Thông Điệp

Saturday, 04 April 2020 15:52

Thông Điệp Fides Et Ratio (Đức Tin Và Lý Trí) Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 14-09-1998) – (1) Featured

THÔNG ĐIỆP FIDES ET RATIO

(ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

GỞI TẤT CẢ CÁC GIÁM MỤC THUỘC GIÁO HỘII CÔNG GIÁO

VỀ NHỮNG TƯƠNG QUAN CỦA ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ

BAN HÀNG NGÀY 14 THÁNG 09 NĂM 1998

***

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

***

Thân ái gửi lời chào và phúc lành Tòa Thánh đến Chư huynh đáng kính.

Đức tin và Lý trí là như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý. Thiên Chúa đã in vào tâm khảm con người khát vọng nhận biết chân lý, và sau cùng để nhận biết chính Người, ngõ hầu khi đã biết và yêu mến Người thì con người cũng nhận biết chân lý đầy đủ về chính mình (xc. Xh 33,18; Tv 27,8-9; 63,2-3; Ga 14,8; 1Ga 3,2).

***

DẪN NHẬP

“Hãy tự biết mình”

 

1. Ở Đông phương cũng như Tây phương, chúng ta có thể nhận ra một lộ trình, trải dài nhiều thế kỷ, đã đưa nhân loại lại gần chân lý và đối chiếu mình với chân lý. Hành trình ấy đã diễn tiến - và không thể khác đi - trong lãnh vực ý thức nhân bản về chính mình: con người càng biết thực tại và thế giới, càng biết mình trong sự thuần nhất, thì câu hỏi về ý nghĩa của các vật và của chính cuộc đời mình càng trở nên câu thúc. Chính vì thế mà một phần của đời sống chúng ta được xuất hiện như đối tượng nhận thức của ta. Lời nhắn nhủ “Hãy tự biết mình” đã được khắc trên “mui lưa” của đền Delphes, để chứng minh cho một chân lý nền tảng, phải được lấy như qui luật tối thiểu cho mọi người muốn xác định chính mình, giữa vũ trụ, bằng cách minh định mình như “con người”“tự biết mình”.

Đàng khác, thoáng nhìn vào lịch sử cổ thời ta cũng thấy rõ tại nhiều nơi trên hoàn cầu, với những nền văn hóa khác nhau, đã đồng thời phát sinh ra những câu hỏi nền tảng, đánh dấu hành trình của cuộc nhân sinh: Tôi là ai? Tôi bởi đâu mà đến và tôi đi về đâu? Tại sao có điều ác? Sau cuộc sống này còn có chi chăng? Những câu hỏi ấy được ghi trong Sách Thánh của người Do thái, nhưng cũng thấy có trong kinh Vệ đà và trong sách Avesta; chúng ta cũng thấy trong các sách của Khổng tử, của Lão tử, và trong những lời thuyết pháp của Tirthankaras và của Phật tổ; đó cũng là những điều được thấy trong những vần thơ của Homéro và những bi hài kịch của Euripide và của Sophocle, trong cả những tác phẩm triết học của Platon và Aristote. Các câu hỏi ấy có một nguồn gốc chung: là sự tìm kiếm ý nghĩa luôn luôn hối thúc trong tâm khảm chúng ta, vì chưng hướng đi của cuộc nhân sinh hệ tại lời giải đáp cho những câu hỏi ấy.

2. Giáo Hội không phải, và cũng không thể là khách bàng quan trong quá trình tìm hiểu ấy. Vì từ khi được ơn biết chân lý tối hậu về cuộc đời con người, trong Mầu nhiệm Vượt qua, Giáo Hội đã tham gia cuộc lữ hành trên những nẻo đường của thế giới để loan báo Đức Giêsu Kitô là “Đường, là Chân lý và là sự Sống” (Ga 14,6). Trong nhiều dịch vụ mà Giáo Hội cúng hiến cho nhân loại, có một dịch vụ mà Giáo Hội phải đặc biệt đảm trách: đó là phục vụ chân lý.[1] Một đàng, sứ vụ này làm cho cộng đoàn những tín hữu tham gia vào nỗ lục chung mà nhân loại phải hoàn thành để đạt tới chân lý,[2] và đàng khác, sự phục vụ này đòi phải loan báo những chân lý chắc chắn đã chinh phục được, dù vẫn biết rằng mọi chân lý đã chinh phục cũng chỉ là một giai đoạn để đi tới chân lý, sẽ được tỏ hiện trong mặc khải sau cùng của Thiên Chúa: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi chỉ được biết có hạn, mai sau sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr 13,12).

3. Con người có nhiều nguồn lực khích lệ tiến tới trong sự nhận biết chân lý, để làm cho cuộc đời ngày càng nhân bản hơn. Trong số những nguồn lực ấy có triết học, trực tiếp cộng tác vào việc đặt vấn đề về ý nghĩa cuộc đời và cố gắng tìm giải đáp; triết học xuất hiện như một trong những trách nhiệm tao nhã nhất của nhân loại. Hạn từ Triết học, theo nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là “yêu mến sự thông tuệ”. Quả thực, triết học phát sinh và phát triển vào thời kỳ con người bắt đầu tự hỏi về lý do của vạn vật, và về mục đích của chúng. Theo những cách thức và dạng thức khác nhau, nó cho thấy khát vọng tìm kiếm chân lý là đặc trưng của bản tính con người. Đặc tính cố hữu của lý trí là tự hỏi về lý do của vạn vật, dù những lời giải đáp dần dần được ghi vào một phối cảnh thì phối cảnh này cũng cho thấy rõ, những lời giải đáp của các nền văn hóa khác nhau của con người đã bổ túc lẫn nhau.

Ảnh hưởng lớn lao triết học đã đạt được trong việc hình thành và phát triển các nền văn hóa Âu châu không nên làm cho chúng ta quên đi ảnh hưởng, mà triết học cũng đã đạt được ở Á đông, trong những cách quan niệm về cuộc đời. Quả thực mỗi dân tộc đều sở hữu một nền minh triết riêng biệt và độc đáo, thứ minh triết, xét như là tài nguyên văn hóa đích thực, có khuynh hướng giãi bày và phát triển dưới những hình thức có tính cách triết học. Thực thế, và ta có thể nhận thấy trong những thỉnh đề, gợi hứng cho những luật lệ quốc gia và quốc tế, để thiết lập những qui tắc cho cuộc sống xã hội, là chứng tá về sự hiện hữu của một kiến thức triết học, theo hình thức cơ bản, tồn tại cho đến ngày nay.

4. Dù sao cũng phải nhận thấy rằng, dưới một hạn từ duy nhất, ẩn náu những ý nghĩa khác nhau, nên cần phải giải thích trước. Được thúc đẩy bởi khát vọng tìm chân lý tối hậu của cuộc đời, con người tìm cách chinh phục những nhận thức phổ quát, giúp họ hiểu biết chính mình và tiến tới trong việc thể hiện chính mình. Những kiến thức nền tảng phát sinh do sự ngạc nhiên khi chiêm ngắm những vật thụ tạo: con người ngạc nhiên khi thấy mình được hội nhập vào thế giới, có liên hệ với nhiều vật giống như mình, và đồng phận với mình. Đó là khởi điểm của hành trình hướng dẫn con người khám phá ra những chân trời ngày càng mới mẻ của kiến thức. Không biết lạ lẫm, con người sẽ ngả theo sự lặp đi lặp lại, và dần dà sẽ trở thành bất lực không thể có một lối sống nhân bản.

Khả năng trừu tượng là đặc trưng của trí tuệ con người; với hoạt động triết lý, khả năng này sẽ dẫn đến việc thiết lập một hình thức tư tưởng nghiêm túc, và như vậy, xây dựng một kiến thức có hệ thống, với sự mạch lạc hữu lý của những phán đoán, và tính cách hữu cơ của nội dung. Nhờ vào quá trình ấy, trong những bồi cảnh văn hóa dị biệt và qua nhiều thời đại khác nhau, người ta đã đạt tới những thành quả, dẫn đến việc thiết lập những hệ thống tư tưởng đích thực. Theo sử quan, điều đó nhiều khi như huyễn hoặc ta coi một luồng tư tưởng như tổng thể tư tưởng triết học. Nhưng hiển nhiên là, trong những trường hợp này, có một thứ “tự hào triết học” xen vào, đưa cái nhìn còn khiếm khuyết lên hàng bài học phổ quát. Thực vậy, mọi hệ thống triết lý, dù luôn luôn được tôn trọng trong sự toàn vẹn của chúng, chứ không phải như công cụ, đều phải công nhận quyền ưu tiên của tư tuởng triết học, nơi phát xuất ra chúng, và chúng phải phục vụ cách chặt chẽ.

Theo nghĩa đó, dù có những thay đổi qua dòng thời gian và có những tiến bộ về kiến thức, ta có thể nhận ra cái cốt lõi của những quan niệm triết lý [noyau de notions philosophiques] luôn luôn hiện diện trong lịch sử tư tưởng. Để lấy một thí dụ, ta hãy nghĩ đến những nguyên lý bất mâu thuẫn, cứu cánh, nhân quả, cũng như quan niệm về nhân vị như chủ thể tự do và hiểu biết, và khả năng của nó để nhận biết Thiên Chúa, chân lý và điều thiện; ta cũng hãy nghĩ đến những qui tắc luân lý nền tảng được chấp nhận cách công cộng. Những đề tài ấy và những điều khác nữa tỏ rõ rằng, có một tổng thể những ý niệm mà người ta có thể nhìn nhận như gia sản thiêng liêng của nhân loại, độc lập với những trào lưu tư tưởng. Điều đó làm cho chúng ta như thấy mình đứng trước một triết lý ám tàng [philosophie implicite], khiến ai nấy cảm thấy như mình sở hữu những nguyên lý ấy, dù chỉ cảm thấy một cách tổng quát thiếu phản tỉnh. Chính vì được mọi người chia sẻ theo mức độ nào đó, những ý niệm này phải làm thành những điểm qui chiếu cho nhiều trường phái triết học. Khi lý trí đạt đến chỗ nắm bắt và công thức hóa những những nguyên lý thủ yếu và phổ quát của hữu thể, và từ đó rút tỉa ra những kết luận mạch lạc trong lãnh vực luận lý và luân lý, lúc đó người ta có thể bàn về một lý trí đúng đắn, hay như những cổ nhân nói: lý trí ngay thẳng: orthos logos.

5. Về phần mình, Giáo Hội phải thán phục những nỗ lực của lý trí để đạt tới những mục tiêu làm cho cuộc nhân sinh ngày càng xứng đáng hơn. Quả thực, Giáo Hội nhận thấy nơi triết học một phương cách nhận biết những chân lý nền tảng, liên quan đến cuộc sống của con người. Đồng thời Giáo Hội coi triết học như một trợ lực không thể thiếu để thấu hiểu đức tin và để truyền thông chân lý của Tin Mừng cho những ai chưa biết đến.

Vì thế, tiếp nối những sáng kiến của các vị tiền bối, tôi cũng muốn chú ý đến hoạt động riêng biệt này của lý trí. Tôi được kích thích, nhất là ngày nay, bởi sự kiện này là, việc nghiên cứu chân lý tối hậu thường như bị bê trễ. Quả nhiên, triết học hiện đại có công lớn là đã kéo chú ý đến con người. Từ đó lý trí hay tọc mạch đã phát triển ước muốn có được một kiến thức ngày càng sâu rộng. Vì thế người ta đã xây dựng những hệ thống tư tưởng phức tạp, đã mang lại thành quả trong nhiều lãnh vực hiểu biết, cổ võ sự phát triển văn hóa và lịch sử. Nhân loại học, luận lý học, khoa học thiên nhiên, lịch sử và ngôn ngữ học,v.v... và một cách nào đó, toàn thể các kiến thức được đề cập tới. Tuy nhiên những thành quả tích cực đã đạt được không nên làm cho chúng ta coi nhẹ một sự kiện, là hình như chính lý trí, khi bận tâm tìm hiểu một chiều về con người như chủ thể, dường như đã quên rằng chủ thể này luôn luôn được mời gọi để hướng về một chân lý trổi vượt hơn mình. Không qui chiếu với chân lý này, ai nấy sẽ bị rơi vào thiên kiến, và tình trạng nhân vị của mỗi người sẽ bị đánh giá theo những tiêu chuẩn thực dụng, đặt nền tảng trên dữ kiện thực nghiệm, với xác tín sai lầm rằng, mọi sự đều được chi phối bởi kỹ thuật. Thành thử thay vì giãi bày sự vươn tới chân lý cách tốt nhất, lý trí, dưới gánh nặng của nhiều kiến thức như thế, lại co quắp lại, và càng ngày càng trở thành bất lực, không dám hướng nhìn lên cao để nhận biết chân lý của hữu thể. Triết học hiện đại, vì quên không hướng cuộc nghiên cứu của mình vào hữu thể, đã tập trung cuộc nghiên cứu ấy vào kiến thức nhân loại. Thay vì tựa vào khả năng của con người biết chân lý, lại thích vạch ra những giới hạn và những điều kiện của mình.

Do đó phát sinh ra nhiều hình thức của thuyết Bất khả tri và Tương đối, huớng việc nghiên cứu triết học đến chỗ lạc lõng giữa những lớp cát bập bềnh của sự hoài nghi phổ quát. Rồi mới đây xuất hiện một số những đạo lý chủ trương hạ giá chính những chân lý, mà con người đã chinh phục được cách chắc chắn. Cái đa dạng chính đáng của những lập trường đã nhường bước cho thuyết đa nguyên ba phải [pluralisme indifférencié], căn cứ trên khẳng định là mọi lập trường đều có giá trị: đây là một trong những hội chứng rất thịnh hành của sự bất tín nhiệm vào chân lý, mà ta có thể nhận thấy trong phối cảnh ngày nay. Một vài quan niệm về cuộc đời phát xuất từ Đông phương cũng không tránh khỏi tình trạng này; quả thực, theo những đạo lý này ta có thể phủ nhận tính cách chuyên biệt của chân lý, vì giả định rằng, chân lý được giãi bày như nhau trong những đạo lý khác nhau, hơn nữa tương phản nhau. Trong phối cảnh ấy, mọi sự đều trở thành ý kiến. Người ta có cảm tưởng như đứng trước một hoàn cảnh lung lay: đang khi, một đàng sự suy tư triết học đã thành công khi dấn thân vào con đường đưa nó đến gần thực tại của cuộc nhân sinh và gần những hình thức giãi bầy của nó, thì đàng khác nó hướng về sự phát triển những suy tư hiện sinh, chú giải hay ngữ học, nhưng lờ hẳn vấn đề căn để về sự sống cá nhân, về hữu thể và về Thiên Chúa đi. Thành thử chúng ta thấy xuất hiện nơi những người đương đại, chứ không phải nơi một vài triết gia mà thôi, những thái độ ngờ vực khá phổ biến đối với những nguồn lực nhận thức lớn của con người. Do sự đoan trang giả tạo, người ta chỉ bằng lòng với những chân lý phiến diện và tạm bợ, không tìm cách đặt thêm câu hỏi cơ bản về ý nghĩa và về nền tảng sau cùng của sự sống nhân bản, ngôi vị và xã hội, Nói tóm lại, người ta không hy vọng đón nhận nơi triết học những giải đáp dứt khoát về những vấn đề ấy.

