Friday, 17 January 2020 06:40

Người Đồng Tính Và Niềm Hy Vọng Featured

Lời ngỏ: Đây là một tài liệu ngắn gọn dưới hình thức “hỏi thưa” do Hiệp Hội các y sĩ Công giáo Hoa Kỳ (Catholic Medical Association) xuất bản năm 1999 dưới tựa đề Homosexuality & Hope: Questions and Answers About Same-Sex Attraction. Sau nhiều lần tái bản và bổ sung (2003, 2008, 2010), bản văn này được Liên Hiệp quốc tế các y sĩ Công giáo thế giới (International Federation of Catholic Medical Associations) chấp nhận làm quan điểm chính thức (ngày 17 tháng 4 năm 2012). Tuy ngắn, nhưng tài liệu cũng trích dẫn khá nhiều thư tịch ở cuối để dẫn chứng. Vài từ ngữ viết tắt: SSA (same sex attraction: đồng tính luyến ái; gay: đồng tính nam; lesbian: đồng tính nữ); GID (gender identity disorder: Rối loạn về căn tính của giới). Tại địa chỉ củaCMA, độc giả cũng có thể tham khảo một tài liệu dồi dào dữ kiện hơn. 

 
Catholic Medical Association

NHỮNG CÂU “HỎI THƯA” ĐỂ HIỂU ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI

Trong khoảng bốn mươi năm gần đây, ít có vấn đề luân lý nào phức tạp như là sự hiểu biết và điều trị những người cảm thấy hấp dẫn đối với người đồng phái (SSA). Các y sĩ và các hiệp hội chuyên môn đã thay đổi đường hướng cách đáng kể, nhiều khi do áp lực văn hoá chứ không phải do những dữ kiện mới của khoa học. Dư luận bị chi phối bởi nhiều sự kiện, và đã từ bỏ những thái độ truyền thống. Các hiệp hội tranh đấu của những nhóm đồng tính đã đòi hỏi và đã được pháp luật nhìn nhận những quyền lợi của họ cũng như đạt được sự chấp nhận của xã hội, vượt quá xa những gì mà họ đã đạt được trong những xã hội cận đại. 
 
Trải qua những thay đổi đáng kể ấy, sứ mạng của Giáo hội vẫn không thay đổi, đó là làm chứng tá cho chân lý và đem mọi người đến gặp gỡ Thiên Chúa Ba Ngôi. Không có gì trái nghịch giữa giáo huấn của Hội thánh về hôn nhân, gia đình, đồng tính, với các nghiên cứu khoa học nghiêm túc về những đề tài này bởi vì dù là đức tin hay lý trí đều nêu bật chân lý về nhân vị. Nhờ thế Hội thánh tiếp tục bênh vực quan điểm luân lý nhất quán về những hành vi đồng tính và đồng thời phát triển một đường hướng tiếp cận dành cho những người cảm nghiệm SSA.
 
Hiệp hội Y sĩ Công giáo có mục tiêu là áp dụng những nguyên tắc của đức tin và luân lý vào khoa học và thực hành y khoa bằng cách thông truyền đức tin này cho các ngành y khoa và hơn nữa cho xã hội. Mục đích của tài liệu này là hỗ trợ những người cảm nghiệm SSA và gia đình của họ, cũng như những nhà giáo dục, những nhà chính trị, nhân viên của ngành tư pháp và cho xã hội, bằng cách cung cấp những giải đáp cho các câu hỏi thường đặt ra, dựa trên những bằng chứng khoa học mới mẻ và sự khôn ngoan ngàn đời của Hội thánh Công giáo. Sứ điệp vui mừng là có thể phòng ngừa SSA, có thể chữa trị nó vừa nhờ ơn thánh Chúa giúp đỡ vừa nhờ tư vấn thích hợp, cũng như có thể sống đức khiết tịnh phù hợp với bậc sống của mình.

Có phải SSA đã được chỉ định bởi gen trước khi sinh không?

