Vinh Sơn Ngô Đức Duy, OP.
DẪN NHẬP
Không giống như những suy tư thần học được phát triển sau này, “Can đảm” trong Kinh Thánh không phải là một đề tài tập trung hay được bàn luận theo chủ điểm có tính cách hệ thống. Thật vậy, người đọc có thể bắt gặp thấy lòng “Can đảm” này hầu như rải khắp các bản văn Cựu Ước và Tân Ước. Hơn thế nữa, tuỳ vào từng bối cảnh và nhất là tuỳ theo ý nghĩa mạc khải được thông truyền mà “Can đảm” còn được hiểu theo những mức độ và cung bậc khác nhau. “Can đảm” trong bối cảnh và mạc khải Cựu Ước thể hiện một sắc thái khác, trong khi đó, các bản văn Tân Ước lại trình bày lòng “Can đảm” theo một sắc thái khác. Tuy nhiên, nếu đặt vào dòng chảy của lịch sử cứu độ, người đọc vẫn có thể khám phá thấy những tiêu chuẩn đặc thù cho lòng “Can đảm” này trong từng giai đoạn khác nhau và nhận ra sự bổ túc làm hoàn trọn ý nghĩa của lòng “Can đảm” ấy trong Kinh Thánh.
Một khi đã nắm bắt được những ý nghĩa phong phú của từ “Can đảm” qua các bản văn Kinh Thánh, người đọc có thể áp dụng cụ thể biểu hiện của sự “Can đảm” này nơi mẫu gương các nhân vật điển hình dọc dài tiến trình mạc khải. Nhờ đó, người đọc được bổ túc và hiểu rõ hơn đâu là ý nghĩa đích thực, đâu là nguồn gốc và đâu là chủ đích những biểu hiện của lòng “Can đảm” này nơi các nhân vật của Kinh Thánh. Sau cùng, hoa quả của lòng “Can đảm” được khám phá nơi mạc khải Kinh Thánh lại được hiện tại hoá nơi gương sống của các Kitô hữu qua mọi thời trong phần kết luận của bài viết này.
Như vậy, nội dung bài viết sẽ gồm hai phần chính: (1) Ý nghĩa từ “Can đảm” trong các bản văn Kinh Thánh (2) Những mẫu gương “Can đảm” trong Kinh Thánh.
A. Ý NGHĨA TỪ “CAN ĐẢM” TRONG CÁC BẢN VĂN KINH THÁNH
I. Cựu Ước
“Can đảm” là một đề tài được nói rất nhiều trong Cựu Ước. Con người can đảm trong khi thi hành nhiệm vụ, can đảm trong việc tuân giữ luật Đức Chúa,... Vì vậy, đề tài “Can đảm” trong Cựu Ước được trình bày với các mục sau: (a) Những bản văn biểu hiện lòng “Can đảm” (b) Nhận xét: Những từ ngữ trong Cựu Ước nói về can đảm và tiêu chuẩn nhận ra lòng can đảm trong Cựu ước.
1. Bản văn
a. Can đảm tiến vào Đất Hứa theo lệnh Chúa
Khi dân Ít-ra-en chuẩn bị tiến vào đất Ca-na-an, Đức Chúa truyền lệnh cho ông Mô-sê sai người đi do thám đất Ca-na-an (Ds 13,2). Ông Mô-sê đã làm theo lệnh của Đức Chúa, sai những người đã được chọn ra đi và nói với họ rằng “Anh em hãy qua miền Ne-ghép mà lên, lên miền núi. Anh em sẽ xem đất, xem nó thế nào, dân ở đó mạnh hay yếu, ít hay nhiều, đất họ ở tốt hay xấu, thành thị của họ là lều trại hay đồn luỹ, đất đai màu mỡ hay cằn cỗi, có cây cối hay không. Anh em hãy can đảm, và lấy ít hoa trái miền đó đem về” (Ds 13,17b-20). Họ đã can đảm ra đi và làm theo lời khuyên của ông Mô-sê (Ds 23,21-24).
Vì không thể vào Đất Hứa với dân theo lệnh Đức Chúa (Đnl 31,2), ông Mô-sê gọi ông Giô-suê, phụ tá của ông Mô-sê (Gs 1,1) đến để trao quyền dẫn dân vào miền đất này. Ông Mô-sê đã khuyến khích ông Giô-suê bằng những lời sau: “Mạnh bạo lên, can đảm lên! Chính anh sẽ cùng với dân này vào đất ĐỨC CHÚA đã thề với cha ông họ rằng Người sẽ ban cho họ; chính anh sẽ cho họ hưởng đất ấy làm gia nghiệp. Chính ĐỨC CHÚA đi phía trước anh, chính Người sẽ ở với anh; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh. Đừng sợ, đừng hãi!” (Đnl 31,7-8). Điều giúp ông Giô-suê có được sự can đảm đó là vì “Đức Chúa đi trước và ở với ông”.
Sau đó, Đức Chúa phán với Giô-suê như sau: “Mạnh bạo lên, can đảm lên! Vì chính ngươi sẽ cho dân này chiếm đất ấy làm gia nghiệp, đất mà Ta đã thề với cha ông chúng là Ta sẽ ban cho chúng” (Gs 1,6). Ông Giô-suê can đảm làm theo lời Đức Chúa phán.
Như vậy, dân Ít-ra-en cũng như vị thủ lãnh của họ có được sự can đảm để tiến vào Đất Hứa là do làm theo lệnh của Đức Chúa, chính Người ở cùng và che chở họ.
b. Can đảm chiến đấu vì có Chúa trợ giúp
Ông Giô-suê lãnh đạo dân Ít-ra-en vào Đất Hứa rất tốt đẹp. Ít-ra-en đã trở nên hùng mạnh. Ông Giô-suê đã kêu gọi dân Ít-ra-en cứu viện Ghíp-ôn để chống lại liên minh năm vua E-mo-ri (Gs 10,5). Trong trận chiến này, nhờ sự giúp đỡ của Đức Chúa (Gs 10,10-15), dân Ít-ra-en đã chiến thắng và bắt được năm vua (Gs 10,23). Ông kêu gọi những tướng lãnh tháp tùng ông thi hành việc tử hình năm vua này bằng mệnh lệnh sau: “Đừng hãi, đừng sợ; mạnh bạo lên, can đảm lên! Vì ĐỨC CHÚA sẽ xử như thế này với mọi địch thù mà anh em sẽ phải nghênh chiến.” Họ đã can đảm thực hiện công việc này.
