Friday, 24 January 2020 01:47

Những Nẻo Đường Tâm Linh - Linh Đạo Dòng Xitô Featured

Louis Gonzaga Hoàng Luật, OC.

Ignatio Trần Thanh Toàn, OC.

 

DẪN NHẬP

Có thể nói, mỗi linh đạo ra đời là một lời đáp trả cho những vấn đề của thời đại. Linh đạo ấy muốn bắt chước, muốn biểu dương một khía cạnh nào đó của Đức Ki-tô trong sứ mạng cứu chuộc nhân loại[1]. Bởi thế, mỗi linh đạo có một hướng đi riêng, một cách sống nhằm cố gắng thể hiện cách tốt nhất và hiệu quả nhất, triệt để tính của Tin Mừng trong những bối cảnh văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội, địa lý… khác biệt. Thật thế, được phát xuất từ nguồn linh đạo Biển Đức, nhưng linh đạo Xitô đã mở một hướng đi mới, biết linh động để đáp ứng cho thời cuộc. Tinh thần này được các thế hệ sau tiếp tục duy trì qua từng thế kỷ cũng như hôm nay – nhằm một mục đích hội nhập vào những hoàn cảnh xã hội để phục vụ con người một các tốt nhất theo căn tính của từng Hội dòng hoặc của mỗi đan viện[2]. Bởi vậy, dù các Hội dòng Xitô đều là những Hội dòng đan tu đúng theo luật định, nhưng mỗi một Hội dòng sinh hoạt theo Hiến pháp do Tổng hội Hội dòng soạn thảo và Tòa Thánh châu phê[3].

Chúng tôi không thể trình bày hết những linh đạo của từng Hội dòng Xitô trong một vài tiết học, chúng tôi chỉ mạo muội đưa ra những nét chung của Dòng Xitô thời nguyên thuỷ cũng như hôm nay, để sau đó tập trung trình bày linh đạo Dòng Xitô trên đất Việt Nam, và có một vài hướng nhìn cá nhân như mong ước linh đạo của Dòng mình phục vụ nhu cầu con người hôm nay cách tốt nhất.

I. MỘT THOÁNG TỔNG QUÁT VỀ DÒNG XITÔ

Có thể nói, các linh đạo thường gắn liền với tên Đấng sáng lập, chẳng hạn linh đạo Biển Đức, linh đạo Phan Sinh, linh đạo Đa Minh, linh đạo Y Nhã, linh đạo Don Boscô, v.v… Nhưng linh đạo Xitô không phải là tên Đấng sáng lập mà tên một địa danh - một vùng hoang vắng gần Dijon thuộc miền trung nước Pháp. Và ý định ban đầu của Đấng sáng lập Xitô cũng không hề muốn thiết lập một hình thức mới cho đời sống tu trong Giáo hội, nhưng chỉ muốn làm sống lại tinh thần nguyên thủy linh đạo Biển Đức. Cũng vậy, tinh thần và giáo huấn của các bậc linh sư thuộc thế hệ thứ hai như thánh Bênađô cũng chỉ muốn là “tiếng vọng năng động và cá biệt” của truyền thống đan tu trước sự thay đổi của thời đại và bối cảnh của Giáo hội mà thôi. Tuy nhiên, với thời gian và do hoàn cảnh của thời đại, cuộc “canh tân” của các Đấng Tổ phụ Xitô đã trở thành một linh đạo riêng và phát triển cho tới hôm nay.

1. Bối cảnh hình thành dòng Xitô

Dòng Xitô được phát xuất từ cuộc “cải cách” của một số đan sĩ đan viện Molesme, thuộc Hội dòng Cluny (Biển Đức). Nguyên nhân cuộc cải cách này là do đời sống các đan sĩ Molesme lúc bấy giờ “xuống dốc”, sống quá tự do, đời sống sung túc - vì được các quận công miền Bougognes, Troyes trân trọng yêu mến và dâng cúng nhiều tiền. Đời sống sung túc ấy một mặt giúp đan viện Molesm nhận thêm nhiều ơn gọi, nhưng mặt khác cũng là cơ hội làm cho các đan sĩ buông thả trong đời tu. Nhiều lạm dụng nảy sinh và nhiều tranh cãi trong đan viện - giữa nhóm “nhiệt thành và nhóm“dễ dãi”. Tình hình trở nên căng thẳng, dàn xếp không được, các đan sĩ Roberto, Alberico, Stephano Harding và bốn đan sĩ “nhóm nhiệt thành” đến xin Đức Tổng giám mục Hugues đang lãnh đạo địa phận Lyon (nước Pháp) - đồng thời cũng là đặc sứ của Đức Giáo Hoàng, cho phép họ rời bỏ Molesme để đi thành lập một đan viện khác hầu có thể trung thành với luật nguyên thủy thánh Biển Đức. Lời thỉnh cầu của họ đã được chấp nhận. Thế là vào ngày 21-03-1098, Roberto, Alberico, Stephano Harding và 21 đan sĩ thiết lập Tân Đan Viện[4] (Novum Monasterium) trong thái ấp mà bá tước ở Beau đã nhượng cho họ ở phía nam thành Dijon nước Pháp - một nơi đầm lầy và cây cối um tùm gọi là Cistels, tức là cói, lác - một nơi không ai ở ngoại trừ các hoang thú. Tên gọi Dòng Xitô (Cistels) bắt nguồn từ đây. Và từ đan viện này mới khai sinh các đan viện khác, hoặc các tu viện khác xin gia nhập vào thành Dòng Xitô như ta thấy ngày nay[5].

2. Tinh thần dòng Xitô sơ khởi và những thế kỷ đầu

Ở phần trên chúng ta thấy sự xuất hiện của Dòng Xitô hay cuộc cải tổ của một nhóm đan sĩ Biển Đức (thuộc đan viện Molesmes) là một cuộc trở về với tinh thần bản luật nguyên thuỷ của thánh Biển Đức. Lý do cuộc trở về này tuỳ theo cách nhìn : có thể là do thời cuộc, do khủng hoảng nội bộ, hoặc do việc giải thích và áp dụng luật thánh Biển Đức “quá rộng” của những người trong cuộc. Vì thế, khi các Tổ phụ Dòng Xitô ra đi thiết lập nhà mới cũng với mục đích duy nhất là trở về tinh thần nguyên thủy của thánh Biển Đức được thể hiện trong bộ luật ngài mà thôi[6]. Tinh thần thánh Biển Đức là gì, đó chẳng phải là một cuộc “đi tìm Thiên Chúa” qua việc phụng sự Ngài trong cô tịch thanh vắng, qua đời sống cầu nguyện, đời sống khổ chế, và nếp sống chung được diễn ra hàng ngày trong “Trường học phụng vụ Thiên Chúa”[7] sao ? Dựa trên linh đạo Biển Đức, các Tổ phụ Xitô cũng nhắm đến mục đích duy nhất là Tìm Chúa và thánh ý Ngài[8], Trong thực hành, các Tổ phụ Xitô đã khai triển châm ngôn của thánh Biển Đức “Ora et Labora” (cầu nguyện và làm việc), bao gồm những nét chính như : đời sống cộng đoàn, đời sống chuyên về phụng vụ và lao tác. Nếp sống này được hỗ trợ bởi tinh thần khổ chế, sự thinh lặng tuyệt đối, lời hứa Vâng phục[9], lời hứa vĩnh cư và canh tân không ngừng. Chúng ta biết rằng, khi soạn thảo tu luật, thánh Biển Đức đã rút tỉa những tinh hoa của các bản luật ẩn tu và đan tu của các vị tiền bối như : thánh Pacôm, thánh Basiliô, Cassianô... Những tinh hoa này, một lần nữa, lại được các đan sĩ Xitô khôi phục. Vậy phải chăng linh đạo Xitô giống linh đạo Biển Đức ? Nếu thế Giáo hội cần gì cho tách riêng ra Dòng Xitô ? Có thể trả lời rằng, ý định ban đầu của các Tổ phụ Xitô không hề muốn lập Dòng mới, chỉ có ý làm sống lại tinh thần luật thánh Biển Đức và truyền thống đan tu đã bị “biến dạng”. Nhưng do hoàn cảnh của thời cuộc, cùng với sự khôn khéo, các Tổ phụ Xitô đã lập ra những quy chế riêng cho mình ; minh định nhiều điều cụ thể cho Tân Đan viện[10], hầu có thể bảo đảm tinh thần “cải cách” - tránh tình trạng lộn xộn, lạm dụng trong các việc sinh hoạt đời sống đan tu, để sống sát tinh thần thánh Biển Đức. Và từ những quy chế riêng đó, đã dần dần hình thành một linh đạo riêng cho các đan sĩ Xitô. Những quy chế đó là[11]:

- Anh em Tân Đan viện (tên Dòng Xitô ban đầu) cam kết sống đơn sơ trong cách ăn mặc và việc trang trí thánh đường.

