Phỏng Vấn

Sunday, 05 April 2020 08:19

Bài Phỏng Vấn Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI Của Ký Giả Peter Seewald Tại Đan Viện Mater Ecclesiae - Chương VI: Giáo Sư Và Giám Mục Featured

ĐỨC BENEDICT XVI: CUỘC ĐỐI THOẠI CUỐI CÙNG

(BENOIT XVI: DERNIÈRES CONVERSATIONS)

Bài nói chuyện với Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI

của ký giả Peter Seewald tại Đan Viện Mater Ecclesiae, Vatican

Học viện Đaminh chuyển ngữ

***

Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI

khi còn là Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Munich và Freising

***

PHẦN II: CHUYỆN NGƯỜI PHỤC VỤ

CHƯƠNG VI: GIÁO SƯ VÀ GIÁM MỤC

 

Münster (1963-1966)

LTS: Mùa hè năm 1963, Joseph Ratzinger nhận một vị trí tại Khoa Công Giáo của Đại học Münster, một thành phố với nền văn hóa sinh viên nhộn nhịp. Vị giáo sư trẻ và chị gái trọ chung với các sinh viên miền Bavaria trong một ngôi nhà một tầng ở đại lộ Annette-von-Droste-Hûlshoff. Chủ nhật, họ ăn cùng nhau - đôi khi trong một quán rượu gần đó mang tên rất đẹp là Gasthaus zum Himmeireich (Thiên Quốc Quán).

Ratzinger rời Bonn sau những bất đồng. Phần vì, một số nghiên cứu sinh nước ngoài của ngài gặp khó khăn trong phân khoa, phần vì, một số đồng nghiệp có thế lực cảm thấy ghen tị và đố kị với chuyên gia công đồng trẻ. Theo Hubert Jedin, ngài đã chán nản đến nỗi quyết định ra đi. Chính Ratzinger nói về sự thay đổi này như là “con đường do Đấng Quan Phòng vạch ra”, một nhận xét ban đầu, thực vậy, được áp dụng cho hai nghiên cứu sinh, từ nay có lẽ tìm được điều kiện làm việc tốt hơn, như ngài hy vọng.

Tại Münster, các bài giảng Mùa Vọng của ngài tại nhà thờ Chính tòa nhanh chóng gây ấn tượng mạnh mẽ. Trong các cuộc tranh luận được tổ chức, chẳng hạn với Johann Baptist Metz và Hans Urs von Balthasar, ngài khẳng định mình như là một người dung hòa có thể gỡ rối các vấn đề phức tạp và làm sáng tỏ các lập trường.

***

- Thưa Đức Thánh Cha, rời Bonn là một trong những quyết định ngài đưa ra một mình, nhanh chóng, một chút tức giận?

Không. Tất nhiên, tôi đã nói chuyện với Đức Hồng y Frings, bởi vì, với tư cách là giáo sư tại phân khoa Bonn, tôi đã là chuyên gia công đồng của ngài, và nếu tôi chấp nhận việc bổ nhiệm ở Münster, tất nhiên tôi sẽ không thể tiếp tục thi hành chức năng này. Vị Hồng y, đầy tình phụ tử như bình thường, với lòng nhân từ và kinh nghiệm phong phú, đã trả lời rằng tôi chỉ có thể chấp nhận sự đề cử này nếu thần học tín lý gây hứng thú cho tôi hơn là thần học cơ bản. Nhưng sẽ là sai lầm khi cho rằng ra đi đơn giản do bất mãn. Sau khi đã suy nghĩ nhiều, tôi nhận ra rằng tầm nhìn của tôi về thần học sẽ tiến triển trong thần học tín lý hơn là trong thần học cơ bản. Như thế, chẳng phải là sai lầm khi quyết định chấp nhận sự bổ nhiệm tại Münster.

- Tại Münster, ngài tham gia câu lạc bộ giáo sư do triết gia Josef Pieper (1904-1977) tổ chức tại nhà ông mỗi thứ Bảy lúc 15 giờ tại số 10 đường Malmedy. Đó có phải là loại câu lạc bộ (club) trong tiếng Anh?

(Cười). Vâng, mỗi chiều thứ Bảy, ông gặp gỡ Đức Giám mục Volk, chuyên gia luật Lausberg, và học giả Latinh Beckmann. Tôi cũng được nhận vào câu lạc bộ. Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận rất hay, trong đó chủ yếu nói về những chuyến đi và suy tư của ông. Đó là một thế quân bình tuyệt vời bên trong trường đại học.

- Câu lạc bộ này được tổ chức như thế nào? Phải chăng như một hội bảo thủ?

Không phải như thế. Vào thời điểm đó, theo hình dung của tôi, Pieper được xem như một người có khuynh hướng tiến bộ, như một người tìm cách đổi mới, nhất là qua cách chú giải mới về Tôma Aquinô. Các khóa học của ông làm say mê thính giả. Ở Münster, ông giống như Guardini ở Munich. Mãi sau này, ông đi cùng đường với Lubac và tôi. Chúng tôi nhận ra rằng, điều chúng tôi muốn, chính xác là sự mới lạ, đã bị phá hủy. Thế nên, ông cương quyết chống lại xu hướng này.

- Bây giờ chúng ta nói về Hans Urs von Balthazar.[1] Chính xác ngài biết ông ấy khi nào?

Tất nhiên, tôi đã đọc các bài viết của ông khi nghiên cứu. Năm 1949, tôi đã dự hội thảo do ông đã thuyết trình tại Đại học Munich. Tại Freising, tôi đã sử dụng bài viết của ông trong các khóa học. Nhưng bản thân tôi chỉ biết ông tại Bonn vào năm 1960. Cuốn sách của Alfons Auer tựa đề Weltojffener Christ (Chúa Kitô mở ra trên thế giới) vừa được xuất bản. Balthazar cảm thấy đường hướng này, tức là sự mở ra với thế giới, là tai hại nên ông mời chúng tôi, gồm Alfons Auer, Gustav Siewerth, tôi và một người khác, đến nói chuyện tại Bonn. Tôi không biết lý do tại sao ông mời tôi. Auer đã không đến, cuộc gặp không còn lý do tồn tại. Nhưng tình bạn được gắn bó từ đấy.

- Tuy nhiên, ông là một con người rất khác với ngài?

Đó là một người quý phái thực sự, to lớn, thanh cao, với ý tứ của nhà quý tộc. Tuy nhiên, ngay lập tức chúng tôi đã rất hòa hợp.

- Ngài luôn nói: “Tôi không phải là một nhà thần bí”, nhưng lại là bạn của nhà thần bí?

Vâng, thế thì sao?

