Friday, 24 January 2020 01:37

Tổng Lược Bí Tích Hôn Nhân Featured

Tác giả: LUDWIG OTT

I. Ý NIỆM, NGUỒN GỐC VÀ TÍNH BÍ TÍCH CỦA HÔN NHÂN

1. Ý niệm về Bí tích Hôn Phối

Hôn nhân của Kitô hữu là một bí tích, trong đó hai cá nhân khác giới có khả năng kết hôn, qua việc trao đổi ý muốn với nhau, được liên kết trong một đời sống chung không thể phân ly để sinh sản và giáo dục con cái.

Dựa vào các nhà thần học (tỉ như Petrus Lombardus, Sent. IV 27,2), quyển giáo lý Rôma (Catechismus Romanus II 8,3) đưa ra một định nghĩa theo luật La mã căn cứ theo ý niệm: MATRIMONIUM EST VIRI ET MULIERIS MARITALIS CONIUNCTIO INTER LEGITIMAS PERSONA, INDIVIDUAM VITAE CONSUETUDINEM RETINENS. Trong định nghĩa này thiếu một cứ điểm căn bản cho hôn nhân Kitô giáo là việc trao ban ân sủng.


2. Nguồn gốc Thiên Linh của hôn nhân

CHÍNH THIÊN CHÚA THIẾT LẬP HÔN NHÂN, CHỨ KHÔNG PHẢI LOÀI NGƯỜI. Sent.certa. D 2225.

Hôn nhân như cơ chế tự nhiên (officium naturae) có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo con người có nam có nữ (St 1,27) và đã đặt vào bản tính con người bản năng sinh tồn. Người chúc lành cho đôi hôn nhân đầu tiên và trao ban cho họ mệnh lệnh sinh sản trong một mặc khải đặc biệt : “Hãy sản sinh và làm đầy mặt đất” (St.1,28).

Các giáo phái theo thuyết Thông Tri-Manichêanismus thời Cổ và Trung Cổ phủ nhận nguồn gốc thiên linh của hôn nhân. Xuất phát từ thuyết Nhị Nguyên cho rằng vật chất là nơi chứa chất sự xấu, họ phủ nhận hôn nhân, vì qua hôn nhân mà vật chất thân xác cứ tiếp tục sản sinh, đó là nguồn sự xấu. Chịu ảnh hưởng của thuyết Duy linh (Spiritualismus), Gregor thành Nyssa (De opif. hom. 17) cho sự khác biệt giới tính giữa con người và hôn nhân xuất phát từ đó chỉ là hậu quả của tội mà Thiên Chúa đã thấy trước. Thánh Tôma đã phi bác lý thuyết của Gregor (S.th. I 98,2). Cả Hieronymus cũng liên cách lệch lạc nguồn gốc hôn nhân với việc sa ngã phạm tội (Ep. 22,19).


3. Tính bí tích của hôn nhân

a) Tín lý

HÔN NHÂN LÀ MỘT BÍ TÍCH THẬT VÀ ĐÚNG NGHĨA DO CHÚA KITÔ THIẾT LẬP. De fide.

Đức Kitô đã đưa hôn nhân do chính Thiên Chúa sắp xếp và chúc lành trở về lý tưởng nguyên thủy của một hôn nhân duy nhất bất khả phân ly (Mt 19,3tt) và nâng lên với giá trị của một Bí Tích. Chống lại giáo phái Tin Làn phủ nhận tính bí tích của hôn nhân và cho hôn nhân chỉ là “việc trần thế” (Luther), Công đồng Tridentinô tuyên bố : SI QUIS DIXERIT, MATRIMONIUM NON ESSE VERE ET PROPRIE UNUM EX SEPTEM LEGIS EVANGELICAE SACRAMENTIS, A CHRISTO DOMINO INSTITUTUM, SED AB HOMINIBUS IN ECCLESIA INVENTUM, NEQUE GRATIAM CONFERRE, ANATHEMA SIT ; so 367, 424, 465, 702. Đức giáo hoàng kết án nhóm Duy Tân (modernismus) vì họ phủ nhận việc Thiên Chúa thiết lập BT Hôn Phối. D 2051. So Tông thư của Đức Piô IX (1864) ; thông điệp về hôn nhân ARCANUM của Đức Lêô XIII (1880) ; thông điệp CASTI CONNUBII của Đức Piô XI (1930). D 1765tt, 1853t, 2225tt.


b) Chứng cứ Thánh Kinh

Thánh Phaolô đánh giá cao đặc tính BT của hôn nhân, khi ngài đòi buộc hôn nhân phải được ký kết “trong Chúa” (1 Cr 7,39) và công bố tính bất khả phân ly căn cứ vào luật Chúa (1 Cr 7,10). Thánh Phaolô đặt nền tảng cho phẩm giá và sự thánh thiện của hôn nhân của Kitô hữu ở chỗ hôn nhân là phản ảnh sự liên kết giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Ep 5,32 : “Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.” Vì đối với tín hữu, sự liên kết giữa Chúa Kitô và Hội Thánh là nguyên nhân cho nhiều ân sủng, thế nên khi hôn nhân là phản ảnh trọn vẹn của sự liên kết tạo nên ân sủng giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, thì hôn nhân không thể nào chỉ là một biểu tượng trống rỗng như trước thời Kitô giáo, nhưng phải là một dấu chỉ ân sủng đầy hiệu năng. Chỉ căn cứ vào ý định sắp xếp của Đức Kitô, hôn nhân mới có thể đạt được hiệu quả trao ban ân sủng.

