Friday, 24 January 2020 01:43

Thần Học Về Bí Tích Hôn Phối: Một Quá Trình Lịch Sử Phức Tạp Featured

Tác giả: José María Castillo

Chuyển ngữ: Felipe Gómez Ngô Minh, SJ.

 

1. Những hình thức khác nhau của hôn phối

Hôn nhân đang và đã từng có mặt trong tất cả mọi dân tộc và trong hết thảy mọi nền văn hóa trên trái đất. Vì thế, có quyền để xác định một cách hoàn toàn chắc chắn rằng việc kết hôn giữa nam và nữ là một sự kiện thuộc lãnh vực đời sống công, được xã hội loài người công nhận và chấp nhận, chứ không phải là một việc kết hợp hay giao ước chỉ có tính cách riêng tư. Hơn nữa, không những được công nhận và chấp nhận mà thôi, hôn nhân còn được xã hội bảo vệ và chuẩn nhận bằng vô số những điều lệ, phong tục, quy phạm và điều luật thích ứng với những trường hợp khác nhau. Vì vậy, bao giờ người ta cũng coi việc kết hợp lâu dài hay sống chung giữa nam và nữ ngoài hôn nhân chính thức, là tình trạng bất thường: một tình trạng phải miễn cưỡng dung nhẫn, chứ không bao giờ được thừa nhận là chính đáng.

Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa là bất cứ ở vào thời nào và tại bất cứ nơi nào, dân tộc nào, hôn nhân cũng chỉ mang có một hình thức giống hệt như nhau. Thật vậy, đã và đang có đủ loại hình thức phối hợp vững bền giữa người nam và người nữ: giữa một người nam và một người nữ, giữa một người nữ và nhiều người nam, hay giữa một người nam và nhiều người nữ. Nhưng không phải chỉ có thế thôi, vì nơi xã hội của một vài dân tộc hiện đang sống trong những bối cảnh văn hóa rất sơ thủy, vẫn còn gặp thấy những trường hợp thật là khó coi: chẳng hạn như trong xã hội người dân Nuers, một bộ lạc nước Sudan, sống trong vùng sình lầy của sông Nil, người ta thấy có những cuộc hôn nhân giữa nữ với nữ với mục đích là để hợp thức hóa các con cái; hoặc là trường hợp - còn lạ hơn nữa, - của dân Nayar sống tại miền nam Ấn Độ: họ theo một kiểu tổ chức xã hội trong đó, trên thực tế, không có ngay cả việc kết hợp dù là tạm thời, của người chồng, người vợ và các con cái. Vấn đề đặt ra tại địa phương này phức tạp và các thể thức kết hôn vững bền khác nhau đến độ các nhà nhân học nhận định rằng hiện chưa có thể đưa ra được một công thức định nghĩa chung về hôn nhân cho mẫu xã hội đó. Cách định nghĩa E. K. Gough đề ra là cách xem ra đúng nhất: “hôn nhân là mối kết liên giữa một phụ nữ và một hay nhiều người khác, nhờ đó người con sinh ra từ người nữ trong những hoàn cảnh không bị các quy phạm về liên hệ cấm chỉ, được hưởng do sự việc sinh ra, đầy đủ mọi quyền lợi của các thành phần hợp thức trong xã hội hay trong giai cấp xã hội của mình”.

Từ các nhận định trên đây, có thể rút ra hai kết luận sau đây:

- Thứ nhất, sự kiện một người nam và một người nữ quyết định cùng nhau sống chung là một việc làm không chỉ quan hệ riêng lẻ đến cặp nam nữ ấy mà thôi, nhưng còn liên quan đến cả xã hội nữa; do đó, việc nam nữ kết hợp bền chắc trong hôn nhân không thể là chuyện thuần túy riêng tư được, nhưng là một giao ước cần phải được xã hội nơi mình sinh sống công nhận. Xét cho cùng, hôn lễ là thể cách qua đó xã hội nhìn nhận và chấp thuận sự việc cặp nam nữ ấy sống chung và thành lập một gia đình mới.

