Friday, 24 January 2020 01:43

Hôn Nhân Và Gia Đình Trong Hiến Chế Gaudium Et Spes Và Hôm Nay Featured

Tác giả: Fr. Raniero Cantalamessa, OFMcap.

Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

TRONG HIẾN CHẾ GAUDIUM ET SPES VÀ HÔM NAY [1]

 

Tôi muốn dùng suy niệm này để tiếp tục suy tư về những khía cạnh tu đức trong Gaudium et spes, là Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Tài liệu này đề cập nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến xã hội – văn hóa, kinh tế, công bình xã hội, hòa bình -, vấn đề thời sự nhất và gai góc nhất đó là vấn đề hôn nhân và gia đình. Gần đây Giáo Hội đã dành hai Thượng Hội đồng các Giám mục cho vấn đề này. Phần lớn trong chúng ta hiện diện ở đây không sống bậc sống này, nhưng chúng ta cần phải biết những vấn đề để hiểu và giúp đại đa số dân Chúa sống trong bậc sống hôn nhân, đặc biệt ngày hôm nay hôn nhân gia đình là trung tâm điểm của những tấn công và những đe dọa từ mọi phía.

Hiến chế Gaudium et spes đề cập về gia đình khá dài trong phần thứ hai.[2] Chúng ta không cần phải trích dẫn những trích đoạn từ tài liệu này bởi vì không gì ngoài giáo huấn truyền thống Công Giáo mà mỗi người đều biết cả rồi, trừ một điểm nổi bật mới mẻ về tình yêu hỗ tương giữa vợ chồng, được nhận biết cách rộng rãi hiện nay như là sự thiện ích nguyên thủy của hôn nhân bên cạnh việc sinh sản.

Liên quan đến vấn đề hôn nhân và gia đình, theo cách thế trình bày rất hợp lý của tài liệu này, Hiến chế Gaudium et spes tập trung trước tiên về những thành tựu tích cực trong thế giới hiện đại (Niềm Vui và Hy Vọng) và tiếp đến mới đề cập những vấn đề và những nguy hiểm (nỗi buồn và sự lo lắng).[3] Tôi có ý định đi theo phương pháp này, trong khi vẫn để tâm đến những thay đổi sâu sắc đã xảy ra trong lĩnh vực này từ nửa thế kỷ qua. Tôi sẽ gợi lại cách văn tắt chương trình của Thiên Chúa đối với hôn nhân và gia đình, để đơn giản từ đó chúng ta, nhưng người có niềm tin, cần phải bắt đầu từ điểm này, và thấy được điều mà mạc khải Kinh Thánh có thể mang đến cho chúng ta như một giải pháp cho vấn đề hiện nay. Tôi không có ý giải thích một số những vấn đề đặc biệt được bàn thảo trong Thượng Hội Đồng Giám Mục, về những điều mà chỉ Đức Giáo Hoàng có tiếng nói quyết định cuối cùng.

1- Hôn nhân và gia đình trong chương trình Thiên Chúa và trong Tin Mừng Chúa Kitô

Cuốn sách Sáng Thế có hai tường thuật khác nhau về tạo dựng cặp đôi nhân loại đầu tiên phát xuất từ hai truyền thống khác biệt: đó là truyền thống Giavít (thế kỷ X TCN) và truyền thống khác muộn hơn gọi là “truyền thống Tư Tế - P” (thế kỷ VI TCN). Theo truyền thống P (x. St 1,26-28), người đàn ông và người đàn bà được tạo dựng cùng một lúc, và người đàn bà không phải được tạo dựng từ người đàn ông; nhưng cả hai được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Mục đích ban đầu cho sự kết hợp giữa người nam và người nữ là sinh sôi nảy nở và thống trị mặt đất.

Theo truyền thống Giavít là truyền thống cổ kính nhất (x. St 2,18-25), người đàn bà được rút ra từ người đàn ông. Việc tạo dựng hai giới được xem như là một phương thuốc cho sự cô đơn: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Yếu tố kết hợp ở đây được nhấn mạnh hơn là yếu tố sinh sản: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Mỗi người tự do trước giới tính của mình và giới tính của người kia: “Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (St 2,25).