Các lời của thánh Phaolô chưa hẳn là chứng cứ trọn vẹn cho việc trao ban ân sủng theo như bản chất của ý niệm BT. Thuật ngữ SACRAMENTUM (mysterion) chỉ có một ý nghĩa đại cương là “mầu nhiệm”. So sánh hôn nhân kitô giáo với việc liên kết đem lại ân sủng giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, như Công Đồng Tridentinô nhấn mạnh, là sự gợi ý đến hiệu năng ân sủng của hôn nhân (D 969: QUOD PAULUS APOTOLUS INNUIT).


c) Chứng cứ của Thánh Truyền

Ngay từ ban đầu, các giáo phụ đều nhìn hôn nhân như là một vấn đề tôn giáo. Thánh Ignatius thành Antiochia (+ khoảng 107) đòi buộc Hội Thánh phải cộng tác vào việc ký kết hôn nhân của tín hữu: “Thật tốt cho cô dâu chú rễ khi ký kết hôn nhân có lời chúc lành của vị giám mục, như thế hôn nhân sẽ căn cứ theo Chúa, chứ không theo tình dục” (Pol. 5,2) Cả Tertullian cũng minh chứng hôn nhân phải ký kết trước mặt Hội Thánh : “Làm thế nào tôi có thể diễn tả được hạnh phúc của một hôn nhân được Hội Thánh nối kết, Hội Thánh đón nhận lễ vật và đóng ấn bằng lời chúc lành, các thiên thần được loan báo và Cha trên trời công nhận ?” (Ad uxorem II,9).

Thánh Augustinus bảo vệ phẩm giá và sự thánh thiện của hôn nhân - chống lại bè Manichê cho ràng hôn nhân là nguồn gốc của sự xấu, cần phải loại bỏ (De moribus ecclesiae catholicae et de moribus Manichaeorum 389), - chống lại Jovinian kết án Hội Thánh coi nhẹ hôn nhân (De bono coniugali 401) và - chống be Pelagier cho rằng tội nguyên tổ không thể thống nhất với giá trị hôn nhân được (De nuptiis et concupiscentia 419/420).

Giáo lý về ba hoa trái của hôn nhân của thánh Augustinus trở thành gia sản của thần học các thế hệ sau :

- Proles (con cái)

- Fides ( trung thành trong hôn nhân)

- Sacramentum (dấu chỉ sự liên hệ bất khả phân ly giữa Chúa Kitô và Hội Thánh căn cứ theo Ep 5,32, từ đó đưa đến sự đồng nghĩa với tính bất khả phân ly của hôn nhân). Thánh Augustinus chưa nói rõ về hiệu năng của ân sủng.

Qua việc Chúa Giêsu tham dự tiệc cưới Cana, các giáo phụ nhìn đấy là sự công nhận và hiến thánh hôn nhân kitô giáo, tương tự như khi Chúa chịu phép rửa ở sông Giođan, các giáo phụ nhìn đấy là việc hiến thánh nước để ban BT Thánh Tẩy. So Augustinus, De bono coniugali 3,3 ; Johannes thành Damaskus, De fide orth. IV 24.

Về mặt nhận thức cách khoa học, mãi cho đến thời Kinh viện bản chất BT của hôn nhân mới được rõ nét. Các giáo hội ly khai ở Đông Phương cũng xem hôn nhân là Bí Tích.


II. MỤC ĐÍCH VÀ ĐẶC TÍNH CỦA HÔN NHÂN

1. Mục đích

MỤC ĐÍCH ĐẦU TIÊN CỦA HÔN NHÂN LÀ SINH SẢN VÀ GIÁO DỤC CON CÁI. MỤC ĐÍCH THỨ HAI LÀ TƯƠNG TRỢ LẪN NHAU VÀ THỎA MÃN TÌNH DỤC THEO TRẬT TỰ LUÂN LÝ. CIC 1013 $ 1.

Các thần học gia mới cố gắng đánh giá hôn nhân có giá trị hơn là cộng đoàn cá nhân, họ cho mục đích chính của hôn nhân là bổ túc hỗ tương và kiện toàn người phối ngẫu hay tình yêu hỗ tương và việc trở thành một của hai người phối ngẫu; khi nêu như thế họ đụng phải giáo lý truyền thống cổ về mục đích hôn nhân mà Thánh Tôma là người đại diện chính yếu. Về vấn đề này, Thánh Bộ vào tháng Giêng 1944 có đưa ý kiến thiên về giáo lý truyền thống, cho rằng mục đích đầu tiên của hôn nhân là sinh sản và giáo dục con cái, mục đích thứ hai phải tùy thuộc vào mục đích thứ nhất. D 2295.

