Thông Điệp

Saturday, 04 April 2020 15:45

Thông Điệp Rerum Novarum (Tân Sự) Của ĐGH Lê-ô XIII (Ngày 15-05-1891) Featured

THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM

(TÂN SỰ)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊ-Ô XIII

***

Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII

***

GIỚI THIỆU THÔNG ĐIỆP

Sau một thế kỷ xuất hiện kể từ ngày 15.05.1891, thông điệp Tân Sự của Ðức Lêô XIII về  hoàn cảnh của giới công nhân được coi như một giáo huấn nguyên thuỷ về xã hội của Giáo Hội. Nói về nguồn gốc lịch sử luôn là một việc khó khăn, bởi lẽ trước đó bắt buộc phải có một vài lời mở đầu nào đó mà về sau người ta bộc lộ ra cách thích thú. Và chính nhân danh những lý giải sau này mà thời điểm độc đáo ấy mới được công bố. Ðề cập đến "Vấn đề xã hội", là vấn đề mà rất nhiều người khác đã rành rẽ từ 50 năm qua hay hơn nữa, vị "Giáo Hoàng của giới công nhân" - như người ta gọi ngài đó, đã làm, đã mang lại, đã khai mở được điều gì?

ÐỈNH CAO CUỘC CÁCH MẠNG ÐẦU TIÊN

Công nghiệp phát triển theo một nhịp độ cấp số nhân, nghĩa là với một tốc độ ngày càng tăng, hoặc thậm chí bùng nổ. Nếu như cuộc phát triển nầy đã khởi sự từ cuối thế kỷ XVIII, nếu như đã dấn sâu cách rõ ràng từ giữa thế kỷ XIX, thì dù không phải là không trải qua những khủng hoảng kinh tế ít nhiều mang tính chu kỳ, nó cũng đã lan rộng một cách quyết định về cuối thế kỷ. Năm 1891, dù là thời điểm suy thoái, sản lượng than và thép của thế giới vẫn tăng trưởng hết mức, và các lò luyện Thomas cũng vẫn tạo nên một bước nhảy vọt về kỷ thuật cho công nghiệp luyện gang thép. Giao thông đường sắt đã xuyên qua những dãy núi Alpes và mạng lưới của nó nối kết những thành phố Châu Âu cũng như nó đi xuyên suốt nước Mỹ. Những thương thuyền của các nước lớn ở Châu Âu ngày càng phát triển, nhằm tìm kiếm hàng hoá đồng thời với những cuộc chinh phục thuộc địa. Ðiện tín giúp cho việc truyền thông nhanh chóng ở khắp nơi và điện năng bắt đầu được sử dụng trong ngành vận chuyển, luyện kim, hoá học, chiếu sáng đô thị. Các Nhà nước giảm sút những ngân hàng thế lực. Năm 1889, để kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng Pháp, tháp Eiffel được dựng lên trong dịp Triển lãm Quốc tế.

Hành động đó của một nền công nghiệp đã đạt đến đỉnh cao có mặt trái của nó về xã hội: vấn đề công nhân. Những cuộc cách mạng của thế kỷ (1848, Công Xã 1871) và những cuộc bãi công với biểu tình bạo động (Anzin năm 1884, Decazaville cuối năm 1886, Fourmier 1/5/1891, không những bạo loạn (Chicago 1886) làm mọi người, nhất là các nhà cầm quyền, ý thức sự hiện hữu, hoặc hơn nữa, bản chất và qui mô của vấn đề. Bởi lẽ, thực ra những nước công nghiệp phát triển nhất vẫn giữ những ưu thế nông nghiệp và những người có chức quyền trong các nước ấy ít thấy được dân số nông nghiệp chủ chốt đã bắt đầu giảm đi.

Phong trào công nhân, về phần mình, phát triển về ý thức, về tổ chức, về truyền thống, và các nhà xã hội theo Proudhon, Lassale hay Marx đề nghị với phong trào những chủ thuyết của họ. Phong trào nghiệp đoàn của công nhân phát triển. Nước Anh là thành phần tiên phong với các Hiệp hội doanh nghiệp, là những hiệp hội tiếp tục một truyền thống kết liên cổ điển mang tinh thần cải cách, dấn mình vào hệ thống mới và chẳng bao lâu sẽ vào môi trường chính trị. Ở Hoa Kỳ, các các Hiệp sĩ lao động qui tụ lên đến bảy trăm ngàn thành viên vào năm 1886 và Liên Hiệp Lao Ðộng Hoa Kỳ, được thành lập cùng một năm, vượt quá hàng trăm ngàn. Ở Châu Âu, kẻ đi đầu trong phong trào này là nghiệp đoàn Ðức, mà ba khuynh hướng của nó hợp nhất tại Hội Nghị Gotha (1875) và qui tụ ba trăm ngàn thành viên. Ở Pháp, CGT (Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng) xuất hiện năm 1895 từ vô số tranh luận giữa những người theo chủ thuyết cải cách và những người theo chủ thuyết tập đoàn và từ sự mở rộng tự do tương đối mà luật pháp cho phép năm 1884.  Cuối cùng giờ của nghiệp đoàn quốc tế đã điểm trong thập niên cuối cùng của thế kỷ.

Dưới áp lực này, đã thấy thấp thoáng xuất hiện những thành tựu xã hội hoặc thậm chí những yếu tố pháp luật xã hội.

KITÔ HỮU VÀ PHONG TRÀO CÔNG NHÂN NGAY TRƯỚC THỜI ÐIỂM THÔNG ĐIỆP TÂN SỰ

Vấn đề xã hội đã là đối tượng của sự quan tâm của các Kitô hữu và những người của Giáo Hội ngay trước khi Ðức Lêô XIII lên tiếng kêu gọi mạnh mẽ. Hẳn là, nếu người ta nhìn toàn thể Giáo Hội trong phần tư cuối cùng của thế kỷ, người ta sẽ có ấn tượng rằng nỗi sợ hãi đối với những cuộc cách mạng bạo lực và một ý chí muốn khôi phục lại trật tự xã hội vẫn còn được quan niệm dựa trên một mô hình ưu thế về nông nghiệp, gây hậu quả là tiếng kêu báo động của một thế hệ các nhà xã hội Kitô hữu đầu tiên đã không thành công. Dường như Giáo Hội, dù đối lập với các Nhà Nước thế tục về vấn đề chính trị, từng bước trong thực tế thực hiện một liên minh với giới tư sản thống trị. Ðứng trước thái độ này, phong trào công nhân tỏ ra cứng rắn trong chủ trương bài giáo sĩ.

Tuy nhiên, đã có những tiếng nói từ trong những nhân vật cấp cao của Công giáo kể từ năm 1848. Hồng Y Bonald ở Lyon Ðức Ông Von Ketteler ở Mayence, Hồng Y Manning ở Machester, Hồng Y Gibbons ở Baltimor đã phê phán nghiêm khắc những cơ cấu kinh tế, đã gán cho tình trạng vô sản hoá. Hơn thế nữa, các ngài, một mực nhất quán, còn khuyến khích những phong trào hành động và suy nghĩ do những nhóm giáo dân thiểu số đảm trách, những kẻ bị người ta gọi là "những Kitô hữu xã hội" ở Ðức, Áo, và Thụy Sỹ, "những người công giáo xã hội" ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha.

Về phương diện lý thuyết hay học thuyết nổi lên trong đó gương mặt của Ðức ông Ketteler: nổi bật là do diễn thuyết, thậm chí do sự gặp gỡ với lý thuyết gia xã hội chủ nghĩa như Lassalle, những bài diễn từ, những thư từ của Ngài và tác phẩm "La question ourière et le christianisme" (1864. Vấn đề công nhân và Kitô giáo) đặt lại vấn đề cơ cấu xã hội phát sinh bởi chủ thuyết tư bản tự do và đề ra phương thức pháp lý và đường lối những người công nhân chịu trách nhiệm về những vấn đề của riêng mình - đặc biệt là về những hợp tác xã sản xuất. Một môn đệ của Ketteler, là Vogelsang mang tư tưởng của ngài vào nước Áo phổ biến qua báo chí. Các vị này có nét đặc trưng của khuynh hướng nghiệp đoàn.

Do một trùng hợp ngẫu nhiên các tình huống kỳ lạ mà họ kể lại, những người công giáo xã hội nước Pháp cũng có biết tư tưởng của Ketteler ở thời điểm Công Xã Paris, là một cú sốc làm cho họ ý thức mãnh liệt về vấn đề xã hội. Từ chỗ đó xuất hiện những tên tuổi như: René de la Tour du Pin, nghiêng về một lý thuyết gia phê bình chủ nghĩa tư bản và đề xướng sự can thiệp của Nhà Nuớc, như Albert de Mun, là một khuôn mặt diễn giả lớn tại nghị viện (đấu tranh cho luật về công nghiệp đoàn, cho luật về giới hạn lao động của người phụ nữ hoặc cho dự án Hội Nghị Lao Ðộng Quốc Tế) và là người sáng lập công trình những câu lạc bộ công nhân công giáo; như Leon Harmel, là một người theo thuyết dân chủ - khác với những người trước ông - và là người chủ động trong xí nghiệp - hợp tác xã của ông và trong những cuộc hành hương của công nhân do ông dẫn về Rôma. Tuy nhiên người ta cũng nêu ra ở Pháp một phong trào khác của những người công giáo quan tâm đến vấn đề xã hội, đó là "trường Angers" (đức ông Freppel và "Hiệp hội công giáo các ông chủ miền bắc") không đề xướng một dự án chống cách mạng xã hội nhưng đề xướng một kế hoạch tiến hành tự do trong tinh thần bác aí Kitô giáo; họ trách cứ những người đi trước thiếu thái độ thực tế trước những nhu cầu của nền kinh tế.

Ðức Cha Pecci, tức Ðức Lêô XIII tương lai, vào giai đoạn mà Ngài còn làm Giám Mục Pérousse, đã ưu tư đến tình cảnh khốn cùng của công nhân và đã lấy vấn đề xã hội như là chủ đề cho những thư mùa chay. Khi lên ngôi Giáo Hoàng, từ rất sớm Ngài đã bày tỏ ý định muốn công bố chủ đề quan tâm của Ngài và người ta tìm thấy những dấu vết của chủ đề đó trong rất nhiều lần can thiệp của Ngài. Năm 1882, Ngài thiết lập ở tại một "uỷ ban thân thiện" cho chủ định này, bao gồm các nhân vật lỗi lạc trong đó có Ðức Cha Mermilold. Vị này, là Giám Mục lưu vọng ở Genève, đã từng có những cuộc gặp gỡ quốc tế không chính thức giữa những người công giáo và Kitô giáo xã hội: những đề tài chung được khai sáng. Ủy ban này phổ biến nhiều đề tài đó trong cùng năm đó, về quyền sở hữu và những quyền hạn riêng tư của người sở hữu, của người lãnh đạo và của những người lao động về những đề tài này tránh xa xu hướng tự do.

Chung quanh Ðức Cha Mermilled, những cuộc gặp gỡ được phát huy rộng lớn và, để phối hợp những nghiên cứu của các nhóm Quốc gia của Rôma, Francfort và Paris, các thành viên của các nhóm đó thiết lập tạo nên Liên hiệp Fribuorg. Tổ chức này có 60 thành viên vào hôm trước buổi xuất hiện thông điệp "Tân sự" , và đã đề cập đến rất nhiều vấn đề: cơ chế công nghiệp đoàn, chế độ, đồng nghiệp đoàn, tổ chức ngành công nghiệp, vấn đề ruộng đất, tiền lương, bảo hiểm cho công nhân, quy chế quốc tế về sản xuất công nghiệp.

ĐỨC LÊ-Ô XIII VÀ VIỆC BIÊN TẬP THÔNG ĐIỆP "TÂN SỰ"

Tầm vóc trí thức và chính trị to lớn của Ðức Lêô XIII đột ngột trổi vượt vào một thời điểm mà kết cục (ngỏ ra) của "vấn đề Rôma" dường như đã giam hãm trong một thời gian khá lâu các vị Giáo hoàng trong lãnh vực thu hẹp Vatican. Từ thời đại của ngài, Ðức Lêô XIII đã nhận thức những vấn đề chủ chốt: hình thái mới mẻ của các Nhà Nước, và của các mối quan hệ của chúng, vấn đề công nhân trong thế giới công nghiệp. Ngài cũng nhận thấy những vận may mới: những phương tiện truyền thông dễ dàng, vai trò ưu thế về đạo đức mà Giáo Hội có thể đảm đương,sự tập trung hữu hiệu về Rôma. Về căn bản, tư tưởng của Rôma là cổ điển, thậm chí bảo thủ: người ta không nhân nhượng trên "chính đề" về mặt học thuyết. Nhưng trong lãnh vực áp dụng, tức "giả thuyết" , đòi hỏi phải có thái độ cởi mở và mềm mỏng, thậm chí táo bạo nữa. Có không mấy người công giáo Pháp đón nhận thông điệp của Ðức Giáo Hoàng đòi hỏi "liên minh" với Nhà Nước Cộng Hoà, một năm sau thông điệp Tân sự. Nhưng, ở Âu Châu và Hoa Kỳ những Kitô hữu tiên phong tìm kiếm nền công bình về mặt xã hội được mọi người nhanh chóng biết rằng Giáo Hoàng Rôma ủng hộ. Ðặt biệt là Liên Hiệp Fribourg.

Bốn biến cố góp phần làm cho thông điệp được chín muồi. Từ Hoa Kỳ, Ðức Hồng Y Gibbons đến biện hộ một cách thành công ở Rôma lý do hiện hữu của tổ chức Các Hiệp Sĩ lao động, là công đoàn đấu tranh chống độc quyền và bị kết án là thành lập hội kín. Ở Luân đôn, Ðức Hồng Y Manning tham gia trực tiếp vào cuộc thương lượng dẫn đến chấm dứt được đình công ngày 04/11/1889 và thỏa mãn những yêu sách của các công nhân bến tàu, Ðức Lêô XIII theo dõi sát sao sự can thiệp này. Ở Bá Linh, năm 1890 hoàng đế Guillaume, lấy lại ý tưởng của Suisse Gaspard Decurtiw muốn triệu tập một hội nghị quốc tế về lao động, yêu cầu Ðức Giáo Hoàng ủng hộ. Cuối cùng, từ năm 1885, Léon Harmel dẫn đến thành đô vĩnh cửu nhiều đoàn tàu hành hương toàn công nhân gồm hàng ngàn người Ðức Giáo Hoàng "của họ" tiếp kiến.

Thông điệp được mọi người chờ mong đã chín muồi suy tư và trong hoàn cảnh khẩn trương đó. Công việc soạn thảo bản văn trải qua bốn lần biên tập: lần đầu tiên năm 1890 do cha Liberatore, dòng Tên người Ý, học trò môn xã hội và chính trị của vị thầy nổi danh d'Azeglio và là thành viên của liên hiệp Fribourg lần thứ hai do Ðức Hồng Y Zigliaria, được cha Liberatore và Hồng Y Mazella duyệt lại; cuối cùng, giai đoạn thứ tư, bản dịch Latinh của Ðức Cha Volpini vẫn còn nhận được những sửa chữa quan trọng, chẳng hạn như phần chen thêm về những cộng đoàn ly khai. Giữa dự thảo đầu tiên có tính rất đồng nghiệp đoàn và những bản biên tập cuối cùng này đã có thêm vào phần nhấn mạnh đến tính chất tự nguyện và tự do của những hiệp hội nghề nghiệp. Ðức Lêô XIII xem ra gắn bó với một bản biên tập khá độc lập đối với các trường phái khác nhau, mặc dù Ngài có liên hệ với Liên Hiệp Fribourg.

TỪ CHUẨN ÐOÁN ÐẾN THUỐC CHỮA ÐÍCH THỰC

Cấu trúc của thông điệp về "hoàn cảnh của giới công nhân" khá đơn giản: sau phần mô tả về "căn bệnh xã hội" trong vài đoạn văn sắc bén, và một chương phê bình về thứ "thuốc chữa sai lầm" là xã hội chủ nghĩa, dẫn đến những hậu quả tai hại, bất công tự nền tảng vì chối bỏ quyền tư hữu cốt yếu đối với bản tính con người, và vì nó tổ chức cách sai lạc những tương quan giữa Nhà Nước, gia đình và của cải; kế đến là phần chính yếu dài được tổ chức quanh ba kẻ can dự thiết yếu để thuyên chữa căn bệnh xã hội này: Giáo Hội lo giáo huấn và hành động (số 12-24), Nhà Nước can thiệp nhằm đạt đến công ích (số 25-35), các hiệp hội nghề nghiệp (chủ và thợ) phải tổ chức môi trường xã hội số 36-43). Phần kết là lời mời gọi nhắm tới các thành phần (tác nhân) xã hội khác nhau.

