Friday, 24 January 2020 01:26

Tìm Hiểu Khái Quát Về Bí Tích Thánh Tẩy Featured

Tác giả: LUDWIG OTT

 

I. Ý NIỆM VÀ TÍNH BÍ TÍCH CỦA THÁNH TẨY

1.  Ý Niệm

BT Thánh Tẩy là BT, qua đó, nhờ việc tẩy rửa với nước và kêu cầu danh Chúa Ba Ngôi, con người được tái sinh trong linh hồn.

Giáo lý Roma (Catechismus Romanus) căn cứ vào các đoạn Thánh Kinh Ga 3,5 ; Tt 3,5 và Ep 5,26 đã đưa ra định nghĩa như sau: BAPTISMUN ESSE SACRAMENTUM REGENERATIONIS PER AQUAM IN VERBO (II 2,5) BT Thánh Tẩy là BT tái sinh nhờ nước trong lời !

2.  Tính Bí Tích của Thánh Tẩy

Bí Tích THÁNH TẨY là một Bí tích thật do chính Chúa Giêsu thiết lập (De fide. D 844).

- Thuyết DUY LÝ tân tiến phủ nhận việc Chúa Giêsu thiết lập BT Thánh Tẩy.

- Theo Harnack, nghi thức Thánh Tẩy tha thứ tội khiên của Kitô giáo là quá trình phát triển từ nghi thức sám hối của Gioan Tẩy Giả.

- R. Reitzenstein tìm cách minh chứng, BT Thánh Tẩy của Kitô giáo là bắt chước nghi thức thanh tẩy của nhóm Manđê, một giáo phái thanh tẩy của thuyết Thông Tri cổ. Nhưng có lẽ trong thực tế, nghi thức Manđê chịu ảnh hưởng của Kitô giáo thì đúng hơn.

- Đức Thánh Cha Piô X đã kết án lý thuyết của thuyết DUY TÂN (Modernismus) cho rằng, cộng đoàn Kitô hữu nhấn mạnh đến sự cần thiết của BT Thánh Tẩy, khi họ nhận nghi thức Thánh Tẩy như dấu chỉ bên ngoài từ bỏ Do Thái giáo để gia nhập vào cộng đoàn Kitô giáo và liên kết nó với bổn phận sống đời Kitô hữu. (D 2042)

Nền tảng

a) BT Thánh Tẩy đã được tiên báo ở Cựu Ước


Theo các Tông Đồ và Giáo phụ, có thể kể các hình ảnh sau đây là những mẫu tiên báo về BT Thánh Tẩy :

- Thần Linh Chúa bay lượn trên mặt nước nguyên thủy (so. làm phép nước Thánh Tẩy) ;

- Lụt Đại Hồng Thủy ( 1 Pr 3,20tt),

- Phép cắt bì (Cl 2,11t),

- Vượt qua Biển Đỏ ( 1 Cr 10,2),

- Vượt qua sông Giođan (Gs 3,14tt)

- Naaman, người Syrie, tắm 7 lần trong sông Giođan (4 V 5,14),

Một lời tiên báo được gặp thấy nơi ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi ; các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần” (36,25 ; so. Is 1,16tt ; 4,4 ; Dcr 13,1).

Một chuẩn bị gần rất trực tiếp cho BT Thánh tẩy của Đức Kitô chính là nghi thức thanh tẩy của Gioan Tẩy Giả (Mt 3,11) mời gọi người lãnh nhận sám hối để có thể lãnh nhận ơn tha tội (theo nghĩa Ex opere operantis).

Công Đồng Tridentinô chống lại một cách minh bạch với nhóm Cải Cách : nghi thức thanh tẩy của Gioan không đem lại hiệu quả như BT Thánh Tẩy của Chúa Giêsu (D 857. So S.th III 38,3: BAPTISMUS IOANNIS GRATIAM NON CONFEREBAT, SED SOLUM AD GRATIAM PRAEPARABAT - Nghi thức thanh tẩy của Gioan không mang lại ơn sủng, nhưng chỉ chuẩn bị để lãnh nhận ơn sủng mà thôi.)

b) Đức Kitô

-  đã để cho Gioan thanh tẩy cho mình (Mt 3,13tt),

-  ban mệnh lệnh cho các môn đệ đi thanh tẩy (Ga 4,2),

-  trình bày cho Nicôđêmô về bản chất và sự cần thiết của BT Thánh Tẩy (Ga 3,3.5) và

-  trước khi về trời ban cho các Tông Đồ mệnh lệnh làm phép rửa cho muôn dân (Mt 28,19).

 “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3,5)

 “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Mt 28,18-19

 “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” Mc 16,15-16

Tính chất chính thống của đoạn Mt 28,19 đã được các tác phẩm viết tay cũng như mọi bản dịch đều minh chứng. Ngay chỉ trong chương 7 của sách Didache, đoạn này đã được trích lại hai lần.

Từ hai đoạn minh chứng rất cổ điển Ga 3,5 và Mt 28,19 xuất phát những điểm nhấn của ý niệm về Bí Tích của Tân Ước. BT Thánh Tẩy được xem như dấu chỉ bề ngoài của ân sủng, bao gồm việc tẩy rửa với nước và việc kêu cầu danh Chúa Ba Ngôi, sẽ tạo được ân sủng bề trong, đó chính là việc tái sinh; nghi thức này được Đức Kitô thiết đặt cho muôn đời.

c) Các TÔNG ĐỒ, vào thời khai sinh Hội Thánh, đã thực hiện hoàn hảo mệnh lệnh ban Thánh Tẩy này (Cv 2,38.41; 8,36tt; 9,18; 10,47t ; 16,15.33; 18,8 ; 19,5 ; 1 Cr 1,14tt).

Các tài liệu của Hội Thánh tiên khởi như:

- Didache (chương 7) ,

- Pastor Hermae (Sim. IX 16),

- Thánh Justinô tử đạo (Apol. I 61)... đều minh chứng việc tiếp nối của truyền thống Tông Đồ.

- Bản chuyên khảo cổ xưa nhất về BT Thánh Tẩy là của Tertullian xuất xứ khoảng năm 200.

