Lm. Giuse Ngô Sĩ Đình, OP.
(Theo Eric Fuchs, le désir et la tendresse, Labor et Fides, 6 éd. Genève 1979. t. 41-46.)
Phái tính là một điều kỳ diệu nhưng cũng dễ rơi vào suy đồi. Kinh Thánh đã cho ta thấy cần phái tính có sự nhìn nhận tha thể của người khác và nhìn nhận tha thể của Thiên Chúa bằng Lời, thiết tưởng đó là điểm quan yếu trong giáo huấn của Cựu ước .
Cựu ước không ngừng tố cáo một lối thực hành phái tính đi đến tình trạng đánh mất chính mình do việc đánh mất sự khác biệt trong lúc xuất thần ngất ngây (extase). Bởi vì phái tính là một dụ ngôn, một biểu tượng, vì thế nó sẽ trở thành suy đồi nếu được sử dụng vào một mục đích phục vụ cho một kinh nghiệm nào đó; mà kinh nghiệm này lại phá hủy lời, muốn đạt tới cái thần thánh một cách trực tiếp, chứ không phải để hướng đến Thiên Chúa. Vì thế truyền thống Cựu Ước và Kinh Thánh nói chung đều tố cáo hình thức phái tính ngẫu thần như một nơi để con người trực tiếp kinh nghiệm cái thần thánh mà đánh mất lời. Thiên Chúa không ở nơi con người đánh mất lời, nhưng ở nơi họ nghe được Lời đang làm nên họ, trong sự khác biệt. Lịch sử Israel là cuộc chiến chống lại những nghi lễ trác táng của thế giới Canaan. Những nghi lễ này nhằm giúp người ta có được cảm nghiệm về Thiên Chúa qua kinh nghiệm khóai cảm tột đỉnh do hành vi tình dục đem lại, tức là kinh nghiệm một sự hòa trộn vào trong cái hỗn độn, không còn khác biệt, do đánh mất lời, đánh mất ý thức về chính bản thân. Trong cái nhìn như thế, phái tính không đòi hỏi một tương quan cá nhân với người khác, người bạn tình chỉ còn là cơ hội để đi tìm kiếm một kinh nghiệm đặc biệt. Đó là lý do những nghi lễ này luôn có sự hiện diện của các điếm thánh. Vì thế, với niềm tin coi cái thánh thiêng như một Toàn thể, mà con người hòa tan vào trong đó, thì phái tính trở thành một khả năng triệt tiêu giá trị cá nhân của người bạn tình cùng với Lời, trong hành vi phái tính.
Kinh Thánh kịch liệt lên án cách hiểu Thiên Chúa như thế. Thiên Chúa của Kinh Thánh không phải là một vị thần mà người ta đánh mất chính mình trong đó, nhưng là một Đấng-Hoàn-Toàn-Khác mà Lời của ngài nói trong từng người để làm cho họ sống động chứ không phải để giết chết. Ngài là nguyên ủy, từ đó chúng ta đón nhận được khả năng trao ban sự sống, và chúng ta chỉ tiếp tục thực hiện sự trao ban này khi chúng ta trao ban chính mình cho người khác trong cái đòi hỏi của gặp gỡ và tình yêu. Dưới dấu ấn của sự trao ban này, phái tính có thể trở thành biểu tượng cho mối liên hệ với một Thiên Chúa hoàn toàn Khác, Đấng Sáng Tạo và đang liên đới với chúng ta qua việc trao ban Lời của Ngài.
