Sunday, 29 March 2020 15:47

Gương Đốt Sáng Và Thăng Hoa Văn Hóa Việt Nam Của Ba Thánh Tử Đạo: Cha Năm - Ông Trùm Đích - Ông Lý Mỹ (2) Featured

 

Trần Văn Cảnh

 

II. BA THÁNH TỬ ĐẠO ĐÍCH THỰC LÀ TỬ ĐẠO KYTÔ HỮU

 

Tuyên phong hiển thánh 117 vị tử đạo ở Việt Nam, ngày 19.06.1988 tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dựa vào Phúc Âm Thánh Matthêu chương X và Thư 1 của thánh Phaolô Gửi Tín Hữu Cô-Rin-Tô để phân tích những nét chính yếu trong những cuộc xưng đạo của các thánh tử đạo ở Việt Nam [4]. Những nét chính yếu này xác định tính chất xác thực tử đạo vì Chúa Kytô. Những nét chính yếu này đã rõ ràng được nhìn thấy trong cuộc xưng đạo và tử đạo của tất cả 117 thánh tử đạo Việt Nam, cũng như riêng cho ba Thánh Linh Mục Năm, Thánh Trùm Đích và Thánh Lý Mỹ.

1. Ba thánh đã bị theo dõi, bị tố cáo và bị bắt, nộp cho quan, vì là Công Giáo. Cả ba thánh đều là những người lương thiện. Nhưng cả ba đều là Công Giáo, tin vào Thiên Chúa. Và vì vậy, vua quan Việt Nam ghét bỏ các ông và muốn giết hại các ông. Lệnh vua đòi phải xử tử các đạo trưởng, xử tử những người chấp chứa các đạo trưởng, xử tử những quan quyền không tố cáo các đạo trưởng trong đĩa hạt của mình. Và sự gì phải đến, đã đến. Họ đã cho mật thám giả làm gia nhân, để lấy tin tức. Khi biết rõ tính thế, họ đã đưa lính tráng đến nhà vây bắt. Khi bị nhận diện, cha Năm đã chẳng chối, mà còn xác nhận: “Phải tôi là cụ đạo đấy”. Do vậy lính tráng đã bắt cha Năm và bắt cả ông trùm Đích giải nộp cho quan. Bấy giờ quan gọi ông Lý Mỹ tới trước mặt và nói: “Tờ giấy này mày tính làm sao? Mày đã ký nhận trong làng không có đạo trưởng, mà nếu khám bắt được đạo trưởng hay là đồ đạo, thì mày xin nộp đầu” ? Ông Lý Mỹ thưa vững tiếng rằng: “Bẩm quan lớn, tôi xin chịu tội”. Quan lại hỏi ông: “Làm sao mày dám khinh mạn phép vua như vậy”? Ông Mỹ đáp lại: “Bẩm lạy quan lớn, nếu quan lớn thương thì chúng tôi nhờ hồng phúc của quan lớn, bằng quan lớn bắt tội thì chúng tôi cam chịu”.

Quả đúng như lời Chúa Kytô đã tiên báo về số phận của những người theo ngài. “Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên tố cáo làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Cha, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng ai bền chí đến cùng sẽ được cứu độ” (Mt 10:21-22).

2. Ba thánh đã bị bị đánh đập giữa hội đường, bị điệu ra trước tòa quan quyền vì tin vào Chúa Kytô. Bấy giờ quan tức giận truyền nọc ông Lý Mỹ ra đánh 40 roi đòn. Trong suốt thời gian bị giam giữ, ông Lý Mỹ nhiều lần bị Quan Tổng đốc nổi giận truyền đánh đòn, tính tổng cộng ông Lý Mỹ đã phải chịu đến 500 roi, kể cả ba lần chịu đòn thay cho nhạc phụ. Ông đau lắm song can đảm không kêu than một tiếng nào. Quan đánh xong mới truyền đóng gông giải cả ba người lên tỉnh. Ðến trưa về tới đồn Lục Bộ, quan lại hỏi ông có bỏ đạo không thì cho về, nhưng ông nhất định không chịu bỏ đạo. Ở Lục Bộ, một người huynh thứ trong làng Kẻ Vĩnh đến bàn với ông về việc hối lộ để chuộc ông ra, nhưng ông Lý Mỹ không chịu lại nói rằng: “Xin cám ơn dân có lòng, dân có lòng thì trả ơn dân, nhưng đừng chạy chuộc tội, xin để tiền ấy mà giúp vợ con tôi và làm bữa mừng khi đem xác tôi về”.

Khi đến tỉnh Nam Ðịnh, ông Lý Mỹ cũng bị giam một trại với cha Năm, và ông trùm Ðích. Về phần cha Năm các quan biết ngài là đạo trưởng, nên sau mấy lần khuyên nhủ mà vẫn thấy ngài vững lòng nhất định không bỏ đạo, nên cũng chẳng giục ép ngài nữa. Còn ông trùm Ðích đã già nua nên quan cũng không muốn làm khó ông nữa. Chỉ có ông Lý Mỹ bị hành hạ khổ sở hơn hết vì các quan thấy ông còn trẻ trung lại có tài mới ra mật lệnh đánh đập để cho ông sợ mà đành chịu bỏ đạo. Vì thế ông bị hành hạ rất khổ sở trước khi ông bị xử trảm. Tuy bị đòn đau như thế mà ông vẫn can đảm không kêu ca. Ðến nỗi có quan phải thốt lên: “Thằng này chết đoạn sẽ làm thành hoàng đất của nó. Thằng này chẳng phải là người vừa đâu”.

Lời Chúa tiên báo cho các tông đồ và cho các môn đệ các ngài trong mọi thời đại, lời tiên báo một cách hết sức rõ rệt, không có úp mở đã xẩy ra cho ba thánh: “Họ sẽ lôi chúng con ra tòa công nghị, sẽ đánh đập chúng con giữa hội đường, sẽ điệu chúng con ra trước vua chúa quan quyền vì danh Cha, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại” (Mt 10:17-18).

3. Bị tra khảo, có lúc ông trùm Đích lo sợ, muốn sờn lòng, khi nghĩ đến những hình khổ sẽ phải chịu. Quả thật, cứ lý tự nhiên, nghĩ đến những hình phát dã man mà nhà cầm quyền thời đó đã mang ra xử các vị tử đạo, ai mà không bị tinh thần khủng bố? Bá đao, xử tử với lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho đủ 100 miếng. Lăng trì, xử tử bằng chặt chân chặt tay trước khi chém đầu. Thiêu sinh, xử tử bằng thiêu sống. Trảm, xử tử bằng chém đầu. Giảo, xử tử bằng tròng dây vào cổ và kéo hai đầu dây cho đến chết. Rũ tù, xử tử bằng tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù. Hình phạt nào cũng kinh khủng, cũng đáng khiếp sợ. Và chịu chết khổ hình như vậy để làm chứng cho Chúa Kitô tử nạn, sự kiện đó há chẳng phải là khôn ngoan, là mãnh lực vượt mức loài người đó ư? Thần Linh chính là Thần Linh chân lý. Ngài có đã là mãnh lực trong thân xác yếu hèn của con người? Ông Lý Mỹ mỗi lần thấy quan toan đánh ông trùm Ðích thì lại xin quan: “Lạy quan lớn, cha tôi già nua tuổi tác cùng yếu đuối, xin quan lớn tha cho cha tôi, tôi xin chịu đòn thay cho cha tôi”. Quan thấy ông có lòng hiếu thảo, thì ưng tha cho ông trùm Ðích và đánh ông Lý Mỹ. Có lần ông Mỹ chịu đòn thay cho ông trùm Ðích về, thì nói với ông trùm Ðích rằng: “Lạ thay bởi ơn Ðức Chúa Trời thương, khi quan đánh, thì con không thấy đau là mấy”. Ông Trùm Đích có đã nhờ Thần Linh Chúa là mãnh lực mà có thể thành chứng nhân chăng?

4. Nhưng rút cục cả ba thánh đều đã can đảm trả lời xưng đức tin một cách công khai và rõ rệt, để làm chứng rằng đạo Thiên Chúa là đạo thật. Nhưng Thánh Thần Chúa đã đến khuyên bảo và khích lệ ông Trùm Đích qua miệng của cha Năm và của các con cái ông, như ông Lý Mỹ, ông Lý Thi. Ông trùm Đích trở thành mạnh dạn, can đảm.

Khi Quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh dùng mọi phương thế, từ thuyết phục đến tra tấn, để bắt ông trùm Đích bỏ đạo: “Ông đã cao niên, các con đã trưởng thành, các cháu chắt đông đảo, có nhà cửa phong lưu, ông hãy quá khóa để vui hưởng tuổi già với đàn con cháu có hơn không?”. Ông trùm Đích trả lời với giọng vững vàng: “Thưa quan, con cháu chi cũng mặc, tôi đã lo liệu cho chúng. Tôi có bổn phận tôn thờ Thiên Chúa, quan tha hoặc kết tội thì tùy, chứ đừng ép tôi bỏ đạo”.

