Saturday, 04 April 2020 14:26

Giải Thích Bộ Giáo Luật - Quyển I: Những Qui Tắc Tổng Quát (1) Featured

GIẢI THÍCH

BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983

CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

***

***

QUYỂN I:

NHỮNG QUI TẮC TỔNG QUÁT

---***---

 

MỤC VI: THỂ NHÂN VÀ PHÁP LÝ

A. THỂ NHÂN

1. Khái niệm
 
Thể nhân là người được nhập vào Giáo hội qua bí tích Rửa tội và hiện đang hiệp thông với Giáo hội (đ 96).
 
Điều 96 này xét đến người Kitô hữu theo phương diện Giáo luật. Giáo luật đưa ra khái niệm Giáo luật về thể nhân, tức nhân cách pháp lý, nghĩa là nhân vị một con người với các bổn phận và quyền lợi trong Giáo hội. Muốn được thế, người ấy phải được nhận vào Giáo hội bằng bí tích Rửa tội. Giáo luật công nhận  người đó có đủ các quyền lợi và các nghĩa vụ riêng của các Kitô hữu, miễn là họ không bị một hình phạt hợp pháp nào.
 
Tuy nhiên, các quyền lợi và nghĩa vụ của các Kitô hữu có thể bị chi phối bởi những yếu tố khác, không do một hành vi của người ta, nhưng do khả năng Giáo luật của đương sự, tức của thể nhân trong Giáo hội. Các điều sau đây sẽ bàn về các yếu tố đó.
 
2. Những biến chuyển Giáo luật về thể nhân
 
a. Phân biệt người theo tuổi
 
(i). “Một người được kể là thành niên khi được 18 tuổi chẵn hay 18 tuổi trọn; dưới tuổi này là vị thành niên” (đ 97 §1).
 
Giáo luật cũng làm như các nền pháp chế dân sự để tuyên bố : 18 tuổi là tuổi thanh niên.
 
Người thành niên được trọn quyền sử dụng các quyền của mình” (đ 98 §1).
 
Với tuổi thành niên, con người được coi là có khả năng Giáo luật đầy đủ, trừ khi luật pháp đòi hỏi một tuổi khác cho những sự việc nhất định nào đó, hoặc đối với tính thành hiệu của hành vi.
 
Thí dụ :
 
- 21 tuổi cho việc khấn dòng trọn đời.
 
- 14 tuổi cho nữ và 16 tuổi cho nam trong việc kết hôn hoặc đối với tính hợp pháp theo Giáo luật.
 
- 23 tuổi cho chức phó tế.
 
- 25 tuổi cho chức linh mục.
 
- 35 tuổi cho chức giám mục.
 
(ii). Vị thành niên chưa trọn 7 tuổi gọi là ấu nhi, là con nít, và được coi như không có ý thức trách nhiệm, tức là kể như chưa biết sử dụng trí khôn. Còn trọn 7 tuổi, thì phải suy đoán là đã biết dùng trí khôn (đ 97 §2).
 
Đủ 7 tuổi là biết sử dụng trí khôn, nên buộc phải giữ luật Giáo hội : buộc đi lễ Chúa nhật (dù chưa xưng tội rước lễ lần đầu). Trừ khi luật ấn định một tuổi khác.
 
Thí dụ :
 
- 14 tuổi phải kiêng thịt.
 
- 18 tuổi phải ăn chay.
 
Vị thành niên khi sử dụng các quyền của mình phải tùng phục cha mẹ hay người giám hộ. Trừ những gì mà Thiên luật hay Giáo luật miễn trừ họ khỏi quyền cha mẹ. Còn việc ấn định giám hộ và quyền của họ thì theo những qui định của dân luật (đ 98 §2).
 
Do Thiên luật : vị thành niên được hoàn toàn tự do lựa chọn đới sống tu trì, nhưng chỉ được nhận vào nhà tập cách thành sự khi được 17 tuổi.
 
Do Giáo luật : vị thành niên có thể sở đắc chuẩn cư và cũng được tự do lựa chọn nghi thức rửa tội cho mình (xc. đ 111), và trở lại nghi thức La tinh gốc của mình; và 16 tuổi làm cha mẹ đỡ đầu.
 
Việc đặt giám hộ và xác định quyền hạn của họ:
 
- Phải giữ những qui định của dân luật.
 
- Giám hộ là người nhận trách nhiệm để đại diện pháp lý cho vị thành niên; để quản trị tài sản của vị thành niên đó, khi không còn cha mẹ và khi được ủy quyền chiếu theo dân luật.
 
b. Phân biệt người theo sức khỏe lý trí
 
Ai thường xuyên không sử dụng được trí khôn thì kể như không thể ý thức trách nhiệm và được đồng hóa với ấu nhi” (đ 99).
 
Sự kiện đặt sự sử dụng trí khôn thành một điều luật riêng biêït cho thấy : đồng hóa loại người này với các trẻ em, không những nêu rõ sự kiện họ không sử dụng được trí khôn mà nhất là đồng hóa tư cách pháp lý của họ với thân phận những người mất trí : họ phải tùng phục cha mẹ hoặc người giám hộ.
 
c. Phân biệt người theo nơi họ cư ngụ
 
Ai có gia cư ở nơi nào, thì gọi là người thường trú. Ai có chuẩn cư thì gọi là ngưới tạm trú. Ai vẫn giữ gia cư hay chuẩn cư mà sống ở nơi khác, thì gọi là người kiều cư. Ai không có gia cư hay chuẩn cư, và ở bất cứ đâu thì gọi là người phiêu cư (đ 100).
 
Điều 100 cho chúng ta một bộ danh từ về các loại người xét theo sự cư ngụ của họ.
 
(a). Gia cư : là nơi mà một người cư ngụ thường xuyên, luật gọi là thường trú.
 
(b). Chuẩn cư : là nơi mà một người vứa tới cư ngụ hoặc được coi là sẽ ở lâu dài, nhưng không ở mãi, luật gọi là tạm trú.
 
(c). Kiều cư : là người có gia cư hoặc chuẩn cư, nhưng hiện tại đang sống ở ngoài nơi đó, họ là lữ khách, là người đi đường, luật gọi là lữ khách.
 
(d). Phiêu cư : là người không có gia cư cũng không có chuẩn cư, luật gọi là vô gia cư.
 
d. Phân biệt người theo nguyên quán
 
- Nguyên quán của người con, dù là tân tòng , là nơi mà khi người con sinh ra, cha mẹ có cùng một gia cư hoặc chuẩn cư, tức là nơi ở của cha mẹ em. Nếu cha mẹ khôngï có cùng một gia cư hay chuẩn cư, thì nguyên quán của người con là gia cư hay chuẩn cư của người mẹ (đ 101 §1).
 
Cần phải biết nguyên quán để biết ai là linh mục chính xứ  của đứa trẻ sơ sinh hầu lo rửa tội cho nó và để ghi vào sổ sách.
 
Nói rõ hơn, linh mục chính xứ của một em sơ sinh là cha xứ của nơi cha mẹ em đang sống chứ không phải linh mục chính xứ của nơi em sinh ra. Vậy em phải được rửa tội tại nhà thờ giáo xứ của cha mẹ em.
 