- Năm 1965, ngài ở Münster khi Balthazar trở thành tiến sĩ danh dự. Cùng năm đó, các ngài đã gặp nhau ở Bâle. Các ngài gửi nhiều thư trao đổi, và trong những năm 1980 là nhiều cuộc trò chuyện qua điện thoại. Làm sao những điều lại xảy ra với ông?

Khá bình thường. Ông luôn nói “Da isch Balthazar” (Balthazar đây), bằng phương ngữ schwyzerdeutsch [2] thực sự. Và sau đó chúng tôi đã trò chuyện hoàn toàn bình thường trên điện thoại.

- Ngài gọi ông là Urs?

Không, chúng tôi không xưng hô thân mật.

- Ngài đã trình bày tất cả các bài giảng tại Học viện Công Giáo Munich, đã xuất bản một cuốn sách về Đức Trinh Nữ. Tác phẩm thứ hai của ngài tựa đề Tín lý và Công bố [3] được đề tặng Balthazar. Ông đã đáp lễ khi đề tặng ngài cuốn Skizzen zur Theologie (“Đề cương thần học”) gồm năm tập. Ngài mô tả mối liên hệ rất khăng khít này thế nào?

Tôi thực sự khám phá ra Balthazar vào năm 1961, khi tạp chí Hochland gửi cho tôi hai tập các bài báo mới xuất bản, để tôi biên tập bộ - Verbum Caro và Sponsa Verbi. Để có thể làm việc này, cần phải đọc rất kỹ. Từ lúc đó, tác phẩm của Balthazar trở thành một tài liệu mà tôi tham khảo, viện dẫn. Các bản văn của ông sâu sắc nhờ thần học các Giáo phụ, nhờ cái nhìn thiêng liêng về thần học thực sự xuất phát từ đức tin và chiêm niệm, có nguồn gốc sâu xa đồng thời vẫn mới mẻ. Rốt cuộc là, người ta chẳng thể làm gì từ tất cả những điều hàn lâm này, nhưng cho thấy sự tổng hợp đầy uyên bác, một sự chuyên nghiệp đích thực và chiều sâu thiêng liêng. Tôi đã bị chinh phục. Và từ đó, chúng tôi đã gắn bó với nhau.

- Một mối quan hệ tâm linh chân chính?

Vâng. Ngay cả khi tôi không thể cạnh tranh với ông về học thức uyên bác. Nhưng ý định nội tâm, tức là tầm nhìn như vậy, chúng tôi đã chia sẻ cùng nhau.

- Ngài không thể cạnh tranh với ông về học thức uyên bác?

Không, hoàn toàn không thể. Thực sự không thể. Những gì con người này viết thực sự tuyệt vời. Ông không có bằng tiến sĩ thần học. Ban đầu, ông là nhà Đức học và mỗi lần người ta muốn bổ nhiệm ông vào Ủy ban Thần học, ông nói: “Bởi vì tôi không phải là một nhà thần học, tôi không thể làm điều đó”. Và thêm:”Bạn biết đấy, ở Bâle, chúng tôi không có thư viện”.

- Mối quan hệ của ngài với Balthazar hoàn toàn trí tuệ và tâm linh, hoặc cũng có tính cách cá nhân nữa?

Cũng mang tính cách cá nhân nữa chứ. Một ngày, ông mời tôi tới Rigi, trong ngôi nhà thuộc về một người giàu có được dành cho ông. Chúng tôi đã ở với nhau vài ngày trong vùng núi. Khi chúng tôi đi dự lễ, ông luôn mang theo một gói thư sẽ gửi. Ông đã viết các thư này lúc bình minh bằng nét chữ xinh xắn. Những từ ngữ như thể chảy ra từ ngòi bút. Về sách vở, cách làm cũng như thế, ông tự viết một mình. Sau đó, bà Capol, thư ký của ông, xem lại văn bản, sửa chữa những lỗi nhỏ và chuẩn bị bản sao để in.

- Những ngày các ngài ở vùng núi với nhau diễn ra thế nào?

(Cười). Chúng tôi làm việc riêng bên cạnh nhau suốt ngày, chúng tôi ăn trưa và sau đó đi dạo. Dù sao, cũng hữu ích để trở thành người leo núi khi đi bộ ở đó.

- Ngài cũng biết Adrienne von Speyr, bạn thiêng liêng của ông chứ? Bà là một bác sĩ và nhà thần bí, và lúc đầu theo Tin Lành. Bà đọc những thị kiến của mình, chẳng hạn theo sách Khải Huyền, cho Balthazar, để ông soạn lại và xuất bản.

Không, bà ấy đã qua đời. Vả lại, tôi cũng không còn giữ liên lạc với bà trong những năm diễn ra Công Đồng. Điều này chỉ có thể xảy ra trong thời gian tôi ở Tübingen, và bà ấy đã qua đời.

- Tác phẩm của bà không lôi cuốn ngài mấy?

Không, thực sự là không. Đây là một điểm khác biệt giữa chúng tôi. Rõ ràng, Balthazar cũng vậy, ông là một người có khuynh hướng thần bí.

- Phải chăng Balthazar cũng chỉ trích ngài? Người ta gán cho ông nhận xét này: “Nếu Ratzinger không tiếp tục tiến triển, ông sẽ thiếu một chiều kích”. Dường như vấn đề là việc dùng thập giá giá hướng dẫn.

Thật sao? Ở đâu?

- Dường như chính Johann Baptist Metz, đồng nghiệp cũ của ngài, đã nói với tôi.

Thật thú vị. Anh đã nói tới Metz?

- Vâng.

Và điều đó tốt chứ?

- Tôi thấy đáng chú ý là cuối đời ông đã được hỏi phải chăng quan niệm về “thần học chính trị” mà ông đã đặt ra không phải là một sai lầm, phải chăng tất cả điều này rốt cuộc không phải là trống rỗng. Dường như ông đã suy nghĩ một điều gì đó khác hơn so với việc giải thích người ta đưa ra. Rõ ràng, ông lấy làm tiếc khi ngài giải thích thần học của ông hầu như theo hướng thần học của Ernst Bloch.

Một chút thôi. Và ông đã tỏ ra sự ngây thơ nào đó. Vả lại, điều làm tôi ngạc nhiên là ông đã phát triển một nền thần học chính trị sáng tạo tuyệt vời, khi dường như thường không biết đến bài báo mà Erik Peterson đã công bố vào năm 1935, trong đó ông trở lại cuộc tranh luận của mình với Carl Schmitt, chỉ trích triệt để quan niệm về một nền thần học chính trị. Nhưng tôi muốn nói thêm rằng, Metz đã luôn là một nguồn cảm hứng tuyệt vời cho thần học và luôn có lối nhìn đúng đắn về các vấn đề chính yếu. Ông cũng luôn vững vàng trong đức tin của Giáo Hội. Ngoài ra, tôi nhận thấy, mặc dù tất cả chúng tôi phản đối ông, ông vẫn mời tôi đến nói chuyện trong dịp sinh nhật lần thứ 70 của ông.

