THÔNG ĐIỆP DIVES IN MISERICORDIA
(THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG XÓT THƯƠNG)
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II
NGÀY 30 THÁNG 10 NĂM 1980
***
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
***
Gửi đến các Hiền Đệ,
Những người con trai và con gái thân yêu,
Lời cầu nguyện và chúc lành Tòa Thánh.
I. AI THẤY THẦY LÀ THẤY CHÚA CHA (Ga 14, 9)
1. Mạc Khải Về Lòng Thương Xót
“Thiên Chúa giàu lòng thương xót”[1] là Đấng mà Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta biết là Cha: Chính Người là Con Thiên Chúa đã tỏ lộ và cho chúng ta biết Cha nơi chính bản thân mình.[2] Về mạc khải này, điều đáng nhớ là lúc Philipphê, một trong mười hai tông đồ, thưa với Đức Kitô: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”; Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.[3] Những lời ấy đã được nói lên trong diễn từ giã biệt, vào cuối bữa ăn Vượt qua, vào thời điểm sắp diễn ra những ngày thánh, là những biến cố khẳng định dứt khoát rằng: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô”.[4]
Theo giáo huấn Công Đồng Vatican II, và xét tới những nhu cầu đặc biệt của thời đại chúng ta đang sống, tôi đã dành Thông điệp Redemptor Hominis vào việc trình bày chân lý về con người mà trong Đức Kitô chân lý đó đã được mạc khải cho chúng ta cách đầy đủ và sâu xa. Cũng với đòi hỏi quan trọng như thế, trong thời buổi nguy kịch và khó khăn này, lại thúc đẩy tôi một lần nữa khám phá trong chính Đức Kitô dung nhan Chúa Cha là “Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an”.[5] Quả thế, người ta đọc được trong Hiến chế Gaudium et Spes: “Là Adam mới, Đức Kitô… tỏ lộ đầy đủ con người cho chính con người và khiến con người thấy được sứ mệnh cao cả của mình”; Người làm điều ấy ngay “trong chính việc mạc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình thương của Ngài”.[6] Những lời lẽ như thế chứng thực rất rõ ràng việc tỏ lộ con người trong phẩm giá đầy đủ của nhân tính, không thể nào có được nếu không quy về Thiên Chúa chẳng những về mặt khái niệm mà cả về mặt hiện hữu. Con người và sứ mệnh cao cả nhất của họ được khám phá ra trong Đức Kitô nhờ sự mạc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình thương của Ngài.
Chính vì vậy mà bây giờ chúng ta nên hướng về mầu nhiệm đó. Những kinh nghiệm của Giáo Hội và của con người ngày nay mời gọi chúng ta làm như thế. Những khát vọng của biết bao tâm hồn con người, những đau khổ và những hy vọng, những âu lo và những trông chờ của họ cũng đều đòi hỏi việc đó. Nếu thực sự con người theo một nghĩa nào đó là con đường của Giáo Hội - như tôi đã nói trong Thông điệp Redemptor Hominis - thì đồng thời Tin Mừng và toàn bộ Truyền thống cũng không ngừng chỉ rõ chúng ta phải cùng với mọi người đi con đường này, đúng như Chúa Kitô đã vạch ra bằng cách mạc khải Chúa Cha và tình thương của Ngài nơi chính bản thân mình.[7] Trong Đức Giêsu Kitô, theo cách thức đã được chỉ định cách dứt khoát cho Giáo Hội trong quá trình thay đổi của thời gian, đi về phía con người là đồng thời tiến gần đến Chúa Cha và tình thương của Ngài. Công Đồng Vatican II đã xác định chân lý đó cho thời đại chúng ta.
Sứ mệnh của Giáo Hội càng được tập trung vào con người thì có thể nói sứ mệnh đó càng phải được khẳng định và thực hiện theo cách thức tập trung vào Thiên Chúa, nghĩa là trong Đức Giêsu Kitô hướng về Chúa Cha. Trong khi các luồng tư tưởng khác nhau, cổ đại và đương đại, đã từng và tiếp tục có khuynh hướng tách biệt hay thậm chí đối chọi tập trung vào Thiên Chúa với tập trung vào con người, thì trái lại, Giáo Hội theo chân Đức kitô, vẫn tìm cách bảo đảm sự liên kết hữu cơ và sâu xa giữa hai sự tập trung ấy trong lịch sử loài người. Đó là một trong những nguyên tắc căn bản, và có lẽ còn là nguyên tắc quan trọng nhất của giáo huấn Công Đồng Vatican II. Như vậy, nếu chúng ta có ý lấy việc thực hành giáo huấn của Công Đồng vĩ đại này làm nhiệm vụ chính trong giai đoạn hiện tại của lịch sử Giáo Hội, chúng ta cần quy chiếu về nguyên tắc ấy với đức tin, với sự khai mở trí năng và hết lòng mình. Trong Thông điệp của tôi đã được nhắc tới trên đây, tôi đã cố gắng nhấn mạnh rằng việc nghiên cứu sâu sắc và sự phong phú đa dạng về ý thức Giáo Hội vốn là kết quả của Công Đồng, phải mở trí lòng chúng ta rộng hơn cho Đức Kitô. Hôm nay, tôi muốn nói rằng sự khai mở cho Đức Kitô là Đấng Cứu chuộc thế gian và mạc khải đầy đủ con người cho con người chỉ có thể thực hiện được bằng cách quy chiếu sâu sắc hơn mãi về Chúa Cha và về tình thương của Ngài.
2. Nhập Thể và Lòng Thương Xót
Thiên Chúa, “Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm”,[8] Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy, cũng nói với con người thông qua hình ảnh vũ trụ: thực vậy, “những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người”.[9] Sự hiểu biết gián tiếp và bất toàn này là việc của trí khôn tìm kiếm Thiên Chúa trong thế giới hữu hình thông qua các thụ tạo của Ngài, chưa phải là “thấy Chúa Cha”. “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ ”, như Thánh Gioan đã viết để làm nổi bật hơn chân lý này mà theo đó “Con Một vốn là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”.[10] Sự “mạc khải” này biểu lộ Thiên Chúa trong mầu nhiệm vô phương dò thấu của hữu thể Ngài - một và ba – bao quanh bằng một “ánh sáng siêu phàm”.[11] Tuy nhiên, trong sự “mạc khải” này của Đức Kitô, chúng ta nhận biết Thiên Chúa trước tiên là trong tình thương của Ngài đối với con người, trong lòng “nhân hậu và lòng yêu thương” của Ngài.[12] Nơi đó, “những hoàn hảo vô hình của Ngài” trở nên “hữu hình”, mà “hữu hình” này thì muôn ngàn lần rõ hơn các công trình khác đã “do Ngài làm ra”: những hoàn hảo đó trở nên hữu hình trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, trong các hành động và lời nói của Người, và sau cùng trong sự chết của Người trên thánh giá và sự sống lại của Người.
Như vậy, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa trở nên hữu hình trong lòng thương xót của Ngài, nghĩa là làm nổi bật ưu phẩm của Ngài, ưu phẩm mà trong Cựu Ước qua nhiều hạn từ và khái niệm khác nhau đã từng xác định như “lòng thương xót”. Đức Kitô trao ý nghĩa chung cuộc cho toàn thể truyền thống Cựu Ước về lòng thương xót của Thiên chúa. Chẳng những Người nói và giảng giải về lòng thương xót bằng những hình ảnh và những dụ ngôn, mà còn làm cho lòng thương xót này nhập thể và nhân cách hoá nó. Theo một nghĩa nào đó, Người chính là lòng thương xót. Đối với những ai thấy và tìm ra được lòng thương xót đó nơi Người, Thiên Chúa trở nên “hữu hình” như là Chúa Cha “giàu lòng thương xót”.[13]
Có lẽ nhiều hơn não trạng con người ngày xưa, não trạng ngày nay xem ra đối nghịch với Thiên Chúa có lòng thương xót và có khuynh hướng loại bỏ khỏi đời sống và lấy đi khỏi lòng người chính khái niệm lòng thương xót. Hạn từ và ý niệm “lòng thương xót” xem ra gây khó chịu cho con người, vốn đã trở nên người chủ trái đất mà họ đã khuất phục và thống trị.[14] Sự thống trị trái đất như thế, đôi khi được hiểu cách một chiều và nông cạn, xem ra không còn chỗ cho lòng thương xót. Tuy nhiên, về mục này, chúng ta có thể viện dẫn một cách hữu ích hình ảnh “về hoàn cảnh con người trong thế giới ngày nay” như đã được vạch ra ở đầu Hiến chế Gaudium et Spes. Ở đó, người ta có thể đọc thấy: “Như vậy, thế giới ngày nay tỏ ra vừa mạnh vừa yếu, có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp nhất hoặc xấu xa nhất, và con đường mở ra trước mặt nó dẫn đến sự tự do hoặc nô lệ, dẫn đến sự tiến bộ hoặc thoái hoá, tình huynh đệ hoặc sự hận thù. Đàng khác, con người ý thức rằng sự điều khiển đúng hướng những sức mạnh mà con người đã sử dụng và những sức mạnh đó có thể đè bẹp hoặc phục vụ con người đều tuỳ thuộc con người ”.[15]
Hoàn cảnh thế giới ngày nay không phải chỉ biểu lộ những thay đổi có thể khiến con người hy vọng vào một tương lai trần thế tốt đẹp hơn, nhưng còn cho thấy nhiều mối đe dọa vượt hẳn những đe dọa đã được biết cho đến nay. Không ngừng tố giác những đe dọa ấy vào nhiều cơ hội khác nhau (như trong những lần lên tiếng tại Liên Hiệp Quốc, tại tổ chức LHQ về giáo dục, khoa học và văn hóa (UNESCO), tại Tổ chức Lương Nông (FAO) và các nơi khác), Giáo Hội phải đồng thời nhìn những đe dọa ấy dưới ánh sáng chân lý nhận được từ Thiên Chúa.
Được mạc khải trong Đức Kitô, chân lý về Thiên Chúa “Cha giàu lòng từ bi lân ái”[16] cho phép chúng ta “thấy” Ngài đặc biệt gần gũi con người, nhất là khi con người đau khổ, khi con người bị đe dọa ngay ở căn bản cuộc sống và phẩm giá của mình. Và chính vì vậy, mà trong hoàn cảnh hiện tại của Giáo Hội và của thế giới, tôi có thể nói một cách tự nhiên là rất nhiều người và rất nhiều giới được hướng dẫn bởi một niềm tin sắc bén đang tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa. Chắc chắn họ đã được thúc đẩy bởi Đức Kitô, Đấng qua Thần khí của mình đã và đang hoạt động tận thâm tâm họ. Quả thế, mầu nhiệm Thiên Chúa như “Cha đầy lòng thương xót” mà Người đã mạc khải cho chúng ta trở thành như một lời kêu gọi gửi đến Giáo Hội, khi đứng trước những gì hiện đang đe dọa con người.
Trong Thông điệp này, Tôi mong muốn đáp lại lời kêu gọi đó. Tôi mong muốn dùng lại ngôn ngữ vĩnh cửu cũng là ngôn ngữ giản dị và sâu sắc khôn sánh để diễn đạt qua ngôn ngữ đó một lần nữa những mối ưu tư lớn lao của thời đại chúng ta trước mặt Thiên Chúa và loài người.
Quả thế, mạc khải và đức tin không dạy chúng ta suy niệm một cách trừu tượng về mầu nhiệm Thiên Chúa là: “Cha giàu lòng thương xót” cho bằng biết cầu đến lòng thương xót ấy nhân danh Đức Kitô và trong sự kết hợp với Người. Đức Kitô há đã chẳng từng dạy chúng ta rằng Cha chúng ta, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo”[17] vẫn luôn trông chờ chúng ta chạy tới Ngài trong mọi nhu cầu của chúng ta và luôn trông chờ chúng ta tìm hiểu về mầu nhiệm của Ngài: mầu nhiệm Chúa Cha và tình thương của Ngài sao?.[18]
Vì vậy, tôi mong rằng những suy nghĩ ở đây làm cho mầu nhiệm ấy gần gũi với mọi người hơn và đồng thời cũng trở thành lời kêu gọi thiết tha của Giáo Hội tới lòng thương xót mà con người và thế giới ngày nay rất cần đến. Họ cần đến lòng thương xót, cho dù nhiều khi họ không biết như vậy.
II. SỨ ĐIỆP CỨU THẾ
3. Khi Đức Kitô Bắt Đầu Hoạt Động và Giảng Dạy
Tại Nazaret, trước những người đồng hương, Đức Kitô viện dẫn lời tiên tri Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”.[19] Theo Thánh Luca, các câu trên là tuyên ngôn cứu thế đầu tiên của Đức Kitô, nó sẽ được nối tiếp bằng những việc làm và lời nói mà Tin Mừng cho chúng ta biết. Bằng những việc làm và lời nói này, Đức Kitô làm cho Chúa Cha hiện diện giữa loài người. Điều rất ý nghĩa là loài người ở đây trước hết lại là những người nghèo khó, không công ăn việc làm, những người bị tước đoạt tự do, những người đui mù không thấy được vẻ đẹp của vũ trụ, những người đang sống với tâm hồn tan nát, những người đau khổ vì bất công xã hội, và sau cùng là những người tội lỗi. Chính vì đặc biệt đối với những người như thế mà Đấng Cứu thế trở nên một dấu chỉ rất rõ ràng cho sự kiện Thiên Chúa là tình thương, Người trở nên dấu chỉ của Chúa Cha. Trong dấu chỉ hữu hình này, con người ở thời đại chúng ta, cũng như con người thời đó, đều có thể thấy Chúa Cha.
Điều đó có ý nghĩa là, khi những sứ giả được Gioan Tẩy Giả phái đến gặp Chúa Giêsu để hỏi Người: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”,[20] Đức Giêsu lại viện dẫn chứng từ mà Người đã dùng để bắt đầu công việc giảng dạy của mình ở Nazaret để trả lời họ: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. Và sau đó Người kết luận: “Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!”.[21]
Một cách đặc biệt bằng lối sống và những hành động của mình, Chúa Giêsu đã mạc khải tình thương hiện diện như thế trong thế giới chúng ta sống, tình thương tích cực, tình thương được gởi đến cho con người, tình thương đó bao gồm tất cả những gì làm thành nhân tính của con người. Tình thương này càng nổi bật hơn cả khi tiếp xúc với đau khổ, với bất công, với nghèo khó, khi tiếp xúc với tất cả “thân phận con người” trong lịch sử. Cách này hay cách khác, thân phận đó biểu lộ tính chất hữu hạn và mong manh của con người, cả về thể xác lẫn tinh thần. Do đó, theo ngôn ngữ Thánh Kinh, các cách thức và những lãnh vực nào tình thương được biểu lộ, được gọi là “lòng thương xót”.
Như thế, Đức Kitô mạc khải Thiên Chúa là Cha, là “tình thương”, như Thánh Gioan đã nói trong thư thứ nhất của ngài;[22] Người mạc khải Thiên Chúa “giàu lòng thương xót”, như chúng ta đọc thấy trong Thánh Phaolô.[23] Còn hơn một đề tài giảng dạy, chân lý này là một thực tại đã được Đức Kitô làm cho hiện diện nơi chúng ta. Biểu lộ Chúa Cha như tình thương và lòng thương xót đó là, trong ý thức của chính Đức kitô, diễn đạt chân lý nền tảng của sứ mệnh cứu thế của Người; những lời lẽ đã được nói lên trước hết ở hội đường Nazaret, rồi trước mặt các môn đồ của Người và những sứ giả do Gioan Tẩy Giả phái đến, xác nhận cho chúng ta điều đó.
Dựa vào cách thức biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa là Cha, là tình thương và lòng thương xót, Chúa Giêsu đã lấy lòng thương xót làm một trong những chủ đề giảng dạy chính yếu của mình. Như thường lệ, trước hết, Người giảng dạy “bằng những dụ ngôn”, bởi vì những dụ ngôn diễn đạt tốt hơn yếu tính của vấn đề. Chỉ cần nhắc lại dụ ngôn người con hoang đàng,[24] hoặc thêm dụ ngôn người Samaritan nhân hậu,[25] ngay cả dụ ngôn tương phản là dụ ngôn người tôi tớ ác nghiệt nữa.[26] Trong lời giảng dạy của Đức Kitô, nhiều đoạn nói lên tình thương - lòng thương xót dưới một khía cạnh luôn mới mẻ. Chúng ta chỉ cần nhìn vào Người Chăn Chiên tốt đi tìm con chiên lạc,[27] hoặc người đàn bà quét nhà để tìm đồng bạc đánh mất là đủ.[28] Tác giả sách Tin Mừng viết đặc biệt về những đề tài như thế trong lời giảng dạy của Đức Kitô là Thánh Luca, và Tin Mừng của ngài đã xứng đáng được gọi là “Tin Mừng về lòng thương xót”.
