Friday, 17 January 2020 06:23

Đức Can Đảm Trong Thánh Kinh (2) Featured

Vinh Sơn Ngô Đức Duy, OP.

 

II. Tân Ước

Tân Ước không còn thuật lại những cuộc giao chiến bằng vũ khí để chiếm đất hay bảo vệ lãnh thổ, mà chỉ nói tới một cuộc chiến đấu khác: chiến đấu chống lại với tội lỗi và sự dữ. Nhất là Tân Ước trình bày cho chúng ta một khuôn mẫu “người hùng” mới, đó là Đức Ki-tô.

1. Đức Giê-su

Qua những trình thuật của các sách Tin mừng, mẫu gương can đảm của Đức Giê-su được tỏ hiện: từ việc Người can đảm chống lại những chước cám dỗ của ma quỉ, đến việc lên án và chống lại những sai lầm của giới lãnh đạo Ít-ra-en; từ việc biết trước những đau khổ sẽ phải chịu cho đến khi bị những môn đệ thân tín chối từ, chịu xét xử, chịu đánh đòn, chịu đóng đinh vào thập giá, và cuối cùng chịu chết… Tuy nhiên những hành động đó nhằm nêu bật sức mạnh của Thiên Chúa, chứ không phải để củng cố công danh sự nghiệp. Vào hồi Tử nạn, Đức Giê-su không sử dụng quyền năng để bảo vệ mạng sống bản thân (cho dù sử dụng gươm giáo hoặc cầu cứu đội ngũ thiên sứ: Mt 26,52-53). Một trong những cử chỉ bày tỏ sức mạnh của Đức Giê-su là bào chữa cho các lý hình đã sát hại mình.

(Lc 23,34). Chúng ta sẽ lần lược tìm hiểu sơ qua những vấn đề này.

a. Can đảm chiến đấu chống lại cám dỗ của quỷ dữ

Đức Ki-tô đã đương đầu với ma quỷ ngay từ đầu sứ vụ: Đức Giê-su phải chiến đấu để vượt thắng các chước cám dỗ muốn tìm danh lợi, muốn thống trị. Người đã từ khước các chước cám dỗ đó, nghĩa là Người chấp nhận thi hành chương trình của Chúa Cha bằng sự khiêm tốn phục vụ. Trong khi thi hành sứ vụ, ta thấy nhiều lần Đức Giê-su đã sử dụng “quyền năng Thần Khí” để xua đuổi ma quỷ, để đánh tan những lực lượng ác thần. (x. Lc 4,1-13).

Hơn nữa, Người đứng chước những kẻ chống đối mình. Họ tin vào Thiên Chúa độc nhất, tin vào lời các ngôn sứ, là con cháu của Áp-ra-ham. Thế mà, họ không nhận ra Đức Giê-su chính là Thiên Chúa và là Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo từ ngàn xưa. Để rồi, họ cộng tác với Sa-tan chống lại Người, chống lại tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người. Họ thuộc về quỷ và xem nó như là cha của mình (Ga 8, 44). Đức Giê-su thừa biết rằng một này nào đó những người chống đối sẽ bắt Người và đem đi xử tử. Nhưng Người vẫn phải can đảm nói nên sự thật rằng Người chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Đấng mà họ đang mong chờ. Thực ra, họ hành động như thế, nghĩa là chống đối Đức Giê-su, vì Đức Giê-su đụng vào chính niềm tin của họ. Đồng thời, họ chưa có đủ khả năng để nhận thức ra mạc khải này. Nhưng không vì thế mà họ không có tội. Và chính lỗ hổng này mà Sa-tan đã nhảy vào để chống lại Ngài, chống lại Thiên Chúa. Sa-tan đã lợi dụng lòng tin, lòng trung thành của họ vào Thiên Chúa để mà phá rối chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nó dùng chính hình ảnh của Thiên Chúa để chống lại Thiên Chúa. Để từ đó, nó xem Đức Giê-su sẽ hành xử như thế nào. Hủy diệt con người hay tiếp tục nói lên sự thật rằng Ngài là Thiên Chúa để rồi chuốc án phạt. Đức Giê-su biết rõ sự thâm độc của quỷ dữ, và chúng ta biết Đức Giê-su vẫn can đảm nói lên sự thật. Vì Ngài nói sự thật sẽ giải phóng con người. Chính việc Đức Giê-su can đảm nói lên sự thật thì con người, kể cả những người chống đối Ngài mới có cơ may được cứu độ. Nhưng phải chăng Đức Giê-su chỉ can đảm nói lên rằng Ngài là Thiên chúa thì con người sẽ được cứu độ? Không, lời nói đó phải được đưa đến hành động chính là Ngài phải chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá. Và đây chính là đỉnh điểm của lòng can đam ở nơi Ngài.

