Friday, 17 January 2020 06:30

Con Người - Chủ Thể Luân Lý Tính Featured

Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang,
Giáo sư bộ môn Luân Lý: Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Trung Tâm Học Vấn Đaminh.

(Viết theo tác phẩm Reason Informed by Faith của Richard M. Gula SS. Nxb. Paulist. Press, New York 1989, trg 63-74)


----------------------------



Kể từ Công đồng Vaticanô II trở đi, trong môn thần học luân lý, người ta đồng ý cho rằng con người là điểm khởi phát thích hợp cho việc triển khai ý nghĩa môn luân lý tổng quát, cũng như cho việc cung cấp những chuẩn mực nền tảng cần thiết cho những vấn đề liên hệ đến phần luân lý chuyên biệt. Đương nhiên trong thần học luân lý công giáo Roma, con người luôn luôn được đề cập đến cách nghiêm túc, bởi vì coi trọng con người có nghĩa là coi trọng Thiên Chúa, Đấng sáng tạo, Ngài đã nhập thể nơi nhân tính của Đức Giêsu. Tuy nhiên, sự kiện nổi bật nhất liên quan đến việc canh tân thần học luân lý từ sau Công đồng là việc chuyển từ việc sử dụng ngôn ngữ về “nhân tính” sang ngôn ngữ về “con người”.

Sự chuyển đổi này tác động cách sâu xa đến phương cách ta sử dụng như chuẩn mực để xác định cách ứng xử luân lý. Thí dụ như quan điểm dựa trên bản tính con người nhấn mạnh đến những khuynh hướng tự nhiên của cơ cấu và chức năng chung của thân xác. Phát xuất từ quan điểm này, tư duy luân lý của Công Giáo đưa ra những quy luật tuyệt đối và phổ quát. Hành động được coi là đúng về luân lý khí nó phù hợp với mục đích tự nhiên của nó. Những điều tuyệt đối về luân lý trong luân lý tính dục của Công giáo được xác định dựa trên nền tảng này.

Sự chuyển đổi sang quan điểm dựa trên con người cho phép người ta tách khỏi việc đưa ra những kết luận luân lý dựa trên cứu cánh của cơ cấu và chức năng của thân xác, vì những cơ cấu và chức năng này được nhìn cách độc lập khỏi toàn bộ con người. Quan điểm này được diễn tả như sau: hành vi nhân linh phải được đánh giá trong mức độ nó quy chiếu về con người được xem xét một cách toàn bộ và thích đáng.

Nói cách khác, nền luân lý mang tính nhân vị cho rằng con người được xem xét cách thích đáng sẽ là chuẩn mực cho việc khám phá ra một hành vi có đúng về phương diện luân lý hay không.

I. CON NGƯỜI LÀ HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA

Khi nói con người được xem xét cách thích đáng sẽ trở nên quy luật cho luân lý điều đó không có nghĩa ta hạ bệ Thiên Chúa và nâng con người lên đến tầm mức là giá trị tối thượng, vì Chúa vẫn luôn là Đấng tối thượng, là trung tâm giá trị tối hậu. Trong thực tế, những chứng từ trong Kinh thánh về mầu nhiệm sáng tạo cung cấp nền tảng thần học để hiểu vị trí tối hậu của Thiên Chúa và cuộc sống con người chỉ là sự phản ánh Thiên Chúa. Câu chuyện sáng tạo cho ta thấy con người đứng ở chóp đỉnh của cuộc tạo dựng, được dựng nên theo hình ảnh Chúa. Xuyên qua chủ đề “hình ảnh Chúa”, Kinh thánh mạnh mẽ khẳng định tính chất linh thánh hay phẩm giá của mỗi người (x. Tv. 8,5; Kn. 2,23; 1Cr. 11,7; Gc. 3,9). Truyền thống Công giáo được phản ánh trong Tuyên ngôn về Phá thai (số 5) và trong lá thơ mục vụ Công bình kinh tế cho mọi người (số 32,79) đòi hỏi phẩm giá nền tảng của con người và nhân quyền phải đặt nền tảng trên cơ sở thần học vừa nêu.

