Lm. Giuse Ngô Sĩ Đình, OP.
I. VÀI THAY ĐỔI TRONG QUAN NIỆM VỀ HÔN NHÂN
Không có một mẫu hình cố định cho tình yêu lứa đôi và hôn nhân. M. Ariès cho thấy rằng trước thế kỷ XVIII ở Âu Châu, tình yêu không phải là yếu tố cần thiết cho hôn nhân (so sánh với Việt Nam, điều này càng đúng cho đến giữa thế kỷ XX). Thời đó, tình yêu không đi trước hôn nhân, nhưng là một quá trình hình thành trong hôn nhân. Lý do người ta lấy nhau là để có con cái nối dòng và để có người bạn đời. Trong quan niệm như thế, tình cảm, ái tình thường phải che đậy...
a. Thử thách của thời gian
Từ thế kỷ XVIII, lại nổi bật ái tình, tình yêu lãng mạn. Trước đây, tình yêu được hình thành bởi thời gian, thì bây giờ thời gian là một thử thách đối với tình yêu. Hôn nhân đang đi tìm một dạng mới (một ngôn ngữ mới, nói theo E.Fuchs). trong số những lý do thay đổi hình thái, chúng ta cần nhắc đến yếu tố thời gian. Thời gian không được coi là việc lặp đi lặp lại cái đã chấp nhận; nhưng nó yếu tố đem lại những điều không ngờ trước, thậm chí những đổ vỡ. Điều này rất quan trọng vì càng ngày tuổi thọ trung bình càng gia tăng. Càng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng làm lễ kim khánh hôn phối (hâm hôn lần thứ mấy !) tức là vợ chồng sống với nhau tới… một nửa thế kỷ ! Càng sống với nhau lâu càng có nhiều vấn đề không ổn. Sau 25 năm sống với nhau dưới cái nhìn của con cái, 25 năm với những hương vị của cái thuở ban đầu đầy lãng mạn, vợ chồng phải tiếp tục ngồi “nhìn nhau” suốt 25 năm ! Con cái đã đủ lông đủ cánh bay xa, và cũng không muốn ở với cha mẹ già nữa... Điều này quả không dễ đối với hai ông bà già.
b. Vai trò trong gia đình
Vai trò và vị trí của người vợ trong gia đình cũng là yếu tố cần lưu ý trong việc thay đổi quan niệm về hôn nhân. Quyền bính, vai trò quyết định trong hôn nhân... đã thay đổi. Thêm vào đó, việc nhìn nhận giá trị của thân xác và quan niệm về lạc thú ái tình từ vài thập niên gần đây cũng thay đổi. Có nhiều lý do: kinh tế xã hội, ý thức hệ, đời sống tinh thần... Một yếu tố không kém phần quan trọng là con người dần dần kiểm soát được việc sinh sản. Từ nay người ta có thể tách rời ba yếu tố trong đời sống tình dục: khoái lạc, tương quan và sinh sản.
c. Ý nghĩa xã hội
Một xã hội được coi là lý tưởng khi có khả năng đem lại sự bình an mà mỗi cá nhân không tự tìm kiếm được. Như vậy, hôn nhân không phải là tổ hợp sản xuất nữa, mà là một xã hội có khả năng giúp mỗi người chống lại được những áp lực của xã hội bên ngoài, là tổ ấm trong đó mỗi người phát triển nhân cách đầy đủ. Nhưng từ khi xã hội đảm nhiệm nhiều hơn vai trò bảo vệ an ninh cho cá nhân, thì ý nghĩa của hôn nhân cũng giảm sút. Người ta có thể tìm được sự bảo đảm từ xã hội, thậm chí còn hơn cả xã hội nhỏ là hôn nhân gia đình.
Từ đó những hình thái hôn nhân mới xuất hiện. Không ít bạn trẻ sống với nhau trước khi kết hôn. Người ta sợ hãi khả năng lâu bền của hôn nhân. Định chế hôn nhân không còn tốt đẹp nhưng chỉ là lý do để hội nhập vào xã hội. Càng ngày càng có nhiều ly dị. (Số liệu ở VN: li dị, phá thai). Giới trẻ ngày nay không muốn chấp nhận một luân lý cổ điển, họ đòi quyền sáng chế ra mẫu hình hôn nhân của họ. Cho dù có thể có sai lầm, nhưng họ vẫn sẵn sàng chấp nhận sai lầm đó.
