Tự Sắc

Saturday, 04 April 2020 16:12

Tự Sắc Nghi Lễ Phụng Tự (Summorum Pontificum) Của Đức Thánh Cha Benedict XVI 07-07-2007 Featured

TỰ SẮC SUMMORUM PONTIFICUM

- NGHI LỄ PHỤNG TỰ -

CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI

NGÀY 07 THÁNG 07 NĂM 2007

***

Đức Giáo Hoàng Benedict VI

 ***

Từ trước đến nay các Đức Giáo Hoàng luôn chăm lo sao cho Giáo Hội của Chúa Kitô dâng lên Đấng Thánh Huy Hoàng việc phụng tự xứng đáng để tán tụng và tôn vinh danh Ngài và mưu ích cho toàn Giáo Hội.

Từ quá khứ xa xăm cho đến tương lai có một nguyên tắc phải được tôn trọng, theo đó mỗi Giáo Hội địa phương phải hòa hợp với Giáo Hội hoàn vũ không chỉ về tín lý và các dấu chỉ bí tích, nhưng còn trong việc ứng dụng những gì được truyền lại một cách phổ quát từ truyền thống tông truyền không gián đoạn. Những điều này được tuân giữ không chỉ sao cho có thể tránh được những sai lầm mà còn nhằm làm cho đức tin có thể được truyền lại cách nguyên vẹn, vì lề luật cầu nguyện của Giáo Hội (lex orandi) tương ứng với lề luật niềm tin của mình (lex credendi).

Trong số các Đức Giáo Hoàng đã thể hiện sự chăm lo như thế, nổi bật là Thánh Grêgôriô Cả, đấng đã lo lắng truyền đạt cho những dân tộc mới của Châu Âu cả đức tin Công Giáo cũng như những kho tàng thờ phượng và văn hóa người La Mã đã tích lũy được trong những thế kỷ trước. Ngài ban những huấn thị cho hình thức Phụng Vụ Thánh của cả Hy Tế Thánh Lễ lẫn Các Giờ Kinh Phụng Vụ được cử hành trong Thành Rôma. Ngài thực hiện những nỗ lực phi thường để nâng đỡ các tu sĩ nam nữ, những người theo Luật của Thánh Biển Đức, tại mọi nơi cùng với việc công bố Tin Mừng bằng cuộc sống của họ cũng đã nêu gương cho thấy biểu hiện tích cực nhất của Lề Luật là không để điều gì trọng hơn là công việc của Thiên Chúa (chương 43). Nhờ thế phụng vụ thánh theo phong cách Rôma nảy sinh không chỉ đức tin và lòng đạo đức bình dân mà cả văn hóa của nhiều dân tộc. Hơn thế nữa, rõ ràng là Phụng Vụ La Tinh trong những hình thái đa dạng đã kích thích trong cuộc sống thiêng liêng của rất nhiều vị Thánh trong mọi thế kỷ của kỷ nguyên Kitô Giáo, tăng cường nhân đức thiêng liêng của nhiều dân tộc, và làm nảy sinh lòng đạo đức bình dân của họ.

Tuy nhiên, để Phụng Vụ Thánh có thể hoàn thành hiệu quả hơn nhiệm vụ của nó, nhiều vị Giáo Hoàng khác trong nhiều thế kỷ đã có quan tâm đặc biệt, trong số này nổi bật là Thánh Giáo Hoàng Piô V, người với lòng nhiệt thành mục tử cao độ, đã khích lệ Công Đồng Trentô canh tân việc phụng tự trong toàn thể Giáo Hội, bảo đảm việc xuất bản các sách phụng vụ, chỉnh đốn và phục hoạt theo các chuẩn định của các Nghị Phụ và đưa ra thực hiện trong Giáo Hội La Tinh. Rõ ràng là trong các sách phụng vụ của Nghi thức Rôma, Sách Lễ Rôma là nổi bật. Sách Lễ Rôma đã được phát triển trong thành Rôma và theo thời gian đã nhận lấy những hình thức rất tương tự với những gì vẫn còn hiệu lực trong những thế hệ gần đây.

Cũng cùng một mục đích như thế theo thời gian các Đức Giáo Hoàng đã tìm kiếm, cải tiến hay thiết lập những nghi lễ phụng vụ và những sách cho các thế hệ mới, và ở đầu thế kỷ này đã thực hiện một sự san định phong phú hơn. Đó chính là cách thế mà các vị tiền nhiệm của tôi Clement VIII, Urban VIII, Thánh Piô X, Bênêđíctô XV, Piô XII và Chân Phước Gioan XXIII đã hành động.

Tuy nhiên, trong thời gian sau này, Công Đồng Vatican II đã bày tỏ ao ước là với lòng tôn kính thích đáng, phụng vụ thánh cần được san định và cải tiến cho phù hợp với những nhu cầu của thời đại chúng ta. Được thúc đẩy bởi ao ước này, vị Tiền Nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục vào năm 1970 đã phê chuẩn những sách phụng vụ dành cho Giáo Hội La Tinh đã được san định và canh tân phần nào, và trên khắp thế giới đã được dịch sang nhiều thổ ngữ, được các Giám Mục, linh mục và anh chị em giáo dân chào đón. Đức Gioan Phaolô II đã tái duyệt bản thứ ba của Sách Lễ Rôma.