b. Can đảm trước sự chống đối của giới lãnh đạo Ít-ra-en

Đức Giê-su can đảm lên án những sai lầm, cũng như những hình thức giữ luật của giới lãnh đạo Ít-ra-en. Thật vậy, Tin mừng cho thấy trong khi thi hành sứ vụ, nhiều cuộc tranh biện đã xảy ra giữa Đức Giê-su và nhóm Pha-ri-siêu. Bên cạnh nhóm Pha-ri-siêu còn có các nhóm kinh sư và luật sĩ (Mt 5,20; 12,38; 15,1; Mc 2,16; 7,15; Lc 5,17.21.30; 6,7; 7,30; 11,52; 14,3; 15,2). Lúc khác thì các Pha-ri-siêu lại xuất hiện cùng với phe Hê-rô-đê (Mc 3,6; 12,13) hay nhóm Sa-đốc (Mt 3,7; 16,1.6.11.12). Những cuộc tranh luận xảy ra chung quanh việc giải thích Lề luật cùng những tục lệ phụng tự. Ở chương 23, (câu 13-32) Mát-thêu ghi lại những lời khiển trách các kinh sư và người Pha-ri-siêu với cung giọng khá nặng: "Khốn cho các người...". Ngoài ra, bên cạnh chuyện đả kích lối sống của nhóm Pha-ri-siêu, Đức Giê-su còn có những hành động khiêu khích họ, chẳng hạn khi vi phạm các luật lệ về ngày Sa-bát, về việc kiêng cữ các đồ ô uế.

Hậu quả, đối phương đã âm mưu ám sát Đức Giê-su ngay từ khi Người mới bắt đầu hoạt động. Ngay ở chương 3 của Tin Mừng Mác-cô đã cho biết là nhóm Pha-ri-siêu bàn tính với phe Hê-rô-đê tìm cách giết Đức Giê-su sau khi những cuộc tranh luận về việc giữ ngày Sa-bát (Mc 3,6). Trước đó, ở chương 2, Mác-cô cho biết rằng vài kinh sư đã buộc tội Người là nói phạm thượng bởi vì dám tuyên bố lời tha tội (Mc 2,7). Chiếu theo luật, thì tội nói phạm thượng sẽ bị xử ném đá (Ga 8,59). Ở Lc 13,31 là mấy người Pha-ri-siêu tới rỉ tai cho Đức Giê-su biết tin vua Hê-rô-đê đang toan tính ám sát, nhưng Người vẫn can đảm tiếp tục sứ vụ rao giảng của mình.

c. Can đảm trước những đau khổ sắp xảy ra

Mc 10,32-34 kể lại việc can đảm chịu đựng và báo trước những điều sắp xảy đến. Thật vậy, Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại”.

d. Can đảm chịu bị bắt

Trước những chống đối mãnh liệt, Đức Giê-su biết tất cả mọi sự sẽ xảy ra, Người can đảm chấp nhận tất cả những điều đó. Thật vậy, cả bốn tác giả Tin mừng đều cho biết là việc Đức Giê-su bị bắt không phải là một điều ngẫu nhiên, nhưng đã được tính toán xếp đặt. Theo Mác-cô (14,1-2) và Luca (22,1-2), hai ngày trước lễ Vượt qua, các thượng tế và kinh sư tính kế bắt Người và giết đi. Mát-thêu (26,3) cho biết là các thượng tế và kỳ mục họp nhau tại nhà thượng tế Cai-pha. Còn Gio-an (11,47) thì xác định rõ hơn là các thượng tế và các người Pha-ri-siêu triệu tập Thượng hội đồng dưới quyền chủ toạ của Caipha. Hơn thế, Người bị chính một môn đệ là Giu-đa đã tự ý tới hiến kế: y sẽ dẫn lính tới nơi Người thường tụ họp với các môn đệ (Mc 14,10-11 và tt; xc. Ga 18,1-2).

