Thông Điệp

Saturday, 04 April 2020 15:53

Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia (Giáo Hội Từ Bí Tích Thánh Thể) Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 17-04-2003) Featured

THÔNG ĐIỆP ECCLESIA DE EUCHARISTIA

(GIÁO HỘI TỪ BÍ TÍCH THÁNH THỂ)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

GỞI CHO CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, NAM NỮ TU SĨ VÀ CÁC TÍN HỮU

NGÀY 17 THÁNG 04 NĂM 2003

***

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

***

DẪN NHẬP

 

1. Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia vivit). Chân lý này không chỉ diễn tả một kinh nghiệm hằng ngày của đức tin, nhưng dưới hình thức tổng hợp nó còn gồm tóm cả cốt lõi của mầu nhiệm Giáo Hội. Trong hân hoan, Giáo Hội cảm nghiệm dưới nhiều hình thức sự thể hiện liên tục lời hứa: “Và Thầy, Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Nhưng trong Bí Tích Thánh Thể, nhờ sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa, Giáo Hội được vui hưởng sự hiện diện này với một cường độ duy nhất. Từ ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Giáo Hội, Dân của Giao Ước Mới, khởi đầu cuộc lữ hành về quê hương thiên quốc, Bí Tích thần linh vẫn tiếp tục in dấu trên những ngày sống của Giáo Hội, lắp đầy chúng với niềm hy vọng tín thác.

Công Đồng Vatican II đã chính thức công bố rằng Hy Tế Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu”.[1] “Thật vậy, Bí Tích Thánh Thể rất thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội, đó là chính Chúa Kitô, Người là mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta, Người là Bánh Hằng Sống, ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã được sinh động nhờ Thánh Thần và làm cho con người được sống”.[2] Vì thế, Giáo Hội luôn chăm chú hướng nhìn vào Chúa mình, hiện diện trong Bí Tích của bàn thờ, trong đó Giáo Hội khám phá ra tình yêu vô biên của Ngài được tỏ hiện tràn đầy.

2. Trong đại năm thánh 2000, tôi được cử hành lễ Tạ Ơn trong nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem, theo truyền thống, nơi đó chính Chúa Kitô đã cử hành Hiến Tế Tạ Ơn này. Nhà Tiệc ly là nơi bí tích rất thánh này được thiết lập. Chính nơi đó, Chúa Kitô đã cầm bánh trong tay, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả hãy cầm lấy mà ăn: Này là mình Thầy bị nộp vì anh em” (x. Mt 26,26; Lc 22,19; 1Cr 11,24). Rồi Ngài cầm trong tay chén rượu nho và nói: “Tất cả hãy cầm lấy mà uống, này là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước Mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội” (x. Mc 14,24; Lc 22,20; 1Cr 11,25). Tôi tạ ơn Chúa Giêsu đã cho tôi nói lại cũng tại nơi đó, vâng theo lệnh truyền của Ngài: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”(Lc 22,19), những lời mà Ngài đã nói cách đây hai ngàn năm.

Các Tông Đồ, những người đã tham dự vào Bữa Tiệc Ly có hiểu ý nghĩa của những lời từ miệng Chúa Kitô nói không? Có thể là không. Những lời ấy chỉ được sáng tỏ một cách đầy đủ sau Tam Nhật Vượt Qua mà thôi, nghĩa là khoảng thời gian từ chiều Thứ Năm đến sáng Chúa Nhật. Chính trong những ngày đó, mầu nhiệm Vượt Qua được khắc ghi (Mysterium Paschale); cũng chính trong ngày đó mà mầu nhiệm Thánh Thể được khắc ghi (Mysterium Eucharisticum).

3. Giáo Hội được khai sinh từ mầu nhiệm vượt qua. Chính vì thế mà Thánh Thể, bí tích tuyệt hảo của mầu nhiệm vượt qua, nằm ở trung tâm đời sống Giáo Hội. Người ta nhận thấy rõ ngay từ những hình ảnh đầu tiên của Giáo Hội mà sách Công Vụ Tông Đồ đã ghi lại cho chúng ta: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42). Bí Tích Thánh Thể được gợi lên trong “Lễ Bẻ Bánh”. Hai ngàn năm sau, chúng ta tiếp tục thực hiện hình ảnh nguyên thủy đó của Giáo Hội. Và khi chúng ta làm như thế trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, tâm hồn chúng ta nhìn về Tam Nhật Vượt Qua, về những gì xảy ra chiều Thứ Năm Tuần Thánh trong bữa tiệc ly và sau đó. Thật vậy, việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể đã thực hiện trước dưới hình thức bí tích, những biến cố sẽ được thực hiện sau đó ít lâu, từ khi Chúa hấp hối trong vườn Giếtsêmani. Chúng ta nhìn thấy lại Chúa Giêsu ra khỏi nhà tiệc ly, đi xuống với các môn đệ để băng qua suối Cédron và đi vào vườn Cây Dầu. Trong vườn này, ngày nay vẫn còn vài cây Ôliu cổ thụ. Có lẽ chúng đã chứng kiến những gì đã xảy ra dưới bóng của chúng đêm hôm ấy khi Chúa Kitô cầu nguyện và một nỗi lo sợ chết người đã xâm chiếm Ngài và “mồ hôi của Ngài trở nên như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44). Máu mà Ngài vừa ban cho Giáo Hội trước đó một chút như của uống cứu độ trong Bí Tích Thánh Thể, đã bắt đầu đổ ra. Việc đổ máu đó sẽ hoàn tất trên đồi Golgotha, trở nên dụng cụ của ơn cứu độ chúng ta: “Đức Kitô? Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai?, đã tiến vào cung thánh một lần thay cho tất cả, không phải với máu dê đực và máu bò non nhưng với chính máu của mình, và lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9,11-12).

4. Giờ cứu chuộc của chúng ta. Mặc dù bị thử thách nặng nề, Chúa Giêsu không trốn chạy “giờ” của Ngài: “Biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. Nhưng không! Chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). Ngài mong muốn các môn đệ tỉnh thức với Ngài và trái lại, Ngài phải kinh nghiệm sự cô đơn và bị bỏ rơi: “Thế ra, anh em không thể thức được một giờ với Thầy sao? Hãy tĩnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Mt 26,40-41). Chỉ một mình Gioan đứng dưới chân thập giá bên cạnh Đức Maria và những phụ nữ đạo đức. Cơn hấp hối ở vườn Giếtsêmani là khởi đầu của cơn hấp hối trên Thập Giá Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Giờ thánh, giờ cứu độ của thế giới. Khi cử hành Bí Tích Thánh Thể gần mồ Chúa Giêsu ở Giêrusalem, người ta trở về như sờ được “giờ” của Ngài, giờ của Thập Giá và của tôn vinh. Bất cứ linh mục nào cử hành thánh lễ đều trở về bằng tâm trí nơi đó và giờ đó, đồng thời với cộng đoàn Kitô hữu đang tham dự.

“Người đã chịu đóng đinh, đã chết và đã được mai táng, đã xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba, Người đã sống lại từ trong kẻ chết”. Tiếp theo những lời tuyên xưng đức tin này vọng lên những lời chiêm ngắm và công bố: “Đây là gỗ thánh giá nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy” (Ecce lignum crucis in quo salus mundi pependit. Venite adoremus). Đó là lời mời gọi mà Giáo Hội ngỏ với mọi người chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Giáo Hội sẽ tiếp tục hát và công bố suốt mùa phục sinh: “Chúa đã trỗi dậy từ ngôi mộ, Đấng đã chịu treo trên cây gỗ vì chúng ta Alleluia” (Surrexit Dominus de sepulcro qui pro nobis pependit in ligno Alléluia).

5. “Mysterium Fidei – Mầu nhiệm đức tin!”. Khi linh mục đọc hay hát những lời này, giáo dân tung hô: “Chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng Chúa đã sống lại cho tới khi Chúa lại đến trong vinh quang”.

Với những lời đó hay những lời tương tự, Giáo Hội chỉ rõ Chúa Kitô trong mầu nhiệm Khổ Nạn của Ngài, và cũng biểu lộ chính mầu nhiệm của mình: Giáo Hội từ Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia). Nếu chính nhờ Chúa Thánh Thần được ban vào ngày Lễ Ngũ Tuần mà Giáo Hội được khai sinh và bắt đầu cuộc hành trình của mình trên các nẻo đường của thế giới, thì chắc chắn việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong nhà Tiệc Ly là một khoảnh khắc quyết định của việc thiết lập Giáo Hội. Nền tảng và nguồn gốc của Giáo Hội, chính là tất cả Tam Nhật Vượt Qua (Triduum Pascal), nhưng Tam Nhật này như được chứa đựng, được thực hiện trước và “cô đọng lại” mãi mãi trong hồng ân Thánh Thể. Trong hồng ân này, Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội nhiệm vụ hiện tại hóa không ngừng mầu nhiệm vượt qua. Nhờ hồng ân này, Ngài thiết lập “tính cách đồng thời” huyền nhiệm giữa Tam Nhật và dòng thời gian.

Nghĩ đến điều này làm nảy sinh trong chúng ta những tâm tình ngưỡng mộ cao cả và đầy lòng biết ơn. Trong biến cố vượt qua, và trong Bí Tích Thánh Thể hiện tại hóa biến cố vượt qua theo dòng thời gian, có một “nội dung” thật lớn lao, trong đó tất cả lịch sử đều hiện diện với tư cách là kẻ đón nhận hồng ân cứu độ. Tâm tình ngưỡng mộ này phải luôn thấm nhập Giáo Hội, quy tụ để cử hành Bí Tích Thánh Thể. Nhưng trên hết, nó phải tràn ngập tâm hồn thừa tác viên Thánh Thể. Thật vậy, chính vị đó thực hiện việc truyền phép nhờ năng quyền đã được ban cho trong bí tích truyền chức. Chính ngài đọc lên, với quyền năng mà Chúa Kitô ban cho từ nhà Tiệc Ly, những lời: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em? Này là chén Máu Thầy sẽ đổ ra cho anh em?”. Linh mục đọc những lời đó, hay đúng hơn, ngài đặt miệng lưỡi và tiếng nói của ngài dưới quyền sử dụng của Đấng đã nói những lời ấy trong nhà Tiệc Ly, và đã muốn rằng những lời ấy phải được lặp lại, từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi những ai tham dự vào chức tư tế của Ngài trong Giáo Hội.

6. Qua thông điệp này, tôi muốn khơi lại “tâm tình ngưỡng mộ” Thánh Thể, trong đường hướng của di sản Năm Thánh mà tôi đã muốn lưu lại cho Giáo Hội qua Tông thư Novo Millennio Ineunte (Bước vào ngàn năm mới)Tông thư Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria), là đỉnh cao của nó. Chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Kitô, chiêm ngắm với Mẹ Maria, đó là “chương trình” mà tôi đã vạch ra cho Giáo Hội vào lúc bình minh của ngàn năm thứ ba, kêu mời Giáo Hội ra khơi trên đại dương của lịch sử với nhiệt tình Tân Phúc Âm hóa. Chiêm ngắm Chúa Kitô đòi buộc mọi người phải biết nhận ra Ngài bất cứ nơi nào Ngài tỏ hiện, trong nhiều cách thế hiện diện của Ngài, nhưng trên hết, trong Bí Tích sống động của Mình và Máu Ngài. Giáo Hội sống nhờ Chúa Kitô Thánh Thể, nhờ Ngài, Giáo Hội được nuôi dưỡng, nhờ Ngài, Giáo Hội được soi sáng. Bí Tích Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin, và đồng thời là một “mầu nhiệm ánh sáng”.[3]

Mỗi lần Giáo Hội cử hành bí tích này, giáo dân có thể một cách nào đó sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ làng Emmaus: “Mắt họ mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,31).

7. Từ khi tôi bắt đầu nhiệm vụ của người kế vị Thánh Phêrô, tôi luôn muốn đem lại cho ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của Thánh Thể và của chức linh mục, một dấu hiệu để lưu tâm đặc biệt bằng cách gởi một bức thư cho tất cả các linh mục trên thế giới. Năm nay, năm thứ hai mươi lăm triều đại giáo hoàng của tôi, tôi muốn lôi kéo một cách rộng rãi hơn, toàn thể Giáo Hội vào việc suy tư Thánh Thể này, và cũng đồng thời tạ ơn Chúa vì hồng ân của Thánh Thể và của chức tư tế: “Hồng ân và mầu nhiệm”.[4] Quả vậy, khi công bố năm Mân Côi, tôi đã muốn đặt năm thứ hai mươi lăm này, dưới dấu chỉ của việc chiêm ngắm Chúa Kitô trong trường dạy của Mẹ Maria, tôi không thể để ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 2003 này qua đi mà không dừng lại trước “khuôn mặt Thánh Thể” của Chúa Kitô, chỉ rõ một cách mạnh mẽ hơn nữa chỗ đứng trung tâm của Bí Tích Thánh Thể. Chính Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể. Chính Giáo Hội nuôi mình bằng “bánh hằng sống” này. Làm sao không cảm thấy nhu cầu phải thúc bách mọi người luôn luôn sống bí tích này một cách mới mẻ hơn?

8. Khi tôi nghĩ đến Bí Tích Thánh Thể, đồng thời nhìn lại cuộc đời linh mục, giám mục và người kế vị Thánh Phêrô của tôi, tự nhiên tôi nhớ đến rất nhiều lúc và nhiều nơi mà tôi đã cử hành thánh lễ. Tôi nhớ đến nhà thờ giáo xứ Niegowic, nơi mà tôi đã thi hành lần đầu tiên chức vụ mục tử của tôi, đến nhà thờ Saint-Florian ở Cracovi, đến nhà thờ chính tòa Wawel, đến vương cung thánh đường Thánh Phêrô, và nhiều vương cung thánh đường khác và các nhà thờ ở Rôma và trên khắp thế giới. Tôi đã được cử hành thánh lễ trong nhà nguyện trên triền núi, trên bờ hồ, trên bãi biển, tôi đã dâng thánh lễ trên bàn thờ dựng ngay trong sân vận động, trên công trường các thành phố? Những khung cảnh khác nhau ấy của những lần cử hành Bí Tích Thánh Thể làm cho tôi cảm nhận mãnh liệt tính cách phổ quát của chúng và có thể nói là tính cách vũ trụ. Đúng thế! Vũ trụ! Vì dù thánh lễ được cử hành trên một bàn thờ nhỏ của một nhà nguyện thôn quê đi nữa, Bí Tích Thánh Thể vẫn được cử hành theo một nghĩa nào đó, trên bàn thờ của thế giới. Bí Tích Thánh Thể là một mối dây nối kết trời và đất. Nó bao gồm và thấm nhập toàn thể thụ tạo. Con Thiên Chúa đã làm người để hoàn lại toàn thể thụ tạo cho Đấng đã kéo nó ra từ hư vô, trong một hành động chúc tụng tuyệt vời. Chính vì thế mà Ngài, linh mục thượng phẩm đời đời, khi bước vào cung thánh vĩnh cửu nhờ máu đổ ra trên thập giá, Ngài đã hoàn lại cho Đấng Tạo Thành và là Cha toàn thể thụ tạo được cứu chuộc. Ngài thực hiện điều đó nhờ tác vụ linh mục của Giáo Hội, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi chí thánh. Chính thực đó mới là mầu nhiệm đức tin (Mysterium Fidei) được thực hiện trong Bí Tích Thánh Thể: thế gian thoát thai từ tay Thiên Chúa Tạo Thành, trở về với Ngài sau khi đã được Chúa Kitô chuộc lại.

9. Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu trong cộng đoàn tín hữu và lương thực thiêng liêng cho cộng đoàn này, là những gì quý giá nhất mà Giáo Hội có thể có được trong cuộc lữ hành theo dòng thời gian. Điều đó giải thích tại sao Giáo Hội luôn ân cần chú tâm đến Mầu Nhiệm Thánh Thể, một sự chú tâm chính thức thấy rõ trong công trình của các Công Đồng và của các Đức Giáo Hoàng. Làm sao không ngưỡng mộ giáo thuyết của những sắc lệnh về Bí Tích Thánh Thể và về Hy Tế Thánh Lễ được Công Đồng Trento ban bố? Trải qua các thế kỷ, những trang đó đã hướng dẫn khoa thần học cũng như khoa huấn giáo và vẫn còn là một tham chiếu tín lý cho sự canh tân liên tục và cho sự tăng trưởng của Dân Chúa trong niềm tin và lòng mến đối với Bí Tích Thánh Thể. Trong thời gian gần chúng ta hơn, phải nói đến ba Thông điệp: Mirae Caritatis của Đức Lêô XIII (28-5-1902),[5] Mediator Dei của Đức Đức Giáo Hoàng Piô XII (20-11-1947)[6]Mysterium Fidei của Đức Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (3-9-1965).[7]

Công Đồng Vatican II không công bố một văn kiện đặc biệt nào về Mầu Nhiệm Thánh Thể, nhưng đã nêu lên nhiều khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm này trong toàn bộ các văn kiện, đặc biệt là trong hiến chế tín lý Lumen Gentium về Giáo Hội và trong hiến chế Sacrosanctum Concilium về Phụng Vụ thánh.

Chính tôi, trong những năm đầu tiên của sứ vụ tông đồ trên Tòa Phêrô, nhờ Tông thư Dominicae Cenae (bàn tiệc của Chúa) (24-2-1980),[8] tôi đã có dịp đề cập đến một vài khía cạnh của Mầu Nhiệm Thánh Thể, đến ảnh hưởng của nó trên đời sống những thừa tác viên của mầu nhiệm này. Hôm nay tôi trở lại đề tài này, với một con tim tràn ngập cảm kích và tri ân hơn, hòa nhịp một cách nào đó với tác giả thánh vịnh: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa” (Tv 116 12-13).