Lời mở đầu của thông điệp "Tâm Sự" nói với một ngữ điệu trực tiếp và với một mật độ mà ngày nay vẫn tạo ra một âm vang tiên tri cho lời kêu gọi của Ðức Lêô XIII, âm vang mà người ta sẽ thấy một sức mạnh mẽ tương tự chẳng hạn như trong thông điệp "Phát triển các dân tộc" nói về sự phát triển. Cũng trong chính lời mở đầu của các tài liệu như thế mà Giáo Hội sẽ thường xuyên được nhắc nhở tại sao và nhân danh cái gì mà mình nói (Giáo Hội lên tiếng). Nền tảng và giai đoạn lịch sử chất chồng chéo lên nhau. Những can thiệp lịch sử của Giáo Hội là những "hành động" cũng như là những biểu thức giáo thuyết đi từ nguyên tắc đến thực hành. Lịch sử của thông điệp "Tân Sự" cho thấy rõ một hành động của Giáo Hoàng như thế nẩy sinh bắt đầu từ "những gì Thánh Thần nói với Giáo Hội" qua một số phần tử của mình, dù họ thiểu số.

Lý thuyết làm nền cho suy tư của thông điệp "Tân Sự" là lý thuyết về luật tự nhiện và về quyền tự nhiên, có hình thức học thuyết Thánh Tôma, học thuyết đã được phục hồi danh dự nhưng được lấy lại và được đổi mới bởi Taparelli và Liberatore qua khoa xã hội chính trị. Luật tự nhiên là dấu tích của Thiên Chúa ghi khắc vào mọi lương tâm con người, dấu bao gồm một tiếng gọi làm sự thiện và hiểu biết những nguyên lý đạo đức phổ quát. Sự hiểu biết luật này có thể đã bị mờ nhạt đi vì tội lỗi, nhưng khó bị huỷ diệt. Mạc khải tỏ cho ta biết Thiên Chúa hồi như thế nào bản tính con người và làm sáng tỏ trở lại luật này, bằng cách thổi vào Thánh Thần tình yêu. Ðó là lý do tại sao Giáo Hội phải nói về bản tính con người và về luật tự nhiên. Nói chung quyền tự nhiên là sự khách thể hoá luật này. Những luật do con người ban bố phải hợp với quyền này. Một số thực tại thuộc về tự nhiên phù hợp và thiết yếu với bản tính con người: như gia đình, xã hội dân sự, sở hữu, làm việc, lập hội...

Cùng một sơ đồ nền tảng sử dụng ở đây sẽ được dùng trong mọi tài liệu Toà Thánh và sau đó đến Công Ðồng Vatican II những nét đậm tính Kitô học hơn chỉ được đưa vào dần dần trong giáo huấn luân lý, và xã hội. Với thông điệp Tân Sự, sự tham chiếu rõ ràng đến Ðức Kitô xuất hiện khi đề cập đến mầu nhiệm sự dữ (bất công bạo lực), khi đưa các giá trị trở về Tin mừng, và nhất là khi bàn về sự nghèo khó và sau cùng khi nói về đức bác ái. Nhưng mọi phẩm chất và đức tính thuộc bình diện xã hội, mọi nguyên tắc được nhắc lại - hiệp nhất, công bình, huynh đệ - đều được nhuộm sắc Tin mừng.

Còn về những đề tài chính yếu của thông điệp Tân Sự, đó là những đề tài đã từng được nhiều trường phái xã hội quan tâm: quyền sỡ hữu, chủ nghĩa tư bản, lương bổng, sự can thiệp của nhà nước về kinh tế, lập những hiệp hội (nghiệp đoàn hay công đoàn). Một số trong những vấn đề này đã được tranh luận giữa những người công giáo xã hội, mà vẫn còn nổi tiếng do một lỗ hổng rất nhỏ có trong bản biên tập sau cùng: các nghiệp đoàn hay công đoàn "hỗn hợp", bao gồm cả chủ nhân và người làm công, hay người ta có thể chấp nhận những cộng đoàn của người làm công, của công nhân? Việc khai mở thận trọng cho những loại nghiệp đoàn sau sẽ tạo cơ hội khai sinh ra phong trào nghiệp đoàn Kitô giáo, và rồi sau này, cho những người công giáo tham gia vào phong trào nghiệp đoàn phi Tôn giáo. Qua đó họ sẽ tham gia hoàn toàn một cách có tổ chức vào phong trào công nhân mà ban đầu việc tham gia đó đã từng bị bác bỏ.

MỘT TIẾNG VANG THOÁNG CHỐC VÀ MỘT HẬU THẾ TRƯỜNG KỲ

Với một nội dung ôn hoà, nhưng sắc sảo và chính xác, tấn công vào các vấn đề và xuất phát từ cấp cao nhất của Giáo hội, thông điệp liền gây được một tiếng vang xa trong giới báo chí. Bức thông điệp được một số tuyên ngôn của các đảng phái xã hội đánh giá cao trong khi một số khác tuyên bố rằng nó đã phá đổ hẳn bức tường ngăn cách giữa Giáo hội và thế giới hiện đại. Ðức Lêô XIII đã trả lại cho Giáo hội uy tín vốn có đã đánh mất và làm trổi dậy mối thiện cảm đối với Giáo hội.

Một số phản ứng của các nhà xã hội hay tự do có tính luận chiến hơn: họ cho rằng đó là mưu mẹo mới nhằm tái dựng lại nền thần quyền và sự quay lại thời trung cổ, chối từ tự do... Những người ôn hoà cuối cùng đã tự hỏi về áp dụng của thông điệp: đây là một tín điều nghiêm túc hay là những khai mào cần được mở rộng?

Những người công giáo và Kitô hữu xã hội hiển nhiên đón nhận trong hân hoan thông điệp Tân Sự, và chính họ bảo đảm cho thông điệp được chuyển lưu cho hậu thế. Tuy nhiên có những chia rẽ tái xuất hiện giữa các trường phái. Nhưng, nhất là, những Kitô hữu này vẫn cón là số ít và hành động của họ được xã hội chậm thấy, và giáo huấn xã hội chậm được đưa vào việc đào tạo Linh mục và giáo dân. Chủ nghĩa tư bản tự do của giới chủ nhân chỉ chuyển dịch cách uể oải trước những sự việc táo bạo đó. Những người công giáo xã hội xuất thân từ những giai cấp giàu có trong một thời gian dài tiếp xúc một cách khó khăn và vụng về với những công nhân mà họ muốn huấn luyện để đảm nhận lấy trách nhiệm của họ. Bốn mươi năm sau, Ðức Piô XI, trước khi thấy những hoa quả do thông điệp Tân Sự mang lại, đã ghi nhận về chính những người công giáo như sau: "Những người qua gắn bó với quá khứ coi khinh thứ triết học xã hội mới mẻ này, những tâm trí rụt rè e ngại bước lên những tần cao như thế; những người khác, tuy vẫn ngưỡng mộ lý tưởng chói sáng này, nhưng cho rằng nó hão huyền viễn vông và có thể mong ước thực hiện nó, nhưng lại không hy vọng thực hiện được gì".

Một sự nảy mầm quả là chậm chạp! Tuy vậy chính Thông điệp Tân Sự là tài liệu mà người Công giáo ngày nay luôn phải tra cứu đi ngược lên khi họ muốn chỉ rõ nguồn gốc của một hành động này, khiến hành động mà qua đó toàn thể Giáo Hội đã được thúc đẩy phải nắm bắt vấn đề xã hội ngay giữa lòng thế giới hiện đại.

***

THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM

(TÂN SỰ)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊ-Ô XIII

VỀ HOÀN CẢNH CỦA GIỚI CÔNG NHÂN

***

1. Những tương quan giữa chủ và thợ đã thay đổi

Canh tân xã hội! một tham vọng mãnh liệt đã xâm chiếm xã hội và sách động quần chúng từ lâu! Nó bùng nổ trong phạm vi chính trị. Nhưng không kíp thì chày, nó cũng phải chuyển sang phạm vi kinh tế xã hội, là một phạm vi liên quan mật thiết với đời sống công dân hơn.

Thực thế, kỹ nghệ đã tiến bộ; phương pháp sản xuất đã hoàn toàn đổi mới; những mối liên hệ giữa chủ nhân và công nhân cũng đã đổi khác hẳn. Sản phẩm thì thu dồn vào tay một thiểu số, còn phần đa số thì lâm vào cảnh cơ cực. Công nhân ý thức nhân phẩm của mình. Tình nghĩa đồng nghề thắt chặt giới lao động thân thiết hơn. Lại thêm vào đó, nền phong hoá mỹ tục đã suy đồi rất nhiều. Xã hội tránh sao được những cuộc xung đột kinh khủng sắp bùng nổ.

Ðâu đâu con người cũng rối trí phân vân, sợ hãi đợi chờ ! Tang chứng rõ ràng là bao quyền lợi trọng yếu phải xung đột nhau rồi! Ai ý thức tình trạng xã hội hiện tại, thì không khỏi bận lòng lo lắng. Nào các nhà bác học thông minh; nào các bậc hiền nhân lịch lãm; nào dân chúng hội thảo tìm giải pháp; nào những luật sư sáng suốt hội đồng với các nhà chính trị trứ danh. Ai cũng băn khoăn: thật không vấn đề nào phức tạp và khẩn thiết bằng vấn đề này.

Vậy anh em thân mến, vì quyết mưu ích cho giáo hội và gây hạnh phúc cho thiên hạ, Ta đã viết biết bao thông điệp tối hệ trọng rồi. Tỉ dụ như: "Chủ quyền chính trị". "Tự do của con người". "Hiến pháp xã hội theo đạo Thiên Chúa".

Giải quyết những vấn đề ấy và những vấn đề khác liên quan đến xã hội, Ta đã cố hết sức liệu cho thích thời mà phi bác những quan niệm sai lầm và giả dối. Hiện nay Ta tìm giải quyết vấn đề "Thân phận lao động" căn cứ vào cùng một nguyên tắc và nhắm vào cùng một mục đích Ta đã bàn về vấn đề lao động rất nhiều lần tùy theo trường hợp, nhưng chỉ bàn sơ qua thôi. Trong bức thông điệp này, Ta nghe theo sứ vụ tông đồ của Ta mà nêu lên vấn đề ấy lần nữa, để tìm cách giải quyết một cách tường tận và quang minh hơn. Trước nhất, Ta sẽ nhắc lại những nguyên tắc căn bản, sau đó Ta sẽ đề nghị một giải pháp hợp với chân lý và công bình.

Vấn đề lao động thì rất phức tạp và đầy nguy hiểm, nên khó giải quyết. Phức tạp vì ta khó minh định quyền hành và bổn phận, vốn làm quy tắc cho sự giao thiệp giữa chủ nghiệp và người vô sản: giữa chủ nhân và công nhân.

Vấn đề lại càng nguy hiểm vì cứ sự thường bọn hiếu động thì xảo quyệt. Họ lợi dụng những mâu thuẫn ấy để phát động quần chúng và gieo mầm cách mạng, nên họ giải nghĩa vấn đề một cách sai lạc. Há chẳng phải là nguy hiểm lắm sao!

2. Một hoàn cảnh bất hạnh và khốn khổ không đáng

Nhưng dầu sao, Ta tin chắc ai cũng đồng ý với Ta rằng: Phải dùng những biện pháp khẩn cấp và hiệu nghiệm để cứu trợ những giai cấp hạ lưu trước đã. Họ là phần đa số mà lại lâm vào cảnh cơ bần túng thiếu.

Lý do thứ nhất, là vì thế kỷ trước đã phế bỏ các nghiệp đoàn mà đời nào cũng đã từng có, để bảo vệ quyền lợi của giới lao động. Hiện nay họ sống trơ trọi không đoàn thể nào bênh vực họ được.

Lý do thứ hai, mọi nguyên tắc và mọi tình nghĩa đạo đức cũng đều bị loại ra khỏi pháp luật và các cơ cấu của chính phủ.

Kết quả, công nhân cô lập lại lần lần không còn được ai bảo vệ nữa.

Ngày qua tháng lại, họ nhận thực mình tùy thuộc các chủ nhân bất công. Họ không sao chịu được. Các chủ nhân lại cạnh tranh tham của tham lợi quá đỗi, tuy họ phải chịu, nhưng oan ức và đầy căm hờn...

Thêm vào cái nạn ấy, họ bắt buộc phải vay tiền. Nhưng kẻ có vốn cho vay thì đòi nặng lãi. Họ trả làm sao được. Biết bao phen giáo hội đã lên án những người ăn lãi tham tiền. Nhưng người ta dùng hết mánh khóe này đến mánh lới kia để cứ cho vay nặng lãi mãi.

Lại còn một tật nạn xã hội nữa. Sản phẩm kỹ nghệ và thương mại dồn vào trong tay một thiểu số đại tư bản. Ðó là một ách đè nặng trên vai người vô sản giống như ách nô lệ ngày xưa.

***

VẤN NẠN TIÊN QUYẾT:

ÐỀ XUẤT CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI NHẰM HỦY BỎ QUYỀN TƯ HỮU

NHỮNG HẬU QUẢ TAI HẠI

 

3. Luận đề chủ nghĩa xã hội: Những sai lạc

Tật nạn xã hội là thế ! chủ nghĩa xã hội quyết sửa chữa bằng cách xúi giục kẻ nghèo nổi cơn căm hờn, rồi trả thù trả oán kẻ giầu sang. Họ chủ trương huỷ bỏ quyền sở hữu của từng cá nhân, họ cấm không cho ai lập sản nghiệp riêng. Mọi tài sản phải tịch thu làm tài sản chung của xã hội. Còn quyền quản trị tài sản ấy, họ quyết trao lại cho từng thị xã hay từng quốc gia... Ðã di chuyển quyền sở hữu cho xã hội; đã phân phối sản phẩm và hoa lợi cho công nhân đều bằng nhau, họ tự đắc là đã tìm được phương thuốc thần tiên chữa được tật nạn xã hội hiện tại.

Ðem thi hành chủ nghĩa ấy thể nào cũng không chấm dứt được cuộc giai cấp tương tranh hiện tại. Thợ thuyền lại bị thiệt hại nữa là khác. Vả lại chủ nghĩa xã hội nói trên bất công vì nó phạm đến quyền chính đáng của sản chủ; làm sai chức vụ tự nhiên của quốc gia; rồi đảo lộn phá triệt lâu đài xã hội.

4. Giới lao động mất mọi hy vọng nới rộng gia sản

Người làm việc, thợ làm nghề, ai cũng chỉ nhắm đến một mục đích và chỉ một duyên cớ rõ rệt là tìm tài sản, lập sở hữu riêng, rồi đòi toàn quyền hưởng dụng. Nếu công nhân hy sinh sức khỏe nghị lực làm cho kẻ khác, tựu chung là để tìm sự nuôi thân và thỏa mãn nhu cầu đời sống của mình. Họ mong rằng: Nhờ công việc làm, họ sẽ lãnh tiền lương, mà lại tự do sử dụng số tiền ấy tùy ý mình. Ðó là quyền tuyệt đối và chính đáng của họ.

Nhiều khi vì nhịn ăn nhịn tiêu, công nhân dành dụm được một ít vốn, rồi muốn chắc chắn giữ lại mãi, họ đem tậu một đám ruộng chẳng hạn. Tất nhiên đám ruộng ấy là của họ. Miếng đất công nhân mua được là phần sở hữu của họ không kém số tiền họ được kiếm được vì công việc họ đã làm. Quyền sở hữu động sản hay bất động sản quả thật là thế.

Vậy đổi quyền sở hữu cá nhân, thành quyền sở hữu đoàn thể theo chủ nghĩa xã hội đề nghị và hết sức hô hào, kết quả là làm cho số phận công nhân phải bấp bênh không có gì bảo đảm chắc chắn. Trước vì họ không còn tự do hưởng dụng tiền công của họ, sau vì họ mất cả hy vọng và khả năng tăng thêm gia nghiệp và nâng cao đời sống của họ...

5. Con người có quyền tư hữu tự nhiên, bền vững và vĩnh cửu

Liều thuốc chủ nghĩa xã hội đề nghị, là thuốc độc trái ngược với công lý nữa. Ðiều ấy rất hệ trọng. Vì quyền sở hữu cá nhân là quyền bất khả xâm phạm của con người...

Về phương diện ấy, con người khác hẳn mọi con vật vô ý thức. Con vật thì không tự trị lấy mình. Tự nhiên nó sống theo hai bản năng thiên nhiên cấp sẵn cho; bản năng duy trì mạng sống; bản năng điều khiển hành động.

