Friday, 24 January 2020 01:27

Tìm Hiểu Khái Quát Về Bí Tích Thêm Sức Featured

Tác giả: LUDWIG OTT

 

I. Ý NIỆM VÀ TÍNH BÍ TÍCH CỦA BT THÊM SỨC

1.  Ý niệm

THÊM SỨC là BT, trong đó người đã lãnh nhận BT Thánh Tẩy được ban tràn đầy Thánh Thần qua việc đặt tay, xức dầu và lời nguyện để củng cố sâu xa đời sống siêu nhiên và để tuyên xưng đức tin ra bên ngoài cách công khai. Thánh Tôma xem BT này là “BT tràn đầy ân sủng” và là BT "trong đó những sức lực củng cố tinh thần được trao ban cho người đã được tái sinh”. S.Th. III 72,1 ad 2; S.c.G. IV 60.

2.  Tính Bí Tích của Thêm Sức

THÊM SỨC LÀ MỘT BÍ TÍCH THẬT VÀ ĐÚNG ĐẮN (De fide).

Công đồng Tridentinô kết án nhóm Tin Lành vì cho rằng Thêm sức không có chứng cứ Thánh Kinh: SI QUIS DIXERIT, CONFIRMATIONEM BAPTIZATORUM OTIOSAM CAEREMONIAM ESSE ET NON POTIUS VERUM ET PROPRIUM SACRAMENTUM, ANATHEMA SIT. D 871.

Bản tuyên tín Apologia Confessionis MELANCHTON (ART. 13,6) cho rằng BT Thêm Sức là nghi thức do các Giáo Phụ đặt ra, không cần thiết cho ơn cứu độ vì không có mệnh lệnh của Thiên Chúa. Theo A. Harnack, sử gia về tín điều thiên về nhóm Duy Lý, cho rằng BT Thêm Sức hình thành do những nghi thức kềm theo khi trao ban BT Thánh Tẩy, dần dần tách ra và độc lập. Đức Giáo Hoàng Piô X kết án lối xác quyết của nhóm Duy Tân (Modernisten), cho rằng Thánh Tẩy và Thêm Sức trong thời cổ của Kitô giáo, không phải là hai BT tách biệt. D 2044.

a) Chứng cứ của Thánh Kinh

Thánh Kinh chỉ có những chứng cứ gián tiếp về việc Chúa Kitô thiết lập BT Thêm Sức. Sau khi các ngôn sứ thời Cựu Ước nói trước về việc tuôn rưới Thần Khí của Thiên Chúa trên mọi xác phàm như dấu chứng cho thời đại Mêssias (so Ge 2,28t [M 3,1t] = Cv 2,17t; Is.44,3-5; Ed 39,29), Chúa Giêsu cũng hứa ban Thánh Thần cho các Tông Đồ của Người (Ga 14,16t.26; 16,7tt; Lc 24,49; Cv 1,5) và cho mọi tín hữu trong tương lai (Ga 7,38t). Vào Ngày Lễ Hiện Xuống, Người đã thực hiện lời hứa đó với cộng đoàn tiên khởi. Cv 2,4: “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.”

Trong thời gian kế tiếp, các Tông Đồ cũng ban cho các tín hữu Chúa Thánh Thần qua hành động bên ngoài bằng việc đặt tay. Cv 8,14tt tường trình như sau :

“Các Tông Đồ ở Giê-ru-sa-lem nghe biết dân miền Sa-ma-ri đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phê-rô và ông Gio-an đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống trong một ai trong nhóm họ : họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.”

Theo đoạn Cv 19,6 , Thánh Phaolô cũng đã ban Thánh Thần cho mười hai môn đệ thành Ephêsô, sau khi lãnh nhận Thánh Tẩy, cũng bằng nghi thức đặt tay : “Và khi Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. Cả nhóm có chừng mười hai người.” Theo đoạn Dt 6,2, việc đặt tay để ban Thánh Thần (c. 4) thuộc nền tảng của Kitô giáo, cận kề với việc Thánh Tẩy.

Tính BT của việc Thêm Sức nổi bật trong những đoạn vừa trích dẫn :

- Các Tông Đồ hoàn tất nghi thức BT bao gồm việc đặt tay và lời cấu nguyện.

- Hiệu quả của nghi thức bên ngoài này là việc trao ban Chúa Thánh Thần, nguyên lý thánh hóa nội tâm. Theo như đoạn Cv 8,18 có một liên hệ nhân quả giữa việc đặt tay và việc ban Thánh Thần (per impositionem manus Apostolorum).

- Các Tông Đồ thực hành theo mệnh lệnh của Đức Kitô. Vì Đức Kitô đoan hứa sẽ ban Thánh Thần cho tất cả những người tin, nên phải chấp nhận rằng, Người đã ra chỉ thị về cách thức để trao ban. Việc các Tông Đồ như là những người phục vụ và quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa (1 Cr 4,1) đương nhiên cử hành nghi thức đặt tay, thì phải hiểu ngậm rằng đã có một sự sắp xếp chỉ dạy của Chúa Kitô.