10. Một sự tăng trưởng nội tâm của cộng đoàn Kitô hữu đã đáp lại mối quan tâm muốn loan báo của Huấn Quyền. Chắc hẳn việc canh tân Phụng Vụ của Công Đồng đã mang đến nhiều thiện ích về phương diện tham dự ý thức hơn, tích cực và hiệu năng hơn của các tín hữu vào Hy Tế trên bàn thờ. Đàng khác, trong nhiều địa phương, việc tôn thờ Thánh Thể có một chỗ đứng quan trọng hằng ngày và trở nên nguồn suối vô tận của sự thánh thiện. Việc tham dự sốt sắng của tín hữu vào những cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa vào dịp lễ trọng Mình và Máu Thánh Chúa là một hồng ân Chúa ban, làm cho những ai tham dự mỗi năm đều tràn đầy hân hoan. Người ta có thể nêu lên nơi đây nhiều dấu hiệu tích cực khác về niềm tin và lòng yêu mến Thánh Thể.

Bất hạnh thay, bên cạnh những ánh sáng này, lại không thiếu những bóng tối. Quả vậy, ở nhiều nơi, việc tôn thờ Thánh Thể gần như hoàn toàn bị bỏ rơi. Thêm vào đó, do hoàn cảnh này hay hoàn cảnh nọ trong Giáo Hội, nhiều lạm dụng đã làm lu mờ đức tin ngay chính và giáo thuyết Công Giáo liên can đến Bí Tích kỳ diệu này. Đôi khi cũng nảy sinh một cách hiểu rất giản lược về Mầu Nhiệm Thánh Thể. Bỏ đi giá trị hy tế của nó, Thánh Thể chỉ có ý nghĩa và giá trị của một cuộc gặp gỡ thân hữu trong một bữa tiệc thông thường mà thôi. Hơn nữa, sự cần thiết của chức tư tế thừa tác, dựa trên việc kế nhiệm các tông đồ, đôi khi cũng bị lu mờ và tính chất bí tích của Thánh Thể đã bị giản lược duy vào hiệu năng loan báo. Từ đó, nơi này hay nơi khác, nhiều sáng kiến đại kết, dù rất thiện chí, đã rơi vào những việc thực hành Thánh Thể đi ngược lại với kỷ luật trong đó Giáo Hội diễn tả niềm tin của mình. Làm sao không đau đớn sâu xa trước những điều này? Thánh Thể là một hồng ân quá lớn lao đến nỗi không thể chấp nhận sự hàm hồ và giản lược nào.

Tôi hy vọng thông điệp này có thể góp phần để đánh tan một cách hữu hiệu những bóng tối trên phương diện giáo thuyết và những cách thực hành không thể chấp nhận được, hầu Bí Tích Thánh Thể tiếp tục chói sáng trong tất cả vẻ huy hoàng của mầu nhiệm.

***

CHƯƠNG I

MẦU NHIỆM ĐỨC TIN

 

11. “Chính trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu đã thiết lập Hy Tế Thánh Thể là Mình và Máu Ngài” (1Cr 11,23). Những lời của Thánh Phaolô Tông Đồ đưa dẫn chúng ta trở lại với những hoàn cảnh bi thương trong đó Bí Tích Thánh Thể được khai sinh, được đánh dấu không thể xóa mờ bởi biến cố khổ nạn và cái chết của Chúa. Bí Tích Thánh Thể không chỉ là việc khơi gợi biến cố đó, nhưng còn là tái hiện mang tính bí tích của biến cố ấy. Đó là hy tế Thập Giá được tiếp tục trong thời gian.[9] Người ta thấy trong nghi lễ latinh một cách diễn tả rất thích hợp về chân lý này trong những lời tung hô mà dân chúng đáp lại lời công bố “mầu nhiệm đức tin” của linh mục: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết”.

Giáo Hội đã đón nhận Thánh Thể của Chúa Kitô, Chúa của mình không phải chỉ như một hồng ân, dù quí báu đến đâu, giữa những hồng ân khác, nhưng như là một hồng ân tuyệt hảo, vì hồng ân đó chính là Ngài, là ngôi vị trong nhân tính thánh thiện của Ngài, và là công trình cứu chuộc của Ngài. Điều này không dừng lại trong dĩ vãng, vì “tất cả những gì Chúa Kitô là, và tất cả những gì Ngài đã làm và đã chịu vì nhân loại đều mang tính chất vĩnh cửu thần linh nên vượt mọi thời gian?”.[10]

Khi Giáo Hội cử hành Bí Tích Thánh Thể, tưởng niệm sự chết và phục sinh của Chúa mình, biến cố trung tâm này của ơn cứu độ thực sự trở nên hiện tại và như vậy, “công trình cứu độ chúng ta được thực hiện”.[11] Hy tế này có tính quyết định đối với việc cứu độ loài người đến nỗi Chúa Giêsu Kitô chỉ hoàn thành và trở về với Chúa Cha sau khi đã để lại cho chúng ta phương thế tham dự vào, như thể chúng ta đã có mặt lúc bấy giờ. Vì thế, mọi tín hữu đều có thể tham dự vào và nếm được những hoa quả của hy tế ấy một cách vô tận. Đó là đức tin mà các thế hệ Kitô hữu đã sống trải qua các thời đại. Niềm tin ấy, Huấn Quyền của Giáo Hội đã không ngừng nhắc đi nhắc lại với lòng tri ân hoan hỉ vì hồng ân vô giá này.[12] Một lần nữa, tôi ước mong nêu lên lại chân lý này, bằng cách phục lạy tôn thờ Mầu Nhiệm này với anh chị em, anh chị em thân mến, Mầu Nhiệm vô biên, Mầu Nhiệm của lòng thương xót. Chúa Giêsu có thể làm gì hơn nữa cho chúng ta? Trong Bí Tích Thánh Thể Ngài cho chúng ta thấy thực sự một tình yêu “cho đến cùng” (x. Ga 13,1), một tình yêu không còn ranh giới.

12. Khía cạnh này của đức ái phổ quát trong Bí Tích Thánh Thể được đặt nền tảng trên chính những lời của Đấng Cứu Thế. Khi thiết lập bí tích này, Chúa Giêsu không những chỉ nói “Này là Mình Thầy”, “này là Máu Thầy”, nhưng Ngài đã thêm “bị nộp vì anh em”“đổ ra vì nhiều người” (Lc 22,19-20). Ngài không chỉ xác quyết những gì Ngài ban cho họ ăn và uống là thịt máu Ngài mà thôi, trái lại Ngài cũng diễn tả giá trị hy tế của chúng nữa, bằng cách hiện tại hóa một cách bí tích hy tế của Ngài được hoàn tất trên thập giá một vài giờ sau đó để cứu rỗi mọi người. “Thánh Lễ vừa là lễ tưởng niệm hy tế Thập Giá để lưu truyền muôn đời, vừa là bàn tiệc thánh để thông hiệp với Mình và Máu Chúa, cả hai gắn liền và không thể tách rời nhau”.[13]

Giáo Hội liên tục sống nhờ hy tế cứu độ, và đạt đến hy tế đó không phải bằng một kỷ niệm đơn thuần đầy niềm tin mà thôi, nhưng còn bằng một tiếp xúc hiện tại, vì hy tế này trở nên hiện diện, hiện diện luôn mãi cách bí tích, trong mọi cộng đoàn hiến dâng nó, qua tay của thừa tác viên được thánh hiến. Bằng cách đó, Thánh Thể làm lan rộng đến con người hôm nay sự giao hòa do Chúa Kitô thực hiện duy nhất một lần cho nhân loại của mọi thời. Thật vậy “hy tế của Chúa Kitô và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất”.[14] Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói một cách rõ ràng: “Chúng ta luôn hiến dâng cũng một con chiên đó thôi, không phải hôm nay một con, ngày mai con khác, nhưng mãi mãi là một con chiên mà thôi. Vì lẽ ấy, mãi mãi chỉ có một hy tế mà thôi [?]. Ngay cả hôm nay, chúng ta dâng lên hiến vật đã được tiến dâng lúc bấy giờ và sẽ không bao giờ tàn lụi nữa”.[15]

Thánh Lễ hiện tại hóa hy tế thập giá, không thêm bớt gì mà cũng không nhân lên được.[16] Những gì được lặp lại, chính là việc cử hành bằng tưởng niệm, việc “trình bày bằng tưởng niệm” (memorialis demonstratio) của hy tế,[17] nhờ đó hy tế cứu độ duy nhất và dứt khoát của Chúa Kitô được hiện diện trong thời gian. Bản chất hy tế của Mầu Nhiệm Thánh Thể không được hiểu như một cái gì đó hiện hữu trong chính mình, không liên hệ gì với Thập Giá, hay chỉ quy chiếu một cách gián tiếp về hy tế trên đỉnh đồi Canvariô mà thôi.

13. Nhờ liên hệ mật thiết với hy tế Golgotha, Bí Tích Thánh Thể là một hy tế theo nghĩa đen, chứ không chỉ theo nghĩa chung chung, như thể đây chỉ là một hiến dâng thông thường mà Chúa Kitô đã trao ban làm lương thực thiêng liêng cho các tín hữu. Quả thật, sự dâng hiến trong tình yêu và trong vâng phục của Ngài cho đến chết (x. Ga 10,17-18) trước tiên là sự dâng hiến cho Cha Ngài. Đó chính là một hồng ân cho chúng ta và cho cả nhân loại (x. Mt 26,28; Mc 24,14; Lc 22,20; Ga 10,15), nhưng trước hết chính là sự dâng hiến cho Chúa Cha: “hy tế mà Chúa Cha đã ưng nhận, khi Người đáp lại sự dâng hiến vẹn toàn của Con Ngài, Đấng đã “vâng phục cho đến chết” (Pl 2,8), bằng sự ban tặng đầy tình phụ tử, nghĩa là ban cho Con sự sống mới và vĩnh cửu trong sự phục sinh”.[18]

Khi ban cho Giáo Hội hy tế của Ngài, Chúa Kitô đồng thời cũng muốn biến hy tế thiêng liêng của Giáo Hội thành hy tế của mình, Giáo Hội đã được mời gọi tự hiến chính mình cùng với hy tế của Chúa Kitô. Đó là lời của Công Đồng Vatican II dạy, liên hệ đến các tín hữu: “khi tham dự vào Hy Tế Thánh Thể, nguồn suối và đỉnh cao của tất cả đời sống Kitô hữu, họ hiến dâng lên Thiên Chúa tế phẩm và tự hiến chính mình với tế phẩm đó”.[19]

14. Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô cũng bao gồm sự phục sinh của Ngài cùng với cuộc khổ nạn và cái chết, như lời tung hô của tín hữu sau khi truyền phép “chúng con tuyên xưng Chúa đã sống lại”. Thật vậy, Hy Tế Thánh Thể hiện tại hóa chẳng những mầu nhiệm khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Thế nhưng còn cả mầu nhiệm phục sinh nữa, trong đó hy tế đạt đến sự viên mãn của nó. Chính Chúa Kitô sống và phục sinh, mới có thể trở nên “bánh sự sống” (Ga 6,35.48), “bánh hằng sống” (Ga 6,51). Thánh Ambrôsiô đã nhắc cho các tân tòng điều đó khi áp dụng biến cố phục sinh vào đời sống của họ: “Nếu Chúa Kitô hôm nay là của bạn, Ngài phục sinh cho bạn mỗi ngày”.[20] Thánh Cyrillô thành Alexandria nhấn mạnh rằng việc tham dự vào những Mầu Nhiệm Thánh “thực sự là một lời tuyên xưng và là một nhắc nhớ rằng Chúa đã chết và đã sống lại cho chúng ta và vì lợi ích của chúng ta”.[21]

15. Trong thánh lễ, việc tái hiện có tính bí tích hy tế của Chúa Kitô được kiện toàn nhờ sự phục sinh của Ngài bao hàm một sự hiện diện hoàn toàn đặc biệt, mà – theo cách nói của Đức Đức Giáo Hoàng Phaolô VI – người ta gọi là “đích thực”, không phải với danh nghĩa độc hữu, như thể những cách hiện diện khác không phải là “đích thực”, nhưng theo cách nói hoán xưng, bởi vì sự hiện diện này là hiện diện bản thể và nhờ nó, “Chúa Kitô, vừa là con người vừa là Thiên Chúa, hiện diện nguyên vẹn”.[22] Như thế, giáo thuyết luôn có giá trị của Công Đồng Trento được nhắc lại một lần nữa: “Nhờ việc truyền phép bánh và rượu, việc thay đổi tất cả bản thể của bánh thành bản thể của Mình Chúa Kitô, Chúa chúng ta và sự thay đổi tất cả bản thể của rượu thành bản thể của Máu Ngài; sự thay đổi này, Giáo Hội Công Giáo gọi một cách đúng đắn và chính xác là sự biến bản thể (transubstantiation)”.[23] Thánh Thể thực sự là mầu nhiệm đức tin (Mysterium Fidei), mầu nhiệm vượt xa lý trí chúng ta và chỉ có thể được chấp nhận bằng đức tin mà thôi, như giáo lý của các giáo phụ đã thường nhắc đến về Bí Tích thần linh này. Thánh Cyrillô thành Giêrusalem khuyên dạy rằng: “Bạn đừng nhìn trong bánh và rượu những yếu tố thuần tuý tự nhiên, bởi vì Chúa đã nói rõ đó là Mình và Máu Người; đức tin bảo đảm cho bạn, mặc dù giác quan bạn trông thấy thể khác”.[24]

Chúng ta sẽ tiếp tục hát với vị Tiến Sĩ thiên thần: “Con tôn thờ Chúa hết lòng, ôi Chúa ẩn mình” (Adoro Te devote, latens Deitas). Đứng trước mầu nhiệm tình yêu này, lý trí nhân loại cảm nhận được sự hữu hạn của mình. Người ta hiểu tại sao trong nhiều thế kỷ, chân lý này đã được khoa thần học nổ lực thật nhiều để tìm hiểu.

Đó là nhữõng cố gắng đáng khen, chúng càng ích lợi và càng thâm sâu khi chúng kết hợp được tư duy có phê phán với “đức tin sống thực” (la foi vécue) của Giáo Hội, được gồm tóm cách đặc biệt trong “đặc sủng chắc chắn về chân lý” của Huấn Quyền và trong “sự hiểu biết nội tâm những thực tại thiêng liêng” mà các thánh đều đạt đến.[25] Dù sao cũng còn một ranh giới mà Đức Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nêu rõ: “Khi tìm hiểu phần nào về mầu nhiệm này, để đúng với đức tin Công Giáo, tất cả mọi giải thích thần học phải nhận rằng, trong thực tếù không tùy thuộc vào lý trí chúng ta, bánh và rượu đã không còn nữa sau khi truyền phép, đến nỗi chính Mình và Máu đáng tôn thờ của Chúa chúng ta, lúc ấy, hiện diện thực sự trước mặt chúng ta dưới các hình bánh và rượu”.[26]

16. Hiệu quả cứu độ của hy tế được thực hiện sung mãn trong việc hiệp lễ, khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa. Hy Tế Thánh Thể tự nó hướng tới việc hiệp nhất thâm sâu của chúng ta là những tín hữu, với Chúa Kitô qua việc rước lễ: chúng ta nhận lấy chính Ngài, Đấng đã tự hiến cho chúng ta, chúng ta nhận lấy thân mình Ngài, thân mình mà Ngài đã nộp vì chúng ta trên Thập Giá, máu mà Ngài đã “đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Mt 26,28). Hãy nhớ những lời của Ngài: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn lấy tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57). Chính Chúa Giêsu đã bảo đảm với chúng ta rằng: một sự hiệp nhất như thế, mà Ngài so sánh tương tự như hiệp nhất trong đời sống Ba Ngôi, thực sự được thể hiện. Thánh Thể đích thực là một bữa tiệc, trong đó Chúa Kitô tự hiến làm của ăn. Khi Chúa Giêsu nói lần đầu tiên về thức ăn này, các thính giả của Ngài đều ngỡ ngàng và bối rối, đòi buộc Ngài phải nhấn mạnh đến chân lý khách quan của những lời Ngài: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53). Đây không nói đến một của ăn theo cách tượng trưng: “Thịt tôi là của ăn thật, và máu tôi là của uống thật” (Ga 6,55).

17. Qua việc thông hiệp vào Mình và Máu Ngài, Chúa Kitô cũng chuyển thông cho chúng ta Thánh Thần của Ngài. Thánh Ephrem viết: “Ngài gọi bánh là thân thể sống động của Ngài, Ngài đã cho nó tràn ngập chính bản thân Ngài và Thánh Thần của Ngài [?]. Và ai ăn lấy Ngài với niềm tin cũng ăn lấy Lửa và Thánh Thần [?]. Tất cả hãy cầm lấy, hãy ăn lấy, và hãy ăn Chúa Thánh Thần cùng với Ngài. Đây chính là thân xác tôi và ai ăn lấy sẽ sống đời đời”.[27] Trong lời xin ban Thánh Thần của kinh nguyện Thánh Thể, Giáo Hội nài xin Thánh Thần, nguồn suối của mọi hồng ân khác. Ví dụ người ta đọc thấy trong sách Phụng Vụ thần linh của thánh Gioan Kim Khẩu: “Chúng con kêu cầu Ngài, chúng con nguyện xin Ngài và chúng con khẩn nài Ngài: xin hãy sai Thánh Thần Chúa xuống trên tất cả chúng con và trên những của lễ này,[?] hầu những ai tham dự lãnh nhận được sự thanh tẩy tâm hồn và ơn tha tội và ân huệ của Chúa Thánh Thần”.[28] Và trong Sách Lễ Rôma, chủ tế cầu xin: “Khi chúng con được Mình và Máu Con Cha nuôi dưỡng và được tràn đầy Thánh Thần của Ngài, xin cho chúng con được trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”.[29] Như thế, nhờ hồng ân Mình và Máu Ngài, Chúa Kitô làm tăng triển trong chúng ta, hồng ân của Thánh Thần Ngài, đã được lãnh nhận trong Bí Tích Rửa Tội, và được trao ban như “ấn tích” trong Bí Tích Thêm Sức.

