Friday, 24 January 2020 01:29

Bộ Giáo Sĩ: Tài Liệu Hỗ Trợ Các Cha Giải Tội Và Linh Hướng - 2011 (1) Featured

BỘ GIÁO SĨ

LINH MỤC - THỪA TÁC VIÊN CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

TÀI LIỆU HỖ TRỢ CÁC CHA GIẢI TỘI VÀ LINH HƯỚNG

Nhà Xuất Bản Vatican 2011
Dịch từ bản Anh Ngữ:

CONGREGATION FOR THE CLERGY,
The Priest, Minister of Divine Mercy,
An aid for confessors and spiritual directors


Người dịch : Phêrô Đặng Xuân Thành

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội

*****

 
NỘI DUNG

LỜI GIỚI THIỆU
NHẬP ĐỀ : TIẾN TỚI SỰ THÁNH THIỆN

PHẦN I: THỪA TÁC VỤ SÁM HỐI VÀ HOÀ GIẢI TRONG TƯƠNG QUAN VỚI VIỆC NÊN THÁNH CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

I.TẦM QUAN TRỌNG HIỆN NAY – GIỜ PHÚT ÂN SỦNG
Một lời mời gọi khẩn cấp (7-8)
Sứ mạng của Đức Kitô thực hiện trong Giáo Hội (9-11)
Mở lòng đón nhận tình yêu và sự hoà giải (12-13)
Lời chứng và sự dấn thân của các mục tử (14-18)
Gương Cha Sở họ Ars (19-20)
Thừa tác vụ của lòng thương xót (21-23)

II. NHỮNG ĐIỀU CĂN BẢN
Bản chất của bí tích Sám Hối (24)
Cử hành cuộc Vượt Qua và hành trình hoán cải (25-27)
Trên con đường nên thánh (28-31)
Một mầu nhiệm của ân sủng (32-35)

III. MỘT VÀI HƯỚNG DẪN THỰC TIỄN
Thừa tác vụ đánh thức dậy các thái độ thích hợp nơi hối nhân (36-40)
Việc cử hành phụng vụ (41-43)
Những quy tắc thực tiễn do Giáo Hội ban hành : một cách biểu lộ đức ái mục tử (44-47)
Hướng dẫn tiến lên trong hành trình nên thánh sao cho hài hòa với hoạt động của Chúa Thánh Thần (48-50)
Thừa tác viên lúc nào cũng sẵn sàng và đón tiếp hối nhân trong tình cha con (51-57)
Một sự huấn luyện cập nhật và đổi mới dành cho các linh mục, để các ngài có thể hướng dẫn các tín hữu trong nhiều tình huống khác nhau (58-60)
Hoàn cảnh mới, ơn phúc mới, sự nhiệt tình mới (61-63)

PHẦN HAI: THỪA TÁC VỤ LINH HƯỚNG

I.TẦM QUAN TRỌNG HIỆN NAY – GIỜ PHÚT ÂN SỦNG
Một hành trình lịch sử và đương đại (64-65)
Đào tạo các linh mục làm việc đồng hành thiêng liêng (66-69)
Linh hướng và thừa tác vụ linh mục (70-73)
Khi các thừa tác viên có chức thánh được linh hướng (74-76)

II.NHỮNG ĐIỀU CĂN BẢN
Bản chất và nền tảng thần học (77)
Mục tiêu riêng (78-80)
Chuyển động và quá trình (81-83)
Cho hết mọi ơn gọi và mọi bậc sống (84-86)

III.NHỮNG CHỈ DẪN THỰC TIỄN
Hành trình cụ thể hay đường sống tâm linh (87-97)
Phân định Chúa Thánh Thần trong quá trình linh hướng (98-100)
Các đức tính nhà linh hướng cần có (101-105)
Những đức tính cần thiết cho người được linh hướng (106-109)
Việc linh hướng của người linh mục (110-116)
Linh hướng trong đời sống tu trì (117-121)
Linh hướng cho giáo dân (122-134)
Làm sao hài hoà các cấp độ đào tạo khác nhau trong việc linh hướng (135-140)

KẾT LUẬN: "HÃY ĐỂ ĐỨC KITÔ HÌNH THÀNH NƠI ANH EM" (Gl 4,19)
PHỤ TRƯƠNG 1
BẢNG XÉT MÌNH DÀNH CHO CÁC LINH MỤC
PHỤ TRƯƠNG 2
CÁC KINH
KINH ĐỌC TRƯỚC KHI GIẢI TỘI
KINH ĐỌC SAU KHI GIẢI TỘI

***
 
LỜI GIỚI THIỆU

"Cần quay lại với toà giải tội như một nơi không những để cử hành bí tích Hoà Giải, mà còn để "ở lại" thường xuyên hơn cho người tín hữu tìm được sự thông cảm, khuyên nhủ và an ủi, cho họ cảm thấy họ được Chúa yêu thương và thông cảm, và cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa Thương Xót, bên cạnh sự Hiện Diện thật của Chúa trong bí tích Thánh Thể"(1) .

Với những lời này, đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã ngỏ lời với các vị giải tội trong Năm Thánh Linh Mục vừa qua, cho mỗi người thấy tầm quan trọng và từ đó, thấy được nhu cầu tông đồ cấp bách của việc khám phá lại bí tích Hoà Giải, đứng trên quan điểm của các hối nhân cũng như đứng trên quan điểm của các thừa tác viên.

Bên cạnh việc cử hành bí tích Thánh Thể mỗi ngày, thái độ sẵn sàng nghe xưng tội, đón tiếp các hối nhân và đồng hành với họ cách thiêng liêng khi họ yêu cầu, đó chính là những tiêu chuẩn đo lường đức ái mục tử của người linh mục. Qua thái độ sẵn sàng ấy, các linh mục đã trở thành một lời chứng vui tươi và theo một nghĩa nào đó, các ngài đã đảm nhận được căn tính đích thực của mình, đã được xác định lại trong bí tích Truyền Chức, một căn tính không thể chỉ thu gọn lại như một chức năng không hơn không kém.

Linh mục là thừa tác viên, có nghĩa là ngài vừa là đày tớ vừa là người ban phát cách khôn ngoan lòng Thương Xót của Chúa. Linh mục là người được giao một trách nhiệm nghiêm túc là "tha thứ hay cầm giữ tội" (cf. Ga 20,23). Qua các linh mục và qua quyền năng của Thánh Thần, vừa là Chúa vừa là Đấng ban sự sống, các tín hữu sẽ cảm nghiệm được trong Giáo Hội hôm nay thế nào là niềm vui của Người Con Hoang Đàng – sau một cuộc đời tội lỗi đã quay về nhà cha mình mong được làm tôi tớ, nhưng lại được đón tiếp với đầy đủ phẩm giá của một người con.

Khi nào cha giải tội có mặt, thì sớm hay muộn các hối nhân sẽ đến. Và nếu cha giải tội cứ kiên trì có mặt, thậm chí một cách gan lì, thì sớm hay muộn sẽ có nhiều hối nhân đến!

Bí tích Hoà Giải được tái khám phá, không những đối với các hối nhân mà cả đối với các thừa tác viên, đó chính là tiêu chuẩn để đo lường đức tin đích thực vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa – chương trình cứu độ này được biểu lộ qua ân sủng một cách mạnh mẽ hơn là qua những sáng kiến mang tính chiến thuật hay mục vụ, đôi khi lại bỏ qua không chú ý tới sự thật cốt yếu.

Để hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và để bày tỏ lòng quan tâm sâu sắc, tập sách hỗ trợ này đã ra đời như một hoa trái nữa của Năm Linh Mục, để trở thành một khí cụ hữu ích cho việc thường huấn các giáo sĩ và để giúp người ta khám phá lại giá trị cần thiết của bí tích Hoà Giải và việc Linh Hướng.

Công cuộc tân phúc âm hoá và việc canh tân Giáo Hội liên tục – Giáo Hội "semper reformanda", Giáo Hội "luôn luôn cần được canh tân" – có được sức sống là nhờ dựa vào việc thánh hoá của mỗi thành phần trong Giáo Hội. Rõ ràng là sự thánh hoá phải đi trước cả việc phúc âm hoá lẫn việc canh tân, vì việc thánh hoá này sẽ đòi hỏi cũng như sẽ trở thành điều kiện tiên quyết cho mọi nỗ lực tông đồ có hiệu quả, cũng như cho việc canh tân hàng giáo sĩ.

Khi quảng đại cử hành bí tích của Lòng Chúa Thương Xót, mỗi linh mục được mời gọi hãy trải nghiệm trước tiên cho chính bản thân mình thế nào là sự độc đáo và hết sức cần thiết của thừa tác vụ đã được trao cho mình. Kinh nghiệm ấy sẽ giúp các linh mục tránh được tình trạng "luôn thay đổi trong ý thức của người linh mục về căn tính của mình", là một đặc điểm khá quen thuộc trong đời sống nhiều linh mục hiện nay. Thay vì thế, kinh nghiệm ấy sẽ vun trồng nơi tâm hồn các linh mục ý thức về những điều kỳ diệu tràn ngập tâm hồn mình, vì các ngài biết mình đã được Chúa mời gọi trong Giáo Hội để bẻ Bánh Thánh Thể và để tha thứ tội lỗi của con người, mà không hề do công trạng gì của mình .