Quan truyền khiêng ông qua Thánh Giá nhưng ông co hai chân lên, tức giận quan truyền đánh đòn ông. Vì phải mang gông xiềng, bị tra tấn lại thấy mình già nua yếu đuối, có lúc ông tưởng không chịu nổi gian truân thử thách đến cùng, nhưng may mắn ông vẫn kiên trung tới ngày tử đạo, nhờ ơn Chúa giúp, nhờ sự khuyên nhủ của cha Năm, nhờ lời khích lệ của các bạn tù, nhất là nhờ tấm lòng hy sinh cao cả của con rể chí hiếu, Micae Lý Mỹ. Ông Lý Mỹ sau khi lãnh phần mình xong, ba lần chịu đòn thay cho nhạc phụ, ông trùm Đích được mang gông nhẹ hơn.

Thấy không thể khuyên dụ ông trùm Đích bỏ đạo, quan làm sới tâu về kinh. Đây là nội dung sớ tâu luận tội: “Tên Đích tin theo và thực hành tà đạo, dù đã bị cấm. Đã không nộp đạo trưởng Mai Năm cho quan, lại còn chứa chấp, không nghe lời khuyên cáo dạy bảo, nhất là không chịu quá khóa, thật là người cố chấp, bất tuân luật nước”. Chúng thần đã nhiều lần truyền buộc y quá khóa trước công đường, nhưng y trả lời: “Tôi giữ đạo từ nhỏ, tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà bỏ đạo. Vậy xin luận xử trảm quyết làm gương cho kẻ khác”.

Riêng ông Lý Mỹ, khi đến tỉnh Nam Ðịnh, cũng bị giam một trại với cha Năm, và ông trùm Ðích. Ngoài ra các quan còn làm hết cách để dụ dỗ ông. Có khi dụ dỗ cùng lúc với cha Năm và ông trùm Ðích, có khi thì dụ dỗ riêng một mình ông. Có lần quan bảo ông: “Mày là thằng giỏi giang lại trẻ tuổi, lý sự và coi sóc dân làng giỏi, ai cũng được nhờ, sao mày dại mà chẳng chịu quá khóa đi”? Ông Mỹ thưa lại: “Sao tôi lại dại? Khi chưa có tôi thì đã có dân, thế thì ai coi sóc dân lúc bấy giờ? Nhưng mà linh hồn tôi thì tôi phải coi giữ, cho nên tôi chẳng bỏ linh hồn tôi mà nghe lời quan đâu”. Quan lại bảo: “Sao mày chẳng thương vợ con? Con cái còn bé mọn yếu đuối, sao mày nỡ quên tình cha mà không thương con thế vậy? Dù chúng tao chỉ nghĩ tới hay trông thấy chúng nó thì cũng xót còn mày mê man làm sao mà chẳng quá khóa đi”? Ông Lý Mỹ thưa lại quan: “Tôi tính sao hả? Tôi có mê đâu! Vợ con là của Ðức Chúa Trời phó cho tôi, tôi coi sóc dạy dỗ khi có thể làm được. Mà bây giờ Ðức Chúa Trời định cho tôi ở trong tay quan lớn, thì tôi cũng phải vâng ý Người, cũng như vợ con tôi phải vâng ý tôi. Sao ông lại bảo lăng nhăng xàng xiên rằng tôi phải bỏ đạo, bỏ Ðức Chúa Trời là phải lẽ sao? ”

Có một lần quan truyền cho lính kéo ông qua ảnh thánh giá. Quân lính lôi ông qua và reo lên: “Anh này quá khóa rồi”. Lúc đó ông Lý Mỹ kêu lên: “Bẩm lạy quan lớn, ông lớn kéo voi qua thập tự thì cũng được, nhưng mà chúng tôi nhất định không chịu bước qua Chúa chúng tôi thờ đâu”! Thấy ông trả lời khôn ngoan, các quan lại càng bực tức làm như chẳng lẽ mình lại thua một thằng tù. Các quan càng ra lệnh hành hạ ông hơn nữa. Có lần đến trước quan án, mà quan cứ giục ông phải bỏ đạo, nên ông nói chọc quan lớn: “Giả như giặc giã đến đây mà truyền cho chúng tôi đập đầu quan lớn để chúng tôi được sống, thì chúng tôi dám làm, nhưng Chúa chúng tôi thờ thì chúng tôi chẳng dám làm đâu”. Quan nghe vậy tức giận quá, liền cầm cái quạt ném vào mặt ông trúng vào con mắt ông, ông đau đớn quá ngã xuống sân.

Có lần khác quan thương tình khuyên bảo ông: “Mày còn trai tráng, và giỏi giang. Mày đã làm lý trưởng, nếu biết điều mày cũng có thể trở nên giàu sang, và được phong lưu sống lâu. Mày hãy quá khóa đi, thì được về nhà ở với vợ con. Nhiều kẻ khác đã quá khóa rồi, sao mày chẳng bắt chước chúng nó quá khóa, khi về nhà thì mày muốn giữ đạo thế nào cũng được”.

Ông Lý Mỹ thưa lại quan: “Bẩm lạy quan, tôi đã xem sách đạo và hiểu lẽ đạo, tôi đã biết đạo Ðức Chúa Trời là đạo thật cho nên tôi không thể bỏ được. Giả như có ai bảo quan lớn đập đầu Ðức Hoàng Ðế đã ban quyền cao chức trọng cho quan, ắt là quan lớn chẳng dám làm. Vậy tôi dám đạp ảnh Ðức Chúa Trời là Chúa tôi thờ làm sao được? Tôi chẳng tiếc sự sống hèn sống tạm ở đời này, vì thế nào tôi cũng phải chết. Nếu chẳng chết trước thì cũng chết sau. Còn về của cải chức quyền thì xin quan lớn biết rằng chẳng có chức quyền và của cải nào sánh bằng phúc trọng tôi sẽ được chết vì đạo. Tôi vốn thương vợ con tôi lắm, nhưng tôi sẵn lòng lìa bỏ họ vì tôi biết rằng Ðức Chúa Trời sẽ coi sóc chúng nó, và ngày sau sẽ cho tôi được gặp họ trên Thiên Ðàng. Quan lớn dạy rằng có nhiều người bỏ đạo. Vậy những thằng lính vì sợ giặc bỏ chạy cũng bỏ thầy mình thì có ra gì? Tại sao quan lớn lại dạy tôi bắt chước chúng nó?”

Các quan thấy khuyên nhủ ông bỏ đạo cũng vô ích, nên làm án xin vua xử trảm Lý Mỹ và vua đã y án

Còn cha Năm thì khi đến Nam Ðịnh phải giam vào ngục thất ngay. Hôm sau các quan điệu ngài ra tra khảo bắt bỏ đạo. Cha Năm khẳng khái trả lời quan: “Bẩm lạy quan lớn, tôi là đạo trưởng mà tôi dám bỏ đạo hay đạp ảnh tượng Chúa tôi làm sao được? Tôi vốn khuyên dạy người ta phải giữ đạo vững vàng và thà chết chẳng thà bỏ đạo, thì tôi phải giữ lời tôi khuyên dạy kẻ khác. Nếu chính kẻ làm đạo trưởng chẳng chịu chết vì đạo, thì còn ai chịu chết vì đạo nữa?”

- “Nếu ông cứ nói giọng này thì ông phải chết chẳng có lẽ nào sống được. Ta thấy ông là người lương thiện hẳn hoi nên ta muốn cho ông được sống. Ta khuyên ông nên vâng lời Ðức Hoàng Ðế mà bỏ đạo”.

- “Bẩm lạy quan lớn, tôi đã bằng này tuổi đầu thì tôi đâu còn sợ chết, vì dù quan lớn có tha chẳng giết tôi, chẳng bao lâu tôi cũng chết vì bệnh. Nhưng nếu quan lớn giết tôi vì đạo tôi lại được nhiều ơn ích hơn là tôi chết vì bệnh. Vì nếu tôi chết vì đạo, tôi sẽ được chết vì Chúa tôi, đấng đã chịu chết cho tôi và tôi chóng được phần phúc Người đã hứa ban cho những kẻ giữ lòng trung cùng Người cho đến sau hết”.

Nhờ cha mà ông trùm Ðích và ông Lý Mỹ thêm can đảm chịu chết vì Chúa cùng một lượt với cha và con rể của ông.

