Tự Sắc

Saturday, 04 April 2020 16:12

Tự Sắc “Mitis Iudex Dominus Iesus” Về Cải Tổ Hôn Nhân Của Đức Thánh Cha Phanxicô – 15-08-2015 Featured

TỰ SẮC “MITIS IUDEX DOMINUS IESUS”

- Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ -

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

"Về việc cải tổ luật tố tụng

đối với các nố tuyên bố sự vô hiệu của hôn nhân

trong bộ Giáo Luật"

Ngày 15 Tháng 08 Năm 2015

***

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

***

Chúa Giêsu, vị Thẩm Phán nhân từ, Mục tử tâm hồn chúng ta, đã ủy thác cho tông đồ Phêrô và các Đấng Kế Vị quyền chìa khóa để thực thi trong Giáo Hội công lý và sự thật. Quyền tối thượng và phổ quát này, để cầm buộc và tháo gỡ trên trần gian, đã khẳng định, củng cố và minh chứng quyền của các mục tử nơi các Giáo Hội địa phương. Do điều này các ngài có quyền thánh thiêng và trước mặt Chúa được xét xử những người thuộc về mình.

Trong nhiều thế kỷ qua, đối với vấn đề hôn nhân, nhờ nhận thức rõ ràng hơn về lời của Chúa Kitô, Giáo Hội đã hiểu và giải thích sâu sắc hơn đạo lý bất khả phân ly của dây hôn phối thánh thiêng. Giáo Hội đã nghiên cứu cơ cấu vô hiệu của sự ưng thuận hôn nhân và đã quy định thích hợp hơn trong vấn đề thủ tục xét xử sao cho luật lệ trong Giáo Hội được nhất quán hơn với chân lý đức tin được tuyên xưng.

Những điều này được thực hiện như một hướng dẫn của quy luật tối thượng là cứu rỗi các linh hồn, bởi vì, như lời dạy khôn ngoan của Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI, Giáo Hội là chương trình thánh của Chúa Ba Ngôi, nhờ đó các cơ cấu của Giáo Hội, dù luôn có thể hoàn thiện phải hướng đến mục đích thông truyền ơn thánh; tùy theo khả năng và sứ vụ mỗi cơ cấu mà không ngừng đem lại thiện ích cho các tín hữu, vì đó là mục đích căn bản của Giáo Hội.

Ý thức về điều đó, chúng tôi quyết định bắt tay vào việc cải tổ thủ tục xét sự vô hiệu của hôn nhân, và vì mục đích này, tôi đã lập một Nhóm các vị nổi tiếng về học thuyết pháp lý, khôn ngoan mục vụ và có kinh nghiệm về tòa án dưới sự chủ trì của vị niên trưởng Tòa Thượng Thẩm Rôma. Các vị này đã biên soạn dự thảo việc cải tổ, miễn là phải giữ nguyên tắc bất khả phân ly của hôn nhân. Nhờ làm việc nghiêm túc, Nhóm (Coetus) này đã chuẩn bị một lược đồ cải tổ và sau khi đã cân nhắc cẩn trọng cùng với sự trợ giúp của các chuyên viên khác, nó trở thành nội dung chính cho Tự sắc (Motu proprio) này.

Vậy thì, điều mà hôm nay cũng như hôm qua, mục tiêu tối cao của các định chế và luật lệ, chính là mối bận tâm lo cho phần rỗi các linh hồn, đã thúc đẩy Giám Mục Rôma phải đưa ra cho các Giám Mục văn kiện cải tổ này, xét vì các vị cùng chia sẻ với ngài trách vụ của Giáo Hội là bảo vệ sự hiệp nhất trong đức tin và trong kỷ luật liên quan tới hôn nhân, vốn là nền tảng và nguồn gốc của gia đình Kitô hữu. Việc cải tổ này càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn vì có rất đông các tín hữu, dù vẫn muốn làm theo lương tâm lại thường bị tách biệt với các cơ cấu pháp lý của Giáo Hội do sự xa cách về thể lý hay luân lý. Do đó, đức ái và lòng thương xót đòi hỏi chính Giáo Hội như người mẹ phải gần gũi với những người con thấy mình bị tách biệt như vậy.

Theo đường hướng này, đa số các Hiền Huynh của tôi trong hàng Giám Mục, họp nhau trong Thượng Hội Đồng bất thường mới đây cũng vậy, là mong muốn làm sao các thủ tục nhanh chóng hơn và dễ dàng hơn. Đồng cảm với các mong ước nói trên, bằng Tự sắc này, tôi quyết định đưa ra các quy định nhằm khuyến khích, không phải sự vô hiệu của hôn nhân, nhưng là sự nhanh chóng của thủ tục, cũng không kém phần đơn giản thích đáng, ngõ hầu tâm hồn các tín hữu đang chờ đợi được biết rõ tình trạng của mình sẽ không bị đè nén lâu dài trong bóng tối ngờ vực do phán quyết tòa án bị chậm trễ.

Chúng tôi đã làm như vậy là theo chân các vị tiền nhiệm của tôi; các ngài đã muốn các nố vô hiệu của hôn nhân phải được giải quyết bằng con đường tư pháp, chứ không phải con đường hành chánh. Điều này không vì do bản chất của sự việc đặt ra cho bằng là do nhu cầu phải bảo vệ tối đa sự thật của dây hôn phối thánh thiêng: và nó nhất thiết phải được bảo đảm nhờ trật tự pháp lý.