Với những ý nghĩ này, chúng tôi xin trao lại việc phân phát tập sách hỗ trợ này và những kết quả thu được từ tập sách ấy cho Đức Trinh Nữ Maria, là Nơi Nuơng Ẩn của các tội nhân và là Mẹ của bao Ân Sủng.

Làm tại Vatican, ngày 9 tháng 3 năm 2011
Hồng Y Mauro Piacenza
Bộ Trưởng
(Ký Tên)

Đức Cha Celso Morga Iruzubieta
Tổng Giám Mục hiệu toà Alba
Thư Ký

 
***

LINH MỤC - THỪA TÁC VIÊN CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

TÀI LIỆU HỖ TRỢ CÁC CHA GIẢI TỘI VÀ LINH HƯỚNG
 
***

 
NHẬP ĐỀ : TIẾN TỚI SỰ THÁNH THIỆN

1. "Vào thời đại nào và trong bất cứ dân tộc nào Thiên Chúa cũng luôn giang tay đón tiếp những ai kính sợ Ngài và làm điều ngay chính (85). Tuy nhiên, Thiên Chúa không thánh hoá và cứu vớt con người chỉ như những cá nhân, không ràng buộc hay chẳng có liên hệ gì với nhau. Ngài muốn tập trung con người thành một dân tộc, một dân tộc nhận biết Ngài trong sự thật và phục vụ Ngài trong thánh thiện" (2). Trên hành trình tiến tới sự thánh thiện mà Chúa đã mời gọi mỗi người chúng ta (cf. Mt 5,48; Ep 1, 4), Thiên Chúa quan tâm làm sao cho mọi người giúp đỡ nhau. Bằng cách đó chúng ta trở thành các trung gian trong Đức Kitô, để lôi kéo người khác xích lại gần tình thương vĩnh hằng của Ngài. Chúng ta có cử hành bí tích Sám Hối và thực hành việc linh hướng là cử hành và thực hành trong viễn tượng bác ái yêu thương ấy; và đây cũng chính là mục tiêu của tài liệu này.

Có một số câu nói của đức thánh cha Biển Đức XVI cũng khiến chúng ta lưu ý tới chủ đề ấy : "Hiện nay, đào tạo đúng đắn cho các tín hữu có lương tâm đàng hoàng chắc chắn là một trong những ưu tiên mục vụ". Và ngài nói thêm : "Việc linh hướng cũng góp phần đào tạo lương tâm. Nhu cầu cần có các 'bậc thầy tu đức' thánh thiện và khôn ngoan hiện nay lớn hơn so với trước kia : đó đúng là một sự phục vụ rất quan trọng mang tính Giáo Hội . Dĩ nhiên, muốn vậy Giáo Hội cần phải có một sức sống nội tâm. Đây là một ân huệ mà chúng ta không những phải tha thiết và bền bỉ cầu xin với Chúa Thánh Thần, nhưng còn phải cẩn thận huấn luyện một cách đặc biệt. Ngoài ra, mỗi linh mục còn được kêu gọi hãy quản lý lòng thương xót của Chúa trong bí tích Sám Hối để qua đó và nhân danh Đức Kitô tha thứ các tội và giúp hối nhân bước đi trên con đường thánh thiện cam go với một lương tâm ngay thẳng và hiểu biết. Để có thể thi hành tác vụ cần thiết này, mỗi linh mục phải phấn đấu cho có một đời sống thiêng liêng riêng và phải quan tâm làm sao cho mình được cập nhật về mục vụ và thần học" (3) . Tập sách hỗ trợ này được cung cấp cho các linh mục trong vai trò thừa tác viên của lòng Chúa thương xót cũng hoàn toàn đi theo những suy nghĩ ấy.

Năm nào kính nhớ Cha Sở họ Ars cũng đều để lại một dấu vết không hề phai trên cuộc đời và tác vụ của các linh mục. Điều này càng đúng đối với năm nay là năm kỷ niệm ngài qua đời được 150 năm (1859-2009) : "Một năm nhằm để đào sâu lời cam kết của mọi linh mục sẽ canh tân đời sống nội tâm để có thể làm chứng mạnh mẽ và trực tiếp cho Tin Mừng trong thế giới hôm nay..."(4).

Công cuộc canh tân đời sống nội tâm ấy phải đụng đến mọi khía cạnh trong đời sống và tác vụ linh mục, và phải thấm sâu vào mọi khía cạnh trong quan điểm, động cơ và cách ứng xử cụ thể của các linh mục. Hoàn cảnh hiện nay đòi các linh mục phải làm chứng cho người ta thấy mình đang sống căn tính linh mục trong vui tươi và hy vọng.

2. Phải thi hành tác vụ bí tích Hoà Giải, một tác vụ liên kết mật thiết với việc tư vấn tâm linh hay linh hướng, bằng cách làm sao khôi phục lại các mục tiêu tông đồ và thiêng liêng cho cả thừa tác viên lẫn người tín hữu, giống như một cuộc vượt qua để quay về với Cha, mà vẫn trung thành với kế hoạch yêu thương của Cha "hầu cho toàn diện con người và hết mọi người được phát triển toàn vẹn" (5) . Muốn thế, để phục vụ người khác, mỗi cá nhân phải đi lại hành trình quan hệ liên vị với Thiên Chúa và với anh em – một hành trình sẽ được thực hiện trong sự chiêm niệm, hoàn thiện, hiệp thông và truyền giáo.

Nhờ thực hành bí tích Sám Hối một cách trọn vẹn, cũng như nhờ thực hành việc linh hướng hay tư vấn tâm linh, chúng ta sẽ có thể sống trung thực hơn trong "hy vọng và vui tươi" (Rm 12, 12). Nhờ đó, chúng ta sẽ biết tôn trọng và đánh giá cao sự sống con người về mọi mặt, sẽ khôi phục lại tầm quan trọng của gia đình và việc hướng đạo cho người trẻ, tầm quan trọng của việc làm sống lại các ơn gọi linh mục và làm sống lại một chức linh mục được sống cách trọn vẹn, cũng như tầm quan trọng của sự hiệp thông trong Giáo Hội và trên hoàn vũ.

3. Tương quan giữa sự hoà giải và việc linh hướng được xây dựng trên sự thúc bách của tình yêu : "Được tình yêu Đức Kitô thôi thúc, chúng tôi xác tín rằng một người đã chết cho mọi người. Bởi đó, tất cả mọi người đều đã chết. Thật vậy, Ngài đã chết cho mọi người để ai sống thì không còn sống cho chính mình nữa mà sống cho đấng đã chết và sống lại vì họ" (2Cr 5,14-15). Chân lý này giả thiết một sự cam kết đặc biệt trước đó : các môn đệ Đức Kitô "không còn sống cho chính mình nữa" (ibid.), nhưng sống trong sự thật và bác ái.

Toàn bộ hoạt động mục vụ của thánh Phaolô, cùng với vô vàn khó khăn của những hoạt động ấy, đã được ngài so sánh với việc sinh nở một con người, có thể được tóm tắt bằng nhu cầu cần phải cấp tốc "làm cho Đức Kitô được thành hình" (Ga 4,19) nơi mỗi tín hữu và trong mọi tín hữu. Mục tiêu của thánh Phaolô là "làm cho mọi người đạt tới mức hoàn hảo trong Đức Kitô" (Cl 1,28), hoàn hảo không giới hạn hay không cùng.

4. Thừa tác vụ hoà giải cũng như công tác tư vấn tâm linh và linh hướng được đặt nằm trong viễn cảnh ai ai cũng được mời gọi nên thánh, cũng là sự hoàn thiện của đời sống kitô hữu và cũng là sự "hoàn thiện của đức ái" (6) . Muốn thi hành đức ái mục tử một cách trung thực với căn tính của người linh mục, các linh mục phải hướng toàn bộ tác vụ và công tác của mình về sự thánh thiện, nhờ đó phối hợp hài hoà các khía cạnh rao giảng, tế lễ và phục vụ trong tác vụ của mình (7).

Như thế, sẵn sàng để hướng dẫn các người đã được rửa tội tới sự hoàn thiện của đức ái chính là một phần nguyên vẹn trong thừa tác vụ linh mục.

5. Là tôi tớ của mầu nhiệm Vượt Qua như mình hằng rao giảng và là khí cụ của Đức Kitô khi cử hành và thông ban mầu nhiệm Vượt Qua ấy, các linh mục được kêu gọi hãy làm người giải tội và linh hướng như mình đang thừa hưởng cả hai phương tiện thánh hoá ấy trong nỗ lực canh tân đời sống thiêng liêng cá nhân và đời sống tông đồ của mình.