Về việc giảng dạy nói trên, có một vấn đề cực kỳ quan trọng là vấn đề ý nghĩa của các từ và nội dung của khái niệm, nhất là khái niệm “lòng thương xót” (trong tương quan với khái niệm “tình thương”). Hiểu rõ những từ và khái niệm này là nắm được chìa khóa cho phép hiểu chính thực tại lòng thương xót. Và đó là điều cần thiết cho chúng ta hơn cả. Tuy nhiên, trước khi dành một phần khác trong những suy nghĩ của chúng ta cho vấn đề ấy, nghĩa là trước khi thiết lập (xác định) ý nghĩa các từ và nội dung riêng của khái niệm “lòng thương xót”, chúng ta cần nhận thấy rằng, khi mạc khải tình thương - lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Kitô đã đồng thời đòi hỏi con người phải để cho tình thương - lòng thương xót hướng dẫn họ trong cuộc sống. Đòi hỏi này thuộc về chính yếu tính của sứ điệp cứu thế và làm thành yếu tính của đạo đức (ethos) Tin Mừng. Người nói lên điều ấy vừa bằng điều răn đã được Người xác định như “điều răn lớn nhất”,[29] vừa dưới hình thức chúc phúc, khi Người tuyên bố trong Bài Giảng Trên Núi: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.[30]
Như vậy, sứ điệp cứu thế về lòng thương xót có một chiều kích đặc biệt cả thần linh lẫn nhân loại. Khi trở thành tình thương nhập thể, tình thương được biểu lộ với một sức mạnh đặc biệt đối với những người đau khổ, những người bất hạnh và những người tội lỗi, Đức Kitô, Đấng hoàn tất làm cho Chúa Cha hiện diện và cũng mạc khải đầy đủ hơn Chúa Cha là Thiên Chúa “giàu lòng thương xót”. Đồng thời, khi trở nên gương mẫu cho con người về tình thương xót đối với kẻ khác, bằng việc làm hơn bằng lời nói, Đức Kitô công bố lời mời gọi hãy có lòng thương xót bởi vì đó là một trong những yếu tố cốt yếu của đạo đức Tin Mừng. Vấn đề ở đây không phải chỉ là thực hiện một điều răn hay một đòi hỏi có tính đạo đức nhưng còn là chu toàn một điều kiện tối quan trọng để Thiên Chúa có thể tự mạc khải qua lòng thương xót của Ngài đối với con người: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.
III. KINH THÁNH CỰU ƯỚC
4. Khái Niệm Lòng Thương Xót Trong Cựu Ước
Trong Cựu Ước, khái niệm “lòng thương xót” có một lịch sử lâu dài và phong phú. Chúng ta phải quay trở lại lịch sử này thì mới thấy toả sáng đầy đủ lòng thương xót mà Đức Kitô đã mạc khải. Khi trình bày lòng thương xót qua việc làm và lời giảng dạy, Đức Kitô đã ngỏ lời với những người chẳng những đã nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa mà còn với tư cách là Dân Thiên Chúa của Giao Ước cũ, những người ấy đã từng rút ra từ lịch sử lâu đời của mình một kinh nghiệm đặc biệt về lòng thương xót của Thiên Chúa. Kinh nghiệm này vừa có tính xã hội và cộng đồng, vừa có tính cá nhân và nội tâm.
Thật vậy, Israel đã là dân Giao Ước với Thiên Chúa, một Giao Ước mà họ đã vi phạm nhiều lần. Khi họ đã ý thức được sự bất trung của chính mình thì họ khẩn nài đến lòng thương xót; và trong suốt lịch sử Israel, không thiếu những người và những Ngôn Sứ lay tỉnh ý thức ấy. Các sách Cựu Ước để lại cho chúng ta nhiều chứng từ về mặt này. Trong số những sự việc và bản văn quan trọng nhất, chúng ta có thể nhắc lại: buổi đầu lịch sử các Thẩm phán,[31] lời Salomon cầu nguyện khi cung hiến Đền thờ,[32] đoạn kết của Ngôn Sứ Mica,[33] những đoan hứa đầy khích lệ trong Isaia,[34] lời khẩn nài của dân Do Thái bi lưu đày,[35] lễ ký lại giao ước sau khi từ chốn lưu đày trở về.[36]
Điều có ý nghĩa là các Ngôn Sứ, khi giảng dạy, vẫn nối kết lòng thương xót, mà họ thường nói tới bởi vì những tội lỗi của dân, với hình ảnh tình thương nồng nàn của Thiên Chúa đối với dân. Thiên Chúa thương yêu dân Israel bằng một tình thương tuyển chọn đặc biệt, giống như tình thương của một người chồng,[37] và vì vậy Ngài tha thứ cho dân Israel những tội lỗi và thậm chí những bất trung và phản bội của họ nữa. Khi Ngài thấy được sự sám hối và sự trở lại đích thực, Ngài phục hồi dân Ngài trong ân sủng của Ngài.[38] Trong lời các Ngôn Sứ giảng dạy, lòng thương xót có nghĩa là một sức mạnh đặc biệt của tình thương, mạnh hơn tội lỗi và sự bất trung của dân đã được chọn.
Trong bối cảnh “xã hội” rộng lớn đó, lòng thương xót xuất hiện trong tương quan với kinh nghiệm nội tâm của từng người trong số những người sống trong tình trạng tội lỗi, lâm cảnh đau khổ hay bất hạnh. Sự dữ thể lý cũng như sự dữ tinh thần tức tội lỗi là nguyên do khiến con cái Israel đến với Thiên Chúa và khẩn cầu lòng thương xót của Ngài. Chính bằng cách đó mà Đavít đã trở về với Ngài khi ý thức đầy đủ sự trầm trọng tội lỗi của mình;[39] Gióp cũng vậy, sau những nổi loạn đã trở về với Thiên Chúa trong cảnh bất hạnh kinh khủng của ông.[40] Esther cũng đến với Ngài khi ý thức về mối đe dọa diệt vong bao phủ dân mình.[41] Và chúng ta còn tìm thấy nhiều trường hợp khác nữa trong các sách Cựu Ước.[42]
Từ cội nguồn niềm xác tín đa dạng, cộng đồng và cá nhân này mà toàn bộ Cựu Ước đã chứng tỏ, là kinh nghiệm nền tảng của dân được tuyển chọn, kinh nghiệm đã có vào buổi Xuất Hành của dân được chọn: Thiên Chúa đã thấy cảnh khốn khổ của dân Ngài dưới ách nô lệ, Ngài đã nghe những tiếng họ kêu than, đã thấu suốt những lo âu của họ và đã quyết tâm giải thoát họ.[43] Trong hành động cứu độ này mà Chúa thực hiện, người Ngôn Sứ nhận ra được tình thương và lòng trắc ẩn của Ngài.[44] Chính đó là cội rễ của niềm tín thác mà toàn dân và từng người trong dân đặt vào nơi lòng thương xót Chúa, và có thể kêu cầu lòng thương xót này trong mọi hoàn cảnh bi thảm.
Thêm vào đó, sự khốn khổ của con người cũng chính là tội lỗi của họ. Dân của Cựu Ước từng biết sự khốn khổ này ngay từ thời Xuất Hành, khi họ dựng nên con bò vàng. Chính Thiên Chúa đã chiến thắng hành động cắt đứt Giao Ước ấy khi long trọng tuyên bố với Môsê: “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”.[45] Chính trong mạc khải trọng tâm này mà dân được chọn và từng người trong dân ấy sẽ tìm thấy, sau mọi lỗi phạm, sức mạnh và lý do để quay về với Chúa ngõ hầu xin Ngài nhớ lại điều do chính Ngài đã mạc khải[46] và khẩn cầu Ngài sự tha thứ.
Như vậy, bằng hành động cũng như bằng lời nói, Đức Chúa đã mạc khải lòng thương xót ngay từ khi Ngài chọn dân Israel; và trải qua suốt lịch sử của họ, trong những nỗi bất hạnh cũng như trong nhận thức tội lỗi của họ, dân ấy đã không ngừng cậy trông nơi Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Tất cả mọi sắc thái của tình thương đều được biểu lộ trong lòng thương xót của Chúa đối với dân Ngài: Ngài là Cha họ,[47] bởi vì Israel là con đầu lòng của Ngài;[48] Ngài cũng là vị hôn phu của dân được Ngôn Sứ loan báo cho một tên mới: Ruhamah, “được yêu thương” hay “sẽ được hưởng lòng thương xót”.[49]
Ngay cả khi, vì không chịu nổi sự bất trung của dân Ngài, Đức Chúa định tâm chấm dứt Giao Ước với họ cho xong, thì lòng trìu mến và tình thương đại độ của Ngài đối với dân vẫn thắng được cơn thịnh nộ của Ngài.[50] Do đó, người ta hiểu tại sao khi các tác giả thánh vịnh tìm cách hát lên những lời ngợi khen Chúa sâu sắc nhất thì họ cất tiếng ca ngợi Thiên Chúa của tình thương, niềm trìu mến, lòng thương xót và dạ trung thành.[51]
Tất cả những điều trên chứng tỏ rằng lòng thương xót không chỉ là thành phần trong khái niệm Thiên Chúa, mà còn tiêu biểu cho cuộc sống của toàn thể dân Israel, của từng người dân: nó là nội dung của sự thân mật giữa họ với Chúa, nội dung cuộc đối thoại giữa họ với Ngài. Về phương diện này, lòng thương xót được nói lên bằng một lối diễn đạt rất phong phú trong nhiều sách khác nhau của Cựu Ước. Hẳn khó tìm trong những sách này một câu trả lời thuần lý thuyết cho câu hỏi lòng thương xót chính xác là gì. Tuy nhiên, thuật ngữ mà các sách ấy dùng đã có đầy đủ những giáo huấn về vấn đề này.[52]
Cựu Ước công bố lòng thương xót của Chúa bằng cách dùng nhiều từ có ý nghĩa gần gũi nhau: nếu như các từ này mang những nội dung ý nghĩa khác nhau thì có thể nói được là chúng cùng quy về một nội dung căn bản duy nhất, để nói lên sự phong phú siêu việt của nội dung ấy và để đồng thời cho thấy sự phong phú này, về nhiều phương diện, liên hệ biết bao đến con người. Cựu Ước khuyến khích những kẻ bất hạnh, nhất là những ai nặng gánh tội lỗi - cũng như toàn thể dân Israel là dân đã từng ưng thuận giao ước với Thiên Chúa - hãy kêu cầu tới lòng thương xót và cho phép họ tin cậy vào đó; những khi sa ngã và ngã lòng, Cựu Ước nhắc họ lại lòng thương xót. Cựu Ước cũng cảm tạ và tôn vinh lòng thương xót mỗi lần lòng thương xót được biểu lộ và được thực hiện trong cuộc sống của dân hay nơi một con người.
Như vậy, theo một nghĩa nào đó, lòng thương xót đứng ở thế đối lập với sự công bình của Thiên Chúa, và trong rất nhiều trường hợp, lòng thương xót được mạc khải không những mạnh mẽ hơn mà còn có tính nền tảng hơn sự công bình. Cựu Ước từng dạy cho chúng ta rằng, nếu sự công bình là một nhân đức đích thực và nếu nó có nghĩa là một hoàn hảo siêu việt nơi Thiên Chúa thì tình thương vẫn “cao cả” hơn sự công bình: cao cả hơn theo nghĩa là đầu tiên và căn bản. Tình thương nói được là điều kiện của sự công bình và rốt cuộc, sự công bình phải phục vụ đức ái. Vị trí hàng đầu và trổi vượt của đức ái trên sự công bình (một đặc điểm của toàn thể mạc khải) được biểu lộ ngay trong lòng thương xót. Đó là điều rõ rệt đối với các tác giả Thánh Vịnh và các Ngôn Sứ đến nỗi từ công bình lại có nghĩa là ơn cứu độ do Chúa và lòng thương xót của Ngài thực hiện.[53] Lòng thương xót khác biệt nhưng không đối lập với sự công bình nếu chúng ta chấp nhận, (như chính Cựu Ước chấp nhận) rằng Thiên Chúa có mặt trong lịch sử con người và với tư cách là Đấng Tạo Hóa, đã tự ràng buộc với thụ tạo của Ngài bằng một tình thương đặc biệt. Tự bản chất, tình thương loại trừ sự thù ghét và mong muốn điều ác đối với người đã từng được mình tự hiến cho: “Nihil odisti corum quae fecisti”, “không chê ghét những gì đã làm ra”.[54] Những lời này cho thấy nền tảng sâu xa của tương quan giữa công bình và lòng thương xót nơi Thiên Chúa, trong các quan hệ của Ngài với con người và với trần gian. Những lời ấy bảo rằng chúng ta phải tìm các cội rễ mang sức sống và các lý do sâu kín của tương quan kia bằng cách quay trở lại từ “khởi thủy”, trong chính mầu nhiệm sáng tạo. Và cả trong khuôn khổ Cựu Ước, những lời ấy loan báo trước việc mạc khải đầy đủ về Thiên Chúa, Đấng là “Tình Yêu”.[55]
Với mầu nhiệm Sáng tạo, mầu nhiệm này lại được nối kết với mầu nhiệm sáng tạo, mầu nhiệm tuyển chọn là mầu nhiệm đã đặc biệt nắn đúc lịch sử của dân tộc mà Abraham là cha tinh thần bởi đức tin của ông. Tuy nhiên, qua sự trung gian của dân tộc này, một dân tộc đã đi suốt lịch sử Cựu Ước cũng như Tân Ước, mầu nhiệm tuyển chọn kia lại liên hệ đến mọi người, đến toàn thể đại gia đình nhân loại. “Ta đã yêu thương ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương”.[56] “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi”.[57] Chân lý này đã được loan báo cho Israel ngày nào đó lại bao hàm trong đó một cái nhìn trước về toàn thể lịch sử: sự thấy trước vừa có tính thời gian vừa có tính cánh chung.[58] Đức Kitô mạc khải Chúa Cha trong bối cảnh đó, và trên một mảnh đất được chuẩn bị sẵn, như nhiều trang dài của Cựu Ước chứng tỏ. Đến cuối mạc khải này, vào buổi tối trước ngày Người chết, Người nói với Tông đồ Philipphê những lời đáng ghi nhớ: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.[59]
IV. DỤ NGÔN NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG
5. Tương Tự
Ngay ở ngưỡng cửa Tân ước, Tin Mừng theo Thánh Luca làm nổi bật một tương ứng đáng chú ý giữa hai lời nói về Thiên Chúa thương xót, trong đó toàn bộ truyền thống Cựu Ước vang dội mạnh mẽ. Ý nghĩa những từ được dùng trong các Sách Cũ được nói lên đầy đủ ở đây. Như trường hợp của Đức Maria, khi vào nhà Zacaria, Mẹ tôn dương Chúa hết tâm hồn mình “vì lòng thương xót Ngài” ban “đời nọ tới đời kia” cho những người sống trong sự kính sợ Ngài. Ít lâu sau, nhắc lại việc tuyển chọn Israel, Đức Maria công bố lòng thương xót mà mãi mãi từ trước Đấng đã chọn Mẹ vẫn “nhớ tới”.[60] Về sau, lúc Gioan Tẩy Giả sinh ra, và vẫn trong chính ngôi nhà đó, thân phụ của Gioan là Zacaria, khi chúc tụng Thiên Chúa của Israel, đã ca ngợi lòng thương xót của Ngài “sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước”.[61]
Trong lời giảng dạy của chính Đức Kitô, hình ảnh ấy do Cựu Ước để lại trở nên đơn giản và đồng thời trở nên sâu sắc. Điều đó có lẽ hiển nhiên nhất là trong dụ ngôn người con hoang đàng,[62] nơi mà yếu tính của lòng Thiên Chúa “thương xót” được diễn đạt một cách đặc biệt rõ ràng, cho dầu từ “lòng thương xót” không thấy ở đây. Điều đó không do từ ngữ như trong các Sách Cựu Ước, cho bằng do dụ ngôn được dùng để cho hiểu rõ mầu nhiệm lòng thương xót hơn, tấn bi kịch sâu sắc diễn ra giữa tình thương của người cha và sự hoang phí cùng tội lỗi của người con.
Người con đã nhận phần gia sản cha chia và bỏ nhà ra đi để tiêu pha hoang phí ở một xứ xa xôi bằng lối “sống trác táng”. Theo một nghĩa nào đó, người con này là con người mọi thời đại, kể từ người đầu tiên đã làm mất gia tài ân sủng và sự công chính nguyên thủy. Như vậy có sự tương tự cực kỳ rộng rãi. Một cách gián tiếp, dụ ngôn có liên quan đến từng vụ cắt đứt giao ước yêu thương, từng vụ làm mất ân sủng và từng tội lỗi. Sự bất trung của dân Israel không được làm nổi rõ ở đây cho bằng trong truyền thống các Ngôn Sứ, mặc dù dụ ngôn người con hoang đàng có thể cũng áp dụng được cho trường hợp ấy. Người con, “khi đã tiêu sạch cả rồi… bắt đầu cảm thấy túng thiếu”, hơn nữa lại xảy ra nạn đói kém khủng khiếp “trong vùng ấy”, nơi hắn đã tới sau khi bỏ nhà Cha ra đi. Và khi đó “hắn như chỉ muốn có gì cho no” dẫu là “đậu muồng heo ăn”, heo mà hắn chăn cho “một người dân trong vùng ấy”. Nhưng cả đến điều ấy cũng không được.