6. Vững mạnh về khả năng của mình, vì được Chúa Giêsu ký thác Mặc khải, Giáo Hội muốn khẳng định lại nhu cầu phải suy tư về chân lý. Vì lẽ đó đó, tôi quyết tâm ngỏ lời với chư huynh trong hàng Giám mục, những người mà tôi phải chia sẻ sứ vụ “giãi bày chân lý” (2Cr 4,2), cũng như với các thần học gia và những triết gia, những người có bổn phận phải quán xuyến những khía cạnh khác nhau của chân lý, và với cả những nhà nghiên cứu, để chia sẻ vài suy tư về con đường đưa đến thông tuệ chân thực, để tất cả những ai thành tâm yêu mến sự thông thái có thể dấn thân trên con đường ngay thẳng giúp đạt tới chân lý, và tìm thấy nơi chân lý phần thưởng của công vất vả và niềm vui thiêng liêng.

Chính ý thức về bổn phận, mà Công Đồng Chung Vatican II xác định, đã giúp tôi đi đến sáng kiến này, Công Đồng Chung này đã khẳng định rằng: các Giám mục là “những chứng nhân của chân lý thần linh và Công Giáo”.[3] Làm chứng cho chân lý đó là sứ vụ được trao phó cho chúng tôi, là những giám mục; chúng tôi không thể thoái thác, chẳng vậy sẽ thiếu sót trong tác vụ đã được trao phó cho chúng tôi. Khi tái khẳng định chân lý của đức tin, chúng tôi có thể tái cung cấp cho người thời đại chúng tôi sự tín nhiệm đích đáng vào khả những năng nhận biết của mình, và ngỏ lời thách đố triết học tìm lại và phát triển phẩm giá đầy đủ của mình.

Một lý do khác khích lệ tôi đưa ra những suy tư này. Trong thông điệp Ánh Rạng Ngời Chân Lý, tôi đã kéo chú ý đến “một vài chân lý nền tảng của đạo lý Công Giáo có nguy cơ bị méo mó hóa, hay bị tẩy chay trong hoàn cảnh hiện nay”.[4] Với Thông điệp này, tôi muốn nối tiếp suy tư ấy và kéo chú ý vào cũng một đề tài chân lý và về nền tảng của nó trong tương quan với đức tin. Quả thực, người ta không thể chối được là, thời kỳ của thay đổi mau lẹ và phức tạp này đã làm cho những thế hệ trẻ phải cảm thấy mất những điểm tựa chính thức. Sự đòi hỏi một nền tảng để xây cất cuộc nhân sinh cá nhân và xã hội được cảm thấy một cách câu thúc nhất, là khi người ta nghiệm thấy tính cách vụn vặt của những mệnh đề cất nhắc cái phù du lên hàng giá trị, trong ảo tưởng là có thể đạt tới ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Như thế nhiều người đưa cuộc đời mình đến vực thẳm mà không biết mình đi đâu. Điều đó cũng hệ tại việc những người, được kêu gọi để diễn tả thành quả suy tư của mình theo hình thức văn hóa, đôi khi đã ngoảnh mặt đi khỏi chân lý, lấy thành công tức thời làm hơn sự vất vả của nghiên cứu nhẫn nại về điều đáng sống. Bởi được mời gọi để liên lỉ tìm điều chân thực, triết học có trách nhiệm lớn trong việc huấn luyện tư tưởng và văn hóa, cần phải khẳng khái phục hồi ơn gọi nguyên thủy của mình. Nên tôi chẳng những cảm thấy sự câu thúc, lại cảm thấy cả bổn phận phải can thiệp trong vấn đề này, để trước thềm thiên niên kỷ thứ ba, nhân loại ý thức rõ rệt hơn những nguồn lực đã được cung cấp cho họ, và dấn thân một cách can đảm luôn luôn mới mẻ trong việc thực hiện chương trình cứu độ, mà lịch sử loài người đã ghi dấu.

***

CHƯƠNG I

MẶC KHẢI VỀ SỰ THÔNG TUỆ CỦA THIÊN CHÚA

 

Đức Giêsu mặc khải Chúa Cha

7. Khi bắt đầu thực hiện bất cứ một suy tư nào, Giáo Hội vẫn ý thức mình là nơi ký thác sứ điệp mà Thiên Chúa đã thông ban (xc. 2Cr 4,1-2). Kiến thức mà Giáo Hội trình bày cho con người không do sự suy tư riêng của Giáo Hội, dù cao cả đến đâu, nhưng là kiến thức đã được đón nhận từ lời Thiên Chúa trong đức tin (1Tx 2,13). Từ nguồn gốc của người tín hữu chúng ta, đã có một cuộc gặp gỡ, độc nhất vô nhị, khai mở mầu nhiệm đã được giữ kín từ lâu, nhưng hiện nay được tỏ lộ: “Trong sự nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm ý định của Người (xc. Ep 1,9), qua đó con người được đến gần Chúa Cha nhờ Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông dự bản tính Thiên Chúa”.[5] Đó là một sáng kiến hoàn toàn nhưng không, phát xuất từ Thiên Chúa đến gặp gỡ nhân loại để cứu độ nó. Vì là nguồn tình yêu, Thiên Chúa muốn tỏ mình ra; và kiến thức, mà con người có về Thiên Chúa, kiện toàn mọi kiến thức chân chính, mà trí khôn nhân loại có thể biết về ý nghĩa cuộc đời của mình.

8. Khi lấy lại hầu như từng chữ giáo huấn của Tông hiến Dei Filius [Con Thiên Chúa] của Công Đồng Chung Vatican I và lưu ý đến những điều được đề nghị trong Công Đồng Chung Trento, Hiến Chế Dei Verbum của Công Đồng Chung Vatican II đã nối tiếp quá trình kéo dài từng trăm năm về sự hiểu biết đức tin, và đã suy nghĩ về Mặc khải theo ánh sáng của giáo huấn Kinh Thánh và của toàn bộ truyền thống giáo phụ. Trong Công Đồng Chung Vatican I các nghị phụ đã công nhận sự mặc khải Thiên Chúa có tính cách siêu nhiên. Căn cứ vào những đề luận sai nhầm và rất phổ biến, lối phê bình duy lý thời ấy đã chống đối đức tin và phủ nhận tất cả mọi nhận thức không phải là thành quả của những khả năng tự nhiên của lý trí. Điều đó làm cho Công Đồng phải tái khẳng định cách mạnh mẽ rằng, ngoài nhận thức riêng mà lý trí nhân loại cứ sức tự nhiên có thể nhận biết Đấng Tạo thành, còn có một nhận thức riêng biệt của đức tin. Sự nhận thức này giãi bày một chân lý, đặt nền tảng trên chính việc Thiên Chúa tự mặc khải chính mình, và là một chân lý rất chắc chắn vì Thiên Chúa không sai lầm và không muốn đánh lừa ai.[6]

9. Công Đồng Chung Vatican I dạy rằng, chân lý mà ta đạt được do con đường suy luận triết lý và chân lý do Mặc khải không hỗn đồng với nhau; chân lý nọ cũng không làm cho chân lý kia trở thành dư thừa: “Có hai lãnh vực nhận thức, khác nhau không những bởi nguồn gốc, mà còn bởi đối tượng. Bởi nguồn gốc, vì trong lãnh vực nọ ta nhờ lý trí tự nhiên mà biết được, còn trong lãnh kia thì nhờ Mặc khải của Thiên Chúa. Bởi đối tượng, vì ngoài những chân lý mà lý trí tự nhiên có thể đạt tới, còn có những mầu nhiệm được trình bày để chúng ta tin, những mầu nhiệm giấu ẩn trong Thiên Chúa, nếu không được mặc khải thì không thể biết được”.[7] Được đặt nền tảng trên chứng tá của Thiên Chúa lại thừa hưởng sự trợ giúp siêu nhiên của ân sủng, đức tin thuộc lãnh vực khác với nhận thức triết lý. Thực vậy, nhận thức triết lý tựa trên sự thâu nhận giác quan, trên kinh nghiệm, và phát triển nhờ ánh sáng của một mình lý trí. Triết học và các hoa học diễn tiến trong lãnh vực của lý trí tự nhiên, còn đức tin, được Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn, nhận ra trong sứ điệp cứu độ “sự sung mãn của ân sủng và chân lý” (Ga 1,14) mà Thiên Chúa đã khứng mặc khải trong lịch sử, và mặc khải một cách dứt khoát qua Con của Người là Đức Giêsu Kitô (1Ga 5,9; Ga, 5,31-32).

10. Chiêm ngưỡng Đức Giêsu như Đấng mặc khải, các Nghị phụ Công Đồng Chung Vatican II, đã đưa ra ánh sáng tính cách cứu độ của mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử, và các ngài đã mô tả bản chất của mặc khải ấy bằng những lời lẽ sau đây: “Nhờ sự mặc khải này, Thiên Chúa vô hình (xc. Cl 1,15; 1Tm 1,17), trong tình yêu sung mãn, đã ngỏ lời với con người như với những bạn hữu (xc. Xh 33,11; Ga 15,14-15) và giao tiếp với họ (xc. Ba 3,38), để mời họ sống hiệp thông với Người, và tiếp nhận họ vào sự hiệp thông này. Kế hoạch Mặc khải này thể hiện bằng việc làm và bằng lời nói liên kết mật thiết với nhau, thành thử những công việc, do Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ, giãi bày và củng cố đạo lý và những thực tại được ám chỉ qua những lời nói, đang khi những lời nói lại công bố những việc làm và soi sáng mầu nhiệm hàm chứa trong đó. Nhờ mặc khải này, chân lý thâm thúy về Thiên Chúa cũng như về ơn cứu độ con người trở nên sáng ngời cho chúng ta trong Đức Kitô, Đấng vừa là Trung gian vừa là Đấng khai mở mọi Mặc khải”.[8]

11. Vậy sự Mặc khải của Thiên Chúa được ghi trong thời gian và trong lịch sử. Chính việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô cũng xảy ra vào thời viên mãn (Gl 4,4). Hai ngàn năm sau biến cố này, tôi cảm thấy cần phải tái khẳng định một cách mạnh mẽ rằng, “trong Kitô giáo, thời gian có một tầm quan trọng nền tảng”.[9] Quả thực, trong thời gian toàn thể công trình tạo thành và cứu chuộc được sáng tỏ, và sự kiện đặc biệt được sáng tỏ là, nhờ việc nhập thể của Con Thiên Chúa, chúng ta sống và chúng ta nếm trước ngay từ bây giờ điều sẽ hoàn thành trong thời gian (Dt 1,2).

Chân lý về chính Mình và về cuộc đời của Mình mà Thiên Chúa đã ủy thác cho con nguời, thì được ghi trong thời gian và trong lịch sử. Chắc chắn chân lý ấy đã được công bố một lần thay cho tất cả trong mầu nhiều của Đức Giêsu Nazareth. Hiến Chế Mặc khải nói rõ: “Sau khi nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy qua các ngôn sứ, thì đến ngày sau hết, Người đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Quả thực, Người đã cử Con của Người, ấy là Ngôi Lời hằng hữu, Đấng soi sáng mọi người, để cư ngự giữa người phàm và làm cho họ biết những điều sâu thẳm của Thiên Chúa (xc. Ga 1,1-18). Vậy Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, được cử đến như “phàm nhân đến với những phàm nhân”, “công bố những lời Thiên Chúa” (Ga 3,34), hoàn thành công trình cứu chuộc mà Chúa Cha ủy cho Người thi hành (xc. Ga 14,9; 17,4). Vì thế chính Chúa Giêsu, - Đấng mà ai thấy là thấy Chúa Cha -, hoàn tất việc mặc khải khi kiện toàn nó, bằng tất cả sự hiện diện của Người và tất cả việc Người giãi bày chính Mình, bằng lời nói và việc làm, bằng những dấu chỉ và những phép lạ, nhất là bằng sự chết và sự sống lại vinh quang của Mình, sau hết bằng việc cử Thánh Thần chân lý đến.[10]

Vậy đối với dân Thiên Chúa lịch sử trở thành con đường thông suốt phải theo, để nhờ hoạt động liên lỉ của Chúa Thánh Thần (Ga 16,13), nội dung của chân lý mặc khải được giãi bày đầy đủ. Hiến Chế Mặc khải cũng nói lên điều đó một lần nữa khi khẳng định rằng: “Đang khi thời gian qua đi, thì Giáo Hội liên lỉ vươn tới sự sung mãn của chân lý thần linh, cho đến khi lời Thiên Chúa nên trọn nơi mình”.[11]

12. Vậy lịch sử là nơi chúng ta có thể nghiệm thấy những điều Thiên Chúa làm cho nhân loại. Thiên Chúa đến với chúng ta qua những điều quen thuộc và dễ kiểm nhận nhất đối với chúng ta, những điều làm nên khung cảnh hằng ngày của chúng ta, không có khung cảnh này chúng ta cũng không thể hiểu biết chính mình.

Sự nhập thể của Con Thiên Chúa cho phép nhận thấy một tổng hợp dứt khoát được thể hiện, mà tự sức mình trí khôn loài người không thể mường tượng ra: Đấng Vĩnh cửu đi vào thời gian, Đấng là Tất cả ẩn mình trong những mảnh vụn, Thiên Chúa mang diện mạo phàm nhân. Chân lý được giãi bày trong mặc khải của Chúa Kitô không bị khép kín trong lãnh vực biên giới hay trong lãnh vực văn hóa hẹp hòi, nhưng được ban cho mọi người, nam cũng như nữ, muốn đón nhận nó như lời có giá trị dứt khoát để làm cho cuộc đời có ý nghĩa. Vậy trong Đức Kitô mọi người có thể đến cùng Chúa Cha; quả thực, nhờ sự chết và sự sống lại, Đức Kitô đã ban sự sống thần linh mà Adam thứ nhất đã từ bỏ (Rm 5,12-15). Nhờ Mặc khải này chân lý tối hậu về sự sống và về mục đích của lịch sử được cúng hiến cho con người. Hiến Chế Gaudium et Spes (Niềm vui và Hy vọng) quả quyết: “Kỳ thực là mầu nhiệm về con người chỉ được đích thực làm sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể”.[12] Ngoài phối cảnh này, mầu nhiệm về cuộc đời con người là một bí ẩn không thể giải đáp. Con người tìm đâu được câu trả lời cho những vấn đề bi thảm như sự đau khổ, sự đau khổ của người vô tội và của sự chết, nếu không phải trong ánh sáng phát xuất từ mầu nhiệm của cuộc thương khó, tử nạn và sự sống lại của Chúa Giêsu?

Lý trí đứng trước mầu nhiệm

13. Dù sao không nên quên rằng Mặc khải mang dấu ấn của mầu nhiệm. Quả thực, bằng trót cuộc đời của mình, Đức Giêsu mặc khải dung nhan Chúa Cha, vì Người đến để làm cho chúng ta biết những điều sâu thẳm của Thiên Chúa,[13] tuy nhiên sự nhận biết dung mạo này luôn luôn có tính cách vụn vặt, và mang dấu ấn những giới hạn của trí khôn ta. Chỉ một mình đức tin mới cho chúng ta vào sâu trong mầu nhiệm và giúp ta thấu hiểu mầu nhiệm cho mạch lạc.