18. Lời tung hô của dân chúng sau khi truyền phép kết thúc một cách rất thích hợp khi diễn tả chiều kích cánh chung đánh dấu trên việc Cử Hành Thánh Thể (x. 1Cr11,26): “Chúng con đợi chờ Chúa trở lại trong vinh quang”. Bí Tích Thánh Thể là hướng đến điểm chung kết, tiền dự vào niềm vui sung mãn mà Chúa Kitô đã hứa (x. Ga 15,11). Bí Tích Thánh Thể, theo một nghĩa nào đó, là sự nếm trước hương vị thiên đàng “bảo đảm cho vinh quang sẽ tới”.[30] Trong Bí Tích Thánh Thể, tất cả đều diễn tả sự đợi chờ đầy tin tưởng này: “Chúng tôi mong ước niềm hạnh phúc mà Chúa hứa và sự quang lâm của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ chúng tôi”.[31] Ai nuôi mình bằng Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, không cần đợi chờ một thế giới bên kia để nhận lãnh sự sống đời đời, họ đã chiếm hữu nó ngay từ đời này, như hoa quả đầu mùa của sự sung mãn sẽ tới, liên hệ đến toàn thể con người. Thật vậy, trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được sự bảo đảm về việc xác sống lại trong ngày sau hết: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, người ấy sẽ sống đời đời, và tôi, tôi sẽ cho họ sống lại ngày sau hết” (Ga 6,54). Bảo đảm ấy về sự phục sinh trong tương lai đến từ sự kiện là thịt của Con Người, được trao ban làm của ăn, là thân xác vinh quang của Đấng Phục Sinh. Có thể nói, với Bí Tích Thánh Thể, người ta như nắm được “bí quyết” của sự phục sinh. Vì thế, thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã định nghĩa một cách hết sức chính xác Bánh Thánh Thể như “liều thuốc trường sinh, thuốc giải độc để khỏi phải chết”.[32]

19. Chiều hướng cánh chung được Thánh Thể gợi lên, diễn tả và củng cố sự hiệp thông với Giáo Hội thiên quốc. Không phải ngẫu nhiên mà trong các kinh tạ ơn Đông Phương hay trong các kinh nguyện Thánh Thể la tinh, người ta kính nhớ một cách trang trọng Đức Maria, trọn đời đồng trinh, Mẹ của Chúa chúng ta, là Chúa Giêsu Kitô, các thiên thần, các thánh Tông Đồ, các thánh tử đạo hiển vinh và toàn thể các thánh. Đó chính là một khía cạnh của Bí Tích Thánh Thể phải được chú ý: khi cử hành hy tế của Con Chiên, chúng ta cùng hợp với phụng vụ thiên quốc, chúng ta liên kết với đoàn người đông đảo đang tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta” (Kh 7,10). Bí Tích Thánh Thể thực là một góc trời mở ra trên trần gian! Chính là một tia vinh quang của thành Giêrusalem thiên quốc, đang xuyên qua những lớp mây của lịch sử chúng ta và rọi sáng con đường chúng ta đi.

20. Một hệ luận khác rất có ý nghĩa của chiều hướng cánh chung trong Bí Tích Thánh Thể là sự thúc đẩy bước chân lữ hành của chúng ta trong lịch sử, làm nảy sinh một mầm hy vọng sống động cho mọi người hằng ngày tận tụy với nhiệm vụ của mình. Quả thật, nếu nhãn quan Kitô giáo mời gọi chúng ta nhìn về “trời mới”, “đất mới” (x. Kh 21,1), điều đó không làm suy yếu, mà kích thích tâm thức của chúng ta về trách nhiệm đối với trái đất của chúng ta.[33] Tôi muốn khẳng định lại điều này một cách mạnh mẽ vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, để các Kitô hữu hơn lúc nào hết, cảm thấy càng phải dấn thân chu toàn những bổn phận công dân trần thế của mình. Họ có nghĩa vụ phải đóng góp, dưới ánh sáng của Tin Mừng, vào việc xây dựng một thế giới xứng với con người và đáp ứng đầy đủ chương trình của Thiên Chúa.

Những vấn đề làm đen tối chân trời hiện tại của chúng ta rất nhiều. Chỉ cần nghĩ đến việc gấp rút phải hoạt động cho hòa bình, phải gấp rút đặt những cột móc vững chắc về phương diện công bằng và liên đới trong những mối liên hệ giữa các dân tộc, phải bênh vực sự sống của con người, từ lúc thụ thai, đến lúc chết một cách tự nhiên. Và phải nói gì đến hàng ngàn những mâu thuẫn trong một thế giới “toàn cầu hóa”, trong đó, những người yếu kém nhất, những người bé nhỏ nhất và những người nghèo nhất hình như không còn gì để hy vọng? Chính trong thế giới đó, phải làm sao cho niềm hy vọng Kitô giáo bừng sáng lên trở lại! Cũng chính vì thế mà Chúa đã muốn ở lại với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể, ghi khắc vào sự hiện diện của hy tế và bữa ăn của Ngài, lời hứa cho nhân loại được đổi mới nhờ tình yêu của Ngài. Thật là ý nghĩa, nơi mà các sách Tin Mừng nhất lãm chỉ tường thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Tin Mừng Gioan đưa ra trình thuật việc Chúa “rửa chân” để minh họa ý nghĩa thâm sâu của việc ấy, qua đó Chúa Giêsu làm thầy dạy hiệp thông và phục vụ (x. Ga 13,1-20). Về phần mình, Thánh Tông Đồ Phaolô tuyên bố thật là “bất xứng” đối với một cộng đoàn Kitô hữu khi tham dự vào Bữa Tiệc Ly của Chúa, trong một bầu không khí chia rẽ và dửng dưng đối với người nghèo (x. 1Cr 11,17-22.27-34).[34]

Công bố cái chết của Chúa “cho tới khi Ngài lại đến” (1Cr 11,26) đòi buộc những ai tham dự vào Tiệc Thánh Thể cương quyết dấn thân biến đổi cuộc sống, để một cách nào đó cuộc sống ấy hoàn toàn trở thành “Thánh Thể”. Chính hoa quả của sự biến hình cuộc sống và sự dấn thân biến đổi thế giới theo đường lối Tin Mừng, làm rạng sáng chiều kích cánh chung của việc Cử Hành Thánh Thể và của tất cả đời sống Kitô giáo: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22, 20).

***

CHƯƠNG II

THÁNH THỂ XÂY DỰNG GIÁO HỘI

 

21. Công Đồng Vatican II đã nhắc lại rằng việc Cử Hành Thánh Thể nằm ở trung tâm tiến trình tăng trưởng của Giáo Hội. Quả thật, sau khi tuyên bố “Giáo Hội là Vương Quốc của Chúa Kitô, đã hiện diện cách mầu nhiệm, lớn lên trong thế giới một cách hữu hình nhờ quyền năng Thiên Chúa”,[35] như muốn trả lời câu hỏi: “Giáo Hội tăng triển cách nào? Công Đồng nói thêm: “Mỗi khi hy tế Thập Giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó mà “Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta được hiến tế” (1Cr 5,7), công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Đồng thời, nhờ Bí Tích của tấm bánh Thánh Thể, sự hiệp nhất các tín hữu làm thành một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô được tỏ bày và trở nên hiện thực” (x. 1Cr10,17).[36]

Ngay trong Giáo Hội sơ khai, ảnh hưởng của Bí Tích Thánh Thể thật rõ ràng. Các thánh sử xác định rõ rằng, chính nhóm Mười Hai, là các Tông Đồ đã tụ họp quanh Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly (x. Mt 26,20; Mc14,17; Lc 22,14). Đây chính là một điểm riêng biệt rất quan trọng, vì các Tông Đồ là những “mầm giống của dân Israel mới và đồng thời là nguồn gốc của phẩm trật thánh”.[37] Khi ban cho họ Mình và Máu Ngài làm của ăn, Chúa Kitô đã hiệp nhất họ một cách huyền nhiệm với hy tế của Ngài sẽ được hoàn tất trên thập giá sau đó không lâu. Nhờ so sánh với Giao Ước Sinai, được giao kết bằng việc tế lễ và bằng việc rảy máu,[38] những cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly đã đặt nền tảng cho cộng đoàn thiên sai mới, dân của Giao Ước Mới.

Khi đón nhận trong phòng tiệc ly lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy cầm lấy mà ăn? Tất cả anh em hãy uống?” (Mt 26,26-28), các Tông Đồ lần đầu tiên đã bước vào trong sự hiệp thông bí tích với Ngài. Từ giây phút đó và cho đến tận thế, Giáo Hội được xây dựng qua sự hiệp thông bí tích với Con Thiên Chúa được hiến tế vì chúng ta: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy? Mỗi lần anh em uống máu này, hãy làm mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 24-25; x. Lc 22,19).

22. Việc tháp nhập vào Chúa Kitô nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, được đổi mới và được củng cố không ngừng nhờ tham dự vào Hy Tế Thánh Thể, nhất là nhờ sự tham dự đầy đủ qua việc việc hiệp thông bí tích. Chúng ta có thể nói rằng không những mỗi người chúng ta đón nhận Chúa Kitô nhưng chính Chúa Kitô cũng đón nhận mỗi người chúng ta. Ngài thắt chặt tình bằng hữu với chúng ta: “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga15,14). Phần chúng ta, chúng ta sống nhờ Ngài: “Ai ăn tôi sẽ nhờ tôi được sống” (Ga 6,57). Sự hiệp thông Thánh Thể làm cho Chúa Kitô và môn đệ của Ngài lưu lại trong nhau một cách tuyệt vời: “Anh em hãy lưu lại trong Thầy như Thầy lưu lại trong anh em” (Ga 15,4).

Khi hiệp nhất với Chúa Kitô, Dân của Giao Ước Mới, không khép kín lại nhưng trở thành “bí tích” cho nhân loại,[39] thành dấu hiệu và dụng cụ của ơn cứu độ được Chúa Kitô ban cho, thành ánh sáng thế gian (x. Mt 5,13-16) để cứu rỗi mọi người.[40] Sứ vụ của Giáo Hội tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng vậy, Thầy sai anh em” (Ga 20,21). Vì thế, Giáo Hội nhận lấy sức mạnh thiêng liêng cần thiết để hoàn tất sứ vụ của mình qua việc duy trì liên tục Hy Tế của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể và qua việc thông hiệp với Mình và Máu của Ngài. Như thế Bí Tích Thánh Thể vừa là nguồn suối, vừa là đỉnh cao của mọi công cuộc Phúc Âm hóa, vì mục tiêu của nó là sự hiệp thông mọi người với Chúa Kitô và trong Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.[41]

23. Nhờ hiệp thông Thánh Thể, Giáo Hội cũng được vững chắc trong sự hiệp nhất của mình như là thân thể của Chúa Kitô. Thánh Phaolô nói đến hiệu quả hiệp nhất này của việc tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể, khi ngài viết cho tín hữu Côrintô: “Bánh mà chúng ta bẻ ra cho nhau không phải là hiệp thông với mình Chúa sao? Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể (1Cr 10,16-17). Lời bình giải của thánh Gioan Kim Khẩu thật chính xác và sâu xa: “Tấm bánh ấy là gì? Chính là thân mình Chúa Kitô. Những người nhận lấy nó sẽ như thế nào? Thành thân thể Chúa Kitô, không phải nhiều thân thể mà chỉ một mà thôi. Thật vậy, như tấm bánh chỉ là một, tuy nó được hợp thành bởi rất nhiều hạt, mặc dù không ai thấy được, chúng đều ở trong tấm bánh đến nỗi những khác biệt của chúng đều biến mất vì chúng hòa lẫn với nhau một cách toàn vẹn, cũng một cách như thế, chúng ta hiệp nhất với nhau và chúng ta đều hiệp nhất trong Chúa Kitô”.[42] Luận chứng rất sít sao: sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa Kitô, là quà tặng và là hồng ân cho mỗi người, dẫn đến việc này là trong Ngài, chúng ta cũng góp phần vào sự hiệp nhất của thân mình Ngài là Giáo Hội. Thánh Thể củng cố sự tháp nhập vào Chúa Kitô, mà Chúa Thánh Thần thực hiện trong Bí Tích Thánh Tẩy (x. 1Cr 12,13.27).

Hành động liên kết và không thể tách rời của Chúa Con và Chúa Thánh Thần vốn có từ buổi sơ khai của Giáo Hội, thiết lập và làm cho Giáo hội vững bền, nay vẫn sinh động trong Thánh Thể. Tác giả sách Phụng Vụ Thánh Giacôbê đã ý thức rõ ràng điều đó: trong lời cầu xin ban Thánh Thần của kinh nguyện Thánh Thể, Giáo Hội cầu xin Chúa Cha sai Thánh Thần đến trên các tín hữu và trên của lễ, để Mình và Máu Chúa Kitô “nên hữu ích cho tất cả những ai tham dự vào đó [?] để hồn xác được thánh hóa”.[43] Chính Đấng Bàu Chữa thần linh củng cố Giáo Hội nhờ việc thánh hóa các tín hữu bằng Thánh Thể.

24. Hồng ân Chúa Kitô và Thánh Thần của Ngài mà chúng ta lãnh nhận trong việc hiệp lễ hoàn tất cách sung mãn tuyệt vời những ước muốn hiệp nhất huynh đệ đang ngự trị trong tâm hồn con người, đồng thời nâng cao kinh nghiệm về tình huynh đệ trong việc tham dự chung vào cùng một bàn tiệc Thánh Thể đến một mức độ vượt hẳn kinh nghiệm đồng bàn đơn thường của con người. Nhờ thông hiệp vào Mình Chúa Kitô, Giáo Hội ý thức càng ngày càng sâu hơn căn tính của mình: “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô một cách nào đó là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”.[44]

Theo kinh nghiệm hằng ngày, sức mạnh hiệp nhất của thân mình Đức Kitô, chống lại những mầm mống tan rã giữa con người với nhau đang bám sâu vào nhân loại do tội lỗi. Vì lẽ đó, Bí Tích Thánh Thể, khi xây dựng Giáo Hội, cũng kiến tạo cộng đồng nhân loại.

25. Việc tôn sùng Thánh Thể ngoài thánh lễ mang một giá trị vô song trong đời sống Giáo Hội. Việc tôn sùng được phối hợp chặt chẻ với việc cử hành Hy tế Thánh Thể. Sự hiện diện của Chúa Kitô dưới hình bánh rượu được giữ lại sau thánh lễ – sự hiện diện này tồn tại bao lâu hình bánh và rượu vẫn còn[45] – phát xuất từ việc cử hành hy tế và hướng về việc hiệp thông bí tích hay thiêng liêng.[46] Các mục tử có nhiệm vụ khuyến khích, bằng cả chứng tá cá nhân, việc tôn sùng Thánh Thể, đặc biệt là việc Chầu Thánh Thể, cũng như việc tôn thờ Chúa Kitô hiện diện trong hình bánh rượu.[47]

Trò chuyện thân mật với Ngài, và nghiêng mình vào lòng Ngài như môn đệ yêu dấu (Ga 13,25), xúc động trước tình yêu vô biên của trái tim Ngài là một điều thiện hảo. Quả thật vào thời đại chúng ta, Kitô giáo phải trổi vượt nhất là trong “nghệ thuật cầu nguyện”,[48] làm sao ta không cảm thấy lại có nhu cầu mới được ở lại lâu giờ, trò chuyện thiêng liêng, tôn thờ im lặng, trong thái độ yêu thương, trước mặt Chúa Kitô hiện diện trong bí tích thánh? Anh chị em thân mến, nhiều lần tôi đã có kinh nghiệm này và tôi đã múc lấy từ đó sức mạnh, an ủi và sự nâng đỡ.

Nhiều vị thánh đã nêu gương cho ta trong thực hành này, được huấn quyền ca ngợi và khuyến khích rất nhiều lần.[49] Thánh Anphongsô Ligôri đã trổi vượt đặc biệt trong lãnh vực này, Ngài viết: “Trong tất cả mọi việc tôn sùng, việc tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể là nhất sau các bí tích, rất đẹp lòng Chúa và rất hữu ích cho chúng ta”.[50] Thánh Thể là một kho tàng vô giá: cử hành, hay tôn thờ lâu giờ ngoài thánh lễ giúp chúng ta múc lấy chính nguồn mạch của ân sủng. Một cộng đoàn Kitô hữu nào muốn có khả năng chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô nhiều hơn, như tôi đã đề nghị trong những Tông thư Novo Millenio Ineunte (Bước vào ngàn năm mới)Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria), không thể nào lại không phát triển đồng thời khía cạnh này của việc tôn sùng Thánh Thể, vì nó kéo dài và nhân lên những hoa trái của việc thông hiệp vào Mình và Máu Chúa. “Trong ngày người tín hữu không nên bỏ việc Viếng Thánh Thể được lưu giữ trong các nhà thờ với lòng tôn kính đặc biệt, ở một nơi cao trọng, phù hợp với luật phụng vụ. Những lần viếng Thánh Thể như vậy là dấu hiệu tỏ lòng biết ơn, là cách diễn tả tình yêu và nhận ra sự hiện diện của Chúa”.[51]

***

CHƯƠNG III

ĐẶC TÍNH TÔNG TRUYỀN CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ GIÁO HỘI

 

26. Như tôi đã nhắc lại ở trên, Bí Tích Thánh Thể xây dựng Giáo Hội và Giáo Hội làm nên Bí Tích Thánh Thể, vì thế mối liên hệ hai bên rất chặt chẽ. Điều đó chính xác đến nổi chúng ta có thể áp dụng vào Mầu Nhiệm Thánh Thể những gì chúng ta nói về Giáo Hội khi chúng ta tuyên xưng Giáo Hội là “Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền” trong Kinh Tin Kính Nixê-Constantinốp. Bí Tích Thánh Thể cũng duy nhất và Công Giáo. Bí Tích Thánh Thể cũng thánh thiện, và hơn thế nữa, là Bí Tích Rất Thánh. Nhưng trên hết, giờ đây chúng tôi muốn chú trọng đến đặc tính tông truyền của Bí Tích Thánh Thể.