- Chúng ta hãy trở lại với Balthazar và phê bình của ông...

Hoàn toàn có thể. Ông là một người với tầm nhìn rộng lớn, và có khả năng phân biệt những gì vẫn còn là vô hình với cái khác. Với tôi, điều đó dường như hoàn toàn bình thường.

- Từ Münster, ngài đã tiếp tục tham dự Công Đồng. Rất đông người tham dự các khóa học của ngài luôn đông đảo, họ in sao hàng trăm bản chú giải và lưu hành trên toàn nước Đức. Nhưng hết ba năm, lại chia tay, lần này đến Tübingen, nơi Hans Küng [4] đã mạnh mẽ can thiệp để ngài được bổ nhiệm. Những khởi đầu lặp đi lặp lại dường như là sợi dây dẫn truyền trong cuộc đời ngài. Và một lần nữa, bạn bè, đồng nghiệp và người ngoài không hiểu được. Phải chăng có lý do nào đó khiến ngài ra đi mà ngài chưa từng nói cho ai biết?

(Cười). Không. Thực tế, tôi đã rất khó khăn khi quyết định. Một trong những lý do khiến tôi ra đi là, đối với tôi, Münster quá xa về phía bắc, đơn giản vậy thôi. Tôi đã gắn bó với miền Bavaria thân thiết đến nỗi tôi đã rất khó khăn khi phải đến sống ở Münster, quá xa nhà tôi. Nhất là tôi cảm thấy rất dễ chịu khi ở với anh trai tại Ratisbonne [5] và lúc nào tôi cũng muốn đi đến đó. Đó là một hành trình dài nếu đi bằng xe lửa. Lý do khác là, tôi cảm thấy thần học chính trị của Johann Baptist Metz đề ra hướng tai hại khi đưa chính trị vào đức tin. Liên tục gặp xung đột trong phân khoa của ông, đó thực sự không phải chuyện dễ dàng. Hơn nữa, về phương diện con người, tôi rất hợp với Metz. Đối với tôi, dường như là khôn ngoan hơn khi đến Tübingen và tham dự vào truyền thống của trường đại học này.

- Làm sao ngài có thể tưởng tượng rằng tình hình ở Tübingen sẽ khác nhiều? Trong một thành phố theo Tin Lành, nơi các giáo sư Tin Lành chắc chắn là mối lo âu không nhỏ đối với ngài? Không kể ngài bắt đầu phê bình Công Đồng?

Tôi chỉ có thể ngạc nhiên về sự ngây thơ của riêng tôi. Tuy nhiên, tôi có mối quan hệ tuyệt vời với nhiều giáo sư của phân khoa thần học Tin Lành. Có những nhân vật thực sự lỗi lạc như Otto Michel, Ulrich Wickert và những người khác. Martin Hengel không ở đó vào giai đoạn này. Thực tế, tôi ngây thơ nghĩ rằng rõ ràng nếu Küng có tài ứng đối và có quyết tâm táo bạo, về cơ bản, ông vẫn như một nhà thần học Công Giáo. Ông đã thuyết trình một bài tuyệt vời về tính thống nhất của Sách Thánh, thực sự rất tích cực, và những điều khác nữa. Tôi không thể dự đoán là ông đem đến sự đổ vỡ càng ngày càng xa hơn.

 

Tübingen (1966-1969)

- Việc di chuyển của ngài từ Münster tới Tübingen đã được thực hiện bằng chiếc Opel Kadett Vinzenz Pfhür cũ kỹ, “học trò nguyên mẫu” của ngài như ngài gọi. Tại sao ngài không bao giờ lấy bằng lái xe?

Tôi không biết...

- Bởi vì chị của ngài đã quá sợ phải không?

Không, điều này không ngăn cản tôi. Cha tôi muốn cả ba đứa con thi bằng lái xe. Thế mà chẳng ai có cả. Tôi không có thời gian, vậy thôi. Và tôi phải thú nhận rằng, tôi đã có cảm giác như ngồi trong một chiếc máy kỳ quái. Với tôi, đi khắp thế giới bằng xe dường như quá nguy hiểm. Ý tưởng về chiếc Opel Kadett là một sai lầm. Thực tế, một trợ lý là Lehmann- Dronke, chở tôi từ Tübingen tới Ratisbonne bằng chiếc xe cổ Coccinelle, và sau đó một cảnh sát nghi ngờ về tình trạng của chiếc xe đã kiểm tra, nhưng tất cả đang vận hành tốt. Từ Münster tới Tübingen, tôi đi xe lửa.

- Ngay lập tức, ngài bị Tübingen quyến rũ. Ngài đã nói về “vẻ duyên dáng của thành phố nhỏ miền Swarchen” mà ngài nghiệm thấy với “sức mạnh vĩ đại”?

Đúng là như thế, đó là một thành phố đẹp. Nó chỉ có quảng trường để họp chợ, với các nhà thờ Tin Lành, và sau đó khu phố Gôgei,[6] các đồng cỏ trải dài xuống phía nam, tới gần Neckar, chỉ có thế thôi. Từ nhà tôi, tôi nhìn thấy nhà nguyện Wurmlinger, ngay trước mặt.

- Các sinh viên của ngài tại Tübingen mô tả ngài như là một người rất hòa đồng. Tuy nhiên, dường như ngài không nói nhiều?

Tôi không biết (Cười). Đúng là về cơ bản, tôi không nói nhiều như vậy. Anh trai tôi thì lại khác.

- Kiên trì làm việc với những người dưới quyền: Dường như ngài luôn coi đây là nguyên tắc về việc này. Câu lạc bộ sinh viên không thuần nhất, bởi vì không ai bị loại trừ?

Đa dạng luôn là một điều tốt.

- Ngài luôn bắt đầu các cuộc hội thảo tiến sĩ của mình bằng Thánh lễ, điều này được xem là khá kỳ lạ ở Tübingen. Một ngày, ngài đi với các sinh viên đến thăm nhà thần học Tin Lành Karl Barth,[7] ở Thụy Sĩ. Mối quan hệ này được nối kết như thế nào?

Ít nhiều tôi đã trở thành nhà Barth học, một nhà phê bình thực sự, qua trung gian Gotdieb Söhngen. Ông là một trong các sư phụ về thần học nhờ đó tôi lớn lên. Thêm vào đó là mối liên hệ qua Balthazar, một người bạn vĩ đại của Barth. Vì vậy, chúng tôi đến gặp ông. Lúc đó ông đã rất già. Chúng tôi đã không thảo luận kỹ càng với ông, nhưng đó là một cuộc gặp mặt tuyệt vời.

- Ngài rất ngưỡng mộ ông?

