Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 06:06

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân Của ĐGH Benedict XVI – Năm 2008 Featured

SỨ ĐIỆP

NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN THỨ XVI

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICT XVI

Ngày 11 Tháng 02 Năm 2008

***

***

 

 

Anh chị em thân mến,

1. Ngày 11 tháng 2, lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, Ngày Thế giới các bệnh nhân được cử hành; đây là cơ hội thuận tiện để suy tư về ý nghĩa đau khổ và bổn phận Kitô hữu đón nhận đau khổ ấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào khi đau khổ xuất hiện. Năm nay, dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa này gắn liền với hai biến cố quan trọng trong đời sống của Giáo Hội, như chúng ta đã hiểu được ngay từ đề tài được chọn: “Thánh Thể, Lộ Đức và việc săn sóc mục vụ các bệnh nhân”: kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ Vô Nhiễm hiện ra tại Lộ Đức và cử hành Đại Hội Thánh Thể quốc tế tại Québec, Canada. Đây là cơ hội đặc biệt để cứu xét liên hệ chặt chẽ giữa Mầu Nhiệm Thánh Thể, vai trò của Mẹ Maria trong dự án cứu độ và thực tại khổ đau của con người.

150 năm trôi qua từ các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Lộ Đức mời gọi chúng ta hướng nhìn về Đức Thánh Trinh Nữ, sự Vô Nhiễm Nguyên tội của Mẹ là hồng ân tột đỉnh và nhưng không Thiên Chúa ban cho một phụ nữ, để có thể tuân hành trọn vẹn ý định của Thiên Chúa với một niềm tin kiên vững và không thể lay chuyển, mặc dù có những thử thách và đau khổ Mẹ sẽ gặp phải. Vì thế, Mẹ Maria là mẫu gương về sự hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa: Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Vĩnh Cửu trong tâm hồn và chịu thai Chúa trong cung lòng đồng trinh của Mẹ; Mẹ đã tín thác vào Thiên Chúa, và với tâm hồn bị lưỡi gươm đau khổ đâm thâu qua (x. Lc 2,35), Mẹ không do dự chia sẻ cuộc khổ nạn Con của Mẹ, lập lại dưới chân Thánh Giá trên đồi Canvê lời thưa “xin vâng” của Mẹ trong cuộc Truyền Tin. Vì thế suy tư về sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria có nghĩa là để cho mình bị thu hút bởi lời thưa “xin vâng” đã liên kết Mẹ một cách lạ lùng với sứ mạng của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại; là để cho mình được Mẹ cầm tay dìu dắt để thưa “fiat”, xin vâng theo thánh ý Chúa trong trọn cuộc sống với những vui buồn, những hy vọng và những điều không được mãn nguyện, với ý thức rằng thử thách, đau đớn và sầu khổ làm cho cuộc lữ hành của chúng ta trên mặt đất thêm phong phú về ý nghĩa.

2. Chúng ta không thể chiêm ngắm Mẹ Maria mà lại không được Chúa Kitô lôi kéo và chúng ta không thể nhìn Chúa Kitô mà không nhận thấy ngay sự hiện diện của Mẹ Maria. Có một mối liên hệ không thể tách rời giữa Mẹ và người Con được sinh ra trong cung lòng Mẹ do hoạt động của Chúa Thánh Linh, và chúng ta nhận thấy mối liên hệ này một cách huyền nhiệm trong Bí tích Thánh Thể, như các Giáo Phụ và các nhà thần học đã nêu bật ngay từ những thế kỷ đầu tiên. Thánh Hilario thành Poitiers quả quyết: “Thân xác sinh bởi Mẹ Maria, đến từ Chúa Thánh Linh, là bánh bởi trời mà xuống”, và trong cuốn Nghi thức bí tích “ Sacramentarium Bergomense “, hồi thế kỷ thứ IX, chúng ta đọc thấy: “Cung lòng Mẹ đã làm nảy sinh một hoa trái, một bánh làm cho chúng ta được tràn đầy hồng ân thiên thần. Mẹ Maria đã trả lại cho ơn cứu độ điều mà Eva đã phá hủy do tội lỗi của bà”. Rồi thánh Phêrô Damiano đã nhận xét: “Thân xác mà Đức Trinh Nữ rất diễm phúc đã sinh ra, đã nuôi dưỡng trong cung lòng Mẹ với sự săn sóc từ mẫu, tôi xác quyết thân xác ấy, chứ không phải thân xác khác, chính là Mình Thánh mà chúng ta đón nhận từ bàn thánh, và chúng ta uống máu từ thân xác ấy như bí tích cứu chuộc chúng ta. Đó là điều thuộc về đức tin Công Giáo, là điều mà Hội Thánh trung thành giảng dạy”. Mối liên hệ giữa Đức Thánh Trinh Nữ với Con, là Chiên bị sát tế gánh tội trần gian, được mở rộng tới Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II đã nhận xét: Mẹ Maria là “phụ nữ Thánh Thể” bằng trọn cuộc sống của Mẹ, và khi nhìn Mẹ như mẫu gương của mình, Giáo Hội “được kêu mời bắt chước Mẹ cả trong quan hệ của mình với Mầu Nhiệm cực thánh này”.[1] Trong nhãn giới đó, chúng ta càng hiểu rõ hơn tại sao tại Lộ Đức, gắn liền với lòng sùng kính Đức Mẹ Maria có một lời nhắc nhớ mạnh mẽ và liên lỉ về Thánh Thể, qua những buổi cử hành Thánh Lễ hằng ngày, các buổi chầu với phép lành Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân, và đây là một trong những lúc nồng nhiệt nhất trong cuộc hành hương của các tín hữu nơi hang đá Massabielles.