Công Đồng Chung tuyên bố rằng “Phải lấy sự tuân phục đức tin để đáp lại Thiên Chúa là Đấng mặc khải”.[14] Với lời khẳng định văn gọn nhưng súc tích ấy, chân lý nền tảng của Kitô giáo được giãi bày. Trước hết Công Đồng nói, đức tin là lời đáp tuân phục Thiên Chúa. Điều dó ngầm chứa việc nhìn nhận Người trong Thiên Chúa tính, trong sự siêu việt và trong sự tự do tuyệt đối của Người. Thiên Chúa tỏ mình ra cho ta biết, thì với thế giá siêu việt tuyệt đối của mình cũng cung cấp những lý do khả tín về những điều Người mặc khải. Nhờ đức tin, con người chấp nhận chứng tá của Thiên Chúa. Điều đó nghĩa là con người thừa nhận một cách đầy đủ và trọn vẹn chân lý của những điều được mặc khải, vì chính Thiên Chúa bảo đảm cho chân lý ấy. Chân lý này được ban cho con người, tuy con người không có quyền đòi hỏi, được ghi vào khung cảnh của sự hiệp thông liên vị, kích thích lý trí cởi mở đối với chân lý ấy, và đón nhận ý nghĩa thâm sâu của nó. Vì thế hành vi mà con người hiến mình cho Thiên Chúa luôn luôn được Giáo Hội công nhận như một giây phút lựa chọn nền tảng, cam kết toàn thể nhân vị. Trí khôn và ý muốn sử dụng tối đa bản tính thiêng liêng, giúp chủ thể hoàn thành một hành vi, trong đó sự tự do nhân bản được vận dụng đầy đủ.[15] Trong đức tin, chẳng những có sự tự do, lại còn cần phải có. Và chính đức tin cho phép mỗi người biểu lộ hoàn hảo nhất sự tự do của mình. Nói cách khác, sự tự do không thể hiện trong những lựa chọn nghịch với Thiên Chúa. Quả thực, từ khước đón nhận những điều giúp ta thể hiện chính mình đâu có thể được coi như là sự sử dụng sự tự do cách đích đáng? Lúc tin nhận đúng là lúc con người đưa ra một hành vi ý nghĩa nhất của cuộc đời; vì ở đây sự tự do gặp gỡ sự chắc chắn của chân lý, và quyết định sống theo chân lý.

Để yểm trợ lực cho lý trí tìm hiểu mầu nhiệm có những dấu chỉ kèm theo Mặc khải. Những dấu chỉ này hướng dẫn việc nghiên cứu chân lý cho sâu xa, và cho phép trí khôn dò xét, một cách độc lập, nội tại của chính mầu nhiệm. Dù sao, nếu một đàng những dấu chỉ ấy mang lại cho lý trí nhiều sức mạnh hơn, vì cho phép trí khôn khám phá nội dung của mầu nhiệm bằng những phương tiện riêng mà nó ham thích một cách chính đáng, thì đàng khác,các dấu chỉ ấy mời gọi trí khôn vượt lên trên thực tại của dấu chỉ, dể đón nhận ý nghĩa sâu xa mà chúng mang theo. Như thế trong các dấu chỉ đã hiện diện cách ẩn tàng một chân lý, được nhắc nhở cho trí khôn mà nó không thể không biết, chẳng vậy là tiêu diệt chính dấu chỉ được trình bày cho nó.

Vậy một cách nào đó, người ta được nhắc nhở đến tính cách bí tích của Mặc khải, và đặc biệt đến dấu chỉ của Thánh Thể, trong đó sự thuần nhất bất khả phân giữa thực tại và ý nghĩa cho phép hiểu biết sự sâu thẳm của mầu nhiệm. Trong Thánh thể, Đức Kitô thật sự hiện diện và sống động, Người hoạt động nhờ Thánh Thần của Người, như thánh Thomas đã nói đúng: “Điều bạn không hiểu không thấy thì đức tin sống động chứng thực, vượt ra ngoài lãnh vực của các vật. Thực tại cao cả ẩn náu dưới những hình, là dấu chỉ chứ không phải thực tại”.[16] Triết gia Pascal đã phản ánh lời thánh Thomas khi viết: “Như Chúa Giêsu sống vô danh giữa phàm nhân, thì chân tính của Người cũng ở giữa công luận, bề ngoài không có gì khác biệt. Thánh thể cũng ở trong số bánh thông thường”.[17]

Nói tóm lại, nhận thức đức tin không phá tan mầu nhiệm, nó chỉ làm cho mầu nhiệm rõ rệt hơn và giãi bày mầu nhiệm như sự kiện cốt yếu đối với cuộc đời con người: Đức Kitô, “trong khi mặc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Người, đã cho con người biết rõ chính con người, và tỏ cho con người biết thiên chức rất cao cả của mình”,[18] là được hiệp thông với mầu nhiều đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi…[19]

14. Giáo huấn của hai Công Đồng Chung Vatican còn mở ra phối cảnh chân thực của những điều mới mẻ đối với nhận thức triết học. Mặc khải đưa vào lịch sử một điểm qui chiếu mà con nguời không thể không biết, nếu muốn thấu hiểu mầu nhiệm cuộc đời của mình; nhưng đàng khác, nhận thức ấy cũng luôn luôn qui hướng tới mầu nhiệm Thiên Chúa, mà trí khôn không thể khám phá triệt để và chỉ có thể đón nhận trong đức tin. Giữa hai giai đoạn ấy, lý trí có một khu vực riêng biệt cho phép nó tìm kiếm và hiểu biết, mà không bị giới hạn chi hết, ngoài tính hữu hạn của nó trước mầu nhiệm vô cùng của Thiên Chúa.

Như vậy Mặc khải du nhập vào lịch sử một chân lý phổ quát và tối hậu, kích thích trí khôn con người đừng bao giờ ngừng bước; hơn nữa còn thúc đẩy nó liên lỉ mở rộng lãnh vực kiến thức, bao lâu chưa ý thức mình đã chu toàn tất cả những chi ở trong tầm tay và không chểnh mảng điều gì. Để suy tư như thế, chúng tôi được trợ lực bởi một trong những khối óc rất phong phú và rất nổi nang của lịch sử nhân loại, mà triết học cũng như thần học phải qui chiếu: đó là thánh Anselmo. Trong cuốn Proslogion, Đức Tổng Giám Mục Cantorbery nói như thế này: “Nhiều khi, với sự hăng say, tôi kéo chú ý đến điểm này, đôi khi điều tôi đã kiếm tìm và coi như đã đạt được thoát chốc vụt khỏi trí khôn tôi; sau hết vì thất vọng, tôi muốn đình chỉ, như thể tìm kiếm điều không thể tìm thấy. Nhưng đang khi tôi muốn xua đuổi tư tưởng ấy khỏi tôi, vì sợ rằng khi bận tâm vô ích như thế là tôi sao nhãng những chuyện khác có thể giúp tôi tấn tới, thì đột nhiên, nó bắt đầu ập vào trí khôn, dù tôi từ khước và chống cự... Nhưng khốn nạn, một trong những đứa con khốn nạn khác của bà Eva đã lìa xa Thiên Chúa, đó là tôi, tôi đã làm gì, đã hoàn thành điều gì? Tôi đang hướng về đâu, tôi đã tới đâu? Tôi khát vọng gì, tôi nghĩ đến điều gì? [...] Vì vậy, Lạy Chúa, Chúa không phải là Đấng vĩ đại nhất người ta có thể nghĩ đến mà thôi, nhưng Chúa còn là điều vĩ đại nhất mà người ta có thể nghĩ tưởng tới. Nếu Chúa không phải là chính điều đó, thì con không thể nghĩ rằng có điều gì vĩ đại hơn Chúa, đó là điều không thể có”.[20]

15. Chân lý của Mặc khải Kitô giáo, mà ta thấy nơi Đức Kitô Nazareth, cho phép bất cứ ai cũng đón nhận được “mầu nhiệm” cuộc đời mình. Như chân lý tối thượng, nó bó buộc con người phải cởi mở đối với siêu việt, đang khi tôn trọng quyền tự quyết và sự tự do của vât thụ tạo. Ở đây, tương quan giữa tự do và chân lý trở thành tuyệt vời, và ta dễ hiểu lời Chúa phán: “Anh em sẽ nhận biết chân lý, và chân lý sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32).

Mặc khải Kitô giáo là ngôi sao đích thực giúp con người biết định hướng trong khi tiến bước giữa những áp lực của não trạng duy tâm và những gò bó của óc kỹ thuật; nó là khả năng sau cùng Thiên Chúa cung cấp cho nhân loại để tìm lại tình yêu sung mãn, đã được bắt đầu khi tạo thành. Đối với con người muốn biết chân lý, nếu còn có thể nhìn lên trên chính mình, và trên những kế hoạch của mình, thì còn được cung cấp khả năng để tìm lại mối liên hệ đích thực với cuộc đời, bằng cách theo con đường chân lý. Có thể áp dụng vào đây những lời của sách Đệ Nhị Luật: “Lề luật mà ta truyền cho mi hôm nay không quá những khả năng của người cũng không quá tầm tay ngươi, để ngươi có thể nói rằng: Ai lên trời để tìm nó cho tôi, để chúng tôi nghe và đem ra thực hành? Nó không ở bên kia biển, để phải nói: Ai có thể sang bên kia biển để kiếm cho chúng ta để chúng tôi nghe và đem ra thực hành? Vì lời ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và trong lòng ngươi để ngươi đem ra thực hành” (Đnl 30,11-14). Nhà đại thần học Augustin nói: “Đừng ra ngoài, hãy vào chính mình. Chân lý ở trong chính con người”.[21]

Những suy tư ấy dẫn đến kết luận thứ nhất này: chân lý mà Mặc khải cho ta biết không phải là trái chín mùi hay là cao điểm của một tư tưởng do lý trí bồi đắp. Trái lại, chân lý ấy xuất hiện như điều gì nhưng không, phát sinh sự hồi suy và yêu cầu được đón nhận như biểu thức của tình yêu. Chân lý được mặc khải này thể hiện trong lịch sử như một cách nếm thử sự thị kiến sau cùng và dứt khoát Thiên Chúa, được dành cho những ai tin vào Người và tìm kiếm Người với trái tim chân thành. Cứu cánh của cuộc nhân sinh là đối tượng triết học cũng như thần học học hỏi. Cả hai, với những phương tiện khác nhau và những nội dung khác nhau, đều nhìn vào “con đường sự sống” (Tv 16,11), con đường, như đức tin nói cho chúng ta, sẽ đưa tới niềm vui trọn vẹn và bền bỉ của sự chiêm ngưỡng Thiên Chúa Nhất Thể Tam Vị.

***

CHƯƠNG II

TÔI TIN ĐỂ HIỂU

 

Sự thượng trí biết và hiểu mọi sự (Kn 9, 11)

16. Liên lạc sâu xa giữa nhận thức do đức tin và nhân thức do lý trí đã được giãi bày trong Thánh Kinh bằng những lời rõ rệt lạ lùng. Vấn đề được đặc biệt đề cập đến trong các sách giáo huấn. Khi đọc những trang Kinh Thánh một cách vô tư thì điều làm ta ngạc nhiên là, những lời trích dẫn trong các sách ấy chẳng những thấy hàm chứa trong đức tin của dân Israel, lại còn là kho tàng của những nền văn minh và văn hóa hiện nay đã biến mất. Có thể nói, theo một ý định phân minh, những tiếng nói của Ai Cập và của Mesopotamie được vọng lại, và một vài nét văn hóa chung của Á đông cổ kính được sống lại trong những trang sách đặc biệt phong phú với trực giác sâu sắc ấy.

Không phải do ngẫu nhiên mà vị thánh ký, khi muốn mô tả con người hiền triết thì mô tả như người yêu mến và tìm kiếm chân lý: “Phúc cho kẻ nghiền ngẫm khôn ngoan, và biết dùng trí khôn mà suy luận. Phúc thay kẻ để tâm suy nghĩ về đường lối của khôn ngoan, và hiểu được các bí nhiệm của đức ấy. Như một thợ săn, người ấy theo vết của khôn ngoan, và trên đường của khôn ngoan nó rình chờ. Nó nhìn vào của sổ của khôn ngoan, và lắng nghe bên cửa ra vào. Nó ở sát nhà của khôn ngoan, và đóng đinh vào tường. Nó dựng lều dưới cánh tay của khôn ngoan, và sẽ được ở nơi của hạnh phúc. Nó sẽ đặt con cái dưới sự che chở của khôn ngoan, và dưới tàn lá của khôn ngoan, nó sẽ trú ẩn. Dưới bóng của khôn ngoan, nó không bị nóng bức, và trong vinh quang của khôn ngoan, nó sẽ cư ngụ” (Hc 14,20-27).

Đối với thánh ký có thiên hứng, như ta thấy, ước vọng hiểu biết là một đăc tính chung của mọi người. Trí tuệ giúp cho mọi người, tin cũng như không tin, “kín được nước sâu” của nhận thức (xc. Cn 20,5). Quả thực, Israel cố cựu không nhận biết thế giới và những hiện tượng của nó cách trừu tượng, như những triết gia Hy Lạp hay như nhà hiền triết Ai cập. Người Israel lương thiện cũng không thâu thái nhận thức theo đường lối của thế giới hiện đại, thích phân loại các kiến thức. Dù sao, thế giới Thánh Kinh đã đổ dồn phần đóng góp riêng biệt của mình vào cái bể học thuyết về nhận thức.

Phần đóng góp này là gì? Đặc trưng riêng biệt của những bản văn Kinh Thánh hệ tại niềm xác tín về một sự thống nhất sâu sa và bất khả phân giữa nhận thức của trí tuệ và nhận thức của đức tin. Thế giới và những điều xảy ra trong đó cũng như lịch sử và những bước thăng trầm của dân, đều là những thực tại được nhìn nhận, được phân tách, và được phán đoán bằng những phương tiện riêng của lý tri, nhưng đức tin không đứng như khách bàng quan trong quá trình này. Đức tin không tham gia để giảm thiểu quyền tự quyết của lý trí hay để hạn chế lãnh vực hoạt động của nó, nhưng chỉ để cho con người hiểu rằng Thiên Chúa của Israel tự tỏ bày và hoạt động trong những biến cố ấy. Bởi đó, không thể biết thế giới và những biến cố lịch sử cho sâu xa nếu đồng thời không tin vào Thiên Chúa là Đấng hoạt động trong đó. Đức tin làm cho cái nhìn bên trong được sắc xảo, và giúp cho trí tuệ khám phá sự hiện diện sinh động của Đấng An bài trong diễn tiến của các biến cố. Về điểm này câu nói của sách Châm ngôn thật là thấm thía: “Tâm trí con người nghĩ ra đường lối, còn Đức Chúa hướng dẫn từng bước đi” (Cn 16,9). Nói cách khác, con người biết nhìn nhận đường lối của mình theo ánh sáng của lý trí, nhưng chỉ có thể chạy trên con đường ấy cách mau lẹ, cho đến cùng và không gặp trở ngại, nếu với lòng ngay thẳng, con người đặt việc khám phá của mình trong phối cảnh của đức tin. Vậy lý trí và đức tin không thể tách biệt nhau mà không làm cho con người mất khả năng nhận biết chính mình, nhận biết thế giới và Thiên Chúa một cách toàn diện.

17. Như thế không thể có bất cứ một tương tranh nào giữa lý trí và đức tin: cả hai đều hội nhập vào nhau và mỗi thứ đều có lãnh vực hoạt động riêng. Cũng chính sách Châm ngôn hướng dẫn trong định hướng này khi nói: “Vinh quang của Thiên Chúa giấu kín điều nào thì vinh quang của vua là khám phá điều đó” (Cn 25,2). Trong cách thức riêng biệt, Thiên Chúa và con người được đặt trong một tương quan duy nhất. Nguồn gốc mọi vật thì ở nơi Thiên Chúa, nơi Người có sự viên mãn của mầu nhiệm, và điều đó làm nên vinh quang của Người; con người có bổn phận dùng trí khôn khám phá chân lý, và đó là chỗ cao nhã của con người. Một yếu tố khác được tác giả thánh vịnh thêm vào bức phù điêu này khi ông cầu nguyện: “Lạy Chúa, con thấy tư tưởng Ngài khó hiểu biết bao, tính chung lại ôi nhiều vô kể! Đếm sao nổi vì nhiều hơn cát; dù có đếm xong, con vẫn ở với Ngài” (Tv 139,17-18). Ước nguyện hiểu biết thì lớn lao và có tính cách sinh động dường ấy đến nỗi tâm khảm con người đã nghiêm thấy giới hạn không thể vượt qua, vẫn ước vọng sự phú túc vô hạn bên kia cõi chết, vì nó đã trực kiến thấy nơi sự phú túc ấy nó sẽ tìm thấy câu trả lời thoả đáng cho những câu hõi chưa được giải đáp.

