Friday, 24 January 2020 01:27

Nền Tảng Của Bí Tích Thêm Sức Featured

Tim Gray

 

I. TỔNG QUAN

Bí tích Thêm Sức tăng cường và củng cố ấn tích Chúa Thánh Thần đã trao ban cho chúng ta trong Bí tích Rửa Tội. Dấu chỉ của Bí tích là việc xức dầu bằng dầu thánh, gọi là dầu Sanctum Chrisma” (S.C.).

HOLY20SPIRIT20WEBSIZE20TAN20BACKGROUNDViệc xức dầu bằng dầu thánh giữ lại ý nghĩa lớn lao trong Cựu Ước, bao gồm việc thanh tẩy và chữa lành, nhưng quan trọng nhất là mục đích sử dụng của nó trong việc biểu thị sự thánh hiến.[1] Tại Israel, các tư tế, ngôn sứ và vương đế được thánh hiến cho thánh vụ của họ bằng việc xức dầu.

Đức Giêsu đã đảm nhận chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Cựu Ước khi Người được xức dầu bằng Thánh Thần lúc Người chịu phép rửa. Tại sông Jordan, cùng với việc được đổ tràn Thần Khí, Đức Giêsu đã tỏ lộ Người là “Đấng Kitô”, đó là tước hiệu có nghĩa đen là “Đấng được xức dầu”. Trong Bí tích Thêm Sức, việc xức dầu Rửa Tội được củng cố và tăng cường, vì chúng ta cũng được xức dầu như Đức Kitô, nhờ đó chúng ta trở thành Kitô hữu - tức là “những người được xức dầu” - được xức dầu bằng dầu thánh biểu trưng cho Chúa Thánh Thần; Để rồi đời sống của chúng ta cần làm chứng cho sức mạnh của Chúa Thánh Thần, với Đấng mà Cha Trên Trời đã xức trên chúng ta.

II. CỰU ƯỚC

Xức dầu là lễ nghi trung tâm của lễ tấn phong chức tư tế trong Cựu Ước. Moses đã nhận lệnh truyền này từ Đức Chúa để xức dầu tấn phong Aaron và các con trai ông:Ngươi sẽ dẫn Aaron và các con ông đến gần cửa Lều Hội Ngộ... rồi xức dầu và thánh hiến nó để nó thi hành chức tư tế phục vụ Ta. Còn các con của nó, ngươi sẽ dẫn lại gần và cho chúng mặc áo dài. Ngươi sẽ xức dầu cho chúng như đã xức dầu cho cha chúng, để chúng thi hành chức tư tế phục vụ Ta. Như thế, việc xức dầu cho chúng, làm chúng trở nên tư tế vĩnh viễn từ đời nọ đến đời kia (Xh 40,12-15).

samuel bringing gods message to a boy of bethlehemViệc thánh hiến bằng dầu, tức việc xức dầu, đã truyền chức vụ và sứ vụ tư tế. Dầu thánh là thành phần quan trọng của việc thánh hiến tư tế, đến độ việc xức dầu gợi lên những hình ảnh đặc trưng về chức tư tế. Chẳng hạn như, tác giả sách Thánh Vịnh có thể so sánh sự hiệp nhất cao quý giữa những người anh em với dầu quý của cuộc thánh hiến Aaron: Như dầu quý đổ trên đu, xuống râu xuống cổ áo chầu Aaron” (Tv 133,2).

Một trong những vai trò của các ngôn sứ là việc xức dầu cho các vua Israel. Ngôn sứ Samuel đã thánh hiến Saul làm vua Israel bằng việc xức dầu: Ông Samuel lấy lọ dầu và đổ trên đầu ông Saul, rồi ôm hôn ông và nói: “Chẳng phải Đức Chúa đã xức dầu cho ông làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Người sao?” (1Sm 10,1).