Thánh Tôma dạy rằng, Chúa Kitô thiết lập BT Thêm sức NON EXHIBENDO, SED PROMITTENDO, có nghĩa là Chúa đã không tuyên hứa một điều đã ban, nhưng hứa về một sự sẽ ban trong tương lai, vì trong BT này việc trao ban tràn đầy Thánh Thần không thể diễn ra trước cuộc Phục Sinh và Lên Trời của Đức Kitô được. (S.th. III 72, 1 ad 1). Một vài thần học gia Kinh Viện như Magister Roland và Bonaventura có ý kiến, BT Thêm sức do các Tông Đồ hay nói cho đúng là chính Chúa Thánh Thần qua các Tông Đồ mà thiết lập (gián tiếp do Thiên Chúa thiết lập). Alexander thành Hales hay đúng hơn quyển Summa đề tên của ông, nêu ý kiến rằng, BT Thêm Sức nhờ tác động của Thánh Thần được thiết lập trong công đồng Meaux (in concilio meldensi); thực ra ở đây ông chỉ nhìn đến việc xác định cuối cùng về nghi thức BT thường được áp dụng ở thời của ông. Ông không phủ nhận việc đặt tay do chính Chúa Giêsu thiết lập để trao ban Thánh Thần.

b) Chứng cứ của Thánh Truyền

Cho dù BT Thêm sức vào thời Kitô giáo cổ được liên kết chặt chẽ với BT Thánh Tẩy, nhưng theo chứng cứ của truyền thống cổ, nó là nghi thức BT khác biệt hẳn với BT Thánh Tẩy.

Tertullian nhận thấy BT Thánh Tẩy là một chuẩn bị để lãnh nhận Chúa Thánh Thần: “Không phải chúng ta đạt được Chúa Thánh Thần trong nước, nhưng chúng ta chỉ được thánh tẩy trong nước để lãnh nhận Chúa Thánh Thần” (De bapt. 6). Sau Thánh Tẩy, tiếp đến là một việc xức dầu toàn thân (xức dầu của BT Thánh Tẩy), đoạn đến việc đặt tay: “Sau khi chúng ta bước ra khỏi hồ nước rửa tội, chúng ta sẽ được xức với dầu đã được thánh hiến” (c. 7). “Sau đó là việc đặt tay, qua một lời chúc lành, người ta kêu mời Thánh Thần ngự xuống” (DEHINC MANUS IMPONITUR PER BENEDICTIONEM ADVOCANS ET INVITANS SPIRITUM SANCTUM ; c. 8). Hiệu quả của nghi thức này là việc trao ban Thánh Thần. Trong tác phẩm DE CARNIS RESURRECTIONE 8, Tertullian kể những nghi thức khai tâm như sau : BT Thánh Tẩy, Xức dầu, Ghi dấu (Thánh Giá), Đặt tay, lãnh nhận BT Thánh Thể.
Hippolyt thành Rôma (+ 235) trong quyển Trật tự Hội Thánh (Apostolikhê paradosis) có nhắc nhở những nghi thức Thêm Sức như sau: Việc đặt tay của Giám mục và lời nguyện, Xức dầu với dầu thánh hiến - việc xức dầu này khác hẳn với việc xức dầu của Linh mục hoàn tất BT Thánh Tẩy - liên kết với việc đặt tay đồng thời đọc công thức chúc lành nhân danh Chúa Ba Ngôi, ghi dấu Thánh Giá trên trán và hôn bình an. So In Dan. 1,16.

Đức Giáo Hoàng Cornelius (251-253) kết án Novatian, sau khi ông ta lãnh nhận BT Thánh Tẩy, BT mà ông nhận trên giường bệnh qua việc rảy nước Thánh Tẩy, “bây giờ đã lành mạnh, lại không nhận những gì còn sót lại theo đúng luật Hội Thánh, đó là việc đóng ấn do vị Giám mục”. Từ đó Đức Giáo Hoàng mới đặt vấn nạn: “Làm thế nào mà ông ta có thể lãnh nhận Chúa Thánh Thần được, khi ông chưa lãnh nhận?” (Ep. ad Fabium Ant.; Eusebius, H.e. VI 43,15).

Dựa vào đoạn Cv 8,14tt, thánh Cyprian nói: “Điều này vẫn còn tiếp diễn ở giữa chúng ta. Người ta sẽ đem những người vừa lãnh nhận BT Thánh Tẩy đến trước những vị lãnh đạo Hội Thánh (= các Giám mục), để qua lời cầu nguyện và việc đặt tay của chúng tôi, họ lãnh nhận Chúa Thánh Thần và qua dấu ấn của Chúa, họ được thiện toàn” (Ep. 73,9). So Ep. 74,5 và 7.

Theo công đồng Elvira của Tây Ban Nha (khoảng năm 305), “những ai lãnh nhận Thánh Tẩy khẩn cấp trong một cơn bệnh do một giáo dân hoặc do một thầy Phó Tế, phải được dẫn đến trước vị Giám mục, để họ được thiện toàn do việc đặt tay” (điều 38 và 77). D 52 d-e.

