Saturday, 04 April 2020 14:26

Giải Thích Bộ Giáo Luật - Quyển I: Những Qui Tắc Tổng Quát Featured

GIẢI THÍCH

BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983

CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

***

***

QUYỂN I:

NHỮNG QUI TẮC TỔNG QUÁT

 

---***---

MỤC I: DẪN NHẬP 

 

 

Quyển I có tựa đề : “Những qui tắc tổng quát”, gồm 203 điều đề cập đến những qui tắc căn bản để có thể hiểu các từ ngữ pháp lý, cách thức giải thích và áp dụng.

Trước hết là 6 điều dẫn nhập, không có tựa đề, bàn về phạm vi áp dụng của bộ luật này, xét về đối tượng và xét về thời gian.

Tiếp đến, là 11 tiết, bắt đầu từ điều 7, đưa ra những luật lệ chung cho tất cả các tín hữu Kitô, đồng thời nêu rõ chủ đề pháp lý về các quyền lợi và vác bổn phận của họ, dầu đoàn sủng và trách nhiệm của họ là gì trong Giáo hội.

Nhìn qua, quyển I vẫn giữ nhan đề và vẻ chuyên môn của bộ luật cũ, nên xem ra không khác quyển I của bộ luật cũ nhiều lắm, trừ ra con số gia tăng các điều luật, từ 86 điều lên tới 203 điều, và trừ vài thay đổi về nhan đề và đề tài được bàn tới.

Tuy nhiên, bộ luật 1983 đã mang lại một sự đổi mới quan trọng trong việc phân biệt rõ ràng giữa các qui tắc lập pháp (luật, tục lệ, các sắc lệnh tổng quát có tính lập pháp) và những qui tắc hành pháp có tính tổng quát như các sắc lệnh hành pháp, các huấn thị, hoặc có tính đặc thù như những hành vi hành chánh của Tiết IV.

Sự phân biệt này không những có tầm quan trọng lý thuyết, mang lại một sự minh bạch pháp lý lớn hơn và thừa nhận sự hiện hữu của một quyền bính hành chánh, nhưng nó còn có một tầm quan trọng trong thực hành. Quả vậy, một số “luật” không thể ngày nào cũng được công bố; trái lại, chẳng hạn như các tòa của giáo phận được chỉ định để hành sử quyền hành pháp một cách thường xuyên.

***

MỤC II

NHỮNG ĐIỀU MỞ ĐẦU

 

Đây là 6 điều đầu tiên. 6 điều này không có tựa đề riêng, và liên quan đến toàn thể bộ luật.

1. Bộ luật của Giáo hội La tinh

Bộ Giáo luật 1983 là bộ luật của Giáo hội La tinh (đ 1), tức là tất cả những điều trong bộ luật này chỉ liên quan tới hay chỉ chi phối đối với Giáo hội La tinh, gồm tất cả các tín hữu trực tiếp vâng phục Đức Giáo hoàng Rôma, là Thượng phụ Giáo chủ Tây phương. Do đó những điều luật này không áp dụng cho các người Công giáo Đông phương. Như vậy, trong Giáo hội Công giáo có 2 bộ luật : một dành cho giáo hội La tinh và một dành cho Giáo hội Đông phương.

2. Giáo luật và phụng vụ

Bộ Giáo luật không  đề  cập  đến các luật phụng vụ (đ 2) Cần phân biệt 2 khía cạnh:

a. Khía cạnh pháp lý : về bổn phận và quyền lợi của các thừa tác viên và những người tham dự.

b. Khía cạnh những nghi thức cử hành : là những qui luật phụng vụ.

Bộ Giáo luật chỉ chú trọng đến khía cạnh pháp lý của việc cử hành phụng vụ chứ không đi sâu vào cách thức cử hành, được mô tả trong các sách phụng vụ.

Trong trường hợp có mâu thuẫn hay trái ngược giữa một qui tắc có tính kỷ luật, được ghi trong các văn kiện và các sách phụng vụ có trước bộ luật này, thì điều khoản của bộ luật này sẽ thắng, tức là phải tuân giữ sự qui định của bộ luật này.

3. Giáo luật và hiệp ước nhà nước

Bộ Giáo luật không ảnh hưởng gì tới các hiệp ước đã ký kết giữa Tòa thánh với các quốc gia hay các xã hội chính trị khác (đ 3) Do đó, các hiệp ước ấy vẫn giữ nguyên hiệu lực, tức là vẫn tiếp tục hiện hành như trước, kể cả những gì mà bộ Giáo luật qui định ngược lại.

“Các xã hội chính trị khác” là gì? nghĩa là Tòa thánh không những duy trì liên lạc với các quốc gia, nhưng còn với Liên Hiệp Quốc và các cơ quan của tổ chức này.

Trong cuốn Niên giám của Tòa thánh, chúng ta thấy Tòa thánh đặt liên lạc ngoại giao không những nơi các quốc gia, mà còn nơi các tổ chức quốc tế có tính chất chính phủ như UN (Liên Hiệp Quốc), FAO (Lương Nông Quốc Tế), UNESCO (Tổ Chức Liên Hiệp Quốc về giáo dục, khoa học và văn hóa); và các tổ chức quốc tế không có tính chất chính phủ, như các ủy ban về sử học, cổ học, nghệ thuật, các khoa học nhân bản, các khoa học về nhân chủng, v.v… rồi chúng ta thấy danh sách các cơ quan ngoại giao bên cạnh Tòa thánh.

4. Giáo luật và những đặc ân

Các quyền lợi đã thủ đắc cũng như các đặc ân do Tòa thánh thuận cho các thể nhân hay pháp nhân cho tới hôm nay vẫn còn hiệu lực (đ 4), tức là chưa bị thu hồi hay rút lại thì vẫn còn giá trị, trừ khi những điều của bộ luật này rõ ràng thu hồi hay rút lại.

- Quyền lợi thủ đắc, nghĩa là ai tuân thủ luật pháp sẽ đạt được những hiệu quả của điều luật đó. Vì vậy, các hiệu quả này là những quyền lợi thủ đắc do việc tuân thủ luật pháp, và các quyền lợi này sẽ tồn tại theo qui định của luật pháp.

- Luật lệ bao giờ cũng có tính “hướng về tương lai”. Do đó, luật mới không chi phối quá khứ, như điều 9 nói : “Luật không có tính hồi tố”. Đó là cái được gọi là “tính bất hồi tố” của luật pháp.

Như vậy, bộ Giáo luật thừa nhận các quyền lợi thủ đắc hay các đặc ân khi đặt ra nguyên tắc tổng quát : các quyền lợi đó sẽ còn y nguyên. Nhưng cũng nêu ra nguyên tắc ngoại trừ : “Trừ khi có sự rút lại tỏ tường do các điều của bộ luật này”.

5. Giáo luật và tục lệ

Các tục lệ phổ quát hay đặc lập hiện còn hiệu lực mà nghịch với bộ luật này, nguyên tắc là tất cả các tục lệ đó phải bãi bỏ (đ 5 §1). Nhưng sự áp dụng có nhiều cách khác nhau :

a. Các tục lệ bị bộ luật này phi bác thì phải bãi bỏ và không được phép khôi phục nữa. Thí dụ : - điều 423 §1 : không được có nhiều giám quản giáo phận. - điều 526 §2 : không được có nhiều linh mục chính xứ trong một giáo xứ.

b. Các tục lệ có trước bộ luật này và nghịch với một điều của bộ luật này, nếu không bị bãi bỏ thì cũng bị coi như bãi bỏ, trừ khi chính luật cho phép duy trì. Thí dụ : đối với tài sản của Giáo hội, điều 1263 nói : “Vẫn giữ nguyên những lề luật và tục lệ riêng đã dành cho ngài (giám mục giáo phận) quyền rộng lớn hơn”. Hoặc tục lệ đã có hằng trăm năm hay lâu đời và được vị thường quyền làm thinh.

c. Các tục lệ có trước bộ luật này ở ngoài luật, tức là tục lệ ngoại luật, thì được duy trì (đ 5 §2).

Tục lệ ngoại luật đi xa hơn luật, khi nó bổ sung cho sự im lặng của luật hoặc đưa ra một điều không mâu thuẫn với luật, luật hiện nay và luật trước kia.

Thí dụ : điều 1279 : việc quản trị tài sản thuộc quyền người có trách nhiệm trực tiếp đối với người có tài sản ấy, trừ khi tục lệ hợp pháp ấn định thể khác.

6. Giáo luật và các thứ luật khác

Khi bộ Giáo luật 1983 bắt đầu có hiệu lực (27.11.1983), những luật sau đây bị bãi bỏ (đ 6 §1) :

+ Toàn thể bộ Giáo luật ban hành năm 1917.

+ Các luật phổ quát hay đặc lập, trái với các điều của bộ luật này, trừ khi có quyết định khác tỏ tường liên quan đến các luật địa phương.

Như vậy, bãi bỏ nền pháp chế trước bộ luật này, hoặc của bộ Giáo luật 1917 hoặc nền pháp chế giữa 1917 và 1983 với rất nhiều văn kiện, nhất là từ sau công đồng Vaticanô II với mục đích áp dụng những quyết định của công đồng.

+ Tất cả các hình luật phổ quát hay đặc lập của Tòa thánh ban ra, trừ khi chúng được lấy lại trong bộ luật này.

+ Tất cả những luật phổ quát về kỷ luật liên quan tới một vấn đề đã được bộ luật mới hoàn toàn chỉnh đốn lại. Tức là các luật có tính kỷ luật, được coi là bị bãi bỏ và được tổ chức lại trong bộ luật mới.

Thí dụ : sau công đồng Vaticanô II cho phép các dòng tu được du nhập và thử nghiệm, thay thế lời khấn tạm bằng lời thề. Nhưng cách thức ấy đã bị sửa lại hoàn toàn trong bộ luật mới.

Khoản 2, bằng một câu ngắn gọn, đã đề ra tiêu chuẩn cho việc giải thích các luật cũ được nhận lại trong bộ Giáo luật mới, cho thấy tâm lý của nhà làm luật là muốn duy trì sự liên tục giữa luật cũ với luật mới hơn là sự đảo lộn, vì thế đã qui định rằng : “Trong mức độ mà các điều bộ luật mới lấy lại luật cũ, thì chúng cần được giải thích dựa theo truyền thống của Giáo luật”.

7. Truyền thống Giáo luật

1. Những điều lấy lại y nguyên luật cũ thì phải được đánh giá theo giá trị luật cũ, cùng những lời chú thích của những tác giả đã được công nhận.

2. Những điều tương hợp từng phần với luật cũ, nố nào tương hợp thì đánh giá theo luật cũ, nố nào không tương hợp thì được cứu xét theo nguyên lý của những luật đó.

3. Khi hồ nghi không biết luật mới có phù hợp với luật cũ không, thì không được bãi bỏ luật cũ.

4. Tất cả những hình phạt bất luận thiêng liêng hay thế tục, thục hình hay dược hình, tiền kết hay hậu kết mà trong bộ luật mới không nói tới thì phải kể như đã bị bãi bỏ.

