LTS: Sáng ngày 29-11-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Cộng Hòa Trung Phi. Đức Thánh Cha hội kiến riêng với Nữ Tổng thống lâm thời Catherine Samba-Panza tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Bangui. Sau đó Đức Thánh Cha đã gặp giới chức chính quyền trung ương và thủ đô Cộng Hòa Trung Phi, đoàn ngoại giao các nước và đại diện nhiều tổ chức quốc tế đang làm việc tại Cộng Hòa Trung Phi. Tại buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã phát biểu với các nhà hoạt động chính trị và chính quyền Cộng Hòa Trung Phi:
***
“Kính thưa Bà Quốc trưởng lâm thời,
Quý vị chức trách chính quyền,
Quý vị trong Ngoại giao đoàn,
Quý vị Đại diện các Tổ chức Quốc tế,
Quý Đức cha,
Quý bà và Quý ông,
Tôi vui mừng được gặp quý vị tại nơi đây. Trước hết tôi xin bày tỏ lòng biết ơn quý vị đã thịnh tình đón tiếp tôi và cảm ơn Bà Quốc trưởng đã có những lời chào mừng thật quý mến. Tại nơi này, theo một ý nghĩa nào đó, là nhà của mọi người Trung Phi, tôi vui mừng được bày tỏ, qua bà và quý quan chức đang hiện diện, lòng quý mến và sự gần gũi về tinh thần của tôi đối với tất cả đồng hương của quý vị. Tôi cũng xin chào quý vị trong Ngoại giao đoàn và quý vị đại diện các Tổ chức quốc tế. Hoạt động của quý vị đang gợi lên lý tưởng về sự liên đới và hợp tác cần được vun trồng giữa các dân tộc và các quốc gia.
Giữa lúc Cộng Hòa Trung Phi đang trên đà chuyển biến, bất chấp khó khăn, hướng đến việc bình thường hoá cuộc sống xã hội và chính trị, tôi được đến quốc gia này lần đầu tiên, tiếp bước vị tiền nhiệm của tôi là Thánh Gioan Phaolô II. Tôi đến đây như một người hành hương hòa bình và như một tông đồ của niềm hy vọng. Vì thế, tôi muốn bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực của các giới chức trong nước và quốc tế, những nỗ lực này khởi sự từ Bà Quốc trưởng đã đưa quốc gia đạt đến cột mốc này. Mong ước thiết tha của tôi là những cuộc bàn thảo trên phạm vi toàn quốc được tổ chức trong những tuần lễ sắp tới sẽ đưa đất nước bước sang một trang sử mới cách êm ả.
Để làm bừng lên viễn cảnh ấy, đã có phương châm của nước Cộng Hòa Trung Phi, diễn tả niềm hy vọng của các vị đi tiên phong và ước mơ của các bậc tổ phụ lập quốc: Thống nhất-Phẩm giá-Lao động. Ngày nay, hơn bao giờ hết, phương châm ba điểm này diễn tả khát vọng của từng người dân Trung Phi. Do đó, thực sự đây là chiếc la bàn giúp quý vị hữu trách đã được kêu gọi thực thi phận sự dẫn dắt vận mệnh đất nước. Thống nhất, phẩm giá, lao động! Ba từ rất ý nghĩa, mỗi từ đều thể hiện một dự án kiến thiết cũng như một chương trình bất tận, một công trình được tạo tác không ngừng.
Trước hết, là thống nhất. Điều này, chúng ta biết, là giá trị trụ cột giúp các dân tộc được hoà hợp với nhau. Sự thống nhất được thể hiện và xây dựng trên nền tảng của sự đa dạng tuyệt diệu của môi trường chúng ta sống, không phải lo sợ người khác, lo sợ người lạ, lo sợ những gì không thuộc chủng tộc của mình, không giống quan điểm chính trị với mình hoặc không cùng niềm tin tôn giáo như mình. Trái lại, thống nhất thì mời gọi sáng tạo và khích lệ sự tổng hoà các nét phong phú do mỗi cá nhân mang lại. Thống nhất trong đa dạng là một thách đố thường xuyên, là điều đòi hỏi tính sáng tạo, lòng quảng đại, hy sinh và tôn trọng người khác.
Tiếp đến, là phẩm giá. Đúng là giá trị đạo đức này đồng nghĩa với trung thực, trung thành, nghĩa hiệp và danh dự, đó là những đặc điểm của những người, nam cũng như nữ, ý thức về quyền và nghĩa vụ của mình, giúp họ biết sống tôn trọng nhau. Mỗi người đều có phẩm giá. Tôi thích thú khi tìm hiểu Trung Phi, biết đây là đất nước của “Zo kwe zo”, ai cũng là người có tên có tuổi. Phải làm mọi cách để bảo vệ điều kiện sống và phẩm giá của cá nhân con người. Những người có điều kiện hưởng một cuộc sống tươm tất, thay vì quan tâm đến đặc quyền đặc lợi, phải tìm cách giúp đỡ những người nghèo hơn mình, giúp họ có được những điều kiện sống xứng hợp phẩm giá, đặc biệt qua việc phát triển tiềm năng của họ về nhân bản, văn hóa, kinh tế và xã hội. Do đó, được học hành và chữa bệnh, chống suy dinh dưỡng, cố gắng bảo đảm cho mỗi người được chỗ ở đàng hoàng phải là những việc đi đầu trong mối quan tâm phát triển phẩm giá con người. Quả thật, phẩm giá con người chúng ta được thể hiện qua việc chúng ta làm cho phẩm giá của đồng hương mình.