Sự tương tự được chuyển rõ ràng về phía nội tâm con người. Gia sản người cha chia cho chỉ gồm những của cải vật chất, nhưng điều còn quan trọng hơn những của cải này là phẩm cách làm con trong nhà cha. Hoàn cảnh mà người con rơi vào khi mất hết các của cải vật chất khiến hắn ý thức về sự mất mát phẩm cách kia. Trước đây hắn đã không nghĩ tới khi hắn xin cha chia phần gia sản cho hắn để đi xa. Và xem ra hắn vẫn chưa ý thức được sự mất mát phẩm giá làm con vào lúc hắn tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói”. Hắn tự đo lường theo mức độ những của cải hắn đã mất, mà hắn không “có” nữa, trong khi những người làm công trong nhà cha hắn thì họ lại “có” những của ấy. Những lời nói kia bộc lộ đặc biệt thái độ hắn đối với các của cải vật chất. Tuy nhiên bên dưới bề mặt những lời nói, còn ẩn khuất bi kịch phẩm giá đã mất, ý thức về tư cách làm con đã hỏng.
Và chính lúc đó hắn lấy quyết định, “Thôi, ta đứng lên đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.[63] Những lời này bộc lộ vấn đề cốt yếu càng sâu đậm hơn. Nhận thức về phẩm giá bị mất cũng đã chín muồi trong hoàn cảnh vật chất khó khăn mà người con hoang đàng đã phải rơi vào vì sự nhẹ dạ, vì tội lỗi của hắn. Khi hắn quyết định trở về nhà cha, xin cha nhận hắn không phải vì hắn có quyền làm con mà như một người làm công, thì bề ngoài xem ra hắn chỉ do nạn đói và cảnh cùng cực thúc đẩy mà hành động, dầu vậy lý do này lại được thâm nhập bởi ý thức về một sự mất mát sâu xa hơn: là một người làm thuê trong nhà của chính cha mình chắc chắn là điều rất nhục nhã và rất đáng xấu hổ. Tuy nhiên, người con hoang đàng sẵn sàng đón chịu điều nhục nhã và xấu hổ ấy, hắn nhận thấy rằng hắn không còn một quyền nào ngoài cái quyền là người làm thuê trong nhà cha hắn. Nó lấy quyết định trong ý thức đầy đủ về những gì nó đã đáng chịu và về những gì nó còn có thể có quyền được theo các tiêu chuẩn của công bình. Cách suy luận kia chứng tỏ rằng, ở trong tâm thức người con hoang đàng, đã xuất hiện nhận thức về phẩm giá bị mất, về phẩm giá phát xuất từ tương quan giữa người con và cha mình. Và chính sau khi lấy quyết định kia mà hắn lên đường.
Trong dụ ngôn người con hoang đàng, người ta không tìm ra từ “công bình” một lần nào cả, mà cũng chẳng có từ “lòng thương xót”, trong nguyên bản. Tuy vậy, tương quan giữa công bình và tình thương tự biểu lộ như lòng thương xót được khắc ghi ở đó thật rõ nét. Điều rõ ràng là tình thương biến thành lòng thương xót khi cần phải vượt qua tiêu chuẩn chính xác của công bình, chính xác và thường quá khít khao. Một khi đã tiêu sạch của cải cha cho, người con hoang đàng sau lúc trở về chỉ đáng kiếm sống bằng cách làm việc trong nhà cha như một kẻ làm thuê, và may ra kiếm lại dần dà một số của cải vật chất nào đó thôi, nhưng chắc hẳn không bao giờ bằng được số đã phung phí trước kia. Đây là theo đòi hỏi trong trật tự đức công bình, nhất là vì người con này chẳng những đã phá tan phần gia sản của hắn, mà còn đụng chạm nặng nề và xúc phạm đến cha hắn vì cách hắn ăn ở. Cách ăn ở này như chính hắn phải thú nhận đã khiến hắn mất phẩm giá làm con, và cách ăn ở này đã xúc phạm cha hắn, người cha phải đau khổ và cảm thấy bị liên lụy. Và dầu vậy, xét cho cùng hắn vẫn là con của ông, và không một lối cư xử nào có thể biến đổi hay phá hủy tương quan này. Người con hoang đàng ý thức điều ấy: và chính ý thức này cho hắn thấy rõ phẩm giá đã mất và khiến hắn suy xét đúng về cái chỗ còn có thể là chỗ của hắn trong nhà cha hắn.
6. Phẩm Giá Con Người Được Đặc Biệt Làm Nổi Rõ
Việc mô tả chính xác tâm trạng người con hoang đàng cho phép chúng ta hiểu một cách đúng đắn lòng thương xót của Thiên Chúa hệ tại những gì. Không còn nghi ngờ gì nữa là trong sự tương tự đơn giản và sâu xa này, khuôn mặt người cha mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha. Lối cư xử của người cha trong dụ ngôn, cách ông hành động, biểu lộ thái độ nội tâm của ông và cho chúng ta gặp lại những khía cạnh khác nhau của cái nhìn Cựu Ước về lòng thương xót trong một tổng hợp hoàn toàn mới mẻ, thật đơn giản và sâu sắc. Người cha của đứa con hoang đàng trung thành với tư cách làm cha, trung thành với tình thương dồi dào ông đã dành cho người con từ trước đến nay. Sự trung thành ấy không phải chỉ được nói lên trong dụ ngôn bằng việc mau mắn đón tiếp người con trở về nhà sau khi đã phung phí phần gia sản của hắn, nhưng còn được nói lên nhiều hơn bằng niềm vui, bằng việc ăn khao thật hào phóng để mừng kẻ hoang đàng trở về, đến nỗi gây nên sự chống đối và ghen tức nơi người anh cả là kẻ đã không hề xa cha và không hề bỏ nhà bao giờ.
Sự trung thành của người cha đối với chính mình - một khía cạnh đã từng được từ Cựu Ước “hesed” cho biết - đồng thời được diễn tả một cách đặc biệt chứa chan thương mến. Quả thế, chúng ta đọc được rằng, người cha khi thấy con hoang đàng về nhà thì “chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”.[64] Ông làm như vậy hiển nhiên do một niềm thương mến sâu xa thúc đẩy, và điều đó cũng có thể giải thích sự hào phóng của ông đối với con ông, sự hào phóng sẽ gây phẫn nộ biết bao cho người anh cả. Tuy nhiên, cần phải tìm cho sâu hơn các nguyên nhân đã khiến ông xúc động: người cha ý thức rằng một giá trị căn bản đã được cứu vãn là nhân tính của con mình. Mặc dầu người con này đã phung phí hết phần gia sản của hắn, “tuy nhiên nhân tính của hắn vẫn còn nguyên”. Hơn nữa, nhân tính này như được tìm thấy lại. Những lời người cha nói với con cả cho chúng ta biết vậy: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy!”.[65] Cũng như trong chương XV của Tin Mừng theo Thánh Luca, chúng ta được đọc dụ ngôn về con chiên lạc,[66] rồi dụ ngôn đồng bạc tìm lại được.[67] Mỗi lần lại thấy làm nổi rõ cũng một niềm vui như trong trường hợp người con hoang đàng. Sự trung thành của người cha với chính mình được tập trung hoàn toàn vào nhân tính của người con hư hỏng, vào phẩm giá của hắn. Như thế điều được hiểu hơn hết chính là niềm xúc động vui mừng của ông khi con trở về nhà.
Đi xa hơn, người ta có thể nói rằng tình thương đối với người con, tình thương tuôn lên từ chính yếu tính tư cách làm cha, như ép buộc người cha phải lo cho phẩm giá con mình. Mối quan tâm này là mức đo tình thương của ông, tình thương như Thánh Phaolô sẽ viết về sau: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu… không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác,… nhưng vui khi thấy điều chân thật… hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả và không bao giờ mất được”.[68] Lòng thương xót - y như Đức Kitô đã trình bày trong dụ ngôn người con hoang đàng - mang hình thái nội tâm của tình thương mà Tân ước gọi là “agape”. Tình thương này có thể đoái hoài đến từng người con hoang đàng, từng nỗi khốn khổ của con người, và nhất là đến từng nỗi khốn khổ tinh thần, đến tội lỗi. Trong tình huống như thế, kẻ bị thương xót không cảm thấy bị hạ nhục, nhưng như được tìm thấy lại và “phục hồi giá trị”. Người cha tỏ cho hắn thấy trước tiên là lòng ông vui vì hắn “được tìm thấy lại” và “trở lại sự sống”. Niềm vui này tỏ cho thấy rằng một thứ tài sản vẫn còn nguyên vẹn: một người con, cho dầu hoang đàng, vẫn không ngừng thực sự là con của cha mình; ngoài ra niềm vui ấy còn đánh dấu một thứ tài sản đã tìm lại được, mà trong trường hợp người con hoang đàng, thứ tài sản này là việc quay trở lại với sự thật về chính mình.
Trong dụ ngôn của Đức Kitô, điều gì đã xảy ra giữa hai cha con không thể nhìn “từ bên ngoài” mà thấy được. Các thành kiến của chúng ta về lòng thương xót thường là hậu quả của một cách đánh giá hoàn toàn theo bề ngoài. Khi xem xét như vậy, có khi chúng ta chỉ thấy trên hết trong lòng thương xót một mối tương quan bất bình đẳng giữa kẻ cho và người nhận. Và vì thế, chúng ta sẵn sàng suy ra rằng lòng thương xót xúc phạm đến người nhận, xúc phạm đến phẩm giá con người. Dụ ngôn người con hoang đàng chứng tỏ thực tại lại khác hẳn: tương quan lòng thương xót dựa trên kinh nghiệm chung về con người được xem như một thứ tài sản, trên kinh nghiệm chung về phẩm giá đặc biệt của con người. Kinh nghiệm chung này khiến cho người con hoang đàng bắt đầu thấy chính mình và các hành động của mình trong tất cả sự thật (thấy trong sự thật như vậy là khiêm tốn một cách đích thực); và chính nhờ thế, anh ta lại trở nên một thứ tài sản mới đối với người cha: người cha thấy rất rõ cái tài sản đã được hoàn thành nhờ sức tỏa huyền diệu của sự thật và tình thương đến nỗi ông như quên hết tất cả sự dữ mà con ông đã làm.
Dụ ngôn người con hoang đàng nói lên một cách đơn giản, mà sâu sắc, thực tại việc trở lại. Việc trở lại này biểu hiện cách cụ thể nhất cho công cuộc của tình thương và sự hiện diện của lòng thương xót trong thế giới loài người. Ý nghĩa thực sự và đặc biệt của lòng thương xót không chỉ hệ tại ở cái nhìn, dẫu sâu xa và đầy trắc ẩn, hướng về phía sự dữ luân lý, thể xác hay vật chất: lòng thương xót tự biểu lộ trong khía cạnh đặc biệt và thực sự của mình khi nó khôi phục trở lại, khi nó khuyến khích, và khi nó rút ra được sự thiện từ mọi hình thức của sự dữ có trong trần gian và trong con người. Hiểu như vậy lòng thương xót là nội dung căn bản sứ điệp Cứu thế của Đức Kitô và là sức mạnh xây dựng của sứ mệnh Người. Chính như thế mà các tông đồ và các môn đệ của Người đã hiểu và thực hành lòng thương xót. Lòng thương xót không ngừng tự mạc khải, trong lòng dạ cũng như trong các hành động của họ, như là một chứng minh cho tính năng động của tình thương không “đừng để cho sự ác thắng được” mình, nhưng “lấy thiện mà thắng ác”.[69] Bộ mặt đích thực của lòng thương xót cần phải được luôn luôn thấy rõ lại. Mặc dầu có đủ thứ thành kiến, lòng thương xót tỏ ra đặc biệt cần thiết cho thời đại chúng ta.
V. MẦU NHIỆM PHỤC SINH
7. Lòng Thương Xót Được Mạc Khải Trong Thập Giá Và Sự Phục Sinh
Sứ điệp Cứu thế của Đức Kitô và hoạt động của Người giữa loài người được kết thúc với Thập Giá và Sự Phục Sinh. Chúng ta cần phải đi sâu vào trong biến cố chung cục này là biến cố đặc biệt trong ngôn ngữ Công Đồng, được minh định như Mysterium Paschale - nếu chúng ta muốn diễn đạt tất cả chân lý về lòng thương xót như đã được mạc khải tất cả trong lịch sử của ơn cứu chuộc chúng ta. Ở điểm này, chúng ta cần lại gần với nội dung Thông điệp Redemptor Hominis hơn nữa. Thật vậy, nếu thực tại Việc Cứu Chuộc, trong chiều kích nhân loại - tỏ lộ sự cao quý khôn tả của con người, “qui talem ac tantum meruit habere Redemptorem”,[70] thì đồng thời, chiều kích thần linh của sự cứu chuộc ấy tỏ lộ cho chúng ta thấy một cách nói được là cụ thể và “có tính lịch sử” hơn bề sâu của tình thương Thiên Chúa. Tình thương này không lùi bước trước sự hy sinh lạ lùng của Chúa Con để làm tròn sự trung thành của Đấng Tạo Hóa và Chúa Cha đối với con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và đã được chọn ngay từ “khởi thủy” trong Chúa Con, để hưởng ân sủng và vinh quang.
Các biến cố ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, và trước đó lời cầu nguyện tại Gethsemane, đưa dẫn một biến đổi căn bản vào trong toàn bộ diễn tiến của mạc khải tình thương và lòng thương xót, trong sứ mệnh Cứu thế của Đức Kitô. Đấng “đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó”,[71] và “chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế”,[72] thì bây giờ đích thân lại như đáng hưởng lòng thương xót lớn nhất và kêu gọi tới lòng thương xót, khi Người bị bắt, bị lăng nhục, bị kết án, bị đánh đòn, bị đội triều thiên bằng gai, khi Người bị đóng đinh vào Thập Giá và tắt thở giữa những đau đớn khủng khiếp.[73] Chính đó là lúc Người đặc biệt xứng đáng hưởng lòng thương xót của những kẻ đã từng được gội ơn Người, nhưng Người không được họ thương xót. Ngay cả những kẻ thân cận nhất với Người cũng không biết bảo vệ Người và gỡ Người ra khỏi tay bọn áp bức. Trong giai đoạn chung cuộc này của chức vụ cứu thế, những lời các Ngôn Sứ, nhất là Isaia, về Người tôi tớ của Giavê, được nên trọn trong Đức Kitô: “Người đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành”.[74]
Đức Kitô, với tư cách là con người chịu đau khổ thực sự và khủng khiếp tại Vườn Cây Dầu và trên đỉnh Núi Sọ, hướng về Chúa Cha, là Đấng mà tình thương của Ngài (Chúa Cha) đã được Người (Đức Kitô) loan báo cho loài người và lòng thương xót của Ngài (Chúa Cha) đã được Người (Đức Kitô) cho biết bằng mọi hành động của mình (Đức Kitô). Nhưng ngay cả Người cũng không được miễn chước khỏi đau khổ khủng khiếp của cái chết trên Thập giá: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”,[75] như Thánh Phaolô sẽ viết để tóm tắt trong ít chữ tất cả bề sâu mầu nhiệm Thập giá và đồng thời chiều kích thần linh của thực tại Cứu Chuộc. Thế mà việc Cứu Chuộc này là mạc khải tối hậu và dứt khoát về sự thánh thiện của Thiên Chúa là sự toàn thiện viên mãn tuyệt đối: đó là sự viên mãn công bằng và tình thương, vì sự công bằng được xây dựng trên tình thương, đến từ tình thương và vươn tới tình thương. Sự công bằng tuyệt đối được biểu hiện trong việc Đức Kitô thụ nạn và chết, trong sự kiện Chúa Cha đã không miễn cho con của Ngài mà “thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”,[76] bởi chưng Đức Kitô phải thụ nạn và chết trên Thập giá vì tội lỗi loài người. Ở đó thật sự có “dư đầy” sự công bằng, bởi tội lỗi con người được “bù lại” bằng sự hy sinh của Người-Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự công bằng này, với nghĩa đen là công bằng theo “sự đo lường của Thiên Chúa”, lại hoàn toàn phát sinh từ tình thương: từ tình thương của Chúa Cha và Chúa Con, và hoàn toàn nảy nở trong tình thương. Chính vì thế mà sự công bằng của Thiên Chúa được mạc khải trong Thập giá Đức Kitô mới là sự công bằng theo “sự đo lường của Thiên Chúa”, bởi chưng nó phát sinh từ tình thương và nên trọn trong tình thương khi mang lại những hồng ân cứu độ. Chiều kích thần linh của sự cứu chuộc được thực hiện chẳng những trong việc đánh giá tội lỗi một cách công bằng mà còn trong việc trả lại cho tình thương sức sáng tạo, nhờ đó con người một lần nữa được thông dự vào sự sống và sự thánh thiện viên mãn đến từ Thiên Chúa. Như vậy, ơn cứu độ mang nơi mình sự mạc khải về lòng thương xót trong sự viên mãn của nó.
