SỨ ĐIỆP
NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU LẦN THỨ 43
CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI
Chúa Nhật 07 Tháng 05 Năm 2006
***
***
“Ơn Gọi trong mầu nhiệm Giáo Hội”
Chư Huynh đáng kính trong hàng Giám mục,
Anh chị em thân mến,
Việc cử hành Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện cho Ơn Gọi sắp đến, cho tôi dịp để mời gọi toàn thể Dân Chúa hãy suy nghĩ về chủ đề Ơn Gọi trong mầu nhiệm Giáo Hội. Thánh tông đồ Phaolô đã viết như sau: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta... Trong Đức Kitô, Ngài đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ… Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,3-5). Trước khi tạo dựng vũ trụ, trước khi chúng ta bước vào hiện hữu, Cha trên trời đã chọn chúng ta, để kêu gọi chúng ta bước vào trong tương quan con thảo với Ngài, nhờ Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Khi chịu chết cho chúng ta, Chúa Giêsu đã đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa Cha, một tình yêu bao bọc Người hoàn toàn và là tình yêu được Người ban cho tất cả chúng ta. Như thế, kết hiệp với Chúa Giêsu, Ðấng là Ðầu, chúng ta kết thành một thân thể duy nhất là Giáo Hội.
Bề dày của hai ngàn năm lịch sử làm cho ta khó hiểu tính cách mới mẻ của mầu nhiệm hấp dẫn về việc Thiên Chúa tuyển nhận con người làm dưỡng tử; mầu nhiệm này là trung tâm của giáo huấn của thánh Phaolô tông đồ. Thánh nhân nhắc lại rằng Thiên Chúa Cha “cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu… là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,9-10). Và Ngài còn hăng hái nói thêm như sau: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,28-29). Viễn tượng như thế là quả thật hấp dẫn: chúng ta được gọi sống như những anh chị em của Chúa Giêsu, được cảm thấy mình là con cái của cùng một Cha. Ðây là hồng ân làm đảo lộn mọi ý tưởng và mọi dự án thuần túy nhân trần. Việc tuyên xưng đức tin chân thật mở ra mọi trí khôn, mọi con tim trước mầu nhiệm khôn lường của Thiên Chúa, mầu nhiệm thấm nhuần trọn cả cuộc đời con người. Nhưng, thử hỏi chúng ta có thể nói gì đây, về cám dỗ hết sức mạnh mẽ của ngày hôm nay, là cám dỗ cảm thấy mình tự đủ cho chính mình đến độ đóng kín chính mình trước chương trình kỳ diệu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta? Tình yêu của Thiên Chúa Cha, một tình yêu được biểu lộ trong Chúa Kitô, đang kêu mời chúng ta.
Ðể đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và đặt mình trên đường theo Ngài, chúng ta không phải trở nên trọn hảo trước. Chúng ta biết rõ rằng ý thức về tội lỗi của bản thân đã làm cho người con hoang đàng nhìn thấy con đường trở về và như thế cảm nghiệm được niềm vui của sự hoà giải với Cha mình. Sự mỏng dòn và những giới hạn của con người không phải là chướng ngại, với điều kiện là sự mỏng dòn và những giới hạn đó góp phần làm cho chúng ta ý thức rằng mình cần đến ân sủng cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðó là kinh nghiệm của Thánh Phaolô tông đồ. Ngài đã tâm sự nơi thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô như sau: “Tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2Cr 12,9). Trong mầu nhiệm Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, quyền năng thần thiêng của tình yêu có sức biến đổi con tim con người, vừa làm cho nó có khả năng thông truyền tình yêu Thiên Chúa cho anh chị em. Trong dòng các thế kỷ, biết bao người nam nữ, sau khi đã được tình yêu Thiên Chúa biến đổi, đã tận hiến đời mình để phục vụ cho Nước Chúa. Xưa bên bờ biển hồ Galilê, nhiều người đã để cho Chúa Giêsu chinh phục: những con người đó đang đi tìm sự chữa lành cho thể xác hoặc cho tâm hồn, và đã được quyền năng của ân sủng Chúa chạm đến. Có những con người được chính Chúa tuyển chọn và đã trở thành những tông đồ của Người. Chúng ta cũng gặp thấy những con người như Maria Magdalena và những người nữ khác nữa, đã tự nguyện theo Chúa, chỉ vì tình thương; và như môn đệ Gioan, họ cũng có được một chỗ đặc biệt trong tim Chúa. Những con người nam nữ nầy – những kẻ đã biết được mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô –, đại diện cho biết bao ơn gọi có mặt trong Giáo Hội từ muôn thuở. Mẫu gương cho những ai đuợc gọi làm chứng một cách đặc biệt cho tình yêu Thiên Chúa, là chính Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu: Mẹ được liên kết trực tiếp với mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc, trong cuộc hành trình đức tin của mình.