Vì những bản năng ấy, bất sứ sinh vật nào cũng đủ kích thích và hạn chế mọi cử động cần thiết. Bản năng thứ nhất cho chúng tự bảo tồn và tự vệ; bản năng thứ hai lại cho chúng biết sinh sống theo bản tính và truyền nòi giống nữa. Nhờ đó các sinh vật dùng những vật đang có và vừa tầm của chúng một cách thuận lợi khôn khéo. Chúng không vượt qua mức sống cảm giác sự cần và hưởng dụng mọi sự vật thích hợp với nhu cầu hiện tại. Con người nhân tính thì khác hẳn các quan năng của con vật, con người có đầy đủ nhưng hoàn hảo hơn. Nhờ đó con người hưởng dùng được các sự vật hữu hình. Nhưng dầu con người có cơ thể hoàn hảo hơn cơ thể vạn vật, cơ thể ấy không phải là "cả nhân tính" của nó đâu. Cơ thể thua kém nhân tính, và có chăng chỉ là để tòng phục nhân tính tự do hưởng dùng và điều khiển nó, từ ở bên trong. Ðặc tính làm cho ta trổi lên hẳn, làm cho ta thành người khác mọi con vật một trời một vực là "lý trí" . Vì đặc tính ấy, con người lại có đặc quyền không những được dùng các ngoại vật theo tư cách chung của muôn loài trong thiên nhiên, mà lại con người được tôn lên làm bá chủ muôn vật, dầu những vật đã dùng rồi không còn nữa hay những vật còn lưu tồn sau khi đã dùng. Ðó là quyền vĩnh viễn bất khả xâm phạm của con người.

6. Con người phải thống trị trái đất

Càng tìm hiểu nhân tính này kỹ hơn thì càng thấy chức quyền đặc biệt của con người sáng tỏ. Thật là một chân lý hiển nhiên không ai chối được. Nhờ con người có trí thông minh, thì mới tìm hiểu và bao quát muôn vật. Nhận thức những điều hiện tại, con người đã sáng suốt nhận chân những điều ấy liên kết với quá khứ và cả tương lai nữa. Cũng nhờ có lý trí mà con người quản trị được đủ mọi hành động hồn xác của mình. Ðã đành, con người ý thức mình cũng phải phục luật muôn thuở của Tạo Hoá dẫn đạo vũ trụ: mình không kém muôn vật tự nhiên nằm trong khuôn khổ của Ðấng Quan Phòng cai quản hoàn cầu. Nhưng luật Tạo Hoá mình ý thức, thì mình quyết phục hay bất phục tùy ý. Việc Ðấng Quan Phòng, thì con người hợp tác hay bất hợp tác vào, cũng tự do. Kết quả việc hay dở thế nào, con người chịu trách nhiệm hết. Cho nên ai cũng có quyền tự chọn những điều thích hợp, những ngoại vật cần thiết để cấp cho đời sống của mình đủ mọi nhu cầu hoặc hiện tại hoặc tương lai. Vì vậy quyền con người làm bá chủ muôn vật, bao quát các sản vật bởi thiên nhiên phát xuất và cả thiên nhiên làm nguồn vô tận của mọi sản phẩm, vốn phải cấp sự cần cho hậu vận nữa. Sự cần của đời sống con người hằng nảy ra thì cũng hằng thêm bớt, tới lui và đổi mới mãi. Hôm nay mãn nguyện, ngày mai lại nảy ra bao đòi hỏi mới lạ. Muốn có đủ cấp cho mọi giờ mọi khắc, tất thiên nhiên phải cho con người tùy nghi sử dụng một cảnh địa vững chắc trường cửu. Nhờ vậy con người mới đủ phương tiện sinh sống bảo đảm. Mà nguồn của cải vô tận cần thiết này, ngoài thiên nhiên với những sản phẩm của nó, thật không chỗ nào có nữa.

Ðừng có nói, quyền làm bá chủ thiên nhiên này là của quốc gia: còn cá nhân chỉ nhờ quốc gia phù hộ từng công dân. Nói vậy là vô lý. Con người có trước, quốc gia mới có sau. Quốc gia được thành lập thì con người đã nhận bởi thiên nhiên, cái quyền sống và quyền bảo vệ mạng sống của mình từ lâu.

7. Quyền tư hữu và nguồn lợi của trái đất dành chung cho mọi người

Cũng đừng đối kháng lại rằng: quyền tư hữu chính đáng là quyền của Tạo Hoá, đã nhường lại cho toàn thể nhân loại hưởng dùng thiên nhiên làm của chung, nên không người nào được lấy một phần nào làm của riêng. Tạo hoá nhường quyền chiếm cứ thiên nhiên cho cả nhân loại là đúng. Ðừng có hiểu sai là Tạo Hoá cấm không cho ai lập tài sản riêng, hay là cứ từng người mặc ý hưởng dụng sự cần một cách lộn xộn. Ý nghĩa chính là Tạo Hoá không định trước phần riêng từng ai; một là cứ để từng người và từng dân tộc tổ chức mọi sự và hoạch định lấy sản nghiệp cần thiết theo lẽ khôn ngoan của họ.

Ngoài ra, dù đã chia ra thành tư sản, thiên nhiên vẫn giúp ích chung cho mọi người. Không phàm nhân nào mà không sống nhờ lợi tức thiên nhiên. Ai không có phần sản thổ riêng, thì người ấy lấy cần lao thế lại. Quả thật, cần lao là phương pháp phổ thông khắp nơi để cung ứng mọi nhu cầu đời sống. Người thì làm lụng ngay ở trong đám ruộng, sở vườn mình hưởng hoa lợi. Người thì lao động theo nghề nghiệp sở hay xưởng máy của người khác, rồi lãnh nhận tiền công đổi chác với sản phẩm thiên tạo hay nhân tạo cần thiết.

Những nhận xét trên đều chứng minh rằng: "Quyền tư hữu hoàn toàn hợp lý đương nhiên" . Ðã đành rằng, thiên nhiên sản xuất dồi dào đủ mọi sự vật cần thiết cho con người bảo tồn và phát triển sinh mạng cho hoàn thiện. Nhưng thiên nhiên cứ là thiên nhiên thì chẳng ích lợi bao nhiêu cho con người. Con người nhờ cần lao mà biến hoá thiên nhiên; cầy đất cấy ruộng chẳng hạn, thì thiên nhiên mới hữu ích.

Vậy hễ người nào đã lao tâm lao lực khiến thiên nhiên hoá thành những đồ dùng hữu ích cho mình, thì sản phẩm hữu ích đó, tất nhiên cũng thành phần gia sản riêng của người ấy nhờ cần lao con người in vào thiên nhiên một mảnh hình hài nào đó là của mình. Thành ra cứ theo công lý, sản phẩm mang hình hài của người nào, cũng thuộc về quyền sở hữu của người ấy. Ai xâm phạm quyền ấy bất cứ bằng cách nào, cũng phạm đến công bằng và hành động bất hợp pháp.

8. Mối liên hệ giữa tư hữu và lao động

Ðiều ấy thì vững và hiển nhiên. Ta khỏi ngạc nhiên sao được khi thấy người ta chủ trương những quan niệm hủ lậu mà phản đối lại rằng: cá nhân có quyền dùng đất ruộng và hưởng hoa màu nhưng đâu có quyền làm chủ đất ruộng họ đã tạo lập hay phần điền thổ họ đã cầy cấy. Sao họ không thấy lý luận như thế là cướp công mồ hôi nước mắt của nông dân. Ðám ruộng ấy nông dân đã khéo léo đào lên trộn xuống, nên nó biến tính hẳn; trước thì hoang vu sau thành thuần thục; trước thì hoa lợi chẳng bao nhiêu sau thì hoa lợi mới phì nhiêu. Công việc làm cho đất ruộng đổi lạ thế, tự nhiên bám chắc với đất, lẫn lộn với ruộng, đến nỗi công lao của nông dân, đất ruộng của thiên nhiên dính líu cùng nhau không thể nào chia rẽ ra được.

Vậy công lý làm sao mà rộng phép cho những người lạ chiếm lấy và hưởng dùng mảnh đất mà nông dân đã cấy cầy và vun tới bằng mồ hôi nước mắt của họ được.

"Quả" thì theo "nhân" , sản phẩm thì theo người sản xuất ra nó, đúng là lẽ công bằng.

Vậy kết luận Ta xin nhấn mạnh ba điều:

a. Toàn thể nhân loại cổ kim đã giải quyết vấn đề cho hợp lý. Luật thiên nhiên là căn bản ưu tiên, ta phải noi theo để phân công chia của và hoạch định quyền tư hữu. Không phải vì những dư luận trái ngược của một nhóm người quá khích mà ta phải vi phạm đến lý đương nhiên.

b. Phong tục đời nào, nước nào cũng hợp lý.

Ai cũng thừa nhận tình trạng nhân loại đòi quyền tư hữu thì rất phù hợp nhân tính của con người, và là điều kiện cần thiết cho đời sống xã hội luôn luôn ôn hoà và thịnh đạt. Pháp luật chính phủ hoạch định, thì phải hợp công lý thì mới có giá trị. Vậy nó hợp lý hay chăng là nhờ nó tự ở luật thiên nhiên phát ra. Ðã hợp lý thì tất nhiên pháp luật nhân tạo kia phải xác định nhân quyền tư hữu và nếu có lẽ cần thì bảo vệ quyền ấy bằng cả quyền lực nữa.

c. Sau hết, Ðạo Chúa mạc khải lại châu phê và chuẩn y quyền tư hữu của con người. Dầu có ai chỉ mưu ý muốn lấy của kẻ khác, thì kẻ ấy cũng mắc tội rồi. Ðừng có lòng tham vợ con, nhà cửa ruộng đất, nô tì, bò lừa hay bất cứ vật gì của người khác.

9. Mối liên hệ giữa tư hữu và đời sống gia đình

Tuy nhiên quyền tư hữu đã ghi khắc trong bản tính từng người ngay từ bẩm sinh. Kíp đến lúc con người nam nữ trưởng thành, thì kết hôn và ăn ở chung đụng trong cảnh gia đình. Vì những bổn phận mới của họ, thì quyền tư hữu càng vững bền hơn nữa. Chắc chắn rằng: con người đứng tuổi rồi, thì tự do chọn lấy địa vị nhân sinh thích hợp nhất với xu hướng bản thân. Người thì theo Lời Chúa Kitô khuyên mà chọn ở bậc độc thân. Người thì theo luật tự nhiên mà ở bậc đôi bạn. Nhưng không nhân luật nào bãi bỏ được quyền kết hôn, tự nhiên ai cũng đã có từ nguyên sơ. Cũng không ai xa được mục đích chính, do Thiên Chúa tiền định cho bậc đôi bạn: "Hãy lớn lên và sinh sản cho đông" . Ðấy gia đình được gây dựng như thế. Gia đình nghĩa là một xã hội thân gia. Một xã hội bé nhỏ, đành vậy. Nhưng hiện thực có trước xã hội dân chính. Thành ra xã hội dân chính phải thừa nhận những nghĩa vụ và những gia quyền tuyệt nhiên biệt hẳn với quốc gia.

Những quyền hành Ta đòi hỏi cho từng cá nhân, căn cứ vào luật thiên nhiên, thì ta phải chuyển lại cho những người kết hôn, thành một gia đình. Những nhân quyền nói trên thoạt khi đã hoá thành những gia quyền, thì tất nhiên thêm mạnh và đòi hỏi nhiều hơn. Gia đình há chẳng phải là người nam nữ hợp nhất sinh con mà thành "Một người" hoàn hảo hơn và hiệu lực hơn sao!

10. Di sản gia đình

Thiên nhiên buộc gia trưởng những bổn phận hồn xác là nuôi dưỡng và giáo dục con cái là phản ảnh của cha mẹ. Con cái kéo dài đời sống cha mẹ, nên thiên nhiên thúc đẩy cha mẹ phải lo liệu cho con cái một tương lai đủ sự cần; tạo lập một gia nghiệp đầy đủ cho họ đương đầu với mọi phúc họa có lẽ xảy ra.

Vậy gia trưởng chỉ có thể xây dựng sản nghiệp kia, do sự thu hoạch, làm chủ mọi sản phẩm hoặc thường xuyên, hoặc nhờ người xuất công tạo ra, để rồi di chuyển cho con cái bằng cách thừa kế. Theo lời Ta đã nói trên, gia đình không kém xã hội dân chính và là một xã hội thực sự, có quyền riêng, thường gọi là gia quyền. Bởi thế trong phạm vi rộng hẹp, tùy theo mục đích nó nhắm đến, gia đình nào cũng được hưởng quyền lợi riêng không kém quyền xã hội dân chính. Có thế, thì gia đình mới có thể lựa chọn và hưởng dụng được những sự cần thiết để bảo tồn và thi hành quyền tư chủ riêng của mình. Ta nói: không kém xã hội dân chính, ít nữa là phải bằng. Vì theo lý đương nhiên, gia đình có trước, quốc gia có sau. Còn trong thực tế quyền sở hữu của gia đình có trước, chính quyền xã hội quốc gia cũng có sau.

Do đó gia đình phải hưởng dụng quyền lợi thì mới làm trọn phận sự cần thiết. Giả như cá nhân và các gia đình tự nhiên có trước, phải nhập vào xã hội quốc gia có sau, thì tất nhiên họ phải được chính quyền ủng hộ và bảo vệ ! nếu lẽ ra thay cho được ủng hộ gia đình bị ngăn trở; nếu lẽ ra thay cho được bảo vệ gia đình bị truất bớt, thì tất nhiên gia đình phải trốn xa chứ không tìm nhờ xã hội nữa.

11. Quyền bính dân sự phải bảo vệ xã hội gia đình

Như vậy chính quyền độc tài mưu trí đến tận cả gia đình, thì thật là lầm lỗi lớn và tai hại nhiều. Trái lại, hễ gia đình nào lâm vào cảnh tuyệt vọng, tự mình tìm giải thoát mà không được, thì phận sự chính quyền phải giơ tay giúp đỡ, vì đương nhiên gia đình là một phần tử của xã hội. Cũng một lẽ ấy, hễ có gia đình nào phạm đến quyền lợi gia đình khác, về những điều căn bản hệ trọng, thì chính phủ phải can thiệp để phục hồi quyền bất khả xâm phạm của mọi công dân. Làm vậy không phải là tiếm quyền của công dân mà chỉ là làm trọn phận sự che chở bênh vực quyền lợi gia đình cho hợp lý. Chính quyền cũng không nên can thiệp vào nội bộ của gia đình.

Thiên nhiên đặt giới hạn không chính phủ nào vượt qua được. Gia quyền không thể bãi bỏ đi được, cũng không thể nào bị quốc gia thu đoạt hết. Lý do là vì nguồn gốc gia quyền, chính là nguồn gốc đời sống con người. Con cái là thành phần sinh sống của cha mẹ. Chúng kéo dài đời sống của cha mẹ. Nói đúng ra, chúng không trực tiếp gia nhập và giao thiệp với xã hội dân chính đâu. Chúng trực tiếp sinh ra trong gia đình và là thành phần của gia đình, rồi nhờ đó gián tiếp họ mới gia nhập vào xã hội dân chính. Con cái tự nhiên là thành phần sống động của phụ thân, nên họ ở dưới quyền giám hộ của phụ mẫu; cho đến khi nào họ đứng tuổi dùng được quyền ý chí tự do của họ cho xứng vị con người. (TH. Toma 2a, 2ae X đoạn 12). Vì vậy, đem quyền bảo trợ của chính phủ, thế vào quyền bảo trợ của cha mẹ là làm tan vỡ những mối tương quan căn bản của gia đình.

"Kẻ xướng lên chủ nghĩa xã hội đã đi ngược lại với công lý tự nhiên."

12. Hậu quả tai hại của sở hữu tập thể

Chủ nghĩa xã hội gây bao thiệt hại ngay trong xã hội dân chính. Chủ nghĩa xã hội bất công một cách hiển nhiên, không ai là không thấy rõ! Thuyết ấy còn gây nên biết bao thiệt hại. Trước thì gây hỗn loạn giữa các tầng lớp xã hội. Nó xiềng xích công dân vào vòng nô lệ nhục nhã ghê tởm, nên mới mở cửa cho công dân tha hồ giận ghét nhau, sinh lòng bất mãn và căm hờn.

Hơn nữa, những công dân dù tài năng lỗi lạc, cũng mất luôn sự kích thích làm việc. Họ không phấn khởi lên, thì sự sản xuất sẽ khô cạn ngay từ ở nguồn gốc.

Sau hết, chủ nghĩa xã hội muốn có sự bình đẳng giữa mọi công dân. Quả thật là một ảo tưởng, vì theo ý họ đề nghị, sự bình đẳng xã hội chỉ thực hiện ra trong sự thiếu thốn nghèo nàn và cùng quẫn.

Căn cứ vào những lý lẽ Ta mới chưng ra, chủ nghĩa xã hội, chủ trương quyền sở hữu đoàn thể, mà chối quyền tư hữu; phải bài xích triệt để vì kết quả nó khốc hại cho chính những người nó muốn cứu vớt. Nó lại trái ngược với mọi quyền lợi thiên nhiên của từng cá nhân. Nó làm sai lạc chức trách của quốc gia và phá rối an ninh công cộng. Thế nên, ai thành thực muốn xây hạnh phúc cho thế tục, phải căn cứ vào nền tảng tự nhiên của xã hội mà hết sức tôn trọng quyền tư hữu của từng người.