Kết quả, Đức Giê-su bị bắt vào ban đêm, tại một thửa vườn bên kia suối Kê-trôn (Ga 18,1), còn được gọi là Ghêt-se-ma-ni (Mc 14,32), nơi Người đến để cầu nguyện sau bữa Tiệc ly. Ông Giu-đa Is-ca-ri-ôt đã dẫn đầu một toán vũ trang mang gậy gộc, gươm giáo, do các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến. Về vai trò của ông Giu-đa, thánh sử Mát-thêu và Mác-cô cho biết thêm rằng ông ta đã ra dấu hiệu trước cho quân lính, đó là ông hôn ai thì cứ bắt người đó, không sợ lẫn (Mt 26,48; Mc 14,44).

e. Trước tòa án Do-thái và Phi-la-tô

Đức Giê-su lên án những sai lầm, những lời tố cáo gian dối của những người chống đối lại Người, đồng thời Người làm chứng cho sự thật trước Phi-la-tô. Thật vậy, tại phiên họp của Thượng Hội Đồng, Đức Giê-su bị buộc tội phạm thượng cho nên đáng xử tử. Khi giải Người qua tòa tổng trấn, các nhà lãnh đạo Do-thái đã viện dẫn lý do khác nữa để kết án Người. Theo Lu-ca (23,2), họ tố cáo rằng: “Chúng tôi đã phát giác ra tên này xách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa”. Các tác giả khác, tuy không thuật lại các lời lẽ, nhưng cũng ngầm cho thấy là các lời tố cáo mang tính chất chính trị, bởi vì tổng trấn đã phải điều tra cặn kẽ khi hỏi Đức Giê-su: “Ông có phải là vua của dân Do-thái không?” (Mc 15,2.9.12.18.26.32;  Mt 27,11). Bản án treo trên thập giá mang lý do hành quyết cũng ghi như vậy: “Giê-su Na-da-rét, Vua của dân Do Thái”. Người nhận đúng là Vua, nhưng Nước Người không thuộc về thế gian này…

f. Can đảm vác thập giá, chịu đóng đinh và chịu chết

Cuối cùng, sức mạnh, anh dũng và lòng can đảm nơi Đức Giê-su chính lúc Người bị hành quyết tại Gôn-gô-tha hình phạt thập giá không những mang tính cách đau đớn tiếp theo những cuộc đánh đập, đội lên đầu một vòng gai làm vương miện, rồi giả vờ cung kính bái phục: “Vạn tuế đức vua dân Do Thái” (Mc 15,16-18 tt). Tấn hài kịch này được tiếp nối với cuộc tra tấn sỉ nhục, tương tự như cảnh đã diễn ra tại dinh Thượng tế vào đêm hôm trước (Mc 14,65). Nhưng nhất là tính cách nhục nhã nữa. Tại Rô-ma, hình phạt này chỉ dành cho những đám tiện dân, nô lệ, và ngoại kiều. Tại các vùng thuộc địa, cách riêng là tại Giu-đê-a, hình phạt này được áp dụng cho các tên phản loạn, cướp bóc, với dụng ý ngăm đe, đối với người Do Thái nó lại còn kinh tởm hơn nữa.

Như vậy, sức mạnh, can đảm của Đức Giê-su ở chỗ Người là kẻ khó nghèo, hiền lành, sầu khổ, khát khao sự công chính của Thiên Chúa, xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì công chính. Người đã sống những điều đó trước khi đề nghị khuôn mẫu cho những người khác. Có lẽ bài học đã khắc sâu vào tâm khảm của các môn đệ hơn cả là tấm gương nhịn nhục tha thứ cho những kẻ đã giết Người cách oan ức (Lc 23,34 xc. Cv 7,60).

2. Đức Maria

Trong trình thuật các sách Tin Mừng, chúng ta thấy đức Ma-ri-a là một người đầy sức mạnh can đảm đáp lại tiếng xin vâng trong biến cố truyền tin, can đảm trong việc hạ sinh đức Giê-su, và can đảm chấp nhận đứng dưới chân thập giá.