Vì thế việc phủ nhận quan niệm coi tình dục như hành vi đánh mất chính mình, trước tiên mang tính thần học. Cái phải loại trừ là sự đảo lộn (perversion) mang tính thần học, tức là không nhìn nhận sự khác biệt của Thiên Chúa. Trong kinh nghiệm của dân Do thái, khi vào đất canaan, chứng kiến những tôn giáo địa phương không nhìn nhận sự khác biệt đó, nên họ càng nhận thức rõ hơn sự khác biệt giữa họ với các tôn giáo địa phương này (sau này với các tôn giáo Hy lạp nữa). Lịch sử dân Itraen nổi bật việc đào sâu ý nghĩa phái tính, trong đó phái tính trở thành nơi giúp hiểu được ý nghĩa thần học và thần học trở thành ý nghĩa sau cùng của tương quan giữa người nam và người nữ. Đối với dân Israel, phái tính sẽ trở thành lệch lạc khi được thần thánh hóa và xóa bỏ sự khác biệt. Phái tính lệch lạc như thế là dấu chỉ rõ ràng cho thấy một sự từ bỏ Thiên Chúa của Lời và của lời hứa. Phái tính trở thành ngẫu thần, tức là con người tôn thờ chính mình.
Chống lại ảo tưởng về cái tôi, cần phải đấu tranh cho sự chấp nhận tha thể, đó là điều mà Kinh Thánh gọi là tình yêu. Tình yêu không phải là một tình cảm, một sức hấp dẫn khiến người ta lao đến người khác để lấp đầy những trống vắng, hay nỗi cô đơn của mình, nhưng trước tiên và căn bản nhất, đó là lời của một người khác đến phá tan vòng tròn khép kín của cái tôi, của cái tự mãn, cho mình là đầy đủ. Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, trước tiên là một tiếng gọi không ngờ đến làm đảo lộn thế giới khép kín của tôi, phá tan cái yên ổn (giả tạo) của tôi, đánh thức tôi ra khỏi giấc mộng ảo (giấc mộng chết ?). Tình yêu như thế luôn liên đới với niềm hy vọng, vì nó là lời khẳng định về một cuộc sống, một lịch sử phải được thực hiện. Tình yêu là sáng tạo.
Chính tình yêu này đem lại cho phái tính con người một ý nghĩa. Người nam và người nữ trở thành cho nhau dấu chỉ và yếu tố mang lại Lời, lời đến như một tiếng kêu không ngờ của Người khác, phá bỏ uy lực của cái chết ngay trong phút giây mà nó chống lại với lời thú nhận tính hữu hạn của mình. Người nam và người nữ, trong cái hành vi thân mật nhất có thể được,nhìn nhận mình là người mang lại yếu tố duy nhất mang lại sự sống vì thoát khỏi cái sức thu hút của dục vọng và của sợ hãi. Sự khác biệt của người khác được thiết lập trong sự khác biệt trên hết của lời. Vì thế người nam và người nữ có thể sống chung với nhau, trở thành một xương một thịt, mà không nuốt trửng nhau, không phá hủy nhau, không giản lược nhau, sử dụng nhau theo ý muốn của mình. Thay cho cuộc chiến tranh của tình dục, vì đó là cuộc chiến thắng của sự sợ hãi, chúng ta có sự nhìn nhận nhau.
Hơn ai hết, tác giả vô danh của truyền thống cổ xưa Giavit đã nói tới nguy cơ đó của tính dục trong sáng thế 2-3. Câu hỏi ông đặt ra là thực tế cuộc sống con người mang dấu vết của sự bấp bênh, bạo lực, đau khổ và cái chết, dường như đang phủ nhận ý định tốt lành của Thiên Chúa, đấng sáng tạo. Nhất là câu hỏi tại sao tiếng kêu kinh ngạc của Adam khi nhìn thấy Eva (st 2,23) luôn dường như bị nhận chìm trong hận thù vào bạo lực; và, một cách bi thảm, những bạo lực đó lại liên kết người nam với người nữ ? Tại sao những người lúc đầu được mời gọi trở nên một xương một thịt lại trở nên ông chủ và nô lệ ? Tóm lại, tại sao phái tính lại trở thành sân khấu của bi kịch cuộc sống con người, trong khi nó đã từng được mời gọi diễn tả vẻ đẹp của con người ?