3  Thời điểm của việc thiết lập Bí Tích Thánh Tẩy

Thời điểm chính xác của việc thiết lập BT Thánh Tẩy đã không được các Phúc Âm đưa ra rõ ràng. Ý kiến của các nhà thần học chia rẽ nhau.

 
Về thời điểm thiết lập:

- người thì cho là lúc Chúa chịu nghi thức rửa ở sông Giođan (Petrus Lombardus, Sent. IV 3,5; Thomas, S.th. III 66,2; Cat Rom II 2,20)

- người khác cho là lúc Chúa trao đổi với Nicôđêmô trong đêm tối (Peter Abaelard; so Bernhard v. Cl., Ep.77)

- người khác lại rằng khi Chúa ban mệnh lệnh rửa tội, trước khi về trời (Hugo v St. Viktor, De sacr. II 6,4 ; Mag Roland).

Hai ý kiến đầu phải chấp nhận điều này là các môn đệ khi ban nghi thức thánh tẩy (Ga 4,2) thì đó đã là BT theo nghĩa Kitô giáo; điều này thì thật khó tin. Để chống lại ý kiến thứ nhất, người ta lấy chứng cứ là Thánh Kinh không nói gì về điều này; để chống ý kiến thứ hai, người ta nhấn mạnh đến hoàn cảnh bên ngoài, lúc Chúa nói đến sự cần thiết để được ơn cứu độ của BT Thánh Tẩy. Lý chứng mạnh mẽ phải nằm ở câu Mt 28,19 ; nhưng cũng không loại trừ là việc thiết lập BT đã có trước.

Thánh Bonaventura (Com. in Ioan. c.3 n.19) tìm cách phối hợp các ý kiến khác nhau như sau:

- Dựa theo chất thể (materialiter) thì BT Thánh Tẩy được thiết lập khi Chúa nhận nghi thức thanh tẩy ở sông Giođan;

- dựa theo mô thức (formaliter) là khi Người Phục Sinh và ban mô thức (Mt 28,19);

- dựa theo hiệu quả (effective) khi Người chịu khổ nạn, vì từ khổ nạn này, BT mới nhận được sức mạnh; cuối cùng

- dựa theo mục đích (finaliter) khi Người báo trước sự cần thiết và hữu dụng của Bí Tích (Ga 3,5).

II. DẤU CHỈ BÊN NGOÀI CỦA BÍ TÍCH THÁNH TẨY

1. Materia (Chất Thể)

a) Materia Remota (Chất thể xa)

MATERIA REMOTA CỦA BT THÁNH TẨY LÀ NƯỚC TỰ NHIÊN (De fide)


Công Đồng Tridentinô chống lại Luther ; ông này cho rằng lúc khẩn cấp có thể sử dụng bất cứ nước nào thuận tiện để rửa tội: SI QUIS DIXERIT AQUAM VERAM ET NATURALEM NON ESSE DE NECESSITATE BAPTISMI...ANATHEMA SIT (D 858. So D 696, 412, 447 ; CIC 737 $ 1.)

Quyết định được nêu của Đức Giáo Hoàng Stêphanô II (754), theo quyết định này trong lúc khẩn cấp có thể rửa tội hợp lệ bằng rượu; điều này thực khó chấp nhận, trước tiên là vấn đề chính thống của câu này, thứ đến là không có một quyết định chính thức của huấn quyền về vấn đề này.

Thánh kinh cũng như truyền thống của Hội Thánh đều nhận nước là chất liệu của BT Thánh Tẩy.

 “nếu không sinh ra bởi nước”.   Ga 3,5

 “Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không ?” Cv.8,36   (So Cv 10,47 ; Ep 5,26 ; Dt 10,22)

Chương 7 của sách Didache cho chúng ta một minh chứng cổ nhất của truyền thống:

“1. Hãy rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong nước sống (có nghĩa là nước chảy, chứ không phải nước ao tù).

2. Nếu như anh không có nước sống, thì hãy rửa tội với nước khác ; nếu anh không rửa tội được với nước lạnh, thì hãy rửa tội với nước ấm.

3. Nếu như anh không có cả hai (so với lượng đông người), anh hãy rảy trên đầu họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”

(So Ep. Barnabae 11,11 ; Justin, Apol. I 61 ; Tertullian, De bapt. 1 ; S.th. III 66,3)

Để có thể ban phát BT Thánh Tẩy cách long trọng, cần phải sử dụng nước đã được thánh hiến ; đây là điều bó buộc ghi trong luật (CIC 757). Cyprian đã làm chứng việc thánh hiến nước rửa tội (Ep. 70,1).

b) Materia Proxima (chất liệu gần)

Materia proxima của BT Thánh Tẩy là việc tẩy rửa thân xác với nước qua việc đụng chạm thể lý. (Sent. certa)


Việc tẩy rửa có thể thực hiện bằng  việc dìm xuống (immersio)   đổ nước (infusio) hay  rẩy (aspersio)

Công Đồng Tridentinô giải thích để chống lại Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp; Giáo Hội này không công nhận tính thành sự của BT Thánh Tẩy vẫn thường được cử hành theo lối xối nước của Giáo Hội Tây Phương và ngày nay vẫn cử hành như thế: SI QUIS DIXERIT, IN ECCLESIA ROMANA...NON ESSE VERAM DE BAPTISMI SACRAMENTO DOCTRINAM, ANATHEMA SIT (D 859. Xc. D 435; CIC 758)

Trong thời Cổ và Trung Cổ của Kitô giáo cho đến thế kỷ thứ XIII, Hội Thánh vẫn ban BT Thánh Tẩy theo lối “dìm xuống” (immersio) và tất cả là ba lần dìm xuống (Tertullian, De cor. mil. 3). Chương 7 của sách Didache minh chứng việc ban Thánh Tẩy bằng cách xối cũng như thực hành do Cyprian cho phép là cách ban Thánh Tẩy cho bệnh nhân, đều được công nhận là thành sự. (Xc. S.th. III 66,7.)