Sự hiện diện của nhiều tín hữu bệnh nhân và những người thiện nguyện tháp tùng họ tại Lộ Đức giúp suy tư về sự chăm sóc ân cần và từ mẫu mà Đức Mẹ biểu lộ đối với những nỗi đau đớn và sầu khổ của con người. Được liên kết với Hy Tế của Chúa Kitô, Mẹ Maria, Mẹ Sầu Bi (Mater Dolorosa), dưới chân Thánh Giá cũng chịu đau khổ với Người Con Thần Linh của Mẹ, và được cộng đồng Kitô đặc biệt cảm thấy gần gũi, một cộng đồng quây quần quanh các phần tử đau khổ của mình đang mang những dấu hiệu thương khó của Chúa. Mẹ Maria cùng chịu đau khổ với những người gặp thử thách, và Mẹ cùng hy vọng với họ và là niềm an ủi cho họ, Mẹ nâng đỡ họ bằng sự phù trợ hiền mẫu. Một điều chân thực là chính kinh nghiệm thiêng liêng của bao nhiêu bệnh nhân đã thúc đẩy họ ngày càng hiểu rằng “Đấng Cứu Chuộc muốn đi sâu vào tâm hồn của mỗi người đau khổ qua trái tim Người Mẹ rất thánh của Ngài, là hoa quả đầu mùa và là tột đỉnh của mọi người được cứu chuộc”.[2]

3. Nếu Lộ Đức dẫn đưa chúng ta đến chỗ suy niệm về lòng từ mẫu của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội đối với những người con bệnh tật và đau khổ của Mẹ, thì Đại Hội Thánh Thể quốc tế tới đây sẽ là cơ hội để thờ lạy Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong Bí tích bàn thánh, tín thác vào Chúa như Niềm Hy Vọng không bao giờ làm thất vọng, đón nhận Chúa như thần dược bất tử chữa lành thể lý và tinh thần. Chúa Giêsu Kitô đã cứu chuộc trần thế bằng đau khổ, bằng cái chết và sự sống lại của Ngài và đã muốn ở lại với chúng ta như “bánh sự sống” trong cuộc lữ hành trên mặt đất này. “Thánh Thể hồng ân của Thiên Chúa cho thế giới được sống”: Đó là đề tài Đại Hội Thánh Thể, Đại Hội này nhấn mạnh Thánh Thể là hồng ân mà Chúa Cha ban cho thế giới qua chính Con duy nhất của Ngài, nhập thể và chịu đóng đanh. Chính Người tụ hợp chúng ta quanh bàn tiệc Thánh Thể, khơi dậy nơi các môn của của Người sự quan tâm yêu thương đối với những người đau khổ và bệnh nhân, nơi họ cộng đồng Kitô nhận ra tôn nhan của Chúa. Như tôi đã nêu rõ trong Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Sacramentum caritatis: “các cộng đoàn của chúng ta, khi cử hành Thánh Thể, ngày càng phải ý thức hơn rằng hy tế của Chúa Kitô là cho tất cả mọi người và vì thế Thánh Thể thúc đẩy mỗi tín hữu của Chúa trở nên ‘bánh được bẻ ra’ cho tha nhân”.[3] Vị vậy chúng ta được khích lệ dấn thân hàng đầu trong việc phục vụ anh chị em, nhất là những người ở trong tình cảnh khó khăn, vì ơn gọi của mỗi Kitô hữu thực sự là ơn gọi, cùng với Chúa Giêsu, trở thành bánh được bẻ ra cho thế giới được sống.