- Một đứa trẻ bị bỏ rơi, thì nguyên quán của nó là nơi gặp thấy nó hay tìm thấy nó, nếu không biết nơi ở của cha mẹ nó khi nó sinh ra.
 
- Con của người phiêu cư : nguyên quán là chính nơi nó sinh ra (đ 101 §2).
 
*  Sự thủ đắc gia cư và chuẩn cư
 
(a). Gia cư được thủ đắc như sau :
 
- Hoặc do thực sự cư ngụ trên địa hạt một giáo xứ, hoặc ít là một giáo phận, với ý định cư ngụ hẳn tại đó.
 
- Hoặc do thực sự cư ngụ ở đó được 5 năm trọn.
 
Thí dụ :
 
- Người hưu trí đến ở trong một giáo xứ để sống cho tới mãn đời, thì lập tức có gia cư tại đó.
 
- Một công chức đến ở trong một giáo xứ và biết rằng sớm muộn mình cũng phải đổi đi nơi khác, thì có gia cư sau 5 năm có mặt ở đó (đ 102 §1).
 
(b). Chuẩn cư được thủ đắc như sau :
 
- Hoặc cư ngụ trên địa hạt một giáo xứ, hay ít ra một giáo phận, với ý định cư ngụ tại đó ít là 3 tháng.
 
- Hoặc cư ngụ thật sự đã kéo dài 3 tháng.
 
Lưu ý: Một người có gia cư tại một nơi, nhưng lại tới ở hoặc dự tính tới ở 3 tháng nơi khác, thì có chuẩn cư ở nơi ấy (đ 102 §2).
 
- Gia cư hay chuẩn cư trong địa hạt giáo xứ thì gọi là gia cư hay chuẩn cư giáo xứ. Còn trong địa hạt giáo phận, dầu không ở trong giáo xứ, gọi là gia cư hay chuẩn cư giáo phận (đ 102 §3).
 
Giải thích :
 
- Gia cư hay chuẩn cư thuộc giáo xứ, đồng thời cũng thuộc giáo phận.
 
- Có thể chỉ có gia cư giáo phận mà không thuộc giáo xứ.
 
Thí dụ : ở một nơi không có giáo xứ, nhưng ở trên đất của giáo phận.
 
* Đối với các tu sĩ
 
- Các tu sĩ và các phần tử của hội đời sống tông đồ có gia cư nơi tu viện họ gia nhập, nghĩa là nhà mà bề trên của họ gửi họ tới và họ phải cư ngụ (xc. đ 665 và 740).
 
- Và theo điều 102 §2, họ có chuẩn cư trong nhà mà họ đã ở 3 tháng hoặc có ý định ở 3 tháng (đ 103).
 
* Đối với cặp vợ chồng
 
Hôn nhân là một cộng đồng sinh hoạt, tất nhiên có sự chung sống phu phụ, nên trừ khi có lý do nghiêm trọng, hai người có bổn phận và có quyền chung một gia cư. Nhưng khi có lý do chính đáng, như vì phải đi làm xa, thì vợ chồng mỗi người đều có thể có gia cư hoặc chuẩn cư riêng, mà họ vẫn có quyền giữ lại gia cư chung của mình.
 
Đàng khác, trong trường hợp ly thân hợp pháp, vợ chồng đều có thể có gia cư riêng của mình (không còn gia cư chung) (đ 104).
 
* Đối với những người vị thành niên
 
- Người vị thành niên ấu nhi tất nhiên sẽ có gia cư hoặc chuẩn cư của người mà họ thuộc quyền là cha mẹ, hoặc giám hộ.
 
- Khi đã qua tuổi ấu nhi, thì người vị thành niên chưa thoát quyền cha mẹ hay giám hộ sẽ có thể thủ đắc một chuẩn cư riêng, chẳng hạn nội trú sinh trong một cơ sở giáo dục.
 
- Nếu đã thoát quyền thì có thể thủ đắc một gia cư riêng (đ 105 §1), thí dụ : nữ 14 tuổi hay nam 16 tuổi lập gia đình.
 
Ngoài lý do là vị thành niên, ai ở dưới quyền giám hộ hay quản tài (người trông coi tài sản) của người khác cách hợp pháp thì có gia cư và chuẩn cư của người giám hộ hay người quản tài (đ 105 §2).
 
Chữ “ai” ở đây nghĩa là bất cứ ai, bất cứ người nào, không chỉ ám chỉ những người vị thành niên, hoặc người bị mất trí (như được đề cập nơi đ 93 §1 bộ Giáo luật 1917). Điều mới mẻ của điều 105 §2 này là : những người bị đặt dưới quyền giám hộ hoặc quản tài như thế sẽ vẫn giữ được gia cư hoặc chuẩn cư của người giám hộ hoặc người quản tài. Và như vậy chấm dứt được những tranh luận gây ra do điều 93 bộ luật 1917.
 
* Mất gia cư
 
Ai đi khỏi nơi cư trú với ý định không trở lại, thì mất gia cư  và chuẩn cư, giữ nguyên qui định của điều 105 (đ 106).
 
Ý định trở về hoặc không trở về gia cư của mình phải được bày tỏ ra bên ngoài.
 
- Cũng như việc thủ đắc gia cư hoặc chuẩn cư, việc mất gia cư đòi phải có yếu tố thực tại là đi khỏi nơi đó, và một yếu tố về ý định, là có ý định không trở lại nữa.
 
- Bởi vậy, sinh viên hoặc người di cư bỏ nhà ra đi, dù hơn 5 năm, vẫn không mất gia cư của mình, và có thể thực tế thủ đắc một gia cư hay chuẩn cư khác.
 
* Hậu quả pháp lý của gia cư
 
- Cứ theo gia cư và chuẩn cư, mỗi người biết được ai là linh mục chính xứ và ai là vị thường quyền của mình (đ 107 §1).
 
- Linh mục chính xứ hay vị thường quyền riêng của người phiêu cư là linh mục chính xứ hay vị thường quyền nơi người phiêu cư đang ở (đ 107 §2).
 
- Đối với người chỉ có gia cư hay chuẩn cư giáo phận, thì linh mục chính xứ riêng là linh mục chính xứ nơi họ đang ở (đ 107 §3).
 
Điều 107 xét đến 3 trường hợp :
 
- Người chỉ có một gia cư hoặc một chuẩn cư.
 
- Người không có gia cư và cũng không có chuẩn cư.
 
- Người chỉ có gia cư hoặc chuẩn cư giáo phận.
 
Cả 3 trường hợp, linh mục chính xứ của họ là cha xứ nơi họ đang ở.
 
e. Phân biệt người theo liên hệ họ hàng
 
Họ hàng có ảnh hưởng đến điều kiện Giáo luật của các thể nhân. Giáo luật nói đến họ máu (đ 108), họ kết bạn (đ 109), họ hàng theo luật pháp (đ 110), họ thiêng liêng (giữa cha mẹ đỡ đầu và các người rửa tội) nay không còn là cản trở cho hôn nhân nữa.
 
