Vũ Khiêm Đào
"Bí tích Thánh Thể chính là nguồn mạch của hôn nhân Kitô giáo... Chính trong hy lễ của Giao ước mới và vĩnh cửu ấy mà các đôi bạn Kitô hữu tìm được nguồn mạch tuôn trào làm cho giao ước hôn nhân của họ được khuôn đúc từ bên trong và được sinh động bền bỉ" (ĐGH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, n° 57).
1. Hai thời điểm quan trọng: 'tiệc cưới Cana' và 'Bữa tiệc ly'
Toàn bộ Tin Mừng của Thánh Gioan, vị tông đồ của tình yêu, bằng cách nào đó được đóng khung bởi hai thời điểm quan trọng, đó là hai bữa tiệc biểu lộ một sự thật hết sức thiêng liêng mà các đôi vợ chồng được mời gọi đến thưởng thức, suy gẫm và để chiêm ngưỡng ngay cả trong sự kết hợp mật thiết của họ: “Tiệc Cưới Cana” và “Bữa Tiệc Ly”.
Không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu đã chọn để bắt đầu cuộc đời công khai của mình bằng một phép lạ trong tiệc cưới Cana, miền Galilê. Theo yêu cầu của Đức Trinh Nữ Maria: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3), Chúa Giêsu đưa ra một câu trả lời dường như kỳ lạ, theo bản kinh thánh bằng tiếng La tinh của Thánh Giêrômi: “Thưa Bà, chuyện đó can gì đến bà và con?” (Ga 2,4). Trong chú giải về Phúc Âm, Dom Delatte cho ta thấy một sự giải thích đúng đắn của câu trả lời đó, sau khi loại trừ tất cả những giải thích có xu hướng nhìn thấy trong đoạn văn này ý Chúa Giêsu muốn thiết lập một khoảng cách với mẹ của mình. Chúng ta có thể hiểu đúng được những lời trìu mến sau đây của Chúa Giêsu muốn nói với mẹ Ngài: "Chưa, hãy để con, hãy chờ đợi, giờ của con chưa đến".
Giờ mà Chúa Giêsu gợi lên là giờ của cuộc Tử Nạn của mình, được bắt đầu với những lời sau đây: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha” (Ga 17,1). Hai khoảnh khắc phù hợp với nhau, khi bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu và trước khi Ngài chết trên thập giá, trong cả hai trường hợp Chúa Giêsu gọi mẹ của Ngài: "Bà", “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19,26), qua đó nói lên ý nghĩa làm mẹ phổ quát của Mẹ Maria. Nhưng cần lưu ý rằng: lời cầu nguyện trọng thể của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc Tử Nạn, diễn ra sau khi đã cử hành lễ Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ. Chính trong Bữa Tiệc Ly này, Chúa Giêsu đã lập ra bí tích Thánh Thể, ban ơn cứu chuộc cho Giáo Hội của Ngài, nhờ sự dâng hiến chính Mình và Máu Ngài cho đến tận cùng. “Tiệc Cưới Cana” và “Bữa Tiệc Ly”, hai điểm đầu và cuối trong Tin Mừng của Thánh Gioan, là hai bữa tiệc cưới...
Bí tích Thánh Thể là một bữa tiệc cưới của Chúa Kitô-Hôn Phu và Giáo Hội-Hiền Thê. Tại tiệc cưới Cana, tuy giờ của Chúa Giêsu chưa đến, nhưng Ngài loan báo trước giờ lễ cưới của Hôn Phu với Giáo Hội-Hiền Thê và bí tích Thánh Thể là một tặng phẩm của quà cưới. Trong bữa tiệc Thánh Thể Chúa Giêsu tự hiến mình, trở thành lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng Hội Thánh của Ngài. Sự dâng hiến đến tận cùng của Thiên Chúa làm người để nhân loại được sống và sống dồi dào. Đó là tình yêu Thánh Thể. Đức Gioan Phaolô II đã nói: "Sự tự hiến đó cho Chúa Cha, bằng cách vâng phục cho đến chết, cũng đồng thời vì ‘Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh’ (Ep 5,25). Trong sự biểu hiện này, tình yêu cứu chuộc biến thành tình yêu phu thê, Đức Kitô, trong khi tự hiến mình cho Hội Thánh, cũng qua hành động cứu chuộc ấy, Ngài kết hợp mãi mãi với Hội Thánh, như Hôn Phu kết hợp với Hôn Thê, như chồng với vợ, bằng sự hiến thân trọn vẹn cho Hội Thánh một lần cho tất cả" (Tiếp kiến chung ngày 18/08/1982).
