Saturday, 04 April 2020 14:45

Những Định Hướng Cho Việc Đào Tạo Trong Thời Gian Tập Viện - Vấn Đề 59 Featured

Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 - 709)

***

VẤN ĐỀ 59

NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆC ĐÀO TẠO TRONG TẬP KỲ

VÀ VIỆC THỰC TẬP TÔNG ĐỒ

(đ. 652 và 648 §2)

 

A. Định hướng đào tạo

Điều 652 đáng được trích dẫn nguyên văn, với những chú giải từng triệt khi cần.

- § 1. Vị Giáo tập và các cộng sự viên có nhiệm vụ nhận định và trắc nghiệm ơn gọi của các Tập sinh, rèn luyện cho họ dần dần để sống đời trọn lành theo bản chất của Hội Dòng.

Nhận xét ơn gọi

Đây là việc căn bản của thời gian Tập viện, thuộc nhiệm vụ của giám sư và của các cộng sự viên, nếu có. Điều này đòi buộc các ngài phải chứng kiến cách sống của các Tập sinh.

Xác nhận ơn kêu gọi

Cần phải biết chắc chắn rằng các Tập sinh có khả năng sống cuộc đời của Hội Dòng. Sự xác nhận này cho phép các Tập sinh được tuyên khấn.

Đào tạo tiệm tiến

Khả năng của mỗi Tập sinh một khác;vì vậy việc đào tạo phải tôn trọng cá tính của mỗi người, và được cá-biệt-hóa.

- § 2. Các Tập sinh phải được hướng dẫn để phát huy các nhân đức nhân bản và Kitô giáo. Họ cần được đưa vào đường trọn lành sung mãn nhờ việc cầu nguyện và từ bỏ mình. Họ sẽ được chỉ bảo cách chiêm ngắm các mầu nhiệm ơn cứu độ, đọc và suy gẫm Thánh Kinh. Họ cần được chuẩn bị để cử hành việc tôn thờ Thiên Chúa trong phụng vụ thánh. Họ cần học hỏi về đời sống thánh hiến cho Thiên Chúa và cho nhân loại trong Đức Kitô, bằng các lời khuyên Phúc Âm; họ cần được giáo huấn về đặc tính và tinh thần của Hội Dòng, về mục đích và kỷ luật, về lịch sử và sinh hoạt của Hội Dòng. Họ cần được thấm nhuần lòng yêu mến Giáo Hội và các vị chủ chăn của Giáo Hội.

Nên nhấn mạnh mấy điểm sau:

- Cần thiết phải bổ túc việc đào tạo nhân bản và Kitô giáo, nếu thấy chưa đầy đủ.

- Địa vị cơ bản của Thánh Kinh.

- Đào tạo việc cầu nguyên theo truyền thống của Dòng.

- Cảm thức về Giáo Hội.

- Đào tạo sống nhất quán, nghĩa là đồng thời dâng hiến cuộc đời vừa cho Thiên Chúa vừa cho các linh hồn, theo đặc sủng của Hội Dòng.

Điều quan trọng là biết thích nghi chương trình này với trình độ của mỗi Tập sinh.

- § 3. Ý thức về trách nhiệm của mình, các Tập sinh phải tích cực cộng tác với vị giám sư để trung thành đáp lại ơn Chúa kêu gọi.

Sự cộng tác tích cực này là điều cơ bản, và sẽ là một đòi hỏi suốt cuộc đời . Mỗi ơn gọi là lời mời của Thiên Chúa đi vào một lịch sử, và điều này đòi hỏi một sự trung thành năng động. Giám Tập phải kiểm chứng thái độ cộng tác này, nhất là nơi những Tập sinh có tính tình dễ bảo.

- § 4. Các phần tử của Hội Dòng hãy tìm cách hợp tác vào việc đào tạo các Tập sinh, bằng gương sáng đời sống và bằng lời cầu nguyện.

Đây là sự huy động tất cả các phần tử của Dòng. Việc chuẩn bị đón tiếp các tu sĩ tương lai là một điều rất quan trọng. Tham gia vào việc đào tạo bằng gương sáng đời sống là góp phần phục vụ quan trọng cho các thế hệ tương lai.

- § 5. Tập kỳ, như được đề cập ở điều 648 §l, phải được dành riêng cho việc huấn luyện. Vì thế, các Tập sinh sẽ không nên bận rộn với việc học hành hoặc các công tác nào không trực tiếp phục vụ cho việc huấn luyện.

Phải hiểu thế nào về việc học hành và các công tác không trực tiếp phục vụ cho việc huấn luyện?

Cần phải xét khoản luật này trong khung cảnh mục tiêu của Tập viện theo như Hiến Pháp đã vạch ra. Tập viện của một Dòng sống đời chiêm niệm thì khác với Tập viện của một Dòng hoạt động hoặc một Dòng dấn thân vào việc tông đồ. Tất nhiên một công tác toàn thời gian hoặc việc dọn thi lấy bằng cấp sẽ không cho các Tập sinh đủ thời giờ để học tập tất cả các điều đã nêu lên ở triệt hai trên đây.

B. Thực tập việc tông đồ

Ngoài mười hai tháng sống trong cộng đoàn Tập viện, Hiến Pháp có thể dự trù một hoặc nhiều giai đoạn hoạt động tông đồ ở ngoài cộng đoàn Tập viện (đ. 648 §2). Người ta đặt tên là “thực tập việc tông đồ”.

- Thực tập việc tông đồ được hiểu là một thời gian thử nghiệm trong đó Tập sinh được bề trên uỷ thác một công tác tông đồ, dưới những hình thức khác nhau, tuỳ theo mỗi Hội Dòng. Khi cùng suy nghĩ kinh nghiệm này với giám sư, Tập sinh sẽ được hướng dẫn để hiểu rõ hơn về các chiều kích của ơn gọi của Dòng.

- Thời gian thực tập việc tông đồ cũng có thể là cơ hội thuận tiện để Tập sinh được đào tạo về hoạt động của Hội Dòng.

- Các thời gian thực tập việc tông đồ có thể diễn ra ở ngoài cộng đoàn của Dòng (như bệnh viện, trung tâm giáo dục, giáo xứ, các tổ chức khác,...), nhưng cũng có thể diễn ra ở một cộng đoàn của Dòng.

- Có thể kết hợp các thời gian thực tập tông đồ này với 12 tháng của Tập kỳ, nghĩa là trong khoảng 12 tháng hoặc liền sau đó.

- Ở đâu Hiến Pháp dự trù những thời kỳ tập sự tông đồ như thế, tổng số thời gian của Tập kỳ sẽ dài hơn 12 tháng, nhưng vẫn giữ mức tối đa là hai năm, tính cả những việc gia hạn mà luật cho phép.[1]

- Mục đích của các thời gian thực tập tông đồ là để giúp các Tập sinh đạt được sự nhất quán của đời sống, cũng như để các vị phụ trách kiểm chứng khả năng của Tập sinh thích ứng với những hình thức hoạt động tông đồ của Dòng.

 

 


[1]Xem thêm vấn đề 57.