- Thứ hai, nếu đã từng có và vẫn còn có nhiều mẫu thức hôn phối như thế, thì xét theo phương diện nhân học, xem ra không thể kết luận được rằng duy chỉ có một trong các mẫu thức ấy mới thực là mẫu thức phổ quát, tốt nhất, hoàn hảo nhất, và là mẫu thức thật sự xứng hợp với bản chất con người. Khẳng định như thế là ít nhất về mặt nhân học văn hóa, chủ trương một điều không có được một chút lý lẽ gì chắc chắn. Ðúng: gặp thấy thông thường và rộng rãi nhất là hôn nhân một vợ một chồng (đơn hôn), và do vậy, đó là dạng hôn phối phổ biến nhất. Tuy nhiên, cũng có những dạng văn hóa cổ xưa hơn nền văn hóa ngày nay của chúng ta, và các dạng văn hóa này đã thiết đặt những mẫu thức hôn nhân và gia đình theo nhiều cách kiểu khác. Dĩ nhiên là không phải vì thế mà có thể coi các nền văn hóa ấy là đồi bại, và cho các mẫu thức kia là những lề thói lệch lạc không xứng hợp với con người. Theo diện văn hóa mà nói, thì những lối nhận dịnh như vậy là hoàn toàn vô căn cứ và chỉ để lộ rõ não trạng duy chủng tộc không thể chấp nhận được trong thời đại ngày nay.

Vậy thì cần phải xây dựng thần học về hôn phối trên nền tảng của thực trạng văn hóa đa dạng ấy, và dĩ nhiên, ở đây hôn phối được hiểu theo nghĩa là Bí tích của Giáo hội.

2. Một quá trình lịch sử rắc rối

Liên quan đến hôn nhân, trong thời đầu, người Kitô hữu sống theo những điều kiện và tập tục của môi trường mình sống, tức là môi trường lương dân. Tình trạng này kéo dài cho đến ít là tới thế kỷ IV. Như thế nghĩa là trong các thế kỷ đầu, các Kitô hữu chưa ý thức được rằng, mạc khải Kitô Giáo đã mang lại những nhân tố mới mẻ và đặc thù cho thực trạng văn hóa về hôn nhân. Có điều chắc là người Rôma cổ đã không quan niệm hôn nhân như chỉ là một việc “phàm tục” theo nghĩa ngày nay của từ này. Ðối với họ, hôn lễ là “thể cách truyền thông theo thần luật và nhân luật” (divini juris et humani communicatio). Ðiều đó cho thấy rằng, đối với người Kitô hữu thời ấy, hôn lễ cũng mang một ý nghĩa tôn giáo, như Clemente Alexandria đã muốn ám chỉ đến, khi bắc cầu liên hệ nối kết hôn nhân của người Kitô hữu với ý định của Ðấng Tạo Hóa. Nhưng cho đến thế kỷ IV mới thấy xuất hiện những chứng tích về hôn lễ “sub benedictione sacerdotis” (với phép lành của linh mục). Phép lành chúc hôn được ban giữa bối cảnh của buổi lễ mừng trong gia đình, có linh mục hoặc giám mục tham dự. Cũng cần lưu ý là thời ấy, các lời kinh và phép lành chúc hôn dùng đến thường được xếp đặt và tiến hành giống theo các nghi thức hôn lễ tôn giáo bên lương dân; và dù phủ nhận tín ngưỡng làm cơ sở cho các nghi thức đó, thì người Kitô hữu cũng giữ lại tính cách chúng hàm ngụ để chỉ về thể thức hay hiệu lực pháp lý của một dạng “hôn phối theo phép đạo” (hôn phối trước mặt Giáo hội). Hôn lễ được hiểu như là một cuộc mừng có tính cách đời, được tổ chức ở trong phạm vi gia đình, và không đòi có một sự can thiệp nào của thừa tác viên Giáo hội để hôn nhân được hữu hiệu về mặt pháp lý. Phải trải qua một thời gian khá dài, người Kitô hữu mới đi đến chỗ hiểu được hôn nhân là một Bí tích.