Mục đích thứ nhất đã được nói rõ ở đoạn St 1,28: “Hãy sinh sôi nẩy nở và làm tràn đầy mặt đất !” Mục đích thứ hai được nói ở đoạn St 2,18: “Ta muốn ban cho nó một trợ thủ, tương xứng với nó” và trong 1 Cr 7,2: “Nhưng để tránh hiểm họa dâm ô, thì mỗi người hãy có vợ có chồng”.


2. Các đặc tính

CÁC ĐẶC TÍNH CHÍNH YẾU CỦA HÔN NHÂN LÀ ĐƠN NHẤT (MONOPGAMIE) VÀ BẤT KHẢ PHÂN LY. Sent.certa. CIC 1013 $ 2

a) Tính đơn nhất

Công đồng Tridentinô phản đối Luther, vì ông này nại đến Cựu Ước, chấp nhận cho quận chúa Philippe thành Hessen lấy 2 vợ và công nhận hôn nhân này ; Công đồng tuyên bố, luật Thiên Chúa cấm người Kitô hữu có nhiều vợ cùng một lúc. D 972. Điều khoản này chống đối hình thức thịnh hành là người đàn ông có nhiều vợ (Polygamie), nhiều thê thiếp (Polygynie). Luật tự nhiên ngăn cấm việc có nhiều chồng (Polyandrie), vì như thế ngăn trở hay ít ra làm khó khăn mục đích thứ nhất của hôn nhân. So D 969, 2231tt ; S.c.G. III 124.

Thiên Chúa đã thiết lập hôn nhân trong vườn Địa Đàng như một hôn nhân đơn nhất (St 1,28 ; 2,24). Con người đánh mất ngay lý tưởng nguyên thủy của hôn nhân (St 4,19). Trong Cựu Ước chúng ta thấy tục Đa Thê rất thịnh hành (Tổ Phụ, Saulê, Đavít). Luật cũng công nhận (Nl 21,15tt), nhưng người ta cũng thấy một chuẩn chước của Thiên Chúa.

Đức Kitô đã đưa hôn nhân trở về sự tinh khiết nguyên thủy của nó, Nại đến đoạn St 2,24, Người giải thích: “Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Việc rẫy vợ để lập một hôn nhân khác bị Người coi là ngoại tình (Mt 19,9). Theo giáo lý của thánh Phaolô, hôn nhân bắt buộc phải đơn nhất. So Rm 7,3 ; 1 Cr 7,2.10t ; Ep 5,32t.

Các nhà bên vực Kitô giáo khi diễn tả đời sống tinh sạch luân lý của người Kitô hữu, luôn nhấn mạnh đến việc tuân giữ luật nhất phu nhất phụ. THEOPHILUS thành ANTIOCHIA nhấn mạnh: “Nơi họ luôn có một sự tự chủ, thực hành tiết dục , tuân giữ hôn nhân đơn nhất và cố gắng khiết tịnh” (Ad Autol. III 15). So Minucius Felix, Oct. 31,5.

Hôn nhân đơn nhất được đặt nền tảng cách đặc thù ở chỗ, chỉ có nó mới bảo đảm việc chu toàn tất cả mục đích của hôn nhân và nó là phản ảnh liên hệ của Đức Kitô với Hội Thánh. Suppl. 65,1; S.c.G. IV 78.


b) Bất khả phân ly

1/. Bất khả phân ly nội tại

Công Đồng Tridentinô tuyên bố, dây hôn nhân không thể nào tháo cởi được, cho dù vì lạc đạo, vì khó khăn chung sống hay vì vắng mặt một người phối ngẫu vì ý đồ xấu (D 975) ; Hội Thánh không sai lạc, khi đã dạy và luôn luôn dạy, căn cứ theo giáo lý Phúc Âm và của các Tông Đồ, dây hôn nhân cũng thể bị tháo cởi vì lý do ngoại tình của một bên phối ngẫu (D 977). Hai giáo khoản này được sử dụng để trực tiếp chống lại giáo phái Tin Lành ; giáo khoản cuối nhằm tời Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp , Giáo Hội này, dựa vào hai đoạn Mt 5,32 và Mt 19,9, cũng như giáo lý các giáo phụ Hy Lạp, cho phép tháo cỡi dây hôn nhân trong trường hợp có ngoại tình. Quyết định về mặt giáo lý của Công Đồng Tridentinô chỉ nhắm vào hôn nhân Kitô giáo mà thôi. Theo ý định của Thiên Chúa trong việc thiết lập hôn nhân (iure divino), mọi hôn nhân, cả hôn nhân của những người chưa rửa tội (matrimonium legitimum), đều bất khả phân ly cách nội tại, có nghĩa là do ý muốn của một hay hai người ký kết hôn ước. So D 2234tt.