Vâng. Ông cũng rất quý mến tôi. Nhân chuyến thăm nước Đức của tôi vào năm 2010, chủ tịch Schneider [8] thổ lộ với tôi rằng lúc nào Karl Barth cũng nói với ông: “Đọc Ratzinger đi!”.

- Và trong thời gian đó, ngài đọc Sartre đúng không ạ?

Ông là một tác giả người ta cần phải đọc. Sartre viết hầu hết triết học của ông tại quán cà phê. Điều đó làm cho ông ít sâu sắc, nhưng thấm thía và thực tế hơn. Ông giải thích cụ thể về chủ nghĩa hiện sinh của Heidegger. Việc phải chọn lựa trở nên rõ ràng hơn. Pieper đã giúp làm nổi bật.

- Ngài cũng tiếp xúc với Ernst Bloch ở Tübingen?

Tôi được mời đến nhà ông một lần. Một câu lạc bộ nhỏ, có lẽ là sáu bảy người. Đó là một buổi tối rất vui, tôi phải lên tiếng. Cũng có một người Ả Rập, có lẽ chính tôi đã lôi kéo ông. Dù sao, ai đó đã dùng ống điếu và Bloch nói: “Lâu lắm rồi tôi muốn bắt đầu lại”. Và ông xác nhận, ông không biết làm thế nào để sử dụng. (Cười).

- Ai đã giúp ngài có vinh dự được mời?

Tôi không biết, tôi không biết để nói điều ấy với anh.

- Chị gái ngài có các vấn đề liên hệ với các giáo sư chứ?

Chị ấy không thoải mái lắm với những người thực sự kỳ cục. Nhưng chúng tôi thường xuyên mời một số người, chẳng hạn Küng và những người khác. Chị ấy thích như vậy.

- Phải chăng chị ấy khá dè dặt?

Vâng, thực sự như thế.

- Đó là một vấn đề cho ngài?

Không.

- Nói thẳng ra, đó không phải là người thích giao thiệp?

Không, chắc chắn là không. Nhưng đó không phải là điều người ta yêu cầu chị.

- Tại Tübingen, ngài mua chiếc tivi đầu tiên. Anh trai Georg của ngài cho rằng vì ngài “nghiện thông tin”?

(Mỉm cười). Không. Thực tế, tôi không muốn, nhưng tôi rất thân thiết với cha Starzen, tuyên úy sinh viên; cha là một người rất dũng cảm. Một ngày, cha đến gặp tôi và nói: “Cha biết gì không? Hôm nay chúng ta sẽ đi đây đó, và sẽ mua một cái tivi”. Đó là một loại siêu thị. Ở đó, người ta có thể mua xúc xích và thịt, và trong đám đồ hộp, có vài cái tivi. Chúng tôi mua một cái, loại bình thường.

- Cuốn Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay [9] được xuất bản vào năm 1968. Đây là tác phẩm đặc biệt, vì ban đầu, ngài không không có ý soạn một cuốn sách, đúng không ạ?

Có chứ. Lúc tôi vẫn còn ở Bonn, người phụ trách nhà xuất bản Kösel, Tiến sĩ Will, đề nghị tôi viết bài Wesen des Christentums (“Bản chất của Kitô giáo”). Ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần, và tỏ ra ngày càng nài ép. Tại Tübingen, tôi luân phiên trình bày các khóa học cùng với Küng. Một học kỳ, tôi đảm nhận khóa học chính, học kỳ kia ông chịu trách nhiệm và tôi được tự do. Vào một trong các học kỳ này, tôi tự nhủ: Đã đến lúc, tôi sẽ coi đây là chủ đề của khóa học, và sau đó gom lại thành cuốn sách mà anh đang hỏi.

- Vậy thì, cuốn Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay không phải là thành quả do sinh viên của ngài ghi chú trong các khóa học?

Không. Tôi đã biên soạn theo kiểu tốc ký cá nhân, sau đó, tôi đọc lại và sửa chữa.

- Tác phẩm nhanh chóng trở thành một cuốn giáo khoa, và nổi tiếng nhờ vô số lần xuất bản trên toàn thế giới. Nó đã gây ảnh hưởng cho nhiều thế hệ độc giả, kể cả Karol Wojtyla, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tương lai. Thành công của tác phẩm chắc hẳn phải làm ngài ngạc nhiên?

Vâng, tôi khá ngạc nhiên.

- Chẳng ai dự đoán điều ấy?

Không, thực sự là không. Vả lại, cuốn sách này vẫn được bán.

- Và có lẽ sẽ tiếp tục được bán trong nhiều thập kỷ. Ngài biên tập theo cách tốc ký, với những chữ viết tắt đặc biệt. Ai đó đã nói rằng ngài có thể viết một bài giảng dài trên một tờ giấy A4. Ngài cũng đã viết các cuốn sách về Chúa Giêsu theo cách tốc ký?

Tất cả theo cách đó. Nếu không, tôi sẽ mất quá nhiều thời gian cho việc viết lách. Điều đó làm cho tôi nghĩ đến Rahner, khi chúng tôi viết, ông thở dài và nói: “Ồ! Thật chán khi phải ghi chú tất cả như thế”. (Cười). Khi tốc ký, tôi thấy dễ dàng hơn.

- Năm 1968, ở Tübingen, ngài vẫn có mối quan hệ tuyệt vời với thần học gia Thụy Sĩ Hans Küng người mà, sau đó, trong nhiều thập kỷ, đã truy kích ngài, theo nghĩa đen, bằng những lời vu khống, chẳng hạn cho rằng ngài là kẻ ham quyền khủng khiếp, rằng ngài đã thiết lập một hệ thống giám sát y như Stasi [Bộ anh ninh quốc gia] và sau khi từ chức, ngài có ý định quản trị như một “Giáo Hoàng trong bóng tối”. Vả lại, ông có lối sống khác xa với ngài. Trong khi đồng nghiệp của ngài dùng xe hiệu Alfa Romeo, ngài vẫn ngồi trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Đối với ngài, đó thực sự là một nhà đại tư sản?

Chắc chắn, ông có nguồn gốc khác, ông đến từ Thụy Sĩ, gia đình ông sở hữu một hiệu giày, một ngôi nhà đẹp kiểu trưởng giả. Đó là một môi trường hoàn toàn khác với tôi, chắc chắn là thế.

- Một trong những công thức quen thuộc của ngài là: “Tôi hoàn toàn đồng thuận với đồng nghiệp Küng của tôi,” và Küng tuyên bố: “Về cơ bản, tôi đồng ý với đồng nghiệp Ratzinger của tôi”. Cả hai vị đã tham gia xuất bản loạt tác phẩm trong đó cũng có sách của Küng với tựa đề Giáo Hội là gì?[10]

Vào thời điểm đó, tôi thực sự cảm thấy rằng điều ấy không thể tiếp tục, và tôi quyết định rút khỏi việc xuất bản này. Tôi vẫn cộng tác trong việc xuất bản sách của ông, nhưng tôi nghĩ rằng đây là lần cuối cùng.