Các chứng tích về Thánh lễ hốn phối đọc thấy trong Giáo hội Rôma, đều nằm vào khoảng thời gian các thế kỷ IV và V; nhưng chỉ trong hôn lễ của các giáo sĩ cấp thấp thì mới buộc phải có việc cử hành Thánh lễ như thế. Trong mười thế kỷ đầu Kitô giáo, không có việc cử hành như thế trong hôn lễ của giáo dân. Sau đó, ý nghĩa hay chiều kích Giáo hội do bởi Phép Rửa Tội của hôn phối mới được ý thức đến; bởi tự nó, hôn phối không hàm ngụ ý nghĩa ấy. Dù kể từ thế kỷ V, tại một vài nơi, phụng vụ hôn lễ có tiến hành theo những thể thức được xác định rõ ràng hơn, thì sự thể cũng vẫn vậy, không có gì thay đổi đáng kể. Dĩ nhiên là trong suốt thời gian đó, phép lành chúc hôn do linh mục ban, không cần thiết cho việc thành sự của hôn phối. Có những nơi, như tại nước Anh chẳng hạn, cho đến thế kỷ X, không thấy có một chứng tích nào nói về việc Giáo hội cử hành nghi thức cho hôn phối. Dù sao thì cho đến năm 845, mới thấy lần đầu tiên, có việc buộc kết hôn trước sự chứng giám của linh mục: các Sắc lệnh của Isidore giả ghi lại điều buộc đó, và các lý do đưa ra để buộc chỉ có tính cách dân luật, chứ không phải là những lý chứng thần học.

Trong Đế Quốc Pháp, dưới triều đại của Pépin le Bref († 768), do ảnh hưởng của thánh Bonifacio, đã thấy xuất hiện một biến chuyển mới hướng tới việc để Giáo hội kiểm soát hôn nhân ngày càng trực tiếp hơn. Thực vậy, từ các thế kỷ XI-XII, Giáo hội giữ hẳn toàn quyền trên hôn nhân cũng như trên các hiệu lực dân sự (về mặt dân luật) của hôn nhân. Và phải chờ cho đến lúc đó, Giáo hội mới ý thức ra chiều kích Bí tích của hôn nhân. Lần đầu tiên tính chất tôn giáo (religiositatis species) của hôn nhân được công nhận là vào năm 1139, do Công Đồng Laterano II (DS 718). Rồi đến cuối thế kỷ XII, vào năm 1184, Công Đồng Verona mới chính thức minh xác về Bí tích tính của hôn nhân (DS 761): “hôn nhân là một Bí tích”.

Một điểm quan trọng cần được giải thích: nhiều thế kỷ trước đó, thánh Augustino đã nói đến chiều kích thần học của hôn phối, và nhìn nhận hôn nhân là Bí tích. Thánh nhân hiểu hôn nhân là Bí tích theo nghĩa rộng, tức như là một điều thánh và là dấu chỉ của một thực tại thánh. Nhưng, có phải hôn nhân cũng là Bí tích theo nghĩa hẹp, và là nguồn mang lại ân sủng hay không? Không bao giờ thấy thánh nhân nói rõ về điều này cả. Có một điều thánh nhân đã nhấn mạnh đến là “tính chất bất khả phân ly” của hôn nhân, tức là “sacramenti vinculum” (dây ràng buộc của Bí tích). Tuy nhiên, mối ràng buộc ấy là một bổn phận luân lý, chứ không phải là một mối ràng buộc theo ý nghĩa hữu thể như được hiểu về sau, trong thời Trung cổ.