18. Chúng ta có thể nói rằng, do sự hồi suy, Israel đã biết mở đường cho trí khôn đi vào mầu nhiệm. Với sự mặc khải của Thiên Chúa, dân đã có thể đi sâu vào những điều, mà họ nhờ lý trí để đạt tới nhưng không đạt được. Nhờ cách nhận biết sâu xa này, dân được tuyển chọn đã hiểu rằng, lý trí phải tôn trọng một số qui tắc nền tảng, để có thể giãi bày bản tính của mình cho hoàn hảo hơn. Qui tắc thứ nhất là, phải hiểu rằng việc nhận biết của con người là một lộ trình không được ngừng; qui tắc thứ hai phát sinh bởi ý thức là, ta không thể bước vào con đường ấy với sự kiêu căng của kẻ nghĩ rằng, tất cả là công hiệu của sự chinh phục cá nhân; qui tắc thứ ba đặt cơ sở trên sự “kính úy Thiên Chúa”, mà trí khôn phải nhìn nhận là Đấng quản trị vũ trụ với quyền hành siêu việt và với tình yêu thương tuyệt đối.

Khi lìa xa những qui tắc này, con người liều mình thất bại và rút cục sẽ thấy mình là kẻ “điên khùng”. Theo Thánh Kinh, sự ngu xuẩn này là mối đe dọa đối với cuộc sống; quả thực, người điên khùng tưởng mình biết nhiều điều, nhưng trong thực tế hắn không thể lưu ý đến điều cốt yếu. Tình trạng đó ngăn cản việc đặt trật tự trong trí khôn (xc. Cn 1,7), và có thái độ phù hợp với chính mình và với cảnh vực của mình. Và khi đi đến chỗ phủ nhận: “Làm chi có Chúa Trời” (Tv 13,1) là kẻ ngu si đã tỏ rõ kiến thức của mình thì thiếu sót, và mình còn xa cách chân lý sung mãn về vạn vật, về nguồn gốc và về vận mệnh của vạn vật biết bao!

19. Sách Khôn ngoan hàm chứa những câu nói quan trọng chiếu giãi một ánh sáng khác vào vấn đề này. Vị thánh ký nói về Thiên Chúa là Đấng cũng tỏ mình ra qua thiên nhiên. Đối với cổ nhân, học biết các khoa thiên nhiên phần nhiều cũng tương đương với kiến thức triết lý. Sau khi đã khẳng định là lý trí có thể “biết cấu trúc của thế giới và hoạt động của các nguyên tố [...] những chu kỳ của năm tháng và vị trí của các tinh tú, bản tính của động vật và bản năng của các thú rừng” (Kn 7,17.19-20), nói tóm lại, là khả năng triết lý của con người, Thánh Kinh tiến thêm một bước rất quan trọng nữa. Vì khi tìm lại tư tưởng triết học Hy Lạp, mà có lẽ bản văn muốn nhắc tới, tác giả khẳng định là khi lý luận về thiên nhiên, ta có thể vươn tới Đấng Tạo thành: “Vì các thọ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng tạo thành” (Kn 13,5). Như vậy, “cuốn sách lạ lùng của thiên nhiên” được nhìn nhận như đợt Mặc khải thứ nhất của Thiên Chúa; đọc cuốn sách ấy với những suy tư của lý trí nhân loại, ta có thể đi đến chỗ nhận biết Thiên Chúa tạo thành vạn vật. Nếu nhờ lý trí con người không thể nhận biết Thiên Chúa tạo thành vạn vật, thì chuyện đó không phải vì thiếu dụng cụ thích đáng, mà vì những cản trở mà ý muốn tự do và tội lỗi đã đặt ra.

20. Về điểm này, lý trí được đánh giá, nhưng khôngđề cao quá đáng. Quả thực, tất cả những gì nó có thể đạt được có thể là đúng, nhưng nó chỉ đạt được ý nghĩa đầy đủ khi nội dung của nó được đặt vào một phối cảnh bao la hơn, đó là phối cảnh của đức tin: “Đức Chúa dẫn dắt từng bước chân con người, nẻo đời mình, phàm nhân sao hiểu biết” (Kn 20,24). Vậy đối với Cựu Ước, đức tin giải phóng lý trí bằng cách giúp nó đạt tới đối tượng nhận thức của nó một cách mạch lạc, và đặt nó trong trật tự tối cao, trong đó tất cả đều có ý nghĩa. Tắt một lời, con người nhờ lý trí đạt tới chân lý, vì được soi sáng bởi đức tin, con người khám phá ra ý nghĩa sâu xa của mọi vật, nhất là của cuộc nhân sinh. Vị thánh ký đã chính xác cho đầu mối của nhận biết chân thật là lòng kính úy Thiên Chúa “Kính sợ Thiên Chúa là bước đầu của tri thức” (Cn 1,7).

“Hiểu biết và khôn ngoan, con hãy mua hãy sắm” (Cn 4,5)

21. Đối với Cựu Ước, nhận thức không đặt nền tảng trên sự chăm chú quan sát con người, thế giới và lịch sử mà thôi. Nó còn giả định cách tất yếu mối tương quan với đức tin và với nội dung của Mặc khải. Ở đây ta thấy những thách đố mà dân được tuyển chọn đã phải đương đầu và đã trả lời. Khi suy nghĩ về chính mình, người chấp nhận Thánh Kinh đã khám phá ra rằng, mình chỉ có thể hiểu biết chính mình như một vật “có tương quan” với chính mình, với dân chúng, với thế giới và với Thiên Chúa. Việc đón nhận mầu nhiệm, được Mặc khải khai nguồn, rút cục là nguồn mạch để con người nhận biết đúng đắn, cho phép lý trí dấn thân vào những lãnh vực vô tận, và cung cấp cho nó khả năng hiểu biết mà nó chưa từng mơ ước.

Đối với vị thánh ký, nỗ lực nghiên cứu không miễn chước cho khỏi mệt nhọc phát sinh do những giới hạn của lý trí. Chẳng hạn, người ta thấy trong những lời của sách Châm ngôn, giãi bày sự mệt nhọc mà ta cảm thấy khi tìm cách hiểu những kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa (Cn 30,1-6). Dù vất vả, nhưng người tín hữu không bỏ cuộc. Sức mạnh giúp người ấy tiếp tục con đường đưa tới chân lý là do đinh ninh rằng, Thiên Chúa đã dựng nên mình như “một người khảo sát” (xc. Gv 1,13), có nhiệm vụ không được từ bỏ bất cứ nghiên cứu nào, dù luôn luôn cảm thấy do dự, ông vẫn hướng về, lại vẫn luôn luôn và khắp nơi hướng về điều chân, thiện, mỹ.

22. Trong chương nhất của thư gửi cho dân Rôma, thánh Phaolô đã giúp chúng ta thẩm định xem suy tư của những sách Giáo huấn thấm thía như thế nào. Quảng diễn một luận chứng triết lý trong ngôn ngữ bình dân, thánh Tông đồ giãi bày một chân lý sâu sắc: qua vật thụ tạo, “cặp mắt trí khôn” có thể nhận biết Thiên Chúa. Thực vậy, qua “trung gian” của những vật thụ tạo, Thiên Chúa đã cho lý trí biết “quyền lực”“thần tính” của Người (xc. Rm 1,20). Vậy ta thừa nhận là trí khôn con người có khả năng hầu như vượt quá những giới hạn tự nhiên của nó: chẳng những nó không bị giới hạn vào nhận thức giác quan, vì nó có thể phản tỉnh về nhận thức ấy một cách phê bình, lại nhờ suy luận về những dữ kiện giác quan, nó có thể đạt tới căn nguyên là nguồn gốc mọi thực tại khả cảm. Trong dụng ngữ triết học ta có thể nói rằng trích văn của thánh Phaolô đó khẳng định khả năng siêu hình của con người.

Theo thánh Tông đồ, trong kế hoạch sơ khởi của tạo thành thì, như đã được dự kiến, lý trí có thể dễ dàng vươn từ dữ kiện khả cảm tới Đấng Tạo Hoá, là nguồn gốc mọi vật. Sau khi bất tuân, con người đã tự ý đặt mình trong sự tự quyết đầy đủ và tuyệt đối đối với Đấng đã tạo thành nên mình, việc dễ dàng vươn tới Thiên Chúa đã biến mất.

Sách Sáng thế đã linh động mô tả tình trạng đó của con người, khi tường thuật việc Thiên Chúa đặt con người trong vườn địa đường, ở giũa vườn có “cây biết lành biết dữ” (St 2,17). Biểu tượng thật là sáng sủa: con người tự mình không đủ sức phân biệt và quyết định thiện, ác, mà phải qui chiếu theo một nguyên lý cao hơn. Sự mù quáng của tính kiêu ngạo đã làm cho nguyên tổ chúng ta có ảo tưởng, cho mình là chúa tể được tự quyết, có thể phớt lờ kiến thức Thiên Chúa ban. Nguyên tổ lôi cuốn mọi người nam và nữ vào sự bất tuân của mình, gây cho lý trí những vết thương, sẽ ngăn cản nó trên con đường nhận biết chân lý đầy đủ. Từ đây khả năng nhạn biết chân lý của nhân loại bị lu mờ, vì phản bội với Đấng là nguồn mạch và cội rễ của chân lý. Cũng chính thánh Tông đồ mặc khải cho biết những tư tưởng của con người đã trở thành “hư ảo”, do tội lỗi, những lý luận trở thành lệch lạc và hướng về điều ác (Rm 1,21-22). Cặp mắt của trí khôn không còn thể nhìn nhận một cách sáng sủa: dần dà lý trí bị giam hãm trong chính mình. Chúa Giêsu đến là một biến cố cứu độ, chuộc lại lý trí khỏi sự yếu nhược, giải thoát nó khỏi những xiềng xích mà nó đã tự buộc trói chính mình.

23. Do đó, tương quan của người Kitô hữu với triết học đòi hỏi sự phân biệt cơ bản. Trong Tân Ước, nhất là trong các Thư của thánh Phaolô, có một điểm nổi bật thật rõ ràng: đó là sự đối nghịch giữa sự “khôn ngoan thế gian” và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, được mặc khải trong Chúa Giêsu Kitô. Sự sâu sắc của sự khôn ngoan được mặc khải, phá vỡ vòng vây của những lược đồ quen thuộc của suy nghĩ, là những lược đồ không thể giãi bày sự khôn ngoan Thiên Chúa cho thích hợp.

Lời mở đầu thư thứ nhất gửi cho Corintô đã triệt để đưa ra song quan luận này. Con Thiên Chúa chịu chết là một biến cố lịch sử, mọi toan tính của trí tuệ định xây dựng việc giải thích đầy đủ ý nghĩa cuộc sống trên những lý chứng hoàn toàn nhân loại, ngược với biến cố ấy, sẽ thất bại. Trung tâm điểm đích thực, thách đố mọi triết lý, là sự chết của Chúa Giêsu Kitô trên thánh giá. Quả thực, ở đây mọi toan tính qui kết kế hoạch cứu độ của Chúa Cha vào một mình lý luận nhân loại sẽ đều thất bại. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian này ra điên rồ đó sao? Thánh Phaolô đã hỏi một cách khoa trương. Đối với điều Thiên Chúa định thực hiện, thì nguyên sự khôn ngoan của con người không hiểu hết; đây là một cuộc vượt qua quyết định để đón nhận một sự mới mẻ cần phải có: “Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan [...], những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có” (1Cr 1,27-28). Sự khôn ngoan của con người khuớc từ, không nhận ra điều kiện của sức mạnh của mình nằm trong sự yếu đuối của mình; nhưng thánh Phaolô không ngần ngại quả quyết: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10). Con người không tài nào hiểu tại sao sự chết có thể là nguồn mạch của sự sống và của tình yêu, nhưng để giãi bày kế hoạch cứu độ nhiệm mầu, Thiên Chúa đã chọn chính điều mà thế gian cho là “ngu xuẩn”“cớ vấp phạm”. Khi dùng ngôn ngữ của những triết gia đồng thời với mình, thánh Phaolô đã đạt tới đỉnh chót giáo huấn của mình, cũng như điều mâu thuẫn mà người muốn nói: Thiên Chúa đã chọn cái không có để hủy diệt cái có (xc. 1Cr 1,28)... Để biểu thị bản tính nhưng không của tình yêu, được mặc khải nơi thánh giá của Chúa Kitô, thánh Tông đồ không ngại dùng kiểu nói triệt để mà các triết gia đã dùng trong những suy tư của họ về Thiên Chúa. Lý trí không thể làm cho mầu nhiệm của tình yêu trở thành vô ý nghĩa, đang khi Thánh giá có thể cung cấp cho lý trí lý do tối hậu mà lý trí tìm kiếm. Thánh Phaolô không lấy sự thông tuệ của ngôn ngữ, nhưng lấy Lời Thông tuệ làm tiêu chuẩn cho Chân lý và cho sự cứu độ một trật.

Vậy sự thông tuệ của Thánh giá vượt quá mọi giới hạn văn hóa mà người ta muốn áp đặt cho nó, và đòi chúng ta phải mở lòng đón nhận sự phổ quát của chân lý mà nó mang theo. Đó là một thách đố lớn lao đối với lý trí chúng ta, và nếu nó chấp nhận thì phúc lợi thâu lượm được sẽ lớn lao biết bao! Triết học, nguyên nó đã có thể nhận thấy sự vươn lên không ngừng của con người tới chân lý, thì với sự trợ giúp của đức tin, nó có thể cởi mở để đón nhận sự “ngu xuẩn” của Thánh giá như lời phê phán đích thực đối với những ai cho rằng mình đã đạt được chân lý, đang khi họ bóp nghẹt chân lý trong hệ thống bế tắc của họ. Lời giảng về Chúa Giêsu chịu tử hình và sống lại là như phiến đá ngầm, mà đụng vào thì mối liên lạc giữa đức tin và triết lý có thể bị nhận chìm, nhưng hễ đã vượt qua là nó có thể lao mình vào đại dương vô hạn của chân lý. Ở đây ranh giới của lý lẽ và đức tin thì hiển nhiên, nhưng ta cũng thấy lãnh vực mà cả hai có thể gặp nhau.

***

CHƯƠNG III

TÔI HIỂU ĐỂ TÔI TIN

 

Tiến tới trong sự tìm kiếm chân lý

24. Thánh Luca, tác giả Tin Mừng, kể lại trong Tông đồ Công vụ rằng, trong cuộc hành trình truyền giáo, Phaolô đã đến Athenes. Thành phố của các triết gia thì đầy những pho tượng, biểu trưng cho những thần phật khác nhau. Một bàn thờ kéo chú ý thánh nhân, lập tức ngài nắm lấy cơ hội, xác định một khởi điểm chung để loan báo Tin Mừng: Ngài nói, thưa quí vị người Athenes, tôi thấy về mọi mặt, quí vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quí vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: “Kính thần vô danh”. Vậy “Đấng quí vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quí vị” (Cv 17,22-23). Từ đó thánh Phaolô nói về Thiên Chúa như Đấng tạo thành, như Đấng vượt trên mọi sự, và như Đấng ban sự sống cho mọi loài. Rồi người tiếp tục thuyết giảng như thế này: “Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên mặt đất, Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Và như vậy để họ tìm kiếm Thiên Chúa, may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta” (Cv 17,26-27).