27. Khi giải thích Giáo Hội là tông truyền, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, phân biệt ba ý nghĩa trong cách nói đó. Một đàng, “Giáo Hội đã và đang được xây dựng trên “nền tảng các tông đồ” (Ep 2, 20) là những chứng nhân đã được chính Chúa Kitô tuyển chọn và sai đi”.[52] Khởi đầu của Bí Tích Thánh Thể cũng đã có các tông đồ, không phải vì thế mà bí tích này không bắt nguồn từ chính Chúa Kitô, nhưng bởi vì Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ và được các ngài và các đấng kế vị truyền lại cho đến chúng ta. Chính trong sự tiếp nối hành động của các tông đồ, vâng theo lệnh truyền của Chúa mà Giáo Hội cử hành Bí Tích Thánh Thể qua dòng thời gian.

Ý nghĩa thứ hai của tính tông truyền của Giáo Hội được Sách Giáo Lý nêu rõ là “Giáo Hội gìn giữ và lưu truyền giáo huấn, kho tàng quý giá, những lời lành mạnh đã được nghe từ các tông đồ với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần đang ở trong Giáo Hội”.[53] Cũng theo ý nghĩa này, Bí Tích Thánh Thể có tính tông truyền vì được cử hành đúng như niềm tin của các tông đồ. Theo dòng lịch sử 2000 năm qua của Dân Giao Ước Mới, Huấn Quyền đã xác định giáo thuyết về Bí Tích Thánh Thể trong nhiều dịp khác nhau, ngay cả trong những điều liên hệ đến từ ngữ chính xác, và điều đó chính là để bảo vệ đức tin tông truyền trong Mầu Nhiệm thật cao cả này. Niềm tin này vẫn không thay đổi và điều đó rất thiết yếu đối với Giáo Hội.

28. Sau cùng, Giáo Hội tông truyền có nghĩa là: “Giáo hội vẫn tiếp tục được các tông đồ dạy dỗ, thánh hóa và hướng dẫn cho đến ngày Chúa Kitô trở lại nhờ những vị kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ mục tử: Giám mục đoàn, “với sự giúp đỡ của các linh mục, hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô là mục tử tối cao của Giáo Hội”.[54] Kế vị các tông đồ trong sứ mệnh mục tử đòi hỏi phải có bí tích truyền chức, nghĩa là phải có việc phong chức giám mục liên tục và thành sự, bắt đầu từ những nguồn gốc đầu tiên.[55] Việc kế vị này rất thiết yếu để có Giáo Hội đúng nghĩa và tròn đầy.

Bí Tích Thánh Thể cũng diễn tả ý nghĩa của tính tông truyền. Quả thật, như Công Đồng Vatican II đã dạy, “các tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả cũng góp phần vào việc hiến dâng Thánh Thể theo vị trí của họ”,[56] nhưng chính linh mục được truyền chức mới “cử hành Hy tế Thánh Thể trong tư cách của Chúa Kitô và hiến dâng cho Chúa Cha nhân danh toàn thể tín hữu”.[57] Vì lẽ ấy mà trong Sách Lễ Rôma đã quy định chỉ một mình linh mục đọc kinh nguyện Thánh Thể, trong khi đó giáo dân thinh lặng hiệp ý trong đức tin.[58]

29. Cụm từ được Công Đồng Vatican II sử dụng nhiều lần: “những ai đã nhận chức tư tế thừa tác (?.) mới cử hành Hy Tế Thánh Thể trong tư cách của Chúa Kitô”[59] đã được khắc sâu trong lời dạy của giáo huấn Tông Tòa[60] như tôi đã có dịp xác định rõ, in persona Christi, có nghĩa mạnh hơn là “nhân danh” hay “thay thế” Chúa Kitô. In persona: nghĩa là trong sự đồng nhất đặc biệt, mang tính bí tích, với “vị Thượng Tế của Giao Ước vĩnh cữu”, Đấng là “tác giả và là chủ thể chính của Hy Tế bản thân, trong đó không ai thay thế được”.[61] Trong nhiệm cục cứu độ do Chúa Kitô ấn định, tác vụ của các linh mục đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, cho thấy rằng Bí Tích Thánh Thể mà các ngài cử hành là một hồng ân trổi vượt hẳn thẩm quyền của cộng đoàn và trong mọi trường hợp, tác vụ ấy vẫn bất khả thay thế để nối liền một cách thành sự việc truyền phép Thánh Thể với Hy Tế Thập Giá và Bữa Tiệc Ly.

Để thực sự là một cộng đoàn Thánh Thể, cộng đoàn đang tụ họp để cử hành Bí Tích Thánh Thể buộc phải có linh mục đã được truyền chức chủ tọa. Đàng khác, cộng đoàn không thể tự cung cấp cho mình thừa tác viên có chức thánh. Vị này là một hồng ân mà cộng đoàn lãnh nhận qua trung gian của giám mục, người kế nhiệm các tông đồ. Chính giám mục, nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, tạo ra một linh mục mới, ban cho ngài quyền truyền phép Thánh Thể. Vì thế, “không ai trong cộng đoàn được cử hành mầu nhiệm Thánh Thể ngoài linh mục đã được truyền chức, như Công Đồng Lateran IV đã công bố rõ ràng”.[62]

30. Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo về tác vụ linh mục trong tương quan với Bí Tích Thánh Thể cũng như giáo lý về Hy Tế Thánh Thể là đề tài cho các cuộc đối thoại hữu ích trong khuôn khổ của hoạt động đại kết những thập niên gần đây. Chúng ta phải cảm tạ Chúa Ba Ngôi chí thánh, vì trong lãnh vực này, đã có những tiến triển có ý nghĩa và những sự xích lại gần nhau, làm cho chúng ta hy vọng một tương lai hiệp thông trọn vẹn trong đức tin. Lời nhận định của Công Đồng về các cộng đoàn giáo hội khác nhau, đã có từ thời thế kỷ XVI, và ly khai với Giáo Hội Công Giáo, vẫn còn hoàn toàn giá trị: “Mặc dù nhiều cộng đoàn giáo hội ly khai với chúng ta, không duy trì sự hiệp nhất toàn vẹn với chúng ta, và mặc dù chúng ta tin họ không còn giữ được bản chất đích thực và nguyện vẹn của Mầu Nhiệm Thánh Thể nhất là vì thiếu Bí Tích Truyền Chức, tuy nhiên, khi họ tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Chúa trong Tiệc Thánh Thể, họ tuyên xưng điều đó có nghĩa là sự sống với Chúa Kitô và họ mong đợi ngày trở lại vinh quang của Người”.[63]

Các tín hữu Công Giáo, tuy phải tôn trọng những xác tín tôn giáo của các anh em ly khai, phải tránh tham dự vào việc rước lễ trong những buổi cử hành của họ, để không dung dưỡng một sự hàm hồ nào về bản chất của Thánh Thể và, do đó thiếu sót trong bổn phận làm chứng cho sự thật một cách trong sáng. Điều này có thể sẽ làm chậm lại bước tiến tới sự hiệp nhất hữu hình trọn vẹn. Cũng vậy, không thể dự kiến thay thế Thánh Lễ Chúa Nhật bằng những buổi suy tôn Lời Chúa đại kết, bằng những buổi hội họp cầu nguyện chung với những Kitô hữu của các cộng đoàn Giáo Hội đã nói ở trên, hay bằng sự tham dự vào những buổi cử hành phụng vụ của họ. Những cử hành và gặp gỡ như thế đáng tán dương trong một vài trường hợp nào đó, nhằm mục đích chuẩn bị cho sự hiệp thông trọn vẹn từng mong ước, kể cả hiệp thông Thánh Thể, nhưng những điều đó cũng không thay thế thánh lễ được.

Quyền truyền phép Thánh Thể chỉ dành riêng cho giám mục và linh mục mà thôi, việc này không làm suy giảm giá trị của các phần tử khác trong dân Chúa, vì mọi người đều được hưởng nhờ hồng ân này trong sự hiệp thông vào Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô là Giáo Hội.

31. Nếu Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội, nó cũng là như thế đối với tác vụ linh mục. Vì vậy, khi tạ ơn Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi muốn lặp lại rằng Thánh Thể là “lẽ sống chính yếu và trung tâm của bí tích truyền chức được khai sinh thực sự ngay từ lúc thiết lập Thánh Thể và cùng với Thánh Thể”.[64]

Những hoạt động mục vụ của linh mục rất đa dạng. Nếu nghĩ đến những điều kiện xã hội và văn hóa của thế giới hôm nay, thì dễ hiểu rằng các linh mục bị rình rập bởi nguy cơ phân tán trong nhiều công việc khác nhau. Công Đồng Vatican II đã nhận thấy rằng bác ái mục vụ là mối dây liên kết đời sống và hoạt động của các ngài. Công Đồng thêm: “Bác ái mục vụ phát xuất trước tiên từ nơi Hy Tế Thánh Thể, do đó Hy Tế Thánh Thể là trung tâm và gốc rễ của toàn thể đời sống linh mục”.[65] Vì thế, người ta hiểu được tầm quan trọng cho đời sống thiêng liêng của linh mục, cũng như cho lợi ích của Giáo Hội và thế giới, của việc thực thi lời khuyên của Công Đồng là cử hành Bí Tích Thánh Thể hằng ngày, “dù việc cử hành không thể có giáo dân hiện diện, vẫn là hành động của Chúa Kitô và Giáo Hội”.[66] Bằng cách thế này, linh mục mới đủ sức thắng vượt tất cả những căng thẳng làm cho ngài bị phân tán trong cuộc sống; mới tìm thấy trong Hy Tế Thánh Thể, trung tâm đích thực của đời sống và tác vụ, sinh lực thiêng liêng cần thiết để đương đầu với những công việc mục vụ đa dạng. Như thế, những ngày sống của ngài sẽ thực sự trở nên Thánh Thể.

Bí Tích Thánh Thể là trung tâm đời sống và tác vụ của linh mục, cũng là trung tâm mục vụ về ơn gọi linh mục. Trước tiên, vì lời nguyện cầu cho ơn gọi tìm thấy nơi Bí Tích Thánh Thể môi trường kết hiệp rất sâu xa với lời cầu nguyện của Chúa Kitô, vị Thượng Tế vĩnh hằng; nhưng cũng vì sự chú tâm thi hành tác vụ Thánh Thể của linh mục, cộng với việc tham dự ý thức, sống động và hiệu năng của các tín hữu vào Bí Tích Thánh Thể, tạo nên cho giới trẻ một mẫu gương hữu hiệu và một khích lệ đáp trả cách quãng đại tiếng gọi của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa thường sử dụng mẫu gương bác ái mục vụ hăng say của một linh mục để tuôn tràn và làm tăng triển trong tâm hồn người trẻ hạt giống ơn gọi linh mục.

32. Tất cả những điều đó cho thấy tình trạng đau đớn và bất thường của một cộng đoàn Kitô hữu, hội đủ mọi điều kiện của một giáo xứ về con số và sự đa dạng của giáo dân nhưng lại thiếu vắng một linh mục để hướng dẫn. Quả vậy, một giáo xứ là một cộng đoàn những người đã được rửa tội, họ diễn tả và củng cố căn tính của mình qua việc cử hành Bí Tích Thánh Thể. Nhưng việc ấy đòi phải có sự hiện diện của một linh mục, vì chỉ ngài mới có quyền tế lễ trong tư cách của Chúa Kitô (in persona Christi). Khi một cộng đoàn nào thiếu vắng linh mục, người ta tìm cách giải quyết một cách thích đáng vấn đề đó, để có thể tiếp tục những cử hành phụng vụ Ngày Chúa Nhật, và trong trường hợp này, những tu sĩ hay giáo dân hướng dẫn anh chị em mình trong việc cầu nguyện đều thi hành một cách đáng khen chức tư tế phổ quát của tất cả các tín hữu, có nền tảng trong ân sủng của Bí Tích Rửa Tội. Nhưng những giải pháp ấy chỉ được xem như tạm thời trong lúc cộng đoàn đang chờ có linh mục.

Tính chất bất toàn về mặt bí tích của những cử hành phụng vụ ấy trước hết phải khuyến khích tất cả cộng đoàn cầu nguyện khẩn thiết hơn để Chúa sai thợ đến gặt lúa của Ngài (x. Mt 9,38); nó cũng thúc đẩy cộng đoàn vận dụng tất cả những yếu tố cần thiết khác để cổ võ việc mục vụ ơn gọi một cách thích hợp, nhưng không chiều theo cám dỗ tìm những giải pháp hạ thấp đòi hỏi những đức tính luân lý và một sự đào tạo cần thiết cho các ứng sinh linh mục.

33. Khi thiếu linh mục, việc tham gia vào công việc mục vụ của một giáo xứ đã được trao phó cho những giáo dân không có chức thánh, những người này cần phải ý thức như Công Đồng Vatican II dạy “không một cộng đoàn Kitô hữu nào được thiết lập mà không lấy việc cử hành Bí Tích Thánh Thể chí thánh làm gốc rể và trung tâm của mình”.[67] Vì thế, họ phải lo sao cho cộng đoàn luôn “khao khát” thực sự Bí Tích Thánh Thể. Sự khao khát này giúp họ không bỏ qua một dịp nào để được tham dự Thánh Lễ, lợi dụng cả sự có mặt tình cờ của một linh mục, miễn là vị này không bị ngăn trở theo giáo luật.

***

CHƯƠNG IV

THÁNH THỂ VÀ SỰ HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

 

34. Năm 1985, phiên họp khoáng đại đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhìn thấy trong “giáo hội học về hiệp thông” ý tưởng chủ đạo và cơ bản của những văn kiện Công Đồng Vatican II.[68] Trong cuộc lữ hành trần thế, Giáo Hội được kêu mời gìn giữ và phát triển sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và giữa các tín hữu với nhau. Hướng về mục đích đó, Giáo Hội luôn có sẵn Lời Chúa và các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, nhờ đó mà Giáo Hội luôn “sống động và lớn mạnh”[69] và đồng thời trong đó Giáo hội tự diễn tả chính mình. Không phải ngẫu nhiên mà từ ngữ hiệp thông lại trở thành một trong những danh từ chuyên biệt của Bí Tích Rất cao cả này.

Do vậy, Bí Tích Thánh Thể được xem như chóp đỉnh của tất cả các bí tích, vì Bí Tích Thánh Thể luôn thể hiện một cách hoàn hảo nhất sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, nhờ sự đồng hình dạng với Chúa Con duy nhất bởi tác động của Chúa Thánh Thần. Với một niềm tin sâu sắc, một trong những tác giả thời danh của truyền thống byzantin, đã diễn tả chân lý này khi bàn đến Bí Tích Thánh Thể: “Như thế mầu nhiệm này thật hoàn hảo, khác với mọi nghi thức khác, và nó dẫn thẳng đến chóp đỉnh của mọi ơn ích, vì đó cũng là cứu cánh tuyệt đỉnh của mọi cố gắng con người. Bởi vì chúng ta gặp chính Thiên Chúa trong mầu nhiệm ấy, và chính Thiên Chúa kết hợp với chúng ta bằng một mối liên kết hoàn hảo nhất”.[70] Chính vì thế mà vun trồng trong các tâm hồn niềm ao ước Bí Tích Thánh Thể triền miên là điều rất thích hợp. Cũng chính vì thế đã khai sinh một cách thức “rước lễ thiêng liêng”, được phổ biến tốt đẹp từ nhiều thế kỷ trong Giáo Hội và rất được các bậc thầy thánh thiện về đời sống thiêng liêng khuyến khích. Thánh Têrêsa Giêsu đã viết: “Khi bạn không thể rước lễ trong thánh lễ được thì bạn hãy rước lễ thiêng liêng vậy, vì đó là một cách thức mang lại nhiều lợi ích [...]; bằng cách đó bạn ghi khắc trong lòng tình yêu sâu xa với Chúa chúng ta”.[71]

35. Tuy nhiên cử hành Bí Tích Thánh Thể không thể là khởi điểm cho sự hiệp thông được – vì sự hiệp thông đã được xem như hiện hữu rồi – và sau đó mới củng cố và đưa lên mức hoàn hảo. Chính Bí Tích diễn tả mối dây hiệp thông đó, một mặt trong chiều kích vô hình của nó, chiều kích này nối kết chúng ta với Chúa Cha và chúng ta với nhau trong Đức Kitô qua tác động của Chúa Thánh Thần, mặt khác, trong chiều kích hữu hình đòi hỏi sự hiệp thông trong giáo huấn của các Tông Đồ, trong các bí tích và trong phẩm trật. Tương quan chặt chẽ giữa yếu tố vô hình và yếu tố hữu hình của sự hiệp thông Giáo Hội cấu tạo nên Giáo Hội như Bí Tích cứu độ.[72] Chỉ trong bối cảnh này mới có việc cử hành Bí Tích Thánh Thể hợp pháp và sự tham dự đích thực vào bí tích này. Hệ quả là có một đòi buộc nội tại đối với Bí Tích Thánh Thể: phải được cử hành trong sự hiệp thông và, cụ thể hơn, trong sự toàn vẹn của những điều kiện đòi hỏi.