Việc nhận chìm ba lần được các giáo phụ xem như biểu trưng cho Chúa Ba Ngôi (Tertullian, Adv. Pax. 26 ; D 229) và 3 ngày Chúa yên nghỉ trong mộ (Cyrill thành Giêrusalem, Cat. myst. 2,4). Trong Giáo Hội Tây Ban Nha, vào thế kỷ thứ 6 và 7, với sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (Ep I 43) người ta chỉ cử hành một lần dìm xuống duy nhất, biểu trưng cho sự đơn nhất về bản chất của Ba Ngôi, chống lại nhóm Arius.

2.  Forma (Mô Thức)

MÔ THỨC CỦA BT THÁNH TẨY BAO GỒM LỜI CỦA THỪA TÁC VIÊN, ĐỌC KÈM THEO NGHI THỨC RỬA VÀ XÁC ĐỊNH Ý NGHĨA RÕ HƠN.


Việc kêu cầu danh Chúa Ba Ngôi và theo ý kiến của nhiều nhà thần học việc thực hiện hành động BT Thánh Tẩy là rất cần thiết cho việc thành sự của mô thức. Decretum pro Armenis dạy: Si exprimitur actus, qui per ipsum exercetur ministrum, cum Sanctae Trinitatis invocatione, perficitur sacramentum. D 696. Giáo Hội Latin rửa tội với công thức: “(Tên), cha rửa con. nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Giáo Hội Đông Phương rửa tội theo công thức: “T...tôi tớ của Thiên Chúa, được rửa tội nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”

a) Kêu cầu danh Chúa Ba Ngôi

Công thức kêu cầu Ba Ngôi Thiên Chúa của BT Thánh tẩy đặt nền tảng Thánh Kinh trên đoạn Mt 28,19. Các tác phẩm cổ của những giáo phụ xưa đều minh chứng điều này, đặc biệt nơi: Sách Dadache chương 7, Justin (Apol. I 61), Irenaeus (Adv Haer III 17,1; Epideixis 3 và 7), Tertullian (De bapt. 13)

Chúng ta thấy trong Thánh Kinh có nói tới Thánh Tẩy

- “nhân danh Đức Giêsu Kitô” (Cv 2,38 ; 8,12 ; 10,48) hay

- “nhân danh Chúa Giêsu” (Cv 8,16 ; 19,5) hay

- “Thánh tẩy để thuộc về Đức Giêsu Kitô” (Rm 6,3)

- “Thánh tẩy để thuộc về đức Kitô” (Gl 3,27). Điều này không có nghĩa là thay vì kêu cầu danh Ba Ngôi, chúng ta kêu cầu danh Đức Giêsu Kitô. Có lẽ phải hiểu những thuật ngữ trên như muốn nói đến việc Thánh Tẩy được nhận mệnh lệnh từ Chúa Kitô và được ban dưới quyền năng của Chúa Kitô hay được Đức Kitô thiết lập, để phân biệt với nghi thức thanh tẩy của Gioan Tẩy giả hay nghi thức đón nhận dự tòng của Do Thái giáo. Điều này được minh chứng bằng sự kiện là không có một công thức chuyển tiếp nào trong ngôn ngữ thực hành.

- Theo Dadache 9,5 khi gọi Thánh Tẩy “trong danh của Chúa” là muốn hướng ý vào BT Thánh tẩy theo công thức kêu cầu Ba Ngôi Thiên Chúa do chính Đức Giêsu thiết lập, như đã nói ở chương 7.

- Đoạn Cv 19,2-5 cho chúng ta thấy, khi nói về Thánh Tẩy “nhân danh Chúa Giêsu”, cũng nói đến Chúa Thánh Thần.

- Huấn quyền không đưa ra quyết định dứt khoát nào về vấn đề này.

- Đức Giáo Hoàng Nicolaus I (866) nại đến thánh Ambrosius (De Spiritu S. I 3,42) để chấp nhận việc thành sự của việc Thánh Tẩy “nhân danh Chúa Kitô”, có nghĩa là kêu cầu đến danh Đức Kitô (D 335; so D 229)

- Thánh Tôma cho rằng, có lẽ các Tông Đồ dựa theo một mặc khải đặc biệt nào của Chúa kitô, đã rửa tội khi kêu cầu danh Chúa Kitô (chứ không phải danh Đức Giêsu); nhưng sau thời Tông Đồ, căn cứ vào mệnh lệnh của Đức Kitô ở Mt.28,19, thánh nhân cho các việc Thánh Tẩy chỉ kêu cầu danh Chúa Kitô là bất hợp lệ, trừ khi đó là một đặc ân của Thiên Chúa. S.th. III 66,6.

b) Xác định hành động Thánh Tẩy

Qua một quyết định của Đức Giáo hoàng Alexandre III (1159-1181) , qua việc Đức Giáo Hoàng Alexandre VIII (1690) lên án một luận đề của thần học gia người Bỉ tên là F. Farvacque và qua lời công bố của Hiến chế cho người Arménie (Decretum pro Armenis) cả việc xác định hành động hiện tại của nghi thức Thánh Tẩy bằng lời : (Ego) te baptizo cũng cần thiết cho việc thành sự của BT. (D 398, 1317, 696).


Trong khi đó nhiều nhà thần học Tiền Kinh Viện như Hugo v. St Victor, Stephan v. Tournai chấp nhận giá trị thành sự của một BT Thánh Tẩy được ban mà không đọc các lời này. Căn cứ vào những Hiến Chế của Đức Giáo Hoàng Alexandre III, thánh Tôma và đại đa số các nhà thần học thời Kinh Viện, cho các BT Thánh Tẩy như thế là bất hợp lệ (so S.th. III 66, 5 ad 2). Có một khó khăn nghiêm trọng chống lại ý kiến này là một thực tế lịch sử, đó là vào thời cổ của Kitô giáo, theo như chứng cứ của :

- Tertullian (De cor. mil. 3; Adv. Prax. 26 ; De bapt. 2,1)

- Hippolyt thành Rôma (Traditio Apost)

- Ambrosio (De sacr. II 7,20)

Sách Sacramentarium Gelasianum:... người ta ban BT Thánh Tẩy theo cách thức như sau : thừa tác viên căn cứ vào Kinh Tin Kính của các Tông Đồ đặt cho người sắp lĩnh nhận BT Thánh Tẩy ba câu hỏi về đức tin và sau mỗi lần tuyên xưng là dìm họ xuống nước; như thế là việc xác định nghi thức Thánh tẩy qua lời Ego te baptizo không có đọc; người ta chấp nhận ý hướng của thừa tác viên là đủ. Nếu căn cứ vào cách ban BT rất phổ biến như thế này, thì khó mà nói việc xác định BT thuộc về bản chất của mô thức. Đúng hơn phải nói rằng đây là một điều kiện do Hội Thánh thiết đặt để việc ban BT được thành sự và hợp lệ.

