Trần Văn Cảnh
IV. BA THÁNH TỬ ĐẠO ĐÃ THĂNG HOA VĂN HÓA VIỆT NAM
Văn hóa Việt Nam từ thế kỷ XVII đã có thêm tầng thứ năm, đó là tầng Thiên Chúa Giáo. Vào Việt Nam, dẫu bị cấm cản liên tục trong 4 thế kỷ, từ XVII đến cuối XX, nhưng số người lớn vào đạo Công Giáo vẫn tăng, trong đó không chỉ có dân đen, nhưng cả những bậc quan quyền, trí thức. Chiếm khoảng 7% dân số, người Công Giáo đã đóng góp rất nhiều cho quê hương và tổ quốc.
Trên bình diện Văn Hóa, Các Thánh Tử Đạo đã thăng hoa Văn Hóa Việt Nam. Đạo Công Giáo đã đáp ứng những nhu cầu tinh thần và thiêng liêng sâu xa của con người, mà Khổng Giáo, một quốc giáo Việt Nam trong các thế kỷ XVII đến XX, đã tránh né không trả lời [9]. Những nhu cầu này mãnh liệt và mạnh mẽ vô cùng. Chúng có sức rời non, lấp bể, có thể làm cho các tín hữu dám hy sinh mạng sống mình. Đó là điều mà các vị tử đạo Công Giáo đã chứng minh bằng giá máu của mình, đặc biệt là 117 thánh tử đạo, trong đó có cha Năm, ông trùm Đích và ông Lý Mỹ. Các Thánh Tử Đạo không chỉ giữ gìn, thực hiện và sống Văn Hóa Việt Nam, các ngài còn làm cho Văn Hóa Việt Nam vươn cao hơn, thăng tiến hơn, tinh tuyền hơn; đem cho chúng cái giá trị thiêng liêng, đại đồng, vĩnh hằng. Nhiều thăng hoa đã được các Thánh Tử Đạo đưa đến cho Văn Hóa Việt Nam. Nhưng trong văn hóa cương thường Khổng Giáo độc tôn của Việt Nam, hai thăng hoa lớn nhất mà Công Giáo đã góp vào Văn Hóa Việt Nam là thăng hoa tam cương và thêm tầng thiêng liêng vào tầng nhân bản luân thưởng Khổng Mạnh.
1. Ba thánh tử đạo đã, cùng với các thánh tử đạo khác, thăng hoa Văn Hóa tam cang Việt Nam bằng hai bước: trở về nguồn Khổng Mạnh lấy ngũ luân thay tam cang, rồi tiến lên bước thần học tam phụ, sát nhập đạo hiếu vào giới răn thứ tư thảo kính cha mẹ. Được Thánh kinh soi sáng về sự tự do và bình đẳng của nhân quyền, phải nói thật rằng người Công Giáo đã không xác tín về tam cang Khổng Giáo. Trong Phúc Âm Mátthêu, 6, 7-13, Chúa Giêsu đã dậy các môn đệ cầu nguyện với cha của mình là Đức Chúa Cha: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. Ðừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con là Ðấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em”. Như vậy, tất cả mọi người đều là con Thiên Chúa, như Thánh Gioan đã viết trong thơ I của ngài: “Anh em hãy xem, Chúa Cha yêu chúng ta dường nào. Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”. (1Ga 3, 1). Hệ luận là tất cả chúng ta đều tự do và bình đẳng như nhau.
Thật ra không chỉ người Công Giáo đã thấy sự áp bức bất bình đẳng của tam cang. Nhiều kẻ sĩ Việt Nam đã thấy điều đó. Học giả Phan Khôi đã nhận định như sau về tam cang: “Nhà nho đời xưa có bày ra cái thuyết tam cang, cái thuyết đã làm nền móng cho xã hội ta hơn ngàn năm nay, ý cốt của nó là chỉ để tôn quyền quân chủ, lợi cho sự cai trị mà thôi. Do nó mà thành ra cái chế độ gia đình của xứ ta, do nó mà trong gia đình mới có sự áp bách quá thảm hại”.
Quân vi thần cang; phụ vi tử cang; phu vi thê cang. Cang thứ nhứt là nói về quốc gia xã hội; trong một nước, phải coi ông vua là có quyền vô thượng rồi, nhưng chưa đủ, phải thêm cang thứ nhì và thứ ba. Hai cang sau thì nói về gia đình; trong một nhà, lại phải coi cha và chồng cũng có quyền vô thượng nữa. Như vậy để làm gì? Tôi phải phục bọn Hán nho đã vắt bao nhiêu não tủy mà lập ra cái thuyết nầy rất khéo! Làm như vậy là có ý bắt kẻ làm cha làm chồng phải đè đầu con cái và vợ của mình, hầu để giữ giùm cuộc trị an cho nhà vua, chớ chẳng còn có ý nghĩa gì cao thâm hơn nữa hết, ấy luân lý của ta là vậy đó! Cái thứ quốc túy mà có nhiều kẻ đương lo bảo tồn là vậy đó [10]!
Đối với người Công Giáo, hẳn thật ngũ luân thì thích hợp hơn là tam cương. « Ngũ luân tức là: quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu phụ (chồng vợ), huynh đệ (anh em), bằng hữu (bầu bạn). Ngũ là năm, luân là đấng bậc; ngũ luân là một cái tổng cương trong luân lý, như là cái giấy giao kèo để buộc năm đấng bậc ấy phải ở với nhau cách nào. Bởi vì tóm hết thảy người trong xã hội mà chia ra, chẳng qua có năm đấng bậc ấy; mà mỗi một đấng bậc có hai bên đối nhau, thì bên nầy phải có cách đối với bên kia, hầu cho hết bổn phận mình.
