Friday, 24 January 2020 01:39

Hôn Nhân Trong Ánh Sáng Hôn Lễ Của Đức Kitô và Giáo Hội Featured

Trong buổi triều yết ngày 28.07.1982, Đức Gioan Phaolô II đã quảng diễn một đoạn thư của Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Êphêsô nói về ‘đời sống vợ chồng’. Bản văn ấy như sau:

"Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh chị em hãy tùng phục lẫn nhau. Các bà vợ hãy phục tùng chồng như tùng phục Chúa Giêsu, vì chồng là đầu của vợ, cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Ngài là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Ngài. Và như Hội Thánh tùng phục Chúa Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh. Như vậy Ngài thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và bằng lời hằng sống. Để dưới mắt Người có một Hội Thánh xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ, trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Ngài. Sách Thánh có lời chép rằng: chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ và gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng" (Ep 5,21-33). Đọc xong, Đức Gioan Phaolô diễn giảng những câu then chốt.

1. Phục tùng lẫn nhau

Phải hiểu làm sao về vấn đề phục tùng, 'Hỡi các bà vợ, các bà phải phục tùng chồng các bà cho phải phép'? Đức Gioan Phaolô II giải thích thật rõ ràng và thẳng thắn. Lần đầu tiên trong lịch sử thần học hôn phối, chính ngài đã dùng diễn từ 'phục tùng tương hỗ hay phục tùng lẫn nhau'. Ngài nói: "Khi viết 'vợ phải phục tùng chồng', thánh Phaolô không chủ trương rằng hiến ước giữa ngôi vị (pacte interpersonnel) dành riêng cho hôn nhân là một hiến ước thống trị của đàn ông trên đàn bà. Ngài phát biểu một quan niệm ngược lại, nghĩa là người đàn bà có thể và phải tìm thấy trong những tương quan với Chúa Kitô Đấng là bạn đời duy nhất cho người này và cho người khác. Theo giáo thuyết của bức thư, thì hôn phối loại trừ yếu tố 'chồng chúa vợ tôi, mọi quyết định đều do chồng' mà hiến ước ngày xưa đã đè nặng và ngày nay đôi khi vẫn còn đè nặng trên cơ chế của hôn nhân. Đúng thực, chồng và vợ phải phục tùng lẫn nhau, bổ túc cho nhau. Nguồn suối của sự phục tùng tương hỗ này là lòng đạo đức (pietas) Kitô giáo, là ơn đạo đức. Tình yêu biểu lộ lòng đạo đức" (1).

Yếu tố nào cho phép đức Gioan Phaolô II quả quyết sự phục tùng giữa người chồng và người vợ phải là sự phục tùng tương hỗ, trong khi thư của thánh Phaolô không nói rõ như vậy? – Cách đơn giản, chính sự đòi hỏi tình yêu phải chân thật mà thánh tông đồ đã đưa ra một định thức đòi buộc người chồng 'Hỡi các ông chồng, hãy yêu vợ mình'. Nếu người cHồng Yêu vợ thực tình, ông không thể chủ trương chỉ một bên phải phục tùng. Bởi lẽ tình yêu thành thật loại trừ mọi hình thức thống trị. Đức Gioan Phaolô nói: 'Tình yêu loại bỏ mọi hình thức phục tùng khiến người vợ trở thành tôi tớ hay nô lệ của người chồng, trở thành đối tượng phục tùng đơn phương. Tình yêu cũng đòi hỏi người chồng phục tùng vợ mình, như chính chồng và vợ phải phục tùng Chúa. Cộng đoàn hay đơn vị mà họ phải tạo dựng vì lý do hôn nhân phải được thực hiện trong một hồng ân tương hỗ, chính là sự phục tùng tương hỗ' (2). Một sự phục tùng trong tình yêu không phải là một sự phục tùng thống trị, nhưng là sự phục tùng hiến dâng tương hỗ. Đó mới là ý nghĩa xác thực của sự phục tùng mà thánh Phaolô mời gọi vợ chồng.