Mầu nhiệm Phục Sinh làm thành đỉnh cao cho công cuộc mạc khải và thi hành lòng thương xót có khả năng công chính hóa con người, tái lập sự công chính như là cuộc thực hiện trật tự cứu chuộc mà Thiên Chúa ngay từ khởi thủy đã muốn nơi con người, và nhờ con người, trong vũ trụ. Đức Kitô chịu đau khổ hướng về con người một cách đặc biệt, và không phải chỉ hướng về kẻ tin. Ngay cả người không tin sẽ biết khám phá nơi Người sự liên đới hùng hồn với vận mệnh nhân loại, cũng như sự viên mãn hài hòa của việc tự hiến vô vị lợi cho con người, cho chân lý và cho tình thương. Tuy nhiên, chiều kích thần linh của mầu nhiệm Phục Sinh còn đi xa hơn. Thập giá được dựng trên Núi Sọ và là chỗ Đức Kitô đối thoại cuối cùng với Chúa Cha, Thập giá ấy xuất hiện từ chính trung tâm của tình thương mà Thiên Chúa theo ý định đời đời đã dành cho con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Ngài. Thiên Chúa, như Đức Kitô đã mạc khải, không phải chỉ có tương quan chặt chẽ với thế gian trong tư cách là Đấng Tạo Hóa và là nguồn mạch tối thượng của hiện hữu, Ngài cũng là Cha: Ngài kết hợp với con người mà Ngài đã gọi vào hiện hữu trong vũ trụ hữu hình, bằng một liên hệ còn sâu xa hơn liên hệ tạo thành. Chính tình thương không những tạo thành cái tốt, mà còn cho tham dự vào cả cái tốt, tham dự vào cả sự sống của Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Thật vậy, kẻ đã yêu thương thì muốn tự hiến chính mình.
Thập giá Đức Kitô ở Núi Sọ được dựng lên trên con đường của “admirabile commercium”, của tương giao (việc giao tiếp) đáng thán phục của Thiên Chúa với con người và đồng thời kêu gọi con người tham dự vào sự sống thần linh, bằng cách tự hiến mình cho Ngài và dâng hiến vũ trụ cùng với mình; tham dự với tư cách nghĩa tử vào chân lý và tình thương ở nơi Thiên Chúa và xuất phát từ Thiên Chúa. Từ đời đời khi chọn lựa con người vào phẩm giá làm nghĩa tử của Thiên Chúa, đã nổi lên trong lịch sử chính Thập giá Đức Kitô, Người Con Một, Đấng là “ánh sáng sinh bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật sinh bởi Thiên Chúa thật”,[77] đã đến để làm chứng dứt khoát cho Giao ước đáng thán phục của Thiên Chúa với loài người, của Thiên Chúa với con người - với từng người. Giao ước này xưa cũ như con người, bởi vì có từ chính mầu nhiệm tạo thành, rồi được tái lập nhiều lần với Dân riêng được chọn, nó cũng là giao ước mới và chung cuộc; được lập ở đó, trên Núi Sọ, giao ước này không còn bị giới hạn vào riêng một dân tộc là Israel nữa, nhưng được mở ra cho mọi người và mỗi người.
Thập giá Đức Kitô, nói được là tiếng nói cuối cùng của sứ điệp và sứ mệnh cứu thế của Người, Thập giá ấy nói gì với chúng ta? Đã đành, Thập giá chưa phải là lời cuối cùng của Thiên Chúa của Giao ước vì lời này sẽ chỉ được nói ra vào sáng sớm tinh sương, trước tiên là những phụ nữ, rồi các Tông đồ, đến mồ Đức Kitô đã bị đóng đinh vào thập giá, thì thấy mồ trống và nghe lời loan báo này: “Người đã sống lại”. Đến lượt họ, họ sẽ nói lại điều ấy và họ sẽ là những chứng tá của Đức Kitô sống lại. Tuy nhiên, ngay cả trong vinh quang của Con Thiên Chúa, Thập giá vẫn không thôi hiện diện, Thập giá này vẫn - thông qua chứng cứ cứu thế của Người - Chúa Con đã chịu chết trên đó - nói và không bao giờ thôi nói về Thiên Chúa - Cha là Đấng luôn luôn trung thành với tình thương đời đời của Ngài đối với con người, vì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.[78] Tin vào Chúa Con đã bị đóng đinh vào Thập giá có nghĩa là “thấy Cha”,[79] có nghĩa là tin rằng tình thương có mặt trong thế gian và tình thương này mạnh hơn những sự dữ đủ mọi hình thức mà con người, loài người và thế gian đã chìm vào. Tin vào một tình thương như thế có nghĩa là tin vào lòng thương xót. Lòng thương xót này, thật vậy, là chiều kích cần thiết của tình thương; lòng thương xót là như tên gọi thứ hai của tình thương và đồng thời là cách độc đáo mà tình thương được mạc khải và thực hiện để chống lại sự dữ ở trong thế gian, chống lại cám dỗ vây hãm con người, luồn lách vào tận trong lòng dạ con người và có thể “tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”.[80]
8. Tình Thương Mạnh Hơn Sự Chết, Mạnh Hơn Tội Lỗi
Thập giá Đức Kitô trên Núi Sọ cũng là bằng chứng về sức mạnh của sự dữ đối với chính Con Thiên Chúa, đối với Đấng duy nhất trong tất cả các con cái loài người là kẻ tự bản tính vô tội và hoàn toàn không vương một tội nào, đã ra đời mà không dính dấp tới sự bất tuân của Ađam, tới di sản của Tội Nguyên tổ. Và nơi người, nơi chính Đức Kitô, tội lỗi được đánh giá một cách công bằng với lượng giá là việc Người hy sinh và vâng phục “cho đến chết”.[81] Người, Đấng không hề phạm tội, “thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”.[82] Công chính cũng được tính tới bằng sự chết là vì sự chết vốn liên minh với tội lỗi từ buổi đầu lịch sử loài người. Và sự chết được thanh toán cách công bằng với giá là cái chết của Đấng duy nhất có thể - bằng chính cái chết của mình - hủy diệt chính cái chết.[83] Như vậy, Thập giá Đức Kitô, trên đó Chúa Con, đồng bản thể với Chúa Cha, đền đáp đầy đủ công bằng cho Thiên Chúa, cũng là một mạc khải triệt để về lòng thương xót, nghĩa là về tình thương, tình thương này luôn chống lại cái làm thành chính cội rễ của sự dữ trong lịch sử là tội lỗi và sự chết.
Thập giá là phương thế sâu xa nhất để thần tính đoái đến con người và đến những gì con người - nhất là trong những lúc khó khăn và đau xót - gọi là vận mệnh bất hạnh của mình. Thập giá là như sự chạm đến của tình thương vĩnh cửu trên những vết thương đau đớn nhất của cuộc sống con người trong trần gian, và là sự hoàn tất đến cùng chương trình cứu thế mà Đức Kitô đã trình bày ở Hội đường Nadaret[84] rồi lặp lại trước mặt những người được Gioan Tẩy Giả phái tới.[85] Giống như những lời tiên báo xưa của Isaia,[86] chương trình này hệ tại ở việc mạc khải tình thương xót đối với những kẻ nghèo khó, những kẻ đau khổ, những kẻ bị giam cầm, những kẻ đui mù, những kẻ bị áp bức và những kẻ tội lỗi. Trong mầu nhiệm Phục Sinh, những giới hạn của sự dữ đa dạng mà con người phải dự vào trong cuộc sống trần gian đều được vượt qua: quả thế, Thập giá Đức Kitô cho chúng ta hiểu rằng các cội rễ sâu xa nhất của sự dữ nằm tận trong tội lỗi và sự chết; vì vậy mà Thập giá trở nên một dấu chỉ cánh chung. Chỉ khi thời gian chấm dứt và khi thế giới được đổi mới hẳn thì nơi tất cả những kẻ được chọn, tình thương mới toàn thắng sự dữ tại nguồn mạch sâu xa nhất của nó, bằng việc đem lại như một trái chín muồi Triều đại sự sống, sự thánh thiện, sự bất tử quang vinh. Nền tảng sự hoàn thành cánh chung này đã có sẵn trong Thập giá và cái chết của Đức Kitô. Sự kiện Đức Kitô “ngày thứ ba đã trỗi dậy”[87] là dấu chỉ đánh dấu sự hoàn tất sứ mệnh cứu thế, dấu chỉ tuyệt đỉnh cho mạc khải trọn vẹn về tình thương - lòng thương xót trong một thế gian đã bị sự dữ chế ngự. Sự kiện ấy đồng thời làm thành dấu chỉ báo trước “trời mới đất mới”,[88] khi Thiên Chúa “lau sạch nước mắt họ; sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã bị biến mất”.[89]
Trong sự hoàn thành cánh chung, lòng thương xót sẽ tỏ ra như tình thương, khi mà bên trong thời gian, bên trong lịch sử loài người cũng là một lịch sử của tội lỗi và chết chóc, tình thương sẽ tỏ ra đặc biệt như lòng thương xót, và được thực hiện dưới hình thức này. Sứ vụ cứu thế của Đức Kitô, Sứ vụ của lòng thương xót trở nên sứ vụ của dân Người, của Giáo Hội. Thập giá vẫn luôn đứng giữa sứ vụ ấy, vì Thập giá là nơi mạc khải về tình thương - lòng thương xót đạt tới đỉnh cao của mình. Bao lâu “những điều cũ”[90] chưa qua đi thì Thập giá sẽ còn là “chỗ” có thể áp dụng được những lời khác này trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”.[91] Thiên Chúa cũng mạc khải lòng thương xót của Ngài khi Ngài kêu gọi con người thi hành “lòng thương xót” đối với chính con Ngài, đối với Đấng bị đóng đinh vào Thập giá.
Đức Kitô, Đấng bị đóng đinh vào Thập giá, là Lời sẽ không qua đi.[92] Người là kẻ đứng bên cửa và gõ vào lòng dạ mọi người,[93] không ép uổng sự tự do của họ mà chỉ tìm cách dấy lên từ lòng dạ ấy một tình thương chẳng những là một hành động kết hợp với Con Người đau khổ mà còn là một hình thức “lòng thương xót” mà mỗi chúng ta biểu lộ với Con của Cha muôn đời. Trong Sứ vụ cứu thế của Đức Kitô và trong việc mạc khải lòng thương xót bằng Thập giá, phẩm giá con người có thể nào được tôn trọng hơn, lớn lao hơn khi mà con người này nếu là đối tượng của lòng thương xót, thì cũng đồng thời và theo một ý nghĩa nào đó lại là kẻ “thi thố lòng thương xót” không?
Rốt cuộc, há chẳng phải là lập trường của Đức Kitô đối với con người hay sao, khi Người tuyên bố “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.[94] Những lời trong Bài Giảng Trên Núi: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”,[95] há chẳng theo một nghĩa nào đó, là tổng hợp của tất cả Tin Mừng, của tất cả “sự trao đổi đáng thán phục” (admirabile commercium) được bao hàm trong đó và là một luật đơn giản, mạnh mẽ mà cùng “dịu ngọt” của chính nhiệm cục cứu chuộc sao? Và những lời như trên của Bài giảng trên núi, những lời cho thấy ngay từ khởi điểm những khả năng “của lòng dạ con người” (“biết thương xót”) há chẳng mạc khải trong cùng một viễn cảnh, bề sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa: sự duy nhất khôn lường của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nơi đó tình thương bao hàm đức công bằng, sinh ra lòng thương xót và đến lượt lòng thương xót này lại mạc khải mức hoàn hảo của đức công bằng sao?
Mầu nhiệm Phục Sinh, chính là Đức Kitô ở tuyệt đỉnh sự mạc khải về mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa. Đó chính là lúc được thực hiện đầy đủ những lời Người đã nói tại nhà Tiệc Ly: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.[96] Quả thế, Đức Kitô đã vì lợi ích nhân loại mà không được “Chúa Cha tha cho”[97] và trong cuộc khổ nạn và cực hình Thập giá, đã không là đối tượng của lòng thương xót của con người, thì trong sự Phục Sinh của mình đã lại mạc khải tình thương tràn đầy mà Chúa Cha vẫn dành cho Người, và qua Người, cho tất cả mọi người. “Người không phải là Thiên Chúa của người chết nhưng là của kẻ sống”.[98] Trong sự Phục Sinh, Đức Kitô đã mạc khải Thiên Chúa của tình thương xót chính vì Người đã chấp nhận Thập giá làm đường đưa tới sự sống lại. Và bởi vậy, khi chúng ta tưởng niệm Thập giá Đức Kitô, việc Người thụ nạn và chết thì đức tin và đức cậy của chúng ta chăm chú nhìn vào Đấng đã sống lại: vào Đức Kitô “vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần,... đã đến đứng giữa các môn đệ của mình” tại nhà Tiệc Ly, nơi “họ đang ở,… thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ’”.[99]
Đây là Con Thiên Chúa, Đấng mà trong sự Phục Sinh của mình, đã có kinh nghiệm triệt để về lòng thương xót, tức là về tình thương của Chúa Cha mạnh hơn sự chết. Và cũng chính Đức Kitô ấy, Con Thiên Chúa, lúc ở cuối hạn kỳ và theo một ý nghĩa nào đó vượt trên hạn kỳ sứ mệnh cứu thế của mình, lại tự mạc khải mình là nguồn mạch khôn cạn của lòng thương xót, của tình thương, tình thương mà trong viễn cảnh lịch sử cứu chuộc trong Giáo Hội sau này phải không ngừng tỏ ra mạnh hơn tội lỗi. Đức Kitô Phục Sinh là hiện thân trọn vẹn dấu chỉ sống động của lòng thương xót: dấu chỉ của ơn Cứu chuộc vừa mang tính lịch sử vừa mang tính cánh chung. Trong tinh thần này, phụng vụ mùa Phục Sinh mới đặt lên môi chúng ta những lời Thánh Vịnh: “Misericordias Domini in aeternum cantabo”, “Tình thương Chúa đời đời con ca tụng”.[100]
9. Mẹ Của Lòng Thương Xót
Trong bài hát Phục Sinh đó của Giáo Hội còn vang dội với đầy đủ nội dung tiên tri những lời Đức Maria đã nói lên khi viếng thăm bà Elisabet, vợ ông Zacaria: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.[101] Ngay từ giây phút nhập thể, những lời này mở ra một viễn tượng mới cho lịch sử cứu độ. Sau khi Đức Kitô sống lại, viễn tượng mới này trở thành lịch sử và đồng thời có thêm một ý nghĩa cánh chung. Từ lúc ấy, những thế hệ mới ngày càng nhiều hơn trong gia đình nhân loại bao la luôn nối tiếp nhau và những thế hệ mới của dân Thiên Chúa cũng nối tiếp nhau, những thế hệ này được ghi dấu Thập giá và sự Phục Sinh, và “được đóng ấn tín”,[102] ấn tín mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, sự mạc khải tuyệt đối về lòng thương xót mà Đức Maria đã tuyên xưng ở ngưỡng cửa nhà người chị em họ của mình: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.[103]
Đức Maria cũng là người đã có kinh nghiệm một cách đặc biệt và phi thường - hơn ai hết - về lòng thương xót và đồng thời vẫn một cách phi thường, đã nhờ lễ tế lòng mình mà có thể đích thân góp phần vào việc mạc khải lòng Thiên Chúa thương xót. Lễ tế kia được nối kết chặt chẽ với Thập giá của con Mẹ: Đức Mẹ đã đứng dưới chân Thập giá trên Núi Sọ. Lễ tế của Đức Maria là sự thông phần đặc biệt vào việc mạc khải về lòng thương xót, tức là về sự trung thành tuyệt đối của Thiên Chúa đối với tình thương của Ngài, đối với Giao ước Ngài đã muốn có từ đời đời và đã lập bên trong thời gian với con người, với dân, với nhân loại; lễ tế đó thông phần vào việc mạc khải đã được hoàn thành dứt khoát nơi thập giá. Không ai bằng Mẹ Đấng bị đóng đinh đã có kinh nghiệm về thập giá, chổ gặp gỡ lạ lùng giữa đức công bằng siêu việt của Thiên Chúa và tình thương: cái “hôn” lòng thương xót tặng cho đức công bằng.[104] Không ai bằng Đức Maria đã đón nhận cách sâu xa như thế trong lòng dạ mình mầu nhiệm này: mầu nhiệm Thiên Chúa Cứu chuộc, mầu nhiệm đã được thực hiện trên Núi Sọ bằng cái chết của Con mình, kèm theo lễ tế của tấm lòng Mẹ và tiếng “xin vâng” quyết định.
Như vậy Đức Maria là người biết thấu đáo hơn cả mầu nhiệm lòng “Thiên Chúa thương xót”. Người biết giá của mầu nhiệm ấy và biết nó lớn lao biết chừng nào. Trong ý nghĩa ấy, chúng ta cũng gọi người là Mẹ của lòng thương xót: Đức Bà có lòng thương xót hay Đức Mẹ của lòng Thiên Chúa thương xót; mỗi tước hiệu này đều có một ý nghĩa thần học sâu sắc, bởi vì đều nói lên việc tâm hồn và tất cả con người Đức Mẹ đã được chuẩn bị đặc biệt để người có thể trước tiên, thông qua các biến cố phức tạp của Israel rồi thông qua các biến cố liên quan tới mọi người và toàn thể nhân loại mà thấy được lòng thương xót, ai ai cũng được hưởng phần “suốt đời nọ đến đời kia”[105] theo ý định đời đời của Ba Ngôi Chí Thánh.