Bản tính sâu xa nhất của nền tảng hôn nhân Kitô giáo, chính là hình ảnh cuộc hôn nhân nhiệm mầu của Đức Kitô với Hội Thánh. Thư gửi tín hữu Êphêsô của Thánh Phaolô (Ep 5,22-33) mạc khải cho chúng ta sự thật cốt yếu về hôn nhân, từng là bức thư được đọc trong các lễ cưới. Một đàng, nó giúp ta hiểu rõ hơn mầu nhiệm hôn nhân giữa Đức Kitô và Hội Thánh, “Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32). Đàng khác, nó giúp ta đi sâu vào bản chất của hôn nhân. Hôn nhân là ơn gọi cao quý của các đôi bạn Kitô hữu được mời gọi để sống. Họ chỉ tìm thấy được ý nghĩa hôn nhân đích thực khi nào nó phản ảnh được tình yêu của Đức Kitô-Hôn Phu hiến ban mình cho Hội Thánh-Hiền Thê của Ngài. Phần Giáo Hội, nhận biết mình được Chúa Kitô yêu thương và cứu chuộc, trọn vẹn thuộc về Ngài, nên Giáo Hội đã hoàn toàn và luôn luôn “tùng phục Chúa Kitô... trong hết mọi sự” (Ep 5,24). Tình yêu ấy là hình ảnh và là mẫu mực cho tình yêu vợ chồng trong đời hôn nhân, khi cả hai người tùng phục lẫn nhau “Vì lòng kính sợ Đức Kitô” (Ep 5,21).
Nhờ bí tích Hôn Phối, đôi vợ chồng trở thành hình ảnh sống động của sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Chính vì thế mà hôn nhân Kitô giáo mang tính bất khả phân ly. Do đó, vợ chồng được mời gọi hiến thân cho nhau cho đến tận cùng. Đó là lý do tại sao "bí tích Hôn Phối phải cử hành trong Thánh Lễ" (Sacrosanctum Concilium, 78), giữa phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Vị trí này dành cho việc cử hành hôn lễ, qua nghi thức đó vợ chồng trao tặng cho nhau, tận hiến cho nhau. Một lần trao tặng cho nhau rồi, họ kết hợp với nhau ngay trong hy tế Thánh Thể của Chúa Kitô: họ kết hợp món quà cưới của họ cùng với món quà cưới của Chúa Kitô dành cho Hội Thánh.
Để được toàn vẹn, món quà cưới của họ đòi hỏi phải có sự ưng thuận bằng lời thề hứa, được khẳng định qua sự hiến thân và đó là lý do tại sao việc cử hành bí tích Hôn Nhân không kết thúc trong khi cử hành bí tích công khai, nó chỉ được hoàn tất trong phòng tân hôn, hành động hiến thân là một phần trong việc cử hành phụng vụ hôn nhân. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: "Là một bí tích, lễ cưới được thực hiện qua những lời thề hứa, là một dấu chỉ của bí tích qua nội dung của nó: ‘Tôi nhận bạn làm vợ tôi - làm chồng tôi’ […] Tuy nhiên, lời thề hứa trong bí tích này, chỉ là dấu hiệu cuộc hôn nhân đã được thực hiện. Và sự thành hình của cuộc hôn nhân không đi ngoài sự động phòng, đến nỗi, nếu có chứng cớ rằng: một cuộc hôn nhân đã được thiết lập về mặt giáo luật nhưng không có sự động phòng thì cuộc hôn nhân đó sẽ không thành tựu. Thật vậy, những lời thề hứa: ‘Tôi nhận bạn làm vợ tôi - làm chồng tôi’ […] chỉ có thể được hoàn tất qua sự kết hợp thân xác của vợ chồng" (Tiếp kiến chung ngày 05/01/1983).
