Thư Luân Lưu

Sunday, 05 April 2020 07:56

Thư Đức Thánh Cha Phanxicô Gửi Tổng Giám Đốc Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) Featured

LTS: Ngày Chúa Nhật 16/10/2016 là “Ngày Lương Thực Thế Giới”. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến ông Jose Graziano da Silva, Giám đốc Tổ Chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO), lá thư viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Trong lá thư đó, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng: “Khí hậu và nông nghiệp: nguyên tắc thận trọng không đủ, phải có sự khôn ngoan! Đừng chỉ thông cảm và xúc động, cần phải có những lựa chọn và hành động”.

***

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Giáo sư José Graziano da Silva, Giám đốc Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc

***

 

Kính gửi Giáo sư José Graziano da Silva, Giám đốc Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc.

Thưa ông,

1. Sự kiện mà tổ chức FAO đã muốn dành Ngày Lương Thực Thế Giới hôm nay cho chủ đề “Khí hậu biến đổi. Lương thực và nông nghiệp cũng thế”, khiến chúng ta phải xem xét việc chống đói như một mục tiêu còn khó khăn hơn nữa để đạt được, với một hiện tượng phức tạp như biến đổi khí hậu. Trong cái lôgic của sự đụng độ các thách thức mà thiên nhiên đặt ra cho con người và con người đặt ra cho thiên nhiên,[1] tôi đã mạn phép đưa ra một số suy nghĩ để tổ chức FAO, các Quốc Gia thành viên và những người tham gia hoạt động của tổ chức xem xét.

Biến đổi khí hậu hiện nay là bởi vì đâu? Chúng ta phải tự hỏi về trách nhiệm cá nhân và tập thể của chúng ta mà không cầu đến những ngụy biện dễ dàng ẩn núp sau những dữ kiện thống kê hay những dự báo trái ngược nhau. Đây không phải là bỏ qua những dữ liệu khoa học mà chúng ta đang cần đến hơn bao giờ hết, nhưng phải đi xa hơn là chỉ ghi nhận hiện tượng hay làm công việc kế toán những hiệu ứng đa dạng của nó.

Số phận con người của chúng ta nhất thiết có liên quan và trách nhiệm làm người canh giữ công trình tạo dựng và trật tự của nó bắt buộc chúng ta phải, bằng hành động đi đến tận gốc rễ, lần lên đến những nguyên nhân của các biến đổi. Chúng ta phải trước hết công nhận rằng những hiệu ứng tiêu cực khác nhau đối với khí hậu đến từ những thái độ hàng ngày của con người, của các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia. Nếu chúng ta ý thức được chuyện này, thì chỉ với sự đánh giá trên mặt đạo đức và tinh thần không thôi, sẽ không đủ. Cần phải hành động trên mặt chính trị và phải có những lựa chọn cần thiết, làm giảm thiểu hay khuyến khích những cách hành xử và lối sống của chúng ta, có lợi cho các thế hệ mai sau. Chỉ như thế chúng ta mới có thể bảo quản được hành tinh của chúng ta.

Những can thiệp cần được thực hiện, phải được kế hoạch hóa một cách thích hợp và không được là hậu quả của cảm xúc hay những lý do nhất thời. Quan trọng là phải lập chương trình cho chúng. Trong công việc này, các cơ chế, được kêu gọi cùng làm việc, thủ một vai trò cốt yếu, ngay từ lúc mà hành động của các cá nhân, dù là cần thiết, chỉ trở thành hữu hiệu nếu nó được đóng khung trong một mạng lưới có nhiều người, nhiều cơ quan công cộng và tư nhân, và các bộ máy quốc gia và quốc tế. Nhưng mạng lưới này không thể ẩn danh, mạng lưới này có danh xưng là tình huynh đệ và phải hành động trên cơ sở của sự liên đới căn bản của nó.