Khổng Mạnh khi nào nói đến ngũ luân đều là để phát huy cái ý ấy. Sách Trung dung, chương XX, Khổng Tử nói rằng: Vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bầu bạn: năm điều ấy là cái đạo thông hành của thiên hạ vậy. ở sách Luận ngữ, thiên Nhan Uyên, ngài đáp lời Tề Cảnh Công hỏi mà nói rằng: Vua phải đạo vua; tôi phải đạo tôi; cha phải đạo cha; con phải đạo con. Sách Đại học, chương III, khi nói về Văn Vương, ngài nói rằng: Làm vua người, đỗ ở nhân; làm tôi người, đỗ ở kính; làm con người, đỗ ở hiếu; làm cha người, đỗ ở từ; giao với người trong nước, đỗ ở tín. Lại ở sách Luận ngữ, thiên Bát Dật, đáp lời Định Công hỏi, ngài nói rằng: Vua lấy lễ khiến tôi; tôi lấy lễ thờ vua. Còn Mạnh Tử, ở thiên Đằng Văn công thượng trong sách ngài, ngài cũng nói rằng: Cha con có tình thân; vua tôi có nghĩa; chồng vợ có biệt; kẻ lớn trẻ con có thứ; bậu bạn có tín....
Nói về ba luân vua tôi, cha con, chồng vợ, là ba cái đấng bậc mà danh phận huyễn thù nhau hơn hai cái kia, Thánh Hiền cũng chưa hề nâng một bên nào lên, hạ một bên nào xuống. Đọc hết thảy kinh truyện, những lời chính miệng Khổng Mạnh nói ra, không hề có một lời nào nâng cao người làm vua, làm cha, làm chồng lên, mà đè ẹp người làm tôi, làm con, làm vợ xuống bao giờ. Nhưng, trái lại, trong sách Hiếu kinh lại có dạy rằng: Quân hữu tránh thần, phụ hữu tránh tử, nghĩa là: Vua, nhờ có bầy tôi hay can gián; cha, nhờ có con cái hay can gián. Câu ấy tỏ ra rằng khi người làm vua làm cha không hết bổn phận mình, bầy tôi và con cái có quyền được xét nét. Cái bổn ý của Khổng Mạnh về luân lý là như vậy đó thì làm sao nẩy sanh được tam cang? Cho nên cái thuyết tam cang, hồi đời Khổng Mạnh chưa có, mà trước và sau kề đó cũng chưa có [11].
Vì, như lời thầy Mạnh Tử, “Cha con có tình thân; vua tôi có nghĩa; chồng vợ có biệt; kẻ lớn trẻ con có thứ; bầu bạn có tín”, thứ tự, trước nhất không phải là vua tôi, nhưng là cha con. Điều đó có nghĩa là việc nhân luân phải đi từ gần tới xa, từ cha đến vua, từ hiếu đến trung, từ thân đến nghĩa.
Cha Năm, ông trùm Đích và ông Lý Mỹ, cũng như tất cả các thánh tử đạo khác, thấy vua bất nhân, bất nghĩa đi giết người lành, vô tội và lương thiện, chỉ vì họ là Công Giáo, đã áp dụng nguyên tắc “quân hữu tránh thần” của luân vua tôi để can ngăn vua quan một cách hiền lành và bất bạo động của bậc thánh nhân, bằng cách nhận cái chết một cách vui vẻ, không than trách, mong rằng vua sẽ hiểu ra. Nhưng cơn oán giận, bực tức của các vua quan đã quá mạnh, khiến họ không còn tự chủ được mình, lòng kiêu căng thúc đẩy thêm, họ đã không còn bình tĩnh và khôn ngoan tối thiểu để nhìn ra lẽ phải. Biết nói thế nào được! Ngay đến chính di chúc “không được phép bách hại đạo” trăn trối của cha ruột mình là vua Gia Long, và lời khuyên của mẹ ruột mình “đừng bách đạo”, mà vua Minh Mệnh cũng còn chẳng nghe!
Một số các vị tử đạo còn muốn thăng hoa văn hóa tam cang và ngũ luân thêm một bậc nữa, lồng “cang quân thần” vào “cang tam phụ” của đạo hiếu. Cuộc đối đáp giữa quan tòa và cha Phêrô Nguyễn Văn Tự, dòng Đa Minh, bị bắt ngày 29.6.1838 và bị xử trảm ngày 5.9.1838 dưới thời Minh Mệnh cho thấy cha Tự hiểu sâu xa thần học Tam Phụ, mà các vị truyền giáo đã giảng dạy cho tín hữu Việt Nam, bất đầu từ cha Đắc Lộ, qua kinh bổn và các sách giáo lý “Chân đạo yếu lý” và “Chơn đạo dẫn giải” [12].
Cha Tự bị điệu ra đầu tiên, một trong những quan tòa hỏi cha: “Cha có biết là đức vua rất thương hại cha không? Cha chỉ việc bước qua thập giá là vua sẽ khoan hồng đại lượng với cha. Vì cha vẫn còn trẻ (43 tuổi) hơn nữa cha mới từ miền Nam tới, nên chúng tôi rất buồn nếu phải xử án tử cho cha. Vậy cha nghĩ sao?” Cha Tự trả lời: “Tôi rất kính trọng đức vua nhưng đồng thời xin quan cứ việc xử tôi như người theo đạo Thiên Chúa. Vì Ngài là Chúa cả trời đất nên tôi phải thờ lạy, nếu vua cho phép tôi được sống, tôi hết lòng đa tạ, bằng không nếu vua muốn xử án chết, tôi xin tuân theo, còn ngoài ra với bất cứ giá nào tôi không thể làm theo ý vua”. - “Thôi, đủ rồi! Tôi đã quyết định rồi cha không phải bị hành khổ nữa!”