1. a. Chính vì thế, nói con người là hình ảnh Thiên Chúa, đây là lời phát biểu thần học trước khi là lời phát biểu mang tính nhân học. Thí dụ Thiên Chúa thiết lập mối liên hệ với chúng ta đến mức độ không thể hiểu con người tách biệt khỏi Thiên Chúa. Thiên Chúa nâng đỡ mối liên hệ này bằng sự trung tín và tình yêu của Ngài. Chỉ cần Thiên Chúa trao ban tình yêu của Ngài là con người vẫn còn là hình ảnh của Thiên Chúa và được hưởng phẩm giá linh thánh đó. Chân lý Kinh thánh về con người là hình ảnh của Thiên Chúa là một điều không thể đảo ngược được.

b. Đây còn là lời phát biểu mang tính nhân học. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa có nghĩa là chúng ta cùng chia sẻ thân phận chung của con người và có cùng chung một cùng đích là Thiên Chúa. Điều này cũng có nghĩa phẩm giá con người cuối cùng không lệ thuộc vào sự thành tựu của họ, nhưng vào tình yêu Thiên Chúa. Ta làm chứng cho hàm ý luân lý này trong lập luận của Giáo hội: chống lại việc phá thai, bảo vệ việc chăm sóc những trẻ sơ sinh tật nguyền, hay trong những suy tư về các vấn đề kinh tế và công bình xã hội mà hoàn toàn không cần lưu tâm đến chủng tộc hay phẩm chất con người (human attributes).

2. Ta còn có thể thấy những điều hàm chứa sâu xa hơn của vấn đề con người là hình ảnh của Thiên Chúa nơi định nghĩa của thánh Gioan: ‘‘Thiên Chúa là tình yêu’’ (1Ga. 4,8), điều này có nghĩa Thiên Chúa là Đấng trao ban chính mình cách tuyệt hảo nhất. Lời khẳng định này dẫn đến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ đời đời Thiên Chúa là Đấng trao ban hay là Đấng yêu thương (Chúa Cha), nhưng đồng thời cũng là Đấng lãnh nhận và được yêu thương (Chúa Con) và là tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con lại với nhau (Chúa Thánh Thần).

a. Tương tự như thế, vì là hình ảnh của Thiên Chúa (Ba Ngôi) nên cuộc sống con người mang tính cộng đoàn.

Nhãn quan về mầu nhiệm Ba Ngôi cho thấy rằng không ai hiện hữu bằng chính mình (by oneself); nhưng chỉ hiện hữu trong mối tương quan với người khác. Cho nên hiện hữu đối với con người là hiện hữu trong mối tương quan: cá nhân và cộng đoàn cùng hiện hữu. Đến độ con người càng tham dự vào mối tương quan với người khác thì càng trở nên người hơn. Vì cộng đoàn là điều cần thiết cho việc lớn lên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên tính hữu trách cơ bản của việc ta là hình ảnh Thiên Chúa và sống trong cộng đoàn đó là sự trao ban chính bản thân mình như việc bắt chước Thiên Chúa, là Đấng trao ban chính bản thân Ngài một cách trọn vẹn hết sức có thể. Cho nên sự tự do mà con người cần có để sống luân lý là sự tự do trao ban chính mình một cách trọn vẹn hơn.

Từ cách nhìn trên, ta có thể thấy sự năng động nền tảng của nền luân lý nhân vị là động lực đón nhận và trao ban tình yêu. Giống như nhịp điệu hít thở trong cuộc sống, ta đón nhận tình yêu sau đó lại trao ban tình yêu theo mẫu gương tình yêu mà ta đã đón nhận. Chính nhận thức như thế ta mới thấy được rằng trở nên hình ảnh Thiên Chúa không những là một món quà tặng của Chúa nhưng còn là một trách nhiệm. Cuộc sống luân lý với tư cách là hình ảnh của Thiên Chúa không những chỉ vui hưởng món quà quý giá đó, nhưng còn phải đoan hứa dùng món quà tặng đó cho tốt trong sự hiệp thông với người khác.

b. Tư cách là hình ảnh của Thiên Chúa là một mệnh lệnh kêu gọi ta sống trọn vẹn những ơn huệ ta đã lãnh nhận bằng cách ra khỏi bản thân mình để đi vào thế giới của những mối tương quan. Thái độ thu mình lại, cất giấu những ơn huệ, cắt đứt động lực đón nhận và trao ban tình yêu bằng việc từ chối trao tặng cho người khác thì đấy là việc giết chết ân huệ của Chúa từ trong trứng nước và là sự nhạo báng Thiên Chúa. Đó chính là tội. Nó chối từ thân phận trao ban chính mình với tư cách là hình ảnh Thiên Chúa và phong tỏa việc sống hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và tha nhân. Dụ ngôn về những nén vàng được ông chủ trao ban cho các đầy tớ để sinh lợi trong Tin mừng Mt. 25,14-30 là một minh họa về lối sống này.

