Thông Điệp

Saturday, 04 April 2020 15:50

Thông Điệp Redemptoris Missio (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế) Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 07-12-1990) - (1) Featured

THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MISSIO

(SỨ VỤ ĐẤNG CỨU THẾ)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

NGÀY 07 THÁNG 12 NĂM 1990

***

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

***

GIỚI THIỆU THÔNG ĐIỆP

DẪN NHẬP

Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu Thế) được ban hành ngày 7.12.1990, kỷ niệm 25 năm Sắc lệnh Truyền giáo (Ad Gentes), 7.12.1965, của Công Đồng Vaticanô II.

“Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” là thông điệp thứ 8 trong 14 thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vào năm thứ 13 của triều đại ngài.

Chúng ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm, Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” là một văn kiện lớn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho một thế giới có tầm vóc toàn cầu vừa là mối bận tâm vừa là niềm hăng say của ngài ngay từ khi được bầu làm Giáo Hoàng. Hơn bất cứ một vị tiền nhiệm nào với tư cách là Đấng kế vị Thánh Phêrô, ngài đã đi khắp năm châu để củng cố niềm tin, để rao giảng Phúc Âm cùng với các anh em mình là các giám mục. Trong Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế”, ngài đã lấy lại những lời mà ngài đã nói với Hồng Y Đoàn năm 1980 : “Tôi đã rảo qua các nẻo đường của thế giới để loan báo Tin Mừng, để củng cố anh em tôi trong đức tin, để an ủi Giáo Hội, để gặp gỡ con người. Đó là những cuộc hành trình đức tin ... Đó là những cơ hội giảng dạy giáo lý lữ hành, những cơ hội loan báo Tin Mừng, trong việc mở rộng - qua mọi vĩ tuyến - Tin Mừng và quyền giáo huấn tông đồ tới mọi miền trái đất hiện nay” (số 63).

Đọc xong toàn bộ Thông điệp, chúng ta có thể tóm lược Thông điệp trong những nhận xét và cảm tưởng sau đây : Lạc quan – Sáng suốt – Tổng hợp.

Lạc quan: Còn hơn lạc quan nữa, phấn khởi của đức tin. Đức Thánh Cha nhắc lại tâm tình của Thánh Phaolô (1 Tx 2,2) là sự dạn dĩ (parrhesia) nghĩa là khả năng nói một cách can đảm. Cho dù một số người có một cái nhìn bi quan về thế giới trước ngưỡng cửa của năm 2000, Đức Thánh Cha khẳng định chúng ta vẫn có thể nhận ra “Một mùa xuân vĩ đại ... một Mùa Vọng truyền giáo” (số 86).

Sáng suốt: Cái nhìn lạc quan về thế giới như một luồng gió mát thổi suốt trên Thông điệp từ đầu tới cuối không cuốn đi sự sáng suốt về tình hình của Kitô giáo nói chung, và tình trạng Giáo Hội Công Giáo nói riêng trong thế giới ngày nay. Đức Thánh Cha, một nhà truyền giáo lưu động, đã đi khắp thế giới, có một nhận xét rất thực tế và chính xác về tình hình tôn giáo của thế giới hiện nay. “Con số những người chưa biết Chúa Kitô và chưa gia nhập Giáo Hội vẫn không ngừng gia tăng, thậm chí đã tăng gấp đôi từ sau Công Đồng ...” (số 3).

Đức Thánh Cha biết rõ sức sống mới và sự phát triển của Hồi Giáo và Phật Giáo ở hai lục địa lớn là Á Châu và Phi Châu. Ngài nhận thấy “Hoạt động truyền giáo ngày nay vẫn còn là một thách đố lơn nhất của Giáo Hội. Trong khi chúng ta đang ở vào giai đoạn cuối Thiên niên kỷ thứ hai của Ơn Cứu Chuộc thì càng ngày càng thấy rõ là số các dân tộc chưa đón nhận lời loan báo đầu tiên của Đức Kitô, còn chiếm phần đa số trong nhân loại” (số 40).

Ngài không coi thường mối đe doạ đối với Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Kitô Giáo chính thức trước sự lôi cuốn của các “Giáo phái, các Giáo hội cực đoan (Fondamentalisme), nhất là ở Châu Mỹ La tinh” (số 50).

Chúng ta phải nhìn nhận là Sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội đang trải qua một khủng hoảng trầm trọng. Có người cho rằng “Thời đại truyền giáo đã chấm dứt” vì “Tinh thần của Vaticanô 2 và Assisi”, như Đức Cha Lefebvre đã nói. Theo phe bảo thủ, chính Vaticanô 2 đã làm nguội đi lòng hăng say và lòng nhiệt thành truyền giáo, làm như thể thái độ cởi mở và tôn trọng các tôn giáo ngoài Kitô giáo, tuyên bố một cách long trọng về quyền tự do tôn giáo là nguyên nhân đã giết chết sự cấp bách của việc truyền giáo, vì truyền giáo bị đồng hoá với thái độ chiêu mộ đã lỗi thời (Prosélytisme dépassé). Trong khi đó, Thông điệp vẫn khẳng định là thành quả của Vaticanô 2 không bao giờ làm cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng bị thuyên giảm. Vì đó là sứ vụ mà chính Chúa Kitô đã trao phó cho Giáo Hội.

Tổng hợp: Đức Thánh Cha muốn dung hoà và cố gắng nắm toàn thể một số vấn đề mà khi nhìn thoáng qua, chúng ta có thể xem như chúng đối lập nhau.

Dung hoà sứ vụ truyền giáo phổ quát của Giáo Hội và sứ vụ truyền giáo đặc thù của các giáo hội địa phương (Truyền giáo đặc biệt cho dân ngoại: Ad Gentes)

- Làm chứng công khai về Chúa Kitô và tự do tôn giáo.

- Nhiệm vụ thường xuyên phải rao giảng Tin Mừng và lòng thiện chí đối thoại với các tôn giáo bạn.

- Mời gọi hoán cải và dấn thân để thăng tiến con người và cổ vũ cho hoà bình.

- Sứ vụ chuyên biệt của các Linh mục Thừa sai, các Tu hội Truyền giáo và sứ vụ Tông đồ Giáo dân.

Đây không phải là một thái độ nhượng bộ tạm thời, nhưng chính là một nỗ lực tìm tòi và khám phá cái cũ và cái mới, một nỗ lực tổng hợp có tính sáng tạo, 25 năm sau Vaticanô II.

Vì không thể trình bày Thông điệp dưới mọi khía cạnh trong phạm vi và thời gian bị hạn chế của bài này, chúng ta chỉ nêu ra vài đặc điểm sau đây:

I. MỘT THẦN HỌC ĐƯỢC ĐỔI MỚI VỀ TRUYỀN GIÁO

Tiếp tục giáo huấn của Vaticanô II, Thông điệp nhấn mạnh đến nền tảng Chúa Ba Ngôi và Chúa Kitô của Việc truyền giáo.

Giáo Hội là truyền giáo do tự bản tính, chứ không do từ mệnh lệnh của Chúa Kitô (số 5, 11)

Lý do căn bản của việc truyền giáo là sự mạc khải cuối cùng mà Thiên Chúa đã mạc khải về chính mình trong Đức Giêsu Kitô, vì thế tự bản tính, Giáo Hội có tính cách thừa sai. Giáo Hội không thể không loan báo Tin Mừng, tức chân lý toàn vẹn mà Thiên Chúa đã tỏ bày. (số 5)

Một nét độc đáo của thần học được canh tân là sự liên kết chặt chẽ giữa mạc khải Tin mừng của Tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người và sự cấp bách phải truyền giáo : “Giáo Hội không được phép từ bỏ việc loan báo rằng Chúa Giêsu đã đến mạc khải Dung Mạo của Thiên Chúa, qua Thập Giá và Phục Sinh, Người đã đem lại Ơn Cứu Độ cho mọi người ... sự sống mới trong Người là Tin Mừng cho con người thuộc mọi thời đại ...” (số 11)

Thông điệp cùng với Vaticanô 2, vẫn ý thức chỉ có Chúa Kitô là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người vì “Chỉ nơi một mình Người, chúng ta được giải thoát khỏi mọi tha hoá, mọi lầm lạc, khỏi ách nô lệ của các quyền lực tội lỗi và cái chết” (số 11) nhưng Thông điệp còn đi xa hơn và vượt hẳn thuyết cổ truyền về mục đích và phương tiện để được cứu độ.

Theo thuyết cổ điển, mục đích duy nhất của việc truyền giáo là để cứu con người khỏi chết đời đời và phương tiện duy nhất để được cứu độ là Giáo Hội. Thông điệp khẳng định là ngoài ranh giới của Giáo Hội hữu hình, nhiều người cũng có thể được cứu độ nhờ Chúa Thánh Thần hoạt động và thúc đẩy. Tại sao phải truyền giáo? “... Chúng tôi xin trả lời rằng sự giải phóng đích thực là đón nhận tình yêu của Đức Kitô” (số 11)

Redemptoris Missio nhắc một cách rõ ràng sự trung gian duy nhất của Chúa Kitô, nhưng đồng thời, tuy không đích danh gọi một khuynh hướng thần học nào cả, Thông điệp nêu ra một vài khuynh hướng hơi lệch lạc, một vài vấn nạn và nguy hiểm về thần học truyền giáo xuất hiện sau Vaticanô II.

A. NGUY CƠ THỨ NHẤT

Thuyết tương đồng. (Indifférentisme) Mọi tôn giáo có giá trị ngang nhau – đồng nhất các tôn giáo.

Thuyết này chủ trương mọi tôn giáo đều có giá trị ngang nhau vì các tín hữu của các tôn giáo có thể được cứu độ trong chính tôn giáo của mình.

Thông điệp muốn nắm cả hai chân lý sau đây : “Cần nắm vững hai chân lý đó, nghĩa là mọi người đều thực sự có thể được Đức Kitô cứu độ và Giáo Hội cần thiết cho ơn cứu độ” (số 9). Vẫn biết ơn cứu độ được ban cho tất cả mọi người chứ không dành riêng cho những người tin vào Chúa Kitô hay đã gia nhập Giáo Hội. Nhưng điều này không miễn cho chúng ta phải có bổn phận và tiếp tục rao giảng Chúa Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất và Giáo Hội là Bí Tích của ơn cứu độ. Vì âân sủng Chúa ban cho mỗi người để đạt đến ơn cứu độ với sự cộng tác tự do đều từ Chúa Kitô mà đến và có một tương quan nhiệm mầu với Giáo Hội. (số 10)

B. NGUY CƠ THỨ HAI

Thuyết dụ đạo, chiêu mộ (Prosélytisme). Nhiệt tâm dụ người ta theo đạo.

Thuyết này dẫn đến một thái độ thờ ơ trong việc rao giảng Tin Mừng vì sợ mang tiếng là dụ dỗ kẻ khác theo đạo và xâm phạm đến tự do lương tâm. Chiếu theo giáo huấn của Vaticanô 2 về “Tuyên ngôn tự do tín ngưỡng”, Thông điệp trả lời : “Lời loan báo và chứng tá về Đức Kitô, khi được thực hiện trong sự tôn trọng lương tâm, sẽ không xâm phạm đến tự do, đức tin đòi hỏi sự tự do gắn bó của con người” (số 8). “Giáo Hội đề nghị chứ không hề áp đặt : Giáo Hội tôn trọng con người và các nền văn hoá, đồng thời Giáo Hội dừng lại trước bàn thờ của lương tâm” (số 39)

Một số người lấy làm tiếc vì Thông điệp không đề cập đến những trang đen tối của lịch sử truyền giáo vì có những nơi và những lúc “bàn thờ của lương tâm” không được tôn trọng. Để trả lời thắc mắc này xin lưu ý là Thông điệp được ban hành năm 1990. Chúng ta phải chờ đến năm 2000, nhân dịp Năm Thánh, Giáo Hội mới nhận thức một cách công khai về những thiếu sót trên và đã có thái độ xin lỗi công khai. Ngày 12 tháng 03 năm 2000, tại nhà thờ Thánh Phêrô tại Rôma, là “Ngày tạ tội của Năm Thánh 2000” (Journée du Pardon de L’Année Sainte 2000) và ngày ban hành tài liệu “Ký ức và hoà giải : Giáo Hội và những lầm lỗi trong quá khứ” (Document : Mémoire et Réconciliation: l’Eglise et les fautes du passé).

C. ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN

Một số nhà truyền giáo và thần học muốn thay thế việc rao giảng Tin Mừng bằng việc đối thoại liên tôn. Vaticanô 2, trong Tuyên ngôn Nostra Aetate về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo – 28.10.1965 đã có chủ trương tôn trọng và mộ mến các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Thông điệp nhắc lại là “Đối thoại không mâu thuẫn với sứ vụ đến với muôn dân (Ad Gentes), ngược lại, còn có liên hệ đặc biệt và diễn tả sứ vụ ấy” (số 25) Đức Thánh Cha không ngần ngại lấy lại những lời mà ngài mới vừa nói với các Giám mục Á Châu (23.6.1990) : “Mới đây tôi đã viết cho các Giám mục Á Châu : “Mặc dù Giáo Hội vui lòng nhìn nhận tất cả những gì là chân thực và thánh thiện trong các truyền thống tôn giáo của Phật Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo, như là phản ảnh của Chân lý chiếu soi mọi người, nhưng điều ấy không làm giảm bớt bổn phận và quyết tâm công bố không chút do dự rằng Đức Giêsu Kitô là “Đường, Chân lý và là Sự sống” ...việc ấy không gạt bỏ lời mời gọi đón nhận đức tin và phép rửa mà Thiên Chúa muôn mời gọi các dân tộc ... Giáo Hội là con đường thông thường đưa đến ơn cứu đô và chỉ mình Giáo Hội có đầy đủ những phương thế đưa tới ơn cứu độ” (số 55)

D. MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

Để bênh vực mầu nhiệm nhập thể, Đức Thánh Cha bác bỏ nỗ lực của một số nhà thần học và kinh thánh muốn tách biệt Ngôi Lời và Chúa Giêsu Kitô, hoặc muốn tách biệt “Đức Giêsu của lịch sử” và “Đức Kitô của đức tin”. “Đức Kitô cũng là chính Đức Giêsu Nazarét, và Người là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để cứu độ loài người” (số 6)

Chúng ta cũng nên lưu ý đến vai trò của Chúa Thánh Thần mà Đức Thánh Cha đã đề cập rất sâu sắc và súc tích. “Chúa Thánh Thần là Đấng chủ động trong sứ vụ truyền giáo. Nhưng chúng ta đừng quan niệm Chúa Thánh Thần là Đấng thay thế Chúa Kitô, hay lấp đầy một chỗ trống giữa Đức Kitô và Ngôi Lời như một giả thuyết đã được tung ra. Chúng ta không được tách rời hoạt động phổ quát của Chúa Thánh Thần với hoạt động riêng biệt của Người trong thân thể Đức Kitô, là chính Giáo Hội” (số 29)

Đức Thánh Cha không sợ các tôn giáo khác là một trở ngại cho việc truyền giáo, ngược lại, Đức Thánh Cha coi các tôn giáo như là một “Thách đố tích cực” (défi positif) đối với Giáo Hội ngày nay. Tại sao ? “Các tôn giáo khác thúc đẩy Giáo Hội khám phá và nhận ra những dấu chỉ sự hiện diện của Đức Kitô và hoạt động của Chúa Thánh Thần, đồng thời cũng thúc đẩy Giáo Hội đào sâu căn tính của mình, và làm chứng về sự toàn vẹn của mạc khải mà Giáo Hội là người quản lý nhằm phục vụ lợi ích cho mọi người” (số 56)

Thông điệp xác nhận lại tư tưởng của Đức Hồng Y Tomko, chủ tịch Thánh Bộ Phúc Âm Hoá các Dân tộc, cảnh cáo một số thần học gia Á Châu muốn “Thuyết duy Thiên Chúa” (théocentrisme) thay thế “thuyết duy Kitô” (Christocentrisme) để tránh làm cho các tôn giáo bực tức.

E. TẬP TRUNG VÀO CON NGƯỜI

Cuối cùng Đức Thánh Cha lên tiếng phản đối những quan niệm “Tập trung vào con người” (anthropocentrisme) của ơn cứu độ và việc truyền giáo có khuynh hướng coi sự cứu độ là chủ yếu nhắm giải phóng con người khỏi những tha hoá, hoặc những quan niệm “tập trung vào nước Thiên Chúa” (Régnocentrisme) có khuynh hướng đề cao việc thăng tiến và cổ võ những “giá trị của nước Thiên Chúa” như hoà bình, đức công bằng, sự tự do, tình huynh đệ, mà không đề cập đến Đức Kitô” (số 17). Có lẽ Đức Thánh Cha ám chỉ thuyết “Thần học giải phóng” (théologie de la libération) có khuynh hướng biến “Nước Thiên Chúa trở thành một thực tại có tính cách hoàn toàn nhân loại và bị tục hoá ... không còn hướng đến siêu việt” (số 17)

Xét về thần học, Thông điệp không khẳng định mối tương quan giữa những giá trị nhân bản và ơn cứu độ Kitô giáo. Trong khi đó, “Loan báo Tin Mừng” của Đức Thánh Cha Phaolô VI (Evangelii Nuntiandi), cố gắng chứng minh, xét về thần học, mối tương quan cần thiết giữa việc rao giảng Tin Mừng và việc phục vụ con người trong sứ vụ duy nhất của Hội Thánh. Vì thế, một số nhà phê bình cho rằng “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” là một bước lùi so với “Loan Báo Tin Mừng”. (Evangelii Nuntiandi)

II. NHỮNG NÉT ĐẶC THÙ CỦA VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG

“Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” cố gắng tìm một sự quân bình mới (rééquilibrage) cho việc truyền giáo vì từ Vaticanô 2 cho đến 1990, thần học về truyền giáo có những thay đổi về các “địa điểm” và “cách thức truyền giáo”. Có người cho rằng “thời đại truyền giáo” đã chấm dứt và phải “hồi hương” các miền truyền giáo về với sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội (số 32), phải đưa môn Truyền Giáo Học vào môn Giáo Hội Học. Nói cách khác, quan niệm “các miền truyền giáo” đã thay đổi từ khi các nước thuộc địa đã dành lại độc lập. Trước đó chính trong Giáo Hội, người ta thường phân biệt và thường đề cập đến “Giáo Hội mẹ” và “Giáo Hội con” (Eglises Mères, Eglises Filles). Ngày nay, tất cả các giáo hội đều là các “Giáo Hội chị em” (Eglises Soeurs) và tất cả các “Giáo Hội địa phương” (Eglises locales) đều có trách nhiệm về sứ vụ truyền giáo toàn cầu theo tinh thần “Giáo Hội học” của Vaticanô II.

Đức Thánh Cha rất ý thức về những thay đổi trên, Ngài còn thấy những “khía cạnh tích cực” của những thay đổi. Nhưng Ngài sợ rằng trao phó cho toàn thể Giáo Hội việc rao giảng tin mừng sẽ làm thiệt hại cho sự cấp bách rao giảng của sứ vụ truyền giáo đặc biệt của Giáo Hội. Ngài nhận thấy có một sự dè dặt nào đó trong việc sử dụng từ ngữ “miền truyền giáo” (missions) và từ ngữ “các nhà truyền giáo” (missionnaires), các từ ngữ này coi như đã lỗi thời và mang những âm hưởng lịch sử có tính tiêu cực, hình như người ta thích dùng từ ngữ “sứ vụ” (mission, ở số ít) và tĩnh từ “truyền giáo” (missionnaire, ở số ít) để nói lên tính chất của mọi hoạt động trong Giáo Hội (số 32). Vì thế, Đức Thánh Cha, tuy không bỏ hẳn từ ngữ “loan báo Tin Mừng” (évangélisation), chúng ta thấy ngài thường dùng từ ngữ “Ad Gentes” - “truyền giáo cho muôn dân”. Như thế sứ vụ truyền giáo “Ad Gentes” vẫn còn có giá trị. “... khi nói rằng tất cả mọi người Công giáo phải là nhà truyền giáo, điều đó không loại trừ, nhưng ngược lại càng đòi hỏi phải có các “nhà truyền giáo dành trọn cuộc đời để đến với muôn dân” do một ơn gọi chuyên biệt” (số 32).

