SỨ ĐIỆP
NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN THỨ XX
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICT XVI
Ngày 11 Tháng 02 Năm 2012
***
***
“Hãy đứng dậy và đi, đức tin của con đã cứu con” (Lc 17:19)
Anh chị em thân mến,
Nhân Ngày Thế Giới Bệnh Nhân, mà chúng ta sẽ cử hành vào ngày 11 Tháng 2 năm 2012, là ngày Lễ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, tôi muốn nhắc lại sự gần gũi tinh thần của tôi với tất cả mọi bệnh nhân là những người đang ở những nơi săn sóc hoặc được chăm sóc trong gia đình của họ, bày tỏ cho mỗi người trong họ sự quan tâm và cảm tình của toàn thể Hội Thánh. Trong việc rộng rãi và yêu thương chào đón mỗi đời sống của con người, trên hết là của những người yếu đuối và bệnh tật, một Kitô hữu diễn tả một khía cạnh quan trọng của việc làm chứng cho Tin Mừng của mình, theo gương Đức Kitô, Đấng đã cúi xuống trước những đau khổ vật chất và tinh thần của con người để chữa lành cho họ.
1. Năm nay (2012), là năm có những chuẩn bị tức thời cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân sẽ được tổ chức tại Đức Quốc vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, và sẽ chú tâm vào nhân vật biểu tượng của Tin Mừng là người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10:29-37), tôi muốn nhấn mạnh đến “các bí tích chữa lành”, nghĩa là nói về bí tích Thống Hối và Hòa Giải cùng bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, là những bí tích được hoàn thành cách tự nhiên trong việc Hiệp Thông Thánh Thể (Rước Lễ).
Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với mười người phong cùi, được Tin Mừng của Thánh Luca kể lại (x. Lc 17:11-19), và đặc biệt là những lời Chúa nói với một người trong họ, “Hãy đứng dậy và đi, đức tin của con đã cứu con” (câu 19), giúp chúng ta ý thức được tầm quan trọng của đức tin đối với những người lại gần Chúa trong khi đang chịu gánh nặng đau khổ và bệnh tật. Trong cuộc gặp gỡ của họ với Người, họ có thể thực sự cảm nghiệm rằng ai tin thì không bao giờ cô độc! Quả thực, Thiên Chúa, trong Con của Ngài, không bỏ mặc cho chúng ta một mình chịu đựng những nỗi thống khổ và đau khổ của mình, nhưng gần gũi chúng ta, giúp chúng ta chịu đựng chúng, và mong muốn chữa lành cho chúng ta ở tận đáy lòng chúng ta (x. Mc 2:1-12).
Đức tin của người bị bệnh phong cùi cô đơn này, đầy ngạc nhiên và vui mừng khi thấy mình đã được chữa lành, và không giống như những người khác, lập tức trở lại với Chúa Giêsu bày tỏ lòng biết ơn của mình, cho phép chúng ta nhận ra rằng sức khỏe mà anh ta vừa phục hồi là một dấu chỉ của một điều gì đó quý giá hơn việc chỉ được lành mạnh về thể lý, nó là một dấu chỉ về ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đức Kitô; nó tìm thấy cách diễn tả trong những lời của Chúa Giêsu: Đức tin của con đã cứu con. Ai trong đau khổ và bệnh tật cầu nguyện cùng Chúa thì chắc chắn rằng tình yêu của Thiên Chúa sẽ không bao giờ từ bỏ họ, và tình yêu của Hội Thánh, là sự kéo dài trong thời gian công trình cứu độ của Chúa, sẽ không bao giờ thất bại. Chữa lành thể lý, là cách diễn tả bên ngoài của ơn cứu độ sâu xa nhất, vì thế cho thấy tầm quan trọng mà con người - trong tình trạng trọn vẹn của linh hồn và thể xác - đối với Chúa. Cho nên, mỗi bí tích diễn tả và khởi động sự gần gũi của Chính Thiên Chúa, là Đấng bằng một cách hoàn toàn tự hiến, “chạm đến chúng ta qua những sự vật thể chất... mà Người sử dụng vào việc phục vụ của Người, biến chúng thành công cụ của cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Chính Người”.[1] “Sự hiệp nhất giữa việc tạo dựng và cứu chuộc được trở thành hữu hình. Các bí tích là một cách diễn tả về thể lý của đức tin của chúng ta, là điều bao trùm toàn thể con người, thể xác và linh hồn”.[2]
Nhiệm vụ chính của Hội Thánh chắc chắn là loan báo Nước Thiên Chúa, “Nhưng chính sự loan báo này phải là một tiến trình chữa lành: ‘băng bó những tấm lòng tan nát’ (Is 61:1)”,[3] theo nhiệm vụ mà Chúa Giêsu ủy thác cho các môn đệ của Người (x. Lc 9:1-2; Mt 10:1,5-14, Mc 6:7-13). Như thế, sự đi đôi giữa sức khỏe thể lý và đổi mới sau những tan nát của tâm hồn giúp chúng ta hiểu “các bí tích chữa lành” một cách rõ hơn.