Không. Sở dĩ nhiều người nghĩ như vậy bởi vì những người có SSA thường kể rằng họ đã khám phá ra nó chứ không do mình chọn lựa. Các phương tiện truyền thông tiếp tục tuyên truyền rằng khoa học đã khám phá một “gene gay” (gen của đồng tính). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không tìm ra một nguyên nhân sinh lý của SSA (1-5), và ngay cả những người tranh đấu cho phong trào gay cũng không ủng hộ thuyết về “gene gay”. Giả như SSA đã được chỉ định trước khi sinh ra, thì trên lý thuyết, tất cả những anh em song sinh đều có cùng một mẫu luyến ái. Tuy như một cuộc nghiên cứu của Australian Twin Registry nơi những người nam đã cho thấy rằng chỉ có 11% các cặp song sinh đồng hợp tử với SSA có một anh em cũng cảm thấy SSA. Ngoài ra cũng cần ghi nhận một số khá nhiều các công trình nghiên cứu đã nêu bật rằng các khuôn mẫu SSA không bền bỉ theo dòng thời gian. Một vài người đã tự ý không coi mình là đồng tính nữa khi họ trưởng thành hoặc nhờ một sự giúp đỡ từ bên ngoài. 
 
Nếu SSA không bị chỉ định bởi một gen, thì nó có nguyên nhân bởi đâu? 
 
Có rất nhiều con đường dẫn đến SSA. SSA và các cách ứng xử liên quan xem ra là hậu quả của một sự kết tinh của nhiều nhân tố của sự phát triển, cảm xúc, tâm lý, xã hội. Mỗi người có SSA có một lịch sử hoàn toàn độc đáo, tuy vậy cũng có vài yếu tố chung:
 
1. Thiếu một mối dây liên kết an toàn giữa cha mẹ - con cái trong thời kỳ ấu nhi.
 
2. Rối loạn về căn tính của giới (GID = gender identity disorder) vào lúc thiếu thời cùng với sự thiếu khuyến khích về phía cha mẹ để cho thiếu nhi đồng hoá mình với những nét của nam tính hoặc nữ tính, và kết thân với những người cùng phái tính. (17)
 
3. Sự phân ly vật lý của một hay của cả hai cha mẹ vào lúc thiếu thời. (17)
 
4. Nơi nam giới, một tương quan thiếu sót giữa cha/con trai, vì nhìn thấy người cha quá xa cách, chỉ trích, ích kỷ, nóng tính hay trước đây nghiện rượu: hoặc nhìn thấy người mẹ như là lộng hành (10,16), lệ thuộc quá đáng, nóng tính và gay gắt. (7,8,12)
 
5. Nơi nữ giới, một người mẹ trầm cảm hoặc bị rối loạn tâm lý trong những tháng đầu tiên của cuộc đời hoặc xa cách về tình cảm, chỉ trích hoặc lộng quyền; không được những bạn đồng tuổi đón nhận; một người cha bỏ rơi gia đình hoặc được nhìn như là nóng tính, chỉ trích, xa cách, ích kỷ hoặc vốn là một người nghiện rượu. 
 
6. Thiếu đồng hoá và thiết lập tình bạn với những người cùng phái tính; cô đơn sâu đậm. (13,14)
 
7. Nơi nam giới, không được các bạn đồng tuổi đón nhận, hình ảnh tầm thường về thân thể của mình và căn tính nam tính yếu ớt bắt nguồn do thiếu khả năng thực hành các môn thể thao phổ biến (tựa như túc cầu, do kém phối trí vận động tay/mắt). (6,7)
 
8. Một tiểu sử bị lạm dụng lúc thiếu thời, cách riêng là lạm dụng tính dục hoặc hiếp dâm. (17,18)
 
9. Mặc cảm tự ti (cảm thấy mình kém nam tính hay nữ tính) hoặc không được thuộc về một giới, dẫn đến thái độ than thân trách phận và bi đát hoá. (7)
 
10. Một quá khứ cá nhân đã bị chế giễu hoặc kỳ thị bởi những trẻ em khác hay người lớn, do tính tình, tài năng và hình dáng. Cách thức mà em bé phản ứng lại cách thức được đối xử có thể góp phần vào việc phát triển SSA. (7)
 
11. Quá chú ý đến mình (narcisism) hoặc ích kỷ sâu đậm. (15)
 
Có những dấu hiệu báo động cho thấy một em bé đang phát triển SSA không?
 
Nếu một em bé có những triệu chứng của GID (rối loạn căn tính về giới) tựa như: đồng hoá mình với giới bên kia, kém khả năng tương giao với những bạn đồng tuổi thuộc cùng phái tính, thiếu những trò chơi đấu (đối với bé trai), ưa cải trang (mặc y phục khác giới), khó chịu với phái của mình, sợ xã hội, thì thật là có nguy cơ. Nếu GID không được chữa trị, thì có đến 75% các em bé có thể phát triển SSA. (17)
 
Dante và Virgil trong hoả ngục -1850 
(Hoạ sĩ Pháp William-Adolphe Bouguereau)
Có thể phòng ngừa SSA không?
 