- Ngài báo việc rút lui với ai?

Tôi đã viết rằng tôi không còn là đồng chủ biên nữa.

- Ngài đã viết cho Küng chứ?

Có lẽ viết cho cả Herder. Tôi không nhớ.

- Ngài không biện minh?

Để làm gì cơ chứ?

- Küng phải thấy bị xỉ nhục.

Chúng tôi không bao giờ cãi nhau, nhưng chúng tôi đã buộc phải thừa nhận – cuối cùng có lẽ tôi rõ ràng hơn ông ấy – rằng sự khác biệt của chúng tôi chỉ có thể thêm trầm trọng.

- Ngày 25 tháng 7, trong bầu không khí căng thẳng của năm 1968, là ngày công bố Thông điệp Humanae Vitae, một thông điệp nổi tiếng của Đức Phaolô VI, được gọi là phương pháp chống thụ thai bằng thuốc viên. Lúc đó, ngài nghĩ gì về điều này?

Humanae Vitae là một văn bản có vấn đề đối với tôi trong hoàn cảnh này và trong bối cảnh suy tư thần học thời bấy giờ. Thông điệp chứa đựng các yếu tố giá trị, rõ ràng, nhưng cách thức lập luận là không đúng đắn đối với chúng tôi, đối với tôi, vào thời điểm đó. Tôi mong muốn một tầm nhìn nhân học phong phú hơn. Thực tế, sau này Đức Gioan Phaolô II đã bổ sung cho thông điệp này, nổi bật bởi luật tự nhiên, cộng thêm một quan điểm về nhân vị.

- Sau đó, Hans Küng, như chúng ta đã nói, sẽ nổi lên như một đối thủ đáng gờm. Chẳng phải như Mozart và đối thủ của ông là Salieri, nhưng ngài vẫn mang tiếng xấu rất nhiều do đồng nghiệp cũ này, nhất là sau khi ngài được bầu năm 2005. Điều gì ẩn sau sự kiện đó?

Vâng, hành trình thần học của ông đã chuyển hướng và liên tục cực đoan hơn. Tôi không thể, tôi sẽ không theo ông. Còn tại sao ông coi tôi là kẻ thù riêng, tôi không biết. Cuối cùng, ngoài tôi, những người khác đã viết chống lại ông, bắt đầu là Rahner.

- Các cuộc tấn công chống lại ngài vẫn tiếp tục cho đến cùng?

Thực tế là như vậy.

- Trong thời gian Công Đồng, ngài đã cộng tác với Karl Rahner,[11] và Hans Küng tiến cử ngài nhận ghế giáo sư tại Tübingen và đến lượt mình, ngài giới thiệu Metz, một người cánh tả, kế nhiệm ngài tại Münster. Phải chăng ngài đã đổi phe vào một thời điểm nào đó? Điều gì đã xảy ra?

Tôi nhận thấy rằng thần học không chỉ là giải thích về đức tin của Giáo Hội Công Giáo, nhưng chính thần học đã sáng tạo ra những gì có thể là và phải là. Đối với tôi, với tư cách một nhà thần học Công Giáo, điều đó không dung hòa với thần học được.

- Vào thời điểm đó, đã có một bản kiến nghị bãi bỏ đời sống độc thân, và ngài đã ký. Phải chăng đó là một sai lầm?

Bản dự thảo do Rahner và Lehmann chuẩn bị đã được thảo luận tại Ủy ban giáo lý của Hội Đồng Giám Mục Đức, và chúng tôi cùng tham dự. Văn bản này rất ngoắt ngoéo, như thường thấy nơi Rahner. Một mặt, ông bảo vệ đời sống độc thân, trong khi lại mời người khác tranh luận và suy tư thêm. Nếu tôi đã ký, đó là bởi tình bạn với những người khác. Rõ ràng điều này không phải là đúng đắn. Tôi khẳng định đó không phải là yêu cầu bãi bỏ luật độc thân, mà là một văn bản điển hình của Rahner, khó hiểu, chẳng có cũng chẳng không, mà người ta có thể giải thích theo nghĩa này hơn nghĩa khác.

- Ngài đã luôn từ chối thừa nhận bất kỳ sự trở mặt nào đối với tư tưởng trước đây của ngài?

Tôi nghĩ rằng đọc các tác phẩm của tôi thì đủ để được thuyết phục.

- Chúng ta nói về giai đoạn khởi đầu nóng nhất trong cuộc nổi dậy của sinh viên, bằng cách biểu tình ngồi, phong tỏa, bãi khóa. Ngài đã tham gia sát sao các sự kiện này chứ?

Không, tôi không tham gia.

- Với vẻ trẻ trung nhanh nhẹn, ngài có thể đi bất cứ nơi nào, người ta xem ngài như một sinh viên?

Có lẽ vậy (Cười). Vào giai đoạn đó, tôi có mối liên hệ thân thiết với khoa trưởng phân khoa luật, giáo sư Peters, người sống gần nhà tôi. Trong thời gian này, tình cờ tôi cũng gia nhập hiệp hội Freiheit der Wissenschaft (Tự do trong khoa học), do Hans Maier lôi kéo. Chúng tôi cộng tác chặt chẽ với các đồng nghiệp cố gắng ngăn chặn để tất cả điều ấy không suy thoái hoàn toàn.

- Cuộc nổi dậy của sinh viên có thực sự làm cho ngài bị chấn thương tâm thần như Hans Küng đã lặp đi lặp lại không mệt mỏi?

Không. Vả lại, không có bất kỳ sự cố nào xảy ra trong các khóa học của tôi. Nhưng nỗi lo sợ bao trùm là một kinh nghiệm bi đát.

- Năm 1970, Hans Küng đã phối hợp xuất bản cuốn sách nhỏ tựa đề “Không thể sai lầm” của ông? Một lối chất vấn [12] Thông điệp Humanae Vitae. Từ khi ngài khẳng định trong bản báo cáo về cuốn sách do đồng nghiệp soạn thảo nằm ngoài phạm vi đạo lý Công Giáo, thì phải chăng rõ ràng là mọi liên hệ hoàn toàn bị cắt đứt?

Vâng, tất nhiên là như thế.

- Ngài đã góp phần ở mức độ nào cho việc Giáo Hội rút tư cách giáo sư giảng dạy thần học của ông vào năm 1979?