36. Sự hiệp thông vô hình, dù tự bản chất luôn luôn tăng trưởng, đòi hỏi đời sống ân sủng, nhờ đó chúng ta trở thành “những người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1,4), và việc thực hành những nhân đức, tin, cậy, mến. Quả thật, chỉ như thế mới thiết lập được sự hiệp thông đích thực với Chúa Cha, Chúa Con và ChúaThánh Thần. Đức tin không thể đủ; mà còn phải bền vững trong ơn thánh và trong đức ái bằng cách lưu lại “cả hồn cả xác” trong lòng Giáo Hội;[73] vì thế, nói như Thánh Phaolô “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6).

Sự tôn trọng toàn thể những mối liên kết vô hình là một nghĩa vụ đạo đức nghiêm nhặt đối với bất cứ ngưới Kitô hữu nào muốn tham dự hoàn toàn vào Bí Tích Thánh Thể khi rước Mình và Máu Đức Kitô. Cũng chính Tông Đồ Phaolô nhắc nhở tín hữu bổn phận này bằng lời cảnh cáo: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn bánh và uống chén này” (1Cr 11, 28). Với tất cả tài hùng biện của mình, thánh Gioan Kim Khẩu đã khuyến khích các tín hữu: “Tôi cũng thế, tôi lớn tiếng van nài, tôi xin và van nài anh em, đừng bước tới bàn thánh này với một tầm hồn ô uế và hư đốn. Một thái độ như thế không thể gọi là rước Chúa, ngay như nếu anh em có rước Chúa hàng ngàn lần đi nữa thì chỉ chuốc lấy án phạt, ray rức và sự gia tăng hình phạt mà thôi”.[74]

Cũng trong viễn tượng ấy, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, đã xác định lại một cách đúng đắn rằng “Ai biết mình đang mắc tội trọng, phải lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải trước khi đến rước lễ”.[75] Vì thế tôi ước muốn nói lại rằng quy luật này vẫn còn và sẽ còn giá trị mãi trong Giáo Hội, quy luật mà Công Đồng Trento đã áp dụng cụ thể lời khuyến cáo nghiêm khắc của Tông Đồ Phaolô khi khẳng định rằng, để có thể rước lễ cách xứng đáng “nếu ai biết mình đang ở trong tình trạng tội trọng, thì phải đi xưng thú tội mình trước đã”.[76]

37. Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hòa Giải là hai bí tích được liên kết mật thiết với nhau. Nếu Thánh Thể hiện tại hóa Hy Tế cứu độ của Thập Giá, không ngừng lưu truyền bằng bí tích, thì điều đó có nghĩa là từ Bí Tích này phát xuất một đòi buộc hoán cải liên tục, đáp lại từ chính bản thân lời khuyến cáo mà Thánh Phaolô ngỏ với tín hữu thành Côrintô: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5,20). Nếu người Kitô hữu mang trong tâm hồn gánh nặng của một tội trọng thì cuộc hành trình hối cải qua Bí Tích Hòa Giải, trở thành một bước đường bó buộc phải đi qua để tham dự hoàn toàn vào Hy Tế Thánh Thể.

Lẽ dĩ nhiên, phán quyết về tình trạng ân sủng thuộc quyền của chính đương sự, vì đó là một phán quyết của lương tâm. Tuy nhiên, trong trường hợp một hành vi bên ngoài vi phạm nghiêm trọng, công khai và liên tục luật luân lý, Giáo Hội trong sự lo lắng mục vụ về trật tự cộng đồng và vì lòng tôn kính Bí Tích, không thể không cảm thấy liên quan. Tình trạng mâu thuẫn luân lý công khai này đã được đề cập đến trong Giáo Luật về việc từ chối không cho rước lễ những ai “ngoan cố ở trong tội trọng tỏ tường”.[77]

38. Như tôi đã nhắc đến, sự hiệp thông Giáo Hội cũng hữu hình, và tự diễn tả qua những mối liên hệ được chính Công Đồng nêu lên trong giáo huấn của mình: “Những người được gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội là những ai lãnh nhận Thánh Thần của Đức Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và tất cả những phương thế cứu rỗi đã được Giáo Hội thiết lập, và nhờ những mối dây liên hệ do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai quản và sự hiệp thông của Giáo Hội, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu hình mà Người điều khiển nhờ Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục”.[78]

Bí Tích Thánh Thể, vì là sự thể hiện bí tích cao quý nhất của sự hiệp thông trong Giáo Hội, đòi buộc phải được cử hành trong một bối cảnh tôn trọng những mối dây liên kết bên ngoài của sự hiệp thông. Một cách đặc biệt, vì Bí Tích Thánh Thể là “sự hoàn tất của đời sống thiêng liêng và là cứu cánh của mọi bí tích”,[79] đòi buộc những mối dây hiệp thông trong các bí tích phải có thực, nhất là Bí Tích Rửa Tội và Truyền Chức Thánh. Không thể nào cho một người chưa rửa tội hay chối từ toàn bộ chân lý đức tin về Mầu Nhiệm Thánh Thể được rước lễ. Đức Kitô là sự thật và Ngài làm chứng cho sự thật (x. Ga 14,6; 18,37); Bí Tích Mình và Máu Ngài không chấp nhận sự dối trá.

39. Mặt khác, vì chính đặc điểm của sự hiệp thông Giáo Hội và mối tương quan của sự hiệp thông ấy với Bí Tích Thánh Thể, phải nhắc lại rằng “Hy tế Thánh Thể, dù luôn được cử hành trong một cộng đoàn riêng biệt, không bao giờ là một cử hành của riêng cộng đoàn đó thôi: thật vậy, khi đón nhận sự hiện diện Thánh Thể của Chúa, cộng đoàn cũng đón nhận trọn vẹn ơn cứu độ và dù bề ngoài thường xuyên là đặc thù, cộng đoàn cũng tỏ lộ như là hình ảnh và là sự hiện diện thực sự của Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền”.[80] Từ đó phải nghĩ rằng một cộng đoàn thật sự là Thánh Thể không được khép mình lại, như tự đủ cho mình, nhưng phải hòa đồng với mọi cộng đoàn Công Giáo khác.

Sự hiệp thông Giáo Hội trong cộng đồng Thánh Thể là sự hiệp thông với Giám Mục của mình và với Đức Giáo Hoàng Rôma. Thật vậy, Giám mục là nguyên lý hữu hình và là nền tảng cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương của mình.[81] Do đó không hợp lý chút nào nếu Bí Tích tuyệt hảo của sự hiệp nhất Giáo Hội lại được cử hành mà không có một sự hiệp thông đích thực với Giám Mục. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã viết: “Chớ gì việc cử hành Thánh Thể này chỉ được xem là hợp pháp khi được cử hành dưới sự chủ tọa của Giám Mục hay của vị được ngài chỉ định”.[82] Cùng một cách như thế, vì “Đức Giáo Hoàng Rôma, Đấng kế vị Thánh Phêrô, là nguyên lý và là nền tảng hữu hình và vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các Giám Mục cũng như toàn thể đông đảo tín hữu”,[83] sự hiệp thông với Ngài là một đòi buộc nội tại của việc cử hành Hy Tế Thánh Thể. Từ đó xuất phát một chân lý sâu xa được phụng vụ diễn tả bằng nhiều cách: “Mọi cử hành Thánh Thể được thực hiện trong sự hiệp thông không những với Giám Mục mà còn với Đức Giáo Hoàng, với hàng Giám Mục, với toàn thể hàng giáo sĩ và giáo dân khắp nơi. Mọi cử hành Thánh Thể thành sự đều diễn tả sự hiệp thông toàn cầu này với Thánh Phêrô và với toàn thể Giáo Hội, hoặc đòi hỏi một cách khách quan mối hiệp thông này, như trong trường hợp các Giáo Hội Kitô giáo ly khai với Rôma.[84]

40. Bí Tích Thánh Thể tạo sự hiệp thông và giáo dục sự hiệp thông. Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu thành Côrintô, chỉ cho họ thấy những chia rẽ giữa họ biểu lộ trong cộng đoàn tham dự Thánh Thể, đi ngược lại với điều họ cử hành là Bữa Ăn Tối của Chúa. Vì vậy, vị Tông Đồ kêu mời họ suy nghĩ về thực tại đích thực của Bí Tích Thánh Thể để đưa họ trở về với tinh thần hiệp thông huynh đệ (x. 1Cr 11,17-34). Thánh Augustinô cũng đã đồng ý sự đòi buộc này. Ngài nhắc lại lời của vị Tông Đồ: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và anh em là những chi thể của thân thể ấy” (1Cr 12, 27), ngài lưu ý: “Nếu anh em là Thân Mình của Đức Kitô và là các chi thể của Ngài, thì biểu tượng của chính anh em được đặt trên bàn của Chúa; ở đó anh em đón nhận mầu nhiệm của riêng mình”.[85] Và từ đó ngài rút ra hệ quả này: “Chúa chúng ta đã thánh hiến trên bàn thờ mầu nhiệm sự bình an và hiệp nhất của chúng ta. Ai nhận lãnh mầu nhiệm hiệp nhất mà không lưu lại trong mối dây liên hệ bình an, thì không nhận lãnh mầu nhiệm của mình để được cứu rỗi; họ nhận lãnh lời chứng kết án họ”.[86]

41. Sự cổ võ đặc biệt hữu hiệu cho hiệp thông, đặc điểm của Bí Tích Thánh Thể, là một trong những lý do của tầm quan trọng Thánh Lễ Chúa Nhật. Về phương diện này và về những lý do đã khiến cho nó trở nên cần thiết cho đời sống của Giáo Hội và của các tín hữu, tôi đã bàn rất nhiều trong Tông Thư Ngày của Chúa (Dies Domini)[87] về sự thánh hóa Ngày Chúa Nhật. Tôi đã nhắc lại rằng đối với các tín hữu, tham dự Thánh Lễ là một nghĩa vụ buộc, trừ khi họ có một ngăn trở nghiêm trọng nào, và cũng vậy, về phần mình các Mục Tử có bổn phận tương ứng tạo điều kiện thiết thực cho mọi người để họ thực thi huấn giới.[88] Gần đây nhất, trong Tông Thư Bước vào ngàn năm mới (Novo Millennio Ineunte), nhằm vạch ra đường hướng mục vụ cho Giáo Hội vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, tôi muốn làm nổi bật đặc biệt Thánh Lễ Chúa Nhật, nhấn mạnh vì sao Thánh Lễ Chúa nhật rất hữu hiệu cho sự hiệp thông: Tôi đã viết “Bí Tích Thánh Thể là nơi đặc biệt để sự hiệp thông luôn được loan báo và được gìn giữ. Đúng thế, nhờ tham dự vào Bí Tích Thánh Thể, ngày của Chúa cũng trở thành ngày của Giáo Hội, như thế Giáo Hội có thể thực hiện một cách có hiệu quả vai trò của bí tích hiệp nhất”.[89]

42. Gìn giữ và phát huy hiệp nhất Giáo Hội là một trách nhiệm của mọi tín hữu, họ tìm thấy trong Bí Tích Thánh Thể, bí tích hiệp nhất của Giáo Hội, một môi trường để thể hiện thao thức đó một cách đặc biệt. Cụ thể hơn, công việc này thuộc trách nhiệm đặc biệt của các Mục Tử, mỗi người tuỳ theo cấp bậc và nhiệm vụ của mình trong Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội đã ban hành những quy luật nhằm giúp giáo dân đến bàn tiệc của Chúa thường xuyên và có hiệu quả, ấn định những điều kiện khách quan theo đó buộc phải từ chối không cho rước lễ. Chăm lo giúp người ta giữ luật một cách trung thành là cách biểu lộ thiết thực tình yêu đối với Thánh Thể và Giáo Hội.

43. Khi nhận thức Bí Tích Thánh Thể như là bí tích của sự hiệp thông Giáo Hội, có một luận cứ không thể bỏ qua được vì tầm quan trọng của nó: tôi cố ý nói đến tương quan (của Thánh Thể) với nổ lực đại kết. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh vì trong những thập niên vừa qua, đông đảo tín hữu khắp nơi trên thế giới đã khao khát sự hiệp nhất giữa tất cả những Kitô hữu với nhau. Công Đồng Vatican II, ngay từ đầu sắc lệnh về đại kết, nhìn nhận đó là một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa.[90] Điều này đã mang đến một ân sủng thật hiệu quả trên bước đường đại kết cho chính chúng ta, con cái của Giáo Hội Công Giáo, cũng như cho những anh em chúng ta thuộc các Giáo Hội khác và các Cộng Đoàn giáo hội.

Lòng ao ước đạt tới sự hiệp nhất thôi thúc chúng ta hướng nhìn về Bí Tích Thánh Thể, là Bí tích hiệp nhất tuyệt vời của Dân Chúa, vì đó là cách biểu lộ hoàn hảo nhất và là nguồn suối tuyệt đỉnh của hiệp nhất.[91] Trong cử hành Hy Tế Thánh Thể, Giáo Hội dâng lời khẩn cầu lên Thiên Chúa, là Cha giàu lòng thương xót, xin Ngài ban cho con cái Ngài tràn đầy Thánh Thần để họ “trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”.[92] Trong khi dâng lời cầu nguyện này lên Cha của ánh sáng, Đấng “ban phát mọi ơn lành tuyệt hảo và mọi quà tặng kỳ diệu” (Gc 1, 17), Giáo Hội tin vào sự hữu hiệu của lời cầu, vì Giáo Hội cầu nguyện trong sự kết hợp với Đức Kitô là Đầu và là Phu Quân, Đấng biến lời khẩn cầu của hiền thê thành của chính mình bằng cách kết hợp vào hy tế cứu chuộc của Ngài.

44. Chính vì sự hiệp nhất của Giáo Hội, mà Bí Tích Thánh Thể thực hiện nhờ hy tế của Đức Kitô và nhờ hiệp thông vào Mình và Máu Chúa, nhất thiết đòi buộc phải có sự hiệp thông toàn vẹn trong những ràng buộc tuyên xưng đức tin, các bí tích và việc cai quản của Giáo Hội. Không thể nào đồng tế cùng một phụng vụ Thánh Thể cho đến khi những mối liên hệ này được tái lập hoàn toàn. Đồng tế như vậy không thể là một phương tiện có giá trị và còn có thể tạo nên một chướng ngại trên con đường dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn, làm giảm thiểu giá trị của khoảng cách đang ngăn chặn chúng ta với mục tiêu, và du nhập hay công nhận những hàm hồ về điều này điều nọ của chân lý đức tin. Bước đường đi đến hiệp nhất trọn vẹn chỉ có thể thực hiện trong chân lý mà thôi. Về điều này, những khoản cấm của Luật Giáo Hội không chừa chỗ cho ngờ vực,[93] phù hợp với qui luật luân lý mà Công Đồng Vatican II đã ban hành.[94]

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói lại ở đây những gì tôi đã thêm vào trong Thông điệp Ut Unum Sint (Xin cho chúng nên một), sau khi đã thừa nhận là không thể chia sẻ cùng một Bí Tích Thánh Thể: “Chúng tôi cũng thế, chúng tôi ao ước mãnh liệt được đồng cử hành một Thánh Thể duy nhất của Thiên Chúa, và sự ước ao đó đã trở thành cùng một lời ngợi khen và cùng một lời cầu khẩn. Chúng ta cùng nhau hướng về Chúa Cha và chúng ta luôn làm như thế mỗi ngày một nhiều hơn với “một con tim duy nhất”.[95]

45. Không có trường hợp nào được đồng tế khi không có sự hiệp thông trọn vẹn, nhưng đối với việc cho chịu lễ, thì lại khác trong những hoàn cảnh đặc biệt, cho những người thuộc những Giáo Hội hay những Cộng Đoàn giáo hội không cùng hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Thật vậy, trong trường hợp này, mục đích là để thỏa mãn một nhu cầu thiêng liêng cần thiết cho sự cứu rỗi những người này, chứ không phải nhằm thực hiện một liên hệ hiệp thông bất khả, bao lâu những mối dây liên hệ hữu hình của hiệp thông Giáo Hội chưa được thiết lập trọn vẹn.

Công Đồng Vatican II đã phát biểu theo đường hướng đó khi xác định phải xử trí thế nào với những người Đông Phương, là những người thiện chí nhưng đã ly khai với Giáo Hội Công Giáo, khi họ xin được rước lễ từ tay một thừa tác viên Công Giáo một cách thành thật và họ hội đủ những điều kiện cần thiết.[96] Cách làm này đã được hai Bộ Giáo Luật phê chuẩn với những thích nghi cần thiết, trong đó cũng có đề cập đến trường hợp những Kitô hữu, không phải là Đông Phương, không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo.[97]

46. Trong Thông điệp Ut Unum Sint, tôi đã bày tỏ là tôi hoàn toàn chấp nhận những qui luật này nhằm giúp cho phần rỗi các linh hồn với sự phân định cần thiết: “Thật là một niềm vui khi các thừa tác viên Công Giáo, trong những trường hợp đặc biệt đã được xác định, có thể ban những Bí Tích Thánh Thể, Giải Tội và Xức Dầu Bệnh Nhân cho những Kitô hữu không cùng hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, có ước mong mãnh liệt được lãnh nhận, tự nguyện và cùng chia sẻ niềm tin mà Giáo hội Công Giáo tuyên xưng trong các bí tích này. Ngược lại, trong những trường hợp rõ rệt, và đối với những hoàn cảnh đặc biệt, những người Công Giáo có thể xin chịu các bí tích ấy từ tay những thừa tác viên của những Giáo Hội mà trong đó các bí tích này thành sự”.[98]

Cũng phải chú trọng kỹ lưỡng đến những điều không có luật trừ, dù là những trường hợp đặc biệt đã được xác định rất kỹ, vì chỉ cần chối từ một hay nhiều chân lý đức tin về các bí tích này, trong số đó có chân lý liên quan đến sự cần thiết của chức tư tế thừa tác để cho các bí tích được thành sự, đủ làm cho việc lãnh nhận bí tích không còn hợp pháp, vì người xin lãnh nhận không hội đủ những điều kiện cần thiết. Ngược lại, một tín hữu Công Giáo không thể nào rước lễ trong một cộng đoàn không có Bí Tích Truyền Chức thành sự.[99]

Việc tuân giữ trung thành tất cả những qui luật về vấn đề này[100] vừa thể hiện và bảo đảm tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô trong Bí Tích rất thánh, cũng như đối với các anh em thuộc giáo hội Kitô khác mà ta cần làm chứng tá cho sự thật và đối với chính việc cổ võ sự hiệp nhất.