(1). Họ máu là liên hệ giữa hai người sinh ra cùng một gốc. Họ máu được tính theo hàng, nghĩa là một chuỗi người tính từ gốc, có hàng dọc và hàng ngang :
 
- Hàng dọc là khi các người đó sinh ra, người sau bởi người trước (cha, con, cháu, …).
 
- Hàng ngang là khi các người đó tuy chung gốc, nhưng không bởi nhau mà sinh ra (anh chị em ruột, anh chị em họ,…)
 
Trong hàng dọc hay hàng ngang với nhau, thì giữa người này với người kia được gọi là bậc. Bậc là mức độ xa gần giữa hai người (đ 108 §1).
 
- Về hàng dọc : giữa cha mẹ và con cái là1 bậc - giữa ông bà và các cháu nội ngoại là 2 bậc - giữa ông bà cụ và các chắt nội ngoại là 3 bậc.
 
- Về hàng ngang : giữa anh chi em ruột là 2 bậc - giữa cậu và cháu là 3 bậc - giữa anh em con chú con bác (anh em thúc bá) là 4 bậc (đ 108 §2,3).
 
Bộ Giáo luật hiện nay đã bỏ hệ thống Đức quốc để tính họ hàng (như thấy trong bộ Giáo luật 1917). Cách tính họ hiện nay là hệ thống Rôma được đa số bộ dân luật theo, và cũng được các giáo hội Đông phương theo.
 
Như vậy, cách tính họ này đã sửa đổi cách tính của bộ Giáo luật 1917, và như thế là trở lại cách tính của luật Rôma, và cũng là luật của Pháp. Tuy nhiên, cách tính của bộ luật 1917 rõ hơn và dễ tính hơn.
 
Đặc biệt phải nhớ cách tính này trong các nố hôn phối có ngăn trở họ máu (xc. đ 1091).
 
(2). Họ kết bạn (họ sui gia) là liên hệ gia đình không do máu mủ, nhưng do cuộc hôn nhân thành hiệu.
 
Họ kết bạn cũng tính một cách như họ máu chỉ cần có cuộc hôn nhân thành hiệu, không cần hôn nhân thành toại hoặc do bí tích hôn nhân. Về các hiệu qủa xét như cản trở vô hiệu hóa, xin coi điều 1092 (đ 109 §1,2).
 
Lưu ý: có sự khác biệt với luật cũ, vì nay họ kết bạn có sau khi có cuộc hôn nhân thành hiệu, dù có bí tích hôn nhân hay không. Đối với việc hôn nhân, thì chỉ có ngăn trở nơi hàng dọc, ở tất cả mọi bậc của hàng này.
 
(3). Họ theo luật pháp (cha mẹ nuôi và con nuôi)
 
Những đứa con được nhận làm con nuôi chiếu theo luật dân sự, thì kể như con ruột của người hay những người đã nhận chúng (đ 110), nghĩa là các con nuôi theo dân luật được kể như con trai hay con gái của cha mẹ nuôi.
 
Đây là một điều mới. Đây là một thí dụ “phong thánh” cho dân luật. Bộ Giáo luật rút ra một hậu quả pháp lý cho việc hôn nhân do việc lập nên ngăn trở tiêu hôn (xc. đ 1094). Tức là nhận làm con nuôi theo dân luật, thì điều 110 này có hiệu quả Giáo luật là gây ngăn trở cho hôn nhân.
 
f. Phân biệt người theo nghi lễ
 
(a). Nghi lễ La tinh
 
- “Người ta thuộc về nghi lễ La tinh sau khi được rửa tội :
 
+ Nếu cha mẹ thuộc về giáo hội này.
 
+ Nếu một trong hai mẹ không thuộc nghi lễ La tinh, nhưng cả hai đồng ý chọn cho con được rửa tội theo nghi lễ La tinh.
 
+ Nếu hai cha mẹ thuộc những nghi lễ khác và không đồng ý nhau, thì nghi lễ sẽ là nghi lễ của người cha (đ 111 §1).
 
- Khi được 14 tuổi chẵn, bất cứ ai xin được rửa tội, đều có quyền tự do lựa chọn được rửa tội trong giáo hội La tinh hay trong một giáo hội nghi lễ tự lập nào khác. Trong trường hợp ấy, người đó thuộc quyền giáo hội mình đã chọn (đ 111 §2).
 
Giải thích :
 
Trong Giáo hội có nhiều nghi lễ : Tây phương và Đông phương, nhưng không phải tất cả đều làm thành những giáo hội có nghi lễ tự lập. Vậy cần phân biệt những giáo hội có nghi lễ tự lập và những giáo hội có nghi lễ không tự lập.
 
Bên Tây phương, nghi lễ xác định tính tự lập là nghi lễ La tinh, và trong lòng Giáo hội La tinh có những nghi lễ khác nhau (không tự lập) như nghi lễ Wisigoth hoặc Mojarable tại Toleda hay là nghi lễ Ambrôsianô tại Milanô, nhưng không có giáo hội nghi lễ Mojarable hoặc Ambrosianô.
 
Vì thế :
 
- Nếu hai cha mẹ thuộc giáo hội La tinh, các con sẽ thuộc về giáo hội La tinh. Nếu cả hai cha mẹ thuộc giáo hội Đông phương, các con sẽ thuộc giáo hội đó.
 
- Nếu hai cha mẹ thuộc về những nghi lễ khác nhau, họ phải đi tới sự đồng ý. Nếu không đồng ý được, thì nghi lễ của người cha sẽ thắng.
 
(b). Thay đổi nghi lễ
 
- Sau khi chịu phép rửa tội, có thể thay đổi nghi lễ :
 
+ Với phép Tòa thánh.
 
+ Bằng cách chấp nhận nghi lễ của người phối ngẫu, khi lãnh nhận bí tích hôn phối. Nhưng sau khi cuộc hôn nhân bị tháo gỡ, thì người đó có thể trở lại trong giáo hội La tinh.
 
+ Các con của những người đã thay đổi nghi lễ với phép của Tòa thánh, cũng như của những người đã thay đổi nghi lễ khi thành hôn, và cũng như các con của một cuộc hôn nhân hỗn hợp, trong đó người phối ngẫu Công giáo đã chuyển qua một giáo hội có nghi lễ khác, khi được 14 tuổi chẵn, đều có thể trở lại giáo hội La tinh (đ 112 §1).
 
- Thói quen dù lâu đời, lãnh nhận các bí tích theo nghi lễ của một giáo hội thuộc nghi lễ tự lập cũng không vì thế mà được coi là đã gia nhập vào giáo hội đó (đ 112 §2).
 
B. PHÁP NHÂN
 
1. Xác định từ ngữ
 
Khi so sánh bộ luật mới với bộ luật 1917, chúng ta thấy ngay sự thay đổi từ ngữ. Bộ luật cũ chỉ dùng một từ ngữ để nói về pháp nhân : persona moralis.
 
Bộ luật mới cũng dùng từ ngữ “persona moralis” như thấy ở điều 113 của phần này. Tuy nhiên bộ luật mới dùng danh từ này cho những pháp nhân theo Thiên luật, còn những pháp nhân do luật Giáo hội lập nên thì gọi là “persona juridica”.
 
Nói rõ hơn, bộ Giáo luật 1917 chỉ dùng một tiếng “persona moralis” để gọi pháp nhân.
 