Tôi tìm thấy sự giải thích có tính thuyết phục rất cao cho “sáng kiến” của Thiên Chúa về sự phân biệt giữa hai giới không phải trong khoa chú giải nhưng trong một bài thơ của Paul Claudel:

“Chàng quá hãnh diện không còn cách thế nào khác để hiểu được người bạn đời, ngoài cách thế là kết hợp với nàng. Không có điều gì khác làm chàng hiểu sao mình bị lệ thuộc, cần đến và muốn ở bên cạnh người nàng, một sự hiện diện rất khác biệt với chàng, bởi vì đơn giản nàng được tạo dựng cho chàng”.[4]

Mở ra với giới tính khác là bước đầu tiên để mở ra với người khác là tha nhân, và với một Đấng Khác (được viết hoa), là Thiên Chúa. Hôn nhân bắt đầu bằng một dấu ấn của sự khiêm nhường: đó là nhận biết sự lệ thuộc và nhờ đó nhận biết thân phận mình vốn chỉ là một thụ tạo. Yêu thương một người nữ hoặc một người nam là thực hiện một hành vi tận căn nhất về sự khiêm nhường. Nghĩa là chấp nhận mình như là một kẻ ăn mày và đến ngỏ với người khác rằng: “Tôi thấy mình còn thiếu một nửa; tôi cần đến bạn để bù đắp nửa kia”. Như Friedrich Schleiermacher cho rằng: “Nếu bản chất của tôn giáo hệ tại ở “tâm tình lệ thuộc” vào Thiên Chúa, như thế, chúng ta cũng có thể nói rằng tính dục con người là trường học đầu tiên để giáo dục tôn giáo”.[5]

Chúng ta đang nói đến chương trình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không thể hiểu được phần tiếp theo của Kinh Thánh, cùng với câu chuyện tạo dựng, nếu không đề cập đến câu chuyện sa ngã, đặc biệt là điều mà Thiên Chúa nói với người đàn bà: “Ta sẽ làm cho người phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16). Sự thống trị của người đàn ông trên người vợ là một phần của hậu quả tội lỗi của con người, nó không phải là một phần trong chương trình của Thiên Chúa. Với những lời này, Thiên Chúa đã báo trước về sự khó khăn, mà không thừa nhận nó.

Kinh Thánh là một cuốn sách vừa mang tính thần linh – vừa nhân loại không chỉ bởi vì những tác giả của nó là Thiên Chúa và con người, nhưng còn bởi vì Kinh Thánh miêu tả sự hòa quyện giữa sự trung thành của Thiên Chúa cùng với sự bất tín của con người. Điều này thì quá rất rõ ràng khi chúng ta so sánh chương trình của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình với việc áp dụng thực tế trong lịch sử của Dân được tuyển chọn. Đọc tiếp những trang sách Sáng Thế, chúng ta thấy rằng người con của Cain là Lamech vi phạm luật một vợ một chồng khi đi lấy hai vợ. Ông Nôê và gia đình ông sống như một trường hợp ngoại lệ giữa một thời đại mà sự đồi trụy lên ngôi. Tổ phụ Abraham và Giacob có con nhờ có nhiều người vợ. Moses cho phép được rẫy vợ; David và Salomon thực hiện chế độ nàng hầu vợ lẻ bên cạnh mình.

Vượt trên những dẫn chứng lỗi phạm của cá nhân, dân Israel có một quan niệm rất cụ thể và nền tảng về hôn nhân như là lý tưởng ban đầu. Sự sai lạc xa rời lý tưởng ẩn chứa hai điểm căn bản: Thứ nhất đó là hôn nhân trở thành một phương tiện chứ không phải là một mục đích. Toàn bộ Cựu Ước xem hôn nhân như là cấu trúc của thứ quyền lực gia trưởng ngay ban đầu cách chính yếu nhắm đến việc duy trì nòi giống. Theo ý nghĩa đó, chúng ta có thể hiểu được những quy định luật hôn nhân của Lêvi (x. Đnl 25,5-10), chế độ vợ lẽ (x. St 16), và chế độ đa thê. Lý tưởng về một cuộc sống một vợ một chồng dựa trên mối tương quan cá nhân và hỗ tương đã không bị quên lãng, nhưng nó chuyển sang một hình thức thứ hai liên quan đến việc sinh sản con cái.

Sự sai lạc thứ hai cũng không kém phần nghiêm trọng liên quan đến thân phận của người phụ nữ: với tư cách là một người đồng hành với người đàn ông, có cùng một phẩm giá ngang nhau, người phụ nữ xuất hiện như một người luôn lệ thuộc vào người đàn ông và chỉ để phục vụ cho người đàn ông.