Khi đối đầu với quân Am-mon, A-ram Xô-va, A-ram Rơ-khốp, Tốp và Ma-a-kha, vua Đa-vít đã sai tướng Giô-áp chống lại quân thù. Đứng trước thế lực rất mạnh, ông Giô-áp đã kêu cầu quân lính Ít-ra-en bằng những lời sau: “Can đảm lên, chúng ta hãy tỏ ra can đảm, vì dân chúng ta và vì các thành của Thiên Chúa chúng ta! Xin ĐỨC CHÚA thực hiện điều Người coi là tốt!” (2Sm 10,12; xc 1Sb 19,13). Quân lính Ít-ra-en đã can đảm chiến đấu và đã chiến thắng vì Đức Chúa trợ giúp họ.
Cũng thế, vua Khít-ki-gia chuẩn bị đương đầu với quân Xan-khê-ríp (2Sb 32,3). Vua dũng cảm và dứt khoát khuyên dân tin tưởng vào Chúa như sau: “‘Mạnh bạo lên! Can đảm lên! Đừng sợ hãi, đừng kinh khiếp trước mặt vua Át-sua và trước tất cả đám đông đi với vua ấy, bởi vì Đấng ở với chúng ta mạnh hơn những người ở với vua ấy. Ông ta chỉ có sức mạnh phàm nhân, còn chúng ta có ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng phù hộ và chiến đấu bên cạnh chúng ta.’ Dân chúng được khích lệ vì những lời lẽ của Khít-ki-gia, vua Giu-đa” (2Sb 32,7-8).
Như vậy, dân Ít-ra-en có được sự can đảm để chiến đấu hay thực thi một mệnh lệnh nào đó là vì có sự trợ giúp của Đức Chúa hay vì làm theo hành động Đức Chúa hoặc có Đức Chúa ở cùng.
c. Can đảm của kẻ có Chúa ở cùng
Sau khi cướp phá miền Ne-ghép và thành Xích-lắc, người A-ma-lếch đã bắt đàn bà và mọi người trong thành làm tù nhân (1Sm 30,1-2), Đa-vít và các quân binh của ông rất đau khổ. Nhưng trong hoàn cảnh đó, “ông Đa-vít lấy lại được can đảm, nhờ Đức Chúa, Thiên Chúa của ông” (1Sm 30,6). Từ sự can đảm đó, ông và quân lính của ông đã đuổi theo quân A-ma-lếch, giết chúng và đã giải thoát được những tù nhân (1Sm 30,18).
Và khi nghe tin người Gia-vết miền Ga-la-át đã chôn cất vua Sa-un, vua Đa-vít đã sai sứ giả đến với người Gia-vết, cám ơn vì hành động tốt lành họ đã làm với vua Sa-un và khuyên họ: “Giờ đây, anh em hãy mạnh bạo lên, hãy tỏ ra là những người can đảm, vì chúa thượng của anh em là vua Sa-un đã chết. Còn tôi thì nhà Giu-đa đã xức dầu tấn phong làm vua của họ” (2Sm 2,7). Câu này muốn ám chỉ rằng vua Đa-vít sẽ là Vua của họ và sẽ ở với họ. Việc vua ở với họ cũng đồng nghĩa với Đức Chúa ở với họ, vì Đa-vít đã được xức dầu.
Vậy, vua Đa-vít cũng như dân Ít-ra-en can đảm lên được để sống và hành động là vì có Đức Chúa ở cùng với họ.
d. Can đảm chết để giữ Lề Luật Chúa
Khi thay ông Mô-sê đưa dân Ít-ra-en vào Đất Hứa, ông Giô-suê được Đức Chúa phán phải can đảm để tuân giữ Lề Luật như ông Mô-sê đã làm hầu ông được thành công trong nhiệm vụ mới này. Đức Chúa phán như sau: “Ngươi phải mạnh bạo và rất can đảm, để lo thi hành tất cả Lề Luật, mà Mô-sê tôi trung của Ta đã truyền dạy ngươi. Đừng đi trệch bên phải bên trái, ngoài Lề Luật, để được thành công ở bất cứ nơi nào ngươi đi tới” (Gs 1,7).
Đứng trước sức ép kẻ thù hùng mạnh Ni-ca-vo và Goóc-ghi-át, ông Giu-đa Ma-ca-bê khích lệ dân quân bằng những sự kiện chiến đấu lịch sử được Thiên Chúa Toàn Năng trợ giúp và Ngài đem lại chiến thắng cho dân. Chính “nhờ lời ông nói mà dân quân thêm can đảm và sẵn sàng chết vì Lề Luật, vì tổ quốc” (2Mcb 8,21). Và quả thật, nhờ sự giúp đỡ của Đấng Toàn Năng, họ đã can đảm chiến đấu và chiến thắng (2Mcb 8,24).
Có một sự tiệm tiến trong việc can đảm giữ Lề Luật: từ việc dân Ít-ra-en can đảm để giữ Lề Luật đến việc can đảm chết vì Lề Luật. Họ can đảm giữ Lề Luật và chết cho Lề Luật là vì có Đức Chúa là động lực chính giúp họ thực thi. Người sẽ luôn ở cùng họ khi họ tuân giữ Lề Luật.
e. Can đảm trong chịu đựng và chờ đợi
Tương phản với Ê-đôm bị xét xử thành nơi hoang phế (Is 34,1-17), Giê-ru-sa-lem lại nhận được lời hứa cứu độ, sa mạc sẽ nở hoa đón dân thánh trở về Xi-on (Is 35,1-10). Đối với những kẻ nhát gan, I-sai-a kêu gọi họ chịu đựng và chờ đợi ngày Thiên Chúa cứu độ họ bằng những lời sau: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em” (Is 35,4).
Cũng trong tư tưởng chịu đựng và chờ đợi, ông I-sai-a kêu gọi dân chúng can đảm lên vì Đức Chúa sẽ cho xuất hiện người hùng là vua Ki-rô để giải thoát họ: “Người nào cũng giúp đỡ đồng bạn và nói với anh em mình: ‘Can đảm lên!’ Thợ điêu khắc động viên thợ bạc, kẻ dùng búa để mài khích lệ người đập đe, khen mối hàn là tốt, rồi lấy đinh đóng chặt tượng thần cho khỏi chuyển khỏi lay” (Is 41,6-7).