4. Vì thế, ta thấy rõ, chính từ Thánh Thể mà việc mục vụ sức khỏe phải tín múc sức mạnh thiêng liêng cần thiết để cứu giúp hữu hiệu cho con người và giúp họ hiểu giá trị cứu độ của những đau khổ đang chịu. Như Vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II đã viết trong Tông thư “Khổ đau cứu độ” nói trên, Giáo Hội nhìn thấy nơi các anh chị em đau khổ hầu như thể đó là những chủ thể sức mạnh siêu nhiên của Chúa Kitô.[4] Kết hiệp huyền nhiệm với Chúa Kitô, người chịu đau khổ trong tình thương yêu và ngoan ngoãn phó thác cho thánh ý Chúa, trở thành lễ vật sinh động để cứu độ thế giới. Vị Tiền Nhiệm yêu quí của tôi cũng quả quyết rằng “hễ con người càng bị tội lỗi đe dọa, và những cơ cấu tội lỗi mà thế giới mang nơi mình càng nặng nề bao nhiêu, thì đau khổ mà con người mang nơi mình càng có tính chất hùng hồn mạnh mẽ bấy nhiêu. Và Giáo Hội càng cảm thấy cần phải nại đến giá trị đau khổ nhân trần để cứu độ thế giới”.[5] Vì thế, nếu tại Québec, chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Thánh Thể như hồng ân của Thiên Chúa cho thế giới được sống, thì trong Ngày Thế giới các bệnh nhân, qua một sự song song tinh thần, không những chúng ta cử hành sự tham gia đích thực của đau khổ con người vào hoạt động cứu độ của Thiên Chúa, nhưng, theo một nghĩa nào đó, chúng ta còn có thể vui hưởng những thành quả quý giá được hứa cho những người tin tưởng. Vì vậy, đau khổ, khi được đón nhận trong đức tin, trở thành cánh cửa để bước vào mầu nhiệm khổ đau cứu chuộc của Chúa Giêsu và cùng với Ngài đạt tới an bình và hạnh phúc phục sinh của Chúa.

5. Trong khi tôi gửi lời chào thân ái tới tất cá các bệnh nhân và những người săn sóc họ bằng nhiều cách khác nhau, tôi mời gọi các cộng đoàn Giáo phận và giáo xứ cử hành Ngày Thế giới các bệnh nhân sắp tới, bằng cách làm nổi bật sự trùng hợp phúc lợi giữa việc kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và Đại hội Thánh Thể quốc tế. Ước gì đây là cơ hội để nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh Lễ, việc Chầu Mình Thánh Chúa và tôn sùng Thánh Thể, làm sao để các nhà nguyện tại các trung tâm y tế trở thành con tim sinh động trong đó Chúa Giêsu không ngừng dâng mình cho Chúa Cha để nhân loại được sống. Cả việc phân phát Thánh Thể cho các bệnh nhân, được thực hiện một cách trang nghiêm và với tinh thần cầu nguyện, cũng là niềm an ủi thực sự cho những người đang chịu đau khổ vì các loại bệnh tật khác nhau.

Ước gì Ngày Thế giới các bệnh nhân tới đây là cơ hội thuận lợi để đặc biệt cầu khẩn sự bảo vệ của Mẹ Maria trên những người đang bị thử thách vì bệnh tật, trên các nhân viên y tế và những người làm việc mục vụ y tế. Đặc biệt tôi nghĩ đến các linh mục dấn thân trong lãnh vực này, các tu sĩ nam nữ, những người thiện nguyện và bất kỳ ai thực sự dấn thân chăm sóc các bệnh nhân và những người túng thiếu trong thân xác và linh hồn. Tôi phó thác tất cả mọi người cho Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Xin Mẹ giúp mỗi người chứng tỏ rằng câu trả lời duy nhất có giá trị đối với đau đớn sầu khổ của con người chính là Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết khi phục sinh và ban cho chúng ta sự sống không cùng tận. Với tâm tình ấy, tôi chân thành ban phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho mọi người.

 

Ban hành tại Vatican, ngày 11 tháng 1 năm 2008

+ BENEDICTUS XVI

Giáo Hoàng

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia (Giáo Hội từ Bí tích Thánh Thể), Ngày 17-04-2003, số 53.

[2] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici doloris (Khổ đau cứu độ), số 26.

[3] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis (Bí tích tình yêu), Ngày 22-02-2007, số 88.

[4] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici doloris (Khổ đau cứu độ), số 27.

[5] Ibidem.