Trong sứ vụ truyền giáo duy nhất của Giáo Hội, Thông điệp phân biệt ba tình trạng truyền giáo khác nhau, cho dù ranh giới giữa ba hoàn cảnh không rõ ràng.

- Trước hết, đó là tình trạng mà hoạt động truyền giáo của Giáo Hội nhắm tới : các dân tộc, các nhóm người, các bối cảnh văn hoá xã hội chưa biết tới Đức Kitô và Tin Mừng của Người, hoặc đó là những nơi không có các cộng đồng Kitô hữu đủ vững mạnh để có thể hội nhập đức tin vào môi trường của mình, và loan báo đức tin cho những nhóm người khác. Đó là sứ vụ đến với muôn dân đúng nghĩa.

- Tiếp đến, có những cộng đoàn Kitô hữu có một cơ cấu Giáo Hội vững mạnh và thích ứng được về đức tin và đời sống nhiệt tâm, những cộng đoàn này làm chứng cho Tin Mừng một cách rạng rỡ trong môi trường của mình, họ ý thức về nghĩa vụ truyền giáo phổ quát. Trong các cộng đoàn này có hoạt động mục vụ của Giáo Hội.

- Sau hết là một tình trạng trung gian, nhất là trong các quốc gia có truyền thống Kitô giáo kỳ cựu, hoặc đôi khi ngay trong các Giáo Hội trẻ trung hơn. Ở đây, có cả từng nhóm những người đã lãnh Bí tích Thánh tẩy, nhưng đã đánh mất cảm quan về một đức tin sống động, hoặc đi đến chỗ không còn nhìn nhận mình là phần tử của Giáo Hội nữa, họ sống xa rời Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Trong trường hợp này, cần phải có một “cuộc loan báo Tin Mừng mới” hoặc “một cuộc tái loan báo Tin Mừng" (số 33)

Tuy tình hình thế giới biến chuyển rất nhanh, các ranh giới của các vùng truyền giáo thay đổi liên tục, nhiều miền truyền giáo mới xuất hiện mà chúng ta không thể định vị trí theo chiều kích không gian, Đức Thánh Cha vẫn thích giữ lại cái “tiêu chuẩn địa lý” (critère géographique) để nói lên sứ vụ đặc biệt cho việc truyền giáo cho muôn dân. Lục địa Á Châu, với dân số lớn nhất thế giới, với số Kitô hữu ít ỏi là ưu tiên của mọi ưu tiên (số 37).

Đức Thánh Cha lưu ý đến những nơi, những nước vẫn còn là những “lãnh thổ truyền giáo” (terres de mission), vì thế phải cần đến những ơn gọi đặc biệt cho công việc truyền giáo ở những nơi đó.

Đức Thánh Cha nhắc đến những người đầu tiên chịu trách nhiệm về hoạt động truyền giáo, trước hết là Đức Giáo Hoàng, sau là các giám mục, các linh mục kế đến là tất cả các giáo dân, đặc biệt Đức Thánh Cha đề cập đến vai trò của các giáo lý viên (số 73)

Trong lúc Đức Thánh Cha động viên toàn Giáo Hội phải có tinh thần truyền giáo, Ngài khuyến khích và duy trì “ơn gọi truyền giáo” như là một “ơn gọi đặc biệt” trong Giáo Hội (số 65). Vì thế Ngài tha thiết kêu gọi các Hiệp Hội Truyền Giáo, các Dòng Tu Nam Nữ hãy hăng say, hãy có óc sáng tạo, hãy trung thành với đoàn sủng nguyên khởi của mình trong việc truyền giáo (số 66) Đức Thánh Cha cũng không quên tỏ lòng biết ơn và cảm phục đối với “các linh mục các tu sĩ nam nữ và giáo dân” vì lòng nhiệt thành của họ (số 60) Đức Thánh Cha mong muốn duy trì và khuyến khích kinh nghiệm của các Linh mục Fidei Donum, do Đức Thánh Cha Piô XII khởi xướng.

III. NHỮNG MÔI TRƯỜNG MỚI CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO

Những chân trời của cánh đồng truyền giáo, trước ngưỡng cửa của năm 2000 thật lớn lao nếu chỉ đề cập đến khía cạnh địa dư. Nhờ những phương tiện truyền thông có tầm vóc toàn cầu, Tin Mừng đã được loan báo “đến tận cùng trái đất”. Nhưng sự tăng trưởng dân số toàn cầu, nhất là ở phía nam và phía đông làm cho nhiều người vẫn không biết đến Kitô giáo. (số 40). “Nhiều dân tộc mới đang bước vào sân khấu thế giới và chính họ cũng có quyền đón nhận lời loan báo ơn cứu độ” (số 40).

Vừa chú tâm đến “những lãnh thổ truyền giáo” (aires géographiques), nhưng Đức Thánh Cha vừa có một cái nhìn rất sâu sắc và thực tiễn về sự phức tạp của thế giới hiện nay, vì thế Thông điệp rất dè dặt khi phải xác định những “lãnh thổ truyền giáo” theo nghĩa địa dư.

Chương 5 nhận định về những lãnh vực con người, xã hội, văn hoá, chính trị, v.v... vừa là những trở ngại vừa là những cơ may cho sứ vụ truyền giáo.

Làm sao Giáo Hội không thể không quan tâm đến hiện tượng các “đô thị khổng lồ” (Mégapoles) của thế giới hiện đại, ở đó, cả triệu người sống chen chúc trong tình trạng “vô danh” (Anonymat) (số 37).

Sứ vụ truyền giáo phải quan tâm đến những thành phố lớn, ở đó con người có những tập quán mới, những suy tư, những văn hoá mới. Những hình thức này lại ảnh hưởng trên toàn bộ dân chúng. “Tương lai của những dân tộc non trẻ đang thành hình trong các đô thị” (số 37).

- Sứ vụ truyền giáo phải quan tâm đến giới trẻ, vì “tại một số quốc gia, họ chiếm hơn nửa dân số ... họ là tương lai của các lục địa”. Vì “các phương tiện Mục vụ thôn thường không còn đủ nữa ... phải có những Hiệp Hội (Associations) những Tổ Chức các nhóm và các trung tâm giới trẻ ... phải có các Phong Trào hiện đại của Giáo Hội (Mouvements ecclésiaux modernes)”. Khi đề cập đến các phong trào hiện đại của Giáo Hội, chúng ta có thể hiểu Đức Thánh Cha muốn nói đến các “Phong trào Thánh Linh” (Mouvements charismatiques), hoặc các “phong trào Phúc Âm” (Mouve-ments Évangéliques).

- Điều đáng lưu ý là trong Thông điệp, Đức Thánh Cha đã chính thức công nhận và tín nhiệm Các cộng đoàn Giáo Hội cơ bản (Communautés de base) là sức mạnh loan báo Tin Mừng (số 51)

- Trong những hiện tượng xã hội của thời đại “thảm hại và hấp dẫn” của chúng ta, Thông điệp quan tâm đến số phận của cả triệu người nghèo là đã lấy lại những lời của Hội nghị các Giám mục Châu Mỹ La tinh tại Puebla : “Giáo Hội trong toàn thế giới muốn là một Giáo Hội của những ngưòi nghèo” (số 60). Nhưng chúng ta đừng quên điều này, Đức Thánh Cha luôn nhắc đến và đề cao việc ưu tiên của sứ vụ truyền giáo không phải là làm cho con người bớt khổ về vật chất, nhưng làm cho con người thăng tiến về mặt thiêng liêng “Sứ vụ của Giáo Hội không phải là trực tiếp hành động trên bình diện kinh tế, kỹ thuật, chính trị hoặc đóng góp vật chất cho việc phát triển, nhưng sứ vụ đó thiết yếu hệ tại việc mang lại cho các dân tộc không phải cái “sở hữu nhiều hơn” nhưng là cái “hiện hữu tốt hơn”, bằng cách dùng Tin Mừng làm thức tỉnh lương tâm” (số 58).

- Thế giới thông tin là một lãnh thổ truyền giáo của Giáo Hội trong thời đại chúng ta. Nhưng Giáo Hội phải gạt bỏ não trạng chỉ biết lợi dụng những phương tiện truyền thông, nhưng phải coi những phương tiện này là “một nền văn hoá mới”. Phải sử dụng những phương tiện truyền thông để rao giảng Tin mừng và đem sứ điệp Tin Mừng vào nền “văn hoá mới” (số 37).

- Nếu Giáo Hội muốn rao giảng Tin Mừng cho những con người thời đại chúng ta, Giáo Hội không thể quên những “Aêrôpagô hiện đại” là những phong trào đấu tranh cho hoà bình, phát triển, nhân quyền, thăng tiến phụ nữ, trẻ em, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, các tổ chức quốc tế. Vì thế mà Giáo Hội muốn có mặt, có đại diện, có tiếng nói trong các tổ chức quốc tế. Ví dụ tại Liên Hiệp Quốc.

Liên quan đến truyền thông, Thông điệp không thể nào không nói tới Hội nhập văn hoá là một vấn đề lớn của việc truyền giáo ngày nay. Thông điệp trong chương 5 dành ba số (52,53,54) để nói về “làm cho Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hoá các dân tộc”.

Hội nhập văn hoá thường được hiểu là làm cho Tin mừng nhập thể vào các nền văn hoá được thành hình ngoài Kitô giáo, nhưng chúng ta nên lưu ý hội nhập văn hoá ngày nay cũng phải làm cho Tin Mừng nhập thể vào những “Aêrôpagô” mới của nền văn hoá Âu Châu.

Làm cho Tin Mừng thấm nhuần vào những văn hoá vừa mới thành hình là một vấn đề nan giải cho việc rao giảng của thời đại chúng ta. Thông điệp nhắc lại hai nguyên tắc không thể chối bỏ: “Sự tương hợp với Tin Mừng và sự hiệp thông với Giáo Hội phổ quát” (số 54).

Nhìn thoáng qua và trên lý thuyết, hội nhập văn hoá là một việc làm hết sức hấp dẫn nhưng một khi phải áp dụng những nguyên tắc trên vào một văn hoá cụ thể, chúng ta thấy xuất hiện nhiều cạm bẫy. Làm thế nào để tránh khỏi sự “tha hoá của Tin Mừng” trong một nền văn hoá và sự “đánh giá quá cao” của một nền văn hoá có thể làm cho Tin Mừng bị biến chất hoàn toàn. (số 54). Nếu nhìn lại lịch sử của việc rao giảng Tin Mừng, hơi tiếc là Thông điệp không đề cập đến cái “Quyền có thể sai lầm” (Droit de l’erreur) mà các nhà truyền giáo đôi khi đã vấp phải. Dù sao Thông điệp đã khôn ngoan nhắc lại rằng : “Hội nhập văn hoá phải là công việc của tất cả Dân Thiên Chúa chứ không phải chỉ là công việc của một vài nhà chuyên môn” (số 54)

IV. TẠM KẾT

Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” thật sự là Hiến Chương của sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội cho thời đại chúng ta, cho Thiên niên kỷ thứ ba. Thông điệp đã nêu ra những nguyên tắc căn bản về tín lý. 25 năm sau Sắc lệnh “Ad Gentes” của Công đồng Vaticanô 2, Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” là một bằng chứng về việc đón nhận các giáo huấn của Công đồng và đem ra thực hành. Thông điệp không những mời gọi tất cả mọi Kitô hữu phải ý thức về trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, phát xuất từ Bí tích Rửa tội, Thông điệp còn trình bày cho chúng ta thấy rõ thực tại của thế giới hiện đại. Đức Thánh Cha, trong suốt Thông điệp, muốn truyền lại cho chúng ta điều mà ngài thường nhắc đến: sự phấn khởi của đức tin (enthousiasme de la foi) “Niềm tin càng vững mạnh khi đem chia sẻ !” (số 2)

“Đối với câu hỏi: Tại sao phải truyền giáo ? Thì nhờ niềm tin và kinh nghiệm của Giáo Hội, chúng tôi xin trả lời rằng sự giải phóng đích thực là đón nhận tình yêu của Đức Kitô... Truyền giáo là một vấn đề của niềm tin, đó thực là thước đo niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô và vào Tình yêu Người dành cho chúng ta” (số 11).

 

Lm. Alexis Tống Phước Hậu, CM.

(Bài này được viết dựa trên Tác phẩm: LA MISSION DU CHRIST RÉDEMPTEUR, Lettre Encyclique De Jean Paul II, Introduction de Claude Geffré, O.P., Les Editions du Cerf - 1992).

***

THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MISSIO

(SỨ VỤ ĐẤNG CỨU THẾ)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

07 - 12 - 1990

***

Chuyển ngữ: Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

(Dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 28/1/1991)

Mở Đầu

Việc truyền giáo mà Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc đã ủy thác cho Giáo Hội cần phải hoàn tất thì còn rất xa vời. Trong lúc đệ nhị Thiên Niên kể từ khi Chúa Kitô giáng sinh sắp qua đi, tình hình nhân loại tổng quan cho thấy rằng việc truyền giáo ấy mới chỉ là bắt đầu, nên chúng ta cần phải hết sức dấn thân cho công việc này. Chính Thần Linh là Đấng thôi thúc chúng ta loan truyền các việc cao cả của Thiên Chúa: “Nếu tôi rao giảng Phúc Âm thì đâu có gì để mà tự hào. Vì đó là phận sự tôi cần phải làm. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!” (1Cor.9:16).

Tôi cảm thấy rất cần phải nhân danh toàn thể Giáo Hội lập lại tiếng kêu ấy của Thánh Phaolô. Từ đầu Giáo Triều của mình, Tôi đã muốn đi đến tận cùng thế giới để nói lên mối quan tâm truyền giáo này rồi. Việc Tôi trực tiếp gặp gỡ các người chưa nhận biết Chúa Kitô đã làm tôi càng xác tín hơn nữa về việc khẩn thiết của hoạt động truyền giáo, chủ đềcủa Bức Thông Điệp Tôi đang viết đây.

Công Đồng Chung Vaticanô II đã tìm cách canh tân đời sống và hoạt động của Giáo Hội theo chiều hướng cần thiết của thế giới hiện đại. Công Đồng nhấn mạnh đến “bản chất truyền giáo” của Giáo Hội, căn cứ vào việc sinh động nơi chính sứ vụ của Chúa Ba Ngôi. Bởi đó, trọng tâm của việc truyền giáo là ở chính bản tính của đời sống Kitô giáo, đồng thời nó cũng là nguồn mạch cho việc đại kết: “để tất cả họ được nên một... cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Jn.17:21).

2-         Công Đồng đã gặt hái được nhiều hoa trái trong lãnh vực hoạt động truyền giáo. Hoạt động truyền giáo đã tăng tiến tại các Giáo Hội địa phương, bao gồm Giám Mục, giáo sĩ và các nhân viên làm việc tông đồ. Việc hiện diện của các cộng đồng Kitô hữu lại càng rõ ràng hơn trong sinh hoạt của các quốc gia, và việc hiệp thông giữa các Giáo Hội đã dẫn tới một cuộc trao đổi sống động những lợi ích và tặng ân thiêng liêng. Việc dấn thân của thành phần giáo dân trong việc truyền bá phúc âm hóa đang làm thay đổi sinh hoạt của giáo hội, trong khi đó, các Giáo Hội riêng lại càng mong muốn gặp gỡ các phần tử của những Giáo Hội Kitô giáo khác, cũng như của những tôn giáo khác, để đối thoại và hợp tác với họ. Nhất là đang có một ý thức mới về hoạt động truyền giáo là một vấn đề của tất cả mọi Kitô hữu, của hết mọi giáo phận và giáo xứ, của các tổ chức và đoàn thể trong Giáo Hội.


Tuy nhiên, trong “mùa xuân mới” này của Kitô giáo, vẫn còn có một khuynh hướng tiêu cực không thể phủ nhận được, một khuynh hướng khiến Tôi phải viết Văn Kiện này để phác ra cách thức thắng vượt nó. Hoạt động truyền giáo đặc biết nhắm đến “các dân nước” (ad gentes) như thể đang xìu xuống, và khuynh hướng này chắc chắn không hợp với những chiều hướng của Công Đồng, cũng như không hợp với các lời kêu gọi của Huấn Quyền sau Công Đồng. Những khó khăn cả trong lẫn ngoài đã làm suy yếu đi lực đẩy làm việc truyền giáo của Giáo Hội hướng tới các người ngoài Kitô giáo, một sự kiện cần phải được tất cả mọi người tin vào Chúa Kitô quan tâm lưu ý đến. Bởi vì, động lực truyền giáo bao giờ cũng là dấu chỉ sinh động trong lịch sử của Giáo Hội thế nào, thì việc yếu kém truyền giáo là dấu hiệu khủng hoảng đức tin như vậy (xem ĐTC Phaolô VI, Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo, 1972, Insegnamenti X – 1972 – 522).


Hai mươi lăm năm sau khi Công Đồng kết thúc và phổ biến Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo Ad Gentes, mười lăm năm sau Tông Huấn Evangelii Nuntatiandi do Đức Phaolô VI ban bố, và để tiếp tục giáo huấn thuọâc huấn quyền của các vị tiền nhiệm của mình (xem Đức Bênêđíctô XV, Tông Thư Maximum Illud ngày 30-11-1919: AAS 11 – 1919, 440-455; Đức Piô XI, Thông Điệp Rerum Ecclesiae ngày 28-2-1926: AAS 18 – 1926 – 65-83; Đức Piô XII, Thông Điệp Evangelii Praecones ngày 2-6-1951: AAS 43 – 1951 – 497-528; Thông Điệp Fidei Donum ngày 21-4-1957: AAS 49 – 1957 – 225-248; Đức Gioan XXIII, Thông Điệp Peinceps Pastorum ngày 28-11-1959: AAS 51 – 1959 – 833-864), Tôi muốn kêu mời Giáo Hội hãy canh tân lại việc dấn thân truyền giáo của mình. Văn kiện này nhắm đến việc canh tân nội tâm về đức tin và đời sống Kitô giáo. Vì hoạt động truyền giáo giúp vào việc canh tân Giáo Hội, vào việc làm tái sinh động đức tin cũng như căn tính Kitô giáo, và vào việc làm bừng lên lòng nhiệt thành và niềm phấn khởi mới. Đức tin được tăng cường khi đem đức tin ban phát cho kẻ khác! Chính trong khi dấn thân thực hiện việc truyền giáo đại đồng của Giáo Hội lại chính là lúc làm cho việc truyền bá phúc âm hóa mới mẻ của dân Kitô giáo được  khởi sắc và đỡ nâng.


Thế nhưng, điều làm Tôi càng mạnh mẽ hơn nữa trong việc công bố tính cách khẩn thiết của vấn đề truyền giáo phúc âm hóa, đó là sự kiện vấn đề truyền giáo phúc âm hóa này là công việc trọng yếu Giáo Hội có thể đem cống hiến cho mọi người, cũng như cho cả loài người trong thế giới tân tiến ngày nay, một thế giới đã đạt được những thành đạt tuyệt vời, song cũng là một thế giới hình như đã mất đi cảm quan về những thực tại tối thượng và về chính việc hiện hữu của mình. Tôi đã viết trong Bức Thông Điệp đầu tiên của Tôi là, “Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc đã hoàn toàn tỏ cho con người thấy được bản thân họ... Con người muốn thấu triệt được mình... phải... đến gần Chúa Kitô... Ơn Cứu Chuộc được thực hiện nhờ Thập Giá đã hoàn toàn phục hồi cho con người phẩm vị của họ và trả lại ý nghĩa cho đời sống của họ trên thế gian này” (Redemptor Hominis –4/3/1979 – đoạn 10: AAS 71 – 1979 – 274f).