Sau nhiều ngày trong tù, các quan thấy cha Năm không thay dạ đổi lòng, và biết không thể nào khuyên cha bỏ đạo, thì làm án xin xử tử cha. Án của cha như sau: “Tên Mai Ngũ là đạo trưởng đã theo tây dương đạo trưởng Giacôbê (Đức Cha Leager) từ thuở nhỏ đến lớn, đã tin đạo Gia Tô cùng in đạo ấy vào lòng đến nỗi không còn hiểu được sự phải trái. Lại bởi tên ấy cứ một mực chấp mê cứng cổ bất khẳng quá khóa, bất tuân quốc pháp, thì chúng tôi đã luận cho nó phải trảm quyết cùng bêu đầu ba ngày để cho ai nấy phải sợ và đừng bắt chước nó nữa”.

Trong hơn một tháng, cha Năm, ông Trùm Antôn Ðích và ông Lý Mỹ bị giam chung, cả ba đọc kinh tối sớm với nhau lớn tiếng mà chẳng ai nói chẳng ai cấm. Cũng vào thời ấy có hai ba cha thuộc địa phận Ðông cũng bị giam, các cha xưng tội với nhau. Ba thánh dọn mình kỹ lưỡng để ra pháp trường.

Rõ rệt Thầy chí thánh không bỏ rơi các tông đồ và các người tin theo các tông đồ trong những cơn bách hại: “Khi bị nộp vào tay họ, chúng con đừng lo phải nói thế nào và nói gì, lúc đó sẽ dạy chúng con những điều phải nói. Vì thực ra không phải chúng con nói, nhưng là Thần Linh của Chúa Cha nói trong các con” (Mat 10:19-20). Các quan nghe ba thánh nhất định không chối đạo và sẵn sàng chịu chết để tuyên xưng đức tin thì cho là dại dột. Các ông có biết đâu các ngài đã có mãnh lực, khôn ngoan từ Thiên Chúa. Nhờ vậy các ngài mới có thể tuyên xưng mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, chính là tình yêu được diễn tả trong cuộc tử nạn trên thập giá để cứu chuộc trần gian quả là mầu nhiệm bao la vượt hẳn sự suy luận loài người. “Là vì cái điên rồ nơi Thiên Chúa còn khôn ngoan hơn cả sự khôn ngoan người đời, và cái yếu hèn nơi Thiên Chúa còn mạnh hơn cả sức lực phàm nhân” (I Cor 1:25).

5. Quyết định của vua quan tuyên bố xử trảm ba thánh cũng nói rõ rằng ba thánh phải chết vì đã tin theo đạo Gia Tô. Khi đến pháp trường, cha Năm quỳ xuống cái chiếu mà ông Lý Thi con ông trùm Ðích đã trải sẵn. Ba đấng cầu nguyện một lúc. Sau đó quan giám sát dịch loa, truyền mọi người yên lặng. Quan truyền lịch: “Các người hãy đến để xử những tên theo ông Giêsu. Nếu ai còn dám theo tôn giáo này, thì hãy biết rằng lệnh vua sẽ xử trảm như những tên can phạm này”. Sau đó một tên lính cầm thẻ đề tên cha Năm mà rao cho mọi người nghe: “Tên Mai Ngũ này là đạo trưởng, quê Ðông Biên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đã theo đạo Gia Tô từ thuở còn bé. Lại bất khẳng bỏ đạo thì đức Hoàng Ðế truyền cho nó phải trảm quyết và bêu đầu ba ngày cho người ta xem thấy mà sợ cùng đừng bắt chước nó”.

Sau khi đọc bản án từng người, quan truyền lệnh xử tử tù nhân. Ông Lý Mỹ xin quan xử cha Năm và ông trùm Ðích trước. Quan ưng thuận lời xin của ông. Quan truyền xử cha Năm trước rồi ông trùm Ðích sau. Lý hình chém một nhát thì đứt đầu ông.

Sau khi xử hai đấng, tên lý hình đòi ông Lý Mỹ năm quan tiền thì sẽ xử một nhát mát mẻ. Nhưng ông bảo rằng: “Năm quan tiền để làm phúc cho kẻ khó, chẳng có tiền cho chú mình đâu, muốn băm vằm thế nào thì mặc”. Lý hình bực tức, chém một nhát trượt không đúng, chỉ đứt một miếng thịt nơi cằm, ông Lý Mỹ ngã xuống. Mãi đến nhát thứ năm mới đứt đầu.

Các ngài đang thực hiện lời thánh Phaolô Tông Đồ đã viết: “Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô tử nạn thập giá: Đức Kitô - trong mầu nhiệm Phục Sinh - đã minh chứng ngài là mãnh lực của Thiên Chúa, là khôn ngoan của Thiên Chúa” (I Cor 1: 23-24).

6. Ba thánh không chống đối, phản kháng, nhưng đã chấp nhận án chết vì đạo một cách vui vẻ. Ngày 12.08.1838, trên đường đi ra pháp trường Bảy Mẫu, ba thánh ca hát vui vẻ lắm. Dân chúng kéo đi xem rất đông. Hai ông quan giám sát cưỡi hai voi và hơn hai trăm quân lính kéo ra lối cửa Bắc đi trước, cha Năm, ông trùm Ðích, ông Lý Mỹ mang gông mang xiềng đi sau. Lại có ba tên lính mang thẻ đã đề tên ba đấng đi trước các ngài. Rồi đến cha Năm đi trước, ông trùm Ðích và ông Lý Mỹ theo sau. Thỉnh thoảng cha Năm bảo người ta: “Này đạo trưởng đây, đến mà xem”. Gặp những người quen, ngài chào từ giã vui vẻ: “Anh em nghỉ lại, tôi về quê trước, nhưng sau này chúng ta sẽ gặp nhau”.

Khi đi chịu chết ông Lý Mỹ vui mừng, nhanh chân nhẹ bước đi trước, vừa đi vừa chào hỏi mọi người. Miệng ông hát kinh tạ ơn Ðức Chúa Trời, tay ông gõ nhịp cùng rung xiềng xích tỏ ra rất vui vẻ. Kẻ ngoại đạo thấy ông mặt mũi vui tươi hớn hở thì khen ông là người anh hùng can trường. Trên đường đi ông gặp ông cả Thâu là anh em họ, con chú bác. Ông Thâu nói với ông Mỹ: “Anh Lý hãy vững vàng nhé”. Ông Mỹ thưa lại: “Anh hãy yên trí tôi chẳng có sợ đâu”.

Thật là một cuộc xưng đạo và tử đạo bi hùng. Đức Gioan Phaolô II đã nhận ra và đã chia sẻ: “Trước mặt chúng ta hôm nay, các vị Tử Đạo Việt Nam đóng vai trò những người đi gặt lúa cho Chúa, như đã ghi trong Thánh Vịnh: “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Lúc ra đi phải khóc than, vì công vất vả gieo hạt. Nhưng khi trở về, lòng thênh thang phấn khởi, vì sẽ ôm nặng nhiều bông lúa” (Ca Vịnh 125, 126: 5-6). Lời huyền diệu trên đây nói lên ý nghĩa cuộc chứng nhân lịch sử nơi các vị Tử Đạo trong Giáo Hội Việt Nam. Trong vũng nước mắt của họ đã gieo xuống hạt giống ân sủng, để rồi trở thành vô số bông hoa đức Tin: “Hạt giống gieo xuống mà không mục đi thì chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu mục đi sẽ sinh nhiều bông lúa” (Gioan 12:24). Rồi lặp lại lời thánh Phaolô, Đức Giáo Hoàng đã khẳng định: «Chúng ta rao giảng Chúa Giêsu tử nạn thập giá” (I Cor 1:23); Và kết luận: “Máu các Tử Đạo là hạt giống sinh nhiều tín hữu”.

III. BA THÁNH TỬ ĐẠO ĐÃ SỐNG VÀ ĐỐT SÁNG VĂN HÓA VIỆT NAM

A. Trước nhất chúng ta hãy nêu ra một vài nhận định tổng quát về văn hóa việt nam và về cách ứng xử chung của các vị tử đạo.

1. Văn hóa Việt Nam, cho đến thế kỷ XVI, bao gồm bốn tầng: Âu Lạc, Ấn Phật, Lão Trang và Khổng Mạnh. Hệ tư tưởng Âu Lạc với truyền thuyết gia đình Âu Lạc, đã đặc biệt truyền lại cho con cháu bốn điều: huynh đệ tương trợ, có đức kính nhường, có trí thuận hòa và có dũng giữ nước. Hệ tư tưởng Ấn Phật với cái nhìn hư vô về thế giới; với tứ diệu đế: khổ, dục, diệt, đạo, đã đưa cho người Việt Nam cách cư xử siêu thoát với thế tục, xả kỷ với mình, để từ bi với chúng sinh. Hệ tư tưởng Lão Trang trình bầy cái gốc Đạo là nguyên ủy của sự tạo hóa. Vạn vật đều bởi Đạo mà sinh ra. Vậy, sửa mình và trị nước cần phải noi theo Đạo, phải điềm tĩnh, phải vô vi, phải tự nhiên, không dùng vũ lực. Tính hiếu hòa, tính an nhiên của người Việt Nam phải chăng bắt nguồn từ Đạo giáo? Còn hệ tư tưởng Khổng Mạnh, thì cả nền luân lý xã hội của ta đều lấy sức từ đấy và qua đấy. Trong cách sống của người Việt Nam, ngũ luân: Cha con có tình thân (Phụ tử hữu Thân), Vua tôi có nghĩa (Quân thần hữu Nghĩa), Chồng vợ có sự phân biệt (Phu phụ hữu Biệt), người lớn người nhỏ (anh em) có thứ tự (Trưởng ấu hữu Tự), bằng hữu có lòng tin (Bằng hữu hữu Tín). [5]; Ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, vẫn được dùng làm nguyên tắc cư xử.

