Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:51

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Hãy Sẵn Sàng Để Chúa Viếng Thăm Featured

Joseph C. Pham

 

LTS: Sáng Chúa Nhật 27-11-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Kinh Truyền Tin cùng với hơn 40 ngàn tín hữu và khách hành hương. Trong bài chia sẻ, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy mở rộng các chân trời của trái tim, để được kinh ngạc bởi cuộc sống được thể hiện mỗi ngày bằng sự mới mẻ của nó, qua đó nhận thấy được Thiên Chúa đang viếng thăm.

***

***

 

 

Anh Chị Em Thân Mến, xin chào buổi sáng.

Hôm nay trong Giáo Hội chúng ta bắt đầu một năm phụng vụ mới, đó là, một hành trình của niềm tin đối với dân Thiên Chúa. Và như thường lệ, chúng ta bắt đầu bằng Mùa Vọng.

Thông điệp của bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta một trong những chủ đề mang tính đặc trưng nhất của mùa Vọng: Thiên Chúa viếng thăm nhân loại. Chuyến thăm đầu tiên đã được thực hiện khi Nhập Thể, sự hạ sinh của Chúa Giêsu nơi hang đá Bethlehem. Cuộc thăm viếng thứ hai là trong hiện tại: Chúa viếng thăm chúng ta liên tục mỗi ngày, Ngài đồng hành bên cạnh chúng ta và là một sự hiện diện ủi an. Và cuối cùng sẽ là chuyến thăm sau cùng, mà chúng ta tuyên xưng mỗi khi chúng ta đọc Kinh Tin Kính: “Ngài sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Hôm nay Chúa nói với chúng ta về chuyến viếng thăm sau cùng này trong các chuyến thăm của Ngài, một chuyến thắm sẽ xảy ra vào thời sau hết, và Ngài nói cho chúng ta hành trình của chúng ta sẽ kết thúc ở đâu.

Lời Chúa nhấn mạnh sự tương phản giữa sự phát triển bình thường của mọi sự và nếp sống hằng ngày, và sự ngự đến đột ngột của Chúa. Chúa Giêsu nói, “Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy” (câu 38-39).

Điều đó luôn tạo một ấn tượng nơi chúng ta khi chúng ta nghĩ về giờ diễn ra trước đại hoạ: mọi người đều bình thản, đang làm những điều rất đỗi bình thường của mình, mà không nhận ra rằng đời sống của họ sẽ thay đổi.

Tin Mừng không muốn làm cho chúng ta sợ hãi, nhưng thay vào đó mở ra các chân trời của chúng ta cho đến chiều kích sau cùng, lớn lao hơn, vốn làm tương đối hóa mọi sự và đồng thời, làm cho chúng trở nên có giá trị và mang tính quyết định. Một mối quan hệ với Thiên Chúa là Đấng sẽ đến thăm chúng ta sẽ mang lại ánh sáng khác biệt, một sức nặng, một giá trị mang tính biểu tượng, đối với mọi thứ.

Từ cách tiếp cận này cũng xuất hiện một lời mời gọi đến sự tỉnh thức, để không bị thống trị bởi những thứ thuộc về thế gian này, bởi những thực tại vật chất, nhưng thay vào đó là điều khiển chúng.

Nếu trái lại chúng ta để cho bản thân chúng ta bị điều kiện và bị thống trị bởi những thứ này, thì chúng ta không thể nhận biết rằng có một điều gì đó quan trọng hơn: cuộc gặp gỡ sau cùng của chúng ta với Chúa là Đấng đến trước chúng ta. Trong thời khắc ấy, như Tin Mừng nói, “Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi” (câu 40). Đó là một lời mời gọi đến với sự tỉnh thức, vì khi chúng ta không biết khi nào Ngài sẽ đến, thì chúng ta phải luôn sẵn sàng để ra đi.

Trong Mùa Vọng này, chúng ta được mời gọi để làm mở rộng các chân trời của trái tim, để được kinh ngạc bởi cuộc sống được thể hiện mỗi ngày bằng sự mới mẻ của nó. Để thực hiện điều này chúng ta cần phải học cách đừng lệ thuộc vào những đảm bảo của chúng ta, vào các kế hoạch đã hoạch định của chúng ta, vì Thiên Chúa đến vào giờ mà chúng ta không mong đợi. Ngài đến để giới thiệu cho chúng ta một chiều kích mới vốn lớn lao hơn và tuyệt vời hơn.

Mẹ Chúng Ta, Đức Trinh Nữ của Mùa Vọng, sẽ giúp chúng ta để không coi chính bản thân chúng ta là những người làm chủ cuộc đời mình, để không kháng cự lại khi Chúa đến thay đổi cuộc sống của chúng ta, nhưng sẵn sàng để để cho bản thân chúng ta được Ngài thăm viếng., vị khách tuyệt vời và đáng được mong đợi này, ngay cả khi Ngài phá vỡ các kế hoạch của chúng ta.

(Chuyển ngữ từ ZENIT)