Đoạn St 2-3 đã cố gắng tìm câu trả lời. Chúng ta đọc lại những đoạn này, vì một phần có liên hệ tới đề tài, đàng khác những đoạn này đã từng đóng một vai trò lớn trong cách giải thích Kinh Thánh của thánh Augustin.
Đâu là ý nghĩa của trình thuật mà truyền thống gọi là sự “sa ngã” ? Dường như đây là một lời giải thích cho sự hiện hữu của cái xấu (Xc. 3,14-19) trong thế giới được Thiên Chúa dựng nên một cách tốt lành : con người không vâng lệnh Thiên Chúa (2,16; 3,11), Thiên Chúa phạt con người và tước mất hạnh phúc nguyên thủy. Đó là cách giải thích dựa vào vẻ bên ngoài của bản văn. Trong trình thuật, việc trình bày theo thứ tự thời gian (trước và sau sự sa ngã), trên thực tế đó là cách diễn tả huyền thọai về sự hiện diện hai yếu tố nối kết nhau trong con người : một là Thiên Chúa mời gọi con người phải nhìn nhận chính mình được Lời ngài sáng tạo, đó cũng là giới hạn của họ (2,16). Hai là con người không ngừng chống lại sự nhìn nhận này. Cần lưu ý tới cái tương quan giữa hai giai đoạn này. Tuơng quan này không như sự kế tiếp về thời gian, hai giai đoạn trong cuộc đời của con người đầu tiên, nhưng là điểm chính yếu mà theo tác giả làm nên thảm kịch của mọi cuộc đời, hôm qua cũng như hôm nay.
Vì thế, bản lề của hai giai đoạn (st 3,1-5) cũng rất quan trọng, bởi vì nó cho thấy, qua khuôn mặt bí ẩn của con rắn, làm thế nào con người đã đánh mất đi sự thật của mình và trở thành hư hỏng. Hình ảnh con rắn (tại sao con rắn, xc. Chú thích w trong TOB cựu ước p. 48) là cụ thể hóa cách khách quan cuộc đấu tranh nội tâm, nó diễn tả kinh nghiệm của cái dường như bên ngoài của cám dỗ. Với kiểu nói tinh tế, tác giả cho thấy làm thế nào lệnh cấm của Thiên Chúa (2,16-17 : Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn ; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết), vốn có thể giúp cho con người hiện hữu như con người, nghĩa là trong tương quan khác biệt với Thiên Chúa, trong một thế giới được đón nhận như ơn huệ…, làm thế nào một điều như thế lại bị con rắn biến thành lệnh cấm giới hạn tự do của con người. (3,1) “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà : "Có thật Thiên Chúa bảo : 'Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không ? » Điều này được củng cố trong câu 5 : « Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác ». Con rắn gieo vào lòng con người mối nghi ngờ về Thiên Chúa. Và điều gì sẽ xảy ra nếu lệnh giới hạn chỉ có nghĩa là dấu chỉ của sự sợ hãi và ghen tuông của Thiên Chúa bắt con người trở thành nô lệ cho ngài ! chắc chắn là sự thù hận của con người, từ chối nhân tính của mình để tìm cách trở nên bằng Thiên Chúa (3,5), chiếm được quyền bính vô biên.
Trong đoạn đối thoại giữa con rắn và người phụ nữ, điểm chính yếu là hình ảnh con người đặt ra cho Thiên Chúa và chính hình ảnh này đã xác định hình ảnh con người đặt ra cho chính mình. Nếu Thiên Chúa là đấng ngăn cản con người đạt tới tự do, người cha gian ác giữ đứa con mình lại trong sự lệ thuộc, thì con người phải phá bỏ lệnh cấm đó và giết chết Thiên Chúa để trở thành người.