Một số tiêu chuẩn nền tảng hướng dẫn việc cải tổ:

I. CHỈ MỘT PHÁN QUYẾT XÁC NHẬN SỰ BẤT THÀNH CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH

Trước hết, thật thích đáng khi không còn đòi buộc phải có hai phán quyết xác nhận vô hiệu của hôn nhân để cho các bên có thể tiến đến hôn nhân khác theo giáo luật; thay vào đó, chỉ cần đạt được sự chắc chắn luân lý của Thẩm Phán thứ nhất chiếu theo quy tắc luật là đủ.

II. MỘT THẨM PHÁN DUY NHẤT DƯỚI TRÁCH NHIỆM CỦA GIÁM MỤC

Việc đặt vị Thẩm Phán duy nhất, phải là giáo sĩ, cho tòa án cấp một, cũng phải dưới trách nhiệm của Giám Mục; để trong khi thi hành mục vụ phải luôn bảo đảm rằng quyền tư pháp của mình không hề bị lơi lỏng.

III. CHÍNH GIÁM MỤC LÀ THẨM PHÁN

Để áp dụng lời dạy của Công Đồng Vaticanô II vào thực tế ở một lĩnh vực rất quan trọng, cần xác định rõ ràng rằng, trong giáo phận của mình, Giám Mục được đặt làm mục tử và người đứng đầu, nên chính ngài cũng là Thẩm Phán của các tín hữu đã được ủy thác cho mình. Do đó, ước mong rằng trong các giáo phận dù lớn hay nhỏ, Giám Mục là dấu chỉ của việc cải cách cơ cấu Giáo Hội và ngài không ủy thác hoàn toàn nhiệm vụ tư pháp về vấn đề hôn nhân cho các văn phòng giáo phủ. Điều này đặc biệt đúng trong thủ tục ngắn gọn, được thiết lập, để giải quyết những vụ án rất rõ là vô hiệu.

IV. THỦ TỤC NGẮN GỌN HƠN

Thực vậy, bên cạnh việc xúc tiến thủ tục thông thường còn có tục ngắn gọn hơn được quy định – bổ sung cho thủ tục xử theo tài liệu hiện hành – áp dụng cho những vụ án khiếu tố sự vô hiệu của hôn nhân được dựa trên những luận chứng đặc biệt rõ ràng.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng thủ tục ngắn gọn có thể gây nguy hại cho nguyên tắc bất khả phân ly của hôn nhân. Vì lý do này, chúng tôi muốntrong thủ tục xét xử đó, Thẩm Phán phải chính là Giám Mục, đấng do chức vụ mục tử của mình, cùng với Thánh Phêrô, là người bảo đảm hơn hết sự hiệp nhất công giáo về đức tin và kỷ luật.

V. KHÁNG ÁN LÊN TÒA GIÁO TỈNH

Điều thích hợp là việc kháng án lên Tòa Giáo Tỉnh vẫn được duy trì, vì Tòa này có chức vụ đứng đầu Giáo Tỉnh, vững bền trong nhiều thế kỷ qua, là dấu chỉ đặc trưng cho tính công nghị trong Giáo Hội.

VI. NHIỆM VỤ CỦA CÁC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

Các Hội Đồng Giám Mục, được thúc bách bởi lòng nhiệt thành tông đồ muốn đến với các tín hữu bị phân tán, phải ý thức mạnh mẽ trách nhiệm chia sẻ với nhau trong việc cải tổ nói trên, và cần tôn trọng tuyệt đối quyền của các Giám Mục về việc sắp đặt quyền tư pháp trong Giáo Hội địa phương.

Việc phục hồi sự gần gũi giữa Thẩm Phán và các tín hữu, sẽ không thể nào thành công nếu Hội Đồng Giám Mục không khuyến khích từng vị Giám Mục và cùng nhau giúp đỡ để tiến hành việc cải tổ thủ tố tụng hôn nhân.

Cùng với việc gần gũi của Thẩm Phán, các Hội Đồng Giám Mục, ngoài việc trả thù lao đúng đắn và xứng đáng cho các nhân viên cho tòa án, còn phải cố gắng hết sức có thể bảo đảm cho các thủ tục này được miễn phí, vì Giáo Hội, tỏ lộ mình như người mẹ rộng lượng, mà trong việc gắn liền tới phần rỗi các linh hồn, phải biểu lộ tình yêu nhưng không của Chúa Kitô, mà nhờ đó, tất cả chúng ta được cứu độ.

VII. KHÁNG ÁN LÊN TÒA THÁNH

Dù thế nào đi nữa, vẫn tôn trọng nguyên tắc pháp lý cổ thời, cần duy trì việc kháng án lên Tòa án Tông Tòa thông thường, tức Tòa Thượng Thẩm Rôma (Rota Romana), nhờ đó mối liên kết giữa Tòa Phêrô với các Giáo Hội địa phương được củng cố. Tuy nhiên, trong quy định kháng cáo này, cần tránh mọi sự lạm dụng luật để không gây thiệt hại đến phần rỗi các linh hồn.