2. Nhưng các vua quan Việt Nam, bị ảnh hưởng Hán nho, muốn bảo vệ nhà vua, đã độc tôn Khổng giáo và rứt ba cái trong ngũ luân ra mà lập thành thuyết tam cương. Tam cương tức là ba giềng mối chính trong xã hội loài người. Tam Cương gồm có Quân thần (Vua và các quan), Phụ Tử (Cha và Con), Phu Phụ (Chồng và Vợ). Người ta thường giải thích rằng khi đề cao Tam Cương (cùng với Ngũ Thường), Nho giáo đã chủ trương người làm Vua, làm Cha và làm Chồng có quyền hành tuyệt đối với bầy tôi, con hay vợ. Thứ tự đã đặt ngược lại: thay vì Cha con làm đầu, thì Tam cương đã đổi Quân thần làm đầu. Thuyết tam cương thì rõ là vua áp chế tôi, cha áp chế con, chồng áp chế vợ, mà không còn cái tinh thần bình đẳng của ngũ luân nữa. Trong ngũ luân, thì “Dân vi quý, quân vi khinh” chứ không đề cao vai trò của vua quan. Ngược lại, theo tam cương thì vua khiến bầy tôi chết, không chết không trung (quân xử thần tử, thần bất tử bất trung).

3. Trên bình diện tổng quát, trong tất cả 117 thánh, không một vị thánh tử đạo nào đã làm chính trị, hiểu theo nghĩa lập phe đảng chống lại triều đình. Ngay cả linh mục Giuse Marchand Du, bị bắt ngày 08.09.1835, người đã bị tình nghi là theo giặc Lê Văn Khôi, cũng chỉ là bị cáo gian. Thực ra ngài đã bị Lê Văn Khôi bắt vào thành, cưỡng bức phải biên thơ cho cầu cứu. Nhưng ngài đã không làm. Rút cục, ngài bị xử bách tùng xẻo vì đã không bỏ đạo.

Chúng ta hãy nghe những cuộc tra hỏi về cha Marchand Du. Ngày 15.10, quân lính và tù binh về tới kinh đô trong tiếng reo hò chiến thắng. Các tù nhân bị nhốt trong cũi, xếp một hàng dài ở trại Võ Lâm. Ngày hôm sau các quan tòa tam pháp tra hỏi cha Du: - “Ngươi có phải là Phú Hoài Nhân (tên vua đặt cho Đức Cha Taberd) không?”

- “Không”.

- “Ông ấy bây giờ ở đâu?”

- “Tôi không biết”.

- “Ngươi có biết ông ấy không ”

- “Tôi biết lắm nhưng đã lâu không gặp”.

- “Ngươi ở trong nước được bao lâu?”

- “Năm năm”.

- “Ngươi ở những đâu?”

- “Trước hết tôi ở Lái Thiêu, sau này tôi ở nay đây mai đó trong nhà nhiều người mà nay họ chết cả rồi”.

- “Ngươi có giúp Khôi làm giặc không?”

- “Không, ông Khôi cho quân đi bắt tôi đem về Sài Gòn. Việc chiến tranh tôi không biết gì, chỉ làm một việc là cầu nguyện cùng Chúa và làm lễ”.

- “Có phải ngươi viết thơ xin quân Xiêm và giáo dân Ðồng Nai đến giúp ngụy nữa không?”

- “Ông Khôi có bắt tôi viết thơ song tôi không chịu, và nói cho ông ta rằng đạo cấm làm chuyện chính trị. Tôi cũng nói thà chịu chết chứ không làm như thế được. Dù vậy ông Khôi còn đem mấy thơ đến bắt tôi ký tên vào nhưng tôi đã lấy mà đốt đi trước mặt ông Khôi”.

Ngày hôm sau nữa quan lại hỏi các tướng nghịch. Những người này sợ tội nên đã đổ lỗi hoàn toàn cho Khôi đã chết và cho cha Du. Họ bịa đặt ra là có Đức Cha xúi làm loạn để đưa An Hòa, là con của Ðông Cung (hoàng tử Cảnh) lên ngôi. Mấy tướng nghịch cũng đổ tội cho công chúa Kiên An là em của Minh Mệnh xúi dục khởi ngụy, và cho Thái Công Triều, trước theo giặc nhưng đã phản Khôi về hàng triều đình.

Ngày 17.10, quan cho đòi cha Du đến công đường có bày sẵn các hình cụ và bắt nhận lời như bọn tướng nghịch đã khai. Cha Du cực lực chối bỏ. Cha bị tra tấn thật dã man: hai đứa kềm hai bên, một đứa khác vén quần lên cao để lộ hai bắp vế, một tên khác lấy kìm nung đỏ kẹp vào đùi bên trái. Mọi người nghe tiếng kêu xèo xèo và mùi khét phải quay mặt ra phía ngoài. Lý hình giữ nguyên kẹp cho đến khi nguội hẳn. Cha Du thét lên và ngất xỉu. Cách chừng nửa giờ sau quan lại hỏi nữa và bị kẹp đùi bên phải, thảm cảnh man rợ tái diễn làm cha Du ngã xuống đất lần thứ hai. Cha vẫn một mực không chịu nhận tội làm giặc mà các quan ép buộc. Quan nói: “Thôi, tên này lớn gan lắm, để thủng thẳng bữa khác sẽ hay. Hãy đem về cũi giam lại”.

Cha còn bị tra hỏi nhiều lần khác song không bị kìm kẹp. Không ép buộc được cha Du nhận tội, các quan bắt cha phải bỏ đạo. Quan nói: “Ngươi chối hoài là không làm gì theo giặc thì thôi, nhưng ngươi không thể chối đã đến đây giảng đạo mặc dù ngươi biết có lệnh vua cấm. Tội này cũng đáng hình khổ nặng lắm. Nhưng nếu ngươi đành lòng bỏ đạo bước qua thập giá thì ta tha cho mọi hình phạt”.

- “Quan lớn rộng lượng như thế thì xin cám ơn, nhưng xuất giáo thì không bao giờ. Tôi thà chịu mọi hình phạt quái gở chứ chẳng thà chối Chúa như vậy”.

Các quan mặc sức chế nhạo và vu khống cho đạo như là làm thuốc mê, gian dâm với đàn bà.... Cha cực lực chối cãi: “Cái việc ấy chỉ là do những người ghét đạo bày đặt ra. Nếu đạo có như vậy thì còn ai dám theo?”

Các quan làm tờ trình như sau: “Năm Minh Mệnh thứ 15, tháng 9, ngày 13, chúng tôi, các quan tòa tam pháp theo lệnh hoàng thượng như sau. Tháng 5, năm vừa qua, chúng tôi xét xử vụ khởi loạn của Khôi ở thành Phiên An, trong số đồng phạm có linh mục Âu Châu tên là Du, cũng gọi là Marchand, đã theo tầu Trung Hoa đến nước năm Minh Mệnh thứ 12 tại cửa Cần Giờ, và trốn tránh tại Vĩnh Long và Biên Hòa để lén lút giảng đạo Gia Tô. Từ đó theo Khôi khởi loạn, liên lạc với kẻ thù của chúng ta là nước Xiêm và tập họp người Công Giáo trong thành..., đã bị bắt và dẫn giải về kinh đô giao cho chúng tôi xét xử. Sau đó chúng tôi đã mở cuộc thẩm vấn và thấy các câu trả lời của tội nhân vi phạm luật lệ quốc gia một cách trầm trọng. Chính tội nhân đã nhận tội lỗi. Vì thế tên đạo trưởng Âu Châu Du hay Marchand có hai tội không những không chịu đạp ảnh mà thực sự có dính líu đến nghịch tặc. Chúng tôi luận phải xử bá đao và phải bêu đầu. Sau khi nhận được lệnh vua, chúng tôi sai hai quan Lang Trung và Chủ cùng với 40 lính thuộc trấn phủ dẫn tù nhân Âu Châu Marchand đến nơi gọi là Trương Ðông, làng Dương Xuân, huyện Hương Toà để hành quyết và chặt đầu bêu như đã chỉ thị” [6].