Vì thế, sự ưng thuận tự hiến mình của Chúa Kitô cho Giáo Hội qua phép Thánh Thể, đòi hỏi phải được xác nhận bằng sự hiến thân cứu chuộc của Ngài trên Thập Giá. Sự hy sinh cứu độ của Ngài trên cây Thập Giá đạt đến đỉnh cao của sự dâng hiến, khi Chúa Giêsu nói lời cuối cùng, theo bản kinh thánh bằng tiếng La tinh của Thánh Giêrômi: “Consummatum est”, thường được dịch: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19,30). Toàn bộ công trình cứu chuộc lúc bấy giờ được hoàn tất, là công trình hiến thân của Chúa Giêsu-Hôn Phu cho Hội Thánh-Hiền Thê của Ngài. Chính lúc Chúa Giêsu ban tặng cho Giáo Hội hơi thở cuối cùng của mình trên Thập Giá, lúc đó quà cưới trao tặng cho Hội Thánh-Hiền Thê của Ngài đã được hoàn toàn thực hiện vì Ngài đã hiến dâng trọn vẹn.
Chính vì vậy, hình ảnh của sự kết hôn cho phép chúng ta hiểu được sự cao cả của các bí tích đến từ công trình cứu độ. Công trình cứu độ được kết thúc và hoàn tất trong quà cưới của Chúa Kitô trao ban cho Giáo Hội. Từ đó, tất cả các bí tích của Giáo Hội biểu lộ tràn đầy công trình cứu chuộc, mang chiều kích hôn nhân và chứng minh thành quả của sự kết hợp nhiệm mầu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Đây là lý do mà đức Gioan Phaolô II, đặt nền móng cho một sự đổi mới hoàn toàn của thần học bí tích, và không ngần ngại nói rằng "tất cả các bí tích của Giao Ước Mới, trong một ý nghĩa nào đó tìm thấy được nguyên mẫu của nó trong bí tích hôn nhân như là bí tích nguyên thủy" (Tiếp kiến chung ngày 20/10/1982). Khi trao ban cho nhau trong hôn nhân, bằng cách khắc ghi sự kết hợp của họ vào trong các dấu chỉ cứu chuộc của cuộc hôn nhân nhiệm mầu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, hành động đó mang tính cách tiên tri: "Căn cứ vào phép tiên tri về thân xác, các thừa tác viên của bí tích Hôn Nhân hoàn tất một hành động có tính cách tiên tri. Qua cử chỉ này, họ xác nhận nhiệm vụ tham gia vào trong sứ mệnh loan báo mà Chúa Kitô đã trao phó cho Giáo Hội" Đức Gioan Phaolô II (Tiếp kiến chung ngày 19/01/1983).
2. Sự mật thiết vợ chồng và tính sâu kín Thánh Thể
Thánh Thể, được coi là bí tích biểu lộ tính hôn nhân nhiều nhất. Bằng bí tích này, Chúa Kitô-Hôn Phu hình thành món quà hiến tế để nuôi dưỡng Hội Thánh-Hiền Thê bằng chính Mình và Máu của Ngài. Rước Mình Thánh Chúa Kitô không chỉ là cơ hội cho một cuộc gặp gở "chân thành" với Chúa Giêsu, nó cũng là - theo ý nghĩa phù hợp nhất - diễn tả "sự kết hợp với Thân Thể Chúa Kitô" của mỗi người chúng ta, là một thành viên của Giáo Hội-Hiền Thê. "Bánh Thánh Thể làm cho những phần tử khác nhau của cộng đồng gia đình trở nên một thân thể duy nhất, một hình ảnh diễn tả và một sự tham dự vào Thân mình “bị phó nộp” và vào Máu “đã đổ ra” của Đức Kitô sẽ trở nên một nguồn mạch bất tận cho gia đình Kitô hữu đến múc lấy năng lực cho hoạt động thừa sai và tông đồ" (Familiaris Consortio, n° 57).