Thánh Cyrill thành Giêrusalem (+ 386) (hay người kế nhiệm tên là Johannes) đề tặng BT Thêm Sức một giáo lý khai tâm thứ ba, với tựa đề: “Về việc xức dầu” (peri chrismatos). Chúng ta còn có nhiều chứng cứ khác do các vị : Ambrosius (De sacr. III 2,8-10 ; De myst. 7,42), Hieronymus (Dial. c. Luciferianos 8t), Innocent I (Ep. 25,3), Augustinus (De Trin. XV 26,46 ; In ep. I Ioan. tr. 6,10), Đức Leô I (Sermo 24,6), Ps.-Dionysius (De eccl.hier. 4,3,11).

Thần học Kinh Viện đặt nền tảng cho sự hiện hữu của BT Thêm Sức cách đặc thù dựa trên sự tương tự giữa đời sống tự nhiên của thân xác và đời sống siêu nhiên của linh hồn. Như sự sinh hạ theo thể xác, có một BT cần thiết cho việc sinh hạ tinh thần, đó là BT Thánh Tẩy, thì đáp ứng với việc tăng trưởng thể xác, cũng có một BT để củng cố và hoàn tất đời sống siêu nhiên, đó là BT Thêm sức. S.th. III 72,1.

II. DẤU CHỈ BÊN NGOÀI CỦA BT THÊM SỨC

1.  Chất Thể

Thực tế, cho đến nay chưa có những quyết định dứt khoát của giáo quyền về chất thể chính yếu của BT Thêm Sức. Những ý kiến của các nhà thần học chia rẽ nhau.

a) Căn cứ vào Thánh Kinh (Cv 8,17 ; 19,6 ; Dt 6,2) một số người cho CHỈ CÓ VIỆC ĐẶT TAY là chất thể chính yếu (Petrus Aureoli , Dionysius Petavius). So D 424.

b) Căn cứ vào Decretum pro Armenis (D 697), giáo lý của công đồng Tridentinô (D 872), quyển Catechismus Romanus (II 3,7), truyền thống của Hội Thánh Hy Lạp và giáo lý của thánh Tôma (S.th. III 72,2 ; De art. fidei et sacra. Eccl), một số người khác cho rằng CHỈ CÓ VIỆC XỨC DẦU CHRISAM là chất thể chính yếu (Bellamin, Gregor thành Valencia, Wilhelm Estius).

Chứng cứ Thánh Kinh chống lại ý kiến này. Decretum pro Armenis không phải là phán quyết về giáo lý có tính bất khả ngộ. Công Đồng Tridentinô bảo vệ việc xức dầu Chrisam, nhưng không đưa ra quyết định đó là chất thể chính yếu. Trong truyền thống của Giáo Hội Hy Lạp, việc xức dầu nổi bật, nhưng rõ ràng là liên kết với việc đặt tay (so Firmalian thành Cêsarêa, ngài công nhận việc đặt tay là nghi thức ban Thánh Thần: Ep. 75,7t và 18 trong tập hợp những thư tín của Cyprian; Cyrill thành Giêrusalem, Cat. 16,26; Apost. Const. II 32,3; III 15,3). Dù vậy người ta cũng chấp nhận trong việc đụng chạm thể lý mà việc xức dầu đòi buộc, cũng có thể hiểu ngậm việc đặt tay. Trong nhiều đoạn khác, Tôma cũng gọi việc đặt tay là thành phần của nghi thức Thêm sức và công nhận hiệu quả ban ơn Thánh Thần. (Xc. S.th. III 84,4 ; S.c.G. IV 60).

c) Đại đa số các thần học gia ngày nay thống nhất với cách thực hành của Hội Thánh, cho chất thể chính yếu của BT Thêm Sức gồm việc đặt tay cùng với việc xức dầu Chrisam trên trán. Điều này Michael Palaeologus cũng đã tuyên tín trong PROFESSIO FIDEI (1274), cho rằng việc đặt tay cũng như việc xức dầu Chrisam là thành phần của BT Thêm sức: ALIUD EST SACRAMENTUM CONFIRMATIONIS, QUOD PER MANUM IMPOSITIONEM EPISCOPI CONFERUNT CHRISMANDO RENATOS (D 465). Tương tự như ở CIC 780. Như thế một quyết định dứt khoát về chất thể chính yếu của BT Thêm Sức cũng chưa được ban ra.

Việc đặt tay thuộc vào dấu chỉ BT được Thánh Kinh và Thánh Truyền minh chứng (tertullian, Hippolyt, Cyprian, Firmilian thành Cêsarêa, Hiêrônymô, Augustinô). Nghi thức Rôma có hai lần đặt tay, một lần chung (giang tay trên cộng đoàn) và một lần riêng (từng cá nhân). Dù lần đặt tay chung không có trong nghi thức của Giáo Hội Hy Lạp, nhưng Giáo Hội công giáo vẫn công nhận Thêm Sức của giáo hội Hy Lạp là thành sự, như thế có thể nói là lần đặt tay riêng là thành phần chính yếu của dấu chỉ BT. Về mặt lịch sử, người ta chỉ gặp ở đầu thế kỷ thứ 3 (Origenes, In Lev.hom. 8,11 ; Hippolyt thành Rôma, Traditio Apost.). Trong khi ở Giáo Hội Tây Phương dần dần thực hiện hai lần xức dầu một lần cho BT Thánh Tẩy và một lần cho BT Thêm sức, đây là điều mà người ta đã thấy có từ thời Hippolyt : hai lần xức dầu sau BT Thánh Tẩy, thì bên Giáo Hội Đông Phương chỉ nhận một lần xức dầu sau BT Thánh Tẩy và coi đó là nghi thức chính yếu để ban Thánh Thần (Serapion thành Thmuis, Cyrill thành Giêrusalem).