2. Bí tích Thống Hối thường là quan tâm chính của các mục tử Hội Thánh, đặc biệt vì tầm quan trọng rất lớn của nó trong hành trình của đời sống Kitô hữu,vì: “Toàn thể sức mạnh của bí tích Thống Hối bao gồm việc phục hồi chúng ta trong ân sủng Thiên Chúa, và liên kết chúng ta với Người trong tình bằng hữu mật thiết”.[4] Hội Thánh, trong việc tiếp tục công bố sứ điệp tha thứ và hòa giải của Chúa Giêsu, không ngừng mời gọi toàn thể nhân loại hoán cải và tin vào Tin Mừng. Hội Thánh biến lời mời gọi của Thánh Tông Đồ Phaolô thành của riêng mình: “Vì vậy, chúng tôi là những người đại diện cho Ðức Kitô, như chính Thiên Chúa khuyên dạy qua chúng tôi. Vậy, thay mặt Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa” (2Cr 5:20). Chúa Giêsu, trong cuộc đời của Người, đã công bố và làm cho lòng thương xót của Chúa Cha được hiện diện. Người đã đến không phải để lên án nhưng để tha thứ và cứu độ, để ban hy vọng trong bóng tối sâu thẳm nhất của đau khổ và tội lỗi, và để ban sự sống đời đời; do đó trong bí tích Thống Hối, trong “thuốc xưng tội”, kinh nghiệm về tội lỗi không biến thành tuyệt vọng nhưng trở thành dịp gặp gỡ Tình Yêu tha thứ và biến đổi.[5]
Thiên Chúa, “giàu lòng thương xót” (Eph 2:4), như người cha trong dụ ngôn Tin Mừng (x. Lc 15:11-32), không đóng cửa lòng mình đối với bất kỳ con cái nào của Ngài, nhưng chờ đợi họ, tìm kiếm họ, đến với họ ở nơi mà sự từ chối hiệp thông của họ đang giam hãm họ trong sự cô lập và phân cách, và mời gọi họ tụ tập quanh bàn của Ngài, trong niềm vui của lễ tha thứ và hòa giải. Như thế, thời gian đau khổ, trong đó một người có thể bị cám dỗ buông xuôi theo chán chường và tuyệt vọng, có thể được biến đổi thành thời gian ân huệ cũng như trở lại với chính mình, và như người con hoang đàng trong dụ ngôn, để nghĩ lại về cuộc sống của mình, nhận ra những sai lỗi và thất bại của mình, khao khát vòng tay của Người Cha, và theo con đường về nhà Ngài. Đấng, trong tình yêu cao cả của Ngài, luôn luôn và ở khắp mọi nơi, trông nom cuộc đời chúng ta, và đang chờ đợi chúng ta để ban cho mỗi đứa con trở về với Ngài món quà hòa giải và niềm vui hoàn toàn.
3. Từ việc đọc các sách Tin Mừng, chúng ta thấy rõ ràng rằng Chúa Giêsu tỏ ra đặc biệt quan tâm đến những người bệnh tật. Người không chỉ gửi các môn đệ của Người để chăm sóc vết thương của họ (x. Mt 10:8; Lc 9:2; 10:9) nhưng cũng thiết lập cho họ một bí tích cụ thể: Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Thư của Thánh Giacobe minh chứng sự hiện diện của hành động bí tích này trong cộng đồng Kitô hữu tiên khởi (x. 5:14-16): qua bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, kèm với lời cầu nguyện của các kỳ mục, toàn thể Hội Thánh trao phó người bệnh cho Chúa Chịu Đau Khổ và Vinh Hiển để Người có thể làm giảm bớt sự đau khổ của họ và cứu họ; quả thật, Hội Thánh khuyên họ kết hợp chính mình cách thiêng liêng với Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Đức Kitô để nhờ đó, góp phần vào lợi ích của dân Thiên Chúa.