5. Những qui định vẫn lưu hành cho tới khi bộ Giáo luật ra đời mà không thấy còn trong bộ Giáo luật một cách minh nhiên hay mặc nhiên thì phải kể đã mất hiệu lực, trừ những luật thường gặp trong các sách phụng vụ hay luật đó là Thiên luật hay luật tự nhiên.

***

MỤC III

LUẬT GIÁO HỘI

 

Luật Giáo hội là những qui định do những người có thẩm quyền trong Giáo hội đặt ra nhằm bảo đảm trật tự trong cộng đoàn Giáo hội.

Câu định nghĩa đơn giản trên đặt ra nhiều điều cần tìm hiểu : những qui định nào mới là luật? ai là những người có thẩm quyền ra những qui định ấy? và những qui định ấy chi phối những ai, những cộng đoàn nào và chi phối như thế nào?

I. QUYỀN LẬP PHÁP TRONG GIÁO HỘI

- Những ai có quyền đặt ra luật trong Giáo hội?

Luật hiểu theo nghĩa chuyên môn, dành cho cơ quan lập pháp. Điều này cũng áp dụng cho sắc lệnh tổng quát nói ở điều 29. Trong Giáo hội, nguyên tắc phân quyền này không được áp dụng triệt để vì không có 3 cơ quan biệt lập tượng trưng cho 3 thẩm quyền : quốc hội, chính phủ, pháp viện. Ở cấp tối cao, cả 3 thẩm quyền đều tập trung nơi Đức Giáo hoàng hay công đồng hoàn vũ. Còn ở cấp địa phương, cả 3 thẩm quyền ấy tập trung nơi giám mục giáo phận.

Nói rõ hơn, trong Giáo hội, chỉ những cơ quan sau đây mới có quyền lập pháp:

1. Đức Giáo hoàng : trong vai trò đại diện Chúa Kitô trên trần gian, người kế vị thánh Phêrô, thủ lãnh giám mục đoàn, chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ, Đức Giáo hoàng có quyền đặt ra luật cho toàn thể Giáo hội (xc. đ 331).

2. Giám mục đoàn : khi hiệp thông với nhau và với sự hiện diện của vị thủ lãnh (Đức Giáo hoàng), giám mục đoàn có quyền đặt ra luật cho Giáo hội hoàn vũ, như trong trường hợp các công đồng chung. Nếu thiếu sự hiệp thông và chuẩn nhận của vị thủ lãnh, giám mục đoàn không có quyền đặt ra luật (xc. đ 336).

3. Công đồng địa phương : theo nhu cầu mục vụ với các chủ đích : tăng cường đức tin, hoạt động truyền giáo, duy trì và phát triển luân lý, bênh vực giáo huấn của Giáo hội… các giám mục trong cùng một miền có thể triệu tập công đồng để đặt ra luật. Các luật này trước khi ban hành, phải được Tòa thánh duyệt y và chỉ có giá trị trong phạm vi miền đó (xc. đ 445, 446).

4. Hội đồng giám mục : chỉ có thể ra sắc lệnh tổng quát trong những trường hợp mà luật chung đã qui định, hoặc một ủy nhiệm đặc biệt của Tòa thánh đã tự ý ấn định, hoặc theo lời thỉnh cầu của chính hội đồng giám mục ấy và được Tòa thánh chấp thuận. Các sắc lệnh tổng quát chỉ có hiệu lực bắt buộc khi được ban hành hợp lệ, sau khi đã được Tòa thánh duyệt y (xc. đ 455).

5. Giám mục giáo phận : trong hội đồng giáo phận, giám mục là nhà lập pháp duy nhất, các thành viên khác chỉ có quyền tư vấn. Duy chỉ giám mục mới có thẩm quyền ký nhận mọi tuyên ngôn và mọi sắc lệnh của hội đồng cũng như ban hành chúng với quyền hành của ngài (xc. đ 466).

6. Năng quyền trên cũng được hành sử do các vị tương đương với giám mục giáo phận : giám hạt tòng thổ, đan viện phụ tòng thổ, đại diện Tông tòa, giám quản Tông tòa, phủ doãn Tông tòa.

7. Các giám mục phó hay các giám mục phụ tá cộng tác với giám mục giáo phận trong công việc điều hành giáo phận (xc. đ 403) và thay thế giám mục giáo phận khi cản tòa hay trống tòa. Khi thi hành nhiệm vụ trong những hoàn cảnh này, các ngài có quyền như giám mục giáo phận (xc. đ 428, 429, 430).

II. PHÂN LOẠI

Có những thứ luật sau:

1. Xét theo nguồn gốc (tác giả): Thiên luật, Giáo luật, Dân luật

2. Xét theo nội dung (đối tượng): Hiến pháp, Luật hành chánh, Luật hình sự, Luật tố tụng, Luật về nhân thân - hiệp hội - gia đình - tài sản - khế ước.

3. Căn cứ trên nền tảng bó buộc

- Luật đối nhân (tòng nhân) : buộc con người, đi đâu người ấy cũng phải giữ.

- Luật đối địa (tòng thổ) : buộc những ai sống trong lãnh thổ đó.

4. Xét về lãnh thổ

- Luật phổ quát : có hiệu lực trong toàn thể Giáo hội.

- Luật đặc lập (địa phương) : chỉ bó buộc một miền hay vài miền nào đó.

5. Xét về nhân thân

- Luật chung : bó buộc mọi hạng người trong Giáo hội hay cả một cộng đoàn, thí dụ : mọi tu sĩ  Đa Minh trên thế giới.

- Luật riêng : buộc một hạng nguời nào đó, thí dụ : hồng y, giám mục, giáo sĩ …

* Khi nói về tu hội, thì luật chung được hiểu là áp dụng cho mọi tu hội, còn luật riêng là luật của mỗi tu hội.

6. Theo công hiệu phát sinh

- Luật bãi hiệu (vô hiệu hóa) : khi nó tuyên bố một hành vi nào đi ngược với những qui định của nó sẽ không có hiệu lực pháp lý, thí dụ : điều 849 qui định, để ban phép Rửa tội hữu hiệu, thì phải dùng nước tự nhiên, vậy dùng nước ngọt hoặc bia thì vô hiệu.

- Luật bãi năng (vô năng hóa) : khi nó tuyên bố một người nào không có năng cách để thi hành một hanh vi nào, thí dụ : điều 1087 cấm giáo sĩ kết hôn, nếu một linh mục kết lập giá thú, thì hôn nhân sẽ không có giá trị trước mặt Giáo hội.

III. NHỮNG QUI ĐỊNH CỦA BỘ GIÁO LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN LUẬT

1. Khi nào thành luật?

“Luật được thiết lập khi được công bố” (đ 7).

Công bố là thông báo luật đó cho cộng đoàn với lệnh phải tuân giữ, như vậy, một luật được thiết lập vào lúc nó được công bố. Qua việc công bố này, vị làm luật chính thức bày tỏ ý muốn truyền lệnh của mình cho cộng đoàn.

Việc công bố phải được thực hiện công khai, rõ ràng và hợp pháp. Vì thế, những mệnh lệnh, qui định hay sắc lệnh không được công bố thì không trở thành luật.

Không luật nào có hiệu lực hay bó buộc trước khi được công bố, vì sự công bố là hành vi để vị làm luật bày tỏ ý muốn bắt buộc phải tuân giữ một quyết định gì mới. Đàng khác, vì luật được dành cho một cộng đoàn, cho nên luật phải được chính thức thông tri cho cộng đoàn đó.

2. Cách thức công bố

A. Cách công bố

Có những cách công bố khác nhau tùy theo luật :

(1). Đối với luật phổ quát của Giáo hội : được công bố bằng việc đăng trong Công báo Tông tòa, trừ những trường hợp riêng biệt có quy định một lối công bố khác (đ 8 §1), như qua một nghi lễ trọng thể, qua việc loan báo trên đài phát thanh, qua việc đăng trên báo Osservatore Romano.

Thí dụ : Hiến chế Tông tòa “Poeni temini” của Đức Phaolô VI về ăn chay và kiêng thịt, đã được công bố trên báo Osservatore Romano ngày 17.02.1966, vì buộc phải tuân giữ ngày 23.02, sau đó là ngày Lễ Tro.

2. Đối với luật đặc lập (địa phương) : được công bố theo cách của người làm luật ấn định (đ 8 §2).

Trong các giáo phận, các luật của giám mục giáo phận thường được công bố trên báo của giáo phận, gửi về các giáo xứ hay niêm yết ở cuối nhà thờ, v.v…

B. Thời gian hưu của luật

Việc công bố luật không phải là việc áp dụng luật. Thời gian từ lúc công bố đến lúc áp dụng được gọi là “thời gian hưu của luật”, vì cần có thời gian để luật được thông tri tới tất cả những người phải giữ luật, đàng khác, cũng cần có thời gian để nghiên cứu học hỏi bản văn.

Nói khác đi, luật không có hiệu lực ngay sau khi được công bố, nhưng sẽ có một thời gian để luật có thể được nhận biết và được tìm hiểu, nên sự “hưu nghỉ của luật” là cần thiết.

Bình thường, vị làm luật ấn định thời gian này, và thời gian được tính từ lúc luật được công bố, chứ không tính từ lúc được ký bởi vị làm luật, cho nên điều 8 §2 nói rõ : “Sau ngày được đăng trên Công báo Tông tòa”.

Theo nguyên tắc, thời gian hưu đối với các luật phổ quát là 3 tháng, còn đối với các luật đặc lập là 1 tháng. Những ngoại trừ đối với nguyên tắc trên là do bản chất của luật bắt buộc tức khắc hoặc do văn kiện công bố ấn định rõ ràng.

Vị làm luật thường ấn định thời gian hưu của luật ngắn hơn 3 tháng đối với các luật thuận lợi, thí dụ : Tự sắc “Pastorale munus” của Đức Phaolô VI công bố ngày 30.11.1963 ban nhiều quyền hành mới cho các giám mục giáo phận và các vị tương đương, đã có hiệu lực ngày 08.12.1963 như được ghi rõ ràng trong Tự sắc.

Trong các trường hợp khác, vị làm luật có thể ấn định một thời gian dài hơn, thí dụ : bộ Giáo luật mới được công bố ngày 25.01.1983, nhưng thời gian “hưu nghỉ” được kéo dài tới ngày  27.11.1983, được ghi rõ trong Tông hiến công bố.

1. Tính cách bất khả hồi tố của luật

“Luật nhằm về tương lai chứ không nhằm về quá khứ, trừ khi rõ ràng định liệu về quá khứ” (đ 9), nghĩa là luật chỉ chi phối những hành vi được thực hiện về sau chứ không chi phối những hành vi đã thực hiện về trước, đó là tính bất khả hồi tố.

Đây là một nguyên tắc được luật Rôma thừa nhận và được đa số các bộ dân luật thời nay công nhận. Nguyên tắc này được áp dụng cho bất cứ luật nào của Giáo hội, dù người làm luật, các hậu quả và các thể thức là gì đi nữa. Bởi vậy, phải đánh giá một hành vi quá khứ chiếu theo luật pháp hiện hành khi ấy, nghĩa là khi hành vi đó được thực hiện, mặc dù sau đó luật ấy đã bị bãi bỏ hoặc điều chỉnh.