Tôi cũng còn có những lý do và mục tiêu khác nữa: đó là để đáp lại nhiều lời yêu cầu xin ban bố một văn kiện như thế này; để làm sáng tỏ những ngờ vực và mập mờ liên quan đến hoạt động truyền giáo ad gentes, cũng như để công nhận việc những anh chị em gương mẫu đã dấn thân cho hoạt động truyền giáo và tất cả những ai nâng đỡ họ; để nuôi dưỡng các ơn gọi truyền giáo; để khích lệ các thần học gia trong việc tìm tòi và quảng diễn một cách có phương pháp những khía cạnh khác nhau của hoạt động truyền giáo; để tạo nên một động lực mới mẻ cho hoạt động truyền giáo, bằng cách nuôi dưỡng việc dấn thân của các Giáo Hội riêng – nhất là những giáo hội mới được hình thành – trong việc trao đổi các thừa sai; và để bảo đảm với những người ngoài Kitô giáo, nhất là các chính quyền của các xứ sở đang có hoạt động truyền giáo rằng, tất cả những điều này chỉ có một mục đích duy nhất, đó là phụng sự con người bằng việc tỏ ra cho họ tình yêu Thiên Chúa được bộc lộ nơi Chúa Giêsu Kitô.


3-         Hỡi các dân tộc khắp mọi nơi, hãy mở cửa cho Chúa Kitô! Phúc Âm của Người không bao giờ làm mất đi tự do của con người, mất đi việc tôn trọng cần phải có đối với mọi nền văn hóa cũng như với bất cứ những gì tốt lành nơi mỗi một tôn giáo. Bằng việc chấp nhận Chúa Kitô là quí vị tự mở lòng mình ra cho Lời tối hậu của Thiên Chúa, cho Đấng mà trong Người Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình ra và đã chỉ cho chúng ta đường lối đến cùng Ngài.


Con số những người không biết Chúa Kitô và không thuộc về Giáo Hội tăng liên tục. Thật vậy, nó đã tăng gần như gấp đôi kể từ khi kết thúc Công Đồng. Nếu chúng ta để ý đến phần nhân loại rất đông được Chúa Cha yêu thương và sai Con Ngài đến vì họ này, thì mới thấy rõ được tính cách khẩn thiết của việc Giáo Hội truyền giáo.


Ngoài ra, thời điểm của chúng ta đây còn hiến cho Giáo Hội những cơ hội mới trong lãnh vực này: đó là cơ hội sụp đổ của những triết thuyết áp đảo và những thể chế chính trị, như chúng ta chứng kiến thấy; cơ hội thế giới mở mang ranh giới và xích lại gần gũi nhau hơn, nhờ vấn đề phát triển phương tiện truyền thông; cơ hội con người biết xác nhận các giá trị Phúc Âm, được Chúa Giêsu thể hiện trong cuộc sống của Người (như bình an, công chính, tình huynh đệ, quan tâm đến thành phần nghèo); và cơ hội phát triển của một thứ kinh tế và kỹ thuật vô hồn chỉ thúc đẩy con người tìm kiếm chân lý về Thiên Chúa, về con người và về ý nghĩa của chính cuộc sống.


Thiên Chúa đang mở ra trước mắt Giáo Hội một chân trời nhân loại hết sức thuận lợi cho việc gieo vãi Phúc Âm. Tôi cảm thấy rằng đã đến lúc tất cả năng lực của Giáo Hội cần phải dấn thân vào một việc truyền bá phúc âm hóa mới, cũng như vào việc truyền giáo ad gentes. Không một tín hữu nào tin tưởng vào Chúa Kitô, không một tổ chức nào của Giáo Hội được phép tránh né nhiệm vụ trên hết này: đó là nhiệm vụ phải loan truyền Chúa Kitô cho tất cả mọi dân nước.


CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT


Trong Bức Thông Điệp đầu tiên, Tôi đã đề ra một dự án cho Giáo Triều của mình, Tôi đã nói rằng, “phận sự trọng yếu của Giáo Hội trong mọi thời đại, nhất là trong thời của chúng ta đây, là hướng cái nhìn của con người, là hướng dẫn việc nhận thức và cảm nghiệm của toàn thể nhân loại qui về mầu nhiệm Chúa Kitô” (Ibid.: loc. cit., 275).


Việc truyền giáo phổ quát của Giáo Hội được phát sinh từ niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, như đã được phát biểu trong bản tuyên xưng đức tin Chúa Ba Ngôi: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời ... Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi Người đã từ trời xuống thế: bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người” (Kinh Tin Kính của Hai Công Đồng Chung Nicêa và Contantinôpôli: DS 150). Biến cố Cứu Chuộc đã mang lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người, “vì mỗi một người đều được bao gồm trong mầu nhiệm Cứu Chuộc, và Chúa Kitô đã vĩnh viễn hiệp nhất chính mình với từng người nơi mầu nhiệm này” (Thông Điệp Redemptor Hominis, đoạn 13: loc. cit., 283). Việc truyền giáo của Giáo Hội chỉ có ý nghĩa trong niềm tin và việc truyền giáo này bắt nguồn từ niềm tin.


Tuy nhiên, cũng căn cứ vào những đổi thay đã xẩy ra trong thời đại tân tiến ngày nay, cũng như căn cứ vào việc phát triển những tư tưởng mới về thần học, một số người đã ngẫm nghĩ rằng: “Công việc truyền giáo nơi những người ngoài Kitô giáo có còn thích ứng nữa hay chăng?” Nó chẳng phải đã được thay thế bằng việc đối thoại liên tôn rồi sao? Việc tiến bộ của nhân loại không phải là mục tiêu xứng hợp của việc Giáo Hội truyền giáo ư? Việc tôn trọng lương tâm và tự do của con người đã không loại trừ đi tất cả mọi nỗ lực để làm cho con người hoán cải rồi sao? Chẳng lẽ không thể nào đạt được ơn cứu độ nơi các tôn giáo khác à? Vậy thì tại sao lại cần phải thực hiện hoạt động truyền giáo?


“Không ai đến với Cha mà không qua Thày”


5-         Nếu chúng ta trở về với thuở ban đầu của Giáo Hội, chúng ta sẽ thấy được niềm xác tín rõ ràng, Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của tất cả mọi người, là Đấng duy nhất có thể tỏ Thiên Chúa ra và dẫn tất cả mọi người đến cùng Thiên Chúa. Để trả lời cho giáo quyền Do Thái vặn hỏi các Tông Đồ về việc chữa lành một người bị què, Thánh Phêrô đã nói: “Nhờ danh Chúa Giêsu Kitô Nazarét là Đấng quí vị đóng đanh, Đấng Thiên Chúa đã làm cho sống lại từ trong kẻ chết, Đấng mà nhờ Người người này đang lành mạnh đứng ở trước quí vị đây ... Không có ơn cứu độ nơi một người nào khác, vì không có một danh hiệu nào dưới gầm trời này được ban cho con người làm cho chúng ta được cứu độ” (Acts 4:10,12). Câu phát biểu ngỏ với Hội Đồng Do Thái ấy có một giá trị phổ quát, vì đối với tất cả mọi dân nước – Do Thái cũng như Dân Ngoại – ơn cứu độ chỉ có thể phát xuất từ Chúa Giêsu Kitô mà thôi.


Tính cách phổ quát của ơn cứu độ nơi Chúa Kitô được cả Thánh Kinh Tân Ước nhắc đến. Thánh Phaolô đã công nhận Chúa Kitô Phục Sinh là Chúa. Thánh nhân viết: “Mặc dù có nhiều vị được gọi là thần trên trời dưới đất – như thật sự đã có nhiều ‘thần’ và nhiều ‘chúa’ – nhưng đối với chúng ta chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Cha, nhờ Ngài tất cả mọi sự có, và vì Ngài mà chúng ta hiện hữu, cũng như chỉ có một Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người tất cả mọi sự có và bởi Người chúng ta sống động” (1Cor.8:5-6). Một Thiên Chúa duy nhất và một Chúa duy nhất được Thánh Phaolô nhắc đến một cách tương phản với số đông “thần linh” và “chúa tể” được chung chung chấp nhận. Thánh Phaolô tỏ ra phản lại với thuyết đa thần nơi hoàn cảnh tôn giáo thời của thánh nhân, và nhấn mạnh đến cái làm nên đặc tính của niềm tin Kitô giáo, đó là niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất và vào một Chúa duy nhất được Thiên Chúa sai đến.


Trong Phúc Âm Thánh Gioan, tính cách phổ quát cứu độ này của Chúa Kitô bao gồm tất cả mọi khía cạnh thuộc sứ mệnh về ân sủng, chân lý và mạc khải của Người: Lời là “ánh sáng thật đã chiếu soi mọi người” (Jn.1:9). Còn nữa, “chưa ai đã từng thấy Thiên Chúa; duy Người Con một là Đấng ở trong lòng Cha mới là vị tỏ Cha ra” (Jn.1:18; x. Mt.11:27). Việc Thiên Chúa mạc khải được chấm dứt và hoàn tất nơi Người Con duy nhất của Ngài: “Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta trong quá khứ bằng nhiều cách thức khác nhau; nhưng trong những ngày sau hết này, Ngài đã nói với chúng ta nơi Người Con, Đấng Ngài định cho thừa hưởng tất cả mọi sự, và bởi Đấng này Ngài đã dựng nên thế gian” (Heb.1:1-2; x. Jn.14:6).


Nơi Lời mạc khải cuối cùng này của Ngài, Thiên Chúa đã tỏ mình ra một cách khả dĩ trọn vẹn nhất. Ngài đã mạc khải cho con người biết Ngài là ai. Việc mạc khải mình ra sau hết này của Thiên Chúa là lý do sâu xa tại sao tự bản tính Giáo Hội là truyền giáo. Giáo Hội không thể làm gì khác hơn là loan truyền Phúc Âm, tức là loan truyền trọn vẹn chân lý Thiên Chúa đã giúp chúng ta biết về Ngài.


Chúa Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại: “Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và một trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, đó là con người Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình làm giá chuộc cho tất cả mọi người, một sự thật đã được chứng thực vào thời điểm của mình. Đối với sự thật này, cha đã được chỉ định để làm người rao giảng và làm tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), làm thày dạy Dân Ngoại trong đức tin và chân lý” (1Tim.2:5-7; x. Heb.4:14-16). Bởi thế, không ai có thể được hiệp thông với Thiên Chúa mà không qua Chúa Kitô, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vai trò trung gian duy nhất phổ quát của Chúa Kitô, không hề làm ngăn cản hành trình tiến đến với Thiên Chúa, là đường lối chính Thiên Chúa thiết lập, một sự kiện Chúa Kitô đã thừa biết. Mặc dầu cũng có những hình thức dự phần vào việc làm trung gian khác thể loại và khác cấp độ, chúng chỉ có ý nghĩa và giá trị là do vai trò trung gian riêng của Chúa Kitô mà thôi, và không được nghĩ rằng chúng song song với hay bổ khuyết cho vai trò trung gian của Người. 


6-         Làm bất cứ điều gì đưa đến việc phân rẽ Lời và Đức Giêsu Kitô là phản với đức tin Kitô giáo. Thánh Gioan đã minh bạch nói rằng Lời, Đấng “từ ban đầu đã ở nơi Thiên Chúa” cũng chính là Đấng “đã hóa thành nhục thể” (Jn.1:2,14). Chúa Giêsu là Lời Nhập Thể – một ngôi vị duy nhất bất phân. Người ta không thể phân tách Chúa Giêsu khỏi Đức Kitô, hay nói về một “Chúa Giêsu lịch sử” khác với “Đức Kitô của đức tin”. Giáo Hội công nhận và tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt.16:16): Đức Kitô này chính là Chúa Giêsu Nazarét; Người là Lời Thiên Chúa làm người vì phần rỗi của tất cả mọi người. Nơi Đức Kitô “trọn vẹn thần tính ngự trị một cách thể lý” (Col.2:9) và “tất cả chúng ta đã nhận lãnh từ sự viên mãn của Người” (Jn.1:16). “Người Con duy nhất, Đấng ở trong lòng Cha” (Jn.1:18) là “Người Con yêu dấu, nơi Người chúng ta được ơn cứu chuộc... Vì trong Người tất cả những gì viên mãn của Thiên Chúa muốn ngự trị, và qua Người Thiên Chúa hòa giải tất cả mọi sự dưới đất cũng như trên trời, bằng việc làm hòa nơi máu của thập giá Người” (Col.1:13-14, 19-20). Chính tính cách độc nhất vô nhị này nơi Đức Kitô đã làm cho Người có một tầm quan trọng tuyệt đối và phổ quát, nhờ đó, dù thuộc về lịch sử, Người vẫn là tâm điểm và mục đích của lịch sử (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 2): “Ta là Alpha và là Omega, là trước hết và là sau cùng, là nguyên thủy và là cùng đích” (Rev.22:13).


Như thế, cho dù được phép và cần xét đến những khía cạnh khác nhau này nơi mầu nhiệm của Chúa Kitô, chúng ta cũng không bao giờ được đánh mất tính cách hiệp nhất của mầu nhiệm ấy. Trong tiến trình nhận thức và cảm nhận những tặng ân đa diện – nhất là những kho tàng thiêng liêng – Thiên Chúa đã đổ xuống trên mọi người, chúng ta không thể phân rẽ những tặng ân này khỏi Chúa Giêsu Kitô, Đấng là tâm điểm của dự án Thiên Chúa cứu độ. Như “nhờ việc nhập thể của mình, Con Thiên Chúa, ở một nghĩa nào đó, đã liên kết mình với hết mọi người”, cũng thế, “chúng ta buộc phải tin rằng, Chúa Thánh Thần ban cho mọi người cơ hội để thông phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua một cách nào đó chỉ có Thiên Chúa biết” (Ibid., đoạn 22). Dự án của Thiên Chúa là ở chỗ “kết hiệp tất cả mọi sự trong Đức Kitô, những sự trên trời cũng như những sự dưới đất” (Eph.1:10).


Tin Tưởng vào Chúa Kitô dẫn đến Việc Con Người được Tự Do


7-         Việc khẩn thiết của hoạt động truyền giáo được bắt nguồn từ sự sống thực sự tươi mới do Chúa Kitô mang đến, cũng như được các môn đồ của Người mặc lấy. Sự sống mới này là một tặng ân của Thiên Chúa, và con người cần phải chấp nhận và phát triển nó, nếu họ muốn hiện thực trọn vẹn ơn gọi của mình hợp với Chúa Kitô. Toàn thể Tân Ước là một bản thánh ca hát lên sự sống mới này nơi những ai tin vào Đức Kitô và sống trong Giáo Hội của Người. Ơn cứu độ trong Chúa Kitô, như Giáo Hội làm chứng và loan truyền, là việc Thiên Chúa thông mình ra: “Chính tình yêu chẳng những dựng nên sự lành mà còn ban cả việc được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần nữa. Vì Ngài là Đấng yêu thích những ước muốn trao ban chính mình” (Thông Điệp Dives in Mesericordia – 30/11/1980 – đoạn 7: AAS 72 – 1980 – 1202).


Thiên Chúa ban cho con người sự sống mới này. “Người ta có thể phủ nhận Đức Kitô và mọi sự Người đã thực hiện trong lịch sử loài người được chăng? Dĩ nhiên là người ta có thể. Con người có tự do mà. Họ có thể nói ‘không’ với Thiên Chúa. Họ có thể nói ‘không’ với Đức Kitô. Thế nhưng, vấn đề chính yếu vẫn còn đó: Làm điều này có hợp lý hay chăng? Nếu hợp lý thì hợp lý ở chỗ nào?” (Bài Giảng trong Thánh Lễ ở Krakow ngày 10-6-1979: AAS 71 – 1979 – 873).


Trong thế giới tân tiến ngày nay có một khuynh hướng làm con người giảm xuống chiều kích theo chiều ngang mà thôi. Thế nhưng, nếu không hướng đến Tuyệt Đối Thể thì con người sẽ ra sao? Câu trả lời cho vấn nạn này được tìm thấy nơi kinh nghiệm sống của mọi người, song nó cũng được lịch sử nhân loại ghi nhận, bằng những cuộc máu đổ nhân danh các ý thức hệ, hay bằng các chế độ chính trị chỉ tìm cách xây dựng một “tân nhân loại” ở ngoài Thiên Chúa (xem Đức Gioan XXIII, Thông Điệp Mater et Magistra – 15/5/1961 – đoạn IV: AAS 53 – 1961 – 451-453).


Ngoài ra, Công Đồng Chung Vaticanô II cũng đã trả lời cho những ai quan tâm đến việc bảo toàn quyền tự do lương tâm rằng: “Con người có quyền tự do tôn giáo... tất cả mọi người đều phải được bảo vệ cho khỏi bị cá nhân, phái nhóm hay bất cứ quyền lực nào của con người cưỡng ép, bắt họ phải tác hành ngược lại với lương tâm của mình về vấn đề tôn giáo, hay ngăn cản họ tác hành theo lương tâm của mình, ở nơi riêng cũng như công cộng, làm một mình hay hợp với người khác, trong một giới hạn thích hợp” (Tuyên Ngôn về Quyền Tự Do Tôn Giáo Dignitatis Humanae, đoạn 2).


Việc loan truyền Chúa Kitô và làm chứng cho Người, một khi được thực hiện theo chiều hướng tôn trọng lương tâm con người, thì không vi phạm đến quyền tự do của con người. Đức tin đòi con người phải được tự do chấp nhận, thế nhưng, đồng thời đức tin cũng cần phải được cống hiến cho họ, vì “những nhóm người này có quyền biết đến nguồn phong phú của mầu nhiệm Chúa Kitô (x.Eph.3:8) - những phong phú chúng ta tin rằng toàn thể nhân loại có thể tìm thấy, trong một mức độ trọn đầy thật sự, mọi sự mà họ đang mò mẫm tìm kiếm những gì liên quan đến Thiên Chúa, đến con người và đến định mệnh của họ, đến sự sống và sự chết, đến chân lý... Đó là lý do tại sao Giáo Hội giữ tinh thần truyền giáo của mình sống động, thậm chí còn muốn làm cho nó tăng thêm trong giây phút lịch sử chúng ta đang sống đây” (Đức Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi – 8/12/1975 – đoạn 53: AAS 68 – 1976 -, 42). Thế nhưng, cũng cần phải cùng với Công Đồng mà nói rằng, “theo phẩm vị làm người của mình, được trang bị bởi lý trí và ý muốn tự do, cũng như mang bên mình trách nhiệm bản thân, tất cả mọi người được thúc đẩy bởi bản tính tự nhiên của mình, cũng như bị bó buộc bởi những đòi hởi về luân lý, phải tìm kiếm chân lý, trên hết là chân lý về đạo giáo. Họ còn phải tin vào chân lý một khi nhận biết chân lý, và phải điều hành cả cuộc sống của mình theo đòi hỏi của chân lý nữa” (Tuyên Ngôn về Quyền Tự Do Tôn Giáo Dignitatis Humanae, đoạn 2).


Giáo Hội là Dấu Hiệu và là Phương Tiện Cứu Độ


9-         Thừa hưởng viên đầu tiên của ơn cứu chuộc là Giáo Hội. Chúa Kitô đã chiếm được Giáo Hội bằng giá máu của mình, và làm cho Giáo Hội thành cộng sự viên của mình trong việc cứu độ thế giới. Thật vậy, Chúa Kitô ở trong Giáo Hội. Giáo Hội là Hiền Thê của Người. Chính Người là Đấng khiến cho Giáo Hội lớn lên. Người thực hiện sứ mệnh của Người qua Giáo Hội.