Như thế, các Đức Giáo Hoàng đã hành động sao cho cấu trúc phụng vụ này, có thể nói như thế, có thể trở lại huy hoàng trong thế giá và sự hài hòa của nó. Tuy nhiên, trong một số miền không ít các tín hữu đã và đang gắn bó với lòng yêu mến cao độ những hình thức phụng vụ trước đây, vốn ăn sâu trong văn hóa và tinh thần của họ đến mức Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, được thúc đẩy bởi mối quan tâm mục vụ cho các tín hữu này vào năm 1984 qua thư luân lưu Quattuor abhinc annos (bốn năm trước), do bộ Phụng Tự thảo ra, đã ban năng quyền sử dụng Sách Lễ được Đức Giáo Hoàng Gioan XIII công bố năm 1962; và một lần nữa vào năm 1988, qua Tự Sắc Ecclesia Dei (Giáo Hội Chúa), Đức Gioan Phaolô II lại khích lệ các Đức Giám Mục sử dụng rộng rãi và quảng đại năng quyền này theo yêu cầu của anh chị em giáo dân.

Sau thời gian suy tư lâu dài trước những thỉnh cầu bức bách của các tín hữu này lên vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II của tôi, sau khi lắng nghe các Nghị Phụ trong Công Nghị Hồng Y hôm 23/3/2006, sau khi đã suy tư về tất cả những điều này, đã cầu xin Thánh Thần Chúa và đặt niềm cậy trông vào ơn phù trì của Thiên Chúa, qua Tông Thư này tôi TRUYỀN rằng:

Điều 1. Lễ Quy Rôma do Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố được xem là diễn đạt thông thường của luật cầu nguyện (lex orandi) trong Nghi Lễ La Tinh của Giáo Hội Công Giáo, trong khi Lễ Quy Rôma do Thánh Giáo Hoàng Piô V và sau đó được Chân Phước Gioan XIII tái công bố được xem là diễn đạt ngoại thường của luật cầu nguyện (lex orandi) và được trọng vọng thích đáng xét vì việc sử dụng đáng kính và cổ truyền của nó. Hai hình thức diễn đạt này của luật cầu nguyện (lex orandi) không vì lẽ nào dẫn tới sự chia rẽ trong luật cầu nguyện (lex orandi) của Giáo Hội, vì chúng là hai cách dùng của cùng một Nghi Lễ Rôma.

Do đó, được kể là hợp luật khi cử hành Thánh Lễ theo bản tiêu biểu của Sách Lễ Rôma do Chân Phước Gioan XIII công bố năm 1962 và chưa bao giờ bị hủy bỏ, như một hình thức ngoại thường trong Phụng Vụ của Giáo Hội. Những điều kiện được nêu trong thư luân lưu nêu trên và trong Tự Sắc Ecclesia Dei về việc sử dụng Lễ Quy này được thay thế bằng những điều sau:

Điều 2. Linh mục: Trong các Thánh Lễ cử hành không có giáo dân tham dự, bất cứ linh mục nào thuộc nghi lễ La Tinh, dù là linh mục Triều [thuộc giáo phận] hay linh mục Dòng, đều có thể sử dụng Sách Lễ Rôma được Chân Phước Gioan XXIII ban hành vào năm 1962, hay Sách Lễ Rôma được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành vào năm 1970, vào bất kỳ ngày nào trừ ra trong Tam Nhật Thánh [Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy Tuần Thánh]. Khi cử hành thánh lễ theo hai Sách Lễ này, linh mục không cần phải có phép, dù của Tòa Thánh hay của Đấng Bản Quyền.

Điều 3. Tu hội: Nếu các Cộng Đoàn hay các Tu Hội thuộc Đời Sống Thánh Hiến hay các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, dù là thuộc Tòa Thánh hay thuộc địa phận, ước ao muốn được cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ Rôma được ban hành vào năm 1962 trong nhà nguyện tu viện hay cộng đồng tu, hay trong tu hội của mình thì đều được phép. Nếu trường hợp có cộng đoàn cá biệt nào, hay là toàn thể Tu Hội hay Hội Dòng muốn có các nghi lễ cử hành nêu trên một cách thường xuyên, một đôi khi, hoặc là luôn luôn như vậy, thì sự việc này phải được Các Bề Trên Cả định đoạt theo các chuẩn mực của luật chung, theo các luật chuyên biệt và các qui chế.

Điều 4. Giáo dân: Nếu giữ theo đúng qui định luật lệ thì ngay người tín hữu của Chúa Kitô cũng có thể bột phát xin và có thể được chấp nhận tham dự các cử hành Thánh Lễ được nêu lên tại điều 2 ở trên.