Thí dụ : cuộc hôn nhân giữa anh em họ, tức là con của anh em thúc bá, được cử hành trước ngày 27.11.1983 mà không có phép chuẩn, thì phải kể là một cuộc hôn nhân bất thành, mặc dù từ đó bộ luật đã bãi bỏ ngăn trở về họ máu ở cấp bậc ấy.

2. Luật vô hiệu hóa và luật vô năng hóa

Một luật chỉ được coi là luật vô hiệu hoặc vô năng khi trong luật đó nói rõ một hành vi nào vô hiệu hoặc một người nào không đủ khả năng (đ 10).

- Luật vô hiệu hóa : khi luật cho là vô hiệu một hành vi nào tự tính chất nội tại của nó là vô hiệu.

Thí dụ : cuộc bỏ phiếu mà số phiếu nhiều hơn số người có quyền bỏ phiếu (xc. đ 173 §3).

- Luật vô năng hóa : khi luật tuyên bố một người nào không có khả năng để thực hiện một hành vi thành hiệu, nghĩa là một hành vi được coi là vô hiệu vì người thực hiện hành vi đó không có đủ điều kiện mà pháp luật đòi hỏi phải có.

Thí dụ : - bất lực về hôn nhân (xc. đ 1084). - một người đang có chức thánh là vô năng đối với việc kết hôn (xc. đ 1087). - người không có tư năng để tham dự vào một cuộc bầu cử (xc. đ 171).

3. Ai phải giữ luật?

Nhưng người buộc phải giữ luật thuần túy của Giáo hội, đòi phải có 3 điều kiện:

1. Đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo hay được nhận vào trong Giáo hội.

2. Đã có đủ trí khôn.

3. Đã trọn 7 tuổi.

Trừ khi có những qui định rõ ràng khác của luật (đ 11).

Ba điều kiện trên phải có đồng thời, tức là phải đủ cả ba điều kiện ấy. Xin giải thích thêm:

- Về điều kiện thứ I : những người được rửa tội trong Giáo hội Công giáo thì rõ ràng rồi. Còn những người được nhận vào trong Giáo hội là những người được rửa tội ngoài Giáo hội Công giáo, rồi sau đó trở thành người Công giáo, thí dụ : anh em Tin lành, Chính thống, Anh giáo. Do đó, người chưa rửa tội, người đã được rửa tội trong giáo hội khác, người dự tòng không buộc giữ luật Giáo hội. Đây là một đổi mới của bộ luật 1983, vì bộ luật 1917 buộc cả những người trên.

- Về điều kiện thứ II : đã có đủ trí khôn, tức là biết sử dụng  lý trí đầy đủ. Những người đã trưởng thành, nhưng thiếu khả năng sử dụng lý trí thường xuyên (không phải do say rượu hay sử dụng ma túy) cũng được miễn chuẩn khỏi giữ luật Giáo hội, kể họ như nhi đồng (xc. đ 99).

- Về điều kiện thứ III : đã trọn 7 tuổi tính từ ngày sinh, nghĩa là hết tuổi con nít. Giáo luật (đ 97 §2) suy đoán rằng trước tuổi này, con người chưa biết dùng lý trí, và sau tuổi này thì biết. Đó là một suy đoán của luật pháp. Tuy nhiên, nếu trước 7 tuổi, đứa trẻ đã biết dùng lý trí, thì không buộc phải giữ luật Giáo hội (do đó, nếu có thần đồng nào rất sáng trí nhưng chưa đầy 7 tuổi thì chưa buộc phải giữ luật). Còn nếu đủ 7 tuổi rồi mà chưa biết dùng lý trí, thì cũng không buộc phải giữ luật Giáo hội, nhưng phải chứng minh điều đó.

4. Phân biệt các thứ luật và các đối tượng giữ luật

(a). Các luật phổ quát : buộc tất cả mọi người trên thế giới mà các luật này được công bố cho họ (đ 12 §1), nghĩa là luật được công bố cho ai thì buộc họ phải giữ ở bất cứ nơi nào, thí dụ : luật dành cho các giáo sĩ thì bó buộc hết các giáo sĩ trong toàn Giáo hội.

Có 2 trường hợp cần lưu ý:

+ Một luật phổ quát không có hiệu lực ở một địa hạt nào, thì những ai ở đó không buộc phải giữ (đ 12 §2). Hoặc do một tục lệ  đã có từ trăm năm hoặc từ thời xa xưa (xc. đ 5 §1). Hoặc do thẩm quyền bãi bỏ luật đó đối với địa hạt này. Cho nên điều 1246 §2 dự trù rằng : hội đồng giám mục của một nước, sau khi có sự ưng thuận của Tòa thánh, có quyền bãi bỏ một số ngày lễ buộc (ghi nơi khoản 1 của điều này) hoặc chuyển sang ngày Chúa nhật.

Thí dụ : một người ngoại quốc ở trong nước Việt Nam mà có thường trú ở một nơi mà lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm là lễ buộc, thì không buộc mừng lễ này.

Thí dụ : tại Việt Nam, giáo dân được chuẩn khỏi ăn chay kiêng thịt vào ngày thứ Tư lễ Tro vì trùng vào dịp Tết Nguyên Đán, thì một anh vừa từ Mỹ đến thành phố Hồ Chí Minh, được hưởng sự chuẩn chước này.

+ Còn những luật được ban hành riêng cho một địa hạt nào thì buộc những người mà các luật này được ban hành cho họ khi họ có gia cư hay chuẩn cư ở đó và hiện đang ở đó (đ 12 §3), nghĩa là trong việc giữ luật địa phương, phải có 2 điều kiện nữa : phải có gia cư hay chuẩn cư tại đó và hiện đang cư trú tại đó.

(b). Các luật đặc lập (địa phương) : vì được suy đoán là đối địa (đ 13 §1), nên chỉ ràng buộc những người mà luật nhắm đến, nếu họ có gia cư hoặc chuẩn cư và hiện đang ở nơi đó (xc. đ 12 §3). Cần lưu ý 2 trường hợp sau:

(i). Những kiều cư (khách du lịch, người tạm trú) thì không buộc giữ:

- Những luật đặc lập của địa phương họ khi họ ra khỏi nơi đó, trừ khi nếu vi phạm thì có hại cho địa hạt của họ; hoặc nếu đó là những luật đối nhân (đ 13 §2 số 1).

- Những luật của địa phương mà họ đang cư ngụ, trừ những luật về trật tự công cộng hoặc những luật xác định trọng thức của các hành vi hoặc những luật về bất động sản nằm trong địa hạt ấy (đ 13 §2 số 2).

* Giải thích những ngoại trừ trên:

- Về trật tự công cộng, như : luật duy trì trật tự trong xã hội, thí dụ : khi cử hành phụng vụ công khai - luật quy định việc hành sử công quyền (giám mục, thẩm phán, chủ chăn), luật mà sự vi phạm sẽ sinh gương mù.

- Về luật xác định trọng thức của các hành vi : những thể thức phải tuân giữ trong khi làm khế ước, di chúc, thủ tục tố tụng.

- Về luật liên can đến các bất động sản nằm trong lãnh thổ.

(ii). Những người phiêu cư (những người không có gia cư hay chuẩn cư) thì buộc phải giữ cả những luật phổ quát lẫn luật đặc lập đang có hiệu lực nơi họ cư ngụ (đ 13 §3).

(c). Luật hồ nghi

Các luật, kể cả luật vô hiệu hóa và vô năng hóa, khi hồ nghi về pháp luật thì không buộc, còn hồ nghi về sự kiện thì vị thường quyền có thể chuẩn chước (đ 14). Như vậy, cần phân biệt : sự hồ nghi có thể liên quan tới pháp luật hay liên quan tới sự kiện.

- Sự hồ nghi liên quan tới pháp luật, nghĩa là hồ nghi về sự hiện hữu, về hiệu lực hoặc về sự thôi buộc của luật : không biết có luật hay không, không rõ đã ban hành hay chưa, không rõ tác giả của nó có thẩm quyền làm luật hay không, không biết luật còn hiệu lực hay không… khi đó áp dụng câu châm ngôn : “lex dubia, lex nulla” (luật hồ nghi là luật không có).

- Sự hồ nghi liên quan tới sự kiện, nghĩa là biết chắc đã có luật qui định như thế nhưng không rõ có thể áp dụng vào trường hợp trước mắt hay không, không biết làm như vậy có sai luật không. Giáo luật khuyên nên gặp vị thường quyền sở tại xin hướng dẫn, thí dụ : một người sinh ra trong một gia đình, bố theo Tin lành, mẹ theo Công giáo, và không biết đã được rửa tội theo bên nào, thì anh có buộc phải giữ Giáo luật không? Nhà làm luật trả lời : hãy đến xin vị thường quyền chuẩn chước. Dĩ nhiên, vị thường quyền chỉ chuẩn chước trong phạm vi thuộc thẩm quyền mình mà thôi. Trong bộ Giáo luật, chúng ta gặp thấy qui định cho vài trường hợp hồ nghi ở các điều 144, 1060, 1496 §1, 1608 §4.

(d). Không biết luật và lầm lẫn

“Không biết hay lầm lẫn về các luật vô hiệu hóa hay vô năng hóa, không cản trở hiệu quả của những luật ấy, trừ khi minh nhiên ấn định cách khác” (đ 15 §1).

- Không biết mang tính cách tiêu cực : thiếu hiểu biết.

- Lầm lẫn có tính cách tích cực : có biết nhưng lại biết sai, có nhận định nhưng không phù hợp với sự thực.

Giữa không biết và lầm lẫn có mối tương quan nhân quả, bởi vì lầm lẫn thường phát sinh do không biết. Không biết và lầm lẫn có thể liên quan tới pháp luật hoặc liên quan tới sự kiện.

(i). Trên nguyên tắc, dù không biết hay lầm lẫn, luật vẫn phát sinh hiệu quả như thường, nghĩa là trong cả 2 trường hợp, luật vẫn buộc, vì khi luật được ban hành, giả thiết mọi người đều phải biết, tức là suy đoán mọi người phải biết luật.

Điều này được áp dụng cách riêng cho các luật vô hiệu hóa và vô năng hóa.

Thí dụ : một linh mục không có thẩm quyền mà lại chứng  hôn thì hôn phối ấy vô hiệu, tuy dù cả linh mục lẫn đôi bạn đều thực sự ngay tình không biết. Đối với đôi bạn thì có thể chấp nhận được, chứ linh mục thì không thể bào chữa là không biết.

Qui tắc này còn được lặp lại ở điều 1045 về ngăn trở chịu chức thánh : không biết một ngăn trở hoặc một bất hợp luật trong việc lãnh nhận hoặc thừa hành các chức thánh, sẽ không bào chữa được, tức là vẫn bất thành.