6. Tập sách hỗ trợ này hy vọng sẽ cung cấp một số thí dụ đơn sơ, có thật và đầy gợi ý, rút ra từ nhiều văn kiện Giáo Hội (sẽ đựợc trích dẫn khắp trong tài liệu này) mà quý vị có thể tham khảo cách trực tiếp. Ở đây chúng ta không nhắm thực tập giải các nố, nhưng chỉ tập nuôi dưỡng hy vọng và động viên nhau mỗi ngày.

***

PHẦN I

THỪA TÁC VỤ SÁM HỐI VÀ HOÀ GIẢI

TRONG TƯƠNG QUAN VỚI VIỆC NÊN THÁNH

CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

I. TẦM QUAN TRỌNG HIỆN NAY – GIỜ PHÚT ÂN SỦNG

Một lời mời gọi khẩn cấp

7. Khi bắt đầu thiên niên kỷ thứ 3, đức Gioan-Phaolô II có viết : "Ta cũng kêu gọi các mục tử lấy lại sự can đảm của người mục tử để bảo đảm rằng trong giáo huấn hằng ngày của các cộng đoàn Giáo Hội, người ta luôn giới thiệu việc thực hành bí tích Hoà Giải một cách rất thuyết phục và hiệu quả" (8) . Ngài cũng tuyên bố rằng mình đã có ý định "làm linh hoạt lại một cách mạnh mẽ bí tích Hoà Giải.... như một đòi hỏi để có đức ái chân thật và đức công bằng mục vụ chính hiệu"; đồng thời ngài kêu gọi các tín hữu nào đã được chuẩn bị thích đáng trong tâm hồn đều có quyền được lãnh nhận ơn bí tích ấy một cách cá nhân (9) .

8. Giáo Hội không những hô hào hoán cải và tha thứ, mà còn là dấu chỉ sự hoà giải với Thiên Chúa và với con người. Phải nhìn việc cử hành bí tích Sám Hối trong bối cảnh toàn diện là đời sống Giáo Hội và nhất là trong bối cảnh của mầu nhiệm Vượt Qua đã được cử hành trong bí tích Thánh Thể, cũng như trong bối cảnh đã kinh nghiệm cụ thể thế nào là bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, thế nào là giới răn yêu thương nhau. Sám hối luôn luôn là một việc hân hoan cử hành tình thương của Chúa Cha, đấng đã sẵn sàng tự hiến mình để tiêu diệt tội lỗi chúng ta mỗi khi chúng ta biết khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi mình.

Sứ mạng của Đức Kitô thực hiện trong Giáo Hội

9. Sứ mạng của Giáo Hội là một quá trình phối hợp hài hoà giữa công bố, cử hành và tha thứ hay cử hành việc tha thứ. Điều này đặc biệt đúng cho việc cử hành bí tích Hoà Giải, là kết quả và hoa trái của Đấng Phục Sinh đang hiện diện trong Giáo Hội : "Hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha ; anh em cầm giữ tội ai, thì tội người ấy bị cầm giữ" (Ga 20,22-23).

Từ chỗ vui tươi vì được tha, người ta sẽ đi tới chỗ biết ơn và quảng đại nên thánh và thi hành sứ mạng. Những ai đã trải nghiệm sự tha thứ sẽ muốn người khác cũng được gặp gỡ Đức Kitô, người Mục Tử tốt lành, như mình. Thế nên, những thừa tác viên bí tích Sám Hối nào đã kinh nghiệm được sự đẹp đẽ của cuộc gặp gỡ bí tích ấy sẽ luôn sẵn sàng cống hiến sự phục vụ này, một cách khiêm tốn, cam go, nhẫn nại và vui tươi.

10. Thực hành bí tích Hoà Giải một cách cụ thể, vui tươi, đáng tin và dấn thân chính là dấu hiệu rõ ràng cho biết mức độ được phúc âm hoá của một cá nhân và một cộng đoàn tín hữu. Bí tích Sám Hối cũng là một dấu chỉ hùng hồn cho biết sự khát khao hoàn thiện, chiêm ngắm, hiệp thông huynh đệ và làm việc tông đồ. "Trong bối cảnh của mầu nhiệm hiệp thông các thánh, một mầu nhiệm giúp đưa con người đến gần Đức Kitô hơn bằng nhiều cách khác nhau, cử hành bí tích xưng tội chính là bày tỏ niềm tin vào mầu nhiệm Cứu Chuộc và vào việc tái hiện mầu nhiệm ấy trong Giáo Hội" (10) .

Trong bí tích Sám Hối – là hoa trái của máu cứu độ từ nơi Đức Kitô – chúng ta nghiệm thấy Đức Kitô "bị giết vì tội lỗi chúng ta và được phục sinh để công chính hoá chúng ta" (Rm 4,25). Bởi đó, thánh Phaolô đã quả quyết "Đức Kitô hoà giải chúng ta với Ngài và trao cho chúng tôi tác vụ hoà giải ấy" (2Cr 5,18).

11. Hoà giải với Thiên Chúa không thể không đi đôi với hoà giải với con người (cf. Mt 5,24-25). Không thể hoà giải với con người mà không thanh tẩy tâm hồn một cách nào đó. Mọi sự hoà giải đều phát xuất từ Thiên Chúa vì Ngài đã tha tội cho chúng ta (cf. Tv 103,3). Khi được Thiên Chúa tha thứ, chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho anh em và hoà giải với người ấy hơn.

Mở lòng đón nhận tình yêu và sự hoà giải

12. Đức Kitô thôi thúc chúng ta tiến tới một tình yêu càng ngày càng trung thành hơn, tiến tới một sự thay đổi càng ngày càng triệt để hơn (cf. Kh 2,16), để đời sống người kitô hữu có thể được thấm nhuần các tình cảm của Đức Kitô (cf. Pl 2,5). Cử hành tập thể bí tích Sám Hối, đi đôi với việc xưng tội cá nhân, có thể giúp ích rất nhiều để sống thực tế Giáo Hội, tức là mầu nhiệm hiệp thông các thánh.

13. Người kitô hữu sẽ cố gắng tiến tới chỗ "hoà giải" trọn vẹn dựa theo kinh "Lạy Cha", Tám Mối Phúc và giới răn yêu thương. Đó là một hành trình thanh tẩy tội lỗi và trở nên một với Đức Kitô.

Hiện nay, hành trình sám hối này càng trở nên quan trọng, như một tảng đá góc và như nền móng để xây dựng một xã hội sống hiệp thông. "Đức khôn ngoan của Giáo Hội luôn chỉ cho mọi người thấy tội nguyên tổ đang hiện diện trong các điều kiện sống của xã hội và trong cơ cấu xã hội : 'Không biết sự kiện con người mang bản tính đã bị thương tổn và hay nghiêng chiều về tội, sẽ dẫn chúng ta tới những sai lầm trầm trọng trong việc giáo dục, chính trị, hoạt động xã hội và luân lý'" (11) .

Lời chứng và sự dấn thân của các mục tử

14. Trong dòng lịch sử của Giáo Hội, thời đại nào cũng có những vị giải tội và linh hướng mẫu mực. Tông huấn "Reconciliatio et Paenitentia" (1984) nhắc tới thánh Gioan Nepomucene, thánh Gioan Maria Vianey, thánh Giuse Cafasso và thánh Leopoldo Castelnuovo. Trong diễn văn của mình với Toà Ân Giải (12) , đức thánh cha Biển Đức XVI kể thêm thánh Pio Pietrelcina.

Liên tưởng tới các mẫu linh mục ấy, Đức Gioan Phaolô II viết : "Ta cũng uớc mong được bày tỏ lòng tôn kính với hàng ngũ các vị giải tội đông đảo, thánh thiện và thường ẩn danh, mà nhờ đó đã có nhiều linh hồn được cứu khi được các ngài giúp hoán cải trong lúc phải chiến đấu chống lại tội lỗi và cám dỗ, trong lúc tiến bước trên đường thiêng liêng, tắt một lời, trong lúc vươn tới sự thánh thiện. Ta không ngại nói rằng ngay cả những vị thánh lớn đã được tôn phong cũng thường là hoa trái từ các toà giải tội, và không chỉ các thánh thôi mà cả di sản thiêng liêng của Giáo Hội hay nền văn minh thấm đậm tinh thần Kitô Giáo nữa ! Nếu vậy, hãy cất tiếng ca ngợi đội quân âm thầm là các anh em đã ngày ngày phục vụ công cuộc hoà giải thông qua tác vụ cử hành bí tích sám hối" (13) .

15. Trong nhiều giáo phận, nhất là tại các tiểu vương cung thánh đường, các nhà thờ chính toà, các đền thánh và tại các giáo xứ lớn ở thành phố, các tín hữu vẫn tích cực hưởng ứng các nỗ lực của các chủ chăn nhằm cung cấp cho họ những cơ hội tiếp cận bí tích Sám Hối. Vì "thông qua bí tích Sám Hối (các thừa tác viên) sẽ hoà giải tội nhân với Thiên Chúa và với Giáo Hội" (14) , nên cử hành bí tích ấy cũng là cơ hội cho việc linh hướng hay tư vấn tâm linh.