Người ta không thể minh chứng được là việc xức dầu trong BT Thêm Sức có từ thời các Tông Đồ. Các đoạn 2 Cr 1,21; 1 Ga 2,20.27 hiểu về việc xức dầu theo một ý nghĩa chuyển dịch. Nếu như người ta xác tín việc thiết lập BT theo cách IN SPECIE, thì việc xức dầu mới được xem như là thành phần chính yếu của dấu chỉ BT, nếu như chính Chúa Kitô sắp xếp như thế. Nhưng điều này không có chứng cứ gì cả. Ngược lại, nếu như chúng ta chấp nhận Đức Kitô thiết lập dấu chỉ BT của Thêm Sức IN GENERE, thì có thể Hội Thánh bổ túc vào nghi thức nguyên thủy của việc đặt tay bằng nghi thức xức dầu. Cách giải thích của Công Đồng Tridentinô “salva illorum substantia” (D 931) thiên về việc thiết lập in specie, ra chỉ thị, việc xức dầu là một điều kiện do Hội Thánh thiết đặt cho việc ban BT thành sự hay ít ra là được phép.

MATERIA REMOTA của BT Thêm Sức là dầu thánh Chrisam, được chuẩn bị bằng dầu và hương liệu thơm, được Đức Giám mục thánh hiến vào ngày thứ năm Tuần Thánh. D 697. Cho đến thế kỷ thứ 6 người ta vẫn sử dụng dầu Olive thô. Vào khoảng năm 500, chúng ta mới gặp chứng cứ đầu tiên về việc trộn hương liệu thơm vào dầu (Ps.-Dionysius, De Eccl. hier. 4,3,4). Việc thánh hiến dầu Chrisam đã được nhiều giáo phụ minh chứng (Tertullian, Hippolyt; so Kinh nguyện thánh hiến trong Euchologium của Serapion thành Thmuis) được thánh Tôma cũng như nhiều thần học gia xem là điều kiện để BT thành sự, nhưng một số thần học gia khác lại cho đó là điều kiện để được phép ban BT.

2.  Mô thức

MÔ THỨC CỦA BT THÊM SỨC LÀ LỜI ĐỌC KÈM THEO VIỆC ĐẶT TAY TRÊN TỪNG CÁ NHÂN LIÊN KẾT VỚI VIỆC XỨC DẦU TRÊN TRÁN. Sent.communis.

Đoạn Cv 8,15 và nhiều giáo phụ như Tertullian, Cyprian, Ambrosius cho thấy kèm theo việc đặt tay là một lời kinh xin ban Thánh Thần. Theo Hippolyt, trước tiên vị Giám mục đọc một lời nguyện cầu xin ơn sủng của Thiên Chúa liên kết với việc đặt tay chung; tiếp đến là việc xức dầu và đặt tay trên từng cá nhân khi đọc công thức chỉ định: UNGUEO TE SANCTO OLEO IN DOMINO PATRE OMNIPOTENTE ET CHRISTO IESU ET SPIRITU SANCTO.
Vào cuối thế kỷ thứ 12 mới thấy xuất hiện mô thức mà ngày nay vẫn sử dụng trong giáo hội La Tinh (Sicard thành Cremona, Huguccio): N. SIGNO TE SIGNO CRUCIS ET CONFIRMO TE CHRISMATE SALUTIS. IN NOMINE PATRIS ET FILIIS ET SPIRITUS SANCTI. R.AMEN. Từ thế kỷ 4-5, Giáo Hội Hy Lạp sử dụng mô thức: “ấn tín hồng ân là chính Chúa Thánh Thần. Mô thức này được Asterius thành Amasea (khoảng 400) liên kết với BT Thánh Tẩy, giáo khoản 7 không chính thức của Công đồng Constantinople I xem như là thành phần của nghi thức giao hòa và được công đồng Trullian (692) ra chỉ thị phải thực hành đại đồng (can. 95).

III. CÁC HIỆU QUẢ CỦA BT THÊM SỨC

1.  Ân sủng của Bí Tích Thêm Sức

a) NHƯ BT CHO KẺ SỐNG, BT THÊM SỨC (PER SE) GIA TĂNG ÂN SỦNG THÁNH HÓA. Sent. certa.

Decretum pro Armenis dạy: PER CONFIRMATIONEM AUGEMUR IN GRATIA ET ROBORAMUR IN FIDE. D 695.