III. HIỆU QUẢ CỦA BT THÁNH TẨY

1. Ơn Công Chính Hóa

BT THÁNH TẨY BAN ƠN CÔNG CHÍNH HÓA   (De fide)

Về mặt tiêu cực, công chính hóa gồm việc tha thứ các tội lỗi; về mặt tích cực là việc thánh hóa và canh tân nội tâm con người (D 799) thế nên BT Thánh tẩy tùy theo tình trạng chuẩn bị thích ứng (đức tin, sám hối) mà ban :

a) tẩy sạch tội lỗi, đó là nguyên tội và đối với người trưởng thành, tẩy sạch cả tội nặng nhẹ mà họ đã phạm từ trước ;

b) ơn thánh hóa nội tâm qua việc ban ơn thánh hóa, được liên kết với các nhân đức đối thần và ân sủng của Chúa Thánh Thần. Cùng với ơn thánh hóa, người đã được công chính hóa cũng nhận được ơn hiện sủng cần thiết để chu toàn các bổn phận do BT Thánh Tẩy đòi hỏi.

Công Đồng Tridentinô giải thích trong Hiến Chế về “Nguyên Tội”: “Nếu kẻ nào phủ nhận việc con người được tẩy xóa khỏi tình trạng của nguyên tội nhờ vào ân sủng của Chúa Giêsu Kitô trao ban trong BT Thánh Tẩy, hay nếu họ quả quyết không phải tất cả những đặc tính thật của tội được tẩy xóa đi...thì kẻ ấy bị loại” (D 792, so D 696,742, 895).

Theo chứng cứ của Thánh Kinh, BT Thánh Tẩy vừa có khả năng tẩy xóa tội lỗi, vừa đem lại ơn thánh hóa nội tâm.

 “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội ; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần.” Cv 2,38

 “Anh em đã được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta.” 1 Cr 6,11
So : Cv 22,16 ; Rm 6,3tt ; Tt 3,5 ; Ga 3,5 ; 1 Ga 3,9 ; 5,18.

Ngay từ ban đầu Thánh Truyền cũng đã ghi nhận những hiệu quả này của BT Thánh Tẩy. Tác giả thư Barnaba viết: “Chúng ta bước xuống nước với đầy tràn tội lỗi và nhơ nhớp và chúng ta bước lên với thành quả mỹ mãn, vì trong tâm hồn chúng ta có sự kính sợ và hy vọng vào Đức Giêsu trong Thánh Thần” (11,11) (So Pastor Hermae, Sim IX 16 ; Justin, Apol. I 61 ; Tertullian, De bapt. 1,1).

2.  Tha thứ các hình phạt của tội lỗi

BT THÁNH TẨY MANG LẠI ƠN THA THỨ CÁC HÌNH PHẠT CỦA TỘI LỖI, CÁC HÌNH PHẠT VĨNH CỬU CŨNG NHƯ THỜI ĐOẠN. (De Fide).


Công Đồng Tridentinô dạy rằng, nơi người đã được tái sinh nhờ BT Thánh Tẩy, không còn những gì làm Thiên Chúa chán ghét và những gì có thể ngăn cản họ bước vào Thiên đàng : IN RENATIS ODIT DEUS, ...ITA UT NIHIL PRORSUS EOS AB INGRESSU COELI REMORETUR. D 792, so D 696. Đương nhiên điều này chỉ có thể xảy ra khi trước đó người lãnh nhận BT Thánh Tẩy đã được tha thứ mọi tội lỗi, ngay cả những lỗi mọn trong tâm hồn của họ.

Việc tha thứ mọi hình phạt của tội lỗi đã được giáo lý của thánh Phaolô giải thích rõ ràng khi nói rằng trong BT Thánh Tẩy con người cũ phải chết đi, phải bị chôn vùi và con người mới được sống lại (Rm 6,3 tt).

Giáo thuyết này cũng đã được các giáo phụ nhất trí . Tertullian nói: “Khi tội đã được cất đi, thì hình phạt cũng vậy” (De bapt. 5) Thánh Augustinô dạy rằng, người đã lãnh nhận Thánh Tẩy, nếu chết liền sau khi lãnh nhận, sẽ lập tức bước vào thiên đàng (De peccatorum meritis et remissione II 28,46).
Những cái xấu còn sót lại sau khi lãnh BT Thánh Tẩy, như vật dục hỗn độn, đau khổ và cái chết, thì đối với người tín hữu những cái này không mang đặc tính của hình phạt, cho bằng phương tiện thử thách và được giống với Chúa Kitô. Khi Phục Sinh, chúng sẽ bị tẩy xóa tất cả trong các người công chính nhờ vào quyền lực của BT Thánh Tẩy (Xc. S. Th. III 69,3).

3.  Ấn Tín của Bí Tích Thánh Tẩy

BT THÁNH TẨY ĐÃ ĐƯỢC LÃNH NHẬN CÁCH THÀNH SỰ, CẢ CHO DÙ BẤT XỨNG, CŨNG ĐÃ GHI MỘT ẤN TÍN KHÔNG THỂ TẨY XÓA ĐƯỢC NƠI LINH HỒN NGƯỜI LÃNH NHẬN, CHÍNH VÌ THẾ MÀ KHÔNG THỂ LÃNH NHẬN LẦN THỨ HAI ĐƯỢC. (De fide D 852, 867).