Đức Giêsu trả lời câu chất vấn của nhóm Pharisêu, người đàn ông có được phép rẫy vợ mình vì một lý do gì không ; Người hướng ý vào đoạn St 2,24: “Sự gì Thiên Chúa đã nối kết, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Để đối đáp lại ý kiến chống đối, Mô-sê truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ (Nl 24,1), Đức Giêsu trả lời: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19,8). Đức Giêsu đặt lại trật tự thuở ban đầu do Thiên Chúa thiết lập ; vì thế Người tuyên bố: “Tôi nói cho các ông biết : Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19,9).

Điều thường gọi là “Nố ngoại tình”, mang hình thức khác ở Mt 5,32 và lại không có trong các đoạn song song với Mc 10,11 và Lc 16,18, theo tư tưởng mạch văn, không xác định một trường hợp ngoại lệ cho luật bất khả phân ly ; vì ý muốn của Đức Giêsu là tái lập lại trật tự thuở ban đầu, trong đó không có vấn đề ly dị ; như thế Người ý thức rõ ràng khi đưa một phản đề chống lại giới luật quá rộng rãi của Mô-sê (so Mt 5,31t) và đưa ra luật mới của mình.

Nếu như người ta không muốn phá vỡ phản đề và tạo một đối kháng giữa Mt và Mc-Lc (cũng như 1 Cr 7,10t), thì bắt buộc người ta phải hiểu nố này hoặc theo một ý nghĩa rộng, là có việc rẫy vợ cách ngoại lệ, nhưng tiếp đó không được phép tái hôn, có nghĩa là sống cách ly mà thôi ; hoặc là hiểu theo nghĩa hẹp, nghĩa là không có luật trừ trong vấn đề cấm rẫy vợ, nhưng cả lý do rẫy vợ nằm trong Nl.24,1 (một cái gì nhuốc hổ) cũng bị lôi kéo vào luật cấm rẫy vợ. Trong cách giải thích thứ hai này, thì “nố” này phải đóng khung lại và có thể dịch như sau : “Ai rẫy vợ - nếu không phải trong trường hợp ngoại tình - và cưới người khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5,32 :“Trừ trường hợp ngoại tình"). Chống lại cách giải thích thứ nhất, cách giải thích cổ điển có từ thời Hierônymus gặp phải khó khăn, trong Do Thái Giáo không có vụ ly thân mà vẫn còn tồn tại dây hôn phối. Các tư tưởng triết học lại chống ý kiến thứ hai (K. Staab). Một cách giải thích khác (J. Bonsirven) hiểu chữ “ngoại tình” theo một ý nghĩa đặc biệt là “hôn nhân bất hợp pháp” (như cách dịch của PVCGK, bản mới) (so 1 Cr 5,1) ; chỉ có trường hợp này mới có lý và đòi buộc phải ly hôn.

Thánh Phaolô công bố cho những người lập gia đình giới luật của Thiên Chúa : người đàn bà không được phép rời chồng và người chồng không được phép rẫy vợ. Nếu phải ly thân, thì không được phép kết hôn nữa (1 Cr 7,10t). Người vợ sẽ là kẻ ngoại tình khi sống với kẻ khác, bao lâu chồng mình còn sống (Rm 7,3) ; chỉ khi chồng chết, bà mới được tự do lấy người khác (Rm 7,2 ; 1 Cr 7,39).

Các giáo phụ thuộc thế kỷ thứ nhất đồng ý là, trong trường hợp ngoại tình, được phép bỏ người có lỗi, nhưng kết hôn một lần nữa thì không được phép. So Pastor Hermae, Mand. IV 1,6 ; Justin, Apol. I 15 ; Clement thành Alexandia, Strom. II 23, 145,3 ; Origenes, In Matth. XIV 24. Vài giáo phụ như Basilius (Ep. 188 can. 9), Epiphanius (Haer. 59,4) và Ambroisiater căn cứ vào đoạn Mt 5,32 và 19,9 cũng như chịu ảnh hưởng luật Nhà Nước cho phép người đàn ông cởi bỏ hôn nhân và lập hôn nhân khác, trong trường hợp người đàn bà ngoại tình. Thánh Augustinus là người bảo vệ quyết liệt tính bất khả phân ly của hôn nhân ngay cả trong trường hợp ngoại tình. Các nhà thần học như Cajetan, Ambroisius Catharinus và Erasmus thành Rotterdam lấy lại cách giải thích của Ambroisiater, nhưng chống giáo phái Tin Lành, lại cho việc tháo cởi hôn nhân chỉ được phép nhờ thẩm quyền của Hội Thánh (việc tháo cởi bên ngoài).