***

GIÁO HỘI CÓ QUYỀN ÐỀ CẬP ÐẾN ÐỀ TÀI

VÀ GIÁO HỘI VỮNG TIN THỰC HIỆN ÐIỀU ÐÓ MỘT CÁCH CÓ HIỆU QUẢ

 

13. Cần phải nhờ đến tôn giáo và Giáo Hội

Bây giờ ta hãy tìm cho ra phương dược chân chính ai cũng đang mong mỏi chờ đợi. Ta bàn đến vấn đề này với một lòng tin vững chắc vì giải quyết vấn đề ấy, là việc chính thức thuộc về linh quyền của Ta. Vấn đề xã hội hiện nay sôi nổi cực độ. Không tìm giải pháp ở tôn giáo và giáo hội, thì không ai giải quyết được một cách hiệu nghiệm. Vậy không ai bằng Ta được Thiên Chúa uỷ trọng trách bảo tồn đạo thánh và phân phát cho nhân loại những ân huệ cao quý của giáo hội. Nếu Ta cứ im tiếng trước vấn đề quan trọng này, thì Ta sẽ đáng bị thế giới kết án là Ta coi thường sứ vụ.

Lẽ cố nhiên một vấn đề trọng đại như thế, thì đòi sự hợp tác hành động và cố gắng của bao người khác nữa: Tức là sự hợp tác chặt chẽ thân mật của các chính phủ, các chủ nhân, các nhà phú quý và các giới lao công nữa. Số phận của thế giới lao công sẽ may rủi phúc họa, tùy theo vấn đề xã hội được giải quyết như thế nào? Nhưng Ta quả quyết rằng: dầu nhưng người ấy hành động mạnh đến đâu đi nữa, chắc chắn họ cũng sẽ thất bại, nếu họ khinh thường quan niệm của giáo hội.

Duy chỉ có giáo hội tìm được trong phúc âm, những giải pháp hiệu nghiệm; hoặc để giải quyết vấn đề xã hội tương tranh, hoặc để cho vấn đề ấy bớt phần gay gắt cứng cỏi. Giáo hội không những tỏa sáng cho thế gian bằng những huấn từ rực rỡ, mà lại cố gắng cải thiện đời sống của mọi người theo lời Chúa giảng dậy. Giáo hội chỉ có mục đích là thiết lập những tổ chức đặc biệt bác ái để cải thiện số phận của mọi giai cấp cực khổ. Giáo hội hết sức khao khát và mong ước cho mọi giai cấp trong xã hội đều đồng tâm cộng lực tìm giải quyết vấn đề lao công một cách lương hảo chừng nào hay chừng nấy. Ðàng khác, giáo hội quan niệm rằng: Pháp luật và chính quyền phải tùy theo chừng mực và sự khôn ngoan, mà góp một phần vào việc giải quyết vấn đề khắt khe này.

14. Chấp nhận những khác biệt và bất bình đẳng

Sự bất đồng xã hội và sự đau khổ là những hiện tượng không tránh được.

Ðó là nguyên tắc thứ nhất ta phải đề cập. Ai cũng phải thú nhận rằng: nhân tính chung của toàn thể nhân loại, dầu phát triển mãi cũng không sao làm cho mọi người trưởng thành ngang nhau. Trong xã hội dân chính, chủ nghĩa xã hội lại quyết san phẳng mọi người là lầm to.

Mọi cố gắng ngược với thiên nhiên thể nào cũng ra vô ích. Vậy chính thiên nhiên làm nẩy nở ra trong con người những sự khác nhau mà lại sâu kín nữa; Tỉ dụ sự khác nhau về trí tuệ, tài năng, sự tinh xảo, sức khỏe và nghị lực, toàn là những sự khác nhau cần thiết; vốn phải gây nên những bất đồng xã hội. Hơn thế nữa, sự bất đồng ấy cũng hữu ích nhiều, hữu ích cho từng cá nhân, hữu ích cho cả đoàn thể.

Ðời sống xã hội đòi những tổ chức phức tạp và đặt ra những nhiệm vụ khác nhau nữa. Loài người tự nhiên buộc phải phân công chia việc với nhau, là vì người nào người ấy khác địa vị nhân sinh. Về phương diện cần lao, dầu loài người chưa mắc vào tội nguyên tổ cũng đã thấy mình phải làm việc, chứ không phải cứ ở không suốt đời đâu. Nhưng thời kỳ chưa mắc phải tội, loài người tình nguyện lao tâm lao động là một phận sự êm dịu nhẹ nhàng. Ðã phạm tội rồi, ai cũng nhận thấy cần lao là một án phạt, mà lại có kèm theo bao nhiêu sự đau khổ nữa. Kinh thánh nói: "Vì con mà đất bị nguyền rủa. Từ nay trở đi, con sẽ phải làm ăn vất vả khó nhọc hằng ngày cho đến mãn đời thì mới kiếm được từ ở trong đất đủ cơm bánh nuôi thân".

Cũng vì vậy, đời sống con người bị bao tai ương tràn ngập giầy xéo không ngừng mà lại không ai thoát được. Vì hậu quả bởi những tội lỗi gây ra, nên chua cay đắng xót đè nặng trên con người cho đến hơi thở cuối cùng.

Vậy đau khổ là "bạc phận" của nhân loại. Dầu giẫy dụa cố gắng hoạt động ráo riết, dùng tài năng hay tài lực, tự nhiên con người cũng không thoát khổ bao giờ. Nếu có người tự đắc là cứu nhân loại khỏi sự đau khổ; nếu có ai hứa cho kẻ nghèo một đời sống không chút công lao nhọc nhằn, mà toàn sự an nhàn, thì người ấy chỉ lừa dối dân đen, đặt cạm bẫy cho họ mắc vào, và gây những tai họa kinh khủng hơn tình trạng khổ sở hiện tại. Ta nên ngẫm thế sự, y như thế sự hiện ra, mà tìm phương dược chữa nạn xã hội ở chỗ khác...

15. Hai giai cấp không phải là thù địch: Tư bản và lao động

Trong tình trạng xã hội hiện tại, điều lầm lỗi nguy hiểm nhất là tưởng rằng : hai giai cấp xã hội trí thức và lao động bẩm sinh thù ghét nhau. Vì thiên nhiên đã cấp sẵn võ khí cho kẻ giầu sang, người bần cùng; tự nhiên chiến đấu với nhau trong một trận kịch liệt không ngừng. Tưởng như vậy là phi lý và sai lầm. Sự thật ở một chủ nghĩa hoàn toàn đối lập. Thân thể ta chẳng hạn, thì gồm đủ bộ phận khác nhau, nhưng luôn luôn hoà hợp với nhau đến nỗi kết thành một con người cân xứng hẳn hoi. Xã hội cũng vậy. Thiên nhiên định có hai giai cấp khác nhau, nhưng bẩm sinh phải hoà hợp với nhau trong một thế quân bình hoàn hảo. Giai cấp nào cần cho giai cấp ấy. Không thể nào có tư bản nếu không có cần lao, cũng không thể nào có cần lao nếu không có tư bản. Bên nào bên ấy hoà hợp với nhau, xã hội mới có trật tự và mỹ lệ. Trái lại cứ xung đột nhau mãi thì xã hội hỗn độn và tranh đấu dã man...

Vậy để hoà giải hai giai cấp xã hội tương tranh kia; để diệt trừ tật nạn ấy từ cội rễ, thì những cơ cấu kitô hữu, không thiếu gì phương dược linh nghiệm diệu kỳ.

16. Bổn phận công bằng của công nhân và của chủ nhân

Trước hết học thuyết xã hội với cả những hệ thống tín điều hợp lệ nhất mà giáo hội phải duy trì và giải thích, thì rất hiệu lực để làm cho kẻ giàu sang người bần cùng thuận hoà với nhau. Hiệu lực vì thức tỉnh hai giai cấp xã hội nói trên với những bổn phận họ phải đảm nhận đối với nhau.

Trổi vượt mọi nghĩa vụ khác, là những nghĩa vụ bởi đức công bằng mà ra.

Trong những nghĩa vụ ấy, phải đề cập rõ những nghĩa vụ của hạng người bần cùng và lao động. Tóm lại họ phải hoàn tất đầy đủ và thành thực những công việc họ đã đảm nhận, lúc ký giao kèo họ tự do, nhưng họ cũng phải theo công lý. Thợ thuyền không được gây thiệt hại cho tài sản hay bản thân chủ nhân. Hễ khi nào thợ thuyền đòi hỏi chủ nhân điều gì, thì họ không được dùng võ lực hay phản loạn. Thợ thuyền lại phải đủ sáng suốt mà bài bác những người hư đốn, thường thuyết những điều dối trá, khiến họ nuôi dưỡng những kỳ vọng quá đáng và tin theo những lời hứa hão huyền thường hay kết liễu bằng những hối tiếc phũ phàng và tan gia bại sản.

Còn kẻ giàu sang và nghiệp chủ không được coi thợ thuyền như thể là kẻ nô lệ. Họ phải kính trọng nhân phẩm tự nhiên, và nhất là nhân phẩm kitô hữu của họ.

Thủ công xét theo lý đương nhiên và giáo lý đạo Chúa Kitô không phải là sự nhục đâu. Trái lại, thủ công là một vinh dự vì là sinh kế cần thiết cho người nuôi dưỡng và phát triển mạng sống của mình. Ðiều nhục nhã phạm nhân đạo là coi thợ thuyền như thể họ chỉ là dụng cụ thu lợi, vì chỉ đánh giá họ tùy theo năng lực bắp thịt chân tay.

Ðạo thánh Chúa lại buộc chủ nhân tôn trọng quyền lợi thiêng liêng và chức phẩm phần hồn của công nhân nữa. Chủ nhân phải làm thế nào để công nhân đủ thời giờ làm trọn phận sự tôn giáo, để công nhân khỏi bị dỗ dành và sa vào trụy lạc, để cho công nhân khỏi mất tinh thần gia tộc và những tập quán sống tiết kiệm. Chủ nhân cũng bị cũng bị cấm ngặt không được bắt công nhân làm những việc quá sức, không hợp với tuổi tác và chủng tính nam nữ của từng người.

17. Lương bổng cân xứng

Nhưng phận sự chính của các chủ nhân là trả công từng người cho cân xứng. Thế nào là trả công cho cân xứng? Vấn đề ấy phải giải quyết về mọi phương diện khác nhau, nhưng cũng cần thiết. Nói rộng ra, chủ nhân và tài gia phải nhớ rằng: "Lợi dụng tình trạng nghèo khó túng cực hay đầu cơ bần khổ của công nhân, là phạm đến giáo luật và pháp luật", nên là một việc đáng kết án. Cướp công mồ hôi của công nhân là tội ác thấu trời. "Kìa hãy xem, chính tiền lương mà các bạn đã bóc lột của những thợ gặt lúa trong đồng ruộng các bạn, đã kêu lên, và những tiếng ca thán của thợ gặt đã thấu đến tai Chúa vạn quân" (Gac 5,4).

Sau hết, kẻ giầu sang phải thận trọng kiêng dè mọi bạo động, mọi mưu gian, mọi thủ đoạn ăn lời quá độ. Những việc ấy đều đang kết án, vì phạm đến kẻ nghèo đã hết sức sống tiết kiệm. Kẻ nghèo ở trong tình trạng ấy lại không tài nào tự vệ được. Lý do dễ hiểu là tiền vốn của người càng ít ỏi thì càng quý trọng.

Vậy Ta xin hỏi rằng: phục những điều luật ấy há chẳng phải là đủ mà chấm dứt cuộc xung đột giữa công nhân và chủ nhân ư! Thưa đủ, không những để chấm dứt mà lại để diệt trừ nguyên nhân của nó nữa.

18. Tình thân ái giữa mọi người

Được Chúa Kitô dạy dỗ và hướng dẫn, giáo hội lại nhắm vào mục đích cao siêu hơn nữa. Giáo hội đề cập đến một hệ thống huấn giới hoàn bị hơn, vì tận tình trông mong thắt chặt hai giai cấp xã hội bằng những giây thân ái siêu việt khiến đôi bên thân nghĩa với nhau.

Không ai hiểu đời sống thế tục và định giá của nó cho phải chăng, nếu kẻ ấy không ngẫm đến cuộc đời hằng sống của con người. Ðã bài trừ sự sống đời đời của con người, không còn ai nghĩ ra được một quan niệm xác đáng về phúc lợi đời sống tạm gửi hiện tại. Hơn thế nữa, cả vũ trụ nên như một bài toán không ai giải đáp được. Chúng ta lìa bỏ đời sống tạm gửi này thì mới bắt đầu sống thật sự. Ðó là một chân lý thiên nhiên, nên đạo Chúa Kitô mới tôn lên làm một tín điều vững chắc. Tất cả đạo thánh Chúa xây cất chân lý tôn giáo, trên nền tảng bất di bất dịch ấy.

Quả thật, chúng ta được Chúa dựng nên không phải là để hưởng phúc lợi phù vân chóng qua của đời này, mà là để hưởng phúc lợi hằng hữu trên trời. Chúng ta được Thiên Chúa ban toàn quyền đến thế gian, không phải vì là quê chính vĩnh cửu của ta đâu, một vì là quê tạm, là chốn đọa đày ta phải tạm ở.

Bất cứ anh em tiền của dư hay thiếu, điều đó cũng không quan hệ gì đến phúc lợi trường sinh mà ai cũng mong đến. Ðiều quan trọng là anh em hưởng dụng tiền của như thế nào ? Dầu công việc của Chúa Cứu thế đã hoàn tất rồi, những sự khổ phiền vẫn còn pha lẫn với những thú vui đời sống hiện tại. Theo ý Chúa Kitô, những sự khổ phiền ấy, khích lệ kitô hữu sống thánh thiện, lập công, đến nỗi không người nào hy vọng đến phúc lợi trường sinh được; nếu người ấy không vui lòng bước theo những bước chân đẫm máu của Chúa Giêsu Kitô. Ta khổ thân với Người thì mới hiển trị với Người. Ngoài ra ta càng vui lòng chọn lấy thánh giá và mọi hình khổ đời sống gây nên, thì ta càng thấy mọi nỗi thống khổ bớt phần cay nghiệt. Hơn thế nữa, để giúp ta cam chịu khổ ở đời, không những Người nêu gương cho ta bắt chước, mà Người lại ban thêm những ơn Thánh Sủng nữa và hứa thưởng công từng người trên cõi trường sinh. Khoảng khắc ngắn ngủi nhẹ nhàng ta chịu đau khổ ở dưới thế, đối với giải thưởng vĩnh phúc trường sinh, thật chẳng thấm vào đâu".

Vì thế kẻ phú quý đời này phải biết trước rằng: "Dầu tiền của nhiều, họ cũng không tránh được sự đau khổ, mà cũng không thêm phần ích lợi gì, để mua chuộc phúc lợi đời sau. Nói đúng hơn tiền của đối với đời sau chỉ là một trở ngại. Họ nên run sợ trước những lời Chúa Giêsu đặc biệt đe dọa kẻ giầu trong phúc âm. Ngày Chúa tái hiện phán xét mọi người thì họ phải rành mạch tính sổ với Người, về cách đã dùng tiền của, họ được hưởng dư.

19. Của cải phải được sử dụng chung: Bổn phận bác ái

Kèm theo đây là những nguyên tắc dùng tiền của, do triết lý phác qua. Những nguyên tắc ấy chỉ có giáo hội toàn quyền giải nghĩa minh bạch và đưa từ phạm vi "lý thuyết" sang phạm vi "thực hành". Ðiều căn bản ai cũng phải nhớ, là phân biệt quyền sở hữu bất khả xâm phạm và thể cách dùng tiền của cho phải lẽ.

Quyền tư hữu - (Ta nhấn mạnh điều ấy trong đoạn trên) là quyền tự nhiên bất khả xâm phạm của con người. Dùng quyền ấy đối với con người sống trong một xã hội không những là một việc hợp pháp mà lại là một sự tối cần nữa. Quyền tư hữu dành của riêng là quyền hợp pháp và hưởng dụng quyền ấy trong đời sống là một sự cần thiết nữa. Nhưng hỏi rằng : Phải dùng tiền của như thế nào cho phải lẽ ? Thì giáo hội không ngần ngại quả quyết rằng : Trong phạm vi ấy con người phải nhận thực chân lý này: không ai nhận được các ngoại vật trong thiên nhiên là của mình. Các ngoại vật ấy đều là của chung, nên dầu mình có bao nhiêu, nếu mình thấy ai là kẻ túng thiếu thì mình phải tình nguyện phân chia với họ tùy theo sự túng thiếu của họ.