Tôi hoàn toàn không tham gia trực tiếp vào vấn đề này. Trong những năm trước, người ta đề nghị tôi cho ý kiến về yêu cầu chuyên môn, và tôi đã luôn nói, hãy để ông bình tâm. Tôi cảm thấy cần phải xác định rõ rằng, ông đã sai lầm về phương diện thần học, nhưng tôi không bao giờ tư vấn để ra hình phạt cho ông. Đức Hồng Y Franjo Seper, vị tiền nhiệm của tôi tại Bộ Giáo Lý Đức Tin, cực kỳ khó chịu khi không có gì xảy ra. Ngài đã thực sự tức giận. Ngài nói: “Trong vòng mười lăm năm tôi ở đây, người ta phá hủy Giáo Hội và chúng ta không can thiệp. Nếu chúng ta để điều ấy xảy ra, tôi sẽ ngừng tất cả”. Ngài không thể chịu nổi tình hình này thêm nữa.

Việc không hành động như thế động đến lương tâm của ngài. Sau đó, Đức Gioan Phaolô II mời các Hồng y người Đức - Höffner, Volk, và tôi, cũng như Tổng Giám mục giáo phận Fribourg và Giám mục Rottenburg - Stuttgart, đó là vào thời điểm lễ Giáng sinh – đến thảo luận vấn đề với ngài. Nhưng quyết định đã được đưa ra. Và, mặc dù Giám mục Rottenburg không có ý kiến, chúng tôi đồng thuận rằng, không cần trở lại việc này nữa, nhưng phải thừa nhận.

- Việc kết án Küng đã được quyết định, như ông khẳng định, mà ông không được lắng nghe và không được tiếp cận tài liệu?

Không. Tất nhiên, lúc đó tôi chưa đến Rôma, nhưng phải tuân thủ các trình tự tố tụng. Không có thói quen đưa ra các chi tiết của một vụ án, nhưng ông biết rõ làm sao những điều đó xảy ra, ông đã được hỏi và có thể trả lời.

 

Ratisbonne (1969-1977)

LTS: Tất cả kết thúc tốt đẹp. Vị giáo sư trẻ trở lại quê hương Bavaria của mình, chị gái Maria và anh trai Georg rất vui lòng. Ratzinger được bầu làm trưởng phân khoa Công Giáo, rồi Phó viện trưởng đại học năm 1976. Ngài ước muốn củng cố công trình thần học của mình. Chính trong thời gian này, ngài xuất bản các tác phẩm lớn như Sự chết và thế giới bên kia: khảo luận ngắn về niềm hy vọng Kitô giáo,[13] và Dân mới của Thiên Chúa,[14] trong đó ngài bàn luận đặc biệt về “tính tập đoàn của các Giám mục” và “canh tân Giáo Hội”. Cuối cùng, ngài có thể đề cập nhiều vấn đề, nhất là về cái chết và sự bất tử, sự sống đời đời, sự trở lại của Chúa Kitô và cuộc phán xét cuối cùng. Ngài xem tác phẩm viết về chủ đề này, tựa đề “Cánh chung luận”, là tác phẩm thành công nhất của ngài.

***

- Ngài không bao giờ ở lâu tại một nơi. Có lẽ như một người cô độc, không nhất thiết phải thích nghi. Ngài đã rời Bonn, Münster, rồi Tübingen?

Tôi cũng làm Tổng trưởng từ 1982 tới 2005.[15]

- Nhưng ngài đã định dừng lại khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên?

Có lẽ vậy. Đồng thời, rõ ràng điều này đã không thực hiện được (Cười).

- Đối với Ratisbonne, nơi ngài dự định ở lại, nhưng rồi lại không thể. Đó có phải điều may mắn nhất trong đời ngài không?

Vâng, chúng ta có thể nói như thế.

- Ngài đã định cư ở Ratisbonne, đã xây dựng một ngôi nhà cho anh trai, chị gái và ngài, rồi ngài phải miễn cưỡng rời bỏ. Ngài đã rất sầu não khi đích thân sứ thần Tòa Thánh thông báo Đức Giáo Hoàng muốn chỉ định ngài làm Giám mục Munich. Ngài đã sững sờ và không thông cảm, không chỉ vì điều này khiến ngài không còn được dạy thần học, vốn được ngài xem như nghề nghiệp thực sự của mình. Ngài cũng nhận định, như ngài bày tỏ sau này, giới cầm quyền phải nhận thức về sự “thiếu kinh nghiệm của ngài trong lãnh đạo và quản trị”. Đây có phải là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời ngài, bước ngoặt kết thúc những ước mơ?

Vâng, nhưng mỗi người đều biết rằng, chúng ta không thể sống theo những ước mơ.

- Sau một đêm chiến đấu nội tâm, ngài ký vào bản tuyên bố chấp thuận tại một căn phòng khách sạn ở Ratisbonne. Đó là khách sạn nào vậy?

Đó là – lạy Chúa tôi, tên khách sạn đó là gì nhỉ? Khi anh đi từ nhà ga và vào thành phố..., dù sao thì cũng có một khách sạn bên phải. Tôi không biết khách sạn ấy còn tồn tại không nữa.

- Như ngài viết trong hồi ký, cha giải tội của ngài, người mà cùng ngài nói chuyện trong đêm bi thảm này, là giáo sư Johann Auer, “đã có một cái nhìn rất thực tế về giới hạn [của các ngài] về phương diện thần học cũng như con người”. Ngài nghĩ gì về cụm từ “giới hạn về phương diện con người”?

Nói thế nào nhỉ, ngài nghĩ rằng tôi vẫn còn phải học hỏi nhiều, rằng còn lâu tôi mới hoàn hảo, và có những vấn đề. Chúng tôi là những người bạn, và với danh nghĩa ấy mà ngài góp ý tôi trong tình huynh đệ - chính vì ngài đã hiểu được những hạn chế của tôi.

- Ông cũng khuyến khích ngài vượt qua bước này?

Vâng, điều này hết sức hài hước. Tôi đợi ngài nói: “Không, cha không thể làm điều đó!”. Nói chung, bởi vì ngài không ngừng nói với tôi: “Điều đó không dành cho cha!”; hoặc góp ý tôi vì đã làm điều này điều kia sai,... Vì vậy, tôi chắc rằng ngài sẽ trả lời: “Điều đó không dành cho cha!”.

- Bởi vì có lẽ ông biết tính ngài nhút nhát?

Tôi không nghĩ vậy. Có lẽ một chút thôi, nhưng...

- Theo như một trong những trợ lý cũ của ngài, ngài quá giữ gìn ý tứ đến nỗi cần phải thực sự hiểu biết ngài để giúp ngài ra khỏi vỏ ốc?

(Cười). Hơi phóng đại một chút.

- Nơi Auer, trong mọi trường hợp, ngài đang ở trước một người mà cùng với người này, ngài có thể đề cập đến các chủ đề thậm chí rất cá nhân?

Vâng.

