Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 06:16

Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới Của ĐGH Benedict XVI – Năm 2013 Featured

SỨ ĐIỆP

NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ XXVIII

CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI

Ngày 23 – 28 Tháng 07 Năm 2013

***

***

“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (x. Mt 28,19)

 

 

Các bạn trẻ thân mến,

Cha gửi đến tất cả các con lời chào đầy niềm vui và yêu thương. Cha biết chắc rằng, sau khi trở về từ Ngày Ðại Hội Giới Trẻ tại Madrid, tất cả các con “đã được bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu, hãy dựa vào đức tin mà các con đã được thụ huấn” (Cl 2,7). Năm nay, nơi mỗi giáo phận, các con đã mừng kính niềm vui vì được trở nên người Kitô hữu, với chủ đề: “Hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4,4). Và giờ đây, chúng ta đang chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp đến, sẽ được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil vào tháng 7 năm 2013.

Trước hết, cha mời gọi tất cả các con một lần nữa tham dự sự kiện quan trọng này. Bức tượng Chúa Kitô Cứu Thế nổi tiếng hướng nhìn về thành phố xinh đẹp của Brazil sẽ là biểu tượng cho chúng ta. Ðôi tay rộng mở của Ðức Kitô là một dấu chỉ của một khao khát mạnh mẽ nơi Ngài, khao khát ôm trọn những ai đến với mình; và trái tim của Ðức Kitô tượng trưng cho tình yêu lớn lao của Ngài dành cho mọi người và cho từng người trong các con. Hãy để cho Ðức Giêsu lôi cuốn các con! Hãy kinh nghiệm điều này cùng với tất cả những ai sẽ quần tụ về Rio trong những ngày sắp tới. Hãy đón nhận tình yêu của Ðức Giêsu và các con sẽ trở nhân chứng nhân giữa lòng thế giới hôm nay.

Cha mời gọi các con hãy chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio de Janeiro bằng việc suy niệm về chủ đề của cuộc gặp gỡ này: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Ðây là một sứ mạng lớn lao mà Ðức Kitô đã uỷ thác cho toàn thể Giáo Hội; và hôm nay, sau hơn 2000 năm, lệnh truyền này vẫn khẩn thiết như xưa. Lệnh truyền này nên được âm vang mạnh mẽ trong con tim của mỗi người chúng ta. Việc chuẩn bị cho Ngày Quôc Tế Giới Trẻ năm nay cũng trùng với Năm Ðức Tin, được bắt đầu với Thượng Hội Ðồng Giám Mục dành cho “Tân Phúc âm hóa nhằm thông truyền đức Tin Kitô giáo”.

Các con thân mến, cha hạnh phúc vì thấy các con đang dấn thân vào sứ mạng truyền giáo, một sứ mạng đã vươn ra tới mọi ngõ ngách của thế giới. Ðể làm cho Ðức Kitô được biết đến như là một món quà quý giá nhất mà các con có thể trao ban cho người khác.

1. Một lời mời gọi cấp thiết

Lịch sử nêu danh nhiều người, với sự quảng đại bỏ mình, đã có những đóng góp lớn lao cho Nước Thiên Chúa và sự phát triển của thế giới này ngang qua việc công bố Tin Mừng. Ðược đổ đầy với lòng nhiệt thành, họ đã mang Tin Mừng Tình Yêu được biểu lộ nơi Ðức Kitô; họ sử dụng những phương thế và những khả thể thấp kém hơn nhiều so với những gì chúng ta có hôm nay. Khi nhắc đến điều này, chúng ta liền nhớ đến chân phước Jose de Anchieta. Ngài là một Giêsu hữu trẻ tuổi người Tây Ban Nha sống trong thế kỷ XIX. Ngài đã được sai đi truyền truyền giáo ở Brazil khi chưa tròn 20 tuổi, và đã trở thành một vị tông đồ vĩ đại ở vùng Tân Thế Giới. Cha cũng nghĩ rằng trong số các con đây cũng có những người đã quảng đại dâng mình cho sứ mạng của Giáo Hội. Cha đã thấy những chứng tá tuyệt vời trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Madrid, một cách cụ thể trong buổi gặp với những tình nguyện viên.