Điều 1099 về các đặc tính của hôn nhân : không biết có một ngăn trở phi hôn nhân không làm cản trở sự bất thành của hôn nhân đó, tức là vẫn bất thành, thí dụ : không biết Giáo hội Công giáo không cho ly dị, hôn nhân vẫn thành.

(ii). Người ta không được suy đoán là không biết hoặc lầm lẫn khi đối tượng là một luật, một hình phạt, một sự kiện liên hệ tới bản thân hoặc một sự kiện tỏ tường của tha nhân. Nhưng được suy đoán như thế, khi là một sự kiện không tỏ tường của tha nhân, cho đến khi có chứng cớ ngược lại (đ 15 §2).

Điều 1096 §2 : luật suy đoán rằng : sau tuổi dậy thì, thì phải biết bản chất của hôn nhân. Sau khi khám bệnh, bác sĩ cho biết người đó bị bệnh tâm thần, nên không biết gì về hôn nhân.

5. Giải thích các luật Giáo hội

A. Cách giải thích

Bộ Giáo luật chỉ chấp nhận 2 cách giải thích : uy tín và những cách khác.

a. Uy tín : sự giải thích do người làm luật hoặc người được người làm luật ủy quyền (đ 16 §1). Cách này được gọi là cách giải thích chính thức.

Thí dụ : đối với các luật Giáo hội thì có ủy ban giải thích bộ Giáo luật, được thành lập ngày 02. 01.1084. Với cuộc cải tổ giáo triều năm 1988, cơ quan này được đổi tên thành “Hội đồng giải thích các văn bản pháp lý”. Tuy nhiên, về tính cách ràng buộc của sự giải thích thì phải phân biệt hai trường hợp :

+ Nếu sự giải thích chỉ có tính cách thuần túy tuyên bố lại những lời lẽ đã rõ và chắc chắn của luật, thì nó có hiệu lực kể từ khi bản luật có hiệu lực.

+ Nếu sự giải thích mở rộng ra hay thu hẹp lại nội dung của bản luật, thì nó chỉ có giá trị bó buộc trong tương lai, chứ không hồi tố (đ 16 §2).

Thí dụ : ngày 19. 01.1988 ủy ban giải thích Giáo luật tuyên bố rằng một giám mục phụ tá không thể làm chủ tịch hội đồng giám mục chiếu theo điều 452. Đây là một sự giải thích thu hẹp, bởi vì bản văn không có đặt ra sự giới hạn đó. Vì thế, nó chỉ có giá trị cho các cuộc bầu cử trong tương lai; còn các hội đồng giám mục nào đã bầu một giám mục phụ tá làm chủ tịch thì không thể bị coi là bất hợp pháp.

b. Những cách giải thích khác. Đó là sự giải thích của một cơ quan hành pháp hay tư pháp. Sự giải thích này chỉ có giá trị đối với trường hợp cụ thể mà cơ quan ấy áp dụng chứ không có giá trị phổ quát đối với hết mọi trường hợp (đ 16 §3).

B. Phương pháp giải thích

Dù là cách giải thích nào, Giáo luật cũng đề ra một vài qui tắc khách quan cần phải dựa vào để hiểu luật, gồm 4 tiêu chuẩn sau :

1. Bản băn của luật phải hiểu theo nghĩa đen : tức là phải hiểu theo nghĩa riêng của từ ngữ trong bản văn và trong mạch văn.

2. Tham khảo những chỗ tương tự : nghĩa là tham khảo những bản văn mà nhà làm luật đã phát biểu ý định trong cùng một vấn đề. Nếu ý nghĩa bản văn vẫn còn tối tăm hoặc hồ nghi, thì phải tham chiếu những chỗ song đối nếu có.

3. Tham chiếu mục đích và hoàn cảnh của luật : Điều này giả thiết phải biết phân tích hoàn cảnh lịch sử, văn hóa khi luật ra đời.

4. Tham chiếu chủ ý của người làm luật : tức là lý do và ý muốn đã khiến nhà làm luật ban hành luật đó.

Ngoài ra, còn một cách giải thích, gọi là giải thích theo đạo lý, tức là do chính bộ luật đưa ra. Có 3 nguyên tắc pháp luật để giải thích các luật :

1. Giải thích chặt : là hiểu các từ theo ngoại trương nhỏ nhất của chúng, thí dụ : “tu sĩ” chỉ hiểu về tu sĩ đã khấn, chứ không hiểu về tập sinh.

2. Giải thích rộng : là hiểu các từ theo ngoại trương lớn nhất, thí dụ : “tu sĩ “ sẽ gồm luôn cả tập sinh.

3. Giải thích thu hẹp : là giảm ngoại trương xuống dưới mức tối thiểu, thí dụ : “tu sĩ” sẽ được chỉ về người đã khấn trọn đời.

Đàng khác, đối với những luật quen gọi là “các luật đáng ghét”, thì phải giải thích theo nghĩa chặt, đó là các luật kèm theo hình phạt; các luật hạn chế sự tự do thi hành quyền lợi; các luật bao hàm một khoản trừ của luật tổng quát, thí dụ : các đặc ân, luật dành cho một hạng người nào.

Điều trên đây đáp ứng câu châm ngôn của luật pháp : “những qui định đáng ghét thì nên thu hẹp lại, còn những qui định có lợi thì nên được nới rộng ra” (đ 18).

6. Sự bổ túc cho luật

Khi làm luật, nhà làm luật không thể dự trù được tất cả mọi sự, bởi vậy, nhà làm luật đã nhìn nhận sự giới hạn đó và phát biểu rằng : các qui tắc luật pháp có những im lặng, những thiếu sót, và không có những qui định về một số trường hợp và vấn đề, nhất là về những quan hệ mới xuất hiện trong Giáo hội.

Đàng khác, đã có nguyên tắc : trong các việc mà không có qui tắc ấn định (truyền lệnh hoặc cấm đoán), thì qui luật pháp lý sẽ là mỗi người được tự do hành động theo ý muốn. Những nếu tự do về pháp lý như thế có thể xảy ra những va chạm dẫn đến tranh chấp, nên cần phải có cơ sở nào mà giải quyết, đó là lý do của điều 19 qui định rằng : khi gặp trường hợp như vậy thì có thể dựa vào những nguồn sau :

1. Tục lệ.

2. Những luật đã ra trong các trường hợp tương tự.

3. Các nguyên tắc chung của luật pháp, được áp dụng với lẽ phải của Giáo luật.

4. Án lệ và thông lệ của giáo triều Rôma.

5. Ý kiến chung  và ổn định của các chuyên gia Giáo luật.

Tuy nhiên, những đường lối trên không được áp dụng cho hình luật, bởi vì các hình luật phải được giải thích theo nghĩa chặt và không được nới rộng ra những trường hợp tương tự.

Tóm lại, khi gặp trường hợp mà không có luật qui định rõ ràng thì thực hiện những nguyên tắc trên hoặc theo những cách ngôn của luật pháp như : “Ở đâu luật không phân biệt, thì ta cũng không được phân biệt”, “Ai có phép làm nhiều hơn thì cũng có phép làm ít hơn” , “Lý của luật không phải là luật”.

7. Sự bãi bỏ luật

Bộ Giáo luật dùng 2 từ :

- obrogatio : bãi bỏ toàn phần : bãi bỏ.

- deregatio : bãi bỏ một phần : sửa đổi

Theo 3 nguyên tắc sau :

1. Một luật sau sẽ bãi bỏ hoặc sửa đổi một luật trước trong 2 trường hợp : - khi rõ ràng nói lên điều đó - hoặc khi trực tiếp đối nghịch với luật trước, vì người ta không thể giữ cả 2 luật.

2. Một luật phổ quát không sửa đổi một luật đặc lập hay một luật đặc biệt. Luật đặc biệt dù là luật, dù là tục lệ, dù đối địa hay đối nhân, sẽ tồn tại mặc dù có nghịch với luật phổ quát, trừ khi luật pháp có qui định cách khác rõ ràng. Nói khác đi, một luật phổ quát có thể bị sửa đổi bởi một luật phổ quát, và một luật đặc lập hay đặc biệt có thể bị sửa đổi bởi một luật đặc lập hay đặc biệt (đ 20).

3. Khi hồ nghi thì không được suy đoán luật trước đã bị thu hồi, nhưng phải đối chiếu luật mới với các luật trước, và tùy mức có thể, cố gắng dung hòa với luật trước (đ 21), nghĩa là phải giữ cả hai luật bằng cách đặt nặng vào luật sau, đồng thời dung hòa với luật trước, chứ đừng làm ngược lại.

8. Giáo luật và dân luật

Nếu Giáo luật nhắc đến dân luật trong bộ Giáo luật, được coi là “Giáo luật hóa” các luật đời đó, và như vậy phải được tuân giữ như Giáo luật (đ 22). Đây là điều mới của bộ luật 1983. Có rất nhiều điều của bộ luật mới tham chiếu dân luật.

***

MỤC IV

TỤC LỆ

 

I. KHÁI NIỆM

Tục lệ là cách thức hành động thường xuyên và nhất mực một điều gì mà một cộng đoàn thực hành và lập ra.

Tục lệ là đối tượng nghiên cứu của các môn học khác nhau :

- Trong xã hội học : người ta nghiên cứu về các lề thói.

- Trong luân lý học : người ta xét đến các quan hệ giữa đạo đức và các phong tục.

- Trong thần học : người ta nghiên cứu về các quan hệ giữa đức tin và các phong tục.

- Trong khoa luật học : người ta nghiên cứu các tục lệ dưới khía cạnh chúng làm nên những quy tắc pháp luật.

II. TỤC LỆ THÀNH LUẬT

1. Điều kiện để một tục lệ thành luật

Để một tục lệ có giá trị như một qui tắc theo Giáo luật, phải có 2 điều kiện : cách thức hành động của một cộng đoàn tín hữu  và sự chuẩn nhận của nhà làm luật (đ 23).

- Cộng đoàn tín hữu được đặt đối lập với nhà làm luật, và mỗi bên có vai trò của mình : cộng đoàn đưa vào một tục lệ, và nhà làm luật chuẩn nhận tục lệ ấy.

Bộ Giáo luật cũ nói đến 2 yếu tố : chất thể (materia) là tục lệ do cộng đoàn đưa vào cuộc sống. Mô thể (forma) là sự ưng thuận của nhà làm luật, mang lại giá trị Giáo luật. Nhưng sự phân biệt này không được coi là thỏa mãn nữa, vì cái nhìn mới của bộ Giáo luật mới.

- Như vậy, tục lệ là luật bất thành văn và đang được cộng đoàn tuân giữ. Tục lệ không được thiết lập do nhà làm luật và cũng không bao giờ được ban hành. Một tục lệ có thể trở thành một điều luật khi được nhà làm luật chấp thuận, chuẩn y.

2. Những tục lệ không thể trở thành luật

Một số tục lệ, do nội dung của chúng, không thể trở thành Giáo luật, và như vậy không thể có hiệu lực pháp luật (đ 24).