16. Các nhiệm vụ ("munera") của linh mục thường được liên kết chặt chẽ với nhau vì ích lợi thiêng liêng của người tín hữu : "Trong Giáo Hội và thay mặt Giáo Hội, các linh mục chính là hiện thân bí tích của Đức Giêsu Kitô – là đầu và là mục tử - khi dùng quyền công bố Lời Chúa, lặp lại các việc tha thứ và cống hiến ơn cứu độ - một cách đặc biệt qua bí tích Rửa Tội, Sám Hối và Thánh Thể, để bày tỏ sự quan tâm yêu thương của mình tới mức hiến dâng trọn vẹn bản thân mình cho đoàn chiên, hầu quy tụ chúng thành một đoàn chiên duy nhất và dẫn đưa họ tới Chúa Cha thông qua Đức Kitô và trong Thánh Thần" (15).

17. Chính vì lý do này, tông huấn "Pastores Dabo Vobis" mời gọi các linh mục hãy tận dụng việc đạo đức này ; đó sẽ là bảo đảm cho đời sống thiêng liêng của họ : "Ta muốn nhắc tới bí tích Sám Hối, mà các linh mục là thừa tác viên nhưng cũng phải là người thụ hưởng bí tích ấy để trở thành chứng nhân lòng Chúa thương xót đối với các tội nhân. Một lần nữa, Ta muốn nhắc lại những gì Ta đã viết trong tông huấn 'Reconciliatio et Paenitentia' : 'Đời sống mục vụ và thiêng liêng của người linh mục, cũng như của anh chị em ngài, là tu sĩ hay giáo dân, có chất lượng và sự sốt sắng hay không là tùy thuộc vào việc họ có thực hành bí tích Sám Hối cách thường xuyên và có ý thức hay không. Việc cử hành bí tích Thánh Thể và quản lý các bí tích khác, nhiệt tâm thi hành mục vụ, quan hệ với các tín hữu, hiệp thông với các anh em linh mục, cộng tác với giám mục, đời sống cầu nguyện của người linh mục – tắt một lời, toàn bộ đời sống linh mục – sẽ sa sút trầm trọng, nếu vì bất cẩn hay vì một lý do nào khác linh mục ấy không lãnh nhận bí tích Sám Hối đều đặn, cũng như với tinh thần đức tin và nhiệt thành thật sự. Nếu một linh mục không còn đi xưng tội hay không còn thú nhận tội mình cho đúng, tư cách và việc làm của linh mục ấy sẽ bị ảnh hưởng thấy rõ và cộng đoàn mà ngài cai quản sẽ sớm nhận ra điều ấy" (16). Tuy nhiên, như đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã viết, khi tôi ý thức mình luôn được Chúa tha thứ "bằng cách để mình được Chúa thứ tha, tôi sẽ học được cách tha thứ cho người khác" (17) .

18. Nếu kết quả của việc mục vụ là do lòng thương xót Chúa ban, thì kế hoạch mục vụ của chúng ta khó lòng thành công, nếu chúng ta coi nhẹ việc xưng tội : "Cần phải tỏ ta hết sức quan tâm tới bí tích này của Giáo Hội, là nguồn của sự hoà giải, bình an và vui tươi cho tất cả những ai đang cần đến lòng Chúa thương xót và cần Ngài chữa lành khỏi mọi vết thương tội lỗi... Đức giám mục sẽ không quên nhắc nhở tất cả những người do chức vụ có bổn phận chăm sóc các linh hồn rằng họ phải liệu sao tạo cho các tín hữu có cơ hội được xưng tội riêng. Bản thân người linh mục phải bảo đảm rằng các tín hữu của mình đang được hỗ trợ bằng mọi cách để có thể xưng tội... Khi dựa vào ánh sáng của Truyền Thống và Huấn Quyền Giáo Hội để nhìn ra mối liên hệ mật thiết giữa bí tích Hoà Giải với việc tham dự bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ thấy cần phải đào tạo lương tâm của người tín hữu thế nào để họ có thể tham dự bàn tiệc Thánh Thể một cách xứng đáng và có kết quả, để họ có thể tiến đến bàn tiệc ấy trong tình trạng ân sủng" (18) .

Gương Cha Sở họ Ars

19. Gương của Cha Sở Họ Ars vẫn còn rất sống động đối với chúng ta ngày hôm nay.Hoàn cảnh lịch sử của thời ngài lúc ấy là cực kỳ khó khăn vì chiến tranh, bắt bớ, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy thế tục. Khi ngài đến phục vụ giáo xứ, rất ít người đến lãnh nhận bí tích Sám Hối. Nhưng đến gần cuối đời, ngài thấy có biết bao người đến với bí tich ấy, kể cả những người từ các giáo phận khác. Đối với Cha Sở Họ Ars, tác vụ hoà giải đúng là một cuộc "tử đạo lâu dài", mang lại rất nhiều kết quả lành mạnh. Mỗi khi đứng trước một tình trạng tội lỗi nào, ngài cũng thường đưa ra nhận xét : "chúng ta có thể làm được gì đây, nếu không phải là khóc thương và cầu nguyện". Ngài đã sống "một cuộc đời cho các tội nhân đáng thương, với hy vọng sẽ thấy họ hoán cải và khóc lên (vì ăn năn)" (19) . Giáo Hội thường khuyên mọi người hãy xưng tội thường xuyên, dù không mắc tội nặng, coi đó là một phương thế giúp tấn tới trong đời sống kitô hữu (20).

20. Trong thư gởi các linh mục nhân ngày Thứ NămTuần Thánh năm 1986, đức Gioan Phaolô II đã nhớ tới 200 năm ngày sinh của Cha Sở Họ Ars. Ngài nhận thấy rằng "chắc chắn lòng tôn sùng không biết mỏi mệt đối với bí tích Hoà Giải là đoàn sủng chính yếu của Cha Sở Họ Ars, và đó đúng là lý do khiến ngài được nổi tiếng. Chúng ta nên lấy tấm gương ấy động viên mình chú ý trở lại tác vụ hoà giải này như nó đáng được". Sự kiện có nhiều người "xem ra hoàn toàn bỏ xưng tội vì nhiều lý do khác nhau chính là dấu cho thấy cần phải cấp thiết khai triển một chiến lược mục vụ toàn diện để lôi kéo mọi người đến với bí tích Hoà Giải. Chúng ta sẽ thực hiện ước nguyện này bằng cách thường xuyên nhắc nhở các kitô hữu về nhu cầu phải xây dựng một mối quan hệ thật với Chúa, phải có ý thức về tội mỗi khi con người khép lòng đối với Chúa và người khác, nhu cầu cần phải hoán cải và, thông qua Giáo Hội, phải lãnh nhận sự tha thứ như một ân huệ do Chúa ban. Họ cũng cần được nhắc lại về các điều kiện để cử hành bí tích cách tốt đẹp, và để được vậy, họ cần vượt qua các thành kiến, các nỗi sợ vô căn cứ và sự tẻ nhạt đều đều của đời sống. Đồng thời chúng ta cần phải luôn sẵn sàng thi hành tác vụ tha thứ này; sẵn sàng dành thời gian và sự quan tâm cần thiết, thậm chí có thể nói phải ưu tiên cho tác vụ này hơn các sinh hoạt khác. Lúc ấy, người tín hữu mới nhận thức được giá trị mà chúng ta dành cho bí tích Hoà Giải, như Cha Sở Họ Ars đã làm" (21) .

Thừa tác vụ của lòng thương xót

21. Thừa tác vụ hoà giải – một khi được thực hành với lòng quảng đại cao cả - sẽ giúp đào sâu ý nghĩa của tình thương Thiên Chúa, khôi phục lại ý thức về tội và những khuyết điểm gây trở ngại cho tình yêu chân chính. Mất ý thức về tội sẽ làm tan vỡ sự thăng bằng trong tâm hồn, gây ra mâu thuẫn và xung đột trong xã hội. Chỉ khi nào một con tim không chia rẽ được bình an thật sự, chiến tranh và căng thẳng mới được khắc phục. "Thật ra, tình trạng mất thăng bằng mà trong đó thế giới hôm nay đang sống và làm việc có liên quan với một tình trạng mất thăng bằng còn căn bản hơn nữa, bắt nguồn từ trong chính tâm hồn con người. Thật vậy, nơi bản thân con người đang có nhiều yếu tố đấu tranh với nhau" (22).

22. Công tác hoà giải, nếu được thực hành đúng đắn, sẽ lôi kéo chúng ta sống hài hoà với mọi người bằng trái tim của Đức Kitô. Đây chính là một công tác mục vụ "ưu tiên" vì nó đòi chúng ta phải sống đức ái của Vị Mục Tử Tốt Lành, đấng đã sống "yêu thuơng Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, yêu thương nhân loại tới mức hiến mạng làm vật hy sinh cho họ" (23). Muốn quay về với Chúa, chúng ta phải kêu gọi mọi người nhìn nhận tội mình và xác tín rằng "Chúa còn cao cả hơn tâm hồn chúng ta" (1Ga 3,20). Niềm vui phục sinh của người hoán cải – từ đó làm nảy sinh các thánh và các nhà truyền giáo trong mọi thời đại – xuất phát từ sự nhận thức này.