Nhiều người trẻ hôm nay đặt câu hỏi nghiêm túc rằng cuộc đời này liệu có điều gì tốt, và có lúc họ thấy khó khăn để tìm cho mình một câu trả lời. Tuy nhiên, cách chung, những người trẻ thường nhìn vào những khó khăn này và tự hỏi: Tôi có thể làm điều gì không? Ánh sáng của niềm tin có thể xoá tan sự tối tăm này. Ðức tin giúp chúng ta hiểu rằng đời sống của mỗi người là vô giá vì mỗi người trong chúng ta là hoa trái của tình yêu. Thiên Chúa yêu thương mọi người, kể cả những ai đã rời xa hay xem thường Ngài. Thiên Chúa vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi. Thực vậy, Thiên Chúa đã cho con một của mình chết và sống lại để giải phóng chúng ta khỏi mọi tội lỗi. Ðức Kitô đã sai các môn đệ của mình lên đường để mang niềm vui cứu độ và sự sống mới này đến với muôn dân trên khắp muôn nơi.

Tiếp nối sứ mạng Phúc Âm Hóa này, Giáo Hội trông chờ nơi các con. Các bạn trẻ thân mến, các con sẽ là những nhà truyền giáo tiên phong trong thời đại của các con. Cuối Công Ðồng Vatican II, Tôi tớ Chúa, Ðức Phaolo VI đã gởi đến người trẻ thế giới một sứ điệp. Khởi đầu sứ điệp này, ngài viết: “Các bạn trẻ nam và nữ thân mến, chính các con là những người mà Công Đồng muốn nhắn nhủ những thông điệp cuối cùng của mình. Vì chính các con là những người đã lãnh nhận ngọn đuốc từ tay những người đi trước, là những người sống trong một thế giới có những sự biến chuyển lớn lao chưa từng có trong lịch sử. Chính các con, khi đón nhận các mẫu gương sống động cũng như những lời khuyên nhủ của cha mẹ và thầy cô, các con sẽ là những người khuôn đúc nên xã hội mai sau. Một xã hội mà các con có thể được cứu hay bị diệt vong trong đó. Thông điệp kết thúc với những từ ngữ: “Với lòng nhiệt thành, các con hãy xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”.[1]

Các con thân mến, hôm nay đây lời gọi này vẫn còn cần thiết. Chúng ta đang trải qua một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt. Những tiến bộ kỹ thuật đã mở ra những khả thể cho việc tương tác giữa người với người và giữa các quốc gia. Nhưng những mối quan hệ mang tính toàn cầu này chỉ giúp ích cho thế giới khi nó được đặt nền tảng trên tình yêu hơn là dựa trên chủ nghĩa vật chất. Tình yêu là điều duy nhất có thể lấp đầy trái tim con người và giúp con người xích lại gần nhau hơn. Thiên Chúa là Tình Yêu. Khi chúng ta lãng quên Thiên Chúa, chúng ta đánh mất hy vọng và không thể yêu thương người khác. Ðó là lý do tại sao chúng ta phải minh chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa để người khác cũng có thể kinh nghiệm điều này. Sự cứu độ của con người phụ thuộc vào điều này, và đó cũng là sự cứu độ của mỗi chúng ta. Bất cứ ai hiểu được điều này thì cũng có thể tuyên bố như thánh Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16).