Điều làm dân can đảm chịu đựng và chờ đời được là vì Đức Chúa sẽ cứu dân. Như vậy, sức mạnh hay sự cam đảm của dân có được xuất phát từ Đức Chúa.
f. Can đảm trong kiên trì kêu cầu Thiên Chúa
Khi dân Ít-ra-en bị lưu đày ở Ba-by-lon, Giê-ru-sa-lem được nhân cách hoá như một bà mẹ của dân tộc an ủi các dân (Br 4,17) và tiên báo với họ rằng: Thiên Chúa sẽ cứu họ và biến đổi nỗi sầu thành niềm vui, vì thế, các con (dân Ít-ra-en) hãy can đảm lên để không ngừng cầu nguyện mà xin Thiên Chúa đoái thương: “Mẹ đã cởi áo đẹp của lúc an vui thái bình, khoác áo thô để van xin khẩn nguyện. Suốt chuỗi ngày còn sống, mẹ sẽ gào lên Đấng Vĩnh Hằng. Can đảm lên nào, hỡi các con, hãy cứ kêu lên cùng Thiên Chúa. Chính Người sẽ giải thoát các con khỏi quân bạo tàn, khỏi tay thù địch” (Br 4,21).
Và sự kiên trì cầu nguyện của họ đã được Thiên Chúa đoái nhìn: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa; và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng” (Br 5,1-2).
Lời hứa Thiên Chúa sẽ cứu độ họ hay sự trợ giúp của Ngài là động lực chính giúp dân bị lưu đày kiên trì kêu cầu Thiên Chúa. Như vậy, sự can đảm trong kiên trì ấy vẫn xuất phát từ chính Thiên Chúa.
2. Nhận xét
a. Từ ngữ
Hạn từ “Can đảm” được chuyển dịch từ hạn từ “courage” trong tiếng Anh. Thế nhưng, trong Kinh Thánh, hạn từ “courage” lại được chuyển dịch từ các hạn từ[1] trong tiếng Híp-ri: Häzaq (qz:x'), ´amëc (#mea'), Hayil (lyIx;) và Hy-lạp: ischyô (ivscu,w) và eu-tharsês (euv&qarsh,j, e,j, [qa,rsoj]).
+ Động từ Häzaq (qz:x') có nghĩa: (1) làm trở nên mạnh mẽ (1V 2,2), áp đảo (1V 20,23); (2) Có sự can đảm, dũng cảm, dũng khí (2Sm 2,7), đứng vững, cương quyết, gan dạ (Is 41,6) và mạnh mẽ (Gs 1,6); (3) làm cho vững chắc (Tv 147,13), cho mạnh (Ed 30,24), khuyến khích, cổ vũ (2Sm 11,25), hỗ trợ (2Sb 29,34); (4) cầm nắm (St 19,16), gắn bó với Thiên Chúa (1V 9,9); (5) thể hiện sự can đảm (St 48,2), bày tỏ sức mạnh (2Sb 1,1; 17,1), trở nên hùng mạnh (2Sb 12,13). Tính từ Häzäq (qz"x') có nghĩa là: chắc chắn, cứng rắn (Ed 3,9), vững mạnh, khoẻ mạnh (Xh 3,19).
+ Động từ ´amëc (#mea') có nghĩa: (1) trở nên mạnh mẽ, chắc chắn (St 25,23), trở nên dũng cảm, mạnh bạo (Đnl 31,7; Gs 1,9); (2) làm cho mạnh, trở nên mạnh, vững chắc đối với cơ sở vật chất (2Sb 24,13; Tv 27,14) hoặc mạnh mẽ trong chiến tranh (Nk 2,2).
+ Danh từ Hayil (lyIx;) có nghĩa: (1) sức mạnh, quyền năng (1Sm 2,4); (2) sự giàu có, tài sản (St 34,29; Đnl 8,16), người can đảm (Gđt 11,1); (3) quân đội (Xh 14,4). Ý nghĩa nền tảng của động từ này là “làm cho chắc chắn, mạnh mẽ” (Tv 10,5). Ngoài ra, đối với danh từ, danh từ này được sử dụng 20 lần để nói về sức mạnh của Thiên Chúa (Tv 59,11), từ Thiên Chúa (Tv 18,32), sức mạnh tự nhiên của con người (Gv 10,10).
+ Động từ ischyô (ivscu,w) có nghĩa: trở nên hùng mạnh, mạnh mẽ (1Mcb 2,64; 3,58).
+ Danh từ eu-tharsês (euv&qarsh,j, e,j, [qa,rsoj]) có nghĩa: sự can đảm tuyệt vời, việc làm cho can đảm, bảo đảm (2Mcb 8,21).
Ngoài ra, trong Cựu Ước còn sử dụng tính từ dynatos (dunato,j, h,, o,n) với ý nghĩa: hùng mạnh, có năng lực, vững chắc (1Mcb 3,58).
Tóm lại, nhìn dưới khía cạnh từ ngữ, “Can đảm” cũng là mạnh bạo, dũng cảm, hùng mạnh, vững chắc, gan dạ,... và cũng được hiểu như là một nhân đức mạnh mẽ trong hành động hầu đáp trả lại những hoàn cảnh hay kẻ thù ức hiếp cũng như để thực thi mệnh lệnh và giữ luật của Thiên Chúa.
b. Tiêu chuẩn nhận ra lòng “Can đảm” trong Cựu Ước
+ Sứ vụ: dành cho cá nhân hay tập thể.
+ Phẩm chất cá nhân: mạnh mẽ, ý chí, tinh thần dân tộc.
+ Kính sợ Thiên Chúa: phó thác.
Tóm lại, sự “Can đảm” của dân Ít-ra-en trong Cựu Ước có thể hiểu là sức mạnh để dân thi hành một sứ vụ hay tuân giữ Lề Luật, hoặc kiên trì chờ đợi Thiên Chúa cứu. Sự “Can đảm” này có được là vì có Đức Chúa ở cùng, làm theo mệnh lệnh Đức Chúa và có sự trợ giúp của Ngài. Nói cách khác, sự “Can đảm” này chỉ có được khi dân Ít-ra-en biết nương tựa vào Đức Chúa, Đấng Toàn Năng luôn ở và nâng đỡ họ. Trái lại, khi rời xa Thiên Chúa, lòng “Can đảm” của dân Ít-ra-en sẽ không còn.
II. Tân Ước
1. Bản văn
a. Vững tâm trong cuộc chiến với sự dữ vì có sự hiện diện của Đức Giê-su
***Các bản văn Tin mừng
Trong bối cảnh Đức Giê-su đi trên mặt biển hồ, lời Người trấn an các môn đệ vừa tác động đến niềm tin của các ông, vừa tăng thêm lòng can đảm cho các ông, vì hình ảnh Người bước đi trên mặt nước tiên trưng cho chiến thắng của Người trước thế lực sự dữ.
* Lời động viên này được đọc thấy trong bản văn Mát-thêu và Mác-cô:[2]
+ Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” (Mt 14,27).
+ Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” (Mc 6,50).