Luật riêng của Tòa Thượng Thẩm Rôma sẽ được thích ứng sớm hết sức với quy tắc cải tổ thủ tục này.

VIII. DỰ KIẾN ĐỐI VỚI CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG

Cuối cùng, xét vì đặc tính riêng về tổ chức và kỉ luật của các Giáo Hội Đông Phương, nên chúng tôi đã quyết định, cũng trong ngày này, ban hành riêng các quy tắc cải tổ luật tố tụng hôn nhân trong Bộ Giáo Luật của các Giáo Hội Đông Phương.

Tất cả điều nói trên cho thấy thật thích hợp để chúng tôi quyết định và ấn định rằng Cuốn VI của Bộ Giáo Luật, phần III, đề mục I, chương I về những vụ án tuyên bố sự vô hiệu của hôn nhân (các điều từ 1671 đến 1691), kể từ ngày 8.12.2015, sẽ được thay thế hoàn toàn bởi các điều luật sau đây.

***

TIẾT 1

TÒA ÁN CÓ THẨM QUYỀN

Điều 1671

§ 1. Do luật riêng, các vụ án hôn nhân của những người đã được rửa tội, thuộc quyền Thẩm Phán giáo hội.

§ 2. Các vụ án liên quan đến những hiệu lực thuần túy dân sự của hôn nhân thuộc quyền Thẩm Phán dân sự, trừ khi luật địa phương ấn định rằng Thẩm Phán giáo hội có thể cứu xét và giải quyết chính các vụ án đó, nếu các vụ án ấy được giải quyết như là vấn đề phụ và tùy tòng.

Điều 1672

Đối với những vụ án về sự bất thành của hôn nhân mà Tông Tòa không dành riêng cho mình, thì các tòa án có thẩm quyền là:

10 Tòa án tại nơi đã cử hành hôn nhân;

20 Tòa án tại nơi mà một hoặc cả hai bên có cư sở hay bán cư sở;

30 Tòa án tại nơi mà trong thực tế, phần lớn các chứng cứ phải được thu thập.

Điều 1673

§ 1. Trong mỗi giáo phận và cho những vụ án bất thành của hôn nhân mà không bị luật minh nhiên loại trừ, Thẩm Phán của tòa án cấp một là Giám Mục giáo phận, ngài có thể đích thân hay nhờ những người khác thi hành quyền xét xử, chiếu theo qui tắc của luật.

§ 2. Giám Mục giáo phận phải thiết lập tòa án giáo phận cho giáo phận mình để xét xử những vụ án bất thành của hôn nhân miễn là vẫn giữ nguyên năng quyền của Giám Mục đó được xúc tiến tại một tòa án giáo phận hoặc liên giáo phận lân cận khác.

§ 3. Những vụ án về sự bất thành của hôn nhân được dành cho hiệp đoàn gồm ba Thẩm Phán. Chủ tọa hiệp đoàn phải là một Thẩm Phán giáo sĩ, những Thẩm Phán còn lại cũng có thể là giáo dân.

§ 4. Vị Giám Mục điều hành, nếu không thể thiết lập tòa án hiệp đoàn trong giáo phận hay trong giáo phận lân cận được chọn theo quy tắc của §2, phải ủy thác những vụ án cho một Thẩm Phán giáo sĩ duy nhất, và nơi nào có thể được, vị này phải mời hai hội thẩm có đời sống liêm khiết, chuyên môn trong phạm vi luật pháp hay nhân văn, được Giám Mục chuẩn nhận cho nhiệm vụ này; vị Thẩm Phán duy nhất này có thẩm quyền thi hành những chức năng dành cho hiệp đoàn, cho vị chủ tọa hay cho báo cáo viên, trừ khi rõ ràng là trái ngược.

§ 5. Tòa án cấp hai để xét sự thành hiệu luôn luôn phải là hiệp đoàn, theo quy định của §3 nói trên.

§ 6. Việc kháng án được thực hiện từ tòa án cấp một lên tòa án cấp hai của Giáo Tỉnh, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của những điều 1438-1439 và 1444.

***

TIẾT 2

QUYỀN KHÁNG NGHỊ HÔN NHÂN

Điều 1674

§ 1. Những người có năng cách kháng nghị hôn nhân là:

10 Những người phối ngẫu;

20 Công tố viên, khi sự bất thành của hôn nhân đã trở thành công khai, nếu không thể thành sự hóa, hoặc không có lợi nếu thành sự hóa.

§ 2. Hôn nhân nào đã không được đưa ra tòa khi hai người phối ngẫu còn sống, thì cũng không thể kháng nghị khi một trong hai bên hay cả hai đã chết, trừ khi vấn đề thành sự của hôn nhân là vấn đề tiên quyết để giải quyết một cuộc tranh tụng khác hoặc ở tòa án Giáo Hội hoặc ở tòa án dân sự.

§ 3. Nhưng nếu một người phối ngẫu chết trong khi vụ án chưa ngã ngũ, thì phải giữ điều 1518.