2. Những người tham gia vào công việc đồng áng, chăn nuôi, đánh cá, làm rừng, hay sinh sống trong những vùng nông thôn, tiếp xúc trực tiếp với những hiệu ứng biến đổi khí hậu, đã trải nghiệm rằng, nếu khí hậu biến đổi, đời sống của họ cũng thay đổi. Trên cuộc sống hàng ngày của họ, giáng xuống những tình trạng khó khăn, đôi khi thảm khốc, tương lai luôn trở nên bấp bênh hơn và như thế tư tưởng rời bỏ cha mẹ, nhà cửa được hình thành. Một ý tưởng rời bỏ nổi lên, cảm tưởng bị các cơ chế lãnh quên, mất đi những cống hiến có thể đến từ kỹ thuật và cả một sự tôn trọng chính đáng từ tất cả chúng ta là những người thụ hưởng thành quả lao động của họ.

Từ sự khôn ngoan của các cộng đồng nông thôn, chúng ta có thể học hỏi được một lối sống có khả năng giúp chống lại cái logic tiêu thụ và sản xuất bằng mọi giá, cái lôgic được bao trùm bởi những biện minh tốt đẹp, như gia tăng dân số, thực tế chỉ nhắm vào việc gia tăng lợi nhuận. Trong lãnh vực mà FAO hoạt động, đang có sự gia tăng con số những người nghĩ rằng, từ nay họ là toàn năng và có thể bỏ qua những quy trình bốn mùa hay thay đổi một cách không chính đáng các giống động vật hay thực vật, làm mất đi sự đa dạng mà nếu nó có trong thiên nhiên, có nghĩa là sự đa dạng đó có - và phải có - vai trò của nó. Sản xuất chất lượng, trong phòng thí nghiệm, cho những kết quả tuyệt vời, có thể có lợi cho một số người, nhưng lại có hại cho những người khác. Và nguyên tắc thận trọng không đủ bởi vì, nhiều khi, nó chỉ giới hạn vào việc ngăn cản làm chuyện gì đó thôi, trong lúc cần phải hành động với sự cân bằng và lương thiện. Bằng cách thay đổi gien di truyền để lựa chọn chất lượng của một loài cây có thể cho những kết quả đáng kinh ngạc trên mặt số lượng, nhưng chúng ta có tính tới sự kiện đất đai sẽ mất đi khả năng sản xuất, các nhà chăn nuôi không có đồng cỏ cho gia súc của họ và tất cả những tài nguyên thủy sản sẽ trở thành không thể dùng được hay không? Và nhất là, chúng ta có tự hỏi nếu và trong tầm mức nào chúng ta góp phần vào việc làm biến đổi khí hậu không?

Như vậy, không cần thận trọng mà cần khôn ngoan! Sự khôn ngoan mà nôngdân, ngư dân và những người chăn nuôi giữ kỹ trong ký ức của nhiều thế hệ và ngày nay đang bị diễu cợt và quên lãng bởi một mô hình sản xuất làm lợi cho những nhóm hạn chế và cho một phần nhỏ dân số thế giới. Chúng ta hãy nhớ, đây là một mô hình mà, với tất cả khoa học, đã làm cho gần 800 triệu người còn đang bị đói ăn.

3. Vấn đề có tác dụng trực tiếp trong những việc khẩn cấp mà các cơ chế liên chính phủ như FAO được kêu gọi hàng ngày phải đối phó và xử lý, ý thức được rằng những biến đổi khí hậu không riêng thuộc về giới khí tượng học. Làm thế nào để quên rằng, thời tiết cũng góp phần vào việc khiến cho sự lưu động của con người không kìm hãm được? Những dữ liệu mới nhất nói với chúng ta rằng, những di dân vì thời tiết ngày càng đông đảo và đang làm hàng ngũ của doàn người đứng chót, người bị loại, những người bị khước từ khả năng có một vai trò trong đại gia đình nhân loại. Một vai trò không thể được ban phát bởi một Nhà Nước hay một quy chế, mà nó thuộc về tất cả mọi con người với tư cách là nhân vị, với phẩm giá và quyền hạn của họ.