Bộ luật 1983 dùng 2 tiếng :
 
- persona moralis cho những pháp nhân theo Thiên luật (pháp nhân tự nhiên).
 
- persona juridica cho những pháp nhân do luật Giáo hội lập nên (pháp nhân thường).
 
2. Định nghĩa
 
Pháp nhân là những tập thể người hoặc sự vật được thiết lập do chính luật qui định hoặc do đặc ân được thẩm quyền ban dưới hình thức sắc lệnh nhằm mục đích phù hợp với sứ mạng của Giáo hội, và vượt trên mục đích của từng người (đ 114 §1).
 
3. Những yếu tố cấu tạo pháp nhân
 
- Những yếu tố cấu tạo chung cho tất cả các pháp nhân là :
 
(a). Các yếu tố khách quan tiền pháp lý : đó là yếu tố vật chất, tức chất thể; và yếu tố mô thể, tức mục đích mà tập thể theo đuổi.
 
(b). Sự ban tư cách pháp nhân : hoặc do luật pháp qui định hoặc do thẩm quyền ban cho.
 
Thẩm quyền ban tư cách này là đấng làm luật. Ngài làm ra luật pháp và ấn định những tập thể người hoặc sự vật tạo thành những pháp nhân từ những qui định của luật pháp.
 
+ Các mục đích nói ở khoản một là những việc liên quan đến hoạt động đạo đức, tông đồ hay bác ái, hoặc thiêng liêng hoặc trần thế (đ 114 §2).
 
+ Thẩm quyền Giáo hội chỉ nên ban tính cách pháp nhân cho những tập thể người hoặc sự vật theo đuổi mục đích thật sự hữu ích và có đủ phương tiện để đạt mục đích đã định (đ 114 §3).
 
4. Phân loại
 
a. Pháp nhân theo Thiên luật và theo Giáo luật
 
- Pháp nhân theo Thiên luật hay pháp nhân tự nhiên. Thí dụ: Giáo hội, Tông tòa, giám mục đoàn.
 
Giáo hội : Chúa Giêsu đã thành lập Giáo hội. Như vậy, Giáo hội là do luật hiến định của Thiên Chúa, và có trước Giáo luật. Chúa đã trao cho Giáo hội một sứ mạng, khiến Giáo hội có những nghĩa vụ và những quyền lợi, Chúa đã làm cho Giáo hội trở thành một pháp nhân.
 
Như vậy, Giáo hội là một pháp nhân theo chính sự an bài của Thiên Chúa. Giáo hội là một “pháp nhân tự nhiên” trước khi là một “pháp nhân thường”, nghĩa là Giáo hội là một pháp nhân do sự an bài của Thiên Chúa, trước khi Giáo hội ban cho mình một pháp chế tương xứng với tư cách pháp nhân do Chúa ban, và trước khi Giáo hội được công pháp quốc tế thừa nhận là một pháp nhân.
 
(1). Tông tòa (Tòa thánh) : Tông tòa là tòa của đấng kế vị Phêrô, cũng là một pháp nhân do sự thiết lập của Chúa (đ 113 §1).
 
(2). Giám mục đoàn : là kế nhiệm tông đồ đoàn cũng vậy, dù điều 113 §1 không nhắc tới.
 
- Pháp nhân theo Giáo luật, tức là pháp nhân thường, có  nghĩa vụ và quyền lợi tương xứng với bản chất của những pháp nhân ấy (đ 113 §2). Thí dụ : các hiệp hội, các cơ sở, …
 
b. Pháp nhân tập thể người và tập thể sự vật
 
- Pháp nhân tập thể người : phải có ít nhất là 3 người, và có thể là tập thể có tính hiệp đoàn và không hiệp đoàn (đ 115 §1).
 
(1). Pháp nhân có tính hiệp đoàn : tất cả các thành viên đều dự phần vào các quyết định : hoặc ngang nhau (như tu nghị nhà thờ chính tòa), hoặc không ngang nhau với lá thăm có giá trị đặc biệt (như lá thăm của Đức Giáo hoàng trong giám mục đoàn).
 
(2). Pháp nhân không có tính hiệp đoàn : những quyết định sẽ không do toàn thể các thành viên (thí dụ trong giáo phận, giáo xứ, tu hội) (đ 115 §2).
 
- Pháp nhân tập thể sự vật : làm thành bởi những tài sản hoặc những sự vật tinh thần hay vật chất, được điều hành bởi một hoặc nhiều người hay một hiệp đoàn theo luật và theo qui chế (đ 115 §3). Thí dụ : một đại học, một bệnh viện, một chủng viện, một tu viện, …
 
c. Pháp nhân công và pháp nhân tư
 
(1). Việc thành lập
 
Bất cứ pháp nhân nào cũng phải được thành lập cách chính thức (nghĩa là theo đúng thủ tục pháp lý) bằng một qui định của luật pháp, hoặc bằng một sắc lệnh đặc biệt và minh nhiên của thẩm quyền Giáo hội (đ 116 §1).
 
- Một pháp nhân công có thể được thành lập bằng một trong hai hình thức trên (đ 116 §2).
 
- Một pháp nhân tư chỉ có thể được thành lập bằng cách thứ hai.
 
Như vậy, giáo quyền luôn luôn tham dự vào việc lập nên những pháp nhân trong Giáo hội (đ 117). Tuy nhiên, cần lưu ý:
 
- Các tín hữu, do sáng kiến riêng, sẽ làm thành một pháp nhân tư. Trái lại, - chính giáo quyền thành lập các pháp nhân công.
 
Thí dụ: - Tòa thánh, một hội đồng giám, một giáo phận, một giáo xứ, một chủng viện, … là pháp nhân công.
 
- Các hiệp hội do sáng kiến của các tín hữu lập ra … là pháp nhân tư.
 
(2). Định nghĩa
 
Pháp nhân công là những tập thể người hoặc sự vật được thẩm quyền trong Giáo hội thiết lập, để trong giới hạn đã đề ra, họ nhân danh Giáo hội và theo qui định của luật, thi hành nhiệm vụ riêng đã được trao cho vì ích chung. Những pháp nhân khác là pháp nhân tư (đ 116 §1).
 
(3). Tính cách pháp nhân
 
Pháp nhân công đương nhiên có tính cách pháp nhân, còn pháp nhân tư thì tùy thẩm quyền khi thành lập (đ 116 §2), thí dụ : các giáo phận, giáo tỉnh, hội đồng giám mục, giáo xứ, chủng viện, hội dòng, tỉnh dòng, tu viện là pháp nhân công.
 
5. Việc quản trị
 
(1). Người đại diện pháp nhân
 
Các pháp nhân hành động qua các đại diện của mình, nghĩa là những người được quyền hành động nhân danh tập thể. Điều 118 xác định những nguyên tắc về quyền đại diện này.
 
(a). Đối với pháp nhân công : do luật chỉ rõ khi công nhận pháp nhân.
 
Thí dụ:      
 
- giáo phận : giám mục có quyền đại diện giáo phận
 
- giáo xứ : linh mục chính xứ
 
- chủng viện : cha giám đốc
 
(b). Đối với pháp nhân tư : được xác định trong qui chế được giáo quyền phê chuẩn khi lập pháp nhân.
 