Lý do nội tại cho tính bất khả phân ly của hôn nhân chính là để bảo đảm việc giáo dục phần hồn phần xác cho con cái, bảo vệ sự trung thành của hôn nhân, tạo sự đồng dạng với sự liên hệ của Đức Kitô với Hội Thánh, bảo đảm điều thiện hảo cho gia đình cũng như xã hội.

2/. Việc tháo cởi bên ngoài trong những trường hợp xác định

Trong khi hôn nhân thành sự của các kitô hữu (MATRIMONIUM RATUM ET CONSUMMATUM), được xem như hình ảnh của sự liên kết bất khả phân ly, dựa trên mầu nhiệm Nhập Thể, của Đức Kitô với Hội Thánh, là bất khả phân ly về mặt bên ngoài, có nghĩa là không có quyền lực trần thế nào có thể tháo cỡi dây hôn nhân này (CIC 1118), thì hôn nhân giữa các Kitô hữu chưa trọn vẹn (MATRIMONIUM RATUM NON CONSUMMATUM), theo giáo lý và thực hành của Hội Thánh từ ngàn xưa có thể tháo cởi dây hôn nhân qua việc công bố long trọng của một người phối ngẫu và một phép chuẩn của Tòa Thánh vì một lý do quan trọng. D 976 ; CIC 1119.

Đức Giáo Hoàng Alexandre III (1159-1181) nại đến các gương của những vị thánh, cho phép một người phối ngẫu bước vào đời sống tu trì, dù có sự chống đối của người kia, nếu như hôn nhân chưa phối hợp trọn vẹn và cho người kia lập gia đình mới, vì cả hai chưa trở nên “một xương một thịt” (D 395t) ; Đức giáo hoàng và cả giáo luật sau này cũng cho phép như thế (D 409). Thần học Kinh Việc coi việc bước vào tu viện như cái chết tinh thần, vì người ta đã chết cho thế gian. So Suppl. 61,2.

Chính Đức Giáo Hoàng Alexandre III là vị đầu tiên ban phép chuẩn tòa thánh cho những hôn nhân chưa hợp hôn. Mãi đến thế kỷ 13 các nhà giáo luật mới công nhận quyền ban phép chuẩn của Giáo hoàng, nhưng các nhà thần học thì thường chống đối. Căn cứ vào các quyết định của Đức Giáo Hoàng Martin V và Eugen IV cho sử dụng quyền ban phép chuẩn, các nhà thần học như Antonin thành Florenz (+1459) và Johannes Torquemada (+ 1468) mới có được những bước chuyển tiếp. Vào thời kế tiếp, ý kiến đồng ý về việc giáo hoàng ban phép chuẩn càng ngày càng được đón nhận, dù có nhiều thần học gia phản đối, mãi cho đến thời đức giáo hoàng Benedict XIV (1740-1758) ý kiến này mới trở thành phổ quát.

Căn cứ vào đặc ân thánh Phaolô (1 Cr 7,12t) có thể tháo cởi dây hôn nhân của hai người chưa rửa tội, dù đã hợp hôn trọn vẹn (matrimonium legitimum) khi một người phối ngẫu gia nhận Kitô giáo, và người kia không muốn tiếp tục sống hôn nhân này bình an.

Theo truyền thống giáo hội, chính quyển Ambrosiater lên tiếng đầu tiên về việc giải tỏa dây hôn phối vì “đặc ân đức tin”: CONTUMELIA ENIM CREATORIS SOLVIT IUS MATRIMONII CIRCA EUM, QUI RELINQUITUR, NE ACCUSETUR ALII COPULATUS (về đoạn 1 Cr 7,15). Ngược lại, thánh Augustinus hiểu việc tách ly mà thánh Phaolô cho phép chỉ là rời bỏ đời sống chung mà thôi. Suy tư thần học (Gratian, Petrus Lombardus) và giáo luật (đức Clement III, Innocent III) nghiên chiều về sách Ambrosiaster. D 405tt ; CIC 1120-1127.


III. DẤU CHỈ BÊN NGOÀI CỦA BÍ TÍCH HÔN PHỐI

1. Tính đồng nhất giữa Bí tích Hôn Nhân và khế ước hôn nhân

MỖI KHẾ ƯỚC HÔN NHÂN THÀNH SỰ GIỮA KITÔ HỮU TỰ NÓ LÀ BÍ TÍCH. Sent.certa.

Vì Đức Kitô đã nâng hôn nhân tự nhiên, hôn nhân này chỉ căn cứ trên hôn ước, trở thành một dấu chỉ hữu hiệu của ơn sủng, thế nên BT hôn phối về mặt đối tượng cũng đồng nhất với hôn ước. Như thế mỗi hôn ước có giá trị thành sự giữa các Kitô đều là BT căn cứ vào ý định tích cực của Thiên Chúa. Theo như Decretum pro Armenis việc trao đổi ưng thuận giữa hai phối ngẫu (chứ không phải lời chúc lành của linh mục) là nhân tố hiệu năng của BT Hôn Phối (D 702). Theo Công Đồng Tridentinô các hôn nhân chùng lén ký kết với nhau bằng việc trao đổi sự ưng thuận giữa hai người phối ngẫu mà thôi, dù không có sự cộng tác của Hội Thánh, cũng là những hôn nhân thánh sự, bao lâu Hội Thánh chưa tuyên bố là không thành sự. (Hiến chế TAMETSI ; D 990). So D 334, 404.