4. Ngược lại, tất cả các thánh tử đạo đều rất tôn trọng vua quan và hết lòng vì quê hương. Thánh Lý Mỹ khi bị thẩm vấn về tội chứa chấp đạo trưởng là cha Năm trong làng, mà không báo quan, đã thành thật nhận lỗi và trả lời trong tinh thần rất tôn trọng quan Trịnh Quang Khanh rằng: “Bẩm lậy quan lớn, nếu quan lớn thương thì chúng tôi nhờ hồng phúc quan lớn, bằng quan lớn bắt tội thì chúng tôi cam chịu”.

Cha Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, bị bắt ngày 24.8.1837, xử trảm ngày 28.4.1840, còn nói rõ hơn về lòng tôn trọng vua quan và phép nước. Ngày 28.4.1840, trên đường ra pháp trường, tới thành phố gặp đám đông, cha Khoan dừng lại nói với đám đông: “Anh chị em đừng thương tiếc cho số phận của chúng tôi, chúng tôi vô tội, chúng tôi không làm gì chống lại vua hay luật lệ quốc gia. Lỗi duy nhất mà họ trách là chúng tôi là người Kitô. Chúng tôi chết vì không chịu từ bỏ đạo Chúa Giêsu là đạo chân thật. Với quý ông quý bà theo chúng tôi và nhìn máu chúng tôi tuôn đổ hãy suy nghĩ đến sự cứu rỗi, hãy trở về nhà bằng an”. Hai quan lớn cỡi hai con voi, hai quan nhỏ cỡi ngựa và đông binh sĩ làm thành vòng tròn để ba vị tử đạo ở giữa rồi tiến về nơi xử là Lò Gạch tại Ninh Bình. Tới nơi, cha Khoan lại lên tiếng nói: “Chúng ta hãy thờ lạy tôn kính yêu mến Thiên Chúa, Chủ Tể trời đất, vì yêu Người mà chúng tôi phải chết. Chúng tôi cầu chúc đức vua được giầu sang phú quý cai trị muôn năm và chớ gì ngài ngưng cuộc bách hại đạo trời là đạo duy nhất mang lại hạnh phúc [7].”

Cha Tôma Khuông, bị bắt ngày 29.12.1859 và bị chém ngày 30.1.1860 tại Hưng Yên, đã trả lời một câu hỏi của quan và nêu rõ nhiệm vụ trung thành với vua quan rằng: “Ðạo chúng tôi truyền buộc các tín hữu phải giữ trọn lề luật trong đạo đồng thời phải trung thành với vua, hiếu thảo với cha mẹ và phải cầu nguyện luôn cùng Thiên Chúa cho quốc gia được hưng thịnh. Nếu người nào lỗi phạm thì mắc tội trọng. Chắc chắn không người tín hữu nào dám xin người Châu Âu đến gây việc chiến tranh [8]”.

B. Riêng về cha Năm, ông Trùm Ích và ông Lý Mỹ, ba vị có cuộc sống khôn ngoan, ngay thẳng, nhân nghĩa, trung tín, đáng làm gương cho mọi người Việt Nam về tư cách sống. Nếu tất cả mọi người Việt Nam đều khôn ngoan, ngay thẳng, nhân nghĩa và trung tín như các ngài, thì chẳng những chắc chắn thời các ngài đã chẳng loạn lạc như lịch sử đã kể lại; mà còn có thể là đã chẳng có lệnh cấm đạo nữa, đã chẳng có việc các vua quan đã giết hại đến 130.000 người, chỉ vì họ khác tôn giáo với mình. Tư cách sống ấy, nét văn hóa thực tế ấy đã nổi bật ở những nét nào? Các ngài đã đốt sáng văn hóa sống cụ thể ở những điểm nào?

1. Gương lãnh đạo trung tín như người cha tinh thần của cha Năm, giáo sĩ đạo trưởng. Hai tài liệu Công Đồng Vatican II đã nói rõ về vai trò của linh mục đạo trưởng. Trong Sắc lệnh về Chức linh mục Công đồng nói như sau: “Bởi vậy, trong chức vụ và đời sống của mình, các linh mục phải nhằm mục đích tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô... Các ngài không thể là thừa tác viên của Chúa Kitô nếu không là chứng nhân và là người ban phát một đời sống khác đời sống thế tục”. Hiến chế Ánh sáng muôn dân, đặt tác vụ linh mục tư tế trong bối cảnh chung của sứ vụ của Giáo Hội được coi như là Dân Thiên Chúa, là dân đã nhận được ơn tham dự vào ba sứ vụ của Chúa Kitô: ngôn sứ, tư tế và mục tử. Hiến chế nói như sau: “Nhờ bí tích truyền chức thánh, linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, thầy cả thượng phẩm vĩnh viễn (x.Dt 5, 1-10); 7, 24; 9, 11-28), để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc phụng tự Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước”. Cha Năm đã có thực hiện được những trách nhiệm của một linh mục, đồng thời giữ gìn được những nét đặc trung của Văn hóa Việt Nam không?

Cha Năm nhân ái với con người, trung tín với Thiên Chúa. Cha hiền hòa vui vẻ, chăm lo kinh hạt, ước ao được phúc tử đạo, chứng nhân cho đời sống siêu nhiên. Cha thường kể truyện giặc giã đời Tây Sơn cho người ta nghe, nhiều người quý mến ngài. Ngoài tính vui vẻ, Cha Năm còn có tính khiêm nhường, đạo đức, cứ giờ cứ mực mà ra đọc kinh. Khi ẩn ở nhà ông trùm Tôn, ngài đọc kinh cả ngày. Có lần người ta đến hầu thì phải đợi lâu mới vào được, vì ngài còn đang bận đọc kinh lần hạt. Ngài có đức vâng lời, không bao giờ phàn nàn bề trên điều gì. Ngài cũng có lòng thương người nghèo khó, khi ăn cơm ngài thường để dành cho kẻ khó một ít. Lúc chẳng có gì để cho kẻ khó, thì ngài cho thuốc viên. Ðối với vấn đề tử đạo, cha Năm rất ao ước. Lần kia, cha được tin ông kia bỏ đạo thì buồn bã phàn nàn rằng: “Ôi ông ấy dại dột dường nào! Ông ấy được dịp tốt đến mà không chịu nhờ. Ðức Chúa Trời đã đem ông ấy vào đàng ngay nẻo chính để lên Thiên Ðàng, mà ông ấy không chịu đi. Giả như Chúa thương ban phúc ấy cho tôi, thì tôi chẳng dám từ chối. Giả như Chúa có liệu dịp tốt lành cho tôi như thế, thì tôi chẳng dám bỏ qua”.

Cha Năm can đảm vui vẻ đón nhận tử đạo, đã đặc biệt muốn chăn dắt tín hữu, rao giảng Phúc Âm và tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa. Khi đến Nam Ðịnh thì cha Năm phải giam vào ngục thất ngay. Hôm sau các quan điệu ngài ra tra khảo bắt bỏ đạo. Cha Năm khẳng khái trả lời quan: “Bẩm lạy quan lớn, tôi là đạo trưởng mà tôi dám bỏ đạo hay đạp ảnh tượng Chúa tôi làm sao được? Tôi vốn khuyên dạy người ta phải giữ đạo vững vàng và thà chết chẳng thà bỏ đạo, thì tôi phải giữ lời tôi khuyên dạy kẻ khác. Nếu chính kẻ làm đạo trưởng chẳng chịu chết vì đạo, thì còn ai chịu chết vì đạo nữa?”

- “Nếu ông cứ nói giọng này thì ông phải chết chẳng có lẽ nào sống được. Ta thấy ông là người lương thiện hẳn hoi nên ta muốn cho ông được sống. Ta khuyên ông nên vâng lời Ðức Hoàng Ðế mà bỏ đạo”.

- “Bẩm lạy quan lớn, tôi đã bằng này tuổi đầu thì tôi đâu còn sợ chết, vì dù quan lớn có tha chẳng giết tôi, chẳng bao lâu tôi cũng chết vì bệnh. Nhưng nếu quan lớn giết tôi vì đạo tôi lại được nhiều ơn ích hơn là tôi chết vì bệnh. Vì nếu tôi chết vì đạo, tôi sẽ được chết vì Chúa tôi, đấng đã chịu chết cho tôi và tôi chóng được phần phúc Người đã hứa ban cho những kẻ giữ lòng trung cùng Người cho đến sau hết”.

Cha Năm được các quan thương mến. Các quan thấy cha Năm ăn nói cả quyết cứng cát và chỉ ao ước được chết vì đạo, thì biết rằng chẳng có thể nào dụ dỗ ngài bỏ đạo được, và dù có tra tấn ngài mặc lòng thì cũng vô ích mà thôi, cho nên chẳng những các quan chẳng tra khảo mà cũng chẳng đánh đập ngài. Hơn nữa các quan thấy ngài đã có tuổi, ăn nói lễ phép nên cũng thương không bắt ngài mang gông cùm ban ngày mà chỉ bắt mang ban đêm thôi. Các quan cũng làm ngơ để cho cha đi lại trong tù dễ dàng.