Trước tiên, đức Ma-ri-a đầy sức mạnh, can đảm thưa tiếng xin vâng. Tin Mừng Lc trình bày sứ thần Thiên Chúa được sai đến chào hỏi, khen ngợi và mời gọi đức Ma-ri-a cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa bằng việc mang thai Con Thiên. Đứng trước những lời của sứ thần đức Ma-ri-a bối rối, xao xuyến vì được gọi một tên mới (c.29). Được sự trấn an của sứ thần “Ma-ri-a đừng sợ. Chị đã được ơn nghĩa với Chúa” (c.30), nhưng đức Ma-ri-a vẫn không hết lo sợ khi được loan báo sẽ mang thai và sinh ra một con trẻ và đặt tên là Giê-su và “làm sao việc đó có thể xảy ra được, vì tôi không biết đến người nam” (c.34). vì Người chưa ăn ở với thánh Giu-se làm sao mang thai được, và nếu mang thai mà bị người chống tố cáo thì theo luật Do-thái là phạm tội ngoại tình và bị ném đá đến chết. Nhưng sau khi nghe lời giải thích của sứ thần, đức Ma-ri-a đầy sức mạnh can đảm thưa tiếng xin vâng, thi hành thánh ý của Thiên Chúa “này tôi là tôi tớ Chúa, xin xảy đến cho tôi điều mà sứ thần truyền” (c. 38).

Thứ đến, đức Ma-ri-a đầy sức mạnh, can đảm trong việc sinh con, dâng con trong đền thờ (Lc 2,1-20) và được ông già Si-mê-on loan báo “một lưỡi gươm sẽ đâm thâm tâm hồn bà” (Lc 2,35). Tin Mừng Lc, trình bày việc đức Ma-ri-a hạ sinh đức Giê-su một cách rất văn tắt và đơn sơ như sau: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (c. 7). Ở đây Lc không trình bày rõ những lỗi khó khăn vất vả, mà đức Ma-ri-a đang phải chịu khi mang thai, phải chịu khi di chuyển “từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê” (c.4). Thánh Lc cũng không trình bày rõ cảnh đức Ma-ri-a sinh hạ một hài nhi sinh trong hang bò lừa, một hài nhi đặt nằm trong máng cỏ tối tăm, không đèm điện, vì không tìm được chỗ trọ giữa đêm đông sương tuyết lạnh lùng. Nhưng chúng ta không thấy Lc trình bày một lời nào của đức Ma-ri-a, hoàn toàn im lặng can đảm thưa tiếng xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa.

Trình thuật dâng Chúa Giê-su vào Đền thờ: khi Đức Mẹ bồng ẵm Hài Nhi Giê-su cùng với Thánh Giu-se tiến vào Đền Thờ cụ già Si-mê-on xuất hiện tiến lại trước mặt, ẵm Hài Nhi trên tay dâng lời chúc tụng Thiên Chúa và nói: “Chính mắt tôi được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài”. Cũng vậy, đứa trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người; và lòng bà sẽ như lưỡi gươm đâm thâu (Xc: Lc 2,34-35). Mẹ đã suy đi nghĩ lại trong lòng, ở đây ta thấy Mẹ rất can đảm trong thinh lặng, lắng nghe lời cụ già Si-mê-on, không phải để đấy, mà Mẹ đã suy gẫm, để biến cố đó là hành trình diễn ra ngay trong chính mình.

Đôi nét trong biến cố sinh hạ Đức Giê-su cho ta thấy nổi bật lên trong chiều kích can đảm của Mẹ Ma-ri-a về sự Khó khăn – Lắng nghe – Chịu đựng.

Cuối cùng, đức Ma-ri-a đầy lòng can đảm đứng dưới chân thập giá để chứng kiến cái chết của con mình. Sự can đảm biểu lộ vai trò của Đức Ma-ri-a trong chương trình cứu độ yêu thương của Thiên Chúa với con người. Sự hiện diện của Đức Ma-ri-a dưới chân thập giá và lời công bố của Đức Giê-su từ trên đỉnh cao thập giá “Thưa Bà, đây là con Bà và đây là Mẹ của anh” (Ga 19,26).