***

TIẾT 3

KHỞI ĐẦU VÀ THẨM CỨU VỤ ÁN

Điều 1675

Trước khi nhận xử một vụ án, Thẩm Phán phải chắc chắn rằng hôn nhân đã đổ vỡ không còn sửa chữa được, đến nỗi không thể tái lập đời sống chung vợ chồng.

Điều 1676

§ 1. Khi đã nhận đơn thỉnh cầu (libellus), vị Đại Diện Tư Pháp, nếu xét thấy đơn có một nền tảng nào đó, thì phải chấp đơn và, bằng một sắc lệnh đính kèm ở cuối chính đơn này, truyền gửi một bản sao để thông báo cho bảo hệ viên và, nếu đơn không được cả hai bên ký tên, thì thông báo cho bị đơn và cho người ấy thời hạn mười lăm ngày để bày tỏ ý kiến của mình về điều thỉnh nguyện.

§ 2. Quá thời hạn nói trên, sau khi đã nhắc nhở một lần nữa cho bên kia bày tỏ ý kiến nếu thấy thuận tiện, và sau khi đã nghe ý kiến của bảo hệ viên, vị Đại Diện tư pháp phải ra sắc lệnh xác định thể thức nghi vấn và quyết định vụ án phải được xử theo thủ tục thông thường hay theo thủ tục ngắn gọn hơn theo những điều 1683-1687. Sắc lệnh này phải lập tức được thông báo cho các bên và cho bảo hệ viên.

§ 3. Nếu vụ án phải được xử theo thủ tục thông thường, vị Đại Diện Tư Pháp, cũng với sắc lệnh đó, thu xếp việc thiết lập Thẩm Phán đoàn hoặc một Thẩm Phán duy nhất với hai hội thẩm theo quy định của điều 1673§4.

§ 4. Ngược lại, nếu ấn định thủ tục ngắn gọn hơn, vị Đại Diện Tư Pháp tiến hành chiếu theo qui tắc của điều 1685.

§ 5. Thể thức nghi vấn phải xác định xem sự hữu hiệu của hôn nhân đã bị kháng nghị vì lý do nào hoặc vì những lý do nào.

Điều 1677

§ 1. Bảo hệ viên, các luật sư của các bên và cả công tố viên, nếu vị này tham gia tố tụng (vào vụ kiện), đều có quyền:

10 có mặt trong lúc thẩm vấn các bên, các người làm chứng và các giám định viên, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1559;

20 xem các án từ tư pháp, ngay cả khi những án từ đó chưa được công bố, và nghiên cứu các tài liệu do các bên cung cấp.

§ 2. Các bên không được tham dự cuộc thẩm vấn được nói đến §1,10.

Điều 1678

§ 1. Trong những vụ án hôn nhân bất thành, lời tự thú tư pháp và những lời khai của các bên, được xác thực bởi các nhân chứng đáng tin, có thể được Thẩm Phán đánh giá là có hiệu lực chứng minh đầy đủ, sau khi đã cứu xét tất cả những dấu hiệu và những yếu tố xác nhận mà không thấy có những yếu tố nào khác phi bác.

§ 2. Trong những vụ án này, lời khai của một nhân chứng duy nhất có thể có giá trị chứng minh đầy đủ, nếu đó là một nhân chứng có tư cách chuyên môn cung khai về những sự việc thuộc nhiệm vụ của mình, hoặc hoàn cảnh sự việc và con người chứng tỏ điều ấy.

§ 3. Trong những vụ án về sự bất lực hay về hà tì ưng thuận do bệnh tâm thần hoặc do những bất thường thuộc bản chất tâm lý, Thẩm Phán phải nhờ đến sự giúp đỡ của một hay nhiều giám định viên, trừ khi hoàn cảnh cho thấy rõ việc giám định không cần thiết; còn trong những vụ án khác, phải giữ những quy định của điều 1574.

§ 4. Mỗi khi thẩm cứu vụ án mà thấy có một nghi vấn rất hữu lý về hôn nhân bất hoàn hợp, sau khi nghe ý kiến các bên, tòa án có thể hoãn xét vụ án về sự bất thành của hôn nhân, bổ túc việc thẩm cứu để xin miễn chuẩn hôn nhân thành nhận, và sau đó chuyển những án từ đến Tông Tòa, kèm theo đơn xin chuẩn của một hay của hai người phối ngẫu, cùng với ý kiến của Tòa án và của Giám Mục.

***

TIẾT 4

BẢN ÁN, KHÁNG ÁN VÀ THI HÀNH ÁN

Điều 1679

Bản án lần đầu tiên tuyên bố hôn nhân là bất thành, sau khi đã mãn các thời hạn được ấn định trong những điều 1630-1633, trở thành có hiệu lực thi hành.

Điều 1680

§ 1. Bên nào cảm thấy mình bị thiệt hại, cũng như công tố viên và bảo hệ viên, đều có tố quyền xin tiêu hủy bản án hoặc kháng cáo chống lại bản án đó theo những điều 1619-1640.

§ 2. Mãn thời hạn luật định cho kháng án và tiến hành kháng án, tòa án cấp trên sau khi đã nhận được các án từ tư pháp, phải thiết lập tòa án hiệp đoàn, chỉ định bảo hệ viên và nhắc nhở các bên bày tỏ ý kiến trong một thời hạn quy định; mãn thời hạn đó, nếu kháng án rõ ràng chỉ có ý trì hoãn, thì tòa án hiệp đoàn xác nhận bản án của tòa án cấp một bằng sắc lệnh.