Sau đó, Samuel cũng xức dầu phong vương cho David, bằng việc xức dầu, Thần Khí Đức Chúa ngự xuống trên David: Ông Samuel cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu ở giữa các anh của cậu. Thần Khí ĐỨC CHÚA ập xuống trên David từ ngày đó và mãi về sau” (1Sm 16,13). Các tư tế, ngôn sứ và vương đế giữ một chức vụ có tầm quan trọng và tinh thần trách nhiệm, đến độ họ cần sự trợ giúp của Thiên Chúa, điều đó được biểu thị và nên hữu hiệu bằng việc xức dầu. Việc xức dầu truyền ban Thần Khí của Đức Chúa là để ban quyền cho những ai lãnh tác vụ phụng sự Thiên Chúa theo một cách thế đặc biệt. Sách Giáo Lý chỉ rõ:“Trong Israel, những ai được thánh hiến cho Thiên Chúa để thi hành một sứ vụ Ngài trao phó, đều được xức dầu nhân danh Thiên Chúa.[2]

Mỗi vị vua của Israel đều được xức dầu trong lễ tấn phong của mình. Như một hệ quả, suốt thời lưu đầy, tước hiệu dành cho vị vua tương lai sẽ dẫn dắt Israel khỏi cảnh lưu đầy và phục hồi vương quốc đã được đơn giản thành tên gọi “Messia”, mà nghĩa đen trong tiếng Hipri có nghĩa là “người được xức dầu”. Các ngôn sứ đã tiên báo rằng, rồi sẽ có một người, một người được Thiên Chúa xức dầu bằng Thần Khí của Người, người ấy sẽ cứu chuộc Israel (x. Is 61,1). Toàn dân đều khắc khoải chờ đợi sự xuất hiện của người được Đức Chúa xức dầu.

III. TÂN ƯỚC

Khi Đức Giêsu được xức dầu, thì Người có thể được gọi là Đấng Messia, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa hay không? Theo Thánh Phêrô, Đức Giêsu Nazareth được xức dầu khi Người chịu phép rửa tại sông Jordan:“Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong [Người]” (Cv 10,38). Khi Đức Giêsu lên khỏi mặt nước sông Jordan,“Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng tựa chim bồ câu” (Lc 3,22). Như David và những vị vua Israel được xức dầu, thì Đức Giêsu cũng vậy, Người là hậu duệ David, được xức dầu (bằng Thánh Thần) khi Người chịu Phép Rửa nơi sông Jordan. Việc Đức Giêsu được xức dầu bằng Thần Khí đánh dấu sự khởi đầu sứ vụ công khai của Người; kể từ đó, Đức Giêsu đón nhận vai trò tư tế, ngôn sứ và vương đế.[3]

pentecoste64Sau khi được xức dầu nơi sông Jordan, Người có thể thực sự được gọi là Đức Kitô, bởi vì giờ đây Người đã được xức dầu tấn phong. Ngay sau khi Đức Giêsu được xức dầu tấn phong, Người được “Thánh Thần dẫn đi” trong hoang địa (Lc 4,1). Từ hoang địa, Đức Giêsu đến Nazareth, ở đó Người cầm lấy quyển ngôn sứ Isaia và làm cho những lời của vị ngôn sứ xưa nên ứng nghiệm nơi chính Người:“Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, để tôi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18). Vì Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người nơi sông Jordan, nên Đức Giêsu hoàn thành những lời của Isaia, và vì thế có thể khẳng định Đức Chúa đã xức dầu tấn phong Người. Đức Giêsu chính là Đấng Kitô.

Đức Giêsu khởi đầu tác vụ và sứ vụ Messia của Người bằng việc được Đức Chúa xức dầu. Trong sách Tin Mừng, tác giảLuca làm nổi bật toàn bộ sứ vụ của Đức Giêsu được Thần Khí chứng thực như thế nào. Tác giả Luca nhấn mạnh điểm này bằng cách thuật lại cho chúng ta rằng: sau khi Đức Giêsu chịu Phép Rửa và được xức dầu nơi sông Jordan, “được đầy quyền năng Thần Khí, Người trở về miền Galilee” (Lc 4,14). Tất cả những gì Đức Giêsu làm, từ những việc chữa lành cách lạ lùng cho đến việc giảng dạy năng động, Người làm bằng quyền năng của Thần Khí. Sứ vụ của Đức Giêsu được thực hiện trong Thần Khí, tức là điều được công bố qua việc đổ tràn Thần Khí trên Đức Giêsu lúc khởi đầu cuộc sống công khai của Người.