23. Bí Tích Hoà Giải cũng hết sức quan trọng trong thực tế của Giáo Hội lữ hành, là Giáo Hội "vừa đang cưu mang trong lòng mình các người có tội vừa đồng thời thánh thiện và luôn cần được thanh tẩy, và vì thế, Giáo Hội ấy phải luôn bước trên con đường sám hối và canh tân" (24) . Muốn vậy, Giáo Hội luôn nhìn lên Đức Maria, "đấng sẽ toả sáng trên địa cầu cho tới ngày Chúa đến, như một dấu hiệu của niềm hy vọng và an ủi vững chãi cho dân Chúa bao lâu dân Chúa còn lữ hành trên mặt đất này" (25).

II. NHỮNG ĐIỀU CĂN BẢN

Bản chất của bí tích Sám Hối

24. Bí tích Tha Thứ là một dấu chỉ hữu hiệu cho biết Đấng Kitô Cứu Độ đã nói, làm và hiện diện thế nào. Thông qua bí tích ấy, Đức Kitô kéo dài lời tha thứ của mình qua những lời linh mục nói, đồng thời làm cho thái độ của hối nhân đổi khác sau khi đương sự nhìn nhận mình là tội nhân và đương sự cầu xin Chúa tha thứ, sẵn sàng đền tội và sửa chữa. Trong bí tích ấy chúng ta thấy đang diễn lại sự ngạc nhiên của người con hoang đàng khi thấy cha mình tha thứ và cho mở tiệc mừng đứa con yêu trở về (cf. Lc 15,22).

Cử hành cuộc Vượt Qua và hành trình hoán cải

25. Việc cử hành bí tích này chủ yếu là trong phụng vụ, tưng bừng và vui vẻ vì nó hướng tới việc tái ngộ với Thiên Chúa và với Vị Mục Tử Tốt Lành, do Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đức Giêsu đã đánh dấu sự tha thứ này bằng một cung giọng hết sức vui vẻ và tưng bừng (Lc 15,5-7. 9-10. 22-32). Thế nên, thật là dễ hiểu và đáng ước mong khi có người muốn cử hành bí tích Sám Hối một cách thường xuyên và đều đặn. Đức Kitô mà chúng ta gặp gỡ trong bí tích này cũng là Đức Kitô mà chúng ta gặp gỡ trong bí tích Thánh Thể, trong đời sống thường ngày, trong cộng đoàn, trong mỗi người và cả trong tâm hồn nghèo khó của chúng ta (26).

26. Trong bí tích này người ta cũng cử hành việc kêu mời hoán cải, kêu mời trở về nhà Cha (cf. Lc 15,18). Vì thế, sở dĩ gọi là bí tích "Sám Hối", ấy là vì "bí tích này thánh hiến các bước hoán cải, sám hối và đền tội vừa mang tính cá nhân vừa mang tính Giáo Hội do hối nhân thực hiện" (27) . Người ta cũng gọi đây là Bí Tích "Cáo Giải", "vì việc tiết lộ hay xưng thú tội mình cho một linh mục là một yếu tố căn bản của bí tích. Hiểu sâu xa hơn, đó cũng là hành vi "tuyên xưng" – nhìn nhận và ngợi khen – tuyên xưng sự thánh thiện của Chúa và lòng thương xót Ngài dành cho người có tội" (28) . Đó còn là Bí Tích "Tha Thứ", "vì nhờ sự xá giải mang tính bí tích của người linh mục, Thiên Chúa ban cho hối nhân ơn tha thứ và bình an" ; hay gọi là bí tích Hoà Giải vì "bí tích này ban cho tội nhân tình thương của một Thiên Chúa muốn hoà giải với con người" (29).

27. Khi cử hành một cách bí tích sự "hoán cải", người ta cũng đồng thời bị thách thức phải đáp lại tình thương Thiên Chúa. Vì thế, kêu gọi hoán cải là "một yếu tố căn bản làm nên lời rao giảng đầu tiên về Nước Trời" (30). Bằng cách này, người kitô hữu được những diễn biến tình cảm của một "con tim thật lòng thống hối" (Tv 51,17) thôi thúc, được ơn sủng Chúa lôi kéo và thúc đẩy (cf. Ga 6,44; 12,32) hãy đáp lại lòng Chúa thương xót, đấng đã yêu thương chúng ta trước (cf. 1Ga 4,10)" (31).

Trên con đường nên thánh

28. Đây chính là con đường tiến tới sự thánh thiện mà các bí tích Rửa Tội, Thánh Thể, Thêm Sức và Lời Chúa chẳng những yêu cầu mà còn giúp thực hiện. Đây chính là cách hoạt động của thừa tác vụ ơn thánh và đúng như thánh Phaolô đã mô tả : "Như thế, chúng tôi là sứ giả cho Đức Kitô vì Thiên Chúa đã cất tiếng kêu gọi thông qua chúng tôi.Chúng tôi nhân danh Đức Kitô kêu nài anh em : Hãy làm hòa với Thiên Chúa" (2Cr 5,20). Lý do sâu xa khiến Phaolô lên tiếng mời gọi như thế, đó là vì Thiên Chúa "đã làm cho đấng không biết tội là gì phải trở nên có tội, để trong đấng ấy chúng ta được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa" (2Cr 5,21). Và "một khi anh em đã được giải thoát khỏi tội và trở nên nô lệ cho Thiên Chúa, anh em sẽ được thánh hóa và sau cùng, được sống đời đời" (Rm 6,22).

29. Các kitô hữu có thể có kinh nghiệm về sự tha thứ đầy lòng thương xót của Chúa ngay từ thuở nhỏ, thậm chí trước cả khi rước lễ lần đầu. Các trẻ em "vô tội", vì tin tưởng và vui tươi khi được làm con Chúa, có thể có được kinh nghiệm này (32). Vì lý do đó và để được như thế, nên chuẩn bị cho các tâm hồn ấy học hỏi giáo lý cách thích đáng, trước khi Rước Lễ Lần Đầu.

30. Một khi đã bước quá trình ấy với động cơ Tin Mừng như thế, chúng ta sẽ thấy không có gì khó hiểu khi yêu cầu người kitô hữu xưng thú các tội nhẹ và những khiếm khuyết, như một sự quyết định với ý thức rằng mình phải "tiến bộ trong đời sống của Chúa Thánh Thần" và mình muốn biến cuộc sống của mình thành dấu chỉ biểu hiện lòng Chúa thương xót đối với những người khác (33). Như thế, chúng ta sẽ uốn nắn mình cho phù hợp với những tâm tình của Đức Kitô, là đấng duy nhất đã đền tội của chúng ta (cf. Rm 3,25; 1Ga 2,1-2) (34).

31. Một khi đã hiểu rõ sự thật của ơn ấy, các linh mục sẽ không thể làm gì hơn là cổ võ các tín hữu lãnh nhận bí tích Sám Hối. Nếu vậy, "khi cử hành bí tích Sám Hội, là linh mục chu toàn tác vụ của vị Mục Tử tốt lành đang đi tìm con chiên lạc, tác vụ của người Samari nhân hậu đang băng bó các vết thương của con chiên ấy, tác vụ của chính Chúa Cha đang chờ đợi và hân hoan đón đứa con hoang đàng trở về, và tác vụ của vị thẩm phán công bình và vô tư, luôn đưa ra những phán quyết vừa công bằng vừa nhân ái. Linh mục là dấu chỉ và là dụng cụ được Chúa Kitô dùng để bày tỏ tình yêu thương xót của Chúa Cha đối với người có tội" (35) . "Vị Mục Tử tốt lành đi tìm con chiên lạc. Tìm được rồi, anh đặt nó lên đôi vai đã từng vác thánh giá và đưa nó tới sự sống muôn đời"(36).

Một mầu nhiệm của ân sủng

32. Tôn trọng "ấn tín tòa giải tội" là dấu chứng tỏ việc cử hành bí tích Sám Hối này là một thực tại ân sủng, và ân sủng ấy đã đi qua con đường nào, chúng ta có thể "khám phá" ra điều ấy nơi Trái Tim Chúa Giêsu và nơi quan hệ bằng hữu sâu đậm với Ngài. Một lần nữa, chúng ta lại thấy mầu nhiệm con người được mặc khải qua mầu nhiệm của Đức Kitô. (37)

Các hiệu quả do ơn bí tích này mang lại là : hòa giải với Chúa (khôi phục lại sự bình an và thân hữu với Chúa), hòa giải với Giáo Hội (tái hội nhập vào cộng đoàn các thánh) và hòa giải với chính mình (thống nhất con tim của mình). Kết quả là hối nhân "được hòa giải với các anh em đã bị mình xúc phạm và gây thương tổn cách nào đó. Người ấy được hòa giải với Giáo Hội, được hòa giải với mọi thụ tạo." (38)

33. Phẩm giá của hối nhân được bày tỏ trong việc cử hành bí tích, khi người ấy cho thấy sự chân thành của mình trong việc hoán cải và trong sự ăn năn về những việc mình làm. Đương sự được tái hội nhập "vào việc cử hành bí tích nhờ các hành vi của mình; những hành vi này sẽ được hoàn tất bằng lời xá giải mà linh mục sẽ nhân danh Chúa tuyên bố" (39). Như thế, chúng ta có thể nói "khi cảm nghiệm lòng Chúa thương xót trong cuộc đời mình và khi công bố điều ấy, người kitô hữu đã cùng với linh mục cử hành phụng vụ Giáo Hội, một nền phụng vụ luôn được chuyển đổi và cập nhật" (40).

