Saturday, 04 April 2020 14:49

Vai Trò Và Bổn Phận Của Các Bề Trên - Vấn Đề 74 Featured

Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 - 709)

***

VẤN ĐỀ 74

VAI TRÒ VÀ BỔN PHẬN CỦA CÁC BỀ TRÊN

(đ. 617; 618; 628 §1; 629)

 

Các Bề trên Dòng lãnh nhận quyền hành là để thi hành chức vụ và chu toàn bổn phận của mình đối với các thành viên trong Dòng. Quyền bính được ấn định bởi chức vụ nhằm công ích và phục vụ mọi người. Điều này có nghĩa là quyền bính, cũng như tất cả mọi quyền bính, tự bản chất đều có giới hạn: nói theo ngôn ngữ Phúc Âm, thì quyền bính là một sự phục vụ; còn nói theo ngôn ngữ pháp luật, thì quyền bính là khả năng truyền khiến nhắm đến người khác, chứ không nhắm đến bản thân mình, và việc hành sử quyền bính vừa là một quyền lợi vừa là một nghĩa vụ. Luật chung và luật riêng sẽ xác định giới hạn của quyền hành này và quy định việc thực thi nó (đ. 617).

Bởi vì mục đích của quyền bính và quyền hành là do chức vụ vạch ra, cho nên đối tượng và cách hành sử quyền bính sẽ khác biệt tùy theo bản chất của sự phục vụ. Vì thế quyền bính của Nhà Nước thì khác, quyền bính trong gia đình thì khác, quyền bính trong Giáo Hội thì khác, và quyền bính trong các Dòng tu cũng khác nữa. Chúng ta đã thấy rằng,[1] quyền bính trong các Dòng tu bắt nguồn từ khía cạnh đặc sủng của đời tu trì: từ đó nền tự trị của Hội Dòng không phải là độc lập cũng chẳng phải là miễn trách nhiệm cho Giám mục. Quyền bính của các Bề trên được gắn liền với sự phục vụ đặc biệt của đời tu trong Giáo Hội.

Dựa theo giáo huấn Công Đồng và đặc biệt là Sắc lệnh về Dòng tu,[2] Bộ Giáo Luật đã tuyên bố rằng, sự cai quản của các Bề trên là một công cuộc tinh thần để phục vụ cho ơn gọi tu trì trong Giáo Hội (đ. 618-619).

Bản chất của quyền bính các Bề trên đã được diễn tả như sau: “Các Bề trên hãy hành sử quyền bính đã nhận được từ nơi Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Giáo Hội, trong một tinh thần phục vụ, để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ”. Ở đây người ta lấy lại kiểu nói của một vài truyền thống đời tu, theo đó thì Bề trên là “Đấng thay mặt Chúa” (đ. 601).[3] Trong viễn ảnh này, Bề trên lãnh nhận quyền bính của mình từ nơi Thiên Chúa, qua thừa tác vụ của Giáo Hội. Lời khẳng định này có thể được giải thích bằng đoạn văn của văn kiệnMutuae relationes: “Quyền bính của các Bề trên xuất phát từ thần khí của Chúa, trong sự liên kết với hàng giáo phẩm đã thiết lập Hội Dòng theo Giáo Luật và đã chính thức phê chuẩn sứ mạng riêng biệt của Hội Dòng”.[4] Các Bề trên phải cộng tác với công việc của Chúa Thánh Thần, là Đấng đã khơi dậy ơn kêu gọi của các tu sĩ và dẫn đưa tới chỗ hoàn thành. Bởi vậy các Bề trên cần phải biết lắng nghe: lắng nghe lời Chúa và lắng nghe người khác trình bày kinh nghiệm sống và hoạt động của họ. Như vậy có nghĩa là các tu sĩ phải được đối xử như là những người có trách nhiệm, và điều này không làm suy giảm uy quyền của Bề trên khi cần phải thi thố (đ. 618).[5]