Thí dụ : các hiệp hội : người đại diện do qui chế xác định.
 
(2). Đối với những hành vi có tính hiệp đoàn :
 
- Về bầu cử : Khi đa số các người phải được triệu tập hiện diện, và đa số tuyệt đối đồng ý một điều gì thì điều ấy có giá trị pháp luật.
 
Sau 2 lần đầu phiếu không kết quả, phải bỏ phiếu cho 2 ứng viên đã được nhiều phiếu hơn.
 
Nếu lần 3 số phiếu vẫn ngang nhau, ai cao niên hơn sẽ đắc cử (đ 119 số1).
 
- Về các việc khác : khi đa số các người phải được triệu tập hiện diện, và đa số tuyệt đối đồng ý về một điều gì, thì điều ấy có giá trị pháp luật.
 
Sau 2 lần đầu phiếu ngang nhau, vị chủ tọa có thể dùng phiếu của mình quyết định (đ 119 số 2).
 
- Nếu là việc liên hệ đến tất cả mọi người cũng như từng người, thì phải được mọi người chấp nhận (đ 119 số 3).
 
6. Hết hiệu lực pháp nhân
 
- Do bản chất pháp lý của mình, các pháp nhân có tính vĩnh viễn.
 
Do bản chất pháp lý có nghĩa là một pháp nhân ra đời do luật pháp hoặc do một sắc lệnh của thẩm quyền Giáo hội. Do đó nó cũng chỉ có thể “chết” bởi những lý do đã sinh ra nó, nghĩa là bởi luật pháp hoặc bởi một sắc lệnh của thẩm quyền. Thường thẩm quyền này cũng là thẩm quyền đã thành lập chúng. Tuy nhiên, nguyên tắc này không luôn luôn đúng, chẳng hạn một tu hội đời sống thánh hiến do một giám mục giáo phận thành lập (đ 579) chỉ có thể bị dẹp bỏ bởi Tông tòa (xc. đ 584).
 
- Còn theo qui định của luật pháp, thì một pháp nhân sẽ chấm dứt khi đã thôi hoạt động suốt 100 năm.
 
- Một pháp nhân tư có thể bị giải tán theo qui chế của mình, nhưng một pháp nhân công thì không, vì nó được thành lập do giáo quyền.
 
Hoặc nếu theo sự suy đoán của thẩm quyền, chính tặng lập, chiếu theo qui chế cũng không còn nữa (đ 120 §1).
 
- Nếu số thành viên của pháp nhân có tính hiệp đoàn chỉ còn một người mà thôi, và nếu tập thể người chiếu theo qui chế vẫn không chấm dứt, thì việc sử dụng mọi quyền của tập thể thuộc về thành viên ấy (đ 120 §2).
 
7. Hiệp nhất hai pháp nhân
 
Điều 121 dự trù trường hợp hiệp nhất hai pháp nhân công, kết quả là có một pháp nhân mới, đồng thời với sự dẹp bỏ hai pháp nhân trước, thì có quyền lợi và nghĩa vụ của hai pháp nhân đó.
 
Ở đây không nói gì đến sự hiệp nhất hai pháp nhân tư. Có lẽ vì sự hiệp nhất này do sáng kiến tư nhân nên mọi sự do sự quyết định của họ về sự sáp nhập này.
 
8. Phân chia pháp nhân
 
Điều 122 dự trù sự phân chia một pháp nhân công theo hai giả thuyết : - hoặc một phần của pháp nhân này sẽ được hiệp nhất với pháp nhân khác hiện đang có - hoặc phần được phân chia ra đó sẽ được thiết lập thành một pháp nhân mới.
 
Những trường hợp trên rất thường gặp, như phân chia các giáo xứ và các giáo phận, hoặc các tu hội dòng và các trường hợp khác.
 
Nếu gặp những trường hợp trên thì phải phân chia các quyền lợi, các của cải sản nghiệp cũng như các trách vụ. Đây là sự công bằng theo tỉ lệ, chứ không phải công bằng toán học.
 
9. Vấn đề tài sản sau khi pháp nhân chấm dứt (đ 123)
 
- Khi pháp nhân công chấm dứt, thì việc sung dụng của cải, quyền lợi thuộc sản nghiệp và cả những nghĩa vụ của pháp nhân ấy, phải được điều hành theo luật và qui chế. Nếu luật và qui chế không nói gì thì tất cả những điều trên sẽ thuộc về pháp nhân trực tiếp cao hơn, nhưng luôn phải tôn trọng ý muốn của những người tặng lập hay người dâng cúng cũng như các quyền lợi đắc thủ.
 
Pháp nhân trực tiếp cao hơn là pháp nhân mà pháp nhân kia trực tiếp phục quyền theo cơ cấu Giáo luật :
 
- Giáo phận là pháp nhân trực tiếp ở trên giáo xứ, vì giáo xứ là một thành phần của giáo phận.
 
- Tỉnh dòng ở trên mỗi tu viện.
 
- Một hiệp hội có tính giáo phận thì ở trên hiệp hội của giáo xứ cùng một tổ chức.
 
- Đối với các pháp nhân tư, sẽ tuân theo các qui chế, đúng như điều 123 đã qui định, và được nhắc lại nơi điều 326 §2.
 
 
 

MỤC VII: HÀNH VI PHÁP LÝ

 
 
Bộ Giáo luật 1983 đã có một sự sắp xếp mới nơi tiết VII, đặt vấn đề các hành vi pháp lý vào trong quyển I. nhưng sự mới mẻ ở bên ngoài hơn là về thực chất, vì ngoài điều 124 và 128, phần còn lại đã có hầu như nguyên văn trong bộ luật 1917.
 
1. Định nghĩa
 
Theo nghĩa rộng, hành vi pháp lý là một sự bày tỏ ý muốn có hiệu quả về pháp luật.
 
Theo nghĩa chặt, hành vi pháp lý là một hành vi nhân linh có tính chất xã hội được thực hiện cách hợp pháp và được luật pháp công nhận là có các hiệu quả pháp luật mà người hành động mong muốn. Đây là loại các hành vi chủ ý, nghĩa là do con người và được luật pháp công nhận là những hành vi nhân linh và chủ ý.
 
2. Những yếu tố cấu thành hành vi pháp lý
  
Gồm 3 yếu tố chủ yếu cần phải có để thành sự và nhân đó mới hữu hiệu như điều 124 đã xác định.
a. Về chủ thể của hành vi:
 
- Phải là người có tư cách theo luật pháp, khả năng pháp lý này phải được Giáo hội công nhận (xc. đ 96).
 
- Người đó phải đích thân hành sử các quyền lợi của mình (xc. đ 97, 98, 99…) và phải thực hiện hành vi đó cách đầy đủ (xc. đ 1078, 1088…).
 