Công Đồng thường nhắc đến vai trò của Giáo Hội trong việc cứu độ nhân loại. Nhận thức được Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, và ban cho họ cơ hội lãnh nhận ơn cứu độ (x.1Tim.2:4; xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 14-17; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 3), Giáo Hội tin rằng Thiên Chúa đã thiết lập Chúa Kitô như vị trung gian duy nhất, và chính Giáo Hội cũng được thiết lập như một bí tích cứu độ phổ quát (xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 48; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 43; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 7, 21). “Bởi thế, tất cả mọi người được kêu gọi tham dự vào mối hiệp nhất công giáo này của dân Chúa, họ thuộc về mối hiệp nhất này, hay hướng về mối hiệp nhất này bằng nhiều cách khác nhau, dù họ là tín hữu Công Giáo, hay là các người tin vào Đức Kitô, và sau hết dù họ là tất cả mọi người ở khắp nơi nhờ ơn Chúa được kêu gọi đến ơn cứu độ” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 13). Cần phải giữ lấy cả hai chân lý này, tức là chân lý mọi người thực sự có cơ hội được cứu độ nơi Chúa Kitô, và chân lý Giáo Hội cần thiết cho ơn cứu độ. Cả hai chân lý này giúp chúng ta hiểu được một mầu nhiệm cứu độ duy nhất, để chúng ta có thể nhận biết tình thương của Thiên Chúa, cũng như biết được trách nhiệm của riêng mình. Ơn cứu độ, một ơn bao giờ cũng là do Thần Linh ban tặng, đòi con người phải cộng tác, cả trong việc cứu lấy mình và cứu lấy cả người khác nữa. Đó là ý muốn của Thiên Chúa, và đó là lý do tại sao Ngài đã thiết lập Giáo Hội và làm cho Giáo Hội trở thành một phần thuộc dự án cứu độ của Ngài. Đối với “dân thiên sai này”, Công Đồng nói: “Dân này đã được Chúa Kitô thiết lập như một hiệp thông sự sống, yêu thương và chân lý; Người cũng muốn dùng dân này như dụng cụ cứu độ tất cả mọi người, và sai đi truyền giáo khắp thế giới như ánh sáng thế gian và như muối đất” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 13).

Ơn Cứu Độ Nơi Chúa Kitô được Hiến Ban cho Tất Cả Mọi Người


10-       Tính cách phổ quát của ơn cứu độ có nghĩa là ơn cứu độ không phải chỉ được ban cho những ai tuyên xưng tin vào Chúa Kitô và đã gia nhập Giáo Hội. Vì được ban cho tất cả mọi người, ơn cứu độ phải thuận lợi một cách cụ thể đối với mọi người. Thế nhưng, thực tế cho thấy, hôm nay đây, cũng như trong quá khứ, nhiều người không có cơ hội biết đến hay chấp nhận mạc khải Phúc Âm hoặc gia nhập Giáo Hội. Những điều kiện về xã hội và văn hóa họ sống không cho phép họ thực hiện được điều này, và họ thường được dưỡng dục theo các truyền thống tôn giáo khác. Đối với những người như vậy, mặc dù họ có liên hệ một cách mầu nhiệm nào đó với Giáo Hội, ơn cứu độ nơi Chúa Kitô bởi ân sủng cũng không làm cho họ chính thức trở thành phần tử của Giáo Hội, song chỉ soi sáng cho họ bằng một đường lối hợp với tình trạng tinh thần và thể chất của họ mà thôi. Ân sủng này là do Chúa Kitô ban cho; ân sủng ấy là hoa trái của việc Người Hiến Tế và được Thánh Linh thông ban cho. Ân sủng ấy giúp cho mỗi người đạt đến ơn cứu độ bằng việc tự do cộng tác của họ.


Vì lý do này, sau khi xác nhận vai trò chính yếu của Mầu Nhiệm Vượt Qua, Công Đồng liền tuyên bố rằng: “Mầu Nhiệm Vượt Qua không chỉ áp dụng cho Kitô hữu thôi, mà còn cho tất cả mọi người thiện chí được ân sủng âm thầm tác động trong lòng họ nữa. Vì Chúa Kitô chết cho mọi người, và vì ơn gọi tối thượng của mỗi người chúng ta phát xuất từ Thiên Chúa, do đó, ơn gọi này là một ơn gọi phổ quát, mà chúng ta buộc phải tin rằng Chúa Thánh Thần hiến cho mọi người cơ hội được thông phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua một cách nào đó chỉ một mình Thiên Chúa biết” (Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 22).


“Chúng Tôi không thể nào không nói”


11-       Vậy thì chúng ta phải nói làm sao về những chống đối đã được đề cập đến liên quan tới việc truyền giáo ad gentes đây? Cho dù tôn trọng niềm tin và cảm nhận của tất cả mọi người, chúng ta trước hết cũng phải tỏ tường xác nhận đức tin của mình nơi Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của loài người, một đức tin chúng ta đã lãnh nhận như một tặng ân bởi trời, chứ không phải như thành quả của công lênh riêng mình. Cùng với Thánh Phaolô chúng ta hãy nói rằng “tôi không hổ thẹn vì Phúc Âm: Phúc Âm là quyền năng của Thiên Chúa đối với phần rỗi cho những ai tin tưởng” (Rm.1:16). Các vị tử đạo Kitô giáo qua khắp mọi đời – kể cả thời của chúng ta đây – đã hiến mạng sống và tiếp tục hiến mạng sống của mình để minh chứng cho đức tin này, với niềm xác tín là, hết mọi con người đều cần đến Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi cùng sự chết, và đã hòa giải loài người với Thiên Chúa.


Xác nhận lời của mình bằng các phép lạ và bằng việc Phục Sinh từ cõi chết, Chúa Kitô công bố Người là Con Thiên Chúa, mật thiết hiệp nhất với Cha, các môn đệ của Người cũng nhận thức được như thế. Giáo Hội cung hiến cho loài người Phúc Âm, một sứ điệp ngôn sứ đáp ứng các nhu cầu cùng với các ước vọng của tâm can con người, một sứ điệp bao giờ cũng là “Tin Mừng”. Giáo Hội không thể không loan truyền việc Chúa Giêsu đã đến để tỏ cho con người thấy dung nhan của Thiên Chúa, cũng như để lập công cứu độ cho toàn thể nhân loại, bằng Thập Tự Giá và Cuộc Phục Sinh của Người.


Đối với vấn nạn “tại sao lại truyền giáo?”, cùng với đức tin và kinh nghiệm của Giáo Hội, câu giải đáp của chúng ta đó là, việc giải phóng thực sự hệ tại việc mở lòng mình ra cho tình yêu của Chúa Kitô. Chúng ta được giải thoát khỏi mọi xa cách và ngờ vực, khỏi mọi thứ nô lệ cho quyền lực tội lỗi và sự chết, trong Người và chỉ trong Người mà thôi. Chúa Kitô thực sự là “bình an của chúng ta” (Eph.2:14); “tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta” (2Cor.5:14), ban cho đời sống chúng ta ý nghĩa và niềm vui. Truyền giáo là một vấn đề của đức tin, một chứng tỏ xác thực cho thấy niềm tin của chúng ta nơi Chúa Kitô và nơi tình Người yêu thương chúng ta.


Hôm nay đây có một khuynh hướng muốn kéo Kitô giáo xuống tầm mức khôn ngoan thuần túy loài người, một ngụy khoa học về vấn đề an sinh. Trong một thế giới bị tục hóa trầm trọng của chúng ta đây vẫn đang diễn ra một “cuộc tục hóa dần dần ơn cứu chuộc”, trong việc người ta tranh đấu cho thiện ích của con người, thế nhưng, bị cắt xén, con người đã tụt xuống chiều kích hoàn toàn theo chiều ngang. Thế mà, như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu đến để mang lại ơn cứu độ chân chính, một ơn cứu độ bao gồm trọn vẹn con người và toàn thể loài người, một ơn cứu độ mở ra một viễn ảnh tuyệt vời, hướng tới việc làm con cái thần linh. Tại sao lại truyền giáo? Bởi vì, chúng ta cũng như Thánh Phaolô “được ân sủng là để rao giảng cho Dân Ngoại các kho tàng khôn lường của Chúa Kitô” (Eph.3:8). Sự sống mới trong Chúa Kitô là một “Tin Mừng” cho con người nam nữ ở mọi thời đại: tất cả mọi người được kêu gọi đến sự sống mới này và được ấn định để thừa hưởng sự sống ấy. Thật vậy, tất cả mọi người đang tìm kiếm sự sống ấy, mặc dù có những lúc tìm kiếm bằng một đường lối lầm lẫn, và mọi người đều có quyền biết đến giá trị của tặng ân này, cũng như được tự do tiến đến với tặng ân ấy. Giáo Hội cũng như mọi người Kitô hữu ở trong Giáo Hội không được giữ kín hay độc quyền trên sự sống mới và trên kho tàng họ đã lãnh nhận bởi lòng lành Thiên Chúa là để thông truyền cho toàn thể loài người ấy.


Đó là lý do tại sao việc truyền giáo của Giáo Hội phát xuất chẳng những từ lệnh Chúa truyền, mà còn từ những đòi hỏi sâu xa nơi sự sống của Thiên Chúa ở trong chúng ta nữa. Những ai được tháp nhập vào Giáo Hội Công Giáo phải cảm nhận được đặc ân này, và chính vì lý do đó, họ càng buộc phải làm chứng cho đức tin cũng như cho đời sống Kitô giáo, như là một việc phục vụ anh chị em của mình và như là một đáp ứng tương xứng với Thiên Chúa. Họ luôn luôn phải nhớ rằng, “họ có được vị trí nổi nang không phải là do công lênh của họ, mà là do ân sủng đặc biệt của Chúa Kitô; và nếu họ không đáp ứng ân sủng này trong tử tưởng, lời nói và việc làm, thì chẳng những họ sẽ không được cứu độ, họ còn bị phán xét nghiêm ngặt hơn nữa” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 14).


II. VƯƠNG QUỐC CỦA THIÊN CHÚA


"Chính ‘Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót’ được Chúa Giêsu Kitô tỏ cho thấy như là một người Cha: Chính Con Ngài đã biểu lộ Ngài và tỏ Ngài ra cho chúng ta nơi bản thân của Người” (Thông Điệp Dives in Mesericordia, đoạn 1: loc. cit., 1177). Tôi đã viết điều này ở đầu Bức Thông Điệp Dives in Misericordia của Tôi để trình bày cho thấy rằng Chúa Kitô là mạc khải và là hiện thân của lòng thương  Chúa Cha. Ơn cứu độ ở tại việc tin tưởng và chấp nhận mầu nhiệm của Chúa Cha và mầu nhiệm tình yêu của Ngài, một mầu nhiệm được biểu lộ và ban tặng một cách tự do trong Chúa Giêsu nhờ Thần Linh. Vương Quốc của Thiên Chúa đã được hoàn tất bằng cách ấy, một Vương Quốc được sửa soạn trong Cựu Ước, được trị đến nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, và được Giáo Hội loan truyền cho tất cả mọi dân tộc, một Giáo Hội hoạt động và nguyện cầu cho Vương Quốc này được trọn vẹn và vĩnh viễn trị đến.


Cựu Ước chứng thực là Thiên Chúa đã tuyển chọn và thành hình một dân tộc cho Ngài, để mạc khải và thực thi dự án yêu thương của Ngài. Thế nhưng, đồng thời Thiên Chúa cũng là Đấng Hóa Công và là Cha của tất cả mọi dân tộc; Ngài chăm lo và cung ứng cho họ, trải rộng phúc lành của Ngài cho tất cả mọi dân nước (x. Gen 12:3); Ngài đã thiết lập giao ước với họ tất cả (x.Gen 9:1-17). Dân Yến Duyên cảm nhận được một vị Thiên Chúa cá thể và cứu độ (x. Dt 4:37, 7:6-8; Is 43:1-7), và đã trở nên nhân chứng và phát ngôn viên của Ngài cho các dân tộc. Trong giòng lịch sử của mình, dân Yến Duyên đã nhận thức rằng, việc họ được tuyển chọn có một ý nghĩa phổ quát (chẳng hạn xem Is 2:2-5, 25:6-8, 60:1-6; Jer 3:17, 16:19).


Chúa Kitô hiện thực Vương Quốc Thiên Chúa


13-       Chúa Giêsu Nazarét đã làm cho dự án của Thiên Chúa nên trọn. Sau khi nhận được Thánh Linh lúc chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ ơn gọi thiên sai của mình: Người đi khắp Galilêa “rao giảng Phúc Âm của Thiên Chúa mà nói: ‘Thời điểm đã trọn, Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến; hãy ăn năn thống hối và hãy tin vào Phúc Âm” (Mk 1:14-15; x. Mt 4:17; Lk 4:43). Việc loan báo và thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa là mục tiêu đối với sứ mệnh của Người: “Tôi được sai đến là vì mục đích này” (Lk 4:43). Nhưng đó chưa phải là tất cả. Chúa Giêsu còn là chính “Tin Mừng” nữa, như Người tuyên bố ngay khi mở màn cho sứ vụ của Người ở hội đường Nazarét, lúc Người áp dụng vào mình những lời của tiên tri Isaia về Đấng Được Xức Dầu do Thần Linh Chúa sai đi (x. Lk 4:14-21). Vì “Tin Mừng” là Chúa Kitô, nên giữa sứ điệp và sứ giả, giữa lời nói, việc làm và con người chỉ là một. Quyền năng của Người, cái bí mật hiệu năng nơi các hoạt động của Người, có được là do Người hoàn toàn đống nhất với sứ điệp Người loan báo: Người loan báo “Tin Mừng” không phải bằng những gì Người nói hay làm, mà ở chỗ Người là.


Tác vụ của Chúa Giêsu đã được trình thuật theo diễn tiến của những cuộc Người hành trình tại quê hương xứ sở của Người. Trước Phục Sinh, sứ vụ của Người nhắm vào dân Yến-Duyên. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng cho thấy một yếu tố mới hết sức quan trọng. Thực tại cánh chung không tiêu biểu cho một “tận thế” xa vời, mà đã sát cận và hoạt động giữa chúng ta rồi. Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến (x. Mk 1:15); việc vương quốc này trị đến đã được nguyện xin (x. Mt 6:10); đức tin có thể thoáng thấy được rằng vương quốc ấy đã hoạt động nơi các dấu hiệu như phép lạ (x. Mt 11:4-5) và trừ quỉ (x. Mt 12:25-28), trong việc chọn 12 Vị (x. Mk 3:13-19), cũng như trong việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó (x. Lk 4:18). Việc Chúa Giêsu gặp gỡ Dân Ngoại cho thấy rõ ràng là vấn đề được vào Vương Quốc Thiên Chúa là do đức tin và do việc cải thiện đời sống (x. Mk 1:15), chứ không phải chỉ căn cứ vào chủng tộc.


Vương Quốc được Chúa Giêsu khai mở là Vương Quốc của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã mạc khải vị Thiên Chúa này là ai, Đấng mà Người thân thưa bằng một lời thân tình “Abba”, Cha (x. Mk 14:36). Thiên Chúa, như được mạc khải đặc biệt qua các dụ ngôn (x. Lk 15:3-32; Mt 20:1-16), nhậy cảm trước những nhu cầu và khổ đau của mọi người: Người là một Người Cha đầy yêu thương và thương cảm, Đấng ban ơn tha thứ và tự ý ban phát các ơn con người cầu xin cùng Ngài.


Thánh Gioan nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16). Bởi thế, mọi người đều được mời gọi “hối cải” và “tin tưởng” vào tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa. Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ phát triển ở chỗ mọi người biết trở về cùng Thiên Chúa trong nguyện cầu thân thiết với Ngài như một Người Cha (x. Lk 11:2; Mt 23:9) và nỗ lực để làm theo ý của Ngài (x. Mt 7:21).


Những Đặc Tính và Đòi Hỏi của Vương Quốc Thiên Chúa


14-       Chúa Giêsu dần dần mạc khải cho thấy những đặc tính và đòi hỏi của Vương Quốc Thiên Chúa, bằng lời Người nói, việc Người làm và bản thân của Người.


Vương Quốc của Thiên Chúa nhắm đến toàn thể nhân loại, và tất cả mọi dân tộc đều được kêu gọi trở nên công dân của vương quốc này. Để nhấn mạnh đến sự kiện ấy, Chúa Giêsu đã đặc biệt đến gần những ai sống bên lề xã hội, và tỏ ra ưu ái loan truyền Tin Mừng cho họ. Khi bắt đầu mở màn cho tác vụ của mình, Người đã công bố rằng, Người được “xức dầu... để rao giảng tin mừng cho người nghèo khó” (Lk 4:18). Đối với tất cả những ai là nạn nhân bị  ruồng bỏ và khinh miệt, Chúa Giêsu tuyên bố: “Phúc cho người nghèo các con” (Lk 6:20). Hơn thế nữa, Người còn cho những người ấy cảm nghiệm thấy họ được giải phóng ngay lúc bấy giờ, bằng việc Người ở gần họ, đến ăn uống tại nhà của họ (x Lk 5:30, 15:2), đối xử với họ ngang vai với mình và như bạn hữu của mình (x. Lk 7:34), khiến cho họ cảm thấy họ được Thiên Chúa yêu thương, nhờ đó, Người tỏ cho họ thấy việc Thiên Chúa dịu dàng chăm sóc thành phần nghèo khó và tội nhân (x Lk 15:1-32).


Việc giải phóng và ơn cứu độ từ Vương Quốc của Thiên Chúa đến với con người theo cả chiều kích thể lý cũng như tâm linh. Có hai cử chỉ nói lên đặc tính nơi sứ vụ của Chúa Giêsu, đó là chữa lành và tha thứ. Nhiều vụ chữa lành của Chúa Giêsu tỏ cho thấy rõ ràng lòng Người hết sức thương cảm đối với tình trạng thảm não của con người, nhưng chúng cũng nói lên rằng, nơi Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ không còn bệnh tật hay khổ đau, và sứ vụ của Người, ngay từ ban đầu, là giải phóng con người khỏi những sự dữ ấy. Đối với Chúa Giêsu, các vụ chữa lành còn là dấu hiệu cứu độ về tâm linh nữa, tức là dấu hiệu của việc giải phóng khỏi tội lỗi. Bằng việc chữa lành, Người mời gọi con người tin tưởng, hoán cải và xin ơn tha thứ (x. Lk 5:24). Một khi đã tin tưởng, thì việc chữa lành lại là một thôi thúc tiến xa hơn nữa: nó dẫn đến ơn cứu độ (x. Lk 18:42-43). Những vụ giải thoát cho khỏi bị quỉ ám – là sự dữ trên hết và là biểu hiệu cho tội lỗi cũng như cho việc phản chống Thiên Chúa – là những dấu hiệu thật sự cho thấy “Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến với các người” (Mt 12:28).


15-       Vương Quốc của Thiên Chúa nhắm đến việc biến đổi các mối liên hệ loài người; Vương Quốc này dần dần phát triển ở chỗ con người từ từ biết yêu thương, tha thứ và phục vụ nhau. Chúa Giêsu tóm tắt cả Lề Luật bằng việc tập trung vào giới răn yêu thương (x. Mt 22:34-40; Lk 10:25-28): “Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con” (Jn 13:34, x.15:12). Tình Chúa Giêsu yêu thương nhân loại được bộc lộ đến tuyệt đỉnh ở chỗ Người hiến mạng sống mình vì nhân loại (x. Jn 15:13), một tình yêu cho thấy Chúa Cha yêu thương thế gian (x. Jn 3:16). Bởi thế, bản chất của Vương Quốc Thiên Chúa là một bản chất hiệp thông tất cả loài người – hiệp thông với nhau cũng như với Thiên Chúa.


Vương Quốc của Thiên Chúa là một mối bận tâm của mọi người: cá nhân, xã hội và thế giới. Hoạt động cho Vương Quốc này tức là nhìn nhận và đề cao hoạt động của Thiên Chúa đang hiện diện trong lịch sử loài người và biến đổi lịch sử loài người. Xây dựng Vương Quốc này tức là hoạt động để giải phóng con người khỏi tất cả mọi hình thức của sự dữ. Tóm lại, Vương Quốc của Thiên Chúa là trọn vẹn dự án cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ và hiện thực.