Có thể xếp tục lệ thành 3 loại :

1. Các tục lệ hợp với luật pháp.

2. Các tục lệ trái với luật pháp.

3. Các tục lệ ngoài luật pháp (ngoại luật).

Do đó,

a. Một cách tuyệt đối, không một tục lệ nào trái ngược với Thiên luật mà có thể có hiệu lực pháp lý, tức là tất cả những tục lệ trái ngược với luật Thiên Chúa đều bị gạt bỏ.

b. Cũng bị gạt bỏ tất cả các tục lệ trái ngược với Giáo luật và bị Giáo luật lên án rõ ràng. Giáo luật gọi đó là những tục lệ không hợp lý.

c. Cả những tục lệ ngoại luật, tức là tục lệ đi ra ngoài Giáo luật cũng bị gạt bỏ, trừ khi là hợp lý.

3. Những điều kiện để một cộng đoàn lập ra một tục lệ có giá trị Giáo luật :

Ba điều kiện để một cộng đoàn có thể lập ra một tục lệ có giá trị Giáo luật (đ 25).

a. Cộng đoàn phải có khả năng đón nhận luật pháp.

b. Cộng đoàn phải hành động với ý định lập ra một luật khi dựa vào tục lệ đó.

c. Cộng đoàn phải tuân thủ tục lệ cách liên tục trong suốt thời gian mà Giáo luật dạy.

Một cộng đoàn có khả năng đón nhận luật pháp là cộng đoàn mà người lãnh đạo có thẩm quyền lập pháp, thí dụ : một giáo phận, một dòng tu. Như vậy, một giáo xứ hay một hiệp hội không có khả năng để du nhập một tục lệ.

4. Điều kiện chủ yếu để một tục lệ trở thành Giáo luật, là phải có sự chuẩn nhận của nhà làm luật. Có 2 hình thức chuẩn nhận của nhà làm luật :

a. Sự chuẩn nhận đặc biệt của nhà làm luật, tức là một tục lệ sẽ có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được chuẩn nhận, dù tục lệ chưa có từ lâu lắm.

b. Chuẩn nhận do thực tế :

- Những tục lệ hợp pháp phải được tuân thủ đủ 30 năm.

- Những tục lệ nghịch luật phải có 100 năm tuân thủ, hay đã có từ lâu đời.

- Những tục lệ nghịch luật bị luật pháp lên án thì không bao giờ có hiệu lực pháp luật (đ 26).

5. “Tục lệ là phương thế tốt nhất để giải thích luật” (đ 27).

Trong luật Rôma, câu châm ngôn trên nói về các tục lệ có trước luật pháp. Bộ luật 1917 cũng nói đến ở điều 29 mà bộ luật 1983 lấy lại đúng từng chữ. Vì tục lệ Giáo luật được coi là nguyên tắc của “luật pháp bổ sung hay bổ khuyết”.

6. Sự thâu hồi tục lệ (đ 28)

Những tục lệ nào trái nghịch hay đi ra ngoài luật, đều bị thâu hồi bởi một tục lệ hay một luật trái nghịch.

Bộ luật không thâu hồi các tục lệ đã có từ trăm năm hoặc có từ đời xa xưa, và luật phổ quát không bãi bỏ các tục lệ riêng.

***

MỤC V

LUẬT PHÁP HÀNH CHÁNH CỦA GIÁO HỘI

 

I. CÁC SẮC LỆNH TỔNG QUÁT VÀ CÁC HUẤN THỊ

A. CÁC SẮC LỆNH TỔNG QUÁT

1. Định nghĩa

Các sắc lệnh tổng quát là “những qui định chung cho một cộng đoàn có khả năng lãnh nhận luật pháp được ban hành do nhà làm luật” (đ 29). Đây chính là định nghĩa về luật. Tuy nhiên, khác với luật : luật có nội dung tự lập và có tính ổn định và vĩnh viễn, còn sắc lệnh tổng quát có đặc điểm:

- Hoặc được ban hành để giải quyết những vấn đề cấp bách của Giáo hội, nhưng không tới mức cần phải có một luật.

- Hoặc để giải quyết những vấn đề ít nhiều trường tồn, nhưng ở trong một xã hội đang thay đổi, cần tới sự đổi mới các qui tắc.

- Hoặc đó là những vấn đề đòi hỏi phải có một luật, hiện đang được chuẩn bị, nhưng chưa thể sớm được ban hành, vì soạn thảo luật bao giờ cũng vất vả và lâu dài.

- Hoặc các vấn đề không đáng phải có sự long trọng của một luật hoặc của vị làm luật, nên sự khôn ngoan khuyên ngài dành quyền ban sắc lệnh cho vị có quyền hành pháp.

Như vậy, các sắc lệnh tổng quát sẽ hành động, trong lãnh vực Giáo luật, vừa như những qui tắc, vừa như những áp dụng các qui tắc có trước.

Người ta có thể định nghĩa chúng là “những thích ứng hoặc những bổ sung cho các luật trước đó”, hoặc như “những luật khẩn cấp, không có tính ổn định, nhằm giải quyết những vấn đề không thể chờ đợi một sự ban hành một luật ổn định”.

2. Ai có quyền ban hành sắc lệnh tổng quát

- Các sắc lệnh tổng quát thuộc thẩm quyền duy nhất của người làm luật và người được họ ủy quyền.

Do đó, các sắc lệnh do quốc hội hay do các nhà làm luật có thẩm quyền thì mới đích thị có giá trị như luật pháp.

Những người chỉ nắm quyền hành pháp thì không có quyền ban hành những sắc lệnh tổng quát (đ 30).

- Các sắc lệnh tổng quát chấp hành thuộc thẩm quyền riêng những người nắm quyền hành pháp.

Các sắc lệnh này không phải là luật, nhưng chỉ là “những qui tắc pháp lý”, tức là “qui tắc chấp hành” nhằm thi hành một luật pháp đã có trước (đ 31 §1).

- Những ai có quyền ban hành các sắc lệnh này? là những vị nắm quyền hành pháp tổng quát, như giám mục giáo phận - rồi các vị phó với quyền thường lệ hoặc quyền ủy nhiệm.

- Việc công bố và thời gian bắt đầu thi hành các sắc lệnh nói ở khoản 1 thì phải giữ các qui định của điều 8 (đ 31 §2).

3. Người thi hành

Những người ở dưới quyền vị nắm quyền hành pháp đã ra sắc lệnh ấy (đ 32).

4. Hiệu lực của sắc lệnh tổng quát

Các sắc lệnh tổng quát không sửa đổi luật; và những quyết định của sắc lệnh trái ngựơc với luật thì không có gía trị gì (đ 33 §1).

Các sắc lệnh ấy sẽ mất hiệu lực khi bị thâu hồi bởi vị có thẩm quyền, và chúng cũng mất hiệu lực khi luật mà chúng chỉ dẫn vịêc thi hành không còn nữa. Tuy nhiên, chúng vẫn giữ giá trị khi có sự qui định ngược lại tỏ tường (đ 33 §2).

B. CÁC HUẤN THỊ

1. Định nghĩa

“Huấn thị là văn kiện minh giải các qui định của luật và triển khai cùng ấn định những cách thức phải giữ khi thi hành luật, được ban ra cho những ai phải lo cho luật được thi hành và buộc họ phải giữ trong khi thi hành luật” (đ 34 § 1).

Huấn thị là một quan niệm mới trong bộ Giáo luật, dù đã được sử dụng nhiều trong thực hành. Các bộ Rôma cũng như các tòa giám mục đã sử dụng rất nhiều.

Đặc biệt của huấn thị là chúng không được trực tiếp ban hành cho những người tuân thủ luật pháp, nhưng chỉ dành cho những vị có quyền hành pháp cấp dưới, những người có nhiệm vụ giám sát việc thi hành luật. Những vị này cần đến những giải thích tỉ mỉ và rõ ràng về ý nghĩa và về phạm vi cụ thể của luật hoặc các thể thức thi hành.

- Những chỉ thị trong các huấn thị không được sửa đổi luật và nếu chúng không dung hòa được với những qui định của luật thì không có gía trị (đ 34 §2).

2. Hiệu lực

Hiệu lực và chấm dứt huấn thị cũng giống như luật và các sắc lệnh tổng quát (tức là khi vị có thẩm quyền thu hồi huấn thị, hoặc khi luật được các huấn thị minh giải hoặc truyền thi hành không còn nữa) (đ 34 §3).

II. CÁC HÀNH VI HÀNH CHÁNH RIÊNG BIỆT (các văn bản hành chánh riêng biệt)

1. Dẫn nhập

Sau khi bàn về luật hành chánh tổng quát (phần I, tiết III trên đây), bộ Giáo luật đề cập đến luật hành chánh riêng biệt đối với những con người cụ thể.

Đề tài này gồm 2 phần:

- Phần 1 gồm các văn bản do khởi xướng tự động của thẩm quyền hành chánh (bằng các sắc lệnh và các lệnh truyền).

- Phần 2 gồm các văn bản được thẩm quyền hành chánh ban vì có sự thỉnh cầu của một người thì gọi là phúc chiếu (bằng các đặc ân, chuẩn chước).

Phần 1 có thể được gọi là “truyền lệnh”.

Phần 2 là “ân huệ”.

Như vậy, các văn bản hành chánh riêng biệt được chia làm 2 loại:

a. Các sắc lệnh : thường được ban ra do sáng kiến của nhà cầm quyền, các lệnh truyền cũng được xếp vào loại này.

b. Các phúc chiếu : là những trả lời bằng văn thư do những đơn xin. Trong số các phúc chiếu, 2 thứ sẽ được mô tả đặc biệt, đó là các phúc chiếu chứa đựng một đặc ân hay một chuẩn chước. Sau đây ta sẽ lần lượt tìm hiểu.

2. Những qui tắc chung

Không một điều luật nào đưa ra khái niệm Giáo luật về văn bản hành chánh riêng biệt. Điều 35 mở đầu cho phần này cũng không đưa ra một định nghĩa, nhưng chỉ liệt kê các hành vi tức các văn bản hành chánh đó:

+ Những văn bản được quyền hành pháp tự ý ban hành (= các sắc lệnh và các lệnh truyền).

+ Những văn bản được ban hành vì có sự thỉnh cầu (= các phúc chiếu).

+ Các điều tiếp theo đưa ra những luật lệ để giải thích và thi hành các văn kiện hành chánh kể trên.

a/. Việc giải thích

+ Những nguyên tắc giải thích:

- Phải giải thích theo nghĩa đen của các tiếng.

- Phải hiểu theo ngôn ngữ thông thường, tức là tham chiếu ngôn ngữ và cách ăn nói thông thường chứ không phải ngôn ngữ chuyên môn của cộng đoàn nhận văn thư.

- Nếu tiếng nào còn hồ nghi thì phải hiểu theo nghĩa chặt (đ 36 §1).

- Văn thư hành chánh không được nới rộng sang các trường hợp khác, ngoài các trường hợp đã được nêu ra (đ 36 §2).

