm hồn”, rất hữu ích để đạt được sự tự do nội tâm, thứ tự do là đặc điểm của con cái Thiên Chúa, và giúp chúng ta sẵn sàng trao tặng chính mình trong đức ái.

[23] Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Hiến Pháp Nền Tảng, 18 § I.

[24] Ibid., 18 § II.

[25] Ibid., 19 § I.

[26] Ibid., 20 § I.

[27] x. HP 20 § II.- … Vì thế, cả khi thực hiện các phận vụ lẫn khi đưa ra những sáng kiến, trách nhiệm tương xứng của anh em phải được nhìn nhận, và tự do được danh cho anh em trong những giới han của công ích và theo tài năng của mỗi người. HP 23. – Nếu vì lợi ích của Dòng và của Hội Thánh mà phải trao phó cho một anh em sứ vụ có nguy hiểm đáng kể đến tính mạng, thì bề trên đừng làm mà không bàn hỏi đương sự trước. Khi ấy, bề trên buộc phải tiến hành một cách thật thận trọng sau khi đã nắm vững tình hình và đã tham khảo ý kiến ccác anh em chín chắn.

[28] HP 22 § II.- Nếu có đủ lý do thượng cầu, anh em hãy tuân phục trước đã, trừ phi theo ý kiến của người chín chắn do chính đương sự và bề trên của mình đồng ý chọn mà thấy rằng tuân phục sẽ có thiệt hại lớn.

[29] x. Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Hiến Pháp, số 276 & 277.

[30] Ibid., số 25.

[31] Ibid., 26 § I.

[32] x. Ibid., số 27.

[33] x. Ibid., số 28.

[34] HP 29: “Mọi anh em, nhưng nhất là các bề trên, do tình hiệp thông huynh đệ thúc bách, hãy nâng đỡ những anh em chúng ta đang gặp khó khăn vất vả về đức thanh khiết bằng những nghĩa cử bác ái tận tình như lòng cảm thông chân thành, cầu nguyện, nhắc nhở, cũng như mọi cách trợ giúp khôn ngoan và hữu hiệu khác”.

[35] Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Hiến Pháp, số 30.

[36] Ibid., 31 § II.

[37] x. HP 33: “[…] anh em chúng ta hãy công khai nêu lên một chứng tá tập thể hữu hiệu bằng cách chăm chỉ làm việc trong tác vụ tông đồ của mình, sống giản dị bằng thù lao nhiều khi bấp bênh và sẵn sàng chia sẻ của cải mình có cho những người nghèo khó hơn”.

[38] x. HP 34 § I.- Anh em phải tránh tìm kiếm những cái mới lạ và những tiện nghi của đời sống, nhưng trong mọi sự và ở mọi nơi, anh em phải có một đời sống chừng mực.

[39] x. HP 57: “Theo như chính Thánh Đaminh muốn, cử hành phụng vụ long trọng và cộng đoàn phải được kể vào số những bổn phận chính của ơn gọi chúng ta”.

[40] Ibidem.

[41] Ibidem.

[42] Linh đạo Đaminh, sđd, tr. 76.

[43] Lời kể của tu sĩ Ventura, trích trong Linh Đạo Đaminh, sđd, tr. 76.

[44] x. Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Hiến Pháp, số57.

[45] x. Ibid., số 66 & 67.

[46] Ibid., số 78.

[47] Công Vụ Tổng Hội Caleruega (1995), số 99.1.

[48] Công Vụ Tổng Hội Providence (2002), số 105.

[49] Ibidem.

[50] Ibid., số 108.

[51] Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Hiến Pháp, 77 § I.