Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 - 709)
***
VẤN ĐỀ 34
LỜI KHUYÊN VÀ TUYÊN KHẤN VÂNG LỜI
(đ. 601; 671; 678 §2)
Mọi Kitô hữu được mời gọi đi vào kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, theo gương Đức Kitô,Đấng đã đến để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Ý nghĩa đặc biệt của lời khấn này nằm ở lòng ước muốn đi theo sát Chứa Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết.
Qua lời khấn vâng lời, tu sĩ cam kết bó buộc ý muốn của mình tuân theo mệnh lệnh của các Bề trên hợp pháp, với tư cách là những kẻ thay mặt Thiên Chúa, khi họ truyền khiến theo Hiến Pháp (đ. 601).
Do hiệu lực của việc tận hiến cho Thiên Chúa trong một Hội Dòng, tu sĩ khước từ chọn lựa lãnh vực hoạt động tông đồ riêng cho mình, để thi hành sứ mạng mà Giáo Hội đã ủy thác cho Dòng.
“Các tu sĩ đã tự nguyện và ý thức chọn việc chia sẻ sứ mạng của họ về chứng tá, về hiện diện và về hoạt động tông đồ, trong sự vâng phục dự phóng chung và các Bề trên của Dòng”.[1]
Theo tinh thần ấy, các tu sĩ sẽ không được lãnh nhận một công tác hoặc một chức vụ nào ở ngoài Dòng nếu không có phép của Bề trên họp pháp của mình (đ. 671); và trong khi hoạt động bên ngoài, các tu sĩ sẽ vẫn phải tuỳ thuộcvào các Bề trên của mình và phải trung thành tuân giữ kỷ luật của Dòng mình (đ. 678 §2).
Đức vâng phục được thể hiện trong một cuộc tìm kiếm chung, trong sự đối thoại giữa Bề trên và tu sĩ. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng thuộc về Bề trên. Đừng kể khi lệnh của Bề trên trái nghịch rõ rệt với luật của Thiên Chúa hoặc Hiến Pháp của Dòng, hoặc có thể mang theo một điều tai hại nghiêm trọng, nói chung các tu sĩ có nghĩa vụ phải vâng lời. Có thể là việc vâng lời này đòi hỏi tu sĩ phải hy sinh phần tốt nhất của bản thân mình; chính lúc ấy người tu sĩ hiệp thông sâu xa hơn với mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô, Đấng đã học vâng lời qua đau khổ.
[1]Xc. Văn kiện “Tu sĩ và sự thăng tiến con người”, số 25.