Tuy nhiên, các tước hiệu trên đây mà chúng ta dành cho Mẹ Thiên Chúa cũng nói về Mẹ một cách chính yếu như về Mẹ của Đấng bị đóng đinh và về Mẹ của Đấng Phục Sinh, như về kẻ đã chiêm niệm một cách phi thường về lòng thương xót thì cũng theo mức độ ấy “xứng đáng” hưởng lòng thương xót này trong suốt cuộc đời trần thế của mình, và đặc biệt dưới chân Thập giá của Con mình; sau cùng các tước hiệu ấy nói với chúng ta về Đức Mẹ như về một con người, qua sự tham dự một cách vừa kín đáo vừa khôn sánh vào công trình cứu thế của Con mình, được đặc biệt kêu gọi để làm cho tình thương mà Đức Kitô đã mạc khải gần gũi với loài người: tình thương được biểu lộ cụ thể nhất là đối với những kẻ đau khổ, những kẻ nghèo khó, những kẻ bị cầm tù, những kẻ đui mù, những kẻ bị áp bức và những kẻ tội lỗi, như Đức Kitô đã nói, bằng những lời nói của Ngôn Sứ Isaia, tại hội đường ở Nadaret,[106] tiếp đến để trả lời cho những người do Gioan Tẩy Giả phái đến.[107]
Tấm lòng của người Mẹ Đấng bị đóng đinh và Đấng Phục Sinh đã tham dự một cách có một không hai và phi thường vào tình “thương xót”, tình thương xót này vẫn được biểu hiện nhất là khi tiếp xúc với sự dữ thể lý và luân lý - Mẹ đã tham dự vào tình thương xót này - và tình thương này không ngừng nơi Đức Mẹ và nhờ Đức Mẹ, được mạc khải trong lịch sử Giáo Hội và nhân loại. Sự mạc khải này đặc biệt có kết quả bởi vì, nơi Mẹ Thiên Chúa, nó dựa trên sự tế nhị đặc biệt của tấm lòng người Mẹ, trên sự mẫn cảm đặc biệt của Người, trên khả năng đặc biệt của Người biết tìm tới tất cả những ai đón nhận cách dễ dàng hơn tình thương xót từ một người Mẹ. Đây là một trong những mầu nhiệm lớn lao và đem lại sức sống của Kitô giáo, một mầu nhiệm gắn liền thật thâm sâu với mầu nhiệm Nhập thể.
Công Đồng Vatican II nói với chúng ta: “Kể từ sự ưng thuận mà Người đã đem lại bằng lòng tin của mình vào ngày Truyền tin và đã giữ nguyên không do dự ở dưới thập giá, Đức Maria vẫn không ngừng tiếp tục làm Mẹ như thế trong nhiệm cục ân sủng cho tới khi tất cả những kẻ được chọn đạt tới vinh quang đời đời. Quả thế, sau khi Người lên trời, vai trò của Người trong công cuộc cứu chuộc không bị gián đoạn: bằng việc chuyển cầu không ngừng, Người tiếp tục nhận được cho chúng ta những ơn bảo đảm sự cứu thoát đời đời. Tình Mẹ khiến Người chăm lo cho các anh em của Con mình khi họ chưa đi hết con đường hành hương, hay khi họ còn ở giữa những gian nguy và thử thách, cho tới lúc họ về tới quê hương vạn phúc”.[108]
VI. “LÒNG THƯƠNG XÓT… SUỐT ĐỜI NỌ ĐẾN ĐỜI KIA”
10. Hình Ảnh Thế Hệ Chúng Ta
Chúng ta hoàn toàn có quyền tin rằng cả thế hệ chúng ta cũng được bao hàm trong những lời của Mẹ Thiên Chúa, khi Mẹ tán dương lòng thương xót mà tất cả những ai kính sợ Thiên Chúa đều được hưởng phần “suốt đời nọ đến đời kia”. Những lời trong kinh “Magnificat” của Đức Maria có một nội dung tiên tri liên quan không những tới quá khứ của Israel, mà còn tới tương lai của dân Thiên Chúa trên trái đất nữa. Quả thế, tất cả chúng ta, những kẻ hiện đang sống trên trái đất, chúng ta là thế hệ đang ý thức về Thiên niên kỷ thứ ba sắp tới gần, và đang cảm nhận sâu sắc cái khúc quanh hiện nay của lịch sử.
Thế hệ bây giờ biết mình được ưu đãi, bởi vì sự tiến bộ cung ứng cho họ những khả năng bao la mà chỉ vài mươi năm trước đây đã không thể ngờ tới. Hoạt động sáng tạo, trí thông minh và lao động của con người đã đưa đến những thay đổi lớn lao cả trong lãnh vực khoa học kỹ thuật lẫn trong đời sống xã hội và văn hóa. Con người đã mở rộng quyền lực của mình trên thiên nhiên, đã có được một hiểu biết sâu sắc hơn về các quy luật cho cách mình cư xử trong xã hội. Con người đã thấy sụp đổ hay thu hẹp lại những trở ngại và những khoảng cách ngăn chia người và người, nước này với nước nọ, là nhờ một nhận thức mạnh hơn về cái phổ quát, một ý thức sắc bén hơn về tính duy nhất của nhân loại và sự chấp nhận phải tùy thuộc lẫn nhau trong một thế liên đới đích thực, sau hết là nhờ ước muốn - và nhờ khả năng - đi vào trong quan hệ với các anh em của mình bất chấp những phân chia giả tạo về mặt địa lý và những ranh giới quốc gia hay chủng tộc. Nhất là giới trẻ ngày nay biết rằng tiến bộ khoa học và kỹ thuật có thể đem lại không phải chỉ những lợi ích vật chất mới nhưng cả một sự tham dự rộng rãi hơn vào sự hiểu biết nữa. Bước tiến của môn tin học, chẳng hạn, sẽ nhân lên những khả năng phát minh của con người và sẽ cho phép tham dự vào các kho tàng tri thức và văn hóa của các dân tộc khác. Các kỹ thuật truyền thông mới sẽ tiện cho việc tham gia nhiều hơn vào các biến cố và việc trao đổi tư tưởng dồi dào hơn. Những gì đã biết được trong các khoa sinh học, tâm lý học hay xã hội học sẽ giúp con người thấu triệt hơn sự phong phú của chính bản thân mình. Và nếu thật ra một tiến bộ như thế còn quá nhiều khi là đặc quyền của các nước đã được công nghiệp hóa, thì cũng phải nhận rằng viễn cảnh làm cho tất cả các dân tộc và tất cả các nước đều được hưởng tiến bộ kia không còn chỉ là một chuyện không tưởng khi có một ý chí chính trị thực sự muốn điều này.
Nhưng bên cạnh tất cả tình hình ấy - hay đúng hơn bên trong tất cả tình hình ấy - có những khó khăn như vẫn thấy tăng lên. Có những lo lắng và những bất lực chạm tới câu trả lời sâu xa mà con người biết là phải đưa ra. Cảnh tượng thế giới ngày nay cũng bày ra những bóng tối và những chỗ mất thăng bằng không phải bao giờ cũng chỉ phơn phớt bên ngoài. Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes của Công Đồng Vatican II chắc chắn không phải là văn kiện duy nhất bàn tới cuộc sống thế hệ ngày nay, nhưng chính là một văn kiện có tầm quan trọng rất đặc biệt. Chúng ta đọc thấy trong Hiến chế đó rằng: “Quả thật, những cái mất thăng bằng đang chi phối thế giới hiện đại đều gắn liền với một sự mất thăng bằng căn bản hơn ăn sâu trong chính lòng dạ con người. Ngay chính nơi con người có nhiều yếu tố đối chọi nhau. Một đàng, vì là tạo vật, con người kinh nghiệm mình bị giới hạn nhiều bề, đàng khác, lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và được mời gọi sống một cuộc sống cao cả hơn. Giữa đủ thứ thôi thúc, con người không ngừng bị bắt buộc phải chọn lựa và từ bỏ. Tệ hơn nữa, vì yếu đuối và tội lỗi, con người hay làm điều mình không muốn và không làm được chút nào điều mình muốn. Rốt cuộc, con người phải chịu sự chia cắt ngay trong bản thân mình và chính do đó mà sinh ra bao nhiêu nỗi bất hòa lớn giữa lòng xã hội”.[109]
Vào khoảng cuối phần nhập đề, chúng ta còn đọc: “Hiện có nhiều hơn những kẻ khi đứng trước diễn biến bây giờ của thế giới thì tự đặt cho mình những câu hỏi căn bản nhất hoặc thấy được những câu hỏi này ở một mức độ sắc bén mới. Con người là gì? Đau khổ, sự dữ, sự chết vẫn còn đó mặc dầu biết bao nhiêu tiến bộ thì có ý nghĩa gì?”.[110]
Mười lăm năm sau Công Đồng Vatican II, cảnh tượng những căng thẳng và những đe dọa đặc biệt của thời đại chúng ta như thế phải chăng đã thành ít lo ngại hơn? Xem ra thì không. Trái lại, những căng thẳng và những đe dọa trước đây, trong văn kiện Công Đồng, dường như chỉ mới phát thảo và chưa để lộ hẳn tất cả sự nguy hiểm của chúng, thì trong những năm vừa qua lại tự phơi bày ra hơn rất nhiều, xác nhận một cách khác là có sự nguy hiểm này và không còn cho phép nuôi những ảo tưởng ngày trước nữa.
11. Những Nguồn Lo Ngại
Chính vì thế mà trong thế giới chúng ta đang thêm ý thức về một mối đe dọa và cũng đang tăng lên nỗi sợ hãi hiện sinh gắn liền nhất là - như tôi đã từng nhận xét trong Thông điệp Redemptor Hominis - viễn tượng một cuộc xung đột có thể mang ý nghĩa là sự tự hủy diệt một phần nhân loại vì những kho vũ khí nguyên tử hiện nay. Tuy nhiên, sự đe dọa không chỉ liên quan tới những gì người ta có thể gây ra cho những người khác khi sử dụng kỹ thuật quân sự; nó còn liên quan không kém tới rất nhiều mối nguy khác đang là sản phẩm của một nền văn minh vật chất, một nền văn minh - tuy có những tuyên ngôn “nhân bản” - vẫn chấp nhận coi các sự vật trọng hơn con người. Vì vậy con người ngày nay mới sợ rằng, do việc sử dụng những phương tiện kỹ thuật được sáng chế ra từ thứ văn minh đó, các cá nhân và cả các môi trường, các cộng đồng, các xã hội, các quốc gia đều có thể là những nạn nhân của sự lạm dụng quyền lực từ phía những cá nhân, các giới, các xã hội khác. Lịch sử của thế kỷ chúng ta đầy dẫy những thí dụ về thảm trạng đó. Mặc dầu có tất cả những tuyên ngôn về các quyền con người trong chiều kích toàn vẹn tức là trong cuộc sống thể xác và tinh thần, chúng ta không thể bảo rằng những thí dụ kia chỉ thuộc về quá khứ mà thôi.
Thật sự, con người lo sợ trở thành nạn nhân của một sự áp bức, nó lấy mất của mình sự tự do bên trong, khả năng biểu lộ công khai chân lý mình tin chắc, đức tin mình tuyên xưng, quyền tuân theo tiếng lương tâm chỉ cho biết đường ngay nẻo chính. Quả thế, các phương tiện kỹ thuật sẵn có trong nền văn minh hiện nay lại che giấu không những khả năng của một cảnh tự hủy diệt bằng một cuộc xung đột quân sự, mà còn cả khả năng của một sự khống chế “cách hòa bình” trên những cá nhân, những môi trường sống, trên những xã hội toàn diện và trên những quốc gia, khi các thành phần này, vì lý do nào đó, gây trở ngại những kẻ có sẵn những phương tiện kia và họ sẵn sàng sử dụng chúng không e ngại. Cũng nên nghĩ tới hình thức tra tấn vẫn còn diễn ra trên thế giới, nó được chấp nhận bởi nhà cầm quyền một cách có hệ thống như một phương tiện thống trị hoặc giữ ưu thế chính trị, và nó được thi hành một cách tự tiện bởi các cấp thừa hành.
Như vậy, bên cạnh ý thức về mối đe dọa đối với sự sống, đang lớn mạnh ý thức về một mối đe dọa khác còn hủy hoại những gì thiết yếu của con người hơn nữa, tức là những gì liên hệ mật thiết tới nhân phẩm, tới quyền của con người là được theo chân lý và có tự do.
Và tất cả những điều ấy diễn ra trong một nỗi hối hận bao la do sự kiện là, bên cạnh những người và những xã hội dư dật và no nê, sống trong cảnh dồi dào, làm nô lệ cho việc tiêu thụ và hưởng thụ, không thiếu những cá nhân và những tập thể xã hội đang đói ăn. Không thiếu những trẻ em đang chết đói trước mắt những bà mẹ của chúng. Trong những phần khác nhau của thế giới và những hệ thống xã hội kinh tế khác nhau cũng không thiếu những vùng hoàn toàn cơ cực, đói kém và thiếu phát triển. Sự kiện này ai cũng biết. Tình trạng bất bình đẳng giữa những con người và giữa các dân tộc chẳng những kéo dài mà còn gia tăng. Ngày hôm nay, bên cạnh những kẻ dư dật và sống trong cảnh dồi dào, vẫn còn có những kẻ khác sống thiếu thốn, chịu cơ cực, và chết vì đói khát; con số lên đến hàng chục, hàng trăm triệu. Chính vì thế mà mối lo lắng về đạo đức là có cơ sở. Rõ ràng là có một khuyết điểm rất lớn, hay đúng hơn một tập hợp những khuyết điểm và cả một guồng máy trục trặc ở nền tảng kinh tế ngày nay và của văn minh vật chất, những khuyết điểm và guồng máy trục trặc không cho phép gia đình nhân loại thoát ra khỏi những hoàn cảnh triệt để bất công đến như vậy.
Hình ảnh như trên của thế giới ngày nay, trong đó có nhiều sự dữ thể lý và tinh thần đến nỗi nó thành một thế giới bị giam hãm trong mạng lưới những mâu thuẫn và những căng thẳng của mình, và đồng thời đầy những đe dọa nhằm chống lại sự tự do của con người, lương tâm và tôn giáo, hình ảnh ấy giải thích tại sao con người ngày nay phải lo lắng. Không phải chỉ những kẻ chịu thiệt thòi và bị áp bức mà cả những kẻ được hưởng các đặc ân dành cho sự giàu có, sự tiến bộ và quyền lực đều cảm nhận được nỗi lo lắng kia. Và ngay cả khi không thiếu những người tìm cách phát hiện các nguyên nhân hoặc chống lại bằng những phương tiện mà kỹ thuật, của cải và quyền lực dành cho họ, thì nỗi lo lắng kia, ở bề sâu nhất của tâm hồn con người, lại vượt xa hơn những giải pháp tạm thời này. Như Công Đồng Vatican II cũng đã ghi nhận trong những phân tích của mình, nỗi lo lắng kia liên quan tới các vấn đề căn bản của toàn thể cuộc sống con người. Nó gắn liền với chính ý nghĩa của cuộc sống con người trong trần gian, và nó là nỗi lo lắng cho tương lai con người và tất cả nhân loại, nó đòi hỏi những giải đáp có tính cách quyết định, những giải đáp xem ra từ này về sau cần thiết cho loài người.
12. Phải Chăng Sự Công Bằng Là Đủ?
Điều dễ nhận thấy là trong thế giới ngày nay và trên một quy mô rộng lớn, ý thức về công bằng đã được thức tỉnh; và chắc chắn ý thức ấy làm nổi rõ hơn những gì đối nghịch với công bằng trong các quan hệ giữa con người với nhau, giữa những tập thể xã hội hay những “giai cấp”, cũng như giữa các dân tộc và các nước, và thậm chí giữa toàn bộ những hệ thống chính trị và trên toàn “thế giới” nữa. Trào lưu sâu xa và đa dạng đó mà nơi nguồn gốc của nó, ý thức con người ngày nay đặt để sự công bằng, trào lưu đó chứng nhận tính chất đạo đức của những căng thẳng và những xung đột đang tràn vào thế giới.
Giáo Hội chia sẻ với loài người thời chúng ta ước muốn nồng nàn và sâu sắc kia về một đời sống công bằng trên mọi phương diện và Giáo Hội cũng không bỏ qua việc suy nghĩ về nhiều mặt khác nhau của sự công bằng như đời sống của những con người và của các xã hội đòi hỏi. Sự phát triển học thuyết Công giáo về xã hội trong thế kỷ qua chứng thực điều ấy. Chính theo đường hướng của giáo lý này mà có việc giáo dục và đào tạo lương tâm nhân loại trong một tinh thần công bằng, cũng như có những sáng kiến riêng được triển khai trong tinh thần này, đặc biệt là trong khuôn khổ tông đồ giáo dân.