Bởi thế, Thánh Phaolô có câu : Divitibus hujus saeculi praecipe, facile tribuere, communicare: Hãy bảo kẻ giầu có ở thế gian này phải phân chia của cải cho rộng tay (Thomas 2a 2ae 2.66 đoạn 2) . Ðã hẳn không ai buộc lấy của cải cần thiết cho mình, hay cho gia đình đủ sống, mà cứu độ anh em đồng loại. Cũng không ai bắt buộc giảm bớt những của cải tiện nghi và thích đáng với địa vị nhân sinh của mình. "Thật ra không ai bắt ai phải ăn ở trái ngược với những tiện nghi của xã hội" (Thomas 2a 2ae Q.32 anh 6).

Nhưng đã liệu cho mình đủ sự cần và tiện nghi , nếu còn phần dư, ai cũng bắt buộc dành để thí cho kẻ khó. "Phần của dư là phần bố thí". (Lc 11,41).

Ðó là bổn phận bắt buộc ai cũng phải thi hành, trong những trường hợp tối cần, là bổn phận do lẽ công bằng bắt buộc. Nhưng thường ngày chỉ là do bổn phận bác ái, nên không có luật pháp nào buộc giữ trọn phận sự ấy.

Tự nhiên luật pháp và xử đoán của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, trổi vượt luật pháp và xử đoán của thế gian. Vậy Chúa Giêsu đã dùng trăm phương ngàn cách để thúc đẩy ta làm việc phúc đức từ thiện. Người rằng : "Cho thì có phúc hơn là nhận" . Cũng theo Chúa Kitô : thí hay trối của cho kẻ khó, thì sẽ được coi là thí hay trối của cho Chúa. Hễ khi nào anh em bố thí của cho kẻ hèn kém nhất trong anh em, ắt là chúng con thí cho Ta vậy. Tín điều ấy tóm tắt lại trong vài câu rằng: - Chúa khoan hồng ban dư dật mọi ơn huệ hồn xác cho ai, thì kẻ ấy phải dùng để thánh hoá bản thân và cấp đủ sự cần cho đời sống mình trước, rồi sau phải đóng vai quản lý Chúa quan phòng, để cứu đỡ kẻ khác.

- bởi thế kẻ nào có tài hùng biện thì phải nói cấm không được im tiếng.

- Kẻ giầu có nhiều tiền thì chớ để sự nhân từ tê cóng trong lòng họ.

- kẻ có thiên tài quản trị thì phải cẩn thận phân chia quyền hành chánh và mọi ân huệ do quyền ấy nảy ra cho cả đồng bào.

20. Bần cùng không phải là một điều ô nhục

Còn những người bần cùng thì nên học với giáo hội rằng : theo sự phán đoán của chính Thiên Chúa, sự bần cùng không phải là một sự ô nhục. Ðổ mồ hôi mà kiếm ăn cũng không phải là hổ ngươi đâu. Chính Chúa Kitô đã nêu gương cho anh em bắt chước. Dầu đã giầu có vô cùng, Người cũng tự ý làm người bần cùng để cứu nhân loại. Dầu Người là Con Thiên Chúa, cùng một thiên tính với Thiên Chúa, Người cũng hân hạnh khi được thiên hạ đón nhận là con của một người thợ mộc. Hơn thế nữa, phần lớn cuộc đời của Người đã huỷ phí trong những việc làm công. Dân chúng thắc mắc rằng: há chẳng phải Ông là con Maria đó ư!

Những kẻ nào hằng nhìn ngắm mẫu gương Con Chúa nhập thể, thì mới dễ dàng am hiểu những bài học kèm theo đây. Nhân phẩm chân chính, giá trị tuyệt đối của con người, thì hoàn toàn ở một đời sống nết na đức hạnh. Ðức hạnh là cơ nghiệp chung của mọi người phàm; đức hạnh lại vừa sức mọi người bất phân kẻ sang người hèn, người giầu kẻ khó. Bất cứ người nào có đức hạnh và công nghiệp thì người ấy mới đáng hưởng phúc trường sinh. Chúa Kitô thường gọi kẻ nghèo là kẻ có phúc; Người tha thiết kêu mời mọi người đau khổ khóc lóc, hãy đến cùng Người thì sẽ được Người an ủi.

Người lại ôm ấp kẻ phàm hèn hay bị áp bức một cách âu yếm hơn. Những tín điều ấy hẳn làm hạ tính kiêu hãnh của hạng phú gia và dạy cho họ tỏ lòng khoan dung đối với kẻ bạc phận, vừa nâng đỡ họ lúc thiếu can đảm không còn chịu đựng khổ cực của họ ; vừa giúp họ hứng tâm lên lúc họ ngã lòng. Những tín điều ấy lại thâu ngắn sự xa cách đã do tính kiêu ngạo gây nên giữa kẻ sang người nghèo. Nếu loài người đem ra thực hành trong xã hội, thì Ta sẽ khỏi phải mất công mà khiến bên nào bên ấy tình nguyện bắt tay nhau và hợp ý hợp lòng trong một tình nghĩa duy nhất và hiệu nghiệm.

21. Hơn cả tình nghĩa bạn bè là tình huynh đệ

Ðoàn kết trong tình nghĩa bạn bè thật chưa đủ. Giá người ta tuân theo luật Phúc âm thì họ sẽ đoàn kết với nhau trong tình kitô hữu huynh đệ. Ðôi bên sẽ thông cảm, loài người ai nay cũng bởi Thiên Chúa dựng sinh. Nên Thiên Chúa vừa là cha chung, vừa là cứu cánh chung, và là cứu cánh duy nhất của nhân loại. Vì chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể thông cho loài người một chân phúc tuyệt đối hoàn hảo. Chúa Giêsu lại cứu chuộc và phục chức làm con Chúa cho mọi người được hoàn toàn như nhau. nên có một tình nghĩa huynh đệ buộc họ lại với nhau, và với Chúa Giêsu là Chúa họ, và là anh trưởng đông em. Primogenitus in multis fratibus. Họ cũng sẽ được biết, mọi của cải thế tục, mọi kho tàng thánh sủng đều là của toàn thể nhân loại. Chỉ những kẻ bất xứng là không thừa hưởng những của quý trên trời. Nếu anh em là con Chúa, thì anh em cũng là kẻ thừa kế; thừa kế của Thiên Chúa, đồng kế thừa của Chúa Giêsu Kitô.

Ðó là tóm tắt lại những quyền hành và những nghĩa vụ của nhân loại, hiểu theo học thuyết công giáo. Giá như toàn thể nhân loại nghe theo và thi hành những bài học quí hoá ấy, ắt phúc âm sẽ được ưu thắng trong xã hội. Thiên hạ sẽ hoàn hảo trong một thời gian rất ngắn, cho mọi người hiển nhiên thông hưởng.

22. Những cơ chế công giáo canh tân các xã hội

Tuy nhiên giáo hội chỉ bảo phương dược, nhưng giáo hội cũng ra tay chữa bệnh nữa. Giáo hội tận tâm với sứ mệnh giáo huấn nhân loại theo các nguyên tắc giáo lý của mình. Ðó là nguồn mạch chảy nước sống, mà Giáo hội tìm phân phát cho loài người.  Nhờ những hành động của các Giám mục hợp tác với các linh mục, giáo hội phổ biến khắp nơi những ơn ích, bởi nguyên tắc và học thuyết nói trên tự nhiên phát sinh ra.  Rồi giáo hội cố sức len lỏi vào các tâm hồn; cố sức thu phục ý chí từng người hầu cho ai nấy cũng tòng phục và nương theo đạo thánh Chúa.

Về điểm chính tối quan trọng này là điểm thâu tóm lại mọi quyền lợi bị xã hội hiện tại vi phạm, thì giáo hội hành động, nói được là độc quyền.  Các lợi khí giáo hội thường dùng để cảm hoá tâm hồn người ta, thì đều do Chúa Giêsu phú ban và cũng toàn là lợi khí tuyệt đối thần hiệu. Chỉ những lợi khí ấy mới thấu nhập tận các ngách thầm kín của lòng người.  Chỉ những lợi khí ấy mới có thể khiến lòng người tuân theo mệnh lệnh của nghĩa vụ, chế ngự các dục vọng, bằng những mối tình nầng nàn tha thiết đủ sức hùng dũng đạp phẳng được mọi trở lực ngăn cản bước tiến trên con đường đức hạnh.  Duyệt qua các gương mẫu giáo hội để lại khi xưa, thì ta sẽ rõ. Những hiện tượng lịch sử, chúng ta lược thảo lại đây, toàn là những hiện tượng không ai chối cãi được.

Quả thực mọi cơ cấu xã hội dân chính đời xưa, đã được đạo thánh Chúa, tường tận hoán cải.  Nhờ giáo hội cải tạo, trình độ văn minh của nhân loại đã được nâng cao, nói được là một việc cải tử hoàn sinh, hiệu lực đến nỗi xã hội vươn mình lên một mức sống trọn lành, trải qua lịch sử trước sau chưa bao giờ thấy.

Sau hết chính Chúa Giêsu là nguồn gốc mọi ơn thánh sủng, nên Người cũng là cùng đích. Mọi sự đều bởi Người mà ra, thì mọi sự cũng phải quy về Người.  Thật vậy phúc âm phổ biến khắp thiên hạ rồi; các dân thiên hạ được nghe tin Ngôi Hai nhập thể, thì cả thiên hạ mới được cứu rỗi.  Thân thế của Chúa Giêsu là Con Chúa vừa là con người, đã ảnh hưởng đến khắp xã hội. Xã hội lại được đức tin, giáo lý và luật pháp của Chúa Giêsu thấm nhuận hết.  Bởi vậy, xã hội ngày nay có thể chữa lành được, nhưng chỉ bằng một phương được là trở về với đời sống và các cơ cấu đạo Chúa Kitô.

Ai quyết phục hưng lại một đoàn thể đang suy đồi, thì các kẻ ấy phải nhắc lại cho những đoàn viên nhớ buổi đầu đoàn thể ấy được khai sanh để làm gì ? bất cứ đoàn thể nào còn hoàn thiện, ắt là vì đoàn thể ấy đã trung thành theo đuổi và đạt tới mục đích mà kẻ lập đoàn đã nhắm tới, nên mọi hành động và mọi cử chỉ của các đoàn viên đều quy về mục đích đã gây dựng đoàn thể họ. Lạc xa mục đích ấy thì cả đoàn thể sẽ tan rã và đi đến chỗ chết. Trái lại, phục hưng lại mục đích ấy thì cả đoản thể sẽ lại kết hợp và sống lại.

Áp dụng những nguyên tắc tâm lý trên vào xã hội dân chính, thì tất phải thích dụng riêng cho giai cấp công dân còn phải sống nhờ cần lao và cũng là đa số.

23. Giáo Hội mời gọi sống nhân đức

Xin đừng lầm tưởng giáo hội đã quá bề bộn với phận sự săn sóc các linh hồn, nên chỉ lơ đễnh đời sống vật chất tạm gửi này. Riêng về giai cấp lao động giáo hội rất ân cần tìm cách cứu thoát họ khỏi sự bần cùng cơ cực và gây dựng cho họ một đời sống khả quan hơn. Mọi cố gắng của giáo hội hiện nay đều quy về mục đích ấy.

Quả thực giáo hội góp một phần hiệu lực vào công việc đó. trước là vì những lời nói và việc làm của giáo hội đã hấp dẫn mọi người trở về với luân thường đạo hạnh. Khi mà phong hoá mỹ tục công giáo được tôn trọng thì tự nhiên có một phần ảnh hưởng rất hiệu lực đến nền thịnh vượng vật chất của nhân loại. Một đời sống nết na đức hạnh, thì hằng kéo ơn Chúa xuống, là nguyên nhân và nguồn mạch của mọi phúc lợi : Nhân loại cũng nhờ đó mà thắng hãm lòng tham của, ham lợi, toàn là những tệ đoan xã hội tự nhiên gây chán ngán và cay đắng ngay giữa sự phong phú. Vì tuân theo phong hoá đạo thánh thì ai cũng tìm sống đơn sơ, dùng lương thực đạm bạc và tiết kiệm để bù vào sở đắc ít ỏi ! Như thế người ta mới lánh xa những thói xấu tự nhiên, tiêu phá những tài sản lớn nhỏ và làm tan nát những gia nghiệp phong phú.

24. Giáo Hội nâng đỡ giai cấp thua thiệt qua những tổ chức từ thiện

Sau nữa giáo hội trực tiếp gây hạnh phúc cho những giai cấp xấu số, thiết lập và viện trợ những tổ chức từ thiện để cứu vớt họ khỏi cảnh khốn cùng. Trong những cố gắng cứu dân độ thế này, giáo hội đã nổi tiếng đến nỗi thù địch cũng phải cảm phục ngợi khen.

Kìa xem các giáo đoàn tiên khởi, có lòng tương ái nồng nàn tha thiết đến nỗi bao người triệu phú đã hy sinh cả gia sản để cứu trợ kẻ bần cùng. Bởi thế giữa thời kỳ đó không ai là kẻ bần khổ giữa các giáo đoàn Kitô hữu. Các tông đồ uỷ việc thí của hàng ngày cho các thầy phó tế, là một giáo chức được lập ra để chuyên lo việc ấy. Chính Thánh Phaolô, dù bận trí vướng lòng vào việc săn sóc các giáo đoàn tiên khởi, thì người cũng không ngần ngại vượt biển trèo núi để thân hành cứu trợ các kitô hữu thanh bần. Hễ lần nào các kitô hữu hội họp thì họ cũng tình nguyện dâng cúng phần cứu trợ như thế. Phần của cứu trợ này được Tertullien thường gọi là "của lưu trữ đạo đức" vì đã quen dùng để nuôi dưỡng hay chôn cất những người cơ bần, những người nam nữ mồ côi nghèo túng, tôi tớ già cả, nạn nhân chìm tầu.

Cái gia sản mà giáo hội kính cẩn dành riêng cho đại gia đình kẻ bần cùng, từ từ được lập ra như thế, giáo hội còn lo xa hơn nữa mà liệu trăm cách cứu trợ kẻ nghèo, nhưng không bắt họ phải mang tiếng nhục nhã là kẻ chìa tay ăn xin. Mẹ chung của hai hạng người phú bần ấy, đã khôn khéo lợi dụng những lòng hăng hái yêu thương mà chính người đã tạo dựng khắp nơi, để lập ra các tu viện, các hội đoàn công giáo từ thiện và vô số cơ quan hữu ích khác, để hầu hết những kẻ khốn cùng được cứu trợ và giúp đỡ.

Ðã đành thời kỳ này cũng như thời kỳ xưa không thiếu người theo gót tha nhân mà lấy lòng bác ái kỳ diệu ấy làm một khí giới chống trả giáo hội. Các chính phủ ngày nay cũng ra luật lập việc cứu trợ cho các dân đen, rồi tự đắc họ thay thế được mọi công cuộc bái ái của giáo hội. Nhưng lòng bác ái đạo Chúa Kitô gây dựng, thì hy sinh vị tha, hầu cho anh em đồng loại được nhờ, thật không một tổ chức nào của thế tục thay thế được.

Chỉ có giáo hội mới nảy ra lòng bác ái cao siêu ấy vì nó từ ở trong Thánh Tâm từ bi khoan hậu của Chúa Kitô phát ra, nếu lạc xa Chúa Kitô ắt là lạc xa giáo hội của Người vậy.

***

VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC

 

25. Hành động chung của tất cả mọi người

Tuy nhiên muốn cho công cuộc kết quả theo ý sở nguyện, Giáo hội cần phải nhờ những tổ chức trần thế nữa. Tất cả mọi người bận trí về vấn đề phú bần và thành thực tìm giải pháp, đều nhằm chung một mục đích, và cộng tác với nhau chặt chẽ, mỗi người trong phạm vi riêng của mình. Công cuộc này như in ảnh Chúa quan phòng quản trị thế giới.

Chúng ta đã nghiệm rằng: sự thường những công việc và những biến cố tùy thuộc nhiều nguyên cớ khác nhau, cũng là kết quả bởi những nguyên cớ do hành động phối hợp với nhau.

Vậy, để giải quyết vấn đề phú bần này, ta có thể đòi hỏi những gì ở các chính phủ quốc gia? Khi nói về chính phủ quốc gia là không có ý chỉ riêng những chính phủ hợp pháp, được thiết lập do dân nọ nước kia mà thôi. Ta có ý chỉ bất cứ chính phủ nào xứng với quy điều của thiên nhiên giáo lý của Chúa và cả những huấn từ Ta đã tuyên bố, đặc biệt trong bức thông điệp “hiến pháp kitô hữu của xã hội quốc gia”.

26. Phục vụ công ích

Quốc trưởng nào cũng phải nhờ luật pháp và chế độ quốc gia, để góp phần chung vào việc giải quyết các vấn đề, nghĩa là họ phải hành động thế nào cho hiếp pháp và tổ chức hành chánh gây nên sự thịnh vượng toàn quốc và riêng cho từng công dân. Vì đó là vai chính của mọi chính khách khôn ngoan và phận sự riêng của các nhà cầm quyền.

Vậy quốc gia thịnh vượng bởi những gì?