Tất cả các bí tích của Giao Ước Mới, bằng cách nào đó, đều được xây dựng từ "nguyên mẫu" của hôn nhân, Thánh Thể thực hiện đầy đủ chiều kích hôn nhân đó, đồng thời được biểu lộ trong mỗi bí tích của Giáo Hội, như sự tuôn đổ của công trình cứu chuộc và hôn nhân nhiệm mầu thực hiện bởi Chúa Kitô. Nếu Thánh Thể là "nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu", (Lumen Gentium, n°11), hoàn thành sự viên mãn cuộc kết hợp hôn phối của Đức Kitô với Hội Thánh của Ngài. Các đôi vợ chồng chỉ có thể hoàn toàn hiệp nhất với nhau qua sự kết hợp với bí tích Thánh Thể và là nơi họ hiến trao cho nhau, cùng hiệp thông với tất cả các phần tử khác của Giáo Hội, với vị Hôn phu duy nhất. Đó là lý do tại sao bí tích Thánh Thể là một cơ hội để đôi vợ chồng được vĩnh viễn tái sinh đời sống hôn nhân của họ. Thánh Thể không chỉ là bí tích mà các đôi vợ chồng đến tìm lại sức mạnh để sống những đòi hỏi trong cuộc sống hôn nhân của họ. Bí tích Thánh Thể còn hoàn tất đầy đủ tất cả những gì họ được mời gọi để sống, giúp họ đạt tới sự thánh thiện trong việc tận hiến cho nhau.
Chúng ta hiểu được rằng khi đôi vợ chồng sống xa bí tích Thánh Thể, với lý do vì đời sống xác thịt của họ không có sự trong sạch đầy đủ để lãnh nhận Thánh Thể một cách xứng đáng. Chúng ta cũng hiểu được khi đức Gioan Phaolô II chỉ trích mãnh liệt Ma Ni giáo dưới mọi hình thức của nó, đôi khi mang tính chất đề cao về sự trinh tiết và đời sống độc thân đối với đời sống hôn nhân. Đức Gioan Phaolô II rất rõ ràng ở điểm này: "Những lời của Chúa Kitô […] không có một căn bản nào để có thể cho rằng đời sống hôn nhân thấp kém hơn, hoặc sự trinh tiết, hoặc đời sống độc thân là cao cả hơn, để từ đó chúng ta có thể viện lý do, đi tới không còn kết hợp thân xác trong đời sống vợ chồng […] Việc kết hôn và sự tiết dục không trái ngược với nhau, không tự phân chia cộng đồng nhân loại và Kitô giáo ra thành hai phe, khi nói: đó là hoàn hảo vì sự tiết dục và ít hoàn hảo hay không hoàn hảo vì thực tế của cuộc sống hôn nhân của họ" (Tiếp kiến chung ngày 14/04/1982).
Chắc chắn có những lỗi lầm mà vợ chồng có thể vấp phạm và thậm chí có thể dẫn họ tới việc không tham dự bí tích Thánh Thể khi họ chưa nhận được sự tha thứ của bí tích Hòa Giải. Không có gì trái ngược giữa đời sống xác thịt trong Hôn Nhân và Thánh Thể. Ngược lại, mối tương quan giữa hai bí tích Thánh Thể và Hôn Nhân có những thuận lợi nội tại, một sự tương ứng sâu sắc. "Nếu người ta muốn hiểu và sống sâu đậm các ân sủng và trách nhiệm của hôn nhân và gia đình Kitô hữu, thì tuyệt đối cần phải khám phá và đào sâu tương quan ấy" (Familiaris Consortio, n° 57). Ma Ni giáo là một chất độc thực sự, luôn tìm cách xâm nhập vào Giáo Hội và đối với Giáo Hội đã luôn cố gắng chiến đấu cho sự thật của Tin Mừng. Đức Gioan Phaolô II quyết định cuối cùng về vấn đề này: "khuynh hướng Ma Ni giáo chủ yếu đánh giá thân xác và tình dục của con người luôn luôn đi ngược lại với Tin Mừng" (Tiếp kiến chung ngày 22/10/1980).
Ngay cả trong tình trạng bị tổn thương do tội nguyên tổ, nhờ công trình cứu chuộc được thánh hóa qua bí tích Hôn Nhân, cùng được thanh tẩy bởi máu của Con Chiên, nên sự hiến thân có thể trãi qua ở nguyên vẹn ý nghĩa của nó. Đức Gioan Phaolô II: "Ngay cả trong trạng thái này, - tức là tình trạng tội lỗi của con người do tội nguyên tổ - hôn nhân vẫn không ngừng là hình ảnh của bí tích mà tác giả của thư gửi tín hữu Êphêsô đề cao ‘mầu nhiệm cao cả’" (Tiếp kiến chung ngày 13/10/1982). Đời sống Kitô hữu đích thực, là sống trong sự năng động của ân sủng, là một đời sống hiệp nhất. Sự hợp nhất của thân xác và linh hồn chúng ta cũng như là sự hợp nhất của đôi vợ chồng trong Thánh Thể, phải là những dấu hiệu rạng rỡ của đời sống Kitô giáo thực sự. Đây là kết quả của sự chiến đấu, sự thanh lọc, sự hy sinh, nỗ lực không ngừng uốn nắn lại trái tim của chúng ta, để xứng đáng đón nhận ân sủng, nhưng chủ yếu là nhờ vào công trình cứu chuộc của Chúa Kitô cho chúng ta.