* Tin mừng Gio-an cũng cho thấy một hoàn cảnh tương tự:
+ “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).
Một bối cảnh khác cho lời động viên này được đọc thấy trong hoàn cảnh của những bệnh nhân, những người đang phải chiến đấu với bệnh tật, mà bệnh tật cũng là biểu hiện của thế lực sự dữ:
+ Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi !” (Mt 9,2).
+ Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa (Mt 9,22).
+ Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy !” (Mc 10,49).
***Các văn phẩm khác
Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại thị kiến Đức Giê-su khích lệ ông Phao-lô và truyền cho ông làm chứng ở Rô-ma:
+ Đêm ấy Chúa đến bên ông Phao-lô và nói : "Hãy vững lòng ! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Giê-ru-sa-lem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rô-ma nữa” (Cv 23,11).
b. Trở nên mạnh mẽ, kiên cường trong Thiên Chúa và chịu đựng nghịch cảnh
***Các bản văn Tin Mừng
Bản văn Lu-ca dùng cùng một chữ krataiou/to trong tiếng Hy-lạp (lối trình bày, thì quá khứ, dạng thụ động, ngôi 3, số ít) trong cả hai trường hợp khi nói về trẻ Gio-an và trẻ Giê-su:
+ “Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en” (Lc 1,80).
+ “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).
Ở một đoạn khác, bản văn Lu-ca lại dùng u`pomonh/| (danh từ, giống cái, ở tặng cách) chữ để diễn tả sự kiên nhẫn, chịu đựng chờ đợi công trình Thiên Chúa được tỏ lộ:
+ “Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả” (Lc 8,15).
+ “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19).
***Các văn phẩm khác
Bản văn Công vụ Tông đồ sử dụng 2 từ là euvqumei/te và qa,rsoj để nói về sự “Can đảm” trong trình thuật hành trình của Phao-lô:
+ Cv 27,22.25.36; 28,15: “… Nhưng giờ đây tôi khuyên các bạn cứ can đảm, vì không ai trong các bạn phải mất mạng đâu, chỉ mất tàu thôi…Vì thế, thưa các bạn, hãy can đảm lên! Tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa: sự việc sẽ xảy ra đúng như lời đã phán với tôi…Mọi người lấy lại được can đảm và họ cũng ăn uống… Các anh em ở Rô-ma nghe tin chúng tôi tới thì đến tận chợ Áp-pi-ô và Ba Quán đón chúng tôi. Thấy họ, ông Phao-lô tạ ơn Thiên Chúa và thêm can đảm…”
Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô và thư gửi tín hữu Ê-phê-sô nói đến việc phải kiên cường hay được củng cố mạnh mẽ (krataiou/to) trong niềm tin nhờ Thần Khí:
+ “Hãy tỉnh thức, hãy đứng vững trong đức tin, hãy sống cho đáng bậc nam nhi và ăn ở kiên cường” (1Cr 16,13).
+ “Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng” (Ep 3,16).
Có khá nhiều các thư sử dụng thuật ngữ khác (u`pomonh) để nói về sự kiên nhẫn, chịu đựng trong thử thách và đức tin:
+ Rm 2,7; 5,3-4; 8,25: “…Những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời… Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên ; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy…Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ…”
+ 2Cr 1,6; 6,4; 12,12: “Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu…Anh em đã thấy thực hiện nơi anh em những dấu chỉ của sứ vụ Tông Đồ : nào là đức kiên nhẫn hoàn hảo, nào là những dấu lạ điềm thiêng, nào là các phép lạ” .
+ “Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Ki-tô. Đề phòng lối sống vô kỷ luật: cơn sốt quang lâm!” (2Tx 3,5).
+ “Phần anh, anh đã theo sát đạo lý, cách sống, dự định của tôi ; anh đã thấy lòng tin, sự nhẫn nại, lòng yêu mến, sự kiên trì của tôi…” (2Tm 3,10).
+ “Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại”. (Tt 2,2).
+ Gc 1,3; 5,11: “… Vì như anh em biết : đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn… Kìa xem : chúng ta tuyên bố: phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì ! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp và đã thấy mục đích Chúa nhắm, vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu…”
Sách Khải huyền cũng cho thấy sự kiên trì chịu đựng, lòng kiên nhẫn của những tín hữu đang gặp gian truân, bách hại từ phía đế quốc Rô-ma:
+ Kh 1,9; 2,2; 13,10: “… Tôi là Gio-an, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giê-su. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pát-mô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su… Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi. Ta biết ngươi không thể chịu đựng kẻ ác. Ngươi đã thử thách những kẻ xưng mình là tông đồ, mà thực ra không phải, và ngươi đã thấy rằng chúng là những kẻ nói dối… Ai phải đi đày thì đi đày, ai phải chết vì gươm thì sẽ chết vì gươm. Đây là lúc dân thánh cần phải có lòng kiên nhẫn và đức tin”.
2. Nhận xét
a. Từ ngữ
Như trong phần bản văn đã trình bày, Tân Ước cho thấy lòng can đảm được thể hiện qua nhiều thuật ngữ khác nhau trong từng bối cảnh khác nhau:[3]
+ qarse,w là hình thức khác của động từ qarre,w, nghĩa là: “Can đảm lên! Dũng cảm lên! Đừng sợ!”, xuất hiện trong các bản văn Mt 9,2.22; 14,27; Mc 6,50; 10,49; Ga 16,33; Cv 23,11.
+ krataiou/to xuất phát bởi krataio,w xuất hiện như là biểu hiện của tính “Can đảm” qua việc trở nên mạnh mẽ, kiên cường và vững vàng trong các bản văn Lc 1,80; 2,40; 1Cr 16,13; Ep 3,16.
+ u`pomonh xuất phát từ u`pomonh,, h/j, h`, có nghĩa là: (1) kiên nhẫn, chịu đựng, can đảm, kiên định, bền chí trong các bản văn Lc 21,19; Rm 2,7; 5,3; 8,25; 2Cr 12,12; 2Tx 3,5; Gc 1,3; 5,11; Kh 2,2; 13,10 (2) (kiên nhẫn) mong đợi trong Kh 1,9.
+ euvqumei/te xuất phát bởi euvqume,w , có nghĩa là giữ lại sự “Can đảm” trong Cv 27,22.25.36.
+ qa,rsoj xuất phát bởi qa,rsoj, ouj, to, , có nghĩa là “Can đảm” như thấy trong Cv 28,15.