Cuối cùng, là lao động. Chính nhờ làm việc mà quý vị có thể cải thiện đời sống của gia đình mình. Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Không phải con cái có nhiệm vụ thu tích của cải cho cha mẹ, mà là cha mẹ phải thu tích của cải cho con cái” (2 Cr 12, 14). Việc làm lụng của cha mẹ nói lên tình yêu đối với con cái mình. Và quý vị, những người Trung Phi, có thể cải thiện đất nước tuyệt diệu này bằng cách khai thác nhiều tài nguyên của đất nước một cách khôn ngoan. Đất nước quý vị nằm trong khu vực được coi là một trong hai lá phổi của nhân loại do tính đa dạng sinh học đặc biệt phong phú của nó. Về điểm này, vốn đã được đề cập trong Thông điệp Laudato Si’, nay tôi muốn đặc biệt lưu ý mọi người, các công dân và những nhà lãnh đạo quốc gia, các thành viên trong cộng đồng quốc tế và các xã hội đa quốc gia, về trọng trách khi sử dụng các tài nguyên môi trường, khi đưa ra những quyết định và dự án phát triển có tác động cách này cách khác đến toàn bộ hành tinh. Công cuộc xây dựng xã hội thịnh vượng phải là một nỗ lực mang tính hợp tác. Nhân dân khôn ngoan sáng suốt của quý vị từ lâu đã hiểu được sự thật này, như tục ngữ đã có có câu: “Kiến dù nhỏ nhưng đông, nên tha được về tổ tích trữ”.
Rõ ràng cần phải nhấn mạnh về phía các cơ quan công quyền rằng sự liêm khiết trong việc điều hành và quản lý là điều rất quan trọng. Họ phải là người đầu tiên thể hiện một cách nhất quán những giá trị của phương châm thống nhất, phẩm giá và lao động, nêu gương cho đồng hương mình.
Lịch sử công cuộc Phúc âm hoá tại đất nước này và lịch sử chính trị xã hội của quốc gia này cho thấy sự dấn thân của Giáo hội trong việc cổ võ những giá trị của sự thống nhất, phẩm giá và lao động. Nhắc đến các vị đi tiên phong trong công cuộc Phúc âm hoá tại Cộng Hòa Trung Phi, tôi chúc mừng các anh em Giám mục của tôi, những người giờ đây đang gánh vác công việc này. Hiệp cùng các ngài, một lần nữa tôi xin được nói lên sự sẵn sàng của Giáo hội địa phương trong việc đóng góp hơn nữa vào việc cổ võ cho công ích, nhất là qua việc làm vì nền hòa bình và hòa giải. Hành động cho hòa bình và hòa giải. Tôi không chút hoài nghi các nhà hữu trách của Trung Phi, hiện tại và tương lai, sẽ làm việc không mệt mỏi nhằm bảo đảm cho Giáo hội được hưởng những điều kiện thích đáng để chu toàn sứ mạng tinh thần của mình. Như vậy Giáo hội sẽ có thể ngày càng đóng góp thêm vào việc “cổ võ điều tốt lành của từng người và của toàn thể con người”,[1] như cách diễn tả rất chí lý của vị tiền nhiệm của tôi là Chân phước Phaolô VI, vị giáo hoàng đầu tiên của thời hiện đại đã đến thăm châu Phi 50 năm trước, để khích lệ và khẳng định sự tốt lành của lục địa này trong buổi bình minh của thời đại mới.
Về phần tôi, tôi muốn bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, với đại diện ở đây là quý vị trong Ngoại giao đoàn và quý vị thuộc các Phái bộ Tổ chức quốc tế. Tôi hết lòng mong mỏi các cơ quan và tổ chức này tiếp tục con đường liên đới, tôi hy vọng sự dấn thân của quý vị, cùng với những hoạt động của các nhà hữu trách Trung Phi, sẽ giúp cho đất nước này được tiến lên, nhất là về việc hòa giải, giải trừ vũ khí, gìn giữ hòa bình, chăm sóc sức khỏe và vun trồng được một nền hành chính lành mạnh ở tất cả các cấp.
Để kết luận, tôi muốn được nói lên một lần nữa niềm vui được đến thăm đất nước tuyệt đẹp này, ở ngay trái tim châu Phi, là ngôi nhà cư trú của những người có lòng đạo sâu xa và được hưởng một nền văn hóa và tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào. Nơi đây tôi thấy một đất nước đầy hồng ân của Chúa! Chúc mọi người Trung Phi, gồm các nhà lãnh đạo và những người của đất nước này, luôn trân trọng giá trị của những hồng ân này bằng cách không ngừng hành động cho sự thống nhất, phẩm giá con người và nền hòa bình dựa trên công lý. Xin Chúa chúc lành cho tất cả quý vị! Cảm ơn quý vị.
[1] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (Phát Triển Các Dân Tộc), số 14.