3. Tiệc cưới Con Chiên
Phần Chúa Kitô, sự hy sinh cao cả của Ngài cho Giáo Hội là toàn hảo. Việc Ngài chết trên thập giá là lúc hoàn toàn dâng hiến chính Ngài. Sự đáp trả tình yêu của Giáo Hội cho tình yêu phu thê của Chúa Kitô phải được hoàn hảo hơn, để sự hiệp nhất của Chúa Giêsu và Giáo Hội một ngày nào đó sẽ hoàn toàn được thực hiện. Giáo Hội, nghĩa là mỗi người trong chúng ta phải sẵn sàng đón nhận, được xem như là Hiền Thê của Chúa Kitô-Hôn Phu, để đạt đến sự viên mãn của bản thân món quà. Để được như vậy, Giáo Hội phải được thánh hoá hết tội lỗi, vì nó làm cản trở sự dâng hiến hoàn toàn của mình. Vào ngày sau hết, Chúa Kitô trở lại trong vinh quang để đón nhận sự dâng hiến trọn vẹn của Giáo Hội cho Ngài, Hiền Thê sẽ hoàn toàn sẵn sàng để chào đón Hôn Phu của mình như trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan đã mạc khải: “vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng, nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền” (Kh 19,7). Đó cũng là mỗi lần chúng ta được chuẩn bị cho bí tích Thánh Thể "mà Chúa Kitô trong tình yêu phu thê của Ngài, đã nuôi dưỡng Giáo Hội" Đức Gioan Phaolô II (Tiếp kiến chung ngày 01/09/1982).
“Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới của Con Chiên!” (Kh 19,9), lời mời dự tiệc do vị chủ tế nhân danh Chúa Kitô cử hành trong nghi thức hiệp lễ. Theo lời mời này, Giáo Hội-Hiền Thê, qua mỗi người chúng ta chỉ có thể đáp lại với sự khiêm nhường và niềm hy vọng: "Dominus, non sum dignus - lạy Chúa, con không xứng đáng với bữa tiệc cưới này. Hiền Thê Ngài không xứng đáng, trái tim con vẫn chưa sẵn sàng để đón nhận món quà cao quý của Ngài, nhưng hãy đến, lạy Chúa, chữa lành trái tim của con, đến dưỡng nuôi con, đến gợi lên trong con sự khát khao tận hiến cho Ngài". Lời khao khát thể hiện lòng mong muốn mình được biến đổi để có một ngày, được đón nhận Hôn Phu một cách trọn vẹn, Giáo Hội sẽ không ngừng và sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại lời này, cho đến khi sẵn sàng đón nhận quà tặng của Hôn Phu cho mình, lúc Ngài trở lại trong vinh quang. Ngày đó Giáo Hội sẽ đến trước mặt Hôn Phu “xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”. (Ep 5,27).
Vinh quang của Chúa Kitô khi Ngài trở lại vào ngày sau hết sẽ là vinh quang của Hôn Phu được Hiền thê chào đón. Chính lúc đó, Giáo Hội-Hiền thê, cuối cùng có thể nói với Hôn Phu những lời mà bất kỳ người vợ nào cũng thì thầm với chồng khi cô cảm thấy sẵn sàng để đón nhận món quà hiến thân của chàng: "Hãy đến! - Maranatha, hãy đến, Chúa Giêsu!" Sự hiến thân của Hôn Phu đối với Hôn Thê, cuối cùng sẽ được hoàn toàn đáp trả từ Hôn Thê cho Hôn Phu. Cuộc hôn nhân của họ sẽ được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn trong một nghi lễ đời đời, hiệp thông vào bàn tiệc Thánh Thể vĩnh cửu, và sự khao khát hiệp thông được khắc ghi trong trái tim của người nam và người nữ ngay từ thuở ban đầu bởi Đấng Tạo Hóa sẽ hoàn toàn thoả mãn. Qua bữa tiệc cưới vĩnh cửu đó, công trình cứu chuộc nhân loại chúng ta cuối cùng sẽ được hoàn tất. Các đôi vợ chồng Kitô hữu nhờ ân sủng của bí tích hôn nhân, họ được mời gọi làm sứ giả loan báo từ ngày hôm nay và cho đến ngày sau hết.