34. Cử hành bí tích là một cách hiện tại hoá lịch sử ơn thánh, phát xuất từ Thiên Chúa. "Suốt dòng lịch sử sống đạo của Giáo Hội, nguời ta luôn luôn coi 'thừa tác vụ hoà giải' (2Cr 5,18), được ban qua các bí tích Rửa Tội và Sám Hối, như một bổn phận mục vụ thiết yếu và rất được trân trọng trong thừa tác vụ của người linh mục, mà linh mục phải thi hành vâng theo mệnh lệnh của Đức Giêsu". (41)

35. Đó chính là một hành trình "bí tích", một dấu chỉ rất hữu hiệu của ơn thánh, là một phần trong đời sống bí tích của Giáo Hội. Đó cũng là một hành trình đã được nói lên trong kinh Lạy Cha, khi chúng ta cầu xin Chúa tha thứ cho chúng ta và chúng ta tha thứ cho người khác. Từ kinh nghiệm hoà giải này, chúng ta sẽ sinh lòng ao ước cho toàn thể nhân loại được bình an trong tâm hồn : "Người kitô hữu mong muốn cho toàn thể gia đình nhân loại được kêu cầu Thiên Chúa là 'Cha chúng con !" (42)

III. MỘT VÀI HƯỚNG DẪN THỰC TIỄN

Thừa tác vụ đánh thức dậy các thái độ thích hợp nơi hối nhân

36. Từ thời xa xưa của Giáo Hội, đã có khá nhiều hình thức diễn tả việc hoà giải và sám hối hay "hoán cải" trong những thời điểm khác nhau như khi cử hành Thánh Thể, trong các mùa phụng vụ đặc biệt (như mùa Chay chẳng hạn), khi xét mình, cầu nguyện, bố thí và hy sinh, v.v... Tuy nhiên, giây phút thật sự đặc biệt để hoà giải và sám hối hoặc hoán cải ăn năn chính là khi cử hành Bí Tích Sám Hối hay Hoà Giải. Về phía hối nhân, bí tích này bao gồm việc ăn năn, xưng thú và đền tội ; còn về phía linh mục, bí tích này chủ yếu gồm việc xá giải và kêu mời hối nhân mở tâm hồn rộng rãi hơn cho tình yêu Thiên Chúa.

37. Khi xưng thú tội mình một cách rõ ràng, đơn sơ và đầy đủ, người ta sẽ khôi phục lại sự hiệp thông với Chúa và với anh chị em của mình, nhất là anh chị em trong cộng đồng Giáo Hội. "Hoán cải" – hay trở về để tuân theo ý Chúa – bao gồm sự chân thành thống hối về phía hối nhân, và từ đó, nhìn nhận và sẵn sàng sửa chữa lại đời mình. Như thế, cuộc đời của đương sự đã được định hướng lại để tiến bước trên hành trình yêu thương Thiên Chúa và tha nhân.

38. Trước mặt Đức Kitô Phục Sinh hiện diện trong bí tích (và nơi thừa tác viên), hối nhân sẽ xưng thú tội mình, tỏ lòng thống hối ăn năn và quyết tâm sửa chữa lại cuộc đời. Ơn riêng của bí tích Sám Hối chính là ơn được tha thứ - sẽ ảnh hưởng tới tận gốc mọi thứ tội mà chúng ta đã phạm sau khi chịu phép Rửa, đồng thời chữa lành mọi khuyết điểm và lệch lạc bằng cách ban cho người kitô hữu sức mạnh để "hoán cải" hay sức mạnh để cởi mở nhiều hơn đối với đức ái hoàn thiện.

39. Có rất nhiều cử chỉ bên ngoài, chúng ta có thể dùng để diễn đạt những thái độ nội tâm, như cầu nguyện, bố thí, hy sinh, thánh hoá giờ phụng vụ, v.v... Nhưng "muốn hoán cải và sám hối mỗi ngày, người ta phải quay về với bí tich Thánh thể như về với cội nguồn và nguồn nuôi dưỡng". (43) Khi cử hành bí tích Sám Hối, chúng ta có thể hình dung ra một hành trình quay trở về đã được Đức Giêsu mô tả trong dụ ngôn đứa con hoang đàng : "Chỉ có con tim Đức Giêsu là hiểu được tình thương của Chúa Cha cách sâu xa và vì thế, mới có thể mặc khải cho chúng ta biết lòng Chúa thương xót sâu thẳm là bao, một cách hết sức đơn sơ mà đẹp đẽ". (44)

40. Nhờ ơn Chúa – Đấng đã đi bước trước trong tình yêu đối với chúng ta – hối nhân có thể thực hiện những cử chỉ này. Đương sự sẽ xét mình dưới ánh sáng tình yêu Thiên Chúa và ánh sáng Lời Ngài. Khi dám nhìn nhận tội mình, là tội nhân đã dám đứng ra trách nhiệm các tội lỗi ấy; đồng thời được ân sủng thúc đẩy, họ tỏ ra hối hận và gớm ghét tội lỗi, truớc mặt Chúa – đấng đã yêu thương và chỉ dựa vào lòng thương xót để phán xét các hành vi của chúng ta. Bởi đó, nhìn nhận và xưng thú trọn vẹn các tội lỗi mình trước mặt linh mục chính là một phần trong hoạt động yêu thương của Chúa Thánh Thần, một hoạt động còn đi xa hơn nữa, chứ không dừng lại ở sự ái hối (ăn năn vì yêu) hay úy hối (ăn năn vì sợ sự nghiêm thẳng của Chúa).

Việc cử hành phụng vụ

41. Việc cử hành bí tích Hoà Giải là một hành vi phụng vụ. Theo Nghi Thức Sám Hối, việc cử hành ấy bao gồm một lời chào và một lời chúc, sau đó là đọc một đoạn Lời Chúa, mời gọi thống hối, xưng thú, khuyên nhủ và động viên, đặt tay và chấp nhận việc sám hối, tha tội, tạ ơn, chúc lành và giải tán (45). Toà cáo giải được đặt ở một vị trí thích hợp và được trang hoàng "bằng một tấm lưới cố định ngăn cách hối nhân với cha giải tội ở một nơi công khai để tín hữu nào muốn thì có thể thoải mái sử dụng" (46) , như thế sẽ có ích cho cả hối nhân lẫn linh mục.

42. Hình thức giải tội thông thường – tức là xưng tội cá nhân (kể cả khi trước đó có việc chuẩn bị chung) – chính là cơ hội tốt để kêu gọi mỗi người sống thánh thiện và từ đó, linh hướng cho mỗi người (cũng với cha giải tội ấy hay với một linh mục khác). "Nhờ đặc tính cá nhân này, việc giải tội theo hình thức thứ nhất sẽ giúp nối kết bí tích Sám Hối với một điều gì đó tuy khác nhưng có thể được móc nối vào đó : tôi muốn nói tới việc linh hướng. Như thế, đúng là trong hình thức thứ nhất này chúng ta thấy rõ và dễ dàng đẩy mạnh việc quyết định và dấn thân của mỗi cá nhân" (47). "Mỗi khi có thể, nhất là vào một số thời điểm đặc biệt trong năm hay bất cứ khi nào có cơ hội thuận lợi, chúng ta nên tổ chức việc xưng tội riêng cho một số hối nhân trong khuôn khổ các buổi cử hành sám hối mà sách Nghi Thức đã tiên liệu, không quên tôn trọng các truyền thống phụng vụ khác. Trong trường hợp ấy nên dành nhiều thời gian hơn để cử hành Lời Chúa bằng cách sử dụng các bài đọc thích hợp" (48).