Thực ra, gương công chính của các linh mục Công Giáo, làm nhiều quan chức đã không đồng ý bắt đạo, và đã tìm nhiều cách cứu giúp, kết nghĩa, trọng đãi, tránh xử. Cha Lê Bảo Tịnh đã được quan tổng đốc Tân cho người báo tin trước ngày các quan định vây bắt Vĩnh Trị. Cha Gioan Đạt, được viên cai ngục xin kết nghĩa huynh đệ: “Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo đức, thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cổ quan tài để biểu lộ lòng tôi quí cụ.” Cha Trần An Dũng Lạc được quan huyện Bình Lục hậu đãi. Ông cho dọn cơm bằng mâm bát của mình, để ông ngồi ăn một mâm, cha Lạc một mâm, rồi nói: “Ông ngồi một mình một mâm thì cũng là quan. Ông là quan bên đạo, tôi quan bên đời”, và cho lệnh cởi trói với lời thanh minh rằng: “Tôi không có ý bắt ông, nhưng kẻ tố giác cứ lên cáo mãi, nên tôi phải đi”. Cha Đạt được dân chúng kính phục: Ngày 12.9 Âm Lịch, hội đồng cố vấn họp lại và ấn định ngày 20 sẽ thi hành án trảm quyết cha Đạt, đồng thời ra lệnh cho quan cũng như dân thuộc 12 huyện trong tỉnh Thanh Hoá kê khai những người Công Giáo, để bắt họ đến dự cuộc hành quyết của ngài. Từ ngày đó lương dân cũng như giáo dân Công Giáo bùi ngùi đến viếng thăm ngài. Họ nói với nhau: “Linh mục này hãy còn thanh xuân, gương mặt hiền hòa trấn tĩnh, can đảm trổi hơn cả những quan tướng thời danh trong triều, thật xứng đáng là thủ lãnh dân Công Giáo”. Đặc biệt chuyện linh mục Vũ Bá Loan, niên trưởng 84 tuổi, được mọi người kính trọng gọi bằng “cụ”, ngài không bị đòn đánh, và trong ngày xử, mười lý hình bỏ đạo chạy trốn, đến người thứ mười một, đã lịch sự xin phép: “Việc vua truyền cháu phải làm, xin cụ xá lỗi cho. Cháu sẽ cố giúp cụ chết êm ái. Khi về trời cụ nhớ đến cháu nhé”.

Kết luận, qua những hành xử của mình, cha Năm đã sống và thực hiện một cách trọn hảo văn hóa ngũ luân, ngũ thường. Đồng thời ngài đã làm tròn nhiệm vụ của một linh mục, giáo sĩ đạo trưởng. Ngài đáng làm gương sáng cho mọi người dân Việt biết hòa nhã tôn kính, thương yêu nhau; và cho các linh mục việt nam hôm nay biết sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời để làm chứng cho Đức Tin, rao giảng Tin Mừng và tìm kiếm Vinh Danh Chúa.

2. Gương đức độ hiền lành dậy con của Ông Trùm Ích, Gia Trưởng. Đọc lại tiểu sử thánh Trùm Ích, nét nổi nhất hiện ra trong tác phong của ngài là sự tổng hợp hoàn hảo giữa văn hóa ngũ luân, ngũ thường việt nam và đời sống nhân đức Công Giáo. Ngài đã thực hiện cả năm mối nhân luân: có tình thân với con cháu, có nghĩa với vua quan, có đầy đủ trách nhiệm bên ngoài để vợ lo bên trong, có kính nhường với anh em, có chữ tín trong giao thiệp, bạn bè; cũng như năm đức tính thường ngày: Nhân, để yêu thương đối với vạn vật; Nghĩa, để cư xử với mọi người công bình theo lẽ phải; Lễ, để tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người; Trí, để thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai và Tín, để giữ đúng lời hứa. Đồng thời ngài cũng thực hiện tốt đẹp 8 nhân đức nền tảng Kitô Giáo trong hai chiều kích “mến Chúa yêu người”. Ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến. Và Năm nhân đức đối nhân: bác ái, khôn ngoan, công chính, can đảm và tiết độ.

Ông trùm Ích nêu gương sáng về ngũ luân, ngũ thường. Ông trùm Ðích, chính tên là Nguyễn Khiêm, sinh năm 1769 tại làng Chi Long xứ Nam Xang, tỉnh Hà Nội. Cha mẹ là người ngoan đạo, thấy họ Chi Long xa nhà thờ thì bỏ họ ấy mà đem con cái cửa nhà đến ở làng Kẻ Vĩnh, nơi có nhà chung, có các linh mục ở gần để tiện bề đi nhà thờ. Ông bà đến làng Kẻ Vĩnh và xin nhập làng Kẻ Vĩnh. Ông Ðích từ đó sinh sống tại làng này, ông lập gia đình với người làng Kẻ Vĩnh và sinh hạ được mười người con. Ông Ðích là người hiền lành thật thà từ nhỏ, chẳng hề cãi mắng buồn giận ai bao giờ, ông không chửi mắng con cái hay nói năng đến vợ bao giờ. Ông cũng chẳng chơi bời, cờ bạc rượu chè mà chỉ chuyên chú làm ăn và giữ đạo. Trong gia đình, sáng tối cả gia đình đều đọc kinh chung với nhau không bao giờ bỏ. Có người đã đến trọ nhà ông, sau này kể lại là chẳng bao giờ trốn được đọc kinh với ông ấy. Về vấn đề đi dự lễ, ông bắt chẳng những con cháu và người nhà phải đi lễ Chúa Nhật mà cả lễ ngày thường, chỉ để lại một hai người ở nhà coi nhà mà thôi. Chính ông làm gương cho vợ con, ông đi lễ hằng ngày và cầu nguyện sốt sắng. Ông ăn chay suốt mùa chay. Hằng ngày ông lần hạt rất nhiều lần. Ông trùm Ðích có lòng kính mến các đấng các bậc tu trì. Ông hay gửi quà biếu xén nhà chung và làm phúc quần áo cho các chú các thầy. Ông chẳng tiếc công tiếc của với các vị tu trì.

Ông trùm Ích đặc biệt vượt trổi về thành quả giữ tình thân với con cái và giáo dục chúng. Ông dạy bảo và giáo dục con cái cẩn thận chẳng nuông chiều con cái. Dù con cái đã lớn khôn hay đã có vợ con, ông vẫn tiếp tục coi sóc răn bảo. Có đứa con nào cứng cổ cứng đầu thì ông đánh đòn răn bảo, chẳng nuông chiều một đứa nào. Các con cái ông nhờ được ông giáo dục mà sau này nên người không một ai hư hỏng. Các con đều có lòng đạo đức như ông. Một gia đình mà có bốn người được phúc tử vì đạo. Con trai ông là ông Lý Thi sau này cũng tử vì đạo dưới thời Tự Ðức năm thứ 11, tại Nam Ðịnh. Một người con khác tên là ông Phó Nhâm chẳng chịu bỏ đạo bị đày lên Cao Bằng và chết rũ tù ở trên đó. Con rể ông là ông Lý Mỹ cũng chịu tử vì đạo với ông. Trước mặt kẻ ngoại thực là một thảm cảnh cho gia đình ông. Nhưng trước mặt kẻ có đạo, thực là một phúc Chúa ban cho ông và gia đình.

Khi con cái đã khôn lớn, ông lo liệu gia đình. Ông không đặt vấn đề giàu sang phú quý mà là lòng đạo. Người nào muốn cưới hỏi con cái ông phải đạo đức. Dù giàu có mà khô khan nguội lạnh ông cũng không gả con cho. Trái lại dù nghèo mà đạo đức thì ông cũng bằng lòng ngay. Chẳng những ông lo dạy con cái đạo nghĩa, mà còn lo cho con cái học hành. Trong nhà ông, ông nuôi thầy đồ để dạy chữ nghĩa cho con cái. Nhà ông cũng không phải nghèo hèn trong làng. Ông rất căn cơ mực thước chăm chỉ làm ăn, nên nhà không bao giờ thiếu thốn. Trong gia đình có con ăn đầy tớ, và ông đối xử rất công bằng. Ông chẳng mang tiếng xấu gì trong làng và cũng chẳng ai trách móc ông được điều gì. Dù ông mới gia nhập làng Kẻ Vĩnh, nhưng uy tín của ông rất lớn. Ông được xếp vào hàng huynh thủ trong làng. Con rể ông làm Lý Trưởng, sau này con trai ông là ông Lý Thi cũng làm Lý Trưởng.