Các ngôn sứ - đặc biệt là Hoses, Isaia, Gieremia – và nhờ sách Diễm Ca đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm cho chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa về hôn nhân được sống động. Khi cho rằng sự kết hợp giữa người nam và người nữ là biểu tượng hay là sự phản chiếu về giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người, các ngôn sứ đã đề cao chỗ nhất giá trị tình yêu giữa hai người, sự trung tín, và sự bất phả phân ly vì chúng diễn tả thái độ của Thiên Chúa đối với Israel. Chúa Giêsu đến “thâu tóm” lịch sự nhân loại trong chính mình, Người cũng thâu tóm những gì liên quan đến hôn nhân.

“Khi ấy, những người Pharisee đến với Đức Giêsu để thử Người. Họ hỏi rằng: ‘Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?’ Người đáp: ‘Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ’, và Người phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,3-6).

Những người chống đối có một tầm nhìn rất hẹp hòi trong sự ngụy biện mang tính giả thiết (khi hỏi có được phép rẫy vợ vì bất kỳ lý do gì hay cần phải có một lý do đặc biệt và nghiêm trọng). Chúa Giêsu trả lời cho họ bằng việc dẫn họ tới trung tâm vấn đề và đưa họ trở về với nguồn gốc ban đầu. Khi trưng dẫn Kinh Thánh, Chúa Giêsu quy chiếu cả hai tường thuật về việc thiết lập hôn nhân, Người sử dụng những yếu tố từ cả hai tường thuật, tuy nhiên như chúng ta thấy, Người nhấn mạnh đặc biệt về sự kết hợp giữa hai người.

Trong bản văn của Matthew, vấn đề tiếp theo là vấn đề ly dị cũng được nhìn theo hướng này: Người tái khẳng định sự trung tín và bất khả phân ly của dây hôn phối vượt trên cả việc sinh sản con cái, mà trong quá khứ người ta đã sử dụng để xác định cho chế độ đa hôn, thế huynh hôn, và để ly dị.

Họ nói với Người: “Thế sao ông Moses lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ? Người trả lời: ‘Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Moses đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19,7-9).

So sánh với bản văn của Marco chúng ta thấy rằng theo Chúa Giêsu ngay cả trong trường hợp ly dị, đàn ông và đàn bà ở cùng một cấp độ tuyệt đối ngang hàng với nhau: “Ai rẫy vợ mà cưới vọ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mc 10,11-12).

Với (những) lời: “vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”, Chúa Giêsu khẳng định rằng Thiên Chúa can thiệp trong từng sự liên kết hôn nhân vợ chồng. Việc nâng hôn phối lên thành một “bí tích”, nghĩa là một dấu chỉ về hành động của Thiên Chúa, không phải chỉ dựa trên lý do yếu ớt về sự hiện diện của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana và dựa trên bản văn trong thư gửi tín hữu Êphêsô nói về hôn nhân như là phản ánh sự kết hợp của Chúa Kitô và Hội Thánh (Eph 5,32). Nó đã có nguồn gốc rõ ràng trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu xuyên suốt sứ vụ rao giảng của Người trên trái đất và nó cũng là một phần lời loan báo của Người về những điều đã có ngay từ thuở ban đầu. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lý khi định nghĩa hôn nhân như là “bí tích nguyên thủy”.[6]

2- Giáo huấn Kinh Thánh nói vì với chúng ta hôm nay

Một cách vắn gọn, đây là giáo huấn của Kinh thánh, nhưng chúng ta không thể dừng lại ở đây. Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả nói rằng: “Kinh Thánh lớn lên cùng với những ai đọc nó” (cum legentibus crescit).[7] Điều này cho thấy rằng những ứng dụng mới mẻ dần dần được đưa ra ánh sáng nhờ những vấn đề mới. Và ngày hôm nay những vấn đề mới, hay những thách đố mới về hôn nhân và gia đình thì đầy dẫy.

Chúng ta đang đối diện với một bối cảnh toàn cầu về chương trình Kinh Thánh liên quan đến vấn đề tính dục, hôn nhân và gia đình. Làm sao chúng ta có thể hành xử với những hiện tượng nhức nhối hiện nay? Công Đồng đã bắt đầu một lối tiếp cận mới bao gồm việc đối thoại hơn là đối đầu với thế giới và đồng thời cũng bao gồm việc tự phê bình mình. Tôi tin rằng chúng ta cần áp dụng lối tiếp cận này để trao đổi về vấn đề hôn nhân và gia đình. Khi áp dụng phương pháp đối thoại này là cố gắng nhìn để xem xét cả những thách đố lớn nhất, có điều gì đó mà chúng ta cần phải đón nhận.