Trong Chúa Kitô, Thủ Lãnh của Giáo Hội, Nhiệm Thể Người, tất cả mọi người Kitô kết thành “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Ngài” (1Pr 2,9). Giáo Hội là thánh thiện, cả khi những thành phần của Giáo Hội cần được thanh luyện, ngõ hầu sự thánh thiện, hồng ân của Chúa, có thể được chiếu tỏa nơi họ, cho đến lúc được bừng sáng trọn vẹn. Công Ðồng Vatican II làm nổi bật ơn gọi tất cả mọi nguời sống thánh thiện, vừa quả quyết rằng “các môn đệ của Chúa Kitô là những kẻ được Thiên Chúa kêu gọi không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định của ân sủng Ngài và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái của Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa, và do đó họ thực sự đã trở nên thánh”.[1] Trong khung cảnh của lời mời gọi phổ quát này, Chúa Kitô – Linh Mục Thượng Phẩm – chăm sóc Giáo Hội Chúa và kêu gọi, trong mỗi thế hệ, những con người khác nữa đến chăm sóc cho Dân Chúa; một cách đặc biệt, Chúa Kitô kêu gọi những con người đến lãnh nhận chức tư tế thừa tác, kêu gọi những con người cụ thể để họ thi hành vai trò người cha, mà nguồn mạch là tình hiền phụ của Thiên Chúa (x. Ep 3,15). Sứ mạng của linh mục trong Giáo Hội là điều không thể nào thay thế được. Tuy nhiên, cho dù tại vài vùng, hàng giáo sĩ bị thiếu hụt, nhưng người ta không bao giờ nên bỏ mất niềm xác tín rằng Chúa Kitô tiếp tục khơi dậy những con người, như các Tông Đồ xưa, một khi đã từ bỏ mọi nghề nghiệp, biết dấn thân hoàn toàn cho việc cử hành các mầu nhiệm thánh, cho việc rao giảng Tin Mừng và cho thừa tác vụ mục vụ. Trong Tông huấn Pastores dabo vobis về việc “huấn luyện linh mục”, vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã viết về đề tài này như sau: “Tương quan của linh mục với Chúa Giêsu Kitô, và trong Chúa, (tương quan) với Giáo Hội Người, được đặt nằm trong chính bản chất của linh mục, do bởi việc xức dầu thánh hiến; tương quan này được thể hiện trong hành động, nghĩa là trong sứ mạng hoặc thừa tác vụ của linh mục. Một cách đặc biệt “Linh mục thừa tác viên là người tôi tớ của Chúa Kitô hiện diện trong Giáo Hội xét như là mầu nhiệm, như là hiệp thông và như là sứ mạng. Do bởi sự kiện tham dự vào “việc xức dầu” và vào “sứ mạng” của Chúa Kitô, linh mục có thể kéo dài trong Giáo Hội lời cầu nguyện của mình, lời nói của mình, hy tế của mình, và hành động cứu rỗi của mình. Như thế linh mục là người tôi tớ của Giáo Hội xét như là mầu nhiệm, bởi vì Giáo Hội thực hiện những dấu chỉ Giáo Hội và những dấu chỉ bí tích cho sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh”.[2]
Một ơn gọi đặc biệt, chiếm chỗ danh dự trong Giáo Hội, là ơn gọi sống đời thánh hiến. Theo gương của bà Maria tại làng Betania, “đến ngồi dưới chân Chúa Giêsu và lắng nghe Lời Người” (Lc 10,39), nhiều người nam nữ hiến thân để hoàn toàn và chỉ theo một mình Chúa Kitô mà thôi. Dù họ chu toàn những việc phục vụ khác nhau trong lãnh vực giáo dục nhân bản và trong lãnh vực chăm sóc cho người nghèo, trong việc dạy học hay trong việc phục vụ những anh chị em đau yếu, những con người nam nữ này không xem những hoạt động như là mục tiêu chính của đời mình, bởi vì – như Giáo Luật nhấn mạnh rõ ràng – “bổn phận đầu tiên và riêng biệt của tất cả mọi tu sĩ nam nữ là phải chiêm niệm những sự thật của Chúa và phải sống kết hiệp liên lỉ với Thiên Chúa trong kinh nguyện”.