§ 3. Nếu việc kháng án được chấp nhận, phải tiến hành cùng cách thức giống như ở tòa cấp một, với những thích nghi xứng hợp.

§ 4. Nếu ở cấp kháng án người ta đưa ra một lý do mới khiến hôn nhân bất thành, thì tòa án có thể chấp nhận lý do đó và xét xử như ở tòa án cấp một.

Điều 1681

Nếu một bản án đã được ban hành có hiệu lực, thì có thể kháng án lên tòa cấp ba vào bất cứ lúc nào để xin xử vụ án chiếu theo quy tắc của điều 1644, bằng cách trưng ra những chứng cứ mới hay những lý do mới và quan trọng trong thời hạn cưỡng định là ba mươi ngày, kể từ ngày nộp đơn kháng án.

Điều 1682

§ 1. Sau khi bản án tuyên bố hôn nhân bất thành có hiệu lực để thi hành, thì những người mà hôn nhân của họ được tuyên bố là bất thành có thể tái hôn, trừ khi lệnh cấm tái hôn được kèm theo chính bản án hoặc trừ khi Đấng Bản Quyền địa phương ra lệnh cấm tái hôn.

§ 2. Ngay sau khi bản án có hiệu lực để được thi hành, vị Đại Diện Tư pháp phải thông báo bản án đó cho Đấng Bản Quyền địa phương nơi hôn nhân đã được cử hành. Vị này phải quan tâm ghi chú việc công bố hôn nhân không thành và những lệnh cấm kèm theo, nếu có, vào sổ hôn phối và sổ rửa tội, sớm hết sức có thể.

***

TIẾT 5

TỐ TỤNG HÔN NHÂN NGẮN GỌN HƠN TRƯÓC GIÁM MỤC

Điều 1683

Chính Giám Mục giáo phận có thẩm quyền xét xử những vụ án hôn nhân bất thành với thủ tục ngắn gọn hơn mỗi khi:

10 Đơn thỉnh cầu được cả hai người phối ngẫu đệ trình hay do một trong hai bên, với sự đồng ý của bên kia;

20 Những dữ kiện liên quan về người và về sự việc, được các chứng cớ hoặc tài liệu xác nhận, mà không cần phải điều tra hay thẩm cứu kỹ lưỡng hơn, và chúng chứng tỏ được sự bất thành.

Điều 1684

Đơn thỉnh cầu được xét xử theo thủ tục ngắn hơn, ngoài những điểm được nêu ra ở điều 1504, phải:

10 Trình bày vắn tắt, đầy đủ và rõ ràng những sự kiện làm nền tảng cho sự thỉnh cầu;

20 Chỉ ra những chứng cứ mà Thẩm Phán có thể thu thập được ngay;

30 Đính kèm theo đơn những tài liệu làm căn cứ cho việc thỉnh cầu.

Điều 1685

Vị Đại diện tư pháp, bằng cùng một sắc lệnh, xác định thể thức nghi vấn, chỉ định dự thẩm và hội thẩm và triệu tập tất cả những ai tham dự vào một giai đoạn phải được tiến hành theo nguyên tắc điều 1686 không quá ba mươi ngày sau.

Điều 1686

Thẩm cứu viên, hết sức có thể, phải thu thập các chứng cớ chỉ trong một giai đoạn, và phải ấn định thời hạn mười lăm ngày để trình bày các ý kiến bảo vệ dây hôn nhân và biện hộ cho các bên, nếu có.

Điều 1687

§ 1. Sau khi nhận được các án từ, Giám Mục Giáo phận tham khảo ý kiến của dự thẩm và hội thẩm, cân nhắc các ý kiến của bảo hệ viên cũng như những lời biện hộ của các bên, nếu có, và nếu thấy có sự xác tín luân lý về sự bất thành của hôn nhân, thì ngài tuyên bố bản án. Ngược lại, ngài phải trả vụ án lại để xét theo thủ tục thông thường.

§ 2. Toàn bộ nguyên văn của bản án với các lý do phải được thông báo sớm hết sức cho các bên.

§ 3. Để chống lại bản án của Giám Mục thì được kháng án lên tòa án của Tổng Giám Mục Giáo Tỉnh hay lên Tòa Thượng Thẩm Roma; nếu bản án do Tổng Giám Mục Giáo Tỉnh ban hành, thì được kháng án lên tòa án của Giám Mục cao niên hơn trong Giáo Tỉnh; và chống lại bản án của một Giám Mục khác không có bề trên nào khác dưới Đức Giáo Hoàng Roma, thì được kháng án tòa án của Giám Mục đã được ngài chỉ định cách cố định.

§ 4. Nếu rõ ràng chỉ là kháng án trì hoãn, Tổng Giám Mục Giáo Tỉnh hay Giám Mục nói ở §3, hoặc Niên Trưởng Tòa Thượng Thẩm Roma, phải ra sắc lệnh khước từ ngay từ đầu; ngược lại, nếu kháng án được chấp nhận, thì gửi trả vụ án về xử ở cấp hai theo thủ tục thông thường.