Cha Tự lại bắt đầu cầu nguyện càng sốt sắng hơn để xin Chúa duy trì đức tin cho hai thầy giảng và bốn giáo hữu. Theo lời tường thuật của giám mục Marti, để dụ dỗ cha quá khóa, ngày 19.8.1838 quan mời cha ngồi chiếu hoa và đàm đạo về giáo lý. Cha gợi truyện với quan: - “Tôi luôn tôn kính ba cha”.- “Ba cha nào?”- “Thiên Chúa là Cha trên trời, là Chúa Tể, là Vua, và cha dưới trần là đức vua, và cha thấp hơn nữa là cha của tôi”. - “Tốt lắm, nhưng cha hãy nghĩ lại đi, nếu vua là cha thay Chúa, Ngài truyền cho cha phải bước qua thập giá mà cha không vâng lời, vậy cha không làm vua phật ý sao?” - “Không phải vậy, khi vua và cha tôi truyền cho tôi làm điều xấu như đạp qua thánh giá là dấu chỉ của Cha trên trời làm sao tôi có thể theo được?”
Rồi hai người vẫn tiếp tục truyện trò: “Tại sao cha không thờ cúng cha mẹ tổ tiên?” - “Khi cha mẹ tôi còn sống tôi rất mực trọng kính các người, tôi lo lắng và săn sóc chu đáo, nhưng khi các ngài chết, các ngài không còn ăn uống nữa vì linh hồn là thiêng liêng không cần gì nữa. Cha mẹ của quan đã mất, mà quan vẫn còn thờ cúng chuối oản như là các ngài còn sống, nếu các ngài ăn được, các ngài đã dùng rồi. Còn như vàng bạc tiền nong gửi cho họ bằng cách đốt đi, nếu giả như họ dùng được tại sao quan lại không đốt vàng thật hay tiền thật? Làm vậy không phải là một trò diễu cợt người chết ư?” [13]
Nghe cha Tự cắt nghĩa về thần học tam phụ như vậy, thì ai còn có thể bảo được rằng người Công Giáo không thờ cúng cha mẹ tổ tiên, không trung thứ với vua quan? Trong mười điều răn đạo Đức Chúa Trời, điều răn thứ bốn dậy “Thảo kính cha mẹ”; Nhưng điều răn thứ nhất dạy “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”.
2. Ba Thánh Tử Đạo lắp thêm tầng thiêng liêng lên tầng nhân bản Khổng Giáo: Thêm vào ngũ luân ngũ thường, Ba thánh mang vào Tin, Cậy, Mến; Thêm vào Tam đa Ngũ phúc, Ba thánh mang vào Tám mối phúc thật. Những khái niệm luân lý chính của Khổng Tử về ngũ luân, ngũ thường không xa với những khái niệm nhân đức Công Giáo ở mức độ nhân bản là bao nhiêu. Đó là Năm nhân đức đối nhân, là những đức tính nhân bản, những xu hướng bền vững, dẫn đến thái độ kiên định và thói quen hướng thiện của lý trí và ý chí; nhờ đó con người điều chỉnh các hành vi và cách sống của mình theo lý trí và đức tin. Có năm đức tính đối nhân: bác ái, khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ. Thêm vào đó, Công Giáo đặc biệt chú trọng đến ba nhân đức đối thần, là những nhân đức quy chiếu trực tiếp về Thiên Chúa như căn nguyên, động lực và là đối tượng. Ba nhân đức này không được Khổng Giáo biết đến. Nhưng đối với Công Giáo, các nhân đức đối thần là nền tảng và linh hồn của toàn bộ đời sống luân lý. Thiên Chúa ban cho ta những nhân đức nầy, để ta có khả năng hành động như con cái Thiên Chúa và đáng hưởng sự sống đời đời. Ba nhân đức đối thần là Tin, Cậy Mến. Đức Tin là một nhân đức nhờ đó ta tin vào Thiên Chúa, tin tất cả những gì Người nói và mặc khải, cũng như những gì Hội Thánh dạy ta phải tin. Đức Cậy đặt hết niềm tin vào một đối tượng, cậy nhờ đối tượng ấy trợ giúp để hoàn thành một tâm nguyện đạt đến cứu cánh vĩnh cửu. Đối tượng duy nhất để cậy nhờ ở đây là Đức Kitô, sự trợ giúp là Chúa Thánh Thần, và cứu cánh chính là hạnh phúc Nước Trời. Đức mến là nền tảng Kitô giáo, là đức yêu thương không bờ bến, không giới hạn nhằm đến 2 đối tượng chính yếu: Thiên Chúa và con người: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 37-39).
Trong văn hóa sống thường ngày của người Việt Nam, ba cái nhiều là nhiều con, nhiều cháu, nhiều giầu có và năm cái phúc là được giầu có, được sang trọng, được sống lâu, được khỏe mạnh, và được bình an. Công Giáo không chối bỏ tam đa ngũ phúc, nhưng đặc biệt quan tâm đến tám mối phúc thật, như lời giảng của Đức Giêsu Kytô rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con và bởi ghét Thày, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời” (Mt, 5, 1-12).
