Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 06:05

Sứ Điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi Của ĐGH Benedict XVI – Năm 2006 Featured

SỨ ÐIỆP GIÁNG SINH URBI ET ORBI

CỦA ÐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI

NGÀY 25 THÁNG 12 NĂM 2006

***

***

“Salvator noster natus est in mundo”[1]

 

 

 

Ðấng Cứu Ðộ chúng ta đã giáng trần! Ðêm qua, một lần nữa, trong các nhà thờ, chúng ta đã lắng nghe lại lời loan báo trên, dù đã trải qua bao thế kỷ, mà vẫn còn giữ nguyên vẹn sự tươi mát của nó. Ðây là lời loan báo từ trời cao kêu gọi đừng sợ, bởi vì được bừng lên “niềm vui lớn của toàn dân” (Lc 2,10). Ðây là lời loan báo niềm hy vọng, bởi vì cho biết rõ ràng rằng, trong đêm xa xưa cách đây hơn hai ngàn năm, “một đấng cứu thế đã sinh ra trong thành của Vua Ðavid”, Ðấng cứu thế đó là Ðức Kitô Chúa chúng ta” (Lc 2,11). Ngày xưa cho các mục đồng sống trên đồi Betlehem, và ngày hôm nay cho chúng ta, những công dân của thế giới này, Thiên sứ của Giáng Sinh lặp lại rằng: “Ðấng cứu thế đã giáng sinh; Người đã giáng sinh cho anh em! Hãy đến, hãy đến thờ lại Người!”. Nhưng thử hỏi Ðấng Cứu Thế còn có giá trị gì và ý nghĩa nào cho con người của ngàn năm thứ ba này hay không”? Thử hỏi Ðấng Cứu Thế có còn cần thiết cho con người nữa hay không, một con người đã đến được với Mặt Trăng và Sao Hoả, và hiện đã sẵn sàng để chinh phục vũ trụ? Ðấng cứu thế có còn cần thiết cho con người đang khám phá cách không giới hạn những bí mật của thiên nhiên và thành công giải mả cả những điều kỳ diệu nơi tế bào “gen” con người? Có còn cần một Ðâng cứu thế cho con người ngày nay, kẻ đã phát minh sự truyền thông với nhau, và đi vào trong đại dương ảo của internet, và nhờ vào những kỷ thuật truyền thông tân tiến nhất và tiến bộ nhất mà biến trái đất này, thành ngôi nhà chung to lớn, thành một làng nhỏ toàn cầu? Con người của thế kỷ XXI cho thấy mình như là kẻ an tâm và tự đủ cho vận mệnh của mình, là kẻ hăng say tạo ra những thành công không thể chối cãi được.

Xem ra dường như là thế, nhưng thật sự không đúng như thế. Con người còn chết vì đói khát, vì bệnh tật, vì nghèo cùng, trong thời đại của dư thừa và hưởng thụ vô độ. Còn có kẻ sống kiếp nô lệ, bị lạm dụng và bị xúc phạm trong phẩm giá của họ. Còn có kẻ là nạn nhân của sự thù ghét chủng tộc và tôn giáo, và bị ngăn cản bởi sự bất khoan dung và những kỳ thị, bởi những can thiệp chính trị và những áp đặt thể lý hay tinh thần, trong việc tuyên xưng tự do đức tin riêng. Còn có kẻ nhìn thấy thân thể mình và của những kẻ thân yêu mình, nhất là những trẻ nhỏ, bị thương tổn bởi việc sử dụng những vũ khí, bởi nạn khủng bố và bởi đủ thứ bạo lực, trong thời đại mà trong đó tất cả đều nhắc đến và tuyên bố sự tiến bộ, tình liên đới và hòa bình cho tất cả mọi người. Và phải nói gì nữa về những kẻ bị thiếu niềm hy vọng và bị bắt buộc phải rời bỏ nhà cửa riêng mình và rời bỏ chính quê hương mình, để đi tìm ở nơi khác những điều kiện sống xứng đáng với con người? Phải làm gì để giúp cho kẻ bị gạt bởi những vị tiên tri dễ dàng cao rao cho hạnh phúc, để giúp cho kẻ mỏng dòn trong những tương quan và không có khả năng lãnh lấy những trách nhiệm ổn định cho chính hiện tại và tương lai của họ, cho kẻ phải đi trong đường hầm của sự cô đơn và cuối cùng thường kết thúc với việc sống nô lệ cho nạn nghiện rượu hoặc nghiện thuốc phiện? Và chúng ta nghĩ gì về kẻ chọn lấy cái chết, mà tưởng mình làm như thế là tôn vinh sự sống?