Có thể chứ. Sớm nhận ra các em bé có nguy cơ, kèm theo tâm lý trị liệu và sự hỗ trợ của cha mẹ: đó là những nhân tố quyết định để phòng ngừa và chữa trị sự đau khổ tình cảm của các em bé và thiếu nhi này (19,20). 
 
Tại sao giúp đỡ những người cảm thấy SSA là một điều quan trọng?
 
Ngoài đau khổ tình cảm và bị xã hội hất hủi mà các người cảm thấy SSA phải chịu, những nghiên cứu khoa học mới đây còn cho thấy nhiều triệu chứng tâm bệnh đang lan rộng nơi những thiếu niên và thanh niên mang SSA, trong đó có thể kể: trầm cảm nặng (14,21,22), xao xuyến (14,20,21), lạm dụng ma túy (14,21,22,24), rối loạn trong cung cách (14), nghĩ tưởng hoặc âm mưu tự tử (14,22,23). Mặc dù người ta tố cáo rằng căn do của những vấn đề này là thái độ của xã hội đối với những người có SSA, nhưng các cuộc nghiên cứu tại những quốc gia có tỉ lệ cao những người SSA hoặc đã được xã hội chấp nhận (Hà Lan, Tân Tây Lan) cũng cho thấy những chỉ số tương tự. Nhiều cuộc nghiên cứu xem ra đưa đến kết luận là những người SSA đã bị lạm dụng tính dục khi còn nhỏ và đã chịu đựng những hành vi bạo lực trong gia đình hoặc hiếp dâm (27). Trong một cuộc điều tra, 39% những người nam bên Hoa Kỳ đã thuật lại rằng họ đã bị lạm dụng do người cùng phái. Những người có SSA có nguy cơ chuốc lấy những bệnh được truyền qua tình dục bởi vì có lẽ họ thực hành tính dục với nhiều đối tượng khác nhau. Ngoài ra những người có SSA ít có hy vọng sống thọ (28,29). 
 
Nếu một thiếu niên hoặc thanh niên cảm thấy có SSA thì có thể làm gì được?
 
Người ấy có thể nhờ các chuyên gia về sức khỏe tâm thần có kinh nghiệm chữa SSA. Nên nhớ rằng những người có SSA có thể mắc những rối loại tâm lý khác nữa hoặc những dạng nghiện ngập khiến cho tiến trình hồi phục trở thành phức tạp hơn. Vì thế thường cần tới một cuộc chữa trị toàn diện. Các chương trình chữa trị thường có một nhân tố tâm linh, tương tự như sự chữa trị nghiện ngập. Đối với người Công giáo, đặc biệt hữu ích phát triển một tương quan với Đức Giêsu như người bạn tốt, với Thiên Chúa Cha như là người cha riêng, thân sinh đáng mến, và lòng sùng kính Đức Mẹ và thánh Giuse. 
 
Mục tiêu của việc chữa trị là gì?
 
Sự chữa trị có thể giúp thân chủ nhận ra các nguyên nhân của SSA, thường hàm ngụ sự đánh giá thấp kém về bản thân, xao xuyến, bực bội, buồn phiền cô đơn, và giúp họ vượt qua sự đau khổ tình cảm. Lúc ấy, việc chữa trị có thể giúp cho đương sự nỗ lực để đạt tới đức khiết tịnh trong bậc sống của mình. Vài người ước muốn lập gia đình và có con cái; những người khác khám phá là mình được gọi đời sống độc thân. 
 
Việc chữa trị có hiệu quả tới đâu?
 
Tuy không có những bảo đảm, nhưng chúng tôi có những báo cáo về những việc chữa trị SSA hữu hiệu. Thành công của nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tính chuyên môn của người chữa trị sức khỏe tâm thần, tương quan giữa người chữa trị và thân chủ, thời gian chữa trị, sự hiện hữu của những vấn đề tâm lý khác, sự lạm dụng ma túy, sự lệ thuộc tình dục. Khó nói trước kết quả của việc chữa trị. Một cuộc nghiên cứu gần đây trên 200 người nam nữ đã nhờ đến chuyên viên để giải quyết SSA thì ghi nhận 64% người nam và 43% người nữ sau khi được chữa trị đã đồng hoá mình như là “dị tính” (heterosexual) (5,10,30). Xem ra việc chữa trị không đạt được mục tiêu mong muốn, tuy nhiên, trái với khẳng định của những người chống đối, các cuộc nghiên cứu không chứng mình rằng sự trị liệu tăng thêm sự bất an tâm lý. (31)
 
Còn có cách nào khác để giúp đỡ những người có SSA? 
 