***

TIẾT 6

TỐ TỤNG DỰA TRÊN TÀI LIỆU

Điều 1688

Sau khi đã nhận một đơn thỉnh cầu chiếu theo quy tắc của điều 1676, Giám Mục giáo phận hay Đại Diện tư pháp hoặc vị Thẩm Phán được chỉ định, bỏ qua những thể thức của tố tụng thông thường, trừ việc triệu tập các bên ra tòa và sự can thiệp của bảo hệ viên, có thể tuyên bố hôn nhân bất thành bằng một bản án, nếu có một tài liệu không thể bị phản đối hay khước biện chứng minh rằng chắc chắn có một ngăn trở tiêu hôn hay thiếu thể thức giáo luật, miễn là tài liệu này phải hiển nhiên và phải xác tín rằng ngăn trở đã không được miễn chuẩn hoặc người đại diện đã không có ủy nhiệm thư hữu hiệu.

Điều 1689

§ 1. Nếu bảo hệ viên, nhận định cách khôn ngoan rằng những thiếu sót được nói ở điều 1688 hoặc việc thiếu phép chuẩn là điều không chắc chắn, thì phải kháng án lên Thẩm Phán của tòa án cấp hai; các án từ phải được chuyển lên Thẩm Phán tòa án cấp hai, và phải thông báo bằng văn bản cho vị này biết đó là một tố tụng dựa trên tài liệu.

§ 2. Bên nào cảm thấy mình bị thiệt hai, thì bên đó có toàn quyền kháng án.

Điều 1690

Với sự can thiệp của bảo hệ viên và sau khi nghe các bên, Thẩm Phán tòa án cấp hai phải quyết định cũng một cách thức nói đến ở điều 1688, xem có phải xác nhận bản án hay không hoặc có phải giải quyết vụ án theo cách thông thường của luật hay không, trong trường hợp này, Thẩm Phán gởi trả vụ án về tòa án cấp một.

Điều 1691

§ 1. Trong bản án, phải nhắc nhở cho các bên biết những nghĩa vụ luân lý hay cả những nghĩa vụ dân sự mà bên này phải có đối với bên kia và đối với con cái họ trong việc cấp dưỡng và giáo dục.

§ 2. Không thể áp dụng việc xử án hộ sự khẩu biện cho những vụ án tuyên bố hôn nhân bất thành được nói đến ở những điều 1656-1670.

§ 3. Trong những vấn đề khác liên quan đến thủ tục, phải áp dụng những điều luật về những việc xử án nói chung và về việc xử án hộ sự thông thường, trừ khi bản chất sự việc không cho phép, miễn là vẫn giữ nguyên những quy tắc đặc biệt liên quan đến những vụ án về tình trạng nhân thân và những vụ án có dính dáng tới công ích.

 

Làm tại Roma, Đền Thánh Phêrô, ngày 15 thánh 8,

lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 2015,

năm thứ ba triều đại Giáo Hoàng của Tôi.

+ PHANXICÔ

Giáo Hoàng

 

***

PHỤ LỤC

NHỮNG NGUYÊN TẮC VỀ THỦ TỤC

TIẾN HÀNH CÁC VỤ ÁN TUYÊN BỐ HÔN NHÂN BẤT THÀNH

Thượng Hội Đồng Giám Mục trong khóa họp ngoại thường lần thứ ba, diễn ra vào tháng 10 năm 2014, đã nhận thấy các tín hữu gặp khó khăn trong việc đến với các Tòa án Giáo Hội. Vì Giám Mục, là mục tử tốt lành, có nghĩa vụ phải đến gặp gỡ các tín hữu của mình đang cần một sự chăm sóc mục vụ đặc biệt, và là người cộng tác chắc chắn với đấng kế vị Thánh Phêrô và với các Giám Mục trong việc loan truyền kiến thức pháp luật, cho nên rất thích hợp là cùng với những qui tắc cặn kẻ áp dụng trong tố tụng hôn nhân, cần phải cung cấp một vài phương thức để công việc tại các tòa án có thể đáp ứng những nhu cầu của các tín hữu, những người đang đòi hỏi xác định sự thật về việc có hay không có dây hôn phối đối với những cuộc hôn nhân đã đổ vỡ.

Khoản 1. Theo điều luật 383§1, Giám Mục có nghĩa vụ phải giữ lòng nhiệt thành tông đồ đối với những đôi bạn đã ly thân hay đã ly dị, có lẽ vì hoàn cảnh sống mà bỏ việc thi hành đạo. Vì thế, ngài phải cùng với các linh mục quản xứ (x. đ. 529§1) chia sẻ nỗi ưu tư mục vụ đối với các tín hữu trong hoàn cảnh khó khăn.

Khoản 2. Việc điều tra tiền tư pháp hay mục vụ, bao gồm việc tiếp đón trong khung cảnh giáo xứ hay giáo phận những tín hữu đã ly thân hay ly dị mà có nghi ngờ hay tin chắc là hôn nhân của họ bất thành, là nhằm để biết điều kiện hôn phối của họ và để thu thập những yếu tố hữu ích cho việc tiến hành tố tụng hôn nhân nếu cần, theo tố tụng thông thường hay thủ tục ngắn gọn. Việc điều tra sơ khởi này diễn ra trong bối cảnh mục vụ hôn nhân đồng nhất trong giáo phận.