c. Nền luân lý nhân vị với nền tảng thần học con người là hình ảnh Thiên Chúa dẫn mỗi người chúng ta đến câu hỏi: Ta có đón nhận những ơn huệ của Chúa và sử dụng những ơn huệ đó cách tốt đẹp như thế nào để góp phần vào mối tương quan trao ban sự sống cách tích cực và vào việc phát triển môi trường sống của con người ? Nói cách khác, những hàm ý luân lý trong nhãn giới Ba Ngôi về con người là hình ảnh của Thiên Chúa phải được thể hiện cùng với phẩm chất những mối tương quan và hành động của ta để xây dựng mạng lưới những mối tương quan làm nên cuộc sống con người.

II. CON NGƯỜI ĐƯỢC XEM XÉT CÁCH THÍCH ĐÁNG

Con người được xem xét cách thích đáng là con người được hiểu biết bởi một lý trí được đức tin hướng dẫn. Chân lý Kinh thánh về con người là hình ảnh Thiên Chúa là sự xác tín của đức tin hướng dẫn sự hiểu biết của lý trí về con người.

Louis Janssens đã khai triển ý niệm này dựa trên giáo huấn của Vaticanô II trong hiến chế Gaudium et Spes. Nói cách ngắn gọn, theo ông, con người được xem xét cách thích đáng là con người được coi như một chủ thể mang tính lịch sư,û có thân xác trong mối tương quan với thế giới, với tha nhân, với cơ cấu xã hội và với Thiên Chúa và chủ thể này mang tính độc đáo duy nhất, tự nền tảng nó bình đẳng với mọi người khác. Những chiều kích vừa nêu tạo nên một khảo sát trọn vẹn và thích đáng về con người. Điều này có nghĩa con người luôn luôn và cùng một lúc mang những chiều kích tác động hỗ tương tạo nên một tổng thể là con người toàn vẹn. (x. “Personalist. Morals” trong tạp chí Louvain Studies số 3 (Spring 1970) trang 5-16).
 Ta có thể diễn đạt những ý chính  của quan niệm trên như sau

1. Con người là một hữu thể có tính tương quan
 

a. Sự hiện hữu của con người không có trước mối tương quan, nhưng được bắt nguồn từ mối tương quan và được nuôi dưỡng bằng mối tương quan. Là con người tức là hướng tới người khác. Ngay từ cốt lõi chúng ta mang tính cộng đoàn. Hình ảnh con người ở trong câu chuyện Sáng thế: “Thiên Chúa phán: Ta hãy làm ra con người theo hình ảnh Ta, như họa ảnh của Ta...Thiên Chúa dựng nên người đàn ông và đàn bà” (St. 1,26-27). Cho nên sự hiện hữu của con người không thể coi như “Cái Tôi” trong sự cô độc, nhưng luôn là “Tôi” và “anh” trong mối tương quan với nhau.

b. Qua sự lệ thuộc lẫn nhau, ta khám phá ra chúng ta cùng chịu trách nhiệm chung. Cho nên việc theo đuổi những mục đích cá nhân chỉ được biện minh trong mức độ ta tôn trọng những vấn đề của sự lệ thuộc lẫn nhau, là những cái tạo nên chính những mối tương quan giữa chúng ta với nhau. Con người cần tự hỏi những chọn lựa luân lý và hành động của mình có làm giảm thiểu giá trị của cộng đoàn, hay làm thăng tiến sự trao ban chính mình là cái duy trì ích lợi của cuộc sống chung.

c. Vì là một hữu thể có tính tương quan, nên con người cần sống trong những nhóm xã hội, với những cơ cấu thích hợp để duy trì phẩm giá con người và công ích. Nhưng cơ cấu xã hội cũng cần phải được canh tân và xét lại cho phù hợp với việc thay đổi hoàn cảnh và những đòi hỏi ngày càng tăng của phẩm giá con người. Chính vì thế, trong khi chọn lựa mang tính luân lý, chúng ta cần phải tự hỏi xem hành động của mình sẽ bảo vệ hay làm xói mòn những cấu trúc nền tảng ta cần đến để bảo vệ và làm thăng tiến hạnh phúc con người.