Nhưng ai nói như thế về Thiên Chúa, nếu không phải là con rắn, tức là tiếng nói của giấc mơ về sự không giới hạn, quyền năng vô biên, sung sướng vô biên. Đó là điều mà bản văn diễn tả một cách biểu tượng : thế giới không được đón nhận như một ơn ban, nhưng là một đối tượng để thèm muốn (3,6 : Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình ; ông cũng ăn.). Những gì trước đây đã làm cho thế giới thành ân ban (cây/điều cấm), bây giờ trở thành cái kích thích sự thèm muốn.
Trên bình diện tính dục, hậu quả là trực tiếp : người khác trong sự khác biệt của họ đã trở thành đối tượng của lòng thèm muốn, hoặc họ là chủ thể có thể biến tôi thành đồ vật bằng sự thèm muốn của họ. Nỗi sợ hãi đã đến chia rẽ hai người, sự trần truồng được cảm nhận như một xấu hổ (3,7 ; 2,25). Cái khác biệt vốn nằm trong cơ cấu của mối tương quan hiệp nhất được hứa trong 2,18-23 (dựng nên người nữ… và sự phối hợp nam nữ) và đã từng đem lại niềm vui của gặp gỡ, giờ đây trở thành ý thức về sự yếu đuối và mối đe dọa. Sự khác biệt đã thay đổi ý nghĩa, từ ý nghĩa tích cực trở thành tiêu cực. Từ nay phải làm mọi sự để giảm thiểu sự khác biệt đó. Như vậy, bên cạnh hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa (một Thiên Chúa ghen tương), có hình ảnh sai lạc về người khác phái, được coi như một mối đe dọa. Từ nỗi sợ hãi Thiên Chúa, tưởng tượng như một người cha độc ác, đến nỗi sợ hãi người khác và về chính mình. Phải lấy lá nho che đậy cái dấu hiệu của sự khác biệt phái tính, (vì sợ cái « của nợ » ấy hấp dẫn người khác phái ? Chuyện kể rằng một cô gái sống trong rừng Châu phi nơi người ta còn trần truồng, đến khi vị truyền giáo tặng cô một tấm vải nhỏ để che chỗ phải che, cô lấy thế làm xấu hổ vô cùng, vì cho rằng như thế là mình tăng thêm vẻ lôi cuốn của cái bộ phận sinh dục ! làm người khác chú ý đến nó). Từ nay cái bộ phận sinh dục của người khác phái trở thành trái cấm, và như thế mãi mãi lập lại cũng một trò chơi của thèm muốn và sợ hãi. Như thế bộ phận sinh dục đã được thần thánh hóa một cách tinh tế, nó đóng vai trò của cái giới hạn nền móng (limite fondatrice), trong khi trước đó nó chỉ có mục đích đưa tới giới hạn này.
Đoạn trình thuật tiếp theo cho thấy những hệ lụy của sự sai lạc trong mối tương quan. Vì con người vẽ ra một Thiên Chúa đầy tiêu cực, nên họ đã phải sợ hãi vị Chúa đó (3,8). Một thời đại mới đã bắt đầu, bị ngự trị bởi nỗi sợ hãi Thiên Chúa và sợ hãi người khác. « Đã bắt đầu », trong ngôn ngữ huyền thoại điều đó có nghĩa là một cái gì ‘luôn luôn được lập lại’, vì con người mang trong mình một sự hàm hồ là mọi giây phút họ bị ám ảnh bởi câu hỏi : tôi còn có thể yêu hay phải sợ hãi ? »
Ý thức tội lỗi được nói tới trong các câu 12-13, cũng được nối kết với hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa : tội phạm đúng nghĩa, đó là Thiên Chúa. Con người dường như muốn kết án như thế : « người đàn bà mà ngài đã cho ở với con».