- Anh em Tân Đan viện khước từ mọi bổng lộc, tuyệt đối sống xa trần thế và không nhận người nữ vào nội vi đan viện.

- Để bày tỏ sự khó nghèo và bác ái, hoa lợi đan viện được chia thành bốn phần : một phần dâng cho Đức Giám mục sở tại, một phần giúp các linh mục và các giáo xứ nghèo, một phần giúp người nghèo, phần cuối cùng chi dụng cho đời sống anh em trong đan viện.

- Để các đan sĩ có đủ thời giờ cho việc học hành và cử hành thần vụ, quyết định lập bậc quy sĩ có nhiệm vụ lo việc đồng áng, và ở các nông trại xa.

- Các đan viện thuộc Xitô được hưởng sự “tự trị” hoàn toàn như tu luật Biển Đức đã qui định, chứ không lệ thuộc trung ương như chi Dòng Cluny.

Ngoài ra, các Tổ phụ Xitô cũng cắt giảm nhiều yếu tố rườm rà và long trọng quá trong phụng vụ. Giảm giờ đọc kinh cầu nguyện, v.v… để lấy lại tính quân bình của tu luật thánh Biển Đức. Đồng thời cũng lấy lại những yếu tố căn bản của đời đan tu như : lao động chân tay và đọc sách thiêng liêng (Lectio divina) đã bị cắt giảm[12].

Viện phụ Roberto được coi như là người đi đầu trong việc cải tổ, viện phụ Aberico được coi là người thực hiện bước đầu việc cải tổ, thì viện phụ Stephano Harding là người đã soạn thảo Hiến chương Bác ái (Charter of Charity), như một kế hoạch cải tổ và có tính quyết định cho tương lai của Dòng Xitô. Hiến Chương này do viện phụ Stephano Harding nghĩ ra từ năm 1114, để xác định thể chế và cơ cấu của Dòng Xitô. Chủ yếu bản hiến chương này là tổ chức các tử hệ và thiết lập Đại Hội Toàn Dòng. “Các đan viện mới được thành lập đều là những đan phụ viện (Abbatia), theo quy định của Hiến chương Bác ái, đều hợp nhất với nhau ; hằng năm các viện phụ tập họp về Xitô (nhà tổ) cử hành Đại hội nhằm cổ vũ việc chăm lo các linh hồn đã được ủy thác cho các ngài”[13]. Viện phụ sáng lập một nhà mới gọi là viện phụ nhà mẹ, và phải tuần viếng nhà con mỗi năm một lần. Viện phụ nhà mẹ khuyên bảo nhà con, chủ toạ việc bầu viện phụ và kiểm soát tính hợp thức đan tu của nhà con. Uy quyền viện phụ nhà mẹ hành xử thuộc trật tự thiêng liêng hơn là pháp lý…[14]. Đức Giáo hoàng Calixtô II phê chuẩn bản Hiến Chương này bằng sắc chỉ Ad hoc in apostolici ngày 23-12-1119[15].

Sở dĩ Xitô ban đầu đưa ra những qui chế này là vì: sau năm 1000, mặc dầu có cuộc ly khai Đông phương (năm 1054), Giáo hội Công giáo Rôma vẫn thịnh hành, bành trướng mạnh mẽ. Địa bàn ảnh hưởng của Giáo hội mở rộng sang miền Tây Âu và các xứ Bắc Âu. Các đền thánh, thành đường ngày càng thêm nhiều. Raoul le Glabre là một đan sĩ Cluny (sinh khoảng năm 985) đã viết : “Có thể nói khắp thế giới đều đồng tâm nhất trí cởi bỏ các y phục rách rưới thời xưa để khoác lên mình chiếc áo trắng dệt bằng các giáo đường”[16]. Thời kỳ này người ta cũng thấy phát triển nghệ thuật Rôman. Nó xuất hiện ở Toscane, Bourgogne, Prvence và Catalogne. Nghệ thuật này lan rộng khắp Tâu Âu và được biểu hiện trong kiến trúc cũng như điêu khắc và hội họa, v.v… Nên các đan viện Biển Đức cũng chung hoàn cảnh văn hóa của Giáo hội lúc đó. Các đan viện được các bá tước, các quận chúa thương mến. Họ cho đất đai, tặng vật này vật nọ cho đan viện. Cộng với tài sản các đan sĩ làm ra, các đan viện thường có nhiều tài sản. Từ đó mới nảy sinh phong trào xây cất thánh đường đan viện đồ sộ, tô điểm thánh đường cầu kỳ hoa văn, tốn công tốn của. Ăn mặc của các đan sĩ cũng rất xa hoa màu mè. Những cách thức đó không phù hợp với tinh thần thánh Biển Đức - vì thánh Biển Đức luôn chủ trương sống đơ sơ khó nghèo. Vì bị đồng tiền chi phối, nên các đan viện cũng bị các công tước, các bà chúa dễ dàng chi phối vào sinh hoạt các đan viện ; dễ dàng ra vào đan viện, lỗi luật nội vi. Ngay quyền bầu viện phụ nhà mình các đan sĩ cũng không có. Viện phụ đan viện do trung ương chỉ định, hoặc do một ông hoàng nào đó can thiệp có tính “mua quan bán chức” sinh nhiều chuyện phức tạp trong đan viện. Thánh luật Biển Đức qui định viện phụ là người được các đan sĩ bầu ra[17]. Vì đi sai tu luật thánh Biển Đức, nên các Tổ phụ Xitô cảm thấy “không ổn”, các ngài quyết định đưa những qui chế riêng như trên. Đồng thời các ngài cũng xin ơn “miễn trừ của Toà Thánh”[18] để thoát quyền chi phối của Giám mục, thoát sự can thiệp của thế quyền vào nội bộ đan viện. Có như vậy các ngài mới tránh được tình trạng “bi kịch” mà chính các ngài đã từng chứng kiến trong quá khứ nơi các đan viện Biển Đức.

Thật vậy, trong khi nền đạo đức Kitô giáo Âu Châu sa sút, Giáo hội bị khủng hoảng bởi các xung đột nội bộ, các đan viện không còn là nơi tu thân đích thực, thì những anh em Xitô đã rút lui vào rừng vắng để tu. Các ngài chọn nơi cô tịch thanh vắng để tránh sự chi phối của trần tục, của sự ồn ào, để lấy lại tinh thần đời đan tu ban đầu. Điều đó như là tia sáng báo động cho cả Kitô giáo Châu Âu. Những hành động anh hùng và sự thánh thiện các ngài, đã đánh động được nhiều tâm hồn thiện chí thời đó. Lòng sốt sắng thánh thiện của các đan sĩ Xitô đã gây được tiếng vang, được nhiều người thương mến, thu hút nhiều ơn gọi mới, trong đó đặc biệt phải kể là con trai lãnh chúa de Fontaine là Bênađô và 30 người bạn của chàng, trong đó có bốn anh em trai và hai người cậu của chàng vào Dòng Xitô một lúc. Bởi vậy, Dòng đã phát triển ào ạt, các nhà con được lập liên tục, cụ thể : Nhà đầu tiên được lập vào năm 1113 là đan viện La Ferté. Năm 1114 đan viện Pontiny được lập. Năm 1115 đan viện Clairvaux, v.v...