Những người phê bình những hình thức truyền thống của hôn nhân và gia đình đưa ra những đề nghị cho con người ngày hôm nay là không thể chấp nhận được vì những đề nghị đó chỉ đưa đến việc phá hủy cơ cấu gia đình mà thôi. Khuynh hướng này bắt đầu từ chủ nghĩa Ánh Sáng và chủ nghĩa Lãng Mạn. Vì những lý do khác nhau, hai trào lưu này đã phổ biến sự chống đối của họ đối với quan điểm truyền thống về hôn nhân, họ hiểu theo một cách thế loại trừ “mục đích” khách quan của hôn nhân – như sinh sản con cái, có tính xã hội, và Giáo Hội – và họ nhìn theo cái nhìn rất hẹp hòi giới hạn trong các giá trị chủ quan và tương quan liên vị. Mọi sự được đòi hỏi đối với những cặp vợ chồng không gì khác ngoài điều họ yêu nhau và tự do luyến ái nhau. Ngay cả hôm nay, trên thế giới nhiều cặp vợ chồng gặp nhau và chỉ xem nhau như trong ngày cưới nhau vậy. Đối lập với kiểu mẫu này, chủ nghĩa Ánh Sáng chống lại hôn nhân như là một khế ước giữa hai người cưới nhau và chủ nghĩa Lãng Mạn nhìn hôn nhân như là một sự hiệp thông tình yêu giữa đôi vợ chồng.

Nhưng sự phê bình này phù hợp với ý nghĩa ban đầu của hôn nhân theo Kinh Thánh, mà không chống lại nó! Công Đồng Vatican II đã chấp nhân viễn tượng này, như tôi nói, khi nhìn nhận tình yêu hỗ tương và sự trợ giúp giữa đôi vợ chồng như là một sự thiện hảo ban đầu và bình đẳng của hôn nhân. Theo cái nhìn của Hiến chế Gaudium et spes, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong một bài giáo lý vào ngày thứ Tư rằng:

“Thân xác con người, với giới tính mình, là nam hay nữ… không chỉ là nguồn mạch của sự sinh sản và truyền sinh, cũng như tất cả mọi loài trong trật tự tự nhiên, ngay từ ban đầu nó chứa đựng đặc tính hôn phối, nghĩa là khả năng diễn tả tình yêu, trong tình yêu này con người trở thành quà tặng và – nhờ quà tặng này – hoàn tất ý nghĩa của hữu thể và sự tồn tại của mình”.[8]

Trong Thông điệp Deus caritas est, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đi xa hơn khi viết những điều mới mẻ và sâu sắc liên quan đến eros trong hôn nhân và trong tương quan giữa Thiên Chúa với con người. Ngài viết: “Sự liên hệ gần gũi này giữa eros và hôn nhân trong Thánh Kinh trong thực tế không có một tương đương nào trong các văn chương khác”.[9] Một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất mà chúng ta làm cho Chúa là kết thúc thực hiện tất cả những gì liên quan đến tình yêu và tính dục như một phạm vi đầy dẫy sự đồi bại nơi mà Thiên Chúa không phải vào và Người không mong muốn. Có lẽ là Satan, chứ không phải Thiên Chúa, là người sáng tạo nên tính dục và là tên sành điệu về tình yêu.

Những người tin và cả nhiều người không tin, chúng ta ở xa với việc chấp nhận những hệ luận mà ngày nay một số người rút ra từ những giả thiết này: chẳng hạn cho rằng bất kỳ hình thức eros nào cũng đủ để thiết lập một cuộc hôn nhân, bao gồm hôn nhân giữa người đồng giới. Tuy nhiên, sự từ chối này chứa đựng một sức mạnh khác và sự khả tín nếu được phối hợp với một sự nhận biết về lòng tốt từ chiều sâu của đòi hỏi và cả với một sự tự phê bình khỏe mạnh.