Theo đó, các yếu tố chủ chốt của hành vi nhân linh (như trí năng, ý chí …) cũng như các yếu tố riêng cho hành vi pháp lý đó, đều được giả thiết là có.
 
b. Về phía đối tượng của hành vi : đối tượng này phải có các yếu tố cấu tạo nên hành vi. Thiếu các yếu tố này hành vi kia sẽ không có, hoặc kể là thuộc một loại khác. Các yếu tố chủ chốt này có thể do bản chất của hành vi đòi phải có, hoặc có thể được xác định trước bởi thẩm quyền.
 
Thí dụ: vấn đề kết hôn, điều cốt yếu là sự ưng thuận giữa một người nam và một người nữ. Vì thế, sự ưng thuận kết hôn giữa 2 người nam hoặc 2 người nữ với nhau sẽ vô giá trị.
 
c. Thể thức phải tuân giữ : tùy theo luật pháp đòi hỏi phải có một thể thức nhất định, tức là một sự long trọng hợp lệ bên ngoài cho tính thành sự.
 
Thí dụ: về vấn đề hôn nhân trên đây, ngoài việc 2 người không bị mắc ngăn trở và tự do ưng thuận kết hôn, Giáo luật còn đòi phải có linh mục chính xứ chứng kiến thì mới thành hiêïu. Do đó, nếu một linh mục nào không có sự ủy nhiệm của linh mục chính xứ mà chứng hôn thì giá thú sẽ vô hiệu.
 
Nếu thiếu một trong ba yếu tố trên thì hành vi sẽ vô hiệu, vô giá trị.
 
3. Khuyết điểm của hành vi pháp lý
 
Trên nguyên tắc, những khiếm khuyết có thể xảy ra từ 3 phía : chủ thể, đối tượng và thể thức, nhưng nhà làm luật chỉ chú trọng tới những khiếm khuyết về phía chủ thể. Sau đây là những khiếm khuyết :
 
a. Bạo lực
 
Hành vi được làm do một áp lực bên ngoài mà đương sự không thể nào cưỡng lại được thì kể là vô hiệu (đ 125 §1).
 
b. Sợ hãi, man trá (lừa dối)
 
Hành vi được làm do sợ hãi trầm trọng cách bất công, hoặc do man trá, vẫn thành sự, trừ khi luật định liệu thể khác.
 
Điều luật trên áp dụng câu cách ngôn pháp lý : “Coacta voluntas est voluntas” : ý chí bị cưỡng bức vẫn là ý chí. Do đó các hành vi đó nói chung đều thành hiệu.
 
“Trừ khi luật định liệu thể khác” nghĩa là luật có thể tuyên bố cách minh nhiên rằng hành vi đó vô hiệu trong một số hoàn cảnh và tùy theo tầm quan trọng của hành vi đã thực hiện.
 
Thí dụ : - hôn nhân kết hợp do một sự sợ hãi trầm trọng (đ 1103) hoặc do bị lừa dối (đ 1098).
 
- Tuyên khấn dòng do một sự sợ hãi trầm trọng hoặc bị lừa dối (đ 656 số 4).
 
Tuy nhiên, các hành vi trên có thể bị thẩm phán tuyên bố vô hiệu hoặc bị bãi bỏ.
 
Trong điều luật này, quan niệm man trá tức mưu gian thuộc loại hình sự. Vì mưu gian được coi là hành vi có suy tính để lừa đảo người khác với dụng ý đưa người này tới chỗ thực hiện một hành vi pháp lý. Mưu gian được coi là quyết định, nên vô hiệu. (đ 125 §2).
 
c. Sự không biết và lầm lẫn
 
- Sự không biết là sự thiếu hiểu biết nơi một người có thể hiểu biết. Bởi vậy, sự không biết giả thiết rằng đương sự đã không đưa ra một phán đoán hoặc một ý kiến nào về sự hiểu biết đó.
 
- Sự lầm lẫn hoặc sai lầm là một sự phán đoán sai lạc về một điều gì.
 
Ngoài ra, cùng với hai sự khiếm khuyết trên, luật pháp còn kể thêm:
 
- Sự vô ý tức là sự thiếu ý thức vào chính lúc thực hiện hành vi.
 
Sau đây là mấy nguyên tắc pháp lý, do điều 126 đưa ra, liên quan đến tính thành hiệu của hành vi pháp lý :
1. Khi một trong các khiếm khuyết này đụng đến bản chất của hành vi, một điều kiện không có thể thiếu của hành vi, thì hành vi pháp lý sẽ vô hiệu.
 
2. Trong các trường hợp khác, hành vi sẽ thành hiệu, trừ khi chứng minh ngược lại cách rõ ràng, như nơi điều 1097 : “Lầm lẫn về nhân thân làm cho hôn nhân bất thành” (§1).
 
Điều 1097 nói về ảnh hưởng của các yếu tố đó đối với giá trị của sự ưng thuận kết hôn.
 
4 . Hành vi pháp lý của các pháp nhân
 
Pháp nhân có thể hành động cách hiệp đoàn. Để hành động, bề trên hoặc người quản trị phải nhận được sự đồng ý của đa số tuyệt đối các thành viện hiện diện, nếu không, ngài không được hành dộng. Nếu phải hỏi ý kiến, bề trên cũng buộc phải hỏi ý kiến tất cả các thành viên, thì hành vi của ngài mới thành hiệu (đ 127).
 
5.  Hành vi pháp lý gây thiệt hại
 
Bất cứ ai gây thiệt hại cho người khác cách hợp pháp bằng hành vi pháp lý hoặc bằng hành vi nào khác có man trá hay lỗi phạm, đều buộc phải bồi thường thiệt hại đã gây ra (đ 128).
 
Điều luật này mới có trong bộ Giáo luật 1983 - nó đáp ứng một sự bó buộc theo luật tự nhiên.
 
 

MỤC VIII: QUYỀN LÃNH ĐẠO

 
Khái niệm
 
Quyền lãnh đạo là trong ba quyền của Giáo hội : giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo, luôn được nhắc tới trong công đồng Vaticanô II, chiếu theo ba quyền của Chúa Kitô : ngôn sứ, tư  tế và vương đế (Lumen Gentium 21b).
 
Vậy quyền lãnh đạo là quyền Chúa Kitô ban cho Giáo hội để cai quản và hướng dẫn các tín hữu tới cùng đích siêu nhiên.
 
Quyền này còn được gọi là quyền tài phán để phân biệt với các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên, bộ luật cũ dùng tiếng “quyền tài phán”, bộ luật mới dùng tiếng “quyền lãnh đạo”, còn tiếng “quyền tài phán” dùng cho tòa án.
 
1. Ai có quyền lãnh đạo
 
Trong Giáo hội, quyền lãnh đạo do Thiên Chúa lập ra, nên chỉ những người đã lãnh nhận bí tích truyền chức thánh mới có thể là người thực thụ nắm giữ quyền lãnh đạo (đ 129 §1).
 
Giáo dân có thể cộng tác vào việc hành sử quyền này (đ 129 §2), thí dụ :
 
- Hành sử quyền tư pháp với tư cách là thành viên đoàn quan tòa sơ cấp.
 
- Quản lý các tài sản Giáo hội.
 
2. Cách hành sử quyền lãnh đạo
 
A. Tòa trong và tòa ngoài
 
Quyền lãnh đạo có thể được hành sử ở tòa ngoài hoặc ở tòa trong (đ 130).
 