2. Sự tương đồng to lớn.

Bản văn trích từ thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Êphêsô ở trên (Ep 5,21-33) nêu bật sự tương đồng to lớn giữa hôn lễ người trần thế và hôn lễ của Đức Kitô và của Giáo Hội. Đó chính là điều đức Gioan Phaolô II chủ tâm nói đến ở đây và ngài nhấn mạnh về một sự tương đồng. Ngài không nói bằng một ẩn dụ, nhưng với một so sánh đơn sơ, một hình ảnh diễn tả mối tương quan vợ chồng bày tỏ ra bên ngoài qua những từ ngữ sống động. Ngài nói về một tương đồng, tức là về một đối ứng tương tự giữa vợ chồng. Điều đó có nghĩa là, khi lá thư gửi cho người Ephêsô nói về hôn lễ người trần thế qui chiếu về hôn lễ của Đức Kitô và của Hội Thánh, thì đó không chỉ nói về một hình ảnh đơn thuần có tính cách sư phạm để giúp chúng ta hiểu về phẩm chức của hôn phối Kitô giáo, nhưng còn nói nhiều hơn nữa về sự tương đồng chính yếu giữa những tương quan vợ chồng trong hôn nhân và những tương quan của Đức Kitô và của Giáo Hội: tình yêu hiến dâng. Nói một cách khác, chỉ những hôn lễ thể hiện toàn phần và toàn mãn cái cốt lõi của hôn phối 'là tình yêu hiến dâng', mới là hôn lễ của Đức Kitô và của Hội Thánh. Vậy, hôn lễ giữa người trần thế được kết ước đúng theo sự thật thì có sứ mệnh phải nên giống, hay ít ra có chí hướng nên giống, hôn lễ của Đức Kitô và của Hội Thánh.

Có ba câu chủ chốt trong sự tương đồng này. Câu thứ nhất: "Chớ gì người vợ tùng phục chồng như tùng phục Chúa". Câu thứ hai vừa cắt nghĩa và vừa biện minh cho câu thứ nhất: "Người chồng là đầu của người vợ như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh", nghĩa là bằng cùng một cách: như Giáo Hội phục tùng Đức Kitô thì các bà phải phục tùng chồng của các bà. Câu thứ ba là: "Còn các ông chồng, các ông phải yêu thương vợ như Đức Kitô yêu Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh". Như vậy, hôn lễ người trần thế được thiết lập tương quan với quà tặng hôn lễ của Đức Kitô cho Hội Thánh: Đức Kitô-Hôn phu hiến thân cho Giáo Hội-Hôn thê, nghĩa là cho mỗi người trong chúng ta. Vì chúng ta là phần tử của Hội Thánh, là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, nên chúng ta được mời gọi tiếp nhận vị Hôn Phu đã hiến mình cho Hội Thánh tức là cho chúng ta. Sống đời sống hôn nhân, chúng ta thông hiểu, thưởng thức, chiêm ngưỡng những mối liên hệ của Đức Kitô và của Hội Thánh, đồng thời chúng ta phải quyết tâm đạt tới sự trọn hảo của tình yêu hiến dâng vốn có trong hôn lễ giữa Đức Kitô-Hôn phu và Hội Thánh-Hôn thê. Đó chính là điều mà đức Gioan Phaolô II tha thiết mời gọi: "Những liên hệ hỗ tương giữa đôi bạn, chồng và vợ, các Kitô hữu phải học hỏi và sống theo hình ảnh những liên hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh" (3). Ngài nói thêm: "Sự tương đồng được dùng trong thư gửi giáo đoàn Ephêsô, một trật soi chiếu mầu nhiệm về những tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh, thì đồng thời cũng mạc khải chân lý chính yếu về hôn nhân: nghĩa là hôn nhân chỉ tương ứng với ơn gọi của người Kitô hữu khi nó phản ảnh tình yêu mà Đức Kitô-Hôn phu trao tặng cho Hội Thánh, hôn thê của Ngài và Hội Thánh cố gắng đền trả cho Đức Kitô tình yêu ấy" (3).

3. Hôn nhân như là ân sủng của giao ước.

Bí tích hôn phối như ân sủng của giao ước là một điểm nặng tính chất tín lý. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đặc biệt đến điểm này trong những buổi triều yết ngày 6, 13, 20 tháng 10 năm 1982, qua những khía cạnh có lẽ sâu xa nhất, tuyệt trác nhất và cũng khúc mắc nhất của thần học thân xác. Chính ở đây, đức Gioan Phaolô II đặt bí tích hôn phối như là 'bí tích chủ yếu' (sacrement primordial), một diễn từ chưa ai dùng. Ngài cũng coi như 'kiểu mẫu đầu tiên (prototype) của các bí tích giao ước mới'. Đây cũng là một ý niệm mới mẻ.