Thưa bởi thuần phong mỹ tục: những gia đình căn cứ vào nền trật tự và luân lý, một đời sống tôn giáo thành thực, một lòng tôn trọng đức công bằng, một tổ chức thâu thuế phải lẽ, phân chia công vụ vô tư lợi, một tổ chức công thương tân tiến, canh nông thịnh lợi, và các ngành tương đương cần phải mở mang để tăng thêm tiện nghi phúc lợi cho toàn dân.

Quả thực đó là những phương tiện chính phủ dùng để mưu ích cho đủ mọi giai cấp xã hội nói chung và cho giai cấp lao động bớt phần cực khổ nói riêng. Chính phủ toàn quyền đến việc đó, không phải sợ ai chỉ trích vì đã can thiệp vào việc kẻ khác. Chính vì nhiệm vụ chính quyền phải phục sự công ích.

Dĩ nhiên những lợi ích chung do chính quyền lưu tâm và gân nên, càng tăng lên thì người ta càng ít cần đến những phương tiện khác mà sửa chữa số phận của phái lao động.

27. Tư cách công dân chung và tổ chức tư pháp phân phối

Nhưng đây còn một nhận xét chú trọng đến vấn đề ta đang thảo luận! xã hội tồn tại vì một lý do duy nhất và liên hệ tới tất cả mọi công dân lớn nhỏ phú bần. Theo luật tự nhiên bần dân cũng như phú gia đều là công dân bình quyền như nhau: nghĩa là bần dân cũng là phần tử hiện thực và sống động kết thành những gia đình, và nhờ đó kết thành toàn thể quốc gia. Nói cho đúng, ở bất cứ quốc gia nào bần nhân kể như là đa số. Lo một hạng công dân mà lãng quên mọi hạng khác, thì tất là phi lý. Chính vì lý do đó mà chính quyền nhất định phải dùng những biện pháp thích hợp để bảo vệ mạng sống và quyền lợi của phái lao động. Lỗi phận sự ấy là lỗi công bằng tuyết đối vốn buộc rằng của ai phải trả cho kể ấy. Về điểm ấy Thánh Thomas có câu đầy ý nghĩa: phần tử và toàn thể nói được là một. Thành ra cái gì là của toàn thể cũng nói được là của từng phần tử vậy (2a 2ae 61 đoạn 1,2).

Bởi thế, trong những nghĩa vụ hệ trọng và phức tạp, chính quyền phải đảm nhận để gây công ích cho đúng phép, nghĩa vụ trọng nhất là săn sóc công dân đủ mọi giai cấp, theo những luật lệ ráo riết của công bình xã hội thường gọi là “phân công” thưởng phạt hợp lý.

Tất cả mọi công dân không trừ người nào, đều phải góp phần vào của chung. Đàng khác của chung tất nhiên lại phải hưởng dụng để mọi công dân chia phần lợi. Tuy nhiên, phần góp của từng cá nhân không thể như nhau và cũng không thể bằng nhau được. Bất cứ chế độ và chính thể xã hội phải thay đổi thể nào, thì công dân không bao giờ ở cùng một địa vị ngang nhau được. Công dân khác địa vị và giai cấp là lẽ sống còn của xã hội, thiếu điều đó không ai nghĩ ra một quan niệm xác đáng về xã hội được nữa. Dầu thế nào mặc lòng, trong xã hội phải có những người quản trị lập pháp, xử đoán, rồi giải quyết vấn đề bình loạn; hoặc theo lời cố vấn, hoặc theo lối tự quyết hạ lệnh. Dĩ nhiên những người ấy chiếm được một địa vị cao hơn, và giữ ngôi độc tôn, vì họ phụ trách công ích một cách trực tiếp. Trái lại công dân, góp phần vào công ích, tùy theo nghề nghiệp, chẳng còn phương tiện nào hiệu lực cho bằng.

Nhưng dầu họ chỉ gián tiếp ủng hộ công ích, họ cũng đã góp phần rất lớn vào phúc lợi chung của xã hội. Công ích nói đây tự nhiên phải giúp công dân hoàn thiện đời sống trước đã, nên không ai chối được của chung trước hết thuộc về luân lý và tinh thần. Nhưng hễ xã hội nào được tổ chức tinh xảo, công ích cũng phải bao quát một phần vật chất dư dật. Dầu vật chất chỉ có ích bề ngoài, cũng phải có đủ, thì con người dễ sống đạo đức được. Vậy trong việc sản xuất dồ vật hữu ích này, công nhân ở xưởng máy, nông phu ở đồng quê, nói được là người hiệu lực nhất. Hơn nữa, năng xuất của họ dồi dào đến nỗi Ta buộc lòng nói quả quyết rằng: Quốc gia phú cường hay sa sút, hoàn toàn tùy theo năng lực công nhân và nông phu.
Vì thế, lẽ công bằng buộc chính phủ phải tận tâm chăm lo cho phái lao động.

Chính phủ phải liệu thế nào cho phái lao động được hưởng phần lợi do các của cải của họ cung cấp cho xã hội: họ phải có nhà ở, quần áo và đồ dùng để cho đời sống họ bớt phần khó nhọc và thiếu thốn; thành ra chính phủ phải ủng hộ mọi công cuộc có tính cách cải thiện đời sống công nhân, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.

Chính phủ ân cần với phận sự ấy, không những sẽ không gây thiệt hại cho ai, mà trái lại sẽ mưu ích chung cho các công dân, vì chẳng có gì giúp ích cho dân nước an thịnh, bằng trù liệu thể nào cho người sản xuất đủ đồ dùng cần thiết cho xã hội, cũng thoát khỏi cảnh muôn phần túng cực.

28. Công quyền giữ gìn lợi ích công cộng và riêng tư

Trật tự xã hội theo lời Ta đã nói trên: cấm chính phủ không được chi phối cá nhân và gia đình. Đúng ra thì cả hai phải đủ tự do hành động trong mọi phạm vi không đụng chạm công ích và không làm hại cho kẻ khác. Nhưng dầu sao chính quyền cũng có phận sự phải săn sóc toàn thể và các thành phần của xã hội. Toàn thể, vì Tạo Hóa ủy việc bảo tồn quốc gia cho chính quyền. Vận mạng dân nước không những là quy tắc tối thượng mà còn là nguyên nhân và lý do tồn tại của chính quyền. Thành phần, vì theo luật tự nhiên, không những chính quyền phải mưu ích cho những người hiện đang hành quyền, mà lại phải bảo tồn phúc lợi cho cả công dân phục vụ quyền nữa. Về điểm ấy, triết lý và giáo lý Chúa Kitô đều đồng ý. Ngoài ra, mọi quyền bính đều bởi Thiên Chúa, và chỉ thông phần quyền uy tối thượng của Người. Bởi thế, những người được Chúa ủy quyền thì phải hành quyền ấy theo gương Chúa, là Cha nhân lành, cùng một lòng săn sóc từng con vật, cũng như Người trông nom cả vũ trụ. Thành ra hễ khi nào lợi ích chung hay lợi ích riêng của một giai cấp bị xâm phạm hay lâm nguy, mà không thấy phương cách nào khác để cứu trợ thì tất nhiên phải yêu cầu chính phủ can thiệp.

29. Quốc gia can thiệp để bảo vệ người lao động

Điều kiện cần thiết cho tổ quốc và từng công dân được cứu trợ, là tổ chức trật tự và an ninh ở khắp nơi. Phận sự toàn diện là:

a) Quy định mọi chi tiết trong gia đình theo Đạo thánh Chúa và luật tự nhiên;

b) Bắt mọi công dân tôn trong và noi giữ tôn giáo;

c) Tận tâm bảo vệ thuần phong mỹ tục trong đời sống công và đời sống tư;

d) Kính cẩn tuân giữ công bằng và không bao giờ để cho một giai cấp nào áp bức một giai cấp khác mà không bị trừng phạt;

e) Sinh trưởng và giáo dục những thế hệ cường tráng để chống đỡ, và nếu cần bảo vệ non sông nữa.

Bởi vậy nếu phái lao động làm dở dang với công việc, tổ chức đình công vô lý, làm rối cuộc trị an nếu tinh thần thích nới lỏng giữa đám công nhân; nếu tôn giáo bị giầy xéo trong giai cấp lao động, vì chủ nhân làm ngăn trở cho họ khó trọn phận sự đối với Thiên Chúa; nếu trai gái chung lộn hay xảy ra những cuộc khiêu dâm khác, làm bại hoại phong hóa trong xưởng máy; nếu chủ nhân ức bách thợ thuyền quá độ và bất công, lại bắt họ gánh vác những ách nô lệ gian ác trái ngược với nhân phẩm của họ; nếu chủ nhân bắt họ làm những việc quá sức không đúng tuổi tác, không hợp chủng tính nam nữ của họ, thì trong trường hợp đó chính quyền buộc phải dùng luật pháp mà can thiệp tùy theo công lý chỉ dạy. Lý do bắt buộc luật pháp can thiệp, cũng ấn định giới hạn can thiệp của luật pháp: Nghĩa là ngoài sự ngăn ngừa tai hại và sửa chữa cơn bệnh, luật pháp phải dừng lại không được làm gì hơn. Trong bất kỳ vi phạm nào, chính quyền phải tôn trọng mọi quyền lợi thích đáng. Phận sự chính phủ là bảo tồn quyền lợi công dân, hoặc ngăn đón chớ để ai phạm đến, hoặc xử phạt kẻ đã lỗi phạm.

Tuy nhiên chính phủ bênh vực quyền lợi cá nhân, thì phải đặc biệt chú trọng đến kẻ yếu hèn và bần cùng. Hàng phú gia đủ tiền của bảo vệ mạng sống, cần gì phải có chính quyền che chở nữa. Trái lại, hạng dân đen đâu có tiền quan bạc nén mà tránh được những nỗi bất công! Họ cần nhờ chính phủ bảo vệ thì mới thoát nạn xã hội được. Vì vậy chính phủ phải chú trọng đến hạng người lao công một cách ân cần hơn, vì họ ở bậc đa số những người vô sản phận bạc.

30. Bảo vệ phong tục và các quyền tư hữu

Vì công ích đòi hỏi, ta nên bàn giải riêng về vấn đề quan trọng sau đây:

Trước hết, pháp luật quốc gia phải ủng hộ và bênh vực quyền tư hữu một cách đặc biệt. Thiên hạ ngày nay bồng bột trôi theo những dục vọng sôi nổi. Việc khẩn cấp chính phủ phải đảm nhiệm là buộc dân tôn trọng nghĩa vụ không bao giờ phạm đến.

Ai cũng cố sức vươn mình lên một địa vị khả quan, nhưng không ai ra khỏi biên giới công bằng được. Trái lại, dùng võ lực mà cướp đoạt tài sản của kẻ khác, viện cớ bình đẳng mơ hồ là những hành động bị công lý lên án, bị công kích cự tuyệt. Đã hẳn, số công dân tìm cải hóa thân phận bằng những công việc liêm chính, tránh mọi sự bất công vẫn là đa số. Nhưng cũng không thiếu gì công dân bị những tà thuyết nhồi sọ, ham chuộng những sự kỳ lạ, nên cứ dùng mọi phương cách gây loạn mà lôi cuốn bạn bè đến lao động. Khi ấy chỉnh phủ phải dùng đến quyền riêng để can thiệp. Giam cầm những tay chủ động xúi dục dân chúng, chính phủ mới che chở những công tục khỏi bị phá hoại, và bảo vệ những sở hữu hợp pháp khỏi bị cướp bóc.

31. Phòng ngừa các cuộc đình công

Vì công việc nhiều khi kéo dài mãi, rất đỗi nặng nề, tiền lương trả công lại quá hạ, thì thường xẩy ra những đồng mưu đình chỉ công việ giữa hàng công nhân. Họ đình công.

Vậy trong trường hợp đó, chính phú phải điều trị những tai hại rất thường và nguy hiểm ấy. Những cuộc đình công ấy quả thật gây thiệt hại lớn cho cả chủ nhân và công nhân. Hơn thế nữa những cuộc ấy làm ngưng trệ việc thương mại, và hại đến công ích xã hội rất nhiều. Vì những cuộc đình công trên thường hóa thành những vụ bạo động và hổn loạn, nên sự an ninh quốc gia lâm nguy là sự thường.

Bởi thế giải pháp hiệu nghiệm và hữu ích hơn là chính phủ lập luật, để dự phòng tai hại và ngăn ngừa nó trước để nó khỏi phát ra. Như vậy, chính phủ khôn khéo bài trừ đủ mọi lý do thường hay gây nên sự xung đột giữa chủ và thợ.

32. Tôn trọng phẩm giá con người: Bảo đảm việc nghỉ ngơi hàng tuần

Công nhân còn rất nhiều quyền lợi đòi chính phủ phải hết sức bảo vệ. Trước hết là những lợi ích phần hồn. Mạng sống thể xác, dù quý báu đáng chuộng đến đâu đi nữa, cũng không phải là cùng đích đời người. Nó chỉ là đường lối và phương tiện đưa người đến sự chân thực thiện mỹ, cần thiết cho phần hồn được hạnh phúc hoàn hảo; chính phần hồn của con người là giống Chúa và mang lấy hình ảnh của Chúa đã in sâu vào mình ta. Chính vì phần hồn mà con người giữ được chủ quyền. Thiên Chúa phú ban khi ra lệnh cho nhân loại khôi phục thiên hạ mà khiến cả bốn bể năm châu phải cấp sự cần cho nó: “Hãy sinh sôi cho đông và chinh phục cả hoàn cầu. Hãy cai trị loài cá dưới biến, loài chim trên trời, cùng loài cầm thú ở khắp mặt đất.”

Về phương diện này mọi người đều bình quyền như nhau, kẻ giầu người khó, chủ tớ, vua tôi không có chỗ nào khác nhau. Hết thảy đều chỉ một chúa tể như nhau. Không ai phạm đến chức phẩm con người mà không phải tội vạ. Chức phẩm ấy được chính Thiên Chúa tôn trọng, cũng không ai được cản trở con người tiến đến sự hoàn thiện đối ứng cùng đời sống trường sinh trên thiên đàng. Hơn nữa chính con người bị cấm không được phế bỏ nhân phẩm của mình, mà hạ giá linh hồn đến bậc nô lệ. Nhân phẩm không phải chỉ là một quyền. Ai cũng tùy ý tôn trọng khinh thường đâu. Đó là chức vụ, buộc con người lại với Chúa, ai cũng phải kính cẩn đảm nhiệm.

Vì chức vụ bất khả xâm phạm này, ngày Chúa nhật con người bắt buộc phải nghỉ ngơi và ngừng tay làm. Ngày nghỉ này không phải một ngày an nhàn cho mình ở nhưng vô ích; hay theo ý nguyện của đa số, cho mình tha hồ thỏa mãn dục vọng, phung phí tiền lương. Ngày ấy cần phải thánh hóa, đúng theo đạo Chúa dạy. Được tôn giáo thánh hóa, Chúa nhật công nhân nghỉ việc để dưỡng sức và tạm quên những mối lo thường ngày. Ngày ấy cũng gây dịp cho công nhân hứng tâm lên, suy gẫm đến những lẽ sống siêu nhiên.

Đó là đặc tính và lý do tại sao con người buộc phải nghỉ ngày thứ bảy. Chính Thiên Chúa đã biên ghi điều ấy trong bộ luật Cựu ước rằng: Hãy nhớ thánh hóa ngày thứ bảy. Đã hoàn tất công việc tạo thiên lập địa mà dựng nên con người rồi, Thiên Chúa làm gương bí nhiệm nghỉ ngơi: ngày thứ bảy, đã hoàn tất công việc Thiên Chúa an nghỉ…

33. Xác định điều kiện và thời giờ làm việc

Về những quyền lợi vật chất và phần xác cính phủ cư xử thế nào?

Trước hết chính quyền phải cứu giới lao công khỏi tay những người mưu trí bóc lột; họ chẳng phân biệt con người với bộ máy, nên cứ lợi dụng công nhân làm đồ thỏa mãn tham vọng quá đáng của họ. Bắt công nhân làm việc đến nỗi thần trị họ phải đần độn, thân xác hao mòn kiệt quệ, là một thái độ bất nhân, công lý và nhân đạo không thể dung tha được.

Năng lực hoạt động của con người cũng có hạn, không kém bản thân nó. Năng lực ấy tự nhiên có thể tăng lên vì thói quen và sự tập luyện. Nhưng thể nào cũng phải có những giờ rảnh rang nghỉ việc. Tỉ dụ như giờ làm việc mỗi ngày không được vượt quá chừng mực làm việc của công nhân. Nhưng giờ nghỉ xếp đặt tùy theo công việc nặng nhẹ; công nhân khỏe yếu thể nào cũng phải tùy theo từng nơi và thời tiết. Những công nhân đêm ngày bới đất tìm tòi mỏ khí như đá, sắt, đồng thì làm một công việc khó nhọc và hại cho sức khỏe. Vậy việc làm càng mệt nhọc thì những giờ phải càng rút ngắn.