- Tòa ngoài : đó là quyền hành sử trong lãnh vực xã hội và công khai.
 
- Tòa trong : trong bí tích Giải tội.
 
Quyền lãnh đạo đương nhiên là một công quyền, nên được hành sử ở tòa ngoài và công khai. Tuy nhiên Giáo luật không chỉ phục vụ cho công ích mà còn lo cho các ích lợi thiêng liêng của các tín hữu, đôi khi không thể đạt được bằng các thủ tục công khai. Cho nên, cần phải có thủ tục kín đáo, bí mật, dựa trên lời khai của các tín hữu nơi tòa trong.
 
B. Thường quyền và ủy quyền
 
- Thường quyền đi liền với chức vụ, nên khi nhận chức vụ là có quyền đó (đ 131 §1).
 
Thường quyền có thể là quyền riêng hoặc quyền đại diện
 
* Quyền riêng là khi đích thân người có quyền hành sử, thí dụ : giám mục.
 
* Quyền đại diện là khi quyền này được hành sử do một vị đại diện, thí dụ : cha tổng đại diện (đ 131 §2).
 
- Uỷ quyền là quyền được ban cho một người mà người ấy không cần phải có chức vụ. Thường chứng minh bằng cách cho xem giấy ủy quyền (đ 131 §3).
 
- Các năng quyền thường xuyên được chi phối do những qui định về ủy quyền, thí dụ : được ban cho cách vĩnh viễn hoặc cho một thời gian nhất định nào đó, hoặc cho một số trường hợp nhất định, nên được kể vào loại ủy quyền (gọi là quyền ủy nhiệm)(đ 132 §1).
 
- Một người được chọn vì những đức tính của bản thân (thông thái, khôn ngoan, từng trải,…) chứ không phải vì chức vụ, nếu lời lẽ của giấy ban quyền nói rõ điều đó, thì người ấy có năng quyền thường xuyên (đ 132 §2).
 
- Nếu người được ủy quyền hành sử vượt quá giới hạn ủy nhiệm của mình, hoặc về sự vật hoặc về người, thì hành động ấy vô hiệu (đ 133 §1). Tuy nhiên, nếu người được ủy quyền chỉ hành sử vượt quá giới hạn trong cách thức, không đúng như đã xác định trong ủy quyền, thì hành động ấy vẫn thành hiệu (đ 133 §2).
 
3. Vị thường quyền. Gồm có :
 
a. Đức Giáo hoàng.
 
b. Giám mục giáo phận và các vị đứng đầu các giáo hội địa phương như đại diện Tông tòa, phủ doãn Tông tòa, giám quản Tông tòa.
 
c. Các tổng đại diện và đại diện giám mục.
 
d. Các bề trên cao cấp của các dòng tu và hội đời sống tông đồ thuộc luật giáo hoàng (đ 134 §1).
 
Vấn đề từ ngữ rất quan trọng khi áp dụng Giáo luật, nhất là khi bàn tới thẩm quyền của các chức vụ, vì thế :
 
- Khi luật sử dụng tiếng “vị thường quyền” (thí dụ : đ 87 §2; đ 936) thì phải hiểu là các bề trên cao cấp dòng tu giáo sĩ thuộc luật Giáo hoàng cũng có thẩm quyền để thi hành (các bề trên cao cấp của các hội giáo sĩ đời sống tông đồ thuộc luật Giáo hoàng cũng có thẩm quyền tương đương. Nhưng các bề trên của các dòng giáo dân hay dòng thuộc luật giáo phận thì không được kể vào đây).
 
- Khi luật dùng tiếng “vị thường quyền sở tại” (thí dụ : đ 88; đ 934 §1,1; đ 969 §1) thì bề trên các tu hội và các hội đời sống tông đồ không có thẩm quyền.
 
Cũng vậy, khi luật dùng tiếng “giám mục giáo phận”, thì chỉ có các giám mục hay người đứng đầu giáo hội địa phương tương đương mới có thẩm quyền (đ 381 §2). Còn khi dùng tiếng “vị thường quyền sở tại”, thì cả giám mục lẫn tổng đại diện đều có quyền như nhau.
 
Thí dụ: bổ nhiệm linh mục chính xứ,  phó xứ, linh mục quản đốc nhà thờ thuộc thẩm quyền của giám mục (đ 523, đ 547). Còn việc bổ nhiệm linh giám thuộc thẩm quyền vị thường quyền sở tại (đ 565). Nói rõ thêm : khi luật dùng tiếng “giám mục” thì vị tổng đại diện không có thẩm quyền gì hết, trừ khi được chính giám mục ủy nhiệm cho. Đối lại, khi luật dùng tiếng “vị thường quyền sở tại” thì vị tổng đại diện có thẩm quyền, nhưng giám mục có thể hạn chế và dành riêng cho nình (đ 134 §3; đ 479 §1).
 
4. Các chức năng của quyền lãnh đạo
 
- Quyền lãnh đạo được phân thành : quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (đ 135 §1).
 
* Quyền lập pháp phải được hành sử theo những thể thức đã được qui định, như vậy để bảo đảm sự an toàn và tính chắc chắn của luật pháp (đ 135 §2).
 
Quyền lập pháp này thuộc về Đức Giáo hoàng, công đồng chung đối với toàn thể Giáo hội. Các công đồng riêng và các hội đồng giám mục đối với các giáo hội địa phương thuộc khu vực các ngài. Mỗi giám mục giáo phận có quyền lập pháp đối với giáo phận mình.
 
* Quyền tư pháp thuộc quyền các thẩm phán và các hiệp đoàn thẩm phán, phải được thi hành theo phương thức luật đã qui định (đ 135 §3).
 
* Về việc thi hành quyền hành pháp, phải giữ những qui định của các điều sau đây (đ 135 §4).
 
5. Giới hạn của việc hành sử quyền lãnh đạo
 
- Vị có quyền hành pháp thì có thể hành sử nó đối với thuộc cấp của mình (tức là đối với ai có gia cư hoặc chuẩn cư trong lãnh thổ của mình), kể cả khi họ ra khỏi lãnh thổ (đ 136).
 
Có thể hành sử quyền đối với những kiều cư, nghĩa là những người hiện đang có mặt trên lãnh thổ tuy có gia cư hoặc chuẩn cư ở nơi khác.
 
Tuy nhiên, đó là nguyên tắc chung, ngoài ra còn có những luật trừ tùy theo vấn đề.
 
Thí dụ : việc kiểm duyệt sách báo, vị thường quyền sở tại chỉ có thể cấp giấy phép cho người thuộc cấp của mình hay cho người nào định xuất bản tại lãnh thổ của mình (đ 824 §1).
 
Sự giới hạn lãnh thổ chặt chẽ nhất trong việc chứng hôn: thường quyền sở tại và linh mục chính xứ chỉ có thẩm quyền chứng hôn trong khu vực địa sở của mình mà thôi (đ 1109).
 
6. Giới hạn của việc ủy quyền
 
- Theo nguyên tắc, ai có thường quyền thì có thể ủy quyền cho từng trường hợp hay cho mọi trường hợp, trừ khi luật định cách khác (đ 137 §1).
 