[3] Và trong tông huấn Vita consecrata về “Ðời thánh hiến”, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ghi ra như sau: “Trong truyền thống của Giáo Hội, việc khấn dòng được nhìn như là việc đào sâu cách đặc biệt và phong phú, (đào sâu) sự thánh hiến do bí tích Thánh Tẩy, trong mức độ, nhờ việc đào sâu này mà việc kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô – sau khi đã được bắt đầu với bí tích rửa tội, được khai triển thành hồng ân được nên giống Chúa; và việc nên giống Chúa này được biểu lộ và thực hiện cách trọn vẹn hơn, nhờ việc khấn giữ những lời khuyên phúc âm”.[4]
Nhớ lại lời đề nghị của Chúa Giêsu: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít! Các con hãy xin Chủ mùa gặt sai nhiều thợ ra gặt lúa về!” (Mt 9,37), chúng ta ý thức thật nhiều về nhu cầu phải cầu nguyện cho các ơn gọi linh mục và sống đời thánh hiến. Thật không lạ gì: ở đâu người ta cầu nguyện sốt sắng, thì ở đó ơn gọi trổ sinh phong phú. Sự thánh thiện của Giáo Hội tuỳ thuộc cách thiết yếu vào sự kết hiệp với Chúa Kitô và tuỳ thuộc vào thái độ cởi mở đón nhận mầu nhiệm ân sủng tác động trong tâm hồn các tín hữu. Vì thế, tôi muốn mời gọi tất cả mọi tín hữu hãy vun trồng tương quan kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, là Thầy và là Chủ Chăn của Dân Chúa, vừa noi gương Mẹ Maria, Ðấng gìn giữ trong tâm hồn những mầu nhiệm Thiên Chúa và chăm chú suy niệm những điều đó (x. Lc 2,19). Cùng với Mẹ, Ðấng có chỗ trung tâm trong mầu nhiệm Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện như sau:
Lạy Cha, xin hãy làm trổ sinh nơi các Kitô nhiều ơn gọi linh mục thánh thiện,
để giữ gìn cho đức tin được luôn sống động,
và lưu giữ một ký ức đầy biết ơn đối với Chúa Giêsu Con Cha,
qua việc rao giảng Lời Chúa và cử hành các Bí tích,
nhờ đó mà Cha liên lỉ canh tân các tín hữu.
Xin Cha ban cho chúng con những thừa tác viên thánh thiện của bàn thờ,
những con người biết chú ý và sốt sắng gìn giữ bí tích Thánh Thể,
Bí tích của hồng ân tột cùng của Chúa Kitô, để cứu độ thế giới.
Xin Cha kêu gọi những thừa tác viên của lòng nhân từ Cha,
những người, qua bí tích Hoà Giải,
biết loan báo niềm vui ơn tha thứ.
Lạy Cha, xin làm cho Giáo Hội vui mừng lắng nghe
nhiều linh ứng bởi Thánh Thần của Con Một Cha;
và, với lòng vâng phục những giáo huấn của Người,
ước gì Giáo Hội biết chăm sóc các ơn gọi
đến với thừa tác vụ linh mục và sống đời thánh hiến.
Xin Cha nâng đỡ các Giám mục, linh mục và phó tế,
những người tận hiến
và tất cả những ai đã được rửa tội trong Chúa Kitô,
ngõ hầu mọi người trung thành chu toàn sứ mạng của mình,
để phục vụ cho Tin Mừng.
Các con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa các con. Amen.
Thánh Maria, Nữ Vương các Tông Đồ, cầu cho các con!
Ban hành tại Ðiện Vatican, ngày 05 tháng 03 năm 2006.
+ BENEDICTUS XVI
Giáo Hoàng
[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 40.
[2] Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, Ngày 25-03-1992, số 16.
[3] Bộ Giáo Luật 1983, điều 663, §1.
[4] Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata (Ðời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 30.