2. Trở nên môn đệ của Ðức Kitô

Ơn gọi truyền giáo dành cho các con cũng vì những lý do khác, nghĩa là ơn gọi truyền giáo cũng cần thiết cho hành trình đức tin cá nhân của chính các con. Chân Phước Gioan Phaolô II đã viết: “Ðức Tin được đào sâu khi nó được thông truyền cho người khác”. Khi công bố Tin Mừng, chính các con lớn lên trong đức tin vì được cắm rễ sâu nơi Ðức Kitô và trở thành những người Kitô Hữu trưởng thành. Chúng ta không thể trở thành những tín hữu đích thực nếu không công bố Tin Mừng. Việc công bố Tin Mừng chỉ có thể là kết quả của niềm vui lãnh nhận từ cuộc gặp gỡ cá vị với Ðức Kitô và thấy rằng Ngài là viên đá sống động mà chúng ta xây đắp cuộc đời mình trên đó. Khi lao tác để giúp đỡ người khác và công bố Tin Mừng cho họ, thì chính đời sống các con, vốn bị phân tán vì quá nhiều hoạt động, sẽ tìm thấy sự hội nhất nơi Thiên Chúa. Các con cũng có thể xây đắp bản ngã của chính mình, lớn lên và trưởng thành trong đời sống nhân bản.

Trở nên một nhà truyền giáo nghĩa là gì? Trên hết, nó có nghĩa là trở nên môn đệ của Ðức Kitô. Nó có nghĩa là lắng nghe sự mới mẻ trong lời mời gọi theo Ngài và cậy dựa vào Ngài: “Hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Một người môn đệ là người chú ý đến lời của Ðức Giêsu; người hiểu rằng Ðức Giêsu là Thầy và là Ðấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi hiến mạng sống mình vì chúng ta. Vì thế, mỗi một người trong chúng ta nên để cho mình được khuôn đúc bởi lời của Thiên Chúa mỗi ngày. Ðiều này làm cho chúng ta trở thành bạn của Thiên Chúa, Ðức Giêsu, và có thể dẫn những người trẻ khác đến và trở nên bạn với Ngài.

Cha khuyến khích các con hãy nhớ đến những quà tặng đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, để đến lượt mình, các con cũng có thể trao ban cho người khác. Hãy đọc lại lịch sử cá nhân đời mình. Hãy ý thức về những di sản tuyệt các con đã lãnh nhận được từ các thế hệ trước. Có rất nhiều người, được đổ đầy bởi niềm tin, đã can đảm để trao ban đức tin cho dẫu phải đối diện với bao nhiêu thử thách và hiểu lầm. Chúng ta đừng bao giờ quên mình là những mắt xích quan trọng trong một dây chuyền vĩ đại nơi đó những người nam và người nữ đã thông truyền chân lý đức tin và họ cần chúng ta để có thể thông truyền nó cho người khác. Trở nên một nhà truyền giáo giả thiết một sự hiểu biết về di sản này, đức tin của Giáo Hội. Thật cần thiết để ý thức rằng các con tin vào điều gì để có thể công bố điều đó. Như cha đã viết trong phần giới thiệu của Youcat, Giáo Lý dành cho người trẻ mà cha đã trao cho các con tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới Tại Madrid: “Các con cần biết rằng, các con cần hiểu về đức tin của mình như một chuyên viên về công nghệ thông tin hiểu về cấu trúc bên của một chiếc máy vi tính, như một nghệ sĩ âm nhạc tài ba hiểu về vai trò của những nhạc cụ anh ta chơi. Vâng, các con cần được bén rễ sâu trong đức tin hơn thế hệ của cha mẹ các con để có thể đối diện với những thách đố và những cám dỗ của thời đại với sức mạnh và sự kiên vững (Forward)”.

3. Các con hãy ra đi

Ðức Giêsu đã sai các môn đệ vào sứ vụ với lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16). Phúc Âm Hóa có nghĩa là mang Tin Mừng Cứu Ðộ đến cho người khác và giúp họ hiểu rằng Tin Mừng chính là một con người: Ðức Giêsu Kitô. Khi tôi gặp gỡ Ngài, khi tôi khám phá ra Thiên Chúa đã cứu độ tôi và Ngài yêu tôi biết dường bao. Lúc đó, tôi cảm thấy không chỉ khao khát nhưng còn là một nhu cầu để làm cho Thiên Chúa được người khác biết đến. Khởi đầu Tin Mừng của Thánh Gioan, chúng ta thấy Anrê, sau khi gặp Ðức Giêsu đã lập tức dẫn người em mình là Simon đến với Ngài (x. Ga 1,40-42). Phúc Âm Hóa luôn khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Những người đã đến với Ðức Giêsu và đã kinh nghiệm về tình yêu của Ngài, lập tức họ sẽ muốn chia sẻ vẻ đẹp và niềm vui phát sinh từ tình bạn có được với Ðức Kitô. Càng biết về Ðức Giêsu, chúng ta càng muốn nói về Ngài. Càng thưa chuyện với Ðức Kitô, chúng ta càng khao khát để nói về Ngài. Càng để Ðức Giêsu chiếm đoạt mình, chúng ta càng khao khát lôi kéo người khác về với Ngài.