Dòng phát triển mạnh và có danh tiếng từ khi Bênađô làm viện phụ. Uy thế lừng lẫy của viện phụ Benađô làm cho các ơn gọi tăng lên nhanh chóng. Vì thế, các nhà mới lập cũng tăng lên để đáp ứng các ơn gọi mới. Danh tiếng Bênađô lừng lẫy đến nỗi các bà vợ sợ chồng bỏ mà đi vào đan viện Xitô[19]. Bởi vậy, câu chuyện gia đình thánh Tôma Aquinô muốn ngài vào Xitô để sau làm viện phụ cho oai cũng không lạ. Theo các sử gia Xitô, vào thời viện phụ Bênađô, mỗi đan viện có tới 400 tới 700 đan sĩ. Khi Bênađô qua đời, Dòng Xitô tiếp tục phát triển không ngừng, cụ thể vào năm 1153, Dòng có 350 đan viện. Và vào năm 1250 con số lên tới khoảng 650 đan viện rãi rác khắp Châu Âu. Vào thời này, các Dòng tu bạn cũng bắt chước Xitô cải đổi nếp sống. Việc chấn hưng đại qui mô này kêu gọi sự trợ giúp của thánh Bênađô. Viện phụ Suger xin ngài làm cố vấn trong việc cải tổ Dòng Saint Denis. Cha Phêrô đáng kính xin ngài tiếp tay trong cuộc đổi mới Hội dòng Cluny. Rồi đến lượt các Dòng Chartreu, Dòng Prémontré đến hỏi ý kiến thánh nhân trong việc phục hưng nếp sống đan tu. Ảnh hưởng của ngài rất lớn, nên ngài được Đức giáo hoàng Eugenio III giao việc triệu tập cuộc thập tự chinh để giải phóng thánh địa Palestina lần hai.

Chúng ta cũng không quên những nét độc đáo của các cộng đoàn Xitô trong các thế kỷ này là: các đan sĩ đích thân khai hoang rừng núi, đích thân trồng lấy các ruộng vườn quanh đan viện. Khai hoang, nên ruộng vườn tăng lên. Đan viện Xitô có thể có một tư bản ruộng đất từ 5000 đến 8000 mẫu như Clairvaux chẳng hạn. Các đan sĩ trồng lúa, trồng ngũ cốc, trồng cỏ chăn nuôi và trồng nho. Mỗi kho thóc phục vụ cho việc khai thác một vùng đất khá rộng. Một hay hàng mấy trăm mẫu trồng cỏ phục vụ cho việc chăn nuôi v.v... Ngoài ra còn có một số đan viện làm muối, làm lò rèn, sản xuất ngói và đồ gốm. Với những cánh đồng rộng lớn, nhiều kho thóc, nhiều gia súc, các đan sĩ Xitô đã tự tạo cho mình một tổ chức cực kỳ hữu hiệu. Và qua đó, họ thu lượm được những nhận thức rất thấu đáo trong địa hạt nông lâm, chăn nuôi, nghề nuôi cá và thủy lợi học. Họ đã đóng góp phần quan trọng trong việc khai hoang ruộng đất ở Châu Âu vào thế kỷ XII, thế kỷ XIII. Mặc dù các đan sĩ Xitô tìm nơi hoang vắng, xa làng mạc để tu, nhưng vì đời sống thánh thiện các ngài, dân chúng kéo đến và dần dần biến thành một làng : từ một vùng hoang không có người ở lại trở nên một dân cư đông đúc. Các đan viện Xitô lập ở đâu thì không mấy chốc xung quang đan viện lại mọc lên một ngôi làng. Và như vậy, không mấy chốc, đất đai, kinh tế, trí thức Châu Âu được dồi dào phong phú. Chính vì những tác động mạnh đến xã hội như vậy mà Đức Phaolô VI đã không ngần ngại đặt thánh Biển Đức làm bổn mạng Châu Âu, vì những thành quả con cái ngài mang lại cho nền văn minh Châu Âu.

3. Tinh thần dòng Xitô hiện nay

“Các Đấng sáng lập Xitô nguyên thủy dựa theo những nguyên tắc trình bày trong Hiến chương Bác ái, tìm cách vừa duy trì sự tự trị hợp pháp của các đan viện, vừa bảo đảm sự hợp nhất cần thiết và sự tương trợ lẫn nhau qua Đại hội toàn Dòng và các cuộc thăm viếng thường niên. Tuy nhiên, khi Dòng phát triển mạnh và các điều kiện sinh sống đã thay đổi qua nhiều thế kỷ thì nảy sinh ra các Hội dòng sinh hoạt khác nhau”[20], phát sinh các phong trào cải cách, ví dụ phong trào “ngặt phép”[21]. Phong trào này khai sinh ở thế kỷ 17, nhằm khôi phục Xitô nguyên thủy. Vì thế, từ thế kỷ 17 Dòng Xitô được phân chia làm hai nhánh, thường gọi là “Xitô nhặt phép” (Trappiste de la stricte Observance), và “Xitô chung phép” (Citeaux de la commune Observance). Hai nhánh phát triển song song cho đến ngày hôm nay[22]. (Phần dưới đây chúng tôi chỉ đề cập tới Xitô chung phép, vì Xitô Thánh Gia Việt Nam thuộc nhánh chung phép).

Thực vậy, linh đạo Xitô hôm nay không còn “nguyên tuyền” như ở những thế kỷ mới khai nguyên. Hôm nay, mỗi Hội dòng sống theo Hiến pháp và Tuyên ngôn riêng của Tổng hội từng Hội dòng lập ra[23], để thích ứng với hoàn cảnh địa phương và hợp với thời đại[24]. Theo Tuyên ngôn Đại hội toàn Dòng Xitô, nguyên nhân sâu xa có lẽ do “những cuộc chiến tranh, nhất là sau thời cách mạng Pháp các viện phụ khó có thể đến họp định kỳ ở Đại hội Xitô. Cũng chính vào lúc ấy, đời sống Xitô ở một số miền nhất là ở Trung Âu và Đông Âu, cũng như ở Lusitania, tiếp nhận nhiều khía cạnh mới mẻ. Đồng thời còn thêm nhiều lý do khác mang tính chính trị và Giáo hội, chẳng hạn như thể chế được hưởng bổng lộc, khiến cần phải có những giải pháp mới cho nhiều miền khác nhau. Số linh mục trong Dòng ngày càng thêm đông. Nhiều đan viện đã đảm nhiệm công việc thuộc thừa tác vụ mục vụ. Nhất là sau Công đồng Triđentinô, việc mục vụ tại các giáo xứ đã chiếm phần ưu tiên trong lao tác ở nhiều đan viện của Dòng và việc này đã trở thành nhiệm vụ chính của nhiều đan sĩ linh mục. Việc giảng dạy, giáo dục thanh thiếu niên nơi các trường công lập cũng đã được nhiều đan viện đảm nhận, v.v…”[25]. Từ đó dẫn đến mỗi đan viện sinh hoạt theo hoàn cảnh của mình, hoặc các đan viện hợp lại thành một Hội dòng để cùng chung lý tưởng : hoặc sống đời chiêm niệm[26], hoặc đảm trách việc giáo dục thiếu niên, giảng dạy nơi các trường học, v.v…[27], nhưng vẫn giữ tinh thần hợp nhất trong Toàn Dòng Xitô : “Các Hội dòng của chúng ta, ngoài sự khác biệt do tiến trình lịch sử và những điều kiện văn hóa xã hội, còn có không ít những khác biệt cả về hình thức và truyền thống đan tu, cả về những nhiệm vụ có tính thời sự. Tuy nhiên những sự khác biệt này không những không làm tổn hại sự hiệp nhất cao quý của Dòng, mà nếu các hồng ân dưới muôn hình vạn trạng được ban ra và thông hiệp thì chúng ta cũng góp phần làm cho đời sống của Dòng thêm sinh lực và phong phú. Bởi đấy, điều đặc biệt quan trọng là nên thấu triệt tính đa nguyên này theo nghĩa tích cực có tính xã hội và thiêng liêng của nó, cùng kết hợp các năng lực khác biệt nhau, nhưng bổ túc cho nhau, để hướng đến một sự cộng tác thực tiễn và hữu hiệu”[28].

