Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 06:25

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi Của ĐGH Phanxicô – Năm 2016 Featured

SỨ ĐIỆP

NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU LẦN THỨ 53

CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Chúa Nhật 17 Tháng 04 Năm 2016

***

***

"Cộng đoàn tông đồ: Hành trình ơn gọi của mỗi người"

 

 

Anh chị em thân mến,

Tôi đang rất hy vọng trong suốt Năm Thánh Ngoại thường Lòng Thương Xót này, tất cả những ai đã chịu Phép Rửa đều trải nghiệm được niềm vui thuộc về Giáo Hội và tái khám phá ơn gọi Kitô hữu, là ơn gọi được sinh ra trong Dân Chúa, và đây là ân ban của lòng thương xót. Giáo Hội là nhà của lòng thương xót và là “mảnh đất” để ơn gọi đâm rễ, phát triển và trổ sinh hoa trái.

Vì lý do này, nhân dịp 53 năm, ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi, tôi mời gọi tất cả các tín hữu suy ngẫm về cộng đoàn tông đồ, và cám ơn vai trò của cộng đoàn này trong hành trình ơn gọi của mỗi người. Trong Ân Xá của Năm Thánh Ngoại thường Lòng Thương Xót, tôi tưởng nhớ lại lời của Thánh Beda Khả kính, mô tả ơn gọi của thánh Matthew: “Miserando atque eligendo” (Xót thương và kêu gọi). Hành động đầy lòng thương xót của Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta và dẫn chúng ta bước vào đời sống mới hình thành trong lời mời gọi làm môn đệ và thực thi sứ vụ. Mỗi ơn gọi trong Giáo Hội bắt nguồn từ khóe nhìn đầy thương xót của Chúa Giêsu. Đối thoại và ơn gọi là hai mặt của cùng vấn đề, và tiếp tục duy trì sự hiệp thông trong suốt đời sống tông đồ.

Trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, chân phúc Phaolô VI mô tả những bước khác nhau trong việc Phúc Âm hóa. Một trong những bước này là thuộc về cộng đoàn Kitô hữu, là cộng đoàn mà chúng ta nhận được nhân chứng đức tin đầu tiên và công bố lòng thương xót của Thiên Chúa.[1] Áp dụng vào cộng đoàn Kitô hữu mang đến sự phong phú trong đời sống Giáo Hội, đặc biệt là các bí tích. Thực vậy, Hội Thánh không chỉ là một nơi chúng ta tin, nhưng còn là một đối tượng của đức tin, vì lý do này mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin Hội Thánh”.

Lời mời gọi của Thiên Chúa đến với chúng ta qua các phương tiện của hòa giải là cộng đoàn. Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên chi thể của Hội Thánh, và sau khi chúng ta đạt đến độ trưởng thành nhất định, Ngài ban cho chúng ta một ơn gọi đặc biệt. Hành trình ơn gọi được thực hiện cùng với các anh chị em, những người mà Chúa lôi kéo đến với chúng ta: Đó là cùng một ơn kêu gọi. Sự năng động của Giáo Hội trong lời kêu gọi là liều thuốc giải cho sự vô cảm và chủ nghĩa cá nhân. Nó thiết lập sự hiệp thông trong đó sự vô cảm bị tình yêu thương đánh bại, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta vượt qua khỏi bản thân và đặt cuộc sống chúng ta vào kế hoạch của Thiên Chúa, ôm lấy hoàn cảnh lịch sử của dân thánh Người.

Trong ngày đặc biệt cầu nguyện cho ơn gọi này, tôi khẩn thiết tất cả các tín hữu đảm nhận trách nhiệm quan tâm và biện phân ơn gọi. Khi các tông đồ tìm kiếm người thay thế cho Giuda Iscariot, Thánh Phêrô đưa ra 120 anh em (x. Cv 1:15) để chọn ra 7 phó tế, một nhóm các môn đệ được tập hợp (x. Cv 6:2). Thánh Phaolô đưa cho Titô tiêu chí cho việc chọn lựa tông đồ (x. Tt 1:5-9). Ngày nay vẫn vậy, cộng đồng Kitô hữu luôn hiện diện trong việc biện phân ơn gọi, trong việc đào tạo và sự bền đỗ của các ơn gọi.[2]

Ơn gọi được nảy sinh ngay trong lòng Giáo Hội. Từ khoảnh khắc một ơn gọi bắt đầu trở nên rõ ràng, ơn gọi ấy cần phải có “cảm thức” về Giáo Hội. Không ai được kêu gọi để dành riêng cho một vùng riêng biệt, hay cho một nhóm hoặc một phong trào nhưng là dành cho Giáo Hội và thế giới. “Một dấu hiệu chắc chắn về đặc sủng đích thực là đặc tính Giáo Hội của nó, khả năng nó kết hợp hài hòa với đời sống dân thánh trung thành của Thiên Chúa vì lợi ích chung của mọi người”.[3] Trong sự đáp trả lời mời gọi này, người trẻ nhìn thấy chân trời Giáo Hội mở rộng; họ có thể xem xét những đặc sủng khác nhau và thực hiện nhận thức khách quan hơn. Theo cách này, cộng đoàn trở thành nhà và gia đình cho ơn gọi sinh ra. Các ứng viên suy niệm về cộng đoàn hoán cải như là một yếu tố cần thiết cho tương lai của họ. Họ học để hiểu và yêu thương anh chị em, những người theo những đường hướng khác họ; và chính những điều này làm tăng thêm sức mạnh mỗi người trong sự hiệp thông mà họ chia sẻ.