Trước ông trùm Ðích nghĩ đến những hình khổ mình sẽ phải chịu vì đạo thì sợ hãi lắm, dường như muốn sờn lòng. Tuy nhiên cha Năm, ông Lý Mỹ, ông Lý Thi và các con cái yên ủi và khuyên bảo ông. Ông được những lời khuyên bảo và an ủi, thì mạnh dạn thưa với quan rằng: “Bẩm lạy quan lớn, về con cái thì mặc con cái, tôi đã lo liệu cho chúng nó rồi. Còn về Ðức Chúa Trời, đã có lẽ tự nhiên buộc tôi phải thờ lạy Người, có lẽ nào tôi lại dám bỏ Người. Quan lớn có tha thì tha, bằng chẳng tha thì chớ đừng ép tôi nữa”.

3. Gương khôn ngoan, hiếu trung, nhân nghĩa lễ của Ông Micae Mỹ, Lý Trưởng. Ông Micae Lý Mỹ sinh năm 1804 tại trại Ðại Ðăng, giáp tỉnh Vạn Sang nay là tỉnh Ninh Bình. Về sau gia đình ông Lý Mỹ đến lập nghiệp tại làng Kẻ Vĩnh. Ở đấy ông kết hôn với cô Miện con gái ông trùm Ðích. Hai ông bà sinh được tám người con. Từ bé, ông Mỹ đã có nét nghiêm nghị, khác hẳn với những trẻ đồng tuổi. Ông chẳng những siêng năng đi lễ đi nhà thờ, sớm tối đọc kinh, mà đôi khi người ta còn thấy ông đọc kinh lần hạt riêng một mình ngoài xó vườn.

Sau khi lập gia đình, ông càng ngoan đạo hơn nữa. Bà Lý Mỹ nói rằng: “Ông ấy rất siêng năng đọc kinh tối sớm, dù lúc trong nhà làm công việc cũng chẳng bỏ đọc kinh hay đọc kinh vắn tắt bao giờ. Tối nào vợ con hay đầy tớ bận bịu, hoặc phải làm việc cần nào khác ở nhà, ông bắt đọc kinh chung với nhau trước và đọc sách cho chúng tôi nghe nữa. Ông ấy xưng tội chịu lễ một năm bốn năm lần. Khi toan đi xưng tội, ông xét mình trước hai ngày cùng biên tội mình vào giấy kẻo quên”.

Mọi người trong làng đều coi ông như gương lành để bắt chước. Có lần trai tráng trong làng Kẻ Vĩnh đến hầu cụ Phê, thì cụ bảo chúng nó rằng: “Chúng con hãy soi gương bắt chước ông đồ Diệu (ông Lý Mỹ), vì ông ấy thật là người có nết na hẳn hoi và giữ đạo sốt sắng”. Ông Mỹ thương kẻ khó, và bố thí cho họ. Có năm mất mùa, thiên hạ đói khổ, ông truyền nấu cháo cho kẻ khó ăn, vì ông sợ cho gạo, họ sẽ ăn xong và đau bụng mà chết.

Đặc biệt, trong chức vụ lý trưởng, ông lý Mỹ nêu gương sáng ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; và nhất là chữ trí, khôn ngoan. Tuy còn trẻ, nhưng tư cách và uy tín của ông đáng kính phục. Ông là người sắc sảo giỏi giang, ông ăn ở chính trực và ăn nói lý sự. Có lần trong làng khuyết một chân cai tổng, lý trưởng trong làng đến nhà ông xin ông ra làm việc chung, nhưng ông không chịu. Về sau ông lại được bầu làm lý trưởng, ông cũng không nhận. Ðức cha Dụ phải khuyên bảo ông nhận làm lý trưởng để bênh đỡ nhà chung và giữ dân trong thời buổi cấm đạo ông mới vâng lời ra làm lý trưởng.

Trong thời gian làm lý trưởng, ông điều hành rất giỏi. Ðức cha Liêu sau này làm chứng rằng nhà chung và dân làng nhờ ông rất nhiều. Ông chẳng ăn bớt của dân chút nào mà có khi còn bỏ của nhà ra làm việc chung. Người ta kiện cáo nhau hay con cái kiện tụng chia của đều đến với ông Lý Mỹ, vì ông xử sự rất công bằng. Khi đã lo liệu việc gì cho ai mà họ đem lễ vật đến tặng dù ít dù nhiều ông cũng không nhận. Người ta có biếu ông một hai trăm cau ông mới nhận, mà chẳng tạ gì cũng chẳng sao.

Khi phải sửa phạt dân, ông đánh đòn sửa phạt thẳng thắn chẳng thiên vị một ai. Cho nên dù ở trong làng hay ở ngoài đồng chẳng ai lấy trộm của ai. Cả hàng tổng đều khen ngợi làng Kẻ Vĩnh nghiêm hơn các làng khác.

Những người đàn bà hay la lối chửi rủa, ông cũng đánh. Trong làng Kẻ Vĩnh có người đàn bà hoang thai đã hai lần, đến lần thứ ba có người bàn với ông Lý Mỹ đuổi bà ta ra khỏi làng, nhưng ông Lý Mỹ không nghe lại nói rằng: “Phải để nó ở đây, hoặc sau này nó ăn năn sửa mình lại chăng. Nếu đuổi nó đi, nó sẽ đi với kẻ ngoại đạo mà mất linh hồn”.

Thấy cách xử sự của ông với người ngoại tình ai cũng khen ông có tính thương người, chỉ mong cho người ta sửa mình. Khác hẳn với cách phạt của các làng bên ngoài là gọt đầu bôi vôi và thả bè trôi sông cho chết. Khi cần phải sửa phạt ai, ông không phạt vì nóng giận hay gắt gỏng. Ông ấy vừa truyền đánh người ta vừa nói truyện vui vẻ như thường, coi như đó là phép tắc phải vậy.

Với bà Mỹ, ông lý Mỹ nêu gương về nghĩa tào khang; Với con cái ông nêu gương về chữ thân, chữ từ và giáo dục chúng. Vợ chồng con cái đầy tớ chẳng những đi lễ các ngày lễ cả, mà cả các ngày thường nữa. Trong mùa chay ông ăn chay một tuần hai ngày, thứ Tư và thứ Sáu. Vợ chồng hòa thuận thương yêu nhau. Ông ăn ở hiền lành với vợ con chẳng bao giờ nặng lời với vợ con. Vợ chồng ông chẳng cãi mắng nhau bao giờ. Trong suốt 18 năm trời vợ chồng ăn ở với nhau chỉ có một lần ông Lý Mỹ đánh bà ấy ba cái vì bà ấy lười không chịu đọc kinh. Bà Lý Mỹ nói rằng vợ chồng chỉ mất lòng nhau có một lần ấy mà thôi. Bà Lý Mỹ lại nói rằng: “Tôi chẳng thấy ông ấy uống rượu, đánh bạc hay là chửi bao giờ, chỉ chuyên một việc làm ăn, săn sóc cửa nhà và giữ đạo”.

Ở trong tù, Quan hỏi: “Sao mày chẳng thương vợ con? Con cái còn bé mọn yếu đuối, sao mày nỡ quên tình cha mà không thương con thế vậy? Dù chúng tao chỉ nghĩ tới hay trông thấy chúng nó thì cũng xót còn mày mê man làm sao mà chẳng quá khóa đi?” Ông Lý Mỹ thưa lại quan: “Tôi tính sao hả? Tôi có mê đâu! Vợ con là của Ðức Chúa Trời phó cho tôi, tôi coi sóc dạy dỗ khi có thể làm được. Mà bây giờ Ðức Chúa Trời định cho tôi ở trong tay quan lớn, thì tôi cũng phải vâng ý Người, cũng như vợ con tôi phải vâng ý tôi. Sao ông lại bảo lăng nhăng xàng xiên rằng tôi phải bỏ đạo, bỏ Ðức Chúa Trời là phải lẽ sao?”

Bà Lý Mỹ có lần bế con mới sinh được mấy tháng ra tỉnh thăm chồng cũng yên ủi khuyên bảo chồng chịu khó cho trọn, đừng lo cho vợ con làm chi. Vì nhờ ơn Chúa giúp sức thì mình cũng có thể ra sức dạy dỗ chúng nó được. Con gái lớn ông tên là Mỹ, mới 12 tuổi, đi trộm mẹ ra tỉnh mất gần nửa ngày trời để thăm cha trong ngục. Nó phải qua 2,3 lần cửa lính canh rất ngặt. Ðến gặp ông, nó thưa ông rằng: “Xin cha hãy chịu khó chịu chết vì đạo”. Ðứa con trai ông lên 9 tên là Tường, nhỏ quá không lên thăm bố được, nên nhắn những người lên tỉnh thăm cha thưa rằng: “Xin cha đừng có quá khóa, cứ vững lòng xưng đạo ra và chịu chết vì đạo, đừng lo đến chúng con làm chi”. Thật là một hồng phúc cho ông. Mọi người thân yêu đều có lòng tin mạnh mẽ, khuyến khích ông can đảm chết vì Chúa.