Thánh Tông đồ đã đưa ra ánh sáng một chân lý mà Giáo Hội luôn luôn lợi dụng: khát vọng và nỗi nhớ nhung Thiên Chúa đã được gieo vào tâm khảm con người. Phụng vụ thứ Sáu tuần thánh cũng đã mạnh mẽ nhắc lại, khi mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người không tin: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã dựng nên con người để họ thực tình tìm kiếm Chúa, và tâm hồn họ được an nghỉ khi tìm thấy Chúa”.[22] Cho nên có một con đường mà con người có thể theo nếu họ muốn; khởi diễn từ khả năng của lý trí nhắc mình lên trên những điều bất tất để vươn tới điều vô hạn.

Đã nhiều cách nhiều lần khác nhau, con người chứng minh là mình biết giãi bày ước nguyện sâu sa ấy. Văn chương, âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc và những sản phẩm khác của trí khôn sáng tạo, là những dụng cụ con người dùng để giãi bầy khát vọng nghiên cứu của mình. Triết học đã đặc biệt phối trí với phong trào ấy, và đã giãi bày khát vọng phổ quát đó của con người, bằng những phương tiện và theo những dạng thức khoa học riêng biệt của mình.

25. “Mọi người đều khát vọng hiểu biết”,[23] và đối tượng của khát vọng đó là chân lý. Chính đời sống hằng ngày cũng chứng minh rằng ngoài điều mình nghe nói, mỗi người cảm thấy mối bận tâm để khám phá xem thực chất của các vật như thế nào. Con người là hữu thể duy nhất trong thụ tạo hữu hình, chẳng những có khả năng nhận biết, nhưng còn biết nhận biết, và vì thế, để tâm đến sự thực thực hữu của hiện tượng. Không ai có thể nhửng nhưng với sự chân thực trong kiến thức của mình. Nếu họ khám phá thấy nó sai, họ liền tẩy chay; trái lại, nếu họ có thể kiểm nhận là đúng, họ liền cảm thấy thỏa mãn. Đó là bài học của thánh Augustin khi người viết: “Tôi đã gặp nhiều người muốn đánh lừa, nhưng không thấy ai muốn bị lừa”.[24] Người ta đã có lý khi nghĩ rằng: người trưởng thành là người có thể dùng những phương tiện riêng, để phân biệt điều nào là thật, điều nào là giả, bằng cách đưa ra phán đoán về thực tại khách quan của các vật. Đó là đối tượng của nhiều nghiên cứu, cách riêng trong lãnh vực khoa học, trong những thế kỷ gần đây các nghiên cứu ấy đã mang lại những thành quả rất đáng kể, cổ võ một sự phát triển đích thực của toàn thể nhân loại.

Việc nghiên cứu được thể hiện trong lãnh vực thực hành cũng quan trọng như cuộc nghiên cứu được thể hiện trong lãnh vực lý thuyết: tôi muốn nói đến việc nghiên cứu chân lý về điều thiện phải thực hiện. Quả thực, do hoạt động luân lý, con người dấn thân trong con đuờng hạnh phúc, và hướng đến sự hoàn bị theo ý muốn tự do và công chính của mình. Trong trường hợp này, vẫn là vấn đề chân lý. Tôi đã giãi bày xác tín này trong Thông điệp Ánh Rạng Ngời Chân Lý: “Không có luân lý nếu không có tự do [...]. Nếu có quyền được tôn trọng trong hành trình riêng để nghiên cứu chân lý, thì trước đó mọi người cũng có bổn phận luân lý nghiêm trọng tìm kiếm chân lý, và phải theo chân lý, một khi đã nhận ra”.[25]

Vậy điều cần thiết là những giá trị được tuyển chọn và theo đuổi trong cuộc đời phải chân thực, vì chỉ những giá trị chân thực mới có thể kiện toàn nhân vị bằng cách hoàn chỉnh bản tính của nó. Con người tìm thấy chân lý của những giá trị ấy, không phải bằng cách khép kín mình lại, mà bằng cách cởi mở chính mình để đón nhận từ những lãnh vực trổi vượt trên mình. Đó là điều kiện cần thiết để mỗi người trở thành chính mình và khai triển như nhân vị trưởng thành và chín chắn.

26. Ban đầu chân lý xuất hiện trước con người dưới dạng thức câu hỏi: Cuộc đời có ý nghĩa chăng? đâu là mục đích của cuộc đời? Thoạt coi, cuộc sống cá nhân có thể bị coi như hoàn toàn vô ý nghĩa. Để hoài nghi về ý nghĩa cuộc đời, không cần phải nại đến những triết gia của vô lý hoặc nhũng câu hỏi khiêu khích như thấy trong sách Gióp. Kinh nghiệm hằng ngày về đau khổ của bản thân hay của tha nhân, việc mục kích biết bao sự kiện, hình như không thể giải thích theo ánh sáng của lý trí, cũng đủ làm cho không thể tránh né một câu hỏi bi hùng như câu hỏi về ý nghĩa.[26] Cần phải thêm rằng, ngoài việc chúng ta hiện hữu, chân lý thứ nhất chắc chắn tuyệt đối của cuộc nhân sinh là cái chết không thể tránh né. Đứng trước dữ kiện gây bối rối cần phải tìm câu trả lời đầy đủ. Mỗi người chúng ta muốn, - và phải muốn - biết sự thật về cùng đích của mình. Họ muốn biết xem sự chết có phải là tận cùng dứt khoát của cuộc đời hay còn có có chi vượt trên sự chết; họ có được hy vọng một cuộc sống đời sau hay chăng. Việc tư duy triết lý nhận được một định hướng quyết định do cái chết của Socrate, và được mang dấu ấn của nó từ 2000 năm nay, không phải là không có ý nghĩa. Hẳn không phải tình cờ mà trước cái chết, những triết gia luôn luôn đặt lại vần đề về sự chết này, làm một với ý nghĩa của cuộc sống và sự bất tử.

27. Cả triết gia cũng như người bình dân, không ai có thể tránh né những câu hỏi ấy. Giai đoạn quyết định của việc nghiên cứu lệ thuộc vào lời giải đáp những câu hỏi ấy: có thể đạt tới một chân lý phổ quát và tuyệt đối chăng? Mọi chân lý, dẫu chưa đầy đủ, nếu thật là chân lý, thì nguyên nó vẫn là chân lý phổ quát. Điều là thật thì phải thật đối với mọi người và mọi nơi. Nhưng ngoài tính phổ quát ấy, con người còn tìm kiếm điều tuyệt đối khả dĩ cung cấp câu trả lời và ý nghĩa cho mọi nghiên cứu của mình: một điều gì tối hậu, như nền tảng cho mọi vật. Nói cách khác, con người tìm một giải thích dứt khoát, một giá trị tuyệt đối, kỳ dư không có và không thể có câu hỏi hoặc những tham chiếu nào nữa. Những giả thuyết có thể làm say mê, nhưng không thỏa mãn. Đối với mọi người, muốn hay không muốn, sẽ đến một giây phút phải neo cuộc đời của mình vào một chân lý, được nhìn nhận như dứt khoát, cung cấp một sự chắc chắn không còn phải hoài nghi nữa.

Qua các thế kỷ, những triết gia đã tìm cách khám phá và biểu thị một thứ chân lý như thế, bằng cách khai sinh ra một hệ thống hay một trường phái tư tưởng. Tuy nhiên, ngoài những hệ thống triết lý, con người cũng tìm cách trình bày “triết lý” của mình bằng những biểu thức khác; đây là những xác tín hay những kinh nghiệm cá nhân, những truyền thống gia đình và văn hóa, hoặc những lộ trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời dưới sự hướng dẫn của một vị thầy. Trong mỗi một biểu hiện ấy, điều luôn luôn linh động là khát vọng đạt tới sự chắc chắn của chân lý và của giá trị tuyệt đối.

Những dạng thức khác nhau của chân lý nhân loại

28. Phải nhìn nhận rằng việc nghiên cứu chân lý không luôn luôn được thật trong sáng và mạch lạc. Bản tính có giới hạn của lý trí và sự thiếu kiên trì của trái tim làm lu mờ, và thường làm lệch hướng việc nghiên cứu cá nhân. Những bận tâm về những lãnh vực khác có thể bóp nghẹt chân lý. Cũng có khi người ta tránh né chân lý một cách tuyệt đối, vì sợ những đòi hỏi của nó. Dù sao, cả khi người ta tránh né chân lý, thì chính chân lý vẫn ảnh hưởng đến cuộc nhân sinh. Quả thực, không bao giờ con người có thể xây dựng cuộc đời trên sự hoài nghi, trên sự bấp bênh hay trên sự dối dá; cuộc đời đó sẽ liên lỉ bị đe dọa bởi sợ hãi và lo âu. Cho nên chúng ta có thể định nghĩa con người là kẻ đi tìm chân lý.

29. Không thể nghĩ rằng việc nghiên cứu bén rễ sâu trong nhân loại tính như thế có thể hoàn toàn vô ích và huyễn hoặc. Chính khả năng tìm kiếm chân lý và việc đặt vấn đề đã hàm súc câu trả lời đầu tiên rồi. Con người không khởi công tìm kiếm điều mà họ hoàn toàn u minh, hay họ cho là không thể đạt tới. Chỉ niềm hy vọng có thể đạt được câu trả lời mới thúc đẩy con người khởi tiến. Kỳ thực, đó là điều xảy ra trong nghiên cứu khoa học. Khi nhà bác học, dõi theo một trực giác, khởi công tìm kiếm lối giải thích luận lý và có thể kiểm chứng cho một hiện tượng nhất định, thì ngay từ đầu ông đã xác tin là mình sẽ tìm ra một giải đáp, và ông không tháo lui trước những thất bại. Ông không cho trực giác của ông là vô ích vì ông không đạt được mục tiêu; nhưng ông sẽ nói cách hữu lý là chưa đạt được giải đáp toàn ứng.

Điều đó cũng có giá trị đối với việc tìm kiếm chân lý trong những vấn đề tối hậu. Sự khát khao chân lý bén rễ sâu trong tâm khảm con người đến độ gạt nó ra ngoài lề sẽ gây khủng hoảng cho cuộc sống. Tóm lại, chỉ cần quan sát cuộc sống hằng ngày để nghiệm thấy rằng mỗi người chúng ta bị ám ảnh của một số câu hỏi cốt yếu, đồng thời cũng thấy những câu trả lời, ít là như manh nha trong tâm trí. Đây là những câu trả lời mà người đời xác tín là chân thực, nhất là người ta nghiệm thấy, theo cơ bản, chúng không khác với những câu trả lời mà nhiều người khác đã đạt được. Cố nhiên, mọi chân lý đã thủ đắc không có cũng một giá trị. Nhưng tổng thể những thành quả đã đạt được, theo nguyên tắc, củng cố niềm xác tín cho rằng con người có khả năng đạt tới chân lý.

30. Bây giờ có vắn gọn nhắc đến những hình thức của chân lý thiết tưởng cũng là điều hữu ích. Nhiều hơn cả là những chân lý dựa trên những hiển minh trực tiếp hay những chân lý được củng cố bởi kinh nghiệm. Đó là lãnh vực chân lý của đời sống thường nhật và của nghiên cứu khoa học. Một lãnh vực khác là những chân lý có tính cách triết lý, mà con người đạt được nhờ khả năng trừu xuất của trí tuệ. Sau hết là những chân lý tôn giáo, là những chân lý ăn rễ phần nào trong triết lý. Chúng hàm chứa trong các lời phúc đáp của các tôn giáo khác nhau cho những câu hỏi tối hậu, tùy theo truyền thống của các tôn giáo.[27]

Riêng với các chân lý triết học, nên xác định là chúng không giới hạn trong các đạo lý, đôi khi phù du, của những triết gia chuyên nghiệp. Như tôi đã nói, một cách nào đó, mọi người đều là triết gia và có những quan niệm triết lý để hướng dẫn đời mình. Cách này hay cách khác, họ kiến tạo một cái nhìn tổng quát và một lời giải đáp về ý nghĩa của cuộc đời: họ giải thích đời tư của mình và hướng dẫn cách ứng sử theo ánh sáng ấy. Đây là lúc, lẽ ra phải đặt vấn đề về tương quan giữa chân lý triết lý-tôn giáo và chân lý mặc khải trong Đức Giêsu Kitô. Trước khi giải đáp vấn đề này, cần phải lưu ý đến một dữ kiện nữa của triết học.

31. Con người không được dựng nên để sống cô đơn. Con người được sinh ra và trưởng thành trong gia đình, để sau này du nhập vào xã hội bằng công lao của mình. Từ lúc mới sinh, con người đã hội nhập vào những truyền thống khác nhau, nơi chẳng những họ nhận được ngôn ngữ và sự luyện tập văn hóa, mà còn nhận được nhiều chân lý mà họ tin nhận hầu như theo bản năng. Dù sao, việc phát triển và trưởng thành cá nhân ngầm hiểu rằng chính những chân lý ấy có thể bị hoài nghi và bị đặt dưới hoạt động phê phán của tư tưởng. Điều đó không ngăn trở, để sau khi được phê phán, chính những chân lý ấy lại được nhìn nhận trên nền tảng kinh nghiệm đã tạo ra chúng, hay hơn nữa, do hiệu lực của lý luận. Tuy nhiên, trong đời sống của một người, những chân lý được đơn thuần tin nhận vẫn nhiều hơn những chân lý được chinh phục do kiểm chứng cá nhân. Quả thực, ai có thể bình luận về vô số những thành quả của khoa học mà đời sống hiện kim nương tựa? Ai có thể tự kiểm soát những nguồn thông tin từ bốn phương trời đưa tới hằng ngày, và nói chung, được thiên hạ cho là chân thực? Sau hết, ai có thể lại rảo khắp những con đuờng của kinh nghiệm và của tư tưởng, qua đó những kho tàng thông thái và đạo đức của nhân loại được tích lũy? Con người, vật tìm kiếm chân lý, cũng là vật sống bằng tin tưởng.

32. Trong hành vi tin tưởng của mình, mỗi người tín nhiệm vào những nhận thức đã thủ đắc bởi người khác. Ta có thể nghiệm thấy đó là một sự căng thẳng có ý nghĩa: một đàng, nhận thức bởi tin tưởng xuất hiẹn như một hình thức khiếm khuyết của nhận thức, cần phải được kiện toàn dần dần, nhờ sự hiển minh mà ta đích thân đạt được; đàng khác, niềm tin tưởng đôi khi được bộc lộ cách nhân bản như một nhận thức phong phú hơn sự hiển minh đơn thuần, vì nó hàm súc một tương quan liên vị, và vận dụng chẳng những các khả năng nhận thức, lại cả cái khả năng triệt để hơn, ấy là tín nhiệm vào những nhân vị khác, và tham gia vào tương quan bền vững và thân mật hơn với những ngôi vị ấy.