Tuy nhiên, có lẽ dễ nhận ra rằng, nhiều khi các chương trình vốn được xây dựng trên ý niệm công bằng và phải giúp thực hiện công bằng trong đời sống xã hội của các cá nhân, các tập thể và các xã hội thì trong thực hành lại bị lệch lạc đi. Mặc dù các chương trình ấy luôn tiếp tục tự xưng là dựa vào vẫn một ý niệm công bằng kia, kinh nghiệm chứng tỏ rằng nhiều khi những sức mạnh tiêu cực, như sự oán hận, thù ghét và thậm chí sự độc ác đã lấn lướt ý niệm công bằng. Khi đó, chỉ muốn dồn đối phương đến đường cùng, giới hạn tự do của họ, ép buộc họ phải chịu lệ thuộc hoàn toàn, trở thành lý do căn bản cho hành động, và điều này trái ngược với yếu tính của công bằng là tự bản chất, phải nhằm thiết lập thế bình đẳng và cân bằng giữa các bên tranh chấp. Cái loại lạm dụng ý niệm công bằng như thế và sự biến chất của ý niệm này trong thực hành cho thấy hành động con người có thể tách xa sự công bằng biết bao nhiêu ngay cả khi nó được khởi xướng nhân danh sự công bằng. Không phải vô cớ mà Đức Kitô đã khiển trách những kẻ nghe Người về việc họ trung thành với giáo thuyết Cựu Ước mà lại vẫn cứ giữ cái thái độ sống: “Mắt đền mắt, răng đền răng”.[111] Đó là cách làm biến chất sự công bằng vào thời ấy và nay các hình thức đương thời vẫn tiếp tục rập khuôn theo đó. Thật vậy, điều hiển nhiên là khi nhân danh cái gọi là công bằng (ví dụ như vì lịch sử hay vì giai cấp chẳng hạn), đôi khi người ta triệt hạ tha nhân, người ta giết hại, người ta tước đoạt tự do. Người ta lột mất những quyền sơ đẳng nhất của con người. Kinh nghiệm quá khứ và trong thời đại chúng ta đang sống cho thấy rằng chỉ có công bằng thôi thì không đủ, và thậm chí nếu chỉ có thế, đôi khi công bằng sẽ bị phủ nhận và tự diệt, nếu người ta không để cho một sức mạnh sâu xa hơn là tình thương có thể uốn nắn đời sống con người trong các chiều kích khác nhau của đời sống này. Kinh nghiệm của lịch sử đã đưa tới việc thành hình châm ngôn “summum jus, summa injuria” - cực độ pháp lý cũng là cực độ bất công. Quả quyết này không hạ giá sự công bằng và không làm giảm ý nghĩa những trật tự được xây dựng trên nó, nhưng cho thấy, dưới một khía cạnh khác, còn cần phải nhờ đến những sức mạnh thâm sâu hơn của tinh thần làm điều kiện cần và đủ cho trật tự của công bằng.
Hiển hiện trước mắt hình ảnh thế hệ chúng ta, Giáo Hội chia sẻ nỗi lo lắng của biết bao nhiêu người ngày nay. Đàng khác, Giáo Hội cũng quan tâm đến sự suy thoái của nhiều giá trị căn bản vốn vẫn là một kho tàng không thể chối cãi được chẳng những cho đạo đức Kitô giáo, mà còn cho đạo đức con người, cho nền văn hóa có đạo đức. Những giá trị như: tôn trọng mạng sống thai nhi, tôn trọng hôn nhân một vợ một chồng không thể đoạn tiêu, tôn trọng nền tảng gia đình. Sự buông thả về mặt đạo đức đang tác hại đến đời sống cá nhân và xã hội. Song song đó là sự khủng hoảng về tính chân thật trong các tương quan giữa con người với nhau: vô trách nhiệm trong lời nói, óc vụ lợi trong các quan hệ, kém ý thức về lợi ích chung đích thực, thậm chí dễ dàng đi ngược lại lợi ích chung này. Cuối cùng, đánh mất “tính chất thánh thiêng” và nhiều khi đánh mất cả “nhân tính”: con người và xã hội nếu không có gì là “thánh thiêng” cho mình, thì dầu bề ngoài thế nào đi nữa, cũng lao vào tình trạng suy đồi đạo đức.
VII. LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI
Trong tương quan với hình ảnh thế hệ chúng ta như trên, hình ảnh chỉ có thể khơi dậy một nỗi lo lắng sâu xa, tâm trí chúng ta lại nhớ tới những lời đã vang lên trong kinh Magnificat của Đức Maria để ca tụng việc nhập thể của Con Thiên Chúa và hát lên “lòng thương xót… suốt đời nọ đến đời kia”. Khi luôn giữ trong lòng mình những lời thần hứng hùng hồn ấy và cảm nhận chúng qua các kinh nghiệm, các khổ đau của gia đình nhân loại, Giáo Hội cần có được một ý thức sâu sắc hơn và mạnh mẽ hơn về sự cần thiết phải làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa trong toàn thể sứ vụ của mình, phù hợp với truyền thống Giao ước Cũ và Mới, và nhất là theo chân chính Đức Kitô và các Tông đồ của Người. Giáo Hội phải làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa đã được mạc khải nơi Đức Kitô trong tất cả sứ vụ của Người là Messiah, bằng việc tuyên xưng trước tiên lòng thương xót ấy như chân lý cứu độ của đức tin, cần thiết cho một đời sống hòa hợp với đức tin, rồi bằng việc tìm cách làm sao cho lòng thương xót ấy đi vào và nhập thể trong đời sống các tín hữu, và trong mức độ có thể được trong đời sống của những ai thiện chí. Sau cùng, khi tuyên xưng lòng thương xót và luôn trung thành với lòng thương xót, Giáo Hội có quyền và nghĩa vụ kêu nài tới lòng thương xót của Thiên Chúa, khẩn cầu lòng thương xót này khi gặp phải những sự dữ thể lý và tinh thần, khi biết bao nguy cơ đang bủa vây nơi chân trời cuộc sống loài người ngày nay.
13. Giáo Hội Tuyên Xưng Và Công Bố Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa
Giáo Hội phải tuyên xưng và công bố tất cả chân lý về lòng Thiên Chúa thương xót, y như mạc khải đã chứng thực với chúng ta. Trong những trang trước, chúng ta đã tìm cách vẽ lên ít nữa các nét lớn của chân lý đó, chân lý được bày tỏ một cách phong phú biết bao trong toàn thể Thánh Kinh và Thánh Truyền. Trong đời sống hằng ngày của Giáo Hội, chân lý về lòng thương xót của Thiên Chúa được trình bày trong Thánh Kinh, vẫn luôn vang dội trong nhiều bài đọc của phụng vụ thánh. Và dân chúng, trong cảm thức đích thực theo đức tin, họ cảm nhận rõ tiếng vang đó, như nhiều biểu lộ của lòng đạo cá nhân và cộng đồng đã chứng tỏ. Chắc chắn khó mà kể ra và tóm tắt được tất cả những biểu lộ này, bởi vì phần lớn được ghi tạc tận nơi thâm sâu nhất trong các tâm hồn và các ý thức. Nhiều nhà thần học quả quyết rằng lòng thương xót là ưu phẩm cao cả nhất của Thiên Chúa, sự hoàn hảo cao cả nhất của Ngài; Thánh Kinh, Thánh Truyền và tất cả đời sống đức tin của Dân Chúa đều đem lại những chứng cứ vô tận cho quả quyết này. Ở đây không nhằm sự hoàn hảo của yếu tính khôn dò của Thiên Chúa trong chính mầu nhiệm Thiên tính Ngài, nhưng nhằm sự hoàn hảo và ưu phẩm mà nhờ đó con người, trong tận nội tâm, được kết hợp cách thâm sâu nhất và thường xuyên nhất với Thiên Chúa hằng sống. Đúng theo những lời Đức Kitô đã nói với Philipphê,[112] việc “thấy Chúa Cha” - việc thấy Thiên Chúa trong đức tin - đạt được trong sự gặp gỡ lòng thương xót của Ngài một cấp độ đơn sơ và chân thật nội tâm giống như cấp độ chúng ta nhận ra trong dụ ngôn người con hoang đàng.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.[113] Giáo Hội tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội sống bằng lòng thương xót ấy, trong kinh nghiệm đức tin rộng lớn và cả trong việc giảng dạy của mình, nhờ không ngừng chiêm ngưỡng Đức Kitô, nhờ tập trung vào Người, vào cuộc đời và Tin Mừng của Người, vào Thập giá và sự sống lại của Người, vào trọn cả mầu nhiệm nơi Người. Tất cả những gì làm thành việc “thấy” Đức Kitô trong đức tin sống động và trong lời giảng dạy của Giáo Hội đều đưa chúng ta lại gần việc “thấy Chúa Cha” trong sự thánh thiện của lòng Ngài thương xót. Giáo Hội dường như tuyên xưng và tôn sùng một cách đặc biệt lòng thương xót của Thiên Chúa khi Giáo Hội đến với Thánh Tâm Đức Kitô. Quả thế, chúng ta lại gần Đức Kitô trong mầu nhiệm Thánh Tâm là chúng ta có thể chú ý đến điểm này - điểm trung tâm theo một nghĩa nào đó và đồng thời điểm dễ gần gũi hơn cả trên bình diện con người - là mạc khải về lòng thương xót của Chúa Cha, mạc khải đã làm thành nội dung trung tâm của sứ vụ cứu thế của Con người (Fils de l’homme).
Giáo Hội sống một đời sống đích thực khi tuyên xưng và công bố lòng thương xót, ưu phẩm đáng kính phục nhất của Đấng Tạo Hóa và của Đấng Cứu Chuộc, và khi dẫn đưa con người tới các nguồn mạch lòng thương xót của Đấng Cứu Chuộc, các nguồn mạch được giao cho Giáo Hội giữ gìn và phân phối. Trong khuôn khổ ấy, việc suy niệm liên tục Lời Chúa, và nhất là việc tham dự có ý thức và có suy nghĩ vào Thánh Thể và bí tích thống hối hay hòa giải, mang một ý nghĩa lớn lao. Thánh thể luôn đưa chúng ta lại gần tình thương mạnh hơn sự chết này: “Vì mỗi lần chúng ta ăn bánh và uống chén ấy”, không những chúng ta loan báo sự chết của Đấng Cứu Chuộc, mà chúng ta còn công bố Người đã sống lại, “trong khi đợi chờ Người đến” trong vinh quang.[114] Phụng vụ Thánh Thể, được cử hành để tưởng niệm Đấng đã mạc khải Chúa Cha cho chúng ta trong sứ vụ Cứu thế, bằng Lời nói và Thập giá của Người, phụng vụ đó chứng thực tình thương vô tận mà căn cứ vào đó Người luôn mong muốn kết hợp và chỉ làm một với chúng ta, trong khi đi đón gặp mọi lòng người. Chính bí tích sám hối hay hòa giải san bằng đường đi của mỗi người, ngay cả khi người ta vướng mắc những lỗi nặng. Trong bí tích này, ai cũng có thể cảm nghiệm được một cách thâm sâu về lòng thương xót, tức là về tình thương mạnh hơn tội lỗi. Thông điệp Redemptor Hominis đã từng đề cập tới điểm này, tuy nhiên cũng nên trở lại một lần nữa đề tài căn bản này.
Vì tội lỗi có trong thế gian này, thế gian được “Thiên Chúa yêu thế gian đến đỗi đã ban Con Một”,[115] cho nên Thiên Chúa “là tình yêu”[116] chỉ có thể tự mạc khải là lòng thương xót mà thôi. Đó là điều thích hợp chẳng những với chân lý sâu xa nhất của tình thương là Thiên Chúa, mà còn với cả chân lý bên trong của con người và của thế gian vốn là quê hương tạm của con người.
Xét như sự hoàn hảo của Thiên Chúa là vô cùng, chính lòng thương xót của Người cũng là vô tận. Như vậy sự mau mắn của Chúa Cha là vô cùng và bất tận để đón nhận những người con hoang đàng trở về nhà. Sự mau mắn và dồi dào của ơn tha thứ không ngừng tuôn ra từ giá trị đáng khâm phục của lễ hy sinh của Chúa Con cũng vô cùng. Không một tội lỗi nào của con người có thể đáng kể hơn hay giới hạn lại sức mạnh đó. Phía con người, chỉ có thể giới hạn lại sức mạnh đó là sự thiếu thiện chí, thiếu mau mắn trong việc trở lại và sám hối, tức là sự ngoan cố thường xuyên chống lại ân sủng và chân lý, đặc biệt khi đứng trước chứng tá Thập giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô.
Chính vì thế Giáo Hội loan báo và kêu gọi trở lại. Việc trở lại với Thiên Chúa luôn luôn hệ tại ở chỗ khám phá được lòng thương xót của Ngài, tức là khám phá tình thương kiên nhẫn và hiền từ[117] được Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Cha, thực hiện: với tình thương ấy, “Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”[118] trung thành đến độ đón nhận những hậu quả tột cùng trong giao ước với con người, trung thành đi đến thập giá, sự chết và Phục Sinh. Việc trở lại với Thiên Chúa luôn luôn là kết quả của “sự trở về với Chúa Cha giàu lòng thương xót”.
Sự nhận biết đích thực về Thiên Chúa có lòng thương xót, Thiên Chúa có tình thương nhân hậu, là một sức trở lại không ngừng và vô tận, chẳng những như hành động nội tâm trong giây lát, mà còn như khuynh hướng thường xuyên, như trạng thái tâm hồn. Những ai được biết Thiên Chúa như thế, những ai “thấy” Ngài như thế thì không thể sống cách nào khác ngoài cách không ngừng trở lại với Ngài. Như vậy thì họ sống “in statu conversionis”, trong trạng thái trở lại; và chính trạng thái này lập thành yếu tố sâu xa nhất của cuộc hành hương của mọi người trên trái đất “in statu viatoris”, trong tình trạng lữ hành. Hiển nhiên Giáo Hội tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa, đã được mạc khải trong Đức Kitô bị đóng đinh vào Thập giá và đã sống lại, chẳng những bằng những lời mình giảng dạy, mà nhất là còn bằng nhịp sống mãnh liệt nhất của toàn thể Dân Chúa. Nhờ cuộc sống chứng tá này, Giáo Hội làm tròn sứ mệnh riêng của mình là Dân Thiên Chúa, là tham dự vào sứ mệnh cứu thế của chính Đức Kitô và theo một nghĩa nào đó, tiếp tục sứ mệnh này.
Giáo Hội ngày nay rất ý thức rằng chỉ khi nào dựa trên căn bản là lòng thương xót của Thiên Chúa thì mới có thể thực hiện được những tiêu chí từ giáo huấn Công Đồng Vatican II, và trước tiên là tiến trình Đại kết, nhằm hiệp nhất tất cả những ai tin vào Đức Kitô. Khi nỗ lực theo tiến trình này, Giáo Hội khiêm tốn nhìn nhận rằng chỉ có tình thương đó, mạnh hơn sự yếu hèn của những chia rẽ, mới có thể thực hiện được cách dứt khoát sự hiệp nhất mà Đức Kitô đã khẩn cầu Cha Người ban và Thần Khí không ngừng khẩn cầu cho chúng ta “bằng những tiếng rên siết khôn tả”.[119]
14. Giáo Hội Cố Gắng Thực Thi Lòng Thương Xót
Đức Giêsu Kitô đã dạy chúng ta rằng con người không những lãnh nhận và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, mà còn được kêu gọi “có hành động thương xót” đối với kẻ khác: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.[120] Trong những lời này, Giáo Hội nhận ra một lời mời gọi phải hành động và Giáo Hội cố gắng thực hành lòng thương xót. Nếu tất cả các mối Phúc thật của Bài Giảng Trên Núi đều vạch cho thấy con đường trở lại và thay đổi cuộc sống, thì mối phúc thật liên quan tới những kẻ biết thương xót, lại càng đặc biệt có ý nghĩa. Con người đạt tới tình thương-thương xót của Thiên Chúa theo mức độ chính mình được biến cải từ bên trong theo tinh thần của một tình thương đúng nghĩa dành cho tha nhân.
Tiến trình theo đúng Tin Mừng ấy không chỉ thực hiện một cuộc hoán cải thiêng liêng một lần cho tất cả, nhưng còn phải lặp lại suốt cuộc sống, đó là điểm thiết yếu và thường xuyên nơi ơn gọi Kitô hữu. Nó hệ tại ở việc không ngừng khám phá và kiên trì thực thi tình thương vừa có sức hợp nhất vừa có sức nâng cao, bất chấp mọi khó khăn tâm lý hay xã hội, vì đây là một tình thương - thương xót tự yếu tính là một tình thương sáng tạo. Tình thương - thương xót, trong các quan hệ con người với nhau, không bao giờ là một hành động hay một tiến trình một chiều. Ngay cả trong những trường hợp mà tất cả như đều cho thấy là chỉ một bên cho và tặng, và bên kia thì chỉ có việc lấy và nhận (chẳng hạn trong trường hợp y sĩ chữa bệnh, thầy giáo dạy học, cha mẹ nuôi dưỡng và giáo dục con cái mình, vị ân nhân giúp đỡ những kẻ đang phải túng bấn), thì thật ra người cho vẫn luôn nhận lãnh. Dẫu sao đi nữa, người cho cũng có thể dễ dàng gặp lại chính mình trong hoàn cảnh của kẻ nhận, kẻ chịu ơn, kẻ gặp gỡ tình thương-thương xót, kẻ được hưởng lòng thương xót.
Trong ý nghĩa đó, Đức Kitô bị đóng đinh vào Thập giá là gương mẫu, nguồn hứng và sức khích lệ cao cả nhất cho chúng ta. Dựa vào gương mẫu cảm động này, chúng ta có thể, với tất cả sự khiêm tốn, tỏ bày lòng thương xót đối với người khác, biết rằng Người nhận nó như thể nó được dành cho chính mình Người.[121] Theo gương mẫu ấy, chúng ta cũng phải thường xuyên thanh luyện tất cả mọi hành động và mọi ý hướng nếu lòng thương xót đó được hiểu và thực hành theo kiểu một chiều như một ơn ban cho các kẻ khác. Bởi vì thương xót chỉ thực sự là một hành động của tình thương-thương xót khi nào chúng ta thực hiện nó đồng thời xác tín sâu xa rằng chúng ta cũng nhận được lòng thương xót từ những kẻ chịu nhận nó từ chúng ta. Nếu khía cạnh hai chiều và tính cách hỗ tương ấy thiếu đi, thì những hành động của chúng ta chưa phải là những hành động đích thực của lòng thương xót; theo đó, sự trở lại như Đức Kitô đã dạy cho chúng ta bằng lời Người nói và gương Người nêu, cho đến tận Thập giá, chưa được hoàn thành đầy đủ nơi chúng ta, và chúng ta chưa tham dự trọn vẹn vào nguồn mạch kỳ diệu của tình thương-thương xót đã được mạc khải cho chúng ta nơi Người.