***

CHƯƠNG V

PHẨM GIÁ CỦA VIỆC CỬ HÀNH THÁNH THỂ

 

47. Những ai đã đọc qua trình thuật về việc thành lập Bí Tích Thánh Thể trong Tin Mừng Nhất Lãm đều ngỡ ngàng vì, vào buổi chiều Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích vĩ đại ấy với vẻ vừa đơn giản vừa “trang trọng”. Có một đoạn, theo một nghĩa nào đó, được xem như một khúc dạo đầu: Đó là việc xức dầu tại Bethania. Một người nữ mà Thánh Gioan xác nhận là Maria, chị của Ladarô, đã đổ trên đầu Đức Giêsu một loại dầu thơm quý giá, khiến các môn đệ bất bình – đặc biệt là Giuđa (x. Mt 26, 8; Mc 14, 4; Ga 12, 4) - như thể hành vi đó là một “sự phí phạm” không thể chịu nỗi đối với người nghèo. Tuy nhiên Chúa Giêsu lại nghĩ khác. Không cất bỏ điều gì trong bổn phận bác ái của các môn đệ đối với ngưới nghèo – “Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em” (Mt 26, 11; Mc 14, 7; x. Ga 12,8) – Chúa Giêsu nghĩ đến biến cố sắp đến là cái chết và việc mai táng Ngài, và Ngài nhìn thấy trong việc xức dầu mà người ta vừa làm, cho Ngài hưởng trước cái danh dự mà thân xác Ngài vẫn xứng đáng ngay cả sau khi chết, bởi vì nó được liên kết bền chặt với mầu nhiệm của bản thân Ngài.

Trong Tin Mừng Nhất Lãm, trình thuật tiếp tục với việc Đức Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ chuẩn bị kỷ lưỡng “căn phòng lớn” cần thiết cho bữa ăn vượt qua (x. Mt 14, 15; Lc 22,12), và với trình thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Phản ánh thoáng qua, ít nữa là một phần, khung cảnh nghi thức Do Thái được sắp đặt cho bữa ăn vượt qua cho đến thánh vịnh ngợi khen (x. Mt 26, 30; Mc 14, 26), trình thuật trình bày một cách vừa cô đọng vừa trang trọng, ngay cả trong những dị biệt của những truyền thống khác nhau, những lời Chúa Kitô nói trên bánh và rượu, mà Ngài dùng như những cách diễn tả cụ thể về thân xác Ngài bị trao nộp và máu Ngài đổ ra. Tất cả những chi tiết này được các Thánh Sử nhắc lại dưới ánh sáng của nghi thức “bẻ bánh” bấy giờ đã được củng cố trong Giáo Hội tiên khởi. Nhưng lẽ dĩ nhiên, từ lịch sử mà Chúa Giêsu đã sống, biến cố Thứ Năm Tuần Thánh rõ ràng có những nét “nhạy cảm” phụng vụ đã được nhào nắn theo truyền thống cựu ước và sẵn sàng để được nhào nắn lại trong cử hành Kitô giáo phù hợp với nội dung mới của Phục Sinh.

48. Như người nữ xức dầu tại Bêtania, Giáo Hội không ngần ngại “phung phí”, sử dụng những gì tốt đẹp nhất trong kho tàng của mình để nói lên sự thán phục và lòng tôn thờ của mình trước ân huệ vô bờ bến của Bí Tích Thánh Thể. Cũng như các tông đồ đầu tiên được ủy thác lo chuẩn bị “căn phòng rộng lớn”, Giáo Hội cảm thấy được thúc đẩy cử hành Thánh Thể trong một bối cảnh xứng đáng với một Mầu Nhiệm vĩ đại như thế, qua các thế kỷ và trong sự tiếp nối của các nền văn hóa. Phụng vụ Kitô giáo được khai sinh dựa trên lời và hành động của Chúa Giêsu, phát triển thêm di sản phụng tự Do Thái giáo. Và vì thế, làm sao có thể diễn tả một cách thích hợp việc đón nhận sự tự hiến không ngừng của Phu Quân thần linh cho Giáo Hội - Hiền Thê, bằng cách đặt trong tầm tay những thế hệ tín hữu kế tiếp nhau, Hy Tế hiến dâng một lần là đủ trên Thập Giá và bằng cách tự hiến mình làm của ăn cho mọi tín hữu? Nếu lối suy luận về “bữa tiệc” có làm khơi dậy một tinh thần gia đình đi nữa, Giáo Hội vẫn không bao giờ nhượng bộ trước cám dỗ tầm thường hoá sự “thân thiện gia đình” này đối với Phu Quân mà quên đi Ngài còn là Chúa của mình nữa và “bữa tiệc” vẫn luôn luôn là bữa tiệc hy tế, được đánh dấu bằng việc máu đổ ra trên đồi Golgotha. Bữa Tiệc Thánh Thể vẫn thật sự là một bữa tiệc “thánh”, trong đó những dấu chỉ đơn sơ ẩn chứa chiều sâu khôn dò sự thánh thiện của Thiên Chúa: “Ôi Tiệc Thánh, trong đó Chúa Kitô trở nên lương thực!” (O Sacrum convivium, in quo Christus sumitur!). Tấm bánh được bẻ ra trên bàn thánh và hiến tặng cho chúng ta trong thân phận lữ hành trên những bước đường trần gian, là “panis angelorum”, bánh thiên thần, bánh đó chúng ta chỉ có thể tiếp cận với tấm lòng khiêm tốn của viên đại đội trưởng trong Tin Mừng: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi” (Mt 8,8; Lc 7,6).

49. Dựa vào ý nghĩa cao siêu ấy của mầu nhiệm, chúng ta hiểu rằng niềm tin của Giáo Hội vào Mầu Nhiệm Thánh Thể được diễn tả trong lịch sử không chỉ bằng đòi hỏi một thái độ sùng kính nội tâm, mà còn bằng một chuổi cách diễn tả bên ngoài, nhằm gợi lên và làm nổi bật sự cao trọng của biến cố được cử hành. Từ đó nảy sinh một tiến trình đưa dần đến việc ấn định một quy chế đặc biệt thành quy luật cho phụng vụ Thánh Thể, mà vẫn tôn trọng những truyền thống giáo hội khác nhau được thiết lập hợp pháp. Trên nền tảng đó, một di sản nghệ thuật phong phú cũng đã được phát triển. Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, khi được hướng dẫn bởi mầu nhiệm Kitô giáo, đã tìm thấy một nguồn cảm hứng vô tận, cách trực tiếp hay gián tiếp trong Bí Tích Thánh Thể.

Cũng thế, về phương diện kiến trúc chẳng hạn, khi bối cảnh lịch sử cho phép, người ta chứng kiến nơi cử hành những Nghi Thức Thánh Thể đầu tiên đã được chuyển từ những “nhà” (domus) của những gia đình đến những vương cung thánh đường (basiliques) trang trọng vào những thế kỷ đầu rồi đến những đại thánh đường (cathédrales) uy nghi của thời Trung Cổ và cuối cùng đến những ngôi nhà thờ (églises) lớn nhỏ cứ dần dần mọc lên trên những phần đất mà Kitô giáo đã lan đến. Hình thức của những bàn thờ và của những nhà tạm cũng phát triển trong những không gian phụng vụ, không chỉ tuỳ theo những đà cảm hứng, mà còn theo những chỉ dẫn do thông hiểu chính xác về Mầu Nhiệm. Người ta cũng có thể nói như thế về thánh nhạc, khi chỉ cần nghĩ đến nguồn cảm hứng của những giai điệu bình ca, đến đông đảo các tác giả và thường là những tác giả thời danh, đã tự đo lường với những bản văn phụng vụ của Thánh Lễ. Và trong lãnh vực vật dụng, đồ trang trí dùng trong cử hành phụng vụ, ai lại không thấy một khối lượng quan trọng những sản phẩm nghệ thuật, đi từ những tác phẩm thủ công mỹ nghệ tốt đến những kiệt tác nghệ thuật?

Người ta có thể nói rằng, nếu Bí Tích Thánh Thể đã hun đúc Giáo Hội và con đường thiêng liêng, Bí Tích Thánh Thể cũng có ảnh hưởng rất quan trọng trên “văn hóa”, đặc biệt trong lãnh vực thẩm mỹ.

50. Những Kitô hữu Phương Tây và Phương Đông đã “tranh đua” trong nổ lực thờ phượng Mầu Nhiệm, dưới khía cạnh nghi lễ và thẩm mỹ. Làm sao không cảm tạ Thiên Chúa được, đặc biệt vì sự đóng góp đã đem lại cho nền nghệ thuật Kitô giáo những tác phẩm vĩ đại về kiến trúc và hội họa của truyền thống Hy-Lạp-Byzantin và của cả vùng địa lý và văn hóa Slave nữa? Ở Phương Đông, nghệ thuật thánh đã gìn giữ được một cảm thức đặc biệt mãnh liệt về mầu nhiệm, đã thúc đẩy các nghệ sĩ quan niệm rằng những cố gắng sáng tạo cái đẹp không chỉ là một sự biểu hiện thiên tài mà còn là một phục vụ trung thực cho đức tin. Vượt xa ngoài tài khéo léo về kỹ thuật, họ đã biết đón nhận trong vâng phục luồng gió của Thánh Thần Thiên Chúa.

Vẻ huy hoàng của nền kiến trúc và tranh Mosaiques trong giới Kitô giáo Đông và Tây Phương là một di sản phổ quát của tín hữu và mang trong mình một hoài bão, tôi có thể nói, một bảo chứng cho hiệp thông trọn vẹn hằng ước mong trong đức tin và trong việc cử hành. Điều đó hàm ý và đòi buộc, như trong bức họa thời danh về Chúa Ba Ngôi của Roublev, một Giáo Hội “Thánh Thể ” sâu trầm, nơi đó việc chia sẻ mầu nhiệm của Chúa Kitô trong tấm bánh bẻ ra như được dìm trong sự hợp nhất khôn tả của Ba Ngôi Thiên Chúa, biến Giáo Hội thành một “bức họa” của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong viễn tượng của một nghệ thuật muốn diễn tả, xuyên qua tất cả những yếu tố của nó, ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể theo giáo huấn của Giáo Hội, cần phải chú tâm đến những quy định liên quan đến việc xây dựng và trang trí các thánh đường. Không gian sáng tạo mà Giáo Hội luôn dành cho các nghệ sĩ rất rộng, như lịch sử đã cho thấy, cũng như tôi đã nhấn mạnh trong Bức thư gởi các nghệ sĩ.[101] Nhưng nghệ thuật thánh phải có đặc điểm là khả năng diễn tả cách phù hợp Mầu Nhiệm được đón nhận trong đức tin viên mãn của Giáo Hội, và theo những chỉ dẫn mục vụ đúng đắn do Bản Quyền chuyên trách. Điều đó có giá trị cho những nghệ thuật tượng hình cũng như cho thánh nhạc.

51. Những gì đã xảy ra trong những vùng đất Kitô giáo lâu đời về môn nghệ thuật thánh và luật phụng vụ thì cũng đang phát triển trên những lục địa mà Kitô giáo còn trẻ hơn. Đó là hướng đi mà Công Đồng Vatican II đã đưa ra một cách chính xác, liên quan đến đòi hỏi “hội nhập văn hóa” vừa lành mạnh vừa cần thiết. Trong nhiều chuyến đi mục vụ của tôi, tôi có dịp quan sát trong các vùng trên thế giới, sức sống đang tỏ hiện trong những Cử Hành Thánh Thể khi tiếp xúc với những hình thức, phong cách và những nhạy cảm của các nền văn hóa khác nhau. Trong khi thích nghi với những điều kiện thay đổi của thời gian và không gian, Bí Tích Thánh Thể không chỉ nuôi dưỡng các con người, mà cả các dân tộc nữa, và nắn đúc nhiều nền văn hóa chịu ảnh hưởng của tinh thần Kitô giáo.

Tuy nhiên điều quan trọng là công việc thích nghi ấy phải được thực hiện với ý thức liên tục về Mầu Nhiệm khôn tả mà mỗi thế hệ được mời gọi tự đo lường. “Kho tàng” quá lớn và quý báu đến nỗi người ta có thể làm nó suy giảm hay tổn thương bằng những thử nghiệm hay thực hành không do Thẩm Quyền chuyên trách của Giáo Hội kiểm nhận. Đàng khác, tính cách trung tâm của Mầu Nhiệm Thánh Thể quan trọng đến nỗi việc duyệt xét này phải liên hệ chặt chẽ với Tòa Thánh. Như tôi đã viết trong Tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Asia, (Giáo Hội tại châu Á), “một sự cộng tác như thế rất thiết yếu vì Phụng Vụ thánh diễn tả và cử hành một đức tin duy nhất mà mọi người đều tuyên xưng, và vì là di sản của toàn thể Giáo Hội, nó không thể do những Giáo Hội địa phương thiết định mà không liên hệ với Giáo Hội toàn cầu”.[102]

52. Từ những gì đã nói trên, người ta biết trách nhiệm lớn lao trong Cử Hành Thánh Thể, mà trước hết các linh mục phải có bổn phận, vì các ngài có nhiệm vụ chủ tọa trong tư cách của Chúa Kitô (in persona Christi), bảo đảm chứng tá và phục vụ sự hiệp thông, không những cho cộng đoàn đang trực tiếp tham dự, mà còn cho cả Giáo Hội toàn cầu luôn có quan hệ tới Bí Tích Thánh Thể. Bất hạnh thay, phải đau đớn nhận rằng, nhất là từ những năm sau cuộc canh tân phụng vụ hậu Công Đồng, vì nhận thức sai lầm về sự sáng tạo và thích nghi, những lạm dụng lan tràn, và trở thành lý do đau khổ cho nhiều người. Một phản ứng nào đó chống lại “duy hình thức” đã thúc đẩy một số người, đặc biệt trong vùng nào đó, lầm tưởng rằng “những hình thức” được ấn định bởi truyền thống phụng vụ đáng kính của Giáo Hội và Huấn Quyền là không bắt buộc, và đưa vào những sửa đổi không được phép và thường không phù hợp.

Vì thế tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải lên tiếng một cách cương quyết để trong Cử Hành Thánh Thể, những quy luật phụng vụ được tuân giữ một cách trung thành. Những quy luật đó là một cách diễn tả cụ thể tính giáo hội đích thực của Bí Tích Thánh Thể; đó là ý nghĩa sâu xa nhất của chúng. Phụng vụ không bao giờ là một sở hữu riêng tư của ai, kể cả chủ tế và cộng đoàn cử hành các Mầu Nhiệm đó. Thánh Tông Đồ Phaolô phải lên tiếng mạnh mẽ với cộng đoàn Côrintô để tố cáo những lỗi phạm nghiêm trọng đối với việc Cử Hành Thánh Thể, những lỗi phạm đã đưa đến những chia rẽ (schismata) và bè phái (airéseis) (x. 1Cr 11, 17-34). Vào thời đại chúng ta cũng vậy, việc tuân giữ luật phụng vụ phải được khám phá lại và nêu rõ như một phản ánh và chứng từ của Giáo Hội duy nhất và phổ quát hiện diện trong tất cả mọi cử hành Bí Tích Thánh Thể. Linh mục nào trung thành cử hành Thánh Lễ theo những quy luật phụng vụ và cộng đoàn nào tuân theo đó, chứng tỏ tình yêu của họ đối với Giáo Hội một cách âm thầm nhưng rõ rệt. Thật vậy, để tăng cường ý thức sâu xa ấy về luật phụng vụ, tôi đã yêu cầu những cơ quan chuyên trách trung ương Tòa Thánh soạn thảo một văn kiện chuyên môn hơn với những nhắc nhở về luật, trong vấn đề có tầm quan trọng lớn lao này. Không ai được phép đánh giá thấp Mầu Nhiệm được trao trong tay chúng ta: nó cao cả đến nỗi không ai có thể đối xử với nó theo ý mình, không tôn trọng tính cách linh thánh và chiều kích phổ quát của nó.

***

CHƯƠNG VI

NƠI TRƯỜNG HỌC CỦA ĐỨC MARIA NGƯỜI NỮ “THÁNH THỂ”

 

53. Nếu chúng ta muốn khám phá lại trong tất cả sự phong phú của Bí Tích Thánh Thể, mối liên hệ thâm sâu nối kết Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể, chúng ta không thể nào quên Đức Maria, là Mẹ và mẫu gương của Giáo hội. Trong Tông thư Rosarium Virginis Mariae, khi đặt Đức Trinh Nữ rất thánh làm Thầy dạy trong việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô, tôi đã ghi việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể vào số các mầu nhiệm ánh sáng.[103] Thực vậy, Đức Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến Bí Tích cực thánh này, vì giữa Mẹ và bí tích này có một mối liên hệ sâu xa.

Tin Mừng, thoạt nhìn qua, im lặng về vấn đề này. Trong trình thuật việc thiết lập (Bí Tích Thánh Thể), vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, không ai nói đến Đức Maria. Trái lại ai cũng biết là Mẹ đã có mặt với các Tông Đồ, hiệp nhất “cùng một lòng trong lời cầu nguyện” (x. Cv 114) trong cộng đoàn tiên khởi được qui tụ sau khi Chúa lên trời, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chắc chắn, không thể thiếu vắng sự hiện diện của Mẹ trong những cử hành Thánh Thể giữa các tín hữu của thế hệ đầu tiên rất chuyên cần “trong nghi lễ bẻ bánh” (Cv 2, 42).