Thần học về hôn phối được hiểu như là Bí tích đã từng bước hình thành trong các thế kỷ XI và XII. Vấn đề cơ bản đặt ra lúc đó là điều gì làm cho việc kết hôn trở thành Bí tích: Việc ưng thuận hay là hành động giao hợp (copula)? Và từ đó lại nảy sinh ra một vấn đề thần học khác: Bí tích (hôn phối) hay chất thể của Bí tích, hệ tại ở hành động nào trong hai hành động vừa nói? Thực sự, liên quan đến vấn đề này, đã có hai quan điểm pháp lý khác nhau: quan điểm Rôma và quan điểm Pháp-Ðức. Quan điểm Rôma coi việc ưng thuận (consensus) là chất thể Bí tích; còn quan điểm Pháp-Ðức thì lại cho là chính hành động giao hợp (co-pula) mới làm nên chất thể ấy. Các nhà thần học thiên về phía hành động ưng thuận; còn các nhà giáo luật thì lại bổ về phía hành động giao hợp; và như thế cho đến khi hai phía đạt đến được một giải pháp tổng hợp, như đọc thấy ở trong tác phẩm của Pedro Lombardo và trong Sắc lệnh của Gratiano. Tuy nhiên, có điều đáng lưu ý là Pedro Lombardo, hệt như Hugh of Saint Victor, xác quyết rằng cốt lõi của việc phối hợp giới tính (comunión sexual) nằm ở nơi “mối hiệp nhất tâm hồn” (unio animarum).

Ðằng khác, cũng nên lưu ý là lúc đầu, nếu phụng vụ hôn phối mang tính cách bắt buộc thì chỉ là đối với các giáo sĩ cấp thấp mà thôi, chứ không có chút gì liên quan đến giáo dân; và cho đến thời Công Đồng Trento, thể thức phụng vụ này cũng chỉ mang ý nghĩa pháp lý dân sự, chứ không phải là yếu cấu thành của hôn phối. Ðiều đó cho thấy là thần học hôn phối đã biến diễn chậm đến chừng nào, tức là phải chờ suốt trong 15 thế kỷ dài mới hình thành được! Từ Công Đồng Trento trở về sau (DS 1801-1812), thần học về Bí tích hôn phối đã được dứt khoát chuẩn định, và cũng đã được toàn thể Giáo hội chấp nhận.

3. Giáo huấn của Tân Ước

Nếu suốt bao nhiêu thế kỷ, thần học hôn phối đã không được hình thành và biểu trình cho rõ ràng trong Giáo hội, thì điều đó có nghĩa là giáo huấn của Tân Ước đã không nói rõ và dứt khoát về Bí tích ấy. Chính thế, ảnh hưởng của giáo huấn Kinh Thánh đối với việc hình thành ngành thần học kia là thật ít ỏi. Cả đến Thư Epheso 5,21-32, hay cụ thể hơn nữa là câu 32b, thì cũng vậy. R. Schnackenburg nghĩ rằng, “chắc hẳn là không thể bảo vệ được quan điểm” cho là những lời trong câu 32b – “tò mysterion toũto méga = sacramentum hoc magnum” (Bí tích lớn lao này) như bản Vulgata đã dịch, - chỉ về Bí tích hôn phối. Bởi vì, theo các dữ liệu chú giải, từ “mầu nhiệm” (mysterion) mang ý nghĩa chính xác chỉ về mối liên kết của Ðức Kitô với Giáo hội Ngài, đặt vào trong bối cảnh của cuộc sáng tạo (St 2,24), chứ không có nghĩa chỉ về hôn nhân. Hôn nhân tượng trưng cho việc Ðức Kitô kết hiệp làm một với Giáo hội của Ngài, và nhờ thế mà được thông phần vào mầu nhiệm của Ngài: đó chính là điều làm nên phẩm chất cao quý của hôn nhân. Nói cách khác, Tân Ước cho thấy là hôn nhân bao hàm một khía cạnh Giáo Hội học, và vì thế, có liên quan với mầu nhiệm cứu độ. Nhưng Tân Ước đã không mang lại một yếu tố hỗ trợ nào cho ý niệm Bí tích hiểu theo kiểu kinh viện.