Quả thật, chúng ta không thể không đề cập đến đóng góp mà các Kitô hữu đã làm để hình thành một cái nhìn hoàn toàn khách quan về hôn nhân được quảng bá cách mạnh mẽ nhằm chống lại cái nhìn của văn hóa Tây Phương hiện đại. Thánh Thômas Aquinô đã củng cố vững chắc quan điểm của thánh Augustin về vấn đề này và ngài đã kết liễu lối nhìn tiêu cực về sự kết hợp thân xác của đôi vợ chồng, được xem như là một phương tiện qua đó tội nguyện tổ được thông truyền và chính nó không được thoát khỏi tội “dầu rất nhẹ thôi”. Theo Tiến sĩ thành Hippo, vợ chồng phải thực hiện hành vi tính dục vì để sinh con nhưng phải làm “cum dolore – với sự đau đớn” và bởi vì không có con đường nào khác để sinh ra những người công dân cho quốc gia và thành viên cho Giáo Hội.[10]

Một yêu cầu hiện đại khác mà chúng ta có thể chấp nhận liên quan đến nhân phẩm bình đẳng của người phụ nữ trong hôn nhân. Như chúng ta thấy, đây là điều cốt yếu trong chương trình của Thiên Chúa và trong suy nghĩ của Đức Kitô, nhưng nó thường không được nhìn nhận qua các thế kỷ. Lời Chúa gửi tới Eva: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi và nó sẽ thống trị ngươi” đã có kết cục bi đát trong lịch sử.

Trong những đại diện của cái gọi là “cuộc cách mạng giới tính”, yêu cầu cho sự bình đẳng của người phụ nữ đã mang đến những đề nghị điên rồ, như phá hủy sự phân biệt giữa các giới và thay vào đó là sự phân biệt tùy tiện hơn và chủ quan về “các giới” (nam, nữ, chuyển giới) hoặc là đề nghị giải phóng người nữ khỏi “sự nô lệ của việc làm mẹ” khi cung cấp trong những cách thức khác, được sáng chế từ người đàn ông cho việc sinh con cái. Trong những tháng gần đây người ta phổ biến liên tục những bản tin về những đàn ông muốn có khả năng mang thai và sinh một đứa con. Họ chạy tin “Adam sinh ra Eva” với một nụ cười, nhưng đây là điều làm chúng ta phải chảy nước mắt. Những người cổ xưa đã định nghĩa tất cả điều này với từ Hybris, sự sỉ nhục của con người trước Thiên Chúa.

Chính chọn lựa đối thoại và tự phê bình cho chúng ta quyền để tố cáo những chương trình này như là “phi nhân bản”: nghĩa là chúng trái nghịch không chỉ với ý định của Thiên Chúa nhưng còn với sự thiện ích của nhân loại. Khi áp dụng trên phạm vi rộng lớn chúng có thể dẫn tới những tai ương không thể lường được cho con người và xã hội. Chúng ta chỉ hy vọng rằng cảm thức lương thiện của dân chúng, kết hợp với những “ước muốn” tự nhiên hướng về giới khác và với bản năng làm mẹ, làm cha mà Thiên Chúa đã cấy trong bản tính con người, sẽ chống lại những cám dỗ này là thế mình vào vị trí Thiên Chúa, nguyên do từ một ý thức muộn màng về tội lỗi của con người hơn là bởi sự kính trọng thật sự và tình yêu đích thực cho người phụ nữ.

3- Một lý tưởng để tái khám phá

Bổn phận quan trọng phải bảo vệ lý tưởng Kinh Thánh về hôn nhân và gia đình chính là bổn phận phải tái khám phá và sống lý tưởng này cách viên mãn từ phía các Kitô hữu bằng cách tiếp tục giới thiệu lý tưởng này cho thế giới với những việc làm hơn là lời nói. Những Kitô hữu sơ khai đã thay đổi các khoản luật của quốc gia về vấn đề gia đình nhờ những tập tục của họ. Chúng ta không thể nghĩ rằng có thể chống lại và thay đổi những tập tục của dân chúng nhờ những lề luật của quốc gia, nhưng như những công dân chúng ta có một bổn phận đóng góp cho quốc gia ban hành luật pháp đúng đắn.

Nhờ Chúa Kitô, chúng ta hiểu đúng đắn tường thuật về tạo dựng con người nam và người nữ trong ánh sáng của mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong ánh sáng này, câu “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh mình; Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa: Người tạo dựng họ có nam có nữ”, cuối cùng mặc khải một ý nghĩa trước Chúa Kitô thì rất khó hiểu và không rõ ràng. Có sự liên kết nào ở đây giữa hình ảnh Thiên Chúa và “nam và nữ”? Thiên Chúa Kinh Thánh không có những phẩm tính phái tính, Người cũng không thuộc nam hay nữ.