Cha Năm, ông trùm Đích và ông Lý mỹ đã vượt trên tam đa, ngũ phúc vật chất ở đời này để vui mừng hân hoan đón nhận bị giết hại vì danh Chúa Giêsu, chẳng những đã đốt sáng ngũ luân, ngũ thường, mà còn hơn nữa, đã thăng hoa chúng, đưa chúng đến đức tin, đức cậy và đức mến, và dám dâng mạng sống mình để làm chứng về Chúa Giêsu. Tất cả 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam đều hiểu biết và thấm nhuần tám mối phúc thật Chúa Giêsu giảng dậy. Các ngài tất cả đều đã tin vào đạo thật và vui vẻ làm chứng cho đạo thật.
Thánh Martinô Thọ, người thu thuế, trả lời quan: “Dù quan có giết vợ con tôi, tôi cũng chẳng quá khóa bỏ mất phúc thiên đàng. Vì tôi mong ước phúc thiên đàng cho nên tôi mới vui lòng chịu khổ như thế này”. Bị bắt ngày 30.5.1840 về tội chứa chấp cha Ngân, và bị xử trảm ngày 8.11.1840, khi nghe tin ông Lý Mỹ, ông binh Ðạt và Huy được chịu chết vì đạo, ông Thọ cũng ước ao được chịu chết vì đạo như vậy. Ông đến Kẻ Vĩnh viếng xác ông Lý Mỹ và ông trùm Ðích. Về nhà ông bảo vợ con: “Nếu Ðức Chúa Trời có định cho tôi bị bắt và chịu khó vì đạo như hai ông ấy thì mọi người hãy bằng lòng, dù có mất của cũng đừng phàn nàn. Nếu chúng con bị bắt thì cũng phải xưng đạo cho mạnh mẽ”. Khi bị bắt và bị giam tạm tại Trại Lá, sau khi bị tra hỏi các ngài được chuyển sang trại tù. Mấy người con của ông Thọ được phép đến thăm mấy lần. Ông khuyên các con của ông: “Thiên Chúa nhân lành định rằng cha không còn về với các con nữa, nhưng các con còn có mẹ, hãy vâng lời mẹ. Các anh chị lớn hãy lo đùm bọc các em nhỏ, các con nhỏ chịu khó vâng lời. Hãy can đảm làm việc chăm chỉ để phụng dưỡng mẹ, hãy trung thành đọc các kinh sáng kinh chiều và lần hạt. Thiên Chúa ban cho mỗi người một thánh giá, các con hãy vui lòng vác lấy và can đảm chịu khổ để giữ đạo. Cha không còn làm gì để giúp các con dưới trần này được nữa, cha chỉ còn lo sửa soạn ra đi, vậy sau khi cha chết rồi, chú Chấn và mẹ các con chết rồi, thì hãy chia nhau tài sản. Nếu sau này được phép, các con mang xác cha về chôn nơi cha bị bắt. Những gì cha đã làm cho các anh chị lớn khi còn ở nhà thì các anh chị lớn cũng phải làm như thế cho các em nhỏ”. Sau nhiều đánh đập và tra khảo không xong, Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh lại dụ dỗ ông đạp ảnh để được về nhà lo lắng cho vợ con, ông Thọ thưa: “Cửa nhà và vợ con tôi là của Ðức Chúa Trời, tôi chẳng có gì, chẳng tiếc gì. Tôi xin quan lớn cho tôi một lát gươm mà thôi”. -“Nếu tao bắt được vợ con mày và làm khổ trước mặt, mày có bỏ đạo không?” - “Dù quan có giết vợ con tôi, tôi cũng chẳng quá khóa bỏ mất phúc thiên đàng”. “Vậy mày ước ao thiên đàng lắm hả?” - “Bẩm ông lớn, vì tôi mong ước phúc thiên đàng cho nên tôi mới vui lòng chịu khổ như thế này. Khi nào quan lớn thương cho tôi một lát gươm, bấy giờ linh hồn tôi sẽ bay thẳng lên Trời”.
Quan Micae Hồ Ðình Hy trả lời cho các quan rằng “không bỏ đạo và cho tới hôm nay tôi vẫn cương quyết giữ đạo”. Một người làm quan lớn lại có lòng thống hối như quan thái bộc Hồ Ðình Hy đã để lại một tấm gương thánh thiện và hết lòng vì đạo cho đến giọt máu cuối cùng. Ngài thường nói với vợ: “Tôi đầy rẫy những tội lỗi, dù nước sông nước nguồn có từ khắp nơi chảy về cũng chẳng đủ rửa tội tôi cho sạch. Tôi phải đổ máu ra mà rửa tội tôi thì cũng còn sợ chẳng biết cân xứng không”. Có một quan tên là Phạm Y đến lãnh vải nơi quan thái bộc Hy, đòi cho được thứ vải tốt vượt mức phẩm hàm nên bị từ chối, ông để lòng hiềm thù, họp bàn với mấy quan khác để tìm cách hãm hại quan Hồ Ðình Hy. Ngày 8.11.1856, các quan này dâng sớ tố cáo quan thái bộc với vua Tự Ðức và quan Hồ Đình Hy đã bị bắt ngay. Ngày hôm sau, 9.11, các quan chính thức tra xét và bắt ngài làm lời khai. Ngài khai như sau: “Tôi 53 tuổi, người làng Nhu Lâm. Cha mẹ có đạo, đã cho tôi đi học chữ Nho từ thuở nhỏ. Năm Minh Mệnh thứ bẩy (1826), tôi được vào làm trong Bộ Công giúp việc nhà nước ba mươi mốt năm, sau được Vua thương ban quan tước tam phẩm, tước thái bộc giúp việc nhà Vua. Ðạo cha ông tôi vẫn giữ trong lòng. Năm ngoái có sắc lệnh Vua cấm, tôi giả đò bề ngoài để che dấu, nhưng thực sự không bỏ đạo và cho tới hôm nay tôi vẫn cương quyết giữ đạo”. Và ngài vẫn giữ một lòng trung dũng sắt đá như vậy. Tới ngày 22.5.1857 là ngày xử nhưng không quan nào nhận trách nhiệm, mãi đến trưa mới có quan chịu dẫn 100 lính đem ra chợ An Hòa xử tử ngài. Mới nghe tiếng chiêng trống ngài sợ hãi toát mồ hôi nhưng rồi trấn tĩnh lại. Theo qui ước hễ thấy ngài làm dấu thì linh mục ở giữa đám đông sẽ ban phép giải tội, bởi vậy cứ thỉnh thoảng ngài lại làm dấu để mong cha trông thấy. Dân chúng theo sau thì thầm: “Nào người này có phạm tội gì đâu, không trộm cắp hay bớt xén công quĩ, thật chỉ vì giữ đạo Thiên Chúa mà phải khổ sở”.