Lẽ ra mỗi người Công giáo cảm thấy SSA phải có thể tìm đến những chuyên viên sức khỏe tâm thần, những nhóm nâng đỡ, các linh mục và linh hướng hoàn toàn chấp nhận giáo huấn của Giáo hội về đồng tính và mọi khía cạnh luân lý tính dục. Những nhóm nâng đỡ trung thành với Huấn quyền của Giáo hội là Courage đối với những người cảm thấy SSA và Encourage đối với gia đình của họ[1]. Cần biết phân định các nhóm nâng đỡ các người SSA bởi vì phần lớn chống đối huấn quyền của Giáo hội về luân lý tính dục. 
 

Đối với người cảm thấy SSA, các bí tích có quan trọng không?

Có. Nhiều người có SSA kể rằng việc năng lãnh Thánh Thể và việc thờ lạy Thánh Thể thật là hữu ích trong việc chiến đấu chống lại cảnh cô đơn và buồn phiền, sự thiếu tin tưởng vào bản thân, sự bực tức nóng giận, nỗi xao xuyến và những hoàn cảnh đau khổ tình cảm khác. Ơn thánh của bí tích hoà giải có thể giúp sức mạnh chống đỡ các cơn cám dỗ và những cách cư xử liên hệ tới SSA. Hai bí tích này thật là cơ bản đối với việc chữa trị của người Công giáo có SSA.
 
Cộng đồng tín hữu có vai trò gì?
 
Tình bác ái và lời cầu nguyện cho những người có GID và SSA và cho gia đình của họ phải là đặc trưng của đời sống của một cộng đồng Công giáo. Các cha mẹ, linh mục và giáo viên có trách nhiệm cơ bản là truyền thông giáo huấn Hội thánh về tính dục, phản kháng thông tin không đúng về SSA và khuyến kích những người có SSA hãy tìm sự giúp đỡ. Những chuyên viên Công giáo trong ngành sức khỏe tâm thần, các nhà giáo dục, các linh mục và tu sĩ cần nhận biết rằng khoa y học ủng hộ giáo huấn của Hội thánh về đồng tính (5). Lòng trắc ẩn chân thật đối với người có SSA bao hàm việc nói cho họ biết sự thật khoa học về việc chữa trị. Các bác sĩ khoa nhi cần cung cấp thông tin và những hướng dẫn sơ khởi để chữa trị GID.
 
Những sự kết hợp giữa những người đồng phái có nên được thừa nhận và coi như “hôn nhân” không? 
 
Cuộc nghiên cứu về những sự kết hợp giữa những người đồng phái chứng minh rằng sự kết hợp này khác biệt đáng kể bởi vì trong phần lớn những cuộc kết hợp này không có hoặc không muốn có tính độc hữu và bền bỉ. Những sự kết hợp giữa những người đồng phái mang tỉ lệ cao hơn về sự lạm dụng nội thất, trầm cảm, lạm dụng ma túy và các bệnh sinh dục. Các y sĩ cần cảnh báo các thân chủ của mình về những nguy hiểm của các cuộc kết hợp giữa những người đồng phái, và bày tỏ lập trường chống lại việc ký thác hay gửi các em bé làm con nuôi cho những sự kết hợp bất ổn như vậy. Một khối lượng to lớn những nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng khung cảnh lành mạnh cho sự phát triển của một em bé là một gia đình có một người mẹ và một người cha kết hôn với nhau. 
 
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy gì về đức khiết tịnh và sự đồng tính?
 