Các vị giáo hoàng sau đây : Piô IX, Lêô XIII và Piô XI tuyên bố tỏ tường rằng trong hôn nhân giữa các Kitô hữu, không thể tách rời BT với hôn ước được, chính vì thế giữa các Kitô hữu mỗi cuộc hôn nhân thật tự nó là BT: OMNE INTER CHRISTIANOS IUSTUM CONIUGIUM IN SE ET PER SE ESSE SACRAMENTUM (Lêô XIII ; D 1854). So D 1640, 1766, 1773, 2237 ; CIC 1012.


2. Khế ước hôn nhân như dấu chỉ bí tích

Từ việc đồng nhất về mặt đối tượng của BT Hôn phối với khế ước hôn nhân, cho chúng ta thấy dấu chỉ bên ngoài của BT Hôn phối hoàn toàn nằm trong khế ước hôn nhân, có nghĩa là nằm trong việc trao đổi sự ưng thuận giữa hai người phối ngẫu qua lời nói và dấu chỉ. Materia chính là việc trao ban (traditio) quyền sống đời hôn nhân (ius in corpus) ; Forma chính là đón nhận quyền này (acceptatio). So CIC 1081 $ 2.

Lời chúc lành của linh mục không thuộc về bản chất của BT, nhưng chỉ là Á Bí Tích thuộc về hôn ước có tính bí tích.


3. Những quan niệm sai lệch

Những cố gắng tách rời hôn ước với Bí Tích đều đi ngược với ý kiến của Hội Thánh :

a) MEICHIOR CANO O.P. (+1560) xem Materia của BT Hôn Phối trong hôn ước, nhưng Forma lại nằm trong lời chúc lành của linh mục. Các thần học gia như Estius, Sylvius, Toletus, Tournely...đều theo ý kiến này.

b) GABRIEL VASQUES S.J. (+1604) cho tất cả dấu chỉ bên ngoài của BT Hôn Phối đều nằm trong hôn ước, nhưng cho tính Bí tích hoàn toàn tùy thuộc vào ý hướng của những người ký kết hôn nhân nhằm lãnh nhận Bí Tích. Billuart, Gonet và nhiều người khác cũng theo ý kiến này...

c) Nhiều thần học gia chị ảnh hưởng GALLICANISMUS và JOSEPHINISMUS (Anton Dominis + 1624, Jean Launoy + 1678) vì muốn đề cao hôn nhân theo luật nhà nước (Zivilehe), nên cho dấu chỉ bên ngoài của BT hoàn toàn nằm trong lời chúc lành của linh mục và xem hôn ước chỉ là điều kiện phải có trước của BT hôn phối.

Trong thần học của giáo hội Chính Thống Hy Lạp, từ thế kỷ 19 ý kiến tách biệt hẳn giữa hôn ước và Bí Tích hôn phối, càng ngày càng nổi bật. Phần đông các thần học gia cho Materia là sự ưng thuận của hai người kết hôn và forma là lời cầu nguyện và chúc lành của linh mục, như thế vị linh mục là thừa tác viên của BT. Vài nhà thần học mới của Nga lại cho trọn vẹn dấu chỉ BT nằm trong nghi thức tôn giáo do linh mục cử hành.


IV. HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH HÔN PHỐI

1. Dây hôn nhân

DÂY HÔN NHÂN XUẤT PHÁT TỪ KHẾ ƯỚC HÔN NHÂN MANG TÍNH BÍ TÍCH, DÂY NÀY LIÊN KẾT HAI NGƯỜI PHỐI NGẪU SỐNG VỚI NHAU SUỐT ĐỜI TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN BẤT KHẢ PHÂN LY. De fide. D 969.

Thánh Augustinus so sánh dây hôn nhân với ấn tín Thánh Tẩy không bao giờ mất đi được, đó là dây “không thể nào do cuộc tách ly của hai người phối ngẫu hay do liên kết với một người khác có thể phá đi được” (De nuptiis et concup. I 10,11). Đương nhiên, Hôn nhân không phải là không được tái lập lại lần nữa như BT Thánh Tẩy, nó chỉ tương đối, có nghĩa là trong suốt thời gian khi người phối ngẫu còn sống. Khi một người phối ngẫu qua đời, thì người kia được phép lập gia đình khác, như Hội Thánh theo ý kiến của thánh Phaolô (Rm 7,2t ; 1 Cr 7,8t.39t ; 1 Tm 5,14tt) nắm vững để chống lại những ý kiến lệch lạc của nhóm Montanisten, Novatianer và chống lại những trào lưu nghiêm khắc của giáo hội Hy Lạp (Athenagoras, Suppl. 33 : cho hôn nhân thứ hai là “ngoại tình liên lũy” ; Basilius, Ep. 188 can. 4). Trong Decretum pro Jacobitis, Công Đồng Florenz tuyên bố, không những được lập gia đình thứ hai, thứ ba, thứ tư và nhiều gia đình khác (Cavallera 1355). So D 424,455,465 ; CIC 1142.