+ Các văn kiện này phải được ghi bằng giấy tờ (đ 37) : cần thiết để có thể biết chắc chắn lúc hết hạn của một chức vụ đã ban có thời gian, hoặc để làm chứng một sự kiện, như phép xây một nhà thờ; việc thuyên chuyển một giáo sĩ từ chức vụ này sang chức vụ khác.

b/. Việc thi hành

- Một văn thư hành chánh có thể trở thành vô hiệu vì : - phạm đến quyền lợi kẻ khác - nghịch lại luật hay tục lệ đã được chấp nhận (đ 38).

- Khi trong văn thư có những từ “nếu”, “nếu không”, “miễn là”, mới được coi là những liên từ được đặt làm điều kiện thành sự (đ 39).

- Nếu thi hành trước khi nhận được văn thư thì bất thành (đ 40).

- Người thi hành không thể từ chối thi hành văn thư trừ khi thấy rõ văn thư vô gía trị hay thấy văn thư không thể chấp nhận được vì một lý do nghiêm trọng, phải lập tức báo cho vị đã ban văn thư (đ 41).

- Người thi hành văn thư phải tiến hành theo đúng lời lẽ của văn thư (đ 42).

- Có thể nhờ người khác thay thế, trừ khi việc thay thế bị cấm (đ 43).

- Có thể được thi hành bởi người kế nhiệm trong chức vụ đó (đ 44).

- Nếu phạm bất cứ sai lầm nào trong khi thi hành, được phép làm lại việc thi hành ấy (đ 45).

- Văn thư hành chánh không mất hiệu lực khi người ban hết quyền, trừ khi định cách khác tỏ tường (đ 46).

- Việc thu hồi văn thư chỉ có hiệu lực từ lúc việc này được thông tri hợp pháp cho người nhận (đ 47).

A. CÁC SẮC LỆNH VÀ LỆNH TRUYỀN RIÊNG BIỆT

1. Định nghĩa

- Sắc lệnh riêng biệt là một văn bản hành chánh do vị có thẩm quyền ban ra để qua đó, đặt ra một quyết định hay một biện pháp nào cho một trường hợp riêng biệt mà cả hai trường hợp này tự chúng không đòi hỏi phải có đơn thỉnh cầu (đ 48).

- Lệnh truyền riêng biệt là sắc lệnh dùng để truyền một người hay nhiều người cách trực tiếp và hợp pháp, phải làm hoặc phải bỏ một điều gì, nhất là để thúc bách việc giữ luật (đ 49).

Trong bộ Giáo luật, chúng ta gặp thấy rất nhiều thí dụ về các sắc lệnh riêng biệt : bổ nhiệm, thuyên chuyển vào các chức vụ; thành lập một hiệp hội (đ 156, 157, 313).

Bộ Giáo luật cũng cho thấy vài thí dụ về các lệnh truyền riêng biệt trong quyển VI (chế tài) như điều 1319. Trong dòng tu, các lệnh truyền riêng biệt xảy ra nhiều hơn, ngoài những “lệnh truyền hợp thức” (praeceptum formale) truyền khiến nhân danh lời khấn vâng lời, còn có những lệnh truyền khác giúp cho việc duy trì kỷ luật được chu đáo.

2. Những điều kiện phải làm trước khi ban hành một sắc lệnh riêng biệt

(a). Phải cẩn thận thu thập đầy đủ tin tức về sự có nên ban hành sắc lệnh riêng biệt không; và về các thông tin cần thiết (như đức tính và khả năng của người mà sắc lệnh muốn bổ nhiệm họ vào một chức vụ nào); thu thập chứng cớ và những dữ kiện cần thiết, nếu muốn đưa ra một hình phạt bằng văn thư hành chánh; để tránh việc phải sửa đổi sắc lệnh, mỗi khi có những yếu tố mới.

(b). Nghe ý kiến những người mà quyền lợi có thể bị tổn thương vì sắc lệnh (đ 50).

(c). Sắc lệnh phải được ban trên giấy tờ (đ 51).

3. Giá trị

Sắc lệnh riêng biệt chỉ có gía trị cho những sự việc sắc lệnh quyết định và cho người sắc lệnh nói tới. Nó buộc khắp nơi, trừ khi định rõ ràng cách khác (đ 52). Như vậy, nó mang tính cách “tòng nhân”.

Nếu các sắc lệnh trái nghịch nhau, thì :

+ Sắc lệnh riêng có gía trị hơn sắc lệnh chung.

+ Nếu cả hai cùng là sắc lệnh riêng hay cùng là sắc lệnh chung, thì sắc lệnh mới nhất sửa đổi cái cũ về những gì nghịch với nó (đ 53). Đây là một áp dụng của nguyên tắc cổ truyền : “cái cụ thể cá biệt thì thu hồi cái tổng quát”.

4. Cách thức áp dụng

- Sắc lệnh phải được thông tri cho đương sự. Nó bắt đầu có hiệu lực kể từ khi cơ quan ban hành hay nhân viên chấp hành thông tin cho đương sự (chứ không phải kể từ lúc ký) (đ 54 §1).

- Nếu vì một lý do rất nghiêm trọng, không thể trao sắc lệnh cho đương sự, chẳng hạn vì sợ xảy ra tai hại nghiêm trọng, hoặc sợ tai tiếng do việc truyền bá hay sử dụng sắc lệnh, thì đọc sắc lệnh cho đương sự nghe trước mặt một công chứng viên, hoặc hai người làm chứng. Lập biên bản và tất cả mọi người có mặt (người đọc, chưởng khế, các nhân chứng và người nhận sắc lệnh) phải ký vào biên bản. Nếu người nhận sắc lệnh từ chối cũng không sao (đ 55).

- Sắc lệnh được coi là đã thông tri, nếu không có lý chính đáng mà người nhận đã được kêu mời cách hợp pháp để tới nhận hoặc nghe sắc lệnh lại không tới trình diện hoặc từ chối ký vào (đ 56).

- Mỗi khi luật bắt buộc phải ra sắc lệnh hay đương sự chính thức thỉnh cầu để được sắc lệnh, thì vị có thẩm quyền phải thỏa mãn trong vòng 3 tháng, trừ khi luật ấn định một thời hạn khác (đ 57 §1). Qua thời hạn đó mà chưa ban sắc lệnh, thì kể là từ chối (đ 57 §2).  Nếu từ chối ban sắc lệnh là tiêu cực thì phải bồi thường thiệt hại (đ 57 §3).

- Sắc lệnh hết hiệu lực khi bị thu hồi (đ 58 §1), lệnh truyền không được ban ra bằng văn thư chính thức, hết hiệu lực khi vị ban bố nó hết quyền (đ 58 §2).

B. PHÚC CHIẾU

1. Định nghĩa

Phúc chiếu là một hành vi hành chánh ban bằng văn thư khi có đơn người ta xin, và đối tượng của nó là ban ân huệ : đặc ân - chuẩn chước hoặc một ân huệ nào khác (đ 59 §1,2).

2. Việc lãnh nhận phúc chiếu

- Tất cả những ai không bị cấm tỏ tường đều có thể xin được, bất luận phúc chiếu nào (đ 60).

Trong cả bộ Giáo luật, không có chỗ nào phát biểu rõ ràng sự ngăn cấm. Hơn nữa, cả những người ngoài Công giáo cũng có khả năng thỉnh nguyện một ân huệ miễn là đương sự hội đủ những điều kiện được đặt ra.

Thí dụ:

+ đ 851 số 1 : người lớn xin rửa tội.

+ đ 1142 : xin tháo gỡ hôn phối không hoàn hợp.

- Có thể xin được phúc chiếu cho người khác, cho dù đương sự không biết hay không muốn (đ 61).

Thí dụ:

+ đ 1142 : xin tháo gỡ hôn phối không hoàn hợp.

+ đ 1164 : sự điều trị tại căn một hôn phối vô hiệu.

3. Hiệu lực của phúc chiếu

Nếu phúc chiếu được ban trực tiếp (không qua người chấp hành) thì có hiệu lực kể từ ngày cấp. Nếu được ban qua trung gian người chấp hành, thì bắt đầu có hiệu lực từ lúc được thi hành (đ 62).

4. Điều kiện để phúc chiếu thành hiệu

- Một điều kiện cốt yếu để phúc chiếu được thành hiệu là phải trình bày thành thực các lý lẽ và sự kiện (đ 63 §1). Do đó, giấu diếm hay gian trá sẽ làm cho phúc chiếu vô hiệu (đ 63 §2).

Giấu diếm là che đậy sự thực, không nói rõ hết các lý do - gian trá có nghĩa là bịa ra lý do hay hoàn cảnh giả tạo chứ thực sự không có như vậy. Cả hai trường hợp đều làm cho phúc chiếu vô hiệu.

Trừ khi phúc chiếu ban ân huệ bằng “tự sắc” (Motu proprio), ban phúc chiếu cách nhiệm ý, nghĩa là không căn cứ trên các lý do và sự kiện đã trưng ra.

- Nếu phúc chiếu không cần người thi hành, thì lý do phải đúng sự thực ngay lúc ban hành phúc chiếu. Còn các phúc chiếu khác, thì ở lúc thi hành (đ 63 §3).

5. Người ban phúc chiếu

- Một ân huệ đã bị vị thường quyền của mình từ chối thì có thể xin một vị thường quyền ngang hàng, nhưng phải nói tới lý do đã bị từ chối (đ 65 §1).

Thí dụ : nếu giám mục thành phố Hồ Chí Minh từ chối, có thể chạy sang giám mục Xuân Lộc, nhưng phải nói về sự từ chối kia cho giám mục Xuân Lộc.

a. Một ân huệ đã bị bất cứ bộ nào của giáo triều Rôma từ chối thì không bộ nào khác hay bất cứ thẩm quyền nào dưới Đức Giáo hoàng có thể ban thành sự, nếu không có sự ưng thuận của bộ đã từ chối. Trừ quyền của tòa án xá giải đối với tòa trong (đ 64).

b. Nếu một vị tổng đại diện hay một vị đại diện giám mục đã từ chối thì không thể chạy sang vị đại diện giám mục khác thuộc cùng một giáo phận (đ 65 §2).

c. Một ân huệ đã bị vị tổng đại diện hay đại diện giám mục từ chối thì có thể xin giám mục, nhưng phải nói về sự kiện đã bị từ chối, nếu không nói thì không thành sự (đ 65 §3). Không có trường hợp ngược lại, tức là giám mục đã từ chối, thì tổng đại diện hay đại diện giám mục ban cũng không thành sự, dù có nói lý do khước từ, nhưng nếu giám mục ưng thuận thì được.

Luật không đòi hỏi điều kiện tương tự như vậy khi đi từ giám mục lên các bộ ở giáo triều, hay từ các bộ lên Đức Giáo hoàng.

6. Sự nhầm lẫn

Sự nhầm lẫn về tên người nhận phúc chiếu hoặc tên người ban, hoặc về nơi ở hoặc về việc liên hệ, sẽ không làm cho phúc chiếu thành vô hiệu, miễn là theo nhận xét của vị thường quyền không có hồ nghi nào về người hoặc về sự việc (đ 66). Nghĩa là nếu chỉ là những lỗi về kỹ thuật, chứ không có ảnh hưởng tới bản chất của phúc chiếu, thì nó vẫn có gía trị.