Vì ấn tín BT là một sự đồng hình đồng dạng với vị Thượng Phẩm Giêsu Kitô và chia sẻ vào chức vụ tư tế của Người (signum configurativum), vì thế người lãnh nhận BT Thánh Tẩy nhờ ấn tín BT được gia nhập vào nhiệm thể Đức Kitô là Hội Thánh. Do sự duy nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô mà mỗi người lãnh nhận BT Thánh Tẩy thành sự, dù là tín hữu ngoài Giáo Hội Công Giáo, đều là thành phần của Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền do chính Chúa Kitô thiết lập, nếu như ngay lúc đó họ không hoàn toàn tự do tham gia vào một cộng đoàn lạc giáo hoặc ly khai. Mỗi người lãnh nhận BT Thánh tẩy đều nằm dưới quyền tài thẩm của Hội Thánh.

Ấn tín BT Thánh Tẩy phân biệt người tín hữu với người chưa lãnh nhận Thánh Tẩy, đương nhiên dưới con mắt trần tục không phân biệt được, nhưng sẽ rõ ràng cho con mắt tinh thần nhất là bên kia thế giới (signum distinctivum). Người Tín hữu (người đã lãnh nhận BT Thánh Tẩy) nhờ ấn tín có khả năng và quyền lợi để tham dự cách thụ động vào chức tư tế của Đức Kitô, có nghĩa là để lãnh nhận các BT khác (sacramentorum ianua ac fundamentum ; CIC 737 $ 1) và để lãnh nhận mọi điều tốt lành của ân sủng và chân lý Đức Kitô đã ban cho Hội Thánh của Người (signum dispositivum). BT Thánh Tẩy là một sự thánh hiến người tín hữu cho Chúa Kitô và trao ban cho họ bổn phận không bao giờ cởi bỏ được để sống đời sống xứng đáng là tín hữu của Chúa Kitô (signum obligativum).

IV. SỰ CẦN THIẾT CỦA BT THÁNH TẨY

1.  Bí Tích Thánh Tẩy rất cần thiết cho ơn cứu độ

TỪ NGÀY CÔNG BỐ TIN MỪNG, BT THÁNH TẨY BẰNG NƯỚC (BAPTISMUS FLUMINIS) RẤT CẦN THIẾT CHO MỌI NGƯỜI ĐỂ ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ ; ĐIỀU NÀY KHÔNG CÓ LUẬT TRỪ. (De fide).


Công Đồng Tridentinô chống lại nhóm Cải Cách, khi nhóm này đưa ra lý thuyết công chính hóa dần dần phủ nhận sự cần thiết của BT Thánh tẩy cho ơn cứu độ: SI QUIS DIXERIT, BAPTISMUM LIBERUM ESSE, HOC EST NON NECESSARIUM AD SALUTEM, ANATHEMA SIT D 861, so D 791.

Về thời điểm bắt đầu bó buộc lãnh nhận Thánh Tẩy, Công Đồng Tridentinô giải thích rằng, kể từ khi Tin Mừng được rao giảng (post Evangelium promulgatum) con người không thể lãnh nhận hay khao khát ơn công chính hóa nếu như không lãnh nhận BT Thánh Tẩy. D 796.

Theo Ga 3,5 và Mc 16,16, BT Thánh Tẩy cần thiết cho ơn cứu độ là sự cần thiết của một phương tiện (necessitas medii); còn theo Mt 28,19 thì đối với người trưởng thành, sự cần thiết này là cần thiết vì lệnh truyền (necessitas praecepti). Sự cần thiết một phương tiện, không phải là một sự cần thiết nội tại được thiết đặt với bản chất của BT, nhưng là một sự cần thiết bên ngoài, khi BT này được chính Thiên Chúa xác định trở thành phương tiện cứu độ không thể bỏ qua được. Trong nhiều hoàn cảnh đặc biệt có thể bỏ qua việc thực hành phương tiện đã được chỉ định này (cần thiết giả thiết).

Trong truyền thống, việc cần thiết phải lãnh nhận BT Thánh tẩy được nhấn mạnh căn cứ vào câu Ga 3,5. Tertullian cũng dựa vào câu này để nhấn mạnh: “Chính Lề Luật đã xác định, nếu không lãnh nhận Thánh Tẩy, không ai có thể được cứu độ cả.” (De bapt. 12,1) so Pastor Hermae, Sim. IX 16.

2.   Đặc Tính Chuyển Hoán Của Bí Tích Thánh Tẩy

TRONG TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP, VIỆC RỬA TỘI BẰNG NƯỚC CÓ THỂ ĐƯỢC THAY THẾ BẰNG “RỬA TỘI DO LÒNG KHAO KHÁT” VÀ “RỬA TỘI BẰNG MÁU” (Sent fidei proxima)

a) “rửa tội do lòng khao khát” (baptismus flaminis sive spiritus sancti)

“Rửa tội do lòng khao khát là một sự khao khát tỏ tường hay ít ra là gói trọn với một lòng thống hối trọn vẹn, một sự khao khát được lãnh nhận BT Thánh Tẩy (votum baptismi).


Công Đồng Tridentinô dạy rằng, việc công chính hóa người mang nguyên tội, chỉ có thể có được “khi lãnh nhận việc thanh tẩy tái sinh hay ít ra là khao khát việc thanh tẩy này” (sive lavacro regenerationis aut eius voto) (D 796 so 847, 388, 413).

Theo giáo lý Thánh Kinh, tình yêu trọn vẹn mang khả năng công chính hóa.

“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” Lc 7,47

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Ga 14,21

 “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” Lc 23,43

Các chứng nhân chính thức cho truyền thống là thánh Ambrôsiô và thánh Augustinô. Thánh Ambrôsiô nói trong bài điếu văn cho hoàng đế Valentinian chết mà chưa lãnh nhận Thánh Tẩy: “Ngài có lãnh nhận được ân sủng mà ngài khao khát hay không? Ngài không thể có được điều mà ngài luôn khao khát hay sao? Chắc chắn điều ngài khao khát, ngài sẽ được lãnh nhận...Chính sự khao khát thánh thiện đã tẩy sạch con người này” (De obitu Valent. 51.53). Thánh Augustinô giải thích :“Tôi thấy rằng, không những đau khổ vì danh Chúa Kitô có thể thay thế những gì còn thiếu sót nơi Thánh Tẩy, nhưng cả đức tin và sự sám hối tâm hồn (fidem conversionemque cordis), nếu như thời gian ngắn ngủi không cho phép, để cử hành mầu nhiệm Thánh Tẩy” (De bapt. IV 22,29). Vào thời Tiền Kinh Viện, có các vị như Bernhard thành Clairvaux (Ep. 77 c.2 n. 6-9), Hugo thành St Victor (De sacr. II 6,7) và quyển Summa Sententiarum (V 5) công nhận việc “Rửa tội do lòng khao khát” để chống lại Peter Abaelard. So S.th. III 68,2.

