Saturday, 04 April 2020 14:35

Những Hệ Quả Pháp Lý Của Lời Khấn Nghèo Khó - Vấn Đề 33 Featured

Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 - 709)

***

VẤN ĐỀ 33

NHỮNG HỆ QUẢ PHÁP LÝ CỦA LỜI KHẤN NGHÈO KHÓ

(đ. 668)

 

A. Khi bản chất của Hội Dòng phát sinh những hệ quả pháp lý

Người khấn trọn đời phải hoàn toàn từ bỏ các tài sản của mình (đ. 668 §5).[1] Trên thực tế đây là trường hợp của những Dòng có lời khấn trọng.

- Trước khi khấn trọn đời, tu sĩ phải từ bỏ tài sản và nhường lại cho ai tùy ý, và liệu cách để hành vi này có giá trị theo dân luật. Việc từ bỏ có hiệu lực kể từ khi tuyên khấn.

- Đương sự mất khả năng thủ đắc và sở hữu. Vì thế những hành vi trái nghịch với lời khấn khó nghèo sẽ vô hiệu, và những tài sản mà đương sự có được sau khi khấn sẽ thuộc về Dòng, chiếu theo luật riêng của Dòng.

Đa số các bộ Dân luật ngày nay không nhìn nhận các lời Khấn Dòng, hoặc ngăn cấm việc từ bỏ thừa kế khi chưa tới lúc. Vì thế , đối với pháp luật quốc gia, các tu sĩ khấn trọng vẫn giữ các quyền lợi mà luật pháp nhà nước bảo đảm. Nếu người tu sĩ cần phải thực hiện một vài hành vi pháp lý với tư cách sở hữu chủ, thì họ phải thực hành việc đó đúng theo những gì đã tự cam kết khi Khấn Dòng.

Trong thời gian khấn tạm, tu sĩ sẽ thực hiện các hành vi được các Hội Dòng dự liệu cho việc quản lý tư sản như sẽ nói dưới đây.

B. Trong các Hội Dòng khác

Tu sĩ khấn trọn đời có thể từ bỏ một phần hoặc tất cả tài sản của mình, chiếu theo luật riêng của Hội Dòng, và với phép của Bề trên Tổng Quyền (đ. 668 §4). Tuy nhiên, việc từ bỏ ấy phải có lý do chính đáng và theo các quy tắc của đức khôn ngoan. Lý do chính đáng có thể là lòng ước ao sống khó nghèo hơn và thật sự hơn; có thể thêm vào đó là lòng ước ao giúp đỡ Giáo Hội hoặc Nhà Dòng của mình. Cần lưu ý đến các quy tắc của đức khôn ngoan khi có lý để nghi ngờ về ý định kiên quyết của đương sự.

Việc từ bỏ phải được thực hiện theo thể thức có giá trị cả đối với Dân luật. Sự từ bỏ chỉ liên hệ đến các tài sản hiện có mà thôi; và như vậy tu sĩ Khấn Dòng vẫn có khả năng thủ đắc các tài sản khác.

“Dù tu sĩ vẫn giữ quyền sở hữu các tài sản của mình sau khi khấn, nhưng họ mất quyền quản trị và định đoạt các tài sản đó theo ý mình” (đ. 668).

Nhằm bảo đảm cho việc thực hành lời khấn, luật đã quy định một số thủ tục phải làm trước khi khấn:

- Trước khi khấn lần đầu: tu sĩ phải nhường quyền quản trị tài sản của mình cho ai tuỳ ý, và trừ khi Hiến Pháp quy định cách khác, tu sĩ được tự do định đoạt về việc sử dụng và hưởng huê lợi các tài sản này. Tuy vậy, xem ra không phù hợp với tinh thần của lời khấn nếu tu sĩ đem đầu tư các hoa lợi này nhằm gia tăng gia sản của mình tới một mức độ quá đáng so với việc giữ vững giá trị cho các tài sản đó.

Việc nhường lại quyền quản trị tài sản phải được thực hiện bằng giấy tờ. Nếu bỏ qua không làm (chẳng hạn tại vì lúc ấy chưa có di sản), hoặc nếu di sản của tu sĩ đã gia tăng sau đó, thì tu sĩ phải làm hoặc bổ sung giấy tờ, kể cả sau khi đã tuyên khấn. Việc chuyển nhượng này hết giá trị trong trường hợp tu sĩ rời bỏ Hội Dòng.

- Ít là trước khi khấn trọn đời, tu sĩ phải làm chúc thư, có giá trị cả đối với Dân luật. Chúc thư này đến các di sản. Đây không phải là sự từ bỏ tài sản lúc còn sống, (đôi khi có sự nhầm lẫn về điều này), nhưng là sự định đoạt của tu sĩ đối với các tài sản mà mình sẽ có vào lúc qua đời.

Đối với những vấn đề khá phức tạp này, nên tham khảo ý kiến của những chuyên viên pháp luật.

Để thay đổi những quyết định về việc quản trị các tài sản, hoặc để thay đổi chúc thư khi có lý do chính đáng, hoặc để thực hiện bất cứ một hành vi nào liên quan đến các tài sản, tu sĩ cần phải có phép Bề trên có thẩm quyền. Luật riêng của Dòng sẽ xác định Bề trên nào có thẩm quyền trong việc này.

- Tất cả những gì tu sĩ thủ đắc do công lao riêng của mình, hoặc với danh nghĩa của Dòng thì thủ đắc cho Dòng. Cũng vậy, tất cả những gì tu sĩ nhận được dưới danh nghĩa hưu bổng, trợ cấp hay bảo hiểm, thì được thủ đắc cho Dòng, trừ khi luật riêng ấn định cách khác (đ. 668 §3). Do đó, các tài sản này không được ghi trong di chúc. Dù vậy, cũng nên dự trù những giấy tờ cần thiết ngõ hầu những tài sản sẽ thuộc về các tu sĩ sau khi qua đời sẽ được chuyển sang cho Dòng.

 

 


[1]Xem vấn đề 29.