Nhưng khi vượt xa hơn việc Mẹ tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể, người ta có thể phỏng đoán cách gián tiếp mối liên hệ giữa Đức Maria và Bí Tích Thánh Thể căn cứ vào thái độ nội tâm của Mẹ. Trong tất cả cuộc sống của Mẹ, Đức Maria là một phụ nữ “Thánh Thể”. Khi nhìn Đức Maria là mẫu gương của mình, Giáo hội cũng được mời gọi theo gương Mẹ trong mối liên hệ của mình với Mầu Nhiệm rất thánh này.

54. Mysterium Fidei! Nếu Bí Tích Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin vượt xa lý trí chúng ta đến nỗi chúng ta chỉ còn phó thác hoàn toàn cho Lời Chúa mà thôi, thì không một ai ngoài Đức Maria có thể nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta trong tiến trình này. Khi chúng ta lập lại hành động của Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly. Khi vâng theo lệnh truyền của Ngài: “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19), chúng ta đón nhận cùng một lúc lời Đức Maria mời gọi vâng phục Chúa không do dự: “Hãy làm những gì Ngài bảo” (Ga 2,5). Với sự ân cần từ mẫu mà Mẹ đã tỏ ra ở tiệc cưới Cana, Đức Maria hình như muốn nói với chúng ta: “Đừng do dự, hãy tin vào những lời của Con Mẹ, Ngài có thể biến nước thành rượu ngon, Ngài cũng có thể biến bánh và rượu trở nên Thịt và Máu Ngài, thông truyền cho các tín hữu, trong mầu nhiệm này, việc tưởng nhớ sống động cuộc Vượt Qua của Ngài để trở nên “bánh sự sống”.

55. Theo một nghĩa nào đó, Đức Maria đã sử dụng đức tin Thánh Thể của mình ngay trước khi Bí Tích Thánh Thể được thiết lập, bởi vì Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh vẹn của Mẹ để Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể. Trong khi Bí Tích Thánh Thể đưa về cuộc khổ nạn và phục sinh, thì Đức Maria cùng lúc vẫn tiếp nối với việc Nhập Thể. Lúc truyền tin, Đức Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa trong chính thực tại thể lý thân xác và máu huyết, thực hiện trước trong Mẹ, những gì được thực hiện một cách bí tích, trong một mức độ nào đó, nơi mọi tín hữu được lãnh nhận dưới hình bánh rượu, Mình và Máu Chúa.

Như thế có một tương quan rất thâm sâu giữa tiếng Fiat (xin vâng) của Đức Maria đáp lại lời thiên thần với tiếng Amen của người tín hữu khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Chúa đã đòi hỏi Đức Maria phải tin rằng Đấng mà Mẹ thụ thai “nhờ hoạt động của Thánh Thần”“Con Thiên Chúa” (x. Lc 1,30-35). Tiếp nối đức tin của Đức Maria, Chúa cũng đòi hỏi chúng ta tin rằng, trong Mầu Nhiệm Thánh Thể, cũng Chúa Giêsu đó, Con Thiên Chúa và Con của Đức Maria, hiện diện cách trọn vẹn gồm cả nhân tính lẫn thần tính của Ngài dưới hình bánh và rượu.

“Phúc thay kẻ đã tin” (Lc 1,45): trong mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Maria cũng đã đi trước đức tin Thánh Thể của Giáo Hội. Lúc đi viếng (bà Isave), Mẹ đã mang trong cung lòng Ngôi Lời làm người, Mẹ trở nên một “nhà tạm” một cách nào đó – “nhà tạm” đầu tiên trong lịch sử - trong đó Con Thiên Chúa, chưa thấy được với mắt loài người, được bà Isave tôn thờ, như thể “chiếu tỏa” ánh sáng của Ngài qua ánh mắt và tiếng nói của Đức Maria. Và cái nhìn say đắm của Đức Maria, chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô vừa mới sinh ra và bồng ẵm Ngài trong vòng tay, phải chăng là mẫu gương tình yêu khôn sánh gợi hứng cho ta mỗi lần ta rước Chúa?

56. Trong suốt cuộc đời của Mẹ bên cạnh Chúa Kitô, và không chỉ trên đồi Canvariô, Đức Maria đã lấy chiều kích hy tế của Bí Tích Thánh Thể làm của mình. Khi Mẹ đem trẻ Giêsu vào đền thờ Giêrusalem để “tiến dâng cho Thiên Chúa” (x. Lc 2,34-35), Mẹ đã nghe cụ già Simêon loan báo cho Mẹ rằng Trẻ này sẽ là một “dấu hiệu chia rẽ” và rằng một “lưỡi gươm” sẽ đâm thâu trái tim của mẹ em (x. Lc 2, 34-35). Như thế bi kịch của Người Con chịu đóng đinh đã được tiên báo, và trong cách thế nào đó, cảnh “stabat Mater” (Mẹ đứng đó) của Đức Trinh Nữ dưới chân Thánh Giá, đã được hình dung trước. Từng ngày, chuẩn bị lên đỉnh đồi Canvariô, Đức Maria đã sống một thứ “Thánh Thể đã có trước” nào đó, đó là một cách “hiệp lễ thiêng liêng” bằng ước muốn và hiến dâng. “Thánh Thể đã có trước” này sẽ được hoàn tất bằng sự hiệp nhất với Con Ngài trong cuộc khổ nạn. Điều đó sẽ được diễn đạt, sau Phục Sinh, qua sự tham dự của Mẹ vào việc cử hành Thánh Thể mà các tông đồ chủ sự để tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa.

Làm sao tưởng tượng được những tâm tình của Đức Maria khi ngài nghe từ miệng của Thánh Phêrô, Gioan, Giacôbê và của các Tông Đồ khác, những lời trong Bữa Tiệc Ly: “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con” (Lc 22,19)? Thân mình được dâng lên làm lễ tế, và được biểu thị bằng dấu chỉ bí tích, cũng là thân mình của Đấng mà Mẹ đã cưu mang trong cung lòng. Nhận lấy Bí Tích Thánh Thể đối với Đức Maria, như là đón nhận một lần nữa trong cung lòng Mẹ quả tim đã đồng nhịp với quả tim của Mẹ và như sống lại những gì Mẹ đã đích thân cảm nghiệm dưới chân Thập Giá.

57. “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Tất cả những gì Chúa Kitô đã thực hiện trong cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài đều hiện diện trong việc “tưởng niệm” đồi Canvariô. Vì thế, những gì Chúa Kitô đã hoàn tất đối với Mẹ Ngài, Ngài cũng hoàn tất cho chúng ta. Quả vậy, Ngài đã trao phó cho Mẹ Ngài người môn đệ yêu dấu, và trong người môn đệ ấy, Ngài cũng trao phó cho Mẹ mỗi người chúng ta: “Này là con bà!”. Cũng thế, Ngài nói với mỗi người chúng ta: “Này là mẹ con!” (x. Ga19,26-27).

Sống việc tưởng niệm cái chết của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, cũng đòi hỏi lãnh nhận liên tục hồng ân này. Điều đó có nghĩa là đưa về nhà chúng ta – theo gương của Thánh Gioan – Đấng mà mỗi ngày chúng ta lãnh nhận như Mẹ chúng ta. Điều đó đồng thời cũng có nghĩa là chúng ta phải dấn thân trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, bằng cách học với Mẹ Ngài và để cho Mẹ Ngài hướng dẫn chúng ta. Đức Maria hiện diện với Giáo Hội và là Mẹ của Giáo Hội, trong mỗi cử hành Bí Tích Thánh Thể của chúng ta. Nếu Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể làm thành một cặp song đôi không thể tách rời, thì giữa Đức Maria và Bí Tích Thánh Thể cũng vậy. Chính vì thế việc kính nhớ Đức Maria trong cử hành Bí Tích Thánh Thể được thi hành đồng loạt, từ thời xa xưa trong các Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương.

58. Trong Bí Tích Thánh Thể, Giáo Hội, lấy tinh thần Đức Maria làm của mình, kết hiệp hoàn toàn với Chúa Kitô và với hy tế của Ngài,. Đó là một chân lý mà người ta có thể đào sâu khi đọc lại kinh Magnificat (linh hồn tôi ngợi khen) trong viễn tượng Thánh Thể. Quả thật, như bài ca của Đức Maria, Bí Tích Thánh Thể trước hết là một lời ngợi khen và là một lời tạ ơn. Khi Đức Maria thốt lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa và lòng trí tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi”, Chúa Giêsu đang ở trong cung lòng của Mẹ. Mẹ ngợi khen Chúa Cha “thay cho” Chúa Giêsu, nhưng Mẹ cũng ngợi khen Chúa Cha “trong” Chúa Giêsu và “cùng với” Chúa Giêsu. Đó chính là “thái độ Thánh Thể” đích thực.

Cùng một lúc, Đức Maria nhắc đến những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ theo như lời hứa với cha ông chúng ta (x. Lc 1,55), và Mẹ loan báo việc kỳ diệu vượt lên trên mọi kỳ công, việc Nhập Thể cứu chuộc. Sau cùng trong kinh Magnificat, cũng có cả việc hướng đến quang lâm của Bí Tích Thánh Thể. Mỗi khi Con Thiên Chúa xuất hiện cho chúng ta trong sự “nghèo nàn” của những dấu chỉ bí tích, bánh và rượu, hạt giống của lịch sử mới, trong đó những kẻ quyền thế bị “lật đổ khỏi ngai vàng” và những người hèn mọn được “nâng cao” (x. Lc 1,52) đã được gieo trong thế gian. Đức Maria hát lên “trời mới”“đất mới”, chúng được thực hiện trước trong Bí Tích Thánh Thể, và theo một nghĩa nào đó, “dự định về chúng” đã được sắp đặt. Nếu bài Magnificat diễn tả “đường lối thiêng liêng” của Đức Maria thì không có gì giúp chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Thể bằng linh đạo này. Bí Tích Thánh Thể đã được trao tặng cho chúng ta, để toàn bộ cuộc sống chúng ta như cuộc sống của Đức Maria, trở nên một bài ca Magnificat.

***

KẾT LUẬN

 

59. “Ave verum corpus natum de Maria Virgine!”. Cách đây vài năm, tôi đã cử hành lễ Kim Khánh Linh Mục của tôi. Hôm nay tôi cảm thấy như một hồng ân sự kiện tôi hiến dâng cho Giáo Hội thông điệp này về Bí Tích Thánh Thể vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, trùng hợp với năm thứ hai mươi lăm tôi lãnh nhận nhiệm vụ kế vị Thánh Phêrô. Điều này làm cho lòng tôi dâng trào niềm biết ơn. Mỗi ngày, từ hơn nửa thế kỷ nay, từ ngày 2 tháng 11 năm 1946, năm mà tôi cử hành thánh lễ đầu tiên trong hầm mộ Thánh Lêônađô trong đại thánh đường Wawel ở Cracovi, ánh mắt tôi chăm nhìn mình thánh và chén thánh, trong đó thời gian và không gian dường như “cô đọng lại” và trong đó thảm kịch đồi Golgotha lại tái hiện một cách mãnh liệt, tỏ lộ tính cách “đồng thời” huyền nhiệm của nó. Mỗi ngày, đức tin của tôi đã cho tôi nhìn biết trong bánh và rượu được hiến thánh, vị Lữ Hành thần linh, một ngày kia, đã cùng đi đường với hai môn đệ làng Emmau, để cho mắt họ nhận ra ánh sáng và tim họ chứa chan hy vọng (x. Lc 24,13-35).

Anh chị em rất thân mến!

Xin hãy cho phép tôi, trong một niềm vui thân tình mãnh liệt, hiệp nhất với niềm tin của anh chị em và để củng cố nó, tôi đưa ra chứng từ đức tin cá nhân của tôi vào Bí Tích Thánh Thể rất thánh. “Kính chào thân xác thật sinh ra từ cung lòng Trinh Nữ Maria, thực sự đã chịu đau khổ, được hiến tế trên thập giá vì loài người!” (Ave verum corpus natum de Maria Virgine/ vere passum, immolatum, in cruce pro homine!). Đây là kho tàng của Giáo Hội, quả tim của thế giới, bảo chứng của ngày cuối cùng mà mọi người đều mong mỏi, dù không ý thức. Vĩ đại thay mầu nhiệm này. Chắc chắn nó vượt xa chúng ta và nó thử thách cam go những khả năng của trí óc chúng ta đòi buộc phải đi xa hơn những dáng vẻ bên ngoài. Nơi đây, giác quan của chúng ta bất lực – “thị giác, xúc giác, vị giác đều phải lụn bại” (visus, tactus, gustus, in te fallitur), thánh thi Adoro Te devote đã nói như thế, nhưng chỉ cần đức tin của chúng ta đâm rễ sâu vào Lời Chúa Kitô được các Tông Đồ truyền lại, đủ cho chúng ta. Xin cho phép tôi lặp lại với Chúa Kitô, nhân danh tất cả Giáo Hội, nhân danh mỗi người trong anh chị em, như Thánh Phêrô vào cuối diễn từ về Bí Tích Thánh Thể trong Tin Mừng thánh Gioan: “Lạy Chúa, bỏ Chúa chúng con đi với ai? Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).

60. Vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba này, tất cả chúng ta, con cái của Giáo Hội, chúng ta được mời gọi phải tiến lên với một sức năng động mới trong đời sống Kitô hữu. Như tôi đã viết trong Tông thư Novo Millennio Ineunte, không cần phải vạch thêm một “chương trình mới”, chương trình đã có sẵn rồi: “chính là chương trình của mọi ngày, được rút ra từ Tin Mừng và Thánh Truyền sống động. Rốt cùng vì nó được qui vào một trung tâm là chính Chúa Kitô mà chúng ta phải hiểu biết, yêu mến, noi gương, để sống sự sống Ba Ngôi trong Ngài và cùng với Ngài biến đổi lịch sử cho đến khi hoàn tất trong thành Giêrusalem thiên quốc”.[104] Việc thực hiện chương trình của đà tiến đổi mới này trong đời sống Kitô hữu phải xuyên qua Bí Tích Thánh Thể.

Mọi dấn thân vào sự thánh thiện, mọi hoạt động nhằm hoàn thành sứ mạng của Giáo Hội, mọi nỗ lực thực hiện các chương trình mục vụ, phải múc lấy nơi mầu nhiệm Thánh Thể, sức mạnh cần thiết và phải hướng về đó như chóp đỉnh. Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta có Chúa Giêsu, chúng ta có hy tế cứu chuộc của Ngài, chúng ta có sự phục sinh của Ngài, chúng ta có hồng ân Thánh Thần, chúng ta có việc tôn thờ, sự vâng phục và tình yêu đối với Chúa Cha trên trời. Nếu chúng ta coi thường Bí Tích Thánh Thể, làm sao có thể chữa trị sự nghèo nàn khốn khổ của chúng ta?

61. Mầu nhiệm Thánh Thể, - hy tế, hiện diện, bữa tiệc – không chấp nhận sự giảm thiểu cũng như sự thao túng nào; nó phải được sống toàn vẹn, dù trong việc cử hành hay trong việc trò chuyện thân mật với Chúa Giêsu mà người ta vừa đón nhận khi rước lễ, hay hơn thế nữa, trong thời gian cầu nguyện và tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ. Lúc ấy Giáo Hội được xây dựng một cách vững chắc và yếu tính của Giáo Hội thực sự được diễn tả: duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền; là dân, là đền thờ và là gia đình của Thiên Chúa; là thân thể và là Hiền Thê của Chúa Kitô, được sinh động bởi Thánh Thần; là bí tích phổ quát của ơn cứu độ và là sự hiệp thông được cơ cấu hóa theo phẩm trật.

Con đường mà Giáo Hội đang đi vào những năm đầu tiên này của thiên niên kỷ thứ ba cũng là con đường dấn thân đại kết mới. Những thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai, đạt được chóp đỉnh trong Đại Năm Thánh, đã thúc đẩy chúng ta vào hướng đó, khuyến khích tất cả những người đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy phải đáp lại lời cầu của Chúa Giêsu “ut unum sint” (Ga 17,11) (xin cho chúng nên một). Một con đường như thế thì rất dài và đầy chướng ngại vượt hẳn sức con người; nhưng chúng ta có Bí Tích Thánh Thể, và trước sự hiện diện của Ngài, chúng ta có thể nghe từ đáy lòng chúng ta, như thể ngõ với chúng ta, những lời nói mà tiên tri Êlia đã nghe: “Hãy dậy mà ăn, không thì đường sẽ còn dài đối với ngươi” (1V 19,7). Kho tàng Bí Tích Thánh Thể mà Chúa đã đặt dưới quyền sử dụng của chúng ta thúc đẩy chúng ta đi đến mục tiêu là chia sẻ toàn vẹn kho tàng ấy với tất cả anh em đã được liên kết với chúng ta trong cùng một Bí Tích Thánh Tẩy. Tuy nhiên, để đừng lãng phí kho tàng quí báu như thế, phải tôn trọng những đòi buộc gắn liền với sự kiện đó là bí tích của sự hiệp thông trong đức tin và trong sự kế nhiệm các tông đồ.