Làm sao chúng ta không cảm nghiệm rằng chính từ cảnh nhân loại đang vui hưởng và cũng đồng thời đang tuyệt vọng này, mà được vang lên lời kêu cứu khẩn thiết xin ta cứu giúp? Ðây, đến lễ Giáng sinh: ngày hôm nay, xuất hiện “ánh sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). “Ngôi lời làm người và đến cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14), thánh sử Gioan đã tuyên bố như thế. Ngày hôm nay, phải, chính ngày hôm nay, Chúa Kitô lại đến “giữa những người thân thuộc” và ban cho những ai tiếp nhận Người “quyền trở nên con cái Thiên Chúa”; nghĩa là ban cho họ được dịp nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa và chia sẻ niềm vui của Tình yêu, một “Tình Yêu làm người” tại Bethlehem vì chúng ta. Ngày hôm nay, và đúng là ngày hôm nay, “Ðấng Cứu Độ chúng ta giáng sinh xuống trần”, bởi vì Người biết rõ rằng chúng ta cần đến Người. Mặc cho biết bao hình thức của tiến bộ, bản tính con người vẫn luôn là như vậy mãi mãi: một sự tự do giữa điều thiện và điều ác, giữa sự sống và sự chết. Chính tại nơi đó, chính trong cõi thâm sâu của mình, trong điều mà Kinh Thánh gọi là “con tim”, mà con người luôn cần được cứu rỗi. Và trong thời đại hiện nay của thời hậu tân tiến, con người có lẽ cần nhiều hơn đến Ðấng Cứu Thế, bởi vì xã hội trong đó con người sinh sống đã trở thành phức tạp hơn, và những hăm dọa xúc phạm đến sự toàn vẹn bản thân và sự toàn vẹn luân lý trở nên gay gắt hơn. Ai có thể bênh vực con người, nếu không phải Ðấng yêu thương con người cho đến mức độ hy sinh trên thập giá chính Con Một Mình như là Ðấng Cứu Độ thế gian?

“Salvator noster”, Ðấng Cứu Độ chúng ta”, Chúa Kitô là Ðấng Cứu Ðộ cả của con người ngày nay. Ai có thể làm vang lên tại mọi nơi trên trái đất, một cách đáng tin, sứ điệp của niềm hy vọng? Ai hoạt động ngõ hầu được nhìn nhận, được bảo vệ và được cổ võ điều thiện hảo toàn diện của con người, như là điều kiện của hòa bình, vừa tôn trọng mọi người nam nữ trong phẩm giá riêng của họ? Ai giúp để hiểu rằng với ý muốn tốt, với lý lẽ đúng và với sự điều độ, người ta có thể tránh không để cho những tranh chấp trở nên trầm trọng và có thể giúp đưa những tranh chấp đó đến những giải pháp công bằng? Với quan ngại mạnh mẽ, trong ngày lễ hôm nay, tôi nghĩ đến vùng Trung Ðông, bị ghi dấu bởi vô số những cuộc khủng hoảng trầm trọng và những xung đột, và tôi cầu mong được mở ra những viễn tượng hòa bình công bằng và bền vững, trong sự tôn trọng những quyền lợi không thể nhượng của các dân tộc tại vùng đất này. Tôi đặt vào đôi tay của Chúa Hài Nhi tại Bethlehem những dấu hiệu của việc mở lại cuộc đối thoại giữa người Do Thái và người Palestin, mà chúng ta đang chứng kiến trong những ngày này, và tôi cũng đặt vào tay Chúa Hài Ðồng niềm hy vọng vào những phát triển thêm nữa và đầy an ủi. Tôi tin tưởng rằng, sau biết bao nạn nhân, sự tàn phá, và những điều không chắc chắn, vẫn còn đó và có tiến bộ thêm, một Liban dân chủ, mở rộng đón nhận kẻ khác, trong đối thọai với những nền văn hóa và những tôn giáo. Tôi gởi lời kêu gọi đến tất cả những ai nắm trong tay vận mệnh của Iraq, ngõ hầu chấm dứt bạo lực dữ tợn làm rướm máu đất nước, và ước gì được bảo đảm cho mọi người dân của đất nước Liban, một “cuộc sống bình thường”. Tôi khẩn cầu Thiên Chúa, ngõ hầu tại Sri lanka, được lắng nghe, nơi những phe nhóm đang chiến đấu với nhau, (được lắng nghe) khát vọng của dân chúng cho một tương lai huynh đệ và liên đới. Tôi cầu chúc sao cho tại Darfur và bất cứ nơi nào khác trại Phi Châu, người ta chấm dứt được những xung đột huynh đệ tương tàn và ước gì mau lành những vết thương đã được mở ra tại Ðại lục phi châu; ước gì được củng cố những tiến trình hoà giải, dân chủ và phát triển. Nguyện xin Chúa Hài Nhi, Hoàng tử của Hoà Bình ban cho ơn dập tắt đi những lò lửa căng thẳng làm cho trở nên không chắc chắn tương lai của những kẻ sống ở nơi khác trên thế giới, tại Âu Châu cũng như tại Châu Mỹ Latin.