Điều 5:

§ 1. Giáo xứ: Trong những giáo xứ nơi có một nhóm tín hữu gắn bó với truyền thống phụng vụ trước đây tồn tại cách ổn định, cha sở hãy vui lòng chấp nhận những thỉnh nguyện của họ về việc cử hành Thánh Lễ Misa theo nghi thức sách Lễ Rôma được ban hành năm 1962. Cha sở nên xem xét xem lợi ích của những giáo dân này có hòa hợp thuận thảo được với việc chăm sóc mục vụ bình thường của giáo xứ, dưới quyền cai quản của Đức Giám Mục theo như giáo luật 392 hay không, trong khi tránh bất hòa và nuôi dưỡng sự hiệp nhất trong toàn Giáo Hội.

§ 2. Việc cử hành theo Sách Lễ của Chân Phước Gioan XXIII có thể được thực hiện vào các ngày trong tuần, đang khi vào các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng thì có thể cử hành một thánh lễ theo nghi thức đó mà thôi.

§ 3. Hãy để cha xứ cho phép các việc cử hành trong hình thức ngoại thường này cho người tín hữu hay cho các linh mục xin phép được cử hành như vậy, ngay cả trong những trường hợp đặc biệt như là lễ hôn phối, tang lễ hoặc những lễ cử hành tùy thời điểm chẳng hạn trong các cuộc hành hương.

§ 4. Các linh mục sử dụng Sách Lễ của Chân Phước Gioan XXIII phải là các linh mục xứng đáng và không bị ngăn trở vướng mắc nào theo luật giáo hội.

§ 5. Trong các thánh đường không mà phải là thánh đường của giáo xứ hay thuộc các tu viện, thì vị vị Giám Quản của ngôi thánh đường đó có quyền cho phép cử hành thánh lễ như đã nói ở trên.

Điều 6. Trong khi cử hành Thánh Lễ cùng với dân chúng theo Sách Lễ của Chân Phước Gioan XXIII, các Bài Đọc có thể được tuyên đọc ngay cả bằng tiếng bản xứ địa phương, miễn là dùng các bản văn đã được Tòa Thánh phê chuẩn công nhận.

Điều 7. Nơi nào có nhóm tín hữu giáo dân được nêu ra ở điều 5§1 không xin được phép của cha sở, thì cần phải thông báo cho Giám Mục bản quyền biết về sự kiện này. Giám Mục cũng nên rộng lòng ban phép như họ mong ước. Nếu như ngài không thể cho phép hình thức cử hành này, thì sự việc này cần phải được chuyển trình về cho Ủy Ban Giáo Hoàng Ecclesia Dei.

Điều 8. Vị Giám Mục nào ước ao đáp ứng những thỉnh cầu giáo dân về điều này, nhưng vì những lý do khác nhau bị ngăn trở không thể làm thế, có thể chuyển sự việc về cho Ủy Ban Giáo Hoàng Ecclesia Dei, Ủy Ban này phải cho ngài ý kiến và trợ giúp.

Điều 9:

§ 1. Cũng vậy, cha sở sau khi đã xem xét một cách thỏa đáng tất cả mọi thứ, có thể cho phép dùng các nghi lễ cũ trong việc ban Bí Tích Thánh Tẩy, Hôn Phối, Hòa Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân, nếu thấy cần cho lợi ích các linh hồn.

§ 2. Các Đức Giám Mục bản quyền được phép ban năng quyền cử hành Phép Thêm Sức sử dụng nghi thức Sách Các Phép Roma cũ, nếu thấy cần cho lợi ích các linh hồn.

§ 3. Các giáo sĩ có chức thánh được phép sử dụng cuốn Sách Giờ Kinh Phụng Vụ đã được Chân phước Gioan XXIII ban hành vào năm 1962.

Điều 10. Đấng Bản Quyền địa phương được phép, nếu xét thấy thuận lợi, có thể thiết lập họ đạo tòng nhân chiếu theo khoản giáo luật số 518 cho những việc cử hành theo các hình thức của Nghi Lễ Rôma cũ hay chỉ định một vị Giám Sự hoặc Tuyên Úy, để giám sát cho đúng các quy định đòi hỏi của luật lệ.

Điều 11. Ủy Ban Giáo Hoàng Ecclesia Dei, đã được thiết lập vào năm 1988 bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp tục thi hành sứ vụ của mình. Ủy Ban này có trách nhiệm hình thành các bổn phận và điều luật cho việc thực hành mà Đức Giáo Tông muốn chỉ định cho Ủy Ban.

Điều 12. Thêm vào những năng quyền đã sẵn có, Ủy Ban này sẽ hành xử với quyền của Tòa Thánh trong việc tỉnh thức canh chừng trong công tác quan sát và thực hiện những qui định đã nêu trên đây.

Bất cứ điều chi đã được Tôi ra chỉ thị qua phương tiện Tự Sắc này, Tôi truyền phải thi hành cương quyết và đúng đắn và phải được thi hành bắt đầu từ ngày 14 tháng 9 năm nay, ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, tất cả những gì đi ngược với những gì Tôi ban bố đều không có cơ sở hiệu lực.

 

Ban hành tại Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 7 năm 2007,

Năm Thứ Ba Triều đại Giáo Hoàng Của Tôi.

+ BENEDICTO XVI

Giáo Hoàng

 

(Lm. Trần Công Nghị và Đặng Minh An chuyển ngữ)