“Rửa tội do lòng khao khát” tác động theo EX OPERE OPERANTIS. Nó cũng trao ban ơn công chính hóa đồng thời cả việc tha thứ nguyên tội, các tội nặng mình làm và cả hình phạt đời đời vì tội nữa. Các lỗi mọn và hình phạt hiện tại vì tội cũng được tha thứ tùy theo mức độ chuẩn bị tâm hồn của người nhận. “Rửa tội do lòng khao khát” không ghi ấn tín rửa tội.

b) rửa tội bằng máu (baptismus sanguinis)

Rửa tội bằng máu là việc tử đạo của một người chưa lãnh nhận BT Thánh Tẩy, có nghĩa là một cuộc chịu đựng kiên trì một cái chết khổ đau đầy bạo lực hay một sự chịu đựng những ngược đãi đưa đến cái chết vì tuyên xưng đức tin Kitô giáo hay vì muốn thực hiện một nhân đức theo kitô giáo.

Chính Chúa Giêsu cũng làm chứng sức mạnh công chính hóa của việc tử đạo.

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước nặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” Mt 10,32

“Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” Mt 10,39 (16,25)

“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” Ga 12,25

Ngay từ thuở ban đầu, các giáo phụ đã xem cái chết tử đạo như thay thế cho việc Thánh Tẩy.

- Tertullian gọi đó là “Thánh Tẩy bằng máu” (lavacrum sanguinis) và xác nhận hiệu quả, “Thánh Tẩy bằng máu” thay thế cho Thánh Tẩy bằng nước, nếu như chưa được lãnh nhận và tái lập lại những gì đã đánh mất” (De bapt. 16)

- Theo Cyprian, những dự tòng phải gánh chịu cuộc tử đạo, được xem như lãnh nhận “Thánh Tẩy bằng máu đầy vinh hiển và siêu vượt” (Ep 73,22) Xc.  Augustinus, De civ Dei XII 7.

- Theo chứng cứ của Thánh Truyền và phụng vụ của Hội Thánh (so lễ các Thánh Anh Hài) cả những em bé tí xíu lãnh nhận Thánh Tẩy bằng máu, thì Thánh Tẩy bằng máu này tác động như EX OPERE OPERANTIS như là Thánh tẩy do lòng khao khát, nhưng được xem như là việc tuyên xưng khách quan nên tác động như QUASI EX OPERE OPERATO. Hiệu quả là trao ban hồng ân công chính hóa và dựa theo chuẩn bị thích đáng, cũng mang lại ơn tha thứ mọi lỗi mọn và hình phạt của tội ở đời này. Thánh Augustinô nói: “Thực là một sự xúc phạm, khi chúng ta cầu nguyện cho một vị tử đạo; ngược lại chúng cần cầu xin ngài cầu bầu cho chúng ta” (Sermo 159,1). Thánh Tẩy bằng máu không ghi dấu ấn tín ! (Xc. S. th. III 66,11 và 12).

V. THỪA TÁC VIÊN CỦA BT THÁNH TẨY

1.  Cá Nhân Của Vị Thừa Tác Viên

MỖI NGƯỜI CÓ THỂ BAN BT THÁNH TẨY THÀNH SỰ (De fide).


Công Đồng chung Latêranô IV (1215) dạy, bất cứ ai cũng có thể ban BT Thánh Tẩy cần thiết cho ơn cứu độ, nếu như họ thực hiện đúng nghi thức Hội Thánh chỉ định: SACRAMENTUM BAPTISMI...IN FORMA ECCLESIAE A QUOCUMQUE RITE COLLATUM PROFICIT AD SALUTEM. D 430.
DECRETUM PRO ARMENIS (1439) giải thích rõ ràng hơn: “Thừa tác viên của BT này là linh mục (sacerdos = giám mục và linh mục) lãnh nhận thừa tác vụ để ban BT. Trong trường hợp khẩn cấp, không những linh mục hay phó tế, mà cả giáo dân, hay một phụ nữ, cả người ngoại giáo hay người theo lạc giáo, cũng có thể ban Thánh Tẩy, nếu như họ tuân giữ nghi thức của Hội Thánh và có ý muốn thực hiện điều Hội Thánh làm.” D 696.

Mệnh lệnh ban Thánh Tẩy ở Mt 28,19 được ban cho các Tông Đồ và những người kế nhiệm các người, đó là các giám mục. Theo chứng cứ Thánh Kinh các Tông Đồ cũng đã trao quyền này cho nhiều người khác:

“Rồi ông (Phêrô) truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô.” Cv 10,48

“Vì Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng.” 1 Cr 1,17

Theo Cv 8,38 (Xc. 8,12) thầy phó tế đã ban BT Thánh Tẩy.

Ngày xưa quyền ban phát BT Thánh Tẩy là quyền ưu tiên của Đức Giám Mục. Thánh Ignatius thành Antiochia nói: “Nếu không có Giám Mục, không được ban BT Thánh Tẩy cũng không được phép cử hành Agape.” (Smyrn. 8,2). Tertullian kể vị Giám mục và các Linh mục và phó tế dưới quyền Giám mục là những thừa tác viên chính thức của BT Thánh Tẩy. Trong trường hợp khẩn cấp, ngài nới rộng quyền này cho giáo dân đã lãnh nhận Thánh Tẩy, nhưng cũng chỉ dành cho nam nhân quyền ban Thánh Tẩy mà thôi ; ngài cấm phụ nữ làm (De bapt. 17). Những chứng cứ sau này cho phép bất cứ người tín hữu nào trong trường hợp khẩn cấp cũng có thể ban BT Thánh Tẩy: Công Cồng thành Elvira (can. 38 ; D 52 d), Hiêrônimô (Dial c. Lucif. 9), Augustinô (Contra ep. Parm II 13,29). Mãi cho đến thời Trung Cổ chúng ta mới gặp những cứ cho phép phụ nữ ban BT Thánh Tẩy (Urban II., Ep 271).
Đức Giáo Hoàng Stêphanô II công nhận BT Thánh Tẩy do người lạc giáo ban được thánh sự khi nại đến Thánh Truyền chống lại Giám mục Cyprian thành Carthago (D 46: NIHIL INNOVETUR, NISI QUOD TRADITUM EST), thánh Augustinô chống lại nhóm Donatisten. Công Đồng chung Tridentinô công bố điều này như tín điều. D 860.