II. LUÂN LÝ PHÁI TÍNH TRONG KITÔ GIÁO
Phải chăng luân lý phái tính và hôn nhân của Kitô giáo chỉ còn là một mớ những luật lệ không thực tế, không hiệu quả, thậm chí đè bẹp con người ?! Phải chăng luân lý kitô giáo hoàn toàn có tính lý tưởng ? Bất di bất dịch ? nền luân lý này phải chăng đã thay đổi hay cần phải thay đổi vì những quan niệm vốn làm nền cho nó không còn đúng nữa ? Phải chăng Giáo hội luôn theo một triết lý lỗi thời ? Phải chăng Giáo hội không lưu ý tới các triết thuyết hiện sinh và lịch sử tính của mọi vật, theo đó “mọi vật đang thành hình” (tout est en devenir) ? hoặc những khám phá mới của khoa học nhân văn trên điều kiện xã hội (Macxit, dân tộc học) hay tâm lý (Freud và các môn đệ của ông...) hay cơ thể học (Reich, Lowen, tình dục học...)…
Điều tưởng khó nghe nhưng thực tế : Không ai sống không theo một luân lý, tức là có một hệ thống thang giá trị. Mỗi người, mỗi đoàn thể, dân tộc lại có những qui luật, giúp tổ chức và hoạt động một cách tốt đẹp nhất. Có khi rất chi tiết và rõ ràng. Chẳng hạn trường hợp luân lý Kitô giáo. Trong những xã hội cổ xưa, có rất ít qui luật luân lý nhưng không vì vậy mà không ảnh hưởng trên cuộc sống con người trong xã hội đó. Dường như một hệ thống qui chiếu càng ít nói lên, lại càng xúc tích, vì người ta không có khả năng nhìn lại để phân tích. Trong lãnh vực phái tính, ai trong chúng ta cũng có hình ảnh thế nào là một hôn nhân thành công, một tình dục thành công, một tình cảm thỏa mãn. Ai trong chúng ta cũng cảm thấy những đòi hỏi phải theo để thể hiện chính mình. Ai cũng cảm thấy không thể sống không có nguyên tắc. Phản đối nguyên tắc là đã thiết lập một nguyên tắc rồi vậy.
Luân lý là cần thiết, nhưng luân lý không có nghĩa là và không được quyền trở thành một nguyên tắc trên mây trên gío, cứng ngắc, dửng dưng hoặc cào bằng nghĩa là không phân biệt chủ thể hành động. Ngay trong luân lý đã có sự khác biệt. Nếu không lưu ý đến những khác biệt, không biết nối kết những chiều kích khác nhau của luân lý, người ta sẽ gặp bế tắc và sẽ có nguy cơ loại bỏ hết những gì thuộc hệ thống luân lý đó.
III. LUÂN LÝ KITÔ GIÁO TRƯỚC NHỮNG THAY ĐỔI
Theo X.Thévenot, luân lý có nhiệm vụ suy nghĩ về những điều kiện và những con đường giúp cho mỗi người, trong thực tế của mình, có thể cùng với người khác trở nên người một cách trọn vẹn hơn. Mục đích sau cùng mà luân lý nhắm tới là hạnh phúc của con người, là sự phát triển hài hòa nhất của con người trọn vẹn và của mọi người. Sống theo luân lý là, cuối cùng và theo nguyên tắc, tìm cách thể hiện hết sức có thể mọi chiều kích của một con người sống trong xã hội. Theo nghĩa này, thì luân lý Kitô giáo cũng như những luân lý không kitô, là nhắm đến hạnh phúc. Cái khác là luân lý kitô giáo nhìn nhận rằng để có hạnh phúc đích thực phải nhận biết Thiên Chúa của đức Kitô. Sự sống đời đời là nhận biết Thiên Chúa và đức Kitô của ngài. Như thế, hạnh phúc đích thực được thực hiện trong mối dây liên đới tình yêu giữa mình và Thiên Chúa, đấng Sáng Tạo và là đấng Cứu Độ. Từ nhận định đó chúng ta nói tới ba chiều kích của luân lý.
a. Chiều kích phổ quát
Theo chiều kích này, luân lý nhìn nhận những yếu tố chung và bất biến nơi mọi người, đồng thời rút ra những qui tắc tổng quát luôn có giá trị trên những hành vi cụ thể. Chẳng hạn qui tắc : Hãy tôn trọng người khác, hãy yêu mến tha nhân như chính mình.Trong đức Kitô không còn nam hay nữ...