Suy gẫm việc kết hôn nhiệm mầu giữa Ðức Ki-tô và Hội Thánh qua chương 5 của thư gửi Tín hữu Êphêsô, dẫn chúng ta vào trọng tâm của thực tại và cùng đích của hôn nhân, và đồng thời là một sự thật toàn thiện. Đức Gioan Phaolô II đã nói: "Bản văn này, cho chúng ta thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ của thân xác vì nó có thể được gọi là ‘huyền nhiệm’. Thực sự, hôn nhân là một ‘mầu nhiệm cao cả’ […] Mặc dù mầu nhiệm này đã hoàn tất trong hôn nhân của Chúa Kitô-Đấng Cứu Chuộc với Giáo Hội và Giáo Hội-Hiền thê với Chúa Kitô, và mầu nhiệm đó thật sự sẽ được thực hiện vĩnh viễn trong thời tận thế […] tác giả của bức thư gửi tín hữu Êphêsô không ngần ngại, tuy nhiên, để mở rộng sự so sánh hôn ước của Chúa Kitô và Giáo Hội trong tình yêu phu thê […] dấu chỉ bí tích của giao ước hôn nhân của người nam và người nữ" (Tiếp kiến chung ngày 04/07/1984).
Bản văn này thuộc kho tàng vĩ đại của Giáo Hội, kho tàng này tiếp tục đào sâu và không ngừng gia tăng sự ngưỡng mộ về tình yêu muôn thuở của Thiên Chúa yêu thương loài người. Mỗi ngày kho tàng giúp Giáo Hội hiểu thêm hơn về con người trong tất cả sự thật và hiểu được tầm quan trọng ơn gọi cao quý của mình, đồng thời là một mầu nhiệm mà "chỉ được soi sáng thực sự trong mầu nhiệm Nhập Thể" (Gaudium et Spes, n°22). Mầu nhiệm Nhập Thể, tức Mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ mình ra, “Thiên Chúa ở giữa chúng ta” (Mt 1,23), nên hôn nhân gia đình chính là cung thánh linh thiêng Thiên Chúa ngự trị và tỏ mình ra, qua những thăng trầm của cuộc sống vợ chồng, để cuộc sống hôn nhân gia đình của họ trở thành một Tin Mừng. Đức Gioan Phaolô II nói tiếp: "Chúng ta phải thừa nhận, bản văn tuyệt vời này đã hoàn toàn giải phóng suy nghĩ của chúng ta về các khuynh hướng Ma Ni giáo hoặc nhận xét không nhân vị của thân xác, và đồng thời làm cho ngôn ngữ của thân xác nằm trong dấu chỉ bí tích hôn nhân gần gũi hơn với sự thánh thiện thực sự".
Bản văn này cũng cho thấy sứ mệnh đặc biệt của các đôi vợ chồng trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô là Giáo Hội: suốt cuộc đời của các đôi vợ chồng trong Giáo Hội, mỗi cử chỉ của họ phải thể hiện một tình yêu chân thật như sự tận hiến chính mình, cho thấy toàn bộ ý nghĩa dấu chỉ bí tích của hôn nhân. Rằng cuộc hôn nhân nhiệm mầu của Chúa Kitô và Giáo Hội, tiệc cưới sẽ được hoàn thành vào ngày sau hết, lúc Chúa Kitô-Hôn Phu trở lại trong vinh quang để đón nhận món quà cưới của Hiền Thê Ngài. Và đó là lý do tại sao Đức Gioan Phaolô II đã kết luận: "Trong dấu chỉ này - thông qua ngôn ngữ của thân xác - người nam và người nữ sẽ tiến tới ‘mầu nhiệm cao cả’ để chuyển ánh sáng của mầu nhiệm này - ánh sáng của sự thật và nét đẹp thánh thiện, biểu lộ bằng ngôn ngữ phụng vụ - ngôn ngữ của thân xác, tức là trong ngôn ngữ truyền thống của tình yêu".