7. Giải thích

Những hồ nghi về phúc chiếu, thì phải xử trí thế nào?

- Nếu hai phúc chiếu cùng được ban về cùng một đối tượng mà lại trái ngược nhau, thì phúc chiếu riêng có giá trị hơn phúc chiếu chung về những điều riêng của nó (đ 67 §1).

- Nếu đều là hai phúc chiếu riêng hoặc đều là chung, thì phúc chiếu trước có giá trị hơn, trừ khi phúc chiếu sau có nói tới phúc chiếu trước rõ ràng, hoặc vì người xin trước đã gian dối hay chểnh mảng qúa mà không dùng phúc chiếu (đ 67 §2).

- Nếu hồ nghi không rõ phúc chiếu có hiệu lực hay không, thì phải khiếu nại nơi vị đã ban phúc chiếu (đ 67 §3).

8. Trình lên vị thường quyền

- Phúc chiếu do Tòa thánh ban mà không chỉ rõ người thi hành, thì phải trình với vị thường quyền của người xin, nếu trong phúc chiếu có buộc điều đó, hoặc nếu là các việc công, hoặc nếu cần kiểm nhận một số điều kiện nào đó (đ 68).

- Phúc chiếu nào không ghi thời gian phải trình, thì trình với người thi hành lúc nào cũng được, miễn là không có gian lận và man trá (đ 69).

- Nếu trong phúc chiếu, chính việc ban ân huệ được ủy cho người thi hành quyết định, thì vị này có quyền ban hoặc từ chối ân huệ đó, tùy lương tâm và sự xét định khôn ngoan của ngài (đ 70). Vị thi hành phải nắm vững sự thật của đơn xin, và xem xét sự ban ơn đó có thích hợp không, rồi phải biết chắc sự chính xác và toàn vẹn của phúc chiếu đã đệ trình.

- Không ai bị bó buộc phải sử dụng một phúc chiếu được cấp hoàn toàn vì lợi riêng của mình, trừ khi vì lý do nào khác mà luật buộc phải hưởng dùng (đ 71).

Thí dụ : chuẩn chước cho một cuộc hôn nhân chưa thành toại không phải là phúc chiếu “ban đặc ân cho riêng mình”, vì nó cũng liên hệ đến người phối ngẫu kia, nên buộc phải hưởng dùng phúc chiếu.

- Ân huệ đã ban bằng miệng, có thể hưởng nơi tòa trong, nhưng ở tòa ngoài phải minh chứng mỗi khi được hỏi cách hợp pháp (đ 74).

Thí dụ: Tòa thánh ban cho một linh mục được phép mang nhẫn và đeo thánh giá giống như các giám mục, thì linh mục ấy không buộc lúc nào cũng phải đeo nhẫn và thánh gía.

Nhưng khi thấy một linh mục mang nhẫn và thánh giá, thì giám mục giáo phận có quyền đòi hỏi đương sự xuất trình văn bằng mà Tòa thánh đã cấp.

9. Chấm dứt phúc chiếu

- Một phúc chiếu có thể chấm dứt vì hết hạn, hoặc vì hoàn tất nội dung, nghĩa là mãn hạn hay đã hết số lần được cấp.

Thí dụ: một linh mục được ban cấp năng ân ban bí tích Thêm sức trong vòng 3 năm, hay là 10 lần.

- Một phúc chiếu cũng có thể chấm dứt vì bị nhà chức trách thu hồi lại. Tuy nhiên, bộ Giáo luật đã qui định thêm hai chi tiết sau:

(a). Khi một phúc chiếu do Tòa thánh ban mà hết hạn, thì giám mục giáo phận có thể gia hạn khi có lý do chính đáng, nhưng chỉ được một lần và không quá 3 tháng (đ 72).

(b). Một phúc chiếu không bị thu hồi do một luật trái nghịch, trừ khi nào luật đã dự liệu cách khác (đ 73). Nói cách khác, theo nguyên tắc, thì một luật chỉ thu hồi một luật khác; còn một phúc chiếu thì chỉ bị thu hồi bởi một phúc chiếu khác.

- Nếu phúc chiếu bao hàm đặc ân hay chuẩn chước, thì còn phải giữ những qui định của những luật ở chương IV và V sau đây (đ 75).

C. ĐẶC ÂN

1. Khái niệm

Theo nguyên gốc La tinh, đặc ân có nghĩa là “luật riêng tư  thuận lợi”. Như vậy, đặc ân là một “luật riêng” dành cho một cá nhân hay một nhóm nào, tách ra khỏi luật chung của toàn thể cộng đoàn. Do đó, đặc ân là một luật riêng ở ngoài luật hay là trái nghịch với luật chung.

Đây là một đặc điểm của Giáo luật, bởi vì khi nhắm tới phần rỗi các linh hồn thì phải lưu tâm không những tới thiện ích của cộng đoàn mà còn phải chú ý tới thiện ích của từng phần tử nữa.

2. Phân loại

Có nhiều loại đặc ân tùy theo những tiêu chuẩu phân loại : đối nhân - đối vật - nặng nề - thuận lợi.

(a). Đặc ân đối nhân : khi gắn liền với cá nhân hay pháp nhân. Đặc ân đối vật : khi gắn liền với một vật, như một thánh điện, một địa điểm nào, thí dụ : đặc ân dành cho một trung tâm Thánh Mẫu được cử hành thánh lễ kính Đức Mẹ suốt năm.

(b). Đặc ân nặng nề: Khi nó đặt ra một gánh nặng hay gây ra một sự thiệt thòi cho người khác. Đối lại là đặc ân thuận lợi.

3. Thủ đắc

Bộ Giáo luật chỉ nhìn nhận hai phương thức để thủ đắc đặc ân:

(a). Do nhà chức trách có thẩm quyền làm luật ban hay qua trung gian quyền hành pháp mà nhà làm luật ban quyền đó cho. (đ 76 §1).

(b). Do sự suy đoán : khi đặc ân đã được chấp hữu từ trăm năm hay đã lâu đời (đ 76 §2).

Sự suy đoán này có lợi khi không còn văn bản cấp đặc ân nữa.

4. Giải thích đặc ân

Đặc ân phải được giải thích theo điều 36 §1 (hiểu theo nghĩa đen của các từ ngữ và theo kiểu nói thông dụng). Nhưng bao giờ cũng phải giải thích làm sao để các người thụ hưởng đặc ân thật sự được hưởng ân huệ đó (đ 77).

5. Sử dụng đặc ân

- Không ai bị bó buộc phải hưởng dụng đặc ân (đ 80 §2). Tuy nhiên nếu một đặc ân gây ra gánh nặng cho kẻ khác, thì sự sử dụng nó có thể bị thời hiệu tiêu diệt (đ 82). Ngoài ra, ai lạm dụng quyền do đặc ân ban cho, thì đáng bị rút lại đặc ân (đáng mất đặc ân đó). Vì thế, sau khi cảnh cáo người hưởng thụ cách vô ích (không hiệu quả), vị thường quyền phải rút lại đặc ân chính mình đã ban. Còn nếu đặc ân do Tòa thánh ban, thì vị thường quyền buộc phải báo cho Tòa thánh biết (đ 84). Như vậy, điều 84 nói về sự lạm dụng đặc ân do người đã nhận được đặc ân. Đó là khi sử dụng không chính đáng, vượt ra ngoài giới hạn của sử dụng một cách bất chấp, gây gương xấu, trái với mục đích của đặc ân.

- Đôi khi sự sử dụng đặc ân có thể bị ngăn cấm tiếp theo một hình phạt.

+ Xin coi điều 1331 §1 : về vạ tuyệt thông : cấm không được tham dự và thi hành lễ tạ ơn hay bất cứ lễ nghi phụng vụ nào khác - không được cử hành các bí tích và lãnh nhận các bí tích. Không được thi hành bất cứ giáo vụ hay thừa tác vụ …

+ Xin coi điều 1331 §2 : đình chỉ thi hành phụng vụ, quyền lãnh đạo - bị cấm không được hưởng những đặc ân được ban trước kia.

+ Xin coi điều 1336 §1,2 : về thục hình.

- Đặc ân ban cho pháp nhân nào, hoặc ban vì phẩm chất của nơi chốn hay sự vật, thì từng cá nhân không thể khước từ; chính pháp nhân cũng không có trọn quyền khước từ, nếu sự khước từ đó gây thiệt hại cho Giáo hội hay cho những người khác. (đ 80 §3).

6. Chấm dứt đặc ân

- Thường thường một đặc ân được ban cấp vô thời hạn. Nó được suy đoán là có giá trị vĩnh viễn, trừ khi nào có bằng chứng ngược lại (đ 78 §1).
 
- Nếu đặc ân được ban cho một cá nhân, thì nó chấm dứt khi người ấy qua đới (đ 78 §2).
 
- Nếu đặc ân được gắn liến với một đồ vật hay một nơi chốn, thì nó chấm dứt khi đồ vật hay nơi đó hoàn toàn bị phá hủy. Tuy nhiên, một đặc ân gắn với một địa điểm, sẽ được hồi sinh, nếu địa điểm ấy được tái thiết trong vòng 50 năm (đ 78 §3).
 
Ngoài ra, đặc ân còn chấm dứt do những duyên cớ sau :
 
- Khi đã mãn thời hạn hay số lần được cấp (đ 83 §1).
 
- Khi bị nhà chức trách (hoặc là người đã ban, hay người kế nhiệm hoặc cấp trên) thu hồi (đ 79).
 
- Khi nào vì hoàn cảnh đã thay đổi nên nó trở thành có hại hay bất hợp pháp (đ 83 §2).
 
Bộ Giáo luật trưng dẫn vài trường hợp thu hồi đặc ân trái nghịch ở điều 396 §2; điều 509 §1; điều 526 §2.
 
- Nếu đặc ân được ban với cách nói “ad beneplacitum nostrum” (theo sở thích của tôi) hay với lời lẽ tương tự, thì nó sẽ chấm dứt khi người ban nó đã mãn nhiệm (đ 81).
 
Như vậy, nếu đấng ban đặc ân không thu hồi trong nhiệm kỳ của ngài, thì đặc ân sẽ tiếp tục tồn tại. Nhưng đấng làm luật của bộ luật 1917 và đấng làm luật của bộ luật hiện nay lại qui định rằng : câu nói đó làm cho đặc ân bị chấm dứt khi vị ban đặc ân hết quyền.
 
- Do sự khước từ, và được nhà chức trách chấp nhận (đ 80 §1).
 
- Do thời hiệu hợp lệ, nếu không sử dụng một đặc ân “nặng nề” (đ 82).
 
D. CHUẨN CHƯỚC
 
1. Khái niệm
 
Sự chuẩn chước được định nghĩa là “tháo cởi luật” trong một trường hợp riêng. Sự chuẩn chước không bãi bỏ luật, luật vẫn còn giá trị, nhưng một cá nhân nào đó được miễn bổn phận phải tuân giữ luật (đ 85).
 