Dù sao thì cũng cần phải nêu bật chiều kích thần học sâu xa của hôn nhân, bởi nó có sứ mạng biểu trình cho sáng tỏ và cụ thể thực trạng Ðức Kitô kết hiệp với Giáo hội Người. Hơn nữa, khi trong Thư Epheso 5 đưa ra hình ảnh đối chiếu giữa một bên là Ðức Kitô với Giáo hội và bên kia là người nam với người nữ, là để nói lên ý niệm về giao ước, được nhắc đến rất nhiều lần trong Cựu Ước. Israel là hôn thê của Giavê. Tân Ước miêu tả và trình bày Giáo hội như là hôn thê của Ðức Kitô. Cả hai Giao Ước đều lấy hôn nhân làm mô biểu cho mối liên hệ giữa dân được tuyển chọn và Thiên Chúa. Vì thế, hôn phối bao hàm một đòi hỏi được ghi khắc sâu đậm nơi chính mình: đòi hỏi phải sống trung thành, tận tụy dấn thân cho nhau trong tình yêu... Như lòng mến thương giữa Ðức Kitô và Giáo hội không bao giờ tàn úa đi, thì cũng vậy, tình yêu thương vợ chồng phải làm sao để mãi mãi trung thành và kiên trì bền vững. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu cho chính xác: không phải là hôn nhân làm chuẩn mẫu cho Giáo hội, nhưng trái lại, Ðức Kitô và Giáo hội Ngài mới là mẫu mực lý tưởng của hôn nhân. Cũng cần lưu ý là nhờ cùng có chung với Giáo hội một số hằng tố tương đồng, nên hôn nhân cũng được nhập cuộc vào trong công trình cứu độ, và nếu được như thế, thì không phải là do sức riêng của cuộc hôn nhân, hay là nhờ một “ơn” đặc biệt nào đó, nhưng là do bởi sự việc hôn nhân được thông phần vào trong ơn cứu độ Chúa ban cho Giáo hội.

Ðằng khác, hễ đã bàn đến giáo huấn của Tân Ước về hôn phối, tất cũng phải nói tới tính chất bất khả phân ly của hôn nhân.

Trước tiên, có thể hiểu tính chất “bất khả phân ly” ấy như là “giới luật” hay như là “tiêu đích” phải đạt đến. Dường như các văn bản Phúc âm liên quan đến điểm này đều hiểu theo nghĩa “tiêu đích” hơn là “giới luật”. Lý do là vì trong đoạn Tin mừng Mt 19,1-9, Ðức Giêsu muốn ám chỉ tới trật tự tạo dựng khi nói: “Các ông đã không đọc thấy lời này sao: Thuở ban đầu, Ðấng Tạo Hóa đã dựng nên con người có nam có nữ?” Ngài phủ nhận việc ly dị không phải là vì có một giới luật ghi sâu trong tính chất Bí tích của hôn nhân, nhưng là vì muốn căn cứ đúng theo trật tự trong công trình tạo dựng. Ðây là lý tưởng “địa đàng” chứ không phải là một giới luật thiết định phát xuất từ Bí tích.

Mặt khác, cách giải thích lời Ðức Kitô như là một tiếng mời gọi cần phải lưu ý đến luật tự nhiên cũng còn nằm trong vòng bàn cãi và chưa giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra; bởi vì văn bản Sách Sáng Thế phải được đọc theo văn loại của nó, chứ không phải là theo não trạng và những phạm trù kinh viện. Vì vậy, nhận định sau đây của H. Baltensweiler xem ra không có gì là quá đáng: nếu là bất khả phân ly, thì cũng không có nghĩa hôn nhân là một đơn vị hữu thể [siêu hình] tuyệt đối không thể phân rẽ đi được. Ðúng hơn thì phải nói là, “hôn nhân tự đặt cho chính mình đòi hỏi không được phân ly để tránh cho khỏi đánh mất đi ý nghĩa của mình trong phương án Ðấng Tạo Hóa đã an bài”.