Sự nên giống hệ tại ở điều này: Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu đòi hỏi sự hiệp thông và sự trao ban liên vị. Nó đòi hỏi một “I” và một “You” (Tôi và Anh). Không có tình yêu này thì không có tình yêu cho ai đó; nếu chỉ có một chủ thể thì sẽ không có tình yêu, chỉ là ái kỷ và narcissism. Ở đâu Thiên Chúa được quan niệm chỉ như là Lề Luật hay như là một Quyền Năng tuyệt đối, ở đó không cần có sự đa nguyên về các ngôi vị (quyền lực có thể được sử dụng bởi một người thôi!). Thiên Chúa mạc khải bởi Đức Kitô là tình yêu, là Thiên Chúa duy nhất và hiệp nhất, nhưng không đơn độc, Người là một và là ba ngôi. Sự hiệp nhất và phân biệt đồng hiện hữu trong Người: hiệp nhất về bản tính, ước muốn, ý định, và sự phân biệt về đặc tính và các ngôi vị.

Khi hai người yêu nhau – và tình yêu của người nam và người nữ trong hôn nhân là hình ảnh mạnh mẽ nhất – họ làm phát sinh một điều đến từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong Thiên Chúa Ba, hai ngôi vị, Chúa Cha và Chúa Con, yêu mến nhau, nhiệm xuất (thở) Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu liên kết Chúa Cha - Chúa Con nên một. Ai đó đã định nghĩa Chúa Thánh Thần là “We” thần linh (chúng ta), nghĩa là không phải là “ngôi thứ ba của Ba Ngôi”, nhưng là ngôi thứ nhất số nhiều.[11] Chính trong cách thế này mà cặp đôi nhân loại là hình ảnh của Thiên Chúa. Người chồng và người vợ quả thật đã nên một thân xác, một trái tim, một tâm hồn, nhưng họ vẫn khác biệt về phái tính và ngôi vị. Sự hiệp nhất và khác biệt được hòa giải với nhau trong cặp đôi vợ chồng.

Trong ánh sáng đó, chúng ta khám phá ý nghĩa sâu xa của sứ điệp ngôn sứ về hôn nhân nhân loại. Đó là một biểu tượng và là một sự phản chiếu về một tình yêu khác, tình yêu của Thiên Chúa cho dân Người. Biểu tưởng này không có nghĩa là đưa một ý nghĩa thần bí vào một thực tại hoàn toàn trần tục. Không phải chỉ làm một biểu tượng, nhưng hơn nữa nó mạc khải khuôn mặt thật và mục đích tối hậu của việc tạo dựng người nam và người nữ.

Vậy đâu là nguyên nhân của sự dở dang và sự không đầy đủ mà sự kết hợp phái tính để lại, ở trong và cả ngoài hôn nhân? Tại sao sự thúc đẩy này luôn tác động trên chính mình, và tại sao sự hứa hẹn vô biên và vĩnh cửu này luôn chỉ là thất vọng? Con người cố gắng tìm một phương thuốc cho sự thất vọng này, nhưng họ chỉ làm gia tăng nó mà thôi. Thay vì thay đổi phẩm chất của hành động, người ta lại gia tăng số lượng, đi từ đối tác này sang đối tác khác. Điều này dẫn tới sự hủy hoại món quà của Thiên Chúa là tính dục hiện đang xảy ra trong xã hội và văn hóa hôm nay.

Phải chăng chúng ta những người Kitô hữu muốn tìm một sự giải thích cho sự rối loạn nguy hại này không? Chúng ta giải thích rằng sự kết hợp tính dục không được sống trong cách thế và với mục đích Thiên Chúa chờ đợi. Mục đích của nó là, nhờ sự ngất ngây này và kết hợp với nhau trong tình yêu, người đàn ông và người đàn bà nâng cao khát vọng và có được sự nếm trước về tình yêu vô biên; họ được nhắc nhở mình đến từ đâu và đi về đâu.