Ngay từ cuối thời các giáo phụ người ta đã công nhận BT Thánh Tẩy do một người chưa lãnh nhận Thánh Tẩy ban là thành sự. Thánh Augustinô chưa dám quyết định (Contra ep Parm II 13,30). Công đồng thành Compiègne vào năm 757 và Đức Giáo Hoàng Nicôla I (866) công nhận Thánh Tẩy do một người chưa lãnh nhận Thánh Tẩy ban là thành sự. D 335.

Lý do nội tại cho việc bất cứ ai cũng có thể rửa tội thành sự nằm trong sự cần thiết cho ơn cứu độ của BT Thánh Tẩy. So S.th. III 67,3-5.

2.  Nghi Thức ban Bí Tích Thánh Tẩy

Chỉ có những người thuộc hàng giáo phẩm mới được phép ban BT Thánh Tẩy cách long trọng. Thừa tác viên thông thường của BT Thánh Tẩy được ban cách long trọng là chính Giám mục và Linh mục, thừa tác viên bất thường là thầy Phó Tế (đương nhiên phải có phép của vị sở tại hay của cha sở). CIC 738 $ 1; 741. Người giáo dân ban BT Thánh Tẩy khẩn cấp cần phải thi hành đầy đủ nghi thức BT cần thiết cho BT được thành sự. CIC 759.

VI. NGƯỜI LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÁNH TẨY

TẤT CẢ MỌI NGƯỜI CHƯA LÃNH NHẬN BT THÁNH TẨY, VẪN CÒN ĐANG SỐNG, ĐỀU CÓ THỂ LÃNH NHẬN BT THÁNH TẨY CÁCH HỢP PHÁP.


Đoạn 1 Cr 15,29 viết: “Chẳng vậy, những người chịu phép rửa thế cho kẻ chết thì được gì ? Nếu tuyệt nhiên kẻ chết không chỗi dậy, thì tại sao người ta lại chịu phép rửa thế cho kẻ chết?” “Phép rửa thế cho kẻ chết” ở đây, Phaolô muốn nói đến cái gì ? ở đây chắc chắn người ta không hiểu về một BT Thánh tẩy được ban cho người đã chết, nhưng, hoặc là Phaolô muốn nói đến một thứ Thánh Tẩy được ban cho một người đã qua đời mà chưa lãnh nhận BT Thánh Tẩy, bây giờ rửa tội vói qua một người đang sống, đại diện cho người đã khuất ; hay là một nghi thức thánh tẩy, một nghi thức tẩy rửa tương tự như thánh tẩy, nhờ đó người ta tin rằng có thể cầu nguyện được cho người quá cố cũng giống như kinh cầu hồn của Do Thái đối với người quá cố (2 Mcb 12,42tt). Nhiều giáo phái kitô giáo cổ nại đến câu nói của thánh Phaolô, như nhóm Cerinthianer và Marcioniten, chấp nhận nghi thức Thánh Tẩy ban cho người quá cố qua đại diện người sống. Cũng có khi người ta ban BT cho những người đã chết rồi. Công Đồng Hippo (năm 393) và Carthagô (năm 397) phản đối việc này.

1. Đối với người trưởng thành

Để có thể lãnh nhận BT Thánh Tẩy thành sự, đòi buộc người trưởng thành ít nhất phải có ý hướng biết rõ mình sẵn sàng lãnh nhận BT. D 411. Để lãnh nhận BT cho xứng đáng, cần phải có sự chuẩn bị nội tâm bao gồm đức tin và sự sám hối về những tội lỗi mình đã phạm (D 798).

Để lãnh nhận BT Thánh Tẩy, Thánh Kinh đòi buộc người lãnh nhận phải có đức tin (Mc 16,16: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ”; Mt 28,19 ; Cv 2,41 ; 8,12t ; 8,37) và sự thống hối về những tội lỗi đã phạm (Cv 2,38: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội.”; 3,19). Việc chuẩn bị cho người dự tòng lãnh nhận Thánh Tẩy trong thời gian đầu của Hội Thánh bao gồm việc chỉ dậy giáo lý Kitô giáo và những thực hành sám hối.

2. Đối với các em nhỏ

BT THÁNH TẨY ĐƯỢC BAN CHO CÁC EM NHỎ LÀ THÀNH SỰ VÀ HỢP LỆ.  (De fide)


Công Đồng Tridentinô kết án nhóm Tái Thánh Tẩy (Anabaptisten); nhóm này đòi buộc rửa tội lại cho các em vì đòi buộc phải có trí hiểu và chấp nhận: SI QUIS DIXERIT, PARVULOS...ESSE REBAPTIZANDOS AUT PRAESTARE OMITTI EORUM BAPTISMA, QUAM EOS NON APTU PROPRIO CREDENTES BAPTIZARI IN SOLA FIDE ECCLESIAE, ANATHEMA SIT. D 869. So D 791.

Anh em Tin Lành vẫn giữ BT Thánh tẩy cho các em bé theo ảnh hưởng truyền thống của Kitô giáo, cho dù họ không cùng đồng quan điểm về ý niệm BT như chúng ta. Luther tìm các loại bỏ điểm khó khăn khi chấp nhận việc này ; ông cho các em bé ngay chính lúc được Thánh Tẩy được đặt một cách kỳ diệu vào hoạt động đức tin phó thác có khả năng công chính hóa. Theo giáo lý Công Giáo, đức tin không phải là nguyên nhân hoạt năng cho việc công chính hóa, nhưng chỉ là hoạt động chuẩn bị, nếu như những hoạt động chuẩn bị khác còn thiếu. Đức tin thiếu sót ở nơi các em bé chưa trưởng thành, theo như giáo lý của thánh Augustinô và của Kinh Viện, được bổ túc bằng đức tin của Hội Thánh. S.th. III 68, 9 ad 2.