Ngang qua Bí Tích Rửa Tội, Bí tích mang cho chúng ta sự sống mới, Chúa Thánh Thần cư ngụ nơi chúng ta và Ngài thắp lên ngọn lửa trong tâm trí và con tim ta. Chúa Thánh Thần sẽ dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa và giúp chúng ta đi sâu với tình bạn với Ðức Kitô. Chính Chúa Thánh Thần là Ðấng khích lệ chúng ta làm điều thiện, phục vụ người khác và từ bỏ mình. Qua Bí Tích Thêm Sức, chúng ta được trở nên mạnh mẽ nhờ ơn huệ của Thánh Thần để có thể làm chứng cho Tin Mừng một cách trưởng thành hơn. Do đó, chính Thánh Thần của tình yêu là nguồn trợ lực cho sứ mạng chúng ta. Thánh Thần thúc đẩy chúng ta biết “đi ra” khỏi mình và “ra đi” để loan truyền Tin Mừng.

Các bạn trẻ thân mến, các con hãy để cho chính mình được dẫn dắt bởi tình yêu Thiên Chúa. Hãy để cho tình yêu đó giúp các con vượt qua mọi khuynh hướng khép kín lại nơi thế giới, nơi các vấn đề và thói quen của mình. Hãy can đảm để “đi ra” khỏi mình, “để đến” với người khác và chỉ cho họ thấy con đường gặp gỡ Thiên Chúa.

4. Hãy quy tụ muôn nước

Ðức Giêsu Phục Sinh đã sai các môn đệ ra đi làm chứng cho sự hiện diện cứu độ của Ngài nơi muôn nước, bởi vì Thiên Chúa, trong tình yêu rất mực phong phú của mình, Ngài muốn mọi người được cứu độ và không ai bị hư mất. Bằng tình yêu tự hiến trên thập giá, Ðức Giêsu đã mở ra con đường cho mọi người nam và người nữ đi đến việc nhận biết Thiên Chúa và đi vào sự thông hiệp tình yêu với Ngài. Ngài đã thành lập nhóm tông đồ để họ đem sứ điệp Tin Mừng cứu độ đến tận cùng trái đất và vươn tới mọi người nam và người nữ ở mọi nơi và mọi thời. Chúng ta hãy để cho khao khát của Thiên Chúa trở thành khao khát của chính chúng ta!

Các bạn trẻ thân mến, các con hãy mở mắt và nhìn xem xung quanh mình vẫn còn đó biết bao nhiêu người trẻ không tìm thầy ý nghĩa của cuộc đời. Hãy ra đi! Ðức Giêsu cần các con. Hãy để cho chính mình bị bắt chộp và bị lôi kéo bởi tình yêu của Ngài. Hãy ở lại để phục vụ tình yêu lớn lao này vì nhớ đó tình yêu này có thể vươn tới mọi người, đặc biệt là những người “ở xa”. Một vài người ở xa về mặt địa lý, nhưng nhiều người khác ở xa vì cách sống của họ không còn chỗ cho Thiên Chúa. Một vài người chưa hề được đón nhận Tin Mừng, trong khi đó những người khác đã được lãnh nhận nhưng lại sống như thể Thiên Chúa không tồn tại. Chúng con hãy mở trái tim của mình cho mọi người. Hãy đi vào cuộc đàm thoại với sự đơn sơ và tôn trọng. Nếu cuộc đối thoại này diễn ra trong tình bạn đích thực, nó sẽ sinh hoa trái. “Các quốc gia” mà chúng ta được mời gọi để đi đến, không chỉ là những quốc gia trên thế giới nhưng cũng chính là những lãnh vực khác nhau trong đời sống chúng ta, như gia đình, cộng đoàn, môi trường học đường và làm việc, các nhóm bạn và những nơi chúng ta trải qua thời gian rảnh rỗi của mình. Việc công bố Tin Mừng trong niềm vui có nghĩa là Tin Mừng được công bố cho mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta, không có một loại trừ nào.