Khoản 3. Việc điều tra sơ khởi này phải được ủy thác cho những người mà Đấng Bản Quyền địa phương xét là có khả năng, và trao cho họ những thẩm quyền, dù không phải là thẩm quyền theo đúng nghĩa pháp lý. Trong số những người được ủy thác công việc điều tra sơ khởi này, ưu tiên phải là chính linh mục quản xứ hay người đã chuẩn bị cho các đôi hôn phối cử hành lễ cưới. Cũng có thể ủy thác công việc tư vấn này cho các giáo sĩ khác, các tu sĩ hay những giáo dân được Đấng Bản Quyền địa phương chuẩn nhận.

Giáo phận, hay nhiều giáo phận cùng nhau  tùy theo những nhóm đang có, có thể thiết lập một tổ chức bền vững nhờ đó cung cấp dịch vụ tư vấn này và, nếu cần, soạn thảo một tập cẩm nang (vademecum) bao gồm những yếu tố thiết yếu giúp tiến hành việc điều tra sơ khởi này một cách thích đáng nhất.

Khoản 4. Việc điều tra mục vụ sẽ thu thập những yếu tố hữu ích cho việc khởi sự vụ án, nếu có, tại tòa án có thẩm quyền hoặc bởi những người phối ngẫu hoặc bởi luật sư của họ. Phải điều tra xem các bên có đồng ý xin cứu xét sự bất thành không.

Khoản 5. Sau khi đã thu thập tất cả mọi yếu tố, việc điều tra sẽ kết thúc với việc đệ đơn thỉnh cầu (libellus) lên tòa án có thẩm quyền, nếu thích hợp.

Khoản 6. Vì Bộ Giáo Luật phải được áp dụng ở mọi vấn đề, trừ những quy tắc riêng biệt, kể cả trong tố tụng hôn nhân theo tinh thần của đ. 1691§3, nên những qui định ở đây không có ý trình bày chi tiết toàn bộ việc tố tụng, mà chỉ tập trung làm rõ những canh tân lập pháp chính yếu, và khi cần thiết thì bổ túc những mới mẻ ấy.

***

Mục 1

Tòa có thẩm quyền và các tòa án

Khoản 7

§ 1. Những thẩm quyền được nói đến ở đ. 1672 thì ngang nhau, miễn là vẫn hết sức duy trì nguyên tắc về sự gần gũi giữa Thẩm Phán và các bên.

§ 2. Nhờ việc cộng tác giữa các tòa án nhau theo tinh thần của đ. 1418, bất cứ bên nào hay nhân chứng, cần phải được bảo đảm, đều có thể tham gia vụ án với lệ phí nhẹ nhất.

Khoản 8

§ 1. Trong các giáo phận không có tòa án riêng, Giám Mục giáo phận, phải lo liệu sớm hết sức có thể, đào tạo những nhân sự có khả năng làm việc trong tòa án được thiết lập cho những vụ án hôn nhân, kể cả qua những khóa đào tạo thường xuyên và liên tục, được bảo trợ bởi giáo phận hay liên giáo phận và bởi Tòa Thánh trong tinh thần hiệp thông.

§ 2. Giám Mục có thể rút lui khỏi tòa án liên giáo phận đã được thiết lập theo qui tắc của đ. 1423.

***

Mục II

Quyền kháng nghị hôn nhân

Khoản 9. Nếu người phối ngẫu chết đang trong thời gian tố tụng, trước khi vụ án ngã ngũ, thì vụ án bị đình hoãn cho đến khi người phối ngẫu kia hay một người khác có lợi ích liên quan yêu cầu tiếp tục; trong trường hợp này phải chứng minh lợi ích ấy là hợp pháp.

***

Mục III

Khởi đầu và thẩm tra vụ án

Khoản 10. Thẩm Phán có thể nhận lời thỉnh cầu  mỗi khi các bên bị ngăn trở không đệ đơn được; tuy nhiên, Thẩm Phán phải truyền cho công chứng viên soạn thảo án từ trên giấy tờ, để đọc cho đương sự nghe và để đương sự chấp nhận, và án từ này thay thế cho đơn thỉnh cầu (libellus) của đương sự xét về mọi hiệu lực pháp lý.

Khoản 11

§ 1. Đơn thỉnh cầu phải được đệ trình tòa án giáo phận hay tòa án liên giáo phận đã được chọn chiếu theo qui tắc của điều 1673§2.

§ 2. Được coi như không chống lại lời thỉnh cầu, khi bị đơn  trao quyền xét xử cho tòa án hay, sau khi đã được triệu tập hợp thức lần thứ hai, mà không trả lời gì.

***

Mục IV

Bản án, kháng nghị và thi hành bản án

Khoản 12. Để đạt được sự xác tín luân lý cần thiết theo luật, thì sự trỗi vượt đáng kể  của những chứng cớ và những dấu chỉ vẫn chưa đủ, mà còn phải hoàn toàn loại trừ bất cứ hoài nghi thận trọng tích cực nào là có thể sai lầm về luật cũng như về sự kiện, ngay cả cũng không loại trừ chỉ là khả năng mâu thuẩn.