Trong giờ phút đức Giê-su chịu khổ nạn, các môn đệ, và những người thân đã từng theo Chúa, giờ đã tán loạn bỏ chạy; Phê-rô thì chối Thầy…, nhưng đức Ma-ri-a vẫn đầy sức mạnh, can đảm đứng vững và đi theo Chúa trên suốt chặng đường lên núi Sọ, không lay chuyển trong lòng tin của mình.

Đức Ma-ri-a can đảm chứng kiến đức Giê-su bị kết án chết trên thập giá như là “Vua người Do-thái” (x. Ga, 19,16-19), chứng kiến quân lính chia áo, chứng kiến giờ chết của Người Con yêu dấu của mình, và chứng kiến lưỡi đòng mở cạnh sườn (x. Ga 19,31-37). Người vẫn một lòng trung tín tin vào Người Con bị đóng đinh vào thập giá, vẫn tiếp tục nhìn nhận Đức Giê-su là Vị Cứu tinh của toàn thể nhân loại, tiếp tục nhìn nhận Ngài là Con Đấng Tối Cao, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế mà muôn dân hằng mong đợi. Sự can đảm đó vẫn luôn vang vọng lại lời Xin Vâng trong ngày sứ thần truyền tin cho Mẹ, những thắc mắc tràn đầy hy vọng nơi Mẹ: “đối với Chúa, không có việc gì là không thể”.

Hiến chế Tín lý về Giáo hội của Công đồng Vatican II đã quả quyết: “Đức Trinh Nữ trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên cây thập giá là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã đứng ở đó. Đức Ma-ri-a đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của Mình và dự phần vào hy tế của Con, với một tấm lòng của một người Mẹ hết lòng ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng dạ mình sinh ra”.

Như vậy, Đức Ma-ri-a là mẫu gương đầy sức mạnh, can đảm, can trường cả khi phải thử thách đau thương nhất, Người vẫn giữ một lòng tin tưởng tuyệt đối trong sự im lặng vâng theo thánh ý của Thiên Chúa mà ngay từ lúc thưa tiếng “xin vâng”. Người cũng là gương mẫu của tâm hồn chiêm niệm thinh lặng, gương mẫu của kẻ lo lắng tới tha nhân gương mẫu của sự tín thác nơi Thiên Chúa, gương mẫu của sự vui tươi hớn hở.

3. Gioan Tẩy Giả

Trước tiên, Gioan can đảm rao giảng và làm chứng về Đấng Cứu Thế: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên ông là Gioan, ông đã đến để làm chứng, để chứng thực về sự sáng, ngõ hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng là người làm chứng cho sự sáng” (Ga 1, 6-8). Sự sáng ở đây là Đấng Cứu Thế. Gioan đã can đảm làm chứng cho Đấng Cứu Thế một cách trung thành nhất, bất vụ lợi nhất, kiên trì nhất và hoàn hảo nhất “Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người”; “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,28).

Thứ đến, Gio-an can đảm rao giảng sám hối và tin vào Tin Mừng. Thánh Mát-thêu trình bày ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần". Và người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối…. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa (Mt 3,2-12).

Cuối cùng, Gio-an can đảm lên án sai lầm của Hêrôđê và can đảm chịu chết. “Vua không được lấy vợ của anh Ngài” ( Mc 6,18). Gioan luôn can đảm trung thành với nhiệm vụ của mình cho đến chết. Ông làm chứng cho sự thật bằng chính cái chết của mình. Ông tố cáo cuộc hôn nhân bất chính của vua Hêrôđê với bà vợ Hêrôđia, vợ của anh mình, nên ngài đã bị tống giam vào ngục. Cuối cùng, ông can đảm đã chấp nhận cái chết chứ không chịu để cho đạo lý bị chà đạp.

Như vậy, Gioan Tẩy Giả quả thực gây ấn tượng mạnh cho những ai tìm gương một vị thánh đầy sức mạnh can đảm giám nói lên sự thật, giám để cho Thầy nột bật lên, giám công bố “có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,7-8), giám làm chứng cho sự thật và lên án những sai lầm mặc dầu khi biết rằng nói lên điều mình phải nói sẽ nhận lại hậu quả phải chết.