Cha xin nhấn mạnh đến hai lĩnh vực cần các con dấn thân nhiều hơn. Các bạn trẻ thân mến, trước hết là lĩnh vực truyền thông xã hội, cụ thể là thế giới mạng. Như có lần cha đã nói rằng: “Các bạn trẻ rất quý mến, các con hãy dấn thân đưa vào trong nền văn hóa của lãnh vực truyền thông và thông tin mới mẻ này những giá trị mà cuộc sống của các con dựa vào!... Chính nơi những người trẻ các con, hầu như tự nhiên đồng cảm với các phương tiện truyền thông mới mẻ này, mà đặc biệt bổn phận phúc âm hóa “châu lục kỹ thuật số” này thuộc về các con”.[2] Hãy học để sử dụng các mạng truyền thông một cách khôn ngoan. Ðể ý đến những nguy cơ tiềm ẩn trong đó, đặc biệt là nguy cơ nghiện nó, nguy cơ từ chối thế giới thực và thay thế những cuộc gặp gỡ và đối thoại trực tiếp và liên vị bằng các tương giao trên thế giới mạng.

Lĩnh vực thứ hai là lĩnh vực du lịch và di dân. Ngày nay, ngày càng có nhiều người trẻ đi du lịch, đôi lúc vì việc học hay công việc nhưng đa số là vì thú vui. Cha cũng nghĩ về những nhóm di dân gồm hàng triệu người, và thường là những người trẻ. Họ di chuyển đến vùng khác hay quốc gia khác vì lý do tài chính và xã hội. Trong những địa hạt này, chúng ta cũng hãy đón lấy cơ hội để chia sẻ Tin Mừng. Các bạn trẻ thân mến, các con đừng sợ làm chứng cho Tin Mừng trong những bối cảnh này. Thật là một món quà quý giá đối với những ai gặp gỡ các con nếu họ nhận được nơi các con sự sẻ chia niềm vui của cuộc gặp gỡ với Ðức Giêsu.

5. Hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ

Cha tưởng rằng đôi lúc các con cảm thấy thật khó khăn để mời gọi những người trong thời đại của mình đến với một kinh nghiệm về niềm tin. Các con đã nhìn thấy có biết bao nhiêu bạn trẻ, đặc biệt tại một vài thời điểm nào đó trong đời sống của họ, khao khát biết Ðức Kitô và sống giá trị của Tin Mừng nhưng cũng cảm thấy sự bất lực. Chúng ta có thể làm gì?

Trước hết, sự gần gũi và chứng tá của các con có thể giúp Thiên Chúa đụng chạm đến con tim của họ. Công bố Ðức Giêsu Kitô thì không chỉ dùng lời nói, nhưng là một điều gì đó bao gồm toàn thể đời sống và được chuyển tải thành dấu chỉ của tình yêu. Chính tình yêu Ðức Giêsu đổ tràn trong tim chúng ta làm cho chúng ta trở thành những người công bố Tin Mừng. Cuối cùng, tình yêu của chúng ta phải mỗi ngày trở nên giống Ðức Kitô hơn. Chúng ta phải luôn sẵn sàng, để giống như người Samaria nhân hậu, chúng ta có thể lưu tâm đến những người chúng ta gặp, lắng nghe, hiểu và giúp đỡ họ. Nhờ đó chúng ta có thể dẫn những người đang tìm kiếm chân lý và ý nghĩa cuộc đời đến với ngôi nhà của Thiên Chúa và Giáo Hội, nơi hy vọng và ơn cứu độ hằng cư ngụ (x. Lc 10,29-37).