Thí dụ : điều 508 §1 : vị kinh sĩ xá giải không thể ủy quyền giải vạ mà luật đã ban cho mình.
 
- Quyền hành pháp do Tông tòa ủy cho, có thể được chuyển ủy cho từng việc hoặc cho mọi trường hợp (đ 137 §2).
 
- Quyền hành pháp được ủy cho một quyền bính khác, nếu được ủy cho mọi trường hợp, thì chỉ có thể được chuyển ủy cho từng trường hợp. Còn nếu được ủy cho từng việc thì không thể chuyển ủy, trừ khi được người ủy quyền minh thị cho phép (đ 137 §3).
 
Không quyền nào đã được chuyển ủy lại có thể được ủy lại thêm lần nữa, trừ khi được sự ưng thuận tỏ tường của vị đã ủy quyền (đ 137 §4)
 
Khoản luật này có thể thấy rõ ràng về hôn nhân, chẳng hạn: một linh mục phó xứ đã được ủy quyền tổng quát, bằng giấy tờ, để chứng hôn tất cả các cuộc hôn nhân trong xứ, thì ngài có thể tái ủy quyền này cho một linh mục khác. Nhưng một linh mục nào đã được ủy quyền cho một cuộc hôn nhân nhất định thì không thể ủy lại cho vị khác mà không có sự ưng thuận tỏ tường của vị đã ủy quyền cho mình.
 
7. Sự giải thích quyền hạn
 
Thường quyền hành pháp và quyền ủy cho mọi trường hợp, phải được giải thích theo nghĩa rộng. Còn bất cứ quyền nào khác, phải được giải thích theo nghĩa hẹp (đ 138).
 
8. Sự xung khắc quyền hành
 
- Việc nại tới vị có thẩm quyền, dù là quyền trên, cũng không ngưng quyền hành pháp của một vị có thẩm quyền (đ 139 §1).
 
- Quyền dưới đừng can thiệp vào việc đã được trình lên quyền trên (đ 139 §2).
 
- Khi nhiều người được ủy theo cách liên đới để làm cùng một việc, nếu ai đã khởi sự làm trước thì những người khác không được làm (đ 140).
 
- Khi nhiều người được ủy quyền, thì người nào được ủy nhiệm trước sẽ đứng ra giải quyết công việc (đ 141). Đây áp dụng nguyên tắc “ai nhận trước sẽ mạnh quyền hơn”.
 
9. Chấm dứt quyền hạn
 
a. Thường quyền chấm dứt :
 
1. Hết chức vụ thì đương nhiên hết quyền (đ 143 §1).
 
2. Thường quyền không bị chấm dứt nhưng bị đình chỉ nếu đương sự thượng cầu và thượng tố hợp lệ chống lại việc truất chức hay bãi chức (đ 143 §2).
 
3. Thường quyền cũng bị đình chỉ nếu đương sự mắc vạ tuyệt thông hoặc huyền chức (đ 1331 §3 số 3; đ 1333).
 
b. Quyền ủy chấm dứt :
 
Do 5 trường hợp sau :
 
1. Khi đã hoàn tất sự ủy nhiệm.
 
2. Khi đã mãn thời kỳ hay đã hết số các trường hợp được ủy.
 
3. Vì đã hết nguyên nhân cứu cánh của sự thừa ủy, thí dụ : một giám mục được Tòa thánh ủy quyền dàn xếp một số công việc tại địa phương trong thời gian chiến tranh. Một khi đã hết chiến tranh, tình trạng trở lại bình thường, thì sự ủy quyền cũng hết lý do tồn tại.
 
4. Bị người ủy quyền thu hồi lại.
 
5. Khi người được ủy khước từ, sau khi đã thông báo cho người ủy quyền và được chấp nhận (đ 142 §1).
 
Lưu ý:
 
- Người ủy quyền mãn nhiệm thì sự ủy nhiệm không đương nhiên chấm dứt, trừ khi đã nói rõ như vậy trong điều khoản ủy nhiệm.
 
- Khi người nào đã hết quyền rồi mà còn cứ tiếp tục hoạt động, thì hành vi của họ sẽ vô giá trị.
 
- Khi đã mãn thời kỳ ủy nhiệm mà người được ủy vì vô tình cứ tiếp tục hành động, thì hành vi ấy vẫn có giá trị, nhưng chỉ đối với tòa trong (đ 142 §2).
 
10. Bổ khuyết cho quyền hành pháp lãnh đạo
 
- Trường hợp lầm lẫn chung về sự kiện hay về pháp luật, cũng như khi có hồ nghi tích cực và cái nhiên thì Giáo hội bổ khuyết cho quyền lãnh đạo hành pháp cả tòa trong lẫn tòa ngoài (đ 144 §1).
 
* Lầm lẫn chung là sự sai lầm về phía cộng đoàn hoặc phần lớn của cộng đoàn (giáo xứ, giáo phận). Sự sai lầm này có thể là về sự kiện, nghĩa là cộng đoàn lầm tưởng rằng đương sự có quyền lãnh đạo nhưng thực sự không có (thí dụ : một linh mục chính xứ đã bị vạ tuyệt thông, hay là đã nhận được lệnh thuyên chuyển đi nơi khác). Còn sai lầm về pháp luật nghĩa là lầm lẫn về nội dung của luật ban cấp quyền hạn.
 
* Sự hồ nghi xảy đến cho chủ thể hành sử quyền chứ không phải là cho cộng đoàn (như trường hợp lầm lẫn). Sự hồ nghi phải là “tích cực” nghĩa là dựa trên lý chứng tích cực (chứ không phải vì dốt nát); và “cái nhiên”  nghĩa là các lý chứng ấy có nền tảng.
 
Đối tượng của sự hồ nghi cũng có thể về pháp luật (có luật hay không?  luật có còn hiệu lực hay không?) hoặc về sự kiện (đã hội đủ điều kiện luật định hay chưa?) thí dụ : có thể coi đây là tình trạng nguy tử chưa? Khu vực này còn thuộc về lãnh thổ của giáo xứ tôi hay không?
 
- Những hoàn cảnh trên cũng được áp dụng cho việc thi hành năng quyền nói ở điều 883 : năng quyền ban bí tích Thêm sức; điều 966 : về năng quyền ban bí tích Giải tội; điều 1111 §1: về năng quyền chứng giám hôn phối (đ 144 §2).
 
- Ngoài ra, Giáo hội chỉ có thể bổ túc quyền lãnh đạo (quen gọi là quyền tài phán), chứ không bổ túc quyền thánh chức. Thí dụ: một giáo dân khoác áo chức để cử hành thánh lễ hay ban phép giải tội, thì Giáo hội sẽ không bổ túc, cho dù cả cộng đoàn bị lầm lẫn.
 
- Ngược lại, một người đã chịu chức linh mục hẳn hoi, nhưng mấy năm sau khám phá ra việc truyền chức vô hiệu. Vậy hậu quả của bao nhiêu lần dâng lễ và giải tội sẽ ra sao? Theo pháp lý, thì chúng chẳng có giá trị gì hết, nhưng chắc chắn rằng Thiên Chúa nhân từ sẽ không chịu để cho Giáo luật bó tay như vậy.