Mặc dù sinh hoạt của từng Hội dòng khác nhau, nhưng vẫn hợp nhất với nhau khăng khít qua những điểm chung và nhất là qua trung gian Đại hội toàn Dòng và thượng hội đồng Dòng[29]. Đại hội toàn Dòng là cơ quan trung ương để thảo luận trong tình huynh đệ ; cơ quan này có quyền lập pháp và hành pháp, nhưng vẫn tôn trọng sự tự trị hợp pháp mà mỗi Hội dòng và mỗi đan viện được hưởng theo luật chung và riêng[30]. Nhiệm vụ của Đại hội toàn Dòng là thúc đẩy, giải thích những giá trị nền tảng : Kitô giáo, tu trì, đan tu, truyền thống Xitô. Cổ vũ sự hiệp thông giữa các Hội dòng, sự tương trợ lẫn nhau và sự hợp tác trong những nhiệm vụ chung, hầu làm nên ơn gọi chung của Dòng, cho dù những giá này không được mọi người thực hiện cùng một cách cụ thể như nhau[31]. Đức Tổng viện phụ được Đại hội toàn Dòng bầu ra[32]. Ngài như người cha điều khiển toàn Dòng theo tinh thần của Đại hội toàn Dòng và theo quy tắc của Hiến pháp[33].

Hiện giờ, Toàn Dòng Xitô (chung phép) có các Hội dòng sau : Hội dòng thánh Bênađô ở Castella(Tây Ban Nha), Hội dòng thánh Bênađô ở Italia. Hội dòng Tây Ban Nha. Hội dòng Mehrerall (Áo, Đức, Thụy Sĩ). Hội dòng Đức Maria trung gian ân sủng (Bỉ, Hòa Lan). Hội dòng Thánh Tâm (Áo Quốc). Hội dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Pháp, Canađa, Việt Nam : đan viện Mỹ Ca ở Cam Ranh, Tỉnh Khánh Hòa). Hội dòng Zirc (Hungari, Hoa Kỳ). Hội dòng Trái Tim vẹn sạch Đức mẹ (Nam Tư). Hội dòng Casamari (Italia). Hội dòng Nữ Vương trời đất (Ba Lan). Hội dòng Brasilia và Hội dòng Thánh Gia tại Việt Nam[34].

II. LINH ĐẠO DÒNG XITÔ TRÊN ĐẤT VIỆT NAM

Như ở trên chúng tôi nói, Xitô chung phép có 11 Hội dòng (chưa kể đến các nam và nữ đan viện không sát nhập vào Hội dòng nào)[35] trên khắp thế giới. Mỗi Hội dòng đều giữ luật thánh Biển Đức nhưng lại có Hiến pháp riêng để sinh hoạt, nên “rất phong phú và đa dạng” : “Các Hội dòng Xitô đều là những Hội dòng đan tu đúng theo luật định. Mỗi một Hội dòng sinh hoạt theo Hiến pháp do Tổng dội Dòng soạn thảo và Tòa Thánh châu phê”[36]. Vì khả năng cũng như bài làm hạn chế, chúng tôi không thể nói hết linh đạo Xitô hiện giờ trên thế giới. Chúng tôi chỉ nói linh đạo Xitô trên đất Việt Nam.

1. Vài nét sơ lược về Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam

Hội dòng Xitô Thánh Gia xuất phát từ việc sáng lập đan tu tại Việt Nam, do cha đáng kính Henri Denis Biển Đức Thuận (1880-1933). Trong nhiều năm ngài thao thức lập dòng chiêm niệm cho nam giới. Và vào ngày 15-8-1918 ngài lập Tu Viện Phước Sơn tại Quãng Trị (lúc đầu gọi là Dòng Đức Bà Việt Nam), và được sáp nhập vào Dòng Xitô thế giới qua quyết nghị của Tòa Thánh ngày 24-5-1934 ; rồi được chính thức nâng lên bậc Hội dòng do quyết định của Thánh Bộ Tu sĩ và Tu hội đời ngày 6-10-1964[37]. Hội dòng có tên gọi là : Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, bổn mạng Thánh Gia Thất.

2. Tôn chỉ và mục đích đời đan tu Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam

a. Tôn chỉ đời đan tu Xitô Thánh Gia

Trong Hiến pháp và Tuyên ngôn Hội dòng Xitô Thánh Gia minh định rằng : “Theo tinh thần Tổ phụ Henri Denis Benoit, cuộc sống đan tu Xitô Thánh Gia là một đời tận hiến chuyên về chiêm niệm, thể hiện sự thông phần mầu nhiệm Thánh giá, tuyên xưng sức mạnh và hoan lạc của ơn Phục sinh”[38]. Vì chuyên về chiêm niệm, các đan sĩ Xitô Thánh Gia không ra hoạt động ở bên ngoài. Sinh hoạt hàng ngày chỉ trong khuôn viên đan viện hay còn gọi là trong nội vi đan viện[39]. Khi có lý do đặc biệt mới được phép ra khỏi đan viện[40].

“Đan sĩ Thánh Gia làm chứng tá tình yêu Thiên Chúa giữa nhân loại bằng sự thông hiệp với Chúa Giêsu Cứu Thế, trong hy sinh thầm lặng và lời cầu nguyện tha thiết để cứu giúp những người chưa nhận biết Chúa”[41]. Vì là Dòng chiêm niệm, nên cuộc sống của các đan sĩ phải giữ luật thinh lặng nghiêm nhặt, không được nói chuyện, trừ khi cần : “Thinh lặng là yêu sách đời chiêm niệm. Vì thế, đan sĩ suốt ngày sống trong thanh vắng và giữ thinh lặng, đặc biệt từ giờ kinh tối đến sau kinh sáng, khi thật cần kíp mới nên nói đôi lời”[42]. Việc giữ thinh lặng cốt để cho các đan sĩ dễ dàng kết hợp với Chúa, cầu nguyện cho Giáo hội, đặc biệc cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa được trở về với Chúa[43]. Để cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa, ngoài việc hy sinh thường ngày của các đan sĩ, mỗi ngày có một đan sĩ đại diện cho cộng đoàn chầu Thánh Thể một giời, lần hạt một chuỗi năm mươi, đi đàng Thánh giá một lần và dâng các việc hy sinh trong ngày cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa. Và hàng tháng vào ngày 15, cả cộng đoàn Chầu Thánh Thể để cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa[44].

“Đời tu Hội dòng Thánh Gia được tổ chức theo truyền thống đan tu chân chính, như đã được kết tinh trong luật thánh tổ Biển Đức và tinh thần Xitô sơ khởi, theo trí ý Đấng sáng lập Hội dòng[45]. Thực vậy, linh đạo Xitô Thánh Gia dựa trên tinh thần Xitô nguyên thủy, dựa trên tinh thần các Đấng tổ phụ Xitô. Tinh thần Xitô nguyên thủy và các Đấng tổ phụ như thế nào ? Đó là lòng mộ mến tìm lại sự nguyên tuyền của tu luật Biển Đức. Không phải giữ luật theo mặt chữ, nhưng tôn trọng bản văn vì nó hàm chứa tinh thần Đấng lập luật[46]. Cẩn thận đối chiếu tu luật với toàn thể truyền thống đan tu, và không ngần ngại tham chiếu tư tưởng các tổ phụ rừng vắng[47]. Tìm vào hoang địa, nhưng không chủ trương loại bỏ đời sống chung. Trái lại, rất tha thiết với cuộc sống huynh đệ, bác ái. Việc này không những được thi hành từ ban đầu trong các đan viện như đặc tính của tổ chức cộng tu, mà còn thể hiện bằng sự hiệp nhất giữa các đan viện trong toàn Dòng[48]. Điều này cũng được thể hiện qua những chỉ thị của Hiến chương Bác ái của Dòng. Các ngài cũng sùng mộ nếp sống đơn sơ khó nghèo, sống cuộc đời khắc khổ, luôn chiêm ngưỡng nội tâm. Tha thiết với việc tôn kính Đức Mẹ. Không bao giờ tách rời mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa khỏi chương trình cứu rỗi. Bởi thế, các đan viện Xitô Việt Nam thường đặt tên Maria trước tên đan viện mình cũng như trước tên thánh của một đan sĩ. Ví dụ đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn, Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn, đan viện Thánh Mẫu Châu Thủy ; đan sĩ Maria Phêrô Nguyễn Văn B.

b. Bản chất và mục đích đan tu Xitô Thánh Gia

Mục đích của Hội dòng Xitô Thánh Gia là[49] :

- Cung cấp cho các linh hồn được Chúa mời gọi sống đời chiêm tu, những phương thế thích hợp để đạt tới đức ái hoàn hảo.