 

Munich (1977-1982)

LTS: Sau gần hai mươi lăm năm giảng dạy tại các trường đại học Đức, tiến sĩ Joseph Ratzinger được Đức Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Munich và Freising ngày 25 tháng 3 năm 1977. Thủ phủ miền Bavaria phát hiện ra một trong những nhà phân tích xã hội có sức thuyết phục nhất, với sự đóng góp rõ ràng cho vấn đề đạo đức của thời đại chúng ta. Những bài giảng lễ của ngài rất được ưa thích. Hàng loạt tác phẩm xuất hiện: Eucharistie. Mitte der Kirche (Thánh Thể: Giữa lòng Giáo Hội); Christlicher Glaube und Europa (Đức tin Kitô giáo và Châu Âu); Glaube, Erneuerung, Hoffnung (Đức tin, đổi mới, hy vọng), với phụ đề Theologisches Nachdenken über die heutige Situation der Kirche (Suy tư thần học về tình hình hiện tại của Giáo Hội).

***

- Đức Phaolô VI qua đời vào ngày 06 tháng 8, năm 1978. Sau cuộc họp ngắn tại Thượng Hội Đồng Giám Mục một năm trước đó, Mật nghị cho ngài cơ hội lần đầu tiên thiết lập mối quan hệ cá nhân với Karol Wojtyla, Hồng y của Cracovie. Ngài có kỷ niệm về sự kiện này chứ?

Tôi đã rất ấn tượng bởi những vấn đề ngài nói trong các buổi họp tiền Mật viện. Ngài đã làm cho tôi ấn tượng về một con người suy tư, được huấn luyện vững chắc về triết học; một người đặc biệt thánh thiện và đầy lòng tin, nồng nhiệt và nhân từ. Ấn tượng này được xác nhận khi tôi gặp ngài. Một người trí tuệ và hài hước, với lòng nhân ái và đức tin nồng nàn.

- Các ngài nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ nào?

Bằng tiếng Đức. Ngài nói tiếng Đức rất tốt. Đó là sinh ngữ đầu tiên mà ngài đã học trong năm đầu tiên tại trường đại học, và cũng là ngôn ngữ ngài làm chủ tốt nhất.

- Cũng như ngài, Karol Wojtyla, đầu tiên làm Giám mục phụ tá và sau đó làm Tổng Giám mục Cracovie, tham gia dự Công Đồng. Phải chăng trước đó, các ngài không gặp nhau tại Rôma?

Tại Công Đồng thì không. Nhưng tôi đã nghe nói về ngài. Tôi biết ngài là một triết gia và ngài đã nói chuyện tại hội nghị triết học ở Napoli.[16]

- Mật nghị tháng Tám công bố Đức Albino Luciani trở thành Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, “Giáo Hoàng của nụ cười”, như người ta sớm gọi. Và chỉ ba mươi ba ngày sau, Giáo Hội Công Giáo phải đưa vị Tân Giáo Hoàng đến mộ. Hội nghị lớn của Giáo Hội lại tiếp tục họp. Với tư cách là Hồng y của Munich, ngài tham dự hai Mật nghị. Một sự kiện giật gân sẽ xảy ra. Thật vậy, lần đầu tiên trong năm trăm năm, một Giáo Hoàng không phải người Italia được bầu, đó là Đức Karol Wojtyla. Ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử này chứ?

Không, tôi không nghĩ thế. Tôi là một trong những Hồng y trẻ nhất, vả lại, tôi sẽ không được phép khẳng định một vai trò nào đó. Về cơ bản, tôi phản đối các âm mưu và những điều tương tự, nhất là đối với bầu cử Giáo Hoàng. Mọi người đều phải bỏ phiếu đúng với lương tâm của mình. Rõ ràng, những người nói tiếng Đức đã thảo luận với nhau, nhưng không có bất kỳ thỏa thuận nào.

- Tuy vậy, người ta nói rằng những tham dự viên nói tiếng Đức, được dẫn dắt bởi Đức Hồng y König của Vienna, rất ủng hộ việc lựa chọn Đức Wojtyla?

Được ủng hộ, chắc chắn là có rồi.

- Và ngài hoàn toàn giữ khoảng cách?

Tất cả những gì tôi có thể nói là, bên ngoài Mật nghị, Đức Hồng y König đã thảo luận với các Hồng y khác. Những gì diễn ra bên trong vẫn là và sẽ vẫn là bí mật. Trong tư cách là Tân Tổng Giám mục, tôi xa tránh tất cả các hoạt động công cộng. Chúng tôi, các Hồng y nói tiếng Đức, gặp nhau để cùng thảo luận về một số điểm. Nhưng về mặt cá nhân, tôi không làm chính trị theo bất kỳ cách nào. Điều này dường như không phù hợp với hoàn cảnh của tôi.

- Chiến thắng của Hồng y người Ba Lan có làm ngài sợ hãi?

Không. Tôi đã bỏ phiếu cho ngài. Đức Hồng y König đã nói chuyện với tôi. Và cuộc gặp của chúng tôi, mặc dù ngắn ngủi, đã thuyết phục tôi rằng ngài thực sự là người thích hợp.

- Triều đại Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo Rôma bắt đầu ngày 16 tháng Mười, năm 1978. Con người mới này, được giới thiệu như người đến từ “đất nước xa xôi”, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên thay đổi, sẽ làm biến chuyển thế giới mà không ai có thể tưởng tượng. Cuộc bầu cử Đức Wojtyla đã đặt ngài vào hoàn cảnh mới. Bởi vì, người vừa được bầu làm Giáo Hoàng muốn ngài ở bên cạnh, tại Rôma?

Tôi vẫn chưa biết ngài, nhưng tôi đã không mất nhiều thời gian để tìm hiểu.

- Ngài có thể nói rõ? Chính xác ngài nhận được lời mời đầu tiên này khi nào?

Tôi không còn nhớ chính xác ngày tháng. Tôi biết ngài muốn tôi đến. Một năm trước đó, cần một bổ nhiệm mới cho Bộ Giáo Dục Công Giáo. Ngài đã muốn tôi nhận vị trí đó. Tôi trả lời: “Không thể được. Điều đó làm cho tôi có ít thời gian ở Munich, tôi đã hứa, tôi không thể đi như thế”. Vì vậy, Đức Hồng y Baum của Washington đã được bổ nhiệm. Nhưng sau đó tôi không thể từ chối. Cuối cùng, tôi vẫn đặt ra một điều kiện, mà đối với tôi, dường như không thể chấp nhận được. Tôi nói: “Tôi chỉ có thể đồng ý nếu tôi được phép tiếp tục xuất bản”. Lúc đầu, ngài do dự, ngài hỏi thăm và biết rằng Đức Hồng y Garrone, người đảm nhận trách nhiệm này cùng với Đức Hồng y Baum, đã xuất bản. Vậy nên, ngài nói: “Đồng ý”.

- Chẳng phải là làm bẽ mặt Đức Giáo Hoàng vì áp đặt điều kiện sao?