4. Giáo hội Sơ khai

a. Nơi thánh Phêrô và các Tông đồ

Khi ông Phê-rô và Gio-an từ chối vâng lời con người nhưng nghe theo lời của Thiên Chúa. Hai ông nói: “Nghe lời quý vị hơn là lời Thiên Chúa: trước mặt Thiên Chúa điều ấy có chính đáng không? Quý vị hãy xem xét! (Cv 4,19). Tất cả cho chúng ta thấy lòng can đảm của Phêrô và Gio-an. Điều này là nhờ Thánh Thần đòi buộc hai ông phải làm chứng cho Đức Giê-su: “Phần chúng tôi, những gì đã thấy, đã nghe, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20). Lòng can đảm đã giúp ông vâng lời Thiên Chúa hơn lệnh cấm, đe dọa của giới lãnh đạo.

Cũng vậy, khi các vị Thượng tế tố cáo các Tông đồ vi phạm hai điều: không tuân lệnh cấm và dám quy trách nhiệm cho giới lãnh đạo tôn giáo là đã giết Đức Giê-su. Họ nói: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giê-ru-sa-lem tràn ngập giáo lý của các ông” (Cv 5,28). Nhưng Phêrô và các Tông đồ đáp lại một cách can đảm rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hôn vâng lời người phàm” (Cv 5,29).

b. Nơi thánh Stê-pha-nô: vị tử đạo tiên khởi

Các Giáo phụ, nhất là thánh Au-gus-ti-nô, thánh Phun-gien-xi-ô và thánh Đa-mi-a-nô đều hết lời ca ngợi thánh Stê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi và đứng đầu danh sách bảy phó tế do các Tông đồ đặt tay. Chính tên thánh nhân trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “được đội triều thiên”, nên nhiều người nghĩ rằng thánh nhân đã được ơn gọi tử đạo từ lúc lọt lòng mẹ.

Sách Công Vụ Tông Đồ đã ghi nhận là trong thời này có các nhà truyền giáo nổi tiếng: Các ông Stê-pha-nô, Ba-na-ba, nhất là Sao-lô trở lại. Stê-pha-nô có tên trong danh sách các nhà truyền giáo nổi tiếng ấy, vì ông được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, ông còn “được đầy ân sủng và quyền năng”; ông đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân, nghĩa là được quyền năng như các Tông Đồ. Ngoài ra, Stê-pha-nô còn có tài ăn nói và thông thạo Kinh Thánh nhờ được học dưới mái trường của tiến sĩ luật Do-thái Ga-ma-liên. Với những ơn thiêng liêng và tài năng như vậy, Stê-pha-nô đã góp phần rất nhiều với các Tông đồ, trong việc làm tăng thêm rất nhiều số các tín hữu, kể cả một đám rất đông các tư tế thuộc giới bình dân.

Không ngờ những thành công kia lại là căn nguyên dẫn đến cái chết tử đạo của thầy phó tế tiên khởi Stê-pha-nô. Mặc dầu ngài ít giao tiếp thân thiện với những người Do-thái không trở lại đạo, vì ngài cho rằng việc đi lại thân thiện với họ xem ra chẳng mấy quan trọng. Bởi ngài coi việc họ cứng lòng không tin vào Chúa Giê-su là sự chối từ ánh sáng. Vậy mà có một số người trong bọn họ, ngày kia đã đứng ra tranh luận với Stê-pha-nô. Nhưng họ làm sao địch nổi những lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho Ngài. Rồi vì tức giận và ghen ghét, họ vu cáo cho Stê-pha-nô là đã nói lộng ngôn xúc phạm đến Môi-sê và Thiên Chúa. Họ sách động dân chúng cùng các kỳ mục và các kinh sư, rồi ập tới bắt ngài và điệu tới Thượng Hội Đồng. Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: “Tên này không ngừng nói những lời phạm đến nơi thánh và lề luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giê-su người Na-da-rét ấy sẽ phá hủy nơi này và thay đổi những tục lệ mà Môi-sê đã truyền lại cho chúng ta.. Toàn thể cử tọa trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Stê-pha-nô và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ” (Cv 6, 10-15).