- Phục vụ Giáo hội bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh, tham gia việc cứu rỗi các linh hồn chưa nhận biết Chúa và tôn thờ Thiên Chúa.

- Sinh hoạt đan tu trong Hội dòng được tổ chức theo các nguyên tắc Tin Mừng, được trình bày trong giáo huấn Giáo hội, trong tu luật thánh Biển Đức, trong các yếu tố căn bản của đời tu Xitô, đồng thời theo tinh thần của Đấng sáng lập đã được vạch ra trong bản Hiến pháp của Hội dòng.

3. Những nét căn bản đời đan tu Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam

Ngoài việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm[50], đời sống Hội dòng Xitô Thánh Gia được thể hiện qua những yếu tố căn bản của đời đan tu sau đây:

- Cách biệt xã hội: nội vi và thing lặng.

- Đời sống cầu nguyện: đọc sách thiêng liêng và cử hành phụng vụ.

- Khổ chế : chay tịnh và canh thức.

- Đời sống chung: cộng tu.

- Lao động đan tu.

Hay nói một cách tóm gọn, linh đạo Xitô Thánh Gia là đời sống chiêm niệm, đời sống cầu nguyện và lao động (Ora et Labora), bắt nguồn từ tinh thần thánh Biển Đức, truyền thống Xitô nguyên thuỷ và Đấng sáng lập : cha Henri Denis Biển Đức Thuận.

+ Thanh vắng và thinh lặng là những điều kiện thiết yếu giúp người đan sĩ đi vào chiều sâu của sự chiệm niệm, để lắng nghe tiếng Chúa. Việc tìm Chúa trong cô tịch và trầm lặng của đời đan tu là một chứng từ hùng hồn về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Cho nên sự thanh vắng và thinh lặng có một tầm quan trọng trong đời đan tu. Bởi vậy, thánh Biển Đức và các “phong trào cải cách đan tu” đều nhấn mạnh đến việc trở về “linh đạo sa mạc”, linh đạo các tổ phụ rừng vắng. Đối với Xitô Việt Nam, linh đạo sa mạc ấy được cụ thể hoá qua luật nội vi và trong việc lập Dòng mới ở những nơi xa cách thành thị. Tất cả các đan sĩ đều có trách nhiệm tuân thủ và bảo vệ luật nội vi[51]. Khi có lý do thật chính đáng mới được phép ra ngoài nội vi[52]. Các cuộc xuất hành như thăm viếng cha mẹ, thân nhân, cũng như giao dịch qua thư từ, v.v…, đều phải chiếu theo tinh thần và đòi hỏi của lý tưởng chiêm niệm qui định. Việc xa lìa trần gian và sự thinh lặng nghiêm nhặt cốt giúp cho các đan sĩ “dễ thực hiện và duy trì sự an tĩnh nội tâm, để có thể chứng nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa. Việc thinh lặng là yếu tố cần thiết để bảo vệ tinh thần cầu nguyện, bảo vệ kỷ luật và trật tự trong sinh hoạt cộng đoàn. Tuy nhiên, sự tĩnh mịch và thinh lặng bên ngoài chỉ có ý nghĩa và giá trị, nếu các đan sĩ biết giữ lòng mình khỏi mọi xao xuyến của đam mê trần tục, biết kiến tạo bình an tâm hồn và dõi theo sự bình an đó”[53]

+ Đời sống cầu nguyện là phương thế thiết yếu cho đời sống chiêm niệm. Bởi thế, cuộc đời đan sĩ phải thấm nhuần tinh thần cầu nguyện[54]. Việc cầu nguyện được linh động bởi đức ái. Cầu nguyện như cứu cánh của tất cả những phương thế đặc thù đan tu Xitô. Đời sống cầu nguyện theo thánh Biển Đức hàm chứa bốn hình thức:

- Cầu nguyện liên tục, nghĩa là sống trước mặt Chúa mọi nơi mọi lúc (x. tu luật chương7).

- Đọc sách kèm theo suy niệm (Lectio Divina (x. tu luật chương 48,49,52).

- Kinh nguyện phụng vụ (x. tu luật chương 8-9).

- Cầu nguyện tự phát tuỳ theo hoàn cảnh (x. lời mở tu luật và chương 53).

Vì đan sĩ không lấy gì hơn việc thờ phượng[55], nên kinh nguyện phụng vụ chiếm một địa vị độc đáo trong đời đan tu Xitô Thánh Gia. Phụng vụ là trọng tâm, vì biện chứng cho sự siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa[56]. Bởi đó, phụng vụ và các kinh nguyện chung nơi các đan viện Xitô Thánh Gia luôn được chú trọng và cử hành cách trang trọng[57]. Hiện giờ, mỗi ngày các đan viện Xitô Thánh Gia dành tám giờ cho việc cử hành thần vụ và các việc thờ phượng.

+ Đời sống khổ chế là nét đặc thù của đời sống đan sĩ Xitô Thánh Gia. Tuy nhiên, các đan sĩ Xitô không ham mộ những kiểu hãm mình phạt xác như nơi một số trào lưu ẩn tu hồi xưa : đánh tội, mặc áo nhặm… Việc hãm mình nơi các đan sĩ Xitô Thánh Gia được thể hiện qua việc hy sinh quảng đại, hoàn thiện bản thân[58], tập luyện thân xác như dậy sớm, chay tịnh, nhất là làm việc xác được thi hành triệt để. Qua thực hành khổ chế này, người đan sĩ muốn chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, cùng với Chúa Kitô chay tịnh, thức khuya, cầu nguyện, lao động vất vả, chịu hy sinh sĩ nhục, v.v… Khổ chế đóng vai trò không nhỏ trong kinh nguyện và vấn đề ăn uống[59]. Vì thế, người ta hay gọi Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam là Dòng “khổ tu”. Việc khổ chế không ngoài mục đích là tạo thế quan bình giữa tâm linh và thể chất. Giải thoát con người và phát huy đức mến[60]. Hỗ trợ tiến trình tìm Chúa trong chiêm niệm. Tham gia vào việc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô. Khổ chế trong linh đạo Xitô Thánh Gia thực ra không có gì quá khắc khổ, như thánh Biển Đức nói trong tu Luật : Nếu có chút gì hơi nghiêm ngặt, thì chỉ có mục đích khắc phục nết xấu và bảo toàn đức ái[61].

+ Sống chung là một nét nổi bật trong đời sống đan tu Xitô nói chung, Xitô Thánh Gia nói riêng. Đời sống chung này được bắt nguồn từ tinh thần thánh Biển Đức. Thánh Biển Đức phát huy nếp sống cộng đoàn. “Đời sống cộng đoàn bao hàm: kinh nguyện chung, làm việc chung, bàn ăn chung. Mọi sự là của chung, và được viện phụ như người cha điều khiển cộng đoàn. Đời sống cộng đoàn đòi hỏi các đan sĩ tham dự các giờ chung một cách điều hòa đúng đắn với tâm hồn phấn khởi vui tươi”[62].

+ Lao động đan tu Xitô Thánh Gia là để tự lập cánh sinh. Lao động để có điều kiện phục vụ xã hội : lữu khách, người nghèo. Lao động để tạo thế quan bình tâm thể lý và phát triển tài năng. Lao động phòng ngừa tật xấu và rèn luyện nhân đức. Lao động tham gia công trình cứu thế. Lao động để tham gia công trình sáng tạo, thánh hiến vũ trụ. Lao động là một hình thức thực thi đức khó nghèo và là phương thế phục vụ anh em[63].

Để thực hiện những yếu tố trên, ngoài lời khấn Vâng phục, Khiết tịnh, Khó nghèo, các đan sĩ Xitô Thánh Gia còn có thêm lời khấn Vĩnh cư[64] và lời khấn Canh tân[65] nữa. Vì theo thánh Biển Đức, hai lời khấn này là yếu tố quan trọng để duy trỳ đời sống chiêm niệm và thăng tiến đời sống cộng tu vốn được coi là phức tạp nhưng anh dũng nhất[66].