Cần nhấn mạnh rằng những chân lý được tìm kiếm trong tương quan liên vị không ưu tiên thuộc lãnh vực sự kiện hay triết lý. Đúng ra, điều được tìm kiếm là chính chân lý về ngôi vị: ngôi vị là gì và tự đáy lòng nó bộc lộ điều gì. Quả thực, sự hoàn bị của con người không hệ tại nguyên sự chinh phục kiến thức trừu tượng của chân lý, nhưng còn hệ tại tương quan sống động của việc hiến tặng và trung tín với tha nhân. Trong sự trung tín biết ban tặng này, con người nhận thấy sự chắc chắn và an toàn đầy đủ. Nhưng đồng thời, sự nhận thức bởi tin tưởng căn cứ trên sự tín thác liên vị không phải không liên hệ với chân lý: khi tin tưởng con người vững dạ vào chân lý mà tha nhân đã giãi bày cho họ.

Biết bao nhiêu gương mẫu có thể đưa ra để làm sáng tỏ những dữ kiện này. Nhưng tôi nghĩ ngay đến chứng tá của các vị tuẫn giáo. Vị tuẫn giáo, trong thực tế, là chứng nhân chân thực nhất của chân lý về cuộc đời. Vị tuẫn giáo biết mình đã tìm thấy chân lý của cuộc đời trong khi gặp gỡ Đức Kitô, mà không bao giờ có chi hay có người nào cướp mất sự chắc chắn ấy được. Dù đau khổ, dù sự chết dữ dội cũng không có thể làm cho họ bỏ, không gắn bó với chân lý mà họ đã tìm thấy khi gặp gỡ Chúa Giêsu. Đó là lý do vì sao cho đến ngày nay chứng tá của các vị tuẫn giáo làm say mê, khơi dạy sự chấp nhận, gặp được người nghe và tuân theo. Đó là lý do vì sao người ta tín nhiệm vào lời nói của các ngài; người ta khám phá nơi các ngài sự hiển minh của một tình yêu không cần phải biện minh dài dòng để khắc phục, ngay lúc chứng tá ấy nói cho mỗi người điều mà, từ đáy lòng, họ nhận thấy là chân lý và là điều mà họ đã tìm kiếm từ lâu. Nói tóm lại, vị tuẫn giáo khơi dậy trong chúng ta niềm tín thác sâu xa, vì vị ấy nói lên điều chúng ta đã cảm nghiệm, và làm sáng tỏ điều mà chính chúng ta muốn có sức mạnh để giãi bày.

33. Như thế ta thấy những hạn từ của vấn đề được bổ xung dần dần. Do bản tính, con người tìm kiếm chân lý. Sự tìm kiếm này không có mục đích chinh phục những chân lý vụn vặt, có thể quan sát, hay là khoa học; con người không những tìm kiến điều thiện chân thực đối với mỗi quyết định của mình. Sự tìm kiếm của con người vươn tới chân lý cao hơn, khả dĩ giải thích ý nghĩa cuộc đời; cho nên là một tìm kiếm chỉ có thể kết thúc ở chỗ tuyệt đối.[28] Nhờ khả năng cố hữu của tư tưởng, con người có thể gặp thấy và nhận ra chân lý ấy. Vì là điều sinh tử và cốt thiết cho cuộc sống, chân lý ấy được đạt tới không những bằng con đường lý luận, nhưng còn do sư tín thác vào những người khác, những người có thể bảo đảm sự chắc chắn và chân thực của chính chân lý. Khả năng và việc lựa chọn tín thác chính bản thân và cuộc đời vào một người khác quả cấu tạo nên một trong những hành vi ý nghĩa nhất và rõ rệt nhất về nhân loại học.

Cũng không nên quên rằng chính lý trí cũng cần phải được củng cố trong việc tìm kiếm bằng cuộc đối thoại tín thác và bằng tình bạn chân thành. Bầu khí nghi ngờ và thất tín, đôi khi bao trùm việc nghiên cứu trừu tượng, quên bằng giáo huấn của những triết gia cố cựu, cho tình bạn như một trong những khung cảnh thích hợp để lý luận.

Do những điều trên đây ta thấy, con người dấn thân trong con đường nghiên cứu, nói một cách nhân loại, không bao giờ cùng: tìm kiếm chân lý và tìm kiếm một ngôi vị mà mình tín thác. Đức tin Kitô giáo đến trợ giúp họ bằng cách cung cấp khả năng cụ thể để nhận ra chỗ thành đạt của việc tìm kiếm này. Quả thực, khi vượt qua giai đoạn tin tưởng suông, nó dẫn đưa con người vào lãnh vực ân sủng giúp nó thông dự mầu nhiệm của Chúa Kitô, trong đó nó được cung cấp một sự nhận thức chân thực và mạch lạc về Thiên Chúa nhất thể tam vị. Như vậy, trong Chúa Kitô, là Chân lý, đức tin nhận ra lời mời gọi sau cùng gửi cho nhân loại, để nhân loại có thể chu toàn điều mà nó cảm thấy như một mong ước và như nỗi nhớ nhung...

34. Chân lý mà Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta trong Đức Kitô không tương phản với những chân lý mà người ta đạt được bằng triết học. Trái lại cả hai lãnh vực nhận thức đều đưa đến chân lý sung mãn. Sự thuần nhất của chân lý là một thỉnh đề nền tảng của lý trí nhân loại, được biểu thị trong nguyên lý bất mâu thuẫn. Mặc khải cho thấy sự thuần nhất ấy thì chắc chắn, bằng cách chứng minh rằng Thiên Chúa tạo thành cũng là Thiên Chúa của lịch sử cứu độ. Cũng một Thiên Chúa đồng nhất, thiết lập và bảo đảm tính cách hữu lý và công chính của trật tự tự nhiên của các vật, mà các nhà thông thái hoàn toàn tín thác nương tựa,[29] cũng là Đấng tự mặc khải là Cha của Đức Giêsu Kitô. Sự thuần nhất của chân lý, tự nhiên và mặc khải, gặp được sự đồng nhất sống động và hữu ngã trong Đức Kitô, như thánh Tông đồ nhắc nhở: “Sự thật ở nơi Đức Giêsu” (Ep 4,21; xc. Cl 1,15-20). Người là Lời Hằng Cửu trong đó mọi vật được tạo thành, đồng thời là Lời Nhập Thể, mà Chúa Cha đã mặc khải trong ngôi vị của mình.[30] Điều mà lý trí con người khám phá “mà không biết” (xc. Cv 17,23), chỉ có thể tìm thấy nhờ Đức Kitô: quả thực, điều được mặc khải, nơi Người, là “đầy chân lý” (Ga 1,14-16) của mọi hữu thể đã được tạo thành trong Người và nhờ Người, rồi nhận thấy nơi Người sự hoàn chỉnh của mình (xc. Cl 1,17).

35. Qua những suy tư tổng quát đó, bây giờ phải cứu xét một cách trực tiếp về tương quan giữa chân lý mặc khải và triết học. Tương quan này đòi hỏi một suy tư lưỡng diện, vì chân lý đến với chúng ta qua Mặc khải cũng một trật là chân lý được hiểu biết nhờ ánh sáng của lý trí. Quả thực, chỉ nhờ ý nghĩa lưỡng diện đó mới có thể xác định tương quan đúng đắn giữa chân lý mặc khải và kiến thức triết học. Vậy trước hết chúng ta hãy nghiên cứu những tương quan giữa đức tin và triết học qua dòng lịch sử. Từ đó có thể phân biệt một vài nguyên lý làm điểm qui chiếu, để thiết lập tương quan đúng đắn giữa hai lãnh vực nhận thức.

***

CHƯƠNG IV

NHỮNG TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ

 

Những giai đoạn có ý nghĩa của sự gặp gỡ giữa đức tin và lý trí

36. Theo chứng tá của sách Công vụ Tông đồ, ngay từ đầu sứ điệp của Kitô giáo đã đụng chạm với những trào lưu triết học của thời đại. Cũng sách ấy tường thuật cuộc tranh luận của thánh Phaolô ở Athènes với một số triết gia Epicure và Stoici (Cv 17,18). Việc chú giải phân tách bài thuyết trình ỏ Aréopage làm sáng tỏ nhiều lời đá đưa đến những niềm tin bình dân, phần lớn có nguồn gốc Stoici. Hẳn đó không phải là chuyện tình cờ. Để cho những dân ngoại hiểu mình, trong các cuộc đàm thoại những Kitô hữu tiên khởi không thể chỉ nại vào “Mose và các ngôn sứ”; họ cũng phải nại đến kiến thức tự nhiên về Thiên Chúa, và đến tiếng lương tâm luân lý của mọi người (xc. Rm 1,19-21; 2,14-15; Cv 14,16-17). Nhưng vì trong ngoại giáo, kiến thức tự nhiên này ngả theo việc thờ ngẫu tượng (xc. Rm 1,21-32), nên thánh Tông đồ cho rằng đăt bài thuyết trình của mình trong tương quan với tư tưởng của các triết gia thì khôn ngoan hơn, những triết gia này, ngay từ đầu đã đối lập những quan niệm đáng kính trọng của sự siêu việt thần linh với những thần thoại và với những phụng tự bí nhiệm.

Quả thực, một trong những cố gắng do các triết gia của tư tưởng cổ điển thực hiện, là thanh lọc quan niệm mà con người có về Thiên Chúa khỏi những hình thức thần thoại. Như chúng ta đã biết, tôn giáo của Hy Lạp, không khác với đa số những tôn giáo thờ tinh tú, cũng là đa thần, dù tôn giáo ấy đã thần hóa những vật và những hiện tượng tự nhiên. Những nỗ lực của con người để tìm hiểu nguồn gốc của các thần minh, và cùng với các thần minh nguồn gốc của vũ trụ được biểu thị qua thơ phú. Ngay cả ngày nay những thần thống [thuyết về nguồn gốc các thần minh] vẫn là những tang chứng đầu tiên về việc nghiên cứu đó của con người. Nhiệm vụ của những ông tổ triết học là làm sáng tỏ mối liên lạc giữa lý trí và tôn giáo. Nhìn xa hơn đến những nguyên lý phổ quát, họ không còn thỏa mãn với những thần thoại cố cựu nữa, nhưng đã muốn đặt ra một nền tảng hữu lý cho niềm tin của họ vào thần tính. Như vậy, sau khi đã bỏ những truyền thống cố cựu riêng rẽ, người ta dấn thân vào con đường đưa đến sự phát triển phù hợp với những đòi hỏi của lý trí phổ quát. Mục đích mà sự phát triển ấy đạt được một ý thức phê bình về những điều họ đang tin. Quan niệm mà người ta có về thần tính là quan niệm đầu tiên lợi dụng con đường này. Những mê tín được nhìn nhận là mê tín, và tôn giáo cũng được thanh lọc phần nào bởi sự phân tách của lý trí. Chính trên nền tảng này mà các giáo phụ đã thực hiện cuộc đối thoại phong phú với những triết gia Cổ thời, mở đường cho việc loan báo và hiểu biết Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô.

37. Khi người ta nhắc đến phong trào làm cho người Kitô hữu tiếp cận với triết học, cũng phải nhắc đến một thái độ khôn ngoan đối với những yếu tố khác của thế giới ngoại giáo, chẳng hạn thuyết ngộ đạo. Triết học, xét như sự khôn ngoan thực hành và trường dạy cách sống, có thể dễ dàng bị lẫn lộn với một nhận thức cao cấp và bí truyền, dành cho một số nguời hoàn bị. Hẳn thánh Phaolô đã nghĩ đến loại suy tư bí truyền này khi người cảnh giác những người Colosse: “Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuyếch, theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Kitô” (Cl 2,8). Những lời của thánh Tông đồ tỏ ra đặc biệt thức thời nếu chúng ta đối chiếu với những hình thúc bí truyền hiện nay đang được phổ biến trong cả những người Kitô hữu thiếu óc phê phán cần thiết. Theo gót thánh Phaolô, những nhà trước tác khác thuộc những thế kỷ đầu, nhất là thánh Irenée và ông Tertuliano, cũng cảnh giác về một thái độ văn hóa đòi để cho các triết gia giải thích Mặc khải.

38. Vậy sự gặp gỡ giữa Kitô giáo với triết học không xảy ra lập tức và dễ dàng. Việc thực hành triết lý và việc theo học những trường lớp bị các người Kitô hữu đầu tiên coi như nguồn gốc của sự lộn xộn hơn là một vận hạnh. Đối với họ, bổn phận đầu tiên và khẩn thiết là loan báo Chúa Giêsu phục sinh, bằng cách gặp gỡ cá nhân khả dĩ hướng dẫn người đối thoại hoán cải tâm hồn và xin lãnh nhiệm tích Thánh tẩy. Điều đó không có nghĩa là họ u minh về bổn phận phải đào sâu sự hiểu biết đức tin và những lý do để tin, nhưng hoàn toàn ngược lại. Lời phê bình của Celse, tố giác các Kitô hữu là một dân “thất học và thô lỗ”[31] quả là bất công và thiếu nền tảng. Việc họ không tha thiết phải được giải thích cách khác. Kỳ thực, sự tiếp cận với Tin Mừng cung cấp lời giải đáp đầy đủ cho câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời, câu hỏi cho đến đó vẫn chưa được giải đáp, và sự đi lại với những triết gia được họ coi như chuyện xa xưa, và theo một góc độ nào đó, như đã bị vượt qua.

Điều đó ngày nay càng rõ rệt nếu người ta nghĩ đến sự đóng góp của Kitô giáo trong việc khẳng định quyền của mọi người để biết chân lý. Ngay từ đầu, sau khi đã dẹp bỏ những hàng rào chủng tộc, xã hội, giới phái, Kitô giáo đã khẳng định sự bình đẳng của mọi người trước Thiên Chúa. Công hiệu thứ nhất của quan niệm này liên hệ đến vấn đề chân lý. Người ta đã dứt khoát vượt qua tính cách ưu đãi mà việc nghiên cứu chân lý đã chiếm được nơi những Cổ nhân: từ khi việc tiếp cận với chân lý là điều thiện giúp ta đạt tới Thiên Chúa thì mọi người đều phải đủ khả năng để theo con đường này. Những con đường tiếp cận chân lý thì nhiều; tuy nhiên, chân lý Kitô giáo có giá trị cứu độ, mỗi một con đường của nó đều có thể được sử dụng, miễn là nó đưa tới mục đích sau cùng, ấy là tới mặc khải của Chúa Giêsu Kitô.