Với ông trùm Đích, bố vợ, ông Lý Mỹ rất hiếu thảo. Thấy cha vợ là ông trùm Ðích đã già yếu, lại có tính sợ đòn, phàn nàn không biết có bền vững chịu các hình khổ không, thì ông Lý Mỹ khuyên cha vợ: “Cha đã già rồi, lại yếu đuối, chẳng trông sống được bao lâu nữa, nếu cha chẳng chết vì đạo khi này, thì chẳng bao lâu nữa cha cũng chết bệnh. Nhưng nếu cha chết vì đạo, thì sẽ làm sáng danh đạo và sẽ được phúc thanh nhàn vui vẻ trên Thiên Ðàng đời đời. Nếu cha xuất giáo mà về nhà phải chết bệnh thì sẽ mang tiếng là kẻ bỏ đạo cùng liều mình mất linh hồn. Giả như có ai mến tiếc sự sống đời này, thì phải là con, vì con còn trẻ tuổi, khỏe mạnh. Nhưng con chẳng tiếc sự sống, lại vui lòng bỏ sự sống cho danh Ðức Chúa Trời được cả sáng. Con cái cha đã lớn rồi. Cha có sống ở với chúng nó thì cũng chẳng giúp chúng nó được việc gì. Nếu cha chết vì đạo thì sẽ làm gương sáng cho chúng nó và làm cho chúng nó được trọng trước mặt người ta. Vợ con còn trẻ tuổi, bốn đứa con của con còn bé dại chưa làm được gì mà ăn, nhưng con tin thật Ðức Chúa Trời đã sinh chúng nó ra, thì người cũng sẽ nuôi chúng nó nữa. Vả lại khi con đã được lên Thiên Ðàng thì con sẽ cầu nguyện cho chúng nó. Khi cha nghĩ đến những đòn vọt cha phải chịu chỉ lo sợ chẳng biết có chịu được chăng, song cha đừng lo, đừng sợ làm chi. Vì con sẽ chịu đỡ cho cha. Vậy xin cha hãy cứ vững lòng xưng đạo ra cùng làm chứng cho thiên hạ biết ta là kẻ tin cùng giữ đạo thật lòng và ta sẵn lòng chịu chết vì Ðức Chúa Giêsu đã chịu chết cho chúng ta”.

Ông Lý Mỹ nói thế nào thì giữ như vậy. Hễ lần nào quan toan đánh ông Ðích thì ông lại xin quan: “Lạy quan lớn, cha tôi già nua tuổi tác cùng yếu đuối, xin quan lớn tha cho cha tôi, tôi xin chịu đòn thay cho cha tôi”. Quan thấy ông có lòng hiếu thảo, thì ưng tha cho ông trùm Ðích và đánh ông Lý Mỹ. Có lần ông Mỹ chịu đòn thay cho ông trùm Ðích về, thì nói với ông trùm Ðích rằng: “Lạ thay bởi ơn Ðức Chúa Trời thương, khi quan đánh, thì con không thấy đau là mấy”.

Ông Lý Mỹ được quan quân và dân chúng kiêng nể. Bị bắt, về tới đồn Lục Bộ, quan hỏi ông có bỏ đạo không thì cho về, nhưng ông nhất định không chịu bỏ đạo. Ở Lục Bộ, một người huynh thứ trong làng Kẻ Vĩnh đến bàn với ông về việc hối lộ để chuộc ông ra, nhưng ông Lý Mỹ không chịu lại nói rằng: “Xin cám ơn dân có lòng, dân có lòng thì trả ơn dân, nhưng đừng chạy chuộc tội, xin để tiền ấy mà giúp vợ con tôi và làm bữa mừng khi đem xác tôi về”.

Các quan làm hết cách để dụ dỗ ông. Có khi dụ dỗ cùng lúc với cha Năm và ông trùm Ðích, có khi thì dụ dỗ riêng một mình ông. Có lần quan bảo ông: “Mày là thằng giỏi giang lại trẻ tuổi, lý sự và coi sóc dân làng giỏi, ai cũng được nhờ, sao mày dại mà chẳng chịu quá khóa đi?” Ông Mỹ thưa lại: “Sao tôi lại dại? Khi chưa có tôi thì đã có dân, thế thì ai coi sóc dân lúc bấy giờ? Nhưng mà linh hồn tôi thì tôi phải coi giữ, cho nên tôi chẳng bỏ linh hồn tôi mà nghe lời quan đâu”.

Có lần đến trước quan án, mà quan cứ giục ông phải bỏ đạo, nên ông nói chọc quan lớn: “Giả như giặc giã đến đây mà truyền cho chúng tôi đập đầu quan lớn để chúng tôi được sống, thì chúng tôi dám làm, nhưng Chúa chúng tôi thờ thì chúng tôi chẳng dám làm đâu”. Quan nghe vậy tức giận quá, liền cầm cái quạt ném vào mặt ông trúng vào con mắt ông, ông đau đớn quá ngã xuống sân.

Có lần khác quan thương tình khuyên bảo ông: “Mày còn trai tráng, và giỏi giang. Mày đã làm lý trưởng, nếu biết điều mày cũng có thể trở nên giàu sang, và được phong lưu sống lâu. Mày hãy quá khóa đi, thì được về nhà ở với vợ con. Nhiều kẻ khác đã quá khóa rồi, sao mày chẳng bắt chước chúng nó quá khóa, khi về nhà thì mày muốn giữ đạo thế nào cũng được”. Ông Lý Mỹ thưa lại quan: “Bẩm lạy quan, tôi đã xem sách đạo và hiểu lẽ đạo, tôi đã biết đạo Ðức Chúa Trời là đạo thật cho nên tôi không thể bỏ được. Giả như có ai bảo quan lớn đập đầu Ðức Hoàng Ðế đã ban quyền cao chức trọng cho quan, ắt là quan lớn chẳng dám làm. Vậy tôi dám đạp ảnh Ðức Chúa Trời là Chúa tôi thờ làm sao được? Tôi chẳng tiếc sự sống hèn sống tạm ở đời này, vì thế nào tôi cũng phải chết. Nếu chẳng chết trước thì cũng chết sau. Còn về của cải chức quyền thì xin quan lớn biết rằng chẳng có chức quyền và của cải nào sánh bằng phúc trọng tôi sẽ được chết vì đạo. Tôi vốn thương vợ con tôi lắm, nhưng tôi sẵn lòng lìa bỏ họ vì tôi biết rằng Ðức Chúa Trời sẽ coi sóc chúng nó, và ngày sau sẽ cho tôi được gặp họ trên Thiên Ðàng. Quan lớn dạy rằng có nhiều người bỏ đạo. Vậy những thằng lính vì sợ giặc bỏ chạy cũng bỏ thầy mình thì có ra gì? Tại sao quan lớn lại dạy tôi bắt chước chúng nó?”

Sau khi xử hai đấng, tên lý hình đòi ông Lý Mỹ năm quan tiền thì sẽ xử một nhát mát mẻ. Nhưng ông bảo rằng: “Năm quan tiền để làm phúc cho kẻ khó, chẳng có tiền cho chú mình đâu, muốn băm vằm thế nào thì mặc”. Lý hình bực tức, chém một nhát trượt không đúng, chỉ đứt một miếng thịt nơi cằm, ông Lý Mỹ ngã xuống. Mãi đến nhát thứ năm mới đứt đầu.

Ông bị xử ngày 12.8.1838. Sau khi xử tử, quan cho phép ông Lý Thi được khiêng xác ba đấng về làng Kẻ Vĩnh. Trong ba đấng thì dân chúng quý ông Thánh Mỹ hơn cả. Ðúng như lời các quan đã tiên đoán về ông: “Tên này sau khi chết sẽ làm thành hoàng đất nó”.

Kết luận, thánh Lý Mỹ, đã sống và nêu gương sáng về năm đức: nhân, nghĩa, lễ, trí và tín. Làm lý trưởng, ông Lý Mỹ ăn ở có Nhân có Nghĩa với mọi người trong làng, từ những người nghèo hèn, qua tuần đinh, quan viên, đến bô lão; có Tín có Lễ với các bề trên quan quyền, cha chú, cũng như với dân làng; có trí, có đức trong mọi quyết định, hành xử, đối đáp. Đó là những lý do khiến mọi người quan quyền cũng như dân làng kính nể ông. Về đời sống gia đình, ông hiếu thảo với cha mẹ, có nghĩa có tình với vợ; có thân có từ với con cái. Còn về đời sống thiêng liêng với Chúa, lòng tin cậy mến của ông thực vững mạnh, dũng cảm và phó thác. Trong con người ông Lý Mỹ hai khuôn mặt việt nam và Công Giáo hòa đồng cuốn quyện vào nhau một cách tuyệt hảo. Chân ông đạp đất Việt Nam, lòng ông quyện vào văn hóa ngũ luân ngũ thường, trí ông mơ về một khát vọng tuyệt đối, vĩnh cửu của Nước Trời.