Chúng ta có thể nói rằng nguyên tắc này có giá trị phổ quát cho mọi xã hội mọi nơi mọi thời. Cần lưu ý rằng những nguyên tắc đó không thay đổi. Vì thế trong luân lý Kitô giáo, giới luật yêu thương luôn đứng hàng đầu. Nhưng thực sự nội dung của những qui tắc này rất mơ hồ, hầu như trống rỗng. Giới luật yêu thương chẳng nói thêm gì vào cách tổ chức tình yêu trong xã hội và trong đời sống hôn nhân. Chẳng hạn, phải chăng yêu thương là không li dị, hay là cần li dị nếu hôn nhân không còn hạnh phúc ? Phải chăng phải từ chối “ăn cơm trước kẻng” ? không chấp nhận hôn nhân thử nghiệm ? Chiều kích phổ quát như thế là cần thiết nhưng chưa đủ. Cần thiết, vì nó giống như mọi thể chế lý tưởng (“utopie”) có sức làm chuyển động (mobilisatrice). Tôi được kêu gọi yêu thương, tôi phải không ngừng thanh tẩy cuộc đời của tôi khỏi những đòi hỏi quá đáng chỉ qui về cho mình. Tưởng tượng của tôi luôn được kích thích để khám phá ra những cách thức yêu thương theo ý tôi. Nhưng chưa đủ, vì chiều kích phổ quát này có thể nhốt kín con người trong một thái độ ngôn sứ sai lầm tưởng tượng rằng có thể thay đổi được sự vật bởi vì họ đã thay đổi ý tưởng hay hệ thống giá trị. Chỉ kêu gào bình đẳng con người thì chưa đủ để có được bình đẳng thực sự. Cũng vậy chỉ bảo vệ sự sống bằng lời nói suông thì không đủ. Vì thế cần một chiều kích thứ hai.
b. Chiều kích đặc thù
Theo chiều kích này, luân lý cố gắng tìm kiếm, nhưng không đưa ra những nguyên tắc phổ quát cho toàn thể nhân loại, mà chỉ có giá trị trong một xã hội nhất định, những nguyên tắc đó có thể thường xuyên như xây dựng hòa bình, tình yêu, sự phát triển... Nói cách khác, luân lý đặc thù tìm cách mặc da thịt cho những nguyên tắc luân lý phổ quát, bằng cách cụ thể hóa những nguyên tắc đó. Chẳng hạn nhà luân lý nói rằng bình thường, nên làm điều này tránh điều nọ thì tốt hơn nếu bạn muốn triển nở cuộc đời của bạn trong hôn nhân hay trong xã hội: không ly dị, trong hôn nhân hãy nói chuyện với nhau... có ba điều cần đặt ra:
- Chính con người làm ra những lề luật cụ thể này: những qui tắc cụ thể này không phải từ trời rơi xuống, ngay cả khi nó liên hệ đến trời. Nó được thành hình dần dần qua việc tiếp cận với những kinh nghiệm trong một bối cảnh văn hóa xã hội nhất định. Đây là kết quả quá trình qua lại giữa kinh nghiệm sống và những nguyên tắc phổ quát trên kia. Vì thế những lề luật luân lý kể cả những luật lệ của Giáo hội, thường thường là những đúc kết từ kinh nghiệm đó, do một cách sống nào đó được coi như phù hợp với các giá trị nhắm tới và đối với người kitô hữu là phù hợp với các đòi hỏi của Tin Mừng.
- Cũng theo chiều kích đặc thù này, luân lý không có giá trị vĩnh cửu và phổ quát. Càng đi vào chi tiết riêng lẻ, luân lý càng phải chấp nhận những cú sốc về thời gian và văn hóa, và nó càng có thể bị vượt qua. Có rất nhiều bằng chứng về sự kiện này. Chẳng hạn vào thời Trung cổ các nhà thần học chủ trương rằng những ông chồng nào ăn ở với vợ trong thời gian nàng mang thai là mắc tội trọng…!