Như vậy, sự “Can đảm” trong Tân Ước được lột tả chủ yếu dưới khía cạnh của những phẩm tính: vững mạnh, bền trì, kiên trì, nhẫn nại, chịu đựng, kiên nhẫn. “Can đảm” trong Tân Ước cho thấy khía cạnh thứ hai của nhân đức này tức là thể hiện yếu tố nội tâm hơn là hành động thể hiện bên ngoài, là chịu đựng hơn là tấn công đáp trả. Tuy thế, sự chịu đựng ở đây không phải là sự “bị động tình thế” nhưng là bền gan, kiên trì trong mọi nghịch cảnh vì tin vào Đức Giê-su Phục Sinh. Chính niềm tin phục sinh tạo nên sức nội tâm mạnh mẽ lướt thắng những sợ hãi, mà sợ hãi lớn nhất đó là cái chết. Trong mọi hoàn cảnh, đức “Can đảm” trong Tân Ước cho thấy đỉnh cao của lòng “Can đảm” không phải là chiến thắng cái chết cho bằng tự nguyện hy sinh mạng sống hay liều mất mạng sống vì Tin Mừng.
b. Tiêu chuẩn nhận ra lòng “Can đảm” trong Tân Ước
+ Niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh: nhờ có niềm tin này, các nhân vật Tân Ước cho thấy lòng can đảm thể hiện qua sự chịu thiệt thòi vì Tin Mừng.
+ Sống đời sống mới trong đức tin: nhờ phẩm tính can đảm mà sống theo các tiêu chuẩn của người môn đệ Đức Giê-su trước những bách hại đến từ thế gian.
+ Xả thân vì Tin Mừng: trong đời sống và bằng giá máu.
B. NHỮNG MẪU GƯƠNG “CAN ĐẢM” TRONG KINH THÁNH
I. Cựu Ước
Như đã trình bày trong phần dẫn nhập và tìm hiểu về từ ngữ, biểu hiện của lòng “Can đảm” nơi các nhân vật trong Sách Thách là một kho tàng phong phú trải đều theo dòng thời gian. Có thể nêu ra ở đây những mẫu gương tiêu biểu của các nhân vật Cựu Ước, cả nam lẫn nữ, được chọn lọc theo dòng lịch sử cứu độ.
1. Các Ngôn sứ - Thủ lãnh - Vua
a. Ông Mô-sê – Vị ngôn sứ vĩ đại của Ít-ra-en
Nói về gương can đảm của các nhân vật trong Cựu Ước, trước hết chúng ta phải kể đến vị ngôn sứ vĩ đại là ông Mô-sê. Tìm hiểu trong các trình thuật của Kinh Thánh, không có chương nào dùng hạn từ “can đảm” để nói về nhân vật Mô-sê. Nhưng khi nhìn lại hành trình và con người của ông, chúng ta có thể thấy nơi con người Mô-sê toát lên một mẫu gương về can đảm.
Theo những gì Kinh Thánh thuật lại, chúng ta rất dễ nhận thấy Mô-sê hiện lên như một vị anh hùng vĩ đại. Một người lãnh đạo kiệt xuất với chiến công lẫy lừng khi vâng lệnh Chúa lãnh đạo dân Ít-ra-en thực hiện cuộc Xuất hành thoát khỏi ách nộ lệ Ai-cập. Tất cả những chiến công ấy không làm toát lên nơi con người Mô-sê với lòng can trường cho bằng lộ rõ con người với sức mạnh của việc tuân phục và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Nhờ thái độ tuân phục Thiên Chúa và dựa vào quyền năng của Thiên Chúa hơn là cậy sức riêng của ông mà ông có thể thực hiện công cuộc giải phóng dân.[4] Thực sự, sức mạnh và lòng can trường mà Mô-sê có được là nhờ tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa.
Hơn ai hết, chính Mô-sê đã ý thức được sự yếu đuối, bất toàn của mình. Trước khi trở thành người lãnh đạo dân Ít-ra-en, ông đã phải đấu tranh với sự giằng co mãnh liệt. Xuất thân từ một người làm nghề chăn chiên, Mô-sê đã nhận thấy mình không đủ khả năng để đảm đương việc lớn lao như thế. Vì vậy, Mô-sê đã nhiều lần do dự và từ chối thoái thác trước lời mời gọi của Thiên Chúa.[5]
Thật vậy, sức mạnh của con người Mô-sê có được khi tin vào lời hứa của Thiên Chúa rằng Người sẽ ở với ông.[6] Thiên Chúa còn cho ông một dấu, nhưng dấu này lại ở trong tương lai: ông không có được những bằng chứng cụ thể về việc ông được gặp gỡ Thiên Chúa và được Người sai đi. Thiên Chúa đòi ông tin hoàn toàn.[7]
Tin tưởng Thiên Chúa luôn ở với mình, Mô-sê đã luôn lắng nghe và thi hành mệnh lệnh của Người. Chính sức mạnh của niền tin tưởng ấy đã giúp Mô-sê vượt qua biết bao khó khăn thử thách khi ông lãnh đạo và sống giữa một đám dân ô hợp “cứng đầu cứng cổ”, tội lỗi, bất trung; luôn kêu trách và đòi hỏi. Là người đại diện, nên dường như mọi trách nhiệm đều hướng về ông. Dân Ít-ra-en kêu trách ông Mô-sê khi họ khát nước[8], khi đói, khi gặp nguy hiểm.[9] Những lúc phải đối diện với muôn vàn khó khăn ấy, trong tâm tưởng tín thác, ông đã tìm đến và ngỏ lời với Thiên Chúa để Người thương ra tay cứu giúp.[10]
Với vai trò là người lãnh đạo của một đám dân “cứng đầu cứng cổ” như thế, Mô-sê như bị sự giằng co giữa đám dân bất trung và Thiên Chúa mà ông tuyệt đối trung thành. Để chu toàn trách vụ được Thiên Chúa trao phó, nhiều khi ông phải đối diện với sự chống đối, sự cô đơn để luôn trung thành tuyệt đối với Thiên Chúa.