Nơi Chúa Kitô Vương Quốc Thiên Chúa được Hoàn Tất và Loan Báo


16-       Bằng việc phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết, Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết, và nơi Chúa Giêsu, Ngài đã vĩnh viễn mở màn cho Vương Quốc của Ngài. Trong cuộc sống trần gian của mình, Chúa Giêsu là Vị Tiên Tri của Vương Quốc này; sau cuộc Khổ Nạn, Phục Sinh và Thăng Thiên, Người thông dự vào quyền lực của Thiên Chúa cũng như vào quyền thống trị thế gian với Thiên Chúa (x. Mt 28:18; Acts 2:36; Eph 1:18-21). Cuộc Phục Sinh làm cho sứ điệp của Chúa Kitô, hành động của Người, cũng như toàn thể sứ vụ của Người có một chiều hướng phổ quát đại đồng. Các môn đệ của Người nhận ra rằng, Vương Quốc của Thiên Chúa đã hiện diện nơi con người Chúa Giêsu, và đang từ từ được thiết lập trong con người cũng như trong thế giới qua mối giây liên kết mầu nhiệm với Người. 


Thật vậy, sau Cuộc Phục Sinh, các môn đệ của Chúa Kitô đã rao giảng Vương Quốc này bằng việc loan truyền Chúa Giêsu Tử Giá và Phục Sinh từ trong cõi chết. Ở Samaria, Thánh Philiphê “đã rao giảng tin mừng về Vương Quốc của Thiên Chúa và danh của Chúa Giêsu Kitô” (Acts 8:12). Ở Rôma, chúng ta thấy Thánh Phaolô “rao giảng Vương Quốc của Thiên Chúa và dạy dỗ về Chúa Giêsu Kitô” (Acts 28:31). Các Kitô hữu tiên khởi cũng loan báo về “Vương Quốc của Chúa Kitô và của Thiên Chúa” (Eph 5:5; x. Rev 11:15, 12:10), hay về “Vương Quốc của Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta” (1Pt 1:11). Việc giảng dạy của Giáo Hội sơ khai tập trung vào việc loan truyền về Chúa Giêsu Kitô là Đấng được đồng hóa với Vương Quốc Thiên Chúa. Bởi thế cho nên cần phải liên kết việc loan báo Vương Quốc của Thiên Chúa (nội dung của “lời rao giảng tiên khởi” của Chúa Giêsu) với việc loan báo biến cố về Chúa Kitô (“lời rao giảng tiên khởi” của các Tông Đồ) với nhau. Hai việc loan báo này bổ xung cho nhau; làm cho nhau nên sáng tỏ.

Vương Quốc Thiên Chúa Liên Hệ với Chúa Kitô và Giáo Hội


17-       Ngày nay người ta hay nói đến Vương Quốc này, nhưng không luôn luôn theo chiều hướng thiên về việc nghĩ đến Giáo Hội. Thật vậy, có những ý nghĩ về ơn cứu độ và về việc truyền giáo, có thể được gọi là “đặt trọng tâm vào nhân loại học”, đã làm giảm mất ý nghĩa của từ ngữ, vì những ý nghĩ ấy chú trọng đến những nhu cầu trần thế. Theo quan điểm này, Vương Quốc của Thiên Chúa có khuynh hướng trở thành một điều gì đó hoàn toàn nhân bản và tục hóa; cái có giá trị chỉ là những dự án và việc đấu tranh giải phóng về phương diện kinh tế xã hội, chính trị và ngay cả văn hóa trong chiều hướng dính liền với siêu việt tính. Cả ở mức độ này đi nữa, người ta cũng thấy được rằng có những giá trị được đề cao, tuy nhiên, quan niệm ấy vẫn nằm trong phạm trù của một vương quốc nhân loại, thiếu mất các chiều kích chuyên chính và sâu xa của nó. Một quan niệm như vậy sẽ dễ dàng biến thành một quan niệm thiên về ý thức hệ thuần túy trong lãnh vực tiến bộ trần thế. Trong khi đó, Vương Quốc của Thiên Chúa lại “không thuộc về thế gian này... không bởi thế gian này” (Jn 18:36).


Cũng có những quan niệm cố ý nhấn mạnh đến Vương Quốc này và cho thấy đó là những quan niệm lấy “Vương Quốc của Thiên Chúa làm chính”. Họ chú trọng tới hình ảnh của một Giáo Hội không quan tâm gì đến bản thân mình, mà chỉ hoàn toàn lo việc làm chứng và phụng sự Vương Quốc này. Đó là một “Giáo Hội sống cho người khác”, giống như Chúa Kitô là “con người sống cho kẻ khác” vậy. Công việc của Giáo Hội, theo họ cho thấy, như thể đã tiến theo hai chiều hướng: một chiều hướng đề cao những giá trị về Vương Quốc của Thiên Chúa”, như hòa bình, công lý, tự do, tình huynh đệ v.v., còn chiều hướng kia là việc phát động vấn đề đối thoại giữa các dân tộc, văn hóa và tôn giáo, để nhờ việc làm cho nhau nên phong phú này, những giá trị ấy có thể giúp vào việc canh tân thế giới và giúp cho thế giới tiến đến gần Vương Quốc của Thiên Chúa hơn nữa.


Song song với những khía cạnh tích cực, những quan niệm này cũng thường để lộ ra cho thấy cả những khía cạnh tiêu cực nữa. Khía cạnh tiêu cực thứ nhất, đó là việc họ không nói gì đến Chúa Kitô hết: Vương Quốc họ nói đến được căn cứ “chủ yếu theo thần học”, bởi vì, theo họ, Đức Kitô là Đấng không thể nào hiểu nổi đối với những người thiếu đức tin Kitô giáo, trong khi đó, các dân tộc khác, các nền văn hóa khác và các tôn giáo khác lại có thể gặp nhau nơi cùng một thực tại thần linh duy nhất, được gọi bằng một danh xưng nào đó. Cùng một lý do ấy, họ nhấn thật mạnh đến mầu nhiệm tạo dựng, một mầu nhiệm được phản ảnh nơi tính cách đa diện của các văn hóa và niềm tin, trong khi đó, họ không đếm xỉa gì tới mầu nhiệm cứu chuộc cả. Ngoài ra, theo họ hiểu, nơi Vương Quốc của Thiên Chúa, vai trò của Giáo Hội không có là bao nhiêu, hay chẳng có giá trị gì mấy so với “khuynh hướng lấy giáo hội làm chính” xưa kia, đối với họ, chính Giáo Hội chỉ là một dấu chỉ, mà đã là một dấu chỉ thì không thể nào tránh khỏi tính cách mập mờ.


18-       Đó không phải là Vương Quốc của Thiên Chúa như Mạc Khải đã tỏ cho chúng ta biết. Vương Quốc này không thể nào tách lìa với Chúa Kitô hay với Giáo Hội.


Như đã nói tới, Chúa Kitô chẳng những loan báo về Vương Quốc này, mà chính Vương Quốc này còn được thể hiện và nên trọn nơi Người nữa. Điều này xẩy ra chẳng những qua lời Người nói và việc Người làm: “Trên hết, ... Vương Quốc này được biểu lộ nơi chính con người của Đức Kitô, Con Thiên Chúa cũng là Con Người, Đấng đến ‘để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người’ (Mk 10:45)” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 5). Vương Quốc của Thiên Chúa không phải là một quan niệm, một tín lý hay là một hoạch định muốn cắt nghĩa sao cũng được, mà trước hết là một con người, dưới dung nhan và danh xưng Giêsu Nazarét, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mạc Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium et Spes, đoạn 22). Nếu Vương Quốc này tách khỏi Chúa Giêsu sẽ không còn là Vương Quốc của Thiên Chúa như Người mạc khải nữa. Hậu quả sẽ là việc làm mất đi ý nghĩa về Vương Quốc này, một vương quốc có thể bị biến đổi thành mục tiêu thuần nhân loại hay mục tiêu theo ý thức hệ, và hậu quả cũng còn là hình ảnh méo mó về căn tính của Chúa Kitô, Đấng không còn là Vị Chúa một ngày kia sẽ làm chủ tất cả mọi sự nữa (x. 1Cor 15:27).


Cũng thế, người ta không được phép tách Vương Quốc Thiên Chúa khỏi Giáo Hội. Đúng thế, Giáo Hội không phải là cùng đích của chính mình, vì Giáo Hội phải hướng về Vương Quốc của Thiên Chúa mà Giáo Hội là hạt mầm, là dấu chỉ và là dụng cụ. Tuy nhiên, dù biệt lập khỏi Chúa Kitô và Vương Quốc này, Giáo Hội cũng phải liên kết bất khả phân ly với cả Chúa Kitô và Vương Quốc Thiên Chúa. Chúa Kitô đã ban cho Giáo Hội là Thân Thể của Người tất cả các ơn ích và phương tiện cứu độ. Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội, làm cho Giáo Hội sống động bằng các tặng ân và đặc sủng của Ngài, thánh hóa, dẫn dắt và không ngừng canh tân Giáo Hội (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 4). Bởi thế mới có một mối liên hệ duy nhất và đặc biệt, trong đó bao gồm cả tác động của Chúa Kitô và của Thần Linh thực hiện ở bên ngoài giới hạn hữu hình của Giáo Hội, mối liên hệ làm cho Giáo Hội đóng một vai trò chuyên biệt và cần thiết; vì mối liên hệ đặc biệt với Vương Quốc của Thiên Chúa cũng như với Vương Quốc của Chúa Kitô này mà Giáo Hội có “sứ mệnh loan truyền và khai mở Vương Quốc của Thiên Chúa cũng như  Vương Quốc của Chúa Kitô nơi mọi dân nước” (ibid. 5).


19-       Thực tại của Vương Quốc này phải được hiểu theo quan điểm toàn diện ấy. Vương Quốc của Thiên Chúa chắn chắn cần phải đề cao các giá trị nhân bản cũng như những giá trị đáng gọi là “của phúc âm”, vì chúng gắn liền với “Tin Mừng”. Thế nhưng, việc đề cao hằng được Giáo Hội ôm ấp này không được tách khỏi hay phản lại với những công việc khác, như việc loan báo Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, cũng như việc thiết lập và xây dựng những cộng đồng là những gì làm hiện thực và linh hoạt hình ảnh sống động của Vương Quốc ấy. Người ta bởi thế không nên sợ bị rơi vào một hình thức “lấy giáo hội làm chính”. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, vị đã xác nhận có “một mối liên kết sâu xa giữa Chúa Kitô, Giáo Hội và việc truyền bá phúc âm hóa” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 16: loc. cit., 15), cũng là vị nói rằng, Giáo Hội “không lấy chính mình làm cùng đích, mà chỉ hết lòng lo sao cho mình được hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, ở trong Chúa Kitô và sống cho Chúa Kitô, cũng như hoàn toàn thuộc về con người, ở giữa con người và sống cho con người” (Diễn Từ khai mạc Khóa Ba Công Đồng Chung Vaticanô II ngày 14-9-1964: AAS 56 – 1964 – 810).


Giáo Hội Phục Vụ Vương Quốc Thiên Chúa


20-       Giáo Hội phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa một cách hiệu nghiệm và cụ thể. Điều này được thấy đặc biệt nơi việc Giáo Hội giảng dạy, đó là lời mời gọi cải hối. Việc rao giảng là việc đầu tiên và căn bản Giáo Hội làm để Vương Quốc này được trị đến nơi cá nhân cũng như nơi xã hội loài người. Ơn cứu độ cánh chung được bắt đầu ngay từ bây giờ ở nơi sự sống mới trong Chúa Kitô: “Những ai tin tưởng vào Người, những ai tin vào danh Người thì Người ban cho họ khả năng trở nên con cái của Thiên Chúa” (Jn 1:12).


Giáo Hội bởi thế mới phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa, bằng việc thiết lập các cộng đồng và đặt nền móng cho các Giáo Hội tân lập riêng, cũng như bằng việc hướng dẫn các Giáo Hội mới này tới một đức tin và đức ái trưởng thành hướng đến người khác, trong việc phục vụ cá nhân cùng xã hội, và trong việc hiểu biết cùng tôn trọng những cơ cấu tổ chức của loài người.


Giáo Hội phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa bằng việc lan truyền khắp thế giới “các giá trị Phúc Âm”, là biểu hiện Vương Quốc này và là những gì giúp cho con người chấp nhận dự án của Thiên Chúa. Thực tại sơ khởi về Vương Quốc Thiên Chúa thật sự cũng có thể được thấy bên ngoài giới hạn của Giáo Hội, ở các dân tộc khắp nơi, qua việc họ sống “các giá trị Phúc Âm” và cởi mở trước hoạt động của Thần Linh, Đấng thổi lúc nào và ở đâu tùy ý của Ngài (x. Jn 3:8). Thế nhưng, phải nói ngay là, chiều kích tạm thời này của Vương Quốc Thiên Chúa vẫn bất toàn cho tới khi được liên hệ với Vương Quốc của Chúa Kitô hiện diện nơi Giáo Hội và vươn tới tầm mức viên trọn cánh chung (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntandi, đoạn 34: loc. cit., 28).


Nhiều chiều kích của Vương Quốc Thiên Chúa (xem Ủy Ban Thần Học Thế Giới, Các Đề Tài Giáo Hội Học Chọn Lọc vào Dịp Kỷ Niệm 20 Năm Kết Thúc Công Đồng Chung Vaticanô II, ngày 7-12-1985, đoạn 10: “The Eschatological Character of the Church: Kingdom and Church”) cũng không làm suy yếu các nền tảng và mục đích của hoạt động truyền giáo, trái lại, còn làm kiên cường và nới rộng các hoạt động này nữa. Giáo Hội là một bí tích cứu độ của toàn thể nhân loại, và hoạt động của Giáo Hội không chỉ hạn hẹp nơi thành phần chấp nhận sứ điệp của Giáo Hội mà thôi. Giáo Hội là một năng động trong việc nhân loại hành trình tiến về chung cuộc của Vương Quốc Thiên Chúa, là dấu chỉ và là cổ động viên cho các giá trị Phúc Âm (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mạc Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium et Spes, đoạn 39). Giáo Hội đóng góp vào việc loài người lữ hành trở về cùng dự án của Thiên Chúa qua chứng từ của mình, cũng như qua các hoạt động, như đối thoại, đề cao nhân bản, dấn thân cho công lý và hòa bình, cho việc giáo dục con người và việc chăm sóc bệnh nhân, cho việc trợ giúp người nghèo và trẻ em. Tuy nhiên, khi thực hiện những hoạt động này, Giáo Hội bao giờ cũng đặt ưu tiên cho những thực tại siêu việt và linh thiêng là những cơ bản của việc cứu độ cánh chung.


Sau hết, Giáo Hội phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa bằng việc chuyển cầu của mình, vì Vương Quốc này, tự bản chất, là tặng ân và là việc làm của Thiên Chúa, như các dụ ngôn trong Phúc Âm cũng như lời kinh Chúa Giêsu dạy nhắc nhở chúng ta. Chúng ta phải cầu xin cho được Vương Quốc này, đón nhận Vương Quốc này và làm cho Vương Quốc này lớn lên trong chúng ta; thế nhưng, chúng ta cũng phải cùng nhau hoạt động để Vương Quốc này được đón nhận và phát triển nơi tất cả mọi dân nước, cho đến lúc Chúa Kitô “trao về cho Thiên Chúa là Cha Vương Quốc này” để “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (x. 1Cor 15:24,28).


III 

THÁNH LINH LÀ TÁC NHÂN CHÍNH CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO


"Vào lúc tuyệt đỉnh sứ vụ thiên sai của Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần đã tỏ mình ra nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua bằng tất cả chủ thể thần linh của mình: như là một Đấng đang tiếp tục công việc cứu độ được bắt đầu nơi hy tế Thập Giá. Thực ra, Chúa Giêsu đã trao phó cho loài người công việc này, tức cho các vị Tông Đồ, cho Giáo Hội. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần vẫn là tác nhân siêu việt và chính yếu nơi các Vị và qua các Vị trong vấn đề hoàn thành công việc ấy, trong tâm linh nhân loại cũng như trong lịch sử thế giới” (Thông Điệp Dominum et Vivificantem – ngày 18/5/1986 – đoạn 42: AAS 78 – 1986 – 857).


Chúa Thánh Thần thực sự là tác nhân chính yếu cho toàn thể sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Tác động của Ngài nổi bật trong việc truyền giáo ad gentes, như chúng ta đã thấy nơi Giáo Hội sơ khai: như trường hợp trở lại của gia đình Cornêliô (x. Acts 10), trường hợp giải quyết các rắc rối xẩy ra (x. Acts 15), trường hợp chọn lựa các vùng cũng như các dân để truyền bá phúc âm hóa (x. Acts 16:6ff). Thần Linh đã làm việc qua các Vị Tông Đồ, thế nhưng, Ngài cũng đồng thời tác động cả nơi những ai nghe các Vị nói nữa: “Nhờ tác động của Ngài, Tin Mừng được hình thành nơi tâm trí con người và được lan truyền qua giòng lịch sử. Chính Thánh Linh là Đấng ban sự sống đã làm việc này” (Ibid., đoạn 64: loc. cit., 892).


Được Sai Đi “Đến Tận Cùng Trái Đất”


22-       Tất cả các Thánh Ký, khi trình thuật về việc Chúa Kitô Phục Sinh gặp gỡ các Tông Đồ của Người, đều kết luận bằng một “lệnh truyền giáo”: “Thày được toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy các con hãy đi tuyển mộ các môn đồ nơi mọi dân nước, ... này đây, Thày ở cùng các con luôn mãi cho đến tận thế” (Mt 28:18-20; x. Mk. 16:15-18; Lk 24:46-49; Jn 20:21-23).


Đó là một việc sai Thần Linh đến, như rõ ràng thấy trong Phúc Âm Thánh Gioan: Chúa Kitô đã sai những người của mình vào thế gian, như Cha đã sai Người, bởi vậy mà Người đã ban Thần Linh cho các vị. Về phần mình, Thánh Luca nối kết chặt chẽ giữa việc các Vị Tông Đồ phải làm chứng cho Chúa Kitô với hoạt động của Thần Linh, Đấng giúp các vị hoàn thành mệnh lệnh truyền giáo mà các vị đã lãnh nhận.


23-    Những câu Phúc Âm khác nhau về “lệnh truyền giáo” đều chất chứa những yếu tố chung cũng như những đặc tính thích hợp với nhau. Tuy nhiên, có hai yếu tố ở trong tất cả các câu Phúc Âm này. Yếu tố thứ nhất, có một chiều kích phổ quát đại đồng nơi công việc được trao phó cho các Vị Tông Đồ, thành phần được sai đến với “tất cả mọi dân nước” (Mt 28:19); được sai “đi khắp thế giới ... cho mọi tạo vật” (Mk 16:15); được sai đến với “mọi dân nước” (Lk 24:47); “cho tới tận cùng trái đất” (Acts 1:8). Yếu tố thứ hai, đó là lời Chúa bảo đảm với các Vị Tông Đồ rằng các Vị sẽ không đơn độc làm việc này một mình, song các Vị sẽ nhận được sức mạnh và phương tiện cần thiết để thực hiện sứ vụ của các Vị. Điều muốn nói đến ở đây là việc hiện diện và quyền năng của Thần Linh cùng với ơn trợ giúp của chính Chúa Giêsu: “Thế rồi các Vị ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng làm việc với các Vị” (Mk 16:20).