Bí tích này dẫn chúng ta đến việc chiêm niệm về Mầu Nhiệm Đôi của Núi Cây Dầu, nơi Chúa Giêsu thấy mình đối diện một cách bi thảm với con đường mà Chúa Cha đã vạch ra cho Người, đó là con đường Khổ Nạn, hành động yêu thương tối cao; và Người đã chấp nhận nó. Trong giờ sầu khổ ấy, Người là Đấng Trung Gian, “mang trong mình, tự mình gánh lấy sự đau khổ và khổ nạn của thế gian, biến đổi nó thành một tiếng kêu lên cùng Thiên Chúa, đưa nó ra trước mắt và vào tay Thiên Chúa và do đó thực sự mang nó đến thời điểm cứu độ”.[6] Nhưng “Vườn Cây Dầu cũng là nơi mà từ đó Người đã lên cùng Chúa Cha, và như thế là nơi cứu chuộc... Mầu Nhiệm đôi này của núi Cây Dầu cũng luôn luôn ‘hoạt động’ trong dầu bí tích của Hội Thánh... là dấu chỉ của của Thiên Chúa nhân lành vươn tay ra chạm đến chúng ta”.[7] Trong bí tích Xức Dầu Bệnh, đặc tính bí tích của dầu được ban cho chúng ta, có thể nói là, “như thuốc của Thiên Chúa... mà giờ đây đảm bảo cho chúng ta sự tốt lành của Ngài, ban cho chúng ta sức mạnh và sự an ủi, nhưng đồng thời chỉ vượt quá thời điểm đau yếu đến việc chữa lành sau cùng, là sự sống lại” (x. Gc 5:14).[8]
Bí tích này xứng đáng được kể đến ngày nay trong cả suy tư thần học lẫn trong thừa tác vụ mục vụ giữa các bệnh nhân. Qua một sự lượng giá đúng đắn về nội dung của những lời cầu nguyện phụng vụ được thích nghi với những tình trạng khác nhau của con người liên quan đến bệnh tật, và không chỉ khi một người ở cuối đời của mình,[9] không nên coi bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân gần như “một bí tích phụ” so với những bí tích khác. Trong khi việc quan tâm và chăm sóc mục vụ cho người bệnh, một đàng là một dấu chỉ về sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với những người đang đau khổ, đàng khác mang lại lợi ích tinh thần cho các linh mục cũng như toàn thể cộng đồng Kitô hữu trong việc ý thức rằng những gì mà chúng ta làm cho những người bé nhỏ nhất là làm cho Chúa Giêsu (x. Mt 25:40).
4. Về “các bí tích chữa lành”, thánh Augustin khẳng định: “Thiên Chúa chữa lành tất cả các bệnh tật của bạn. Cho nên, đừng sợ, tất cả các yếu đuối của bạn sẽ được chữa lành... Bạn chỉ cần để cho Ngài chữa lành cho bạn và không được từ chối bàn tay của Ngài”.[10] Các bí tích này là những công cụ quý giá của ân sủng Thiên Chúa giúp con người thích nghi một cách trọn vẹn hơn bao giờ hết với Mầu Nhiệm Sự Chết và Phục Sinh của Đức Kitô. Cùng với hai bí tích này, tôi cũng muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bí tích Thánh Thể. Được lãnh nhận trong lúc đau ốm, bí tích này góp phần một cách đặc biệt vào việc biến đổi ấy, bằng cách liên kết những ai thông phần vào Mình và Máu Đức Kitô với hy lễ mà Người đã tự hiến cho Đức Chúa Cha để cứu độ tất cả mọi người. Toàn thể cộng đồng Hội Thánh, và cộng đồng giáo xứ nói riêng, nên chú ý để đảm bảo việc có thể Rước Lễ thường xuyên của những người, vì lý do sức khỏe hoặc tuổi tác, không thể đi đến một nơi phụng tự. Bằng cách này, những anh chị em ấy được cung cấp khả năng tăng cường mối liên hệ của họ với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, tham dự, qua việc hiến dâng cuộc sống của họ cho tình yêu Đức Kitô, trong chính sứ vụ của Hội Thánh. Từ quan điểm này, điều quan trọng mà các linh mục, là những người làm những công việc kín đáo của họ trong các bệnh viện, các nhà dưỡng lão và trong nhà của người bệnh, cảm thấy họ đang thực sự là “những người phục vụ những người bệnh”, những dấu chỉ và công cụ của lòng từ bi của Đức Kitô, là Đấng phải đi đến với tất cả mọi người đang bị đánh dấu bởi đau khổ”.[11]
Việc trở nên phù hợp với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, là điều cũng có thể đạt được qua việc Rước Lễ thiêng liêng, có một ý nghĩa rất đặc biệt khi Thánh Thể được ban và đón nhận như Của Ăn Đàng. Ở giai đoạn đó trong cuộc đời, những lời này của Chúa lại càng có ý nghĩa: “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi có sự sống đời đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:54). Bí tích Thánh Thể, đặc biệt như Của Ăn Đàng, - theo định nghĩa của Thánh Ignatiô thành Antiokia - là “thuốc trường sinh, thuốc giải độc cho sự chết”;[12] bí tích của việc bước từ sự chết sang sự sống, từ thế giới này sang cùng Chúa Cha, là Đấng đang chờ đợi tất cả mọi người ở Jerusalem trên trời.