Theo Thánh Kinh và Truyền thống Kitô giáo cổ thì hiệu quả chính yếu của BT Thêm sức đúng luật không phải là việc trao ban ân sủng, nhưng là trao ban chính Chúa Thánh Thần. Đương nhiên, việc trao ban Chúa Thánh Thần luôn liên kết với việc trao ban ơn thánh hóa; vì Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện trong tâm hồn chúng ta cùng với Chúa Cha và Chúa Con như là nguyên nhân cho sự hiện hữu tự nhiên của linh hồn, nhờ BT bước vào linh hồn người công chính, triển khai một hoạt động siêu nhiên, đặc biệt, khi Người tạo sự hiệp thông và đồng hình đồng dạng linh hồn với Thiên Chúa qua việc trao ban sự hiện hữu giống Thiên Chúa nhờ ân sủng. S.th. II 72,7 : MISSIO SEU DATIO SPIRITUS SANCTI NON EST NISI CUM GRATIA GRATUM FACIENTE. Khi lãnh nhận ơn thánh hóa người tín hữu cũng lãnh nhận các nhân đức đắc thủ và các hồng ân của Chúa Thánh Thần ; những hồng ân này đáp ứng với việc xác định mục đích của BT Thêm Sức, thường là các ơn mạnh mẽ để chiến đấu chống các kẻ thù của ơn cứu độ và thành toàn trong cuộc tử đạo. Cùng với ân sủng BT Thêm Sức, người được thêm sức cũng nhận được các hiện sủng để đạt được mục đích đặc biệt của BT.

Những lời tuyên bố của các giáo phụ xác nhận BT Thánh Tẩy mang lại hiệu quả ơn tha tội và BT Thêm sức ban phát Chúa Thánh Thần, tỉ dụ như Tertullian, De bapt. 6 và 8, không thể hiểu cách độc đoán được. Việc tha thứ tội lỗi phải luôn liên kết với việc trao ban ân sủng. Vì thế người tân tòng cũng lãnh nhận ơn thánh hóa và đồng thời cũng lãnh nhận Thánh Thần.. So Cyprian, Ep. 74,5: “Không thể có một BT Thánh Tẩy mà không có Thánh Thần”. Đương nhiên hiệu năng của Chúa Thánh Thần sẽ khác biệt nơi BT Thánh Tẩy cũng như nơi BT Thêm Sức. Ở BT này, Người tác tạo sự tái sinh, ở BT kia Người làm cho đời sống siêu nhiên được sung mãn.

b) HIỆU QUẢ ĐẶC THÙ CỦA BT THÊM SỨC LÀ HOÀN TẤT ÂN SỦNG CỦA BT THÁNH TẨY. Sent. communis.

Sách giáo lý Rôma (Catechismus Rom. II 3,19) dạy: ILLUD PROPRIE CONFIRMATIONI TRIBUITUR, QOUD BAPTISMI GRATIAM PERFICIT.

Đáp ứng với mục đích đặc biệt là giúp cho tín hữu làm chứng cho Chúa Kitô (Cv 1,8) hồng ân thánh hóa được trao ban qua BT Thêm Sức, đem lại cho người tín hữu một sức mạnh cao hơn để củng cố nội tâm và để tuyên xưng đức tin cách can đảm ra bên ngoài. Cùng với Thánh Tôma, Decretum pro Armenis dạy : EFFECTUS HUIUS SACRAMENTI EST, QUYA IN EO DATUR SPIRITUS SANCTUS AD ROBUR, SICUT DATUS EST APOSTOLIS IN DIE PENTECOSTES, UT VIDELICET CHRISTIANUS AUDACTER CHRISTI CONFITEATUR NOMEN. D 697.

Các giáo phụ công nhận BT Thêm Sức kiện toàn đời sống siêu nhiên đã được thiết đặt qua BT Thánh Tẩy. Thánh Ambrosius nói về việc đóng ấn với Chúa Thánh Thần (spiritale signaculum) đi tiếp liền BT Thánh Tẩy: “Tiếp sau BT Thánh còn có việc kiện toàn” (post fontem superest, ut perfectio fiat; De sacr. III 2,8). So Cyprian, Ep. 73,9 ; Công Đồng Elvira, can. 38 và 77 (D 52 d-e); Cyrill thành Alexandria, In Joelem 32.

2.  Ấn tín Thêm Sức

BT THÊM SỨC GHI VÀO TRONG LINH HỒN MỘT DẤU THIÊNG LIÊNG KHÔNG BAO GIỜ TẨY XÓA ĐƯỢC, ĐÓ LÀ ẤN TÍN THÊM SỨC; CHÍNH VÌ THẾ KHÔNG THỂ LÃNH NHẬN BT NÀY LẦN THỨ HAI ĐƯỢC.

Khi nhìn vào việc ban Thánh Thần trong BT Thêm sức, thánh Cyrill thành Giêrusalem nói: “Xin Thiên Chúa ban cho anh chị em ban dấu ấn vĩnh cửu không bao giờ tẩy xóa được của Chúa Thánh Thần” (Procat. 17). Các giáo phụ (Ps-Fulgentius, Sermo 45) và các công đồng (Toledo năm 653, Chalon-sur-Saône năm 813) phủ nhận việc ban lại BT Thêm Sức cũng như ban lại BT Thánh Tẩy.