Khi tác giả Luca viết quyển sách sau Tin Mừng là Công Vụ Tông Đồ, ngài đã cẩn thận trưng ra nét giống nhau giữa cuộc đời Đức Giêsu (điều ngài đã thuật lại trong Tin Mừng của mình) và đời sống của Giáo Hội (tức đề tài chính của sách Công Vụ). Nếu như sứ vụ của Đức Giêsu bắt đầu từ việc Người được xức dầu bằng Thần Khí, thì cũng vậy, sứ vụ của Giáo Hội khởi đi bằng việc được Thánh Thần đổ xuống vào Lễ Ngũ Tuần. Giáo Hội, thân thể thuộc về Đức Kitô, trong Lễ Ngũ Tuần, đã sống lại việc Đức Giêsu được xức dầu bằng Thần Khí. Nơi sông Jordan, Thần Khí ngự xuống trên Đức Giêsu dưới hình chim bồ câu, và trong Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ dưới hình dáng những lưỡi lửa (Cv 2,3), tác giả Luca đã cho thấy cả ĐứcGiêsu và Giáo Hội bắt đầu sứ vụ của mình qua việc được Chúa Thánh Thần đổ xuống như thế nào. Tại Lễ Ngũ Tuần, niềm tin của các môn đệ được củng cố và tăng cường bằng quyền năng Chúa Thánh Thần, ngay lập tức họ rời khỏi Căn Phòng Trên Lầu là nơi họ đang lẩn trốn, để tỏa ra các đường phố Jerusalem và khắp thế giới để công bố Tin Mừng.

KẾT LUẬN

7k3t27jkymqeylhqjfztj4n6oxlĐiều gì làm cho chúng ta thành “Kitô hữu”? Phải chăng chỉ đơn thuần là việc bước theo Đức Giêsu và cố gắng bắt chước gương mẫu của Người? Thưa, không chính xác. Nếu tách khỏi ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta không có khả năng bước theo Đức Giêsu và rập khuôn theo đường lối của Người. Chỉ với quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể bước theo Đức Giêsu. Điều làm cho chúng ta trở thành “Kitô hữu” chính là thực tại mà chúng ta có được, đấy là việc được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho chúng ta trong Bí Tích Rửa Tội và trọn vẹn nơi Bí Tích Thêm Sức, khi chúng ta được xức dầu bởi Giám Mục. Chúng ta là những người “Kitô hữu” vì theo nghĩa đen, chúng ta là những “người được xức dầu”. Sách Giáo Lý tóm lại điều này: “Việc xức dầu này làm sáng tỏ danh xưng “Kitô hữu” (Christianus), có nghĩa là “người được xức dầu” và bắt nguồn từ danh xưng của chính Đức Kitô (Christus): Thiên Chúa,Đấngdùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người”.[4]

Toàn bộ năng lực của việc xức dầu mà chúng ta nhận được nơi Bí tích Thêm Sức, chỉ có thể nắm bắt được trong mối liên hệ với việc xức dầu đầu tiên, được Chúa Thánh Thần hoàn trọn là chính Đức Giêsu Kitô.[5] Mỗi hành động trong cuộc đời Đức Giêsu đều chứng thực cho sự hoàn trọn của việc xức dầu này. Cuộc đời của chúng ta cũng cần sinh hoa trái xứng đáng là những người đã được xức dầu bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần. Như chính Đức Giêsu được “Thần Khí dẫn đi” sau khi Người được xức dầu, thì chúng ta cũng cần được Thần Khí hướng dẫn, như Thánh Phaolô nói:“Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14). Trong Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức mà chúng ta lãnh nhận, chúng ta được xức dầu bằng Thần Khí, và vì thế tất cả chúng ta đều được dự phần ở một mức độ nhất định, vào sứ vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế của Đức Giêsu.[6] Nhờ Bí tích Thêm Sức và ân sủng của Bí tích này, chúng ta cần mạnh dạn làm chứng cho Đức Giêsu trước mặt mọi người, chia sẻ niềm tin của chúng ta qua việc làm bác ái với những người khác, vì việc chúng ta được xức dầu cũng đồng thời là đón nhận một sứ vụ, nghĩa là chúng ta đã được Chúa Cha trao sứ vụ, sứ vụ noi gương Chúa Con nhờ sức mạnh của Thần Khí. Sách Giáo Lý phát biểu rõ:Nhờ Bí tích Thêm Sức, các Kitô hữu, nghĩa là những người đã được xức dầu, tham dự nhiều hơn vào sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô và vào sự tràn đầy Chúa Thánh Thần như Người, để cả cuộc đời của họ tỏa ngát hương thơm của Đức Kitô”.[7]

 

 

 

 


[1]x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, các số 1293-1294.

[2]Ibid., số 436.

[3]x. Ibid., các số 436,1286.

[4]Ibid., số 1289.

[5]x. Ibid., số 695.

[6]x. Ibid., số 783.

[7]Ibid., số 1294.