Cha Philipphê Phan Văn Minh đã trối với giáo dân: “Thiên Chúa muốn tôi dâng sự sống cho Ngài để đạo thánh được rạng rỡ, tôi vui mừng vâng theo ý Chúa”. Năm 1848 Tự Ðức ra lệnh cấm đạo đầu tiên và buông sông các thừa sai nếu bắt được. Và năm 1851 ra lệnh nghiêm ngặt hơn cho các tổng đốc phải tận diệt đạo Kitô. Bị bắt ngày thứ Bảy, 26.2.1852, cha Minh bị giải đến Vĩnh Long. Quan Tổng Đốc dụ dỗ nhiều cách. Khi thì dụ quá khóa để làm quan, hay làm thuốc. Cha trả lời : “Không có lẽ nào tôi quá khóa. Tôi dậy dỗ bổn đạo mà người ta còn chẳng dám làm điều quái gở ấy phương chi là tôi. Quan bắt giết thế nào thì tôi xin chịu”. Khi lại nói không cần phải đạp ảnh, chỉ cần nói là xuất giáo thì cũng tha. Cha Minh đáp lại: “Tôi làm như thế cũng không được vì phạm tội phản bội cùng Chúa, cùng các thầy dậy và là người láo xược. Là giáo trưởng mà nói rằng mình không phải là giáo trưởng là lừa dối mọi người”. Lúc khác lại dụ cha khai rằng các đồ đạo là của đạo trưởng Tây giao cho giữ và như thế các quan có thể tha mà không sợ lỗi lệnh vua. Cha Minh một mực thưa: “Xin các quan xét cho tôi, tôi không thể khai dối trá được. Các quan có làm án chém tôi thì tôi sẵn lòng, còn khai theo lời quan dậy thì không dám”. Dụ cách nào cũng không được, các quan họp nhau làm bản án cho cha Minh phải lưu đầy Sơn Tây. Nhưng Nội các xem án của các quan tỉnh Vĩnh Long thì không ưng, biện luận rằng: “Ðạo trưởng ấy đã đi Tây từ thuở bé và lâu năm ăn học bên ấy nên đã thấm nhập với Tây, lại là đạo trưởng nên phải kể là Tây dương đạo trưởng. Vậy phải sửa án là trảm quyết quăng đầu xuống sông”. Bản án của triều đình về tới tỉnh Vĩnh Long tối thứ bẩy 2.7. Và sáng hôm sau, Chúa Nhật lễ kính Máu Thánh Chúa Giêsu, quan tổng đốc cho lệnh xử ngài. Trước khi bị dẫn ra pháp trường, cha an ủi các quí chức còn bị giam: “Anh em yêu dấu, Thiên Chúa muốn tôi dâng sự sống cho Ngài để đạo thánh được rạng rỡ, tôi vui mừng vâng theo ý Chúa. Trước khi lìa xa anh em, tôi xin anh em dù phải khốn khổ thế nào mặc lòng hãy trung thành bền đỗ trong đức tin, trông cậy vào Chúa giúp sức thì Ngài chẳng bỏ anh em”.
KẾT LUẬN
Triều đại vua Minh Mệnh, đã xẩy ra cuộc xưng đạo và bách đạo của 58 thánh tử đạo, trong đó có ba thánh: Linh mục Giacôbê Đỗ Mai Năm, ông trùm Antôn Nguyễn Đích và ông lý trưởng Micae Nguyễn Huy Mỹ. Cả ba đấng đều đã bị bắt một ngày, 03.07.1838 và đã bị xử trảm một nơi, ở pháp trường Bảy Mẫu vào ngày 12.08.1838.
Ba thánh đã bị theo dõi, bị tố cáo và bị bắt, bị nộp cho quan, vì là Công Giáo. Các ngài đã bị đánh đập giữa hội đường, bị điệu ra trước tòa quan quyền vì tin vào Chúa Kytô. Bị tra khảo, có lúc ông trùm Đích lo sợ, muốn sờn lòng, khi nghĩ đến những hình khổ sẽ phải chịu. Nhưng rút cục, cả ba đấng đều đã can đảm trả lời xưng đức tin một cách công khai và rõ rệt, để làm chứng rằng đạo Thiên Chúa là đạo thật. Quyết định của vua quan tuyên bố xử trảm ba thánh cũng nói rõ rằng ba thánh phải chết vì đã tin theo đạo Gia Tô. Các ngài không chống đối, phản kháng, nhưng đã chấp nhận án chết vì đạo một cách vui vẻ.