4. cơ cấu và tổ chức đời sống đan tu Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam

Hội dòng Xitô Thánh Gia được tổ chức theo cơ cấu của một gia đình. Bởi vậy, Hội dòng đã lấy mẫu gương Thánh Gia làm khuôn mẫu để tổ chức đời sống mình. Điều này trong Tuyên ngôn Hội dòng số 20 xác định : “Cộng đoàn đan viện thực sự là một gia đình, tất cả đan sĩ là con một Cha trên trời, và là anh em với nhau, cùng có một ơn gọi, cùng chia sẽ một cuộc sống trong sự hợp nhất”. Vì được tổ chức như một gia đình nên vị đứng đầu đan viện thường được gọi là viện phụ[67], là người cha trong gia đình đan viện. Viện phụ là hiện thân tình yêu của Cha trên trời, là người thế quyền Chúa Kitô, là người có trách nhiệm điều khiển về sinh hoạt tinh thần và vật chất trong đan viện, là trung gian giúp các đan sĩ tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa[68]. Viện phụ do Hội đồng đan sĩ[69] bầu lên bằng phiếu kín[70]. Nhiệm kỳ viện phụ là mười năm, viện trưởng là sáu năm. Cả hai có thể tái đắc cử. Đến bảy mươi tuổi trọn thì mãn nhiệm[71]. Điều kiện để làm viện phụ hay viện trưởng : Ba mươi lăm tuổi, đan sĩ linh mục, đã khấn trong Hội dòng ít là mười năm từ ngày khấn trọng[72]

Thành phần Hội dòng Xitô Thánh Gia gồm có : Đan viện Phước Sơn, các nhà con của Phước Sơn và các đan viện do các nhà này thiết lập. Các đan viện khác xin gia nhập Hội dòng, miễn là chấp nhận Hiến Pháp của Hội dòng. Ngoài ra nữ đan viện Thánh Mẫu Vĩnh Phước và các nhà xuất phát từ đan viện này cũng được sát nhập vào Hội dòng một cách trọn vẹn[73]. Tuy nhiên, các nữ đan viện này có bản Hiến pháp riêng[74].

Theo truyền thống Xitô, các đan viện trong Hội dòng Thánh Gia liên kết với nhau bằng tình mẹ con. Bởi vậy, một đan viện lập một nhà khác sẽ được gọi là Nhà mẹ, còn đan viện kia sẽ được gọi là Nhà con. Viện phụ của nhà sáng lập trong tương quan với Nhà con được gọi là trực phụ[75] (Pater immediatus). Trực phụ (viện phụ Nhà mẹ) do cộng đoàn Nhà mẹ và các bề trên Nhà con bầu lên. Trực phụ có quyền và nhiệm vụ đối với Nhà con với những nố sau : “Bảo đảm tinh thần và vật chất cho Nhà con tùy thuộc. Chỉ định hoặc thay đổi bề trên Nhà con cho đến khi được tự trị. Vì lý do chính đáng, tạm thời đảm nhiệm chức vụ bề trên Nhà con cho đến khi có bề trên mới, nếu ngay cả việc đặt một vị giám quản cũng không thể thực hiện được. Chủ tọa việc bầu bề trên Nhà con và phê nhận việc đắc cử. Hai năm một lần đích thân hay cử đại diện đi tuần viếng Nhà con. Có quyền liên lạc thư từ với hết mọi người Nhà con mà không ai có quyền kiểm soát[76].

Tổng hội của Hội dòng có quyền tối cao trong Hội dòng, là cơ quan trung ương, có quyền lập pháp, tư pháp, và hành pháp[77]. Dưới Tổng hội là viện phụ Hội trưởng (Abbas praeses), giữ quyền tối cao điều khiển Hội dòng, đảm trách việc Hội dòng trước thế quyền cũng như thần quyền theo quy định của Hiến pháp[78]. Ngài có quyền chấp nhận thay đổi Lời Khấn Vĩnh Cư trong Hội dòng. Chuẩn lời khấn tạm. Kinh lý các nhà trong Hội dòng cứ ba năm một lần và một số quy định khác[79].. Đó là một vài yếu tố chính trong cơ cấu tổ chức đan viện cũng như Hội dòng Xitô Thánh Gia.

III. HƯỚNG NHÌN CÁ NHÂN

Linh đạo nào cũng có một đường hướng riêng để đáp ứng nhu cầu mới của thời đại nhằm tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ con người. Điều đó được hiện rõ trong tiến trình hình thành những linh đạo qua dòng lịch sử. Khi nhìn lại sự hình thành, sự phát triển cũng như cách thể hiện linh đạo của các vị tiền bối Xitô, chúng tôi rất cảm phục và hãnh diện, vì các ngài đã làm nên nhiều điều kỳ diệu và hữu ích cho Giáo hội cũng như xã hội. Ngày hôm nay chúng tôi là những con cháu, đang tiếp nối linh đạo mà các vị tiền bối đã sống, chúng tôi không thể không ưu tư về linh đạo của Dòng mình. Làm thế nào để linh đạo Dòng mình có thể sống động với con người trong hoàn cảnh xã hội hôm nay. Làm thế nào để thể hiện linh đạo của Dòng mình một cách hiệu quả nhất cho những thách đố hôm nay. Đây là những vấn đề được đặt ra cho mọi thành viên của Hội dòng. Mỗi thời đại có một khuynh hướng sống, có những thách đố, có những ưu khuyết điểm. Chắc chắn thời nay khác với thời các vị tiền bối. Xã hội hôm nay có nhiều thách đố, nhưng chúng tôi chỉ đưa một vài vấn đề để suy nghĩ. Và ước mong linh đạo Dòng mình đáp ứng được phần nào trong tương lai chăng?

Với đà tiến của khoa học hiện đại, người ta hình như quá bận rộn với công ăn việc làm. Đầu óc họ luôn luôn bị căng thẳng bởi nếp sống công nghiệp hóa. Họ có ít thời giờ dành cho việc thờ phượng và bồi bỗ tâm linh. Bởi vậy, có được một nơi yên tĩnh, một nơi bình an là rất cần thiết để họ lấy lại thế quân bình sau những ngày tháng mệt nhọc với công việc. Ai có thể đáp ứng nhu cầu ấy, đó phải chăng là các đan viện Xitô Thánh Gia ? Vâng, thiết nghĩ, các đan viện chúng tôi phải là nơi có bầu không khí yên tĩnh, là nơi lý tưởng thực sự để đáp ứng nhu cầu đó, vì đó là linh đạo của Dòng mình. Nhưng làm thế nào để cuốn hút người ta đến với mình, đó là vấn đề khó. Thực tế, các đan viện chúng tôi cũng có khách tĩnh tâm liên tục, nhưng khi so với số lượng khách đến các thiền viện Phật giáo như Thường Chiếu, Trúc Lâm chẳng hạn, thì các đan viện chúng tôi còn thua kém. Chúng tôi đang băn khoăn làm thế nào để các đan viện trở thành những trung tâm tĩnh nguyện, những nơi an lành hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu tâm linh của xã hội hôm nay.

Con người hôm nay vốn nhàm chán những cung cách cầu nguyện. Các đan viện chuyên về phụng vụ, đáng lẽ phải là nơi khởi xướng những cung cách cầu nguyện sống động, để đáp ứng đòi hỏi tâm thức của con người thời đại. Nhưng thật khó, vì vướng đến “chữ đỏ” của phụng vụ Giáo hội. Các đan viện Thánh Gia chuyên về ca hát, nhưng thực tế các đan sĩ góp phần vào lĩnh vực thánh nhạc cho Giáo hội Việt Nam còn rất khiêm tốn. Đáng lẽ các đan sĩ phải góp phần tích cực hơn nữa trong lĩnh vực này, vì là “nghề của mình”. Việc khiêm tốn này một phần do các đan sĩ không được đào sâu về vấn đề âm nhạc, một phần có lẽ do quan niệm Dòng chiêm niệm không được đi ra ngoài hoạt động.