Đối với những điểm nhấn mạnh khác nhau nơi mỗi bản văn Phúc Âm, Thánh Marcô cho thấy truyền giáo như là việc loan báo hay là việc rao giảng tiên khởi: “Các con hãy rao giảng Phúc Âm” (Mk 16:15). Mục đích của Người là dẫn thính giả đến việc lập lại lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô: “Thày là Đức Kitô” (Mk 8:29), cũng như đến việc tuyên xưng như viên đại đội trưởng Rôma khi đứng trước thân xác của Chúa Giêsu trên Thập Giá: “Người này thực là Con Thiên Chúa!” (Mk 15:39). Nơi Phúc Âm Thánh Mathêu, việc truyền giáo được đặt nặng trên nền tảng Giáo Hội và căn cứ vào Giáo Huấn của Giáo Hội (x. Mt 28:19-20; 16:18). Theo Người, lệnh truyền giáo nói lên rằng việc loan truyền Phúc Âm cần phải được hoàn tất bằng việc đặc biệt dạy giáo lý về giáo hội và về các bí tích. Nơi Phúc Âm Thánh Luca, việc truyền giáo được cho thấy như là một việc làm chứng (x. Lk 24:48; Acts 1:8), đặc biệt làm chứng cho Biến Cố Phục Sinh (x. Acts 1:22). Nhà truyền giáo được mời gọi tin tưởng vào quyền năng biến đổi của Phúc Âm, cũng như được mời gọi để loan báo điều Thánh Luca trình bày rất khéo, đó là loan báo việc trở về với tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, một cảm nghiệm thấy  mình hoàn toàn được giải phóng khỏi căn gốc của mọi sự dữ là tội lỗi.


Thánh Gioan là Thánh Ký duy nhất minh nhiên nói về “lệnh truyền”, một chữ tương đương với “sứ vụ”. Thánh Ký trực tiếp liên kết sứ vụ Chúa Giêsu ủy thác cho các môn đệ của Người với sứ vụ chính Người đã lãnh nhận từ Cha: “Như Cha đã sai Thày thế nào Thày cũng sai các con như vậy” (Jn 20:21). Khi thân thưa cùng Cha của mình, Chúa Giêsu nói: “Như Cha đã sai Con vào thế gian thế nào, Con cũng sai họ vào thế giới như vậy” (Jn 17:18). Tất cả ý nghĩa về việc truyền giáo nơi Phúc Âm Thánh Gioan đều được diễn tả trong “lời cầu tư tế”: “Sự sống đời đời là thế này, đó là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cha sai” (Jn 17:3). Mục đích tối hậu của việc truyền giáo là giúp cho con người được thông phần vào mối hiệp thông giữa Cha và Con. Các môn đệ phải sống hiệp nhất với nhau, khi ở lại trong Cha và Con, để làm cho thế giới nhận biết và tin tưởng (x. Jn 17:21-23). Đây là một bản văn về truyền giáo rất quan trọng. Bản văn này làm cho chúng ta hiểu rằng, chúng ta là các nhà truyền giáo trước hết bởi cái chúng ta là, là một Giáo Hội với sự sống nội tại hiệp nhất trong yêu thương, ngay trước cả khi chúng ta trở nên những nhà truyền giáo bằng lời nói hay việc làm.


Vì thế, bốn Phúc Âm đều làm chứng cho thấy tính cách đa dạng nào đó trong mối hiệp nhất căn bản của cùng một sứ vụ, một tính cách đa dạng phản ảnh những cảm nghiệm và trường hợp khác nhau nơi các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi. Tính cách đa dạng này cũng là kết quả bởi lực đẩy của chính Thần Linh; tính cách đa dạng này khuyến khích chúng ta chú trọng tới những gì khác nhau nơi các đặc sủng truyền giáo cũng như tới những gì khác nhau nơi các hoàn cảnh và dân tộc. Tuy nhiên, Thánh Ký nào cũng nhấn mạnh là sứ vụ của các môn đệ là sứ vụ cộng tác vào sứ vụ của Chúa Kitô: “Này đây Thày ở cùng các con luôn mãi cho đến tận thế” (Mt 28:20). Thế nên, việc truyền giáo không do bởi khả năng của con người mà do bởi quyền năng của Chúa Phục Sinh.


Thần Linh Hướng Dẫn Việc Truyền Giáo của Giáo Hội


24-       Sứ vụ của Giáo Hội, giống như sứ vụ của Chúa Kitô, là việc của Thiên Chúa làm, hay như Thánh Luca thường nói, là việc của Thần Linh làm. Sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh và Thăng Thiên, các Vị Tông Đồ cảm thấy có một mãnh lực làm biến đổi các vị, đó là cảm nghiệm Thánh Thần Hiện Xuống. Việc Chúa Thánh Thần hiện xuống làm cho các vị trở thành những chứng nhântiên tri (x. Acts 1:8, 2:17-18). Biến cố này khiến cho các vị đầy những dũng lực can trường, thúc đẩy các vị truyền sang cho các người khác cảm nghiệm của mình về Chúa Giêsu và về niềm hy vọng kích động các vị. Thần Linh ban cho các vị khả năng làm chứng cho Chúa Giêsu một cách “kiên cường” (chữ Hy Lạp “parrhesia” cũng có nghĩa là nhiệt liệt hay hăng say; xem Acts 2:29, 4:13,29,31, 9:27-28, 13:46, 14:3, 18:26, 19:8,26, 28:31).


Khi những nhà truyền bá phúc âm hóa tiên khởi từ Giêrusalem ra đi, thì Thần Linh lại càng trở thành một “vị chỉ đạo”, giúp họ chọn lựa về thành phần họ phải đi tới và cả những nơi họ cần phải thực hiện cuộc hành trình của mình. Hoạt động của Thần Linh được biểu lộ đặc biệt nơi tác lực thúc đẩy để thực hiện việc truyền giáo, một việc truyền giáo, theo lời của Chúa Kitô, trải rộng từ Giêrusalem đến khắp Giuđêa và Samaria, cho tới tận cùng trái đất.


Sách Tông Vụ ghi nhận sáu bản tóm tắt về “những bài diễn giảng truyền giáo” được ngỏ cùng các người Do Thái trong thời gian Giáo Hội phôi thai (x. Acts 2:22-39, 3:12-26, 4:9-12, 5:29-32, 10:34-43, 13:16-41). Những bài giảng mẫu này được Thánh Phêrô và Phaolô phát ngôn, loan báo Chúa Giêsu và mời gọi những người nghe hãy “cải hối”, tức là mời gọi họ hãy lấy đức tin chấp nhận Chúa Giêsu và hãy để cho Thần Linh biến đổi họ trong Người.


Thánh Phaolô và Banabê được Thần Linh thúc đẩy đi đến với Dân Ngoại (x. Acts 13:46-48), một việc phát triển không phải là không có những căng thẳng và rắc rối. Làm sao những người Dân Ngoại này có thể sống niềm tin của mình vào Chúa Giêsu được? Họ có buộc phải tuân giữ các truyền thống Giuđa và luật cắt bì chăng? Ở Công Đồng Chung đầu tiên, một công đồng qui tụ những phần tử từ các Giáo Hội khác nhau lại họp với các Vị Tông Đồ ở Giêrusalem, vấn đề đã được giải quyết, một giải quyết được công nhận do Thần Linh soi sáng, đó là quyết định Dân Ngoại không cần phải giữ Luật Do Thái để trở thành Kitô hữu (x. Acts 15:5-11,28). Từ đó trở đi, Giáo Hội mở cửa ra, trở thành nhà cho tất cả mọi người được vào, một nhà ai cũng cảm thấy thân tình, trong khi đó họ vẫn sống theo văn hóa và những tập tục riêng của họ, nếu những điều này không trái với Phúc Âm.


25-       Các nhà truyền giáo tiếp tục đi con đường này, ở chỗ để ý đến các niềm hy vọng và ước mong của con người, để ý tới nỗi buồn thương và đau khổ của họ, cũng như đến văn hóa của họ, để loan báo cho họ ơn cứu độ nơi Chúa Kitô. Những bài diễn giảng ở Lystra và Nhã Điển (x. Acts 14:15-17, 17:22-31) được công nhận như những mẫu rao giảng đối với việc truyền bá phúc âm hóa cho Dân Ngoại. Trong hai bài diễn giảng này, Thánh Phaolô đi vào vấn đề “đối thoại” với các giá trị về văn hóa và tôn giáo của các dân nước khác nhau. Đối với dân Lycaoniô, một dân theo đạo thiên nhiên, thánh nhân chia sẻ các cảm nghiệm liên quan đến vũ trụ vạn vật. Đối với những người Hy Lạp, thánh nhân bàn đến triết lý và trích dẫn lời các thi sĩ của họ nói (x. Acts 17:18,26-28). Vị Thiên Chúa Thánh Phaolô muốn tỏ cho thấy đã hiện diện nơi đời sống của họ; thật vậy, Vị Thiên Chúa này đã tạo dựng nên họ và đang mầu nhiệm hướng dẫn các quốc gia và lịch sử. Thế nhưng, nếu họ nhận biết Vị Thiên Chúa chân thật ấy, họ phải loại trừ các thần giả tạo do họ làm nên, và phải hướng về Đấng được Thiên Chúa sai đến để chữa trị tình trạng vô tri của họ cũng như để làm thỏa nguyện các ước vọng của cõi lòng họ. Đó là những bài diễn giảng mẫu mực cho việc Phúc Âm hội nhập văn hóa.


Theo Thần Linh thúc đẩy, đức tin Kitô giáo cuối cùng đã hướng tới các “dân nước”. Chứng từ cho Chúa Kitô vươn tới những trung tâm quan trọng nhất ở vùng phía đông Địa Trung Hải rồi tới Rôma cũng như tới các miền xa ở Phía Tây. Chính Thần Linh là nguồn mạch thúc đẩy thực hiện một cuộc truyền giáo thực sự đại đồng này, chẳng những về địa dư mà còn vượt ra ngoài cả chủng tộc và tôn giáo.


Thánh Linh Khiến Toàn Thể Giáo Hội Thành Truyền Giáo


26-       Thần Linh đưa nhóm tín hữu đến việc “thành lập một cộng đồng”, trở thành một Giáo Hội. Sau bài giảng tiên khởi của Thánh Phêrô vào ngày Lễ Ngũ Tuần làm cho nhiều người trở lại thì việc thành hình một cộng đồng đầu tiên đã xẩy ra (x. Acts 2:42-47, 4:32-35).


Một trong những mục đích chính của việc truyền giáo đó là qui tụ người ta lại với nhau trong việc nghe lời Phúc Âm, trong mối hiệp thông huynh đệ, trong nguyện cầu và trong việc cử hành Thánh Thể. Sống trong “mối hiệp thông huynh đệ” (koinonia) tức là trở nên “một lòng một trí” (Acts 4:32), bằng cách kiến tạo mối thông giao ở mọi quan điểm về nhân bản, tâm linh và thể chất. Thật vậy, một cộng đồng Kitô giáo đích thực cũng thực hiện cả việc phân phối các sản vật trần thế nữa, để không ai bị túng thiếu, và để tất cả có thể nhận được những sản vật này “tùy theo nhu cầu của mình” (x. Acts 2:45, 4:35). Các cộng đồng đầu tiên, được cấu tạo nên bởi “các tấm lòng hân hoan và quảng đại” (Acts 2:46), đều là các cộng đồng cởi mở và truyền giáo, ở chỗ họ được “thiện cảm với mọi người” (Acts 2:47). Ngay trước khi bắt tay vào việc thì truyền giáo đã có nghĩa là làm chứng và là lối sống sáng soi cho người khác rồi vậy (Xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 41-42: loc. cit., 31-33).


27-       Sách Tông Vụ cho thấy là việc truyền giáo, một việc trước hết hướng đến dân Yến-Duyên, rồi sau đó mới tới Dân Ngoại, được phát triển ở nhiều cấp độ. Trước hết và trên hết là nhóm 12 Vị do Thánh Phêrô lãnh đạo như một khối duy nhất để loan truyền Phúc Âm. Rồi tới một cộng đồng tín hữu, theo cách sống và hoạt động của mình, làm chứng cho Chúa và hoán cải Dân Ngoại (x. Acts 2:46-47). Sau đó có những nhóm sứ giả đặc biệt được sai đi loan truyền Phúc Âm. Bởi thế, cộng đồng Kitô hữu ở Antiôkia mới sai các phần tử của mình đi truyền giáo; đang khi ăn chay, cầu nguyện và cử hành Thánh Thể, cộng đồng nhận ra Thần Linh đã chọn “sai đi” (x. Acts 13:1-4) Phaolô và Banabê. Thế nên, theo nguồn gốc của mình, truyền giáo được coi như là một việc dấn thân của cộng đồng, một trách nhiệm của Giáo Hội địa phương, một Giáo Hội cần đến “các nhà truyền giáo” để tiến tới những giới tuyến mới. Sánh vai với những người được sai đi còn có những người khác nữa, thành phần làm chứng một cách tự nhiên cho sự sống mới, một sự sống đã biến đổi cuộc đời của họ, cũng là thành phần sau này tạo nên mối liên kết giữa các cộng đồng đang nẩy nở với Giáo Hội Tông Truyền.


Việc đọc Sách Tông Vụ giúp chúng ta nhận ra là, ở vào thuở ban đầu của Giáo Hội, việc truyền giáo ad gentes, trong khi có những nhà truyền giáo hiến “cả đời sống” cho ơn gọi đặc biệt này, thì thật sự đã được coi là hoa trái tự nhiên của đời sống Kitô hữu, một hoa trái mà mọi tín hữu phải thực hiện bằng chứng từ của tác hành cá nhân, cũng như bằng việc loan truyền Phúc Âm khi nào có thể.


Thần Linh Hiện Diện và Sinh Động ở Mọi Nơi và Mọi Lúc


28-       Thần Linh tỏ mình một cách đặc biệt trong Giáo Hội cũng như nơi các phần thể của Giáo Hội. Tuy nhiên, việc hiện diện và hoạt động của Ngài có tính cách phổ quát, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 53: loc. cit., 874f). Công Đồng Chung Vaticanô II nhắc lại rằng, Thần Linh đang hoạt động trong lòng mọi người, qua những “hạt giống Lời Chúa”, được thể hiện nơi những khởi động của con người – bao gồm cả những khởi động về tôn giáo – cũng như nơi những nỗ lực của con người trong việc đạt tới sự thật, sự thiện và chính Thiên Chúa (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 3, 11, 15; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 10-11, 22, 26, 38, 41, 92-93).


Thần Linh ban cho loài người “ánh sáng và sức mạnh để đáp ứng ơn gọi cao cả nhất của mình”; nhờ Thần Linh, “bằng đức tin, nhân loại đạt tới viêïc chiêm ngưỡng và nếm hưởng mầu nhiệm của dự án Thiên Chúa”; thật vậy, “chúng ta buộc phải tin rằng Thánh Linh ban cho mọi người cơ hội để được thông phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua một cách chỉ có Thiên Chúa biết” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 10, 15, 22). Giáo Hội “biết rằng nhân loại được Thần Linh Thiên Chúa liên tục khơi động và vì thế không bao giờ lại hoàn toàn dửng dưng với các vấn đề tôn giáo”, và “con người bao giờ ... cũng muốn biết được cái ý nghĩa của đời sống, hoạt động và cái chết của mình” (Ibid. đoạn 41). Như thế, Thần Linh ở ngay chính nguồn gốc của việc con người vấn nạn về cuộc sống và tôn giáo của họ, một việc vấn nạn có những lúc nổi lên không phải chỉ bởi các trường hợp liên quan đến chúng gây ra mà còn bởi chính cấu trúc nơi con người của họ” (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 54: loc. cit., 875f). 


Việc Thần Linh hiện diện và hoạt động có tác dụng chẳng những nơi cá nhân mà còn nơi cả xã hội lẫn lịch sử, nơi cả các dân tộc, các văn hóa và tôn giáo nữa. Thật thế, Thần Linh là nguồn gốc của các lý tưởng, cũng như của công việc cao quí là những gì mang lại lợi ích cho loài người trong cuộc hành trình của họ qua giòng lịch sử: “Bằng việc quan phòng khôn ngoan, Thần Linh Thiên Chúa hướng dẫn diễn tiến của các thời đại và canh tân bộ mặt trái đất” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 26). Chúa Kitô Phục Sinh “hiện nay đang hoạt động nơi cõi lòng con người bằng sức mạnh của Thần Linh Người, chẳng những bằng việc khơi lên ước vọng hướng đến một thế giới mai sau, mà còn làm sinh động, thanh tẩy và vững chắc những khát vọng cao quí thúc đẩy gia đình nhân loại làm cho đời sống của mình thành một đời sống nhân bản hơn và hướng toàn thể trái đất về đích điểm này” (ibid. đoạn 38, xem cả đoạn 93). Cũng chính Thần Linh là Đấng gieo “các hạt giống Lời Chúa” hiện diện nơi các tập tục và văn hóa khác nhau, sửa soạn cho chúng được toàn vẹn trong Chúa Kitô (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 17; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 3, 15).


29-       Như thế, Thần Linh, Đấng “thổi đâu thì thổi” (x.Jn 3:8), Đấng “đã hiện diện trong thế gian trước khi Chúa Kitô được vinh hiển” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 4), và là Đấng “tràn đầy thế gian, ... nắm giữ tất cả mọi sự lại với nhau (và) biết những gì phải nói” (Wis 1:7), đã mở rộng cái nhìn của chúng ta để suy nghĩ về hoạt động của Ngài ở mọi thời và mọi nơi (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 53: loc. cit., 874). Tôi thường nhớ đến sự việc này, một sự việc đã hướng dẫn Tôi trong rất nhiều cuộc gặp gỡ với các thành phần dân chúng khác nhau. Mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo khác phải tỏ ra một lòng tôn trọng lưỡng diện: “Tôn trọng con người, nơi việc họ cần đến những giải đáp cho các vấn đề sâu xa nhất của cuộc đời họ, và tôn trọng tác động của Thần Linh nơi con người” (Diễn Từ ngỏ với các Đại Biểu của các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo, tại Madras, ngày 5/2/1986: AAS 78 – 1986 – 767; xem Sứ Điệp gửi Dân Chúng Á Châu, Manila, ngày 21/2/1981, 2-4: AAS 73 – 1981 – 392f; Diễn Từ ngỏ với các Đại Biểu của Các Tôn Giáo Khác, Tokyo, ngày 24/2/1981, 3-4: Insegnamenti IV/I – 1981 – 507f). Bỏ ra ngoài những cắt nghĩa sai lạc, thì việc gặp gỡ liên tôn ở Assisi là để chứng thực cho thấy niềm xác tín của Tôi về “mọi lời cầu nguyện chân thực đều được Chúa Thánh Thần tác động, Ngài là Đấng hiện diện nhiệm mầu nơi hết mọi cõi lòng con người” (Diễn Từ ngỏ với Các Vị Hồng Y và ngày 22/12/1986, đoạn 11: AAS 79 – 1987 – 1089).

Cũng cùng một Vị Thần Linh này là Đấng đã hoạt động trong việc Nhập Thể và trong đời sống, trong cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, và là Đấng hoạt động trong Giáo Hội. Thế nên, Ngài không phải là một vị thay thế cho Chúa Kitô, cũng không phải là vị điền vào chỗ trống, đôi khi được cho là xẩy ra, giữa Chúa Kitô và Ngôi Lời. Bất cứ những gì Thần Linh làm phát sinh nơi cõi lòng con người cũng như nơi lịch sử của các dân tộc, nơi các nền văn hóa cũng như nơi các đạo giáo, đều giúp vào việc sửa soạn cho con người đón nhận Phúc Âm (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 16), và chỉ có thể được hiểu liên quan đến Chúa Kitô, Lời nhập thể bởi quyền năng của Thần Linh, “để như một con người toàn vẹn, Người cứu lấy tất cả loài người và qui tụ tất cả mọi sự lại với nhau” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 45; xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 54: loc. cit., 876).


Ngoài ra, hoạt động phổ quát của Thần Linh cũng không được tách khỏi hoạt động riêng biệt của Ngài trong Thân Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội. Thật vậy, bao giờ cũng là Thần Linh hoạt động, cả khi Ngài ban sự sống cho Giáo Hội và thúc đẩy Giáo Hội loan báo Chúa Kitô, cũng như khi Ngài gieo mầm và làm nẩy nở các tặng ân của Ngài nơi tất cả mọi người cũng như mọi dân tộc, khi hướng dẫn Giáo Hội khám phá ra những tặng ân ấy, nuôi dưỡng những tặng ân ấy và tiếp nhận bằng việc đối thoại. Mọi hình thức hiện diện của Thần Linh phải được đón nhận với lòng tôn kính và tri ân, song Giáo Hội có trách nhiệm trong việc nhận thức về việc hiện diện này, một trách nhiệm được Chúa Kitô ban Thần Linh của Người cho để dẫn dắt Giáo Hội vào tất cả sự thật (x. Jn 16:13).