Như vậy, sự can nơi con người Mô-sê là sức mạnh của niềm tin. Sức mạnh của Mô-sê chỉ có được khi ông tin tưởng vào lời hứa và quyền năng của Thiên Chúa. Chính thái độ tin tưởng vào lời Chúa hứa đã giúp ông vượt thắng mọi thử thách; trở thành mẫu gương về lòng can đảm.
b. Ghít-ôn – Chiến tướng của niềm tin và can đảm
Nói đến nhân vật Ghít-ôn là nói đến một vị chiến tướng của niềm tin. Ông là người được Thiên Chúa chọn và trao sứ mệnh bảo vệ dân Ít-ra-en trước sự xâm chiếm của quân Ma-đi-an. Qua vị Thần sứ của Đức Chúa, ông Ghít-ôn được hứa là: “Đức Chúa ở với ông”.[11]
Giống như ông Mô-sê, Ghít-ôn cũng ý thức được thân phận yếu kém của mình. Bởi đó, ông do dự trước lời mời gọi thực hiện sứ mệnh của dân Ít-ra-en của Đức Chúa. Nếu như ông Mô-sê viện lý do là không đủ khả năng, thì Ghít-ôn lại lấy cớ là xuất thân từ dòng họ thấp kém trong chi tộc Mơ-na-se, và lại là người nhỏ nhất trong gia đình để từ chối.[12] Nhưng cũng như Môs-ê, Ghít-ôn được Chúa hứa là Người sẽ ở cùng ông: “Ta sẽ ở với ngươi, và ngươi sẽ đáng quân Ma-đi-an như đánh có một người.”[13] Với lời hứa đó, Đức Chúa đã đồng hành với Ghít-ôn và ban sức mạnh để ông chống lại quân thù Ma-đi-an. Sức mạnh mà ông có được và thu lượm được những chiến công hiển hách là nhờ tin vào Thiên Chúa. Việc nghe lệnh Đức Chúa mà chọn có ba trăm chiến binh để đối lại với đạo quân hùng mạnh Ma-đi-an là một minh chứng.[14] Đức Chúa trao tên Go-li-át vào tay Đa-vít sau này, thì Đức Chúa cũng trao vào tay con cái Ít-ra-en doanh trại Ma-đi-an.[15] Dù nhỏ bé, nhưng dưới bàn tay Thiên Chúa thì con cái Ít-ra-en sẽ chiến thắng. Thật vậy, nhờ sự tin tưởng vào Thiên Chúa ra tay trợ giúp mà Ghít-ôn đã lãnh đạo dân Ít-ra-en đánh bại quân Ma-đi-an.
Như vậy, qua những gì Sách Thánh mô tả cho chúng ta có được cái nhìn về con người Ghít-ôn. Ông là một chiến tướng luôn biết đặt hết niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Với thái độ tin tưởng mạnh mẽ vào Thiên Chúa, ông đã lập được những chiến công lẫy lừng. Qua việc tin tưởng của Ghít-ôn, muốn chứng tỏ rằng Thiên Chúa ban sức mạnh và nâng đỡ người Chúa chọn khi đặt để ông vào sứ mệnh giải phóng dân ít-ra-en. Chiến thắng có được là do bởi Thiên Chúa, chứ không phải sức riêng của người phàm.
c. Giu-đa Ma-ca-bê – Chiếc Búa của Thiên Chúa
Khi nói Giu-đa Ma-ca-bê là “búa của Thiên Chúa” có lẽ chúng ta không khó hình dung được sức mạnh của Thiên Chúa thể hiện nơi con người ông. Với những chiến công lẫy lừng, Giu-đa Ma-ca-bê đáng được ca ngợi là người đã “làm cho dân mình được tiếng tăm lừng lẫy; nhờ chiến tích của ông, tổ phụ Gia-cóp được vui lòng thỏa dạ; ông làm cho vua chúa phải ngậm đắng nuốt cay; Tiếng tăm ông vang lừng đến tận cùng cõi đất”.[16]
Thực sự những chiến công mà ông lập được không phải là tự sức riêng của mình, nhưng là tin tưởng vào sự trợ giúp của “Trời”. Mọi chiến thắng, mọi kỳ công là do sức mạnh của “Trời” trợ giúp. Ông đã không quan ngại khi đem “một nhúm người ra nghênh chiến” với quân thù ở đèo Bết Khô-rôn[17] là một minh chứng cho niềm tin của mình. Và sự tin tưởng còn được khẳng định khi Giu-đa động viên các chiến sĩ rằng: “Nhiều người mà bị rơi vào tay một ít người, chuyện đó cũng dễ thôi! Vả lại đối với Trời, dùng ít người hay nhiều người mà cứu thoát cũng chẳng khác nhau. Bởi vì người ta thắng trận không phải nhờ số quân đông đảo, nhưng là nhờ Trời ban sức mạnh cho... Chính Trời sẽ nghiền nát chúng trước mặt chúng ta; vậy anh em đừng sợ”.[18] Qua lời xác quyết ấy, cho thấy sự tin tưởng của ông vào Thiên Chúa là rất mạnh mẽ. Với niềm tin ấy, ông đã bất thần xông vào trận chiến và đánh tan quân thù với khoảng tám trăm người bị tiêu diệt.[19]
Niềm tin của Giu-đa vào sức mạnh từ “Trời” còn được thể hiện trong trận chiến ở Em-mau. Ông nói với quân của mình rằng: “Anh em đừng sợ hãi vì thấy chúng đông đảo, cũng đừng hoảng hốt khi bị tấn công. Hãy nhớ lại: tổ tiên chúng ta đã được cứu thoát như thế nào tại Biển Đỏ, khi bị quân Pha-ra-ô đuổi theo. Vậy, bây giờ, chúng ta hãy kêu lên Trời, xin người thương đến chúng ta. Xin Người nhớ lại giao ước đã thiết lập với tổ tiên mà nghiền nát đoàn quân đang ở trước mặt chúng ta hôm nay.[20]
Như vậy, Giu-đa Ma-ca-bê đã chiến đấu dưới sức mạnh và bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. Chiến thắng của ông là chiến thắng của niềm tin. Những chiến công lẫy lừng mà ông lập được là thể hiện sức mạnh và quyền năng của “Trời”. Vì vậy, Giu-đa Ma-ca-bê không cậy vào sức riêng của mình, mà luôn tin tưởng và cậy trông vào sự chở che của “Trời”.
d. Vua Đa-vít – Vị vua của lòng can đảm và tín thác
Có lẽ Đa-vít được người đời nhắc nhớ mãi là nhờ cuộc song đấu anh hùng với gã khổng lồ Go-li-át.[21] Sức mạnh và lòng dũng cảm của Đa-vít được thể hiện trước hết ở trận chiến đánh bại tên Go-li-át.
Theo trình thuật của Sách Thánh, việc chiến thắng của Đa-vít không phải là do mưu lược hay sự can trường của ông, nhưng là do bàn tay của Đức Chúa và Đức Chúa nộp kẻ thù vào tay ông. Điều này thể hiện rõ trong lời thách đấu của ông đối với tên Go-li-át. Đa-vít thề rằng Gia-vê sẽ bảo vệ ông, nên chấp nhận thách thức ấy. Đa-vít bảo tên Phi-li-tinh: “Ngày hôm nay Đức Chúa sẽ nộp mày vào tay tao, tao sẽ hạ mày và làm cho dầu mày lìa khỏi thân”.[22] Đa-vít tay không tiến lên phía trước, tay không vũ trang, và đã hạ gục tên khổng lồ ấy bằng một viên đá. Thật vậy, ông đến nghênh chiến với đối thủ không phải bằng việc mang gươm giáo, nhưng là “nhân danh Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Ít-ra-en”; chiến thắng là nhờ ân ban từ Đức Chúa.