Đừng chỉ thông cảm và xúc động trước những người, ở khắp mọi nơi, đang phải đi xin miếng ăn hàng ngày. Cần thiết phải có sự lựa chọn và hành động. Thường xuyên, với tư cách là Giáo Hội công giáo, chúng ta đã nhắc nhở rằng, các cấp sản xuất trên thế giới cho phép đảm bảo thực phẩm cho mọi người, miễn là có một sự phân phối công bằng. Nhưng liệu chúng ta còn có thể tiếp tục trên đường lối đó được không, nếu những logic của thị trường lại đi theo những con đường khác, đến mức biến các nông sản thành một món hàng hóa tầm thường, đến mức luôn sử dụng thực phẩm cho các mục tiêu không mang tính lương thực hay phá hủy lương thực chỉ với lý do là nó thặng dư so với lợi nhuận chứ không so với nhu cầu? Quả vậy, chúng ta đều biết rằng bộ máy phân phối vẫn là lý thuyết nếu những người bị đói không được tiếp cận thực chất với thực phẩm, nếu bộ máy đó không tạo ra một quan hệ đúng đắn giữa yêu cầu và tiêu thụ, và không kém quan trọng, nếu người ta không triệt tiêu sự lãng phí và không giảm bớt những mất mát thực phẩm.

Tất cả chúng ta gồm những người trách nhiệm chính trị, những nông dân, ngư dân và người làm rừng, cũng như tất cả mọi công dân, đều được kêu gọi hãy hợp tác trong sự thay đổi phương hướng này. Chắc chắn là mỗi người sẽ tùy theo trách nhiệm của mình, nhưng tất cả mọi người đều có cùng một vai trò xây dựng một trật tự nội bộ cho các Quốc Gia và một trật tự quốc tế không còn cho phép sự phát triển chỉ là của riêng của một thiểu số, cũng như của cải thiên nhiên không còn là gia sản của những kẻ quyền thế. Các cơ hội không thiếu và những tấm gương tích cực, những hành động tốt, cho chúng ta những kinh nghiệm để có thể học hỏi, chia sẻ và phổ biến.

4. Ý chí hoạt động không thể lệ thuộc vào những lợi ích có thể có được, mà chính là sự đòi hỏi gắn liền với những nhu cầu đang thể hiện trong cuộc sống của những con người và của toàn thể gia đình nhân loại. Những nhu cầu vật chất và tinh thần, nhưng dù sao thì cũng là những nhu cầu đích thực, chứ không phải là kết quả của những lựa chọn của một số người, của những khuôn mẫu thời đại hay những lối sống khiến cho con người biến thành một đồ vật, khiến đời sống con người thành một dụng cụ, kể cả dụng cụ thử nghiệm, và khiến việc sản xuất lương thực thành một dịch vụ kinh tế không hơn không kém, trong đó, thẳng thừng hy sinh thực phẩm có sẵn, vốn từ bản chất, dành cho việc làm sao cho mỗi người đều có thể hàng ngày có được lương thực đủ ăn và lành mạnh.

Từ nay, chúng ta gần với một bước mới, vốn ở Marrakech, sẽ kêu gọi các quốc gia thành viên của Công Ước về biến đổi khí hậu hãy thực hiện những hứa hẹn đó. Tôi muốn diễn đạt ước mong của nhiều người và cầu mong rằng các mục tiêu đã được vạch ra bởi Hiệp Ước Paris không chỉ là những lời hay, ý đẹp, mà phải được biến thành những quyết định can đảm, có khả năng làm cho sự liên đới không chỉ là một nhân đức mà còn là một khuôn mẫu hành động về kinh tế, và làm cho tình huynh đệ, không chỉ một sự khao khát, mà là một tiêu chuẩn của sự cai trị nội bộ và quốc tế.

Thưa ông Tổng Giám Đốc, đây là một số suy nghĩ mà tôi muốn chuyển tới ông vào lúc này, lúc mà đang có những ưu tư mãnh liệt, những lo âu và căng thẳng gây ra bởi một vấn đề khí hậu đang ngày càng hiện diện trong thường nhật và đè nặng trước hết lên cuộc sống của những người anh chị em chúng ta, những người dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài xã hội nhiều nhất. Cầu xin Đấng Toàn Năng chúc lành cho những nỗ lực của ông để phục vụ toàn thể nhân loại.

 

Vatican, ngày 14 tháng 10 năm 2016

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng

 

 

 

Mai Khôi chuyển ngữ theo: https://fr.zenit.org/articles/climat-et-agriculture-le-principe-de-precaution-ne-suffit-pas-il-faut-de-la-sagesse/

 

 

 


[1] x. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato si', số 25.