Trong quá khứ, các đan sĩ Xitô thường là những nhà trí thức. Các ngài đã có công chú giải Thánh Kinh và viết nhiều tác phẩm có giá trị về đời sống thiêng liêng, v.v… Vì thế, các đan viện Xitô thường có thư viện chứa nhiều loại sách quý phục vụ cho lãnh vực trí thức Giáo hội. Sở dĩ các ngài làm được như vậy là bởi họ biết sống triệt để linh đạo của mình, biết lợi dụng bầu khí thinh lặng để đọc sách, tìm tòi nghiên cứu, cầu nguyện, v.v… Còn các đan sĩ Xitô Thánh Gia hôm nay thế nào ? Cả Hội dòng đếm được bao nhiêu người thuộc diện “trí thức” ? Các đan sĩ Xitô đã viết được bao nhiêu sách có giá trị ? Lên được bao nhiêu trang Web để truyền đạt những kinh nghiệm về tâm linh, về kiến thức để phục vụ Giáo hội ? Có lẽ còn rất khiêm tốn. Chúng tôi thiết nghĩ, việc nghiên cứu, viết lách là công việc rất thích hợp với linh đạo chiêm niệm, vì các đan sĩ có nhiều giờ suy niệm, có bầu khí an bình và thinh lặng để làm những chuyện này. Còn các Dòng hoạt động còn phải bận bịu với bao nhiêu công việc mục vụ. Có thời giờ nghiên cứu, viết sách là một vấn đề khó khăn, nhất là trong thời buổi công nghiệp hiện đại này.

Đó là một vài thách đố đối với các các đan sĩ nói chung, cách riêng với các nhà đào tạo của từng đan viện Xitô Thánh Gia hôm nay. Làm thế nào để huấn luyện, đào tạo những đan sĩ có nhiều khả năng thể hiện linh đạo của Dòng một cách có hiệu quả trong thời buổi hôm nay để đáp ứng như cầu của thời đại.

TẠM KẾT

Mỗi linh đạo là một cách thức Thánh Thần hoạt động trong vị sáng lập, là một hướng đi, là một kiểu cách tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ con người. Nhờ những linh đạo của các vị tiền bối mà nhiều con người- qua mọi thời luôn được tắm mát, được thêm sức sống và thêm niềm hy vọng. Mặc dù Dòng Xitô không trực tiếp tắm mát, đem lại sức sống cho những người xấu số, những người bất hạnh ; không trực tiếp đem Tin Mừng đến cho mọi người như các Dòng Bệnh Viện, Dòng Giảng Thuyết, Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Đức Bà Truyền Giáo, Dòng Lazariste, v.v… Nhưng Dòng Xitô tắm mát dân Thiên Chúa một cách gián tiếp nhưng thật cao quí và phong phú. Công Đồng Vaticanô II đánh giá : “Trong những Hội dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình, thì cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết đi nữa, những Hội dòng ấy vẫn luôn giữ một địa vị cao quí trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo, làm vẻ vang dân Thiên Chúa bằng những hoa trái thánh thiện dồi dào, lấy gương lành lôi cuốn và làm cho dân ấy thêm lớn mạnh bằng việc tông đồ tuy âm thầm nhưng phong phú. Họ là vinh dự và là mạch tuôn trào các ơn thiêng”.[80] Trên lý thuyết là thế, nhưng thực tế không ai trong Hội dòng dám tự hào mình đã sống trọn vẹn linh đạo của Dòng mình. Bởi vậy, việc ý thức canh tân cách sống linh đạo của Dòng mình là điều đương nhiên. Có như thế mới đáp ứng được nhu cầu của con người thời đại, mới tồn tại và phát triển với cuộc sống con người hôm nay. Khi nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển linh đạo Dòng Xitô, chúng ta thấy các đan sĩ đàn anh đã góp một phần không nhỏ cho sự tồn tại và phát triển Giáo Hội và xã hội. Công đức của các đàn anh đã cải đổi bộ mặc thế giới Châu Âu. Hôm nay, những thế hệ con cháu, cách riêng những đan sĩ Xitô Thánh Gia Việt Nam đã thể hiện linh đạo Dòng mình như thế nào, có đủ sức mạnh để làm vinh danh Chúa, làm vẻ vang Giáo hội và xoa dịu nỗi đau cuộc đời như thế hệ đàn anh chưa ? Xin mời quí vị tới sống trong các đan viện Xitô Thánh Gia khoảng một tuần rồi sẽ có câu trả lời.

***

SÁCH THAM KHẢO

 

1/. Hiến Pháp Dòng Xitô, nguyên tác : Constitutiones Ordinis Cisterciens, anno 1969, do Jean Nguyễn Văn Đàng dịch, đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn, Đơn Dương, Lâm Đồng, lưu hành nội bộ 1999.

2/. Tuyên ngôn Đại hội toàn Dòng Xitô về những yếu tố chính yếu của đời sống Xitô hiện nay, nguyên tác: Declaratio Capituli Generalis Ordinis Cisterciensis de Elementis Paraecipuis Vitae Cisterciensis Hodiernae, 1969, do Jean Nguyễn Văn Đàng dịch, đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn, Đơn Dương, Lâm Đồng, lưu hành nội bộ 1999.

3/. Hội dòng Xitô Thánh gia Việt nam, Tu Luật Thánh Phụ Biển Đức.

4/. Hiến Pháp và Tuyên ngôn Hội dòng Xitô Thánh gia Việt nam

5/. Thói lệ Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam

6/. Hội dòng Xitô Thánh gia Việt nam, Giáo trình sử Dòng, tháng 7-1995

7/. Đan viện Bellefontaine, Những nguyên tắc của tu đạo đan tu theo truyền Xitô, tủ sách tìm Chúa.

8/. Les Cisterciens, của MSM, 1998, đan viện Xitô Phước Lý lưu hành nội bộ 2000.

9/. Ban huấn luyện Hội dòng Xitô Thánh gia Việt nam, đời sống thánh và lời khấn dòng, 1995.

10/. Thánh Bênađô nhà chiêm niệm và tông đồ. Đời sống và linh đạo (không rõ tác giả).

11/. Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, bản dịch của phân khoa Giáo Hoàng Học Viện Thánh PIO X Đà Lạt, Việt Nam.

12/. P. Nguyễn Thái Hợp, Lịch sử linh đạo, lưu hành nội bộ, Trung tâm học vấn Đa-minh, 2004-2005. 

 


[1] Vatican II, Lumen Gentium, số 44.

[2] X. Tuyên ngôn Đại hội toàn Dòng Xi-tô về những yếu tố chính yếu của đời sống Xi-tô hiện nay, số 9 ; Hiến pháp Toàn Dòng Xi-tô, điều 2, a.

[3] X. Hiến pháp Toàn Dòng Xi-tô, điều 16.

[4] Dòng Xi-tô sơ khai được gọi bằng danh xưng này. Mãi đến năm 1119 Dòng mới mang tên gọi là Dòng Cistels, tiếng La tinh Cisterciens, Tiếng Pháp Cisterciens hoặc Xiteaux, Tiếng Anh Cistercian, và tiếng Việt dịch là Xi-tô

[5] X. Hiến Pháp Toàn Dòng Xi-tô, điều 1.

[6] Trong bộ luật thánh Biển Đức sẽ được trình bày kỹ hơn ở phần dưới- phần linh đạo Xi-tô trên đất Việt Nam.

[7] X. Lời mở tu luật thánh Biển Đức.

[8] X. Tu luật thánh Biển Đức, chương 58.

[9] Theo thánh Biển Đức, lời hứa sống Khiết tịnh và khó nghèo nằm trong lời hứa Vâng phục (x. Tu luật thánh Biển Đức, ch. 58).

[10] Tên gọi ban đầu của Dòng Xi-tô.

[11] Đây là những quy chế ban đầu của Dòng Xi-tô, do viện phụ Alberico khởi xướng. Và những quy chế này chúng tôi trích trong tài liệu : Hội dòng Xi-tô Thánh gia Việt Nam, giáo trình sử dòng, tháng 7-1995.

[12] X. Tuyên Ngôn đại hội toàn Dòng Xi-tô, sđd., số 23.

[13] Ibid., số 23.