Salvator Noster, Ðấng cứu rỗi chúng ta, đây là niềm hy vọng của chúng ta; đây là lời loan báo mà Giáo Hội làm vang lên lại cả trong ngày Giáng Sinh hôm nay. Với việc Nhập thể, - như công đồng Vatican II nhắc lại, - Con Thiên Chúa được kết hiệp một cách nào đó với mọi người.[2] Vì thế lễ Giáng Sinh của Ðấng là Ðầu cũng là lễ giáng sinh của thân thể, như Ðức Thánh Giáo Hoàng Leo Cả đã thường ghi nhận như vậy. Tại Bethlehem, được phát sinh dân Kitô, nhiệm thể của Chúa Kitô trong đó mọi chi thể được kết hiệp chặt chẽ với nhau, trong sự liên đới hoàn toàn. Ðấng cứu rỗi chúng ta đã giáng trần cho tất cả mọi người. Chúng ta cần tuyên bố không những bằng những lời nói, nhưng còn với trọn cả đời sống chúng ta, vừa cống hiến cho thế gian chứng tá của những cộng đoàn hiệp nhất với nhau và cởi mở, trong đó có ngự trị tình huynh đệ và sự tha thứ, sự tiếp đón và phục vụ lẫn nhau, sự thật, sự công bằng và tình thương yêu.

Cộng đoàn được Chúa Kitô cứu rỗi. Ðây là bản chất thật của Giáo Hội, một Giáo Hội được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh Thể Chúa... Chỉ khi khám phá lại hồng ân đã lãnh nhận mà Giáo Hội có thể làm chứng cho tất cả biết về Chúa Kitô Ðấng cứu chuộc. Giáo Hội hăng hái làm chứng với lòng say mê, trong sự tôn trọng hoàn toàn đối với mọi truyền thống văn hóa và tôn giáo. Giáo Hội vui mừng làm như thế, nhờ biết rằng Ðấng mà Giáo Hội rao giảng, không lấy mất đi bất cứ điều gì là thật nhân bản, nhưng làm cho điều đó được thành toàn. Thật vậy, Chúa Kitô đã đến chỉ để hủy diệt thần dữ và tội lỗi; còn lại, tất cả những gì còn lại, Chúa nâng lên và kiện toàn. Chúa Kitô không cứu rỗi chúng ta từ nhân tính chúng ta, nhưng nhờ qua nhân tính này. Chúa không cứu chúng ta ra khỏi thế gian, nhưng đã đến trong thế gian, ngõ hầu thế gian được cứu rỗi nhờ qua Nguời (x. Ga 3,17).

Anh chị em thân mến, bất luận anh chị em đang sống nơi đâu, ước gì sứ điệp vui mừng và hy vọng này đến với anh chị em rằng: Thiên Chúa đã làm người trong Chúa Giêsu Kitô, đã sinh ra bởi Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, và hôm nay Chúa sinh ra lại trong Giáo Hội. Chính Chúa là Ðấng mang đến cho tất cả mọi người tình yêu của Chúa Cha trên trời. Chính Người là Ðấng Cứu Độ con người. Anh chị em đừng sợ, hãy mở rộng con tim cho Chúa ngự vào, và hãy đón tiếp Ngài, ngõ hầu Vương Quốc tình yêu và hòa bình của Ngài trở nên phần gia tài chung cho tất cả mọi người. Xin chúc tất cả Giáng Sinh an lành!

 

 

 


[1] Sách lễ Roma

[2] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 22.