Ngoài ra, cũng đừng quên điều Ðức Giêsu muốn trực tiếp nói lên là nam và nữ đều có quyền như nhau cũng như ngang nhau trong hôn nhân, tức là người nam không được phép rẫy bỏ vợ mình “vì bất cứ lý do nào”. Ðiều đó còn nói lên bổn phận hỗ tương của vợ và chồng, bổn phận sống trung thành với tình yêu đã đoan ước. Nhưng cần phải nói cho rõ thêm: đó là tiêu đích phải đạt tới, chứ không phải là giới luật. Trong chiều hướng đó, sự việc sau đây càng trở thành hùng hồn hơn nữa: đó là suốt trong nhiều thế kỷ, Giáo hội chấp nhận cho ly dị trong một số trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn vào năm 726, hồi đáp cho lời thỉnh vấn Thánh Bonafacio nêu ra như sau: “Người chồng phải xử sự thế nào nếu vợ mình phải lâm bệnh đến độ không thể thi hành bổn phận vợ chồng (chăn gối) đối với chồng mình?” Ðức Giáo Hoàng Gregorio II nói là: “Ðáng ra là mọi sự phải tiến hành trước sau như một, không có gì thay đổi, và người chồng phải giữ tiết dục. Tuy nhiên, vì đó là cách xử sự của những vĩ nhân, cho nên những ai không thể tự chế như thế được, thì thà tái hôn còn hơn; nhưng, người ấy không được bỏ rơi mà không tài trợ nhằm đỡ đần người phụ nữ bị bệnh, chứ không phải bị loại bỏ vì phạm lỗi lầm ghê tởm”. Như thế thì không còn nghi ngờ gì được nữa về sự việc ngày trước, tính chất bất khả phân ly của hôn nhân được coi là một tiêu đích phải đạt tới, chứ không phải là một đòi hỏi của giới luật; và hơn nữa, càng không phải là một thực thể do Thiên Chúa thiết đặt. Và ai cũng biết là bên các Giáo hội Đông Phương, việc ly dị được thừa nhận trong một số trường hợp đặc biệt.

4. Suy tư thần học

Bí tích là biểu tượng cơ bản của đức tin Kitô giáo. Ðức tin tiếp nhận những kinh nghiệm độc đáo nhất của cuộc đời, và nhờ đó mà chúng được nâng lên hàng Bí tích. Vì thế, E. López Azpitarte có lý khi viết: “Nam nữ yêu nhau là chuyện thường tình, tựa như ăn uống và tắm rửa hằng ngày; và như Thiên Chúa đã muốn gặp gỡ và gần gũi chúng ta qua một bữa ăn, hay đã muốn tự trao ban chính mình cho chúng qua việc xức dầu, thì cũng vậy, Ngài muốn dùng tình yêu vợ chồng làm nơi gặp gỡ con người. Sự việc gặp gỡ giữa hai người nam nữ yêu nhau và tự trao hiến cho nhau quả là một hành động nhân bản mang một tầm trọng yếu hết sức lớn lao đối với cặp tình nhân. Nhưng, ở trong mối tình ấy, đức tin phát hiện ra một chiều kích khác còn sâu sắc hơn nữa, đó là chính Thiên Chúa hiện diện giữa họ qua mối tình ấy, cùng muốn dùng nó làm biểu tượng cụ thể của ơn thánh và tình thương Ngài dành cho con người”.

Bí tích tính của hôn nhân nằm ở nơi chính thực tại của tình yêu ấy khi nó được biểu đạt cách công khai. Chẳng thế mà L. Boff viết là: “Hễ có tình yêu chân thật trong hôn nhân, là thật sự có ân sủng của Chúa: ân sủng Chúa ban qua chính tình yêu nhân loại ấy, đưa nó đến chỗ thành tựu, giúp nó giữ được thái độ rộng mở trước những thực tại siêu việt, và làm cho hoạt động cứu độ của Thiên Chúa thành hiện thực qua việc vợ chồng yêu thương nhau... Khi được sống trung thực, thì qua chính cơ cấu nội tại của mình, hôn nhân luôn luôn quy hướng về với Thiên Chúa”. Vì thế, các người kết hôn chính là thừa tác viên của Bí tích hôn phối; không phải là thừa tác viên của Bí tích này, linh mục chỉ là người chứng chính thức đứng ra để chủ tọa nghi thức Bí tích. Cũng do vậy mà suốt bao nhiêu thế kỷ, Giáo hội đã không đề ra một nghi thức riêng nào cho việc cử hành Bí tích hôn phối. Như đã thấy, trong các thế kỷ đầu Kitô giáo, người Kitô hữu chỉ cử hành hôn phối theo những cách thức hệt như tất cả những người khác, bất cứ là thuộc tôn giáo nào.