[14] Vì bài làm có giới hạn, nếu qúi vị muốn biết rõ bản hiến chương này và thế chế một cách đầy đủ hơn, xin tìm đọc : MSM, chuyển ngữ từ nguyên tác bằng tiếng Pháp, Les Cisterciens, 1998, do đan viện Xi-tô Phước lý lưu hành nội bộ 2000, tr. 46-47 và những cuốn liên quan tới linh đạo Dòng Xi-tô.

[15] X. Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia Việt Nam, Giáo trình sử Dòng, tháng 7-1995, tr. 45

[16] X. MSM. Sđd. tr. 29-30.

[17] X. Tu luật Biển Đức, chương 64.

[18] Đức Thánh Cha Pascal đã ưu ái ban đặc ân miễn trừ cho Tân đan viện qua văn thư Desiderium quod (theo lòng ước nguyện ấy) ngày 10-10-1110.

[19] Theo “Hạnh tích viện phụ Bênađô”.

[20] X. Tuyên Ngôn đại hội toàn Dòng Xi-tô, sđd., số 109.

[21] Trappiste de la stricte Observance (Ordo Comunis). Phong trào này do viện phụ Armand Jean Drancé khởi xướng tại đan viện Trappe. Năm 1893, Đức Léo XIII thống nhất một số đan viện thành một nhánh gọi là Xi-tô nhặt phép (Ordo Comunis).

[22] Hiện giờ Xi-tô nhặt phép có khoảng 70 đan viện chính thức ở khắp thế giới, cả Nhật Bản và Trung Quốc. Xi-tô chung phép có 11 Hội Dòng với trên 80 đan viện rải rác trên khắp thế giới. Hội Dòng Xi-tô Thánh gia Việt Nam thuộc nhánh chung phép. Mỗi nhánh có một Tổng viện phụ có trụ sở cạnh Toà Thánh. Mỗi Hội Dòng thuộc Xi-tô Chung phép có Tuyên ngôn và Hiến pháp riêng để điều hành, nhưng tất cả đều giữ tu luật thánh Biển Đức, và những điều được trình bày trong Tuyên ngôn của Đại hội toàn Dòng về những yếu tố chính yếu của đời sống Xi-tô hiện nay (x. Hiến Pháp Toàn Dòng Xi-tô, điều 3, điều 16).

[23] X. Hiến pháp Toàn Dòng Xi-tô, số 16.

[24] X. Tuyên Ngôn đại hội toàn Dòng Xi-tô, sđd., số 114,a,b.

[25] X. Ibid., số 13, và số 24 đến 27.

[26] Chẳng hạn như Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia Việt Nam.

[27] X. Tuyên Ngôn đại hội toàn Dòng Xi-tô, sđd., số 16, số 70, 71,a,b,c,d

[28] X. Ibid., số 119.

[29] Ibid., từ số 120 đến 122.

[30] Ibid., số 120.

[31] Ibid., số 120, a,b

[32] Ibid., số 123.

[33] Ibid., số 123, a,b,c.

[34] Ibid., số 109.

[35] Ibid., số 109.

[36] Ibid., điều 16.

[37] X. Hiến pháp Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 1.

[38] Tuyên ngôn Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 3.

[39] X. Hiếp pháp Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 143, số 144.

[40] X. Ibid., số 151 ; tu luật thánh Biển Đức, chương 67.

[41] Tuyên ngôn Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 4.  

[42] X. Hiến pháp Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 140 ; tu luật Biển Đức, chương 42.

[43] X. Hiến pháp Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 2.

[44] X. Thói lệ Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia Việt Nam, số 181.

[45] Tuyên ngôn Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 5.

[46] Tuyên ngôn Đại hội toàn Dòng Xi-tô, sđd., số 23.

[47] Những tư tưởng trên dựa trong cuốn : Đan viện Bellefontaine, Những nguyên tắc của tu đạo đan tu theo truyền thống Xi-tô, tủ sách Tìm Chúa, từ trang 26 đến trang 30.

[48] Hiến Pháp Toàn Dòng Xi-tô, điều 2.  

[49] Hiến pháp Hội dòng Xi-tô Thánh Gia, số 2.

[50] Tuân giữ khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục.

[51] X. Hiến pháp Hội dòng Xi-tô Thánh Gia, số 144.

[52] X. Ibid., số 151.

[53] X. Tuyên ngôn Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 10.

[54] Ibid., số 7.

[55] X. Tu luật thánh Biển Đức, Lời mở và chương 43 ; Hiến pháp Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 117.

[56] Ibid., số 6, số 117.

[57] X. Hiến pháp Hội dòng Xi-tô Thánh Gia, số 118.

[58] Tuyên ngôn Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 12.

[59] X. Hiến pháp Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 134.

[60] X. Tuyên ngôn Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 12.

[61] Tu luật thánh Biển Đức, lời mở

[62] X. Ibid., chương 34 ; Hiến pháp Hội dòng Xi-tô Thánh Gia, số 107 đến 110 ; Tuyên ngôn Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 17 và 18.

[63] X. Hiến pháp Hội dòng Xi-tô Thánh Gia, số 131 ; Tuyên ngôn Hội dòng Xi-tô Thánh Gia, số 11.

[64] Là tự nguyện sống kiên định trong nếp sống đan tu và sống chết với anh em trong đan viện mình khấn, không di dờ từ đan viện này hay đan viện khác, khi không có lý do chính đáng(x. Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh Gia,số 104).

[65] Buộc các đan sĩ cố gắng mỗi ngày tiến tới và dùng mọi phương thế Tu luật và Hiến pháp đã đề ra để đạt tới Đức Aùi hoàn hảo (x. Hiến Pháp Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 106).

[66] X. Tu luật thánh Biển Đức, chương I

[67] Hoặc nhà không có viện phụ thì Viện trưởng là Bề trên thượng, có toàn quyền trên đan viện mình như viện phụ, trừ một số trường hợp được quy định thể khác(x. Hiến pháp Hội dòng Xi-tô Thánh Gia, số 4.)

[68] X. Tuyên ngôn Hội dòng Xi-tô Thánh Gia, số 17, và Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh Gia, số 5.

[69] Là các đan sĩ đã khấn trọn đời (trong đó gồm có các linh mục) trong đan viện(x. Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh Gia, số 20 và 21). Khác với Hội đồng đan viện chỉ các linh mục trong đan viện (x. Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh Gia, từ số 23 đến số 29.

[70] X. Hiến pháp Hội dòng Xi-tô Thánh Gia, số 6.

[71] Ibid., số 8.

[72] Ibid., số 9.

[73] Hiện nay Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia có 9 đan viện (8 tại Việt Nam, 1 tại Thụy Sĩ) : Đan Viện Thánh Mẫu Phước Sơn(ở Bà Rịa Vũng Tàu), Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn (ở Nho Quan Ninh Bình), Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn (ở Đơn Dương, Lâm Đồng), Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý (ở Đồng Nai), Đan Viện Thánh Mẫu Châu Thủy(ở Hàm Tân, Bình Thuận), Đan Viện Thánh Mẫu Thiên Phước (ở Bà Rịa Vũng Tàu), Đan Viện Thánh Mẫu Phước Vĩnh (ở Trà Vinh), Đan Viện Thánh Mẫu Fatima (ở Orsonnes, Thụy Sĩ), Nữ Đan Viện Thánh Mẫu Vĩnh Phước (ở Biên Hòa). Có khoảng 600 thành viên trong Hội Dòng (tính từ thỉnh sinh)

[74] Hiến pháp Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 31.

[75] Ibid., số 39.

[76] Ibid., số 40.

[77] X. Ibid., số 53, số 54, số 55 ; Hiến pháp toàn Dòng Xi-tô, số 30 đến 35 ; Tuyên ngôn Đại hội toàn Dòng Xi-tô, sđd., số 113.

[78] X. Hiến pháp Dòng Xi-tô Thánh Gia, số 42, 2 ; Hiến pháp toàn Dòng Xi-tô, số 36 đến 46 ; Tuyên ngôn Đại hội toàn Dòng Xi-tô, sđd., số 115.

[79] X. Hiến pháp Dòng Xi-tô Thánh Gia, từ số 42 đến 47.

[80] X. Vaticanô II, Sắc lệnh về việc Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu, số 7.