“Những người chối Chúa Kitô”, theo như Giáo Hội chính thống nhìn, bao gồm những người Nga bỏ Kitô giáo, gia nhập Do Thái giáo, ngoại giáo và Hồi Giáo và người Hy Lạp gia nhập Công Giáo và Tin Lành, tất cả những người này khi trở lại Chính Thống đều được giáo hội này ban BT Thêm Sức trở lại (CONFESSIO ORTHODOXA I 105). Như thế Giáo Hội Chính Thống phủ nhận ấn tín của BT Thêm Sức. Vài thần học gia cho rằng việc xức dầu CHRISAM lại cho những người trở lại không phải là việc ban lại BT Thêm Sức, nhưng đó chỉ là nghi thức giao hòa.

XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH

Theo giáo lý của thánh Tôma, ấn tín BT Thêm sức ban cho khả năng và quyền lợi để qui hướng những hành động vào cuộc chiến tinh thần chống lại kẻ thù của đức tin. Ấn tín giúp cho người tín hữu được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Thầy dạy Chân Lý, vị vua Công bình và là Thượng Tế (SIGNUM CONFIGURATIVUM), phân biệt người chiến đấu cho Đức Kitô ra khỏi những phần tử bình thường của Nước Trời (SIGNUM DISTINCTIVUM), ban khả năng và quyền lợi được tham dự vào ba chức vụ của Đức Kitô, cho dù còn hạn hẹp, nhưng thực sự tích cực, (SIGNUM DISPOSITIVUM) và trao cho họ trách nhiệm công khai tuyên xưng đức tin kitô giáo (SIGNUM OBLIGATIVUM). Ấn tín ban cho khả năng và trách nhiệm để thực hiện công tác Tông đồ giáo dân.
 
LIÊN HỆ GIỮA ẤN TÍN BT THÁNH TẨY VÀ ẤN TÍN BT THÊM SỨC

Vì BT Thêm Sức là một Bí Tích chính đáng và khác biệt với BT Thánh Tẩy và có một mục đích đặc biệt, nên chúng ta phải công nhận rằng, ấn tín của BT Thêm Sức khác biệt thực sự với ấn tín của BT Thánh Tẩy, không những là một sự kiện toàn về mặt hình thái cho ấn tín BT Thánh Tẩy, nhưng còn là một phẩm chất khác biệt với ấn tín Thánh Tẩy của linh hồn. Đương nhiên, ấn tín Thêm Sức đòi buộc phải có ấn tín Thánh Tẩy đi trước. Việc ban phép Thêm Sức cho một người chưa lãnh nhận BT Thánh Tẩy là không thành sự. S.th. III 72,6.

IV. SỰ CẦN THIẾT CỦA BÍ TÍCH THÊM SỨC

1. Cho mọi người

Vì chính Chúa Kitô thiết lập BT Thêm Sức, nên BT này cần thiết cho Hội Thánh như là một tổng thể. BT trao ban cho Hội Thánh sức củng cố thiêng liêng để lướt thắng mọi khó khăn bên trong cũng như bên ngoài, mà Đấng sáng lập thần linh đã thấy trước (Mt.10,16tt; Ga 15,20).

2. Cho từng cá nhân

NGƯỜI ĐÃ LÃNH NHẬN BT THÁNH TẨY CẦN ĐẾN BT THÊM SỨC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ. Sent.fidei proxima.

Công đồng Tridentinô tuyên bố, không có bất cứ cái gì có thể ngăn cản người đã được tái sinh bước vào Nước Trời. D 792. Truyền thống duy nhất của Hội Thánh công nhận người lãnh nhận BT Thánh Tẩy vẫn được ơn cứu độ, dù họ có qua đời trước khi được Đức Giám mục đặt tay. So Ps.-Cyprian, De rebapt. 4; Công đồng Elvira, can. 77 (D 52e); Ps.-Melchiades (Decretum Griatiani, c. 2 D. 5 de conserc.). Vì thế BT Thêm sức có cần thiết nhưng không khẩn thiết bằng BT Thánh tẩy (necessitas medii); nó cần thiết để kiện toàn ơn cứu độ. S.th. III 72, 1ad 3 ; 72, 8 ad 4.

Thực sự không có mệnh lệnh rõ ràng nào buộc chúng ta phải lãnh nhận BT Thêm Sức, nhưng qua sự thiết lập BT này do chính Chúa Kitô mà xuất phát việc cần thiết phải lãnh nhận (PRAECEPTUM DIVINUM IMPLICITUM). Giáo luật đòi buộc mọi tín hữu phải cố gắng lãnh nhận BT này khi có cơ hội. CIC 787. Việc bỏ qua không lãnh nhận BT này vì đánh giá thấp là có tội nặng. D 669. Vì tình yêu cho bản thân, cấm chúng ta bỏ qua một phương tiện cần thiết để lãnh nhận ân sủng.

KHAO KHÁT LÃNH NHẬN BT THÊM SỨC (BT THÊM SỨC DO LÒNG KHAO KHÁT)

Cũng như ân sủng của BT Thánh Tẩy, ân sủng của BT Thêm Sức (chứ không phải ấn tín) trong trường hợp khẩn cấp có thể đạt được bằng sự khao khát lãnh nhận BT Thêm Sức (votum confirmationis, Thêm sức do lòng khao khát). Vì ân sủng BT Thêm Sức cần phải có ân sủng của BT Thánh Tẩy đi trước, thế nên ít ra khao khát lãnh nhận BT Thánh Tẩy cũng phải có trước, nếu không theo thời gian, thì ít ra cũng trong ý niệm. S.th. III 72, 6 ad 1 và 3.

