Saturday, 04 April 2020 14:49

Các Bề Trên Cao Cấp - Vấn Đề 75 Featured

Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 - 709)

***

VẤN ĐỀ 75

CÁC BỀ TRÊN CAO CẤP

(đ. 620, 622)

 

A. Các Bề trên Cao Cấp là ai? Các loại Bề trên Cao Cấp

Do quyền hành rộng lớn, một số Bề trên được gọi là Bề trên Cao Cấp (hay “Thượng Cấp”). Các vị khác thường được kêu là Bề trên nhà (x. đ. 636, 703), mặc dầu các Bề trên của các nhà tự trị (nghĩa là Bề trên nhà) cũng là các Bề trên Cao Cấp.

Bề trên Tổng Quyền và các Bề trên Giám Tỉnh, Bề trên Phụ Tỉnh, Bề trên Dự Tỉnh Dòng Đaminh

trong Tổng Hội Bầu Cử tại Roma - 2010

 

Có thể phân biệt hai nhóm Bề trên Cao Cấp: những vị mà Bộ Giáo Luật gọi là “Bề trên Cao Cấp”; và những vị, tuy mang danh hiệu Bề trên Cao Cấp, nhưng không hẳn được gọi như vậy.

1/. Trong nhóm 1

bốn loại Bề trên Cao Cấp:

a/. Những Bề trên cai quản toàn Dòng, trong tiếng Việt quen gọi là “Bề trên Cả” hoặc “Tổng Quyền”. Trong các ngôn ngữ châu Âu, vị này mang nhiều danh hiệu khác nhau tùy theo truyền thống riêng, tựa như: Minister generalis, Magister generalis, Prepositus generalis, Prior generalis”,

b/. Những vị đứng đầu một Tỉnh Dòng, hoặc một phân chi tương đương với Tỉnh Dòng (đ. 621). Tên gọi thông thường là “Bề trên Giám Tỉnh”, nhưng truyền thống riêng có thể gọi bằng từ ngữ khác, tựa như: Visitator, Prior provincialis. Trong Bộ Giáo Luật, các Bề trên Giám Tỉnh được kể vào số các Bề trên Cao Cấp. Như vậy, trong một Dòng có thể có nhiều Bề trên Cao Cấp: Bề trên Tổng Quyền và các Bề trên Giám Tỉnh. Chúng ta sẽ bàn đến sự phối hợp giữa quyền hạn của hai cấp này ở chỗ khác sau.

c/. Các Bề trên cai quản một nhà tự trị như được đề cập ở đ. 613 §2.[1]

d/. Các đại diện của những vị trên đây. Đây là các đại diện đang thi hành chức vụ, thí dụ họ thay thế vị Bề trên Cao Cấp vắng mặt hoặc đau bệnh. Ít khi thấy trong các Dòng có những vị đại diện giống như các Tổng đại diện trong các Giáo phận. Bởi vậy, vị cố vấn thứ nhất thường không phải là Bề trên Cao Cấp.

2/. Trong nhóm 2

Nhóm này nằm trong các Dòng không có Quyền Bính Trung Ương, nên Thống phụ hoặc Tổng viện phụ của một Hội Dòng đan tu được coi là Bề trên Cao Cấp, “nhưng các ngài không có tất cả quyền hành mà luật phổ quát dành cho các Bề trên Cao Cấp” (đ. 620). Bởi vậy, khi Giáo Luật nói đến “các Bề trên Tổng Quyền”, thì Thống phụ không được bao gồm trong danh xưng này. Quyền hành thật sự của Thống phụ(Abbas Primas) do luật riêng ấn định. Như vậy, có thể là Bề trên một đan viện tự trị (sui juris), xét vì là một Bề trên Cao Cấp, nên có nhiều quyền hơn là một Tổng viện phụ.

B. Các Bề trên Giám Tỉnh và tương đương

Mỗi Dòng có ít là một Bề trên Cao Cấp nơi vị Tổng Quyền. Nhưng trong nhiều Hội Dòng, có những đơn vị ở giữa Hội Dòng và các nhà: các mô hình khác nhau của các đơn vị như thế như đã nói ở vấn đề 24.[2] Để biết ai là Bề trên Cao Cấp ở các đơn vị này, cần phải xác định những điều kiện để các đơn vị được coi là Tỉnh Dòng, hoặc tương đương với Tỉnh Dòng. Như thế trong một Hội Dòng, sẽ có nhiều Bề trên Cao Cấp.