Vào thời đại của chúng ta, thần học gia Tin Lành Karl Barth trưng ra những tư tưởng theo cách giải thích Thánh Kinh và đối tượng, chống lại thực hành việc rửa tội cho các em bé và đòi buộc thay vì rửa tội cho các em bé như thông lệ, nên có một Thánh Tẩy có ý thức trách nhiệm đứng về phía người lãnh nhận.

Đứng về mặt Thánh Kinh, việc rửa tội cho các em bé cũng không rõ ràng chắc chắn cho lắm, nhưng cũng có thể dẫn chứng được. Nếu như thánh Phaolô (1Cr 1,16) và Công Vụ (16,15.33; 18,8; so 11,14) nói đi nói lại việc rửa tội cho cả một gia đình, thì phải hiểu ngậm rằng trong đó có cả các em bé trong gia đình, nhất là khi việc Thánh Tẩy lại thay thế cho tập tục cắt bì của Do Thái giáo (Cl 2,11: cắt bì của Chúa Kitô) và cả việc thanh tẩy dự tòng cho cả các em bé vào cuối thời Do Thái Giáo. Theo đoạn Cv 2,38t, lời hứa được ban Thánh Thần do hiệu năng của BT Thánh Tẩy, không những chỉ dành cho những người nghe thánh Phêrô mà thôi, nhưng cũng cho cả các em bé con cái của họ. Con cái ở đây cũng có thể hiểu là miêu duệ theo một ý nghĩa rộng. Việc có thể ban BT Thánh Tẩy cho các em bé căn cứ vào hiệu năng khách quan của BT, vào chính ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa ( 1 Tm 2,4) trong đó phải hiểu là có cả các em bé (Mt 19,14) và cuối cùng vào sự cần thiết của BT Thánh Tẩy cho ơn cứu độ (Ga 3,5).

Đoạn 1 Cr 7,14 không phải là cứ điểm để chống là việc ban BT Thánh Tẩy cho các em. Thực tế, thánh Phaolô đã xem các con cái của gia đình hôn nhân khác đạo là “thánh”, từ đó cho thấy không phải là các em không được phép chịu Thánh Tẩy, cũng như nhờ người tín hữu mà người phối nhân kia được thánh hóa, nhưng không phải vì từ sự thánh hóa này mà người kia không cần phải rửa tội khi trở lại đạo thánh. Truyền thống Hội Thánh cho thấy không có thành phần nào thuộc về Hội Thánh mà được chuẩn chước rửa tội được. Ý niệm “thánh” phải hiểu trong ý nghĩa rộng là một sự thánh hiến cho Thiên Chúa cách khách quan, trong đó sự thanh sạch bao gồm tự tại một ý nghĩa thanh tẩy theo nghi thức.

Trong bản tường trình MARTYRIUM POLYCARPI (9,3: tôi đã phục vụ Người 86 năm) cho chúng ta thấy thánh Polycarpô đã lãnh BT Thánh tẩy vào năm 70 khi ngài còn bé. Trong sách 1 Apol của Justin (15,6) cho chúng ta thấy có những người 60, 70 tuổi “những người môn đệ của Đức Kitô từ thuở còn bé”, đã được rửa tội khi còn bé vào những năm 85 đến 95. Các vị sau đây đã chứng nhận việc ban BT Thánh Tẩy cho các em bé là thực hành thông thường của Hội Thánh: Ireneus (Adv. haer. II 22,4), Tertullian (De bapt. 18), Hippolyt thành Rôma (Traditio Apostolica), Origenes (In Lev. hom. 8,3; Comm. in Rom 5,9), Cyprian (Ep. 64,2) và các bia ký cổ mộ vào thế kỷ thứ III. Origenes cho rằng vì lý do nguyên tội, nên người ta đã rửa tội cho các em bé và đã minh chứng thực hành này đã có từ thời các Tông Đồ. Một công đồng Carthagô thời của Cyprian (251 hay 253) cho phép lui ngày rửa tội cho các hài nhi đến ngày thứ 8 sau khi sinh, với lý do là “không ai được phép từ chối lòng nhân từ và hồng ân của Thiên Chúa cho những kẻ mới sinh được”. Từ thế kỷ thứ IV, bên Đông Phương, người ta có thói quen lui việc ban BT Thánh tẩy cho đến tuổi trưởng thành, cũng có khi đến cuối đời. Thánh Gregor thành Nazianz cho chỉ thị ban BT Thánh tẩy cho các em khoảng 3 tuổi (Or. 40,28). Qua việc đấu tranh với lạc giáo Pelagianer Hội Thánh mới nhận thức được rõ ràng về nguyên tội và sự cần thiết của BT Thánh Tẩy cho ơn cứu độ nên quyết liệt đòi buộc phải thực hành việc ban Thánh Tẩy cho các em bé.

Qua việc Hội Thánh công nhận tính thành sự của BT Thánh Tẩy cho các em bé, từ đó cho thất rõ các em bé được rửa tội, dù chưa trưởng thành, vẫn là thành phần trọn vẹn của Hội Thánh; các em vì chưa đạt được việc sử dụng lý trí, nên những người đỡ đầu phải tuyên xưng “tuyên tín rửa tội” thay thế cho các em. Lý thuyết của Erasmus thành Rotterdam cho rằng các em khi đến tuổi trí khôn có thể hoàn toàn tự do chọn lựa chấp nhận những trách nhiệm của BT Thánh Tẩy hay không, điều này bị công đồng Tridentinô kết án. D 870. Theo trật tự mà Thiên Chúa muốn, mỗi người đều được Thiên Chúa hướng dẫn để đạt được mục đích siêu nhiên của mình, phải gia nhập vào Hội Thánh Chúa Kitô qua việc lãnh nhận BT Thánh Tẩy. Vì ơn cứu độ của mình, mỗi người phải đón nhận trách nhiệm do việc lãnh nhận BT Thánh Tẩy đưa tới để tin và sống đời Kitô hữu.
 
More in this category: Bí Tích Thánh Tẩy Kitô »