5. Chủ đề của Sứ Điệp này cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân XX là, “Hãy đứng dậy và đi, đức tin của con đã cứu con”, cũng mong đợi năm Đức Tin sắp đến, sẽ được bắt đầu vào ngày 11 tháng 10, 2012, một dịp thuận lợi và có giá trị để tái khám phá sức mạnh và vẻ đẹp của đức tin, để tìm hiểu nội dung của nó, và để làm chứng cho nó trong cuộc sống hàng ngày.[13] Tôi muốn khuyến khích những người bệnh tật và đau khổ luôn tìm thấy một mỏ neo an toàn trong đức tin, được nuôi dưỡng bằng cách lắng nghe Lời Chúa, bằng cầu nguyện cá nhân và bằng các bí tích, trong khi tôi kêu mời các mục tử hãy càng ngày càng sẵn sàng để cử hành các bí tích ấy cho người bệnh. Theo gương của Vị Mục Tử Nhân Lành và như những người hướng dẫn những đàn chiên được trao phó cho họ, các linh mục phải đầy tràn niềm vui, chú ý tới những người yếu đuối nhất, những người đơn sơ và những người tội lỗi, bằng cách bày tỏ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa qua những lời trấn an của hy vọng.[14]
Đối với tất cả những người làm việc trong lĩnh vực y tế, và các gia đình là những người nhìn thấy trong người thân của họ gương mặt đau khổ của Chúa Giêsu, tôi xin nhắc lại lời cám ơn của tôi và của Hội Thánh, bởi vì, trong nghề nghiệp chuyên môn và trong sự im lặng của họ, thường thậm chí không nhắc đến Danh Đức Kitô, nhưng họ bày tỏ Người một cách cụ thể.[15]
Chúng ta ngước mắt tin tưởng và dâng lời cầu nguyện lên cùng Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót và Sức Khỏe cho những Người Đau Ốm; nguyện xin lòng từ mẫu của Mẹ, được tỏ lộ khi Mẹ đứng cạnh Con Mẹ đang sinh thì trên Thánh Giá, đồng hành cùng giữ vững đức tin và đức cậy của mỗi người bệnh tật và đau khổ trên cuộc hành trình chữa lành những vết thương thể xác và tinh thần!
Tôi đảm bảo với tất cả mọi người là tôi nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện của tôi, và tôi ban cho mỗi người trong anh chị em một phép lành Tòa Thánh đặc biệt.
Ban hành tại Vatican, ngày 20 tháng 11 năm 2011,
Lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ.
+ BENEDICTUS XVI
Giáo Hoàng
- Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,
chuyển ý từ nguyên bản tiếng Italia.
[1] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Bài giảng Thánh Lễ Truyền Dầu, ngày 01 tháng 04 năm 2010.
[2] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Bài giảng Thánh Lễ Truyền Dầu, ngày 21 tháng 04 năm 2011.
[3] Ibidem.
[4] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1468.
[5] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (Hòa Giải và Sám Hối), Ngày 02-12-1984, số 31.
[6] Lectio Divina, Buổi họp với Linh Mục Giáo Xứ của Roma, ngày 18 tháng 2 năm 2010.
[7] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Bài giảng Thánh Lễ Truyền Dầu, ngày 01 tháng 04 năm 2010.
[8] Ibidem.
[9] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1514.
[10] Thánh Augustin, Chú Giải Thánh Vịnh 102, 5, 36: PL, pp. 1319-1320.
[11] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân XVIII, ngày 22 tháng 11 năm 2009.
[12] Thánh Ignatio Antiokia, Thư gửi tín hữu Epheso, 20: PG 5, pp. 661
[13] x. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Tông Thư Porta Fidei (Cảm thức đức tin), Ngày 11-10-2011.
[14] x. Thánh Augustin, Thư 95, 1: PL 33, pp. 351-352.
[15] x. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Bài giảng Thánh Lễ Truyền Dầu, ngày 21 tháng 4 năm 2011.