Tuy nhiên, mặt khác, cũng cần phải xác định rõ là các Bí tích Kitô giáo phát nguyên từ gốc rễ đức tin; điều đó có nghĩa là đức tin phải có mặt nơi người cử hành cũng như nơi người lãnh nhận Bí tích. Ðiểm này đặt ra một vấn đề mục vụ to lớn, bởi lẽ có quá nhiều người muốn được cử hành hôn phối trong Giáo hội, nhưng họ lại không sống chút gì những đòi hỏi căn bản nhất của đức tin Kitô giáo. Dĩ nhiên, trong những trường hợp như thế, Giáo quyền cần phải tỏ ra nghiêm minh hơn, và yên tâm mà hướng họ về với hôn nhân dân sự, đừng coi đó là việc làm sai trái, bởi lẽ những người này thật ra không phải là tín hữu, tức không phải là những người có đức tin Kitô giáo. Không có lý gì để biến hôn phối Kitô giáo trở thành một thứ lễ mừng xã hội hay thế tục, nhằm thỏa mãn nhu cầu phô trương tự hào của các người thành hôn, hay của gia đình, bà con và bạn hữu họ.

Cuối cùng, không thể bỏ qua mà không trực diện với vấn đề quan trọng này được, đó là: trong thời Giáo hội chưa trở thành nhân tố quyết định hành vi giữa xã hội, thì hôn nhân, kể cả hôn nhân giữa người Kitô hữu, đã được xử lý theo những quy tắc, những tập quán dân gian và luật pháp dân sự. Thẩm quyền của Giáo hội - liên quan đến hôn nhân - đã chỉ hình thành như là kết quả của một quá trình chuyển biến lịch sử, nhất là tại Châu Âu: tại đây, một thời, Giáo hội đã đảm nhận phận vụ làm “sổ hộ tịch”, và sau đó thần học đã tìm cách biện giải cho tính chất hữu lý được coi là có cơ sở của chức vụ ấy. Vậy nếu trong xã hội hiện nay, một lần nữa, thế đứng của Giáo hội lại thay đổi thành khác hẳn, - xã hội đã trở thành đa dạng, phức hợp, và không còn có thể nói như ngày trước là Giáo hội đang đóng giữ vai trò làm nhân tố quyết định hình thế xã hội; mà đó lại chính là nhân tố làm nền tảng cho giáo luật về hôn nhân công giáo cũng như cho việc thần học biện giải về lý do hiện hữu của quy luật ấy, - thì việc tách biệt giữa hôn nhân theo giáo luật và hôn nhân dân sự, với ý nghĩa là không mảy may phủ nhận tính chất thành sự của dạng hôn nhân này, xem ra là hoàn toàn chính xác, hợp lý.

Vì vậy, phải nói như thường được quan niệm rất đúng, là ý nghĩa đặc thù của hôn nhân trong Giáo hội không nằm ở nơi bình diện thuần túy pháp lý dân luật, mà cũng chẳng nằm ở trong phạm vi của vấn đề thành sự, nhưng là thuộc bình diện của việc quyết định trong đức tin: quyết định này được hiểu không chỉ như là hành động công khai nói lên tình liên đới trước mặt Giáo hội, nhưng chủ yếu như là cách thế tự hiện thực hóa của tình liên đới ấy giữa đôi vợ chồng, qua cuộc sống chung trong đức tin, niềm cậy và lòng mến.