Qua cái chết của mình, ba thánh tử đạo đã sống và đốt sáng Văn Hóa Việt Nam. Cho đến thế kỷ XVI, Văn Hóa Việt Nam bao gồm bốn tầng: Âu Lạc, Ấn Phật, Lão Trang và Khổng Mạnh. Nhưng các vua quan Việt Nam, bị ảnh hưởng Hán Nho, muốn bảo vệ quyền hành nhà vua, đã độc tôn Khổng Giáo và rứt ra ba cái trong ngũ luân để lập thành thuyết tam cương. Trên bình diện tổng quát, không một vị nào trong 117 hiển thánh tử đạo Việt Nam đã làm chính trị. Ngược lại, tất cả các vị đều rất tôn trọng vua quan và hết lòng vì quê hương. Riêng về cha Năm, ông trùm Đích và ông Lý Mỹ, cả ba vị đều có cuộc sống khôn ngoan, ngay thẳng, nhân nghĩa, trung tín, đáng làm gương văn hóa cho mọi người Việt Nam. Cha Năm, giáo sĩ đạo trưởng, trung tín với Chúa và giáo dân, nhân ái với mọi người, can đảm và vui vẻ đón nhận tử đạo, để làm gương cho giáo dân, rao giảng Phúc Âm cho lương dân và làm vinh danh Thiên Chúa. Gương công chính của cha và của các thánh tử đạo làm nhiều quan chức đã không đồng ý bắt đạo và đã tìm kiếm cách cứu giúp, kết nghĩa, trọng đãi và tránh xử án. Ông trùm Đích, gia trưởng, đã nêu gương sáng thực hành ngũ luân ngũ thường. Đặc biệt ông nêu gương sáng về luân phụ tử, biết có thân tình và nhân từ để giáo dục con cái và về luân phu phụ, biết giữ nghĩa tào khang vợ chồng và biết hữu biệt để lo việc giao thiếp bên ngoài mà dành cho vợ việc nội trợ trong nhà. Ông Micae Mỹ, lý trưởng, khôn ngoan, hiếu trung, nhân nghĩa lễ. Trong chức vụ lý trưởng giúp dân giúp làng, ông Lý Mỹ đặc biệt nêu gương sáng về ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, tín và nhất là trí, khôn ngoan. Ông cũng đã nêu gương sáng về ngũ luân, đặc biệt chữ thân, chữ từ với con cái để giáo dục chúng và chữ nghĩa tào khang với vợ để xây dựng một gia đình “chồng hòa, vợ thuận, nhà thường yên vui” và chữ hiếu với cha mẹ, kể cả cha mẹ vợ. Chính vì vậy mà ông đã được quan quân và dân chúng kiêng nể. Sở dĩ ba đấng đã nêu được gương sáng Văn Hóa Việt Nam về ngũ luân ngũ thường, là nhờ cả ba đấng đều đã thực hành tốt đẹp tám nhân đức nền tảng Kitô Giáo trong hai chiều kích “Mến Chúa, Thương Người”: ba nhân đức đối thần Mến Chúa là tin, cậy, mến; và năm nhân đức đối nhân Thương người là bác ái, khôn ngoan, công chính, can đảm và tiết độ.
Không những ba thánh tử đạo, cha Năm, ông trùm Đích, ông Lý Mỹ, đã đốt sáng mà còn thăng hoa Văn Hóa Việt Nam nữa. Nhờ cách ứng xử của các ngài, của 117 thánh tử đạo, của trăm, ngàn, vạn, triệu người Công Giáo, Văn Hóa Việt Nam, từ thế kỷ XVII, đã có thêm tầng tạo hình thứ năm, đó là tầng Thiên Chúa Giáo. Trên bình diện Văn Hóa, ba thánh tử đạo đã cùng với các thánh tử đạo khác thăng hoa tam cương bằng hai bước: trở về nguồn Khổng Mạnh, lấy ngũ luân thay tam cương, rồi tiến lên bước “thần học tam phụ”. Và một cách tổng quát, các ngài đã xây thêm tầng thiêng liêng trên tầng nhân bản luân thường Khổng Mạnh, bằng cách mang Tin, Cậy, Mến vào ngũ luân ngũ thường, và mang tám mối phúc thật vào tam đa ngũ phúc. Như vậy, ba thánh cùng các thánh tử đạo khác, đã làm cho Văn Hóa Việt Nam vươn lên cao hơn, thăng tiến hơn, tinh tuyền hơn, đem cho nó cái giá trị thiêng liêng, đại đồng, vĩnh hằng.
Kết luận bài giảng ngày tuyên phong Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 19.6.1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gửi tới người Việt Nam lời cuối cùng này: «Anh em: dòng giống các vị Tử Đạo! Anh em: dòng giống những người được kén chọn. Anh em hãy nghe hết lời sách Khôn Ngoan: “Trong ngày phán xét họ sẽ long lanh như những tia sáng chiếu trên đồng cỏ từ đông sang tây (3:7). Những tia sáng, những ánh đèn phản chiếu nguồn quang minh rực rỡ. Và đây là câu sau cùng trong sách Khôn Ngoan: “Các dân tộc sẽ trị vì, họ cai trị dân chúng. Nhưng trên hết tất cả, Thiên Chúa sẽ thống trị mọi loài” (3:8). Chúa đây, tức là Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, ngài xuống trần gian “không để xét xử thế giới, nhưng để thế giới nhờ ngài mà được cứu rỗi” (Gioan 3:17). Chính Chúa Kitô này: anh em đã tham gia vào cuộc thống khổ và tử nạn thập giá của ngài, hôm nay anh em hãy tham gia vào việc cứu rỗi trần gian mà chính ngài đã kết liễu. Nguyện chúc cho mùa lúa vàng của anh em muôn năm tồn tại trong hoan lạc».