2. Ân sủng của Bí tích Hôn Nhân

BÍ TÍCH HÔN PHỐI TRAO BAN CHO NHỮNG NGƯỜI KÝ KẾT HÔN NHÂN ƠN THÁNH HÓA. De fide.

Công đồng Tridentinô tuyên bố : SI QUIS DIXERIT, MATRIMONIUM...NEQUE GRATIAM CONFERRE, ANATHEMA SIT. D 971 ; so 969. Là BT của kẻ sống, BT hôn phối PER SE gia tăng ơn thánh hóa. Ân sủng được trao ban qua BT Hôn Phối đều nhắm vào mục đích của BT : ân sủng thánh hiến hai người phối ngẫu và ban cho họ sức lực siêu nhiên để họ chu toàn bổn phận trong cấp bậc của mình. Cùng với ơn thánh hóa, họ cũng nhận được hiện sủng “và họ sẽ lãnh nhận thường xuyên nếu như họ cần đến để chu toàn bổn phận trong bậc hôn nhân của mình” (Piô XI). D 2237.

Vào thời Tiền Kinh Viện và thời Kinh viện, có nhiều nhà thần học (tỉ như Hermann, môn đệ của Abaelard, Petrus Lombardus, Petrus Cantor) cũng như giáo luật (khoản Glossa ordinaria trong Decretum Gratiani, Bernhard thành Parma, Heinrich thành Segusia), vì lý do chưa hiểu cặn kẻ về bản chất có tính bí tích của hôn nhân, nên có ý kiến lệch lạc như sau : BT Hôn Phối thực ra chỉ là phương tiện của ơn cứu độ để chống lại cái xấu, chứ không trao ban ân sủng nào cả. Thánh Tôma, căn cứ vào ý niệm BT, xác nhận hôn nhân cũng như các BT khác của Tân Ước, không phải chỉ là biểu trưng, nhưng còn là nguyên nhân phát sinh ân sủng. So S.c.G. 78 ; Suppl. 42,3.


V. THỪA TÁC VIÊN VÀ NGƯỜI LÃNH NHẬN BÍ TÍCH HÔN PHỐI

1. Thừa tác viên và người lãnh nhận là những người ký kết hôn ước

NHỮNG NGƯỜI KÝ KẾT HÔN ƯỚC TỰ BAN BÍ TÍCH HÔN PHỐI CHO NHAU. Sent.certa.

Vì bản chất của BT Hôn Phối hoàn toàn nằm trong hôn ước, nên thừa tác viên cũng như người lãnh nhận là chính những người ký kết hôn ước. Người này ban cho người kia, khi họ đón nhận sự ưng thuận của người kia.

Vị linh mục hiện diện như người đại diện cho Hội Thánh xác nhận sự ưng thuận và chúc lành cho hôn nhân, thực ra chỉ là người chứng cho việc ký kết hôn ước và là người hoàn tất những nghi thức bao quanh việc ký kết này. Giáo luật cũng đã tiên liệu cho những trường hợp đặc biệt ký kết hôn nhân thành sự mà không có sự chủ tọa của linh mục. CIC 1098.


2. Việc thành sự

Để ban phát và lãnh nhận BT Hôn Phối được thành sự, cần :

a) Hai người ký kết hôn ước phải là những Kitô hữu đã lãnh nhận BT Thánh Tẩy ;

b) ít nhất là họ có ý hướng cách tiềm ẩn, để thực hiện những gì Hội Thánh làm ;

c) họ không bị ngăn trở hôn nhân nào ;

d) phải tuân giữ những hình thức Hội Thánh đòi buộc (trao đổi hôn ước trước vị linh mục và hai nhân chứng ; CIC 1094), nếu như giáo luật không đưa ra luật trừ nào (CIC 1098 ; 1099 $ 2 ).

Có những vấn nạn cho vấn đề này được nêu ra : hôn nhân giữa người có đạo và một người không có đạo có trở thành BT cho người có đạo hay không ? Một cuộc hôn nhân giữa hai người không có đạo, khi họ trở lại, lãnh nhận BT Thánh Tẩy, hôn nhân có trở thành BT hay không ? Câu đầu tiên phải khẳng định là có, vì người có đạo có khả năng lãnh nhận BT và người không có đạo có khả năng ban. Câu thứ hai phải nói rằng BT Hôn Phối xuất hiện đồng thời với việc ký kết hôn ước. Mặt khác những người phối ngẫu khi trở lại thì tính BT mới hoạt động trọn vẹn.