Như vậy, con đường Đức Kitô đã chỉ cho chúng ta trong Bài Giảng Trên Núi với mối phúc thật cho những ai biết thương xót, phong phú hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã quen nghe nói. Con người thường coi lòng thương xót như một hành động, một tiến trình một chiều. Tiến trình đó giả thiết và duy trì những khoảng cách giữa kẻ thương xót và kẻ được thương xót, giữa kẻ làm ơn và kẻ chịu ơn. Do đó loại trừ lòng thương xót ra khỏi các quan hệ giữa người với người, và chỉ xây dựng các quan hệ ấy trên lẽ công bằng mà thôi. Nhưng những ý kiến như thế không kể gì đến mối liên quan căn bản giữa lòng thương xót và đức công bằng, mối liên quan được tất cả truyền thống Thánh Kinh và nhất là sứ mệnh Cứu thế của Đức Kitô nói tới. Có thể nói lòng thương xót đích thực là nguồn mạch thâm sâu nhất của đức công bằng. Nếu tự thân đức công bằng thích hợp để “phân xử” giữa những con người với nhau và phân phối cho họ những của cải vật chất công bằng thì trái lại, tình thương và chỉ riêng tình thương mà thôi (mà chúng ta gọi là “lòng thương xót”), mới có thể trả con người lại cho chính mình.
Lòng thương xót Kitô Giáo, theo một nghĩa nào đó, cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của sự “bình đẳng” giữa người và người, và như vậy cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của công bằng, vì công bằng, trong lĩnh vực riêng của nó, nhắm tới cùng một hiệu quả. Sự bình đẳng do công bằng đưa lại vẫn còn bị giới hạn vào lĩnh vực những của cải khách quan và bên ngoài, trong khi tình thương và lòng thương xót cho phép con người có thể gặp gỡ nhau trong giá trị này là chính con người, cùng với phẩm giá riêng của con người. Đồng thời, sự “bình đẳng” sinh ra từ tình thương “kiên nhẫn và nhân hậu”[122] không xóa đi những khác biệt: kẻ cho thì trở nên đại độ hơn khi cảm thấy được người nhận đền đáp, ngược lại, người biết nhận tặng phẩm mà ý thức rằng chính mình cũng làm ơn khi nhận thì về phần mình cũng phục vụ đại nghĩa phẩm giá con người, và như vậy góp phần hiệp nhất người người với nhau một cách sâu xa hơn.
Như thế, lòng thương xót trở thành một yếu tố cần thiết để nắn đúc những quan hệ giữa người người với nhau, trong một tinh thần rất trân trọng những gì thuộc về con người và tình anh em đối với nhau. Không thể nào thiết lập được mối liên quan ấy giữa những con người nếu chỉ muốn quy định những quan hệ giữa họ với nhau theo sự công bằng mà thôi. Sự công bằng này, trong mọi phạm vi giữa người với người, phải được “đúc lại” hẳn nhiên nhờ tình thương mà Thánh Phaolô tuyên dương là “Kiên nhẫn và nhân hậu”, hay, nói cách khác, tình thương mang những đặc điểm của tình thương-thương xót, những đặc điểm thiết yếu biết bao đối với Tin Mừng và Kitô giáo. Ngoài ra chúng ta hãy nhắc lại rằng tình thương-thương xót cũng bao hàm sự dịu dàng và sự nhạy cảm của trái tim mà dụ ngôn người con hoang đàng[123] hay cả các dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc đánh mất đều nói tới một cách hùng hồn.[124] Cũng thế, tình thương-thương xót thật cần thiết, nhất là giữa những người gần gũi nhau, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa bạn bè; nó cần thiết trong việc giáo dục và trong mục vụ.
Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của nó không phải chỉ bấy nhiêu. Nếu Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhiều lần cho thấy “nền văn minh tình thương”[125] là mục đích phải vươn tới của mọi nỗ lực trong lãnh vực xã hội và văn hóa cũng như trong lãnh vực kinh tế và chính trị, thì cũng nên thêm rằng mục đích này sẽ không bao giờ đạt được bao lâu, trong các quan niệm và cách thực hiện của chúng ta vẫn chỉ biết có nguyên tắc “mắt đền mắt, răng đền răng”;[126] ngược lại, bao lâu chúng ta chưa cố gắng, biến cải lĩnh vực ấy trong yếu tính của nó, bằng cách hoạt động trong một tinh thần khác. Chắc chắn là Công Đồng Vatican II cũng dẫn đưa chúng ta theo chiều hướng này khi nhắc đi nhắc lại về sự cần thiết phải làm cho thế giới mang tính người hơn,[127] Công Đồng trình bày sứ mệnh Giáo Hội trong thế giới ngày nay là phải thực hiện phận sự ấy. Thế giới loài người chỉ có thể ngày càng mang tính người hơn nếu chúng ta đưa vào trong những quan hệ đa dạng giữa người với người và những quan hệ xã hội không chỉ là sự công bằng mà còn là “tình thương-thương xót”, đó là điều làm nên sứ điệp Cứu thế của Tin Mừng.
Thế giới loài người chỉ có thể ngày càng “mang tính người hơn” khi nào chúng ta đưa vào trong mọi quan hệ hỗ tương giữa người với người sự tha thứ theo Tin Mừng. Sự tha thứ cho thấy rằng trong thế giới tình thương mạnh hơn tội lỗi. Hơn nữa, tha thứ là điều kiện trước tiên của sự hòa giải, chẳng những trong các tương quan giữa Thiên Chúa với con người, mà còn trong những tương giao giữa người với người. Một thế giới nếu trong đó người ta loại trừ sự tha thứ, thì sẽ chỉ là một thế giới công bằng lạnh lùng và bất kính, để mỗi người nhân danh nó mà đòi hỏi những tư lợi đối với kẻ khác; như thế, mọi ích kỷ tiềm tàng trong con người sẽ có thể biến đổi đời sống và xã hội ấy thành một hệ thống: cá lớn nuốt cá bé, hoặc thành một đấu trường cho người ta thường xuyên xung đột thường lẫn nhau.
Chính vì thế, Giáo Hội phải xem đây như là nghĩa vụ chính của mình - vào mỗi giai đoạn của lịch sử và đặc biệt vào thời đại này - là công bố và đưa vào trong đời sống mầu nhiệm lòng thương xót đã được mạc khải ở tầm cao nhất nơi Đức Giêsu Kitô. Chẳng những đối với chính Giáo Hội xét như cộng đoàn những kẻ tin mà còn, theo một nghĩa nào đó, đối với tất cả mọi người nữa, mầu nhiệm đó là nguồn mạch một đời sống khác với đời sống mà con người có khả năng xây dựng, con người vốn phải gánh chịu sức ép của ba mối đam mê tác động nơi mình.[128] Và chính việc nhân danh mầu nhiệm đó mà Đức Kitô dạy chúng ta luôn luôn tha thứ. Biết bao lần chúng ta lập lại những lời cầu nguyện do Người đích thân dạy cho chúng ta “xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”, tức là những kẻ có lỗi đối với chúng ta.[129] Thật khó diễn tả giá trị sâu xa của thái độ mà những lời như thế diễn đạt và ghi khắc vào tâm trí. Có gì mà những lời ấy không cho mọi người được biết, về đồng loại của mình và về chính mình! Ý thức người ta mắc nợ nhau đi đôi với tiếng gọi giữ tình liên đới anh em như Thánh Phaolô đã diễn tả gãy gọn khi kêu mời chúng ta chịu đựng “hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau”.[130] Thật là một bài học quý báu biết bao về sự khiêm tốn đối với con người, đối với tha nhân đồng thời đối với chính chúng ta! Thật là cả một trường dạy thiện chí cho đời sống chung hằng ngày, trong những điều kiện khác nhau của cuộc sống! Nếu chúng ta không thiết tha với một bài học đầy “nhân bản” như thế, thì còn trông chờ được gì trong bất cứ chương trình “nhân bản” nào?.
Đức Kitô nhấn mạnh cách tha thiết là cần phải tha thứ cho kẻ khác: khi Phêrô hỏi Người xem ông phải tha thứ cho đồng loại bao nhiêu lần thì Người chỉ cho ông con số tượng trưng là “bảy mươi lần bảy”,[131] vì muốn cho ông thấy rằng ông phải biết tha thứ cho mọi người và luôn luôn tha thứ. Đương nhiên một đòi hỏi đại độ như thế trong việc tha thứ không xóa bỏ những đòi hỏi khách quan của công bằng. Sự công bằng được hiểu cho đúng dường như là mục đích của tha thứ. Không hề có một chỗ nào trong sứ điệp Tin Mừng mà sự tha thứ hay lòng thương xót lại có nghĩa là khoan nhượng đối với sự dữ, đối với gương xấu, đối với điều thiệt hại đã gây ra, đối với những xúc phạm. Trong mỗi trường hợp, việc dẹp bỏ sự dữ và gương xấu, đền bù điều thiệt hại đã gây ra, phục hồi danh dự cho người bị xúc phạm đều là điều kiện để được tha thứ.
Như thế, cơ cấu căn bản của công bằng luôn luôn ở bên trong phạm vi lòng thương xót. Tuy nhiên lòng thương xót này có sức đem lại cho sự công bằng một nội dung mới được nói lên một cách đơn giản nhất và đầy đủ nhất trong việc tha thứ. Quả thế việc tha thứ tỏ ra rằng ngoài tiến trình “đền bù” và “tạm nghỉ” tiêu biểu cho sự công bằng, tình thương là cần thiết để con người xác định mình là con người. Cần phải hoàn tất các điều kiện của công bằng, nhất là để cho tình thương có thể cho thấy khuôn mặt riêng của mình. Trong phân tích về dụ ngôn người con hoang đàng, chúng ta đã từng lưu ý tới sự kiện kẻ tha thứ và người được tha thứ cùng gặp nhau ở một điểm thiết yếu là phẩm giá hay giá trị thiết yếu của con người, cái không thể mất đi được và là nguồn vui lớn nhất khi được xác định hay được tìm thấy lại.[132]
Giáo Hội, một cách đúng nghĩa, cho rằng nghĩa vụ của mình, mục đích sứ mệnh của mình hệ tại ở việc bảo đảm tính đích thực của sự tha thứ, cả trong đời sống và cách cư xử lẫn trong việc giáo dục và mục vụ. Giáo Hội không bảo vệ tính đích thực ấy bằng cách nào khác là giữ gìn nguồn mạch của nó, tức là mầu nhiệm lòng thương xót của chính Thiên Chúa, được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô.
Ở nền tảng sứ mệnh của Giáo Hội, trong tất cả các lãnh vực mà nhiều bản văn Công Đồng Vatican II nói tới và trong kinh nghiệm lâu đời của Giáo Hội, không có gì khác ngoài việc “múc nước tận nguồn Ơn Cứu Độ”.[133] Đó là nơi có nhiều hướng dẫn cho sứ mệnh của Giáo Hội trong đời sống các Kitô hữu, các cộng đoàn và toàn thể Dân Chúa. “Múc nước tận nguồn Ơn Cứu Độ” là việc chỉ có thể thực hiện được trong tinh thần nghèo khó mà Chúa đã bằng lời nói và gương của Người kêu gọi chúng ta phải có: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.[134] Như thế, trên mỗi nẻo đường của đời sống và sứ vụ Giáo Hội - thông qua sự nghèo khó theo Tin Mừng của các thừa tác viên và phân phối viên của mình, cũng như của toàn thể Dân Chúa, sự nghèo khó làm chứng cho “tất cả những điều kỳ diệu” của Chúa - Thiên Chúa “Đấng giàu lòng thương xót” càng tỏ hiện rõ nét hơn.
VIII. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA GIÁO HỘI HÔM NAY
15. Giáo Hội Kêu Gọi Tới Lòng Thiên Chúa Thương Xót
Giáo Hội công bố chân lý lòng thương xót của Thiên Chúa, được mạc khải trong Đức Kitô chịu đóng đinh và đã Phục Sinh, và Giáo Hội tuyên xưng chân lý ấy bằng nhiều cách khác nhau. Ngoài ra Giáo Hội cố gắng thực thi lòng thương xót đối với con người, vì thấy đó là một điều kiện cần thiết cho mối quan tâm của mình về một thế giới tốt đẹp hơn và “có tính nhân bản” hơn cho hôm nay và ngày mai. Tuy nhiên, không có lúc nào và không một giai đoạn nào của lịch sử - nhất là ở một thời kỳ có tính quyết liệt như thời chúng ta - mà Giáo Hội có thể quên lời cầu nguyện là một tiếng kêu gọi tới lòng thương xót của Thiên Chúa khi đối diện với nhiều hình thức của sự dữ đang đè nặng trên nhân loại và đe dọa nhân loại. Quyền và nghĩa vụ căn bản của Giáo Hội, trong Đức Giêsu Kitô, là thế đó: chính là quyền và nghĩa vụ của Giáo Hội đối với Thiên Chúa và đối với con người. Ý thức con người ngày càng không chống lại nổi sự tục hóa mà quên đi ngay cả ý nghĩa của từ “lòng thương xót”, càng xa rời Thiên Chúa và xa rời mầu nhiệm lòng thương xót, thì Giáo Hội cũng càng có quyền và nghĩa vụ kêu gọi tới Thiên Chúa của lòng thương xót bằng “lớn tiếng kêu van khóc lóc”.[135] Những “tiếng kêu van khóc lóc” này phải tiêu biểu cho Giáo Hội thời chúng ta, phải được gởi đến Thiên Chúa để khẩn cầu lòng Ngài thương xót mà Giáo Hội vẫn tuyên xưng và công bố rằng, lòng thương xót này đã được tỏ bày một cách khẩn thiết nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh và sống lại, đó là mầu nhiệm Phục Sinh. Chính mầu nhiệm này mang nơi mình mạc khải đầy đủ nhất về lòng thương xót, về tình thương mạnh hơn sự chết, mạnh hơn tội lỗi và mọi sự dữ, tình thương này giữ con người lại trong những sa ngã sâu nhất và giải thoát con người khỏi những đe dọa lớn nhất.
Con người ngày nay cảm thấy những đe dọa này. Những gì đã nói trên kia về điểm này chỉ là đôi nét phác họa. Con người ngày nay thường lo âu, tìm đến những giải pháp giảm căng thẳng đang dồn dập trên thế giới và chằng chịt giữa người người. Và nếu, đôi khi, con người không có can đảm nói ra từ “lòng thương xót”, hay nếu, trong ý thức đã bị lột hết cảm thức tôn giáo của mình, con người không tìm thấy gì tương đương, thì Giáo Hội càng cần phải nói ra từ ngữ đó, chẳng những nhân danh riêng mình mà còn nhân danh tất cả mọi người thời chúng ta.
Vì vậy tất cả những gì tôi đã nói trong tài liệu này về lòng thương xót phải được biến thành một lời cầu nguyện nồng nàn: ước gì tất cả không ngừng biến thành một tiếng kêu khẩn cầu lòng thương xót cho những nhu cầu thiết yếu cho con người trong thế giới ngày nay. Ước gì tiếng kêu này mang nặng tất cả chân lý về lòng thương xót đã tìm được cách thể hiện phong phú biết bao trong Thánh Kinh và trong Thánh Truyền, cũng như trong đời sống đích thực theo đức tin của bao nhiêu thế hệ Dân Chúa. Bằng một tiếng kêu như thế, cũng như các tác giả Thánh Kinh, chúng ta hãy khẩn nài Thiên Chúa là Đấng không thể khinh rẻ những gì Ngài đã tạo dựng,[136] là Đấng trung thành với chính Ngài, với tư cách là Cha của Ngài, với tình thương của Ngài! Cũng như các Ngôn Sứ, chúng ta hãy kêu nài tới tình thương từ mẫu đã chăm nom từng đứa con của mình, từng con chiên lạc; và như thế, ngay cả khi có hàng triệu kẻ thất lạc, ngay cả khi trên thế giới sự bất công thắng thế hơn sự thiện, ngay cả khi nhân loại ngày nay vì tội lỗi của mình mà đáng bị một trận “đại hồng thủy” đi nữa, như thế hệ của Noê xưa kia! Chúng ta hãy cậy nhờ vào tình Cha mà Đức Kitô mạc khải cho chúng ta bằng sứ mệnh Cứu thế của Người, Người đã đạt tới tuyệt đỉnh trong thánh giá, sự chết và sự sống lại của mình! Nhờ Đức Kitô, chúng ta hãy cậy trông vào Thiên Chúa, vì nhớ tới những lời trong kinh Magnificat của Đức Maria công bố lòng thương xót “suốt đời nọ đến đời kia”. Chúng ta hãy khẩn cầu Thiên Chúa thương xót cho thế hệ ngày nay! Ước gì khi cố gắng theo gương Đức Maria, Đấng mà trong Thiên Chúa đã làm Mẹ loài người, Giáo Hội nói lên trong lời cầu nguyện sự chăm lo của một người Mẹ, và cả tình thương tin tưởng của mình nữa, tình thương mà nơi đó nẩy sinh nhu cầu nồng nhiệt nhất của cầu nguyện.