Mùa lúa vàng là kết quả của những lao khổ. Các thánh tử đạo Việt Nam đã “rao giảng Chúa Giêsu tử nạn thập giá” (I Cor 1:23), đã chẳng những không từ bỏ mà còn đốt sáng thăng hoa Văn Hóa Việt Nam. Đã mang vào đó những giá trị trường cửu, đại đồng và thiêng liêng, đã đáp ứng những khát vọng tuyệt đối của con người, những nhu cầu tin, cậy, mến vào một Chúa Trời. Đó là lý do khiến 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam vui vẻ ra pháp trường “lãnh nhận phúc tử vì đạo”. Đó cũng là lý do sâu xa giải thích tại sao, xưa cũng như nay, người Việt Nam gia nhập đạo Công Giáo.
Những người Việt Nam đầu tiên đã theo đạo Công Giáo vào thế kỷ XVII vì đã thấy được những giá trị thiêng liêng của đạo thật. Đến Đàng Ngoài vào năm 1631, cha A.Francisco Cardim thuộc dòng Tên đã ghi lại những thành quả truyền giáo từ năm 1631 đến 1641 như sau: “năm 1631 đã rửa tội được 5.727 người, năm 1633 có 9.797, năm 1634 có 9.874, năm 1635 có 8.176, năm 1636 được 7.121, năm 1637 được 9.707, năm 1638 được 9.076, năm 1639 được 12.234, năm 1640 được 10.070 và năm 1641 tất cả những người đã chịu phép rửa thì lên tới con số 108.000. Thêm vào đó, trong những năm này đã được 235 nhà thờ trong nhiều nơi. Thật là những kết quả lớn lao, nếu xét ra chỉ có một số thợ rất ít được sai tới để gặt hái…. Số những người được rửa tội có thể là khá lạ lùng và không thể tin được bởi vì rất ít các cha được phái tới đây. Nhưng tôi có thể trả lời và làm thỏa mãn những người nghĩ tưởng như vậy; tôi đưa ra những lý lẽ vững chãi, ngoài ơn và sự hộ phù đặc biệt của Thiên Chúa là nguyên nhân chính yếu của mọi công việc tốt lành, đó là như căn bản và nền tảng các việc trở lại đạo ta, thì còn những lý do làm cho người ta có thể tin được như sau”:
Lý do thứ nhất làm cho lương dân theo đạo ta tại xứ Đàng Ngoài là nhiệt tình không thể tưởng tượng được của họ để học hỏi và hiểu biết các điều tin trong đạo, và lòng ham muốn rất lớn để sau khi đã học thì đi truyền bá và giải thích cho những người khác. Tất cả đều thú nhận là họ không thể tự cầm mình không làm việc này được….
Lý do thứ hai, các quan ngoại đạo đối xử với dân thì rất kiêu căng và ngạo mạn, đến nỗi không thèm nhìn tới dân, nếu có thì cũng là cách cau có; nhưng khi trở lại đạo thì họ hoàn toàn thay đổi cách ăn ở, đối xử rất nhân ái và thân thương, tiếp đón họ lịch thiệp, làm cho lương dân khốn đốn khi thấy sự thay đổi đó thì phải thú nhận Kitô giáo là đạo rất tốt rất thánh; họ cũng nhận thấy sự hiền từ và dịu dàng nơi các Kitô hữu; thế là họ tới tìm các cha để xin học giáo lý và chịu phép rửa tội.
Lý do thứ ba, họ rất tôn trọng vong linh người quá cố, và khi thấy các Kitô hữu làm đám tang cho người đồng đạo qua đời với tất cả danh dự như đưa xác với đuốc sáng, nến thắp và những lễ nghi trang trọng, họ cho đạo ta rất thích hợp với tâm tư của họ.
Lý do thứ tư, vì Thiên Chúa cho phép trong xứ này ma quỷ hành hung rất dữ dằn những người ngoại đạo, không những nơi bản thân họ mà còn làm hại cả nhà cửa tài sản họ, đến nỗi nhiều khi nó bốc người ta lên trên không cho tới mái nhà rồi cho rớt xuống đất một cách rất dữ dằn, làm cho người ta chết.
Lý do thứ năm, dân đất nước này rất kiêu căng và ngạo mạn như tôi đã nói; các quan và kẻ quyền thế muốn cho người ta phải cúi sâu chào kính mình, thần dân phải sấp mặt tới đất lạy đức quân vương; cũng vậy các môn đồ đối với tôn sư. Lương dân thấy các cha không muốn cho người ta tỏ lòng tôn kính như thế đối với mình, lại còn ngăn cản các Kitô hữu. Thế là họ rất có cảm tình ngay với đạo ta và tự nguyện xin theo. Hơn nữa, họ còn nhận thấy các cha giảng dạy không vì tư lợi mình, nhưng để cho họ chiếm được cõi Trời.
Tôi thêm vào tất cả những lý do này một lý do chính khác, đó là sự bắt bớ ôn hòa của bạo vương. [14].
