Saturday, 04 April 2020 14:42

Việc Trao Phó Công Tác Và Thể Thức Thi Hành Cho Tu Sĩ - Vấn Đề 50 Featured

Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 - 709)

***

VẤN ĐỀ 50

VIỆC TRAO PHÓ CÔNG TÁC VÀ THỂ THỨC THI HÀNH CHO NGƯỜI TU SĨ

 

A. Thiết lập và giải thể một nhà của Hội Dòng: những hệ quả đối với việc tông đồ.[1]

a/. Sự chấp thuận bằng văn thư của Đức Giám mục cho phép một Hội Dòng được thành lập một nhà trong Giáo phận ngài (đ. 609 §1), đương nhiên cho các tu sĩ:

- Được quyền sống theo đặc sủng và các mục tiêu riêng của Dòng;

- Được quyền thi hành các hoạt động riêng của Dòng, phù hợp với những quy tắc luật định và những điều kiện mà Đức Giám mục đã đặt ra trong văn thư;

- Nếu là tu sĩ thuộc Dòng giáo sĩ, được quyền mở một nhà thờ (được cất tại địa điểm đã được Đức Giám mục minh thị cho phép) và thi hành tại đó các tác vụ thánh, đúng theo quy định của luật (đ. 611).

- Nếu là Dòng tu huynh hay nữ tu, thì được quyền có ít nhất là một nhà nguyện.

Trong các nhà thờ đã được cung hiến hoặc được chúc lành, có thể cử hành tất cả các nghi lễ phụng vụ, ngoại trừ những nghi lễ dành cho các nhà thờ giáo xứ: rửa tội, hôn phối,... (đ. 1219). Như vậy, đối với các Dòng giáo sĩ đã được phép mở nhà thờ, Đức Giám mục không được đặt ra các giới hạn tùy theo sở thích của mình. Đối với các nhà nguyện thì khác, bởi vì theo nguyên tắc, những nơi này được dành riêng cho một cộng đoàn, và chỉ được mở cho công chúng khi có phép của Bề trên có thẩm quyền (đ. 1223).

b/. Bất cứ sự thay đổi nào về các hoạt động tông đồ (tăng thêm các hoạt động mới, hoặc ngưng các công tác đã được chấp thuận) cần được phép của Giám mục Giáo phận (đ. 612).

c/. Việc đóng cửa một nhà thuộc về thẩm quyền của các Bề trên Dòng, nhưng trước đó cần phải tham khảo ý kiến của Giám mục Giáo phận (đ. 616 §1) xét vìviệc đóng cửa nhà Dòng có thể có ảnh hưởng đối với công việc tông đồ trong Giáo phận.

B. Các công tác tông đồ

“Những công tác tông đồ được Giám mục Giáo phận ủy thác cho các tu sĩ thì ở dưới quyền hành và sự chỉ đạo của ngài (tuy vẫn tôn trọng quyền lợi của các Bề trên liên quan đến đời sống của các tu sĩ). Trong trường hợp này, (để tránh những khó khăn có thể xảy ra), “cần phải ký hợp đồng giữa Giám mục Giáo phận với Bề trên có thẩm quyền trong Dòng, trong đó xác định rõ ràng và chi tiết về những công tác phải thực hiện, về những tu sĩ sẽ dấn thân vào đó, cũng như về chế độ tài sản” (đ. 681).

“Khi phải trao một chức vụ của Giáo Hội cho một tu sĩ trong Giáo phận, thì việc bổ nhiệm là quyền của Đức Giám mục Giáo phận, theo sự giới thiệu hoặc ít ra với sự ưng thuận của vị Bề trên có thẩm quyền (Bề trên tu viện hoặc giám tỉnh, tùy theo hiến pháp của Hội Dòng). Tu sĩ nói trên có thể bị bãi nhiệm, hoặc tùy ý Giám mục sau khi đã báo cho Bề trên của tu sĩ, hoặc tuỳ ý Bề trên sau khi đã báo cho Giám mục biết, mà không cần có bên kia thoả thuận” (đ. 682).

C. Quyền tài phán của Giám mục Giáo phận

Quyền tài phán của Giám mục Giáo phận còn được thi hành do việc kinh lý của ngài (hoặc của vị đại diện) nhân dịp kinh lý theo Giáo Luật hoặc vào một dịp khác khi thấy cần thiết. Đối tượng của cuộc kinh lý là các nhà thờ, các nhà nguyện mở cửa cho công chúng, các trường học và các cơ sở tôn giáo hoặc từ thiện tinh thần hoặc vật chất, được ủy cho các tu sĩ, ngoại trừ những nhà trường dành riêng cho các thành viên của Dòng (bởi vì những trường này chỉ tuỳ thuộc các Bề trên mà thôi) (đ. 683 §l).

D. Những lạm dụng

Nếu nhận thấy có những lạm dụng xảy ra, Giám mục phải khuyến cáo Bề trên Dòng, và nếu vị này không sửa chữa, ngài sẽ có thể dùng quyền hành của mình để đưa ra nhũng biện pháp cần thiết (đ. 683 §2). Việc bất-can-thiệp của Bề trên có thể không do sự chểnh mảng nhưng do sự khác biệt trong cách nhận định tình hình. Nếu cần, nội vụ sẽ được đưa lên Tòa Thánh phân xử. Trừ khi nào xảy ra một chuyện bất công, ta có thể lường trước rằng Tòa Thánh sẽ yêu cầu Bề trên nhượng bộ Giám mục vì là nguời tiên phong chịu trách nhiệm mục vụ trong Giáo phận: trong truờng hợp đó, Bề trên sẽ xét xem mình có nên tiếp tục cộng tác với Đức Giám mục hay không.

Trong những vấn đề mà các tu sĩ phải lệ thuộc vào Đấng bản quyền sở tại, thì vị này có thể ra cho họ những hình phạt theo Giáo Luật (đ. 1320).

Chỉ trong truờng hợp cực kỳ nghiêm trọng, nếu Bề trên Dòng không xử lý sau khi đã được thông báo, thì Giám mục Giáo phận có thể buộc một tu sĩ phải rời khỏi Giáo phận, nhưng ngài phải lập tức trình nội vụ cho Tòa Thánh (đ. 679).

 

 


[1] Xem lại các vấn đề 25 và 27.