Tội lỗi bắt đầu với Adam và Eva, nó đã làm tổn thương chương trình này. Nó đã “trần tục” hành vi tính dục, nghĩa là nó tách khỏi những giá trị tôn giáo. Tội lỗi đã biến hành vi tính dục thành một hành vi kết thúc nơi chính mình, khép kín trên chính mình, vì thế, nó là “sự tự thỏa mãn”. Biểu tượng đã bị tách rời khỏi thực tại được biểu tưởng hóa, tách khỏi sự năng động bên trong của nó, như thế nó trở nên méo mó. Hơn bao giờ hết chúng ta kinh nghiệm chân lý mà thánh Augustin nói rằng:

“Chúa đã tạo dựng nên con cho Chúa, và trái tim con khắc khoải cho tới khi nào được nghỉ ngơi trong Chúa”.[12] Quả thật, chúng ta không được tạo dựng để sống trong một tương quan vĩnh cửu của đôi bạn nhưng để sống trong một tương quan vĩnh cửu với Thiên Chúa, với Đấng Tuyệt Đối. Ngay cả Faust Goethe cuối cùng cũng khám phá điều này sau cuối thời gian dài đi hoang. Khi nghĩ về tình yêu của mình đối với Margeret, ông kêu lên ở cuối bài thơ: “Tất cả mọi sự qua đi như là một dụ ngôn. Chỉ nơi đây nơi (trên trời) không thể đạt tới mới là thực tại”.[13]

Theo chứng tá của một số cặp vợ chồng đã có kinh nghiệm về canh tân trong Chúa Thánh Thần và sống một đời sống theo đặc sủng Kitô hữu, chúng ta tìm thấy đôi điều ý nghĩa nguyên thủy của hành vi vợ chồng. Không có gì phải ngạc nhiên đối với chúng ta nếu được như vậy. Hôn nhân là một bí tích của quà tặng hỗ tương mà vợ chồng làm cho nhau và Chúa Thánh Thần là ‘quà tặng’ trong Ba Ngôi, hay đúng hơn, “sự hiến dâng chính mình” của Chúa Cha và Chúa Con không phải là một hành động nhất thời nhưng là một tình trạng liên lỉ. Nơi nào Chúa Thánh Thần đến, nơi đó sinh ra hoặc tái sinh khả năng hiến dâng chính mình như quà tặng. Như thế, đó là “ân sủng của bậc sống” hoạt động trong hôn nhân.

4- Người kết hôn và thánh hiến trong Giáo Hội

Dầu chúng ta là những người thánh hiến không sống trong bậc sống hôn nhân, nhưng như tôi đã nói từ đầu rằng chúng ta cần hiểu hôn nhân để giúp những ai sống trong bậc sống này. Bây giờ tôi sẽ thêm một lý do nữa: chúng ta cần hiểu hôn nhân để giúp chúng ta sống tốt bậc sống mình! Khi nói về bậc hôn nhân và bậc đồng trinh, thánh Tông Đồ dạy: “Mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác” (1Cr 7,7). Người kết hôn có đặc sủng riêng của họ và những ai sống độc thân vì Chúa cũng có đặc sủng riêng của họ.

Cũng chính thánh Tông Đồ nói: “Mỗi đặc sủng là một sự bày tỏ cách đặc biệt của Chúa Thánh Thần vì lợi ích chung” (1Cr 12,7). Áp dụng cho tương quan giữa người kết hôn và người thánh hiến trong Giáo Hội, điều này có nghĩa là độc thân và trinh khiết là vì lợi ích cả của người kết hôn và hôn nhân cũng là vì lợi ích của người thánh hiến. Đó là bản tính cố hữu của một đặc sủng mà xem ra nó trái ngược nhau: điều gì đó “riêng biệt” (một sự bày tỏ riêng biệt của Chúa Thánh Thần) tuy nhiên được dùng cho tất cả (vì thiện ích chung).

Trong cộng đoàn Kitô hữu, người được thánh hiến và người kết hôn có thể xây dựng cho nhau. Các cặp vợ chồng được nhắc nhở bởi những người thánh hiến cho sự ưu việt của Thiên Chúa và về điều không thể qua đi; họ được dẫn tới lòng yêu mến Lời Chúa nhờ những người có thể đào sâu hơn và “bẻ ra” cho người giáo dân. Nhưng người thánh hiến cũng có thể học hỏi điều gì đó từ những người kết hôn. Họ có thể học sự quảng đại, sự quên mình, sự phục vụ cho sự sống, và “lòng nhân ái” đến từ những vật lộn vất vả với những thực tại cuộc sống.

Tôi xin nói về kinh nghiệm ở đây. Tôi thuộc về một Dòng tu trong đó, cho đến gần một thập kỷ qua, chúng tôi dậy lúc nửa đêm để đọc Kinh Thần vụ “Mattutino” kéo dài khoảng một giờ. Rồi có một bước ngoặt trong đời sống của Dòng tu sau Công Đồng. Xem ra nhịp sống hiện đại – việc nghiên cứu đối với những người trẻ và sứ vụ tông đồ đối với các linh mục – họ không còn đồng ý với việc nửa đêm dậy làm cắt đứt giấc ngủ, và dần dần việc đọc kinh bị bỏ quên ở một số nơi huấn luyện.