Qua bài diễn từ, thánh Stê-pha-nô muốn làm nổi bật lên những sự chống đối, bất trung của dân Chúa qua dòng lịch sử. Ngài đề cao vai trò và địa vị của Chúa Ki-tô, khi đưa ra hình ảnh Môi-sê. Môi-sê là hình ảnh Chúa Giê-su, đền thờ đích thực không phải là đền thờ do tay người ta làm ra, được xây nên ở Giê-ru-sa-lem, mà đền thờ đó là chính Chúa Giê-su. Rồi khi thánh Stê-pha-nô kết thúc bài giảng bằng lời tố cáo tội họ sát hại các ngôn sứ và cả việc đóng đinh Chúa Giê-su nữa, thì ai cũng hiểu rằng ngài đã làm cho những người Do-thái đang ngồi xử ngài phải giận điên lên và căm thù ngài như thế nào. Đang khi đó, thánh nhân được đầy ơn Thánh Thần, Người đăm đăm nhìn trời như để báo cho đám người điên dại kia hãy mở mắt, mở tai ra mà nhìn và nghe một sự thật mà ngài đã rao giảng. Ngài thấy vinh quang Thiên Chúa và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. Nhưng những người cố chấp và cứng lòng đó đã la ó, bịt tai và đồng loạt xông vào lôi người thánh ra ngoài thành mà ném đá cho chết, để nguội lửa căm thù đang sôi sục trong lòng họ. Trong khi đó, người thánh vẫn bình tĩnh cầu nguyện với Đấng mà ngài đã tin và hằng rao giảng: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con”. Rồi quì gối xuống, ngài nói lên lời tha thứ như tiếng vọng lại lời tha thứ của Đức Giê-su trên thập giá xưa: lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.

KẾT LUẬN

Trải dài trong Cựu Ước và tiếp đến trong Tân Ước, ơn “Can đảm” là một trong những nét đặc trưng không thể thiếu của những con người có liên hệ tới Thiên Chúa. Chúng ta thấy các nhân vật trong Tin mừng từ cá nhân cho tới tập thể một cách nào đó, cho dù nhát đảm nhưng cuối cùng cũng can đảm vì Chúa, vì đời sống niềm tin của mình. Họ can đảm chịu đựng, can đảm chờ đợi, can đảm vì có Chúa ở cùng.... Dĩ nhiên, can đảm không chỉ là ý muốn của con người mà còn có ơn Chúa ban. Ngay ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ được ơn Chúa ban, can đảm lên đường rao giảng và làm chứng về Đức Ki-tô Phục Sinh. Tiếp đến, các cộng đoàn tiên khởi can đảm sống niềm tin của mình trong các hang toại đạo suốt một thời gian dài (khoảng 4 thế kỉ đầu).

Sau đó, “Giáo hội hầm trú” đã tỏa lan tới muôn phương cho tới nay với những chứng nhân can đảm qua mọi thời. Sự “Can đảm” ấy không chỉ có nơi tập thể mà còn ở nơi những cá nhân. Biết bao những mẫu gương can đảm sống cho đức tin Tông truyền, trong đó 118 các vị thánh tử đạo tại Việt nam là chứng nhân cho Tin mừng trên quê hương Việt. Không thể kể hết được, từ thường dân cho tới quan chức và hàng phẩm trật trong Giáo hội.

Tóm lại là từ các thành phần trong Giáo hội, nhờ ơn “Can đảm” mà họ đã sống và làm chứng cho đức tin một cách ngoan cường. Cái chết của họ là một sự can đảm, nhưng sự can đảm đó không phải là của kẻ ngông cuồng hay điên loạn, sự can đảm đó không phải là của kẻ ngu dại hay ép buộc, mà sự can đảm đó là của những con người có Chúa ở cùng. Họ tự do và xác quyết trong những quyết định khôn ngoan của mình. Họ vui mừng vì được can đảm và chết cho chính những gì mình tin.

***

Tài Liệu Tham Khảo

1. ISBE Encyclopedia Dictionary in Bible Works in DVD. Version 8.0.013z.1. 2009: The New International Version (NIV), 1984; The New King James Version (NKJV), 1982;…

2. “Kinh Thánh Tân Ước – bản dịch có hiệu đính”. Nhóm CGKPV dịch và chú thích. Hà Nội: Tôn Giáo, 2008.

3. Nguyễn Ngọc Rao. Lịch Sử Dân Thiên Chúa Trong Cựu Ước. 2006.