d. Chiều kích tương quan của con người đạt đến đỉnh cao trong mối tương quan với Thiên Chúa. Tầm quan trọng của khía cạnh này đó là mọi mối tương quan đều phải tìm thấy nguồn gốc và sự hoàn thành của mình nơi Thiên Chúa. Cuối cùng, sự xác tín nền tảng của đức tin đó là cuộc sống con người được hoàn tất trong việc nhận biết yêu mến, phục vụ Thiên Chúa trong sự hiệp thông với người khác.

2. Con người là một chủ thể hiện thân

a. Nói con người là một chủ thể có nghĩa là nói con người đảm trách chính cuộc đời mình. Con người là tác nhân luân lý với một mức độ tự chủ và tự xác định được quyền hành động phù hợp với lương tâm, tự do và nhận thức của mình. Cho nên theo truyền thống Công giáo, ta không thể nói đến tính luân lý nếu không nói đến con người có khả năng hành động một cách ý thức và quyết tâm (x. ST. I-II, phần mở đầu). Chính vì thế ta phải luôn kính trọng con người như một tác nhân tự chủ có khả năng hành động với sự tự do của một lương tâm được hướng dẫn. Con người phải được đảm bảo là có thể hành động dựa trên nền tảng lương tâm tự do và được hướng dẫn cách thích đáng.

b. Khi nói con người là một “chủ thể hiện thân” (embodied subject) là ngầm ý muốn nói thân xác không phải là cái gì phụ thuộc đối với con người, nhưng là điều thiết yếu cho con người toàn vẹn. Chúng ta diễn đạt bản thân mình là hình ảnh của Thiên Chúa ngang qua thân xác. Cho nên cái gì liên quan đến thân xác là liên quan đến chính con người. Thân xác tác động tới cách diễn tả con người chúng ta trong các mối tương quan. Chính Thiên Chúa Ngài yêu thương chúng ta đến độ Ngài đến với ta trong thân xác của một con người (Đức Giêsu) để nhờ đó ta có thể biết được tình yêu của Ngài.

c. Thân xác là hình ảnh của nội tâm, cho nên sự hiện hữu của ta với thân xác có nghĩa là ta phải nghiêm túc xem xét đến những giới hạn và khả năng của phạm vi sinh học. Vì thân xác lệ thuộc vào những định luật của thế giới vật chất, nên ta phải tính đến những định luật này trong những phương tiện ta điều trị thân xác của mình. Ta không được tự do can thiệp vào thân xác của mình với bất kỳ phương tiện nào chúng ta muốn.

Sự hiện hữu với thân xác có nghĩa là ta phải chấp nhận yếu tố di truyền đặt nền tảng cho những khả thể và giới hạn đối với khả năng thể lý, trí thức và tâm lý của chúng ta. Ta có trách nhiệm luân lý sống sao cho tốt với những giới hạn như thế và đừng tự thúc ép mình trở nên hay làm điều mà những gien di truyền cùng với môi trường của chúng ta không chu cấp (support) nổi.

d. Với thân xác chúng ta là thành phần của thế giới vật chất này, chúng ta vừa có những khả năng to lớn vừa có những giới hạn nghiêm trọng:

- Khả năng to lớn ở chỗ vì được tạo nên giống hình ảnh Chúa với mệnh lệnh quản lý thế giới tự nhiên này, ta có thể hành động như những đồng tác nhân với Chúa để làm cho thế giới này thành một nơi dễ sống hơn. Sự tiến triển của khoa học và kỹ thuật ngày nay giúp ta thực hiện mệnh lệnh đó.

- Nhưng đồng thời trong đó cũng tiềm ẩn một giới hạn nghiêm trọng, vì chính những sản phẩm khoa học kỹ thuật đó cũng có thể gây phương hại đến con người về phương diện thể xác và đời sống chung. Chúng có thể kéo theo những hậu quả tiêu cực như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước uống, tiếng động, xói mòn đất đai, gia tăng những vùng đất bỏ hoang vì nhiễm độc. Cho nên việc con người là thành phần của thế giới vật chất này đòi hỏi những tác nhân luân lý phải xem xét những hậu quả tiêu cực trong những khám phá tích cực của khoa học kỹ thuật và cân nhắc tầm quan trọng về luân lý của chúng.