Trường hợp riêng là một trường hợp cụ thể, liên quan đến một hoặc nhiều người, thể nhân hay pháp nhân.
 
Khi ban hành luật, nhà cầm quyền nhìn tới công ích của cả cộng đoàn. Tuy nhiên, một điều tốt cho đa số có thể gây ra thiệt hại cho một vài phần tử, do đó, thay vì thể hiện công bình thì luật trở thành bất công.
 
Sự chuẩn chước lại càng trở nên khẩn trương hơn trong đời sống của Giáo hội. Khi công ích của Giáo hội là phần rỗi của từng người chứ không phải chỉ là an ninh trật tự công cộng.
 
Như vậy, chuẩn chước khác với đặc ân, vì đặc ân có tính vĩnh viễn; và cũng khác với sự được phép, vì được phép là được làm một việc phù hợp với luật pháp.
 
Theo Giáo luật, chuẩn chước luôn đòi hỏi phải có một lý do tích cực.
 
Chất liệu của chuẩn chước là một điều có thể chuẩn chước. Cho nên, đây là miễn khỏi giữ một “luật thuần túy Giáo hội”. Về các luật Thiên Chúa, chỉ một mình Đức Giáo hoàng có quyền chuẩn chước, như chuẩn chước cho cuộc hôn nhân đã kết ước mà chưa thành toại.
 
2. Những qui tắc chuẩn chước
 
- Qui tắc 1: không thể chuẩn chước đối với các luật Giáo hội ấn định về các yếu tố cấu thành sau đây:
 
a. Liên quan đến các định chế pháp lý : đó là những khái niệm Giáo luật về trú quán, giáo sĩ, chức vụ trong Giáo hội, linh mục chính xứ v.v…
 
Những khái niệm này gồm những yếu tố chủ yếu không thể chuẩn chước vì khiến cho luật pháp mất ý nghĩa.
 
Thí dụ: không thể chuẩn chước việc cư ngụ để có trú quán, bởi vì trú quán có được là do sự có cư ngụ ở đó - cũng không thể chuẩn chước cho một giáo sĩ được miễn lãnh chức thánh, bởi vì nếu không chịu chức thánh thì không thể nào trở thành giáo sĩ được - cũng không thể chuẩn chước chức linh mục để làm cha xứ, bởi vì làm cha xứ phải là linh mục.
 
b. Liên quan đến các hành vi pháp lý.
 
Thí dụ : hôn nhân được kết thành do sự thỏa thuận của đôi vợ chồng, do đó không thể chuẩn chước sự thỏa thuận, bởi vì nếu không có sự thỏa thuận thì không thành hôn nhân (đ 86).
 
- Qui tắc 2 : mục đích của chuẩn chước là lợi ích của những thể nhân hoặc pháp nhân được ơn chuẩn. Bởi đó, Giáo luật ấn định rằng : các luật tố tụng và các hình sự không thể là đối tượng của chuẩn chước, bởi vì các luật này không trực tiếp lập ra vì lợi ích cá nhân, nhưng vì công ích (đ 87 §1).
 
3. Người có quyền chuẩn chước
 
Nói chung, những vị nắm quyền hành pháp và các vị hiển nhiên hoặc mặc nhiên có quyền chuẩn chước do luật định, hoặc do ủy quyền hợp pháp. Nói thế có nghĩa là không còn đòi hỏi phải có quyền lập pháp mới được ban ơn chuẩn. Có thể phân biệt 4 cấp :
 
a. Tòa thánh : có thẩm quyền chuẩn chước đối với tất cả các luật của Giáo hội.
 
b. Giám mục giáo phận và các vị đứng đầu các giáo hội địa phương nói ở điều 381 §2 có thẩm quyền chuẩn chước :
 
- Các luật của giáo phận - những luật của công đồng địa phương hay hội đồng giám mục (đ 88).
 
- Những luật phổ quát và những luật mà thẩm quyền tối cao của Giáo hội đã ra cho địa phương của mình, trừ những luật về tố tụng, về hình sự và những gì mà Tòa thánh đã dành lại cho mình hay dành cho quyền bính khác (đ 87 §1).
 
Thí dụ : giám mục giáo phận không thể chước luật độc thân cho các linh mục (đ 291).
 
a. Thường quyền sở tại là giám mục, tổng đại diện và đại diện giám mục, có thể ban chuẩn chước :
 
- Một luật vô hiệu hoặc vô năng, nếu có hồ nghi về sự kiện, khi là một ơn chuẩn mà Tòa thánh vẫn thường ban, thí dụ : một cuộc bỏ phiếu mà số phiếu nhiều hơn số người bỏ phiếu.
 
- Các luật của giáo phận.
 
- Luật mà Tòa thánh dành quyền chuẩn chước, nhưng Tòa thánh cũng thường ban mỗi khi có khó khăn trong việc nại đến Tòa thánh, và liều mình có thiệt hại nặng nếu phải chờ đợi (đ 87 §2).
 
b. Linh mục chính xứ, các linh mục khác hoặc các phó tế : chỉ có quyền chuẩn chước khi nào luật minh thị nói như vậy.
 
Thí dụ :
 
- Điều 1196, 1 : chuẩn lời khấn tư.
 
- Điều 1245 : chuẩn nghĩa vụ ăn chay, kiêng thịt và dự lễ ngày Chúa nhật, lễ buộc.
 
- Điều 1079 §2 : chuẩn ngăn trở hôn phối trong trường hợp nguy tử.
 
Ngoài ra, các linh mục chính xứ và các linh mục cũng có thể được giám mục ủy quyền để chuẩn chước những luật khác.
 
Như vậy, các linh mục không được chuẩn chước luật phổ quát và đặc lập, trừ khi quyền ấy được minh nhiện ban cho các ngài (đ 89).
 
4. Lý do chuẩn chước
 
- Trước khi chuẩn chước, người có thẩm quyền phải cân nhắc những lý do xem có chính đáng và hợp lý không, cũng như cân nhắc những hoàn cảnh chiếu theo tầm độ quan trọng của mỗi luật (đ 90 §1).
 
Lý do chuẩn là vì lợi ích tinh thần của tín hữu, nếu không có lý do như thế, sự chuẩn chước sẽ bất thành hiệu.
 
- Khi có hồ nghi về gía trị đủ của lý do, thì ơn chuẩn chước vẫn được ban cách thành sự và hợp pháp (đ 90 §2).
 
5. Những người được hưởng chuẩn chước
 
- Vị có quyền chuẩn chước sẽ có thể tự chuẩn chước cho mình, vì không có gì cấm ngài làm như thế khi ngài ở trong hoàn cảnh có lý do chính đáng và hợp lý (đ 91).
 
- Người có thẩm quyền có thể chuẩn cho các thuộc dân của mình (những người có gia cư hoặc chuẩn cư trong giáo phận hay giáo xứ) kể cả khi họ hiện đang vắng mặt; người có thẩm quyền cũng có thể chuẩn chước cho những người hiện đang có mặt trên lãnh thổ của mình tuy không phải là thuộc dân (đ 91).
 
6. Cách giải thích
 
- Ơn chuẩn chước phải được giải thích theo nghĩa hẹp và kiểu nói thông dụng chiếu theo điều 36 §1, vì đây là một văn thư hành chánh riêng biệt được ban cho một cá nhân để miễn cho người đó khỏi phải tuân hành một luật (đ 92).
 
- Quyền được ủy để giải thích một trường hợp cụ thể cũng phải được giải thích theo nghĩa hẹp.
 
7. Chấm dứt
 
Việc chuẩn chước gồm nhiều hành vi kế tiếp, chấm dứt cùng một cách thức như đặc ân, và khi lý do để chuẩn chước chắc chắn đã hết hẳn (đ 93).
 
“Những hành vi kế tiếp” phải được hiểu là một chuỗi những hành vi y như nhau, hoặc cùng bản chất, diễn ra trong một thời gian. Việc thi hành hoặc sử dụng ơn chuẩn chước đôi khi không diễn ra bằng một hành vi duy nhất (như việc kết hôn, sau khi nhận được chuẩn chước về cản trở), nhưng bằng một chuỗi những hành vi (như được chuẩn chước giữ chay và kiêng thịt).

III. QUI CHẾ VÀ NỘI QUI       


A. QUI CHẾ
 
1. Định nghĩa
 
Chính điều 94 đưa ra định nghĩa : Qui chế là những điều lệ được thiết lập theo luật cho những tập thể hoặc người hoặc sự vật, để ấn định mục đích, cơ cấu, việc điều hành và cách thức hoạt động của chúng (đ 94 §1).
 
Sau đây là những yếu tố mà Giáo luật đề ra cho các qui chế:
 
- Tên của thực thể (đ 304 §2)
 
- Mục đích hoặc đối tượng xã hội (đ 94, 304 §1)
 
- Trụ sở chính (đ 304 §1)
 
- Cấu trúc (đ 94)
 
- Việc cai quản, cách thức hoạt động và đại diện (đ 94, 304 §1, 587).
 
- Điều kiện gia nhập, thử thách, đào tạo, nhận vào, kỷ luật, ra khỏi hoặc bị loại ra của các thành viên (đ 304 §1, 316 §2, 587, 614, 734).
 
- Các hình thức bầu chọn và quyết định (đ 118 và 119).
 
- Khả năng có di sản và các nguyên tắc quản lý (đ 634, 718).
 
- Các cách sát nhập, phân chia, giải thể, chấm dứt sự hiện hữu của thực thể, và quyết định về tài sản (đ 120-123; 326).
 
2. Phân biệt rõ đối tượng của qui chế
 
- Qui chế của tập thể người chỉ buộc những ai chính thức là thành viên của tập thể.
 
- Còn qui chế của tập thể sự vật, buộc những ai có trách nhiệm điều hành tập thể (đ 94 §2).
 
3. Quyền thiết lập và công bố qui chế
 
Các qui định trong qui chế được thiết lập và công bố bởi quyền lập pháp, theo những qui định của các điều nói về luật (đ 94 §3).
 
Quyền lập đây là quyền cai quản, quyền hành pháp, tức là vị thường quyền.
 
B. NỘI QUI
 
1. Định nghĩa
 
Nội qui là những điều lệ hay qui tắc phải tuân giữ trong các cuộc hội họp do quyền bính Giáo hội triệu tập, hoặc do các tín hữu tự ý tụ họp, cũng như trong các cử hành khác. Nội qui ấn định những gì thuộc về cơ cấu, việc điều hành và những thể thức làm việc (đ 95 §1).
 
Những ai tham dự các cuộc hội họp hoặc các cuộc cử hành, buộc phải giữ những điều lệ của nội qui (đ 95 §2).
 
2. Thẩm quyền phê chuẩn
 
Những điều lệ này thường được tập trung lại trong các cuốn sách khác, hoặc trong một phần tách biệt của các qui chế.
 
Vì thế, các điều lệ này không cần phải có sự phê chuẩn của hàng giáo phẩm, và có thể được thay đổi theo các hoàn cảnh mà không cần hàng giáo phẩm phải phê chuẩn càc sự thay đổi đó.