Điều 621 xác định rằng: “Được gọi là Tỉnh Dòng một tổng hợp nhiều nhà với nhau, đặt dưới quyền một vị Bề trên, họp thành một phần trực tiếp của Dòng, được nhà chức trách hợp pháp thành lập theo Giáo Luật”. Cũng như Dòng và các nhà, Tỉnh Dòng cũng là một pháp nhân (đ. 634 §l). Tỉnh Dòng là một tổng hợp nhân sự, gồm bởi các tu sĩ và các cộng đoàn địa phương; có thể nói rằng, Tỉnh Dòng là cộng đoàn của nhiều cộng đoàn. Các cộng đoàn này tìm thấy nơi Tỉnh Dòng một số những phương tiện vượt quá khả năng của một tu viện: thay đổi các thành viên của cộng đoàn, đào tạo, thành lập những cộng đoàn mới, các phương tiện tài chánh,... Dựa theo nguyên tắc bổ trợ, mỗi cộng đoàn vẫn có một nền tự trị nào đó, nhưng Tỉnh Dòng liên kết các cộng đoàn với nhau thành một đơn vị lớn, và Bề trên Giám Tỉnh có trách nhiệm linh hoạt toàn bộ này.[3]

Vì là một pháp nhân gồm bởi nhiều cộng đoàn, mỗi Tỉnh Dòng phải gồm ít là ba tu viện. Tuy Luật mới 1983 không đòi hỏi con số các tu sĩ, nhưng có thể dựa theo Luật cũ 1917 để lấy số 50 như là tiêu biểu. Hiến Pháp phải quy định cơ quan nào có thẩm quyền để thành lập Tỉnh Dòng (đ. 581).[4] Các điều kiện thành lập và sinh hoạt phải giống nhau đối với các Tỉnh Dòng trong Hội Dòng, bởi vì các Tỉnh Dòng là cơ sở cho việc cử đại diện dự Tổng Tu Nghị.

Một vài tập hợp các tu viện có thể sẽ trở thành Tỉnh Dòng. Cần phải nhìn nhận cho các tập hợp ấy được hưởng một nền tự trị nào đó, mặc dù chưa có đủ tất cả các điều kiện để trở thành Tỉnh Dòng. Có thể đặt tên là “Phụ Tỉnh”, “Dự Tỉnh”, được xem như ngang hàng với Tỉnh Dòng, và Bề trên của những đơn vị ấy là Bề trên Cao Cấp. Nhiều khi trong một Tỉnh Dòng có thể thiết lập những thực thể tự trị (thí dụ với các Giáo Hội trẻ) với vị Bề trên có đủ các đặc quyền thường lệ của các Bề trên Cao Cấp: cắt cử vào các chức vụ, nhận vào nhà Tập,... đồng thời vẫn liên lạc với Tỉnh Dòng mẹ. Các tập hợp này có thể mang những danh xưng khác nhau: Chi Tỉnh, Hạt, Miền,.v.v... Để được coi như tương đương với các Tỉnh Dòng, cần phải có một số những tiêu chuẩn như: số các nhà, Bề trên có những quyền thông thường (chứ không thừa ủy) để quyết định mọi việc, và phải có một Hội Đồng Cố Vấn (điều bắt buộc đối với bất cứ Bề trên Cao Cấp nào: đ. 627). Nếu Bề trên Miền chỉ là một phối trí viên thuần túy, không có thực quyền, thì không thể được coi là Bề trên Cao Cấp.

C. Quyền hành của các Bề trên Cao Cấp

Bề trên Tổng Quyền chỉ là Bề trên Tối Cao trong hàng các Bề trên, còn thẩm quyền tối cao trong Dòng thuộc về Tổng Tu Nghị (đ. 631 §l): đây là quyền bính mà tất cả mọi Bề trên đều phải quy phục. Bề trên Tổng Quyền có quyền cai quản các Tỉnh Dòng, các nhà và các thành viên của Tu Hội (đ. 622). Ngài hành sử quyền bính trong khuôn khổ của luật riêng. Các Bề trên khác nhận được quyền riêng, chứ không phải là thừa ủy do Bề trên Tổng Quyền, tuy vẫn tùy thuộc vào Bề trên Tổng Quyền.

Theo luật phổ quát, một số quyền bính chỉ được cấp cho Bề trên Tổng Quyền, chứ không cho tất cả các Bề trên Cao Cấp khác. Có tất cả mười sáu (16) công việc, trong số này có chín (9) công việc liên quan đến việc rời bỏ Hội Dòng. Thêm vào đó có bốn lãnh vực được dành cho Tổng Tu Nghị hoặc cho Bề trên Tổng Quyền, chiếu theo luật riêng.

Trong những Hội Dòng mà Bề trên Tổng QuyềnBề trên Cao Cấp duy nhất, thì ngài nắm giữ tất cả những gì mà luật cấp cho ‘Bề trên Cao Cấp có thẩm quyền’. Nếu như nhiều Bề trên Cao Cấp, Giám Tỉnh và tương đương, thì luật riêng phải tùy theo sự tự trị nhiều hay ít của các Tỉnh Dòng, và tùy theo truyền thống mà quy định xem thm quyền quyết định thuộc về cấp Tỉnh hay cấp Dòng. Chẳng hạn, đối với việc khấn trọn (đ. 658), luật phổ quát cho rằng, Giám Tỉnh có thẩm quyền, nhưng luật riêng có thể dành quyền này cho Bề trên Tổng Quyền.

Ngoài những quyền bính do Bộ Giáo Luật ấn định, luật riêng có thể ban thêm cho các Bề trên những quyền hành được coi là cần thiết, để xúc tiến việc phát triển Hội Dòng và ích lợi cho các thành viên.

 

 


[1]Xem thêm vấn đề 28.

[2] Xem thêm vấn đề 24.

[3]Xem thêm vấn đề 23.

[4]Ibidem.