Vậy, trước tiên phải xác định ý nghĩa của 'từ bí tích'. Từ này có ít ra hai ý nghĩa, và đã biến chuyển trong hai mươi thế kỷ qua. Ý nghĩa thứ nhất vừa rộng rãi vừa cổ điển thoát sinh từ truyền thống thánh kinh thời các giáo phụ. Đó là ý nghĩa đức Gioan Phaolô II sử dụng trong những buổi triều yết nói về thần học thân xác. Bí tích có nghĩa là ‘mầu nhiệm của Thiên Chúa giấu ẩn từ đời đời, tuy nhiên không phải là trong một bí mật vĩnh cửu, nhưng trong sự mạc khải và sự thể hiện’ (5). Xét theo là sự thể hiện của chương trình thần linh vĩnh cửu, thì bí tích liên quan đến phần rỗi nhân loại. Và như vậy, có thể có ‘bí tích sáng tạo’ và ‘bí tích cứu chuộc’. Chính trên cơ bản bí tích sáng tạo mà người ta phải hiểu bí tích hôn phối như bí tích căn bản. - Còn một nghĩa khác, chặt chẽ hơn, hiện đại hơn, đó là ý nghĩa thời xưa người ta học trong cuốn sách Giáo Lý Trẻ Em: 'Bí tích là dấu chỉ bề ngoài và hữu hiệu về ơn sủng, do Chúa Giêsu thiết lập để thánh hóa các linh hồn' (6). Là máng thông ơn sủng, mỗi bi tích được định tính theo chất liệu (matière) và mô thể (forme) của nó. Đây là gia sản của 'mô chất thuyết ông Aristote' (hylémorphisme aristolicien) khởi xướng và thánh Thomas d’Aquin tu chính lại. Đức Gioan Phaolô II đã dựa trên ý nghĩa cổ thời và rộng lớn của từ bí tích để suy tư và trình bày quan điểm của ngài về bí tích: Bí tích là mầu nhiệm trong chương trình của Thiên Chúa vốn có trong Thiên Chúa từ thuở đời đời. Chính trong ánh sáng này mà chúng ta có thể nhận định bí tích hôn phối như bí tích cơ bản.

4. Hôn phối như bí tích cơ bản.

Ngay phút đầu buổi triều yết ngày 6.10.1982, đức Gioan Phaolô lặp lại điều đã trình bày trong buổi triều yết ngày 20.02.1980, rồi ngài đưa ra một kết luận sâu sắc về đoạn sách Sáng Thế nói đến chương trình của Thiên Chúa từ nguyên thuỷ: "Loài người xuất hiện trong thế giới hữu hình như một diễn từ cao đẹp nhất về ân huệ thần linh bao phủ toàn diện con người. Nhờ ân huệ này, con người đi vào thế gian 'tương giống đặc biệt với Thiên Chúa'. Bởi sự tương giống này, con người trổi vượt và bá chủ ‘hữu hình tính’, vật thể tính, nam tính hay nữ tính và khỏa thể tính của mình (sa visibilité, sa corporéité, sa maculinité ou féminité, sa nudité) trong thế giới. Còn điều khác cũng phản ảnh sự tương giống này, đó là lần đầu tiên, con người ý thức về ý nghĩa vợ chồng qua thân xác, ý thức thấm nhuần mầu nhiệm vô tội nguyên thủy. Như vậy, trong phạm vi hình thành một bí tích cơ bản, chắc chắn có dấu chỉ hữu hình về mầu nhiệm vô hình ẩn dấu nơi Thiên Chúa từ muôn thuở. Đó là mầu nhiệm của Chân Lý và Tình Yêu, mầu nhiệm của sự sống thần linh mà con người thực sự được tham dự" (7).