Đối với hình phạt dành cho tội bất trung cũng vậy (3,16-19). Cần ghi nhận rằng bao nhiêu thảm kịch trong nhiều lãnh vực của cuộc sống con người không được giải thích như là định mệnh trớ trêu và không thể thay đổi, ngược lại được coi như hậu quả của tội lỗi. Bất hạnh không phải là điều cốt yếu nhưng là cái tùy phụ. Trong tư tưởng của soạn giả Giavit, điều tiên quyết và là đối tượng của lời hứa truờng tồn dành cho con người, chính là ý định tốt lành của Thiên Chúa sáng tạo, như được trình bày trong chương 2. Cái giới hạn xấu xa trong đó con người đang bị cầm giữ, luôn luôn có thể được đảo ngược thành một sự nhìn nhận chính đáng cái giới hạn. Nếu có một thảm kịch trong cuộc sống con người, chính là bản án con người kiện Thiên Chúa, bản án này không bao giờ khép lại và không lúc nào cũng không có kết quả. Mỗi lần con người tưởng tượng Thiên Chúa như một người Cha bạo chúa, thì họ sẽ gặp thấy ngài như thế. Nhưng cho dù thảm kịch này không ngừng tái diễn, cũng không ngăn được tác giả hy vọng rằng kết cục sẽ không phải mãi như thế : Thực vậy, Thiên Chúa đã kêu gọi Abraham (St 12,1-3), đây đích thực là một cuộc sáng tạo mới, trong giao ước mới mà Thiên Chúa ký kết với tổ phụ của dân này. Như vậy, chính niềm tin vào Thiên Chúa (Abraham đã hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, và ông được kể là người công chính, St 15,6), có khả năng tái tạo hình ảnh Thiên Chúa nơi con người.
Nhưng niềm hy vọng này không xóa tan hết những khó khăn trong việc nhận định về thân phận con người. Nhất là đối với phụ nữ, mà tác giả đã chứng kiến trong xã hội Israel của thế kỷ X (tr.CN). Người đàn bà bị giản lược chỉ còn hiện hữu vì con cái, phải chịu đau khổ khi sinh con, bị thu hút và thống trị bởi chồng bà (3,16). Ghi nhận này thật quan trọng, vì truyền thống Kinh Thánh thấy rõ trong thực tế, phái tính được sống như tương quan chủ/tớ (Xc chẳng hạn Sm 13,1-15), bế tắc thê thảm trong đó người phụ nữ luôn là nạn nhân. Người đàn bà đụng chạm với bạo lực của đàn ông, và đàn ông đấu tranh với bạo lực của đất đai (3,17-19). Như thế người nam và người nữ tách rời nhau, họ tách rời nhau đến tận số phận thường nhật của mỗi người. Phụ nữ là mẹ và là đầy tớ của đàn ông, đàn ông là người sản xuất bất hạnh bị phó cho lao động cực nhọc, là nô lệ của đất đai. Như vậy, qua hai đoạn đầu của sách Sáng thế, mà đức Kitô đã trưng dẫn, phái tính được trình bày như sau :
- đó là nơi đem lại kinh nghiệm hạnh phúc của sự bổ túc giữa người nam và người nữ, « người đàn ông ở một mình không tốt ». Cái « tốt » của việc kết hợp nam nữ phải đưa về cái tốt của công trình sáng tạo, vì phái tính là dấu chỉ của sự khác biệt, của tha thể, qua đó Thiên Chúa mặc khải sự khác biệt của ngài. Chính vì thế, trong St 2,23, việc người đàn ông « ngỏ lời », chứ không phải gọi tên như đối với các vật khác (2,20), được diễn tả như kết quả của sự gặp gỡ với người nữ. Vai trò tích cực của ước muốn dục vọng, khi nó là sự nhìn nhận người khác, là kinh nghiệm về cái giới hạn, bởi vì không có người khác tôi không thể hiện hữu. (biểu tượng là cây trái cấm, cây này được trồng ngay giữa vườn Địa đàng, giữa khoảng cách dành cho sự gặp gỡ của người nam và người nữ)