Sức mạnh và lòng can trường của Đa-vít đã được vua Sa-un ghi nhận và rất ngưỡng mộ. Vì quả thật chàng là một trang chiến binh trẻ tuổi mà dũng cảm lạ thường, đáng làm gương cho những bậc tướng lãnh kỳ cựu nhất. [23]
Một nét son về lòng tin tưởng của ông vào Thiên Chúa luôn bộc lộ là một người công chính khi đã can đảm vượt lên chính mình để tha chết cho vua Sa-un hai lần. Thực sự đây là thể hiện nét cao thượng của Đa-vít khi biết vượt lên sự ghen tỵ nhỏ mọn. Hơn nữa cũng thể hiện được sự công chính khi không nỡ ra tay sát hại người đã được Chúa xức dầu.[24]
Việc vua Đa-vít lập nên những chiến công hiển hách, loại trừ vĩnh viễn nguy cơ Phi-li-tinh, thiết lập một đất nước Ít-ra-en thống nhất và hùng mạnh.v.v.. Tất cả những chiến công ấy, không phải do sức của con người ông, nhưng trước hết là do sự quan phòng của Thiên Chúa. Đa-vít luôn ý thức được việc ông làm được chiến công này, sự nghiệp khác là do sự nâng đỡ và chỉ dẫn của Thiên Chúa. Điều này được thể hiện rõ qua các Thánh vịnh của ông, đặc biệt là Thánh vịnh thứ mười tám.[25]
2. Các nhân vật nữ
Trong Kinh Thánh có rất nhiều phụ nữ được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau. Họ đã đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa bất chấp những điều khác thường vượt quá sức của họ để thể hiện lòng tin, lòng can đảm, tình yêu vào Thiên Chúa.
a. Bà Ta-ma
Trong Sáng thế 38,1-30 có câu kể câu chuyện bà Ta-ma. Bà là con dâu của ông Giu-đa và là cháu ông Giacóp. Giu-đa lập gia đình với một thiếu nữ người xứ Ca-na-an tên là Su-a. Họ có tất cả ba người con mang tên E, Ô-nan và Sê-la. Người con cả E lập gia đình với một thiếu nữ tên Ta-ma nhưng qua đời mà và không để lại con nối dòng. Theo luật Lê-vi, người em kế phải lấy chị dâu mình về làm vợ; thế nhưng vì Ô-nan không muốn có con với chị dâu và cuối cùng cũng chết. Giu-đa bèn cho cô con dâu về lại gia đình trong khi chờ đợi người con thứ ba lớn lên, nhưng trong lòng ông lại nhủ rằng: “không nên để cho thằng này cũng chết như hai anh nó” (St 38,11). Khi vợ ông Giu-đa là bà Su-a qua đời, ông liền đi lên miền Tim-ma tìm thợ xén lông chiên. Người ta liền báo tin đó cho Ta-ma hay. Nàng biết rằng giờ đây Sê-la đã lớn khôn nhưng ông bố vợ không muốn cho nàng lấy làm chồng, tức là Giu-đa không còn tuân giữ luật Lê-vi. Ta-ma liền giả dạng và ngồi làm gái giang hồ tại ngõ Ê-na-gim trên con đường vào Tim-ma. Giu-đa không nhận ra Ta-ma và cho đó là một cô gái điếm và ông muốn ăn ở với nàng. Sau khi hai bên đã thỏa thuận tiền là một con dê mà ông sẽ trả sau này. Ta-ma bằng lòng nhưng còn đòi thêm cái ấn, sợi dây và cây gậy làm tin. Giu-đa chấp nhận, ông ăn ở với nàng và sau đó Ta-ma mang thai. Sau này, Giu-đa gửi con dê đến để lấy lại những vật làm tin; thế nhưng người ta không còn tìm thấy “cô gái giang hồ” đó nữa. Ngược lại, người ta báo tin cho Giu-đa hay cô con dâu của ông đã mang thai. Giu-đa liền nói: “lôi nó ra mà thiêu sống” (St 38,24). Khi bị lôi ra, Ta-ma liền đưa ra những vật làm tin cho biết chính chủ những vật đó đã cho nàng có thai. Trước những vật đó, Giu-đa nhìn nhận và nói: “Nó tín nghĩa hơn tôi! Đúng vậy, vì lẽ ra tôi phải cho nó lấy Sê-la con trai tôi!” (St 38,26). Sau này, Ta-ma sinh đôi và đặt tên là Pe-rét và De-rác. Pe-rét lập gia đình và có con là Ê-trôm nối dõi giòng giống Giu-đa... Từ đó thoát ra dòng tộc Đa-vít.
b. Bà Ra-háp
Trong sách Giô-suê 2,1.4.6 có khuôn mặt bà Ra-háp. Dân Do-thái lưu lạc trong sa mạc gần 40 năm, và họ không biết có đến được đất Giavê hứa ban. Vấn đề thật không dễ vì theo các mật thám do ông Mô-sê gửi đi đưa tin về cho biết miền đất họ mong đến được bảo vệ rất kỹ càng (Ds 13,28), là nơi cư ngụ của những người cao lớn: “chúng tôi thấy mình chỉ như châu chấu so với họ” (Ds 13,33). Ông Giô-suê muốn bảo đảm sự an toàn khi vượt qua sông Gio-đan để chiếm thành Giê-ri-khô, nên gửi hai người mật thám đến đó trước (Gs 2,1). Họ vào nhà một người đàn bà sống nghề đi khách tên là Ra-háp. Tin hai viên mật thám vào đất Giê-ri-khô đến tai nhà vua, ông liền cho người đến tìm bắt họ tại nhà cô gái giang hồ. Rahab liền giấu họ trên sân thượng ở đót những cây gai, và cho người của vua hay những khách đó đã trốn ra khỏi thành trước khi cửa thành đóng, và Ra-háp còn nói: “các ông mau đuổi theo họ, thế nào các ông cũng sẽ bắt kịp” (Gs 2,5). Sau khi họ ra đi, Ra-háp lên sân thượng và nói với hai viên mật thám lòng tin của cô vào Thiên Chúa Ít-ra-en. Cô kể họ nghe những kỳ công Thiên Chúa làm cho dân của Ngài: “chúng tôi nghe đồn mà tâm thần tan rã, không ai còn nhuệ khí nào nữa trước mặt các ông, vì Gia-vê Thiên Chúa của các ông, là Thiên Chúa cả trời cao lẫn đất thấp” (Gs 2,11). Cô cũng xin họ giúp đỡ gia đình cô một mai kia khi quân Ít-ra-en tiến vào Giê-ri-khô và bắt họ thề hứa. Họ chấp nhận, và sau này khi tiến vào chiếm Giê-ri-khô, Giô-suê để Ra-háp và gia đình sống an bình giữa dân Do-thái.