Bản tóm tắt những phân tích của đức Gioan Phaolô II về sách Sáng Thế kể từ câu trả lời của Chúa Giêsu về việc rẫy vợ, cần phải được xét lại trong ánh sáng của thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Êphêsô. Lá thư này quy chiếu về sách Sáng Thế: "Chính vì thế người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mình để luyến ái với người vợ và cả hai chỉ còn là một huyết nhục" (Ga 2,24). Trong thư gửi cho giáo dân Êphêsô, thánh Phaolô lấy lại câu trích này trước khi quả quyết 'Đây là mầu nhiệm thật lớn lao' (Ep 5,31-32). Đức Gioan Phaolô II lưu ý rằng: thánh Phaolô muốn nói đến ở đây việc thực hiện liên tục vốn có giữa bí tích căn bản dính liền với việc ân thưởng siêu nhiên của người đàn ông ngay trong việc tạo dựng, và hồng ân mới mẻ được trao ban khi Đức Kitô "đã yêu thương Giáo Hội đến nỗi hiến mình vì Giáo Hội hầu thánh hóa Giáo Hội…" (Ep 5,25-26). "Hồng ân mà người ta có thể xác định trong toàn bộ như là bí tích Ơn Cứu Độ" (8).

Theo đức Gioan Phaolô II, ngay ở những câu đầu của thư gửi giáo đoàn Êphêsô, thánh Phaolô như muốn chúng ta về với tình trạng con người trước tội nguyên tổ: 'Chúc tụng Thiên Chúa là thân phụ Đức Giêsu Kitô (…), Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Chúa Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người' (Ep 1,3-4). Đó là chương trình của Thiên Chúa dấu ẩn trong mầu nhiệm của lòng Chúa thương xót tự đời đời: Quả vậy, khởi đầu bức thư thánh Phaolô đã chỉ cho chúng ta thấy những ý định vĩnh cửu của Thiên Chúa Cha đối với con người, ngay trước khi tạo dựng con người. Chúa đã chọn chúng ta trước khi tạo dựng vũ trụ. Sách Sáng Thế đã báo trước lời thư của thánh Phaolô khi nói: "Thiên Chúa thấy mọi sự mà ngài đã làm đều tốt lành" (St 1,31). Diễn từ 'thánh thiện và tinh tuyền trước thánh nhan Người nhờ tình thương của Người’ ám chỉ về sự vô tội nguyên thủy, trong đó người đàn ông và đàn bà trần truồng trước mặt nhau mà không mắc cỡ (St 2,25). Nếu đem đối chiếu lời của sách Sáng Thế và lời của thư gửi giáo đoàn Êphêsô, người ta có thể kết luận rằng: thực tại việc tạo dựng loài người, đàn ông và đàn bà, đã mang dấu ấn ‘con người được lựa chọn từ đời đời trong Đức Kitô hầu trở nên dưỡng tử'. Từng người trong chúng ta đã được tuyển chọn như là dưỡng tử ngay trước khi thế giới được tạo dựng. Nhận định này cho phép chúng ta xác định mối liên quan với vấn đề hôn nhân như bí tích cơ bản. Đức Gioan Phaolô II đã trình bày tư tưởng đó trong buổi triều yết ngày 20.02.1980. Đây là một trong những lời phát biểu vừa sâu xa vừa nặng ký nhất về thần học thân xác. Ngài nói: "Như dấu chỉ hữu hình, bí tích (xét theo là chương trình ngàn đời của Thiên Chúa) được thiết lập với con người thọ tạo xét theo là thân xác, và với sự kiện hữu hình nam tính và nữ tính. Như vậy, thân xác và chỉ thân xác, có khả năng làm cho cái hữu hình thành cái vô hình: thiêng liêng và thần linh. Thân xác đã được tạo dựng để chuyển đưa vào thực tại hữu hình của thế giới mầu nhiệm giấu kín từ muôn thuở trong Thiên Chúa thành dấu chỉ hữu hình về Thiên Chúa" (9).Và đó là ơn gọi của thân xác chúng ta, là ơn gọi của hôn phối như bí tích cơ bản. Theo đức Gioan Phaolô II 'Hôn phối là trung điểm của bí tích sáng tạo. Theo nghĩa này, hôn nhân là một bí tích cơ bản' (10). Quả thật, hôn phối hưởng một phẩm tính bao la trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa tình yêu!