Các bạn thân mến, các con đừng bao giờ quên rằng hành động đầu tiên của tình yêu mà các con có thể trao ban cho người khác chính là chia sẻ niềm hy vọng của chúng ta. Nếu chúng ta không trao cho họ chính Thiên Chúa, chúng ta đã trao cho họ quá ít ỏi! Ðức Giêsu đã truyền cho các môn đệ rằng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Con đường để làm cho muôn dân trở thành môn đệ là thông qua Phép Rửa và việc học giáo lý. Như vậy, để dẫn người khác đi vào cuộc gặp gỡ với Ðức Giêsu trước hết phải là một cuộc gặp gỡ sống động ngang qua Lời và các Bích Tích. Theo cách này, họ có thể tin vào Ngài; họ có thể đi đến việc biết Người và sống trong ân sủng của Ngài. Cha muốn mỗi người trong các con hãy tự vấn chính mình: Tôi đã bao giờ có đủ can đảm để đề nghị một người trẻ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội chưa? Tôi đã bao giờ mời gọi ai đó dấn thân vào hành trình khám phá niềm tin Kitô giáo chưa? Các bạn thân mến, đừng e ngại đề nghị một cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô cho con người trong thời đại hôm nay. Hãy cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho các bạn con đường để hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn, và để trở nên đầy sáng tạo trong việc công bố Tin Mừng.

6. Hãy kiên vững trong đức tin

Ðối diện với những khó khăn của sứ mạng loan báo Tin Mừng, lắm khi các con dễ bị cám dỗ để từ chối như ngôn sứ Gieremia: “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!”. Tuy nhiên, đối với các con, Thiên Chúa cũng phán rằng: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi” (Gr 1,6-7). Trong việc loan báo Tin Mừng và làm chứng tá đức tin, nếu khi các con thấy mình không xứng đáng, thiếu khả năng và yếu kém, các con đừng sợ hãi gì! Việc loan báo Tin Mừng chẳng phải do sáng kiến của chúng ta và trên cả nó cũng chẳng tùy thuộc vào tài năng của chúng ta. Ðúng hơn nó là một sự ứng đáp đầy tin tưởng và vâng theo lời mời gọi của Thiên Chúa, và bởi vậy việc loan báo Tin Mừng đâu phải được dựa trên sức riêng của chúng ta, nhưng là dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Vị tông đồ Phaolô đã thực hiện chính điều này khi ngài viết: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4,7).

Vì thế cha mời gọi các con hãy bén rễ trong cầu nguyện và trong các Bí Tích. Việc Tin Mừng Hóa đích thực luôn khởi đi từ cầu nguyện và được đỡ nâng bởi cầu nguyện: trước tiên chúng ta phải thưa chuyện với Chúa để có thể nói về Chúa. Và trong cầu nguyện, chúng ta phó dâng cho Thiên Chúa những người mà chúng ta được gởi đến, cầu xin Chúa hãy chạm vào con tim họ; khẩn nài Thần Khí Chúa để Ngài biến chúng ta thành khí cụ vì ơn cứu độ của họ; xin Ðức Kitô đặt lời của Ngài trên miệng lưỡi chúng ta, và làm cho chúng ta trở nên những dấu chỉ của tình yêu của Ngài. Và bao quát hơn nữa, chúng ta cầu nguyện vì sứ mạng của toàn thể Hội Thánh Chúa, đúng theo lời dạy rõ ràng của Ðức Kitô: “Vậy anh em hãy cầu nguyện để chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,38).