Chúng ta hãy dâng lên những lời nài van theo đức tin, đức cậy và đức mến mà Đức Kitô đã đem vào lòng dạ chúng ta! Thái độ ấy cũng là tình thương đối với Vị Thiên Chúa mà con người ngày nay đôi khi đã đẩy thật xa khỏi lòng mình, đã xem Ngài như xa lạ, khi tuyên bố một cách nào đó, Ngài là “vô dụng”. Đó là tình thương Thiên Chúa mà chúng ta cảm thấy cách sâu sắc biết bao khi con người ngày nay xúc phạm và khước từ tình yêu đó, khiến chúng ta luôn kêu lên như Đức Kitô trên Thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.[137] Đồng thời đó cũng là tình thương con người, tình thương tất cả mọi người, không loại trừ hay kỳ thị ai cả, không phân biệt chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, vũ trụ quan, không phân biệt bạn và thù. Tình thương người đối với người là thế đó, luôn mong muốn điều lành cho từng người và cho từng cộng đồng nhân loại, cho từng gia đình, cho từng quốc gia, cho từng tập thể xã hội, cho những người trẻ, những kẻ trưởng thành, những người cha, người mẹ, những người già cả, những kẻ ốm đau: đó là một tình thương dành cho tất cả, không trừ ai. Tình thương là thế đó, sự chăm lo ân cần để bảo đảm cho mỗi người đều được mọi điều tốt đích thực cũng như để đẩy xa và trừ khử mọi sự dữ nơi mọi người.
Và nếu giữa những người đồng thời với chúng ta còn có những anh chị em chưa chia sẻ đức tin và đức cậy, thứ đức tin và đức cậy đã hướng dẫn tôi - với tư cách là tôi tớ Đức Kitô và người phục vụ các mầu nhiệm của Thiên Chúa[138] - biết khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại trong giờ lịch sử này, thì xin họ ít nữa hãy tìm hiểu lý do của sự thúc bách này. Thúc bách vì tình thương đối với con người xui khiến, tình thương đối với tất cả những gì mang tính chất người và theo trực giác của một phần đông loài người thời nay, đang bị một hiểm họa mênh mông đe dọa. Mầu nhiệm Đức Kitô, vì mạc khải cho chúng ta thiên chức cao cả của con người, đã từng thúc đẩy tôi nhắc lại phẩm giá khôn sánh của con người trong Thông điệp Redemptor Hominis, thì nay cũng bắt buộc tôi phải công bố lòng thương xót của Thiên Chúa được mạc khải trong mầu nhiệm ấy. Mầu nhiệm ấy còn khiến tôi kêu gọi và khẩn cầu lòng thương xót trong giai đoạn khó khăn và quyết liệt này của lịch sử Giáo Hội và của thế giới, khi mà chúng ta đang đi tới cuối Thiên niên kỷ thứ hai.
Nhân danh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập giá và đã sống lại, trong tinh thần sứ mệnh Cứu thế của Người vẫn luôn có mặt trong lịch sử nhân loại, chúng ta cất lên tiếng nói và những lời van xin của mình để tình thương ở trong Chúa Cha được mạc khải một lần nữa vào giai đoạn này của lịch sử; để nhờ tác động của Chúa Con và Thánh Thần tình thương biểu lộ sự hiện diện của mình trong thế giới chúng ta ngày nay, tình thương ấy mạnh hơn sự dữ, mạnh hơn tội lỗi và sự chết. Chúng ta nài van qua sự Trung gian của Mẹ Maria, Đấng vẫn không ngớt công bố “lòng thương xót hết đời nọ đến đời kia”, và của cả những vị từng cảm nhận thâm sâu những lời của Bài Giảng trên Núi: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.[139]
Trong khi tiếp tục thi hành sứ vụ lớn lao từ Công Đồng Vatican II mà trong đó chúng ta có thể nhận ra một giai đoạn mới cho Giáo Hội - phù hợp với thời đại chúng ta đang sống - chính Giáo Hội phải luôn được hướng dẫn bởi một ý thức trọn vẹn là trong sứ vụ ấy, không có gì có thể cho phép Giáo Hội co rút lại về chính mình. Thật vây, lý do hiện hữu của Giáo Hội là mạc khải Thiên Chúa, tức là Chúa Cha, Đấng cho chúng ta được “thấy” Ngài trong Đức Kitô.[140] Dù sự cưỡng lại của lịch sử nhân loại có lớn đến đâu, dù văn minh ngày nay có nhiều dị biệt rõ nét đến đâu, và dù sự phủ nhận Thiên Chúa trong thế giới loài người có mạnh mẽ đến đâu, thì lại càng phải thật gần gũi hơn với mầu nhiệm đó, mầu nhiệm đã được giấu kín từ muôn đời nơi Thiên Chúa, nhưng rồi đã được Đức Giêsu Kitô thông đạt trong một giai đoạn lịch sử cụ thể của con người.
Với Phép lành Tòa Thánh của Tôi.
Làm tại Rôma, gần Đền thờ Thánh Phêrô, ngày 30 tháng 11 năm 1980,
Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, năm thứ ba Tôi là Giáo Hoàng.
+ Gioan Phaolô II
Giáo Hoàng
(UBGLĐT/HĐGMVN Chuyển ngữ)
[1]Eph. 2:4.
[2]Cf. Jn. 1:18; Heb. 1:1f.
[3]Jn. 14:8-9.
[4]Eph. 2:4-5.
[5]2Cor. 1:3.
[6]Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et spes, no. 22: AAS 58 (1966), p. 1042.
[7]Cf. ibid
[8]1Tm. 6:16.
[9]Rom. 1:20.
[10]Jn. 1:18.
[11]1Tm. 6:16.
[12]Ti. 3:4.
[13]Eph. 2:4.
[14]Cf. Gn. 1:28.
[15]Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et spes, no. 9: AAS 58 (1966), p. 1032.
[16]2Cor. 1:3.
[17]Mt. 6:4, 6, 18.
[18]Cf. Eph. 3:18; also Lk. 11:5-13.
[19]Lk. 4:18-19.
[20]Lk. 7:19.
[21]Lk. 7:22-23.
[22]1Jn. 4:16.
[23]Eph. 2:4.
[24]Lk. 15:11-32.
[25]Lk. 10:30-37.
[26]Mt. 18:23-35.
[27]Mt. 18:12-14; Lk. 15:3-7.
[28]Lk. 15:8-10.
[29]Mt. 22:38.
[30]Mt. 5:7.
[31]Cf. Jgs. 3:7-9.
[32]Cf. 1 Kgs. 8:22-53.
[33]Cf. Mi. 7:18-20.
[34]Cf. Is. 1:18; 51:4-16.
[35]Cf. Bar. 2:11-3, 8.
[36]Cf. Neh. 9.
[37]Cf. e.g. Hos. 2:21-25 and 15;Is. 54:6-8.
[38]Cf. Jer. 31:20; Lz. 39:25-29.
[39]Cf. 2 Sm. 11; 12; 24:10.
[40]Job passim.
[41]Est.. 4:17k ff.
[42]Cf. e.g. Neh. 9:30-32; Tb. 3:2-3, 11-12; 8:16-17; 1 Mc. 4:24.
[43]Cf. Ex. 3:7f.
[44]Cf. Is. 63:9.
[45]Ex. 34:6.
[46]Cf. Nm. 14:18; 2 Chr. 30:9; Neh. 9:17; Ps. 86 (85); Wis. 15:1; Sir. 2:11; Jl. 2:13.
[47]Cf. Is. 63:16.
[48]Cf. Ex. 4:22.
[49]Cf. Hos. 2:3.
[50]Cf. Hos. 11:7-9; Jer. 31:20; Is. 54:7f.
[51]Cf. Ps. 103 (102) and 145 (144).
[52]In describing mercy, the books of the Old Testament use two expressions in particular, each having a different semantic nuance. First there is the term hesed, which indicates a profound attitude of “goodness”. When this is established between two individuals, they do not just wish each other well; they are also faithful to each other by virtue of an interior commitment, and therefore also by virtue of a faithfulness to themselves. Since hesed also means “grace” or “love”, this occurs precisely on the basis of this fidelity. The fact that the commitment in question has not only a moral character but almost a juridical one makes no difference. When in the Old Testament the word hesed is used of the Lord, this always occurs in connection with the covenant that God established with Israel. This covenant was, on God’s part, a gift and a grace for Israel. Nevertheless, since, in harmony with the covenant entered into, God had made a commitment to respect it, hesed also acquired in a certain sense a legal content. The juridical commitment on God’s part ceased to oblige whenever Israel broke the covenant and did not respect its conditions. But precisely at this point, hesed, in ceasing to be a juridical obligation, revealed its deeper aspect: it showed itself as what it was at the beginning, that is, as love that gives, love more powerful than betrayal, grace stronger than sin.
This fidelity vis-a-vis the unfaithful “daughter of my people” (cf. Lam. 4:3, 6) is, in brief, on God’s part, fidelity to Himself. This becomes obvious in the frequent recurrence together of the two terms hesed we’e met (= grace and fidelity), which could be considered a case of hendiadys (cf. e.g. Ex. 34:6; 2 Sm. 2:6; 15:20; Ps. 25[24]:10; 40[39]:11-12; 85[84]:11; 138[137]:2; Mi. 7:20). “It is not for your sake, O house of Israel, that I am about to act, but for the sake of my holy name” (Ez. 36:22). Therefore Israel, although burdened with guilt for having broken the covenant, cannot lay claim to God’s hesed on the basis of (legal) justice; yet it can and must go on hoping and trusting to obtain it, since the God of the covenant is really “responsible for his love”. The fruits of this love are forgiveness and restoration to grace, the reestablishment of the interior covenant.
The second word which in the terminology of the Old Testament serves to define mercy is rahamim. This has a different nuance from that of hesed. While hesed highlights the marks of fidelity to self and of “responsibility for one’s own love” (which are in a certain sense masculine characteristics), rahamim, in its very root, denotes the love of a mother (rehem = mother’s womb). From the deep and original bond-indeed the unity-that links a mother to her child there springs a particular relationship to the child, a particular love. Of this love one can say that it is completely gratuitous, not merited, and that in this aspect it constitutes an interior necessity: an exigency of the heart. It is, as it were, a “feminine” variation of the masculine fidelity to self expressed by hesed. Against this psychological background, rahamim generates a whole range of feelings, including goodness and tenderness, patience and understanding, that is, readiness to forgive.
The Old Testament attributes to the Lord precisely these characteristics when it uses the term rahamim in speaking of Him. We read in Isaiah: “Can a woman forget her suckling child, that she should have no compassion on the son of her womb? Even these may forget, yet I will not forget you” (Is. 49:15). This love, faithful and invincible thanks to the mysterious power of motherhood, is expressed in the Old Testament texts in various ways: as salvation from dangers, especially from enemies; also as forgiveness of sins-of individuals and also of the whole of Israel; and finally in readiness to fulfill the (eschatological) promise and hope, in spite of human infidelity, as we read in Hosea: “I will heal their faithlessness, I will love them freely” (Hos. 14:5).
In the terminology of the Old Testament we also find other expressions, referring in different ways to the same basic content. But the two terms mentioned above deserve special attention. They clearly show their original anthropomorphic aspect: in describing God’s mercy, the biblical authors use terms that correspond to the consciousness and experience of their contemporaries. The Greek terminology in the Septuagint translation does not show as great a wealth as the Hebrew: therefore it does not offer all the semantic nuances proper to the original text. At any rate, the New Testament builds upon the wealth and depth that already marked the Old.
In this way, we have inherited from the Old Testament-as it were in a special synthesis-not only the wealth of expressions used by those books in order to define God’s mercy, but also a specific and obviously anthropomorphic “psychology” of God: the image of His anxious love, which in contact with evil, and in particular with the sin of the individual and of the people, is manifested as mercy. This image is made up not only of the rather general content of the verb hanan but also of the content of hesed and rahamim. The term hanan expresses a wider concept: it means in fact the manifestation of grace, which involves, so to speak, a constant predisposition to be generous, benevolent and merciful. In addition to these basic semantic elements, the Old Testament concept of mercy is also made up of what is included in the verb hamal, which literally means “to spare” (a defeated enemy) but also “to show mercy and compassion”, and in consequence forgiveness and remission of guilt. There is also the term hus, which expresses pity and compassion, but especially in the affective sense. These terms appear more rarely in the biblical texts to denote mercy. In addition, one must note the word ‘emet already mentioned: it means primarily “solidity, security” (in the Greek of the Septuagint: “truth”) and then “fidelity”, land in this way it seems to link up with the semantic content proper to the term hesed.
[53]Ps. 40 (39):11; 98 (97):2f.; Is. 45:21; 51:5, 8; 56:1.
[54]Wis. 11:24.
[55]1Jn. 4:16.
[56]Jer. 31:3.
[57]Is. 54:10.
[58]Jon. 4:2, 11; Ps. 145 (144):9; Sir. 18:8-14; Wis. 11:23-12:1.
[59]Jn. 14:9.
[60]In both places it is a case of hesed, i..e., the fidelity that God manifests to His own love for the people, fidelity to he promises that will find their definitive fulfillment precisely in the motherhood of the Mother of God (cf. Lk. 1:49-54).
[61]Cf. Lk. 1:72. Here too it is a case of mercy in the meaning of hesed, insofar as in the following sentences, in which Zechariah speaks of the “tender mercy of our God”, there is clearly expressed the second meaning, namely, rahamim (Latin translation: viscera misericordiae), which rather identifies God’s mercy with a mother’s love.
[62]Cf. Lk. 15:14-32.
[63]Lk. 15:18-19.
[64]Lk. 15:20.
[65]Lk. 15:32.
[66]Cf. Lk. 15:3-6.
[67]Cf. Lk. 15:8-9.
[68]1Cor. 13:4-8.
[69]Cf. Rom. 12:21.
[70]Cf. the liturgy of the Easter Vigil: the Exsultet.
[71]Acts 10:38.
[72]Mt. 9:35.
[73]Cf. Mk. 15:37; Jn. 19:30.
[74]Is. 53:5.
[75]2Cor. 5:21.
[76]Ibidem.
[77]The Nicene-Constantinopolitan Creed.
[78]Jn. 3:16.
[79]Cf. Jn. 14:9.
[80]Mt. 10:28.
[81]Phil. 2:8.
[82]2Cor. 5:21.
[83]Cf. 1Cor. 15:54-55.
[84]Cf. Lk. 4:18-21.
[85]Cf. Lk. 7:20-23.
[86]Cf. Is. 35:5; 61:1-3.
[87]1Cor. 15:4.
[88]Rv. 21:1.
[89]Rv. 21:4.
[90]Cf. Rv. 21:4.
[91]Rv. 3:20.
[92]Cf. Mt. 24:35.
[93]Cf. Rv. 3:20.
[94]Mt. 25:40.
[95]Mt. 5:7.
[96]Jn. 14:9.
[97]Rom. 8:32.
[98]Mk. 12:27.
[99]Jn. 20:19-23.
[100]Ps. 89 (88):2.
[101]Lk. 1:50.
[102]Cf. 2Cor. 1:21-22.
[103]Lk. 1:50.
[104]Cf. Ps. 85 (84):11.
[105]Lk. 1:50.
[106]Cf. Lk. 4:18.
[107]Cf. Lk. 7:22.
[108]Dogmatic Constitution on the Church Lumen gentium, no. 62: AAS 57 1965), p. 63.
[109]Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et spes, no. 10: AAS 58 (1966), p. 1032.
[110]Ibidem.
[111]Mt. 5:38.
[112]Cf. Jn. 14:9-10.
[113]Jn. 14:9.
[114]Cf. 1Cor. 11:26; acclamation in the Roman Missal.
[115]Jn. 3:16.
[116]1Jn. 4:8.
[117]Cf. 1Cor. 13:4.
[118]2Cor. 1:3.
[119]Rom. 8:26.
[120]Mt. 5:7.
[121]Cf. Mt. 25:34-40.
[122]Cf. 1Cor. 13:4.
[123]Cf. Lk. 15:11-32.
[124]Cf. Lk. 15:1-10.
[125]Cf. Insegnamenti di Paolo VI, XIII (1975), p. 1568 (close of the Holy Year, December 25, 1975).
[126]Mt. 5:38.
[127]Cf. Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et spes, no. 40 AAS 58 (1966), pp. 1057-1059; Pope Paul VI: Apostolic Exhortation Paterna cum benevolentia, in particular nos. 1-6: AAS 67 (1975), pp. 7-9, 17-23.
[128]Cf. 1Jn. 2:16.
[129]Mt. 6:12.
[130]Eph. 4:2; cf. Gal. 6:2.
[131]Mt. 18:22.
[132]Cf. Lk. 15:32.
[133]Cf. Is. 12:3.
[134]Mt. 10:8.
[135]Cf. Heb. 5:7.
[136]Cf. Wis. 11:24; Ps. 145 (144):9; Gn. 1:31.
[137]Lk. 23:34.
[138]Cf. 1Cor. 4:1.
[139]Mt. 5:7.
[140]Cf. Jn. 14:9.