Cũng nên xét tùy theo thời tiết nữa. Tỉ dụ có những công việc mùa này thì dễ, mùa kia hoặc không ai chịu được, hoặc có người làm nhưng phải vất vả vô cùng.

Sau nữa có việc đàn ông khỏe mạnh, người trai tráng làm được, thì không ai bắt đàn bà hay thiếu nhi phải làm, nhất là các thiếu nhi – điều này rất quan trọng – cấm không được vào xưởng máy nào, trước khi sinh lực phần xác, phần hồn và luân lý được mở mang điều hòa. Quên điều ấy nhiếu nhi sẽ như cây cỏ non tàn úa sớm, vì lúc còn đã đi làm, nên không được giáo dục cẩn thận.

Cũng có công việc không hạp với tính tự nhiên của phụ nữ, vốn được Tạo hóa ủy quyền cho họ việc tề gia nội trợ. Ngoài ra các công việc vốn bảo toàn danh dự của nữ giới và thích hợp với nhiệm vụ tự nhiên giới này, là giáo dục con cái và phát triển gia nghiệp.

Vậy cứ luật chung, thời hạn nghỉ việc phải tính theo sức lực công nhân phải hao tổn, nên cần tu bổ lại. Quyền nghỉ hàng ngày và đình chỉ công việc chúa nhật là điều kiện phải ghi chú công khai hay mặc nhiên trong giao kèo giữa chủ và thợ. Bản giao kèo nào không thừa nhận điều kiện ấy thì phải kể như bất nhân, vì không chủ nào ép buộc công nhân và không công nhân nào hứa được sẽ phạm đến bổn phận con người đối với Chúa và đối với nhân phẩm của mình.

34. Chăm lo việc ấn định một lương bổng công bằng

Bây giờ ta chuyển sang một điểm quan trọng khác cũng thuộc về vấn đề này: muốn giải quyết điểm ấy, mà tránh được mọi sự quá đáng, thì trước hết ta phải định nghĩa cho đúng. Phải trả công thợ thế nào cho phải chăng? Kẻ thì rằng: về tiền công, thì chủ thợ tự ý thỏa thuận; chủ trả tiền thợ đúng theo giao kèo thì đôi bên không phải thắc mắc gì nữa. Họ chỉ phạm lỗi công bình khi chủ trả tiền thiếu, hay khi thợ không làm rọn công việc theo đúng với bản giao kèo. Trong trường hợp không ai ngoài chính phủ phải can thiệp để bạo vệ quyền lợi đôi bên.

Kết luận như vậy, không ai là thẩm phán chính trực nhận được vô điều kiện… vấn đề trả công thợ rất phức tạp. Giải pháp nói trên, thì nông cạn mà lại quên lãng một điều mà là điểm chính: làm việc, là xuất lực kiếm kế sinh nhai, để cấp đủ sự cần cho đời sống, và nhất là để duy trì mạng sống của mình; “con sẽ đổi bát mồ hôi bát cơm” vì thế cần lao có hai đặc điểm tự nhiên:

a) Nhân cách: Cần lao bầy tỏ nhân cách của con người: năng lực sản xuất, phụ tùy bản thân con người. Nó ở dưới chủ quyền của người động viên, hưởng dụng và lĩnh nhận nó để bổ khuyết bản thân, và mưu cho đời sống riêng của mình.

b) Cần thiết: Cần lao lại cần thiết, vì con người phải dùng những hiệu quả bởi công việc đã làm ra, để duy trì mạng sống là một phận sự Tọa Hóa buộc ai nấy phải đảm nhận. Lệnh Tạo Hóa thì tuyệt đối, ai cũng phải tuân phục. Vì cần lao bày tỏ nhân cách phụ thuộc chủ quyền của công nhân, thì tất nhiên công nhân tự do giảm bớt định giá tiền lương chủ trả công  cho. Người quyết chí xuất công, thì tự do đòi tiền lương nhiều hay ít, có lẽ lại không đòi hỏi đồng nào hết.

Nhưng cần lao cần thiết để duy trì mạng sống, ai cũng nhớ không quên. Sự thực hai đặc điểm nhân cách và cần thiết của cần lao, có thể phân tách trong lý trí, nhưng trong thực tế thì cả hai đi đôi với nhau. Bảo tồn sinh mạng là một bổn phận bắt buộc. Ai phạm đến thì phải mắc tội. Đã nhận bổn phận ấy lẽ cố nhiên, ai cũng có quyền tìm kiếm những sự vật cần thiết để nuôi thân. Mà kẻ nghèo thường phải lấy gì để sinh sống? Họ chỉ biết nhờ tiền công làm lụng vất vả mà có.

Cho nên chủ thợ cứ giao ước với nhau tùy ý họ. Họ cứ thỏa thuận với nhau về số tiền công phải có bao nhiêu. Nhưng trên mọi ý định của họ, có một điều luật công bằng tự nhiên vừa cao hơn, vừa lâu dài hơn mà họ không được phế bỏ. Luật ấy định giá tiền công phải đủ cho những công nhân tiết kiệm và liêm chính được nuôi sống cho xứng nhân vị con người. Giá như công nhân vì tình trạng khốn cực hay vì sợ mắc phải họa ghê hơn, buộc lòng phải nhận những điều kiện khắt khe do chủ nhân hay người thuê mình đưa ra, thì người bị áp bức chịu thiệt, là một tội ác công lý không thể nào tha được.

Trong những trường hợp này, và những trường hợp khác tương đương; về những chi tiết định công nhật, săn sóc sức khỏe công nhân trong xưởng máy… chính quyền khó can thiệp cho thích nghi và hiệu nghiệm, vì đó là những hoàn cảnh tùy theo thời tiết và từng nơi, thành nên dành quyền can thiệp và giải quyết cho các hiệp hội hay nghiệp đoàn ta sẽ nói kèm theo đây. Không tin những hội đoàn ấy, thì hãy tìm phương pháp khác để bảo vệ quyèn lợi công nhân, và nếu cần hãy kêu đến chính phủ xin trợ lực bảo vệ.

35. Khai triển tình thần sở hữu

Công nhân lãnh lương vừa phải sẽ lo thỏa mãn sự cần riêng và cấp đủ nhu cầu cho gia đình, nếu là người khôn ngoan thì sẽ sinh sống tiết kiệm nữa. Nghe theo lời thiên nhiên ngấm ngầm khuyên bảo, người công nhân sẽ dành dụm ít tiền của để một ngày kia được tạo ra một gia nghiệp phải chăng.

Quả thật, ai cũng đủ rõ, muốn giải quyết được vấn đề này cho có hiệu quả, thì trước hết ta phải nhận quyền tư hữu là một quyền căn bản bất khả xâm phạm. Pháp luật phải hết sức ủng hộ, đánh thức, đề cao tinh thần sở hữu trong đủ mọi tầng lớp xã hội lao động. Nó sâu rộng chừng nào thi hay chừng nấy! Kết quả này mà thu được, thì nó sẽ là một nguồn lợi quý hóa biết bao.

Trước thì sự phân công chia của chắc được được công bằng hơn. Vì những cuộc đảo lộn xã hội kịch liệt hiện tại, thì xã hội bị chia ra làm hai giai cấp cách nhau một vực một trời. Một giai cấp thì thế lực mạnh mẽ vì giầu sang qúa đỗi có toàn quyền đến công thương, cho nên những nguồn phú quý đều quy tụ về với họ , nên họ dành riêng đủ mọi mối lợi. Ngoài ra, họ cầm sẵn trong tay những then chốt của nền hành chánh quốc gia. Còn giai cấp kia thì thu hợp lại đa số những người yếu nhược bần cùng, chỉ cùng chung một lòng oán hận, lúc nào cũng sẵn sàng nổi lên quấy rối.

Vậy ta biết thúc đẩy lòng dân phấn khởi lên vì hy vọng mai này, sẽ được một phần đất sở hữu riêng, ắt các vực sâu đã phân chia giai cấp phú quý và gia cấp bần cùng sẽ được lấp đầy dần dần, và hai giai cấp hiện kình địch nhau sẽ lại thân thiện với nhau.

Lại nữa, thiên nhiên sẽ sản xuất hoa màu công ích gấp trăm ngàn lần. Theo bản tính con người khai khẩn một nguồn lợi để làm sở hữu riêng, thì càng hăng hái và siêng năng làm việc hơn. Nhiều khi họ để cả lòng trí vào đám đất đã cày cấy, vì đám đất ấy hứa cho họ và cả gia đình những sự thiết dụng và cả một ít sự thư thái nữa. Ai cũng thấy lòng siêng năng hăng hái kia mang lại bao kết quả tốt đẹp hơn, tức là đất thêm phần thì nhiêu, quốc gia lại thêm phần phong phú.

Còn một kết quả nữa: phong trào tản cư đi chỗ khác sẽ ngừng lại, hẳn không ai tình nguyện bỏ quê cha đất tổ để sang ở những xứ lạ, nếu kẻ ấy đã có đủ kế sinh nhai nơi quê nhà.

Cuối cùng, thì có một điều kiện cần thiết cho mọi người được hưởng trong thực tế những lợi ích Ta mới diễn tả bằng bút mực:

Đừng để quyền tư hữu hao mòn vì phải đóng thuế nhiều và quà tặng”.

Quyền tư hữu bởi luât thiên nhiên, chớ không phải bởi luật nhân tạo lập ra. Nên chính quyền không thể nào bãi bỏ được. Chính quyền chỉ được gia giảm cách dùng quyền ấy và cho nó hòa hợp với công ích. Thành ra chính quyền đi ngược lại với chân lý và đân đạo, khi lấy cớ phải đóng thuế, mà bắt sở hữu tư nhân phải đóng quá nặng.

***

CÁC NGHIỆP ĐOÀN

 

36. Anh hưởng tốt của nghiệp đoàn trong xã hội

Sau hết chính phủ và thợ cũng có thể góp một phần trong việc giải quyết vấn đề này nhờ các công cuộc hiệu nghiệm do họ tổ chức để nâng đỡ hạng người túng thiếu và thân thiện hóa hai giai cấp xã hội…

Trong những công cuộc đó, có những hội tương tế; có những hội đoàn tư nhân sáng lập để cứu giúp công nhân, có những bảo trợ nhi đồng nam nữ… Nhưng đứng đầu là các nghiệp đoàn bao quát đủ mọi công cuộc từ thiện có thể lập ra được. Xưa kia tổ tiên ta đã thụ hưởng phước thiện cua các nghiệp đoàn ấy. Trước hết, nghiệp đoàn đem lại cho công nhân bao nhiêu phúc lợi, sau nữa có bao nhiêu thành tích chứng minh rằng nghiệp đoàn đã làm các mỹ nghệ phát triển rực rỡ và thịnh đạt.

Ngày nay lớp hậu tiến được giáo dục sâu rộng hơn, biện pháp được khai trương thêm mãi; những đòi hỏi của đời sống càng càng phức tạp hơn. Cho nên các nghiệp đoàn phải tổ chức lại cho thích hợp với những hoàn cảnh mới của đời sống. Ta hân hạnh thấy đâu đâu bao công đoàn được lập ra theo mục đích ấy, hoặc riêng cho công nhân, hoặc mở rộng cho cả chủ nhân tham gia vào. Mong rằng các hội đoàn ấy sẽ càng tăng thêm và hành động càng đắc lực thêm.

Vấn đề công đoàn này biết mấy lần được Ta nêu lên. Kèm theo đây là chỉ giải thêm vài điều: Thứ nhất các công đoàn ấy cần thiết và hợp thời; thứ hai là những hội đoàn hợp pháp luật; thứ ba, cách tổ chức chương trình hành động phải như thế nào.

37. Những hội tư có mục đích hạn hẹp

Kinh nghiệm dạy rằng: năng lực sản xuất của con người thì có chừng hạn. Nên ai cũng thấy cần phải chung lưng đấu cật cùng anh em. Thánh Kinh lại rằng: hai người ở với nhau còn hơn mỗi người ở một mình. Ở chung với nhau thì phúc lợi biết bao nhiêu. Người này ngã thì được người kia nâng đỡ; lại câu này nữa: người được anh em nâng đỡ thì vững như một thành kiên cố. Xu hướng tự nhiên ấy là cái mầm tự nhiên nảy ra trong xã hội dân chính trước, rồi trong xã hội cứ nảy thêm các đoàn thể khác, tuy nhỏ hẹp và kém hoàn hảo, nhưng cũng là hội đoàn chính thức.

Các hội đoàn nhỏ này thì khác xã hội lớn kia, ở nhiều chỗ phụ thuộc mục đích của chúng.

Mục đích xã hội dân chính thì bao quát các công dân ý thức công ích. Mọi người có phận sự gây dựng, và từng người có quyền hưởng phần nhiều ít tùy theo tỷ lệ công tác của họ. Xã hội này gọi là “công” vì nó hợp với tất cả mọi người thành một dân nước. Trái lại, các hội đoàn được lập ra trong xã hội ấy toàn là những hội tư. Hội tư, vì mục đích trực tiếp là mưu ích riêng cho các hội viên. Một hôi tư thì được lập ra vì một mục đích tư, như khi đôi ba người chung hợp nhau để buôn bán.

38. Quốc gia không thể cấm cản các hội tư

Các hội tư này là thành phần của xã hội dân chính, nên chỉ tồn tại được trong xã hội ấy. Nói vậy là nói chung, nói theo tích cách riêng của chúng, nên không ai kết luận được rằng: chính phủ toàn quyền từ chối không cho thành lập.

Quyền lập hội tư là quyền tự nhiên của con người. Xã hội dân chính lại được lập ra để bảo vệ quyền tự nhiên của con người, chứ không phải để phế bỏ nó. Thành ra hễ xã hội dân chính cấm công dân không được lập hội tư, thì xã hội ấy chỉ diệt mình thôi. Vì tất cả mọi hội công và mọi hội tư đều cùng chung một nguồn gốc là tính hợp quần của nhân loại.

Quả thật, có những trường hợp buộc pháp luật phải cấm không cho lập những hội tư này: tỉ dụ như xét theo điều lệ, có những hội tư theo đuổi một mục đích trái ngược với sự minh chính, sự công bằng, hay an ninh quốc gia. Đối với những hội đó, chính phủ phải cấm không cho thành lập. Và nếu đã thành lập chính phủ có quyền giải tán. Nhưng dầu sao, chính phủ cũng phải can thiệp một cách rất khôn ngoan. Chính phủ phải tránh mọi hành động vốn vi phạm quyền lợi của các công dân, và chỉ không được lấy cớ bảo vệ công ích mà quyết định những điều trái lý.

Công dân chỉ bắt buộc phục luật khi luật ấy hợp với chính lý, và đạo vĩnh cửu của Thiên Chúa.

39. Trường hợp các dòng tu

Đến đây Ta phải nhắc đến những giáo đoàn hay dòng tu đủ thứ do lòng đạo đức của các tín hữu lâp ra dưới quyền Giáo hội chuẩn y. Lịch sử từ xưa đến nay vẫn minh chứng các dòng tu nam nữ kia, đã rưới ra bao ân ích cho nhân loại. Cứ lẽ tự nhiên mà xét, thì các dòng tu đã được lập ra vì những mục đích đứng đắn, và do đó đã căn cứ vào luật tự nhiên. Về mặt tôn giáo, các tu viên kia chỉ thuộc về giáo quyền của Hội thánh mà thôi. Thành ra chính phủ không lẽ nào mà đòi quyền đến các dòng tu. Huống chi đòi quyền quản trị. Trái lại, chính phủ có phận sự tôn trọng, bảo vệ, và nếu cần lại bênh vực nữa.

Nhưng lạ thay! Việc mới xảy ra thì lại trái ngược hết. Ở nhiều dân nước, chính phủ đã nhúng tay vào nội bộ các tu viện, và chồng chất hết sự bất công này trên sự bất công kia. Nào là bắt tu sĩ phải theo luật đời; nào là truất tư cách pháp nhân của họ, nào là tước đoạt hết tài sản. Đáng lẽ những tài sản ấy, phải được công nhận là sở hữu của Giáo hội: mọi tu sĩ có phần quyền đến lại thêm quyền của những ân nhân đã định thể thức hưởng dụng, và quyền lợi của nạn nhân được nâng đỡ bằng những tài sản ấy.

Cho nên Ta ưu sầu nhưng cũng buộc lòng phải lên án những cuộc cưỡng đoạt bất công và tai hại đó. Thật là một việc vô lý, vì đang lúc chính quyền cấm cách các giáo đoàn Kitô hữu này thì lại xác nhận các hội tư kia là hợp pháp. Quyền mà họ không chịu ban cho những người thuận hòa, chỉ sống vì ích lợi chung, sao họ lại rộng rãi nhường cho bao người mưu toan làm hại cho cả tôn giáo lẫn quốc gia?