5. Hôn phối, nguyên mẫu của các bí tích Giao Ước Mới.

Theo giáo huấn của đức Gioan Phaolô II, ‘Hôn nhân không những là bí tích cơ bản, mà còn là nguyên mẫu (prototype) của các bí tích Giao Ước Mới’. Vì lý do tội nguyên tổ, hôn phối như bí tích căn bản, đã mất siêu nhiên tính múc lấy từ bí tích sáng tạo vũ trụ. "Tuy nhiên, ngay trong tình trạng này, nghĩa là tình trạng tội phạm di truyền của con người, hôn phối vẫn không ngừng là hình ảnh của bí tích được gợi lên trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô" (xEp 5,22-33). Và thánh Phaolô không ngần ngại đánh giá là ‘mầu nhiệm cao cả’. Nào chúng ta lại không thể suy luận rằng hôn phối còn là và luôn là mấu chốt (plate-forme) của việc thể hiện các kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa, mà theo những kế hoạch đó thì bí tích sáng tạo đưa con người lại gần và chuẩn bị con người lãnh nhận bí tích cứu độ, dẫn con người đi vào trong chiều kích của công trình cứu rỗi? (11).

Nếu, trong chương 5 của thư gửi giáo đoàn Êphêsô có trích lại lời sách Sáng Thế: "Bởi thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ để luyến ái vợ mình, và cả hai chỉ còn là một huyết nhục" (St 2,24), thì chính vì thánh Phaolô muốn ám chỉ rằng: 'từ đó có sự liên tục giữa bí tích cơ bản và bí tích cứu chuộc, trong đó Đức Kitô, với tư cách là hôn phu, đã hiến mình chịu chết vì Giáo Hội là hôn thê của Ngài. Và chính trong bí tích cứu chuộc, nhờ Đức Kitô đã hiến mình cho Giáo Hội, mà Giáo Hội trở nên một hiền thê đông con cái'. Cho dù sự tương đồng của thư gửi giáo đoàn Êphêsô không nói rõ như thế, chúng ta cũng có thể nói thêm rằng: ‘Nhờ kết hợp với Đức Kitô như vợ kết hợp với chồng của mình, Giáo Hội trở nên phong nhiêu và được thiên chức làm mẹ thiêng liêng của bí tích Cứu Chuộc’ (12).

'Mầu nhiệm này thật cao cả, tôi muốn nói rằng mầu nhiệm ấy ứng dụng vào Đức Kitô và Giáo Hội' (Ep 5,32). Mầu nhiệm này đã trở nên rõ ràng, khi quy chiếu về hôn nhân đã được thiết lập tự nguyên thủy như sách Sáng Thế chứng thực, cũng như khi quy chiếu về sự kết hợp của Đức Kitô và Giáo Hội. Nhưng sự rõ ràng này không muốn nói một cách minh bạch toàn thể mầu nhiệm; mầu nhiệm này vẫn còn bị che khuất như đối tượng của đức tin. Dấu ấn chỉ về thực tại của mầu nhiệm không phơi bày toàn diện thực tại. Chỉ trong sự thưởng kiến hồng phúc chúng ta mới sẽ nhận biết toàn mãn. Sống tại thế, các đôi bạn Kitô hữu mang sứ mệnh hiệp thông, phải trở nên những dấu chỉ sống động của mầu nhiệm lớn lao về sự kết hợp hôn ước giữa Đức Kitô và Giáo Hội (13).

 

Lm. Mai Đức Vinh

------------

(1) Buổi triều yết 11.8.1982, s.3

(2) Buổi triều yết 11.8.1982, s.4

(3) Buổi triều yết 11.8.1982, s.8

(4) Buổi triều yết 18.8.1982, s.2

(5) Buổi triều yết 20.10.1982, s.8

(6) Sách Giáo Lý Trẻ Em của thánh Piô X, phần 4, ch.1

(7) Buổi triều yết 20.2.1980, s.3,4.

(8) Buổi triều yết 13. 10. 1982, s.2

(9) Buổi triều yết 20. 2. 1980, s.4

(10) Buổi triều yết 6. 10. 1982, s.6

(11) Buổi triều yết 13. 10. 1982, s.1

(12) Buổi triều yết 13. 10. 1982, s.4

(13) Bài này viết phỏng theo đề tài 'Le mariage dans la lumière des noces du Christ et de l’Eglise'. Trong cuốn La spiritualité conjugale selon Jean Paul II’ của ông Yves Semen, Presses de la Renaissance, Paris, 2010, tr. 236-251.