Khi trao lại cho Bí Tích Thánh Thể tất cả tầm quan trọng xứng đáng và chú tâm đặc biệt, không để suy giảm một chiều kích nào hay một đòi buộc nào, chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta thực tâm ý thức sự cao cả của hồng ân này. Chúng ta cũng được mời gọi làm như thế bởi một truyền thống liên tục, ngay từ những thế kỷ đầu tiên, đã mục kích cộng đoàn Kitô hữu ân cần gìn giữ “kho tàng” này. Nhờ tình yêu thúc đẩy, Giáo Hội chăm lo thông truyền cho những thế hệ Kitô hữu sẽ đến, không bỏ mất một yếu tố nào, đức tin và giáo thuyết về mầu nhiệm Thánh Thể. Chú tâm vào Mầu Nhiệm này, không bao giờ sợ thái quá, vì “tất cả mầu nhiệm cứu độ của chúng ta được gồm tóm trong Bí Tích này”.[105]

62. Anh chị em thân mến, hãy học cùng các thánh, những người diễn giải lừng danh việc tôn sùng Bí Tích Thánh Thể đích thực. Nơi các ngài, khoa thần học về Bí Tích Thánh Thể đạt được tất cả vẽ đẹp của cái đã sống thực, “thấm nhập” vào chúng ta hay nói cách khác, “sưởi ấm” chúng ta. Hơn hết hãy lắng nghe Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, nơi Mẹ, hơn ai hết, Mầu Nhiệm Thánh Thể tỏa sáng như một mầu nhiệm sự sáng. Khi quay hướng về Mẹ, chúng ta biết được sức mạnh làm biến đổi của Bí Tích Thánh Thể. Trong Mẹ chúng ta nhìn thấy thế giới được canh tân trong tình yêu. Khi chiêm ngắm Mẹ, Đấng hồn xác Lên Trời, chúng ta khám phá ra cái gì đó của “trời mới, đất mới”, sẽ mở ra trước mắt chúng ta khi Chúa Kitô quang lâm. Bí Tích Thánh Thể là bảo chứng ngay từ trần gian này và một cách nào đó là nếm trước sự quang lâm đó: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22,20).

Dưới hình bánh rượu khiêm tốn, được biến bản thể, thành Mình và Máu Ngài, Chúa Kitô đồng hành với chúng ta, Ngài là sức mạnh và của ăn đàng cho chúng ta, và Ngài biến chúng ta thành những chứng nhân hy vọng cho tất cả anh em chúng ta. Nếu đứng trước mầu nhiệm này, lý trí của chúng ta cảm nhận giới hạn của mình, thì con tim được chiếu sáng nhờ ơn Thánh Thần, hiểu rõ phải có thái độ nào, khi chìm sâu trong tôn thờ và trong một tình yêu không hạn giới.

Chúng ta hãy mượn những tâm tình của Thánh Tôma Aquinô, nhà thần học lừng danh và đồng thời là thi nhân say đắm của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể của Ngài và hãy để cho tâm hồn chúng ta cũng mở rộng ra để chiêm ngưỡng mục tiêu đã hứa, mục tiêu mà con tim chúng ta đang hướng tới, khao khát niềm vui và an bình:

Bone pastor, panis vere

Jesu, nostri miserere!

Lạy mục tử nhân lành, bánh đích thực,

Xin thương xót chúng con.

Xin nuôi dưỡng chúng con, che chở chúng con,

Xin cho chúng con nhìn thấy thiện hảo tuyệt vời

Trong cõi đất dành cho kẻ sống.

Chúa biết và có thể làm mọi sự,

Chúa là lương thực của chúng con trên trần gian này,

xin đem chúng con lên cõi cao xanh

để là thực khách và thừa kế muôn đời trong gia đình các thánh.

 

 

Ban hành tại Roma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô,

ngày 17 tháng 04 năm 2003, Thứ Năm Tuần Thánh,

trong năm thứ 25 triều Giáo Hoàng của tôi và trong năm Mân Côi.

+ JOHANNES PAUL II

Giáo Hoàng

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 11.

[2] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (Chức Vụ Và Đời Sống Linh Mục), số 5.

[3] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Rosarium Virginis Mariae, 16/10/2002, số 21. AAS 95 (2002), tr. 19; La Domumentation catholique 99 (2002), tr. 959-960.

[4] Đó là tựa mà tôi đã muốn đề cho một chứng từ tự thuật vào dịp lễ Kim Khánh linh mục của tôi.

[5] Đức Giáo Hoàng Leo XIII, PM Acta XXII (1903), tr. 115-116.

[6] AAS 39 (1947), tr. 521-595; La Documentation catholique 45 (1948), cột 195-251.

[7] AAS 57 (1965), tr. 753-774; La Documentation catholique 62 (1965), cột 1633-1651.

[8] AAS 72 (1980), tr. 113-114; La Documentation catholique 77 (1980), tr. 301-312.

[9] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng vụ thánh), số 47; Salvator noster… “Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Thánh Thể bằng Mình Máu Ngài, để nhờ đó, Hy Tế Thập Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Ngài lại đến…”.

[10] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1085.

[11] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 3.

[12] x. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tuyên xưng đức tin, (30/06/1968), số 24; AAS 60 (1968) tr. 442; La Documentation catholique 65 (1968), cột 1256-1257; Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Dominicae Cenae, (24/02/1980), số 9; AAS 72 (1980), tr. 142-146; La Documentation catholique 77 (1980), tr. 305-306.

[13] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1382.

[14] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1367.

[15] St. Jean Chrysostome, Bài giảng lễ về thư Do Thái 17,3: PG 63, 131.

[16] x. Công Đồng Trento, Khóa XXII, Giáo thuyết về Hy Tế Thánh của Thánh Lễ, chương 2: La Documentation catholique 1743, la Foi catholique, số 768: “Đó cũng là một hiến vật, đó chính là Đấng dâng hiến ngay bây giờ nhờ tác vụ của các linh mục, Đấng tự hiến lúc ấy ngay trên Thập Giá, chỉ có thể cách dâng là khác mà thôi”.

[17] Đức Giáo Hoàng Piô XII, Thông điệp Mediator Dei, (20/11/1947): AAS 39 (1947), tr. 548: La Documentation catholique 45 (1948), cột 216.

[18] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Hominis, (15/03/1979), số 20; AAS 71 (1979), tr. 310; La Documentation Catholique 76 (1979), tr. 317.

[19] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 11.

[20] De sacramentis, V, 4,26; CSEL 73, 70; SCh 25 bis, tr. 135.

[21] In Joannis Evangelium, XII, 20; PG 74, 726.

[22] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Mysterium Fidei, (3/09/1965): AAS 75 (1965), tr. 764; La Documentation catholique 62 (1965), cột 1643.

[23] Công Đồng Vatican II, Khóa XIII, Sắc lệnh về Phép Thánh Thể rất thánh, chương 4: DS 1462; La Foi Catholique, số 739.

[24] St. Cyrilo de Jerusalem, Catéchèses mystagogiques, IV, 6: SCh 126, tr. 138.

[25] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Mạc Khải), số 8.

[26] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tuyên xưng đức tin, (30/06/1968), số 25; AAS 60 (1968) tr. 442-443; La Documentation catholique 65 (1968), cột 1256.

[27] St. Ephrem, Bài giảng lễ IV tuần thánh; CSCO 413/Syr. 182, 55.

[28] St. Jean Chrysostome, Kinh nguyện.

[29] Kinh nguyện Thánh Thể III.

[30] Lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô - Kinh Chiều II, Thánh ca Magnificat.

[31] Sách Lễ Rôma, Kinh nguyện phụ thêm sau Kinh Lạy Cha.

[32] Thư cho giáo đoàn Êphêsô, 20: PG 5, 661; SCh 10 bis, tr. 77.

[33] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng Và Hy Vọng), số 39.

[34] “Bạn muốn tôn kính Thân Thể Đức Kitô? Đừng khinh dễ nó khi nó trần truồng. Đừng tôn kính nó ở đây, trong nhà thờ, bằng vải lụa đang khi bạn để nó ngoài trời đau đớn vì lạnh và vì thiếu quần áo. Vì Đấng đã nói: Này là Mình Thầy, và đã thực hiện điều đó khi nói như thế, chính Ngài đã nói: Bạn đã thất Ta đói và không cho Ta ăn, và cũng thế: Mỗi lần bạn không làm cho một trong những kẻ bé mọn này, là không làm cho chính Ta (…). Ích lợi gì khi bàn tiệc của Chúa Kitô đây những bình bằng vàng, trong khi chính Ngài lại chết đói. Hãy bắt đầu làm cho kẻ đói được no đã, và cái gì còn lại hãy đem trang hoàng bàn thờ của ngươi”. Thánh Gioan Kim Khẩu, Bài giảng lễ về Tin Mừng Thánh Matthêu 50, 3-4: PG 58, 508-509; xem: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Thông điệp Sollicitudo rei socialis, (30/12/1987), số 31; AAS 80 (1988), tr. 553-556; La Documentation catholique 85 (1988), tr. 246.

[35] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 3.

[36] Ibidem.

[37] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes (Hoạt Động Truyền Giáo Của Giáo Hội), số 5.

[38] “Môsê lấy máu, rảy trên dân, và nói: ‘Đây là máu Giao Ước Dức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này’ (Xh 24,8)”.

[39] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 1.

[40] Ibid., số 9.

[41] x. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục), số 5. Sắc lệnh đó cũng nói ở số 6: “Không một cộng đoàn Kitô nào thiết lập mà không đặt nền tảng và trọng tâm vài việc cử hành Bí Tích Thánh Thể rất thánh”.

[42] St. Jean Chrysostome, Bài giảng lễ về thư thứ nhất cho giáo đoàn Côrintô, 24,2 G 61,200; Cf. Didachè, IX, 4; Funk, 1,22; SCh 248, tr. 77; Thánh Xiprianô, thư LXIII,13: PL4,384; Correspondance II, Les Belles Lettres, Paris (1925), tr. 202.

[43] PO 6,206.

[44] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 1.

[45] x. Công Đồng Trento, khóa XIII, Sắc lệnh về phép Thánh Thể rất thánh, khoản 4: DS 1654; La Foi Catholique, số 748.

[46] x. Rituale Romanum: De sacra communione et de cultu mysterii eucharistici extra missam, tr. 36 (số 80); Sách nghi thức của Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, tái bản, AELF1996, tr. 67 (số 80).

[47] x. Ibid., tr. 38-39 (số 86-90); tr. 69-70 (số 86-90).

[48] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, số 32: AAS 93 (2001), tr. 88; La Documentation catholique 98 (2001), tr. 79.

[49] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Mysterium Fidei, (3-9-1965): AAS 57 (1965), tr. 771; La Documentation catholique 62 (1965), cột 1647-1648: “Chớ gì trong ngày, các tín hữu đừng quên viếng Thánh Thể, phải được giữ vào nơi thật xứng đáng của các nhà thờ, với sự trang trọng có thể, như luật phụng vụ đã dạy. Vì thăm viếng như thế là một dấu hiệu biết ơn, một cử chỉ yêu thương và một bổn phận biết ơn đối vơiù Chúa Kitô, Chúa chúng ta hiện diện nơi đó”.

[50] Visite al S.S. Sacramento ed a Maria Santissima, Introductio: Opere ascetiche, Avellino (2000), tr. 295.

[51] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Mysterium Fidei, (3/9/1965): AAS 57 (1965), tr. 771.

[52] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 857.

[53] Ibidem.

[54] Ibidem.

[55] x. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Sacerdotium Ministeriale, (6-8-1983), III,2: AAS 75 (1983), tr. 05; La Documentation catholique 80 (1983), tr. 886.

[56] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 10.

[57] Ibidem.

[58] Cf. Institutio Generalis: Editio typica tertia, số 147.

[59] Cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), các số 10.28; Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 2.

[60] “Chủ tế trên bàn thờ đại diện cho Chúa Kitô vớ tư cách là đầu hiến dâng nhân danh tất cả chi thể”: Đức Giáo Hoàng Piô XII, Thông điệp Mediator Dei, (20-11-1947): AAS 39 (1947), tr. 556; La Documentation catholique 45 (1948), cột 221; x. Đức Giáo Hoàng Piô X, Huấn thị Tông Tòa Hoerent animo, (4-8-1908): piiX Acta, IV,16; Đức Giáo Hoàng Piô XI, Thông điệp Ad Catholici Sacerdotii, (20-12-1935): AAS 28 (1936), tr. 20; La Documentation catholique 35 (1936/1), cột 141.

[61] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Dominicae Cenoe, (24-2-1980), số 8: AAS 72 (1980), tr. 128-129; La Documentation catholique 77 (1980), tr. 304.

[62] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Sacerdotium Ministeriale, (6-8-1983), III, 4: AAS 75 (1983), tr. 06; La Documentation catholique 80 (1983), tr. 887; x. Công Đồng Lateran IV, ch. 1, Hiến chế về đức tin công giáo Firmiter credimus: DS 802; La Foi Catholique, số 31.

[63] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio (về Hiệp Nhất), số 2.

[64] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Dominicae Cenae, (24-2-1980), số 2: AAS 72 (1982), tr. 115; La Documentation catholique 77 (1980), tr. 301.

[65] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục), số 14.

[66] Ibid., số 13; x. Giáo luật, khoản 904; Giáo luật của các Giáo Hội Đông Phương, khoản 378.

[67] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục), số 6.

[68] Cf. Báo cáo cuối cùng, II,C,1: L’Osservatorum Romano, 10-12 1985, tr. 7; La Documentation Catholique 83, (1986), tr. 39.

[69] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 26.

[70] Nicôlaô Cabasilas, Cuộc sống trong Chúa Kitô, IV, số 10: SCh, 335, tr. 271.

[71] Thánh Têrêxa Giêsu, Con đường trọn lành, chương 37: Oeuvres complètes, Paris (1948), tr. 766.

[72] Cf. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Communionis Notio, (28-5-1992), số 4: AAS 85 (1993), tr. 839-840; La Documentation catholique 89 (1992), tr. 730.

[73] Cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 14.

[74] St. Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về Isaia, 6,3: PG 56,139.

[75] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1385; x. Giáo luật, khoản 916; Giáo luật các Giáo Hội Đông Phương, khoản 711.

[76]Diễn văn trước các thành viên Tòa Xá Giải và các Vị Giải Tội của các Vương Cung Thánh Đường của thành Roma, (30-01-1982): AAS 73 (1981), tr. 203; Công Đồng Trento, Khóa XIII, Sắc Lệnh về Thánh Thể cực thánh, chương 7; Bộ Giáo Luật, khoản 11: DS, số 1647, tr. 1661; La Documentation catholique 742 (1983), tr. 755.

[77] Khoản 915; x. Giáo luật các Giáo Hội Đông phương, khoản 712.

[78] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 14.

[79] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, III, q.73, a.3.

[80] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Communionis Notio, (28-5-1992, số 11: AAS 85 (1993), tr. 844; La Documentation catholique 89 (1992), tr. 731.

[81] Cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 23.

[82] Thư gửi Giáo đoàn Smyrne,VIII, PG 5, 713; SCh số 10, tr. 139.

[83] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 23.

[84] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Communionis Notio, (28-5-1992), số 14: AAS 85 (1993), tr. 847; La Documentation catholique 89 (1992), tr. 732.

[85] St. Augustin, Bài giảng 272: PL 38, 1247; Tác Phẩm Toàn Tập của thánh Augustin, Paris (1873), tr. 399.

[86] Ibid., 1248; tr. 400.

[87] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Dies Domini (Ngày của Chúa), số 31-51: AAS 90 (1998), tr. 731-746; La Documentation catholique 95 (1998), tr. 666-672.

[88] x. Ibid., số 48-49: AAS 90 (1998), tr. 744; La Documentation catholique 95 (1998), tr. 671.

[89] x. Ibid., số 36: AAS 93 (2001), tr. 291-292; La Documentation catholique 98 (2001), tr. 81.

[90] x. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio (Về Hiệp Nhất), số 1.

[91] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 11.

[92] “Chúng ta là những người tham dự vào một tấm bánh duy nhất và một chén duy nhất, xin cho chúng con được hiệp nhất với nhau trong sự hiệp thông cùng một Thánh Thần”: Kinh nguyện của Phụng vụ thánh Basilio.

[93]x. Giáo Luật, khoản 908; Giáo Luật của các Giáo Hội Đông Phương, khoản 702; Hội Đồng Giáo Hoàng để Thăng Tiến Sự Hiệp Nhất của các Kitô hữu, Những Chỉ Dẫn về Đại Kết, (25-3-1993), số 122-125, 129-131: AAS 85 (1993), tr. 1086-1089; La Documentation Catholique, 90 (1993), tr. 630-631; Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Ad Exsequendam, (18-05-2001): AAS (2001), tr. 786; La Documentation Catholique, 99 (2002), tr. 364-365.

[94] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Orientalium Ecclesiarum (Giáo Hội Công Giáo Đông Phương), số 26: “Luật Chúa cấm tham dự vào sự thánh phương hại đến việc hiệp nhất Giáo Hội, hoặc đưa đến sai lầm thực sự hay nguy cơ lạc hướng về đức tin, sinh ra gương mù gương xấu và tạo nên thái độ lãnh đạm”.

[95] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Ut unum sint (Xin cho chúng nên một), số 45: AAS 87 (1995), tr. 948; La Documentation catholique 92 (1995), tr. 579.

[96] x. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Orientalium Ecclesiarum (Giáo Hội Công Giáo Đông Phương), số 27.

[97] x. Giáo Luật, khoản 844, tiết 3-4; Giáo Luật Các Giáo Hội Đông Phương, khoản 671, tiết 3-4.

[98] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Ut unum sint (Xin cho chúng nên một), số 46: AAS 87 (1995), tr. 948; La Documentation catholique 92 (1995), tr. 580.

[99] x. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio (Về Hiệp Nhất), số 22.

[100] x. Giáo Luật, khoản 844; Giáo Luật Các Giáo Hội Đông Phương, khoản 671.

[101] x. AAS 91 (1999), tr. 155-1172: La Documentation catholique 96 (1999), tr. 451-458.

[102] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại châu Á), số 22: AAS 92 (2000), tr. 485; La Documentation catholique 96 (1999), tr. 991

[103] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Rosarium Virginis Mariae, số 21: AAS 95 (2003), tr. 20; La Documentation catholique 99 (2002), tr. 959-960.

[104] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, số 29: AAS 93 (2001), tr. 285; La Documentation catholique 98 (2001), tr. 78.

[105] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, III, q.83, a.4c.