- Việc khởi xướng những khỏan luật này phải chấp nhận những phiêu lưu bất ngờ vì việc đưa ra những khoản luật đó là do những con người hay những nhóm người vốn mang một ý thức hệ, có những sai lầm về khoa học, rồi có những áp lực bên trong cũng như bên ngoài. Một khoản luật luôn cần chứng tỏ kết quả của nó để có thể tồn tại.
c. Chiều kích cá nhân
Đây là chiều kích của cái cụ thể nhất, tức là mỗi người như là một cá nhân duy nhất trong trời đất này. Điều này là rõ ràng, vì để khỏi rơi vào tình trạng ảo tưởng không thực tế, luân lý phải lưu ý đến tính cách cá vị độc nhất của từng con người, và đến từng hòan cảnh riêng lẻ của con người. Trong trường hợp đó luân lý tìm kiếm những gì tỏ ra thực sự có thể được trong từng trường hợp nhất định. Chẳng hạn một người phối ngẫu trong cặp hôn nhân khác phái, tự nhận thấy mình đồng tính luyến ái, ông (bà) phải làm gì để xây dựng cuộc sống tình cảm của mình và đồng thời tôn trọng vợ (chồng) mình?
Ở bình diện này, luân lý không ngớt gặp những xung khắc. Xung khắc vì có nhiều luật mà không thể chu toàn cùng một lúc. Vì thế, theo chiều kích này, nhà luân lý, phải chấp nhận “chịu bẩn tay” nếu không thì không còn bàn tay nào hết. Trong chiều kích cá nhân này, luân lý là nơi của những thỏa hiệp khó khăn và không thể tránh, cực chẳng đã (à la limite) phải chấp nhận như thế. Nhất là phải lưu ý đến yếu tố thời gian. Kiểu “tất cả, ngay lập tức” thật là (phi luân) immoral. Nhà luân lý đích thực phải biết rằng để có được một điều lý tưởng cần phải trải qua những con đường có khi dài do những lầm lẫn hoặc vi phạm. Sai lầm cũng là thành phần cấu trúc nên con người, cho dù nó cho thấy khía cạnh tha hóa. Do đó, đức tính quan trọng của nhà luân lý là phải biết kiên nhẫn để có thể chịu đựng những bất toàn mới có thể hoàn thiện nó.
Đó là ba chiều kích cần được phối hợp với nhau. Dừng lại ở chiều kích phổ quát, là tự kết án mình thành một ngôn sứ tưởng tượng và vô hiệu, sớm muộn gì cũng đi đến thất vọng. Nhưng nếu chỉ bằng lòng với chiều kích đặc thù, lại là tự giam mình trong một thứ nệ luật khô khan và vong thân; Con người là sự sống chứ không phải luật lệ. Còn nếu chạy trốn vào những nguyên tắc cá nhân, lại là thiển cận, là không lưu ý đủ đến chiều kích cộng đoàn của toàn thể cách sống, và như thế phó mặc cho nỗi cô độc vô bổ và cho bạo lực vì như vậy là chối bỏ tha nhân.
Như vậy, luân lý thay đổi hay không thay đổi? Cả hai đều đúng và đều sai. Thay đổi hay không còn tùy thuộc vào chiều kích nhận định.
Nói như thế, phải chăng ở thời đại mới này cũng phải có một luân lý phái tính hôn nhân mới của Kitô giáo? Đúng như vậy, nếu người ta muốn nói rằng mỗi người, mỗi cặp vợ chồng, đều được mời gọi khám phá ra một mẫu hình cụ thể cho cách sống của mình, mẫu hình này, tùy theo hoàn cảnh địa phương và thời đại (ở Vnam đầu thế kỷ XXI) sẽ giúp cho họ hoàn thành con người của mình một cách tốt nhất. Nói rằng mỗi người phải khám phá ra có nghĩa rằng tìm ra cái chưa được tìm thấy, nhưng cũng có nghĩa là khám phá lại cái đã có (déjà-là) nhưng thường là bị che khuất. Theo X. Thévenot, không thể nói tới một nền luân lý hôn nhân của kitô giáo thực sự mới nếu cho rằng việc khám phá nói trên được thực hiện không cần tuân theo những tiêu chuẩn đặt ra trước.
Theo X. Thévenot : Repères éthiques pour un monde nouveau, Salvator, Mulhouse, 1982, 1995. t. 12-17.