Điều 619 kể ra 11 nghĩa vụ của chức vụ Bề trên đặt trong viễn cảnh Tin mừng. Bề trên có nghĩa vụ tổng quát là chuyên lo nhiệm vụ đã được trao phó cho mình, và công tác nền tảng là cùng với các tu sĩ xây dựng một cộng dồng huynh đệ trong Chúa Kitô. Những bổn phận khác đụng đến các khía cạnh của việc xây dựng cộng đoàn. Nguồn mạch của điều 619 thì có nhiều: số 15 của Sắc lệnh Perfectae Caritatis, luật của thánh Augustino (VII, chương II, 7) và thư I gửi tín hữu Thexalonica 5,14. Các chi tiết được kể ra như sau:

1/. Tận tâm thi hành chức vụ đã lãnh nhận.

2/. Cùng với các thành viên đã được ủy thác cho mình, hãy tìm cách xây dựng cộng đồng huynh đệ trong Chúa Kitô.

3/. Siêng năng nuôi dưỡng các thành viên của cộng đoàn bằng Lời Chúa.

4/. Giục giã họ cử hành Phụng vụ thánh.

5/. Nêu gương về việc trau dồi các nhân đức.

6/. Nêu gương về sự tuân giữ Lề luật và các truyền thống của Dòng.

7/. Lo đáp ứng các nhu cầu của mọi người cách xứng hợp.

8/. Ân cần săn sóc các bệnh nhân và thăm viếng họ.

9/. Sửa dạy những người ngỗ nghịch.

10/. An ủi những người nhút nhát.

11/. Nhẫn nhục đối với mọi người.

Để cỗ vũ việc chú ý đến các người thuộc quyền, Bộ Giáo Luật dự trù hai phương tiện: kinh lý và cư trú.

A. Kinh lý

“Các Bề trên nào được chỉ định vào nhiệm vụ kinh lý theo luật riêng thì phải viếng thăm các nhà và các thành viên được ủy thác cho mình, vào thời kỳ đã định và chiếu theo các quy tắc của luật riêng” (đ. 628 §l). Việc chỉ định các Bề trên có trách nhiệm kinh lý và những thể thức của việc kinh lý (đối tượng, định kỳ) dựa theo luật riêng (chứ không phải chỉ theo Hiến Pháp mà thôi). Vì việc kinh lý liên quan đến nhiều nhà (của toàn thể hoặc một phần của Hội Dòng), cho nên nghĩa vụ này thuộc về chức năng của Bề trên Cao Cấp. Nếu luật riêng chỉ định những người khác thì đó là nhằm giúp các Bề trên thi hành nhiệm vụ của mình. Đối tượng của việc kinh lý là tất cả nhũng gì liên quan đến cuộc đời tu trì; đôi khi một vài cuộc kinh lý có thể nhằm những đối tượng đặc biệt, tùy theo luật riêng và tùy sự phán đoán của Bề trên.

Triệt 3 của điều 628 nói rằng, cuộc kinh lý phải diễn ra trong bầu khí tin tưởng và không gì được phép làm ngăn trở. Tuy nhiên, Bộ Giáo Luật trong dự liệu chế tài dành cho những ai làm ngăn trở mục tiêu cuộc kinh lý.

B. Cư trú

“Các Bề trên phải cư trú tại nhà của mình, và chỉ được vắng mặt trong những trường hợp được quy định bởi luật riêng” (đ. 629). Tất nhiên luật buộc cư trú đối với các Bề trên nhà thì khác với các Bề trên Cao Cấp. Tỉnh Dòng và Dòng phải có trụ sở nhất định, từ đó các Bề trên hành sử việc cai quản. Tuy nhiên tu viện nơi các ngài cư trú thường xuyên không buộc phải đặt tại trụ sở này.

 

 


[1] Xem thêm vấn đề 72.

[2] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis (về Canh Tân Đời Sống Dòng Tu), số 14.

[3]Ibidem.

[4]Bộ Tu Sĩ và Bộ Giám Mục, Huấn thị Mutuae Relationes (Mối tương quan giữa các Giám mục và Tu sĩ), Ngày 14-05-1978, số 13. Xem thêm vấn đề 72.

[5]Xc.Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis (về Canh Tân Đời Sống Dòng Tu), số 14; ET 25