43. "Trong trường hợp có nhu cầu nghiêm trọng, có thể cử hành bí tích hoà giải chung bao gồm việc xưng tội chung và giải tội chung". Tuy nhiên, theo những quy định của luật, "để một thành viên trong cộng đoàn kitô hữu lãnh nhận việc xá giải có tính bí tích một cách hiệu lực, được ban cho nhiều người cùng một lúc, người ấy không những phải ở trong tình trạng xứng hợp, mà đồng thời còn phải có ý định xưng tội trong khoảng một thời gian nhất định những tội nặng nào mà lúc này mình không thể xưng thú" (49). Phán đoán xem những điều kiện mà các quy định của luật đòi hỏi có thực sự có hay không "là quyền của đức giám mục giáo phận; chính ngài sẽ quyết định đâu là những trường hợp có sự cần thiết ấy, không thể bỏ qua các tiêu chuẩn mà mình đã cùng với các thành phần khác trong hội đồng giám mục đồng ý" (50). Như vậy, "thú tội một cách cá nhân và đầy đủ, rồi được ban ơn xá giải, đó vẫn là phương cách thông thường duy nhất để các tín hữu hoà giải với Chúa và với Giáo Hội, trừ khi vì lý do thể lý hay luân lý không thể làm được và vì thế được miễn thi hành phương thức xưng tội này... Nếu thế, xưng tội cá nhân chính là hình thức sống động nhất diễn tả việc hoà giải của con người với Chúa và với Giáo Hội"(51).

Những quy tắc thực tiễn do Giáo Hội ban hành : một cách biểu lộ đức ái mục tử

44. Bộ Giáo Luật hiện nay có đưa ra một số quy tắc thực tiễn cho việc xưng tội cá nhân và các cuộc cử hành bí tích Hoà Giải chung (52), cũng như những quy tắc thực tiễn liên quan đến vị trí và cách bố trí toà giải tội (53). Còn về phần các thừa tác viên của bí tích này, các quy tắc ở đây đều là những quy tắc rút ra từ truyền thống Giáo Hội đã được thời gian thử thách và từ kinh nghiệm lâu năm của Giáo Hội. Các quy tắc này bao gồm những vấn đề như năng quyền thông thường để ngồi toà giải tội và năng quyền để xá giải một số trường hợp đặc biệt (54). Bởi đó, cần phải tuân thủ mọi điều đã được Giáo Hội quy định liên quan đến giáo huấn luân lý của Giáo Hội (55). Các cha giải tội nên cư xử như những đày tớ công bằng nhưng đầy lòng thương xót, để có thể "vừa tôn vinh Thiên Chúa vừa lo cho các linh hồn được cứu rỗi" (56).

45. Các quy tắc ấy vừa giúp thực hành đức khôn ngoan cần thiết của một người "biết quan tâm tới hoàn cảnh và tuổi tác của hối nhân" (57) , vừa cung cấp những hướng dẫn thực tiễn để xác định "một việc đền tội thích hợp"(58). Chính khi đặt mình trong bối cảnh mầu nhiệm ân sủng của Thiên Chúa và con tim loài người, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn thế nào là "ấn tín" của bí tích (59).

Còn các quy tắc khác được đưa ra để giúp hối nhân xưng tội rõ ràng, như phải cho biết rõ ràng số tội nặng và loại tội nặng (60), vào những lúc thích hợp hay trong một số hoàn cảnh đặc biệt (như khi phải nhờ đến một người thông ngôn), với sự tự do hoàn toàn, xưng tội cho một linh mục có thẩm quyền do mình lựa chọn (61).

46. Nghi Thức Sám Hối cũng giới thiệu một số quy định về giáo lý và kỷ luật liên quan đến Bí Tích Sám Hối như linh mục chuẩn bị, đón tiếp, rồi cử hành bí tích với đầy đủ chi tiết. Những hướng dẫn cụ thể này sẽ giúp hối nhân uốn nắn cuộc đời mình theo đúng với ơn thánh mà họ nhận được trong bí tích. Bởi thế, cử hành chung Nghi Thức Sám Hối, nhưng ban ơn xá giải cá nhân, cũng giúp ích rất nhiều cho việc xưng tội cá nhân – đây luôn luôn là hình thức thông thường để cử hành Bí Tích Sám Hối.

47. Tông thư, hay tự sắc, "Misericordia Dei" ('Lòng Chúa thương xót') của Đức Gioan Phaolô II, trình bày một số khía cạnh trong việc cử hành Bí Tích Sám Hối, cũng cung cấp nhiều quy tắc thực tiễn giúp điều hoà các hình thức khác nhau để cử hành bí tích này và đề cập tới những khía cạnh khác nhau của việc cử hành bí tích Sám Hối.

Hướng dẫn tiến lên trong hành trình nên thánh sao cho hài hòa với hoạt động của Chúa Thánh Thần

48. Dù có cử hành bí tích Sám Hối theo cách nào trong những cách vừa kể, điều quan trọng nhất vẫn là phải giúp hối nhân uốn nắn mình nên giống Đức Kitô. Một lời khuyên chân thành và khôn ngoan cũng có thể soi sáng cho cả cuộc đời hay thôi thúc hối nhân nghiêm túc làm việc chiêm ngắm và trở nên hoàn thiện, dưới sự hướng dẫn của một nhà linh hướng tốt (như sẽ thấy trong phần II của văn kiện này). Nhà linh hướng là một dụng cụ nằm trong bàn tay Chúa để giúp người khác khám phá ra Thiên Chúa muốn họ làm gì ngay giây phút này: kiến thức của nhà linh hướng không phải chỉ là kiến thức của loài người. Một bài giảng trong một cuộc cử hành chung hay một lời khuyên riêng tư trong tòa giải tội đều có thể tác động đến cả cuộc đời của mỗi người.

49. Bất cứ lúc nào, chúng ta cũng phải chú ý theo dõi tiến trình mà hối nhân đang đi theo. Thỉnh thoảng nên giúp hối nhân đạt tới sự hoán cải triệt để hơn, để người ấy có thể khôi phục lại hay làm sống lại sự lựa chọn căn bản cho đức tin. Trong những lần khác, linh mục sẽ giúp hối nhân bước vào tiến trình thông thường để được thánh hóa – một tiến trình thanh tẩy, đức chiếu và kết hợp một cách toàn diện.

50. Thường xuyên xưng các tội nhẹ và các khuyết điểm chính là một dấu chứng tỏ sự trung thành với bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, ước mong được hoàn thiện và quay về với kế hoạch của Chúa Cha, để Đức Kitô thật sự sống trong chúng ta qua một nếp sống ngày càng trung thành hơn với Chúa Thánh Thần. Từ đó, "chính vì mọi kitô hữu đều được mời gọi nên thánh, nên hãy khuyên họ xưng cả các tội nhẹ nữa" (62).

Thừa tác viên lúc nào cũng sẵn sàng và đón tiếp hối nhân trong tình cha con

51. Trên hết, vì cầu nguyện và sám hối là điều kiện thiết yếu để các linh hồn được nhiều ơn ích, nên thừa tác tác viên phải luôn sẵn sàng và biết đón nhận người khác với tình cha con.

52. Những người được trao cho nhiệm vụ chăm sóc các linh hồn "phải tiên liệu sao cho mỗi khi các tín hữu muốn xưng tội cách hợp lý thì phải được xưng, bằng cách cho họ có cơ hội được nghe xưng tội cá nhân vào những ngày giờ đã ấn định cách thuận lợi cho họ" (63). Như đã nói trên đây, nếu được như vậy, chúng ta sẽ thấy có nhiều kết quả tích cực, không chỉ tại các đền thờ mà cả trong nhiều giáo xứ và nhà thờ nữa.

53. Thừa tác viên càng ngày càng sẵn sàng thi hành tác vụ sẽ khơi dậy sự khao khát trở nên hoàn thiện nơi tâm hồn các tín hữu. Trước khi xưng tội hay trong lúc xưng tội mà được linh mục giúp đỡ, các hối nhân sẽ hiểu biết hơn về bản thân mình và dưới ánh sáng đức tin, sẽ sinh lòng ăn năn và ước muốn thay đổi đời sống một cách cá nhân và thường xuyên, cũng như muốn đền bù và sửa chữa hầu có thể đi xa hơn chứ không chỉ đáp lại tình yêu Chúa một cách thiếu sót.

54. Phần cuối cùng của lễ nghi sám hối, được đọc sau khi nhận ơn xá giải, nói cho chính xác là huấn đức. Đó là một kho tàng thiêng liêng và mục vụ. Người ta luôn đọc phần này với hy vọng sẽ hướng tâm hồn của hối nhân về với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tới công nghiệp của Đức Trinh Nữ Maria và các thánh, đồng thời cộng tác với các ngài qua các việc tốt lành của mình.

55. Vì hành động nhân danh Đức Kitô – vị Mục Tử Tốt Lành – nên các linh mục có nghĩa vụ bắt buộc phải biết các tật bệnh thiêng liêng của đàn chiên mình và phải gần gũi các hối nhân. Các ngài có bổn phận phải trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội trong những vấn đề có liên quan đến luân lý và sự hoàn thiện Kitô Giáo, trung thành với một đời sống cầu nguyện thật, thận trọng trong khi lắng nghe và đặt câu hỏi với các hối nhân. Các ngài cũng phải sẵn sàng phục vụ những người đến xin lãnh nhận bí tích cách hợp lý và phải tuân theo các sự thôi thúc của Thánh Thần. Noi gương Vị Mục Tử Tốt Lành chính là một công việc vừa đậm tính huynh đệ vừa thắm tình cha con, và đó cũng là một sự ưu tiên trong mục vụ của người linh mục. Đức Kitô– hiện diện trong việc cử hành các bí tích – cũng được gặp thấy nơi tâm hồn các hối nhân, mời gọi các thừa tác viên phải cầu nguyện, học hỏi, kêu cầu Chúa Thánh Thần và đón tiếp trong tình cha con.