Các con hãy biết tìm đến Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống đức tin và của chứng tá Kitô hữu của chúng con. Hãy trung thành tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật và bất cứ khi nào có thể. Năng chạy đến với Bí tích Hòa Giải: là một cuộc gặp gỡ quý báu với Lòng Thương Xót Chúa, hằng đón nhận chúng ta, thứ tha và đổi mới con tim chúng ta trong tình yêu. Nếu chúng con chưa lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, đừng ngần ngại để lãnh nhận Bí tích ấy, chuẩn bị mình với việc quan tâm và dấn thân. Giống như Bí tích Thánh Thể, Bí tích Thêm Sức là bí tích của sứ mạng, bởi lẽ Bí tích ấy trao cho chúng ta sức mạnh và tình yêu của Thần Khí, để chúng ta tuyên xưng đức tin mà không còn sợ hãi. Cha khuyên các con hãy thực hành chầu Thánh Thể. Thời gian các con lắng nghe và thưa chuyện với Chúa Giêsu hằng hiện diện trong Mình Thánh sẽ trở nên nguồn lực mới mẻ lòng hăng say mới trong truyền giáo.

Nếu các con bước theo cuộc hành trình này, thì chính Ðức Kitô sẽ ban cho các con khả năng để trung tín đến cùng đối với Lời của Người, và để chúng con có thể làm chúng cho Người với lòng quả cảm và kiên cường. Ðôi khi các con được mời gọi để minh chứng lòng kiên trì, đặc biệt là những khi Lời Thiên Chúa bị cấm cản hoặc chống đối. Tại nhiều vùng khác trên thế giới, còn nhiều người trong số các con đang sống nỗi đau không thể làm chứng cách công khai đức tin vào Ðức Kitô, vì tình trạng thiếu tự do tôn giáo. Có bạn đã trả bằng mạng sống của mình cho cái giá được thuộc về Giáo Hội Công Giáo. Cha khuyến khích các con hãy kiên trì trong đức tin, tin chắc rằng Ðức Kitô hằng ở cạnh bên các con trong mọi cơn gian nan thử thách. Ngài hằng lặp đi lặp lại với các con rằng “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người đời sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5,11-12).

7. Với Toàn Thể Giáo Hội

Các bạn trẻ thân mến, nếu các con muốn luôn được kiên vững khi tuyên xưng niềm tin Kitô hữu ở bất cứ nơi nào các con được sai đến, các con cần đến Giáo Hội. Không ai có thể làm chứng cho Tin Mừng một mình. Ðức Giêsu đã sai các môn đệ vào sứ vụ cùng với nhau. Ngài nói với họ trong số nhiều, khi nói: “Các con hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Chứng tá của chúng ta thường được trao ban với tư cách là thành viên của một cộng đoàn, và sứ mạng của chúng ta chỉ sinh hoa trái nhờ vào sự thông hiệp với Giáo Hội. Chính nhờ vào sự hiệp nhất và tình yêu thương lẫn nhau giữa chúng ta mà người khác có thể nhận ra chúng ta là môn đệ của Ðức Giêsu Kitô (Ga 13,35). Cha tạ ơn Chúa vì những công việc tuyệt vời trong sứ mạng công bố Tin Mừng được thực hiện nơi các cộng đoàn Kito hữu, các giáo xứ và các phong trào của Giáo Hội. Hoa trái của công cuộc loan báo Phúc Âm thuộc về toàn thể Giáo Hội. Như chính Ðức Giêsu đã nói: “kẻ này gieo, người kia gặt” (Ga 4,37).

Tại đây, cha không thể không diễn tả lòng biết ơn của mình đối với món quà lớn lao của những nhà truyền giáo, những người đã dâng hiến toàn bộ cuộc đời của mình cho công cuộc công bố Tin Mừng đến tận cùng thế giới. Cha cũng tạ ơn Chúa vì các linh mục, các tu sĩ, những người đã dâng hiến mình trọn vẹn để Ðức Giêsu Kitô được biết đến và được yêu thương. Ở đây, cha cũng muốn khuyến khích những người trẻ, những người được Thiên Chúa kêu gọi hãy nhiệt thành dấn thân vào sứ mạng: “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Vì đối với những ai từ bỏ mọi thứ để theo Ngài, Ðức Giêsu đã hứa ban cho họ gấp trăm ở đời này cùng với sự sống vĩnh cửu ở đời sau (Mt 19,29).