Sau này khi Chúa cho tôi cơ hội quen biết những gia đình trẻ khác nhau qua sứ vụ của mình, tôi khám phá ra điều này làm tôi giật mình. Bố và mẹ của họ phải dậy không phải một lần, nhưng hai hoặc ba lần một đêm để cho đứa trẻ ăn, hoặc cho con uống thuốc, hay an ủi con khóc, hoặc kiểm tra con vì bị sốt. Và vào sáng sớm một trong hai hoặc cả hai phải vội vã đi làm cùng một lúc giống nhau sau khi đã đưa đứa con gái hay con trai tới ông bà hay tới chỗ nhà trẻ. Có thể để đóng dấu dù thời tiết có tốt hay xấu và dù sức khỏe của họ tốt hay xấu.

Khi đó tôi nói với mình, nếu chúng ta không chữa trị sai lầm, chúng ta ở trong một sự nguy hiểm nghiêm trọng! Đời sống tu trì của chúng ta nếu không được tuân thủ bởi một sự tuân giữ thật sự Kỷ Luật và bởi một sự nghiêm nhặt nào đó về thời biểu và thói quen, có nguy cơ trở thành một đời sống dễ dãi và dẫn tới sự khô cằn của con tim. Như những bậc cha mẹ tốt lành có thể chăm sóc con cái mình khỏe mạnh, được học hành, sống hạnh phúc nhờ sự quên đi chính mính. Cũng thế, đây cũng phải là bổn phận mà chúng ta phải làm cho con cái và anh em thiêng liêng chúng ta. Về điều này, chúng ta có một mẫu gương trong những gì mà thánh Tông Đồ Phaolô nói: “Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em” (2Cr 12,15).

Nguyện xin Chúa Thánh Thần, Đấng ban các đặc sủng giúp tất cả chúng ta, người thánh hiến và kết hôn, thực hành lời mời gọi của thánh Tông Đồ Phêrô: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa… như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô. Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen! (1Pr 4,10-12).

 

 

 

 


[1] Bài giảng cho Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Roma vào Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay năm 2016 của Cha Raniero Cantalamessa, OFMcap., giảng thuyết gia phủ Giáo Hoàng, đăng tải tại: https://zenit.org/articles/father-cantalamessas-4th-lent-homily-2016/

[2] Công Đồng Vatican II, Hiền chế Gaudium et spes, n. 46-53.

[3] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes, n.1. Quotations from Church and papal documents are from the Vatican website.

[4] Paul Claudel, The Satin Slipper, Act 3, sc. 8; see Le soulier de satin: Édition critique, ed. Antoinette Weber-Caflisch (Besançon: Presses Universitaires de Franche-Compté, 1987), pp. 227.

[5] Friedrich Schleiermacher, The Christian Faith, vol. 1, trans. H. R. MacKintosh and James S. Stewart (New York: T & T Clark, 1999), pp. 12ff.

[6] See John Paul II, Man and Woman He Created Them: A Theology of the Body, trans. Michael M. Waldstein (Boston: Pauline Books and Media, 2006), pp. 503-507.

[7] See Gregory the Great, Moralia in Job, 20, 1, 1, in Gregory the Great, trans. John Moorhead (New York: Routledge, 2005), pp. 49.

[8] John Paul II, “The Human Person Becomes a Gift in the Freedom of Love”, General Audience, January 16, 1980.

[9] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Deus caritas est, n. 11.

[10] Augustine, “Sermon 51” 25, in Sermons (51-94) on the New Testament, Part 3, vol. 1, trans. Edmund Hill, The Works of Saint Augustine, ed. John E. Rotelle (Brooklyn, NY: New City Press, 1991), pp. 36.

[11] Heribert Mühlen, Der Heilige Geist als Person: Ich-Du-Wir [The Holy Sprit as Person: I-You-We} (Munich: Aschendorf, 1963).

[12] Augustine, Confessions, 1, 1, trans. John K. Ryan (New York: Doubleday, 1960), pp. 43.

[13] Wolfgang Goethe, Faust, part 2, Act 5, in Goethe: The Collected Works, trans. Stuart Atkins (Princeton NJ: Princeton University Press, 1994), pp. 305.