56. Nếu nhìn đức ái mục tử theo viễn tượng ấy thì "không chịu đón tiếp các con chiên bị thương tích, càng không chịu ra ngoài tìm kiếm họ để đưa họ về lại chuồng chiên, đó chính là một dấu hiệu xấu chứng tỏ đã có sự thiếu nhạy cảm mục vụ nơi những người đã được truyền chức linh mục, mà lẽ ra cần phải phản chiếu hình ảnh Vị Mục Tử Tốt Lành [...] Rất khuyến khích các vị giải tội xuất hiện tỏ tường tại các nơi thờ phượng [...] và ngay cả trong thánh lễ cũng có cha giải tội để đáp ứng nhu cầu của các tín hữu" (64) . "Nếu có lễ đồng tế, thì khuyên một số linh mục không đồng tế để giải tội cho các tín hữu" (65).

57. Lấy hình ảnh của Cha Sở Họ Ars để mô tả thừa tác vụ này sẽ càng làm chúng ta thấy rõ khía cạnh đón tiếp và sẵn sàng của thừa tác viên giải tội. Khi bình luận việc này, đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã viết : "Các linh mục như chúng ta phải coi những lời nói sau đây, mà Cha Sở Họ Ars cho là của Đức Ki tô, là những lời Ngài muốn nói với mỗi người chúng ta : 'Ta sẽ ra lệnh cho các thừa tác viên của Ta công bố cho các tội nhân biết rằng Ta luôn luôn sẵn sàng đón tiếp họ, lòng thương xót của Ta không bờ không bến'. Chúng ta có thể học gương thánh Gioan Maria Vianê để đặt lòng tin tưởng trọn vẹn của mình vào bí tích Sám Hối, một lần nữa đặt bí tích ấy vào trung tâm các mối bận tâm mục vụ của chúng ta và sẵn sàng mở 'cuộc đối thoại cứu độ' do bí tích ấy dẫn đến. Cha Sở Họ Ars đã đối xử với các hối nhân theo nhiều cách khác nhau (66). Trong bối cảnh ấy, chúng ta mới hiểu tại sao ngài nói với một linh mục bạn như sau : "Tôi sẽ kể cho anh biết công thức pha chế của tôi : tôi chỉ cho các hối nhân một việc sám hối nhỏ thôi, phần còn lại tôi sẽ làm thay họ" (67).

Một sự huấn luyện cập nhật và đổi mới dành cho các linh mục, để các ngài có thể hướng dẫn các tín hữu trong nhiều tình huống khác nhau

58. Chúng ta có thể học nơi Cha Sở Họ Ars cách phân biệt các loại hối nhân khác nhau để giúp đỡ họ phù hợp với tâm tính của họ. Dù có đưa ra những khuôn mẫu thánh thiện cho những người nhiệt thành sốt sắng hơn, ngài vẫn kêu gọi mọi người đắm mình trong "suối từ bi của Thiên Chúa", từ đó có thêm hy vọng sửa chữa lại cuộc đời: "Chúa nhân lành biết mọi sự. Thậm chí, trước khi bạn xưng tội, đã biết bạn sẽ lại phạm tội, Ngài vẫn sẵn lòng tha cho bạn. Tình yêu của Thiên Chúa lớn biết bao: "thậm chí Ngài còn bắt mình phải quên đi tương lai để ban ơn tha thứ cho chúng ta!" (68).

Nỗ lực sống đức ái mục tử như thế "chắc chắn là sự hãm mình lớn nhất của người linh mục, không khác gì tử đạo". Bởi đó, "Chúa đã ban cho ngài khả năng hòa giải các tội nhân nào biết ăn năn và từ đó dẫn dắt họ tới sự hoàn thiện mà các linh hồn hằng khao khát" (69).

59. Vị giải tội chính là mục tử, là cha, là thầy, là thẩm phán thiêng liêng và là thầy thuốc biết chẩn bệnh và điều trị. "Khi nghe xưng tội, các linh mục phải nhớ rằng ngài vừa là thẩm phán vừa là y bác sĩ ; ngài còn được Chúa đặt làm thừa tác viên của sự công bình và thương xót, để ngài biết tôn vinh Thiên Chúa và cứu độ các linh hồn" (70).

60. Đức Maria là Mẹ của lòng Thương Xót vì ngài là Mẹ của Đức Kitô linh mục, đấng đã mặc khải lòng Chúa xót thương. Không như những người khác, ngài "nhận được lòng Chúa xót thương một cách hết sức cá biệt và bất thường [...] Ngài là người hiểu hết sức sâu xa mầu nhiệm lòng Chúa xót thương" và vì thế "rất thích hợp để bắt gặp tất cả những ai sẵn sàng đón nhận lòng thương xót của một người mẹ" (71). Linh đạo của Đức Maria mà mỗi linh mục theo đuổi sẽ giúp ngài để cho mọi hoạt động của mình được quả tim mẹ hiền của Đức Maria chi phối; vì quả tim ấy phản ảnh lòng Chúa Xót Thương.

Hoàn cảnh mới, ơn phúc mới, sự nhiệt tình mới

61. Chúng ta phải nhìn nhận thừa tác vụ sám hối hiện nay đang phải đối diện với nhiều khó khăn, do người ta đã mất cảm thức về tội, thiếu thiện cảm với bí tích này, mù quáng không thấy ích lợi của việc xưng tội và e ngại trước những linh mục bị kiệt sức do có quá nhiều việc. Tuy nhiên, xưng tội cũng là một cách làm tái sinh lại về đàng thiêng liêng, biến các tội nhân thành một thụ tạo mới và liên kết các tội nhân thành bạn bè với Đức Ki tô. Vì thế, bí tích này là một suối nguồn hoan lạc cho những ai đang làm tôi tớ của vị Mục Tử Tốt lành

62. Khi cử hành mầu nhiệm này, là các linh mục đang chu toàn vai trò của mình, tức là trở thành dụng cụ thực hiện một biến cố ân sủng rất kinh khủng. Nhìn dưới ánh sáng đức tin, các linh mục có thể cảm nghiệm được lòng thuơng xót đầy yêu thương của Chúa Cha đang diễn ra trong hiện tại như thế nào. Lời nói và cử chỉ của linh mục sẽ trở thành phuơng thế cho Thiên Chúa dùng mà thực hiện một phép lạ ân sủng thật sự. Nếu có những dụng cụ khác trong Giáo Hội có thể thông ban lòng thương xót của Thiên Chúa (như bí tích Thánh Thể, dấu hiệu vĩ đại nhất của lòng Chúa thương xót), thì lòng thương xót ấy được thực hiện một cách đầy đủ và xuất sắc nhất là khi chúng ta cử hành bí tích Sám Hối (72). Đây là một phương thế ưu việt không chỉ để khích lệ những người nhận lãnh ơn tha thứ, mà còn để đồng hành với những người đã bước vào hành trình trở nên giống Đức Kitô. Hành trình làm môn đệ của Tin Mừng (dù là tín hữu hay linh mục) đòi phải có sự trợ giúp này thì chúng ta mới duy trì được sự cam kết quảng đại của mình.

63. Vai trò cổ võ hay động viên này đòi chúng ta phải quan tâm tới việc đào tạo các linh mục: "Trong quá trình canh tân nội tâm rất nhiệm mầu này, người giải tội không thể làm khán giả thụ động, mà phải làm 'persona dramatis' – tức là một khí cụ tích cực của lòng Chúa thương xót. Thế nên, bên cạnh sự nhạy cảm về tâm linh và mục vụ, người giải tội cần phải được chuẩn bị nghiêm túc về mặt thần học, luân lý và sư phạm, để có thể hiểu cuộc sống của con người. Ngoài ra, thật là hữu ích nếu vị ấy biết rõ môi trường nghề nghiệp, văn hoá và xã hội của những người đến toà cáo giải, hầu có thể cho người ấy những lời khuyên thích đáng, những việc làm thiêng liêng và những định hướng tâm linh. Thế nên, bên cạnh sự khôn ngoan của loài người, sự chuẩn bị về mặt thần học, người ta cần phải có thiên hướng tâm linh sâu xa, được nuôi dưỡng nhờ tiếp xúc với Đức Kitô, vừa là Tôn Sư vừa là Cứu Tinh, trong tinh thần cầu nguyện" (73). Việc thường huấn cũng giúp ích rất nhiều cho các linh mục trong công tác này, chẳng hạn những ngày huấn luyện dành cho hàng giáo sĩ, những khoá hay chương trình đặc biệt như những khoá hay chương trình do Toà Ân Giải tổ chức.

 (Còn tiếp)