Hoạt Động Truyền Giáo Mới Chỉ Bắt Đầu


30-       Thời đại của chúng ta đây, theo đà nhân loại đang tiến triển và không ngừng tìm kiếm, cần phải có một cuộc phục hưng hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Những chân trời và cơ hội truyền giáo đang rộng mở hơn bao giờ hết, Kitô hữu chúng ta được kêu gọi can đảm làm việc tông đồ bằng lòng tin tưởng nơi Thần Linh. Ngài là tác nhân chính của việc truyền giáo!


Lịch sử nhân loại đã cho thấy có nhiều khúc quanh chính đã kích thích việc dấn thân truyền giáo, và Giáo Hội, được Thần Linh dẫn dắt, đã luôn luôn hết mình đáp ứng tại những khúc quanh này một cách khôn ngoan. Không thiếu gì những thành quả đã gặt hái được. Cách đây không lâu, chúng ta đã mừng kỷ niệm một ngàn năm của công cuộc truyền bá phúc âm hóa của dân Rus’ và dân Slav, nay chúng ta lại đang sửa soạn cử hành để mừng kỷ niệm năm trăm năm của công cuộc truyền bá phúc âm hóa Mỹ Châu. Cũng thế, chúng ta vừa tưởng niệm một trăm năm của công việc truyền bá đầu tiên tại một số quốc gia ở Á Châu, Phi Châu và Đại Dương Châu. Ngày nay Giáo Hội phải đương đầu với các thách đố khác và tiến tới những giới tuyến mới, cả về việc truyền giáo ban đầu ad gentes cũng như  về việc tân truyền bá phúc âm hóa cho những dân nước đã nghe loan truyền về Chúa Kitô. Ngày nay, tất cả mọi Kitô hữu, cả Giáo Hội riêng cũng như Giáo Hội hoàn vũ, đều được kêu gọi có cùng một lòng dũng cảm đã phấn khích các nhà truyền giáo trong quá khứ, và có cùng một tấm lòng sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Thần Linh.

IV 

CHÂN TRỜI BAO RỘNG CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO AD GENTES 


31- Chúa Giêsu đã sai các Tông Đồ của Người đến với mọi người, mọi dân tộc và hết mọi nơi trên mặt đất này. Qua các Vị Tông Đồ, Giáo Hội đã lãnh nhận một sứ vụ phổ quát – một sứ vụ vượt biên cương bờ cõi – một sứ vụ bao gồm việc thông truyền nguyên vẹn ơn cứu độ đúng như sự sống viên mãn được Chúa Kitô ban cho (x. Jn 10:10). Giáo Hội đã được “Chúa Kitô sai đi để tỏ ra cũng như để thông truyền tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi con người và mọi quốc gia” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Đồng Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 10).


Sứ vụ này là một sứ vụ duy nhất và bất phân chia, chỉ có một nguồn gốc và một mục đích duy nhất; thế nhưng, sứ vụ này cũng bao gồm những công việc khác nhau và các thứ hoạt động khác nhau. Trước hết, có một hoạt động truyền giáo chúng ta gọi là truyền giáo ad gentes (cho các dân tộc), dựa theo tên gọi mở đầu cho Sắc Lệnh của Công Đồng Chung Vaticanô II về vấn đề này. Đây là một trong những hoạt động căn bản của Giáo Hội: nó là một hoạt động thiết yếu và không bao giờ chấm dứt. Thật vậy, Giáo Hội “không thể rút lui khỏi sứ vụ vĩnh viễn của mình trong việc mang Phúc Âm đến cho các đám đông dân chúng – cho cả hằng triệu triệu người nam nữ – thành phần chưa biết đến Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc của nhân loại. Đây là một hoạt động truyền giáo được Chúa Giêsu đã đặc biệt ủy thác và còn ủy thác mỗi ngày cho Giáo Hội của Người” (Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân Christifideles Laici – 30/12/1988 – đoạn 35: AAS 81 – 1989 – 457).


Một Hình Ảnh Đạo Nghĩa Phức Tạp và Đổi Thay hơn bao giờ hết


32-       Hôm nay đây, chúng ta đang đối diện với một tình trạng đạo nghĩa hết sức khác biệt và đổi thay. Các dân tộc đang chuyển biến; các thực tại về xã hội và tôn giáo, trước kia rõ ràng đâu vào đó, ngày nay lại càng trở nên phức tạp hơn. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến một vài hiện tượng, như việc thành thị hóa, việc ồ ạt di dân, làn sóng những người tị nạn, tình trạng bại hoại kitô giáo ở những xứ sở theo truyền thống Kitô giáo cổ kính, việc Phúc Âm và các giá trị của Phúc Âm càng gây tác dụng chưa từng thấy tại các xứ sở không theo Kitô giáo, cũng như tình trạng lan tràn nhanh chóng các việc sùng bái thần tượng thiên sai và các giáo phái. Tình trạng đột biến về đạo nghĩa và xã hội đã trở thành một tình trạng khó khăn trong việc áp dụng thực hành một số những chuyên biệt và những thứ loại của giáo hội đã quen thuộc đối với chúng ta. Ngay cả trước Công Đồng Chung Vaticanô II, có một số thành phố và xứ sở Kitô giáo đã trở thành những “địa sở truyền giáo”; thế mà tình trạng rõ ràng vẫn cho thấy chưa cải tiến gì qua những năm tháng từ hồi đó đến nay.


Trong khi đó, công việc truyền giáo lại gặt hái được nhiều kết quả khắp thế giới, để có những Giáo Hội được thiết lập tốt đẹp như hiện nay, đôi khi còn tốt lành và trưởng thành đến nỗi có thể cung ứng cho nhu cầu của riêng cộng đồng mình, mà thậm chí còn gửi cả người đi truyền bá phúc âm hóa tại các Giáo Hội khác và địa sở khác nữa. Sự kiện này trái với một số miền theo Kitô giáo truyền thống đang cần phải được tái truyền bá phúc âm hóa. Bởi thế mới có một số người đặt vấn nạn là có nên tiếp tục nói đến hoạt động truyền giáo đặc biệt hay đến những miền “truyền giáo” đặc biệt, thay vào đó chúng ta nên nói đến một trường hợp truyền giáo duy nhất, với một việc truyền giáo duy nhất, giống như ở mọi nơi vậy. Cái khó khăn của vấn đề liên hệ đến thực tại phức tạp và đổi thay này, với việc cần phải truyền bá phúc âm hóa, rõ ràng là ở chỗ “ngôn ngữ truyền giáo”. Chẳng hạn như có một sự ngần ngại nào đó trong việc sử dụng các từ ngữ “những việc truyền giáo” và “những nhà truyền giáo”, những chữ được coi như đã lỗi thời và mang theo những ý nghĩa tiêu cực về mặt lịch sử. Người ta thích dùng danh từ “truyền giáo” ở số ít và tĩnh từ “truyền giáo” để diễn tả tất cả mọi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội.


Cái trăn trở này cho thấy có một sự thay đổi thực sự, một sự đổi thay có những khía cạnh tích cực nào đó. Cái được gọi là trở về hay “về nguồn” của các việc truyền giáo trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, việc đem truyền giáo học vào giáo hội học, và việc hội nhập cả hai lãnh vực này vào dự án cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi, đã tạo nên cho chính hoạt động truyền giáo một đà tiến mới, một hoạt động đối với Giáo Hội không được coi như là một việc bên ngoài lề, mà là ở ngay cốt lõi của đời sống Giáo Hội, như là một công việc trọng yếu của toàn thể Dân Chúa. Tuy nhiên, cần phải để ý tránh cái nguy hiểm của việc đặt những trường hợp khác nhau ở cùng một mức độ, cũng như của việc làm suy giảm, thậm chí loại trừ, việc truyền giáo và các nhà truyền giáo ad gentes của Giáo Hội. Nói rằng toàn thể Giáo Hội là thừa sai thì không phải loại bỏ đi việc hiện hữu của việc chuyên biệt truyền giáo ad gentes, mà chỉ có ý nói rằng, tất cả mọi người Công Giáo phải là những nhà truyền giáo, ở chỗ, chẳng những không loại trừ mà thực sự còn đòi buộc phải có những con người nhận lãnh một ơn gọi đặc biệt để là “những nhà truyền giáo cả một đời ad gentes”.


Việc Truyền Giáo ad gentes vẫn giữ nguyên Giá Trị của mình


33-       Vấn đề về tính cách đa diện nơi các hoạt động trong cùng một sứ mệnh truyền giáo duy nhất của Giáo Hội không thuộc về bản chất của sứ mệnh truyền giáo, mà là do bởi tính cách khác nhau nơi hoàn cảnh thực hiện việc truyền giáo (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 6). Nhìn vào thế giới hôm nay, bằng quan điểm của việc truyền bá phúc âm hóa, chúng ta có thể phân biệt ba trường hợp.


Trường hợp thứ nhất được hoạt động truyền giáo của Giáo Hội nhắm tới, đó là các dân tộc, các nhóm người và các tương quan văn hóa xã hội chưa biết đến Chúa Kitô cùng Phúc Âm của Người, hay còn thiếu những cộng đồng Kitô hữu đủ trưởng thành để có thể hiện thực đức tin trong môi trường sống của họ, cũng như để loan báo đức tin của họ cho những nhóm người khác. Đây là việc truyền giáo ad gentes theo đúng nghĩa của từ ngữ (xem ibid).


Trường hợp thứ hai là những cộng đồng Kitô hữu được thiết lập đầy đủ và vững chắc. Họ hăng say với đức tin và  sống đời Kitô hữu của mình. Họ làm chứng cho Phúc Âm nơi hoàn cảnh sống của mình và cảm thấy cần phải dấn thân cho việc truyền giáo chung. Giáo Hội thực hiện hoạt động và việc mục vụ chăm sóc tín hữu của mình nơi những cộng đoàn này.


Trường hợp thứ ba là trường hợp ở giữa, đặc biệt là trường hợp ở nơi những xứ sở có gốc gác Kitô giáo lâu đời, đôi khi ở cả những Giáo Hội không lâu đời như vậy, là những nơi hết thảy các nhóm người lãnh nhận phép rửa đã mất đi cảm quan sống động của đức tin, thậm chí không còn coi mình là phần tử của Giáo Hội nữa, và sống một cuộc đời xa biệt hẳn với Chúa Kitô cũng như với Phúc Âm của Người. Điều cần phải làm trong trường hợp này đó là “việc tân truyền bá phúc âm hóa” hay “việc tái truyền bá phúc âm hóa” vậy.


34-       Hoạt động truyền giáo xứng danh, tức là việc truyền giáo ad gentes (cho các dân tộc), nhắm đến “các dân tộc hay các nhóm người chưa tin vào Chúa Kitô”, “những người xa cách Chúa Kitô”, những người Giáo Hội “chưa đâm rễ” (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 18-20: loc. cit., 17-19). Việc này khác hẳn với các hoạt động khác của giáo hội, vì nó nhắm đến các nhóm người và các môi trường ngoài Kitô giáo là những gì chưa có hay chưa đủ việc giảng dạy Phúc Âm cũng như việc hiện diện của Giáo Hội. Bởi thế, nó mang đặc tính như là một việc loan báo Chúa Kitô cùng với Phúc Âm của Người, việc thiết lập Giáo Hội địa phương và là việc cổ võ các giá trị thuộc về Vương Quốc của Thiên Chúa. Bản chất chuyên biệt của việc truyền giáo ad gentes này là ở chỗ nó nhắm đến “những người không phải Kitô hữu”. Bởi thế, cần phải làm sao để bảo đảm được rằng, “việc truyền giáo đã được Chúa Giêsu ủy thác và còn ủy thác từng ngày cho Giáo Hội của Người” (Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân Christifideles Laici, đoạn 35: loc. cit., 457) một cách đặc biệt này không trở nên một phần việc tầm thường đối với toàn thể sứ vụ của tất cả Dân Chúa, khiến cho việc ấy bị bỏ bê hay quên lãng.


Ngoài ra, các ranh giới phân chia giữa việc mục vụ chăm sóc tín hữu, việc tân truyền bá phúc âm hóaviệc hoạt động truyền giáo chuyên biệt không thể nào phân định được một cách rõ ràng, cũng không được nghĩ là chúng sẽ tạo nên những cản trở cho nhau, hay nghĩ rằng chúng là những ao tù. Tuy nhiên, cũng không được làm suy yếu lòng hăng say rao giảng Phúc Âm và thiết lập các Giáo Hội mới ở nơi các dân nước, hay ở các cộng đồng chưa có mặt của Giáo Hội, vì đây là công việc tiên quyết của Giáo Hội, một Giáo Hội đã được sai đến với tất cả mọi dân nước và cho đến tận cùng trái đất. Nếu không thực hiện việc truyền giáo ad gentes này, thì chiều kích truyền giáo của Giáo Hội sẽ bị mất đi ý nghĩa thiết yếu của mình, cũng như sẽ thiếu mất chính hoạt động biểu lộ chiều kích ấy. 


Cũng cần phải lưu ý đến việc liên thuộc thực sự và tăng lên giữa những hoạt động cứu độ khác nhau này của Giáo Hội. Mỗi hoạt động này đều ảnh hưởng lẫn nhau, kích động lẫn nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Việc đẩy mạnh vấn đề truyền giáo khuyến khích những mối tương giao giữa các Giáo Hội, và hướng các Giáo Hội tới một thế giới rộng mở hơn, bằng những ảnh hưởng tích cực trong mọi lãnh vực. Các Giáo Hội ở những xứ sở theo truyền thống Kitô giáo chẳng hạn, phải bận tâm vào việc tân truyền bá phúc âm hóa gay go, đang hiểu được một cách rõ ràng là, họ không thể là các nhà truyền giáo cho các người ngoài Kitô giáo, ở các quê hương đất nước hay địa lục khác, nếu họ không hết sức quan tâm tới những người ngoài Kitô giáo tại phần đất của mình. Do đó, hoạt động truyền giáo ad intra (nội tại hay đối nội) là một dấu chỉ khả tín và là một kích thích cho hoạt động truyền giáo ad extra (ngoại tại hay đối ngoại), ngược lại cũng thế.


Truyền Giáo cho Mọi Người, bất chấp Khó Khăn


35-       Vấn đề truyền giáo ad gentes đụng phải một công viêïc lớn lao, một việc không thể nào thiếu được. Thật vậy, cả về quan điểm tăng phát nhân số, cũng như về quan điểm văn hóa xã hội liên quan đến hình thức nơi các mối liên hệ mới, đến những việc giao tiếp mới và những tình trạng thay đổi mới, thì việc truyền giáo dường như được nhắm tới những chân trời rộng mở hơn bao giờ hết. Công việc loan báo Chúa Giêsu Kitô cho tất cả mọi dân nước thật là vĩ đại, vượt ra ngoài tất cả mọi tầm mức cân đối theo nguồn lực nhân loại của Giáo Hội. 


Nếu đây là một vấn đề hoàn toàn thuộc về công cuộc của loài người thì những khó khăn ấy sẽ không thể nào vượt qua nổi và có thể dễ bị thất đảm. Ở một số xứ sở đã từ chối không cho các nhà truyền giáo vào. Tại những nơi khác, chẳng những cấm không được thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa mà còn cấm cả việc trở lại nữa, thậm chí cả việc thờ phượng theo Kitô giáo. Có nơi trở ngại gây ra bởi bản chất của văn hóa, như việc truyền đạt sứ điệp Phúc Âm được coi là không thích hợp hay không thể nào hiểu nổi, và việc trở lại được coi như là việc ruồng bỏ dân tộc cùng với văn hóa của mình.


36-       Cũng không thiếu những khó khăn ở ngay trong nội bộ của thành phần Dân Chúa; thật vậy, những khó khăn này là niềm đau đớn nhất của tất cả mọi người. Cái khó khăn đầu tiên được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vạch ra cho thấy là “việc thiếu lòng sốt mến. Trở ngại này càng trầm trọng hơn nữa vì nó phát xuất từ bên trong. Nó bộc lộ cho thấy ở chỗ mệt mỏi, mất hăng hái, dung hòa, thiếu hào hứng, nhất là thiếu vui vẻ và hy vọng” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 80: loc. cit., 73). Những trở ngại lớn lao khác đối với hoạt động truyền giáo của Giáo Hội bao gồm cả những vấn đề chia rẽ giữa Kitô hữu với nhau (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 6), vấn đề băng hoại kitô giáo trong các xứ sở Kitô giáo, vấn đề sa sút ơn kêu gọi hoạt động tông đồ, và vấn đề chứng từ nơi tín hữu cũng như cộng đồng Kitô hữu không biểu lộ bằng việc sống theo gương Chúa Kitô. Thế nhưng, một trong những lý do nghiêm trọng nhất đối với tình trạng thiếu hứng khởi trong công việc truyền giáo đó là cái khuynh hướng đầy những dửng dưng, một khuynh hướng mà tiếc thay cũng xẩy ra nơi cả thành phần các Kitô hữu nữa. Khuynh hướng này bắt nguồn từ các quan điểm thần học sai lầm, có đặc tính của khuynh hướng đạo nghĩa tương đối, để rồi chủ trương là “đạo nào cũng tốt như nhau”. Với những lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, chúng ta có thể thêm là, còn có một số “những lý do tránh né làm ngăn trở việc truyền bá phúc âm hóa. Chắc chắn lý do tránh né tai hại ngấm ngầm nhất đó là những lý do người ta nại vào giáo huấn này nọ của Công Đồng Chung Vaticanô II” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 80: loc. cit., 73).


Về khía cạnh này, Tôi tha thiết xin các nhà thần học và các phóng viên Kitô giáo chuyên nghiệp hãy tăng gia việc phục vụ của mình cho việc truyền giáo của Giáo Hội, để nhận thức được ý nghĩa sâu xa nơi việc mình làm, khi dựa theo những đường lối vững chắc là “cùng suy nghĩ với Giáo Hội” (sentire cum Ecclesia).


Những khó khăn bên trong và bên ngoài không được làm cho chúng ta bi quan và bất động. Cái cần, ở đây cũng như ở mọi lãnh vực khác của đời sống Kitô hữu, đó là lòng cậy trông theo đức tin, bằng một niềm xác tín chúng ta không phải là tác nhân chính của việc Giáo Hội truyền giáo, mà là Chúa Giêsu Kitô cùng với Thần Linh của Người. Chúng ta chỉ là thành phần cộng sự viên, và khi chúng ta làm xong tất cả mọi sự chúng ta phải nói rằng: “Chúng tôi là những người đầy tớ bất xứng; chúng tôi chỉ làm những gì theo phận sự của mình mà thôi” (Lk 17:10).


Những Tính Chất của Việc Giáo Hội Truyền Giáo ad gentes


37-       Theo mệnh lệnh phổ quát của Chúa Kitô, việc truyền giáo ad gentes không còn biết đến biên cương bờ cõi nữa. Tuy nhiên, để nắm vững được tình thế, cũng nên xác định một số mốc điểm cần thiết cho việc truyền giáo.


 (a)            Những Giới Hạn Về Lãnh Thổ. Hoạt động truyền giáo thường được xác định bởi những lãnh thổ riêng biệt. Công Đồng Chung Vaticanô II đã công nhân chiều kích lãnh thổ nơi việc truyền giáo ad gentes này (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 6), một chiều kích ngay cả tới ngày hôm nay đây vẫn còn quan trọng đối với việc phân định trách nhiệm, hoạt động và giới hạn về địa dư của hoạt động truyền giáo. Việc truyền giáo phổ quát chắc chắn bao hàm cả một quan điểm đại đồng. Thật vậy, Giáo Hội không để cho nhà truyền giáo của mình bị cản trở bởi các giới tuyến về địa dư hay các ngăn trở về chính trị. Tuy nhiên, cũng phải công nhận là, vì khác với việc mục vụ chăm sóc cho tín hữu, cũng như khác với việc tân truyền bá phúc âm hóa cho thành phần không sống đạo, hoạt động truyền giáo ad gentes chỉ thực hiện tại các lãnh thổ và các nhóm người được ấn định rõ ràng.