V. THỪA TÁC VIÊN CỦA BÍ TÍCH THÊM SỨC

1.  Thừa tác viên thông thường

CHÌ CÓ VỊ GIÁM MỤC LÀ THỪA TÁC VIÊN THÔNG THƯỜNG CỦA BT THÊM SỨC. De fide.

Để chống lại với những giáo phái thời Trung Cổ có xu hướng phủ nhận hàng giáo phẩm (Waldenser, Wicliften, Hussiten), cũng như chống lại giáo lý và thực hành của Giáo Hội Chính thống Hy lạp, xem Linh mục là thừa tác viên thông thường của BT Thêm Sức, Công đồng Tridentinô tuyên bố : SI QUIS DIXERIT, SANCTAE CONFIRMATIONIS ORDINARIUM MINISTRUM NON ESSE SOLUM EPISCOPUM SED QUEMVIS SIMPLICEM SACERDOTEM, ANATHEMA SIT. D 873. So D 419, 424, 450, 465, 572, 608, 697, 2147a ; CIC 782 $ 1.

Theo chứng cứ của sách Công Vụ Tông Đồ (8,14tt ; 19,6), nghi thức ban Thánh Thần chỉ do các Tông Đồ cử hành. Các người kế nhiệm các ngài là các Giám mục.

Bên Tây Phương, từ xưa việc trao ban BT Thêm Sức là quyền ưu tiên dành cho Giám mục. Các vị sau đây đều làm chứng điều này: Hippolyt thành Roma (trad. Apost.), Đức giáo hoàng Cornelius (Ep. ad Fabium), Cyprian (Ep. 73, 9), Ps.-Cyprian (De rebapt. 5), công đồng Elvira (can. 38 et 77 ; D 52d-e) Hieronymus (Dial.c.Lucif. 9), Đức giáo hoàng Innocent I (Ep. 25,3). Đức Giáo hoàng Innocent I cũng như Hippolyt phân biệt việc xức dầu trên trán với việc xức dầu ở nghi thức Thánh Tẩy do Linh mục ban hành và nhấn mạnh, việc xức dầu trên trán chỉ dành cho vị Giám mục mà thôi: “Vị Linh mục không được phép dùng một thứ dầu (mà ngài được phép xức cho người lãnh nhận BT Thánh Tẩy) để xức lên trán; chỉ có Giám mục mới được cử hành khi ngài trao ban Chúa Thánh Thần” (D 98).

Bên Đông Phương, thuở ban đầu các vị Giám mục cũng là thừa tác viên thông thường của BT Thêm Sức, như các vị sau đây làm chứng: Giám mục Firmilian thành Cêsarêa (Ep. 75,7 trong Tổng Hợp thư tín của Cyprian), sách Didascali (II 32,3 ; II 33,2) Johannes Chrysotomos (In Actus homil. 18,3).

CHỨNG CỨ NỘI TẠI

BT Thêm Sức như BT kiện toàn được các vị nắm trọn quyền tư tế cách sung mãn và là những vị tướng lãnh của MILITIA CHRIATIANA, là các vị Giám mục ban phát như trách nhiệm cho trận chiến thiêng liêng. S.th. III 72, 11 ; S.c.G. IV 60. Việc ban phát do vị Giám mục củng cố ý thức liên kết với Giám mục của giáo dân và giúp họ gìn giữ và củng cố sự hiệp nhất giữa Hội Thánh. So thánh Bonaventura In Sent. IV d. 7 a. 1 q. 3.

2. Thừa tác viên bất thường.

THỪA TÁC VIÊN BẤT THƯỜNG BAN PHÁT BT THÊM SỨC LÀ LINH MỤC, DO CHỨC VỤ NĂNG QUYỀN THÔNG THƯỜNG HAY ỦY NHIỆM CỦA GIÁO QUYỀN. Sent.certa. CIC 782 $ 2. So D 697, 573.

Qua việc uỷ nhiệm thông thường của Tòa Thánh ban hành ngày 1.1.1947 những vị sau đây có quyền ban Bí Tích Thêm Sức cho các tín hữu ở trên phần đất tài phán của mình,

a) các cha chánh xứ trong địa hạt của mình,

b) các cha phó xứ thực thụ (theo can. 471) và thay thế tạm thời cho cha chánh xứ (theo can. 472)

c) các Linh mục được đặc trách một địa hạt xác định trong một giáo hội xác định coi sóc mục vụ với quyền lợi và trách nhiệm như một chánh xứ.

Họ được phép ban BT Thêm Sức, khi

- Các tín hữu vì lý do đau nặng trong cơn nguy tử và có thể chết, và

- Khi vị Giám mục sở tại không đến được và có lý do và khi một Giám mục khác được Tòa Thánh chỉ định đứng đầu cộng đoàn, thay thế cho vị Giám mục địa phận, không sẵn sàng để ban BT. Việc vi phạm vượt quá quyền hạn về phạm vi nhân sự của những người được ban BT làm cho BT không thành sự và có thể mất cả thực quyền (can. 2365). Decr. S. Congregationis de Disciplina Sacramentorum “Spiritus Sancti munera” ban hành ngày 14.9.1946 (AAS 38, 1946, 349tt). Trong các miền truyền giáo có những qui định đặc biệt (AAS 40, 1948,41).