(Cười). Có lẽ vậy, nhưng tôi cảm thấy mình phải làm điều đó. Bởi vì tôi hết sức tin tưởng rằng, đó là bổn phận của tôi để có thể nói điều gì đó cho nhân loại.

 

***

XEM THÊM

 

 

* Phần I: CHUÔNG THÀNH RÔMA

- Chương I: Những ngày bình yên tại Đan Viện Mater Ecclesiae, Vatican

- Chương II: Từ Chức

- Chương III: Tôi không từ bỏ Thập Giá

* Phần II: CHUYỆN NGƯỜI PHỤC VỤ

- Chương I: Gia đình và Thời thơ ấu

- Chương II: Chiến tranh

- Chương III: Sinh viên, linh mục giúp xứ, giảng viên

- Chương IV: Tập sự và ngôi sao thần học

- Chương V: Công đồng: Giữa mơ ước và chấn thương

- Chương VI: Giáo sư và Giám mục

- Chương VII: Tổng trưởng

* Phần III – GIÁO HOÀNG CỦA CHÚA GIÊSU

- Chương I: Và bỗng nhiên làm Giáo Hoàng

- Chương II: Những khía cạnh của việc làm Giáo Hoàng

- Chương III: Tông du và gặp gỡ

- Chương IV: Những thiếu sót và các vấn đề...

* Kết luận

- Tiểu sử

 

 

 

 


[1] Hans Urs von Balthazar (1905-1988), người Thụy Sĩ. Sau khi đậu tiến sĩ tại Đại Học Zurich vào năm 1929, Balthazar gia nhập Dòng Tên và được thụ phong linh mục trong Dòng vào năm 1939, tại Munich. Khi sắp xảy ra Thế Chiến Hai, ngài buộc phải trở về Thụy Sĩ và làm tuyên úy sinh viên tại Đại Học Bâle. Tại đây, ngài gặp Adrienne von Speyr, một nhà vật lý vừa trở lại đạo Công Giáo, với một thiên bẩm huyền nhiệm diệu kỳ. Khoảng mười năm sau, Balthazar rời Dòng Tên để cùng Speyr sáng lập một tu hội đời (chú thích của người dịch).

[2] Phương ngữ Đức, nói ở Thụy Sĩ.

[3] Nguyên tác “Dogma un Verkündigung”.

[4] Hans Küng (sinh ngày 19 tháng 3 năm 1928) là một linh mục và giáo sư thần học Công Giáo người Thụy Sĩ. Năm 1962 ông được bổ nhiệm là cố vấn thần học cho Công Đồng Vatican II. Từ năm 1995 đến tháng 3 năm 2013, ông là Chủ tịch quỹ từ thiện Đạo đức Toàn cầu (Stiftung Weltethos). Küng tự xem mình là “một linh mục Công Giáo với quan niệm tốt”, nhưng Tòa Thánh Vatican đã tước quyền dạy thần học Công Giáo của ông. Năm 1979, ông phải rời bỏ khoa dạy về lý thuyết Công Giáo, nhưng vẫn tiếp tục giảng dạy thần học Đại kết tại Đại học Tübingen và trở thành giáo sư danh dự từ năm 1986. Mặc dù Küng bị cấm dạy thần học Công Giáo, Tòa Thánh vẫn không tước bỏ vị trí trong Giáo Hội của ông (chú thích của người dịch).

[5] Lúc ấy, Georg Ratzinger là Quản ca tại nhà thờ chính tòa Ratisbonne và điều khiển “Domspartzen”, ca đoàn thiếu nhi nổi tiếng.

[6] Khu phố cổ của những người trồng nho ở Tübingen, trong thành phố cổ.

[7] Thần học gia Tin Lành người Thụy Sĩ, được coi là thần học gia Tin Lành nổi bật nhất của thế kỷ XX... Công trình đáng quý nhất của ông có lẽ là “thần học về Ngôi Lời” (10/5/1886 –10/12/1968). (Chú thích của người dịch).

[8] Nikolaus Schneider, Chủ tịch Giáo Hội Tin Lành vùng Rhénanie từ 2003-2013.

[9] Nguyên tác: Einführung in das Christentum.

[10] Nguyên tác: Die Kirche.

[11] Sinh ngày 5 tháng 3 năm 1904, Karl Rahner vào tu Dòng Tên năm 1922, thụ phong linh mục năm 1932. Karl Rahner là học trò của triết gia Martin Heidegger tại Ðại Học Freibourg trong vòng hai năm. Năm 1936, Karl Rahner dọn xong luận án tiến sĩ Triết Học về đề tàiTri Thức Luận theo thánh Tôma Aquino. Luận án nầy sau đó được xuất bản bằng tiếng Pháp vào năm 1968, với tựa đề là “Tinh Thần Trong Thế Giới” (Esprit dans le monde).

Năm 1962, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII bổ nhiệm giáo sư Karl Rahner là chuyên viên của Ủy Ban Thần Học của Công Đồng Vatican II. Trong tư cách này, Karl Rahner đã đóng vai trò quan trọng trong việc soạn thảo hai Hiến chế tín lý của Công Ðồng Vatican II, là Hiến Chế về Mạc Khải Dei Verbum (Lời Thiên Chúa), và Hiến chế tín lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân” (Lumen Gentium).

Năm 1965, cùng với hai thần học gia Yves Congar và Edward Schillebeeckx, Karl Rahner thành lập tạp chí quốc tế về thần học, có tên gọi là “CONCILIUM” (Công Ðồng). Ðồng thời, từ năm 1964, giáo sư Karl Rahner giảng dạy thần học tại Munich nơi tòa giáo sư Romano Guardini.

Từ năm 1959 cho đến năm 1970, giáo Sư Karl Rahner đã xuất bản 12 Quyển “Luận Ðề Thần Học” (Ecrits théologiques). Năm 1983, xuất bản tập sách nổi tiếng có tựa đề là: “Luận đề Căn bản về Ðức Tin” (Traité fondamental de la Foi). Giáo Sư Karl Rahner qua đời năm 1984, hưởng thọ 80 tuổi, tại Innsbruck.

Những suy tư thần học của Karl Rahner đã đóng góp nhiều cho dòng suy tư thần học của Giáo Hội Công Giáo, nhất là trong những gì liên quan đến Thần Học về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Kitô Học, về Ân Sủng, về Giáo Hội và các Bí Tích (chú thích của người dịch).

[12] Nguyên tác: Unfehlbar.

[13] Nguyên tác: Das Geheimnis von Tod und Auferstehung.

[14] Nguyên tác: Das neue Volk Gottes. Entwürfe zur Ekklesiologie

[15] Bộ Giáo Lý Đức Tin.

[16] Hội nghị quốc tế về học thuyết Tôma, 1974.