Hiệp hội Y sĩ Công giáo ủng hộ Huấn quyền như đã được trình bày trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo: 
 
1. “Một số không nhỏ những người nam và người nữ có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Khuynh hướng này, là một sự xáo trộn khi xét cách khách quan, trở thành một sự thử thách đối với nhiều người như vậy. Vì thế họ cần được đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị”. (số 2358)
 
2. “Mọi người đã được rửa tội đều được kêu gọi sống đức khiết tịnh.” (số 2348) “Những người đã được liên kết bằng hôn nhân được kêu gọi sống đức khiết tịnh phu phụ; còn những người khác thì vun trồng đức khiết tịnh trong sự tiết dục”. (CCC, 2349) “… Truyền thống Hội thánh luôn tuyên bố rằng ‘các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là xáo trộn’. Chúng nghịch với luật tự nhiên. Chúng khép kín hành vi tính dục khỏi việc ban tặng sự sống. Chúng không phát xuất từ tính bổ sung thật sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận trong bất cứ trường hợp nào.” (số 2357)
 
3. “Những người đồng tính luyến ái được kêu gọi sống đức khiết tịnh. Nhờ các nhân đức giúp tự chủ dạy cho biết sự tự do nội tâm, và có khi nhờ sự nâng đỡ của tình bằng hữu vô vị lợi, nhờ việc cầu nguyện và ân sủng bí tích, chính họ có thể và phải dần dần và cương quyết tiến đến sự trọn hảo Kitô giáo.” (số 2359)

------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thư tịch
 
Những trích dẫn đầy đủ và nguồn tư liệu dồi dào có thể đọc trong bản văn Homosexuality and Hope tại địa chỉ www.cathmed.org
1. Byne, W., et al. Archives of General Psychiatry. 50: 229 – 239, 1993
2. Crewdson, J. Chicago Tribune. June 25, 1995
3. Goldberg, S. National Review. February 3: 36 – 38, 1992
4. Horgan, J. Scientific American. November: 28, 1995
5. Thư tịch đầy đủ trong bản văn Homosexuality and Hope www.cathmed.org
6. Bailey, J. et al. Archives of Sexual Behavior. 22, 5: 461 – 469, 1993
7. Fitzgibbons, R. In Wolfe, C. Homosexuality and American Public Life, Spense. 85 – 97, 1999
8. Apperson, L. et al. Journal of Abnormal Psychology. 73, 3: 201 – 206, 1968
9. Bene, E. British Journal of Psychiatry. 111: 803 – 813, 1965
10. Bieber, I. et al. Homosexuality: A Psychoanalytic Study of Male Homosexuals. NY: Basic Books, 1962
11. Pillard, R. Psychiatric Annals. 18, 1: 52 – 56, 1988
12. Sipova, I. et al. Homosexuals and Social Roles, NY: Haworth. 75 – 85, 1983
13. Hockenberry, S. et al. Archives of Sexual Behavior. 16, 6: 475 – 492, 1987
14. Fergusson, D. et al. Archives of General Psychiatry. 56, 10: 876 -888, 1999
15. Fitzgibbons, R. in Truth About Homosexuality, Fr. Jhon Harvey, O.S.F.S., ed. Ignatius Press, 1996 (www.culture-of-life.org)
16. Snortum, J. et al. Psychological Reports. 24: 763 – 770, 1969
17. Zucker, K. Et al. Gender Identity Disorder and Psychosexual Problems in Children and Adolescents. NY: Guilford, 1995
18. Finkelhor, D. Child sexual abuse: New theory and research. NY: The Free Press, 1984
19. Fitzgibbons, R., et al. in Lay Witness. June 2001 (www.narth.com)
20. Rekers, G., ed. Handbook of Child and Adolescent Sexual Disorders. Lexington Books, 1997
21. Sandfort, T.G. Archives of General Psychiatry. 58, 1:85-91, 2001
22. Skegg, K., et al. American Journal of Psychiatry. 160, 3:541-546, 2003
23. Herrell, R., et al. Archives of General Psychiatry. 56, 10:867-874, 1999
24. Garofalo, R. et al. Pediatrics. 101, 5: 895 – 903, 1998
25. Sandfort, T.G. Archives of Sexual Behavior. 32, 1:15-22, 2003
26. Xiridou, M. AIDS. 17,7:1029-1038, 2003
27. Greenwood, G., et al. American Journal of Public Health. 92, 12:1964-9, 2002
28. Hogg, R., et al. International Journal of Epidemiology. 26, 3:657-61, 1997
29. Diggs, J. R. “Health Risks of Gay Sex” Corporate Research Council, 2002 (http://corporateresearchcouncil.or/white_papers.html)
30. Nicolosi, J., et al. NARTH 1998
31. Spitzer, R. L. Archives of Sexual Behavior. 32, 5:403-417, 2003
32. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo
-------------------------------
[1] Courage International: http//www.couragerc.org