Đức Giáo Hoàng Gregor Cả ban phép cho các Linh mục miền Sardinien ban phép Thêm Sức, khi các Giám mục bị ngăn trở (Ep. IV 26). Các vị giáo hoàng sau này gia tăng số trường hợp cho phép các Linh mục bình thường cũng được ban phép Thêm Sức.

Bên Đông Phương, việc ban BT Thêm Sức do các Linh mục bình thường trở thành thực dụng từ thế kỷ thứ 4. Sách các lời Huấn Giáo các Tông Đồ (hình thành vào cuối thế kỷ thứ 4) nói về việc đặt tay có tính BT Thêm Sức không những của Giám mục, nhưng của cả các trưởng lão (VIII 28,3). Người ta nhấn mạnh đến quá trình phát triển qua việc phân biệt giữa việc hoàn tất và ban phát BT Thêm Sức loại suy với BT Thánh Thể, có nghĩa là giữa việc thánh hiến Myron (dầu thánh) chỉ dành cho Giám mục với việc xức với dầu thánh hiến Myron do Linh mục (so Cyrill thành Giêrusalem, Cat. myst. 3,3). Người ta giải thích tính thành sự của việc Linh mục ban phát BT Thêm Sức bên chính thống Hy Lạp, được giáo hội Công giáo công nhận, là do một đặc ân hiểu ngầm của Tòa Thánh (như Đức Giáo Hoàng Benedictô XIV , De synodo dioec. VII 9,3 ; so D 697 : per Apostolicae Sedis dispensationem).

Quyền ban phát BT Thêm Sức cách ngoại lệ do một Linh mục thông thường không được xem như là kết quả của quyền tài phán thuộc giáo hoàng, cũng không được xem như là quyền thánh chức được uỷ nhiệm ngoài bí tích, nhưng đó là thành phần của quyền thánh chức Linh mục được lãnh nhận trong việc thụ phong Linh mục. Quyền này, hoặc do Thiên Chúa hay Hội Thánh xác định, luôn liên kết và chỉ được xác nhận do sự uỷ quyền của giáo hoàng.

VI. NGƯỜI LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÊM SỨC

CHỈ CÓ NGƯỜI ĐÃ LÃNH NHẬN BT THÁNH TẨY, CHƯA LÃNH NHẬN BT THÊM SỨC, MỚI CÓ THỂ LÃNH NHẬN BT THÊM SỨC CÁCH THÀNH SỰ. Sent. certa.

Cả những em bé chưa trưởng thành cũng có thể lãnh nhận BT Thêm sức cách thành sự, như thực hành ở Tây Phương cho đến thế kỷ 13 và ở Đông phương vẫn giữ việc ban BT Thêm Sức cho các em bé đến ngày nay. Để đáp ứng đúng mục đích, củng cố người lãnh nhận BT Thánh Tẩy trở thành một chiến sĩ của Đức Kitô, ngày nay người ta ban phát BT Thêm Sức cho các em khi đạt tới độ tuổi khôn, có nghĩa là khoảng 7 tuổi theo như luật định (CIC 788). Nhưng cũng có luật trừ khi gặp trường hợp nguy tử. Việc ban BT Thêm Sức khẩn cấp có thế và cũng nên ban cho các người không đủ trí khôn, vì một tình trạng ân sủng cao hơn, sẽ kéo theo một tình trạng vinh quang cao hơn. S.th. III 72, 8 ad 4.

Việc ban lại BT Thêm Sức là không thành sự và có tội nặng.

Việc đặt tay do Đức Giáo Hoàng Stephan I chỉ thị căn cứ vào việc đón nhận những người trở lại từ lạc giáo theo truyền thống (D 46), khác với cái nhìn của Cyprian (Ep. 74,5), không được xem như tái lập lại BT Thêm Sức, nhưng theo như thuật ngữ phụ chú “in poenitentiam”, thì đây chỉ là một nghi thức hòa giải. Người ta công nhận việc này cũng trao ban Chúa Thánh Thần, vì vào thời Cổ Kitô giáo người ta có quan niệm rằng các BT được ban trong lạc giáo cho dù có thành sự, cũng không trao ban Chúa Thánh Thần; việc trao ban này chỉ thể hiện khi được đón nhận vào Hội Thánh (Augustinus, DE bapt. III 16,21 ; III 17,22). Việc đặt tay luôn liên kết với một lời cầu xin Thánh Thần (Xc. Đức Lêô I, Ep. 159,7 ; 167,18), thế nên nghi thức giao hòa xem ra rất giống với BT Thêm Sức.

Để lãnh nhận BT Thêm Sức cách xứng đáng, cần phải có tình trạng ân sủng. Để chuẩn bị xa đòi hỏi người sắp lãnh nhận BT Thêm Sức phải học giáo lý Thêm Sức. (Xc. Cat.Rom. II 3, 17t)