Thánh Justino mà một trong số những người tiên phong gặp gỡ phúc lợi với triết học, sự gặp gỡ vẫn mang dấu ấn của sự biện phân khôn ngoan: dù sau khi tòng giáo, Justino vẫn giữ lòng yêu chuộng lớn lao đối với triết học Hy Lạp, nhưng người đã mạnh mẽ và minh bạch tuyên bố rằng mình đã tìm thấy “triết lý chắc chắn và hữu ích duy nhất”.[32] Thánh Clément thành Alexandria gọi Tin Mừng là “triết lý chân thực”,[33] và người cho triết học, tương tự như luật Mose, là giáo huấn chuẩn bị cho đức tin Kitô giáo,[34] và như bài dẫn nhập vào Tin Mừng.[35]“triết học mong ước thứ khôn ngoan, thứ khôn ngoan hệ tại sự thẳng thắn của tâm hồn, của ngôn ngữ, và sự trong trắng của đời sống, nên nó sẵn sang yêu mến và bạn bè với sự thông thái, và làm mọi cách để đạt tới. Nơi chúng tôi, người ta gọi triết gia là người say mê sự Thông tuệ sáng tạo và giáo dục vũ trụ, nghĩa là say mê nhận biết Con Thiên Chúa.[36] Đối với tác giả thành Alexandria, triết học Hy Lạp không ưu tiên nhằm bổ khuyết hay củng cố chân lý Kitô giáo; chức năng của nó đúng ra là bảo vệ đức tin: “Giáo huấn của Đấng Cứu thế tự nó đã đủ và không cần đến chi khác, vì ‘nó là sức mạnh và sự thông tuệ của Thiên Chúa’. Triết học Hy Lạp, với sự đóng góp của nó, không làm cho chân lý được mạnh mẽ hơn, nhưng vô hiệu hoá sức tấn công của ngụy biện, và dẹp tan những cạm bẫy chống với chân lý, triết học Hy Lạp quả có thể được gọi là hằng rào và tường chắn của vườn nho”.[37]

39. Trong lịch sử của sự phát triển đó, luôn luôn có thể nghiệm thấy rằng những nhà tư tưởng Kitô giáo đã tán đồng tư tưởng triết lý một cách phê bình. Trong những tấm gương đầu tiên mà ta có thể gặp thấy, phải kể đến ông Origene. Khi đương đầu với những chống đối của triết gia Celse, Origene đã dùng triết học Platon để biện bạch và đối đáp. Khi qui chiếu với một số lớn những yếu tố của tư tưởng Platon, ông bắt đầu xây dựng hình thức tiên khởi của thần học Kitô giáo. Chính hạn từ và quan niệm Thần học như sự bàn luận hữu lý về Thiên Chúa cũng có gốc gác Hy Lạp. Chẳng hạn trong triết học Aristote, hạn từ ấy ám chỉ phần cao nhã nhất và đỉnh chóp đích thực của lý luận triết học. Trái lại theo ánh sáng của Mặc khải Kitô giáo, điều trước kia chỉ đạo lý tổng quát về thần tính bắt đầu nhận một ý nghĩa hoàn toàn mới khi nó ám chỉ sự suy tư do người tín hữu thực hiện để giãi bày đạo lý chân chính về Thiên Chúa. Trong khi phát triển, tư tưởng mới của Kitô giáo đó đã dùng triết học, nhưng một trật vẫn chủ tâm phân biệt một cách rõ rệt với triết học. Lịch sử chứng minh rằng chính tư tưởng Platon, được thần học sử dụng, cũng đã được cải biến sâu sắc, đặc biệt trong những quan niệm về sự bất hoại của linh hồn, sự thần hóa con người và nguồn gốc của điều ác.

40. Trong công trình Kitô hóa tư tưởng Platon và tân Platon, cần phải nhắc riêng đến các giáo phụ Cappadoce, đến Dionisio Areopagite, nhất là đến thánh Augustin. Vị đại tiến sĩ Tây phương này đã tiếp cận với nhiều trường phái triết học khác nhau, nhưng tất cả đều làm cho ngài thất vọng. Khi ngài trực diện với chân lý của đức tin Kitô giáo, ngài liền được sức mạnh để thực hiện việc hoán cải hoàn toàn, thứ hoán cải mà các triết gia người đã gặp trước không đủ hướng dẫn người. Chính người cho biết lý do: “Quả thực từ thời ấy tôi quý chuộng đạo lý Công Giáo hơn, vì trong đạo lý này, tôi cảm thấy được yêu cầu một cách nhã nhặn và không dụng ý đánh lừa, để tin những điều chưa được chứng minh, - hoặc là điều phải chứng minh mà ai đó không hiểu, hoặc là không chứng minh được - đang khi trong đạo lý nọ [của nhóm Manicheo], dù liều lĩnh hứa hẹn sự hiểu biết, nhưng vẫn chế diễu tính cả tin, rồi lại bắt buộc phải tin vô số những chuyện biến ngôn và nhảm nhí, vì họ không thể chứng minh”.[38] Dẫu các triết gia Platon được thánh Augustin minh đăc biệt sử dụng, ngài cũng trách họ là biết mục đích phải hướng tới, nhưng không biết con đường dẫn tới đích, ấy là Ngôi Lời nhập thể.[39] Đức Giám mục thành Hippone đã thành công khi thực hiện một tổng hợp đầu tiên và vĩ đại tư tưởng triết học và thần học, hội tụ những luồng tư tưởng Hy Lạp và Latin. Cũng nơi thánh nhân, sự thống nhất vĩ đại về kiến thức, đặt nền tảng trên tư tưởng Thánh Kinh, đã được củng cố và bảo vệ bởi sự sâu sắc của tư tưởng trừu tượng. Tổng hợp do thánh Augustin thực hiện đã trở thành hình thức cao nhất của suy tư triết học và thần học bên trời Âu trong nhiều thế kỷ. Có thế mạnh bởi lịch sử cá nhân và được củng cố bởi đời sống thánh thiện, người cũng có đủ thế giá để du nhập vào trong các tác phẩm của mình nhiều yếu tố; vì qui chiếu với kinh nghiệm, những yếu tố ấy khai mào cho những phát triển của một số trào lưu triết học.

41. Vậy với những cách thức khác nhau, các Giáo phụ Đông và Tây đã liên lạc với các trường phái triết học. Điều đó không có nghĩa là các ngài đã đồng hoá nội dung của sứ điệp của các ngài với những hệ thống của các trường phái ấy. Câu hỏi của Tertulien: “Athenes và Gierusalem có gì chung chăng? Hàn lâm và Giáo Hội có gì chung chăng?”[40] là một dấu hiệu rõ rệt của ý thức phê bình mà các nhà tư tưởng Kitô giáo đã có, ngay từ đầu, khi đề cập đến vấn đề về những tương quan giữa đức tin và triết lý, khi nhìn toàn thể vấn đề dưới những khía cạnh tích cực và những giới hạn của nó. Họ không phải là những nhà tư tưởng ngây thơ. Chính vì họ sống nội dung đức tin cách cao cường nên họ biết đạt tới những hình thức sâu xa nhất của suy tư. Vì thế trong những tác phẩm của họ chỉ nhìn thấy sự thay những chân lý đức tin thành những phạm trù triết học là bất công và thiển cận. Họ đã làm nhiều hơn. Quả thực, họ đã có thể đưa điều còn ám tàng, và mới manh nha trong tư tưởng của những đại triết gia cựu trào, đến chỗ viên mãn.[41] Những tác giả này, như tôi đã nói, có thiên chức chứng minh rằng, theo một mức độ nào đó, trí khôn được giải phóng khỏi những rằng buộc bên ngoài, có thể thoát khỏi ngõ cụt của những thần thoại, để vươn tới chỗ siêu việt một cách thích hợp nhất. Vậy một lý trí được thanh lọc và ngay thẳng có thể tiến đến những cấp bậc cao nhất của suy tư, bằng cách đặt nền tảng vững chắc trong sự nhìn thẳng vào hữu thể, siêu việt và tuyệt đối.

Đây chính là điều mới mẻ của các Giáo phụ. Họ hoàn toàn đón nhận lý trí cởi mở đối với tuyệt đối và ghép vào đó sự phong phú do Mặc khải mang tới. Sự gặp gỡ không những thể hiện trong lãnh vực văn hóa mà bên nọ sẽ ngả theo sự quyến rũ của bên kia; nó còn thể hiện trong thẩm sâu của tâm hồn và đó là sự gặp gỡ giữa vật thụ tạo với Đấng Tạo Hóa. Khi vượt qua mục đích mà nó vô tình hướng tới theo hiệu năng của bản tính, lý trí có thể đạt tới điều thiện tối thượng của ngôi Lời nhập thể. Tuy nhiên đối diện với các triết học, các Giáo phụ không sợ nhìn nhận những yếu tố chung cũng như những khác biệt mà triết học mang theo đối với Mặc khải.Ý thức những điểm chung không phương hại đến sự nhìn nhận những khác biệt.

42. Trong thần học kinh viện, chức năng của lý trí đã được huấn luyện bởi triết học còn đáng kể hơn, dưới sự thúc đẩy của lối thánh Anselmo giải thích về sự hiểu đức tin. Đối với thánh Giám mục thành Cantorbery, quyền ưu tiên của đức tin không đối lập với sự nghiên cứu riêng biệt của lý trí. Quả thực, lý trí không có chức năng đưa ra phán đoán về nội dung của đức tin; nó không thể làm, vì nó không có khả năng để làm việc đó. Trách nhiệm của nó đúng là tìm ra ý nghĩa, khám phá những lý lẽ giúp mọi người hiểu biết phần nào nội dung của đức tin. Thánh Anselmo ghi nhận sự kiện này, là trí tuệ phải tra tay nghiên cứu điều nó yêu mến; nó càng yêu mến hơn càng khát khao hiểu biết hơn. Ai sống cho chân lý thì hướng đến một hình thức nhận biết luôn luôn nồng nàn yêu mến điều mình biết, đang khi phải công nhận là mình chưa làm tất cả những chi mình mong muốn: “Tôi được dựng nên để nhìn thấy ngài, và tôi chưa làm được tất cả những gì tôi được dựng nên để làm”.[42] Vậy sự ước muốn chân lý thúc đẩy lý trí luôn luôn đi xa hơn; quả thực nó như thúc bách phải nghiệm thấy nó có khả năng luôn luôn lớn hơn điều nó đã hiểu. Tuy nhiên, về điểm này lý trí có khả năng để khám phá chỗ hoàn tất con đuờng của nó: “Tôi thiết tưởng, ai nghiên cứu điều không thể hiểu, thì nên lấy làm thỏa mãn, khi nhờ suy luận mà biết chắc chắn thực tại của nó, dẫu trí khôn người ấy không thể thấu hiểu cách thức hiện hữu của nó [...]. Vậy có điều gì khôn thấu, khôn tả cho bằng điều trổi vượt trên mọi vật? Nếu những điểm được bàn luận cho đến nay về yếu tính cao viễn được bảo đảm bởi những lý lẽ tất yếu, thì tuyệt nhiên sự vững chãi chắc chắn không còn lung lay, dẫu trí khôn không thể thấu đáo, cũng không thể dùng lời nói mà giải thích những điều ấy. Và nếu suy tư trên đây kết luận một cách hợp lý rằng: người không thể hiểu (rationabiliter comprehendit incomprehensibile esse) cách thức mà sự thông tuệ siêu việt biết công việc của mình, thì làm sao người ấy có thể giải thích được cách thức mà sự thông tuệ ấy biết và bộc lộ chính mình, sự thông tuệ mà con người không thể, hay hầu như không biết gì?”.[43]

Một lần nữa, sự hài hòa cơ bản của nhận thức triết lý với sự nhận thức của đức tin được củng cố: đức tin đòi hỏi đối tượng của nó phải được lý trí hiểu biết; còn lý trí, khi nghiên cứu cho đến cùng, phải chấp nhận điều đức tin trình bày là điều tất yếu.

Tư tưởng mới mẻ liên lỉ của thánh Thomas Aquino

43. Trên con đường tràng giang này, thánh Thomas chiếm địa vị thật đặc biệt, không những vì nội dung đạo lý, mà còn vì sự đối thoại mà người đã biết thực hiện với tư tưởng Ảrap và tư tưởng Do thái của thời ngài. Vào thời đại mà những nhà tư tưởng Kitô giáo khám phá ra những kho tàng triết học cổ thời, và trực tiếp là triết học của Aristot, thánh nhân có công lớn là ưu tiên giãi bày sự hài hòa hiện hữu giữa lý trí và đức tin. Ngài giải thích, ánh sáng của lý trí và ánh sáng của đức tin đều phát xuất từ Thiên Chúa; cho nên không thể tương phản nhau.[44]

Triệt để hơn nữa, thánh Thomas nhìn nhận rằng, thiên nhiên, đối tượng của triết học, có thể giúp ta hiểu mặc khải của Thiên Chúa. Nên đức tin không sợ lý lẽ, mà còn tìm kiếm và tín nhiệm nó. Cũng như ân sủng hiểu ngậm tính tự nhiên và kiện toàn nó,[45] thì đức tin cũng hiểu ngậm và kiện toàn lý lẽ. Lý trí, được đức tin soi sáng, được giải thoát khỏi những mong manh và những giới hạn phát sinh do sự bất tuân của tội lỗi, và tìm được sức mạnh cần thiết để vươn mình lên đến chỗ nhận biết mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi. Đang khi nhấn mạnh đến tính cách siêu nhiên của đức tin, thánh Tiến sĩ thiên thần không quên giá trị hữu lý của nó; trái lại ngài đã biết đào sâu hơn và xác định ý nghĩa của tính cách hữu lý này. Quả thực, đức tin một cách nào đó “là sự tập luyện tư tưởng”; lý trí của con người không bị tiêu diệt cũng không bị hạ nhục khi công nhận nội dung của đức tin; nội dung này luôn luôn được chấp nhận bằng một sự lựa chọn tự do và có ý thức.[46]

Chính vì thế mà thánh Thomas luôn luôn được Giáo Hội đặt một cách đích đáng làm tôn sư của tư tưởng và gương mẫu để nghiên cứu học hỏi thần học cho đúng đắn. Trong hoàn cảnh này, tôi muốn nhắc lại điều Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, người tôi tá Thiên Chúa, vị tiền nhiệm của tôi, đã viết dịp thất bách chu niên ngày qua đời của thánh Tiến sĩ thiên thần: “Không chút hoài nghi, thánh Thomas đã có với mức độ cao nhất lòng can đảm của chân lý, có sự tự do của trí tuệ giúp người đương đầu với những vấn đề mới, sự đoan trang tri thức của kẻ không để cho Kitô giáo bị ô nhiễm bởi triết học ngoại giáo, dù không tiên thiên chối bỏ triết học ấy. Đó là lý do vì sao người nổi bật trong lịch sử tư tưởng Kitô giáo như vị tiên phong trên con đường mới của triết học và của văn hóa phổ quát. Trung tâm điểm, hạt nhân, nếu có thể nói như thế, của giải đáp mà với trực kiến ngôn sứ và lỗi lạc người đưa ra cho vấn đề tương quan mới giữa lý trí và đức tin, là phải dung hòa tính cách phàm tục của thế giới và tính cách triệt để của Tin Mừng, như vậy là tránh được khuynh hướng phản thiên nhiên, chối bỏ thế giới và những giá trị của nó, nhưng không vì thế mà xúc phạm đến những yêu sách tối cao và bất khuất của lãnh vực siêu nhiên.[47]

44. Trong số những trực kiến vĩ đại của thánh Thomas, phải kể đến cái nhìn liên quan đến chức năng của Chúa Thánh Linh để sự nhận thức nhân loại được chín mùi thành thông tuệ đích thực. Ngay từ những trang đầu của bộ Tổng luận Thần học,[48] thánh Thomas đã muốn minh chứng quyền ưu tiên của sự thông tuệ là ân huệ của Chúa Thánh Linh, dẫn đến sự nhận biết những thực tại thần linh. Thần học của người cho phép hiểu tính cách đặc biệt của sự thông tuệ trong liên lạc với đức tin và với nhận thức thần linh. Thần học này nhận biết bằng tính bản nhiên, giả định đức tin và có thể công thức hoá phán đoán đúng đắn của mình từ chân lý của chính đức tin: “Thông tuệ được liệt vào số các ơn của Chúa Thánh Thần thì khác với thông tuệ như một nhân đức trí năng thủ đắc, vì thông tuệ này được chinh phục bằng nỗ lực của con người, trái lại, thông tuệ kia thì từ trên mà xuống, như thánh Giacobê nói. Vậy nó cũng khác với đức tin, vì đức tin chấp nhận chính chân lý thần linh, còn đặc trưng của ơn thông tuệ là phán đoán theo chân lý của Thiên Chúa”.[49]

Sự ưu tiên đối với ơn thông tuệ không làm cho thánh Thomas quên mất hai hình thức bổ khuyết nhau của sự thông tuệ: sự thông tuệ triết lý căn cứ trên khả năng của trí khôn tìm kiếm chân lý trong những giới hạn bản nhiên của nó, và sự thông tuệ thần học, căn cứ trên sự Mặc khải và nghiên cứu nội dung của đức tin, đạt tới chính mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Xác tín trong thâm tâm rằng: “mọi chân lý, do bất cứ ai nói ra, cũng là do Chúa Thánh Thần”,[50] thánh Thomas yêu mến chân lý một cách vô tư. Chân lý có thể giãi bày ở đâu là ngài tìm kiếm ở đó, ngài tận lực làm sáng tỏ tính cách phổ quát của nó. Huấn quyền đã nhận thấy nơi người lòng ham mê chân lý; chính vì tư tưởng của người luôn luôn nằm trong phối cảnh của chân lý phổ quát, khách quan và siêu việt, nên đã đạt tới “những điểm cao chót vót trí tuệ nhân loại chưa có thể nghĩ tưởng”.[51] Vì thể có đủ lý để định nghĩa ngài là “tông đồ của chân lý”.[52] Chính vì người tìm kiếm chân lý không e dè, nên trong tính chủ thực của mình, người đã biết tính khách quan của chân lý. Triết lý của ngài quả là triết lý về hữu thể chứ không phải về hiện tượng mà thôi.