Khoản 13. Nếu một bên đã tuyên bố từ chối không nhận bất cứ thông tin nào liên quan đến vụ án, thì được hiểu là đã từ chối không nhận tờ sao bản án. Trong trường hợp này, có thể chỉ trao cho người ấy phần quyết định của bản án.

***

Mục V

Tố tụng hôn nhân ngắn gọn trước mặt Giám Mục

Khoản 14

§ 1. Trong số những hoàn cảnh về  người hay sự kiện  có thể cho phép tiến hành vụ án tuyên bố hôn nhân bất thành qua tố tụng ngắn gọn theo các điều 1683-1687, được kể  như là: thiếu đức tin khiến phát sinh sự gỉa hình (simulatio) trong ưng thuận hoặc sự lầm lẫn chi phối vào ý chí, cuộc chung sống vợ chồng quá ngắn ngủi, thực hiện phá thai cốt để không sinh con, thường xuyên ngoan cố trong mối liên hệ ngoài hôn nhân vào thời gian kết hôn hay một thời gian ngay sau khi kết hôn gian ý (dolosus) dấu diếm vô sinh hay mắc một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng hay đã có con từ một quan hệ trước hay tù tội, nguyên nhân kết hôn hoàn toàn xa lạ với đời sống vợ chồng hay chủ yếu do người phụ nữ đã lỡ mang thai, bạo lực thể lý buộc bên kia phải ưng thuận kết hôn, thiếu sử dụng trí khôn có giấy chứng nhận của bác sĩ, v.v…

§ 2. Trong số các tài liệu viện dẫn cho lời thỉnh cầu, có tất cả những tài liệu y khoa. Những tài liệu này có thể khiến không cần phải nhờ đến một giám định viên chính thức.

Khoản 15. Nếu thỉnh nguyện đơn đã được đệ trình theo thủ tục tố tụng thông thường, nhưng vị Đại Diện tư pháp cho rằng vụ kiện có thể tiến hành theo thủ tục ngắn gọn hơn, thì khi thông báo đơn khởi tố chiếu theo quy tắc của điều 1676§1, vị Đại Diện Tư pháp phải yêu cầu bên đã không ký vào đơn cho tòa án biết là có muốn liên kết với thỉnh nguyện đã đệ trình  và có tham gia vào vụ án hay không. Mỗi khi cần thiết, vị đại diện tư pháp phải mời bên hoặc các bên đã ký vào thỉnh nguyện đơn và bổ túc đầy đủ đơn sớm hết sức có thể chiếu theo quy tắc của đ. 1684.

Khoản 16. Vị Đại Diện tư pháp có thể tự chỉ định mình làm dự thẩm; nhưng chừng nào có thể nên chỉ định một dự thẩm thuộc giáo phận gốc của vụ kiện.

Khoản 17. Khi ra lệnh triệu tập ra tòa chiếu theo đ. 1685, các bên phải được thông báo để, ít là ba ngày trước khi bắt đầu giai đoạn thẩm vấn, có thể đệ trình những lý chứng mà dựa vào đó các các bên hay các nhân chứng được thẩm vấn, trừ khi những điểm này đã được đính kèm vào thỉnh nguyện đơn.

Khoản 18

§ 1. Các bên và các luật sư của họ có thể tham dự cuộc thẩm vấn các bên kia và các nhân chứng, trừ khi vì những hoàn cảnh nào đó, dự thẩm xét phải tiến hành cách khác.

§ 2. Các câu trả lời của các bên và của các nhân chứng phải được công chứng viên ghi lại bằng văn bản, nhưng một cách tóm tắt và chỉ ghi lại những gì liên quan chủ yếu đến chính vấn đề hôn nhân đang bàn cãi.

Khoản 19. Nếu vụ án được thẩm vấn tại một tòa án liên giáo phận, Giám Mục phải tuyên bố bản án là vị của nơi mà thẩm quyền được thiết lập theo tinh thần của đ. 1672. Nếu có nhiều vị, thì hết sức có thể giữ nguyên tắc gần gũi giữa các bên và Thẩm Phán.

Khoản 20

§ 1. Giám Mục giáo phận ấn định cách thức tuyên bố bản án tùy theo sự khôn ngoan của mình.

§ 2. Bản án, được ký bởi Giám Mục với xác nhận của công chứng viên, phải trình bày vắn tắt và mạch lạc những lý do dẫn đến quyết định, và thường phải được thông báo cho các bên trong thời hạn một tháng kể từ ngày ra quyết định.

***

Mục VI

Tố tụng dựa trên tài liệu

Khoản 21. Giám Mục giáo phận và vị Đại Diện được xác định thẩm quyền theo quy tắc của điều 1672.

 

 

Nha Trang, ngày 30 tháng 10 năm 2015

Bản dịch được chỉnh sửa bởi nhóm chuyên viên Giáo Luật:

Lm. Gs. Huỳnh Văn Sỹ, Gp. Quy Nhơn.

Lm. Dom. Nguyễn Văn Mạnh, Gp. Đà Lạt.

Lm. JB. Lê Ngọc Dũng, Gp. Nha Trang.