3. Tính hợp pháp và xứng đáng

Để ban phát và lãnh nhận BT Hôn Phối cách hợp pháp đòi buộc không bị một ngăn trở tiêu hôn (impedimentum dirimens - ngăn trở ảnh hưởng đến sự hữu hiệu) hay ngăn trở cấm chỉ (impedimentum impediens - ngăn trở ảnh hưởng đến hợp pháp) ngăn cản.

Để lãnh nhận BT Hôn Phối cách xứng đáng đòi buộc người lãnh nhận phải ở trong tình trạng ân sủng. Theo ý kiến của một số đông thần học gia, BT hông phối lãnh nhận cách bất xứng có thể hồi sinh lại, sau khi loại bỏ tình trạng tội lỗi.


VI. QUYỀN CỦA HỘI THÁNH TRÊN HÔN NHÂN

1. Thẩm quyền của Hội Thánh

HỘI THÁNH CÓ QUYỀN RIÊNG VÀ TRỌN VẸN BAN LUẬT VÀ CÔNG BỐ QUYỀN LỢI TRONG VẤN ĐỀ HÔN NHÂN GIỮA CÁC TÍN HỮU ĐÃ RỬA TỘI, KHI ĐỤNG CHẠM ĐẾN BÍ TÍCH.Sent.certa. So CIC 1016, 1960.

Chống lại giáo phái Tin Lành, công đồng Tridentinô tuyên bố, Hội Thánh có quyền nới rộng các ngăn trở về huyết tộc và suôi gia căn cứ theo đoạn Lv 18,6t và xác định những ngăn trở hôn nhân, chuẩn chước cho vài hôn nhân (nếu như chúng không thuộc về luật tự nhiên hay luật tích cực của Thiên Chúa) (D 973t, 979) và có quyền tài phán về vấn đề hôn nhân (D 982).

Đức Giáo Hoàng Piô VI kết án lối khẳng định của công đồng Pistoia (1786) là lạc đạo, công đồng này cho rằng Hội Thánh thiết lập ngăn trở và chuẩn chước những ngăn trở này không do tự quyền của mình (iure proprio), nhưng là do quyền của Nhà Nước trao cho. D 1559. So Sắc Lệnh của Đức Piô IX, Prop. 68-70 (D 1768-70). Đức Giáo Hoàng Piô VI giải thích cách chánh thức điều khoản 12 của công đồng Tridentinô như sau (D 982), mọi vấn đề hôn nhân của những người đã được rửa tội đều nằm dưới quyền tài phán của Hội Thánh, vì hôn nhân của các Kitô hữu là một trong 7 BT của Giao Ước Mới mà chỉ có Hội Thánh mới có quyền quản lý. D 1500 a ; so 1774.

Thánh Phaolô là người đầu tiên ban hành luật hôn nhân của Hội Thánh (1 Cr 7). Bắt đầu từ thế kỷ 4 các công đồng của Hội Thánh qui định các ngăn trở, tỉ như công đồng thành Elvira (khoảng năm 306 ; can. 15 : vấn đề khác đạo) , công đồng Neocêsarêa (khoảng 314-315 ; can. 2 : liên hệ sui gia) và công đồng Trullani (năm 692 ; can. 53 : bà con tinh thần). Các hoàng đế kitô giáo đòi quyền ban hành luật lệ cho hôn nhân, nhưng cũng rất cẩn trọng đối với quan niệm của Hội Thánh. Quyền ly dị rất bị hạn hẹp, vẫn áp dụng cho đến nay. Vào thời Sơ Trung Cổ, Hội Thánh vẫn giành quyền tài phán ban hành lề luật cho hôn nhân cũng như quyền thẩm định trên hôn nhân trong các trận chiến với những quan niệm ngoài kitô giáo. Đoạn kết của quá trình phát triển này chúng ta được gặp thấy trong Decretum Gratiani (khoảng năm 1140).


2. Thẩm quyền của nhà nước

Nhà Nước có thẩm quyền điều chỉnh hiệu quả luật lệ thuần túy công dân về khế ước hôn nhân (quyền đặt tên và quyền xác định giai cấp, luật tài sản hôn nhân, luật di chúc) và quyết định về tranh chấp những việc như trên. CIC 1016 : SALVA COMPETENTIA CIVILIS POTESTATIS CIRCA MERE CIVILES EIUSDEM MATRIMONII EFFECTUS.

Khi việc ban hành lề luật và công bố quyền đụng chạm đến thẩm quyền của Hội Thánh, Hội Thánh có quyền không công nhận. Vì thế Hội Thánh lên án hôn nhân phần đời (Zivilehe) bị ép buộc. Hội Thánh cho hôn nhân ký kết chỉ theo luật đời, không phải là một ký kết hôn nhân thật sự, nhưng đó chỉ là thi hành hình thức luật định.