3. Con người là một chủ thể mang tính lịch sử

a. Con người là một tinh thần nhập thể nên con người phải là một chủ thể mang tính lịch sử. Trong khi tinh thần cho ta khả năng trở nên cái gì đó hơn hẳn chúng ta, thì thân xác lại neo ta lại tại đây và bây giờ. Cho nên con người là chủ thể mang tính lịch sử điều đó có nghĩa chủ thể này không ngừng ở trong thời gian, nắm bắt những thời cơ của hiện tại như một phần của chuyển động tiến đến sự triển nở trọn vẹn của con người.

b. Mệnh lệnh luân lý của việc ta là một chủ thể mang tính lịch sử đó là ta hội nhập quá khứ vào trong con người mà ta sẽ trở nên để xây dựng tương lai hơn là ở trong tình trạng tĩnh. Ý nghĩa của vấn đề này là tính hữu trách luân lý phải cân xứng với những khả năng của con người trong mỗi giai đoạn phát triển. Chính vì thế ta phải cẩn thận khi xem xét tội trạng luân lý của cách xử sự liên quan đến từng giai đoạn phát triển. Cho nên hành động của một chủ thể mang tính lịch sử chỉ có đầy đủ ý nghĩa luân lý khi chúng được xem xét trong mối tương quan với toàn bộ bối cảnh của cuộc sống, kèm theo những hệ quả trong tương lai.

* Cho nên suy tư luân lý của ta phải linh hoạt như chính cuộc sống con người mà suy tư đó có ý định hướng dẫn. Vì chúng ta thủ đắc những khả năng mới và khai triển những giá trị mới, nên ta cần khám phá những phương thế thích hợp để hội nhập những khả năng và những giá trị đó vào trong cuộc sống cá biệt duy nhất, nhưng cũng được chia sẻ chung với người khác.

4. Con người tự nền tảng là bình đẳng, nhưng lại độc đáo duy nhất

a. Những chiều kích của con người được xem xét đến mức như thế xác nhận tính bình đẳng nền tảng giữa con người với nhau. Tính bình đẳng này cho phép chúng ta lưu tâm đến những gì thuộc về con người và hiểu biết những nghĩa vụ luân lý hướng dẫn nhân loại.

Tuy nhiên con người có đầy đủ những khác biệt đến mức ta phải tính đến tính độc đáo và duy nhất của mỗi người. Điều này có nghĩa là trong khi mọi người chia sẻ những đặc điểm chung của nhân loại, thì mọi người lại hành động thực khác biệt nhau với những mức độ khác biệt nhau.

b. Theo James M. Gustafson, con người có những đặc tính luân lý mang tính duy nhất phù hợp với những nét đặc trưng không thể kiểm soát được và kiểm soát được phần nào.

- Những nét đặc trưng không thể kiểm soát được tạo nên tính duy nhất của riêng mình đó là những đặc điểm di truyền, những động lực vô thức, hay những điều kiện văn hóa mà ta lệ thuộc trong tiến trình trưởng thành.

- Ngoài những đặc điểm vừa nêu, những nét đặc trưng ta có thể kiểm soát được cách nào đó, như niềm tin, những xác tín ổn định đem lại hướng đi và ý nghĩa cho cuộc sống, thế giới quan, tình cảm ảnh hưởng đến sự sâu sắc và nhanh lẹ của hành vi nhân linh, và cuối cùng là ý hướng hay hướng đi cơ bản của hành vi được sự nhận thức và tự do hướng dẫn làm cho hành vi của ta mang một phong thái cá biệt nổi bật.

c. Bởi vì mỗi người thể hiện những nét đặc trưng chung của nhân loại cách khác biệt nhau, nên ta không thể mong đợi hai người đáp lời giống nhau trước cùng một hoàn cảnh. Khả năng của con người bị giới hạn bởi sự những dữ kiện không kiểm soát được và những dự kiện kiểm soát được. Ngay cả khi ta nại đến những qui luật khách quan giống nhau với vấn đề giống nhau, ta cũng chỉ có khả năng sống theo những qui luật và đối phó với vấn đề theo khả năng của mình. Cho nên tính hữu trách chủ quan của con người đối với cung cách ứng xử luân lý của mình có liên hệ đến sự phát triển khả năng luân lý của họ. Không ai có thể chịu trách nhiệm về hành động vượt quá khả năng hành động của họ.