Những người Việt Nam hôm nay tiếp tục xin gia nhập đạo Công Giáo cũng vì đã cảm được những cái phúc thiêng liêng. Sáu lý do mà cha A. Francisco Cardim, S.J., đã nêu ra thúc đẩy người Việt Nam trở lại đạo trong thế kỷ XVII, cũng đã là những lý do thúc đẩy nhiều người Việt Nam khác trở lại đạo vào các thế kỷ sau và ngay cả cho hôm nay. Lễ Phục Sinh vừa qua, ngày Chúa Nhật 08.04.2012, Giáo xứ Việt Nam Paris đã đón nhận 25 tân tòng nhập đạo, trong đó có Giáo sư Vũ quốc Thúc. Nhiều người thắc mắc hỏi tại sao và do đâu mà những tân tòng này đã trở lại đạo? Đức ông Mai Đức Vinh [15], người lo việc dậy giáo lý tân tòng trên ba chục năm nay (1977-2012) tại Giáo Xứ Việt Nam Paris cũng đã đặt câu hỏi và đã trả lời: “Những động lực nào đã thúc đẩy người Việt Nam xin học giáo lý để gia nhập đạo Công Giáo?” Xin thưa:
• Vì đã khấn hứa với Chúa và Đức Mẹ (đặc biệt khi rời Việt Nam,…);
• Vì đã lãnh nhận một ân huệ Chúa và Đức Mẹ ban (ơn khỏi bệnh, ơn thoát nạn, được việc làm,…);
• Vì muốn gia đình được hiệp nhất trọn vẹn và bảo đảm hạnh phúc lâu bền (các đôi bạn đã lập gia đình một số năm, hay sắp lập gia đình,…);
• Vì cảm mến đạo Công Giáo (thấy đạo Công Giáo quan tâm nhiều về bác ái nhân đạo, có những nhân vật nổi tiếng, như Mẹ Têrêxa Calcutta, Abbé Pierre, Đức Gioan Phaolô II, hoạt động bác ái của Giáo Xứ Việt Nam,…);
• Vì ảnh hưởng tốt của các bạn Công Giáo (ngoại quốc hay Việt Nam, có khi đã quen thân lâu năm, có khi những năm ở ca đoàn, trong một sinh hoạt, như JMJ, trại hè,…)
• Ngoài ra, Đức Ông còn nhắc đến một động lực khác nữa, thúc đẩy, lôi cuốn và đưa đến Thiên Chúa Tình Yêu. Đó là ảnh hưởng của những người bạn đời hay bạn thân, có đời sống và liên hệ hằng ngày với các lương dân dự tòng, những người đồng hành lâu dài, những người giúp hiểu giáo lý, những người nhận đỡ đầu.
Quả thật “Máu các Tử Đạo là hạt giống sinh nhiều tín hữu” (Tertulien)
------------------------
1. Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, Hoa Kỳ 1987, tập 2, tr. 171-179
2. Vũ Thành, Sđd, tập 2, tr. 196 203.
3. Vũ Thành, Sđd, tập 2, tr. 180 195
4. Xin xem Bài giảng của Đức Thánh Cha GIOAN PHAOLÔ II trong ngày tuyên phong Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 19.6.1988.
5. Mạnh Tử, quyển 3, Đằng Văn Công (Thượng), câu thứ tư.
6. Vũ Thành, Sđd, tập 2, tr. 77-81.
7. Ibid. tập 2, tr. 402.
8. Ibid. tập 3, tr. 225-226.
9. Tử Cống viết: “Phu tử chi văn chương, khả đắc nhi văn dã, phu tử chi ngôn tính dữ thiên đạo, bất khả đắc nhi văn dã”. Dịch. – Tử Cống nói: “Công trình nghiên cứu về văn hóa (như Thi, Thư, Lễ, Nhạc) của thầy (tức Khổng tử) thì chúng ta được nghe, còn quan niệm về thiên tính và đạo trời của thầy thì chúng ta không được nghe” (Luận Ngữ, Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, V.12). Phàn Trì vấn trí. Tử viết: “Vụ nhân chi nghĩa, kính quỉ thần nhi viễn chi, khả vị trí hĩ”. Vấn nhân. Viết: “Nhân giả tiên nan nhi hậu hoạch, khả vị nhân hĩ”. Dịch. – Phàn Trì hỏi thế nào là trí (sáng suốt). Khổng tử đáp: “Chuyên tâm làm việc nghĩa giúp người, kính trọng quỉ thần nhưng tránh xa, như vậy có thể gọi là trí” (Ibid., VI.20)
10. Phan Khôi: Gia đình ở xứ ta, nay cũng đã thành ra vấn đề rồi in: Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 83 (21.5.1931).
11. Phan Khôi: Cái chế độ gia đình nước ta đem gióng với luân lý của Khổng Mạnh In Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 85 (4.6.1931)
12. Xin xem Trần Văn Toàn, BÀN VỀ THUYẾT ‘’TAM PHỤ’’ TRONG ĐẠO Thiên Chúa, MỘT BƯỚC ĐI VÀO VĂN HÓA VIỆT NAM, http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=57&ia=363
13. Vũ Thành, Sđd, t ập 2, tr. 221-225
14. A. FRANCISCO CARDIM - TƯỜNG TRÌNH VỀ ĐÀNG NGOÀI (A); Hồng Nhuệ dịch; Paris 1989, In: http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=77&ict=624
15. Mai Đức Vinh, In: 60 năm Giáo xứ Việt nam Paris, 1947-2007, Giáo Xứ Việt Nam Paris; 2010, tr. 579