40. Công nhân Kitô hữu khó chọn lựa trước một số hội đoàn

Quả thực, suốt trong lịch sử nhân loại chưa có đời nào các hội tư được thành lập nhiều và đủ mọi mục đích, nhất là nghiệp đoàn, bằng đời ta bây giờ. Ở đây, ta không cần tìm cho ra các hội đoàn ấy bởi đâu mà có, mục đích là gì và thường theo đuổi muchj đích bằng cách nào. Nhưng đây là một dự luận: - một dư luận không thiếu chứng cớ - các hội đoàn ấy được chỉ huy ngấm ngầm cho những người cùng mộ lệnh kín, ngược lại với danh nghĩa Kitô hữu, và gây bao nguy hại đến an ninh quốc tế. Các hội đoàn ấy đã chiếm đoạt được mọi xí nghiệp rồi, thì hễ công nhân nào từ chối không chịu gia nhập, thì công nhân ấy phải sống túng cực, để đền tội ngỗ nghịch ấy. Trong trường hợp đó, công nhân công giáo chỉ hai đường lối, mà lại bắt buộc chọn lấy một: một là nhập vào những hội đoàn ấy, là mối nguy hiểm lớn cho đức tin của họ; hai là tổ chức những hội đoàn riêng, để cùng nhau góp sức và mạnh bạo trút ách bât công kia không ai chịu được.

Thật không ai là người tận tâm cương quyết cứu đỡ công ích tối cao của nhân loại khỏi tai nạn kinh khủng ấy, mà còn hồ nghi được, họ phải chọn đường thứ hai.

41. Những công đoàn công giáo

Bởi vậy, Ta phải cất tiếng ca tụng lòng nhiệt thành của một số đông Kitô hữu ấy đã ý thức những đòi hỏi của thời cuộc, mà lại dò dắt tình thế kỹ lưỡng, để tìm ra một con đường chính đáng, mà đưa giai cấp lao động đến một trình độ cao hơn. Họ đã đứng dậy để bênh vực giai cấp lao động. Họ tìm trăm ngàn phương cách để nâng cao sự thịnh đạt cá nhân và gia đình của công nhân. Họ tìm phương liệu kế quy định cho đúng phép công bằng những mối liên lạc giữa chủ và thợ. Họ không ngừng nhắc nhủ và củng cố đôi bên tuân giữ phận sự và đạo phúc âm, toàn là những điều luật giúp con người bác bỏ những sự quá khích, tập cho con người sống điều độ lại, suy trì sự hòa thuận giữa các dân nước được êm thấm. Nương theo lý tưởng ấy, thì bao nhiêu người tài đức lỗi lạc hay tổ chức những hội nghị cho họ tiện dịp trao đổi ý kiến, chung sức góp lực và ấn định những chương trình hành động rất hợp thời. Còn bao nhiều người khác thì đua nhau lập ra những công đoàn theo từng ngành chuyên nghiệp để quy tụ các công nhân. Họ lại giúp lời chỉ giáo, giúp tài chính và tính liệu cho các bạn đồng nghệ luôn luôn có công ăn việc làm, hẳn hoi hiệu lực.

Các giám mục về mặt khác, thì không ngừng khuyến khích và đem uy quyền bảo trợ những hành động ấy. Nhận lệnh giám mục và dưới quyền che chở của giáo phẩm, cũng có những linh mục, hoặc ở bậc tu trì, hoặc ở bậc triều cũng tận tâm hiệp lực, để cấp đủ sự cần phần hồn cho các đoàn viên.

Sau hết, thì không thiếu những hạng người Công giáo có tiền ức bạc triệu, đã tự ý kết nghĩa bạn vè với các công nhân và không quản tổn hao, để thành lập khuếch trương các công đoàn ở khắp đó đây. Công nhân nhờ đó mà hưởng phần sung túc ngay từ bây giờ, và đến khi họ lão thành thì họ được hy vọng an nghỉ xứng đáng.

Những hành động đủ mọi mục đích và rất phấn khởi này đã thực hiện giữa các dân tộc, những phúc lợi vĩ đại ai cũng biết đến. Nên ta không cần dài lời đi sâu vào từng chi tiết. Đối với ta, đó là việc tiên báo cho thế giới một tương lại rực rỡ. Ta hy vọng ác nghiệp đoàn kia cứ tuần tự phát triển trong sự khôn ngoan cần thiết cho mọi tổ chức nhân tạo, sẽ kết quả rất tốt đẹp. Mong chính quyền luôn luôn bảo vệ những tổ chức hợp pháp này mà không bao giờ nhúng tay vào việc nội trị của chúng, và không bao giờ động đến những động lực mất thiết là lẽ sống của chúng.

Sự sống cốt ở một nội lực phát ra, mà lại dễ tiêu đi, khi gặp phải những ngoại hưởng bất hợp.

42. Tổ chức nghiệp đoàn

Lẽ dĩ nhiên nghiệp đoàn phải có tổ chức và kỹ thuật, vừa khôn ngoan vừa cẩn trọng thì hành động mới duy nhất, nhân viên mới đồng thâm nhất trí. Vậy nếu ta nhận thức rằng: công dân tự do hội họp, ắt công dân tự do đặt ra cho hội đoàn của họ những điều lệ và những quy định hợp với mục đích họ quyết theo đuổi. Ta thiết tưởng rằng: Ta khó an định những phương thức rõ ràng và chắc chắn về những điều lệ và những quy định đó. Mọi sự đều tùy thuộc đặc tính của từng dân, từng nước; tùy theo những điều thí nghiệm và lịch lãm; tùy theo mọi công việc; tùy theo thương mại khuếch trương nhiều hay ít; và cũng còn tùy theo thời thế hoàn cảnh nữa. Toàn là những điều cần thiết phải xét kỹ.

Đại cương chỉ nói được rằng: mực thước chung và bền vững ai cũng phải tuân theo, là mỗi nghiệp đoàn phải được tổ chức và chỉ huy làm sao cho các nhân viên tìm đủ phương tiện cần thiết để bước tới mục đích họ theo đuổi một cách mau chóng và dễ dàng hơn cả. Mục đích ấy là cho mỗi người thêm phúc lợi hồn xác và tăng gia sản xuất chừng nào hay chừng ấy.

Nhưng lẽ cố nhiên mục đích đầu tiên ai cũng phải nhắm tới là cải thiện đời sống nhân viên. Về mặt luân thường đạo hạnh. Mục tiêu này là quy tắc căn bản của nền kinh tế xã hội. Khinh thường điều ấy, thì các nghiệp đoàn kia không chóng thì chày sẽ suy đồi, và xuống cùng một hàng với các hội hè vô tôn giáo. Quả thực công đoàn cho các nhân viên sung mãn về vật chất mà lại thiếu lương thực phần hồn, thì nào có ích gì cho thợ thuyền hằng liều mình mất linh hồn.

Khôi phục cả thiên hạ mà mất linh hồn nào có ích gì! Theo Chúa Kitô ta phải đặt điểm này phân rõ Kitô hữu và tha dân: tha dân thì tham của phàm trần, còn anh em thì hãy tìm nước Chúa, còn mọi sự khác thì sẽ được ban thêm dư dật.

Vậy đã lấy lòng tin ở Chúa làm khởi điểm, ta phải dành phần chính chương trình cho việc học đạo lý, để cho ai nấy hiểu rõ phận sự của mình đối với Chúa. Những điều phải tin, những điều phải trông cậy, toàn là những điều phải dạy cho công dân rất kỹ lưỡng. Phải săn sóc họ một cách rất đặc biệt cho họ khỏi nhiễm các tà thuyết và tật xấu. Ta hãy lo cho công nhân thành thật kính thờ Chúa. Luôn luôn đề cao lòng đạo đức và nhất là trung thành giữ ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng. Mong công nhân tôn kính và mến phục Hội thánh là thân mẫu chung của các Kitô hữu; mong họ tuân giữ luật Giáo hội, năng chịu các Phép bí tích là những nguồn mạnh thiên hiệu, cho họ rửa sạch mọi vết nhơ và được thánh hóa nữa.

43. Chương trình hành động của nghiệp đoàn

Khi đã đặt tôn giáo làm nền tẳng luật pháp xã hội thì ta rất dễ dàng ấn định những mối tương quan cần thiết cho các nhân viên luôn luôn hòa thuận và thịnh đạt trong xã hội.

Phận vụ thì khác nhau, nhưng phải phân phối thế nào cho thuận tiện để mưu ích chung, và liệu cho khỏi sự chênh lệch hại đến sự “đồng tâm nhất trí” của mọi tầng lớp xã hội. Việc tối cần là phân công cho sáng suốt, phân minh kẻo có người phải chịu sự bất công. Phần của chung phải quản trị cho thanh liêm, phần lương trợ cấp cho mọi người lại phải tiền định tùy theo công nghiệp và tài trí của từng người.

Quyền lợi và phận sự của chủ nhân cũng phải được dung hòa hoàn toàn với quyền lợi và bổn phận của công nhân. Trong những trường hợp chủ nhân hay công nhân bị thiệt hại nào, thì ta mong điều lệ công hội có khoản ủy thác cho các nhân viên khôn ngoan và liêm chính hơn cả, lấy tư cách trọng tài mà phân xử điều xích mích.

Lại phải tiên liệu làm sao cho công nhân không bao giờ thiếu việc làm, và lập sẵn một phần vốn tích trữ, để đề phòng khỏi những tai nạn bất ngờ thường xảy ra trong xí nghiệp đã đành mà còn phải đề phòng ki bệnh tật, tuổi giả và những khi thất cơ lỡ vận. Thi hành những luật lệ kể trên, nếu người ta thật lòng thì cũng đủ cho hạng người nghèo hèn ấm no và thư thái đôi phần.

Nhưng các nghiệp đoàn Công giáo còn có thể góp phần rất quan trọng vào nền thịnh vượng chung. Xét quá khứ và phỏng đoán tương lai, không phải là táo bạo đâu. Đời này thay thế cho đời kia, nhưng mọi sử xảy ra cùng giống nhau lạ lùng. Chúa quan phòng xếp đặt mọi việc để cho loài người luôn luôn hướng về cứu cánh đã tiền định ngay trong lúc tạo thiên lập địa.

Thời kỳ Giáo hội mới phôi thai, người ta hay tố cáo giáo dân tiên khởi, toàn là những kẻ bần cùng, chỉ sống nhờ của bố thí hay lao công vất vả. Dầu sao bổn đạo thời kỳ đó thiếu thốn, không quyền thế nào, họ cũng khiến được kẻ giầu người sang thông cảm thân phận họ. Ai cũng cảm phục các Kitô hữu siêng năng, cần mẫn, thuận hòa, nêu gương công bằng và nhất là bác ái. Trước cảnh đời sống trọn lành, những phong tục thuần mỹ như thế, mọi thành kiến đều biến tan; tiếng nhạo cười im phắc, tín ngưỡng dị đoan mê ảo dầu đã lâu đời bao nhiêu cũng lần lượt điêu tàn, trước những lẽ chân thực của đạo Chúa Kitô.

44. Lợi ích của công đoàn cho toàn xã hội

Vấn đề lao động ngày nay sôi nổi. Không biết lý trí tư nhiên có giải quyết được hay không? Giải pháp người ta sẽ ứng dụng sẽ gây ảnh hưởng rất quan trọng đến vận quốc. Những vấn đề lao động rất có thể nhờ công nhân Kitô hữu giải quyết dễ dàng và hợp lý được. Họ chỉ cần họp thành những đoàn thể linh động và được chỉ huy rất khôn ngoan rồi nhịp bước theo đường tổ tiên đã theo từ trước mà tìm cứu rỗi cho mình và cho các dân tộc.

Dầu người ta thành kiến nhiều, bị dục vọng lôi cuốn, thì bao giờ lòng công bình và chân thành cũng không bị những ý định quỷ quái dập tắt hẳn, và không kíp thì chày họ sẽ đồng lòng cảm phục yêu quý những đoàn thể lao động kia, là những đoàn người chuyên cần và khiêm tốn, đặt công chính trên tư lợi và trọng kính nghĩa vụ trên hết mọi sự. Nhờ đó, thế giới sẽ lại hưởng một đặc ân khác nữa. Những công nhân hiện đang khinh đạo thánh Chúa, hay đang trôi theo những tục lệ mà đạo thánh Chúa bài xích thì sẽ hồi tâm lại mà hy vọng thân phận của họ có thể đổi mới được.

Sự thường họ ý thức ngay không cần suy nghĩ lâu ngày lâu tháng, họ đã bị đánh lừa bằng những lời hứa hão huyền và những tổ chức bề ngoài dối trá. Theo cách cư xử của những chủ bất nhân ham lợi tham của, thì họ hiểu ngay mình chỉ được quý trọng tùy theo năng lực mưu ích gây lợi cho chủ. Còn cho các hội đoàn đã lung lạc rũ họ nhập vào, họ chẳng thấy đâu là nghĩa bác ái, là tình yêu. Trái lại họ chỉ gặp sự bất hòa, kình địch nhau là sự thường hay xẩy ra, trong giới khổ cực, ngạo mạn và vô thần. Tâm hồn chán nản thể xác kiệt quệ ai lại không mong cởi ách tủi nhục ấy. Nhưng họ cũng không dám hoặc vì tự ái hoặc sợ túng thiếu.

Vậy, đối với những công nhân ấy, những nghiệp đoàn Công giáo sẽ là một phương tiện hữu ích bất ngờ. Thấy họ ngần ngại thì các nghiệp đoàn ấy cần niềm nở đón tiếp họ và thành thực bênh vực che chở họ.

***

LỜI KHÍCH LỆ CUỐI CÙNG

 

45. Để tái lập những phong tục Kitô giáo

Vậy chắc anh em đã được thấy rõ vấn đề khắt khe này cần phải bàn tán và giải quyết thế nào. Mong người nào có phận nấy, sẽ kíp bắt tay vào việc kẻo vì chậm thuốc mà cơn bệnh đã quá trầm trọng rồi, khó mà thuyên giảm được.

Yêu cầu các nhà chính trị, dùng quyền pháp luật và cơ cấu xã hội mà bảo vệ công nhân.

Yêu cầu các kẻ giầu và các chủ nhân tỉnh thức lại với phận sự. Yêu cầu các công nhân ý thức số phận nguy cấp của họ mà tiếp tục đòi quyền lợi của họ theo đường ngay và nẻo chính.

Theo lời Ta tuyên bố ngay từ đầu: chỉ có đạo thánh Chúa mới trừ diệt tật nạn từ tận gốc. Vậy ai cũng phải thú nhận rằng điều cần thiết nhất ta phải thực hiện ngay là phục hưng phong hóa Kitô hữu trong đời sống. Thiếu điều kiện này dầu những phương tiện hiệu nghiệm nhất do trí thông minh người phàm bày vẽ được cũng sẽ khó đưa lại những kết quả hữu ích.

Còn Giáo hội sẽ không bao giờ ngừng hành động tùy theo tài lực. Những hành động ấy càng được tự do khuếch trương thì càng chắc hiệu lực nhiều.

Điều Ta mong nhất là tất cả những ai có phần trách nhiệm đến công ích sẽ hiểu rõ điều này. Mong hàng giáo phẩm tận tâm hiệp lực và dùng đủ mọi phương tiện họ nhiệt thành nghĩ ra được, để tuân theo huấn thị và gương tốt của anh em mà tái huấn mọi giai cấp xã hội, cho thích hợp với luật Phúc âm về đời sống Công giáo.

Chớ gì các giáo sĩ, theo quyền hạn mình mà nỗ lực cứu dân độ thế, nhất là chăm chú vun trồng trong chính mình họ và làm trổ sinh nơi các kẻ khác, bất phân kẻ sang người hèn, đức bác ái của Phúc âm là nhân đức chỉ huy và làm nảy sinh các nhân đức khác.

Quả thực muốn cứu giúp các dân tộc, cần nhất là làm cho đức bác ái lan tràn thiên hạ. Ta nhấn mạnh vào điều đó. Đức bác ái của đạo thánh Chúa gồm tóm cả Phúc âm, và luôn luôn khiến người sẵn sàng hy sinh để cứu giúp anh em đồng loại.

Nhân đức này là môn thuốc hiệu nghiệm để trị tính kiêu hãnh của người đời và diệt trừ lòng tự ái quá độ. Chính là nhân đức mà thánh Phaolô diễn tả thiên vụ và tính cách siêu nhiên rằng: đức bác ái thì kiên nhẫn, hòa nhã, không tìm tư lợi. Đức bác ái chịu mọi sự đau khổ và chịu đựng mọi căm hờn.

Để bảo đảm ân huệ Chúa sẽ ban dồi dào, và tỏ lòng nhân ái, Ta hận hạnh ban phép lành Tòa Thánh cho toàn thể anh em giáo sĩ và tín hữu trong Chúa

 

 

Ban bố tại La Mã

Cạnh Đền thờ thánh Phêrô, ngày 15 tháng 05 năm 1891

+ Lê-ô XIII

Giáo Hoàng