Cha B. Häring có một lời khuyên phản ánh sự khôn ngoan của thánh Anphong như sau: “Người ta đừng bao giờ tìm cách áp đặt điều mà người khác không thể tiếp thu một cách chân thành được, trừ trường hợp ngăn ngừa một sự bất công nghiêm trọng đối với người thứ ba”  (x. Free and faithful in Christ, Vol. I, General Theology, Nxb Seabury, New York, 1978, trg 289). Ta chỉ có thể bắt một người chịu trách nhiệm về những điều liên quan đến khả năng của họ mà thôi. Người ta chỉ có thể có tội vì đã không chịu làm điều họ có thể làm mà thôi.

III. TIÊU CHUẨN NHÂN VỊ

Nếu gộp chung tất cả những chiều kích liên quan đến con người vừa được trình bày ở phần trên lại với nhau, chúng tạo nên nền tảng cho nền luân lý nhân vị với tiêu chuẩn như sau: một hành động đúng về phương diện luân lý nếu nó có ích cho con người được xem xét một cách thích đáng trong chính bản thân của họ (nghĩa là con người là một tinh thần nhập thể duy nhất) và trong các mối tương quan của họ (với tha nhân, xã hội, với thế giới vật chất, và với Thiên Chúa). Theo Louis Janssens thì đây là tiêu chuẩn khách quan đặt nền tảng trên những chiều kích cố định của con người. Điều này đòi hỏi ta phải thường xuyên duyệt xét lại những khả năng ta có được để thăng tiến con người. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng việc áp dụng tiêu chuẩn này không phải là điều dễ dàng. Sử dụng tiêu chuẩn này đòi hỏi sự khôn ngoan là ơn đặc biệt của những người luơng thiện là những người gần gũi với những gì là ngay chính và những phán đoán của họ được cảm hứng từ một trạng thái luân lý tốt và từ thái độ sẵn sàng phục vụ con người hết sức có thể. (x. Artificial Insemination: Ethical Consideration, Louvain Studies số 8 (Spring 1980), trg 13-15).

IV. KẾT LUẬN

Với tất cả những gì vừa tìm kiếm, ta cần phải đánh giá cao lợi điểm to lớn của loại ngôn ngữ về “con người” hơn loại ngôn ngữ về “nhân tính” nhằm diễn đạt nền tảng nhân học của luân lý. Loại ngôn ngữ về “nhân tính” có lợi điểm là nhấn mạnh những điểm chung cho mọi người, nhưng lại có bất lợi to lớn là không diễn đạt cách thích đáng tính độc đáo của con người. Ngược lại ngôn ngữ về “con người” thích hợp hơn vì thành công trong việc diễn đạt tính duy nhất của con người, mà không bỏ qua những đặc điểm của thân phận chung nơi con người và những đòi hỏi luân lý dựa trên đó.

Cách nhìn về con người như thế mời gọi nền thần học Công giáo Roma đưa những điều hiển nhiên thực nghiệm vào trong những đánh giá về luân lý của mình. Thần học luân lý nhìn từ viễn tượng nhân vị phải tính đến những kinh nghiệm của con người qua dòng thời gian để xác định xem loại hoạt động nào phục vụ tốt nhất cho con người. Điều này đưa đến hệ quả là thần học luân lý không chỉ bao gồm phương pháp diễn dịch, mà còn cả phương pháp qui nạp để nắm bắt những kinh nghiệm của con người cách nghiêm túc. Lối tiếp cận vấn đề cách qui nạp như thế sẽ đưa đến những kết luận đáng tin cậy cho dù là còn đang thăm dò và rộng mở cho việc xét lại. Những kinh nghiệm mới trong lịch sử và những điều hiển nhiên mới sẽ nổi lên củng cố lập trường đã có sẳn hay kêu gọi đặt vấn đề lại và đòi phải trình bày lại, thậm chí phải hủy bỏ chúng nếu cần.

Sau khi tìm hiểu những nét đặc trưng của nền thần học luân lý mang tính nhân vị, bây giờ chúng ta chuyển sang tìm hiểu hành vi nhân linh với hai nét đặc trưng cơ bản của nó đó là sự nhận thức (hiểu biết) và ý chí tự do.