c. Bà Đê-bô-ra
Theo lịch sử các Thẩm Phán vào khoảng thế kỷ thứ 9 trước công nguyên còn có bà Đêbora (4,4-5) làm thẩm phán. Bà đã tập hợp và tổ chức quân đội nhằm giải cứu dân Ít-ra-en thoát khỏi sự chiếm đóng của Gia-vin, vua của Ca-na-an. Chính bà truyền đạt mệnh lệnh cho ông Ba-rắc giết vị vua đang áp bức dân tộc Ít-ra-en. Bà tiên phong ra trận mạc, quyết định tấn công, báo trước bạo chúa sẽ chết bởi bàn tay một phụ nữ. Và bà Gia-en, một người phụ nữ khác, đã kết thúc cuộc chiến tranh ấy bằng cách giết chết Xi-xơ-ra, vị tướng của Gian-vin (x. Tl 4).
d. Hoàng hậu Ét-te – Dũng cảm tín thác vào Chúa
Ét-te là một thiếu nữ Do-thái có tên là Ha-das-sa, được vị vua bang Ba-tư Xơ-xét, hay còn gọi là A-suê-rô, chú ý. Sau khi trở thành hoàng hậu, trong một phần của phiên toà, Ét-te đã liều tính mạng để cứu dân tộc của bà khi vị quan xấu xa Ha-man ra lệnh giết chết tất cả những người Do-thái trong vương quốc. Cuốn sách mang nhiều tình tiết văn chương tiểu thuyết hơn là lịch sử, và dường sách được biên soạn để nói về lễ Xá tội (Pourim) của người Do-thái (Et 9,20-32).
e. Giu-đi-tha – Vị nữ anh hùng
Câu chuyện bà Giu-đi-tha cũng thường được nhiều người biết hơn. Giu-đi-tha là một góa phụ, đẹp, khôn ngoan, đạo đức. Bà nhìn nhận Thiên Chúa như Đức Chúa duy nhất. Bà đã cứu đất nước Do thái khỏi ách vua Na-bu-cô-đo-no-so. Bà đã bỏ tiền, sắc đẹp, lòng can đảm phục vụ cho đất nước đang bị giặc Át-xi-ri xâm chiếm. Khi dân thành Bê-thu-li-a bị bao vây, bà đứng lên ủng hộ họ can đảm, sau đó với mưu kế bà đã đi đến được trại tướng Ho-lo-phê-nê và giết được ông này. Sau đó đoàn quân tướng Ho-lo-phê-nê hoảng sợ bỏ chạy và bà được các trưởng lão nhà Ítraen chúc phúc: “Bà làm cho Giê-ru-sa-lem hãnh diện, cho Ít-ra-en vinh hiển, cho giống nòi chúng ta được vinh dự lớn lao” (Gđt 15,9).
Tóm lại
Qua một số mẫu gương tiêu biểu về nhân đức can đảm của các nhân vật trong Cựu Ước, chúng ta thấy được sức mạnh và lòng can đảm chỉ có được khi tin tưởng và thực thi mệnh lệnh của Thiên Chúa. Chính sự tin tưởng và phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa, mà những người Chúa chọn thực hiện được những kỳ công vĩ đại. Can đảm là luôn biết phó thác, tin tưởng và tuân theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Như thế, can đảm trong Cựu Ước đó là lòng tin tưởng và trung thành với Thiên Chúa; nhân đức can đảm là thực thi đường lối của Chúa. Các nhân vật Chúa chọn trong Cựu Ước có được nhân đức can đảm khi họ tin tưởng và thực thi đường lối của Thiên Chúa.
[1] ISBE Encyclopedia Dictionary in Bible Works in DVD, version 8.0.013z.1, 2009: The New International Version (NIV), 1984; The New King James Version (NKJV), 1982;…
[2] “Chuyện này gợi lại hai sự việc trong Cựu Ước: Thiên Chúa tỏ uy quyền trên hỗn mang nguyên thuỷ để tạo dựng trời đất, và Thiên Chúa khống chế Biển Đỏ để giải thoát Dân Người. Như thế, không những Đức Giê-su tỏ mình là Mê-si-a như trong chuyện hoá bánh ra nhiều, mà hơn nữa, Người còn cho thấy phần nào Người hành động như Thiên Chúa. Quả vậy, đây là cảm tưởng của những kẻ ở trong thuyền lúc đó, vì họ bái lạy Người và tuyên xưng Ngài thật là Con Thiên Chúa. Theo văn mạch, tước hiệu này sâu xa hôn là Mê-si-a”. Xc. Nhóm CGKPV dịch và chú thích “Kinh Thánh Tân Ước – bản dịch có hiệu đính” (Hà Nội: Tôn Giáo, 2008), tr. 108.
[3] Sđd.
[4] Xc., Xh 2, 11-22.
[5] Xc., Xh 3, 11.
[6] Xc., Xh 3,12.
[7] Nhóm CGKPV dịch và chú thích, “Kinh Thánh Cựu Ước - Ngũ Thư - Phần Chú giải” (Hà Nội: Tôn Giáo, 2010), tr. 190.
[8] Xc., Xh. 15, 23-24; 16, 2-3; 17, 2-3; Ds 20, 2-5.
[9] Xc., Ds 14, 2-3.
[10] Xc., Xh 15, 24-25; 17, 4-5.
[11] Xc., Tl 6, 12.
[12] Xc., Tl 6, 15.
[13] Xc., Tl 6, 16.
[14] Xc., Tl 7, 8.
[15] Xc., Tl 7, 15.
[16] Xc., 1Mcb 3, 3-9.
[17] Xc., 1Mcb 3, 16.
[18] Xc., 1Mcb 3, 18-22.
[19] Xc., 1Mcb 3, 23-25.
[20] Xc., 1Mcb 4, 8-10.
[21]Xc., 1Sm 17.
[22]Xc., 1Sm 17, 46.
[23] Xc. Nguyễn Ngọc Rao, Lịch Sử Dân Thiên Chúa Trong Cựu Ước (2006), tr. 114.
[24] Xc. 1Sm 24, 1-8.
[25] Xc. 2Sm 22, 1.