- nơi kinh nghiệm đau thương về bạo lực và ước ao dục vọng, đến nỗi bị nô lệ bởi người khác phái. Phái tính là nơi tốt nhất để kinh nghiệm về sự sợ hãi và xấu hổ, trong đó ý thức về sứ khác biệt được diễn tả bằng tính hung hăng tấn công. Nhất là người phụ nữ, họ bị đe dọa chỉ có thể sống đời sống phái tính qua việc phục vụ cho đàn ông. Điều mà bản văn điều chỉnh đôi chút khi nhắc lại rằng thảm cảnh của người phụ nữ dù sao cũng đưa tới vai trò làm mẹ (Eva, người phụ nữ, là mẹ chúng sinh ; St 3,20), qua đó người nữ liên đới với việc sáng tạo của chính Thiên Chúa. Eva nói : « Nhờ ĐỨC CHÚA, tôi đã được một người » (4,1). Nhưng nói như thế vẫn mơ hồ, vì đã giản lược người phụ nữ vào vai trò làm mẹ. Là một người mẹ, dường như bà chỉ có thể sống cái thất bại của dục vọng mình, không ngừng bị người đàn ông khinh miệt : « Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi » (3,16).
Bản văn Kinh Thánh trên rất quan trọng về phương diện thần học, vì đã đặt con người giữa một bên là lời hứa (lời hứa từ nguyên thủy và vẫn còn ở chân trời tương lai) và bên kia là nhìn nhận một cách thực tế tính bi kịch của đời người. Nhất là đã nối kết tất cả cuộc đời con người, phái tính của họ, vào thái độ đứng trước Thiên Chúa, vào hình ảnh con người đặt ra về Thiên Chúa. St 2 và 3 trình bày phái tính bằng những kiểu nói rất nặng tính thần học, khi cho thấy rằng điều quan trọng trong đời sống con người, điều mà phái tính cho thấy không thiếu tính hàm hồ, phải được nhìn dưới góc độ thần học : đâu là hình ảnh Thiên Chúa mà bạn có?
Phái tính cho chúng ta cảm nghiệm được ngay trong thân xác mình điều gì xảy ra khi chúng ta từ chối tha nhân với sự khác biệt của họ (dấu hiệu từ chối Thiên Chúa). Phái tính diễn tả một cách đôi khi mãnh liệt điều cốt lõi trong thần học về cuộc đời. Đó là lý do tại sao người ta thường hay nối kết phái tính với tội lỗi, nhất là trong trường phái thánh Augustin. Tiếc thay, như thế người ta đã lẫn lộn điều phái tính diễn tả với chính cái được diễn tả. Trong truyền thống Kinh Thánh, phái tính không phải là tội lỗi, nó cho thấy, qua chính bi kịch của nó, nguy cơ của cuộc đời con người; Tội lỗi, chính là tôn thờ ngẫu thần, sùng bái một hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa. Vì thế, tất cả lịch sử Israel được đánh dấu bằng cuộc chiến chống lại việc tôn thờ ngẫu thần, vốn được thể hiện – phải chăng là do tình cờ ? - qua các thực hành phái tính giản lược tha thể của người khác, của Thiên Chúa cũng như của con người.
Vấn nạn.
Nếu đặc tính của hành vi phái tính là như thế, thì phải chăng bất cứ hành vi phái tính nào được thực hiện trong ý hướng như thế đều chính đáng ?
Trả lời. Đúng và không đúng.
Đúng vì một hành vi phái tính với những đặc tính như thế chỉ có thể có được trọn vẹn trong đời sống hôn nhân.
Không đúng, vì những đặc tính như trên là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ của hành vi này. Cũng như trường hợp một linh mục cử hành các bí tích, phải hiểu các giá trị của điều mình làm và thực hiện trong ý hướng đó, nhưng không phải ai có ý hướng như thế là có quyền cử hành bí tích.