Chúng ta cũng không được ảo tưởng về việc phát triển thêm một số Giáo Hội mới trong những thời gian gần đây. Trong các lãnh thổ được ký thác cho các Giáo Hội này – đặc biệt là ở Á Châu, cũng như ở Phi Châu, ở Châu Mỹ La Tinh và ở Đại Dương Châu – vẫn còn có những vùng rộng lớn chưa được truyền bá phúc âm hóa. Nơi nhiều quốc gia có cả khối dân chúng và những lãnh vực văn hóa mang tầm vóc quan trọng vẫn chưa được nghe loan báo về Phúc Âm và về việc hiện diện của Giáo Hội địa phương (xem ibid., 20). Ngay cả nơi những xứ sở Kitô giáo lâu đời cũng có những miền còn đang được việc truyền giáo ad gentes đặc biệt thực hiện cho những nhóm người và những khu vực chưa được truyền bá phúc âm hóa. Bởi vậy, nơi cả những xứ sở này nữa, chẳng những cần đến việc tân truyền bá phúc âm hóa mà còn, ở một số trường hợp, cần đến việc bắt đầu truyền bá phúc âm hóa nữa (xem Diễn Từ ngỏ với các phần tử của Hội Nghị của Công Đồng Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, ngày 11-10-1985: AAS 78 – 1986 – 178-189).


Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có những trường hợp như nhau. Khi công nhận rằng những câu phát biểu về trách nhiệm truyền giáo của Giáo Hội sẽ không có công hiệu gì, nếu chúng không được nâng đỡ bằng một cuộc dấn thân thực sự cho việc tân truyền bá phúc âm hóa nơi các xứ sở Kitô giáo lâu đời, thì không có nghĩa là coi họ giống hệt như trường hợp của một dân tộc chưa bao giờ biết đến Chúa Giêsu Kitô, cũng như trường hợp của một dân tộc đã biết Người, chấp nhận Người và rồi lại phủ nhận Người, trong khi đó họ vẫn tiếp tục sống theo một nền văn hóa mà phần lớn được thấm nhiễm các nguyên tắc và giá trị Phúc Âm. Xét về đức tin thì đây là hai trường hợp khác nhau tận căn bản.


Bởi vậy, tiêu chuẩn về địa dư, mặc dầu có một cái gì đó không chính xác cho lắm và luôn luôn tạm bợ vậy thôi, cũng vẫn là một ấn định vững chắc về những giới tuyến được hoạt động truyền giáo nhắm tới. Có những xứ sở cũng như những lãnh vực về địa dư và về văn hóa thiếu những cộng đồng Kitô hữu bản xứ. Ở những nơi khác, những cộng đồng này lại quá nhỏ, đến nỗi không phải là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc hiện diện của Kitô giáo; hay họ thiếu năng động để truyền bá phúc âm hóa cho các cơ cấu tổ chức của họ, hoặc họ thuộc về một thành phần thiểu số không hội nhập với nền văn hóa chính của quốc gia. Đặc biệt ở Á Châu là lục địa mà việc truyền giáo của Giáo Hội ad gentes phải chủ yếu nhắm tới, Kitô hữu chỉ là một thiểu số nhỏ bé, mặc dù đôi khi có một con số trở lại đáng kể và có những gương sáng nổi bật qua việc hiện diện của Kitô hữu.


 (b)            Những tân thế giới và những hiện tượng mới. Những biến đổi nhanh chóng và sâu xa làm nên đặc tính của thế giới ngày nay, nhất là ở nam bán cầu, đang tác dụng mạnh trên toàn diện bức ảnh truyền giáo. Nơi mà trước kia có những trường hợp nhân bản và xã hội vững chắc thì nay mọi sự lại không ngừng chuyển biến. Chẳng hạn, người ta nghĩ đến việc thành thị hóa và việc các phố xá mọc lên như nấm, nhất là nơi có mật độ dân cư đông đúc. Ở nơi một số không ít quốc gia, hơn nửa dân số sống tại một vài địa điểm “megalopolises”, tức là nơi phát xuất các tệ nạn, thường gây ra bởi khối người tự cảm thấy cái vô danh phận của mình.


Trong thời đại tân tiến này, hoạt động truyền giáo cần phải được thực hiện đặc biệt ở những khu vực cô lập lẻ loi, xa biệt với các trung tâm văn minh, cũng là những nơi khó xâm nhập, bởi những khó khăn về truyền thông, ngôn ngữ hay khí hậu. Ngày nay, hình ảnh của việc truyền giáo ad gentes có lẽ đang thay đổi, đó là phải tập trung nỗ lực vào các thành thị lớn, nơi mà những tập tục và lối sống mới, xuất phát cùng với những thể thức mới về văn hóa và truyền thông là những yếu tố ảnh hưởng đến phần đông dân chúng. Người ta nghĩ đúng, “việc chọn thành phần cùng khốn nhất” tức là việc chúng ta không được chểnh mảng đối với những nhóm người bị bỏ rơi và lẻ loi nhất, thế nhưng, người ta nghĩ cũng không sai, đó là, nếu chúng ta bỏ rơi những trung tâm, nơi có thể nói, đang xuất hiện một thứ tân nhân loại, và là nơi đang hình thành những mô thức phát triển mới, thì có những con người hay những nhóm nhỏ sẽ không được truyền bá phúc âm hóa cho. Tương lai của các quốc gia trẻ trung đang hình thành tại các thành phố.


Nói đến tương lai, chúng ta không thể không nói đến giới trẻ, thành phần làm nên hơn nửa phần dân số ở nhiều quốc gia. Chúng ta làm sao có thể mang sứ điệp của Chúa Kitô đến cho giới trẻ không phải là Kitô hữu, thành phần tiêu biểu cho tương lai của toàn thể các đại lục. Những phương tiện thông thường trong hoạt động mục vụ rõ ràng cho thấy là vẫn chưa đủ: cái cần thiết ở đây đó là những hội đoàn, những tổ chức, những trung tâm và nhóm hội chuyên biệt, cũng như những khởi xướng về văn hóa và xã hội dành cho giới trẻ. Đây là một lãnh vực cho các phong trào tân thời của giáo hội hoạt động mạnh hơn.


Trong số những biến chuyển lớn đang xẩy ra trên thế giới hiện đại, việc di dân đã nẩy sinh ra một hiện tượng mới, đó là thành phần ngoài Kitô giáo đang tăng số rất đông tại các xứ sở Kitô giáo lâu đời, tạo nên những cơ hội mới mẻ cho việc tiếp xúc và trao đổi văn hóa, cũng như những cơ hội để Giáo Hội tỏ ra nồng hậu, đối thoại, trợ giúp, và, tắt một lời, thân ái. Trong số những người di dân, phải đề cao và chú trọng đến các người tị nạn. Ngày nay, trên thế giới có nhiều triệu người tị nạn, và con số những người tị nạn này không ngừng tăng lên. Họ đào thoát cho khỏi những hoàn cảnh bị đàn áp về chính trị và phải sống trong cùng khốn vô nhân bản, khỏi đói khát gây ra bởi những tỷ lệ về tai ương. Giáo Hội phải coi họ như một phần trong toàn thể mối quan tâm tông đồ của mình.


Sau hết, chúng ta cần đề cập tới những trường hợp nghèo khó – thường ở trên một mức độ không thể nào chấp nhận được – đã xẩy ra ở một số không ít xứ sở, và thường là nguyên cớ gây nên việc di dân đông đảo. Cộng đồng tín hữu trong Chúa Kitô phải đương đầu với những trường hợp vô nhân bản ấy, ở chỗ, họ phải loan báo Chúa Kitô và Vương Quốc của Thiên Chúa như là một phương tiện để phục hồi phẩm giá của con người cho những người này.


 (c)              Những lãnh vực văn hóa: hình ảnh tân thời của Công Hội Viện Hy Lạp. Sau khi rao giảng ở một số nơi, Thánh Phaolô đến Nhã Điển, nơi ngài vào Công Hội Viện của họ và loan báo Phúc Âm bằng ngôn ngữ thích hợp, dễ hiểu trong các khung cảnh đó (x. Acts 17:22-31). Vào thời bấy giờ, Công Hội Viện là tiêu biểu cho trung tâm văn hóa của thành phần học thức ở Nhã Điển, và ngày nay nó có thể được coi như một biểu hiệu cho các lãnh vực mới cần phải được loan báo Phúc Âm.


Công Hội Viện đầu tiên của thời hiện đại là lãnh giới truyền thông, một lãnh giới đang liên kết nhân loại lại và đang biến nhân loại thành cái gọi là “khu làng hoàn vũ”. Phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên quan trọng đến nỗi, đối với nhiều người, là phương tiện chính để trao đổi tin tức và giáo dục, để hướng dẫn và tác động hành vi cử chỉ nơi cá nhân, gia đình và trong xã hội nói chung. Nhất là đối với thế hệ trẻ trung đang lớn lên trong một thế giới được môi trường truyền thông vây bủa. Có lẽ thứ Công Hội Viện này đã bị bỏ bê ở một mức độ nào đó. Nói chung, chúng ta đã chú trọng đến các phương tiện khác để rao giảng Phúc Âm và để giáo dục Kitô hữu hơn, còn môi trường truyền thông thì bỏ mặc cho sáng kiến cá nhân hay cho các nhóm nhỏ nào đó, và đặt nó vào hàng thứ yếu trong chương trình mục vụ của mình. Thế nhưng, việc dấn thân vào môi trường truyền thông không phải chỉ để làm tăng cường thêm cho việc rao giảng Phúc Âm thôi. Còn có một thực tại sâu xa hơn chất chứa ở đó nữa: vì chính việc truyền bá phúc âm hóa cho văn hóa tân tiến ngày nay một phần lớn tùy thuộc vào ảnh hưởng của truyền thông, nên chỉ sử dụng truyền thông để quảng bá sứ điệp Kitô giáo và giáo huấn chân thực của Giáo Hội mà thôi chưa đủ. Cũng cần phải đưa sứ điệp vào “nền văn hóa mới” do các phương tiện truyền thông tân tiến tạo nên nữa. Đây là một vấn đề phức tạp, vì “nền văn hóa mới” này bắt nguồn chẳng những từ bất cứ những gì được tỏ hiện ra dần dần, mà còn ở chính những cách truyền đạt mới, với ngôn từ mới, với kỹ thuật mới và với một thứ tâm lý mới. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói rằng “việc phân ly giữa Phúc Âm và văn hóa là một thảm trạng không tránh được của thời đại chúng ta” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 20; loc. cit., 19), và ngành truyền thông hoàn toàn cho thấy rõ được nhận định này.


Còn nhiều hình thức Công Hội Viện khác trong thế giới tân tiến ngày nay là những mục tiêu được hoạt động truyền giáo của Giáo Hội nhắm đến; chẳng hạn, việc dấn thân cho hòa bình, phát triển và giải phóng các dân tộc; các quyền lợi của cá nhân cũng như của các dân tộc, nhất là của thành phần thiểu số; việc thăng tiến nữ giới và trẻ em; việc bảo vệ thế giới thiên nhiên. Cả những lãnh vực này nữa cũng cần phải được ánh sáng Phúc Âm soi chiếu.


Chúng ta cũng phải đề cập tới một Công Hội Viện bao rộng về văn hóa, về việc nghiên cứu khoa học cũng như về các mối liên hệ quốc tế cổ võ việc đối thoại và tạo nên những cơ hội mới. Chúng ta cũng phải để ý đến những lãnh vực hoạt động tân tiến này và phải tham gia vào làm việc. Người ta cảm thấy rằng, họ đang thực sự cùng nhau vượt qua biển cả cuộc đời, nên họ được kêu gọi hiệp nhất và đoàn kết với nhau đặc biệt hơn bao giờ hết. Những đường lối cho các vấn đề cấp thiết phải được mọi người bắt tay nhau để tìm hiểu, bàn bạc và giải quyết. Đó là lý do tại sao càng cần đến những tổ chức và hội nghị quốc tế cho nhiều lãnh vực của đời sống con người, từ văn hóa đến chính trị, từ kinh tế tới việc nghiên cứu. Kitô hữu sống và làm việc trong lãnh vực quốc tế phải luôn luôn nhớ đến phận vụ của mình trong việc làm chứng cho Phúc Âm.


38-       Thời điểm của chúng ta đây vừa đại thể lại vừa thu hút. Một đàng, người ta dường như đang theo đuổi sự thịnh vượng về vật chất và đang ngụp lặn sâu hơn bao giờ hết vào xu hường hưởng thụ và duy vật, thì đàng khác, chúng ta lại đang chứng kiến thấy một cuộc chán chường quay về tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, về nhu cầu sống nội tâm, về ước muốn học hỏi thêm những thể thức và phương pháp mới trong việc suy niệm cũng như cầu nguyện. Người ta đang tìm kiếm chiều kích thiêng liêng của đời sống như là một chất giải độc sau đó cho tình trạng suy giảm nhân bản, chẳng những ở nơi có các nền văn hóa nặng về yếu tố đạo nghĩa, mà còn ở cả những nơi xã hội bị tục hóa nữa. Hiện tượng này – được gọi là hiện tượng “hồi sinh đạo nghĩa” – mang một tính cách không phải là không mập mờ, song nó cũng cho thấy đó là một cơ hội tốt. Giáo Hội mang trong mình một di sản thiêng liêng vĩ đại để cống hiến cho nhân loại, một di sản trong Chúa Kitô, Đấng gọi mình “là đường, là sự thật và là sự sống”  (Jn 14:6), tức là đường lối của Kitô giáo, một đường lối dẫn con người đến gặp gỡ Thiên Chúa, đến việc nguyện cầu, đến việc hãm mình khổ chế, cũng như đến việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Đây cũng là một “Công Hội Viện” cần phải được truyền bá phúc âm hóa nữa. 


Trung Thành với Chúa Kitô và Phát Huy Tự Do Con Người


39-       Tất cả mọi hình thức của hoạt động truyền giáo đều được đánh dấu bởi nhận thức là, con người đang cổ võ quyền tự do của con người bằng việc loan báo Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội phải trung thành với Chúa Kitô là Đấng Giáo Hội là Thân Thể và là Đấng có sứ mệnh đang được Giáo Hội tiếp nối. Giáo Hội cần phải “đi cùng một con đường Chúa Kitô đã đi – tức là con đường nghèo khó, tuân phục, phục vụ và tự hy hiến bản thân mình cho đến chết để trở thành Đấng chiến thắng bằng việc Phục Sinh của mình” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 5; xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 8). Bởi thế, Giáo Hội buộc phải làm mọi sự có thể để thực hiện sứ mệnh truyền giáo của mình trong thế giới và cho tất cả mọi dân tộc. Giáo Hội có quyền làm điều này, một quyền lợi Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội để hoàn thành dự án của Ngài. Quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi có những lúc vẫn còn bị giới hạn và ngăn chặn, vốn là quyền lợi tiên quyết và bảo đảm cho tất cả mọi quyền tự do khác, những quyền tự do bảo toàn công ích cho cá nhân cũng như dân chúng. Người ta cần phải hy vọng là tất cả mọi người ở khắp mọi nơi sẽ được hưởng quyền tự do tôn giáo đích thực. Giáo Hội tranh đấu cho quyền tự do này ở tất cả mọi xứ sở, nhất là ở những xứ sở đa số là Công Giáo, nơi Giáo Hội có một ảnh hưởng lớn. Thế nhưng, đây không phải là vấn đề tôn giáo của số đông hay của số ít, mà là vấn đề của quyền lợi bất khả tách lìa của mỗi một con người và mọi con người.


Về phần mình, Giáo Hội hướng về con người bằng tất cả lòng tôn trọng quyền tự do của họ (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo Dignitatis Humanae, đoạn 3-4; ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 79-80: loc. cit., 71-75; ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptor Hominis, đoạn 12: loc. cit., 278-281). Sứ mệnh của Giáo Hội không làm hạn chế quyền tự do mà trái lại còn cổ động cho nó nữa. Giáo Hội tôn trọng cá nhân cũng như văn hóa, và Giáo Hội tôn kính thánh cung lương tâm của con người. Với những ai chống lại hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, vì những lý do khác nhau nào đó, Giáo Hội lập lại là Xin hãy mở cửa cho Chúa Kitô!


Đến đây, Tôi muốn ngỏ lời cùng tất cả mọi Giáo Hội riêng, mới cũng như cũ. Thế giới đang vững vàng tiến tới chỗ liên kết với nhau hơn, nên tinh thần Phúc Âm phải làm cho chúng ta vượt qua những chướng ngại về văn hóa cũng như về quốc gia dân tộc, bằng cách tránh đi tất cả mọi thái độ cô lập. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV đã cảnh giác các nhà truyền giáo thời của ngài cho họ khỏi “quên phẩm vị xứng hợp của họ và nghĩ đến quê hương trần gian của họ hơn là đến quê hương trên trời” (Thông Điệp Maximum Illud: loc. cit., 446). Lời khuyên nhủ tương tự sau đây vẫn còn công hiệu cho ngày hôm nay đối với các Giáo Hội riêng: Hãy mở cửa cho các nhà truyền giáo, vì “mỗi một Giáo Hội riêng tự ý muốn tách mình ra khỏi Giáo Hội hoàn vũ, thì sẽ bị mất đi mối liên hệ với dự án của Thiên Chúa, và sẽ trở thành nghèo nàn về mặt giáo hội của mình” (Đức Thánh Cha Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 62: loc. cit., 52).


Hướng Chú Ý tới Miền Nam và Miền Đông


40-       Ngày nay, hoạt động truyền giáo vẫn cho thấy đó là cả một thách đố lớn lao nhất đối với Giáo Hội. Đã gần kết thúc đệ nhị Thiên Niên của Công Cuộc Cứu Chuộc rồi mà vẫn thấy rõ là nhiều người trong đa số nhân loại vẫn chưa được nghe rao giảng về Chúa Kitô lần đầu tiên gì cả. Các thành quả của hoạt động truyền giáo trong thời đại tân tiến hết sức là tốt đẹp. Giáo Hội đã được thiết lập trên mọi lục địa; thật thế, ngày nay đa số tín hữu và các Giáo Hội riêng không còn phải chỉ có nguyên ở Âu Châu nữa, mà là ở trên các lục địa được các nhà truyền giáo gieo vãi đức tin.


Tuy nhiên, sự kiện về “tận cùng trái đất” là nơi Phúc Âm phải được mang đến vẫn càng ngày càng xa cách hơn bao giờ hết. Lời của giáo phụ Tertullianô về việc Phúc Âm được loan truyền khắp cùng trái đất và cho tất cả mọi dân tộc (xem De Praescriptione Haereticorum, XX: CCL I, 201f) vẫn còn rất xa vời với thực tại. Việc truyền giáo ad gentes vẫn còn trong tình trạng non nớt của mình. Các dân tộc mới xuất hiện trên khung cảnh thế giới, và cả họ nữa cũng có quyền để nghe loan báo về ơn cứu độ. Việc phát triển dân số nơi các đất nước không phải Kitô giáo ở Miền Nam và Miền Đông đang không ngừng tăng nhân số, thành phần vẫn chưa biết gì đến Việc Cứu Chuộc của Chúa Kitô cả.


Thế nên, chúng ta cần hướng chú ý của mình tới những miền đất và những môi trường văn hóa còn đang ở ngoài ảnh hưởng của Phúc Âm. Tất cả mọi người tin tưởng nơi Chúa Kitô phải cảm thấy, như một phần nguyên vẹn thuộc đức tin của mình, mối quan tâm tông đồ trong việc truyền đạt cho những người khác ánh sáng và niềm vui của đức tin. Mối quan tâm này phải trở nên thực sự là một niềm đói khát trong việc làm cho Chúa được nhận biết, được trao ban cho cả một thế giới lớn rộng ngoài Kitô giáo.