Cha cũng tạ ơn Chúa vì tất các những người giáo dân nam nữ, những người đã nỗ lực hết mình để trở thành nhà truyền giáo bất cứ nơi nào họ đến, dù là ở nhà hay công sở, để Ðức Giêsu Kitô được yêu mến và được phục vụ và để Nước Thiên Chúa được lớn lên. Một cách đặc biệt, cha nghĩ về những người đang làm việc trong các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, chính trị và tài chính, và trong nhiều lĩnh vực khác của tông đồ giáo dân. Ðức Giêsu cần sự dấn thân và sự làm chứng của các con. Cho dẫu là khó khăn hay thiếu sự hiểu biết, các con đừng để mình bị nản chí trong việc mang Tin Mừng của Ðức Giêsu đến bất cứ nơi đâu mà các con hiện diện. Mỗi người trong các con là một mảnh ghép quý giá trong bức tranh Mosiac của công cuộc loan báo Tin Mừng.

8. “Lạy Chúa, này con đây!”

Các con thân mến, cuối cùng, cha ước mong tất cả các con, trong sâu thẳm của trái tim mình, hãy lắng nghe được lời mời gọi của Ðức Giêsu để công bố Tin Mừng. Bức Tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Rio de Janeiro tỏ lộ nhiều điều: Trái tim của Ngài mở ra để yêu thương mỗi người và mọi người, cánh tay của Ngài mở rộng để vươn đến mọi người. Chính các con là con tim và đôi tay của Ðức Giêsu! Hãy ra đi và làm chứng cho tình yêu của Ngài. Hãy trở thành một thế hệ truyền giáo mới, được thúc đẩy bởi tình yêu và rộng mở với tất cả. Hãy theo gương mẫu những nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo Hội như như thánh Phanxicô Xaviê và bao nhiêu vị khác.

Khi kết thúc Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid, cha đã chúc lành cho các bạn trẻ đến từ nhiều nơi và đang dấn thân vào sứ mạng truyền giáo. Họ là những người đại diện cho tất cả các bạn trẻ, lặp lại lời của ngôn sứ Isaia, Người đã thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con!” (Is 6,8). Giáo Hội đặt tin tưởng và biết ơn các con vì những niềm vui và nhiệt huyết mà các con đã đóng góp. Các con đã quảng đại sử dụng tài năng của mình cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng. Chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần được ban cho những ai mở con tim của mình cho sự công bố này. Và các con đừng sợ: Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ thế giới, sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20). Lời mời gọi này, dành cho tất cả bạn trẻ trên thế giới, có một âm hưởng cụ thể cho các con, những người trẻ thuộc Châu Mỹ Latin thân yêu này!

Người trẻ chiếm đa số trong dân số ở các nước Nam Mỹ và họ là một nguồn lực quý giá và quan trọng cho Giáo Hội và xã hội. Hãy là những người đi tiên phong trong sứ vụ truyền giáo! Năm nay Ngày Giới Trẻ Thế Giới quay lại với châu Mỹ Latin, cha ước mong các con, các bạn trẻ của lục địa này, hãy thông truyền lòng nhiệt thành của đức tin nơi các con cho mọi người trong thời đại này trên khắp mọi miền của thế giới.

Nguyện xin Mẹ Của Chúng ta, là Ngôi Sao của công cuộc Tân Phúc Âm Hóa, xin Mẹ đồng hành với mỗi người chúng con trong sứ mạng làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Với một tình yêu thương đặc biệt, cha ban Phép Lành Tòa Thánh cho từng người trong các con.

 

Ban hành tại Vatican, ngày 18 tháng 10 năm 2012.

+ BENEDICTUS XVI

Giáo Hoàng

 

 

- Nguyễn Minh Triệu, S.J. chuyễn ngữ

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Sứ điệp gửi đến các người trẻ, Ngày 12 tháng 8 năm 1965.

[2] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông, Ngày 24 tháng 5 năm 2009.