Ơn gọi lớn lên trong lòng Giáo Hội. Trong quá trình đào tạo, cá ứng viên với những ơn gọi khác nhau cần học hỏi kiến thức về cộng đoàn Giáo Hội, vượt qua những giới hạn lúc đầu. Để khi kết thúc, họ nên cùng nhau thực hiện những trải nghiệm tông đồ với những thành viên khác của cộng đoàn, chẳng hạn như: cùng theo một khóa giáo lý, trao đổi các thông điệp Giáo Hội, gặp gỡ liên Hội Dòng, chia sẻ trải nghiệm việc truyền giáo tại các vùng ngoại vi, chia sẻ đời sống tu viện, khám phá nguy cơ đưa đến cám dỗ; liên hệ với các vị thừa sai để đào sâu hơn về sứ vụ đến với muôn dân; và trong cộng đoàn các linh mục Giáo phận, để đi sâu vào kinh nghiệm đời sống mục vụ Giáo xứ và Giáo phận. Đối với những ai đã sẵn sàng cho việc đào tạo, cộng đoàn Giáo Hội luôn là môi trường đào tạo cơ bản.

Giáo Hội công nhận ơn kêu gọi. Sau khi cam kết, hành trình ơn gọi của chúng ta trong Giáo Hội không phải đã hết, nhưng tiếp tục trong sự sẵn sàng phục vụ, bền chí và tiếp tục tiến trình đào tạo. Những người sống đời thánh hiến sẵn sàng phục vụ Giáo Hội khi cần. Sứ mệnh của Phaolô và Barnaba là ví dụ của việc sẵn sàng phục vụ này. Được Chúa Thánh Thần và cộng đồng Antioche (x. Cv 13:1-4) sai đi làm sứ vụ, họ quay trở lại và mô tả những gì Thiên Chúa đã làm thông qua họ (x. Cv 14:27). Những nhà truyền giáo được cộng đoàn Kitô hữu đồng hành và công nhận, và cộng đoàn này vẫn luôn là một điểm quan trọng như mảnh đất quê hương hữu hình bảo vệ tất cả những ai trên hành trình hướng đến cuộc sống vĩnh cửu.

Trong số những người hoạt động mục vụ, các linh mục đặc biệt quan trọng. Trong sứ vụ, họ sống trọn vẹn Lời của Chúa Giêsu: “Ta là cổng chuồng chiên […]. Ta là mục tử nhân lành” (Ga 10:7,11). Chăm sóc mục vụ ơn gọi là một phần căn bản trong sứ vụ của họ. Linh mục đồng hành với những ai có ý muốn theo ơn gọi, cũng như những ai đã tận hiến cuộc đời phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn.

Tất cả các tín hữu được mời gọi đánh giá cao sự năng động của ơn gọi để các cộng đoàn tín hữu có thể trở nên, sau gương mẫu của Rất Thánh Đồng Trinh Maria, như cung lòng người mẹ chào đón ân ban của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1:35-38). Tình mẫu tử của Giáo Hội thể hiện trong lời cầu nguyện liên lỉ cho ơn gọi và công cuộc giáo dục, đồng hành với tất cả những ai nhận thức ra được ơn kêu gọi của Chúa. Tình mẫu tử này cũng được thể hiện qua việc lựa chọn kỹ càng những ứng viên cho chức thánh và cho đời sống thánh hiến. Cuối cùng, Giáo Hội là mẹ của ơn gọi trong việc tiếp tục nâng đỡ những ai đã tân hiến đời mình để phục vụ người khác.

Chúng ta cầu xin Chúa ban cho tất cả những ai đang trong hành trình ơn gọi có một cảm thức sâu sắc mình thuộc về Giáo Hội; và xin Chúa Thánh Thần tăng thêm sức mạnh cho các Mục tử, và tất cả các tín hữu, một cảm nhận sâu hơn về sự hiệp thông, sự biện phân và tình phụ mẫu thiêng liêng.

Lạy Cha của lòng thương xót, Người đã trao ban Con Một của Người là Đấng Cứu Độ và tăng thêm sức mạnh Thánh Thần cho chúng con, ban cho chúng con những cộng đoàn Kitô hữu sống động, sốt sắng và vui tươi trong tình huynh đệ, và nuôi dưỡng người trẻ ước muốn thánh hiến bản thân cho Người và cho công cuộc Phúc Âm hóa. Xin gìn giữ và duy trì những cộng đoàn này trong lời cam kết hiến dâng ơn gọi thích hợp và những phương cách tiến tới trong đời sống thánh hiến của mỗi người. Xin ban cho chúng con sự khộn ngoan cần thiết cho ơn gọi để trong mọi sự, lòng nhân từ tuyệt hảo của Người được tỏa sáng. Xin Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu làm trung gian hòa giải cho mỗi cộng đoàn Kitô hữu nhờ đó được trổ sinh hoa trái Thánh Thần, là nguồn ơn gọi thực sự cho việc phục vụ dân thánh Chúa.

 

Ban hành tại Vatican, cạnh đền thờ Thánh Phêrô,

ngày 29 tháng 11 năm 2015, Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng.

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng

 

 

- Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,

chuyển ý từ nguyên bản tiếng Italia.

 

 

 


[1] x. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin Mừng), Ngày 08-12-1975, số 23.

[2] x. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 107.

[3] x. Ibid., số 130.