Thảm kịch của sự ly tán giữa đức tin và lý trí

45. Với sự ra đời của những đại học đầu tiên, thần học bắt đầu đối diện trực tiếp với những hình thức nghiên cứu và những kiến thức khác. Thánh Alberto Cả và thánh Thomas, dù vẫn giữ một mối liên hệ hữu cơ giữa thần học và triết học, nhưng là những người đầu tiên nhìn nhận quyền tự quyết cần thiết để triết học và khoa học hoạt động cách hữu hiệu trong lãnh vực nghiên cứu liên hệ. Tuy nhiên từ sau thời Trung cổ, sự phân biệt chính đáng đã biến thành sự chia rẽ tai hại. Vì não trạng quá duy lý của một số nhà tư tưởng, những lập trường trở thành cấp tiến đến độ trong thực tế đã làm cho triết học ly tán và hoàn toàn độc lập với nội dung của đức tin. Một trong số những hệ quả của việc ly tán này có sự thiếu tin tưởng ngày ngày càng gia tăng đối với chính lý trí. Có những người bắt đầu chủ trương sự ngờ vực phổ quát, hoài nghi và bất khả tri, hoặc để dành cho đức tin một lãnh vực rộng rãi, hoặc để gieo sự thất tín vào mọi cách viện lý cho đức tin.

Nói tóm lại, điều mà tư tưởng giáo phụ và trung cổ đã quan niệm và đã thực hiện như thể làm thành một độc khối sâu sắc, phát sinh ra một thứ nhận thức, khả dĩ đi đến những hình thức cao siêu nhất của suy tư, thì trong thực tế đã bị phá hủy bởi những hệ thống bám lấy nhận thức duy lý, tách rời với đức tin và thay thế cho đức tin.

46. Những lập trường cấp tiến ảnh hưởng nhất thì ai cũng biết và nhận ra, nhất là trong lịch sử Âu châu. Không phải là phóng đại nếu quả quyết rằng phần lớn tư tưởng triết học hiện đại được phát triển bằng cách dần dà xa lìa Mặc khải Kitô giáo, đến độ chống đối mặc khải ấy một cách minh nhiên. Phong trào này đã đạt tới đỉnh cao trong thế kỷ trước. Một số đại diện của thuyết Duy tâm đã tìm những cách thức khác để biến đổi đức tin và nội dung của nó, kể cả mầu nhiệm sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, thành những cơ cấu biện lý có thể quan niệm cách hữu lý. Đối lập với tư tưởng này là những hình thức nhân bản vô thần, được thiết kế cách triết học, đã trình bày đức tin như điều độc hại và tha hóa đối với sự phát triển của lý trí sung mãn. Họ không ngần ngại giới thiệu như là những tôn giáo mới, dùng làm nền tảng cho những ý đồ chính trị và xã hội, những ý đồ đã biến thành những hệ thống độc tài, gây thương đau cho nhân loại.

Trong lãnh vực nghiên cứu khoa học, người ta đã áp dụng một não trạng thực tiễn, chẳng những không đếm xỉa đến cái nhìn Kitô hữu về thế giới, lại còn gạt ra ngoài lề những quan niệm siêu hình và luân lý. Thành thử, một số nhà trí thức, vì thiếu hẳn mọi qui chiếu phong hóa, nên có nguy cơ không còn lấy nhân vị và toàn thể sự sống làm trọng tâm hứng thú. Hơn nữa, một số người, ý thức những tiềm năng nội tại của sự phát triển kỹ thuật, hình như bị quyến rũ bởi một thần lực trên thiên nhiên và trên chính con người hơn là bởi lợi nhuận của thị trường nữa.

Đàng khác thuyết hư vô được lớn mạnh như công hiệu do khủng hoảng của thuyết duy lý. Triết lý của hư vô đã có thể quyến rũ con người thời nay. Những đồ đệ của thuyết này lấy việc nghiên cứu như chính mục đích, không chút hy vọng hay khả năng đạt tới chân lý. Trong sự giải thích của thuyết hư vô, cuộc sống chỉ là cơ hội để thử nghiệm những cảm giác và thực hiện những thí nghiệm, trong đó cái phù du chiếm ưu thế. Do thuyết hư vô phát sinh ra não trạng rất phổ biến là không cam kết cách dứt khoát, vì mọi sự đều là phù du và tạm bợ.

47. Đàng khác, cũng không nên quên rằng, trong văn hóa hiện đại, chức năng của triết học rút cuôc cũng thay đổi. Từ chỗ là thông tuệ và tri thức phổ quát xưa kia, triết học đã dần dà trở thành một trong những ngành nhận thức của loài người; hơn nữa, theo một vài khía cạnh nó bị thu hẹp vào một chức năng hoàn toàn ngoài lề. Đang khi đó, những hình thức lý luận khác được xác lập ngày ngày càng cường tráng hơn, để làm rõ nét tính cách ngoài lề của triết học. những hình thức suy nghĩ đó thay vì hướng về sự chiêm niệm chân lý, nghiên cứu cứu cánh và ý nghĩa của cuộc đời, lại đã trở thành hay có thể trở thành “một chức năng”, phục vụ cho những mục đích vụ lợi, cho sự chiếm hữu và cho quyền hành.

Ngay từ thông điệp đầu tiên của tôi, tôi đã lưu ý rằng tuyệt đối hoá đường lối đó thì nguy hiểm biết bao và tôi đã viết: “Hình như con người ngày nay luôn luôn bị đe dọa bởi cái mình làm ra, nghĩa là bởi thành quả do công lao của bàn tay, nhất là của trí óc và của những ý hướng của mình. Một cách rất mau lẹ và khôn lường, những thành quả của những hoạt động đa dạng của con người này không những chỉ là đối tượng để “chuyển nhượng”, theo nghĩa đơn sơ và thuần túy là sẽ được cất khỏi tay người sản xuất ra chúng; mà còn quay lại chống với chính con người, ít là một phần nào, theo đường lối gián tiếp qua những công hiệu của các thành quả ấy; chúng được qui hướng hay có thể được qui hướng để chống với con người. Hình như đây là màn bi kịch chính yếu của cuộc nhân sinh hiện nay, với chiều kích rộng hơn và phổ quát hơn. Thành thử, con người càng ngày càng luôn sống trong sợ hãi hơn. Sợ rằng những sản phẩm của mình có thể quay hẳn lại chống với mình, không phải tự nhiên hay phần đông là thế, nhưng một số, nhất là những thứ hàm chứa phần tài trí và óc sáng tạo riêng biệt của mình”.[53]

Do sự thay đổi văn hóa, một số triết gia, bỏ việc nghiên cứu chân lý, đã lấy việc chắc chắn chủ quan và lợi ích thực hành như mục đích duy nhất. Thành thử làm lu mờ địa vị đích thật của lý trí; lý trí không còn được chuẩn bị để biết điều chân thật và tìm kiếm điều tuyệt đối.

48. Điều nổi bật của giai đoạn lịch sử triết học cận đại là sự phân ly dần dần giữa đức tin và lý trí triết học. Đối với người chăm chú quan sát, thì đôi khi cũng thấy xuất hiện, ngay trong cả suy tư triết học của những người khơi rộng hố sâu giữa đức tin và lý trí, những mầm mống quí giá của tư tưởng, mà nếu thâm cứu và quảng diễn với tâm trí ngay thẳng, có thể khám phá ra con đường của chân lý. Người ta nhận thấy những mầm mống tư tưởng ấy, chẳng hạn, trong những phân tách sâu sa về trực giác và kinh nghiệm, về điều tưởng tượng và vô thức, về tính cách ngôi vị và liên vị, về sự tự do và những giá trị, về thời gian và lịch sử. Cả đề tài về sự chết cũng có thể trở thành một lời gọi, thôi thúc mọi người suy nghĩ tìm trong chính mình ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Điều đó không có nghĩa là tương quan giữa đức tin và lý trí như hiện nay không đòi hỏi một nỗ lực chăm chú để biện phân, vì lý trí và đức tin mà đối đầu nhau đều trở nên nghèo nàn và suy yếu. Lý trí, mất trợ lực của đức tin, đã theo những con đường nhánh, liều mình đánh mất phối cảnh của cứu cánh. Đức tin, thiếu lý trí, đã chú ý đến tình cảm và kinh nghiệm, có nguy cơ không còn là mệnh đề phổ quát. Thật là huyễn hoặc khi nghĩ rằng đức tin, đối đầu với lý trí ốm yếu, có thể có nghị lực lớn lao hơn; trái lại, nó sẽ gặp nguy cơ lớn để trở thành thần thoại và mê tín. Cũng một cách, lý trí không có một đức tin trưởng thành trước mặt thì không được khích lệ để theo đuổi điều mới lạ và tính triệt để của hữu thể.

Vậy không thể coi là lạc đề nếu tôi mạnh mẽ và khấn thiết kêu mời đức tin và lý trí hiệp nhất thắm thiết với nhau, để có thể sử trí phù hợp bản tính của mình, đang khi tôn trọng sự độc lập của nhau. Ứng đối với sự “parrhèsia” [tuân phục] đức tin cần phải sự can đảm của lý trí.

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, số 19; AAS l979, p. 306.

[2] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Niềm vui và Hy vọng), số 16.

[3] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 25.

[4] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor (Ánh Rạng Ngời Chân Lý), 06-08-1993, số 4.

[5] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Lời Thiên Chúa), số 2.

[6] Xc. Công Đồng Vatican I, Tông hiến Dei Filius, III: DS 3008.

[7] Ibid., IV: DS. 3015; Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 59.

[8] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Lời Thiên Chúa), số 2.

[9]Xc. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Tertio Millennio Adveniente (Tiến Đến Thiên Niên Kỷ Mới), 10-11-1994, số 10.

[10] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Lời Thiên Chúa), số 4.

[11] Ibid., số 8.

[12] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Niềm Vui và Hy Vọng), số 22.

[13] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Lời Thiên Chúa), số 4.

[14] Ibid., số 5.

[15] Xc. DS 3008.

[16] Ca tiếp liên “Lauda Sion...”

[17] Pensées 789

[18] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Niềm Vui và Hy Vọng), số 22.

[19] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Lời Thiên Chúa), số 2.

[20] Préambule; 1;15: edit. M.Corbin, Paris (1968), pp. 223; 241; 266.

[21] De vera religione, XXXIX, 72: CCL 32, p.234.

[22] Ut te semper desiderando quaererent et inveniendo quiescerent: Sách lễ Roma.

[23] Arist. Met I, 1.

[24] Conf. X, 23, 33: CCL 27, p. 173.

[25] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor (Ánh Rạng Ngời Chân Lý), 06-08-1993, số 34.

[26] Xc. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris (Đau Khổ Có Giá Trị Cứu Độ), 11.2.1984, số 9: AAS 1984, pp. 209-210

[27] Xc. Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate (Tự Do Tôn Giáo), số 2.

[28] Xc. Audience générale du 19 oct. 1983, nn. 1-2: La Doc. cat. 1983, pp. 1071-1072.

[29] Xc. Jean Paul II, Discours à l’Académie pontificale des sciences, 10 nov. 1979: La Doc. cat. 1979 p. 1010

[30] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Lời Thiên Chúa), số 4.

[31] Origène, Contre Celse, 3, 55; SC 136, p.130.

[32] Dialogue avec Tryphon, 8,1: PG 6, 492.

[33] Stromates I, 18, 90,1: SC 30, p. 115.

[34] Xc. Ibid., I, 16 80, 5: SC 30, p. 108.

[35] Xc. Ibid., I, 5, 28, 1: SC 30, p. 65.

[36] Ibid., VI, 7,55, 1-2; PG 9, 277.

[37] Ibid., I, 20,100, 1: SC 30, p. 124.

[38] Conf. VI, 5,7: CCL 27, pp. 77-78.

[39] Xc. Ibid., VII, 9, 13-14: CCL 27, pp. 101-102.

[40] De praescriptione haereticorum, VII, 9: SC 46 p.98: “Quid ergo Athenis et Hierosolymis? Quid Academiae et Ecclesiae?”

[41] Xc. Congrég. pour l’Education cat., Instruction sur l’étude des Pères de l’Eglise dans la formation sacerdotale (10 nov. 1989), n. 25: AAS 1990, pp. 617-618.

[42] “Ad te videndum factus sum, et nondum feci propter quod factus sum” S. Anselme, Proslogion 1: éd. M. Corbin, Paris, p. 239.

[43] Ibid., Monologion, 64: éd. M.Corbi, Paris 1986, p. 181

[44] Xc. St. Thomas d’Aquin, Somme contre les Gentils, I, VII

[45] Xc. S.Thomas d’Aquin, Somme théologique, I, q. 1, a.8, ad 2: “cum enim gratia non tollat naturam sed perficiat”.

[46] Xc. Jean-Paul II, Discours aux participants au Congrès thomite inter-national (29 sept. 1990): Insegnamenti, XIII, 2 (1990), pp. 770-771.

[47] Đức Giáo Hoàng Phalô VI, Tông thư Lumen Ecclesiae (Ánh Sáng Giáo Hội) (20 nov. 1974), số 8: AAS 1974, trg. 680

[48] Xc. St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I, q.1.a. 6: “Vả lại, đạo lý này được chinh phục bằng học hỏi. Còn sự thông tuệ có được là do phú bẩm và được liệt vào số bẩy ơn Chúa Thánh Thần”.

[49] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II, q. 45, a. 1, ad 2; xc. II-II, q.45, a. 2.

[50] “Omne verum a quocumque dicatur a Spiritu Sancto est”. Ibid., I-II q. 109, a. 1, ad 1, thánh Thomas lặp lại câu nói thời danh của Ambrosiaster, In prima Cor. 12, 3: PL 17, 258.

[51] Đức Giáo Hoàng Léon XIII, Thông điệp Aeterni Patris (Chúa Cha Hằng Hữu), (4 aout 1879): ASS 1878-1879, p. 109.

[52] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông thư Lumen Ecclesiae (Ánh Sáng Giáo Hội), (20 nov. 1974), số 8: AAS 1974, trg. 683

[53] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis (Đấng Cứu Độ Con Người), (4 mars 1979), số 15: AAS 1950, trg. 566.